text
stringlengths
1
25.3k
Thủ đô đói điện vì thiếu lưới truyền tải.
(VietNamNet) - Năm 2010-2011, Thủ đô Hà Nội đứng trước nguy cơ bị đói điện vì không đủ trạm biến áp, đường dây tải điện về.
- Năm 2010-2011, Thủ đô Hà Nội đứng trước nguy cơ bị đói điện vì không đủ trạm biến áp, đường dây tải điện về.
Địa bàn Hà Nội không có các nhà máy điện lớn.
Do đó, lưới truyền tải điện từ các nguồn điện tại các tỉnh thành khác như Hòa Bình, Quảng Ninh, Tuyên Quang đóng vai trò là nguồn cung cấp điện chính cho Hà Nội.
Theo quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội, giai đoạn 2006-2010, Hà Nội cần xây mới 6 trạm 220kV và 26 trạm 110kV, nâng công suất 1 trạm 220kV và 20 trạm 110kV.
Đến năm 2010, công suất truyền tải của các trạm biến áp 220kV cho Hà Nội cần bổ sung là 1.625MVA và các trạm 110kV là 2.159MVA.
Mục tiêu trên cho thấy, lưới điện Hà Nội đến năm 2010 phải tăng thêm 86% công suất trạm 220kV và tăng thêm 82% công suất trạm 110kV.
Thế nhưng, báo cáo Bộ Công thương về hiện trạng cấp điện cho Hà Nội mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, 100% các công trình 220kV trên và 83% lưới 110kV vẫn không được đưa vào vận hành.
Các công trình này đã bị chậm tới 2-5 năm so với tiến độ trong qui hoạch.
Hệ lụy là, toàn bộ hệ thống lưới truyền tải hiện tại của Hà Nội đến nay bị quá tải nặng.
Đây là lý do chính dẫn tới hàng loạt sự cố mất điện liên tục trên địa bàn Hà Nội đúng ngày nắng nóng đỉnh điểm, phụ tải tăng cao đột biến hồi tháng 6/2009.
Hầu hết các công trình lưới truyền tải chủ chốt của Hà Nội đang phải gánh công suất quá lớn như trạm 500kV Thường Tín, ba trạm 200kV là trạm biến áp Chèm, Mai Động, Hà Đông.
Lưới 110kV cũng tương tự.
Hà Nội có 31 trạm 110kV thì 8 trạm đã đầy tải và 15 trạm quá tải.
Nhiều đường dây 220kV, đặc biệt là đường dây từ Thủy điện Hòa Bình về Hà Nội và hầu hết hệ thống đường dây 110kV từ các trạm 220kV tải điện cho nội thành cũng luôn phải vận hành căng thẳng.
Trao đổi với VietNamNet, ông Bùi Duy Dụng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nội cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ vẫn là vướng giải phóng mặt bằng.
Có vô vàn lý do cho sự chậm trễ này.
Ví dụ, các trạm 220kV Tây Hồ, Long Biên, Tây Hà Nội không thể vận hành trước 2010 là do vị trí trạm bị thay đổi, hoặc không thỏa thuận được về vị trí xây trạm.
Các nhánh dây 110kV cấp điện cho trạm 110kV Linh Đàm, Trôi, Văn Quãng cũng không thỏa thuận được tuyến đi.
Các tuyến dây điện phải bám theo các đường giao thông theo quy hoạch của thành phố nên đã phải điều chỉnh tuyến nhiều lần, phụ thuộc tiến độ công trình giao thông.
Trường hợp trạm 220kV có thể vào đúng tiến độ năm 2010 như trạm Vân Trì, Thành Công thì đường dây cấp điện cho trạm này vẫn chưa biết khi nào sẽ vận hành.
Hiện nay, EVN đã đề xuất Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai các cơ chế ưu đãi để tháo gỡ nút thắt về mặt bằng cho các công trình lưới điện Hà Nội.
Cụ thể, Chính phủ cho phép UBND thành phố Hà Nội tạm cấp quyền sử dụng đất thuộc mặt bằng thi công công trình điện, hoặc có thể thỏa thuận với chủ đầu tư về diện tích sử dụng đất cho công trình điện nếu diện tích này chưa có trong quy hoạch sử dụng đất.
Sau đó, mọi thủ tục pháp lý sẽ hoàn thiện sau.
Ngoài ra, EVN cũng đề nghị Chính phủ xem xét bố trí nguồn vốn ưu đãi cho các công trình này.
Nếu như, các vướng mắc trên không sớm được giải quyết thì nỗi lo tái diễn thảm cảnh mất điện giữa những ngày nóng đỉnh điểm như hồi tháng 6/2009 của Hà Nội là chưa dứt.
Hơn nữa, yêu cầu cấp điện tin cậy, ổn định là một nhiệm vụ quan trọng cho đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sắp tới.
Điều chỉnh giá trong hợp đồng.
Trong mua bán quốc tế các hàng hóa mà giá cả biến động mạnh, các bên nên đưa vào hợp đồng điều khoản về điều chỉnh giá.
Nếu không, khi giá thay đổi sẽ rất dễ dẫn đến tranh chấp.
Hợp đồng mua bán thép giữa Cty Pháp (Scafom International BV)- người bán và Cty Hà Lan (Lorraine Tubes S.A.S)- người mua.
Tranh chấp phát sinh khi giá thép trên thị trường tăng 70% khiến hai bên bất đồng về việc điều chỉnh giá trong hợp đồng.
Tranh chấp được giải quyết tại Tòa phá án (Cour de Cassation) của Bỉ, số C.07.0289.N, ngày 19/6/2009.
Hợp đồng được điều chỉnh bởi Công ước Vienna năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) và Bộ Nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế.
Tranh chấp về giá Người mua Hà Lan đã ký một số hợp đồng với người bán Pháp về việc giao ống thép.
Sau đó, giá thép bất ngờ tăng 70%.
Hợp đồng không bao gồm điều khoản điều chỉnh giá.
Người bán cho rằng gặp khó khăn do giá thép tăng và yêu cầu đàm phán lại giá hợp đồng.
Tuy nhiên, người mua không chấp nhận và muốn người bán giao hàng theo giá hợp đồng vì hợp đồng không có điều khoản về điều chỉnh giá.
Phiên tòa đầu tiên thừa nhận rằng sự tăng giá không lường trước được đã dẫn đến một sự mất cân bằng nghiêm trọng và việc tiếp tục thực hiện hợp đồng với giá hợp đồng sẽ làm người bán thiệt hại, trừ khi người bán có quyền đàm phán lại giá.
Công ước Vienna không có quy định cụ thể cách xử lý trong trường hợp khó khăn làm mất cân bằng nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng.
Tuy vậy, Tòa phá án của Bỉ chỉ ra rằng thực tế là điều 79 (1) Công ước Vienna quy định rõ ràng về bất khả kháng như một sự kiện miễn trách không có nghĩa là nó hoàn toàn tuyệt đối loại trừ những khó khăn xác đáng và khả năng đàm phán lại giá như trường hợp đang giải quyết.
Thứ nhất, theo quan điểm của tòa án, một sự thay đổi không lường trước được như trường hợp đang giải quyết có thể tạo thành một sự kiện miễn trách theo điều 79 (1) Công ước Vienna.
Thứ hai, tòa án nhắc lại rằng theo điều 7 (1) và 7 (2) Công ước Vienna, công ước được bổ sung bởi những nguyên tắc chung mà từ đó công ước được hình thành, đồng thời cũng nhấn mạnh đến nguyên tắc thiện chí trong thực hiện hợp đồng.
Tòa án đã quyết định áp dụng Bộ Nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế để bổ sung cho Công ước Vienna.
Theo điều 6.2.2 của Bộ Nguyên tắc này, một bên có thể yêu cầu bên kia đàm phán lại nếu có những sự kiện xảy ra làm thay đổi cơ bản sự cân bằng của hợp đồng (những trường hợp như vậy được gọi là hardship - tạm dịch là hoàn cảnh khó khăn).
Hơn nữa, nguyên tắc thiện chí trong kinh doanh quốc tế cũng yêu cầu các bên phải hợp tác để cùng khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Với những lập luận trên, Tòa phá án Bỉ cho rằng người bán có quyền yêu cầu đàm phán lại giá và bác bỏ khiếu kiện của người mua.
Bài học kinh nghiệm Trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà đối tượng hợp đồng là những mặt hàng có giá cả biến động mạnh với xu hướng khó nắm bắt, hoặc những hợp đồng có thời hạn thực hiện dài, các bên nên có điều khoản về điều chỉnh giá cả để tránh thiệt hại cho người bán và người mua cũng như các tranh tranh chấp có thể xảy ra.
Dù trong hợp đồng không có điều khoản về điều chỉnh giá thì khi giá của hàng hóa biến động quá lớn (trường hợp hardship), các bên nên có thiện chí đàm phán lại giá nhằm xác định lại một mức giá hợp lý, cho phép đảm bảo lợi ích của cả hai bên, giữ được mối quan hệ làm ăn hữu hảo.
Lý thuyết về hardship là một lý thuyết mới trong pháp luật hợp đồng thương mại quốc tế.
Tuy lý thuyết này bắt nguồn từ các nước Common law và chưa được công nhận tại nhiều quốc gia Civil law nhưng thực tiễn giải quyết tranh chấp cho thấy nhiều tòa án và trọng tài đã áp dụng lý thuyết này nhằm xử lý công bằng tranh chấp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên trong hợp đồng mua bán, đặc biệt trong môi trường kinh doanh quốc tế phức tạp như hiện nay.
TS Nguyễn Minh Hằng - Đại học Ngoại thương Hà Nội
Tiếp cận thông tin để tránh sự "im lặng đáng sợ".
(VietNamNet) - Nhắc lại tinh thần phê phán "sự im lặng đáng sợ", nhà báo lão thành Hữu Thọ cho rằng cần sớm có Luật tiếp cận thông tin.
- Nhắc lại tinh thần phê phán sự "im lặng đáng sợ" của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh những năm đầu Đổi mới, nhà báo lão thành Hữu Thọ cho rằng Luật tiếp cận thông tin cần sớm được thực thi trong cuộc sống.
Chiều 17/12, lần đầu tiên, dự thảo luật tiếp cận thông tin được đưa ra lấy ý kiến chính thức của giới báo chí sau bốn lần chỉnh lý.
Cuộc bàn tròn "Vai trò của báo chí với quyền tiếp cận thông tin" do Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin - Truyền thông chủ trì tổ chức với tài trợ của UNDP Việt Nam.
Thông tin nhiều chiều Nhà báo lão thành cách mạng Hữu Thọ nhấn mạnh đến "quá trình thu thập thông tin, xử lý thông tin và công bố thông tin" của báo chí.
"Người làm báo phải có trách nhiệm tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn để thông tin phong phú, đa dạng, nhiều chiều đến độc giả", vì "người làm báo tìm đến thông tin chân thật, thật sự thông tin cho độc giả, chứ không phải thông tin một chiều", ông nói.
Nhắc lại tinh thần phê phán "sự im lặng đáng sợ" của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh những năm đầu Đổi mới (1988), ông Hữu Thọ cho rằng Luật tiếp cận thông tin cần sớm được thực thi để đảm bảo dân chủ phát triển hoàn thiện.
Đọc dự thảo luật đã bốn lần được chỉnh sửa, nhà báo Hữu Thọ nói ông "vừa mừng nhưng vừa chưa yên tâm" vì luật bị trì hoãn, chưa thể sớm đưa vào thực thi.
Ông cho rằng không nên trì hoãn cũng như quá cân nhắc soạn thảo hoàn chỉnh mà nên để luật hoàn thiện, điều chỉnh nhờ chính thực tiễn đời sống của báo chí, xã hội.
Nhà báo còn e "kiếp sau mới có luật" nếu không sớm đưa luật vào cuộc sống.
Không rào cản Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng cho rằng trong thời đại thế giới phẳng, không có rào cản về thông tin.
Luật tiếp cận thông tin ra đời sẽ tạo điều kiện, cùng với Luật báo chí, giúp việc tiếp cận thông tin của báo chí tốt hơn.
Trong khi đó, Tổng biên tập báo Nhà báo và Cộng luận Trần Đức Chính công nhận thông tin không có rào cản nhưng quan trọng là "làm thế nào để hướng công chúng đến với thông tin hữu ích".
Ông Chính cũng đặt câu hỏi liệu khi luật tiếp cận thông tin có hiệu lực, những văn bản quy phạm pháp luật dưới luật trước đó quy định về hoạt động thông tin của báo chí có còn hiệu lực?
Tổng biên tập báo Tiền Phong Đoàn Công Huynh lại lo lắng về tính hiệu quả của dự luật với tư cách là một công cụ, đặc biệt chế tài xử lý vi phạm thực thi quy định của luật.
"Chế tài của luật thể hiện ở điều 28 (xử lý vi phạm) và điều 29 (giám sát).
Xử lý vi phạm gồm một số giải pháp như kỷ luật, xử lý hành chính Việc này như nhà báo Hữu Thọ đề cập như vấn đề nội bộ, cơm chấm cơm nên khó.
Tiếp theo giải pháp truy cứu trách nhiệm hình sự cũng lại là vấn đề khó khăn".
Ông Huynh cũng dẫn cuộc gặp của Thủ tướng với Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa qua có đưa ra vấn đề làm thế nào để luật sư có thể tiếp cận thông tin, tham gia một cách hiệu quả vào quá trình tố tụng hình sự.
Câu trả lời đưa ra là rất khó, có nhiều rào cản.
"Vậy ở đây, ai giỏi hơn luật sư trong việc tự bảo vệ họ.
Ai hỏi hơn luật sư trong việc vận dụng luật mà họ cũng không tiếp cận được thông tin thì chúng ta, nhân dân và các nhà báo, tôi e rằng rất khó", ông Huynh băn khoăn.
Tổng biên tập báo Tiền Phong cho rằng phải làm rõ hơn chế tài xử lý, phải bố sung để quy định sắc nét .
Cấp thông tin "tạo ra và có sẵn" Một trong những điểm còn tranh luận của dự thảo Luật tiếp cận thông tin, đó là thông tin được tiếp cận theo yêu cầu.
Dự thảo do Bộ Tư pháp xây dựng quy định theo hướng cơ quan nhà nước chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình "tạo ra và có sẵn".
Theo bà Nguyễn Kim Thoa, Bộ Tư pháp, việc bổ sung thêm từ "có sẵn" nhằm làm rõ hơn khái niệm thông tin được cung cấp, tránh hiểu lầm là cơ quan nhà nước có thể phải nghiên cứu, xử lý thông tin để cung cấp theo yêu cầu giống như trường hợp trả lời chất vấn, kiến nghị, hỏi đáp về chuyên môn nghiệp vụ... Tuy nhiên, ông Lê Minh Hùng (Hội nhà báo thành phố Đà Nẵng) cho rằng cần phải lưu tâm năng lực xử lý thông tin của cơ quan công quyền.
Lý do là nếu không đánh giá, không khẳng định được tính tác động của thông tin cung cấp trong việc giải quyết vấn đề của xã hội, chi phối xã hội như thế nào thì sẽ khó đánh giá hiệu ứng tác động xã hội.
Chuyên gia về chống tham nhũng của UNDP Việt Nam, ông Jairo Acuna - Alfaro trong một công trình nghiên cứu riêng về báo chí và vấn đề tiếp cận thông tin ở Việt Nam, cho rằng cần thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận thông tin.
Theo đó, cần quy định rõ những loại thông tin các cơ quan nhà nước buộc phải chủ động và định kỳ công khai, có cơ chế rõ ràng và đơn giản về yêu cầu và tiếp nhận thông tin, phát huy lợi ích của việc tiếp cận thông tin và tránh "văn hóa bí mật".
Top 5 bàn thắng đẹp nhất Bundesliga vòng 16.
(24h) - Vòng 16 tiếp tục chứng kiến sự trở lại của hùm xám xứ Bavaria Bayern với chiến thắng tưng bừng 5-1 ngay trên sân của Bochum.
Một trận đấu có thể nói là thăng hoa của thầy trò HLV Van Gaal với rất nhiều bàn thắng đẹp và lối chơi rực lửa của cả 2 bên.
Với bàn thắng nâng tỉ số lên 5-0 của Pranjic, cầu thủ trẻ của Bayern tiếp tục thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của anh ở mùa giải năm nay.
Còn sau đó, Fuchs của Bochum ghi bàn thắng danh dự cho đội nhà bằng pha sút phạt đẳng cấp từ cánh phải, bóng đi vào góc cao khiến thủ thành Butt không thể cản phá.
Cùng với Bayern, chiến thắng 4-0 của Hamburg trên sân của Nurnberg cũng hết sức ấn tượng.
Có thể nói, Hamburg chính là một trong những đội bóng có lối chơi hấp dẫn nhất nước Đức hiện nay mà bằng chứng là có đến 2 bàn thắng của Elia và Torun lọt vào top 5 bàn thắng đẹp nhất tuần.
Thời điểm Thăng Long nghìn năm: Cần nói lại.
Thăng Long - Hà Nội sẽ tròn 1000 năm tuổi vào thời điểm nào, có phải là 10/10/2010 như chúng ta đang hướng tới ngày kỉ niệm?
Chúng ta đều biết vào Mùa Thu năm 1009, sau những biến động Triều chính mà Lý Công Uẩn, một võ tướng trẻ được văn võ bá quan trong Triều suy tôn lên làm Vua.
Chấm dứt triều đại tiền Lê mở ra một thời kỳ mới của nhà nước Đại Việt, ông trở thành vị Vua khai sáng Nhà Lý.
Và ngay lập tức, với "tầm nhìn ngàn năm" Đức Lý Thái Tổ tiến hành Ban "Chiếu dời đô" (Thiên đô chiếu) để lấy ý kiến văn võ bá quan đồng thời cũng khẳng định vị thế mới của Nhà nước Đại Việt.
Đến mùa xuân năm sau tức là vào Mùa Xuân năm 1010 toàn bộ Triều đình nhà Lý từ Hoa Lư ( Ninh Bình hiện nay) theo thuyền xuôi ra biển, rồi từ biển lại ngược sông Hồng đến định đô mới ở thành Đại La.
Khi đoàn xa giá vữa cập bến thì xuất hiện một con Rồng Vàng bay lên trời.
Đức Lý Thái Tổ thấy đó là điềm tốt liền cho đổi tên Đại La thành Thăng Long.
Tính từ đây kinh đô nhà nước Đại Việt vốn từ ở "thế hiểm" chuyển sang ở vào thế "nhìn sông, dựa núi" và "tụ hội bốn phương".