text
stringlengths
465
7.22k
Vào đời nhà Trần, quân của Ai Lao thường sang quấy phá cướp bóc ở vùng Nghệ An và Thanh Hóa. Vì thế triều đình đã phải sai quân lính đi đánh dẹp mãi và chính các vị vua phải thân chinh đi dẹp giặc, trong đó nhiều nhất phải kể đến vua Trần Nhân Tông. Mỗi lần bị thua thì quân Ai Lao rút về, nhưng sau đó thì lại sang quấy phá. Trong đời vua Trần Anh Tông, ông cũng nhiều lần thân chinh đi dẹp giặc nhưng ông cũng đã ra lệnh cho Phạm Ngũ Lão hơn ba, bốn phen đi dẹp giặc. Vua Trần Minh Tông cũng nhiều phen thân chinh đi dẹp giặc. Trong triều đại nhà Trần, mục đích của Đại Việt là dẹp các cuộc đánh phá và quấy nhiễu của quân Ai Lao chứ không có mục đích đánh chiếm lấy đất nước này.
Cuối năm 1257, tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai (Uriyangqadai hay 兀良合台) mang 3 vạn quân tiến vào nước Đại Việt qua đường Vân Nam. Vua Trần Thái Tông đích thân ra chiến trận. Quân Trần cố gắng chặn nhưng quân Mông Cổ vẫn tiến vào được Thăng Long. Nhân dân Thăng Long theo lệnh của triều đình đã thực hiện "vườn không nhà trống", rút về Thiên Mạc (Hà Nam). Ngột Lương Hợp Thai kéo quân vào Thăng Long chưa đầy 1 tháng thì bị thiếu lương thực. Nhân cơ hội đó quân Đại Việt phản công ở Đông Bộ Đầu (Từ Liêm-Hà Nội). Quân Mông Cổ thua phải rút khỏi Thăng Long, đến vùng Quy Hóa (Yên Bái) bị quân của tộc trưởng Hà Bổng đánh tan tác, quân Mông Cổ rút chạy về Vân Nam.
Năm 1279, quân Mông diệt được Nam Tống. Từ năm 1280, vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt đã lập ra nhà Nguyên. Để lấy cớ đánh Đại Việt, nhà Nguyên cho Toa Đô mượn đường đánh Chiêm Thành (Champa). Sau nhiều hoạt động ngoại giao hòa hoãn bất thành, cuối cùng chiến tranh bùng phát. Cuối năm 1284, nhà Nguyên liền phái hoàng tử Thoát Hoan và tướng Toa Đô mang quân đánh hai đường nam, bắc kẹp lại để chiếm Đại Việt. Thoát Hoan đi từ Quảng Tây còn Toa Đô đi đường biển từ cảng Quảng Châu, trước hết đánh vào Chiêm Thành rồi đánh "gọng kìm" thốc lên từ phía nam Đại Việt.
Thắng lợi năm 1285 cơ bản xác định sự tồn tại của Đại Việt và củng cố lòng tin của người Việt có thể đương đầu được với đạo quân hùng mạnh của Mông Nguyên liền kề phía bắc. Bởi vậy trong lần kháng chiến thứ 3 chống Mông Nguyên năm 1287, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói với vua Trần: "...Quân ta đã quen việc chiến trận, mà quân nó thì sợ phải đi xa... Theo như thần thấy, phá được chúng là điều chắc chắn". Nhà Trần tiếp tục chủ động áp dụng chiến thuật tránh thế mạnh, triệt lương thảo. Cuối cùng quân Trần đại phá quân Nguyên ở sông Bạch Đằng tháng 4 năm 1288, bắt sống Nguyên soái Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ. Thoát Hoan một lần nữa trốn chạy về bắc.
Mỗi lộ đều có quyền dân tịch để kiểm soát dân số trong lộ. Dân chúng trong nước được chia ra làm 3 hạng: hạng tiểu hoàng nam (từ 18 tuổi đến 20 tuổi), hạng đại hoàng nam (từ 20 tuổi đến 60 tuổi) và hạng lão (trên 60 tuổi). Lúc đầu chỉ có những người trong hoàng tộc mới được giữ các chức quan nhưng từ đời vua Anh Tông, những người tài đức cũng được tuyển dụng vào giữ các chức vụ quan trọng này. Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, phần chính biên, có ghi lại 12 lộ như sau: Thiên Trường, Long Hưng, Quốc Oai, Bắc Giang, Hải Đông, Trường Yên, Kiến Xương, Hồng Khoái, Thanh Hoá, Hoàng giang, Diễn Châu.
Đời nhà Trần đã đào tạo được khá nhiều học giả nổi tiếng như Lê Văn Hưu soạn bộ Đại Việt Sử Ký và đây là bộ sử đầu tiên của Việt Nam. Mạc Đĩnh Chi nổi tiếng là một ông trạng rất mực thanh liêm, đức độ và có tài ứng đối đã làm cho vua quan nhà Nguyên phải kính phục. Chu Văn An là một bậc cao hiền nêu gương thanh khiết, cương trực. Các vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông đều là những người giỏi văn chương và có soạn Ngự tập và danh tướng Trần Quốc Tuấn có làm những tác phẩm giá trị như Hịch tướng sĩ.
Đây là giai đoạn biến những ý tưởng ban đầu thành một kịch bản có thể thực hiện được. Các nhà sản xuất phim sẽ tìm kiếm các cốt truyện thích hợp từ tiểu thuyết, những vở kịch, các bộ phim khác hoặc đơn giản là những ý tưởng gốc có tính khả thi cao. Những ý tưởng này sẽ được phát triển thành một bản tóm tắt (synopsis) để chuẩn bị cho việc viết kịch bản gốc chứa các chi tiết chính của phim, nhịp điệu, định hình các nhân vật, một phần thoại và các chỉ dẫn cần thiết cho đạo diễn. Kịch bản này thường có chứa những phác họa để đạo diễn có thể hình dung được bối cảnh của những đoạn phim quan trọng.
Trong vài tháng tiếp theo, kịch bản phim được xây dựng hoàn chỉnh, rõ ràng về cấu trúc của truyện phim, tính cách hành động của các nhân vật, toàn bộ các đoạn thoại và phong cách chung của toàn bộ phim. Các nhà sản xuất và phân phối phim cũng sẽ kiểm soát quá trình này để xác định rõ thể loại phim, đối tượng khán giả mà phim hướng tới cũng như đảm bảo thành công về doan thu cho bộ phim bằng cách tránh lập lại những ý tưởng đã có hoặc sai lầm trong các bộ phim trước đó. Vì lý do này nên quá trình viết kịch bản tốn khá nhiều thời gian và đôi khi phải viết đi viết lại để phù hợp phong cách của các đạo diễn.
Trong quá trình này, các yếu tố cần thiết để hiện thực hóa kịch bản được lên kế hoạch và xây dựng. Sau khi kịch bản hoàn thành, hãng sản xuất sẽ đưa ra một ngân quỹ nhất định cho nhà sản xuất để xây dựng đội ngũ làm phim và biến kịch bản thành một bộ phim hoàn chỉnh. Ngân quỹ và đội ngũ làm phim tùy thuộc vào độ phức tạp của kịch bản và kỳ vọng thương mại của hãng sản xuất, với các bộ phim bom tấn của Hollywood, khoản ngân sách này có thể lên tới hàng trăm triệu USD với đội ngũ làm phim hàng nghìn người, còn với những tác phẩm của những nhà sản xuất độc lập, đội ngũ này có thể co gọn chỉ khoảng 10 người.
Cảnh quay được bắt đầu khi đạo diễn hô "diễn" và bảng clapperboard dập xuống báo hiệu, trên bảng clapperboard có ghi số hiệu cảnh phim, số lần thực hiện cảnh đó, ngày tháng, tên phim và đạo diễn. Bảng này có vai trò quan trọng trong việc xác định sự đồng bộ của hình ảnh và âm thanh, đặc biệt là các âm thanh tạo thêm bên ngoài. Cảnh quay kết thúc khi đạo diễn hô "cắt". Đạo diễn sẽ là người quyết định cảnh đó có phải quay lại hay không, thường thì một cảnh quay phải thực hiện nhiều lần để đạo diễn có thể lựa chọn được cảnh tốt nhất.
Sau khi công đoạn quay hoàn tất, các cảnh quay sẽ được dựng, sắp xếp thành một bộ phim hoàn chỉnh bởi những người dựng phim. Đầu tiên các kỹ thuật viên này sẽ lựa chọn các cảnh quay tốt nhất, sau đó cắt và chỉnh sửa sao cho chúng có thể tiếp nối nhau một cách trơn tru để tạo thành bộ phim. Việc chỉnh sửa được thực hiện cực kì tỉ mỉ, đôi khi tới từng khuôn hình hoặc từng giây vì nó quyết định chất lượng của bộ phim. Bộ phim sẽ được chiếu thử cho đạo diễn và nhà sản xuất kiểm tra, nó được coi là hoàn chỉnh chỉ khi những người này thực sự hài lòng.
Đây là công đoạn cuối cùng của quá trình làm phim. Các bộ phim sẽ được phát hành dưới dạng các cuộn phim cho rạp chiếu, sau đó sẽ là DVD, VCD hoặc trước đây là băng từ VHS. Để quảng bá, các đoạn phim quảng cáo được tung ra trước khi phim hoàn thành nhiều tháng, chúng được chiếu vào đầu các bộ phim ở rạp hoặc hiện nay được đưa lên Internet thông qua các trang web chính thức của phim hoặc các trang chia sẻ phim như Youtube. Gần đến ngày chiếu ra mắt, phim sẽ được quảng cáo trên truyền hình, báo, tạp chí, trên các áp phích phim và các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Hiện nay với sự phát triển của các thiết bị điện tử ghi hình ảnh và âm thanh, việc làm các bộ phim không còn chỉ giới hạn trong các hãng phim mà còn có thể được thực hiện bởi nhà điện ảnh hoặc thậm chí là những người làm phim nghiệp dư, các bộ phim như vậy được gọi là các bộ phim độc lập. Vì nằm ngoài luồng của các hãng sản xuất, các bộ phim độc lập thường phải tìm cơ hội phát hành ở các liên hoan phim hoặc hội chợ phim. Hiện nay một cách khác để truyền bá các bộ phim này là bằng các trang chia sẻ phim trên Internet.
Vào thời kỳ Bắc thuộc, Điện Biên thuộc huyện Lâm Tây, quận Tân Hưng. Vào đời Lý, đất Điện Biên nằm trong hạt châu Lâm Tây; vào đời Trần, Điện Biên thuộc lộ Đà Giang, cuối thời Trần là trấn Thiên Hưng; thời Minh thuộc lại chia làm 2 châu Gia Hưng và Quy Hoá. Năm 1463, trấn Hưng Hóa được thành lập, bao gồm ba phủ: Quý Hóa, Gia Hưng, An Tây. Mặc dù vậy, các thủ lĩnh người Lự cơ bản vẫn làm chủ Mường Thanh. Từ 1466 về sau, Lê Thánh Tông đặt làm 12 thừa thừa tuyên, trong đó Hưng Hóa bao gồm 3 phủ, 4 huyện và 17 châu. Năm 1831, Minh Mạng đổi thành tỉnh Hưng Hóa, tỉnh lị đặt ở thị trấn Hưng Hoá, huyện Tam Nông (nay thuộc Phú Thọ).
Ngày 7 tháng 5 năm 1954, Điện Biên đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được coi là "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", chấm dứt 80 năm nô lệ dưới ách thực dân phong kiến. Để tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc và tạo điều kiện cho các dân tộc ở Tây Bắc tiến bộ mau chóng về mọi mặt, trung ương đã quyết định lập khu vực tự trị của các dân tộc ở Tây Bắc, gọi là Khu tự trị Thái - Mèo theo Nghị quyết của Quốc hội vào ngày 29 tháng 4 năm 1955. Trước đó, theo Sắc lệnh số 143-SL ngày 28 tháng 1 năm 1953 của Chủ tịch nước, Khu Tây Bắc được thiết lập gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Lai Châu, tách khỏi Liên khu Việt Bắc.
Điện Biên có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh.được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam với độ cao biến đổi từ 200 m đến hơn 1800 m. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng dần từ Tây sang Đông. Ở phía Bắc có các điểm cao 1085 m, 1162 m và 1856 m (thuộc huyện Mường Nhé), cao nhất là đỉnh Pu Đen Đinh (1886 m). Ở phía Tây có các điểm cao 1127 m, 1649 m, 1860 m và dãy điểm cao Mường Phăng kéo xuống Tuần Giáo. Xen lẫn với các dãy núi cao là những thung lũng, sông suối nhỏ hẹp và dốc phân bổ khắp nơi trong cả tỉnh. Trong đó, cánh đồng Mường Thanh được tạo thành từ thung lũng Mường Thanh rộng hơn 150 km², là cánh đồng lớn và nổi tiếng nhất của tỉnh Điện Biên và cả khu vực Tây Bắc.
Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21 °C đến 23 °C, nhiệt độ trung bình thấp nhất thường vào tháng 12 đến tháng 2 năm sau (từ 14 °C đến 18 °C). Các tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất từ tháng 4 đến tháng 9 (25 °C) chỉ xảy ra các khu vực có độ cao thấp hơn 500m. Lượng mưa hàng năm trung bình từ 1500 mm đến 2500 mm, thường tập trung theo mùa, mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Độ ẩm trung bình hàng năm từ 76 đến 84%. Điện Biên có nhiều nắng, khoảng từ 1820 đến 2035 giờ/năm và từ 115 đến 215 giờ/tháng. Các tháng có giờ nắng thấp là tháng 6 và tháng 7; các tháng có giờ nắng cao thường là các tháng 3, 4, 8 và tháng 9.
Dự ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP theo giá so sánh năm 2016 đạt 9223,2 tỷ đồng. Trong đó: khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,56%; công nghiệp – xây dựng tăng 6,07%; dịch vụ tăng 8,64%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng xác định, trong đó: khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản chiếm 23,77%, giảm 1,08%; công nghiệp – xây dựng chiếm 25,29%, tăng 0,03%; dịch vụ chiếm 48,48%, tăng 1,04% so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 22,31 triệu đồng/người/năm, tăng 7,87% so với năm 2015.
Các hoạt động y tế, chương trình mục tiêu Y tế được duy trì và triển khai có hiệu quả theo kế hoạch, chất lượng công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế của tỉnh Điện Biên từng bước được nâng lên. Tình hình dịch bệnh ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Ước cả năm tổng số lượt khám bệnh ước đạt trên 1.000.000 lượt người, tổng số bệnh nhân điều trị nội trú 103.800 lượt và trên 6500 bệnh nhân điều trị ngoại trú, Công suất sử dụng giường bệnh đạt 112%. Tuy nhiên, vì Điện Biên là tỉnh miền núi, 90% dân số là đồng bào các dân tộc ít người, sinh sống chủ yếu ở các bản vùng cao nên điều kiện khám, chữa bệnh vẫn còn nhiều hạn chế về chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh.
Toàn tỉnh Điện Biên có tổng cộng 517 trường học. Trong đó có 333 trường phổ thông, bao gồm: 176 trường tiểu học, 124 trường trung học cơ sở, 21 trường trung học phổ thông, 1 trường phổ thông cơ sở và 1 trường trung học. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Phương pháp dạy học tiếp tục được đổi mới theo hướng tích cực hóa, phát huy khả năng sáng tạo, hứng thú học tập, tạo điều kiện để mọi học sinh bộc lộ khả năng và năng lực của bản thân. Tỷ lệ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn tăng nhanh.
Từ lâu nhu cầu đã là đối tượng nghiên cứu của hầu hết các ngành khoa học nghiên cứu sinh học và xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội vấn đề về nhu cầu được tìm thấy trong nghiên cứu của các nhà khoa học tên tuổi như Jeremy Bentham, Benfild, William Stanley Jevons, John Ramsay McCulloch, Edward S. Herman. Đó là hiện tượng phức tạp, đa diện, đặc trưng cho mọi sinh vật. Sự hiện diện của nhu cầu ở bất kì sinh vật nào, ngay cả ở bất kì xã hội nào được xem như cơ thể sống phức tạp, là đặc điểm để phân biệt chủ thể đó với môi trường xung quanh.
Cho tới nay chưa có một định nghĩa chung nhất cho khái niệm nhu cầu. Các sách giáo khoa chuyên ngành hay các công trình nghiên cứu khoa học thường có những định nghĩa mang tính riêng biệt. Trong phạm vi nhận thức hiện tại có thể định nghĩa nhu cầu là tính chất của cơ thể sống, biểu hiện trạng thái thiếu hụt của chính cá thể đó và do đó phân biệt nó với môi trường sống. Nhu cầu tối thiểu, hay còn gọi là nhu yếu tuyệt đối, đã được lập trình qua quá trình rất lâu dài tồn tại, phát triển và tiến hóa.
Nhu cầu được hiểu là sự cần thiết về một cái gì đó. Nhưng "cái gì đó" chỉ là hình thức biểu hiện bên ngoài của nhu cầu. Sau hình thức biểu hiện ẩn chứa bản chất của nhu cầu mà có thể tạm gọi là "nhu yếu". Nhu yếu đang nói đến lại có thể được xem là hình thức biểu hiện của một nhu yếu khác căn bản hơn. Như vậy khái niệm nhu cầu và nhu yếu mang tính tương đối với nhau. Điều đó cho thấy rằng nhu cầu của cơ thể sống là một hệ thống phức tạp, nhiều tầng lớp, bao gồm vô số các chuỗi mắc xích của hình thức biểu hiện và nhu yếu liên kết chằng chịt, có khả năng phát triển và đa dạng hóa. Tuy nhiên, để dễ nhận dạng, một nhu cầu riêng biệt đơn giản nhất được cấu thành bởi một nhu yếu và một hình thức biểu hiện.
Trọng tâm chú ý của các nhà khoa học là xếp đặt nhu cầu theo một cấu trúc thứ bậc. Ý tưởng về thứ bậc của nhu cầu bắt đầu nảy sinh từ đầu thế kỉ trước. Benfild viết: "Quan điểm đầu tiên của luận thuyết về nhu cầu nói rằng sự thỏa mãn nhu cầu bậc thấp trong thang độ nhu cầu sẽ sinh ra mong muốn được thỏa mãn nhu cầu bậc cao hơn". Trong số các công trình nghiên cứu hiện đại có thể kể đến kết quả phân loại như K. Alderfer: tồn tại, quan hệ, nâng cao; D. Mc Clelland: thành quả, tham dự, quyền lực; V. Podmarcow: đảm bảo, khuynh hướng, uy tín; V. Tarasenko: tồn tại, phát triển; A. Maslow: sinh lý, an toàn, tham dự, (được) công nhận, tự thể hiện... Năm cấp bậc nhu cầu theo phân loại của A. Maslow được xếp theo hình bậc thang hay hình chóp kim tự tháp với thứ tự liệt kê như trên thể hiện quan điểm rằng sự thỏa mãn nhu cầu theo thứ tự từ dưới lên. Người ta đã chỉ ra rằng thực tế sự thỏa mãn nhu cầu không nhất thiết phải tuân theo quy luật đó.
Hình thức biểu hiện được phân loại thông qua đối tượng của nhu cầu. Chúng chính là tất cả những gì có ý nghĩa đối với đời sống con người. Đối tượng của nhu cầu có thể là những sự vật cụ thể trong thế giới xung quanh, có thể là những yếu tố của tư duy. Nhận thức của con người và xã hội càng cao thì phạm vi đối tượng có ý nghĩa càng rộng. Như vậy đối tượng của nhu cầu được phân loại theo các lĩnh vực hoạt động của con người: xã hội, kinh tế, chính trị, pháp luật, môi trường, tôn giáo, y tế, văn hóa-giáo dục-khoa học, đời sống cá nhân. Ranh giới của các lĩnh vực này không hoàn toàn rõ nét vì có sự đan xen. Tuy nhiên trong mỗi lĩnh vực hoạt động có sự định hình mối liên kết đặc biệt giữa các đối tượng, tạo nên những "hệ thống giá trị" mà vai trò của chúng là điều hòa sự mâu thuẫn giữa các nhu cầu khác nhau. Đôi khi chính những hệ thống giá trị này gây cản trở sự tiếp cận những đối tượng mới. Hệ thống giá trị có thể bị phá vỡ hoặc có sự thay đổi bổ sung tùy vào sự thay đổi của môi trường sống.
Nhu yếu được phân loại thành nhu yếu tuyệt đối và nhu yếu phát triển. Nhóm thứ nhất liên quan trực tiếp đến các hành vi bản năng và vô thức. Hình thức biểu hiện, hay đối tượng tương ứng, của chúng là không thể thay thế. Sự không đáp ứng các nhu yếu này sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho cơ thể sống. Nhu yếu phát triển là những nhu yếu mang tính phức tạp, là kết quả kết hợp của những nhu yếu tuyệt đối và sự bổ sung những "đam mê bẩm sinh" (về mùi vị, màu sắc, âm nhạc, sự chuyển động v.v.). Nhu yếu phát triển được chia thành ba nhóm dựa trên những đặc điểm cơ bản nhất của hành vi. Những đặc điểm này, cũng giống như các nhu yếu tuyệt đối, không phụ thuộc vào tính chất của môi trường sống, vào thời điểm lịch sử, vào các giá trị xã hội; chúng đặc trưng cho mọi sinh vật, mọi cơ thể sống và nói lên sự tương tác qua lại của cá thể với môi trường. Những nhu yếu đấy là:
Nhu yếu nhập thế và nhu yếu xuất thế phản ánh một đặc tính nổi bật của con người là sự mong muốn nhận thức thế giới. Chúng khác nhau ở chỗ nhu yếu thứ nhất thể hiện tính thụ động, còn nhu yếu thứ hai thể hiện tính chủ động. Trong đời sống thực tế một nhu cầu thường có chung ba đặc điểm kể trên, chúng bổ sung cho nhau theo mối quan hệ "mục đích – phương tiện", nhưng một trong các nhu yếu đó nổi trội hơn cả (mục đích). Và vì thế có thể gọi những nhu cầu theo tên của nhu yếu tương ứng nổi trội đó. Nhu yếu phát triển hướng tới những đối tượng mới và thay đổi dần những giá trị cũ để phù hợp với sự thay đổi thường xuyên của môi trường.
Hai hệ thống sông lớn nhất trong vùng là sông Đồng Nai và sông Cửu Long. Ngược với dòng Sông Đồng Nai có lượng phù sa thấp, dòng sông Cửu Long có lượng nước đổ về trung bình khoảng 4.000 tỷ mét khối và hàng năm vận chuyển khoảng 100 triệu tấn phù sa, giữ vai trò rất quan trọng đối cho đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 39.734 km². Cho đến nay, đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn là một vùng đất thấp, độ cao trung bình so với mặt biển chỉ vào khoảng 5 mét. Một số khu vực như tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và phía tây sông Hậu đang tồn tại ở mức thấp hơn mặt biển, chính vì vậy mà hàng năm có tới 1 triệu ha bị ngâp nước mặn trong thời gian từ 2 đến 4 tháng. Các nhà nghiên cứu lịch sử về vùng đất này cho rằng, cách đây hàng triệu năm nơi này vốn là một vịnh lớn nhưng đã được bồi đắp dần bởi phù sa của sông Cửu Long.
Nam Bộ nằm trong vùng đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa và cận xích đạo, nền nhiệt ẩm phong phú, ánh nắng dồi dào, thời gian bức xạ dài, nhiệt độ và tổng tích ôn cao. Biên độ nhiệt ngày đêm giữa các tháng trong năm thấp và ôn hòa. Độ ẩm trung bình hàng năm khoảng từ 80 - 82% . Khí hậu hình thành trên hai mùa chủ yếu quanh năm là mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4. Về mùa vụ sản xuất có khác với khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (Đồng bằng sông Hồng).
Sau này lập thêm các tỉnh Phước Thành (1959-1965), Chương Thiện (1961), Gò Công (1963), Hậu Nghĩa (1963), Châu Đốc (1964), Bạc Liêu (1964), Sa Đéc (1966), bỏ tỉnh Côn Sơn (1965). Như vậy năm 1962, Nam phần có 24 tỉnh rồi tăng lên thành 27 tỉnh vào thời kỳ 1966-1975: Phước Lon, Bình Long, Long Khánh, Biên Hòa, Bình Dương, Bình Tuy, Phước Tuy, Gia Định và Biệt khu Thủ đô (Sài Gòn), Hậu Nghĩa, Long An, Tây Ninh, Gò Công, Định Tường, Kiến Tường, Kiến Phong, Sa Đéc, Kiến Hòa, Vĩnh Bình, Vĩnh Long, Châu Đốc, An Giang, Phong Dinh, Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Xuyên. Tỉnh Bình Tuy sau này nhập vào tỉnh Thuận Hải, nay là địa bàn tỉnh Bình Thuận thuộc Trung Bộ.
Có thể nhìn nhận khởi điểm lịch sử văn hóa Nam Bộ được tính mốc là năm 1623 khi vua Chân Lạp cho chúa Nguyễn di dân Việt đến định cư ở Prey Kôr (thành phố Hồ Chí Minh hiện nay). Vùng đất Nam Bộ bấy giờ chỉ là một vùng hoang dại với hệ thống đất đai trũng, úng, sình lầy và sông rạch chằng chịt. Bắt đầu từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Cửa Tiểu, Cửa Đại trở vào. Cuối thế kỷ 17, chúa Nguyễn tiếp nhận một đoàn người Hoa đến quy thuận và cho họ đến khai phá và định cư ở Biên Hòa - Đồng Nai. Tiếp đó mộ dân từ Quảng Bình vào và chia đặt doanh, huyện, lập hộ tịch. Như vậy, phải gần một thế kỷ sau Nam Bộ mới bước đầu được định hình một vùng văn hóa. Một nền văn hoá vùng miền hình thành qua thời gian một thế kỷ không phải là dài và khi người Việt đến vùng đất mới mang theo hành trang với vốn văn hóa đúc kết hàng ngàn năm của dân tộc Việt đã góp phần tạo nên nền tảng của hệ giá trị văn hóa Nam Bộ. Những giá trị trải qua quá trình tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội trong lịch sử, dần tạo nên những giá trị của nền văn hoá Nam Bộ như hiện nay.
Đất Nam Bộ còn là một vựa lúa chính, đồng thời là vựa trái cây nổi tiếng với đủ các chủng loại hoa quả miền nhiệt đới. Từ chôm chôm, vú sữa, măng cụt, sầu riêng cho đến mít, chuối, xoài, ổi, nhãn, cam, quýt... Mỗi địa phương đều có bảo tồn loại sản vật riêng, đa dạng và phong phú. Với ưu thế sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, bưng biền ngập nước mênh mông là nơi sanh sống lý tưởng của rắn rết, cá sấu, rùa, ba ba, tôm, cá, cua, còng... và cả các loại chim chóc nữa. Nam Bộ tập trung nhiều món ăn ngon, nhiều sản vật lạ từ lâu đã đi vào kho tàng văn học dân gian.
Nam Bộ vừa có bề dày tiến trình lịch sử văn hóa lại vừa là vùng đất giàu sức trẻ do các tộc người ở đây đang dày công gây dựng nên. Từ vị thế địa lý, văn hóa của Nam Bộ, đang giúp trở thành trung tâm của quá trình tiếp biến văn hóa, phần nào tạo cho vùng có những nét đặc thù, diện mạo mới đối với các vùng văn hóa khác ở Việt Nam. Hệ giá trị văn hóa Nam Bộ là truyền thống văn hóa dân tộc và những giá trị cốt lõi hình thành phong cách văn hóa riêng vùng. Tính mở của một vùng đất mới làm nên tính năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm của người dân Nam Bộ. Tính mở là cơ sở cho việc tiếp nhận và tiếp biến thành công nhiều giá trị văn hóa cao và hiện nay có thêm nền văn minh hiện đại.
Dưới thời nhà nước Phù Nam cư dân của quốc gia có truyền thống hàng hải và thương mại phát triển, Vương quốc Phù Nam có hải cảng giao thương với nước ngoài ở Óc Eo (gần núi Ba Thê-An giang ngày nay). Phù Nam có quan hệ buôn thương với nhiều khu vực lân cận, mở rộng đến cả Trung Hoa, Ấn Độ và Địa Trung Hải. Những hiện vật phát hiện được rất nhiều từ thế kỉ thứ XIX đến nay ở các địa phương Tây Nam Bộ đã chứng tỏ truyền thống hàng hải và thương mại của Phù Nam phát triển rất mạnh mẽ. Về phía biên giới Tây-Nam, Triều Nguyễn tiếp tục thực hiện bằng chính sách của Gia Long nửa sau thế kỷ 18. Luồng buôn bán, giao thương qua hai đường chính là cửa khẩu Châu Đốc và đường biển Hà Tiên. Trong thế kỷ 18-19, Châu Đốc là vùng biên thuỳ quan trọng ở tuyến biên giới Tây-Nam, nơi đây từng được coi là phong vũ biểu không chỉ trong mối quan hệ bang giao giữa Đàng Trong với Chân Lạp, mà nó còn là "hàn thử biểu" của mối giao thương Gia Định - Nam Vang. Do đó, con đường buôn bán Gia Định- Nam Vang không chỉ có tác động đến sự phát triển kinh tế của vùng đất này, mà còn ảnh hưởng đến tình hình chính trị, xã hội, giao lưu văn hoá của các cộng đồng cư dân trong khu vực.
Hiện nay bộ mặt kinh tế của Nam Bộ Việt Nam đã hoàn toàn khác xưa. Trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Được tập trung ở những tỉnh và thành phố: Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang[cần dẫn nguồn]. Vùng kinh tế có nhiều tiềm năng, lợi thế, năng động, sáng tạo, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tạo động lực phát triển kinh tế chung của Việt Nam. Với giải pháp cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, là khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của toàn vùng để phát triển ổn định và bền vững, là cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực. Có mức tăng trưởng kinh tế trung bình là 12,6 phần trăm một năm, chiếm 60 phần trăm sản xuất công nghiệp của đất nước theo giá trị, 70 phần trăm của doanh thu xuất khẩu của cả nước và 40 phần trăm của tổng sản phẩm nội địa của đất nước (GDP). Thu nhập đầu người bên trong khu vực này là VND31.4 triệu / năm.
Birmingham là một phố chợ cỡ trung bình vào thời kỳ trung cổ, sau đó trở nên nổi bật ở tầm quốc tế trong thế kỷ 18 khi là trọng tâm trong Khai sáng Midlands rồi cách mạng công nghiệp. Trong cách mạng công nghiệp, Birmingham đi tiên phong trong các tiến bộ toàn cầu về phát triển khoa học, kỹ thuật, và kinh tế, sản sinh hàng loạt sáng kiến giúp đặt một phần nền tảng cho xã hội công nghiệp hiện đại. Đến năm 1791, Birmingham được ca ngợi là "thị trấn sản xuất đầu tiên trên thế giới". Thành phố có hồ sơ kinh tế đặc trưng, với hàng nghìn xưởng nhỏ đa dạng về các ngành nghề chuyên biệt và có kỹ năng cao, khuyến khích mức độ sáng tạo và sáng kiến cao khác thường, tạo ra cơ sở kinh tế đa dạng và linh hoạt cho giai đoạn thịnh vượng công nghiệp kéo dài cho đến cuối thế kỷ 20. Động cơ hơi nước công nghiệp được phát minh tại Birmingham, đây có lẽ là sáng kiến quan trọng nhất trong lịch sử Anh Quốc. Công nghiệp hoá dẫn đến mức độ cao về tính lưu động xã hội, nuôi dưỡng một nền văn hoá cấp tiến chính trị có cơ sở đại chúng, khiến thành phố có được ảnh hưởng chính trị lớn nhất trong số các địa phương ngoài Luân Đôn, và có vai trò then chốt trong phát triển dân chủ tại Anh Quốc. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Birmingham bị Không quân Đức oanh tạc ác liệt. Thiệt hại về cơ sở hạ tầng do chiến tranh, cộng thêm chính sách phá đổ và xây mới của những nhà lập kế hoạch đã dẫn đến tái phát triển quy mô lớn trong các thập niên sau.
Ngày nay, khu vực dịch vụ chi phối kinh tế Birmingham. Thành phố là một trung tâm thương mại quốc tế lớn, được xếp hạng là thành phố thế giới cấp gamma+; và là một trung tâm quan trọng về giao thông, mua sắm, sự kiện và hội nghị. Kinh tế vùng đô thị của Birmingham lớn thứ nhì tại Anh Quốc, có GDP đạt 121,1 tỉ USD vào năm 2014, và là trung tâm giáo dục đại học lớn thứ nhì toàn quốc sau Luân Đôn. Các thể chế văn hoá chính của Birmingham, như Dàn nhạc giao hưởng Thành phố Birmingham, Thư viện Birmingham có được danh tiếng tầm cỡ quốc tế, và có các hoạt động sôi động và có sức ảnh hưởng về nghệ thuật, âm nhạc, văn học và ẩm thực. Birmingham là thành phố đứng thứ tư về đón tiếp du khách nước ngoài tại Anh Quốc. Di sản thế thao của Birmingham có thể thấy trên toàn cầu, giải bóng đá Football League và quần vợt đều bắt nguồn từ thành phố.
Tồn tại bằng chứng về hoạt động của chi Người tại khu vực Birmingham có niên đại 10.000 năm, với các đồ tạo tác thời kỳ đồ đá, gợi ý về các khu dân cư theo mùa, các bữa tiệc săn bắn xuyên đêm và các hoạt động trong rừng như chặt cây. Nhiều mô đất bị đốt vẫn có thể thấy được quanh thành phố, chỉ ra rằng người hiện đại lần đầu định cư và trồng trọt tích cực tại khu vực vào thời đại đồ đồng, khi có một dòng người đáng kể song cư trú ngắn ngủi diễn ra giữa 1700 TCN và 1000 TCN, có thể là do xung đột hoặc di cư tại các khu vực xung quanh. Khi người La Mã (Roma) chinh phục Anh vào thế kỷ 1, vùng rừng trên cao nguyên Birmingham tạo thành một chướng ngại vật ngăn các quân đoàn La Mã, quân La Mã xây dựng đồn luỹ Metchley tại khu vực nay là Edgbaston vào năm 48, và biến nó thành trung tâm của một mạng lưới các đường La Mã.
Birmingham trở thành một khu định cư từ thời kỳ Anglo-Saxon. Tên gọi của thành phố bắt nguồn từ tiếng Anh cổ Beormingahām, nghĩa là nơi ở hay khu định cư của người Beormingas – cho thấy rằng Birmingham được thành lập vào thế kỷ 6 hoặc đầu thế kỷ 7 với vai trò là khu định cư đầu tiên của một nhóm bộ lạc Angle và một regio cùng tên. Bất chấp tầm quan trọng ban đầu này, đến khoảng thời gian Domesday Book (sổ điền thổ) soạn vào năm 1086 thì thái ấp Birmingham là một trong những nơi nghèo nàn nhất và ít dân nhất tại Warwickshire, giá trị chỉ là 20 shilling, và khu vực thành phố hiện đại bị phân chia giữa các hạt Warwickshire, Staffordshire và Worcestershire.
Quá trình Birmingham phát triển thành một trung tâm đô thị và thương mại quan trọng bắt đầu vào năm 1166, khi Lãnh chúa thái ấp Peter de Bermingham nhận được đặc quyền lập chợ tại thành trì của ông, và sau đó hình thành một phố chợ có quy hoạch và đô thị thái ấp trong lãnh địa, quanh địa điểm Bull Ring ngày nay. Sự kiện này biến Birmingham thành trung tâm thương mại chủ yếu của cao nguyên Birmingham vào đương thời, trong khi kinh tế khu vực được mở rộng nhanh chóng, dân số tăng trưởng dẫn đến phát quang, trồng trọt và định cư tại các vùng đất không thuận lợi trước đây. Trong vòng một thế kỷ sau đó, Birmingham phát triển thành một trung tâm đô thị thịnh vượng với các thương gia và thợ thủ công. Đến năm 1327, đây là thị trấn lớn thứ ba tại Warwickshire, và duy trì vị thế này trong 200 năm sau đó.
Tầm quan trọng của sản xuất hàng sắt đối với kinh tế Birmingham được công nhận ngay từ năm 1538, và phát triển nhanh chóng theo tiến bộ thế kỷ. Cũng quan trọng ngang bằng là việc thị trấn vươn lên thành một trung tâm của các thương gia hàng sắt, họ tổ chức tài chính, cung cấp nguyên liệu thô và giao dịch cùng với tiếp thị sản phẩm công nghiệp. Đến những năm 1600, Birmingham trở thành trung tâm thương mại của một mạng lưới lò rèn và lò luyện trải dài từ Nam Wales đến Cheshire và thương gia của địa phương bán các hàng hoá thành phẩm xa đến Tây Ấn. Các liên kết mậu dịch này khiến cho các nhà luyện kim của Birmingham tiếp cận được thị trường rộng hơn nhiều, cho phép họ đa dạng hoá bằng việc rời xa khỏi các nghề kỹ năng thấp vốn dĩ sản xuất hàng hoá cơ bản phục vụ giao dịch tại địa phương, để hướng đến một phạm vi lớn hơn gồm các hoạt động chuyên biệt, kỹ năng cao và sinh lợi hơn.
Đến thời kỳ Nội chiến Anh, do kinh tế Birmingham bùng nổ, dân số gia tăng, kết quả là mức độ cao về linh động xã hội và đa nguyên văn hoá, nên tại đây diễn ra phát triển các cấu trúc xã hội mới rất khác biệt so với các khu vực được củng cố hơn. Các quan hệ được gây dựng quanh liên kết thương mại thực dụng thay vì chủ nghĩa gia trưởng cứng rắn, do vậy làm suy yếu lòng tôn kính với xã hội phong kiến, lòng trung thành với tôn ti truyền thống của giáo hội và quý tộc. Danh tiếng cấp tiến chính trị và cảm tình mạnh mẽ của địa phương cho phái Quốc hội khiến Birmingham bị lực lượng Bảo hoàng tấn công trong trận Birmingham vào năm 1643, và thị trấn phát triển thành một trung tâm của Thanh giáo trong thập niên 1630 và là một nơi trú ẩn cho những người không theo quốc giáo từ thập niên 1660.
Trong thế kỷ 18, truyền thống độc lập về tư tưởng và cộng tác này thăng hoa thành hiện tượng văn hoá gọi là Khai sáng Midlands. Thị trấn phát triển thành một trung tâm nổi bật về hoạt động văn chương, âm nhạc, nghệ thuật và sân khấu; và các công dân hàng đầu của thị trấn – đặc biệt là các thành viên của Hội Mặt trăng Birmingham – trở thành những người tham gia có ảnh hưởng vào việc lan truyền các tư tưởng triết học và khoa học khắp giới tinh hoa tri thức châu Âu. Quan hệ mật thiết giữa các nhà tư tưởng hàng đầu của Birmingham thời Khai sáng và các nhà sản xuất chính tại địa phương – những người như Matthew Boulton và James Keir – khiến thị trấn đặc biệt quan trọng đối với trao đổi kiến thức giữa thế giới khoa học thuần tuý và thế giới sản xuất-kỹ thuật thực tiễn. Điều này tạo ra một "phản ứng sáng kiến dây chuyền", hình thành một liên kết then chốt giữa cách mạng khoa học diễn ra từ trước với cách mạng công nghiệp theo sau.
Phát triển công nghiệp quy mô lớn tại Birmingham bắt đầu sớm hơn so với các thị trấn sản xuất hàng dệt vải tại miền bắc nước Anh, và có các động lực khác biệt. Thay vì kinh tế bậc thang với đặc điểm là lực lượng lao động tay nghề yếu có lương thấp, sản xuất ra một lượng lớn hàng hoá duy nhất như bông hoặc len trong các đơn vị sản xuất quy mô lớn và cơ giới hoá, thì phát triển công nghiệp của Birmingham được gây dựng trên thích ứng và sáng tạo của một lực lượng lao động được trả lương cao có phân công lao động mạnh mẽ, làm đa dạng các nghề chuyên biệt với tay nghề cao, trong một nền kinh tế khởi nghiệp gồm các xưởng quy mô nhỏ và thường là tự làm chủ. Điều này tạo ra mức độ cao khác thường các phát minh: Trong những năm trọng tâm của cách mạng công nghiệp từ 1760 đến 1850, cư dân Birmingham đăng ký các bằng sáng chế nhiều hơn gấp ba lần so với bất kỳ thành thị nào khác tại Anh Quốc.
Sáng kiến tại Birmingham thế kỷ 18 thường là dưới dạng một chuỗi gia tăng các cải tiến quy mô nhỏ về các sản phẩm hoặc quy trình hiện hữu, song cũng có các phát triển lớn nằm tại trọng tâm trong việc xuất hiện xã hội công nghiệp. Năm 1709, Abraham Darby I vốn được đào tạo tại Birmingham đã chuyển đến Coalbrookdale thuộc hạt Shropshire và xây dựng lò cao đầu tiên thành công trong việc nung chảy quặng sắt bằng than cốc, biến đổi chất lượng, thể tích và quy mô khiến nó có thể sản xuất gang. Năm 1732, Lewis Paul và John Wyatt phát minh máy xe sợi con lăn, "một ý tưởng lạ thường có tầm quan trọng lớn nhất" trong việc phát triển ngành công nghiệp bông sợi cơ giới hoá. Năm 1741, họ mở xưởng bông sợi đầu tiên trên thế giới tại Upper Priory của Birmingham. Năm 1746, John Roebuck phát minh quy trình khoan dẫn, cho phép sản xuất axit sulfuric quy mô lớn, và đến năm 1780 James Keir phát triển một quy trình sản xuất chất kiềm với số lượng lớn, đồng thời đánh dấu khai sinh ngành công nghiệp hoá học hiện đại. Năm 1765, Matthew Boulton mở xí nghiệp Soho, đi tiên phong trong việc kết hợp cơ giới hoá các hoạt động sản xuất vốn riêng lẻ trước đây dưới một mái nhà xưởng, thông qua một hệ thống gọi là "sản xuất hợp lý". Đây là đơn vị sản xuất lớn nhất tại châu Âu, trở thành biểu trưng cho quá trình xuất hiện hệ thống nhà máy.
Birmingham trở nên nổi bật trong chính trị quốc gia nhờ các chiến dịch nhằm cải cách chính trị vào đầu thế kỷ 19, khi Thomas Attwood và Liên minh Chính trị Birmingham đưa quốc gia đến bờ vực nội chiến trong "Các Ngày tháng 5", trước khi thông qua Đạo luật Đại Cải cách vào năm 1832. Các cuộc tụ tập của Liên minh tại Newhall Hill vào năm 1831 và 1832 là những hội nghị chính trị lớn nhất từng diễn ra tại Anh Quốc. Huân tước xứ Durham John Lambton là người soạn thảo đạo luật, viết rằng "quốc gia nợ cải cách cho Birmingham, và cứu giúp của họ từ thời cách mạng". Danh tiếng vào năm 1832 khiến John Bright biến Birmingham thành diễn đàn cho chiến dịch thành công của ông về một đạo luật cải cách thứ nhì vào năm 1867, theo đó mở rộng quyền bầu cử cho tầng lớp lao động đô thị.
Đến thập niên 1820, một hệ thống kênh đào quy mô lớn được xây dựng, cho phép tiếp cận lớn hơn đến các tài nguyên tự nhiên và nhiên liệu phục vụ cho công nghiệp. Trong thời kỳ Victoria, dân số Birmingham tăng trưởng nhanh chóng đến mức hơn nửa triệu người và Birmingham trở thành trung tâm dân cư lớn thứ nhì tại Anh. Birmingham được cấp vị thế thành phố vào năm 1889. Joseph Chamberlain từng là thị trưởng Birmingham và sau là một nghị sĩ, và con trai ông là Neville Chamberlain cũng từng là thị trưởng thành phố và về sau giữ chức Thủ tướng Anh Quốc, đây là hai nhân vật chính trị nổi tiếng nhất từng sống tại Birmingham. Thành phố lập ra đại học của mình vào năm 1900.
Chiến tranh thế giới thứ nhất gây tổn thất nhân mạng khủng khiếp cho Birmingham, có trên 150.000 nam giới của thành phố phục vụ trong lực lượng vũ trang, tức hơn một nửa cư dân nam trong đó 13.000 người thiệt mạng và 35.000 người bị thương. Việc khởi đầu chiến tranh cơ giới hoá cũng làm gia tăng tầm quan trọng chiến lược của Birmingham với tư cách một trung tâm sản xuất công nghiệp, Tổng tư lệnh Anh Quốc là John French miêu tả cuộc chiến khi nó bắt đầu là "một trận chiến giữa Krupps và Birmingham". Đến khi chiến tranh kết thúc, Thủ tướng David Lloyd George cũng công nhận tầm quan trọng của Birmingham trong chiến thắng của đồng minh, nhấn mạnh "quốc gia, đế quốc và thế giới nợ kỹ năng, tài khéo léo và nguồn lực của Birmingham một món nợ lớn về lòng biết ơn"..
Birmingham chịu thiệt hại nặng nề khi Không quân Đức oanh tạc thành phố trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Thành phố cũng là nơi diễn ra hai khám phá khoa học được chứng minh là có tính then chốt đối với kết quả chiến tranh. Otto Frisch và Rudolf Peierls mô tả lần đầu tiên cách thức chế tạo vũ khí hạt nhân thực tiễn trong bị vong lục Frisch–Peierls năm 1940, trong cùng năm manhetron hốc được John Randall và Henry Boot phát minh, nó là thành phần chủ chốt của radar và sau này là lò vi sóng. Chi tiết về hai khám phá này, cùng với đề cương động cơ phản lực đầu tiên do Frank Whittle phát minh tại Rugby lân cận, được đưa sang Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 1940.
Thành phố trải qua tái phát triển quy mô lớn trong các thập niên 1950 và 1960. Quá trình này gồm có các bất động sản cao tầng quy mô lớn như Castle Vale. Bull Ring được xây dựng lại và ga Birmingham New Street được tái phát triển. Trong các thập niên sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thành phần dân tộc tại Birmingham có thay đổi quan trọng, do thành phố tiếp nhận các dòng di dân đến từ các quốc gia trong và ngoài Thịnh vượng chung. The city's population peaked in 1951 at 1,113,000 residents.
Birmingham duy trì là thành phố tỉnh lẻ giàu có vượt trội tại Anh cho đến thập niên 1970, có thu nhập hộ gia đình cao hơn cả tại Luân Đôn và vùng đông nam, song đa dạng về kinh tế và năng lực cải tạo bị suy thoái trong các thập niên sau thế chiến do chính phủ trung ương tìm cách hạn chế tăng trưởng của thành phố và phân tán công nghiệp và cư dân đến các khu vực đình đốn tại Wales và Bắc Anh. Các biện pháp này cản trợ "tự cải tạo tư nhiên của các doanh nghiệp tại Birmingham, để lại cho họ gánh nặng cũ nát và yếu kém", và thành phố ngày càng phụ thuộc vào ngành công nghiệp ô tô. Suy thoái vào đầu thập niên 1980 khiến kinh tế Birmingham sụp đổ, có mức độ thất nghiệp chưa từng có và bùng phát náo động xã hội trong các khu nội thị. Ngành công nghiệp của Birmingham sụp đổ một cách đột ngột và thê thảm. Năm 1976, vùng West Midlands với dộng lực kinh tế chính là Birmingham vẫn có GDP cao nhất so với các vùng Anh bên ngoài vùng đông nam, song trong vòng 5 năm đã xuống mức thấp nhất tại Anh. Chỉ riêng Birmingham đã mất đi 200.000 việc làm từ năm 1971 đến năm 1981, tập trung trong lĩnh vực sản xuất; tiền lương tương đối tại West Midlands từ mức cao nhất tại Anh Quốc vào năm 1970 xuống mức thấp nhất vào năm 1983. Đến năm 1982, tỉ lệ thất nghiệp của thành phố đạt 20%, và con số này gấp khoảng hai lần tại các khu vực nội thị như Aston, Handsworth và Sparkbrook.
Hội đồng thành phố tiến hành một chính sách đa dạng kinh tế hướng đến ngành dịch vụ, bán lẻ và du lịch nhằm giảm phụ thuộc vào sản xuất. Một số sáng kiến được tiến hành nhằm tăng sức thu hút của thành phố đối với các du khách. Trong thập niên 1970, Trung tâm Triển lãm Quốc gia (NEC) được xây dựng, nó cách trung tâm thành phố 16 km, thuộc địa giới Solihull lân cận song phần lớn thuộc sở hữu của Hội đồng Birmingham. Trung tâm Hội nghị Quốc tế (ICC) được khánh thành tại trung tâm Birmingham vào đầu thập niên 1990. Khu vực quanh phố Broad, bao gồm quảng trường Centenary, ICC và Brindleyplace, được sửa chữa quy mô lớn khi bước sang thế kỷ 21. Năm 1998, Birmingham đăng cai hội nghị thượng đỉnh G8 lần thứ 24.
Công cuộc cải tạo thành phố trong các thập niên 1990 và 2000 cũng chứng kiến nhiều khu vực nhà ở của thành phố thay đổi đáng kể, điển hình nhất là khu bất động sản hội đồng Pype Hayes thuộc khu vực Erdington của thành phố, vốn được xây dựng từ những năm giữa hai thế chiến song cuối cùng được xây dựng lại hoàn toàn do các khuyết điểm cấu trúc. Nhiều bất động sản hội đồng thập niên 1960 tại thành phố, hầu hết là các căn hộ và nhà nhỏ nhiều tầng, đã bị phá bỏ trong các dự án xây dựng lại tương tự, bao gồm bất động sản Castle Vale quy mô lớn tại đông bắc của thành phố. Tháng 9 năm 2003, tổ hợp mua sắm Bullring được khánh thành sau một dự án kéo dài ba năm, trong cùng năm này thành phố thất bại trong việc ứng cử làm thủ đô văn hoá châu Âu năm 2008. Birmingham tiếp tục phát triển, đường vành đai nội thị bị phá bỏ do được cho là ngăn cản mở rộng trung tâm thành phố, sau đó một dự án cải tạo đô thị khổng lồ mang tên Big City được thực hiện. Thành phố chịu tác động từ các vụ náo loạn lan tràn khắp toàn quốc vào tháng 8 năm 2011, dẫn đến thiệt hại quy mô lớn do tội phạm gây ra tại một số khu vực nội thị, và có ba người thiệt mạng tại khu vực Winson Green.
Birmingham nằm tại trung tâm của vùng West Midlands tại Anh, trên cao nguyên Birmingham tương đối cao, dao động từ 150 đến 300 m trên mực nước biển và có đường phân thuỷ bắc-nam chính của Anh đi qua, giữa các lưu vực sông Severn và Trent. Phía tây nam thành phố nằm trên vùng đồi Lickey, vùng đồi Clent và đồi Walton, trong đó đồi Walton có độ cao 316 m và có tầm nhìn rộng bao quát thành phố. Birmingham chỉ có các sông suối nhỏ để thoát nước, chủ yếu là sông Tame cùng các chi lưu của nó là Cole và Rea.
Thành phố Birmingham thuộc một khu thành thị gồm khu tự quản nhà ở Solihull về phía đông nam, thành phố Wolverhampton và các thị trấn công nghiệp của Black Country về phía tây bắc, chúng tạo thành vùng đô thị hoá West Midlands bao phủ gần 600 km². Bao quanh nó là vùng đại đô thị của Birmingham, là một khu vực có liên hệ kinh tế mật thiết với thành phố thông qua việc làm – bao gồm thủ đô cũ của Mercia là Tamworth và thành phố nhà thờ chính toà Lichfield tại Staffordshire về phía bắc; thành phố công nghiệp Coventry và các thị trấn của hạt Warwickshire là Nuneaton, Warwick và Leamington Spa về phía đông; và các thị trấn của hạt Worcestershire là Redditch và Bromsgrove về phía tây nam.
Về mặt địa chất, Birmingham chịu chi phối từ đứt đoạn Birmingham chạy chéo qua thành phố từ vùng đồi Lickey tại tây nam qua Edgbaston và Bull Ring, đến Erdington và Sutton Coldfield tại đông bắc. Về phía nam và đông của đứt đoạn, mặt đất phần lớn là đá bùn Mercia mềm hơn, rải rác các thành lớp đá cuội bunter và có các thung lũng sông Tame, Rea và Cole cùng các chi lưu của chúng cắt ngang qua. Về phía bắc và tây của đứt đoạn, cao hơn khu vực xung quanh từ 46 đến 183 m và nằm dưới phần lớn trung tâm thành phố, có một dãy dài sa thạch Keuper cứng. Đá nền bên dưới Birmingham chủ yếu được định hình trong giai đoạn Permi và Trias.
Birmingham có khí hậu hải dương ôn hoà giống như hầu hết quần đảo Anh, nhiệt độ tối đa trung bình vào mùa hè (tháng 7) là 21,3 °C; và trong mùa đông (tháng 1) là khoảng 6,7 °C. Từ năm 1971 đến năm 2000 ngày ấm nhất trong năm trung bình có nhiệt độ cao nhất là 28,8 °C và đêm lạnh nhất thường xuống -9 °C. Khoảng 11,2 ngày mỗi năm sẽ đạt đến nhiệt độ từ 25,1 °C trở lên và 51,6 đêm được ghi nhận là có sương giá. Nhiệt độ cao nhất từng ghi nhận được là 34,9 °C vào tháng 8 năm 1990. Giống như hầu hết các thành phố lớn khác, Birmingham có một hiệu ứng đảo nhiệt đô thị đáng kể. Đêm lạnh nhất ghi nhận được vào ngày 14 tháng 1 năm 1982, nhiệt độ xuống còn -20,8 °C tại sân bay Birmingham bên rìa đông thành phố, song chỉ là -12,9 °C tại Edgbaston gần trung tâm thành phố. Birmingham có tuyết rơi tương đối so với các khu thành thị lớn khác tại Anh Quốc, do có vị trí tại nội lục và độ cao tương đối lớn. Từ năm 1961 đến năm 1990, sân bay Birmingham trung bình có 13 ngày tuyết nằm lại hàng năm, so với 5,33 tạiLondon Heathrow. Các cơn mưa tuyết thường đi qua thành phố theo đường kẽ hở Cheshire trên dòng khí tây bắc, song cũng có thể đến từ biển Bắc qua dòng khí đông bắc. Thời tiết cực đoan hiếm gặp song thành phố có tiếng là phải hứng chịu các trận lốc xoáy, chẳng hạn như vào tháng 7 năm 2005 tại phần phía nam thành phố, gây thiệt hại cho nhà cửa và doanh nghiệp trong khu vực.
Birmingham có 571 công viên cao nhất trong số các thành phố châu Âu – tổng cộng có 3.500 ha không gian mở công cộng. Thành phố có trên sáu triệu cây xanh, và 400 km các suối và dòng chảy đô thị. Công viên Sutton có diện tích 971 ha tại phần phía bắc thành phố, là công viên đô thị lớn nhất tại châu Âu và là một khu dự trữ tự nhiên quốc gia. Vườn thực vật Birmingham nằm gần trung tâm thành phố, duy trì cảnh quan từ thời nhiếp chính trong thiết kế nguyên bản của J. C. Loudon vào năm 1829, còn Vườn thực vật Winterbourne tại Edgbaston phản ánh phi chính thức hơn khiếu thẩm mỹ nghệ thuật và thủ công có nguồn gốc từ thời Edward tại đó. Birmingham có nhiều khu vực hoang dã, được thiết lập phi chính thức như Project Kingfisher và công viên cấp hạt Woodgate Valley hoặc theo cách lựa chọn các công viên như seLickey Hills, Handsworth, Kings và Cannon Hill, Cannon Hull còn có Trung tâm Tự nhiên Birmingham.
Theo số liệu từ điều tra nhân khẩu năm 2011, 57,9% dân số là người da trắng (53,1% người Anh Quốc da trắng, 2,1% người Ireland da trắng, 2,7% người da trắng khác), 4,4% là người hỗn chủng (2,3% da trắng và Caribe da đen, 0,3% da trắng và châu Phi da đen, 1,0% da trắng và châu Á, 0,8% hỗn chủng khác), 26,6% người châu Á (13,5% người Pakistan, 6,0% người Ấn Độ, 3,0% người Bangladesh, 1,2% người Hoa, 2,9% các nhóm châu Á khác), 8,9% người da đen (2,8% người châu Phi, 4,4% người Caribe, 1,7% người da đen khác), 1,0% người Ả Rập và 1,0% mang các di sản dân tộc khác. 57% học sinh tiểu học và 52% học sinh trung học vào năm 2007 đến từ các gia đình nằm ngoài nhóm Anh Quốc da trắng.
Tại Birmingham, theo số liệu vào năm 2001 thì 60,4% cư dân nằm trong độ tuổi từ 16 đến 75, so với 66,7% của toàn Anh. Thông thường, nữ giới đông hơn nam giới trong các năm tuổi riêng lẻ, ngoại trừ các nhóm trẻ nhất (0-18), cuối độ tuổi 30 và cuối độ tuổi 50. Nữ giới chiếm 51,6% dân số trong khi nam giới chiếm 48,4%. Khác biệt rõ rệt nhất trong các nhóm tuổi già, phản ánh tuổi thọ cao hơn của nữ giới. Tháp tuổi phình rộng ở khoảng đầu độ tuổi 20 phần lớn là do các sinh viên đến học tại thành phố. Trẻ em khoảng 10 tuổi là nhóm tương đối nhỏ, phản ánh suy giảm mức sinh đầu thế kỷ. Có một nhóm lớn trẻ dưới 5 tuổi, phản ánh mức sinh cao hơn trong những năm qua. Số ca sinh tăng 20% từ năm 2001 đến năm 2011.
Năm 2011, trong số toàn bộ các hộ gia đình tại Birmingham, 0,12% là các hộ gia đình đối tác dân sự đồng giới, tỷ lệ này trên toàn thể Anh Quốc là 0,16%. Trong năm này, 25,9% số hộ gia đình sở hữu nhà hoàn toàn, 29,3% khác sở hữu nhà với khoản vay thế chấp. Các số liệu này thấp hơn trung bình toàn quốc. 45,5% cư dân nói rằng họ có tình trạng sức khoẻ rất tốt, thấp hơn trung bình toàn quốc. 33,9% khác nói rằng họ có sức khoẻ tốt và cũng thấp hơn trung bình toàn quốc, và 9,1% nói rằng họ có các hoạt động hàng ngày hạn chế một chút do sức khoẻ bản thân.
Cơ Đốc giáo là tôn giáo lớn nhất tại Birmingham, khi có 46,1% cư dân nhận là tín đồ Cơ Đốc giáo trong điều tra nhân khẩu năm 2001. Thành phần tôn giáo tại thành phố đa dạng cao, không kể Luân Đôn thì cộng đồng Hồi giáo, Sikh giáo và Phật giáo tại thành phố đứng thứ nhất; thành phố có cộng đồng Ấn Độ giáo lớn thứ nhì và cộng đồng Do Thái giáo lớn thứ bảy tại Anh Quốc. Giữa các cuộc điều tra nhân khẩu năm 2001 và 2011, tỉ lệ tín đồ Cơ Đốc giáo tại Birmingham giảm từ 59,1% xuống còn 46,1%, trong khi tỉ lệ người Hồi giáo tăng từ 14,3% lên 21,8% và tỉ lệ người không liên kết tôn giáo tăng từ 12,4% lên 19,3%. Toàn bộ các tôn giáo khác vẫn duy trì tỉ lệ tương tự.
Nhà thờ chính toà St Philip được nâng cấp từ vị thế nhà thờ thông thường khi Giáo phận Anh giáo Birmingham được thành lập vào năm 1905. Thành phố còn có hai nhà thờ chính toà khác: Nhà thờ chính toà Saint Chad là trụ sở của Giáo phận Công giáo La Mã Birmingham, và một nhà thờ chính toà của Chính thống giáo Hy Lạp. Giáo phận Chính thống giáo Coptic Midlands cũng có trụ sở tại Birmingham. Nhà thờ giáo xứ ban đầu của Birmingham là St Martin tại Bull Ring, được xếp hạng II*. Không xa Five Ways là nhà thờ nhỏ Birmingham được hoàn thành vào năm 1910 trên địa điểm cơ sở ban đầu của Hồng y Newman.
Giáo đường Do Thái cổ nhất còn tại tại ở Birmingham là Giáo đường phố Severn được xây vào năm 1825 theo kiến trúc Phục hưng Hy Lạp, nay là nơi họp của Hội Tam Điểm. Đến năm 1856, nó được thay thế bằng Giáo đường Singers Hill được xếp hạng II*. Thánh đường Hồi giáo Trung tâm Birmingham là một trong các nhà thờ Hồi giáo lớn nhất châu Âu, được xây dựng trong thập niên 1960. Vào cuối thập niên 1990, Ghamkol Shariff Masjid được xây dựng tại Small Heath. Gurdwara của Sikha giáo là Guru Nanak Nishkam Sewak Jatha được xây dựng trên đường Soho tại Handsworth vào cuối thập niên 1970, và Chùa Hoà bình Dhammatalaka của Phật giáo được xây gần hồ chứa nước Edgbaston trong thập niên 1990.
Birmingham từng nổi bật trong vai trò là một trung tâm sản xuất và kỹ thuật, song kinh tế thành phố hiện nay do khu vực dịch vụ chi phối, đến năm 2012 khu vực này chiếm 88% số công việc của thành phố. Birmingham là trung tâm lớn nhất tại Anh Quốc về công việc trong hành chính công, giáo dục và y tế; và sau Leeds là trung tâm lớn thứ nhì ngoài Luân Đôn về công việc trong các khu vực tài chính và kinh doanh khác. Birmingham được xếp hạng là một thành phố thế giới cấp beta-, đứng sau Luân Đôn và Manchester tại Anh Quốc, và nền kinh tế đại đô thị quanh thành phố lớn thứ nhì tại Anh Quốc với GDP PPP đạt 121,1 tỉ USD vào năm 2014. Các công ty lớn có trụ sở tại Birmingham gồm công ty kỹ thuật IMI plc, và tính cả vùng đại đô thị thì Birmingham là nơi tập trung nhiều công ty lớn chỉ sau Luân Đôn và vùng đông nam. Thành phố có các hạ tầng lớn như Trung tâm Triển lãm Quốc gia và Trung tâm Hội nghị Quốc tế, thu hút 42% tổng số hội nghị và hội chợ triển lãm tại Anh Quốc.
Ngành sản xuất chiếm 8% số công việc tại Birmingham vào năm 2012, con số này thấp hơn mức trung bình của toàn Anh Quốc. Các nhà máy công nghiệp lớn trong thành phố gồm có Jaguar Land Rover tại Castle Bromwich và Cadbury tại Bournville, trong khi các nhà sản xuất lớn tại địa phương cũng tham gia một chuỗi cung ứng cho các ngành sản xuất và thủ công quy mô nhỏ có tính chính xác. Nhiều ngành công nghiệp truyền thống vẫn duy trì: 40% kim cương sản xuất tại Anh Quốc vẫn được tạo ra trong 300 nhà sản xuất độc lập tại khu vực Jewellery Quarter của Birmingham, duy trì một ngành nghề được ghi nhận lần đầu tại Birmingham vào năm 1308.
Tổng giá trị gia tăng GVA của Birmingham là 24,8 tỉ bảng theo ước tính vào năm 2015, tăng trưởng kinh tế tăng tốc trong giai đoạn 2013-2015, đạt 4,2% vào năm 2015, tăng trưởng GVA bình quân ở mức cao thứ nhì trong số tám "thành phố hạt nhân" tại Anh. Giá trị sản lượng sản xuất trong thành phố giảm đến 21% theo giá trị thực trong giai đoạn 1997-2010, song giá trị của các hoạt động tài chính và bảo hiểm tăng hơn gấp đôi. Với 16.281 công ty khởi nghiệp đăng ký vào năm 2013, Birmingham có mức độ hoạt động sáng tạo kinh doanh cao nhất bên ngoài Luân Đôn tại Anh, trong khi số doanh nghiệp đăng ký trong thành phố tăng đến 8,1% vào năm 2016. Birmingham chỉ đứng sau Luân Đôn và Edinburgh về tạo việc làm trong khu vực tư nhân từ năm 2010 đến năm 2013.
Bất bình đẳng kinh tế tại Birmingham cao hơn tất cả các thành phố lớn khác tại Anh, và chỉ xếp sau Glasgow trên toàn Anh Quốc. Mức thất nghiệp tại thành phố nằm vào hàng cao nhất toàn quốc, với 10,0% dân số hoạt động kinh tế bị thất nghiệp (tháng 6 năm 2016). Trong các khu nội thị Aston và Washwood Heath, con số này là trên 30%. Hai phần năm dân số Birmingham sống trong các khu vực được phân loại là nằm trong 10% bộ phận thiếu thốn nhất tại Anh, và Birmingham nói chung là địa phương thiếu thốn nhất tại Anh xét theo thu nhập và mất đi công việc vào năm 2010. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh tại thành phố ở mức cao, kém hơn 60% so với trung bình toàn quốc. Trong khi đó, chỉ 49% nữ giới có việc làm, so với 65% trên toàn quốc vào năm 2012, và chỉ có 28% dân số trong độ tuổi lao động tại Birmingham có trình độ đại học so với mức trung bình 34% của các thành phố hạt nhân.
Sao Kim hay Kim tinh (chữ Hán: 金星), còn gọi là sao Thái Bạch (太白), Thái Bạch Kim tinh (太白金星), là hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, tự quay quanh nó với chu kỳ 224,7 ngày Trái Đất. Xếp sau Mặt Trăng, nó là thiên thể tự nhiên sáng nhất trong bầu trời tối, với cấp sao biểu kiến bằng −4.6, đủ sáng để tạo nên bóng trên mặt nước. Bởi vì Sao Kim là hành tinh phía trong tính từ Trái Đất, nó không bao giờ xuất hiện trên bầu trời mà quá xa Mặt Trời: góc ly giác đạt cực đại bằng 47,8°. Sao Kim đạt độ sáng lớn nhất ngay sát thời điểm hoàng hôn hoặc bình minh, do vậy mà dân gian còn gọi là sao Hôm, khi hành tinh này mọc lên lúc hoàng hôn, và sao Mai, khi hành tinh này mọc lên lúc bình minh.
Sao Kim được xếp vào nhóm hành tinh đất đá và đôi khi người ta còn coi nó là "hành tinh chị em" với Trái Đất do kích cỡ, gia tốc hấp dẫn, tham số quỹ đạo gần giống với Trái Đất. Tuy nhiên, người ta đã chỉ ra rằng nó rất khác Trái Đất trên những mặt khác. Sao Kim bị bao bọc bởi lớp mây dày có tính phản xạ cao chứa axít sunfuric, và khiến chúng ta không thể quan sát bề mặt của nó dưới bước sóng ánh sáng khả kiến. Mật độ không khí trong khí quyển của nó lớn nhất trong số bốn hành tinh đất đá, thành phần chủ yếu là cacbon điôxít. Áp suất khí quyển tại bề mặt hành tinh cao gấp 92 lần so với của Trái Đất. Với nhiệt độ bề mặt trung bình bằng 735 K (462 °C), Sao Kim là hành tinh nóng nhất trong Hệ Mặt Trời. Nó không có chu trình cacbon để đưa cacbon trở lại đá và đất trên bề mặt, do vậy không thể có một tổ chức sống hữu cơ nào có thể hấp thụ nó trong sinh khối. Một số nhà khoa học từng cho rằng Sao Kim đã có những đại dương trong quá khứ, nhưng đã bốc hơi khi nhiệt độ hành tinh tăng lên do hiệu ứng nhà kính mất kiểm soát. Nước có thể đã bị quang ly, và bởi vì không có từ quyển hành tinh, hiđrô tự do có thể thoát vào vũ trụ bởi tác động của gió Mặt Trời. Toàn bộ bề mặt của Sao Kim là một hoang mạc khô cằn với đá và bụi và có lẽ vẫn còn núi lửa hoạt động trên hành tinh này.
Khoảng 80% diện tích bề mặt Sao Kim bao phủ bởi những đồng bằng núi lửa phẳng, hay 70% đồng bằng có những rặng núi và 10% đồng bằng có thùy. Hai "lục địa" cao nguyên chiếm phần còn lại của diện tích bề mặt, một lục địa nằm ở bán cầu bắc và lục kia nằm ở ngay phía nam xích đạo hành tinh. Các nhà khoa học đặt tên lục địa phía bắc là Ishtar Terra, theo tên thần Ishtar, thần tình yêu của người Babylon, lục địa có diện tích xấp xỉ Australia. Ngọn Maxwell Montes, núi cao nhất trên Sao Kim, nằm ở lục địa Ishtar Terra. Chiều cao của nó xấp xỉ 11 km tính từ độ cao trung bình của bề mặt hành tinh. Lục địa bán cầu nam có tên Aphrodite Terra, theo tên của thần tình yêu trong thần thoại Hy Lạp, và là lục địa cao nguyên lớn nhất với diện tích xấp xỉ lục địa Nam Mỹ. Có rất nhiều dấu vết đứt gãy địa chất ở lục địa này.
Sự thiếu đi chứng cứ về những dòng chảy dung nham cũng như những miệng núi lửa (caldera) vẫn còn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học. Hành tinh này có một vài hố va chạm, và do đó bề mặt hành tinh còn tương đối trẻ, xấp xỉ khoảng 300–600 triệu năm tuổi. Ngoài các hố va chạm, núi và thung lũng thường gặp trên các hành tinh đất đá, Sao Kim cũng có những nét đặc trưng riêng. Một trong số đó là những địa hình dạng núi lửa phẳng gọi là "farra", nhìn giống như bánh đa với đường kính 20–50 km, và cao 100–1.000 m; hệ thống những vết nứt hướng về tâm hình cánh sao gọi là "novae"; những vết nứt gãy đặc trưng hướng về tâm và bao bởi những vết nứt đồng tâm giống như mạng nhện hay gọi là "arachnoids"; và "coronae", những đường nứt gãy vòng tròn đôi khi bao quanh chỗ lõm. Những đặc trưng riêng này có nguồn gốc liên quan đến núi lửa.
Địa mạo Sao Kim hiện lên cho thấy có sự ảnh hưởng của hoạt động núi lửa. Sao Kim từng có số núi lửa nhiều như của Trái Đất, và có 167 núi lửa có đường kính trên 100 km. Vùng chứa nhiều núi lửa như thế duy nhất trên Trái Đất tại đảo Lớn của Hawaii. Đây không phải vì Sao Kim có nhiều hoạt động núi lửa hơn Trái Đất mà bởi vì lớp vỏ của nó già hơn. Vỏ đại dương của Trái Đất liên tục được tái tạo thông qua sự hút chìm tại biên giới giữa các mảng kiến tạo, và có tuổi trung bình bằng 100 triệu năm, trong khi các nhà khoa học tính toán bề mặt Kim Tinh có tuổi 300–600 triệu năm.
Có một số manh mối thể hiện vẫn còn hoạt động núi lửa trên Sao Kim. Trong chương trình Venera của Liên Xô, các tàu Venera 11 và Venera 12 đã ghi nhận được các luồng tia sét, và Venera 12 còn ghi được tiếng sét nổ mạnh ngay sau khi nó đổ bộ. Tàu Venus Express của Cơ quan vũ trụ châu Âu cũng chụp được hình ảnh tia sét trong lớp khí quyển trên cao. Có thể tro bay ra từ núi lửa đã gây ra sét trong bầu khí quyển hành tinh. Một dữ liệu khác đến từ mật độ tập trung của lưu huỳnh điôxit trong khí quyển, mà các nhà khoa học nhận thấy đã giảm đi 10 lần trong giai đoạn 1978 đến 1986. Hiện tượng này có thể giải thích bằng núi lửa hoạt động trước đó đã phun lưu huỳnh điôxit ra khí quyển.
Có khoảng 1.000 hố va chạm phân bố khắp bề mặt Sao Kim. Trên những thiên thể khác như Trái Đất hay Mặt Trăng, các hố va chạm thể hiện quá trình biến mất dần của chúng. Trên Mặt Trăng, sự biến mất là do những thiên thạch theo thời gian rơi xuống làm mờ đi hố già tuổi hơn, trong khi trên Trái Đất, miệng hố bị phong hóa bởi mưa và gió. Trên Sao Kim, khoảng 85% hố va chạm vẫn còn ở trạng thái nguyên thủy. Số lượng hố va chạm, cùng với điều kiện được "bảo tồn" tốt của chúng, cho thấy hành tinh trải qua lần tái tạo bề mặt gần đây nhất cách khoảng 300–600 triệu năm trước, đi kèm với sự tắt dần của các núi lửa. Trong khi lớp vỏ Trái Đất liên tục chuyển động, các nhà khoa học nghĩ rằng trên Sao Kim các vỏ không có sự di chuyển này. Không có hoạt động kiến tạo mảng để tiêu tán nhiệt ra khỏi lớp phủ, thay vào đó Sao Kim trải qua chu trình tuần hoàn trong đó nhiệt độ lớp phủ tăng cao cho đến khi đạt nhiệt độ tới hạn làm yếu/tan chảy lớp vỏ. Do vậy trong chu kỳ trên 100 triệu năm, sự hút chìm xuất hiện trên hầu như toàn bộ hành tinh, làm tái tạo mới hoàn toàn bề mặt lớp vỏ.
Các hố va chạm trên Sao Kim có đường kính từ 3 km đến 280 km. Không có hố nào với đường kính nhỏ hơn 3 km, bởi vì do khí quyển dày đặc cản trở các vật thể rơi từ ngoài vũ trụ. Các vật với động năng nhỏ hơn một giá trị xác định bị hãm chậm lại khi nó rơi vào bầu khí quyển, và nếu động năng hoặc kích cỡ nhỏ chúng không tạo ra một hố va chạm đưọc. Mưa axit: Thành phần khí quyển chủ yếu của sao Kim là cacbonic và những lớp mây nóng bỏng dày đặc chứa sunfuric đã hình thành các trận mưa axit sunfuric tàn phá bề mặt hành tinh. Ngoài ra địa hình của Sao Kim Khoảng 80% diện tích bề mặt Sao Kim bao phủ bởi những đống bằng núi lửa phẳng, hay 70% đồng bằng có những rặng núi và 10% đồng bằng có thùy. Do áp lực khí quyển đè lên hành tinh này khá lớn nên ngay cả khi các thiên thạch rơi vào hành tinh cũng không tạo ra nhiêu biến dạng vì đất đá bị không khí ném chặt xuống khiến chúng không thể rơi vãi lung tung.
Không có những dữ liệu địa chấn hoặc về mô men quán tính hành tinh, các nhà khoa học có ít thông tin trực tiếp liên quan đến cấu trúc bên trong và địa hóa học của Sao Kim. Sự gần giống về đường kính và khối lượng riêng giữa Sao Kim và Trái Đất gợi ra khả năng chúng có cấu trúc bên trong cũng tương tự nhau: gồm lõi hành tinh, lớp phủ, và lớp vỏ. Giống như Trái Đất, lõi Sao Kim ít nhất ở trạng thái lỏng một phần bởi vì hai hành tinh có quá trình lạnh/tiêu tán nhiệt bên trong với cùng một tốc độ. Đường kính nhỏ hơn của Sao Kim cho thấy những phần sâu bên trong hành tinh chịu áp suất nhỏ hơn so với của Trái Đất. Sự khác nhau chính yếu giữa hai hành tinh đó là các nhà khoa học chưa có chứng cứ về hoạt động kiến tạo mảng trên Sao Kim, có thể bởi vì lớp vỏ quá cứng để có thể xảy ra hút chìm mảng lục địa, mà không có nước lỏng để chúng có thể trượt lên nhau. Kết quả này dẫn đến giảm sự mất mát nội nhiệt hành tinh, kéo dài thời gian hành tinh bị lạnh đi và có thể là một phần giải thích cho hành tinh không có một từ trường toàn cầu. Thay vì vậy, nội nhiệt của Sao Kim bị mất trong quá trình tái tạo bề mặt tuần hoàn theo chu kỳ hàng trăm triệu năm.
Sao Kim có khí quyển rất dày, chứa chủ yếu CO2 và lượng nhỏ N2. Khối lượng khí quyển của hành tinh này lớn gấp 93 lần so với khối lượng khí quyển của Trái Đất, trong khi áp suất bề mặt cao gấp 92 so với của Trái Đất—áp này tương đương với độ sâu gần bằng 1 kilômét tính từ bề mặt đại dương trên Trái Đất. Khối lượng riêng/mật độ của không khí tại nơi gần bề mặt bằng 65 kg/m³ (bằng 6,5% của nước). Khí quyển giàu CO2, cùng với đám mây dày SO2, tạo ra hiệu ứng nhà kính mạnh nhất trong các hành tinh trong Hệ Mặt Trời, với nhiệt độ tại bề mặt ít nhất bằng 462 °C. Điều này khiến cho bề mặt của Sao Kim nóng hơn so với của Sao Thủy, với nhiệt độ bề mặt cực tiểu −220 °C và cực đại bằng 420 °C, ngay cả khi khoảng cách từ Sao Kim đến Mặt Trời gần bằng hai lần khoảng cách đó đến Sao Thủy và do vậy hành tinh này chỉ nhận được khoảng 25% năng lượng bức xạ Mặt Trời so với năng lượng Sao Thủy nhận được. Do vậy người ta thường miêu tả bề mặt Sao Kim là địa ngục nóng rực. Nhiệt độ này thậm chí còn cao hơn nhiệt độ cần thiết trong một số quá trình khử trùng.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy hàng tỷ năm trước khí quyển của Sao Kim từng khá giống với khí quyển Trái Đất hơn so với ngày nay, và một số người giả thuyết đã tồn tại nước lỏng trên bề mặt hành tinh, nhưng sau chu kỳ từ 600 triệu đến vài tỷ năm, hiệu ứng nhà kính mất kiểm soát (runaway greenhouse effect) khiến bốc hơi hoàn toàn lượng nước này, và sinh ra lượng khí nhà kính tới mức giới hạn trong bầu khí quyển của nó. Mặc dù những điều kiện vật lý trên hành tinh không còn thích hợp để duy trì những dạng sống nguyên thủy như của Trái Đất nhưng có thể trước đây chúng đã từng tồn tại, và khả năng có những dạng sống bậc thấp tồn tại trong trung tầng và thượng tầng khí quyển vẫn chưa bị bác bỏ.
Quán tính nhiệt (thermal inertia) và sự truyền nhiệt bởi gió trong khí quyển gần bề mặt cho thấy nhiệt độ bề mặt Sao Kim không biến đổi lớn giữa phía ngày và đêm, cho dù hành tinh có tốc độ tự quay cực thấp. Tốc độ gió gần bề mặt là thấp, thổi với vận tốc vài kilômét trên giờ, nhưng do mật độ khí quyển gần bề mặt cao, luồng gió tác động một lực lớn lên những chướng ngại vật nó thổi qua, và vận chuyển bụi và đá nhỏ đi khắp bề mặt hành tinh. Chỉ riêng điều này cũng khiến cho con người đi bộ trên bề mặt hành tinh này cũng rất khó khăn, ngay cả khi nhiệt độ, áp suất và sự thiếu hụt ôxy không còn là một vấn đề.
Bên trên tầng khí quyển CO2 đậm đặc là những lớp mây chứa chủ yếu SO2 và những giọt axít sunfuric. Những đám mây này phản xạ và tán xạ khoảng 90% ánh sáng Mặt Trời đẩy ngược chúng vào không gian vũ trụ, và ngăn cản các nhà khoa học quan sát bề mặt hành tinh này. Các đám mây vĩnh cửu bao phủ toàn bộ Sao Kim có nghĩa rằng mặc dù Sao Kim gần Mặt Trời hơn so với Trái Đất, bề mặt hành tinh không được chiếu sáng nhiều. Những cơn gió mạnh ở những đám mây trên cao với vận tốc 300 km/h có thể thổi đi vòng quanh hành tinh trong thời gian từ bốn đến năm ngày. Những cơn gió trong khí quyển Sao Kim có tốc độ cao gấp 60 lần tốc độ tự quay của hành tinh này, trong khi đó những cơn gió mạnh nhất trên Trái Đất có tốc độ chỉ bằng 10% đến 20% tốc độ tự quay của nó.
Quá trình đẳng nhiệt trong khí quyển Sao Kim rất hữu hiệu; nó duy trì sự không đổi của nhiệt độ khí quyển không những giữa phía ngày và đêm mà còn giữa vùng xích đạo và hai vùng cực. Độ nghiêng trục quay của Sao Kim nhỏ (ít hơn 3 độ, so với 23 độ của Trái Đất) cũng là một nguyên nhân làm sự biến đổi nhiệt độ theo mùa của hành tinh là rất nhỏ. Sự biến đổi rõ rệt của nhiệt độ chỉ xảy ra theo độ cao. Năm 1995, tàu Magellan chụp được ảnh những vùng có độ phản xạ cao tại đỉnh của các ngọn núi cao nhất mà tại những vùng này có phân bố những chất có tính phản xạ như tuyết ở trên Trái Đất. Các nhà khoa học lập luận rằng chất này hình thành trong quá trình tương tự như tuyết, mặc dù trong điều kiện nhiệt độ rất cao. Quá nhiều chất bay hơi ngưng tụ trên gần bề mặt sẽ đẩy khí bay lên và bị lạnh đi hình thành tại những nơi cao hơn, và tại đây chúng lại rơi xuống như mưa. Các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác chất này là gì, nhưng có thể là telua cho tới chì sunfit (galena).
Các đám mây trên Sao Kim cũng phóng tia sét nhiều như trên Trái Đất. Sự tồn tại của sét đã gây tranh cãi khi lần đầu tiên tàu Venera của Liên Xô phát hiện ra những chớp sáng này. Năm 2006–07 tàu Venus Express chụp được rõ ràng sóng electron điện từ, dấu hiệu cho thấy có tia sét. Hình ảnh xuất hiện rời rạc của chúng cho thấy những tia sét này đi kèm với hoạt động của thời tiết. Tốc độ tia sét bằng ít nhất một nửa của nó trên Trái Đất. Năm 2007, tàu Venus Express phát hiện ra hai xoáy khí quyển khổng lồ tồn tại ở cực nam hành tinh.
Các nhà khoa học đã ngạc nhiên khi Sao Kim không có từ trường mạnh (từ trường Sao Kim gần như bằng 0) khi nó có cùng kích cỡ với Trái Đất, và họ cũng đã nghĩ nó cũng có một lõi nóng chảy-yếu tố quan trọng trong lý thuyết dynamo. Lý thuyết dynamo có ba yếu tố chính: Đó là phải có một chất lỏng dẫn điện, quay, và chuyển động đối lưu. Lõi hành tinh có khả năng dẫn điện và trong khi hành tinh tự quay rất chậm, các mô phỏng trên máy tính cho thấy nó vẫn đủ để tạo ra sự quay cần thiết trong thuyết dynamo. Từ đây chúng ta có thể thấy dynamo không hoạt động bởi vì không có sự đối lưu trong lõi hành tinh. Trên Trái Đất, sự đối lưu xuất hiện trong lớp vật liệu dạng lỏng phủ bên ngoài lõi có tính đối lưu bởi vì đáy của lớp phủ nóng hơn phía bên trên gần bề mặt. Trên Sao Kim, sự kiện tái tạo bề mặt toàn cầu có thể làm tắt sự kiến tạo mảng và dẫn đến giảm thông lượng nhiệt truyền qua lớp vỏ. Điều này làm nhiệt độ lớp phủ tăng, do đó làm giảm thông lượng nhiệt qua lõi hành tinh. Kết quả là, không có quá trình dynamo địa hành tinh để sinh ra từ trường. Thay vào đó, năng lượng nhiệt từ lõi làm nóng lại lớp vỏ.
Từ quyển rất yếu bao quanh Sao Kim có nghĩa là gió Mặt Trời tương tác trực tiếp với tầng thượng quyển của hành tinh. Tại đây, các ion hiđrô và ôxy liên tục được sinh ra từ sự phân ly các phân tử trung hòa do tác động của tia tử ngoại. Tiếp đó gió Mặt Trời cung cấp năng lượng đủ lớn giúp cho những ion này có vận tốc đủ để thoát ra khỏi trường hấp dẫn của hành tinh. Sự mất mát này dẫn đến kết quả lượng ion các nguyên tố nhẹ như hiđrô, heli, và ôxy liên tục giảm đi, trong khi các phân tử khối lượng lớn hơn như cacbon điôxít vẫn nằm lại trong khí quyển hành tinh. Sự xói mòn khí quyển hành tinh bởi gió Mặt Trời dẫn đến khí quyển mất đa số lượng nước trong suốt lịch sử hàng tỷ năm của hành tinh này. Quá trình này cũng làm tăng tỷ lệ deuteri so với hiđrô trong tầng thượng quyển cao gấp 150 lần của tỷ số này ở tầng dưới của khí quyển.
Quỹ đạo Sao Kim quanh Mặt Trời có khoảng cách trung bình bằng 0,72 AU (108.000.000 km; 67.000.000 mi), và hoàn thành một chu kỳ quỹ đạo khoảng 224,65 ngày. Mặc dù mọi hành tinh có quỹ đạo hình elip, quỹ đạo Sao Kim có dạng gần tròn nhất, với độ lệch tâm quỹ đạo nhỏ hơn 0,01. Do Sao Kim nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời, có một vị trí của hành tinh đó là giao hội trong, khi đó khoảng cách giữa nó với Trái Đất là khoảng cách ngắn nhất từ Trái Đất đến các hành tinh khác với giá trị 41 triệu km. Trung bình, hai hành tinh đạt đến vị trí giao hội trong khoảng thời gian cách nhau 584 ngày. Do hiện nay độ lệch tâm quỹ đạo của Trái Đất đang giảm dần, khoảng cách cực tiểu này sẽ tăng nhiều hơn trong hàng chục nghìn năm tới. Từ năm 1 tới 5383, đã và sẽ có tổng cộng 526 lần tiếp cận với khoảng cách nhỏ hơn 40 triệu km; sau đó không có một lần nào với khoảng cách nhỏ hơn 40 triệu km trong vòng 60.158 năm. Trong thời gian có độ lệch tâm quỹ đạo lớn hơn, Sao Kim có thể đến gần Trái Đất với khoảng cách bằng 38,2 triệu km.
Mọi hành tinh trong Hệ Mặt Trời quay trên quỹ đạo theo chiều ngược chiều kim đồng hồ khi nhìn từ trên cực bắc của Mặt Trời. Hầu hết các hành tinh có chiều tự quay quanh trục của nó theo chiều ngược chiều kim đồng hồ, nhưng Sao Kim lại quay quanh trục cùng chiều kim đồng hồ (gọi là sự quay nghịch hành) với khoảng thời gian 243 ngày Trái Đất—tốc độ tự quay chậm nhất của mọi hành tinh trong Hệ Mặt Trời. Do vậy một "ngày" (thời gian sao-sidereal day) trên Sao Kim dài hơn một "năm" của Sao Kim (243 ngày so với 224,7 ngày Trái Đất). Tại đường xích đạo Sao Kim, tốc độ tự quay của nó bằng 6,5 km/h, trong khi tốc độ quay tại xích đạo của Trái Đất bằng 1.670 km/h. Các nhà khoa học cũng nhận thấy tốc độ tự quay của Sao Kim đã chậm đi 6,5 phút trên một "ngày" Sao Kim kể từ khi tàu Magellan tới hành tinh tháng 10 năm 1990. Bởi vì sự quay nghịch hành, độ dài một ngày Mặt Trời (solar day) trên Sao Kim ngắn hơn nhiều ngày sao (sidereal day), bằng 116,75 ngày Trái Đất (ngày mặt trời của Sao Kim ngắn hơn ngày mặt trời của Sao Thủy bằng 176 ngày Trái Đất); một năm Sao Kim bằng 1,92 ngày mặt trời Sao Kim. Nếu một người có thể đứng trên Sao Kim và bầu khí quyển khá loãng, anh/chị ta sẽ thấy Mặt Trời mọc ở đằng tây và lặn ở đằng đông.
Sao Kim có thể đã hình thành từ một đám mây phân tử với chu kỳ quay và độ nghiêng trục quay khác, và nó đạt đến trạng thái hiện tại bởi vì sự thay đổi tốc độ sự tự quay một cách hỗn loạn do nhiễu loạn giữa các hành tinh và hiệu ứng thủy triều tác dụng lên khí quyển dày đặc của nó, sự thay đổi trở thành đáng kể sau thời gian hàng tỷ năm lịch sử. Chu kỳ tự quay của Sao Kim thể hiện trạng thái cân bằng giữa hiện tượng khóa thủy triều do ảnh hưởng hấp dẫn của Mặt Trời, có xu hướng làm chậm sự tự quay của hành tinh, và bởi hiện tượng thủy triều trong khí quyển hành tinh do tác động nhiệt của bức xạ năng lượng Mặt Trời làm nóng bầu khí quyền dày của hành tinh trong quá khứ. Một điểm kỳ lạ giữa chu kỳ quỹ đạo và chu kỳ tự quay của Sao Kim đó là khoảng thời gian trung bình 584 ngày giữa hai lần tiếp cận gần nhau với Trái Đất bằng gần như chính xác 5 ngày mặt trời Sao Kim. Tuy nhiên, giả thuyết cộng hưởng quỹ đạo và sự tự quay của Sao Kim với Trái Đất đã bị bác bỏ.
Sao Kim không có vệ tinh tự nhiên, mặc dù tiểu hành tinh 2002 VE68 hiện tại đang có mối liên hệ giả quỹ đạo với hành tinh này. Bên cạnh giả vệ tinh này, nó cũng có hai vật thể cùng quay trên quỹ đạo, 2001 CK32 và 2012 XE133. Trong thế kỷ XVII, nhà thiên văn Giovanni Cassini công bố ông đã phát hiện ra một vệ tinh quay quanh Sao Kim, mà ông đặt tên là Neith và đã có nhiều cố gắng quan sát và công bố trong suốt 200 năm sau đó, nhưng đa số những phát hiện kiểu này là do nhầm lẫn vệ tinh giả thuyết với một ngôi sao ở xa khi Sao Kim đến gần nó. Trong một mô hình nghiên cứu của Alex Alemi David Stevenson năm 2006 về Hệ Mặt Trời sơ khai tại Học viện công nghệ California cho thấy Sao Kim có thể đã từng có ít nhất một Mặt Trăng hình thành từ sự va chạm giữa nó và một thiên thể khác hàng tỷ năm trước. Khoảng thời gian 10 triệu năm sau cú va chạm, theo nghiên cứu của họ, một vụ va chạm khác xảy ra làm đảo ngược hướng tự quay của hành tinh và làm cho vệ tinh tự nhiên của Sao Kim dần dần theo thời gian tiến về phía hành tinh và cuối cùng va chạm vào Sao Kim. Nếu cú va chạm sau sinh ra một Mặt Trăng khác, nó cũng sẽ bị rơi và hấp thụ theo như cách của vệ tinh trước. Một phương án giải thích khác, do ảnh hưởng hấp dẫn thủy triều rất mạnh của Mặt Trời dẫn đến sự mất ổn định trong quỹ đạo của vệ tinh quay quanh Sao Kim hoặc Sao Thủy, nên theo thời gian hai hành tinh này hoặc hút và va chạm với vệ tinh hoặc vệ tinh bay thoát khỏi lực hút hấp dẫn của chúng.
Sao Kim luôn luôn sáng hơn bất kỳ một ngôi sao nào ngoài Mặt Trời. Độ sáng lớn nhất của nó, cấp sao biểu kiến có giá trị −4,9, xuất hiện ở pha hình lưỡi liềm khi nó ở gần Trái Đất. Sao Kim mờ dần về cấp sao −3 khi nó ngược sáng so với Mặt Trời. Hành tinh này đủ sáng để có thể nhìn thấy vào buổi trưa khi trời quang đãng vào thời điểm thích hợp, và nó có thể dễ dàng nhìn thấy khi Mặt Trời ở dưới đường chân trời. Là một hành tinh ở phía trong, góc ly giác của nó luôn luôn nằm dưới góc 47° khi nhìn về phía Mặt Trời.
Sao Kim "vượt qua" Trái Đất cứ mỗi 584 ngày Trái Đất trên quỹ đạo quanh Mặt Trời. Trong mỗi chu kỳ này, nó thay đổi từ "Sao Hôm", hiện lên sao khi Mặt Trời lặn, thành "Sao Mai", nhìn thấy được trước khi Mặt Trời mọc. Trong khi Sao Thủy, một hành tinh phía trong khác, có góc ly giác cực đại bằng 28° và thường khó quan sát duói ánh sáng lúc chạng vạng, Sao Kim rất dễ nhận ra khi nó ở thời điểm sáng nhất. Góc ly giác của nó lớn hơn có nghĩa là nó ở trên bầu trời tối lâu hơn sau khi Mặt Trời lặn. Là một điểm sáng nhất trên bầu trời đêm, đôi khi người ta nhầm lẫn Sao Kim với những "vật thể bay không xác định". Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter đã từng nói ông đã trông thấy một UFO năm 1969, mà sau khi phân tích thì khả năng đó là hình ảnh của Kim Tinh. Và vô số những báo cáo kỳ lạ khác liên quan đến Sao Kim.
Khi Sao Kim chuyển động trên quỹ đạo, hình ảnh của nó hiện lên qua kính thiên văn với những pha khác nhau giống như pha Mặt Trăng: Trong pha Sao Kim, hành tinh có hình ảnh tròn "đầy" nhỏ khi Mặt Trời ở giữa tương đối Sao Kim và Trái Đất. Nó có pha phần tư lớn dần khi tiến đến vị trí có góc ly giác lớn nhất tính từ Mặt Trời, và chính là vị trí nó có độ sáng lớn nhất, và hiện lên với hình lưỡi liềm mỏng dần khi quan sát qua thấu kính khi nó tiến về phía gần Trái Đất. Hình ảnh của Sao Kim lớn nhất khi nó ở "pha mới", lúc hành tinh ở giữa Trái Đất và Mặt Trời. Khí quyển của nó có thể nhìn qua kính thiên văn và chúng ta sẽ nhận thấy một vành sáng phản xạ của ánh sáng Mặt Trời trên khí quyển hành tinh.
Mặt phẳng quỹ đạo Sao Kim hơi nghiêng so với của Trái Đất; do vậy khi hành tinh vượt qua giữa Trái Đất và Mặt Trời, nó thường không đi qua đĩa Mặt Trời. Hiện tượng Sao Kim đi qua Mặt Trời xuất hiện khi thời điểm giao hội trong của hành tinh trùng với vị trí có mặt của nó trên mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất. Sự đi qua này có chu kỳ 243 năm trong đó có cặp hiện tượng đi qua cách nhau 8 năm, mỗi cặp hiện tượng này cách nhau khoảng 105,5 năm hoặc 121,5 năm—hiện tượng Sao Kim đi qua Mặt Trời do nhà thiên văn học Jeremiah Horrocks tính toán và phát hiện đầu tiên vào năm 1639.
Cặp trước đó xảy ra vào tháng 12 năm 1874 và tháng 12 năm 1882; trong khi cặp hiện tượng tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 12 năm 2117 và tháng 12 năm 2125. Về mặt lịch sử, sự kiện Sao Kim đi qua Mặt Trời là một hiện tượng hiếm có cho phép các nhà thiên văn học xác định được trực tiếp giá trị của 1 đơn vị thiên văn, và từ đó xác định được kích cỡ của Hệ Mặt Trời như được chỉ ra bởi Horrocks năm 1639. Chuyến thám hiểm của thuyền trưởng Cook đến bờ đông của Australia sau khi ông đã đến Tahiti năm 1768 nhằm quan sát hiện tượng này.
Có một bí ẩn từ lâu trong khi quan sát Sao Kim đó là hiện tượng ánh sáng xám - một hình ảnh được chiếu sáng yếu của mặt tối hành tinh, khi hành tinh ở pha lưỡi liềm. Lần đầu tiên hiện tượng này được phát hiện đó là vào năm 1643, nhưng sự tồn tại của ánh sáng xanh vẫn chưa được xác nhận một cách tin cậy. Những người quan sát nghĩ rằng hiện tượng này là do những hoạt động có sự tham gia của luồng điện tích trong khí quyển Sao Kim, hoặc nó cũng có thể là một ảo ảnh, một hiệu ứng liên quan đến thị giác khi người quan sát nhìn vào hình ảnh lưỡi liềm của nó.
Người cổ đại đã biết đến Sao Kim với những tên gọi "sao hôm" và "sao mai", phản ánh những hiểu biết ban đầu của họ về sự xuất hiện của hai thiên thể khác nhau. Bản quan sát Sao Kim của Ammisaduqa]], từ năm 1581 trước Công nguyên, cho thấy người Babylon đã hiểu được hai vật thể tách biệt này thực ra là một, và họ coi nó là "nữ hoàng ánh sáng của bầu trời" khi ghi trên bảng, và cho phép hỗ trợ cũng như tiên đoán trong các quan sát sau. Người Hy Lạp cũng từng nghĩ đây là hai thiên thể riêng biệt, sao Phosphorus và sao Hesperus, cho đến khi Pythagoras mới phát hiện ra điều này ở thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Người La Mã coi sao hôm là Lucifer, hay "Người mang lại ánh sáng", và sao hôm là Vesper.
Khi nhà bác học Galileo Galilei lần đầu tiên hướng ống kính quan sát Sao Kim vào năm 1610, ông đã nhận ra hành tinh này cũng có các pha giống như pha Mặt Trăng, hình ảnh của nó biến đổi từ gần tròn cho đến hình lưỡi liềm và ngược lại. Khi Sao Kim ở cách xa Mặt Trời nhất, nó hiện lên là hình nửa hình tròn, và khi nó tiến gần đến Mặt Trời trên nền bầu trời, nó có hình lưỡi liềm và tròn. Điều này chỉ có thể xảy ra khi Sao Kim quay quanh Mặt Trời trên quỹ đạo, và là một trong những quan sát đầu tiên mâu thuẫn với mô hình địa tâm của Ptolemy.
Nhà khoa học Mikhail Lomonosov là người đầu tiên phát hiện Sao Kim có khí quyển vào năm 1761. Cho tới năm 1790, khí quyển của hành tinh mới được quan sát rõ ràng bởi nhà thiên văn Johann Schröter. Schröter phát hiện thấy khi hành tinh ở pha lưỡi liềm, hai đỉnh nhọn của cung lưỡi liềm kéo dài hơn 180°. Ông đoán chính xác điều này là do ánh sáng Mặt Trời tán xạ từ khí quyển dày đặc. Sau đó, nhà thiên văn Chester Smith Lyman quan sát thấy một vòng sáng đầy đủ trong pha tối Sao Kim khi nó ở vị trí giao hội trong, cung cấp thêm bằng chứng nữa cho khẳng định trên Sao Kim có khí quyển. Do khí quyển dày đặc nên nhiều nhà thiên văn đã nỗ lực để xác định chu kỳ tự quay của hành tinh, như Giovanni Cassini và Schröter đã tính sai chu kỳ tự quay của nó bằng khoảng 24 giờ khi hai ông dựa trên những đặc điểm sáng từ hình ảnh quan sát hành tinh.
Ít có thêm khám phá về Sao Kim cho đến tận thế kỷ XX. Do khí quyển quá dày nên nó chỉ hiện ra là một cái đĩa tròn hoặc hình lưỡi liềm, và người ta vẫn không biết hình ảnh bề mặt của nó như thế nào. Chỉ đến khi các thiết bị như phổ kế, radar và quan sát qua tia tử ngoại thì các nhà thiên văn mới phát hiện thêm nhiều đặc điểm của hành tinh. Quan sát bằng UV đầu tiên được thực hiện trong thập niên 1920, khi Frank Ross phát hiện thấy sử dụng tia UV các hình ảnh cho nhiều chi tiết hơn khi quan sát bằng ánh sáng khả kiến và hồng ngoại. Ông nêu ra là điều này do khí quyển của hành tinh rất dày đặc, tầng thấp khí quyển màu vàng với những đám mây ti ở trên cao.
Quan sát qua phổ kế từ thập niên 1900 đưa ra manh mối đầu tiên về sự tự quay của hành tinh. Vesto Slipher cố gắng đo dịch chuyển Doppler từ ánh sáng phản xạ từ Sao Kim, nhưng ông đã không thể tìm ra hành tinh tự quay. Do vậy ông đoán rằng hành tinh phải có tốc độ tự quay rất chậm so với trước đây người ta từng nghĩ. Những nghiên cứu về sau trong những năm 1950 chỉ ra Sao Kim tự quay nghịch hành. Những quan sát bằng ra đa thực hiện đầu tiên trong những năm 1960 cho những kết quả đầu tiên về tốc độ tự quay của hành tinh và đã rất gần với giá trị chính xác ngày nay.