text
stringlengths
465
7.22k
Chả dùng các loại thịt (có thể là thịt lợn, cá, tôm, cá mực tươi) băm hoặc giã nhuyễn, trộn gia vị và nướng chín bằng than hoặc hấp chín. Chả có các loại đặc biệt: chả quế, chả cốm (cho cốm lẫn với giò sống, hấp chín), chả mực, chả cá (cá quết nhuyễn, gia rau thì là và ép dẹt nướng hoặc hấp), chả bò, chả trái quất (viên chả thành viên nhỏ như quả quất, phết lòng đỏ trứng ra ngoài hấp chín sau đó đem nướng). Một số biến thể của món bò cuốn lá lốt cũng được gọi là các món chả như chả xương sông, chả lá lốt dùng thịt lợn.
Tiết canh là món tươi sống làm từ tiết lợn, tiết vịt, tiết ngan (đôi khi có cả tiết chó, tiết chim, tiết cua bể) đã được hãm cho khỏi đông, kết hợp với sụn, thịt băm nhỏ để kết đông sản phẩm. Ăn kèm lạc rang tách vỏ, hạt tiêu, ớt, rau thơm và thậm chí, nó có thể ăn với lòng lợn luộc. Có hai dạng biến thể của tiết: hoặc hoàn toàn tươi sống, hoặc có chần qua nước sôi một chút. Món tiết canh thường được các cơ sở y tế khuyến cáo vì có thể truyền nhiều thứ bệnh và ký sinh trùng như dịch tả, giun, sán, bệnh dại,...
Các nguyên liệu có thể làm chín thịt động vật có thể gồm: thính, phèo (chất sữa trong ruột non của lợn), nước cốt chanh. Các món thường thấy là nem chua: thịt xay hoặc giã nhuyễn trộn bì (da heo thái sợi) và hạt tiêu đen hoặc ớt cắt lát, bọc ngoài bằng lá chuối, lá ổi hoặc lá chùm ruột để vài ngày sẽ lên men chua tự nhiên. Tré dùng thịt đầu hoặc tai heo, trộn chung với thính, củ riềng thái sợi và hạt mè, gói trong lá chuối hoặc là ổi cũng để lên men chua tự nhiên. Thịt chua dùng thịt lợn lửng thái mỏng, trộn thính, để trong lọ hoặc ống tre, trúc. Các món này thường được ăn kèm với tỏi.
Là các loại quả ép bớt nước được làm gần tương tự như mứt nhưng thường được xào, ướp không chỉ với đường mà bắt buộc phải có gừng, cam thảo, muối ăn. Ô mai ban đầu thường sử dụng quả mơ và các loại quả cùng họ như mận, đào. Sau này có rất nhiều biến thể của món ô mai trong đó bao gồm cả các loại được nhập khẩu từ Trung Quốc và một số nước châu Á khác. Các loại ô mai chủ yếu hiện nay có thể kể tên: ô mai me, ô mai sấu, ô mai mơ, ô mai chà là, ô mai dứa, ô mai táo mèo, ô mai sơ ri v.v. Phố Hàng Đường Hà Nội nổi tiếng với hàng trăm loại ô mai, được nhiều người mua sử dụng trong các dịp lễ tết hoặc đem tặng.
Các loại rượu chưng, còn gọi là rượu đế, rượu cuốc lủi làm từ ngũ cốc lên men rất phổ thông trong toàn quốc. Nơi nào có người Việt Nam sinh sống, nơi đó có các loại rượu được nấu từ thóc, gạo tẻ, gạo nếp, sắn, hạt mít, ngô v.v. Địa phương nào cũng có thể có những nhà nấu rượu ngon, tuy nhiên, nhiều loại rượu chưng nổi tiếng được các địa phương khác thậm chí nước ngoài biết đến, như Rượu làng Vân (ở Bắc Ninh, còn gọi là "Vân hương mĩ tửu"), rượu Kim Sơn ở Ninh Bình, rượu Bầu Đá (Bình Định), Rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Rượu San Lùng, Rượu Thanh Kim làm từ mầm thóc nếp (Lào Cai), Rượu ngô Bắc Hà, Rượu Xuân Đài, Rượu Xuân Thạch (Trà Vinh), Rượu Hồng Đào (Quảng Nam), Rượu Gò Đen (Long An),...
Trà là thức uống phổ thông trong ẩm thực của người Việt cũng như hầu hết các nước châu Á khác. Dù cách uống trà kiểu Việt chưa được nâng lên thành nghi thức như nghệ thuật thưởng trà Trung Hoa hay thành một tôn giáo trong nghệ thuật sống như trà đạo Nhật Bản, nhưng người Việt vẫn sử dụng nước chè một cách phổ biến với hàng chục dạng thức: sử dụng búp chè sao khô (các loại trà đá, trà nóng rót ra chén), sử dụng lá chè bánh tẻ hoặc lá già để hãm nước chè xanh, hạt chè, hoa chè cũng được tận dụng nấu nước uống. Việt Nam có nhiều loại chè nổi tiếng có nguồn gốc từ miền Bắc như chè Thái (Thái Nguyên), chè Suối Giàng (Nghĩa Lộ), chè San Tuyết, chè Lâm Thao (Phú Thọ). Không chỉ được sử dụng nguyên chất, nhiều loại chè được ướp với các loại hoa có hương thơm như chè ướp hoa sen (dùng các hạt gạo sen), chè ướp hoa nhàitrà lài, chè ướp hoa sói, hoa ngâu v.v.
Việt Nam là một nước xuất khẩu cà phê, do đó nhiều loại cà phê được sử dụng ngày càng thịnh hành trong ẩm thực của người Việt tại khắp các vùng miền, đặc biệt tại các đô thị. Cà phê thường được pha, chiết bằng phin pha cà phê. Theo thuộc tính nhiệt, có thể kể ra hai cách uống phổ biến là cà phê nóng và cà phê đá, xét theo nguyên liệu phụ gia, cà phê thuần nhất gọi là cà phê đen, và cà phê sữa. Nước chiết cà phê cũng thường dùng để chế thêm vào một số loại nước sinh tố hay sữa chua cho hương vị đặc biệt. Ngày nay, cà phê hòa tan cũng là loại cà phê thông dụng.
Chè là một đồ ăn ngọt, dùng nhiều đường, có thể được ăn lạnh hay ăn nóng. Đặc tính của chè trải rộng từ loại dùng nhiều nước đường loãng (như chè trân châu, thạch chè, chè đỗ đen), cũng có thể nửa loãng nửa đặc như cháo (như chè bưởi, chè khoai môn) hoặc đặc sệt (chè bà cốt, chè đỗ xanh). Chè thường được dùng ăn tráng miệng hoặc ăn như một món quà vặt. Ở Việt Nam, các món chè được chế biến khá giản dị nhưng tinh tế: nguyên liệu chính thường là các loại ngũ cốc (đậu, đỗ các loại, gạo nếp, bột sắn dây, bột đao, bột năng, bột khoai); các nguyên liệu khác như thạch đen, thạch trắng, nước cốt dừa, trân châu; đường trắng, đường đỏ, mật mía; các hương liệu như gừng, tinh dầu hoa bưởi, dầu chuối, vani... được nấu chung với nhau cho mềm. Chè thường thấy nhất bao gồm các loại chè đỗ xanh (nấu đỗ xanh đặc), chè bà cốt (nấu gạo nếp, gừng, đường đỏ hay mật mía) có thể được ăn chung với xôi tạo thành món xôi-chè.
Tuy nhiên trong thực tế có rất nhiều loại chè, mỗi loại dùng một kiểu thành phần khác nhau. Có các loại chè như: chè con ong (hay chè bà cốt), chè đậu xanh, chè đậu đen, chè ngô cốm, chè đỗ đỏ, chè đỗ trắng, chè bưởi, chè thập cẩm, chè hạt sen long nhãn, v.v. Một món chè có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng cũng được nhiều người Việt biết tới là chè mè đen hay xí mè phủ (phát âm kiểu người Hoa) làm từ hạt mè đen và sâm bổ lượng (đúng ra chữ Nho phải đọc là "thanh bổ lượng"). Các món chè Huế và chè Hà Nội nổi tiếng vì phong phú, đa dạng chủng loại với chất lượng cao.
Ẩm thực Việt Nam đặc trưng với việc sử dụng rất nhiều loại mắm, nước chấm từ loãng đến đặc. Mắm, nước chấm có thể dùng nguyên chất, có thể chưng lên hoặc pha chế, phối trộn với ớt, gừng hoặc tỏi, hạt tiêu, đường, chanh hoặc giấm. Người sành nội trợ thường có kinh nghiệm đặc biệt để pha chế nước chấm tùy theo món ăn. Thậm chí, cùng nguyên liệu là nước mắm, dấm, đường, tỏi, ớt, dùng để ăn với món gì thì tỷ lệ các thành phần pha chế cũng khác nhau, như khi dùng chấm rau sống thì pha nhạt, ăn với bún chả thì thêm chua.
Các loại mắm đặc có thể dùng để ăn sống thuần chất như một món ăn trong bữa cơm; có thể phối trộn với gia vị như ớt, riềng, tỏi, nước cốt chanh thành một dạng nước chấm; cũng thường được sử dụng để tạo nước dùng đặc biệt cho món lẩu mắm, nước lèo của một số món bún. Việt Nam có hàng trăm loại mắm đặc mà nổi tiếng là: mắm tôm, mắm ruốc, mắm nêm, mắm cáy, mắm tép, mắm tôm chua (đặc sản miền Trung), mắm cua, mắm bò hóc, mắm cá chẻm, mắm rươi, mắm ba khía. Theo phương ngữ miền Nam Việt Nam, nhiều loại cá khô như cá sặc, cá đối ướp muối phơi khô cũng được gọi là các loại mắm. Một món ăn có cách chế biến không giống mắm nhưng cũng thường gọi là mắm là mắm kho quẹt.
Trong hoàn cảnh đó, lãnh tụ của đảng Bolshevik Vladimir Ilyich Lenin từ Thụy Sĩ trở về nhà ga Phần Lan ngày 3 tháng 4 năm 1917 đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của nhân dân Petrograd. Ngày 4 tháng 4 năm 1917, Lenin đọc một bài phát biểu quan trọng có nhan đề "Những nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng hiện nay". Bản báo cáo này đã đi vào lịch sử với tên gọi "Luận cương Tháng Tư" chỉ ra con đường chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lenin chỉ rõ rằng cần chấm dứt tình trạng 2 chính quyền song song tồn tại bằng cách chuyển giao chính quyền về tay các xô viết: "Điều độc đáo trong thời sự nước Nga chính là bước quá độ từ giai đoạn thứ nhất của cách mạng là giai đoạn đã đem lại chính quyền cho giai cấp tư sản tiến lên giai đoạn thứ hai của cách mạng là giai đoạn phải đem lại chính quyền cho giai cấp vô sản và cho những tầng lớp nghèo trong nông dân". Về phương pháp đấu tranh, Lenin viết: "Vũ khí ở trong tay nhân dân, không có sự cưỡng bức nào từ bên ngoài đối với nhân dân, đó là thực chất của sự vật. Điều đó cho phép và bảo đảm sự phát triển và hòa bình của cách mạng". Tuy nhiên, Lenin cũng chỉ rõ phải sẵn sàng chuyển sang khởi nghĩa vũ trang một khi hoàn cảnh thay đổi, nếu các Xô viết bị tấn công.
Để bày tỏ sự ủng hộ đảng Bolshevik, ngày Quốc tế Lao động 18 tháng 4 (1 tháng 5) năm 1917, công nhân Nga biểu tình đòi hoà bình, dân chủ. Trong khi đó bộ trưởng ngoại giao của Chính phủ lâm thời gửi công hàm cho các nước phe Hiệp ước cam kết theo đuổi chiến tranh đến cùng gây sự phẫn nộ trong dân chúng. Dưới sự lãnh đạo của đảng Bolshevick, ngày 20 và 21 tháng 4, hàng chục vạn người dân Nga xuống đường biểu tình hòa bình, giơ cao khẩu hiệu "Tất cả chính quyền về tay Xô Viết", "Hòa bình, ruộng đất, bánh mì". Những cuộc biểu tình này làm cho chính phủ lâm thời khủng hoảng. Ngày 2 tháng 5 (15 tháng 5) trước áp lực của quần chúng, bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng chiến tranh phải từ chức. Ngày 5 tháng 5, Chính phủ lâm thời tiến hành cải tổ và thành lập chính phủ liên hiệp tăng thêm số ghế cho các đảng thỏa hiệp.
Ngày 3 tháng 7, hơn 500.000 nhân dân Petrograd xuống đường biểu tình đòi chuyển giao chính quyền về tay xô viết nhưng Chính phủ lâm thời đã từ chối và ra lệnh cho binh lính bắn vào đoàn biểu tình, làm hơn 1000 người chết và 2000 người bị thương. Sau đó, Chính phủ lâm thời tiến hành đàn áp và bắt các đảng viên Bolshevik. Các nhà in phá hủy và báo bị cấm xuất bản. Chính phủ ra lệnh truy nã Lenin để đưa ra tòa, các đơn vị cách mạng bị tước khí giới hoặc bị đẩy ra mặt trận. Từ đó, trong tháng 7, tình trạng hai chính quyền song song tồn tại kết thúc với thắng lợi thuộc về giai cấp tư sản.
Trước tình hình đó, từ ngày 26 tháng 7 đến 3 tháng 8, đảng Bolshevik đã họp đại hội VI để đánh giá tình hình và vạch ra sách lược đấu tranh. Đại hội chỉ rõ phải chuẩn bị chuyển sang khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền. Đại hội cũng chủ trương tạm thời rút bỏ khẩu hiệu "Tất cả chính quyền về tay xô viết" còn Lenin rút về hoạt động bí mật. Về phái chính phủ lâm thời, chính phủ liên hiệp đưa Alexander Kerensky, lãnh tụ đảng Xã hội Cách mạng lên làm thủ tướng. Kornilov Affair, một viên tướng cũ của chế độ Nga hoàng, được sự đồng ý của Kerensky đưa quân đội về Petrograd để thiết lập lại trật tự. Nhưng khi đưa quân về thủ đô, Kornilov quyết định gây bạo loạn để lật đổ chính phủ lâm thời, giành lấy chính quyền cho mình.
Ngày 25 tháng 8, Kornilov tuyên bố thiết quân luật ở Petrograd, giải tán chính phủ Kerensky và lập chính phủ do mình cầm đầu. Dưới sự lãnh đạo của Lenin, Đảng Bolshevik đã kêu gọi và tổ chức công nhân và nhân dân bảo vệ thủ đô Petrograd. Công nhân đường sắt phá hoại ngầm các đoàn tàu chuyên chở quân của Kornilov. Các đội Cận vệ đỏ - lực lượng vũ trang của công nhân được nhanh chóng thành lập ở các nơi. Công nhân vũ trang canh giữ bảo vệ các nhà máy và nhà ga xe lửa. Nhờ sự tuyên truyền giải thích của những người Bolshevik và công nhân, các đơn vị quân đội của Kornilov đã kháng lệnh, từ chối tiến về thủ đô và bắt giữ các sĩ quan. Tướng Kornilov bị bắt giam.
Trong khi đó, chính phủ lâm thời của Kerensky tỏ ra yếu kém, bất lực, không thể điều hành nổi đất nước. Từ mùa thu năm 1917, nước Nga đã lâm vào một cuộc khủng hoảng rất trầm trọng. Nền kinh tế đất nước đứng trước thảm họa, sản xuất công nghiệp chỉ bằng 36,4% so với năm trước, nông nghiệp cũng sụt giảm, giao thông vận tải hầu như bị tê liệt. Nạn đói đã xảy ra ở nhiều vùng trong nước, nhất là ở các thành phố. Ngoài mặt trận, quân đội Nga tan rã hàng loạt, quân đội Đức liên tiếp chiếm được nhiều vùng lãnh thổ của Nga. Trong hoàn cảnh đó, người dân Nga cảm thấy rất bất bình với Chính phủ lâm thời.
Sang tháng 10, làn sóng cách mạng lan tràn khắp nước Nga. Ngày 7 tháng 10, V. I. Lenin từ Phần Lan bí mật trở về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc hành động. Ngày 10 tháng 10, ban chấp hành trung ương họp quyết định khởi nghĩa vũ trang. Tại hội nghị này ban chấp hành trung ương đã bầu ra bộ chính trị do Lenin đứng đầu để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang. Tuy nhiên, một số ủy viên không tán thành kế hoạch khởi nghĩa nên ngày 18 tháng 10 họ đã đăng ý kiến của mình trên tờ báo Đời sống mới, do đó chính phủ lâm thời biết được kế hoạch nổi dậy nên đã chuẩn bị đề phòng. Từ mặt trận, 70 tiểu đoàn bộ binh xung kích và một số trung đoàn độc lập được điều động về bảo vệ những thành phố lớn. Do đó Lenin đã quyết định tổ chức nổi dậy sớm 1 ngày tức là ngày 24 tháng 10 làm cho đối thủ bất ngờ.
Chiều ngày 24 tháng 10, Lenin cải trang đến điện Smolny để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Tại điện Smolny trên các cửa sổ đều có đốt lửa, phía ngoài là xe thiết giáp, trạm gác bố trí tại cửa ra vào. Binh sĩ vũ trang đi lại tấp nập. Tin Lenin trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nhanh chóng được báo tới khắp các trung đoàn và nhà máy. Trong khi đó, Chính phủ lâm thời đưa các đội canh gác đến đóng chung quanh những cơ quan quan trọng nhất bao gồm các học sinh sĩ quan, tiểu đoàn kị binh xung kích, tiểu đoàn lính phụ nữ và các đơn vị Cozak tập trung tại Cung điện Mùa Đông.
Sáng ngày 25 tháng 10, với danh nghĩa bộ chỉ huy tối cao, Kerensky đến bộ tổng tham mưu ra lệnh cho các trung đoàn Cozak sông Đông số 1, 4, 14 đến tiếp ứng. Nhưng các đơn vị này đã ngầm ủng hộ quân cách mạng, họ lấy lý do là kị binh của họ không có bộ binh mang súng máy yểm trợ nên không thi hành mệnh lệnh. Các đơn vị ở Petrograd cũng từ chối tiếp viện. Kerensky nghe tin thì biết quân đội đã quay sang ủng hộ đối phương, ông liền báo tin cho Chính phủ lâm thời biết lực lượng còn rất ít, sau đó viện lý do đến gặp các đơn vị, Kerensky đã lợi dụng xe của đại sứ quán Hoa Kỳ để trốn khỏi thành phố. Tất cả các sĩ quan cao cấp cũng bỏ về nhà riêng, chỉ còn các bộ trưởng ở lại Cung điện Mùa Đông.
Kế hoạch tấn công Cung điện Mùa Đông được ấn định vào rạng sáng ngày 25 tháng 10. Đến 7 giờ sáng, đợt tấn công thứ nhất bắt đầu. Các vòng đai dần khép lại nhưng các cuộc tấn công quá chậm và phải dùng xe hơi chuyển mệnh lệnh. 3 giờ chiều, đại bác được chĩa thẳng vào Cung điện Mùa Đông. Các chiến sĩ Cận vệ đỏ đứng sau những chướng ngại vật hoặc làm nhiệm vụ tuần tiễu chờ lệnh phát hỏa. Các đội tuần tra quan sát theo dõi mọi hoạt động của quân đội chính phủ. Đến 6 giờ chiều, cung điện bị vây chặt, binh sĩ và thủy thủ tiến sát đến cung điện và chiếm lấy tất cả những góc đường và các mái nhà ở bến tàu cạnh bộ Hải quân và cung điện. Các binh lính bảo vệ cung điện dựng chướng ngại vật chặn cổng ra vào Cung điện Mùa Đông, nã súng trường và súng máy vào các mục tiêu di động.
Tác giả Thierry Wolton cho rằng tất cả nhân chứng thời đó đều nói về sự kiện tấn công cung điện mùa đông như một cuộc đảo chính chớp nhoáng. Báo L’Humanité của cộng sản Pháp ngày 09/10/1917 đăng bài "Cuộc đảo chính tại Nga". Khi đó lực lượng quân sự của người Bolshevik tiến vào Cung điện Mùa Đông, lúc đó đã trở thành quân y viện, họ không gặp sự kháng cự nào đáng kể từ đội nữ binh và các sinh viên sĩ quan. Ở bên ngoài, xã hội vẫn hoạt động bình thường, hầu như đa số người dân thủ đô Petrograd không nhận ra. Theo nhà sử học Mỹ Richard Pipes, thiệt hại trong cuộc tấn công vào Cung điện Mùa đông chỉ có năm người chết và một số người bị thương, hầu hết là do đạn lạc. Sau sự kiện này, tất cả báo chí không phải của người Bolshevik đều bị cấm còn hội đồng Xô Viết bị ngưng hoạt động mười ngày sau đó. Chính quyền do người Bolshevik lãnh đạo cai trị bằng sắc lệnh. Một tháng sau, Tchéka (Ủy ban đặc biệt toàn quốc về đấu tranh chống phản cách mạng, tung tin đồn nhảm và phá hoại) ra đời. Đến tháng 1 năm 1918, Quốc hội lập hiến bị giải tán, đến tháng 6/1918 những trại giam đầu tiên được thành lập trong thời kỳ Nội chiến Nga chống Bạch Vệ. Những diễn biến này cũng rất giống với diễn biến của Cách mạng Pháp 1789: mở màn bởi cuộc đảo chính chiếm ngục Bastille, sau đó là giải tán quốc hội lập hiến và cuộc chiến tranh chống lại sự tấn công các nước phong kiến châu Âu. Theo Thierry Wolton, từ "Cách Mạng Tháng Mười" mang lại một vầng hào quang cho sự kiện, khiến nó được nâng ngang tầm với những tiến bộ như Cách mạng Pháp 1789.
Ngày 3 tháng 3 năm 1918, nước Nga Xô Viết ký Hòa ước Brest-Litovsk với các nước phe Liên minh Trung tâm, chính thức rút khỏi Chiến tranh thế giới thứ nhất. Cuộc chiến tranh đẫm máu do Sa hoàng phát động đã khiến hơn 2 triệu binh sĩ Nga tử trận và gần 5 triệu người bị thương, đến đây là kết thúc. Dù phải chấp nhận những điều khoản bồi thường nặng nề, nhưng Lenin đã dự đoán rằng Đế quốc Đức sẽ không còn tồn tại lâu nên khoản bồi thường đó sẽ sớm bị vô hiệu (và dự đoán này đã chính xác khi Đế quốc Đức sụp đổ vào tháng 11/1918). Quan trọng hơn, người dân Nga cuối cùng đã có được hòa bình để bắt tay vào hàn gắn những tàn phá mà thế chiến thứ nhất gây ra cho đất nước mình.
Ngày 10-1-1918, Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ III đã khai mạc. Đại hội quyết định hợp nhất các Xô viết đại biểu nông dân với Xô viết đại biểu công nhân và binh lính, thông qua bản "Tuyên ngôn về quyền lợi của nhân dân lao động và bị bóc lột". Tuyên ngôn đã trở thành cơ sở cho bản Hiến pháp đầu tiên của nước Nga Xô viết, được thông qua vào tháng 7-1918. Đại hội đã thông qua quyết định lịch sử cải tổ nước Cộng hòa Xô viết Nga thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga, trên cơ sở liên minh tự nguyện giữa các dân tộc ở nước Nga.
Từ mùa xuân năm 1918, Sắc luật ruộng đất bắt đầu được thực hiện, nông dân Nga đã nhận được (không phải trả tiền) hơn 150 triệu héc ta ruộng đất từ giai cấp địa chủ, tư sản, nhà thờ và hoàng gia Nga hoàng cũ. Nông dân Nga đã được giải phóng khỏi những khoản tiền lĩnh canh phải nộp hằng năm, xóa được 3 tỷ Rúp tiền nợ các ngân hàng. Với việc thu ruộng đất và nông cụ của địa chủ cũng như tịch thu một phần của phú nông, quá trình trung nông hóa trong nông dân đã bắt đầu (từ 20% lên 60%). Trung nông đã tin tưởng và đi theo Chính quyền Xô viết. Đó là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng ở nông thôn.
Với những người cộng sản và các phong trào giải phóng dân tộc chịu ảnh hưởng của cuộc cách mạng này, Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, do giai cấp vô sản tiến hành, thắng lợi của cuộc cách mạng đã hình thành nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới, đưa nước Nga đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười đã giải phóng các dân tộc thiểu số trên Đế quốc Nga khỏi thân phận phụ thuộc, bị chế độ Sa hoàng áp bức, bóc lột. Sau cuộc cách mạng này, hàng loạt nhà nước của các dân tộc bị áp bức trên lãnh thổ nước Nga ra đời. Ngoài ra Cách mạng Tháng Mười Nga còn cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân quốc tế và nhân dân các nước thuộc địa, mở ra con đường cải biến chủ nghĩa tư bản và giải phóng các dân tộc bị áp bức.
Nhà nghiên cứu văn hóa P.B. Churbanov tuyên bố Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng vĩ đại, cuộc cách mạng ấy diễn ra là tất yếu và, trong thời điểm lịch sử đó, không ai ngoài những người Bolshevik có thể giữ vững được chính quyền. Học giả Ia. A. Kesler, tác giả của rất nhiều cuốn sách về đề tài chính trị và lịch sử, cũng đồng tình với ý kiến ấy, rằng Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ là tất yếu, hợp với quy luật phát triển của lịch sử, bởi lẽ, từ thời điểm đó hình thức tồn tại kiểu chế độ Nga hoàng đã lỗi thời, không còn hướng phát triển. Giáo sư tiến sĩ Sử học, chính trị gia B.Ph. Slavin với bài phát biểu có nhan đề đầy hứa hẹn nhiều điều thú vị "Cách mạng: huyền thoại và hiện thực", đã khẳng định rằng chính biến tháng Mười là đỉnh cao của việc giải quyết các vấn đề xã hội chính trị mà vào giai đoạn đó, chính quyền Nga hoàng mục nát không thể giải quyết được. Cuộc cách mạng này đã đưa nhân dân đến với sự bình đẳng giữa các công dân trong xã hội, sự thống nhất và đoàn kết giữa các dân tộc..
Có một số người theo chủ nghĩa chống cộng như nhà văn Ivan Shmelev gọi đó là cuộc tàn sát, còn Vasilii Rozanov thì gọi nó là Vụ cướp bóc, hoặc một số con chiên của Giáo hội Chính Thống giáo Nga coi Cách mạng Tháng Mười như một ngày quốc tang.. Có một số nhà sử học Phương Tây thì xem Cách mạng tháng Mười là một cuộc đảo chính bạo lực đã thiết lập nên một chính quyền độc tài toàn trị ở nước Nga , họ cho rằng Đảng Bolshevik trên thực tế đã không thực sự nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng, minh chứng là những người Bolshevik chỉ giành được thiểu số ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến vào tháng 12 năm 1917. Nhưng tựu trung, không thể phủ nhận Cách mạng tháng Mười có thể thành công được là nhờ được đa số nhân dân Nga ủng hộ. Trong một loạt những ý kiến này đều vang lên một kết luận dường như là chân lý: "Trong chiến tranh, người chiến thắng là kẻ trong thời điểm lịch sử cụ thể ấy đang nắm giữ chân lý. Và thời điểm năm 1917 xa xưa, Hồng quân đã thắng.". Nhờ sự ủng hộ của đa số nhân dân mà nhà nước Bolshevik non trẻ mới có thể huy động được lực lượng để đập tan các nhóm chống cách mạng trong nước, và còn đánh thắng được cuộc can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc, đó là điều không ai có thể phủ nhận được
Trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất, tiến hành vào ngày 12 tháng 1 năm 2008, trung tâm Phân tích Levada đã đưa ra các số liệu: 57% số người dân Nga được hỏi ý kiến cho rằng: Cách mạng tháng Mười Nga đã đem lại lợi ích cho nhân dân Nga. 26% người được hỏi tin tưởng: cách mạng đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga, 31% cho rằng Cách mạng đem đến sự nhảy vọt cho nền kinh tế và xã hội Nga. Số người cho rằng Cách mạng tháng mười kìm hãm sự phát triển của nhân dân chỉ có 16%; số người cho đó là một sự kiện tiêu cực chỉ là 15%.
Trên phạm vi thế giới, Cách mạng Tháng Mười là một trong những sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20. Nó đánh dấu việc ra đời của Nhà nước Liên Xô, một nhà nước ủng hộ phong trào cộng sản và công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa. Liên Xô đã thúc đẩy chủ nghĩa cộng sản lan rộng ra toàn thế giới buộc các nước phương Tây phải cải cách nền kinh tế - chính trị - xã hội của mình để thích nghi với hoàn cảnh mới. Cuộc cách mạng cũng tác động lớn đến các thuộc địa. Vào thời bấy giờ, hầu hết các nước châu Á, châu Phi đều bị các nước thực dân phương Tây xâm chiếm và biến thành thuộc địa. Trong suốt hàng trăm năm, các phong trào đòi độc lập ở các nước này đều bị dập tắt do trang bị thô sơ, lại không có lực lượng quốc tế nào ủng hộ. Sau khi ra đời, Liên Xô đã hỗ trợ rất nhiều về vật chất và ngoại giao để giúp các nước này giành độc lập. Trung Hoa Dân quốc tiến hành Bắc phạt và phát triển nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô. Nhiều nước khác ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ La-tinh được sự hỗ trợ chính trị và viện trợ kinh tế - quân sự của Liên Xô đã vùng lên đấu tranh đánh đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân. Đến những năm 1970 thì hệ thống thuộc địa của thực dân phương Tây đã bị tan rã sau 300 năm tồn tại.
Với việc Cách mạng Tháng 10 nổ ra và sự thành lập Nhà nước Xô viết, lịch sử thế giới lần đầu tiên xuất hiện một kiểu Nhà nước mới, cùng những chính sách hướng đến lợi ích của người lao động và công bằng xã hội: quyền bình đẳng của phụ nữ, cấm phân biệt chủng tộc, quyền làm việc 8 giờ/ngày, chống sa thải lao động vô cớ, trợ cấp cho người già và người tàn tật, giáo dục và y tế miễn phí... Đây là những chính sách mà các nước phương Tây cùng thời kỳ chưa hề có. Sự ra đời và tồn tại của Nhà nước Xô viết đã tạo ra áp lực khiến các nước tư bản phương Tây tư bản phải tự cải cách, mở rộng các quyền lợi của người lao động và phúc lợi xã hội. Ngày nay, nhiều chính sách của Nhà nước Xô viết đã được các nhà nước hiện đại tiếp thu, trở thành giá trị phổ quát ngay cả ở các nước phương Tây vốn từng muốn dập tắt cuộc Cách mạng.
Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga, sau khi Liên Xô tan rã, Boris Yeltsin, đổi ngày kỷ niệm Cách mạng tháng 10 thành ngày của Đồng lòng và Hòa giải. Năm 2006, Putin đã đi xa hơn bằng cách thay đổi ngày nghỉ đến ngày 4 tháng 11 và đổi tên nó là ngày Thống nhất. Nhưng đến ngày 11 tháng 4 năm 2009, sau 3 năm gián đoạn, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký đạo luật Liên bang khôi phục ngày lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga từ đầu năm 2010. Văn kiện này đã được Đuma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga thông qua ngày 27 tháng 3 và 1 tháng 4 năm 2009.
Cách mạng Tháng Mười đã biến một cuộc chiến tranh đế quốc thành một cuộc đấu tranh chống lại sự đàn áp, đánh dấu sự khởi đầu của một phong trào quần chúng vì chủ nghĩa xã hội ở các nơi khác nhau của thế giới. Cách mạng Tháng Mười đã đánh bại biến thể phản động nhất của chủ nghĩa đế quốc, đó là chủ nghĩa phát xít. Cách mạng Tháng Mười đã phá hủy hệ thống thuộc địa trên thế giới, mở đường cho sự phát triển bình đẳng của mọi người dân thuộc các sắc tộc và tín ngưỡng khác nhau. Cách mạng Tháng Mười đã chiếu sáng con đường của nhân loại tiến vào kỷ nguyên thám hiểm không gian vũ trụ. Cách mạng Tháng Mười đã tạo ra con đường để khai thác năng lượng hạt nhân và sử dụng nó vào mục đích hòa bình. Cách mạng Tháng Mười mở ra cho mọi người con đường phía trước, hướng tới hòa bình và tiến bộ.
Hợp chất Crôm được sử dụng lần đầu tiên bởi người Trung Quốc vào khoảng 2000 năm trước, thuộc triều đại nhà Tần. Cụ thể khi khai quật Lăng mộ Tần Thủy Hoàng người ta đã tìm thấy một số thanh kiếm với lưỡi kiếm được phủ bởi 1 lớp Cr2O3 dày 10-15 micromet, lớp này làm nhiệm vụ bảo vệ thanh kiếm khỏi các tác nhân oxi hóa của môi trường từ bên ngoài trong hơn 2000 năm. Trễ hơn, ở phương Tây, vào năm 1761, khoáng sản Crocoit (ngoài ra còn được biết đến với tên khác là Chì đỏ Siberia) được dùng như 1 chất màu trong hội họa, ở dạng bột vụn thì khoáng sản này có màu vàng, trong khi ở dạng tinh thể thì có màu đỏ. Vào năm 1797, Louis Nicolas Vauquelin đã điều chế thành công Cr kim loại ở dạng đơn chất từ quặng của nó, mặc dù vẫn còn lẫn khá nhiều tạp chất khiến cho kim loại rất giòn, không thể sử dụng vào mục đích thương mại. Thay vào đó quặng Cromic (thành phần chính là FeCr2O4, được biết đến với tên khác là Ferô crôm) được sử dụng nhiều hơn trong các ngành công nghiệp luyện kim, từ quặng Cromic sau khi tinh chế và người ta dùng phản ứng nhiệt nhôm để điều chế Cr. Crôm được coi là 1 kim loại có giá trị cao bởi tính chống ăn mòn tốt, và độ cứng rất cao, nên nó được dùng như 1 nguyên tố điều chất thêm vào thép nhằm cải thiện khả năng chống ăn mòn và tăng độ cứng, thép có thêm Cr được gọi là Thép không gỉ hay Inox.
Crom là một kim loại cứng, mặt bóng, màu xám thép với độ bóng cao và nhiệt độ nóng chảy cao. Nó là chất không mùi, không vị và dễ rèn. Các trạng thái ôxi hóa phổ biến của crom là +2, +3 và +6, với +3 là ổn định nhất. Các trạng thái +1, +4 và +5 là khá hiếm. Các hợp chất của crom với trạng thái ôxi hóa +6 là những chất có tính ôxi hóa mạnh. Trong không khí, crom được ôxy thụ động hóa, tạo thành một lớp mỏng ôxít bảo vệ trên bề mặt, ngăn chặn quá trình ôxi hóa tiếp theo đối với kim loại ở phía dưới.Crom có mạng tinh thể lập phương tâm khối
Crom là nguyên tố phổ biến thứ 21 trong vỏ Trái Đất với nồng độ trung bình 100 ppm. Các hợp chất crom được tìm thấy trong môi trường do bào mòn các đá chứa crom và có thể được cung cấp từ nguồn núi lửa. Nồng độ trong đất nằm trong khoảng 1 đến 3000 mg/kg, trong nước biểt từ 5 đến 800 µg/lit, và trong sông và hồ từ 26 µg/lit đến 5,2 mg/lit. Crom được khai thác dưới dạng quặng cromit (FeCr2O4). Gần một nửa quặng cromit trên thế giới được khai thác tại Nam Phi, bên cạnh đó Kazakhstan, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng là các khu vực sản xuất đáng kể. Các trầm tích cromit chưa khai thác có nhiều, nhưng về mặt địa lý chỉ tập trung tại Kazakhstan và miền nam châu Phi.
Dicromat kali là một chất ôxi hóa mạnh và là hợp chất ưa thích để làm vệ sinh các đồ bằng thủy tinh trong phòng thí nghiệm ra khỏi dấu vết của các chất hữu cơ. Nó được sử dụng dưới dạng dung dịch bão hòa trong axít sulfuric đậm đặc để rửa các thiết bị đó. Tuy nhiên, đối với mục đích này thì dung dịch dicromat natri đôi khi cũng được sử dụng do độ hòa tan cao hơn của nó (5 g/100 ml ở dicromat kali với 20 g/100 ml ở dicromat natri). Màu lục crom là ôxít crom III (Cr2O3) màu lục, được sử dụng trong công việc vẽ trên men cũng như trong việc hãm màu thủy tinh. Màu vàng crom là chất nhuộm màu vàng có công thức PbCrO4, được các họa sĩ hay thợ sơn sử dụng.
Crom đáng chú ý vì khả năng tạo ra liên kết các cộng hóa trị năm lần. Trong bài viết trên tạp chí Science, Tailuan Nguyen, một nghiên cứu sinh làm việc cùng Philip Power tại Đại học California, Davis đã miêu tả quá trình tổng hợp hợp chất của crom (I) và gốc hydrocacbon, được thể hiện thông qua nhiễu xạ tia X là có chứa liên kết năm với độ dài 183,51(4) pm (1,835 angstrom) kết nối 2 nguyên tử crom tại trung tâm. Điều này được thực hiện thông qua việc sử dụng phối thể một răng cực kỳ kềnh càng, mà với kích thước của nó có thể ngăn cản sự kết hợp tiếp theo. Hiện tại, crom là nguyên tố duy nhất mà các liên kết năm lần đã được quan sát.
Cr53 là sản phẩm phân rã do phóng xạ sinh ra của Mn53. Hàm lượng đồng vị crom nói chung thông thường gắn liền với hàm lượng đồng vị mangan và có ứng dụng trong địa chất học đồng vị. Tỷ lệ đồng vị Mn-Cr tăng cường chứng cứ từ Al26 và paladi107 đối với lịch sử sơ kì của hệ Mặt Trời. Các dao động trong các tỷ lệ Cr53/Cr52 và Mn/Cr từ một vài mẫu vẫn thạch chỉ ra tỷ lệ ban đầu của Mn53/Mn55 gợi ý rằng việc phân loại đồng vị Mn-Cr có thể tạo ra từ phân rã tại chỗ (in situ) của Mn53 trong các thiên thể hành tinh đã phân biệt. Vì vậy Cr53 cung cấp thêm chứng cứ bổ sung cho quá trình tổng hợp hạt nhân ngay trước khi có sự hợp nhất của hệ mặt trời.
Crom kim loại và các hợp chất crom (III) thông thường không được coi là nguy hiểm cho sức khỏe, nhưng các hợp chất crom hóa trị sáu (crom VI) lại là độc hại nếu nuốt/hít phải. Liều tử vong của các hợp chất crom (VI) độc hại là khoảng nửa thìa trà vật liệu. Phần lớn các hợp chất crom (VI) gây kích thích mắt, da và màng nhầy, có thể gây bệnh đối với những người có cơ địa dị ứng.Crom(VI) có trong thành phần của xi măng Porland có thể gây bệnh dị ứng xi măng với những người có cơ địa dị ứng hoặc có thời gian tiếp xúc qua da thường xuyên và đủ lâu với xi măng.Phơi nhiễm kinh niên trước các hợp chất crom (VI) có thể gây ra tổn thương mắt vĩnh viễn, nếu không được xử lý đúng cách. Crom (VI) được công nhận là tác nhân gây ung thư ở người. Tại Hoa Kỳ, cuộc điều tra của Erin Brockovich về việc xả crom hóa trị 6 vào nguồn nước sinh hoạt là cốt truyện của bộ phim điện ảnh cùng tên.
Châu Nam Cực là lục địa nằm xa nhất về phía nam của Trái Đất, chứa cực Nam địa lý và nằm trong vùng Nam Cực của Nam bán cầu, gần như hoàn toàn ở trong vòng Nam Cực và được bao quanh bởi Nam Băng Dương. Với diện tích 14 triệu km2 (5,4 triệu dặm2), châu Nam Cực là lục địa lớn thứ năm về diện tích sau châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ, và Nam Mỹ. Khoảng 98% châu Nam Cực bị bao phủ bởi một lớp băng có bề dày trung bình 1,9 km (1,2 dặm). Băng trải rộng ra khắp mọi phía, xa nhất lên phía bắc tới điểm cực Bắc của bán đảo Nam Cực.
Châu Nam Cực, xét trung bình, là lục địa lạnh nhất, khô nhất, nhiều gió nhất, và cao nhất trong tất cả các lục địa. Châu Nam Cực được xem là một hoang mạc có diện tích lớn nhất thế giới, với lượng giáng thủy hàng năm chỉ ở mức 200 mm (8 inch) dọc theo bờ biển và giảm dần khi vào trong nội lục. Nơi đây từng ghi nhận mức nhiệt −89 °C (−129 °F), dù vậy nhiệt độ trung bình quý III (giai đoạn lạnh nhất trong năm) là −63 °C (−81 °F). Tuy không có cư dân sinh sống thường xuyên, nhưng vẫn có từ 1.000 đến 5.000 người sinh sống mỗi năm tại các trạm nghiên cứu phân bố rải rác khắp lục địa. Chỉ có các vi sinh vật ưa lạnh có thể sống sót ở châu Nam Cực như các loại tảo, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, và một số loài động vật nhất định như mạt, giun tròn, chim cánh cụt, hải cẩu và gấu nước. Thảm thực vật xuất hiện là đài nguyên.
Châu Nam Cực không có dân bản địa sinh sống và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy con người đã đến đây cho đến thế kỷ 19. Tuy nhiên, niềm tin về một Terra Australis— một lục địa lớn ở xa về phía nam của Trái Đất nhằm "cân bằng" với nhiều lục địa ở phía bắc của châu Âu, Á và Bắc Mỹ — đã tồn tại từ thời Ptolemy (thế kỷ 1), người đã đưa ra ý tưởng về tính đối xứng của lất cả các khối đất liền đã được biết đến trên thế giới. Thậm chí vào cuối thể kỷ 17, sau khi các nhà thám hiểm tìm thấy Nam Mỹ và Úc không phải là một phần của huyền thoại "Nam Cực", các nhà địa lý tin rằng lục địa này phải lớn hơn kích thước thực của nó.
Các bản đồ của châu Âu vẫn thể hiện vùng đất giả thiết này cho đến khi những con tàu của thuyền trưởng James Cook, HMS Resolution và Adventure băng qua vòng Nam Cực vào ngày 17 tháng 1 năm 1773 và một lần nữa vào tháng 1 năm 1774. Cook đã đi khoảng 75 dặm (121 km) bờ biển Châu Nam Cực trước khi rút lui khi gặp khối băng vào tháng 1 năm 1773. Việc trông thấy Nam Cực được xác nhận đầu tiên có thể chỉ đối với thủy thủ đoàn chỉ có ba người. Theo nhiều tổ chức khác nhau (National Science Foundation, NASA, Đại học California tại San Diego, và các nguồn khác), các tàu được chỉ huy bởi 3 người đã nhìn thấy Nam Cực hay lớp băng của nó vào năm 1820 là: von Bellingshausen (thuyền trưởng Imperial Russian Navy), Edward Bransfield (thuyền trưởng Royal Navy), và Nathaniel Palmer (người săn hải cẩu của Stonington, Connecticut). Cuộc thám diễm do von Bellingshausen và Lazarev dẫn đầu trên các chiếc tàu Vostok và Mirny đã đến điểm 32 km (20 mi) từ Queen Maud's Land và ghi nhận việc nhìn thấy lớp băng tại 69°21′28″N 2°14′50″T / 69,35778°N 2,24722°T / -69.35778; -2.24722 mà nay được gọi là thềm băng Fimbul. Việc nhìn thấy này 3 ngày trước khi Bransfield nhìn thấy đất liền, và 10 tháng trước khi Palmer nhìn thấy đất liền vào năm 1820. Những người được ghi nhận là đã đến Châu Nam Cực đầu tiên là những người săn hải cẩu Hoa Kỳ John Davis, tại vịnh Hughes, gần Cape Charles, ở Tây châu Nam Cực vào ngày 7 tháng 2 năm 1821, mặc dù nhiều sử gia không đồng tình về tuyên bố này. Ghi nhận người đầu tiên đến châu Nam Cực và được xác nhận là Cape Adair vào năm 1895.
Châu Nam Cực là lục địa lạnh nhất trên Trái Đất. Nhiệt độ tự nhiên thấp nhất ghi nhận được trên Trái Đất là −89,2 °C (−128,6 °F) tại trạm Vostokt của Liên Xô (nay là Nga) ở Nam Cực vào ngày 21 tháng 7 năm 1983. Nhiệt độ này thấp hơn nhiệt độ của nước đá khô 11 °C (20 °F) ở 1 atm áp suất riêng phần, nhưng vì CO2 chỉ chiếm 0,039% trong không khí, nhiệt độ dưới -150 °C có thể cần đạt được để tạo ra tuyết đá khô ở Nam Cực. Nam Cực là hoang mạc lạnh với lượng giáng thủy rất thấp; tại điểm Cực Nam lượng giáng thủy nhận được trung bình ít hơn 10 cm (4 in)/năm. Giá trị nhiệt độ thấp nhất nằm trong khoảng −80 °C (−112 °F) và −95 °C (−139 °F) trong nội địa vào mùa đông và lớn nhất khoảng 5 °C (41 °F) và 15 °C (59 °F) gần bờ biển vào mùa hè. Cháy nắng là một vấn đề về sức khỏe khi mà bề mặt băng tuyết phản xạ gần như toàn bộ tia tử ngoại chiếu lên nó. Theo vĩ độ, thời gian bóng tối kéo dài hoặc ánh sáng ngày liên tục tạo ra khí hậu rất khó chịu đối với con người ở hầu hết các nơi trên lục địa này.
Nam Cực lạnh hơn Bắc Cực vì 3 lý do. Thứ nhất, hầu hết lục địa này cao hơn 3.000 m (9.800 ft) so với mực nước biển và nhiệt độ giảm theo độ cao ở tầng đối lưu. Thứ hai, Bắc Băng Dương bao phủ vùng cực Bắc: độ ấm tương đối của biển được truyền qua lớp băng và ngăn nhiệt ở các vùng Bắc Cực đạt đến nhiệt độ cực cao như ở vùng bề mặt Nam Cực. Thứ ba, Trái Đất đạt đến điểm viễn nhật vào tháng 7 (Trái Đất nằm xa Mặt Trời nhất trong mùa đông Nam Cực), và Trái Đất đạt điểm cận nhật vào tháng 1 (lúc đó Trái Đất gần mặt trời nhất vào mùa hè Nam Cực). Khoảng cách quỹ đạo góp phần làm cho mùa đông Nam Cực lạnh hơn (và mùa hè Nam Cực ấm hơn) so với Bắc Cực, nhưng hai nguyên nhân đầu là có ảnh hưởng mạnh nhất.
Nam Cực quang, thường được gọi là ánh sáng phương Nam, là một ánh sáng rực rõ quan sát được trên bầu trời đêm gần Nam Cực tạo ra bởi gió mặt trời với thành phần toàn plasma khi đi qua Trái Đất. Một cảnh tượng đặc biệt khác là bụi kim cương, một đám mây tầng thấp bao gồm các tinh thể băng nhỏ. Nó thường hình thành trong điều kiện trời trong hoặc gần trong, vì vậy mọi người đôi khi cũng gọi nó là bầu trời mưa trong. Mặt trời giả là một hiện tượng quang học trong khí quyển thường gặp, là một điểm sáng bên cạnh mặt trời thật.
Trạm cư trú đầu tiên được thiết lập tại Nam Cực vào năm 1786 bởi các ngư dân săn hải cẩu Anh Mỹ. Họ đã lập những trạm cư trú tạm thời trên đảo Georgia để sống qua mùa đông Nam Cực trong thời gian một năm hay nhiều hơn. Trong suốt thời kỳ săn cá voi (kết thúc vào năm 1966), số dân trên toàn châu lục là khoảng 1.000 người (có những năm vượt 2.000 người) vào mùa hè và 200 người vào mùa đông. Phần lớn những thợ săn cá voi là người Na Uy và những năm tiếp theo người ta ghi nhận thấy sự gia tăng của những người có quốc tịch Anh. Các điểm quần cư khi đó gồm có Grytviken, Leith Harbour, King Edward Point, Stromness, Husvik, Prince Olav Harbour, Ocean Harbour và Godthul. Những người quản lý công việc săn bắt cá voi thường sống ở đây với gia đình họ. Một trong số đó là Đại tá Carl Anton Larsen, người thành lập nên Grytviken là một nhà thám hiểm và săn bắn cá voi người Na Uy, sau đó nhập quốc tịch Anh vào năm 1910.
Emilio Marcos Palma là người đầu tiên được sinh ra trong lục địa Nam Cực tại trạm Base Esperanza vào năm 1978; cha mẹ của anh cùng với 7 hộ gia đình khác được chính phủ Argentina đưa đến lục địa Nam Cực để chứng minh liệu con người có thể sinh sống được trong điều kiện khắc nghiệt của môi trường hay không. Năm 1984, Juan Pablo Camacho trở thành đứa trẻ Chile đầu tiên được sinh ra ở Nam Cực tại trạm Frei Montalva Station. Rất nhiều trạm (căn cứ) hiện trở thành nhà và trường học của con em những người sống trên Nam Cực .
Những tuyên bố mới dành chủ quyền ở châu Nam Cực đã không được xét tới từ 1959 và châu Nam Cực được xem là trung lập về chính trị. Tình trạng pháp lý của nó được quy định qua hiệp ước châu Nam Cực 1959 và những thỏa hiệp tương tự, mà cùng được gọi chung là Hệ thống hiệp ước châu Nam Cực. Châu Nam Cực được định nghĩa là vùng đất và những Thềm băng nằm phía nam của 60° S. Hiệp ước châu Nam Cực đã được 12 nước ký, trong đó có Liên Xô (bây giờ là Nga), Vương quốc Anh, Argentina, Chile, Úc, và Hoa Kỳ. Nó được xem là vùng đất nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường, và cấm các hoạt động quân sự ở đây. Hiệp ước này là thỏa hiệp kiểm soát vũ khí đầu tiên được hình thành trong thời kỳ chiến tranh lạnh.
Một số vùng của Châu Nam Cực đang ấm lên; đặc biệt sự ấm lên mạnh được ghi nhận ở bán đảo Nam Cực. Nghiên cứu của Eric Steig công bố năm 2009 chỉ ra rằng lần đầu tiên xu hướng nhiệt độ bề mặt trung bình trên toàn lục địa Nam Cực tăng nhẹ khoảng >0,05 °C (0,09 °F) trong mỗi thập niên từ 1957 đến 2006. Nghiên cứu này cũng cho thấy Tây Nam Cực đã ấm lên hơn 0,1 °C (0,2 °F) mỗi thập niên trong vòng 50 năm qua, và sự ấm lên này mạnh nhất trong mùa đông và xuân. Điều này được bù đắp một phần bởi sự lạnh đi ở Đông Nam Cực. Đây là dấu hiệu ghi nhận được chỉ từ một nghiên cứu ở Nam Cực về sự ấm lên do sự phát thải cacbon dioxit của con người. Tuy nhiên, một lượng nhỏ bề mặt ấm lên ở Tây Nam Cực không chắc chắn so với tác động trực tiếp đến sự đóng góp của mũ băng Tây Nam Cực đối với sự gia tăng mực nước biển. Thay vào đó, sự gia tăng các dòng chảy ra của sông bằng được tin là do dòng chảy vào ấm của các dòng hải lưu sâu ngoài khơi thềm lục địa. Đóng góp chính thức vào sự gia tăng mực nước biển từ bán đảo Nam Cực có thể là kết quả trực tiếp của sự ấm lên của khí quyển lớn hơn nhiều ở đây.
Năm 2002, lớp băng Larsen-B của bán đảo Nam Cực đổ sụp. Trong giai đoạn từ 28 tháng 2 đến 8 tháng 3 năm 2008, khoảng 570 kilômét vuông (220 sq mi) diện tích băng của lớp băng Wilkins ở phần Tây Nam của bán đảo đổ sụp, làm cho phần diện tích còn lại 15.000 km2 (5.800 sq mi) của lớp băng cũng có nguy cơ lở tiếp. Lớp băng đang đóng trở lại với bề rộng khoảng 6 km (4 mi), trước khi nó sụp đổ vào ngày 5 tháng 4 năm 2009. Theo NASA, sự tan chảy băng bề mặt Nam Cực diễn ra rộng khắp lớn nhất trong vòng 30 năm qua vào năm 2005, khi đó một khu vực có diện tích gần bằng kích thước California tan chảy trong một thời gian ngắn; đây có thể là kết quả của sự gia tăng nhiệt độ cao đến 5 °C (41 °F).
Một nghiên cứu được công bố trong lần tái bản thứ sáu của tạp chí Nature Geoscience năm 2013 (xuất bản trên mạng vào tháng 12 năm 2012) đã xác định trung tâm Tây Nam Cực là một trong những vùng ấm lên nhanh nhất trên Trái Đất. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra số liệu nhiệt độ đầy đủ từ trạm Byrd ở Nam Cực và khẳng định "có sự gia tăng nhiệt độ tuyến tính hàng năm từ năm 1958 đến năm 2010 khoảng 2,4 ± 1,2 °C". Tại thời điểm nghiên cứu đã được công bố, các nhà nghiên cứu Mỹ đã liên kết với Trường Đại học tiểu bang Ohio, Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khí quyển Hoa Kỳ và Đại học Wisconsin-Madison.
Thời niên thiếu Hồ Quý Ly theo học võ, gia nhập chốn quan trường triều Trần sau khi đỗ thi Hương, khoa Hoành từ. Hồ Quý Ly có hai người cô ruột là vợ của vua Trần Minh Tông, một người sinh ra vua Trần Nghệ Tông, người khác sinh ra Trần Duệ Tông, do đó ông được sự tín nhiệm khi Trần Nghệ Tông lên làm vua. Năm 1372 ông được phong làm Tham mưu quân sự, đến năm 1380, Hồ Quý Ly làm Thống lĩnh quân Đại Việt để chống lại các đợt tấn công của Chiêm Thành. Năm 1387, ông được phong làm Tể tướng. Từ đó ông có quyền lực gần như tuyệt đối trong triều, các tông tộc, quan lại trung thành với họ Trần đã có 2 lần chính biến nhằm lật đổ sự thống trị của Quý Ly nhưng ông đều giành chiến thắng và đã có nhiều người bị hành quyết sau đó.
Năm 1400, Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần, đặt quốc hiệu là Đại Ngu, chưa được một năm trao ngôi cho con và làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn nắm đại quyền. Hồ Quý Ly đã có những sự thay đổi về hành chính, kinh tế, quân sự và đã chuyển kinh đô từ Thăng Long về Thanh Hóa. Mười tháng sau khi lên ngôi, ông đã phát binh thảo phạt Chiêm Thành, qua hai lần phát binh, chiếm được hai châu Đại Chiêm và Cổ Lũy (1402). Năm sau (1403) ông còn cho đại quân bao vây Đồ Bàn nhưng không thắng. Đến năm 1406, nhà Minh đưa quân xâm lược Đại Ngu, quân Đại Ngu thất bại nhanh chóng, lui dần về phía nam và thất bại toàn cục năm 1407 khi cha con Hồ Quý Ly đều bị quân Minh bắt và giải về Trung Quốc.
Hồ Quý Ly trước có tên là Lê Quý Ly (黎季犛), biểu tự Lý Nguyên (理元). Ông sinh năm Ất Hợi (1335), quê ở Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là xã Hà Đông, huyện Hà Trung, Thanh Hóa). Tổ tiên Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật, vốn là người Chiết Giang bên Trung Quốc, thời Hậu Hán (947-950), sang sinh sống ở Châu Diễn (tức vùng Diễn Châu, Nghệ An). Đến thời loạn mười hai sứ quân, họ Hồ dời vào hương Bào Đột (nay là xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An) và trở thành một trại chủ. Đến thời Lý, trong họ có người lấy Nguyệt Đích công chúa, sinh ra Nguyệt Đoan công chúa. Đời cháu thứ 12 của Hồ Hưng Dật là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Hồ Liêm làm con nuôi của Tuyên úy Lê Huấn rồi lấy họ Lê làm họ của mình. Hồ Quý Ly là cháu 4 đời của Lê Huấn, khi lên làm vua thì đổi lại họ Hồ.
Năm 1369, vua Trần Dụ Tông mất, do không có con, ra chiếu cho người con của cố Cung Túc Đại vương Trần Dục tên Nhật Lễ lên ngôi. Nhật Lễ vốn là con của người làm trò trong hoàng cung tên Dương Khương. Vợ Dương Khương làm con hát trong cung, đương khi mang thai Nhật Lễ, thì Trần Dục lấy làm thích, cưới về làm vợ, nhận Nhật Lễ làm con. Nhật Lễ lên ngôi, chỉ lo rượu chè dâm dật, chỉ lo hát xướng, tôn thất nhà Trần và các quan đều thất vọng. Năm 1370, người con thứ ba của vua Trần Minh Tông liên kết với các tôn thất và các quan làm binh biến, các tướng đem quân hàng, rốt cuộc bắt được Nhật Lễ, lên làm vua, tức Trần Nghệ Tông.
Do là anh em bên ngoại nên Hồ Quý Ly được vua Nghệ Tông tín nhiệm. Năm 1371, Quý Ly được làm Khu mật viện đại sứ và được vua gả em gái vừa góa chồng là công chúa Huy Ninh cho. Thời bây giờ, nước Chăm do Chế Bồng Nga làm vua cường thịnh, thường đem binh đánh cướp Đại Việt. Năm 1371, quân Chiêm đánh vào tận kinh đô, cướp bóc, đốt phá, nhà vua phải lánh sang Đông Ngàn tránh. Tháng 8 năm năm 1371, vua Nghệ Tông sai Quý Ly đi tới Nghệ An để chiêu tập dân chúng, vỗ về biên giới, đến tháng 9, gia phong làm Trung Tuyên Quốc thượng hầu.
Tháng 11 năm 1372, Trần Nghệ Tông xuống chiếu nhường ngôi cho em là Trần Kính, tức là Trần Duệ Tông, còn bản thân lên làm Thái thượng hoàng. Trần Duệ Tông là con của Đôn Từ thái phi, cũng là cô của Lê Quý Ly. Trần Duệ Tông lấy Lê Quý Ly làm Tham mưu quân sự. Năm 1376, vua Chiêm là Chế Bồng Nga lại mang quân xâm lấn. Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đi đánh. Chế Bồng Nga sợ hãi, xin dâng 10 mâm vàng tạ tội. Tử Bình giấu vàng đi, lại tâu về triều rằng vua Chiêm kiêu ngạo không thần phục. Duệ Tông quyết định thân chinh đi đánh. Tháng 12 năm 1376, Duệ Tông cầm 12 vạn quân đánh Chiêm Thành. Tháng giêng năm 1377, quân Đại Việt tiến vào cửa Thi Nại (Quy Nhơn), đánh lấy đồn Thạch Kiều rồi tiến tới kinh thành Đồ Bàn nước Chiêm. Quân Việt bị quân Chiêm phục kích, Duệ Tông tử trận. Lê Quý Ly bấy giờ đang đốc thúc quân tải lương, được tin Duệ Tông tử trận, sợ hãi, bỏ chạy về trước.
Đầu năm 1380, vua Chăm Pa phát quân đánh vào Thanh Hóa, Nghệ An. Tháng 3 năm đó, Lê Quý Ly được lệnh thống lĩnh quân thủy, Đỗ Tử Bình chỉ huy quân bộ đi vào Thanh Hóa để chống giữ. Quý Ly đem quân đến sông Ngu (nay là sông Lạch Trường ở huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa), ra lệnh cho binh sĩ đóc cọc gỗ ở giữa lòng sông. Tháng 5 cùng năm, Quý Ly dẫn viên tướng chỉ huy quân Thần Vũ là Nguyễn Kim Ngao và tướng chỉ huy quân Thị vệ là Đỗ Dã Kha ra đánh. Kim Ngao quay thuyền trở lại để tránh mũi nhọn của giặc. Quý Ly chém Ngao để thị uy trước ba quân, rồi ra lệnh quân sĩ nổi trống hò reo mà tiến. Vua Chiêm Chế Bồng Nga chống cự không được, phải rút chạỵ về nam. Kể từ đó Đỗ Tử Bình cáo ốm, không giữ binh quyền nữa. Chỉ có Quý Ly giữ chức Nguyên Nhung hành Hải Tây đô thống chế.
Sang năm 1382, quân Chiêm lại Bắc tiến đánh vào Thanh Hóa. Lê Quý Ly đem quân đóng đồn ở núi Long Đại ở Thanh Hóa (tức núi Hàm Rồng), Nguyễn Đa Phương đóng cọc giữ cửa biển Thần Đầu. Quân Chiêm hai đường tiến đánh. Khi thủy quân Chiêm lại gần, Đa Phương không đợi lệnh Quý Ly, cho mở cọc cắm cừ, tiến ra giao chiến. Quân Chiêm trở tay không kịp, quân Đại Việt dùng hỏa khí ném vào làm thuyền Chiêm bị cháy đắm gần hết. Quân Chiêm thua to, phải bỏ chạy vào rừng núi. Quân Việt vây núi ba ngày, quân Chiêm nhiều người bị chết đói. Thủy quân Chiêm còn lại bỏ chạy về nước. Quân Việt đuổi theo đánh đến Nghệ An. Sau đó Nguyễn Đa Phương được thăng làm Kim Ngô vệ đại tướng quân.
Kể từ khi giành toàn thắng trong các trân sông Ngu và cửa Thần Đầu, quân thế Đại Việt đã tốt hơn nhiều. Do vậy, tháng 1 năm 1383, Trần Nghệ Tông ra lệnh cho Lê Quý Ly đem quân vào đến Lại Bộ Nương Loan (ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh ngày nay) nhưng gặp phải bão đánh nát mất nhiều thuyền chiến, vì vậy lại phải rút quân về. Sang tháng 6, Chế Bồng Nga cùng với đại tướng La Khải đem quân đi đường núi ra đóng ở đất Quảng Oai (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội). Trần Nghệ Tông sai tướng Mật Ôn đi đánh, nhưng bị quân Chiêm bắt. Nghệ Tông sợ hãi, chạy khỏi Thăng Long, người học trò Nguyễn Mộng Hoa mặc nguyên quần áo lội xuống nước cản Thượng hoàng hãy ở lại chống quân Chăm Pa nhưng Nghệ Tông không nghe. Nguyễn Đa Phương ngày đêm đốc suất quân sĩ dựng rào chắn bảo vệ kinh thành, tháng 12 quân Chiêm dẫn quân về.
Năm 1384, nhà Minh đánh vùng Vân Nam, sai người sang Đại Việt đòi lương thực cấp cho quân lính ở Lâm An. Nhà Trần đồng ý cấp lương thực, các quan sai đi nhiều người nhiễm bệnh mà chết. Đến năm 1385, 1386, nhà Minh lại đòi cấp tăng nhân, các giống hoa quả, lại sai bọn Cẩm Y Vệ sang mượn đường đánh Chiêm Thành, đòi 50 con voi. Quan tư đồ, Chương túc Quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán xin về trí sĩ ở Côn Sơn, đem con là Mộng Dữ gửi gắm cho Quý Ly. Quý Ly đem công chúa Hoàng Trung gả cho Mộng Dữ. Lúc này Hồ Quý Ly nắm quyền hành lớn, các tôn thất và quan lại tỏ ra lo lắng. Năm 1387, Hồ Quý Ly được thăng làm Đồng bình chương sự, Thượng hoàng ban cho một thanh gươm, một lá cờ đề tám chữ Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức, Quý Ly làm một bài thơ cảm tạ.
Thượng hoàng Trần Nghệ Tông tuy nắm giữ đại quyền, nhưng việc gì cũng Lê Quý Ly quyết định. Quý Ly tìm cách phát triển thế lực riêng, nhưng Nghệ Tông vẫn không hề nghi ngại. Lúc đó, lòng các quan lại, tôn thất phần nhiều đã chán nản, rã rời, nhiều người biết trước Hồ Quý Ly sẽ cướp ngôi nhà Trần như Trần Nguyên Đán liền kết thông gia với họ Hồ, mong được phú quý và toàn mạng sau này. Tuy nhiên, Nghệ Tông hết lòng tin rằng Quý Ly vẫn trung thành với triều Trần, nên trao cho họ ông gươm và một lá cờ có đề "Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức".
Quý Ly nghe vậy, bèn bí mật vào yết kiến thượng hoàng rồi cứ y tâu như lời Cự Luận. Thượng hoàng nghe vậy, bèn giả vờ vi hành về Yên Sinh, rồi sai người gọi Đế Hiễn đến bàn việc nước. Đế Hiễn đến, lập tức bị bắt rồi bị giam vào chùa Tư Phúc. Các tướng chỉ huy các phủ quân cũ như tướng chỉ huy quân Thiết Liêm là Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, tướng chỉ huy quân Thiết Giáp là Nguyễn Kha, Lê Lặc, tướng chỉ huy quân Thiết Sang là Nguyễn Bát Sách định đem quân vào cướp lấy vua đem ra. Đế Hiễn viết hai chữ "Giải giáp" đưa cho các tướng và răn bảo họ không được trái ý thượng hoàng, các tướng mới thôi. Lát sau, Nghệ Tông đưa vua xuống phủ Thái Dương và cho thắt cổ cho chết. Bấy giờ Lê Á Phu, cùng các tướng Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, Nguyễn Kha, Lê Lặc, Nguyễn Bát Sách và người học trò Lưu Thường vì cùng mưu với Đế Hiễn nên đều bị giết cả; chỉ có Nhập nội hành khiển tả ty Lê Dữ Nghị là bị đày ra Trại Đầu. Về sự việc này, sử gia Ngô Sĩ Liên trong tác phẩm Đại Việt sử ký toàn thư có nói rằng:
Vua Trần Phế Đế bị buộc cổ cho chết, Trần Nghệ Tông lập người con út là Chiêm Định Vương Ngung làm Hoàng đế, tức vua Trần Thuận Tông, vào năm 1388, đổi niên hiệu là Quang Thái, đại xá, tự xưng là Nguyên Hoàng. Một năm sau, vua lập con gái lớn của Quý Ly làm Hoàng hậu. Cùng năm đó, Hồ Quý Ly lấy người tâm phúc của mình là Phạm Cự Luận làm Thiêm Thư khu mật viện sự, Cự Luận tiến cử cho Quý Ly người em là Phạm Phiếm cùng Vương Khả Tuân, Dương Chương, Hàn Tử Tây, Nguyễn Sùng, Nguyễn Thư, Nguyễn Cảnh Thân và Đỗ Tử Mãn, đều là người tài giỏi.
Tháng 10 năm 1389, Chế Bồng Nga lại đánh lên Thanh Hóa, tiến vào hương Cổ Vô. Nghệ Tông lại sai Lê Quý Ly dẫn quân chống cự. Quân Chiêm đắp ngăn sông Bản Nha ở thượng lưu, quân Đại Việt đóng cọc dày đặc đối địch, giữ nhau 20 ngày. Quân Chiêm đặt sẵn quân và voi, giả vờ bỏ doanh trại rút về. Hồ Quý Ly chọn những quân tinh nhuệ, dũng cảm làm quân cảm tử truy kích quân Chiêm. Thủy quân Đại Việt nhổ cọc ra đánh, quân Chiêm phá đập nước, tung voi trận xông ra. Quân tinh nhuệ đã đi xa, quân thủy bị ngược dòng không tiến lên được. Kết quả quân Đại Việt bị thua to, hàng trăm tướng tử trận. Quý Ly để tỳ tướng Phạm Khả Vĩnh và Nguyễn Đa Phương ở lại cầm cự với giặc, còn mình thì trốn về Thăng Long xin thêm chiến thuyền để chống cự. Trần Nghệ Tông không cho, vì thế ông giao trả binh quyền, không đi đánh nữa. Phạm Khả Vĩnh và Nguyễn Đa Phương chống giữ ở Ngu Giang, biết mình thế yếu, bèn dùng kế giương nhiều cờ xí, buộc thuyền lớn vào cọc, sai người canh giữ, đang đêm dong thuyền nhẹ rút lui. Về việc này, Việt sử tiêu án có ghi rằng:
Bấy giờ trong triều thì Lê Quý Ly chuyên quyền, chọn những chân tay cai quản các đội quân để làm vây cánh, ngoài các trấn thì giặc giã nổi lên nhiều lắm. Ở Thanh Hóa có tên Nguyễn Thanh tự xưng là Linh Đức Vương làm loạn ở Lương Giang; tên Nguyễn Kị tự xưng là Lỗ Vương làm loạn ở Nông Cống. Ở Quốc Oai thì có người sư tên là Phạm Sư Ôn nổi lên đem quân về đánh Kinh Sư. Thượng Hoàng, Thuận Tông và Triều đình phải bỏ chạy lên Bắc giang. Phạm Sư Ôn lấy được Kinh sư, ở ba ngày rồi rút về Quốc Oai. Bấy giờ có tướng quân là Hoàng Phụng Thế đóng ở Hoàng Giang để phòng giữ quân Chiêm Thành, nghe tin Sư Ôn phạm đất Kinh sư mới đem quân về đánh lẻn bắt được Sư Ôn và phá tan giặc ấy.
Đến năm 1397, Quý Ly sai viên quan Đỗ Tỉnh đi xem đất và đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, ý muốn di chuyển kinh đô về Thanh Hóa. Phạm Cự Luận và Nguyễn Nhữ Thuyết can, Quý Ly không nghe. Quý Ly bỏ Nguyễn Nhữ Thuyết không dùng, điều mưu sĩ Phạm Cự Luận đi đánh quân phản loạn ở Tuyên Quang, người này bị thua trận chết. Như vậy khi đã nắm đại quyền, hai người tâm phúc, là tướng quân Nguyễn Đa Phương và mưu sĩ Phạm Cự Luận đều bị Lê Quý Ly trừ bỏ. Đến tháng 11, Quý Ly bức vua Thuận Tông dời kinh đô về Thanh Hóa, cung nhân Trần Ngọc Cơ và Trần Ngọc Kiểm nói mật với vua rằng dời đô thế nào cũng bị cướp ngôi, Quý Ly cho giết cả.
Năm 1397, Hồ Quý Ly làm phụ chính thái sư, đã sửa đổi chế độ hành chính, nhằm tăng cường tổ chức của các khu vực hành chính, chia cả nước làm lộ và trấn; lộ hay trấn thống hạt phủ, phủ thống hạt châu, châu thống hạt huyện, huyện thống hạt xã. Để tăng cường sự thống nhất, nhà Hồ đặt các trạm dịch từ Thăng Long, phía bắc đến Lạng Sơn, phía nam đến Thăng Hoa. Đổi Thanh Hóa làm trấn Thanh Đô, Quốc Oai làm trấn Quảng Oai, Đà Giang làm Trấn Thiên Hưng, Nghệ An làm trấn Lâm An, Trường Yên làm trấn Thiên Quan, Diễn Châu làm trấn Vọng Giang, Lạng Sơn phủ làm trấn Lạng Sơn, Tân Bình phủ làm trấn Tân Bình. Sang đời Hồ, khi chiếm được hai châu Đại Chiêm và Cổ Lũy đã đặt làm bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, gồm làm lộ Thăng Hoa, tức miền Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay. Cùng năm 1397, Quý Ly bức vua Trần dời đô vào Thanh Hóa, đặt Thăng Long (hay Đại La Thành) thành Đông Đô, gọi thành mới xây ở núi An Tôn thuộc Thanh Hóa là Tây Đô.
Từ năm 1396, trước khi lên ngôi, Hồ Quý Ly đã cho phát thứ tiền giấy gọi là Thông bảo hội sao. In xong, ra lệnh cho dân cả nước đến đổi 1 quan tiền đồng lấy 1 quan 2 tiền giấy. Cấm tiêu riêng, chứa riêng tiền đồng; số tiền đồng thu hồi chứa ở kho Ngao trì kinh thành và trị sở các huyện. Phạm tội chứa tiền đồng hình phạt cũng như làm tiền giả. Thể thức tiền giấy: tờ 10 đồng vẽ rồng, tờ 30 đồng vẽ sóng, tờ 1 tiền vẽ mây, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 5 tiền vẽ phượng, tờ 1 quan vẽ rồng. Kẻ nào làm tiền giả bị xử tử, tài sản bị tịch thu. Lại cho đánh thuế các thuyền buôn, chia ra 3 mức, thượng, trung, hạ.
Theo Phan Huy Chú bình trong sách Lịch triều hiến chương loại chí:tiền giấy chẳng qua chỉ là mảnh giấy vuông, phí tổn chỉ đáng 5, 3 đồng tiền mà đổi lấy vật đáng 5, 6 trăm đồng của người ta, có nhiên không phải là cái đạo đúng mức. Vả lại, người có tiền giấy cất giữ cũng dễ rách nát, mà kẻ làm giả mạo sinh ra không cùng, thực không phải là cách bình ổn vật giá mà lưu thông của cải vậy. Quý Ly không xét kỹ đến cái gốc lợi hại, chỉ ham chuộng hư danh sáng chế, để cho tiền của hàng hóa thường vẫn lưu thông tức là sinh ra ứ đọng, khiến dân nghe thấy đã sợ, thêm mối xôn xao, thế có phải chế độ bình trị đâu!.
Định lại các lệ thuế và tô ruộng, triều trước mỗi mẫu thu 3 thăng thóc nay thu 5 thăng. Bãi dâu, triều trước mỗi mẫu thu 9 quan hoặc 7 quan, nay thu hạng thượng đẳng mỗi mẫu 5 quan tiền giấy; hạng trung 4 quan tiền giấy, hạng hạ đẳng 3 quan tiền giấy. Tiền nộp hằng năm của đinh nam trước thu 3 quan, nay chiểu theo số ruộng, người nào chỉ có 5 sào thì thu 5 tiền giấy; từ 6 sào đến 1 mẫu thì thu 1 quan; 1 mẫu 1 sào đến 1 mẫu 5 sào thu 1 quan 5 tiền; từ 1 mẫu 6 đến 2maaiu thu 2 quan; từ 2 mẫu 1 sào đến 2 mẫu 5 sao thu 2 quan 6 tiền, từ 2 mẫu 6 trở lên thu 3 quan. Đinh nam không có ruộng, trẻ mồ côi, bà góa dẫu có ruộng cũng được miễn trừ.
Từ năm 1396, Hồ Quý Ly đã cho thay đổi cách thi tuyển, ban đầu thời Trần thi Thái học sinh chia ra thượng trại, hạ trại; thi Đình chia ra kinh, trại (Nghệ An, Thanh Hóa thời Trần gọi là Trại) lấy đỗ Tam khôi, văn thể không xác định. Đến đây, dùng phép thi của nhà Nguyên, dùng văn thể bốn trường, bỏ bài ám tả cổ văn. Trường thứ nhất thi một bài kinh nghĩa hạn 500 chữ trở lên, trường nhì thi bài thơ Đường Luật, một bài phú dùng thể ly tao hoặc cổ thể hoặc văn tuyển hạn 500 chữ trở lên; trường tam thi chiếu chế biểu; trường tư thi văn sách, ra đề về kinh sử hạn 1000 chữ trở lên.
Có lần Hồ Quý Ly nói với các quan rằng:Làm sao để có 100 vạn quân để chống giặc Bắc ? Viên Đồng tri khu mật sứ Hoàng Hối Khanh dâng lên kế sách,làm sổ hổ tịch trong cả nước, biên hết vào sổ những nhân khẩu từ hai tuổi trở lên và lấy số hiện tại làm thực số. không cho người lưu vong mà vẫn biên tên trong sổ. Yết thị cho các phiên trấn hễ có người kinh nào trú ngụ thì đuổi về nguyên quán. Đến năm 1401, làm sổ hộ tịch xong, tính số người từ 15 tuổi trở lên, 60 tuổi trở xuống được gấp bội so với trước, cho nên năm 1402 điểm binh càng nhiều.
Năm 1405, Hồ Hán Thương định quân Nam ban và Bắc ban, chia thành 12 vệ; quân Điện hậu đông và tây chia thành 8 vệ; mỗi vệ 18 đội, mỗi đội 18 người. Đại quân thì 30 đội, trung đội thì 20 đội, mỗi doanh là 15 đội, mỗi đoàn là 10 đội, cấm vệ đô thì 5 đôi, do Đại tướng quân thống lĩnh. Tổng số quân trong 12 vệ Nam Bắc là 4.320 người, trong 8 vệ Đông Tây là 2.820 người; trong ấy đại quân là 540 người, trung quân là 360 người. Lại đặt hai vệ Thiên ngưu và Phủng thần, thuộc quân Long tiệp, cùng đặt các chức thủy quân đô tướng và bộ quân đô úy. Lại thêm hương binh, chọn người có chức tước tạm cho cai quan quản. Mộ những kẻ vong mệnh làm quân dũng hãn, đặt chức thiên hộ và bách hộ để cai quản.
Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần vào tháng 2, năm 1400, đến tháng 12 phát binh 15 vạn quân đánh Chiêm Thành. Tháng 7, năm 1402, Hán Thương đem đại quân đi đánh Chiêm Thành, chúa Chiêm Ba Đích Lại sợ, sai cậu là Bố Điền dâng một voi trắng, một voi đen, sản vật và đất Chiêm Động để xin rút quân. Bồ Điền tới, Quý Ly ép phải sửa tờ biểu là dâng nộp cả động Cổ Lũy, rồi chia đất ấy thành bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt An phủ sứ và An phủ phó sứ lộ Thăng Hoa để cai trị; miến đầu nguồn đất ấy thì đặt trấn Tân Ninh. Chiêm Thành thu lấy những dân phụ cận đưa về nước. Hán Thương điều An phủ sứ lộ Thuận Hóa là Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa. Cảnh Chân dâng thư xin theo việc cũ của nhà Hán, nhà Đường, mộ người nộp thóc rồi ban tước, miễn lao dịch,..nhằm đủ thóc để phòng bị biên cương. Hồ Quý Ly phê:Biết được mấy chữ mà dám nói việc Hán Đường, thực là thằng ngọng hay nói, chỉ chuốc lấy tiếng cười mà thôi.
Năm 1403, Hán Thương sai đem những người không có ruộng mà có của dời đến Thăng Hoa, biên chế thành quân đội, chia đất cho họ ở. Những người đó đưa vợ con đi theo, bị bão chết đuối, dân oán. Cùng năm, triều đình cho đóng các thuyền đinh nhỏ để đánh Chiêm Thành, dự định phân chia các đất Bản Đạt lang, Hắc Bạch và Sa Li Nha từ Tư Nghĩa trở về Nam đến biên giới Xiêm làm châu huyện. Hai vua Hồ gia phong Phạm Nguyên Khôi làm đại tướng quân 2 vệ Thiên Ngưu và Phụng Thần, chỉ huy quân Long tiệp; Hồ Vấn làm phó; Đỗ Mãn chỉ huy quân Thiên Cương, Chương Thánh và Củng Thần, quân thủy bộ cộng 20 vạn người, đều theo tiết chế của Nguyên Khôi. Quân Đại Ngu vào đất Chiêm, làm nhiều chiến cụ, vây thành Chà Bàn, sắp lấy được, nhưng vì quân đi đã 9 tháng, hết lương, không thắng phải rút về. Chiêm Thành cầu cứu nhà Minh, người Minh sai 9 chiếc thuyền vượt biển sang cứu, thủy quân Đại Ngu gặp quân Minh ngoài biển, người Minh bảo Nguyên Khôi phải rút quân về, không được ở lại lâu. Nguyên Khôi từ Chiêm trở về bị Quý Ly trách vì không tiêu diệt hết quân Minh.
Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần từ năm 1400, trước và sau khi lên ngôi ông đã cố gắng đưa ra những sách lược nhằm đối phó với nhà Minh, cuộc chiến mà ông biết nó sẽ xảy ra. Mười tháng sau khi lên ngôi, Quý Ly phát động cuộc chiến với Chiêm Thành, nhằm tránh thế phải đối đầu với kẻ địch ở hai mặt. Quân Chiêm thua trận, phải cắt đất hai châu Đại Chiêm và Cổ Lũy cho Đại Ngu. Năm 1395, dời đô từ Thăng Long về Thanh Hóa, xây thành ở động An Tôn, cho đào hào, trồng tre gai xung quoanh... để phòng thủ. Làm sổ hộ tịch, biên hết vào sổ nhân khẩu từ 2 tuổi trở lên, không cho phép người lưu vong mà vẫn có trong sổ, làm sổ xong nhân khẩu từ 15 đến 60 gấp bội so với trước, nên từ năm 1402 điểm binh rất nhiều.
Năm 1406, nhà Minh sai hai tướng Hàn Quan và Hoàng Trung đem 10 vạn quân Quảng Tây xâm lược Đại Ngu, mượn cớ đưa Trầm Thiêm Bình về nước. Ngày 8/4, ở ải Lãnh Kinh (Hà Bắc cũ), quân Minh-Đại Ngu giao chiến, quân Đại Ngu thất bại; sáng hôm sau, quân thủy bộ giao chiến, Nhị vệ đại tướng Phạm Nguyên Khôi, chỉ huy quân Chấn Cương Chu Bỉnh Trung,...bị giết. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng may chạy thoát lên bờ, do quân Đại Ngu nghĩ quân Minh ít quân, coi thường đối thủ. Duy có Tả Thánh Dực quân Hồ Vấn kéo quân Vũ Cao tới đánh bại quân Minh.
Về sách lược, viên hàng tướng Chiêm Thành Bố Đông khuyên với Hồ Quý Ly nên đưa quân lên biên giới đón đánh ngay quân Minh, không cho tiến sâu vào, để quân Minh ỷ vào trường binh và thông được đường tiến quân, nhưng các tướng không nghe. Theo K.W Taylor nhà Hồ đã từ bỏ phần lớn khu vực Đông Kinh (Thăng Long) và phòng thủ ở bờ nam sông Hồng. Trương Phụ viết bảng văn kể tội họ Hồ, cho thả trôi theo dòng nước, nhiều người đọc được, chán nản vì chính sự hà khắc của họ Hồ không còn bụng dạ chiến đấu nữa. Theo Minh sử, gia đình Mạc Thúy, Mạc Viễn, Trần Huân đã dẫn theo 10.000 người ở Đông Kinh mà phản lại họ Hồ, người kinh lộ phần nhiều theo quân Minh phản lại họ Hồ.
Trước các mũi tiến công của địch, quân đội Đại Ngu có chặn đánh ở một vài nơi rồi rút về giữ phòng tuyến Nam sông Hồng. Quân Minh thừa cơ hội đã tập trung binh lực vượt sông Hồng đánh chiếm thành Đa Bang. Cuối năm Bính Tuất (ngày 20 tháng 1 năm 1407) thành Đa Bang thất thủ, tuyến phòng ngự của Đại Ngu cũng tan vỡ nhanh chóng. Từ Đa Bang ngày 22 tháng 1 năm 1407, quân nhà Minh tràn xuống chiếm cố đô Thăng Long. Quân Đại Ngu lại một lần nữa rút lui xuống miền hạ lưu sông Hồng. Và sau một vài trận phản công thất bại, Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương đem theo các thuộc hạ chạy ra biển rồi vào Thanh Hóa.
Sử gia Ngô Sĩ Liên gọi hai cha con họ Hồ là loạn thần tặc tử: Họ Hồ giết Trần Thuận Tông mà cướp lấy nước, những người như Trần (Nguyên) Hãng, Trần Khát Chân mưu giết mà không được. Sau khi họ chết, trong khoảng 7, 8 năm, không còn ai có thể làm được việc ấy nữa. Họ Hồ tự cho là người trong nước không còn ai dám làm gì nữa. Nhưng bọn loạn thần tặc tử thì ai ai cũng có thể giết chết chúng được và trời cũng không một ngày nào tha trừng phạt chúng dưới gầm trời này! Người trong nước giết chúng không được thì ngưoời nước láng giềng có thể giết, người nước láng giềng giết không được thì người Di người Địch có thể giết. Vì thế người Minh mới có thể giết được chúng. Còn như người Minh giả nhân giả nghĩa, sát hại sinh linh thì chính là một bọn giặc tàn bạo. Cho nên Thái Cao Tổ Hoàng Đế ta lại có thể tiêu diệt được bọn chúng.
Xem công việc của Hồ Quý Ly làm thì không phải là một người tầm thường, nhưng tiếc thay một người có tài kinh tế như thế, mà giả sử cứ giúp nhà Trần cho có thủy chung (trước sau), thì dẫu giặc Minh có thế mạnh đến đâu đi nữa, cũng chưa hầu dễ đã cướp được nước Nam, mà mình lại được cái tiếng thơm để lại nghìn thu. Nhưng vì cái lòng tham xui khiến, hễ đã có thế lực là sinh ra bụng muốn tranh quyền, cướp nước. Bởi thế Hồ Quý Ly mới làm sự thoán đoạt, và nhà Minh mới có cái cớ mà sang đánh lấy nước An Nam. Cũng vì cái cớ ấy, cho nên lòng người mới bỏ họ Hồ mà đem theo giặc, để đến nỗi cha con họ Hồ thua chạy, bị bắt, phải đem thân đi chịu nhục ở đất nước người! Nhưng đấy là cái tội làm hại riêng cho một họ Hồ mà thôi, còn cái tội làm mất nước Nam, thì ai gánh vác cho Quý Ly?
George Washington (22 tháng 2 năm 1732 – 14 tháng 12 năm 1799) (phiên âm: Gioóc-giơ Qua-sinh-tơn) là nhà lãnh đạo chính trị và quân sự có ảnh hưởng lớn đối với quốc gia non trẻ Hoa Kỳ từ năm 1775 đến năm 1799. Ông đã lãnh đạo người Mỹ chiến thắng Vương quốc Anh trong cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ với tư cách là tổng tư lệnh Lục quân Lục địa năm 1775–1783, và ông cũng đã trông coi việc viết ra Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787. Quốc hội nhất trí chọn lựa ông làm tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ (1789–1797). Phong cách lãnh đạo của ông đã có ảnh hưởng đến thể thức và lễ nghi cho chính quyền mà được sử dụng từ đó cho đến nay, thí dụ như dùng một hệ thống nội các và buổi đọc diễn văn nhậm chức. Với tư cách là tổng thống, ông đã xây dựng một chính quyền quốc gia mạnh mẽ và giàu tài chính mà đã tránh khỏi chiến tranh, dập tắt nổi loạn và chiếm được sự đồng thuận của tất cả người Mỹ. Ông hiện nay được biết như vị cha già của nước Mỹ.
Ông có một viễn tưởng về một quốc gia hùng mạnh và vĩ đại, xây dựng trên những nền tảng của nền cộng hòa, sử dụng sức mạnh của liên bang. Ông tìm cách sử dụng chính phủ cộng hòa để cải thiện hạ tầng cơ sở, mở rộng lãnh thổ phía tây, lập ra một trường đại học quốc gia, khuyến khích thương mại, tìm nơi xây dựng lên một thành phố thủ đô (sau này gọi là Washington, D.C.), giảm thiểu những sự căng thẳng giữa các vùng và vinh danh tinh thần chủ nghĩa quốc gia. Ông nói "Cái tên người Mỹ" phải xóa bỏ bất cứ những liên hệ ràng buộc nào mang tính cách địa phương. Khi mất, Washington được táng tụng như là "người đầu tiên trong chiến tranh, người đầu tiên trong hòa bình, và người đầu tiên trong lòng dân tộc của ông". Những người theo chủ nghĩa liên bang đã coi ông như là biểu tượng của đảng nhưng những người theo chủ nghĩa Jefferson trong nhiều năm trời vẫn tiếp tục không tin vào ảnh hưởng của ông và cố tìm cách trì hoãn xây dựng tượng đài Washington. Với tư cách là nhà lãnh đạo cách mạng thành công đầu tiên chống lại một đế quốc thuộc địa trong lịch sử thế giới, Washington đã trở thành một hình tượng quốc tế đối với phong trào giải phóng dân tộc và chủ nghĩa quốc gia. Chủ nghĩa biểu tượng của ông đặc biệt gây âm vang tại Pháp và châu Mỹ Latin. Các học giả lịch sử luôn xếp ông là một trong số hai hoặc ba vị tổng thống vĩ đại nhất.
Là con đầu lòng của Augustine Washington (1694–1743) và người vợ thứ hai, Mary Ball Washington (1708–1789), George Washington sinh ra trong trang trại Pope's Creek gần nơi ngày nay là Colonial Beach trong Quận Westmoreland, Virginia. Theo lịch Julius (có hiệu lực vào lúc đó), Washington sinh ngày 11 tháng 1 năm 1731; theo lịch Gregory, sử dụng tại Anh và các thuộc địa thì ông sinh ngày 22 tháng 2 năm 1732. Tổ tiên của Washington đến từ Sulgrave, Anh; ông cố của ông là John Washington di cư đến Virginia năm 1657. Có ý kiến cho rằng: George Washington và Nữ hoàng nước Anh Elizabeth II có chung tổ tiên. Cha của ông, Augustine là một nhà trồng thuốc lá có sở hữu người nô lệ. Cha ông sau này có thử thời vận với nghề khai quặng sắt. Thời George còn trẻ, gia đình ông là những thành viên khá giả thuộc tầng lớp quý tộc nhỏ tại Virginia, ở vào cấp bậc trung lưu hơn là một trong những gia đình hàng đầu.
Sáu trong số các anh chi em của ông lớn lên đến tuổi trưởng thành trong đó có hai người anh cùng cha khác mẹ, Lawrence và Augustine, từ cuộc hôn nhân đầu tiên của cha ông và Jane Butler Washington. Bốn anh chị em ruột của ông là Samuel, Elizabeth (Betty), John Augustine và Charles. Ba anh chị em khác mất trước khi trưởng thành: em gái ruột, Mildred chết lúc một tuổi, người anh trai khác mẹ mất khi còn sơ sinh và người chị khác mẹ Jane chết lúc 12 khi George hai tuổi. Cha của George qua đời khi ông 11 tuổi. Người anh khác mẹ của George là Lawrence sau đó trở thành người cha thay thế và cũng là mẫu người George noi gương. William Fairfax, cha vợ của Lawrence và là người anh em họ với địa chủ lớn nhất Virginia, Thomas Fairfax cũng có ảnh hưởng lớn đối với ông. Washington dành nhiều thời gian lúc còn bé ở nông trại Ferry trong Quận Stafford gần Fredericksburg. Lawrence Washington thừa hưởng gia sản khác của cha, đó là một đồn điền nằm trên bờ sông Potomac mà sau này ông đặt tên là Mount Vernon. George thừa hưởng nông trại Ferry ngay khi cha ông qua đời, và dần sau đó nhận thừa kế Mount Vernon sau khi Lawrence qua đời.
Cái chết của cha khiến cho ông mất cơ hội vượt Đại Tây Dương để nhận sự giáo dục tại Trường Appleby của Anh như những người anh trai của mình đã từng làm. Ông đi học tại Fredericksburg cho đến tuổi 15. Mong muốn gia nhập Hải quân Hoàng gia không thành hiện thực sau khi mẹ ông biết nó rất là khó khăn cho ông. Nhờ mối liên hệ của Lawrence với gia đình quyền lực ở Fairfax nên vào năm 17 tuổi, George trở thành thanh tra quận Culpeper vào năm 1749. Đây là 1 công việc trả lương hậu đã giúp cho ông mua được đất đai trong thung lũng Shenandoah, đây cũng là lần đầu tiên trong số nhiều vụ mua đất đai của ông tại Tây Virginia. Cũng phải nói là nhờ đến sự có mặt của Lawrence trong Công ty Ohio, một công ty đầu tư đất đai được tài trợ bởi những nhà đầu tư tại Virginia và nhờ vào vị trí của Lawrence trong vai trò tư lệnh địa phương quân Virginia nên George được phó thống đốc mới của Virginia là Robert Dinwiddie chú ý đến. Washington khó mà bị lọt ra khỏi tầm mắt của người khác: cao 6 ft 2 inche (188 cm; ước tính về chiền cao của ông có thay đổi), ông cao hơn đa số người đương thời của ông.
Năm 1751, Washington cùng đi Barbados với Lawrence, người mắc phải bệnh lao, với hy vọng rằng khí hậu sẽ có lợi cho sức khỏe của Lawrence. Washington mắc phải bệnh đậu mùa trong chuyến đi này khiến cho khuôn mặt của ông có ít nhiều vết thẹo nhưng đã giúp cho ông miễn nhiễm với căn bệnh độc này về sau. Sức khỏe của Lawrence không cải thiện: ông quay về Mount Vernon và mất ở đó năm 1752. Vị trí lãnh đạo địa phương quân Virginia của Lawrence chia thành bốn chức vụ sau khi ông mất. Washington được Thống đốc Dinwiddie bổ nhiệm làm một trong bốn vị trí mới đó vào tháng 2 năm 1753 với cấp bậc thiếu tá trong địa phương quân Virginia. Washington cũng gia nhập Hội Tam Điểm tại Fredericksburg vào lúc đó.
Năm 1753, người Pháp bắt đầu mở rộng tầm kiểm soát quân sự của họ vào "Xứ Ohio", một lãnh thổ cũng bị các thuộc địa của Anh là Virginia và Pennsylvania tuyên bố chủ quyền. Cuộc tranh chấp chủ quyền này đã dẫn đến một cuộc chiến tranh mà các thuộc địa gọi là Chiến tranh chống người bản thổ và Pháp (French and Indian War) từ năm 1754–1762. Chiến tranh này đã góp phần khởi sự Chiến tranh 7 năm trên toàn cầu (1756–63). Washington ở tâm điểm của cuộc chiến này khi mới vừa bùng nổ. Công ty Ohio, một cỗ xe mà qua đó các nhà đầu tư người Anh có kế hoạch mở rộng vào lãnh thổ này, đang mở mang những khu định cư mới và xây dựng các trạm mậu dịch để buôn bán với người bản thổ Mỹ. Thống đốc Dinwiddie nhận lệnh từ chính phủ Anh cảnh cáo người Pháp về chủ quyền của Anh tại đó. Ông phái Thiếu tá Washington vào cuối năm 1753 giao một bức thư thông báo đến người Pháp về những tuyên bố chủ quyền của Anh và yêu cầu người Pháp rời bỏ lãnh thổ này. Washington cũng đến gặp mặt Tanacharison (cũng còn được gọi là "Half-King") và các lãnh tụ khác của người bản thổ Iroquois đang liên minh với Virginia tại Logstown để nhận sự ủng hộ của họ trong trường hợp có xung đột với người Pháp; Washington và Tanacharison trở thành bạn bè và đồng minh. Washington giao lá thư cho tư lệnh địa phương Pháp nhưng ông này từ chối một cách lịch sự là không rời bỏ lãnh thổ này.
Thống đốc Dinwiddie phái Washington trở lại Xứ Ohio để bảo vệ một nhóm nhân viên của Công ty Ohio đang xây dựng một pháo đài tại nơi mà ngày nay là Pittsburgh, Pennsylvania. Nhưng trước khi ông đến nơi thì một lực lượng Pháp đã đuổi các nhân viên làm việc của công ty ra khỏi khu vực này và họ bắt đầu xây dựng Đồn Duquesne. Một nhóm nhỏ quân Pháp do Joseph Coulon de Jumonville chỉ huy bị Tanacharison và một ít chiến binh của mình phát hiện ở phía đông khu vực mà ngày nay là Uniontown, Pennsylvania. Cùng với các đồng minh người bản thổ Mingo, Washington và một số đơn vị địa phương quân của mình liền phục kích người Pháp. Những gì thật sự đã xảy ra trong lúc và sau trận đánh vẫn còn gây nhiều tranh cãi nhưng kết quả ngay sau đó là Jumonville bị trọng thương trong cuộc tấn công đầu tiên và rồi bị giết chết... chẳng biết có phải là bị Tanacharison lạnh lùng chém bằng một lưỡi rìu hay do bị một người nào đó đứng gần đó dùng súng bắn chết khi vị sĩ quan bị thương này ngồi bên cạnh Washington - cả hai nghi vấn này đều hoàn toàn không rõ ràng. Người Pháp phản ứng trả đũa bằng một cuộc tấn công và bắt Washington tại Đồn Necessity vào tháng 7 năm 1754. Tuy nhiên, Washington được phép quay trở về Virginia cùng với binh sĩ của mình. Sử gia Joseph Ellis kết luận rằng tình tiết trận đánh này đã chứng tỏ sự can đảm, thế chủ động, sự hăng say chiến đấu nhưng chưa có kinh nghiệm của Washington. Những sự kiện này có những hậu quả quốc tế; người Pháp tố cáo Washington ám sát Jumonville vì họ cho rằng Jumonville đang thực hiện một sứ mệnh ngoại giao. Cả Pháp và Anh sẵn sàng lâm chiến để tranh giành kiểm soát vùng này và họ đã đưa quân đến Bắc Mỹ năm 1755; chiến tranh được chính thức tuyên bố vào năm 1756.
Năm 1755, Washington là phụ tá cao cấp người Mỹ của tướng Anh Edward Braddock trong một cuộc viễn chinh xấu số ở Monongahela. Đây là đoàn quân viễn chinh lớn nhất của Anh đến các thuộc địa Bắc Mỹ, và có ý định đánh đuổi người Pháp ra khỏi Xứ Ohio. Người Pháp cùng với các đồng minh người bản thổ Mỹ phục kích và Braddock bị tử thương trong trận Monongahela. Sau khi bị thiệt hại nặng nề về quân số, quân Anh rút chạy tán loạn; tuy nhiên, Washington cưỡi ngựa chạy quanh trận địa nhằm khích lệ và động viên tàn quân Anh và địa phương quân Virginia rút lui có tổ chức.
Thống đốc Dinwiddie thăng chức Washington năm 1755 lên cấp bậc "Đại tá Trung đoàn Virginia và Tổng tư lệnh tất cả các lực lượng được tuyển mộ để bảo vệ Thuộc địa của Nhà vua" và giao phó cho ông nhiệm vụ bảo vệ biên cương Virginia. Trung đoàn Virginia là đơn vị quân sự toàn thời gian đầu tiên của người Mỹ tại các thuộc địa (đối ngược lại là các đơn vị chính quy người Anh và các đơn vị địa phương quân người Mỹ bán thời gian). Washington được lệnh "hành động tự vệ hay phản công" bất cứ khi nào ông nghĩ là tốt nhất. Trong lúc làm tư lệnh của một ngàn binh sĩ, Washington là một sĩ quan có kỉ luật, luôn chú trọng vào việc huấn luyện. Ông lãnh đạo các binh sĩ của mình trong những chiến dịch tàn bạo chống người bản thổ Mỹ tại miền Tây; trong 10 tháng, các đơn vị thuộc trung đoàn của ông đã đánh 20 trận, và mất khoảng 1/3 quân số. Những nỗ lực chiến tranh hăng say của Washington có ý nghĩa quan trọng rằng dân chúng ở biên cương của Virginia chịu đựng thiệt hại ít hơn so với các thuộc địa khác; Ellis kết luận rằng "đây là thành công không được nhắc đến duy nhất của ông" trong cuộc chiến.
Năm 1758, Washington tham gia vào cuộc viễn chinh Forbes nhằm chiếm Đồn Duquesne. Ông sượng sùng vì một vụ đánh nhầm khi đơn vị của ông và một đơn vị Anh tưởng lầm nhau là người Pháp và nổ súng. Kết quả có 14 người chết và 26 người bị thương trong vụ đó. Washington không tham dự vào bất cứ trận đánh lớn nào khác trong cuộc viễn chinh đó. Người Anh ghi được một chiến thắng chiến lược lớn bằng việc giành quyền kiểm soát Thung lũng Ohio khi người Pháp rút bỏ đồn. Theo sau cuộc viễn chinh, Washington từ chức khỏi Trung đoàn Virginia vào tháng 12 năm 1758. Ông không trở về đời sống quân nhân cho đến khi cuộc cách mạng bùng nổ vào năm 1775.
Tuy Washington chưa bao giờ được vào biên chế lục quân Anh mà ông mong ước nhưng trong những năm tháng chiến tranh đó, người thanh niên này đã tích lũy những kỹ năng về lãnh đạo, chính trị và quân sự quý giá. Ông luôn tiếp cận quan sát các chiến thuật quân sự của người Anh, nắm bắt và hiểu rõ các điểm yếu và điểm mạnh của người Anh. Điều này đã được chứng minh là vô giá trong suốt cuộc Cách mạng Mỹ sau này. Ông chứng tỏ là một người can đảm và kiên cường trong những tình huống cực kỳ khó khăn nhất trong đó có các vụ tai biến và tháo lui. Ông đã phát triển ra một phong cách chỉ huy: đem hết sức lực, khả năng chịu đựng và sự dũng cảm của mình vào trận chiến. Đối với các chiến sĩ của mình, ông xuất hiện như một vị chỉ huy tự nhiên và họ tuyệt đối tuân lệnh ông mà không thắc mắc điều gì. Washington học cách tổ chức, huấn luyện và kỷ luật các đơn vị trung đoàn và đại đội của mình. Qua đọc sách, quan sát và các cuộc trò chuyện với những sĩ quan nghiệp vụ, ông học được những căn bản về chiến thuật chiến trường cũng như hiểu rõ các vấn đề tổ chức và tiếp vận. Ông hiểu biết tổng thể về chiến lược, đặc biệt là việc tìm ra những địa điểm địa lý chiến lược. Sử gia Ron Chernow có ý kiến rằng vì Washington chán nản khi thương nghị với các viên chức chính phủ trong suốt cuộc xung đột nên ông đã tán thành những lợi ích của một chính phủ quốc gia mạnh mẽ với một cơ quan hành chính mạnh mẽ để có thể đạt được kết quả; các sử gia khác có chiều hướng gán ghép ông có thái độ này đối với chính phủ khi ông phục vụ Chiến tranh Cách mạng Mỹ sau này.[Ghi chú 1] Ông nảy sinh một ý tưởng rất tiêu cực về giá trị của địa phương quân. Coi họ có vẻ không đáng tin cậy, rất bất kỉ luật, và chỉ phục vụ rất ngắn hạn khi so sánh với quân chính quy. Mặt khác, kinh nghiệm chỉ huy của ông có giới hạn nhiều nhất là 1 ngàn binh sĩ và chỉ ở những địa hình biên cương xa xôi khắc hẳn với những tình thế đô thị mà ông đối diện trong suốt cuộc cách mạng ở các thành phố Boston, New York, Trenton và Philadelphia.
Ngày 6 tháng 1 năm 1759, Washington kết hôn với một quả phụ giàu có tên Martha Dandridge Custis. Các bức thư còn sót lại cho thấy rằng ông có thể đang yêu Sally Fairfax, vợ của một người bạn vào lúc đó. Dù vậy, George và Martha rất xứng đôi vì Martha thông minh, duyên dáng, và có kinh nghiệm điều hành một đồn điền có nô lệ phục vụ. Cả hai cùng nuôi hai đứa con của bà với người chồng quá cố là John Parke Custis và Martha Parke Custis, được gia đình gọi thân mật là "Jackie" và "Patsy". Sau đó gia đình Washington nuôi hai trong số các cháu của bà Washington là Eleanor Parke Custis và George Washington Parke Custis. George và Martha Washington không có con cái chung — căn bệnh đậu mùa của ông vào năm 1751 có thể đã khiến cho ông không thể có con. Vì kiêu hãnh nên Washington không thể nào thừa nhận rằng minh không thể có con nhưng lúc riêng tư ông cảm thấy chán nản vì không thể có con. Cặp vợ chồng mới cưới dời về Mount Vernon gần Alexandria nơi ông sống cuộc đời của một người trồng trọt và một khuôn mặt chính trị.
Cuộc hôn nhân của Washington với Martha đã làm gia tăng tài sản và địa vị xã hội của ông rất lớn lao. Ông trở thành một trong số những người giàu có nhất Virginia. Ông được một phần ba trong số 18.000 mẫu Anh (73 km²) điền sản của gia đình vợ ngay sau khi kết hôn, đáng giá khoảng $100.000 và quản lý phần điền sản còn lại cho con của Martha, những đứa con riêng của vợ mà ông chân thành chăm sóc. Ông thường mua thêm đất và cũng được cấp phát đất ở vùng bây giờ là Tây Virginia như là tặng phẩm dành cho công lao phục vụ Chiến tranh chống người bản thổ và Pháp. Vào năm 1775, Washington tăng gấp đôi diện tích của Mount Vernon lên 6.500 mẫu Anh (26 km²) và tăng số lao động nô lệ ở đó lên trên 100 người. Vì là một anh hùng quân sự được nể trọng và một chủ đất lớn nên ông có chức vị tại địa phương và được bầu vào nghị viện tỉnh Virginia bắt đầu vào năm 1758.
Washington có lối sống quý tộc — săn cáo là một hoạt động nhàn rỗi ưa thích của ông. Ông cũng thích đi khiêu vũ và họp hội, ngoài ra còn có đi xem kịch, đua, và đá gà. Washington cũng được biết có chơi bài, backgammon và bi da. Giống như đa số các nhà trồng trọt, ông nhập cảng những đồ dùng xa xỉ và hàng hóa khác từ Anh và trả tiền cho hàng hóa bằng xuất cảng thuốc lá mà ông trồng. Chi tiêu quá độ và sự không lường trước về thị trường thuốc lá đồng nghĩa với việc nhiều nhà trồng trọt ở Virginia vào thời Washington mất tiền. (Chẳng hạn như Thomas Jefferson qua đời với nợ nần chồng chất.)
Washington bắt đầu cứu mình khỏi nợ bằng cách kinh doanh đa dạng và chú ý hơn đến công việc làm của mình. Năm 1766, ông thay đổi mùa vụ chính sinh lợi của Mount Vernon từ thuốc lá sang lúa mì. Lúa mì có thể bán được tại Mỹ, và làm nhiều thứ hoạt động kinh doanh khác trong đó có nhà máy làm bột mì, nuôi cá, nuôi ngựa, dệt vải. Patsy Custis (con gái riêng của vợ ông) mất năm 1773 vì động kinh giúp cho Washington trả hết nợ cho những chủ nợ người Anh vì phân nửa tài sản của Patsy được đưa sang cho ông.