text
stringlengths
465
7.22k
Là người trồng trọt thành công, ông trở thành một lãnh đạo trong giới thượng lưu xã hội tại Virginia. Từ năm 1768 đến năm 1775, ông mời khoảng 2000 khách mời đến điền sản Mount Vernon của mình, đa số là những người được ông xem là "người có đẳng cấp". Đối với những người không có địa vị cao trong xã hội, lời khuyên của ông là "đối xử với họ lịch sự" nhưng "hãy giữ họ ở một tầm xa thích hợp vì khi họ càng quen biết mình thì đồng lúc bạn mất quyền lực đối với họ". Năm 1769, ông trở nên tích cực hoạt động chính trị, đệ trình lên nghị viện Virginia đạo luật cấm nhập cảng hàng hóa từ Vương quốc Anh.
Tuy ông bày tỏ sự chống đối Đạo luật Tem thuế 1765 (Stamp Act 1765), một đạo luật thuế áp đặt trực tiếp đầu tiên đối với các thuộc địa Bắc Mỹ nhưng ông đã không đóng một vai trò lãnh đạo trong cuộc phản kháng càng ngày gia tăng của các thuộc địa cho đến khi có các cuộc phản đối chống các đạo luật Townshend (được thông qua năm 1767) trở nên lan rộng. Tháng 5 năm 1769, Washington giới thiệu một đề nghị, được bạn của ông là George Mason thảo ra, kêu gọi thuộc địa Virginia tẩy chay hàng hóa của Anh cho đến khi nào các đạo luật này bị bãi bỏ. Quốc hội Vương quốc Anh bãi bỏ các đạo luật Townshend năm 1770. Tuy nhiên, Washington xem việc thông qua Các đạo luật bất khoan dung (intolerable acts) năm 1774 như là "một sự xâm lấn quyền lợi và đặc quyền của chúng ta". Tháng 7 năm 1774, ông chủ tọa phiên họp trong đó "các giải pháp Fairfax" được thông qua, kêu gọi triệu tập một Quốc hội Lục địa cùng với nhiều việc khác nữa. Vào tháng 8 năm đó, Washington tham dự Hội nghị đầu tiên của Virginia trong đó ông được bầu làm một đại biểu đại diện cho Virginia tại Đệ nhất Quốc hội Lục địa.
Sau các trận đánh tại Lexington và Concord gần thành phố Boston vào tháng 4 năm 1775, tất cả các thuộc địa đều tham chiến. Washington xuất hiện tại Đệ nhị Quốc hội Lục địa trong quân phục, chứng tỏ rằng ông đã sẵn sàng cho chiến tranh. Washington có thanh thế, kinh nghiệm quân sự, sức thu hút, từng là một lãnh đạo quân sự và được người ta biết đến như là một người yêu nước cao độ. Là một thuộc địa lớn nhất trong số 13 thuộc địa và nằm ở miền Nam, Virginia đáng được công nhận. Tân Anh, nơi chiến tranh khởi sự, cảm thấy rằng họ cần có sự ủng hộ cần thiết của miền Nam. Washington bày tỏ rõ thái độ của mình là không muốn tìm cách làm tư lệnh, và ông có nói rằng ông không xứng với chức vụ đó nhưng chẳng có ai thật sự muốn tranh chức vụ này. Quốc hội Lục địa thành lập Lục quân Lục địa vào ngày 14 tháng 6 năm 1775. Được John Adams của thuộc địa Massachusetts đề cử, Washington sau đó được bổ nhiệm làm thiếu tướng và tổng tư lệnh.
Thứ hai, ông đứng ra tổ chức và huấn luyện lục quân. Ông tuyển mộ quân chính quy và giao nhiệm vụ cho tướng von Steuben, một chuyên gia quân sự người Đức, huấn luyện họ. Ông không nhận trách nhiệm đối với nguồn tiếp liệu mà lúc nào cũng thiếu hụt nhưng ông luôn làm áp lực với Quốc hội và các tiểu bang cung cấp nhu yếu phẩm. Washington có tiếng nói quan trọng trong việc chọn lựa các tướng lãnh tư lệnh và trong việc hoạch định chiến lược cơ bản của họ. Những thành tựu của ông thì hỗn tạp vì một số người mà ông chọn lựa lại chưa bao giờ giỏi về thuật chỉ huy. Dần dần ông tìm được các sĩ quan có khả năng như tướng Nathaniel Greene, và tham mưu trưởng của ông là Alexander Hamilton. Các sĩ quan Mỹ không bao giờ đạt trình độ tương bằng với các đối thủ người Anh của họ trong chiến thuật và tác chiến. Dần dần họ thua phần lớn các trận đánh đã chọn địa điểm trước (pitched battles). Các thành công lớn tại Boston (1776), Saratoga (1777) và Yorktown (1781) xảy ra khi quân cách mạng gài bẫy dụ quân Anh ra xa khỏi căn cứ có nhiều quân số để dễ dàng tiêu diệt quân Anh hơn.
Thứ ba và quan trọng nhất, Washington là hiện thân của cuộc kháng chiến vũ trang chống Vương miện - ông là người đại diện của cuộc Cách mạng. Tầm vóc to lớn và tài năng chính trị của ông đã khiến cho Quốc hội Lục địa, lục quân, người Pháp, địa phương quân và các tiểu bang đều hướng về một mục tiêu chung. Bằng việc tự nguyện từ chức và giải ngũ lục quân của mình sau khi chiến tranh kết thúc thắng lợi, ông vĩnh viễn thiết lập ra nguyên tắc dân sự là trên hết trong quân vụ. Và còn nữa, ông thường luôn lặp lại quan điểm rằng các binh sĩ nhà nghề có kỉ luật tốt thì luôn hơn hẳn gấp đôi những binh sĩ tự nguyện nhưng vô kỉ luật. Các binh sĩ nhà nghề như thế sẽ giúp người ta bỏ đi ý tưởng ngờ vực đối với một quân đội hiện dịch.
Washington nhận lại chức vụ tư lệnh Lục quân Lục địa tại chiến trường Cambridge, Massachusetts vào tháng 7 năm 1775 trong lúc cuộc bao vây thành phố Boston đang tiếp diễn. Nhận thấy quân của mình thiếu hụt thuốc súng trầm trọng nên Washington yêu cầu xin thêm nguồn tiếp tế mới. Quân Mỹ đột kích những kho thuốc súng của Anh trong đó có một số kho nằm trong vùng Caribbe, và cũng họ tự tìm cách sản xuất ra một số. Quân Mỹ nhận nguồn tiếp tế gần như vừa đủ (khoảng 2,5 triệu cân Anh) vào cuối năm 1776, phần lớn là từ Pháp. Washington tái tổ chức lục quân trong suốt cuộc bao vây kéo dài, và buộc quân Anh rút lui bằng pháo binh đặt trên điểm cao Dorchester Heights nhìn xuống thành phố. Quân Anh rút chạy khỏi Boston vào tháng 3 năm 1776 và Washington di chuyển quân đến Thành phố New York.
Tháng 8 năm 1776, tướng Anh là William Howe mở một chiến dịch hải bộ lớn nhằm mục đích chiếm thành phố New York. Lục quân Lục địa dưới quyền của Washington giao chiến với kẻ thù lần đầu tiên trong vai trò là một lục quân của Hiệp chủng Quốc mới độc lập tại trận Long Island, trận đánh lớn nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh này. Người Mỹ ít quân số hơn nhiều so với lực lượng Anh. Nhiều binh sĩ Mỹ đào ngũ, và Washington bị đại bại. Dần sau đó, Washington bị buộc phải tháo lui qua sông East vào ban đêm. Ông làm vậy mà không có tổn thất về nhân mạng cũng như trang bị. Washington rút lui về phía bắc khỏi thành phố để tránh bị bao vây, tạo cơ hội cho tướng Howe tấn công và chiếm đồn Washington vào ngày 16 tháng 1 với số tử thương cao cho Lục quân Lục địa. Washington sau đó rút lui ngang New Jersey; tương lai của Lục quân Lục địa bị ngờ vực vì lệnh nhập ngũ hết hạn và một loạt những cuộc bại trận. Vào đêm 25 tháng 12 năm 1776, Washington quay trở lại tấn công bất ngờ vào một tiền đồn của quân Hessian (quân đánh thuê người Đức trong thế kỷ 18) tại tây New Jersey. Ông dắt lục quân của mình vượt sông Delaware để bắt sống gần 1.000 binh sĩ Hessian tại Trenton, New Jersey. Sau chiến thắng của mình tại Trenton, Washington ghi thêm một chiến thắng khác chống quân chính quy Anh tại Princeton vào đầu tháng 1. Quân Anh rút lui trở về Thành phố New York và vùng phụ cận thành phố và họ chiếm giữ ở đó cho đến khi hiệp định hòa bình năm 1783. Các chiến thắng của Washington đã nhấn chìm chiến lược "củ cà-rốt và cây gậy" của người Anh - phô trương lực lượng mạnh rồi khuyến dụ với các ngôn từ rộng lượng. Người Mỹ quyết không thương thuyết điều gì cả ngoài độc lập. Những chiến thắng này tự nó không đủ bảo đảm chiến thắng sau cùng của phe yêu nước tuy nhiên nhiều binh sĩ đã không tái đầu quân hoặc có nhiều người đào ngũ trong mùa đông ác nghiệt. Washington và Quốc hội tái tổ chức lục quân bằng việc gia tăng tưởng thưởng cho binh sĩ ở lại trong quân ngũ và cũng gia tăng hình phạt cho những ai đào ngũ. Việc này có hiệu quả làm tăng quân số cho các trận chiến sau cuối.
Các sử gia vẫn còn tranh luận rằng có phải chăng Washington thích chọn chiến lược Fabius để gây hoang mang cho quân Anh bằng các cuộc tấn công nhanh và sắc bén rồi sau đó rút lui để lục quân to lớn hơn của Anh không thể bắt được ông hay ông thích chọn đánh những trận chiến lớn. Trong khi tư lệnh miền Nam của ông là Greene sử dụng các chiến thuật Fabius vào những năm 1780-81 thì Washington chỉ dùng các chiến thuật này vào mùa thu năm 1776 đến mùa xuân năm 1777 sau khi để mất thành phố New York và nhìn thấy phần lớn lục quân của ông tan rã. Trận Trenton và Princeton là hai thí dụ về chiến thuật Fabius. Tuy nhiên vào mùa hè năm 1777, sau khi Washington đã tái lập sức mạnh và sự tự tin, ông ngưng dùng các trận đột kích và sẵn sàng các trận đối đầu có tầm cỡ lớn, thí dụ như các trận ở Brandywine, Germantown, Monmouth và Yorktown.
Cuối mùa hè năm 1777, lực lượng Anh dưới sự chỉ huy của John Burgoyne đưa một quân đoàn xâm nhập lớn từ Quebec xuống phía Nam với ý định cắt đứt vùng Tân Anh nổi loạn. Tướng Anh là Howe tại New York đưa quân đoàn của ông về hướng nam đến Philadelphia thay vì lên phía trên sông Hudson để họp mặt với quân của Burgoyne gần Albany. Đây là một lỗi lầm chiến lược lớn đối với quân Anh. Washington liền vội vã tiến về Philadelphia để giáp chiến Howe trong khi đó theo dõi sát hành động trên vùng thượng bang New York. Trong các trận đánh giáp mặt quá phức tạp cho các binh sĩ tương đối không kinh nghiệm, quân của Washington bị đánh bại. Trong trận Brandywine ngày 11 tháng 9 năm 1777, chiến thuật của Howe hơn hẳn Washington. Kết quả là Howe hành quân vào thủ đô Mỹ vào lúc đó là Philadelphia mà không gặp sự phản kháng nào ngày 26 tháng 9. Quân của Washington tấn công bất thành quân đồn trú của Anh tại Germantown đầu tháng 10. Trong lúc Burgoyne ở ngoài tầm giải cứu của Howe nên bị vây bủa và buộc phải ra lệnh toàn bộ quân đoàn của mình đầu hàng tại Saratoga, New York. Đây là một điểm quay chính cả về mặt quân sự và ngoại giao. Pháp phản ứng việc Burgoyne bại trận bằng cách tham chiến, công khai liên minh với Mỹ và biến cuộc Chiến tranh Cách mạng thành một cuộc chiến tranh lớn có tầm cỡ thế giới. Việc Washington để mất Philadelphia đã khiến cho một số thành viên Quốc hội Mỹ thảo luận về việc tước quyền tư lệnh của Washington. Nỗ lực này bị thất bại sau khi những người ủng hộ Washington tề tựu ủng hộ đằng sau ông.
Lục quân gồm 11 ngàn binh sĩ của Washington đến đóng quân mùa đông tại Valley Forge nằm ở phía bắc Philadelphia vào tháng 12 năm 1777. Trong khoảng thời gian 6 tháng, con số người chết trong trại lên đến hàng ngàn người (đa số do bệnh tật), theo các ước tính của các sử gia thì con số người chết có từ 2000 đến 2500 thậm chí lên đến trên 3000 binh sĩ. Tuy nhiên, đến mùa xuân, lục quân lộ diện từ Valley Forge trong đội hình tốt một phần nhờ vào một chương trình huấn luyện tầm cỡ do Baron von Steuben, một cựu chiến binh của bộ tổng tham mưu Phổ. Người Anh rút bỏ Philadelphia về New York năm 1778 bị Washington theo dõi. Washington liền tấn công họ tại Monmouth. Đây là một trận đánh không phân thắng bại và là một trong các trận đánh lớn nhất trong cuộc chiến tranh. Sau cùng, người Anh tiếp tục hướng về New York, và Washington di chuyển quân của mình ra khỏi New York.
Mùa hè năm 1779, theo chỉ thị của Washington, Tướng John Sullivan thực hiện một chiến dịch tiêu thổ tàn phá ít nhất 40 ngôi làng của người bản thổ Iroquois trong khắp vùng mà ngày nay là trung và thượng tiểu bang New York; người bản thổ ở trong vùng này là đồng minh của Anh. Họ thường đột kích các khu định cư Mỹ trong vùng biên cương. Tháng 7 năm 1780, 5.000 binh sĩ thuộc cựu chiến binh Pháp, do Tướng Comte Donatien de Rochambeau chỉ huy, đến Newport, Rhode Island để trợ giúp nỗ lực chiến tranh của người Mỹ. Nhờ sự trợ giúp tài chính có giá trị khoảng $20.000 bằng vàng của Pháp cho Lục quân Lục địa, Washington đã thực hiện cú đánh cuối cùng chống người Anh năm 1781 sau khi chiến thắng của người Pháp trong 1 trận hải chiến đã giúp cho các lực lượng Pháp và Mỹ bao vây một quân đoàn Anh tại Virginia. Sự kiện người Anh đầu hàng tại Yorktown vào ngày 17 tháng 10 năm 1781 đã đánh dấu sự chấm dứt chiến sự lớn tại lục địa Bắc Mỹ.
Washington không thể tin rằng sau trận Yorktown người Anh sẽ không tái mở các chiến dịch thù nghịch chống Lục quân Lục địa. Người Anh vẫn còn khoảng 26.000 quân đang chiếm đóng Thành phố New York, Charleston và Savannah cùng với một hạm đội hùng mạnh. Lục quân và hải quân Pháp đã rút đi, vì thế chỉ còn lại người Mỹ tự chống đỡ từ năm 1782-83. Ngân khố Mỹ trống trơn, các binh sĩ không được trả lương ngày càng ngang bướng, gần như đến lúc muốn nổi loạn hoặc có tiềm năng làm đảo chính. Washington giúp tránh bạo loạn trong hàng ngũ các sĩ quan của mình bằng việc can thiệp vào một sự kiện thường gọi là âm mưu Newburgh vào tháng 3 năm 1783. Kết cuộc là Quốc hội đưa ra lời hứa phát tiền thưởng trong 5 năm.
Ngày 25 tháng 11, người Anh di tản khỏi Thành phố New York. Washington và thống đốc tiếp quản thành phố. Ngày 4 tháng 12, tại Quán rượu Fraunces, Washington chính thức từ biệt các sĩ quan của mình và vào ngày 23 tháng 12 năm 1783, ông từ chức tổng tư lệnh. Sử gia Gordon Wood kết luận rằng hành động vĩ đại nhất trong đời của Washington là việc ông từ chức tổng tư lệnh — một hành động đã làm cho quý tộc châu Âu phải bàng hoàng rúng động. Vua George III đã gọi Washington "nhân vật vĩ đại nhất thời đại" vì hành động này.
Cuộc sống hưu trí của Washington ở Mount Vernon chỉ tồn tại ngắn ngủi. Ông thực hiện một chuyến thám hiểm đến biên cương phía Tây vào năm 1784, được thuyết phục tham gia Hội nghị Hiến pháp tại Philadelphia vào mùa hè năm 1787, và được bầu làm chủ tịch Hội nghị này. Ông tham dự ít vào các buổi tranh luận (tuy ông có bỏ phiếu chống hoặc thuận cho nhiều điều khoản khác nhau) nhưng uy tín cao của ông đã giúp ông duy trì quyền lực trong hội nghị và giữ chân các đại biểu tiếp tục làm việc của họ. Trong đầu các đại biểu là muốn lập ra chức tổng thống cho Washington, và họ sẽ cho phép ông định nghĩa chức vụ này một khi ông được bầu. Sau hội nghị, sự ủng hộ của ông đã thuyết phục nhiều người bỏ phiếu thông qua hiến pháp; Hiến pháp mới được tất cả 13 tiểu bang thông qua.
Quốc hội Hoa Kỳ lần thứ nhất biểu quyết trả lương cho Washington $25.000 một năm - đây là một con số lớn vào năm 1789. Washington, đã giàu có vào lúc đó, từ chối nhận lương vì ông coi trọng hình tượng của mình như là một đầy tớ công bất vị kỷ. Tuy nhiên sau đó ông cũng chấp nhận tiền lương vì bị Quốc hội hối thúc để tránh tạo ra một tiền lệ rằng chức vụ tổng thống chỉ được nhìn nhận có giới hạn đến những cá nhân giàu có độc lập, có thể phục vụ mà không cần bất cứ tiền lương nào. Vì nhận biết rằng mọi thứ mà ông làm sẽ tạo nên một tiền lệ sau này nên Washington cẩn thận tham dự buổi lễ nhậm chức một cách trịnh trọng. Ông muốn chắc rằng chức danh và lễ phục phải xứng hợp với nền cộng hòa và không bao giờ mang nét phong kiến châu Âu. Vào lúc cuối, ông thích chức danh "Ngài Tổng thống" hơn là những cái tên gọi uy nghiêm hơn.
Washington không thuộc một đảng phái chính trị nào và hy vọng rằng các đảng chính trị sẽ không được thành lập vì sợ sự xung đột đảng phái sẽ làm tiêu tan chủ nghĩa cộng hòa. Các cố vấn thân cận nhất của ông lập ra hai phe phái, khởi tạo ra khung sườn cho Hệ thống Đảng phái lần thứ nhất trong tương lai. Bộ trưởng Ngân khố Alexander Hamilton có các kế hoạch liều lĩnh nhằm thiết lập hệ thống tín dụng quốc gia và xây dựng một quốc gia mạnh về tài chính, và ông cũng đã lập ra cơ bản cho đảng Liên bang. Bộ trưởng Ngoại giao Thomas Jefferson, người sáng lập đảng Cộng hòa Jefferson, liên tiếp chống đối chương trình nghị sự của Hamilton nhưng nói chung Washington ưu ái Hamilton hơn là Jefferson. Kết quả, chương trình nghị sự của Hamilton trở thành có hiệu lực.
Đạo luật Dinh cư năm 1790, được Washington ký, cho phép Tổng thống Hoa Kỳ chọn lựa vị trí rõ rệt nào đó để làm nơi thường trực của chính phủ. Vị trí này phải nằm dọc theo sông Potomac. Đạo luật cho phép Tổng thống bổ nhiệm ba ủy viên tiến hành thị sát và tìm cách thu hồi vùng đất để làm thủ đô. Cá nhân Washington trông coi nỗ lực này trong suốt nhiệm kỳ tại chức của mình. Năm 1791, các ủy viên đặt tên cho thủ đô thường trực này là "Thành phố Washington trong Lãnh thổ Columbia" để vinh danh Washington. Năm 1800, Lãnh thổ Columbia trở thành Đặc khu Columbia khi chính phủ liên bang dời về nơi thích hợp theo các điều khoản của Đạo luật Dinh cư.
Năm 1791, Quốc hội áp đặt thuế môn bài lên các loại rượu khiến gây ra các cuộc phản đối nổ ra tại các khu vực biên cương, đặc biệt là tại tiểu bang Pennsylvania. Năm 1794, sau khi Washington ra lệnh những người biểu tình ra trình diện tại tòa án khu vực của Hoa Kỳ thì các cuộc phản đối trở nên bất chấp đối với chính phủ liên bang với quy mô lan rộng, được biết với tên gọi là Cuộc nổi loạn Whiskey. Lục quân liên bang quá nhỏ nhoi không thể dùng đến nên Washington áp dụng Đạo luật Quân sự 1792 để triệu hồi địa phương quân từ các tiểu bang Pennsylvania, Virginia và một số tiểu bang khác đến giúp. Các thống đốc phái binh sĩ đến. Washington tiếp nhận chức tư lệnh và đưa quân vào các khu vực nổi loạn. Những người nổi loạn tự giải tán và không có xung đột nào vì hành động mạnh bạo của Washington đã chứng minh rằng chính phủ mới có thể tự bảo vệ mình. Các sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên dưới hiến pháp mới rằng chính phủ liên bang đã sử dụng lực lượng quân sự mạnh để thực thi quyền lực của mình đối với các tiểu bang và công dân.
Mùa xuân năm 1793, một cuộc chiến tranh lớn nổ ra giữa nước Anh bảo thủ cùng với đồng minh của họ chống nước Pháp cách mạng, mở đầu một thời đại chiến tranh lan rộng khắp châu Âu mãi cho đến năm 1815. Được sự chấp thuận của nội các, Washington tuyên bố nước Mỹ trung lập. Chính phủ cách mạng Pháp phái nhà ngoại giao Edmond-Charles Genêt (được biết đến là công dân Genêt) đến Mỹ. Genêt được chào đón nhiệt liệt tại Mỹ. Ông tuyên truyền cho phía Pháp trong cuộc chiến tranh giữa Pháp và Anh. Với mục đích này, ông giúp đẩy mạnh phát triển một hệ thống gồm nhiều hội Dân chủ ở các thành phố lớn. Ông cấp phát thư ủy quyền tấn công của chính phủ Pháp cho các tàu Pháp được điều khiển bởi thủy thủ đoàn người Mỹ để họ có thể tấn công chiếm dụng các thương thuyền của Anh. Việc này làm cho Washington giận dữ, yêu cầu chính phủ Pháp triệu hồi Genêt về nước. Washington cũng lên án các hội dân chủ.
Hamilton và Washington thảo ra Hiệp định Jay để bình thường hóa quan hệ mậu dịch với Anh, yêu cầu họ rút khỏi các pháo đài ở phía Tây, giải quyết các món nợ tài chính còn sót lại từ thời cách mạng. John Jay là người đứng ra thương thuyết và ký hiệp định này vào ngày 19 tháng 11 năm 1794. Phe phái của Jefferson ủng hộ Pháp và mạnh mẽ công kích hiệp định này. Sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington đã vận động được ý dân và đã chứng tỏ có ý nghĩa định đoạt khi hiệp định này được thông qua tại Thượng viện với tỉ lệ 2/3 đa số phiếu cần thiết. Người Anh đồng ý bỏ các pháo đài của họ quanh Ngũ Đại Hồ, sau đó biên giới Hoa Kỳ-Canada được tái điều chỉnh, vô số các món nợ trước cách mạng Mỹ được thanh toán, và người Anh mở cửa các thuộc địa Tây Ấn của mình để giao thương với Mỹ. Quan trọng nhất, hiệp định đã giúp tạm gác lại chiến tranh với Anh và thay vào đó là một thập niên giao thương thịnh vượng với Anh. Hiệp ước này làm người Pháo giận dữ và trở thành một vấn đề trung tâm trong nhiều cuộc tranh cãi chính trị.
Bài diễn văn từ biệt của Washington (được công bố trong hình thức một lá thư gởi đến công chúng vào năm 1796) là một trong những lời tuyên bố có sức ảnh hưởng nhất về chủ nghĩa cộng hòa. Lá thư này phần lớn được Washington tự thảo ra cùng với sự giúp đỡ của Hamilton. Lá thư nhắn nhủ về nhu cầu và tầm quan trọng của sự thống nhất quốc gia, giá trị của Hiến pháp Hoa Kỳ và pháp quyền, những độc hại của các đảng phái chính trị và những đức tính đáng quý của một công dân cộng hòa. Ông gọi giá trị đạo đức là "một động cơ cần thiết của chính quyền nhân dân."
Bài diễn văn chính trị gởi công chúng của Washington cảnh báo chống lại sự ảnh hưởng của ngoại quốc trong các vấn đề đối nội và sự can thiệp của Mỹ trong các vấn đề của châu Âu. Ông cảnh báo chống lại chủ nghĩa đảng phái trong nền chính trị quốc nội và kêu gọi mọi người nên vượt ra ngoài đảng phái và phục vụ lợi ích chung. Ông cảnh báo chống lại "những liên minh thường trực với bất cứ phần nào trên thế giới ở ngoại quốc". Ông nói rằng Hoa Kỳ phải tập trung chủ yếu vào những lợi ích của Mỹ. Ông khuyên Hoa Kỳ nên làm bạn và giao thương với tất cả các quốc gia nhưng cảnh báo chống lại sự can thiệp của Mỹ tại các cuộc chiến tranh tại châu Âu hay gia nhập vào các liên minh "vướng bận" dài hạn. Bài diễn văn nhanh chóng ấn định những giá trị Mỹ liên quan đến các vấn đề đối ngoại.
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống và về hưu vào tháng 3 năm 1797, Washington quay trở về Mount Vernon với cảm giác rất thoải mái. Ông dành ra nhiều thời gian cho nông trại và nhiều công việc thương mại khác trong đó có xưởng nấu rượu. Xưởng nấu rượu này cho ra lò một mẻ rượu đầu tiên vào tháng 2 năm 1797. Theo Chernow (2010) giải thích, các hoạt động nông trại của ông thì sinh lợi rất tốt đẹp. Những vùng đất xa ở biên cương phía Tây sinh lợi rất ít vì chúng thường bị người bản thổ Mỹ tấn công và những người lập nghiệp sống ở đó không chịu trả tiền thuê đất cho ông. Tuy nhiên đa số người Mỹ mặc định rằng ông thật sự rất giàu có vì "vẻ hào quang thịnh vượng và hùng vĩ" nổi tiếng của nông trại Mount Vernon của ông. Các sử gia ước tính tài sản của ông đáng giá khoảng 1 triệu đô la Mỹ của năm 1799, tương đương khoảng $18 triệu đô la của năm 2009.
Ngày 4 tháng 7 năm 1798, Washington được Tổng thống John Adams ủy nhiệm vào cấp bậc trung tướng và tổng tư lệnh tất cả các quân đoàn lục quân đã được hoặc sẽ được tuyển mộ để phục vụ một cuộc chiến tranh có thể xảy ra trong tương lai với Pháp. Ông phục vụ với tư cách là sĩ quan cao cấp của Lục quân Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ 13 tháng 7 năm 1798 và 14 tháng 12 năm 1799. Ông tham gia vào việc lập kế hoạch cho một lực lượng Lục quân Lâm thời để đối phó với bất cứ tình hình khẩn cấp nào có thể xảy ra nhưng ông không ra trận. Vị tư lệnh đứng thứ hai sau ông, Hamilton, là người trực tiếp lãnh đạo lục quân.
Thứ năm ngày 12 tháng 12 năm 1799, Washington dành vài tiếng đồng hồ trên lưng ngựa để kiểm tra nông trại của mình bị tuyết rơi, mưa đá và mưa băng - đến chiều tối hôm đó, ông ngồi ăn buổi tối mà không có thay quần áo ướt. Sáng thứ sáu, ông tỉnh giấc thấy đau cổ họng dữ dội (có lẽ viêm họng hay đau thanh quản cấp tính) và cảm thấy càng thêm khan cổ khi ngày trôi qua. Vào khoảng 3 giờ sáng thứ bảy, ông đánh thức vợ ông và nói rằng ông cảm thấy bệnh trong người. Bệnh tình ngày thêm trầm trọng cho đến khi ông mất tại nhà vào khoảng 10h tối thứ bảy ngày 14 tháng 12 năm 1799, thọ 67 tuổi. Lời cuối cùng của ông là "'Tis well" (tạm hiểu là tốt lắm, tôi chết đau đớn nhưng tôi không sợ).
Với sự ủng hộ của vợ ông, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua nghị quyết chung nhằm xây một tượng đài bằng cẩm thạch trong Tòa Quốc hội Hoa Kỳ để cất giữ thân xác ông. Tháng 12 năm 1800, Hạ viện Hoa Kỳ đưa một đạo luật chi tiêu khoảng $200.000 để xây dựng lăng mộ hình kim tự tháp có đáy rộng 100 bộ vuông (30 mét vuông). Sự phản đối dự án này từ miền Nam đã đánh bại đạo luật vì người miền Nam cảm thấy để xác của ông tại Mount Vernon là tốt nhất (ông là người từ Virginia, một tiểu bang miền Nam vào thời đó).
Năm 1831, để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của ông, một ngôi mộ mới được xây cho ông. Năm đó, có một âm mưu đánh cắp xác của ông đã được thực hiện nhưng được chứng minh là không thành công. Dù vậy, một ủy ban quốc hội chung (ủy ban của cả hai viện lập pháp) vào đầu năm 1832 đã bàn thảo đến việc dời thân thể của Washington ra khỏi Mount Vernon để đưa đến một hầm mộ trong Tòa nhà Quốc hội do Charles Bullfinch xây vào thập niên 1820. Lại thêm một lần nữa, sự chống đối từ miền Nam tỏ ra rất dữ dội, do sự hiềm khích ngày càng sâu rộng giữa miền Nam và miền Bắc. Dân biểu Wiley Thompson của tiểu bang Georgia phát biểu về nỗi lo sợ của người miền Nam khi ông nói:
Người đầu tiên trong chiến tranh, người đầu tiên trong hòa bình, và người đầu tiên nằm trong lòng dân tộc, ông là người có một không hai về đức tính khiêm nhường và trải qua những đoạn đời riêng tư. Lễ nghĩa, công bình, nhân đạo, ôn hòa, và thành thật; trước sau như một, trang nghiêm, và uy nghi; mẫu người của ông như đang soi sáng cho tất cả những người quanh ông cũng như những hiệu ứng của mẫu hình này vẫn đang trường tồn... Xuyên suốt chúng, cái xấu rúng động trước sự hiện diện của ông và cái đẹp luôn cảm thấy có bàn tay giúp đỡ của ông. Đức tính cá nhân thanh khiết của ông đã thắp sáng đức độ phục vụ công chúng của ông... Ông là một người đàn ông như thế, người đàn ông mà quốc gia chúng ta đang thương tiếc.
Những câu chuyện mơ hồ về tuổi thơ của Washington gồm có câu chuyện cho rằng ông đánh lướt một đô la bằng bạc chạy băng qua sông Potomac ở Mount Vernon và rằng ông đốn ngã cây cherry của cha ông, và thừa nhận hành vi này khi bị tra hỏi; "Con không thể nói dối, ba à". Giai thoại này lần đầu tiên được Parson Weems, người chuyên viết tiểu sử, tường thuật. Ông này đã phỏng vấn những người biết Washington lúc nhỏ. Phiên bản câu chuyện từ Weems được in ấn rộng khắp suốt thế kỷ 19, chẳng hạn như trong McGuffey Readers. Những người lớn có đầu óc đạo đức luôn mong muốn trẻ em học những bài học luân lý trong quá khứ lịch sử, đặc biệt từ những đại anh hùng quốc gia như Washington. Tuy nhiên sau năm 1890, các sử gia viện dẫn qua những phương pháp nghiên cứu khoa học để chứng thực từng câu chuyện, và họ đã không tìm được bằng chứng nào trong câu chuyện do Weems thuật lại. Vào năm 1904, Joseph Rodman ghi nhận rằng Weems đã đạo văn cho các câu chuyện khác về Washington từ các câu chuyện tiểu thuyết đã được xuất bản tại Anh Quốc; không ai tìm được một nguồn thay thế nào cho câu chuyện về cây cherry nhưng sự tín nhiệm của Weems thì đáng nghi ngờ.
Hình của George Washington được in trên tiền của Hoa Kỳ trong đó có tiền giấy một đô la và tiền kim loại 25 xu. Trên tem thư Hoa Kỳ, hình của Washington được in vô số lần và trong nhiều loại khác nhau. Hình ông có trên một trong số những con tem đầu tiên do Bưu điện Hoa Kỳ phát hành vào năm 1847 cùng với hình của Benjamin Franklin. Bắt đầu vào năm 1908, Bưu điện Hoa Kỳ phát hành trong thời gian dài nhất một loạt tem thư trong lịch sử Bưu điện Hoa Kỳ khi phát hành bộ tem "Washington-Franklin". Đây là một bộ tem thư gồm có hơn 250 con tem có hình Washington và Franklin. Hình của Washington được in trên tem thư Hoa Kỳ nhiều hơn tất cả những người Mỹ nổi tiếng khác cộng lại, kể cả Abraham Lincoln và Benjamin Franklin.
Ngay sau khi chiến thắng trong cuộc cách mạng Mỹ, có nhiều lời đề nghị xây đựng một tượng đài ghi công Washington. Sau khi ông mất, Quốc hội Hoa Kỳ ra lệnh xây dựng một đài tưởng niệm phù hợp tại thủ đô quốc gia nhưng quyết định này bị đảo ngược khi đảng Cộng hòa nắm kiếm soát Quốc hội vào năm 1801. Các đảng viên Cộng hòa mất tinh thần vì Washington đã trở thành biểu tượng của đảng Liên bang; hơn thế nữa, các giá trị của chủ nghĩa cộng hòa dường như không phù hợp với ý tưởng xây dựng những tượng đài dành cho những người có quyền lực. Thêm chuyện cãi vã chính trị cùng với sự chia rẽ Nam-Bắc trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ đã ngăn cản việc hoàn thành tượng đài Washington mãi cho đến cuối thế kỷ 19. Đến thời điểm đó, hình ảnh của Washington được xem là vị anh hùng quốc gia được cả hai miền Nam và Bắc tôn sùng nên các tượng đài của ông không còn là chuyện gây tranh cãi nữa. Trước khi có tượng đài hình tháp nằm trên National Mall vào khoảng vài thập niên trước đó, công dân của thành phố Boonsboro, Maryland đã xây dựng đài tưởng niệm công cộng đầu tiên để tưởng niệm Washington vào năm 1827.
Ngày nay, hình tượng và khuôn mặt của Washington thường được dùng như những biểu tượng quốc gia của Hoa Kỳ. Hình ảnh ông có mặt trên các loại tiền hiện thời trong đó có tiền giấy một đô la và tiền kim loại 25 xu, và trên các loại tem thư của Hoa Kỳ. Ngoài việc hình ảnh ông có mặt trên các loại tem thư đầu tiên do Bưu điện Hoa Kỳ phát hành năm 1847, Washington cùng với Theodore Roosevelt, Thomas Jefferson, và Lincoln, được tạc tượng trên Đài tượng niệm Núi Rushmore. Tượng đài Washington, một trong số những địa điểm nổi tiếng nhất của Mỹ, được xây để vinh danh ông. Tượng đài Quốc gia Tam điểm George Washington tại Alexandria, Virginia được xây dựng giữa năm 1922 và 1932 với đóng góp tự nguyện của tất cả 52 cơ quan điều hành địa phương của Hội Tam điểm tại Hoa Kỳ.
Nhiều nơi và nhiều thực thể đã được đặt tên Washington để vinh danh ông. Tên Washington trở thành tên của thủ đô quốc gia, Washington, D.C., một trong hai thủ đô quốc gia trên thế giới đã được đặt tên của một vị tổng thống Mỹ (tên tổng thống Mỹ khác được đặt cho thủ đô của Liberia là Monrovia). Tiểu bang Washington là tiểu bang duy nhất được đặt tên của một vị tổng thống Mỹ. Đại học George Washington và Đại học Washington tại St. Louis được đặt tên ông cũng như Đại học Washington và Lee đã từng đổi thành Học viện Washington khi Washington quyên tặng rất nhiều tiền cho trường này vào năm 1796. Đại học Washington tại Chestertown, Maryland (do hiến chương tiểu bang Maryland thành lập năm 1782) được Washington ủng hộ suốt cuộc đời mình bằng việc trao tặng 50 đồng tiền vàng Anh và phục vụ trong ban hội đồng đặt trách quan khách và điều hành của trường cho đến năm 1789 (khi Washington được bầu làm tổng thống). Vô số thành phố và thị trấn Mỹ có một đường phố mang tên Washington.
Washington bị răng của mình hành hạ suốt cả cuộc đời. Ông mất chiếc răng trưởng thành đầu tiên khi ông 22 tuổi và chỉ còn lại 1 chiếc khi ông trở thành tổng thống. John Adams tuyên bố rằng Washington mất răng vì ông dùng nó để cắn hạt Brasil nhưng các sử gia hiện đại cho rằng chính điôxít thủy ngân mà ông uống để trị bệnh như đậu mùa và sốt rét có lẽ đã góp phần vào việc làm rụng răng của ông. Ông được làm một vài bộ răng giả, bốn trong số đó do một nha sĩ có tên là John Greenwood. Không như công chúng nghĩ, các bộ răng giả này không phải làm bằng gỗ. Bộ răng được làm cho ông khi ông trở thành tổng thống là làm bằng ngà voi và ngà hà mã, giữ chặt lại bằng niềng vàng. Vấn đề của răng đã làm cho Washington thường hay đau răng nên ông phải dùng cồn thuốc phiện. Nỗi đau đớn vì chứng đau răng có thể được bộc lộ rõ ràng trong nhiều bức hình được họa khi ông vẫn còn tại chức, trong đó phải kể đến bức hình được sử dụng trên tờ giấy bạc $1 đô la Mỹ.[Ghi chú 4]
Sau cái chết của cha năm 1743, cậu bé George Washington 11 tuối thừa hưởng gia tài gồm 10 người nô lệ. Vào lúc ông kết hôn với Martha Custis năm 1759, cá nhân ông làm chủ ít nhất 36 nô lệ (vợ ông thừa hưởng và mang đến Mount Vernon một số nô lệ của chồng trước quá cố, ít nhất là 85 người). Ông dùng tài sản giàu có của vợ để mua thêm đất, tăng gấp ba lần diện tích đồn điền, và thêm nhiều nô lệ để canh tác đồn điền. Năm 1774, ông trả thuế đánh trên 135 nô lệ (không tính nô lệ của vợ ông được thừa hưởng từ người chồng đầu tiên quá cố của bà). Lần mua nô lệ cuối cùng của ông là vào năm 1772 dù sau này ông có nhận một số nô lệ để trừ nợ. Washington cũng dùng những người da trắng di cư làm người giúp việc gia đính để trả nợ di dân; tháng 4 năm 1775, ông đã trả tiền thưởng để nhận lại hai người da trắng giúp việc nhà sau khi hai người này bỏ trốn.
Một sử gia tuyên bố rằng Washington ước mong những lợi ích vật chất từ việc làm chủ nô lệ và muốn cho gia đình vợ của ông có một tài sản kế thừa thịnh vượng. Trước Cách mạng Mỹ, Washington không bài tỏ vấn đề đạo đức gì về chủ nghĩa nô lệ nhưng vào năm 1786, Washington viết cho Robert Morris như sau "Không ai mong muốn chân thành hơn tôi là thấy một kế hoạch được thông qua nhằm mục đích bãi bỏ chế độ nô lệ". Năm 1778, ông viết thư cho người quản lý của ông ở đồn điền Mount Vernon rằng ông muốn "bỏ hết người da đen". Duy trì một dân số nô lệ lớn và ngày càng già tại Mount Vernon thì không có lợi ích kinh tế. Tuy nhiên Washington không thể bán những "nô lệ thừa kế" của vợ (dower slaves) một cách hợp pháp, và vì những nô lệ này đã liên-hôn với các nô lệ của chính ông nên ông cũng không thể bán nô lệ của mình với lý do nếu ông bán nô lệ của mình thì ông gián tiếp làm cho gia đình họ ly tán.
Lúc làm tổng thống, Washington đưa 7 nô lệ đến Thành phố New York năm 1789 để làm người giúp việc nhà đầu tiên cho tổng thống. Sau khi thủ đô quốc gia chuyển đến Philadelphia năm 1790, ông đưa 9 nô lệ đến làm việc trong dinh tổng thống. Lúc ông mất, có 317 nô lệ làm việc tại Mount Vernon trong số đó Washington làm chủ 123 người, 154 người là "nô lệ thừa kế" của vợ và 40 người được một người hàng xóm mướn. Dorothy Twohig cho rằng Washington đã không lên tiếng công khai chống lại chủ nghĩa nô lệ vì ông không muốn tạo sự chia rẽ trong nước cộng hòa mới thành lập bằng một vấn đề rất nhạy cảm và gây chia rẽ lúc bấy giờ.
Washington là một thành viên của Giáo hội Anh giáo, sau này gọi là Giáo hội Giám nhiệm, "có địa vị được thiết lập" tại tiểu bang Virginia (điều đó có nghĩa là tiền thuế được dùng để trả cho các vị chức sắc nhà thờ). Ông là một thành viên phục vụ trong ban điều hành Nhà thờ Christ tại Alexandria, Virginia và Nhà thờ Pohick gần nhà của ông trong đồn điền Mount Vernon cho đến khi chiến tranh bắt đầu; tuy nhiên giáo xứ này là một đơn vị của chính quyền địa phương và giáo xứ này phần lớn lo những công việc dân sự như đường sá và giảm nghèo.
Theo sử gia Paul F. Boller Jr., thực tế mà nói Washington là một người theo thuyết thần giáo tự nhiên, có niềm tin sâu rộng vào "Sự quan phòng của Trời" hay cao hơn là "Ý Trời" bắt nguồn từ một "Đấng Tối cao" kiểm soát các sự kiện của loài người và như trong thần học Calvin thì tiến trình lịch sử đi theo một mô hình trật tự hơn chỉ là sự tình cờ. Năm 1789, Washington tuyên bố rằng "Đấng sáng tạo Vũ trụ" đã tích cực can thiệp về phía Cách mạng Mỹ. Tuy nhiên, theo Boller, Washington chưa bao giờ tìm cách cá nhân hóa quan điểm tôn giáo của chính mình hay bày tỏ sự ái mộ nào tới khía cạnh tốt đẹp của các đoạn văn Kinh thánh. Boller cho rằng "những lời bóng gió về tôn giáo của Washington hoàn toàn thiếu chiều sâu cảm xúc" Về khía cạnh triết lý, ông say mê và chọn triếc lý Stoic của La Mã cổ đại. Triết lý này coi trọng đức hạnh và nhân bản và có thể sánh cao bằng thuyết thần giáo tự nhiên.
Washington thường tháp tùng vợ đến lễ nhà thờ; tuy nhiên, không có ghi chép nào nói về việc ông hiệp lễ (nhận lễ ban thánh thể). Ông thường hay rời lễ nhà thờ trước khi hiệp lễ — cùng với những người không hiệp lễ khác. Đến khi bị một mục sư quở trách, ông thôi không tham dự các buổi thánh lễ vào những ngày chủ nhật. Khi làm tổng thống, ông khích lệ mọi người khi ông được người ta thấy tham gia thánh lễ tại vô số các nhà thờ trong đó có các nhà thờ Trưởng lão, Quaker và Công giáo để chứng tỏ sự ủng hộ đại thể của ông cho tôn giáo. Washington nổi tiểng rộng lượng. Ông tham dự nhiều sự kiện từ thiện và tặng tiền cho các trường, các đại học và cho người nghèo. Là công dân hàng đầu của Philadelphia, Tổng thống Washington dẫn đầu trong công cuộc cung cấp từ thiện cho các quả phụ và trẻ mồ côi trong thành phố thủ đô bị dịch sốt vàng hoành hành vào năm 1793.
Michael Novak và Jana Novak cho rằng đây có thể là "ý định của Washington khi duy trì sự mơ hồ có chủ ý (và sự riêng tư cá nhân) liên quan đến nhận thức tôn giáo sâu thẳm nhất của ông, để cho mọi người Mỹ, cả thời đó và mãi sau này, có thể cảm thấy tự ý để tiếp cận ông bằng cách riêng của mình, cũng như có thể cảm thấy mình là thành viên đầy đủ của một nền cộng hòa mới, bình đẳng với mọi người khác". Họ kết luận: "Ông được dưỡng dục trong Giáo hội Giám nhiệm mà ông luôn thuộc về; và quan điểm của tôi [sic] là ông tin vào các giáo lý nền tảng của Kitô giáo như vẫn được dạy trong Giáo hội, theo cách hiểu của ông; nhưng trong đó không có một chút sự bất khoan dung hay thiếu tôn trọng nào với các niềm tin và cách thức thờ phượng của các Kitô hữu thuộc hệ phái khác."
Năm 1752 Washington được thu nhận vào Hội Tam Điểm. Trong lễ nhậm chức tổng thống năm 1789, Đại sư phụ chi hội New York đã chủ trì lễ tuyên thệ nhậm chức của ông. Ngày 18 tháng 9 năm 1793, ông đặt viên đá góc của Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ có mang dấu hiệu Đại sư phụ Hội Tam Điểm. Washington kính trọng cao độ đối với nội quy của hội và thường hay ca ngợi nó nhưng ông ít khi tham dự các buổi họp của chi hội. Ông bị lôi cuốn bởi sự tận tụy của phong trào đối với những nguyên lý khai sáng; các chi hội Mỹ không chia sẻ triển vọng chống tăng lữ mà đã khiến cho các chi hội tại châu Âu bị tai tiếng
Phong Nha-Kẻ Bàng nằm ở một khu vực núi đá vôi rộng khoảng 200.000 ha thuộc lãnh thổ Việt Nam, khu vực lãnh thổ Lào tiếp giáp vườn quốc gia này cũng có diện tích núi đá vôi khoảng 200.000 ha. Diện tích vùng lõi của vườn quốc gia là 85.754 ha và một vùng đệm rộng 195.400 ha. Tháng 8 năm 2013, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định mở rộng vườn quốc gia này lên 1233,26 km2. Vườn quốc gia này được thiết lập để bảo vệ một trong hai vùng carxtơ lớn nhất thế giới với khoảng 300 hang động và bảo tồn hệ sinh thái bắc Trường Sơn ở khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam. Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, 300 hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Các hang động ở đây có tổng chiều dài khoảng hơn 80 km nhưng các nhà thám hiểm hang động Anh và Việt Nam mới chỉ thám hiểm 20 km, trong đó 17 km ở khu vực Phong Nha và 3 km ở khu vực Kẻ Bàng.
Trải qua nhiều thay đổi lớn về địa tầng và địa mạo, địa hình khu vực này hết sức phức tạp. Phong Nha-Kẻ Bàng phô diễn các bằng chứng ấn tượng về lịch sử Trái Đất, giúp nghiên cứu lịch sử hiểu được lịch sử địa chất và địa hình của khu vực. Khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng là một trong những mẫu hình riêng biệt và đẹp về sự kiến tạo carxtơ phức tạp ở Đông Nam Á. Được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003, và được UNESCO công nhận lần 2 là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí đa dạng sinh học, sinh thái vào ngày 3 tháng 7 năm 2015.
Tên gọi vườn quốc gia này ghép từ hai thành phần: tên động Phong Nha và tên khu vực rừng núi đá vôi Kẻ Bàng. Động Phong Nha trước đây thường được xem là động lớn và đẹp nhất trong quần thể hang động này. Có ý kiến giải thích cho rằng nguồn gốc tên gọi Phong Nha có nghĩa là gió (chữ Hán: 風 phong) răng (chữ Hán: 牙 nha) (gió thổi từ trong động, nhũ đá tua tủa như hàm răng); nhưng ý kiến khác lại cho rằng Phong Nha có nghĩa là tên ngôi làng gần đấy chứ không có nghĩa là gió và răng như vẫn thường được giải thích. Theo Lê Quý Đôn thì Phong Nha là tên một làng miền núi ngày xưa (nay là thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch). Có ý kiến khác lại cho rằng tên gọi Phong Nha không phải xuất phát từ ý nghĩa răng và gió, mà từ hình ảnh những ngọn núi nằm thành từng dãy đều đặn như hình ảnh các quan đứng thành hàng trên sân chầu hay ở quan thự, người ta đã lấy chữ Phong Nha theo chữ Hán (chữ 峰 phong nghĩa là đỉnh núi, 衙 nha có nghĩa là quan lại) để đặt tên cho động Phong Nha.
Trong khu vực vùng đệm của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có dân của 12 xã với tổng diện tích thuộc vùng đệm là 1479,45 km² thuộc huyện Minh Hóa (các xã Dân Hóa, Hóa Sơn, Trung Hoa, Thượng Hóa); Bố Trạch (các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Xuân Trạch, Phúc Trạch, Sơn Trạch, Phú Định, Hưng Trạch) và huyện Quảng Ninh, Quảng Bình (xã Trường Sơn). Các khu vực dân cư này chủ yếu sống ven các sông lớn như sông Chày, sông Son và các thung lũng có suối phía đông và đông bắc của vườn quốc gia này. Các khu vực này thuộc khu vực vùng sâu vùng xa của Quảng Bình, có điều kiện hạ tầng cơ sở như đường giao thông, điện, giáo dục, y tế kém phát triển. Dân cư ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, khai thác lâm sản.
Cũng giống như vùng Bắc Trung Bộ nói chung, và tỉnh Quảng Bình nói riêng, khí hậu ở vườn quốc gia này mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 23-25°C, với nhiệt độ cao nhât là 41 °C vào mùa hè và mức thấp nhất có thể xuống 6 °C vào mùa đông. Thời kỳ nóng nhất là vào tháng 6 đến tháng 8 với nhiệt độ trung bình 28 °C, còn từ tháng 12 đến tháng 2 có nhiệt độ trung bình 18 °C. Lượng mưa trung bình hàng năm đo được là 2.000–2.500 mm, với 88% lượng mưa trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12. Mỗi năm có hơn 160 ngày mưa. Độ ẩm tương đối là 84%.
Hệ thống hang động tại khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng được hình thành do những kiến tạo địa chất xảy ra trong lòng dãy núi đá vôi Kẻ Bàng cách đây hơn 400 triệu năm vào thời kỳ Đại Cổ sinh. Trải qua các thời kỳ kiến tạo quan trọng và các pha chuyển động đứt gãy, phối tảng và uốn nếp đã liên tục tạo ra các dãy núi trùng điệp do chuyển động nâng cao và các bồn trầm tích do chuyển động sụt lún, đóng vai trò như nguyên nhân của mọi nguyên nhân để tạo ra tính đa dạng về địa chất, địa hình - địa mạo, mạng lưới thủy văn và tính đa dạng, kỳ thú về hang động du lịch đối với các thành hệ đá vôi Phong Nha-Kẻ Bàng phát triển từ Devon đến Kỷ Cacbon - Trecmi.
Nguyên nhân ban đầu phải tính đến là sự hoạt động trồi lên của các khối xâm nhập núi lửa trẻ hơn đá vôi. Các khối cùng với việc nâng các lớp đá vôi lên cao như ngày nay còn làm phát sinh động đất, đứt gãy và núi lửa. Tại giao điểm của các đứt gãy hoặc các đới đứt gãy lớn, núi lửa phun lên sẽ làm biến chất đá vôi, biến đá vôi thành vôi sống (CaO) dễ hoà tan trong nước, đồng thời mang vào các đứt gãy, khe nứt của đá vôi dăm, cuội, dung nham núi lửa và nước ngầm. Dung nham này trong môi trường nước sẽ bị biến thành bùn, sét - kaolin mềm nhão dễ bị nước cuốn trôi hoặc lắng chìm vào các khe nứt, lỗ hổng do mật độ nặng hơn đá vôi từ 0,3 - 0,4 g/cm3. Nước đã đóng vai trò dọn dẹp lòng hang, các thung lũng giữa núi đá vôi (cuốn trôi vôi sống, bùn, sét - kaolin) và tạo thành các thạch nhũ cho chúng ta thấy như ngày nay.
Lần đầu tiên, Đoàn Địa chất 20, một cơ quan trực thuộc Tổng cục Địa chất Việt Nam đã hoàn thành công trình đo vẽ bản đồ địa chất tỉ lệ 1:500.000 miền Bắc Việt Nam vào năm 1965 với sự trợ giúp của các chuyên gia Liên Xô, trong đó khu vực tỉnh Quảng Bình được xếp vào đới tướng cấu trúc Trường Sơn. Đây là lần đầu tiên các đặc điểm địa chất như địa tầng, hoạt động macma và địa chất cấu tạo của khu vực này đã được các nhà khoa học Việt-Xô mô tả một cách hệ thống và chi tiết. Sau đợt khảo sát và đo vẽ đó, Tổng cục Địa chất Việt Nam (nay là Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) đã tiếp tục tiến hành đo vẽ địa chất ở tỉ lệ trung bình và lớn để chính xác hoá cấu trúc địa chất và xác định tiềm năng khoáng sản ở vùng lãnh thổ này và đã hoàn tất vẽ bản đồ địa chất 1:200.000 tờ Mahaxay - Đồng Hới kèm theo thuyết minh "Địa chất và khoáng sản tờ Mahaxay - Đồng Hới", đây là công trình bổ sung nhiều kết quả nghiên cứu mới về địa tầng và khoáng sản ở trong vùng. Năm 2001, bản đồ địa chất 1:50.000 tờ Minh Hoá kèm theo Báo cáo thuyết minh "Địa chất và khoáng sản tờ Minh Hoá" được hoàn thành và đã đưa được nhiều kết quả nghiên cứu mới về cổ sinh địa tầng Mesozoi và các khoáng vật phốt phát và vật liệu xây dựng của vùng. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã thực hiện công bố nhiều công trình nghiên cứu quan trọng về ranh giới Frasni - Famen (Kỷ Devon thượng).
Phong Nha-Kẻ Bàng có một cấu trúc địa chất phức tạp, với lịch sử phát triển vỏ Trái Đất từ thời kỳ kỷ Ordovicia (464 Ma). Điều này đã tạo ra ba loại địa hình và địa mạo. Một trong số đó là các kiến tạo không phải carxtơ với các ngọn núi thấp tròn với các thềm đất tích tụ mài mòn dọc theo các thung lũng sông Son và sông Chay và tại các mép khối núi đá vôi trung tâm. Loại kiến tạo lớn khác là các kiến tạo carxtơ có đặc trưng là các carxtơ nhiệt đới cổ chủ yếu là từ Đại Trung sinh, nhưng 2/3 của khu vực này là carxtơ từ Đại Tân sinh. Đá vôi chiếm một diện tích khoảng 200.000 ha, với một khu vực tương tự ở tỉnh Khammuane của Lào. Quá trình kiến tạo carxtơ đã tạo ra nhiều đặc điểm như các sông ngầm, các động khô, các động bậc thang, động treo, động hình cây và động cắt chéo nhau. Các động có sông được chia thành 9 động của hệ thống Phong Nha đổ vào sông Son và 8 động của hệ thống động Vòm đổ vào sông Chay.
So với các khu vực carxtơ khác trên thế giới đã được công nhận là di sản thế giới, khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng có đặc điểm tự nhiên có nhiều dị biệt do điều kiện khí hậu và cấu trúc địa chất khác nhau. Khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng nằm trong vành đai tạo núi Alpi, một đai núi trẻ phát triển mạnh mẽ vào thời kỳ Đại Tân sinh. Vì vậy, các khối đá vôi tại khu vực này bị biến dạng cơ học khá mạnh do đứt gãy. Khí hậu khu vực này là nhiệt đới gió mùa nên các hiện tượng carxtơ tại đây không giống với các khu vực ôn đới về cường độ quá trình carxtơ cũng như các dạng địa hình mà nó tạo ra trên bề mặt và khu vực ngầm.
Hệ thống đứt gãy chằng chịt trên mặt đá vôi tại khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng đã tạo điều kiện cho nước dễ thấm vào các khối đá làm tăng khả năng hòa tan do trong nước có chứa các chất axít có phản ứng với đá vôi (cácbonat canxi). Hệ thống hang động hùng vĩ của Phong Nha được tạo ra do quá trình các khe nứt kiến tạo, sau đó là quá trình phong hoá vật lý và hoá học đã gặm mòn, hoà tan, rửa trôi qua hàng triệu năm. Trong điều kiện nhiệt đới ẩm, quá trình carxtơ hoá rất mạnh mẽ về cường độ và tốc độ phá huỷ. Ngoài hệ thống núi đá vôi, vùng núi đất có nền đá mẹ chủ yếu là đá mácma axít, đá sét, đá biến chất và phù sa cổ.
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là một trong hai khu vực đá vôi lớn nhất thế giới. So với 41 di sản thế giới khác có carxtơ, Phong Nha-Kẻ Bàng có các điều kiện địa hình, địa mạo và sinh vật khác biệt. Carxtơ tại đây có niên đại từ thời kỳ Đại Cổ Sinh, 400 triệu năm trước, do đó Phong Nha-Kẻ Bàng là vùng carxtơ lớn cổ nhất châu Á. Nếu như khu vực Hin Namno, một khu vực bảo tồn tự nhiên của tỉnh Khăm Muộn, Lào, giáp Phong Nha-Kẻ Bàng về phía tây được kết hợp thành một khu bảo tồn liên tục, thì khu vực bảo tồn này sẽ là khu rừng carxtơ còn tồn tại lớn nhất ở Đông Nam Á với diện tích 317.754 ha.
Các nhà khoa học đã khám phá và nghiên cứu 20 hang động với tổng chiều dài 70 km hang động, trong số đó có 17 hang động tại khu vực Phong Nha và 3 hang động tại khu vực Kẻ Bàng. Năm 1999, các nhà khoa học của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga cũng tiến hành các khảo sát về hệ động thực vật ở khu vực Kẻ Bàng. Động Phong Nha dài 7.729 m, có 14 hang, có dòng sông ngầm dài 13.969 m. Các thạch nhũ trong động trải qua hàng triệu năm kiến tạo từ nước có hòa tan đá vôi (CaHCO3) mà tích tụ thành những hình tượng lạ mắt như hình sư tử, hình ngai vàng, hình đức Phật v.v.
Tháng 4 năm 2009, đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội hang động hoàng gia Anh đã tiến hành thám hiểm khu vực vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và các khu vực phụ cận. Họ đã phát hiện thêm 20 hang động mới với tổng chiều dài 56 km. Trong đợt khảo sát này, hội hang động hoàng gia Anh và Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố phát hiện mới về hang Cha Lo (Minh Hóa) dài trên 5 km. Đoàn cũng công bố mới về độ dài của các hang động chính như Phong Nha trên 57 km (trước đây là 45 km), Vòm trên 35 km, đồng thời phát hiện hang Khe Ri là hang sông ngầm dài nhất thế giới. Đặc biệt, đoàn thám hiểm cũng đã phát hiện một hang mới và tạm đặt tên là Sơn Động. Theo kết quả khảo sát, hàng này dài 6,5 km, rộng hơn 150m và vòm hang chỗ cao nhất hơn 200m, kích thước gấp 4-5 lần so với hang Phong Nha, lớn hơn nhiều so với hang Deer tại vườn quốc gia Gunung Mulu tại Sarawak, Malaysia vốn được xem là hang động lớn nhất thế giới. Con sông ngầm ở hang này cũng lớn hơn nhiều lần so với sông ngầm ở hang Phong Nha. Hang này có dòng sông ngầm. Nước và dòng chảy ngầm trong hang rất mạnh nên hiện đoàn thám hiểm chỉ khảo sát được một phần Đoàn thám hiểm cũng đã tiến hàng khảo sát hố sụt karst (đá vôi) ở khu vực hang Vòm có tên là vực Tang với kết quả cho thấy hố sụt có độ sâu đến 255 m. Tuy nhiên, đoàn thám hiểm vẫn chưa thể đo hết độ sâu của hố sụt này, nhưng qua đó đánh giá đó là hố sụt sâu nhất Việt Nam.
Động Tiên Sơn hay động Khô là một động đẹp nổi tiếng ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng. Cửa vào động Tiên Sơn nằm cách cửa động Phong Nha khoảng 1.000 m, ở độ cao so với mực nước biển khoảng 200 m. Động Tiên Sơn có chiều dài là 980 m. Từ cửa động đi vào khoảng 400 m có một vực sâu chừng 10 m, và sau đó là động đá ngầm tiếp tục dài gần 500 m, khá nguy hiểm nên du khách chưa được phép đến khu vực này mà chỉ tham quan tới khoảng cách 400 m từ tính từ cửa động. Động này được phát hiện năm 1935, ban đầu, cư dân địa phương gọi động này là động Tiên, do vẻ đẹp kỳ bí thần tiên của nó. Sau này động Tiên Sơn được gọi là động Khô, để phân biệt với động Phong Nha là động nước. Động Tiên Sơn là nơi có cảnh thạch nhũ và măng đá kỳ vĩ huyền ảo như trong động Phong Nha nhưng lại có nét riêng là các âm thanh phát ra từ các phiến đá và cột đá khi được gõ vào vang vọng như tiếng cồng chiêng và tiếng trống. Theo các nhà khoa học thuộc Hội hang động Hoàng gia Anh, động Tiên Sơn được hình thành cách đây hàng chục triệu năm, khi một dòng nước chảy qua quả núi đã đục rỗng, bào mòn núi đá vôi Kẻ Bàng. Sau đó, do kiến tạo địa chất khối núi này hoặc đã được nâng lên, hoặc đã bị hạ xuống khiến các khối đá đổ sụp ngăn chặn dòng chảy làm nên động Tiên Sơn ở phía trên. Còn phần có sông ngầm chảy qua tạo ra hang động Phong Nha. Dù động Phong Nha và động Tiên Sơn nằm liền kề nhau nhưng giữa hang động này lại không thông nhau. Cư dân địa phương đã nhặt được một số hiện vật có thể là di chỉ của người xưa ở trên bãi đất bằng phẳng trước cửa động.
Hang Thiên Đường được phát hiện năm 2005, Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh khám phá từ năm 2005 và xác định hang này có tổng chiều dài là 31 km. Do vẻ đẹp của hang, họ đã đặt tên hang này là Thiên Đường. Hang Thiên Đường được đánh giá là hang động lớn và dài hơn hang động Phong Nha. Đây là một động khô, không có sông ngầm chảy qua như động Phong Nha. Trong động Thiên Đường có nhiều khối thạch nhũ và măng đá kỳ ảo. Phần lớn nền động là đất dẻo, khá bằng phẳng nên thuận tiện cho việc tham quan và thám hiểm. Trong khi nhiệt độ mùa Hè ở bên ngoài là 36-37 °C thì nhiệt độ trong động Thiên Đường luôn ở 20-21 °C. Hang Thiên Đương đã được Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư phương tiện và đường vào động, đường bên trong động với chiều dài 1,1 km và đã đón khách tham quan từ ngày 3 tháng 9 năm 2010.
Sơn Động hay Sơn Đoòng là một trong những hang mới nhất được phát hiện tại khu vực Phong Nha-Kẻ Bang. Hang này do nhóm thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tiến hành thám hiểm. Hang này được cho là hang động lớn nhất thế giới. Khoang lớn nhất ở Sơn Động có chiều dài hơn 5 km, cao 200 m và rộng 150 m. Với kích thước này, hang Sơn Động vượt hang Deer ở vườn quốc gia Gunung Mulu ở Sarawak Malaysia, lớn gấp 4-5 lần động Phong Nha, lớn hơn Động Thiên Đường. Do dòng nước của sông ngầm ở động này chảy xiết nên các nhà thám hiểm Anh không thể thám hiểm hết động này. Họ đã ước lượng chiều dài của hang bằng cách sử dụng đèn nháy. Đoàn thám hiểm đã báo cáo chính quyền tỉnh Quảng Bình về phát hiện này nhưng cho rằng chưa thể khai thác du lịch ngay. Họ sẽ quay lại khám phá hang này vào năm 2011.
Ngoài hệ thống hang động, Phong Nha-Kẻ Bàng còn có các sông ngầm dài nhất. Đặc trưng núi đá vôi của khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng đã tạo ra một hệ thống sông ngòi trong vùng khá phức tạp, có rất ít sông suối có nước thường xuyên. Có ba con sông chính trong vườn quốc gia này là sông Chày, sông Son và sông Troóc. Nguồn nước cung cấp cho các con sông này là hệ thống các sông suối ngầm dưới lòng đất, các suối này đều nổi lên mặt đất tại các hang động như Én, Vòm, Tối và Phong Nha. Cả ba con sông chính trong vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đều chảy vào sông Gianh, sau đó đổ ra biển Đông ở thị trấn Ba Đồn thuộc huyện Quảng Trạch.
Các núi ở vùng carxtơ của vườn quốc gia này có chiều cao điển hình trên 800 m và tạo thành một dãy núi liên tục dọc theo đường biên giới hai nước Việt Nam và Lào, trong đó đáng chú ý là các đỉnh: Phu Tạo (1174 m), Co Unet (1150 m), Phu Canh (1095 m), Phu Mun (1078 m), Phu Tu En (1078 m), Phu On Chinh (1068 m), Phu Dung (1064 m), Phu Tu Ôc (1053 m), Phu Long (1015 m), Phu Ôc (1015 m), Phu Dong (1002 m). Nằm xen giữa các đỉnh này là các đỉnh có chiều cao từ 800–1000 m: Phu Sinh (965 m), Phu Co Tri (949 m), Phu On Boi (933 m), Phu Tu (956 m), Phu Toan (905 m), Phu Phong (902 m), núi Ma Ma (835 m).
Vùng địa hình phi carxtơ chiếm một tỷ lệ nhỏ, chủ yếu nằm ở vòng ngoài về phía bắc, đông bắc và đông nam của Phong Nha-Kẻ Bàng với các đỉnh núi cao 500–1000 m với độ dốc 25-30 độ và sự chia cắt cao. Có một số thung lũng hẹp dọc theo các con suối và khe như: khe Am, khe Cha Lo, khe Chua Ngút và một thung lũng nằm dọc theo Rào Thương ở rìa cực nam. Theo hướng bắc-nam có các đỉnh núi đáng chú ý như: Phu Toc Vu (1000 m), Mã Tác (1068 m), Cổ Khu (886 m), U Bò (1009 m), Co Rilata (1128 m) (đỉnh cao nhất của vườn quốc gia này, nằm ở rìa cực nam của vườn quốc gia).
Vườn quốc gia này là một bộ phận của vùng sinh thái Trường Sơn. Cho đến nay, chủng loại thực vật lớn nhất ở đây là rừng thường xanh ẩm, rậm nhiệt đới trên đá vôi cao 800 m so với mực nước biển. 96,2% diện tích khu vườn quốc gia này được rừng bao phủ; 92,2% là rừng nguyên sinh; 74,7% (110.476 ha) khu vườn quốc gia này là rừng ẩm nhiệt đới thường xanh trên đá vôi có độ cao dưới 800 m; 8,5% (12.600 ha) là rừng ẩm nhiệt đới thường xanh trên đá vôi có độ cao trên 800 m; 8,3% (12.220 ha) là rừng ẩm nhiệt đới trên đất núi đất có cao độ dưới 800 m, 1,3% (1.925 ha) là bụi cây và cỏ và cây rải rác trên đá vôi; 2% (2.950 ha) là cỏ, bụi cây và cây rải rác trên núi đất; 180 ha là rừng tre nứa và mây song; thảm cây nông nghiệp 521 ha.
Ở vườn quốc gia này có một khu vực rừng bách xanh được phân bổ trên đỉnh núi đá vôi có diện tích khoảng trên 5000 ha, có khoảng 2500 cây với mật độ 600 cây/ha. Các cây bách xanh ở vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có tuổi 500-600 năm. Bởi hiện trên thế giới chỉ có 3 loài bách xanh đã được nhận diện. Đây là quần thể bách xanh núi đá (Calocedrus rupestris) lớn nhất Việt Nam. Loài bách xanh này nằm trong nhóm 2A theo quy định tại công văn số 3399/VPCP-NN (ngày 21 tháng 6 năm 2002) đính chính cho nghị định 48 của Chính phủ, thuộc nhóm quý hiếm, hạn chế khai thác.
Phong Nha-Kẻ Bàng là nơi sinh sống của 140 loài thú thuộc 31 họ và 10 bộ, nổi bật nhất là hổ và bò tót, loài bò rừng lớn nhất thế giới, 302 loài chim, trong đó có ít nhất 43 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 19 loài nằm trong Sách đỏ thế giới; 81 loài bò sát lưỡng cư (18 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 6 loài Sách đỏ thế giới); 259 loài Bộ Cánh vẩy; 72 loài cá, trong đó có 4 loài đặc hữu Việt Nam. Năm 1996, ở đây có loài cá mới phát hiện ở Việt Nam. Linh trưởng có 10 loài linh trưởng, chiếm 50% tổng số loài thuộc bộ linh trưởng ở Việt Nam, 7 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là voọc Hà Tĩnh, sao la, mang (thú). Phong Nha-Kẻ Bàng được đánh giá là có hệ tự nhiên đa dạng nhất trong tất cả các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển quốc gia trên thế giới.
Phong Nha-Kẻ Bàng là nơi có cộng đồng linh trưởng phong phú bậc nhất Đông Nam Á. Năm 2002, nhà khoa học Đức Thomas Zegler đã phát hiện ra một loài thằn lằn tai mới có tên là Tripidophrus Nogei tại vùng núi karst thuộc khu vực Chà Nòi. Loài thằn lằn này đã được đăng trên số báo 114 (2) phát hành tháng 7 năm 2007 của tạp chí Revue Suise De Zoologie. Các nhà khoa học đã đặt tên loài này là Thằn lằn Phong Nha-Kẻ Bàng (danh pháp khoa học: Cyrtodactylus phongnhakebangensis). Các nhà khoa học Đức đã xây dựng một khu giới thiệu Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tại Vườn thú Köln để giới thiệu sự đa dạng sinh học của vườn quốc gia này, ở đây cũng phát hiện ra loại rắn mai gầm mới. Qua một thời gian khảo sát, các nhà khoa học Đức, Nga và Việt Nam đã phát hiện thêm 10 loài mới trong vườn quốc gia này, trong đó bao gồm 5 loài rắn, 5 loài tắc kè, thằn lằn, nhiều loài trong số mới phát hiện này là động vật đặc hữu ở đây.
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cũng chứa đựng nhiều di vật khảo cổ. Các bằng chứng về sự sinh sống của con người ở khu vực này là các đầu rìu thuộc Thời kỳ Đồ đá mới và các hiện vật tương tự đã được các nhà khảo cổ Pháp và Việt Nam tìm thấy trong các hang động. Năm 1899, một giáo sĩ truyền đạo người Pháp tên là Léopold Cadière đã khảo sát và nghiên cứu về văn hoá và phong tục, tập quán của người dân vùng thung lũng sông Son. Trong thư viết cho Trường Viễn Đông bác cổ, ông khẳng định: "Những gì còn lại của nó đều rất quý giá đối với sử học. Giữ nó là giúp ích cho khoa học".
Năm 1995, Viện Khảo cổ học Việt Nam nhận định động Phong Nha có dấu hiệu là một di tích khảo cổ học vô cùng quan trọng. Viện này cho rằng có khả năng dấu tích ở hang Bi Ký trong động là một thánh đường Chăm Pa từ thế kỷ IX đến thế kỷ XI. Tại động Phong Nha, người ta đã phát hiện nhiều mảnh thân và miệng các bình gốm có tráng men của Chàm với các mảnh gốm thô sơ có lõi đen, có vòng miệng loe rộng so với thân, tạo một góc gần vuông. Ngoài ra, người ta còn phát hiện ra các mảnh gốm hoa văn miệng hình cánh sen, màu xanh ngọc, màu lông thỏ hồng nhạt.
Trong một bức thư của Tổ chức động thực vật gửi UNESCO ngày 15 tháng 12 năm 2000 ước tính cần 4,5 tấn thuốc nổ cho mỗi km đường. Do đó việc xem xét đánh giá để công nhận là di sản thế giới đối với vườn quốc gia này không tiến triển gì hơn. Tháng 5 năm 2002, Chính phủ Việt Nam cung cấp thêm thông tin cho UNESCO về việc nâng cấp Khu bảo tồn Phong Nha-Kẻ Bàng thành Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng với diện tích rộng hơn hai lần đề cử trước (85.754 ha) kèm theo kế hoạch bảo tồn (quyết định của Chính phủ tháng 12 năm 2001).
Chính phủ đã thay đổi tuyến đường Hồ Chí Minh và UNESCO đã đánh giá tuyến mới không ảnh hưởng đến vườn quốc gia này do tuyến đường được xây với mức độ trách nhiệm đối với môi trường cao, ngoài ra tuyến đường này cung cấp đường tiếp cận khu vực vườn nhưng vẫn cho rằng đường nối đường Hồ Chí Minh và đường 20 đi qua khu lõi vườn quốc gia này là không cần thiết và tác động xấu đến hệ động thực vật ở đây (chặt cây, xe cộ gây xáo trộn cuộc sống sinh vật, tạo điều kiện thuận lợi cho săn bắt động vật và chặt cây). Ủy ban đánh giá cho rằng tiêu vườn quốc gia này được đề nghị theo hai tiêu chí i (lịch sử Trái Đất và nổi bật địa chất) và iv (đa dạng sinh học và các loài bị đe dọa) chưa đạt do chưa có bằng chức thực về địa chất địa mạo được cung cấp trong hồ sơ và khu vực vườn quốc gia này chưa đủ rộng để bảo tồn các loài quý hiếm.
Chính phủ Việt Nam đã bổ sung thông tin về giá trị địa chất địa mạo khu vực vườn quốc gia này. Tại kỳ họp toàn thể lần thứ 27 từ 30 tháng 6 đến 5 tháng 7 năm 2003, đại diện 160 quốc gia thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, cùng với 30 địa danh khác trên toàn thế giới, là di sản thiên nhiên thế giới. Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản thế giới vì đạt tiêu chuẩn viii "là ví dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn của lịch sử Trái Đất, bao gồm bằng chứng sự sống, các tiến triển địa chất đang diễn ra đáng kể đang diễn ra trong quá trình diễn biến của các kiến tạo địa chất hay các đặc điểm địa chất và địa văn".
Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng nếu Việt Nam hoàn thiện hồ sơ thì có nhiều khả năng UNESCO sẽ công nhận Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới lần 2 với hai tiêu chí địa chất địa mạo và đa dạng sinh học, so với một tiêu chí được công nhận năm 2003. Tính đa dạng sinh học của vườn quốc gia này sánh ngang với các khu vực đã được công nhận là di sản hay các khu đề xuất ở châu Á và châu Úc, đặc biệt so sánh với các khu di sản hoặc đang đề xuất có chứa núi đá vôi như khu vực núi Emi và núi Phật Lạc Sơn (Trung Quốc), vườn quốc gia sông ngầm Puerto Princesa ở Palwan của Philippines - một di sản thế giới tại Philippines. Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được các nhà khoa học đánh giá là trung tâm của khu vực miền trung Việt nam. WWF thừa nhận khu vực vườn quốc gia này có tính đa dạng sinh học cao nhất hành tinh.
Một trong những tuyến du lịch mới là đi bằng du thuyền theo dòng sông Chày để ngược vào rừng sâu. Càng đi ngược dòng sông Chày, dòng chảy sông này càng khúc khuỷu, đi qua nhiều thác ghềnh và đến khu vực rừng Trộ Mợng. Tuyến này đã được các đơn vị kinh doanh du lịch khảo sát và đề nghị mở tuyến du lịch sinh thái rừng Phong Nha-Kẻ Bàng để sớm đưa vào phục vụ khách du lịch ngoài tuyến tham quan các hang động Phong Nha và Tiên Sơn. Khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng có thác Chài cao khoảng 50 m, có bãi Ràn Bò... Tên gọi Ràn Bò do đây là nơi bò tót sinh sống và sinh đẻ ở đây.
Trong 3 năm sau khi được UNESCO công nhận, lượng du khách đến tham quan Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã gia tăng đột biến. Sân bay Đồng Hới đã được xây dựng và đưa vào hoạt động từ ngày 18 tháng 5 năm 2008 để đáp ứng nhu cầu khách du lịch, với tuyến bay nối với Sân bay quốc tế Nội Bài ở Hà Nội từ ngày 1 tháng 9 năm 2008 và Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1 tháng 7 năm 2009. Việc Phong Nha-Kẻ Bàng được công nhận là di sản thế giới như là một cách quảng cáo tự nhiên, là một cú hích cho phát triển du lịch, đặc biệt là thu hút du khách quốc tế. Tỉnh Quảng Bình cũng đã cấp phép cho một số dự án du lịch lớn như: khu biệt thự nghỉ dưỡng sông Son, khu nghỉ mát Đá Nhảy, khu nghỉ mát 4 sao Sun Spa... để tăng chất lượng phục vụ khách du lịch. Phong Nha Kẻ Bàng, cùng với các di sản thế giới khác tại miền Trung: Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, cũng là một tuyến điểm quan trọng trong chương trình quốc gia về du lịch mang tên Con đường di sản miền Trung do Tổng cục Du lịch khởi xướng và phát động.
Nhờ lượng du khách tham quan khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng, khoảng 1.000 dân khu vực Xuân Sơn đã sống bằng nghề du lịch (dịch vụ thuyền tham quan, hướng dẫn viên, nhiếp ảnh…). Nhiều người trước đây là lâm tặc nhưng hiện đã chuyển sang bảo vệ rừng trong vườn quốc gia này. Trung tâm Văn hóa Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng hiện có 248 thuyền, tạo việc làm cho 500 cư dân địa phương, với mỗi thuyền bao gồm 2 người được huấn luyện các kỹ năng an toàn và hướng dẫn du khách và có thu nhập khoảng 70.000 đồng mỗi ngày. Trong năm 2000, trung tâm này đã đào tạo cho những người sơn tràng địa phương để họ chuyển đổi nghề nghiệp từ phá rừng sang bảo vệ rừng và cung cấp dịch vụ du lịch.
Kể từ khi trở thành di sản thể giới, lượng khách du lịch đến đây tăng vọt, các hoạt động của lâm tặc, tình trạng săn bắn động vật hoang dã là mối nguy cho vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, trong khi lực lượng kiểm lâm lại khá mỏng. Sự gia tăng du khách tham quan khu vườn quốc gia này cũng gây ra vấn đề cho môi trường ở đây như các rác thải, ô nhiễm nước do hoạt động du lịch, ảnh hưởng của con người lên hang động (nhiều người bẻ các măng đá mang về, khắc chạm linh tinh lên vách động…), nhưng đặc biệt ảnh hưởng nhất là đe dọa đến sự đa dạng sinh học. Nhiều cộng đồng dơi ở trong các hang động cũng bị tác động xấu do sự tham quan của du khách.
Hoạt động xây dựng đường nối đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 20 chạy xuyên qua lõi vườn quốc gia này và cũng gây ra mối đe dọa về môi trường, làm ảnh hưởng đến khu vực sinh sống của nhiều loài động thực vật, hoạt động nổ mìn phá đá làm đường khiến nhiều loài động vật phải di dời khỏi nơi sinh sống, dù Chính phủ Việt Nam đã có quyết định xây dựng đường Hồ Chí Minh chạy theo tuyến đường 15 và 12A, cũ dọc theo ranh giới phía đông của khu vườn quốc gia này chứ không cắt ngang qua khu vườn này để giảm thiểu ảnh hưởng đến hệ động thực vật cũng như địa hình khu vực.
Tình trạng săn bắt ồ ạt thú rừng hoang dã trong vườn quốc gia này để bán cho các quán ăn, nhà hàng địa phương rất nghiêm trọng. Động vật hoang dã ở đây bị săn bắt, mua bán, giết thịt do ý thức của người dân kém, các cơ quan có thẩm quyền địa phương làm ngơ, thậm chí một số cán bộ lãnh đạo thôn xã lại là lái buôn động vật hoang dã, có cán bộ công an địa phương làm chủ một nhà hàng thịt rừng chuyên phục vụ các món ăn từ động vật hoang dã được săn bắt từ Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hiện không còn có ý nghĩa đối với bảo tồn hổ Panthera tigris, voi Elephas maximus và các loài bò hoang dã.
Công tác quy hoạch khu vực phụ cận vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hầu như không được thực hiện bài bản. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng trong khu vực phụ cần này cũng bộc lộ nhiều vấn đề. Điều này dẫn đến việc cấp sổ đỏ tràn lan cho dân địa phương, hàng loạt ngôi nhà và hàng quán được dân xây dựng một cách tự phát, lộn xộn. Các chủ đầu tư đo thị mới và khu du lịch trong khu vực này cũng đăng ký dự án để chiếm đất và không triển khai dự án. Bản quy hoạch tổng thể và chi tiết với diện tích 200 ha do Trung tâm quy hoạch tỉnh Quảng Bình thực hiện và chưa được phê duyệt được nhiều người đánh giá là không có tầm nhìn tương lai. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tuyên bố sẽ thuê tư vấn nước ngoài quy hoạch xây dựng và phát triển du lịch khu vực phụ cận Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Năm 1998, Tổ chức Bảo vệ Động Thực vật Quốc tế (FFI) đã thực hiện dự án đào tạo cho cán bộ quản lý vườn quốc gia này. Ban Phát triển Quốc tế của Anh cũng hỗ trợ vốn cho Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (WWF) để thực hiện dự án bảo tồn song hành vườn quốc gia này và khu bảo tồn Hin Namno. Tổ chức FFI cũng nhận được sự tài trợ từ quỹ môi trường và quỹ các loài tiêu biểu thuộc phòng Môi trường, Bộ Nông thôn và Lương thực Anh quốc để thực hiện dự án nâng cao nhận thức bảo tồn cho học sinh địa phương cũng như du khách.
Trong giai đoạn nắm giữ quyền lực, nhà Trần vẫn đóng đô ở Thăng Long - kinh đô triều cũ, tiếp tục mở rộng và phát triển sự hưng thịnh có từ đời nhà Lý. Về chính sách chính trị, các hoàng đế nhà Trần cũng xây dựng bộ máy nhà nước hoàn thiện hơn so với nhà Lý, họ tạo nên một hệ thống đặc biệt, trong đó các Hoàng đế sẽ sớm nhường ngôi cho Thái tử mà lui về làm Thái thượng hoàng, tuy nhiên vẫn cùng vị Hoàng đế mới điều hành chính sự. Việc này được đánh giá là tích cực, khi ngôi Hoàng đế sớm có chủ, tránh được việc tranh giành ngôi vua như triều đại nhà Lý trước đó; và bản thân vị Hoàng đế sẽ tiếp xúc và làm quen việc cai trị cho đến khi trưởng thành. Các mặt kinh tế, xã hội, giáo dục và nghệ thuật cũng hoàn chỉnh hơn và cho thấy Nho giáo, Đạo giáo đã có ảnh hưởng rõ rệt tới triều đại, tạo ra cục diện Tam giáo đồng nguyên, sự cân bằng ảnh hưởng của Phật giáo - Nho giáo - Đạo giáo. Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông được coi là một danh nhân văn hóa nổi tiếng, người bảo trợ Phật giáo và Đạo giáo, thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nổi tiếng và truyền đến đời nay. Bên cạnh đó, những danh thần Đoàn Nhữ Hài, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hiền, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Trần Quang Triều,...là những cái tên nổi danh về tri thức, thơ văn, góp phần to lớn tạo nên thời kỳ nhà Trần hưng thịnh văn hóa.
Dưới triều Trần, lực lượng quân đội đặc biệt được chú trọng phát triển đủ sức đánh dẹp các cuộc nội loạn và đương đầu với quân đội các nước xung quanh. Lực lượng quân đội nhà Trần thiện chiến nhất là thủy binh, rồi kỵ binh, bộ binh, tượng binh....chính sách chia thực ấp cho các thân tộc trong họ, mỗi thế lực trong dòng tộc đều có quân đội tinh nhuệ là nền tản lớn khiến quân đội nhà Trần tiêu diệt được cuộc xâm phạm của quân đội Nhà Nguyên, Đế quốc Mông Cổ qua 3 lần vào năm 1258, 1285 và 1287. Nhiều tôn thất hoàng gia như Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn Đại vương Trần Nhật Duật, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư đều là những tướng cầm quân tài ba, có vai trò quan trọng trong chiến thắng vào năm 1285 và 1287.
Tổ tiên nhà Trần vốn làm nghề chài lưới, có gốc là người Mân Việt ở tỉnh Phúc Kiến di cư đến đất Đại Việt. Những hậu duệ của nhà Trần là con cháu lai giữa dòng dõi nhà Trần và dòng dõi nhà Lý như trong trường hợp của Trần Lý và Trần Thừa, và con của Trần Thừa là Trần Thái Tông đã trở thành vị vua đầu tiên của nhà Trần. Người họ Trần đầu tiên đến Đại Việt là Trần Kính, đến định cư tại làng Tức Mặc (nay là phường Lộc Vượng, thành phố Nam định) sống bằng nghề đánh cá. Sau ba đời con cháu sống ở Đại Việt, họ Trần trở nên giàu có và hùng mạnh dưới đời Trần Lý, là cháu của Trần Kính. Trần Lý sinh ra Trần Thừa. Vua (Thái Tông Trần Cảnh) là con thứ của Thừa, mẹ họ Lê, sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần, Kiến Gia thứ 8 triều Lý.
Các nhà lãnh đạo thuộc những thế hệ đầu tiên thường mang tên các loài cá, do nguồn gốc xuất thân chài lưới của họ Trần. Tổ họ Trần vốn tên là Chép, được dịch sang tiếng Hán là 鯉, phiên âm là "Lý", nghĩa là cá chép. Con ông là Trần Thừa vốn có tên là Dưa (cá dưa). Hai con trai Trần Thừa vốn có tên là Leo (cá leo), được phiên theo chữ Hán là Liễu (cha của Trần Quốc Tuấn), người con thứ hai có tên là Lành Canh (cá lành canh), phiên sang chữ Cảnh. Trần Thị Dung cũng vốn có tên là Ngừ (cá ngừ), khi làm hoàng hậu của Lý Huệ Tông mới đổi gọi là Dung. Về sau dân địa phương lập đền thờ bà vẫn gọi là "Bà chúa Ngừ".
Năm 1209, khi trong triều có biến loạn, vua Lý Cao Tông phải chạy lên Quy Hoá, Thái tử Lý Sảm (李旵) chạy về Hải Ấp đã được gia đình Trần Lý giúp đỡ. Hoàng tử Sảm đã kết duyên cùng Trần Thị Dung - con gái của Trần Lý. Họ Trần đã tập hợp hương binh giúp nhà Lý dẹp loạn, diệt trừ Quách Bốc, đưa vua Lý trở lại kinh đô. Cậu ruột Trần Thị Dung là Tô Trung Từ được làm Điện tiền chỉ huy sứ. Trung Từ lại đang tâm muốn nắm quyền riêng, lạnh nhạt với người đứng đầu chỉ huy họ Trần lúc bấy giờ là Trần Tự Khánh.
Năm 1223, Trần Tự Khánh chết, mọi việc đều uỷ quyền cho Trần Thủ Độ, em họ Trần Thừa (陳承) và Tự Khánh, khi ấy là Chỉ huy sứ, quản lĩnh cấm quân. Là người cơ mưu, quyết đoán, Trần Thủ Độ đã sắp xếp để vua Huệ Tông nhường ngôi cho công chúa Chiêu Thánh, rồi cắt tóc đi tu ở chùa Chân Giáo. Liền sau đó, Trần Thủ Độ lại thu xếp cho Lý Chiêu Hoàng lên 7 tuổi lấy con trai thứ của Trần Thừa là Trần Cảnh (陳煚) lên 8 tuổi. Một năm sau, vào tháng 12 âm lịch năm 1225, Trần Thủ Độ ép Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng, nhà Trần bắt đầu nắm quyền cai trị.
Đối với anh em trong hoàng tộc, nhà vua luôn coi là thân thiết. Ông xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất, khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình. Vua cùng ăn uống với họ. Hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý nhau. Còn như trong các lễ lớn như triều hạ, tiếp tân, yến tiệc thì phân biệt rõ ngôi thứ, cấp bậc cao thấp. Vì thế, các vương hầu thời ấy không ai là không hòa thuận, kính sợ và cũng không phạm lỗi khinh nhờn, kiêu căng.
Trong nước sau thời kỳ chiến tranh, mất mùa thất bát. Ngay năm Thánh Tông băng hà, trong triều lục đục chuẩn bị tang lễ thì nhân dân ngoài kinh thành lại đói to, 3 thăng gạo giá 1 quan tiền, dân nhiều người bán ruộng đất, và bán con trai con gái làm nô tỳ cho người, mỗi người giá 1 quan tiền. Ngay lập tức, xuống chiếu phát thóc công chẩn cấp dân nghèo và miễn thuế nhân đinh. Năm sau, tiếp tục chết đói, 2 năm này liên tiếp nạn đói hoành hành, Nhân Tông ban chiếu cho nô dịch, nô lệ có thể mua chuộc lại ruộng đất để tăng cường cải thiện tình hình lương thực. Tình hình dần dần cải thiện.
Về lễ phục quan lại, Anh Tông quy định áo mũ, kiệu ngồi cũng rất chặt chẽ, rõ ràng. Năm 1300, quy định quan văn thì đội mũ Đinh tự màu đen, tụng quan thì đội mũ Toàn hoa màu xanh vẫn như quy chế cũ. Ống tay áo của các quan văn võ rộng 9 tấc đến 1 thước 2 tấc, không cho dùng từ 8 tấc trở xuống. Các quan văn võ không được mặc xiêm, tụng quan không được mặc thường (mũ toàn hoa xanh có hai vòng vàng đính vào hai bên). Nhưng đến năm sau, đổi lại thành các quan văn võ đều đội mũ Đinh tự, thêm miếng lụa bọc tóc màu tía xen màu biếc. Các kiểu mũ của vương hầu: người tóc dài đội mũ Triều thiên, người tóc ngắn đội mũ Bao.
Một sự kiện đánh dấu sự mở rộng cương vực Đại Việt là việc Anh Tông gả em gái là Huyền Trân công chúa (玄珍公主) cho Chế Mân (Jaya Sinhavarman III), để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên đến phía bắc Quảng Trị ngày nay). Nhưng cuộc hôn nhân chỉ được 1 năm thì Chế Mân băng hà, Anh Tông lo sợ Huyền Trân ở đấy không hay nên cử Trần Khắc Chung (陳克終) cướp công chúa về, từ đấy người Chiêm Thành oán hận Đại Việt. Năm 1311, chúa Chiêm là Chế Chí (Jaya Sinhavarman IV) đánh trả nhưng bị đại bại. Năm 1318, Chế Năng tiếp tục đem quân đánh phá nhưng vẫn không kết quả.
Minh Tông do sủng ái Anh Tư phu nhân nên muốn lập con của phu nhân là Trần Vượng làm Thái tử, nhưng gặp phải sự phản đối từ cha của Lệ Thánh hoàng hậu (麗聖皇后) là Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn (陳國瑱), một đại thần trụ cột đương thời, con trai của Nhân Tông hoàng đế, người mà Minh Tông phải gọi bằng chú. Khi Anh Tông hấp hối, ông đã giao Quốc Chẩn chăm nom Minh Tông nên có thể nói địa vị của Quốc Chẩn rất là cao. Khi Quốc Chẩn phản đối việc ông lập Trần Vượng làm Thái tử, Minh Tông bèn thôi nhưng rất bực mình. Sau đó, dưới sự xúi giục của Trần Khắc Chung (陳克終), Văn Hiến hầu (文獻侯) là con trai của Trần Nhật Duật, cùng sự ngấm ngầm của Anh Tư phu nhân, Minh Tông đã bắt giam Quốc Chẩn vào một ngôi chùa và khiến Quốc Chẩn thiệt mạng.
Trần Nhật Lễ, con của Cung Tĩnh vương Trần Nguyên Dục (陳元育) được chọn làm người kế thừa đại thống. Nhật Lễ không phải là con của Nguyên Dục mà mẹ Lễ vốn là cô đào, vợ của kép hát Dương Khương (楊姜). Bà múa vở Vương mẫu hiến bàn đào, thân người rất đẹp nên Nguyên Dục si mê, buộc bà phải bỏ Dương Khương mà về làm vợ mình, nhưng lúc đó bà đã mang thai Lễ. Sau khi Nhật Lễ sinh ra, Nguyên Dục tự nhận làm con mình. Đến khi Dụ Tông bệnh nặng, truyền ngôi cho Nhật Lễ để kế thừa. Thật ra, lúc đó triều thần không muốn thế mà muốn lập Cung Định vương Trần Phủ lên thay, nhưng Hiến Từ hoàng thái hậu lại nghĩ đó là cháu mình, khăng khăng lập Nhật Lễ nên quần thần đều nghe theo. Nhật Lễ lên ngôi, tôn Thái hậu làm Thái hoàng thái hậu, Trần Nguyên Trác làm Thượng tướng quốc thái tể. Sau này, Thái hoàng thái hậu biết chuyện của Nhật Lễ, hết sức thất vọng mà muốn phế truất Lễ nên Lễ ra tay trước, cho người ngầm bỏ độc giết chết Thái hậu.
Bị quân Minh truy sát, Giản Định đế chạy vào Nghệ An, viên Đại tri châu châu Hóa là Đặng Tất giết quan nhà Minh, dẫn quân từ Hóa châu ra theo phò, nhà Hậu Trần làm chủ từ Nghệ An vào Thăng Hoa. Năm 1408, quân Hậu Trần tiến quân ra Bắc, đánh bại quân Minh do Chinh Di tướng quân Mộc Thạnh chỉ huy ở trận Bô Cô, bao vây các thành, cơ hội khôi phục nhà Trần, giành lại đất nước trở nên rõ ràng. Nhưng năm 1409, Giản Định đế nghe lời gièm pha, giết 2 tướng trụ cột là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, khiến cho 2 người con của họ là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị kéo quân trở về Nghệ An lập Trần Quý Khoáng lên làm vua, hiệu là Trùng Quang đế. Trùng Quang đế bắt Giản Định đế và tôn làm Thượng hoàng, cả hai cùng nhau đánh quân Minh. Hoàng đế Vĩnh Lạc nhà Minh sai Trương Phụ đem quân tiếp viện cho Mộc Thạnh. Giản Định đế thua trận bị xử tử. Trùng Quang đế núng thế, lui dần về phía Nam và thất bại hoàn toàn trong trận đánh đẫm máu ở Thuận Hóa năm 1414. Trùng Quang đế tự sát. Như vậy nhà Hậu Trần gồm 2 vua, kéo dài được 7 năm (1407-1414).
Theo đánh giá của các sử gia, việc nhà Trần lên thay nhà Lý vào đầu thế kỷ 13 là cần thiết và kịp thời cho sự phục hưng nước Đại Việt bị suy yếu nghiêm trọng cuối thời nhà Lý. Nếu không có sự xuất hiện của nhà Trần, nước Đại Việt sẽ khó tồn tại trong cảnh cát cứ (Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng) bên trong và họa Mông - Nguyên bên ngoài như các nước Đại Lý, Nam Tống láng giềng. Nguyên nhân cơ bản nhất cho những thành công của nhà Trần là chính sách đoàn kết nội bộ của những người lãnh đạo. Dù trong hoàng tộc nhà Trần có những người phản bội theo nhà Nguyên nhưng nước Đại Việt không bị mất, nhờ sự ủng hộ của đông đảo dân chúng.
Còn một nguyên nhân nữa phải kể tới trong thành công của nhà Trần là đội ngũ tướng lĩnh xuất sắc, nòng cốt lại chính là các tướng trong hoàng tộc nhà Trần. Dù xuất thân quyền quý nhưng các hoàng tử, thân tộc nhà Trần, ngoài lòng yêu nước - và bảo vệ quyền lợi dòng tộc - số lớn là những người có thực tài cả văn lẫn võ. Thật hiếm dòng họ cai trị nào có nhiều nhân tài nổi bật và nhiều chiến công như nhà Trần, đặc biệt là thế hệ thứ hai: Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật đều là những tên tuổi lớn trong lịch sử Việt Nam. Đó là chưa kể tới Trần Thủ Độ, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản...
Mông - Nguyên đương thời là đế quốc lớn nhất thế giới. Những nơi người Mông bại trận lúc đó như Ai Cập quá xa xôi, Nhật Bản và Indonesia đều có biển cả ngăn cách và quân Mông cũng không có sở trường đánh thủy quân nên mới bị thua trận. Thế nhưng nước Đại Việt lúc đó nằm liền kề trên đại lục Trung Hoa, chung đường biên giới cả ngàn dặm với người Mông mà người Mông vẫn không đánh chiếm được. Một đế quốc đã nằm trùm cả đại lục Á-Âu mà không lấy nổi một dải đất bé nhỏ ở phía nam. Có so sánh tương quan lực lượng với kẻ địch và vị trí địa lý với những quốc gia làm được điều tương tự mới thấy được sự vĩ đại của chiến công 3 lần đánh đuổi Mông - Nguyên của nhà Trần.
Để tránh "họa ngoại thích", nhà Trần chủ trương chính sách "hôn nhân nội tộc". Chính sự nhà Trần bắt đầu suy từ đời vua Dụ Tông xa hoa hưởng lạc, xa lánh lương thần, tin dùng gian thần. Nhưng đó đơn giản chỉ là sự hưởng thụ như Lý Cao Tông trước đây mà thôi. Tới các đời sau, đặc biệt là Trần Nghệ Tông và Trần Phế Đế (Đế Hiện), có hàng loạt biểu hiện của sự mê muội, u tối của người cầm quyền. Trần Nghệ Tông tin dùng một mình Hồ Quý Ly, nghe lời Quý Ly sát hại hàng loạt con cháu, người thân tộc họ Trần. Nhiều hành động của Nghệ Tông như thể để "dọn đường" cho Quý Ly cướp ngôi nhà Trần sau này. Thời kỳ Nghệ Tông trở về sau, vấn đề chống Chiêm Thành là lớn nhất, vậy mà một Quý Ly luôn chạy dài trước những đợt tấn công của địch, không hề lập được công bao giờ, lại vẫn được tin dùng đến như vậy. Còn Đế Hiện đối với Đỗ Tử Bình, gian thần xảo trá gây ra cái chết của cha mình (Duệ Tông), không những không trừng trị đích đáng mà còn nhiều lần thăng lên làm đại thần cấp cao hơn trước, khi chết (1382) còn được truy tặng gia phong. Những hành động tối tăm, mê muội đó phải chăng là sản phẩm của sự "thoái hóa giống nòi" do "hôn nhân nội tộc" nhiều đời gây ra? Những lần tiếm quyền, thoán ngôi khác trong lịch sử Việt Nam như Dương (Tam Kha) đoạt Ngô, Tiền Lê đoạt Đinh, Trần đoạt Lý, Mạc cướp Lê, Trịnh át Lê đều là "cường thần hiếp chúa". Quan hệ giữa Quý Ly với Nghệ Tông, Tử Bình với Đế Hiện không thể như Trần Thủ Độ với Lý Huệ Tông, Mạc Đăng Dung với Lê Cung Hoàng... Việc dung túng cho cấp dưới, những kẻ trực tiếp đụng chạm tới quyền lợi của dòng tộc mình mà vẫn "không hay biết" như các vua Trần quả là hiếm có.
Các vua Trần thời hậu kỳ, kể cả Minh Tông, đều không biết chiêu mộ nhân tài; lực lượng quan lại đều kém tài. Nếu thế hệ trước thắng Mông-Nguyên khổng lồ một cách oai hùng bao nhiêu thì đời con cháu phải chạy trốn một Chiêm Thành nhỏ bé, từng núp bóng mình trong chiến tranh chống Nguyên Mông xưa kia, một cách thảm hại bấy nhiêu. Tới lúc bị Chiêm Thành xâm lấn, không hề có một gương mặt nào của dòng họ Trần đứng ra chống được giặc mà phải dựa vào một tướng ngoài hoàng tộc (Trần Khát Chân vốn mang họ Lê). Nếu trong tông thất nhà Trần thời kỳ sau có những nhân tài như giai đoạn đầu thì dù Quý Ly có manh tâm cũng không thể tính chuyện cướp ngôi. Nhà Trần trượt dốc từ Trần Dụ Tông, sau sự kiện Dương Nhật Lễ và cái chết của Duệ Tông đã không gượng dậy được nữa. Đó chính là thời cơ cho Hồ Quý Ly làm việc chuyên quyền và chiếm lấy ngôi nhà Trần.
Có thể nói trong các triều đại Việt Nam, Chiêm Thành không lúc nào không quấy phá và cuộc chiến tranh giữa hai nước vẫn thường xuyên xảy ra. Lúc nhà Trần lên ngôi, nước Chiêm Thành vẫn giữ lệ triều cống và giao hòa. Trong đời vua Trần Nhân Tông, sau khi chinh phạt Chiêm Thành, thì giữa Đại Việt và nước Chiêm Thành có sự qua lại tốt đẹp. Đến đời vua Trần Anh Tông, lúc bấy giờ Trần Nhân Tông đã lên làm thái thượng hoàng và trong lúc sang thăm vãn cảnh nước Chiêm và để cho tình giao hảo của hai nước trở nên bền vững hơn, nhà Trần đã gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân vào năm 1306. Chế Mân dâng châu Ô và châu Rí cho Đại Việt. Vua Trần Anh Tông đổi tên là Thuận Châu và Hóa Châu rồi đặt quan cai trị cũng như cho di dân sang ở. Một năm sau, Chế Mân chết. Theo tục lệ Chiêm Thành thì hoàng hậu phải bị hỏa thiêu chết theo. Vua Trần Anh Tông sai tướng Trần Khắc Chung giả tiếng vào thăm rồi tìm kế rước về.
Năm 1370, các hoàng tử con vua Minh Tông lật đổ Dương Nhật Lễ (xem phần "Thời kỳ suy tàn" bên dưới) lập Trần Nghệ Tông. Mẹ Nhật Lễ chạy sang Chiêm Thành xui vua Chiêm đánh Đại Việt. Lúc đó thế lực nhà Trần suy yếu, Chiêm Thành có ý khởi binh đánh đòi lại hai châu đã mất. Đến đời vua Trần Duệ Tông, vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga quấy rối biên giới, vua Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ Hóa Châu. Bồng Nga đem 10 mâm vàng dâng lên. Tử Bình ỉm đi, cướp làm của mình, nối dối là Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên đem quân đánh. Duệ Tông giận lắm, quyết ý thân chinh. Cuối năm 1376, quân Trần xuất phát. Năm 1377, quân Trần chiếm cửa Thị Nại (Quy Nhơn ngày nay) rồi tiến đánh kinh thành là Đồ Bàn. Lúc đó Chế Bồng Nga, một ông vua có tài thao lược, dùng kế dụ quân Trần vào ổ mai phục đánh tan. Vua Trần Duệ Tông bị tử trận, Hồ Quý Ly, Đỗ Tử Bình rút quân bỏ chạy về nước. Thừa thắng xông lên, Chế Bồng Nga nhiều lần mang quân sang đánh phá Đại Việt, Hồ Quý Ly nhiều lần bị bại trận, quân Chiêm ba lần chiếm được kinh thành Thăng Long, vua tôi nhà Trần phải bỏ thành chạy. Quân Chiêm cướp phá kinh thành rồi rút về. Đỗ Tử Bình chỉ bị đồ làm lính 1 năm rồi sau đó lại được nhấc lên địa vị cao hơn.