filename
stringlengths
4
100
text
stringlengths
0
254k
hàn quốc.txt
Đại Hàn Dân Quốc (Tiếng Triều Tiên: 대한민국/ 大韓民國/ Daehan Minguk), thường được gọi ngắn gọn là Hàn Quốc (Tiếng Triều Tiên: 한국/ Hanguk), còn được gọi bằng các tên khác là Nam Hàn, Đại Hàn, Nam Triều Tiên hoặc Cộng hòa Triều Tiên, là một quốc gia thuộc Đông Á, nằm ở nửa phía nam của bán đảo Triều Tiên. Phía bắc giáp với Bắc Triều Tiên, phía đông giáp với biển Nhật Bản và phía tây là Hoàng Hải. Thủ đô của Hàn Quốc là Seoul, trung tâm đô thị lớn thứ tư thế giới với số dân hơn 25,6 triệu và là thành phố toàn cầu quan trọng. Hàn Quốc có khí hậu ôn đới và địa hình chủ yếu là đồi núi. Lãnh thổ Hàn Quốc trải rộng 100.032 km vuông. Với dân số 50 triệu người, Hàn Quốc là quốc gia có mật độ dân số cao thứ ba (sau Bangladesh và Đài Loan) trong số các quốc gia có diện tích đáng kể. Những chứng cứ khảo cổ học cho thấy bán đảo Triều Tiên đã có người sinh sống từ Thời đại đồ đá cũ. Lịch sử Triều Tiên bắt đầu khi nước Cổ Triều Tiên thành lập 2333 TCN bởi Đàn Quân. Sau thời kỳ Tam Quốc Triều Tiên, Triều Tiên trải qua triều đại Cao Ly (Goryeo) và triều đại Triều Tiên (Joseon) trong một đất nước thống nhất cho đến cuối Đế quốc Đại Hàn năm 1910, khi đó Triều Tiên bị Nhật Bản sáp nhập. Sau khi được giải phóng và bị chia cắt vào cuốiChiến tranh thế giới thứ hai, quốc gia này trở thành hai nước là Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Hàn Quốc được thành lập năm 1948 như một nền dân chủ. Chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng hiệp định ngừng bắn. Kinh tế Hàn Quốc phát triển vượt bậc và trở thành một nên kinh tế lớn. Hàn Quốc hiện là một nước dân chủ toàn diện và theo chế độ cộng hòa tổng thống bao gồm 16 đơn vị hành chính. Hàn Quốc là một nước phát triển có mức sống cao, có nền kinh tế phát triển theo phân loại của Ngân hàng Thế giới và IMF. Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á và thứ 15 trên thế giới. Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, tập trung vào hàng điện tử, ô tô, tàu biển, máy móc, hóa dầu và rô-bốt. Hàn Quốc là thành viên của Liên hiệp quốc, WTO, OECD và nhóm các nền kinh tế lớn G-20. Hàn Quốc cũng là thành viên sáng lập của APEC và Hội nghị cấp cao Đông Á và là đồng minh không thuộc NATO của Hoa Kỳ. Gần đây, Hàn Quốc đã tạo ra và tăng cường sự phổ biến văn hóa đặc biệt là ở châu Á, còn được gọi là Làn sóng Hàn Quốc. == Tên gọi == Hai tên gọi khác nhau Đại Hàn và Triều Tiên khi dịch sang các ngôn ngữ phương Tây được dịch giống nhau, ví dụ như trong tiếng Anh Đại Hàn và Triều Tiên đều dịch là "Korea", trong tiếng Pháp đều dịch là "Corée", trong tiếng Nga đều dịch là "Корея" (chuyển tự Latin: Koreya). Tên gọi chung chỉ cả Đại Hàn và Triều Tiên trong các ngôn ngữ phương Tây đều bắt nguồn từ tên gọi của vương quốc Cao Ly, quốc gia từng tồn tại trên bán đảo Triều Tiên từ Công nguyên năm 918 đến Công nguyên năm 1392. Thời Cao Ly tên gọi Cao Ly qua các thương nhân Ả-rập đã được truyền bá đến phương Tây. Từ năm 1392, toàn bộ bán đảo nằm dưới sự cai trị của nhà Triều Tiên (Chosun Dynasty). Do đó, cái tên "Triều Tiên" được dùng làm quốc hiệu để chỉ chung toàn bộ dân tộc Triều Tiên sống trên bán đảo Triều Tiên. Sau khi 2 miền Triều Tiên bị chia cắt, lãnh thổ phía bắc tiếp tục kế thừa quốc hiệu trước đó (Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên), trong khi lãnh thổ phía nam tự đặt ra tên gọi mới là "Đại Hàn dân quốc". Từ dân quốc (chữ Hán: 民國) trong Đại Hàn dân quốc (大韓民國) được vay mượn từ Trung Quốc, khi dịch sang các ngôn ngữ phương Tây được dịch giống với cộng hoà quốc (共和國, nước cộng hoà), ví dụ như trong tiếng Anh dân quốc và cộng hoà quốc đều được dịch là "republic", trong tiếng Pháp đều được dịch là "république", trong tiếng Nga đều được dịch là "республика" (chuyển tự Latin: respublika). Trước đây quốc hiệu của Đại Hàn dân quốc được dịch qua các ngôn ngữ phương Tây sang tiếng Việt là "Cộng hoà Triều Tiên". Đại sứ quán Cộng hoà Triều Tiên trong công hàm số KEV-398 ngày 23 tháng 3 năm 1994 gửi Bộ Ngoại giao Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đề nghị phía Việt Nam gọi Cộng hoà Triều Tiên là Đại Hàn dân quốc, gọi tắt là Hàn Quốc (từ "Hàn" ở đây không phải là lạnh, đó là ký âm tự của từ "Han" trong tiếng Hàn Quốc, nghĩa là "lớn") không gọi là Cộng hoà Triều Tiên hoặc Nam Triều Tiên, Triều Tiên là tên gọi của miền bắc (tức Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên). Bộ Ngoại giao Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau đó ra công văn số 733/ĐBA-NG ngày 21 tháng 4 năm 1994 gửi các cơ quan bộ, tổng cục, các cơ quan thông tin, tuyên truyền và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam yêu cầu từ nay gọi Nam Triều Tiên là Đại Hàn dân quốc, gọi tắt là Hàn Quốc, không dùng các tên gọi Cộng hoà Triều Tiên và Nam Triều Tiên nữa. == Lịch sử == Lịch sử Hàn Quốc trước năm 1945 được trình bày trong phần Lịch sử Triều Tiên. (Xin xem thêm bài Danh sách Tổng thống Hàn Quốc.) === Khái quát === Thời Nhật Bản thống trị Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945 chấm dứt cùng với Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 1945, Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền. Liên bang Xô viết chiếm đóng miền bắc cho đến vĩ tuyến 38 và Hoa Kỳ chiếm đóng từ vĩ tuyến 38 về nam. Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết không thể đồng thuận về việc áp dụng Đồng uỷ trị ở Triều Tiên. Vào tháng 11 năm 1947, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã đề ra một giải pháp tiến hành tổng bầu cử tại Triều Tiên dưới sự hỗ trợ của một Ủy ban Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Liên bang Xô viết đã khước từ việc tuân theo giải pháp này và từ chối những ảnh hưởng của Ủy ban Liên Hiệp Quốc đối với nửa phía nam của bán đảo. Hội đồng Liên Hiệp Quốc sau đó đã đưa ra một giải pháp khác kêu gọi bầu cử tại các địa phương với sự giúp đỡ của Ủy ban Liên Hiệp Quốc. Những cuộc bầu cử đầu tiên được tiến hành vào ngày 10 tháng 5 năm 1948, tại những tỉnh nằm ở phía nam vĩ tuyến 38. Vĩ tuyến này đã trở thành đường chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai miền nam và bắc Triều Tiên. Điều này dẫn tới việc thành lập các chính phủ riêng biệt ở miền bắc và miền nam, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ở phía bắc và Đại Hàn Dân Quốc ở phía nam, mỗi bên đều tuyên bố mình là chính phủ hợp pháp của toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên. Căng thẳng tăng lên giữa hai chính phủ ở miền bắc và miền nam cuối cùng dẫn tới Chiến tranh Triều Tiên, khi ngày 25 tháng 6 năm 1950, Quân đội Nhân dân Triều Tiên vượt vĩ tuyến 38, buộc tội miền nam đã vượt qua trước, và tấn công—Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn Đại Hàn Dân Quốc, còn đứng đằng sau Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là Liên Xô và Trung Quốc. Cuộc chiến kéo dài tới ngày 27 tháng 7 năm 1953, khi lực lượng Liên Hiệp Quốc và Quân đội Nhân dân Triều Tiên cùng Chí nguyện quân Trung Quốc ký kết Thoả thuận đình chiến Chiến tranh Triều Tiên. Vùng phi quân sự Triều Tiên phân chia hai nước, và bán đảo Triều Tiên bị chia cắt cho đến ngày nay. Gần 3 triệu người thiệt mạng hoặc bị thương và hàng triệu người khác mất nhà cửa hoặc chia lìa những người thân trong gia đình trong cuộc chiến tranh này. Sau đó Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tiếp tục theo đuổi sự nghiệp thống nhất đất nước trên cơ sở lập luận "một Triều Tiên", không công nhận chính phủ ở miền nam và chọn con đường thống nhất đất nước bằng cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hàn Quốc cũng coi chính phủ của mình là thực thể hợp pháp trên toàn bán đảo Triều Tiên và sự thống nhất là sự mở rộng chủ quyền quốc gia. Những quan điểm cứng nhắc, không nhân nhượng này khiến cho quá trình hòa giải giữa hai bên không thể thực hiện được cho đến tận thập niên 1960. Đến thập niên 1970 quan hệ hai bên dần được cải thiện. Hai bên Triều Tiên công nhận chính phủ của nhau. Năm 1991, cả hai nước được công nhận để chính thức gia nhập Liên hiệp quốc cùng một lúc. Hàn Quốc đã đầu tư kinh tế và là nước chủ yếu viện trợ lương thực giúp Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vượt qua nạn đói thập niên 1990 thông qua chương trình lương thực Thế giới WEP của Liên hiệp quốc. Năm 1948, Lý Thừa Vãn (tiếng Hàn: 이승만 (âm Việt: I Xưng Man), Latin hóa: Syngman Rhee) giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ở khu vực nam bán đảo Triều Tiên và trở thành vị tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Lý Thừa Vãn thực thi một chính sách cai trị độc tài, đàn áp rất thẳng tay những người cánh tả, thậm chí còn sát hại không ít nhân vật bất đồng chính kiến. Đồng thời, bộ máy quản lý đất nước do ông xây dựng lại bị nạn tham nhũng nặng nề, kinh tế đất nước phát triển chậm chạp. Chính vì thế nên năm 1960, Lý Thừa Vãn phải đối mặt với làn sóng bất bình rất lớn của người dân. Ông phải rời bỏ nhiệm sở, lên máy bay chạy sang Honolulu (Mỹ) sống tỵ nạn cho tới cuối đời. Cho tới nay dư luận ở Hàn Quốc vẫn đánh giá về Lý Thừa Vãn rất tiêu cực. Chính phủ kế nhiệm của Chang-Myon (tiếng Hàn: 장면 (âm Việt: Chang Mion); chữ Hán: 張勉, âm Hán Việt: Trương Miễn) bị tướng Park Chung Hee (tiếng Hàn: 박정희 (âm Việt: Pac Choong Hi), âm Hán Việt: Phác Chính Hy) lật đổ cuộc đảo chính ngày 16/5/1961. Năm 1963 Park Chung Hee chính thức trở thành tổng thống. Park Chung Hee trở thành nhà độc tài thứ 2 tại Hàn Quốc. Thông qua hoạt động của “Hiệp hội kêu gọi tái thiết quốc gia”, Park Chung Hee đã giải tán Quốc hội và các đảng phái chính trị đối lập hoạt động, đồng thời thẳng tay đàn áp các phong trào chống đối. Park Chung Hee ban hành các sắc lệnh cấm công nhân mít tinh, biểu tình, diễu hành. Ông còn cài cắm nhân viên thân chính phủ bên trong các tổ chức công đoàn của công nhân để giám sát và kìm hãm phong trào đấu tranh của họ. Quân đội Hàn Quốc được sử dụng như đạo quân lê dương đánh thuê cho Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, và cũng là lực lượng đàn áp trong nước theo mệnh lệnh của Park Chung Hee. Suốt thập niên 60, Park Chung Hee có xu hướng đàn áp thô bạo ngày càng tăng. Năm 1971, Park Chung Hee đã ban bố tình trạng khẩn cấp “dựa trên thực tế nguy hiểm của tình hình quốc tế”. Tới tháng 10/1972, ông lại khởi xướng một cuộc tự đảo chính để giải thể quốc hội và đình chỉ hiến pháp, dọn đường để thông qua bản hiến pháp Duy Tân vào tháng 11 qua cuộc trưng cầu dân ý bị đánh giá là gian lận nặng nề, theo đó chấm dứt bầu cử trực tiếp và chính thức suy tôn Park Chung Hee làm "Tổng thống trọn đời”. Ngày 16/10/1979, tại Trường Đại học Pusan, một nhóm sinh viên đã xuống đường kêu gọi chấm dứt chế độ độc tài. Làn sóng biểu tình nhanh chóng lan rộng, buổi tối hôm đó đã có tới 50.000 người tụ tập ở phía trước của hội trường thành phố Pusan. Trong hai ngày tiếp theo, một số văn phòng công cộng đã bị tấn công và khoảng 400 người biểu tình đã bị bắt giữ. Vào ngày 18/10, chính phủ Park Chung Hee tuyên bố thiết quân luật tại Pusan. Thế nhưng các cuộc biểu tình đã lan tới thành phố Masan, đặc biệt là ở Trường Đại học Tổng hợp Kyungnam. Bạo lực leo thang với các cuộc tấn công vào các đồn cảnh sát và trụ sở các cơ quan của đảng cầm quyền trong thành phố. Khủng hoảng xã hội đã khiến nội bộ lực lượng cầm quyền bị rạn nứt. Ngày 26/10/1979, Park Chung Hee đã bị bắn chết bởi Kim Jae-kyu, đương kim Giám đốc tình báo Hàn Quốc. Sau đó Kim Jae Kyu đã bị tử hình nhưng đến nay một Uỷ ban đặc biệt của chính phủ vẫn phải thảo luận về việc có nên coi Kim Jae Kyu là người có công cho quá trình dân chủ hoá của Hàn Quốc hay không. Thời đại Park Chung Hee kết thúc trong bạo lực và bất ổn xã hội. Một chính phủ tạm thời được thành lập, đất nước bị đặt trong tình trạng thiết quân luật. Bản thân Park Chung Hee chết trong sự phản bội của thân tín. Sự nghiệp chính trị của ông cũng bị hoen ố vì độc tài và ngày nay, nhiều người Hàn Quốc căm ghét Park Chung Hee dù ông có công trong việc xây dựng đất nước. Khi Roh Moo Hyun lên làm Tổng thống năm 2003, chính phủ vẫn phải tiếp tục ban hành các đạo luật mới và thành lập các uỷ ban điều tra về tình trạng bạo lực dưới thời Park Chung Hee. Năm 1980, Chung Doo-hwan (tiếng Hàn: 전두환 (âm Việt: Chon Đu Hoan, chữ Hán: 全斗煥 (âm Hán Việt: Toàn Đẩu Hoán)) được một hội đồng bầu cử bầu lên làm tổng thống. Ngày 18/5/1980 đã xảy ra vụ nổi dậy Gwangju (광주, Gwangju) khi người dân địa phương đánh cướp kho vũ khí của các trạm cảnh sát địa phương để chống lại cảnh sát chính phủ của Chung Doo-hwan sau khi lực lượng này đàn áp một cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên địa phương. Quân đội Hàn Quốc được điều đến và nổ súng bắn chết khoảng 1.000 tới 2.000 thường dân Chung Doo-hwan vẫn nắm vị trí cao nhất trong bộ máy quyền lực ở Hàn Quốc tới năm 1988. Sau này, ông ta bị chính phủ mới kết tội tham nhũng, hối lộ và bị kết án tử hình (sau đó được giảm xuống còn chung thân). Tuy nhiên, cuộc nổi dậy để lại dấu ấn to lớn cho sự ra đời của chính phủ dân sự vào thập niên 1990 với đường lối đối ngoại mềm mỏng hơn rất nhiều. Tới năm 1987 hiến pháp được sửa đổi, theo đó nhân dân Hàn Quốc lại được quyền trực tiếp bầu ra tổng thống. Các tổng thống tiếp theo là tướng Roh Tae-won (tiếng Hàn: 노태우 (âm Việt: Nô The U), âm Hán Việt: Lô Thái Ngu) (1987) và Kim Young-Sam (tiếng Hàn: 김영삼 (âm Việt: Kim Zoong Xam), Hán tự: 金泳三 (âm Hán Việt: Kim Vịnh Tam)) (1992). Vị Tổng thống thứ sáu là Roh Tae-won cũng bị kết án vì tội hối lộ, tham nhũng. Năm 1997, Tổng thống Kim Dae-jung (tiếng Hàn: 김대중 (âm Việt: Kim Đe Chung), Hán tự: 金大中 (âm Hán Việt: Kim Đại Trung)) được trao giải Nobel hoà bình vì những nỗ lực của ông trong việc bình thường hoá quan hệ với CHDCND Triều Tiên. Năm 2003 học trò của ông, Roh Moo-hyun (tiếng Hàn: 노무현 (âm Việt: Nô Mu Hion), Hán tự: 盧武鉉 (âm Hán Việt: Lô Vũ Huyền)) kế nhiệm chức Tổng thống Hàn Quốc. Đến lượt Roh Moo-hyun cũng phải đối mặt với lời buộc tội tham nhũng, và ông này tự sát vào ngày 23/5/2009 bằng cách nhảy xuống từ một mỏm núi khi cuộc điều tra đang tiếp diễn, do vậy nhiều người nghi ngờ vụ tự sát của ông là do sức ép từ các thế lực khác. Tái thống nhất với Bắc Triều Tiên là một chủ đề chính trị đang được bàn luận ở Hàn Quốc hiện nay, nhưng vẫn chưa có hiệp định hoà bình nào được ký kết. Luật an ninh quốc gia Hàn Quốc hiện vẫn không cho phép người dân tiếp nhận bất cứ thông tin nào từ phía Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, những ai tỏ thái độ ủng hộ hoặc phát biểu ca ngợi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên có thể bị kết án tới 7 năm tù. Tổng thống Roh Moo-hyun đã nghĩ tới việc dỡ bỏ luật này, nhưng hiện tại nó vẫn chưa được thực thi. Năm 2000, hai chính phủ đã chính thức gặp gỡ với nhau. Cuộc gặp gỡ này được xem như thắng lợi của chính sách ánh dương trong việc bình thường hoá quan hệ hai miền Triều Tiên. === Nền độc tài và phát triển kinh tế === Sau Chiến tranh Triều Tiên, khi Tướng Park Chung Hee nắm quyền vào năm 1961, kinh tế Hàn Quốc khá nghèo nàn với thu nhập bình quân đầu người ít hơn $100 USD mỗi năm. Trong thời gian đó, kinh tế Hàn Quốc chủ yếu là phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, chủ yếu là từ Mỹ. Để tạo động lực phát triển, Park Chung Hee mang "kỷ luật quân đội" và chính sách độc tài áp dụng trên toàn quốc. Ngay sau khi đảo chính nắm chính quyền vào tháng 7/1961, tướng Park Chung Hee tuyên bố sẽ “dọn rác” làm sạch xã hội. Ông thực hiện hàng ngàn vụ bắt bớ và tuyên bố trước 20.000 sinh viên đại học Seoul: “Toàn dân Hàn Quốc phải thắt lưng buộc bụng trong vòng 5 năm, phải cắn răng làm việc nếu muốn được sống còn. Nếu làm được vậy, rong vòng 10 năm, chúng ta tạo được một nền kinh tế đứng đầu ở Đông Á, và sau 20 năm, chúng ta sẽ trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới... Hôm nay, có thể một số người dân bất đồng ý kiến với tôi, nhưng xin hiểu cho rằng tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Tôi sẽ cương quyết ban hành một chính sách khắc khổ. Tôi sẽ bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra” Việc đầu tiên ông làm là đem tử hình 24 quan chức và doanh nhân vì tội tham nhũng. Mọi người đều phải làm việc hết sức mình, ai làm không chăm sẽ bị phê bình, mắng nhiếc trước mặt mọi người, thậm chí sẽ bị bạt tai làm gương. Một số ngành do quân đội xây dựng, khi người lính làm việc không chăm, cấp trên có quyền trừng phạt bằng đòn roi. Những du học sinh trước khi ra nước ngoài học tập phải cam kết không ở lại nước ngoài mà phải về nước phục vụ dù muốn hay không. Kế hoạch phát triển kinh tế của Park Chung Hee dựa vào xuất khẩu nhờ giá thành thấp. Chi phí sản xuất được cố tình hạ thấp đến mức tối thiểu. Để người lao động có thể sống với mức lương rất thấp, chính quyền đã áp dụng biện pháp giữ giá những sản phẩm nông nghiệp ở mức rất thấp. Cuối thập niên 70, công nghiệp Hàn Quốc đã sản xuất được máy thu hình màu, nhưng chỉ để xuất khẩu, trong nước chỉ dùng TV trắng đen. Những năm 1960-1970, điều kiện sống của những người lao động di cư đến các khu công nghiệp hết sức cực khổ. Quyền của người lao động bị hạn chế tối đa vì từ năm 1962, chính sách toàn quốc thắt lưng buộc bụng được áp dụng từ Tổng thống đến dân chúng. Người dân làm việc nặng nhọc và triền miên, nhưng sống kham khổ. Hàng tuần mỗi người dân đều phải nhịn ăn một bữa, không hút thuốc ngoại nhập, không uống cà phê. Thời gian lao động kéo dài đến 12-14 tiếng mỗi ngày. Điều kiện lao động kém, lương rất thấp. Những phản kháng tự phát của công nhân, nông dân hoặc của dân nghèo thành thị đòi hỏi cải thiện điều kiện sống đều bị chính quyền Park Chung Hee đàn áp không thương tiếc. Như Michael Schuman, một nhà báo nổi tiếng chuyên về kinh tế của tờ Time (Mỹ) về sau nhận định: “Chế độ Park Chung Hee thực hiện quyền kiểm soát nhà nước đối với nền kinh tế tàn bạo vượt xa cả con quỷ Sahashi” Mặt khác, Hàn Quốc đã cử khoảng 320.000 quân nhân sang tham chiến cùng Mỹ trong chiến tranh Việt Nam để đổi lấy những khoản viện trợ của Mỹ. Khoảng 5.000 lính Hàn Quốc đã chết và khoảng 11.000 lính khác bị thương tật trong cuộc chiến này. Đội quân này cũng gây ra một danh sách dài những tội ác chiến tranh, những vụ thảm sát thường dân Việt Nam khi tham chiến. Đổi lại, chính phủ Hoa Kỳ tài trợ mọi khoản chiến phí và trả tiền cho lính Hàn Quốc, tổng cộng khoảng 10 tỷ đôla Mĩ (tương đương 65 tỷ USD theo thời giá 2015). Số tiền được chuyển thẳng cho chính phủ Hàn Quốc dưới hình thức trợ cấp, cho vay, chuyển giao công nghệ và ưu đãi thị trường bởi các tổng thống Johnson và Nixon. Park Chung Hee cho rằng, Hàn Quốc cần phải phát triển kinh tế vững mạnh trước khi có thể có dân chủ: “Người châu Á sợ hãi đói nghèo hơn là sợ độc tài. Các dân tộc châu Á muốn có bình đẳng kinh tế trước rồi sau đó mới xây dựng cơ chế chính trị công bằng hơn… và viên ngọc chẳng có gì rực rỡ được gọi là chế độ dân chủ là vô nghĩa đối với những người đói khát và tuyệt vọng”. Bằng lý lẽ này, Park Chung Hee sử dụng hệ thống cảnh sát mật để theo dõi và dẹp tan mọi hành vi chống lại ông. Tất cả mọi cá nhân có phát ngôn chống Chính phủ, mọi cuộc biểu tình đòi tăng lương đều bị trấn áp thẳng tay. Cho đến nay, không một chính trị gia Hàn Quốc nào tạo được uy quyền bao trùm cũng như khiến nhiều người dân Hàn Quốc sợ hãi như Park Chung Hee. Chế độ độc tài quân sự của Park Chung Hee mang tính chất chuyên chế độc đoán, phản dân chủ mạnh mẽ, nhưng cũng không thể phủ nhận những mặt tích cực của chế độ chính trị này đối với việc định hướng diện mạo nền kinh tế và xã hội Hàn Quốc ngày nay. Bên cạnh các biện pháp chính trị, Park Chung Hee sử dụng các yếu tổ văn hóa Nho giáo để thúc đẩy phát triển đất nước. Vào đầu những năm 1970, Park Chung Hee dự định dẹp bỏ tất cả những gì gọi là truyền thống để nhanh chóng đạt được hiện đại hóa. “Phong trào xây dựng làng mới” đã đập phá nhiều di sản văn hóa, những truyền thống đều bị coi là “cổ hủ”, lạc hậu, cần phải gạt bỏ nhanh chóng để tiến lên hiện đại hóa. Nhưng về tư tưởng, Park Chung Hee nhận thấy ông không thể đưa ra được một học thuyết chính trị mới nào để thay thế Nho giáo mà nhận ra rằng, không thể không sử dụng những yếu tố tích cực của Nho giáo, trong đó, Trung (trung thành) và Hiếu (hiếu thảo) là giá trị quan xuyên suốt nhiều thế kỷ ở Hàn Quốc. Đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận nóng bỏng giữa các học giả Hàn Quốc về tính hữu dụng của truyền thống, của yếu tố tích cực trong Nho giáo mà kết quả cuối cùng là Park Chung Hee đã đi đến quyết định: Giá trị quan của Nho giáo về Trung và Hiếu được ông ra chỉ thị tiếp tục dạy trong nhà trường và truyền bá trong nhân dân. Nhờ những biện pháp cứng rắn về chính trị, khắc khổ về kinh tế cũng như sử dụng yếu tố văn hóa, từ thập niên 1960, kinh tế Hàn Quốc phát triển với tốc độ rất nhanh, đến giữa thập niên 1980 đã trở thành một trong những nước công nghiệp hóa mới (NICs). Năm 2004 GDP của Hàn Quốc là 680 tỉ USD (Đô la Mỹ), đứng thứ 12 trên thế giới. Thành công trong phát triển kinh tế của Hàn Quốc được gọi là "Kỳ tích sông Hán" (một số cách phát âm là "sông Hàn") (한강의 기적). Tuy nhiên, thành công này cũng có mặt trái: Từ 1998 đến 2007, Hàn Quốc đã có những tiến bộ trong tiến trình dân chủ hoá, song đôi khi vẫn trượt theo hướng độc tài. Đã có rất nhiều tổ chức phi chính phủ giả hiệu (pseudo-NGOs) hoạt động theo mệnh lệnh của chính quyền, nhiều nhóm cánh hữu, nhiều tổ chức hiện “vẫn tìm cách bảo vệ những quyền ưu tiên mà họ có được từ thời của chế độ độc tài”. Ở Hàn Quốc, quá trình dân chủ hoá diễn ra trong bối cảnh của tăng trưởng kinh tế nhưng không phải là sự phát triển kinh tế trực tiếp thúc đẩy dân chủ hoá. Các phương thức phát triển kinh tế trở nên phản nhân văn và mang nặng tính bóc lột. Người Hàn Quốc hiện nay phải gánh chịu rất nhiều áp lực trong cuộc sống, nhất là về công việc và học tập. == Địa lý == Hàn Quốc nằm ở phần phía nam bán đảo Triều Tiên thuộc khu vực Đông Á. Địa hình phân hoá thành hai vùng rõ rệt: vùng rừng núi chiếm khoảng 70% diện tích nằm ở phía đông; vùng đồng bằng duyên hải ở phía tây và Nam. Bãi bồi ven biển Saemangeum là bãi nổi ven biển lớn thứ hai thế giới. Thành phố lớn nhất Hàn Quốc là Seoul (Hán Thành), dân số chính thức khoảng trên 10 triệu người, nằm ở phía tây Bắc. Những thành phố lớn khác là Incheon (Nhân Xuyên) ở phía tây Seoul, Daejeon (Đại Điền) ở miền trung, Kwangju (Quang Châu) ở phía tây nam, Daegu (Đại Khâu) và Busan (Phủ San) ở phía đông nam. == Khí hậu == Những cơn mưa nặng hạt tập trung vào một quãng thời gian ngắn ngủi trong mùa hè. Mùa mưa được gọi là Jangma. Vào mùa đông nhiệt độ thường xuyên dưới 0°C và có thể xuống rất thấp. Gió mùa mang không khí lạnh từ Siberi thổi tới. == Đơn vị hành chính == Hàn Quốc bao gồm 1 thủ đô (đặc biệt thị), 8 tỉnh (đạo), 6 thành phố trực thuộc trung ương (quảng vực thị), 1 tỉnh tự trị (đặc biệt tự trị đạo) và 1 thành phố tự trị (đặc biệt tự trị thị). == Chính trị == Người đứng đầu Đại Hàn Dân quốc là Tổng thống do dân trực tiếp bầu ra mỗi năm năm một lần và không được phép tái ứng cử. Tổng thống là đại diện cao nhất của quốc gia và có quyền chỉ huy quân đội (tương đương chức: Tổng Tư lệnh). Thủ tướng do Tổng thống chỉ định và lãnh đạo chính phủ. Chính phủ có tối thiểu 15 và tối đa là 30 thành viên. Thành viên chính phủ do thủ tướng chỉ định. Chức vụ thủ tướng cũng như bộ trưởng phải được sự thông qua của quốc hội. Quốc hội Hàn Quốc chỉ có một viện và được gọi là 국회 (國會, Gukhoe, Quốc hội). Đại biểu quốc hội được bầu mỗi bốn năm một lần. Quốc hội có tất cả 299 đại biểu. Cơ quan quan trọng thứ ba trong hệ thống chính trị Hàn Quốc là Toà án tối cao. Cơ quan này theo dõi hoạt động của chính phủ và ra các phán quyết cuối cùng. Toà án gồm có chín thẩm phán tối cao. Tổng thống trực tiếp chỉ định ba người trong số này, ba người được quốc hội bầu ra, tuy nhiên phải được sự chấp thuận của tổng thống. Chánh án toà án tối cao là người chỉ định ba thẩm phán còn lại. == Dân cư == Trong thành phần dân cư Hàn Quốc thì người Triều Tiên chiếm đại đa số. Dân tộc thiểu số duy nhất là một bộ phận nhỏ người gốc Hoa. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính châu Á năm 1997, Hàn Quốc cùng với Nhật Bản là hai quốc gia sớm khắc phục được khủng hoảng, vì vậy mà một số lượng lớn lao động từ các nước châu Á khác (như Philippines, Ấn Độ) cũng như từ các nước châu Phi đã đổ về đây để tìm kiếm việc làm trong các nhà máy lớn. Một bộ phận không nhỏ người Hoa Kỳ cũng đang sống và làm việc tại Hàn Quốc, họ tập trung tại một khu vực của thành phố Seoul có tên động Itaewon (Lê Thái Viện). Ở đây người ta cũng có thể tìm thấy một khu "làng Liên hiệp quốc" bên cạnh nhiều đại sứ quán và công ty nước ngoài. Ngược lại cũng có rất nhiều người Hàn Quốc sinh sống tại nước ngoài, ví dụ như tại Trung Quốc và nhiều nước vùng Trung Á. Stalin đã đưa hàng ngàn người Triều Tiên tới đó. Trong thời kì bị Nhật đô hộ, một số người cũng đã bị đưa sang Nhật Bản. Sự bất ổn chính trị, xã hội và kinh tế trong nước đã dẫn tới việc nhiều người Hàn Quốc di cư sang Canada và Hoa Kỳ. Từ khi tình hình trong nước trở lại ổn định, một số đã trở về quê hương (mang hai quốc tịch). === Áp lực cuộc sống và nạn tự sát === Xã hội Hàn Quốc hiện đại tạo nên áp lực rất lớn trong cuộc sống, từ học tập, thi cử tới kiếm việc làm, kết hôn... Do các áp lực này, tỷ lệ tự sát tại Hàn Quốc thuộc mức rất cao trên thế giới. Năm 2012, tỷ lệ tự sát tại Hàn Quốc là 28,9 vụ/100.000 dân, cao hơn nhiều so với mức 12,1 vụ của Mỹ, 7,8 vụ của Trung Quốc và cao hơn 2,5 lần so với mức trung bình trên toàn thế giới. Tự sát là nguyên nhân số một trong những ca tử vong của thanh thiếu niên (từ 10 tới 30 tuổi) Hiện nay, ngày càng có nhiều người già Hàn Quốc đang phải sống và qua đời trong cô độc. Những biến động ở Hàn Quốc từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990 khiến nhiều người mất việc, và họ bị tụt lại trong sự cạnh tranh gay gắt trong xã hội. Nhiều người cao tuổi không có tiền tiết kiệm khi về hưu trong khi con cái lại không đủ khả năng chu cấp cho họ. Trợ cấp xã hội dành cho những người ngoài độ tuổi 50 chỉ ở mức tương đối thấp. Chỉ số Hưu trí toàn cầu Mercer Melbourne 2015 xếp hạng Hàn Quốc đứng thứ 24 trong 25 quốc gia có nền kinh tế lớn, chỉ cao hơn Ấn Độ. Năm 2014, chỉ 45% người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 55 đến 79 có lương hưu và chi tiêu trung bình hàng tháng của họ là 431 USD, bằng 82% mức chi phí sinh hoạt tối thiểu cho một người. Khoảng 30% người cao tuổi Hàn Quốc có thu nhập hàng tháng dưới mức nghèo tuyệt đối. Cứ 4 người cao tuổi Hàn Quốc lại có một người mắc chứng trầm cảm, tỷ lệ tự sát của nhóm người cao tuổi cao gấp đôi so với mức trung bình cả nước. Hàn Quốc là nước xếp cao nhất trong các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và liên tục có số vụ tự sát thuộc hàng đầu trong các nước phát triển. Nhà ga tàu điện ngầm ở Seoul dựng hàng rào để ngăn người nhảy xuống lúc tàu đến, và 8 cây cầu trong thành phố đều lắp đặt hệ thống camera nhằm phát hiện người có ý tự sát. Quốc gia này là nơi thường xuyên diễn ra các vụ tự tử của sinh viên, ca sĩ, người mẫu, diễn viên, vận động viên thể thao, người nổi tiếng, trong đó bao gồm vụ tự sát của cựu tổng thống Roh Moo-hyun năm 2009. Trong chưa đầy 4 tháng đầu năm 2011, bốn sinh viên và một giáo sư trường đại học Kaist - ngôi trường danh tiếng Nhất Hàn quốc - lần lượt tự sát. Theo một chuyên gia về tâm thần học tại Đại học Seoul và cũng là thành viên trong Hiệp hội ngăn chặn tự sát ở Hàn Quốc, tự sát tập thể khá phổ biến ở nước này và có xu hướng tăng cao. Tỷ lệ này tăng mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và tiếp tục tăng sau đó. Trong vòng 5 năm trước 2007, tỉ lệ tự sát ở Hàn Quốc tăng gấp đôi. Năm 2011, trước tình hình này, một số người đứng ra tổ chức những khoá học chết thử, với lý do "trải nghiệm cảm giác sắp chết sẽ mang lại ý nghĩa về sự sống cho tất cả mọi người, bất kể họ già hay trẻ". Mục đích của chương trình này là muốn người tham gia "nghĩ về cuộc sống và tận hưởng nó một cách có ý nghĩa hơn" thay vì tìm đến cái chết. == Kinh tế == Hàn Quốc có một nền kinh tế thị trường trong đó nhà nước đóng vai trò quan trọng. Nếu cách đây 50 năm tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc chỉ đứng ngang với các nước nghèo ở châu Phi và châu Á thì hiện nay, tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc xếp thứ 10 trên thế giới. Năm 2005 GDP danh nghĩa của Hàn Quốc ước đạt khoảng 789 tỉ USD, GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) ước đạt khoảng 1.097 tỉ USD. Thu nhập bình quân đầu người tính theo GDP danh nghĩa và theo sức mua tương đương lần lượt là 16.270 USD và 22.620 USD (xếp thứ 33 và 34 thế giới). Năm 2010 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2010 tăng 6,2% cao hơn so với dự kiến sơ bộ đưa ra trước đó là 6,1% Năm 1997, như nhiều nước châu Á khác, Hàn Quốc bị khủng hoảng kinh tế nặng nề. Để tháo gỡ khó khăn, chính phủ Hàn Quốc đã phải chấp nhận vay khẩn cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) 57 tỷ USD với những điều kiện ngặt nghèo, tiến hành cải cách mạnh mẽ, xây dựng nền kinh tế thị trường dân chủ, phá bỏ quyền lực của các tài phiệt, coi trọng các công ty vừa và nhỏ, giảm sự can thiệp của nhà nước, chống câu kết chính trị - kinh doanh, mặt khác, đã áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng", huy động quốc dân quyên góp tiền vàng ủng hộ chính phủ. Kết quả là Hàn Quốc đã thành công trong việc khắc phục khủng hoảng trong thời gian 3 năm (1998-2000), trả xong nợ của IMF. Dự trữ ngoại tệ đã đạt 133 tỷ USD (tháng 7/2003). Từ những năm 1970 nhiều công ty lớn của Hàn Quốc bắt đầu tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới. Trong số đó có thể kể tới Samsung, Hyundai hay GM Daewoo. Việt Nam mới chỉ được làm quen với một vài lĩnh vực của các tập đoàn này. Ví dụ như ở Hàn Quốc Samsung cũng rất năng động trong các lĩnh vực bảo hiểm, chế tạo máy, thương nghiệp và bất động sản. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính châu Á nhiều chi nhánh của các tập đoàn này ở nước ngoài đã bị đóng cửa. Một ví dụ điển hình là Daewoo đã phải bán bộ phận sản xuất xe hơi cho tập đoàn General Motors của Mỹ. Hàn Quốc đã truy tố 100 người, trong đó có một cựu quan chức nhà nước hàng đầu trong vụ tham nhũng trong một vụ bê bối trên xác nhận an toàn giả mạo cho các bộ phận trong lò phản ứng hạt nhân của mình. Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đã phải từng phải ngừng hoạt động một loạt các lò phản ứng hạt nhân do các tài liệu giả mạo vào cuối năm 2012. Ngành công nghiệp hạt nhân của Hàn Quốc đã bị chỉ trích vì giống một nền văn hóa bí ẩn dẫn đến nạn tham nhũng của các quan chức liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận an toàn. Do các nhà máy hạt nhân này sản xuất một phần ba điện của Hàn Quốc nên các quan chức cho biết họ sẽ chỉ kiểm tra và thay thế các bộ phận, chứ không phải là loại bỏ dần chúng. == Văn hóa == === Ngôn ngữ và chữ viết === Ở Hàn Quốc, ngôn ngữ chính thức là tiếng Hàn Quốc (tiếng Triều Tiên). Một số nhà ngôn ngữ học xếp ngôn ngữ này vào hệ ngôn ngữ Altai, một số khác thì cho rằng tiếng Hàn Quốc là một ngôn ngữ biệt lập (language isolate). Kể từ bậc tiểu học, người ta bắt đầu dạy tiếng Anh cho học sinh. Sau này tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật cũng trở thành ngoại ngữ chính. Các ngôn ngữ châu Âu như tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha ít phổ biến hơn. Khác với chữ viết của các nước vùng Đông Á, Hangeul - chữ viết chính của người Hàn Quốc – sử dụng một bảng chữ cái gồm 51 ký tự, 24 ký tự đơn và 27 ký tự kép. Những ký tự này được kết hợp theo âm tiết thành các chữ. Đối với những người không biết thì chữ Triều Tiên cũng phức tạp y như chữ Hán vậy. Nhưng thực ra người học có thể nắm được căn bản của loại chữ viết này chỉ sau 4 đến 5 tiếng đồng hồ. Vì lẽ đó mà chữ Hangeul được gọi là Atsim-Gul (chữ viết buổi sáng – trong một buổi sáng có thể học xong). Hanja, bộ chữ Hán của người Triều Tiên, có ý nghĩa tương tự như chữ La tinh ở các nước châu Âu. Giống như các ngôn ngữ ở Đông Á và Đông Nam Á, rất nhiều từ trong tiếng Hàn Quốc có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên việc loại bỏ đi các thanh âm trong tiếng Hán dẫn đến việc trong tiếng Hàn Quốc có rất nhiều từ đồng âm. Các từ này được phát âm giống nhau nhưng mang ý nghĩa khác nhau và chỉ phân biệt được ý nghĩa dựa vào ngữ cảnh. Vì vậy, để cho rõ nghĩa, trong các văn bản khoa học người ta thường ghi chú thích bằng chữ Hanja ở đằng sau những cụm từ quan trọng. Trên các tấm danh thiếp người ta cũng thường sử dụng chữ Hanja để giải thích ý nghĩa tên của họ. === Văn học === Văn học Hàn Quốc có một số lượng lớn độc giả. Những buổi đọc sách thậm chí được tổ chức tại các sân vận động. Hwang Sok-Yong (1943) là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất xứ Hàn. Ông đã trải qua cuộc chiến tranh Triều Tiên và từng tham chiến tại chiến tranh Việt Nam. Đề tài chính trong các tác phẩm của ông là mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại. === Tôn giáo === Theo số liệu thống kê đến năm 2005 do chính phủ Hàn Quốc cung cấp, có khoảng 46% của công dân cho biết không theo tôn giáo nào. Người theo đạo Cơ đốc chiếm 29,2% dân số (trong số đó là đạo Tin Lành 18,3%, Công giáo 10,9%) và 22,8% là Phật tử. 1% là tín đồ đạo Khổng, 1% còn lại theo các tôn giáo khác. Tại Hàn Quốc có khoảng 45.000 người bản địa theo Hồi giáo (khoảng 0,09% dân số), bổ sung vào con số 100.000 lao động nước ngoài từ các quốc gia Hồi giáo.. Hàn Quốc cũng là quốc gia có dân số theo Công giáo đông ở Châu Á (cùng với Philipines và Timor-Letse) Nhiều người dân Hàn Quốc không đặt nặng vấn đề tôn giáo, họ tổ chức ngày lễ của nhiều tôn giáo khác nhau. Việc pha trộn tôn giáo này vấp phải sự phản đối kịch liệt của hơn 90.000 tín đồ Nhân chứng Giê-hô-va. Những nghi lễ cổ truyền vẫn còn được duy trì. Các giá trị của đạo Khổng hiện nay vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống thường ngày của người dân xứ Hàn. === Ẩm thực === Hàn Quốc nổi tiếng nhất với món kim chi, một món ăn sử dụng quá trình lên men đặc biệt để bảo quản một số loại rau, trong đó phổ biến nhất là bắp cải. Đây là một loại thực phẩm lành mạnh vì nó cung cấp các vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết. Gochujang (một loại nước sốt truyền thống Hàn Quốc làm từ ớt đỏ) rất thông dụng, cũng như tương tiêu (hoặc ớt), là những món điển hình của nền ẩm thực nổi tiếng với vị cay. Bulgogi (thịt nướng tẩm gia vị, thường là thịt bò), galbi (xương sườn cắt khúc tẩm gia vị nướng) và món samgyeopsal (thịt lợn ở phần bụng) đều là những đặc sản từ thịt phổ biến. Cá cũng là một thực phẩm phổ biến, vì nó là loại thịt truyền thống mà người Hàn Quốc hay dùng. Bữa ăn thường đi kèm với súp hoặc món hầm, chẳng hạn như galbitang (xương sườn hầm) và doenjang jjigae (canh súp đậu lên men). Giữa bàn ăn là đủ loại món ăn phụ gọi là banchan. Các món ăn phổ biến khác gồm bibimbap - có nghĩa là "cơm trộn" (cơm trộn với thịt, rau, tương ớt đỏ) và naengmyeon (mì lạnh). Một món ăn nhanh phổ biến ở Hàn Quốc là kimbab, gồm cơm trộn với rau và thịt cuộn trong lớp rong biển. Tuy ngày càng có nhiều thành phần thức ăn được cuộn trong kimbab nhưng cá dù sống hoặc chín vẫn hiếm khi được sử dụng, có lẽ do nguồn gốc kimbap là một món ăn cầm tay hoặc món ăn nhanh có thể gói lại mang đi, trong khi đó cá có thể nhanh chóng hư hỏng nếu không được đông lạnh. Mì ăn liền cũng là một loại thức ăn nhẹ rất phổ biến. Người Hàn Quốc cũng thích dùng các loại thức ăn từ pojangmachas (bán dạo trên đường phố), ở đây người ta có thể mua tteokbokki (bánh gạo và bánh cá với nước sốt gochujang cay), khoai tây chiên mực và khoai lang tẩm. Soondae là loại một xúc xích làm bằng mì sợi trong suốt và huyết lợn cũng được rất nhiều người ưa thích. Ngoài ra, một số món ăn nhẹ phổ biến khác bao gồm chocopie, bánh tôm, bbungtigi (bánh gạo giòn) và "nu lung ji" (cơm cháy nhẹ). Có thể ăn sống nu lung ji hoặc đun với nước để tạo ra một món canh. Nu lung ji cũng có thể được dùng như một món ăn nhanh hay món tráng miệng. === Âm nhạc === ==== K-Pop ==== K-Pop (viết tắt của Korean Pop, Pop Hàn Quốc) là dòng nhạc Pop ở Hàn Quốc, chịu ảnh hưởng của J-Pop (Pop Nhật). Nhờ sự quảng bá mạnh mẽ của truyền thông mà K-Pop đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, thu hút hàng triệu fan cuồng nhiệt không chỉ ở chấu Á mà cả thế giới, trở thành một hiện tượng giải trí toàn cầu. Năm 2012, người Hàn gây sốt trên thế giới với điệu nhảy ngựa trong ca khúc Gangnam Style của ca sĩ PSY, đạt hơn 2 tỷ lượt xem trên Youtube. Cùng với điện ảnh, K-Pop gây nên một cơn sốt đặc biệt với giới trẻ Việt Nam, đi theo đó là một số hệ lụy. Một số nhóm nhạc và ca sĩ hàng đầu K-Pop phải kể đến như: BoA, Bi-Rain, Super Junior, SNSD, Park Jin Young, BIGBANG, TVXQ, Wonder Girls, T-Ara,... ==== Noraebang, karaoke của Hàn Quốc ==== Trong tiếng Triều Tiên không có từ nghĩa tương đương với karaoke. Thay vào đó, họ gọi loại hình giải trí này là norae (노래, tiếng hát). Các quán karaoke (노래방, noraebang) được tìm thấy ở khắp các ngóc ngách. Cả thanh niên lẫn người lớn tuổi đều mê loại hình giải trí này. === Điện ảnh === Kể từ thành công của phim Shiri 1999 ngành công nghiệp điện ảnh ở xứ Hàn có sự thăng tiến không ngừng. Hiện nay Hàn Quốc là một trong số ít những nước mà các sản phẩm của Hollywood không có mấy ảnh hưởng. Điều này thể hiện qua việc tỉ lệ khán giả đến rạp xem phim trong nước cao hơn hẳn so với các tác phẩm điện ảnh nước ngoài. Shiri là một bộ phim của đạo diễn Khương Đế Khuê (Kang Jae Gyu) nói về một nữ điệp viên Bắc Triều Tiên, người có nhiệm vụ tổ chức một vụ khủng bố tại Seoul. Chỉ tính riêng ở Seoul số lượng khán giả đến xem phim đã vượt quá con số 2 triệu, vượt xa các bộ phim khác như Ma trận (The Matrix), Titanic hay Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars). Ngân sách chi cho phim này chỉ khoảng 5 triệu USD, trong khi số tiền thu về chỉ riêng ở Hàn Quốc đã lên tới trên 60 triệu USD. Thành công này được lý giải là nhờ vào chi phí lớn nếu so với các bộ phim khác của Hàn Quốc. Trong năm 2000, tiêu điểm dồn vào phim Vùng an ninh chung (Joint Security Area). Bộ phim kể về sự chia cắt Triều Tiên này thậm chí còn thành công hơn cả Shiri. Bạn (Friend) là bộ phim của năm 2001. Bộ phim hài lãng mạn Cô nàng ngổ ngáo (My Sassy Girl) còn được yêu thích hơn cả Chúa tể của những chiếc nhẫn (The Lord of the Rings) hay Harry Potter. Năm 2004 bộ phim Old Boy giành giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Cannes và được bán cho nhiều nước. Sau khi dự liên hoan phim này, đạo diễn Quentin Tarantino đã phát biểu: "Những bộ phim hấp dẫn nhất thế giới hiện đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc." Những thành công này khiến cho Hollywood phải chú ý. Những phim như Shiri giờ đây được bán ở cả Hoa Kỳ. Miramax đã mua bản quyền phim Vợ tôi là Gangster (My Wife is a Gangster), bộ phim còn trội hơn một số sản phẩm của Hollywood, và hiện đang làm lại bộ phim này để bán trên thị trường Mỹ. Những phim nổi tiếng khác như My Sassy Girl, Old Boy hay A Tale of Two Sisters (Câu chuyện hai chị em) cũng đang nằm trong tầm ngắm của các nhà làm phim người Mỹ. Giống như ở nhiều nước châu Á khác, tại Việt Nam phim Hàn Quốc cũng giành được sự ưu ái đặc biệt. Ngoài những tác phẩm điện ảnh được chiếu ngoài rạp, những bộ phim truyền hình dài tập cũng thu hút một số lượng lớn khán giả. Những cái tên quen thuộc với người xem như Mối tình đầu (1996), Ông Trùm (1998), Trái tim mùa thu (2000), Bản tình ca mùa đông (2002), Giày Thủy Tinh (2002), Đại Trường Kim (Nàng Dae Jang Geum, 2003), Thần y Huh-Joon (2005) hay Truyền thuyết Jumông (2006). Một số ngôi sao điện ảnh nổi tiếng của Hàn Quốc: Bae Yong-jun, Song Hye-kyo, Song Seung-heon, Jang Dong-gun ', Jang Na-ra, So Ji Sub, Kim Ji Ho, Lee Young Ae, Kwon Sang Woo, Choi Ji Woo, Park Chae-rim, Lee Min Ho, Kim Soo Hyun, Ha Ji Won, Goo Hye Sun, Kim Tae Hee,... === Các ngày lễ === == Giáo dục == Hệ thống trường học hiện đại ở Hàn Quốc gồm sáu năm tiểu học, ba năm trung học cơ sở và ba năm trung học phổ thông. Học sinh bắt buộc phải học tiểu học và trung học cơ sở nhưng không phải trả chi phí giáo dục, ngoại trừ một khoản phí nhỏ gọi là "Phí hỗ trợ hoạt động của nhà trường". Khoản phí này khác nhau tùy theo từng trường học. Chương trình đánh giá học sinh quốc tế - do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế thế giới (OECD) khởi xướng và chỉ đạo - hiện đang xếp hạng giáo dục khoa học của Hàn Quốc tốt thứ ba trên thế giới và cao hơn mức trung bình của OECD. Hàn Quốc cũng xếp thứ hai về toán học và văn học, đứng nhất về giải quyết vấn đề. Mặc dù sinh viên Hàn Quốc thường được xếp hạng cao trong các bài kiểm tra so sánh quốc tế, tuy nhiên hệ thống giáo dục đôi khi bị lên án vì tập trung nhấn mạnh vào việc học thụ động và học thuộc lòng. Hệ thống giáo dục của Hàn Quốc khắt khe và rập khuôn hơn hệ thống giáo dục ở hầu hết các nước phương Tây. Ngoài ra, việc thành lập các trường tư độc lập với học phí cao (Hagwon (학원)) bị lên án như là một vấn đề lớn của xã hội. Tuy nhiên, sau khi sinh viên bước vào đại học, tình hình lại đảo ngược đáng kể. Hàn Quốc thường tự hào vì nền công nghiệp giáo dục của mình. Nhưng đất nước này đã đi hơi quá trớn với nó: với 407 trường cao đẳng và đại học, kết quả là sinh viên tốt nghiệp quá nhiều khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Giáo dục đã trở thành một cổng tài chính làm tê liệt nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Việc học thêm và luyện thi đại học gây nợ nần cho các gia đình nhiều hơn 3 phần trăm của tổng sản phẩm trong nước và tất cả chỉ để tạo ra "thanh niên thất nghiệp tuổi 20". Chính phủ đã đưa mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp cao vào danh sách các ưu tiên hàng đầu bằng cách đầu tư vào các công trình công cộng, nhưng chương trình này không quan tâm đến những người được đào tạo trẻ. OECD cũng kêu gọi ngành công nghiệp đóng một vai trò xây dựng hơn trong việc đào tạo trình độ nghề vì việc tập trung vào các trường khiến thiếu hụt trong lĩnh vực lao động thủ công, gây ra một làn sóng công nhân nhập cư có tay nghề thấp. == Khoa học và công nghệ == Một trong những hiện vật nổi tiếng trong lịch sử của Hàn Quốc về khoa học và công nghệ là Cheomseongdae (첨성대, 瞻星臺), một đài quan sát cao 9,4 mét được xây dựng năm 634. Mẫu bản in khắc gỗ Hàn Quốc xưa nhất còn sót lại là Kinh Đại bi tâm Đà la ni Mugujeonggwang. Bản mẫu này được tin rằng đã được in tại Hàn Quốc vào năm 750-751 trước công nguyên, nếu đúng như vậy thì bản in này còn nhiều tuổi hơn Kim cương Kinh. Tơ Cao Ly được người phương Tây đánh giá cao và đồ gốm Hàn Quốc làm bằng gốm men ngọc màu xanh dương-xanh lá có chất lượng cao nhất và các thương gia Ả Rập săn lùng. Cao Ly đã có một nền kinh tế tấp nập với thủ đô thường xuyên được các thương gia từ khắp nơi trên thế giới ghé qua. Trong thời kỳ Joseon những Geobukseon (tàu con rùa) được phát minh, sử dụng sàn gỗ và gai sắt, cùng các vũ khí khác như bigyeokjincheolloe (비격진천뢰, 飛擊震天雷) và hwacha. Bảng chữ cái Hangul của Hàn Quốc cũng được vua Sejong (tiếng Hàn: 세종 (âm Việt: Xê Chôông), âm Hán Việt: Thế Tông) phát minh trong thời gian này. == Thể thao == Hàn Quốc có một nền thể thao tương đối mạnh ở châu Á và trên thế giới. Những môn thể thao mạnh là: Võ - đặc biệt là Taekwondo Bóng đá - từng xếp hạng tư thế giới tại World Cup 2002 Các cầu thủ nổi tiếng: Ahn Jung Hwan (hiện chơi cho Yokohama City FC), Phác Trí Tinh (Park Ji-sung) (Manchester United FC), Lý Toán Thù (Lee Chun Soo), Từ Đảu Lý (Cha Doo Ri), Tôn Hưng Mẫn (Son Heung-Min),.... Bóng chày được du nhập vào Triều Tiên năm 1905 và sau đó trở thành một môn thể thao được nhiều người xem ở Hàn Quốc. Liên đoàn Bóng chày Hàn Quốc được thành lập năm 1982, là liên đoàn thể thao chuyên nghiệp đầu tiên ở Hàn Quốc. Đội tuyển bóng chày Hàn Quốc đoạt giải 3 trong Giải Bóng chày Thế giới 2006, giải nhì trong năm 2009 và huy chương vàng Olimpic Bắc Kinh 2008. Năm 1988, Hàn Quốc đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa hè 1988, quốc gia này được xếp hạng 4, với 12 huy chương vàng, 10 bạc và 11 đồng. và cũng xuất sắc trong các môn như bắn cung, bóng bàn, cầu lông, trượt băng ? (patinaje de velocidad sobre pista corta), bóng ném, hockey trên băng, đấu vật, bóng chày, judo, taekwondo, patin và cử tạ. Hàn Quốc cũng đoạt nhiều huy chương ở Thế vận hội Mùa đông so với các quốc gia châu Á khác. Tại Thế vận hội Mùa đông 2010, các đội tuyển Hàn Quốc giành tổng cộng 14 huy chương (gồm 6 vàng, 6 bạc và 2 đồng) trên tổng số 45 huy chương (23 vàng, 14 đồng và 8 bạc). Hàn Quốc đã đăng cai tổ chức các kỳ Đại hội thể thao châu Á trong các năm 1986 (Seun) và 2002 (Busan) và sẽ đăng cai tổ chức Đại hội này năm 2014 (Inchon). Cũng đã đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Mùa đông châu Á 1999; và sự kiện thể thao liên minh các trường đại học Thế giới Universiada Mùa đông năm 1997 và Mùa hè 2003. Đồng đăng cai tổ chức Giải vô địch bóng đá thế giới 2002 với Nhật Bản, và đội bóng đá của Quốc gia này trở thành đội đầu tiên thuộc Liên đoàn bóng đá châu Á lọt vào vòng bán kết. == Xem thêm == Tên gọi Triều Tiên Lịch sử Triều Tiên Taekwondo Cơ Đốc giáo tại Hàn Quốc Danh sách quốc gia không được công nhận == Chú thích == == Liên kết ngoài == Hàn quốc ngày nay - Đại sứ quán Đại Hàn Dân quốc tại Việt Nam Điện ảnh Hàn Quốc Du học tại Hàn Quốc KBS 월드라디오 베트남어 방송
donald cameron.txt
Donald Cameron là cầu thủ bóng bầu dục quốc tế người Scotland. Ông chơi cho đội Glasgow High School FP RFC. Người anh em của ông Angus Cameron cũng chơi cho đội Scotland. == Tham khảo == Bath, Richard (ed.) The Scotland Rugby Miscellany (Vision Sports Publishing Ltd, 2007 ISBN 1905326246)
dân chủ.txt
Dân chủ là một hình thức nhà nước, trong đó mọi thành viên đều tham gia vào việc ra quyết định về các vấn đề của mình, thường bằng cách bỏ phiếu để bầu người đại diện trong quốc hội hoặc thể chế tương tự. Dân chủ được định nghĩa thêm như "chính quyền của nhân dân, đặc biệt là: sự thống trị của số đông" hoặc "một chính phủ trong đó quyền lực tối cao được trao cho người dân và thực hiện bởi họ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua một hệ thống đại diện thường liên quan đến việc tổ chức định kỳ các cuộc bầu cử tự do". Theo nhà khoa học chính trị Larry Diamond, chế độ dân chủ bao gồm bốn yếu tố chính: Một hệ thống chính trị cho việc lựa chọn và thay thế các chính phủ thông qua bầu cử tự do và công bằng. Sự tham gia tích cực của công dân, trong chính trị và đời sống dân sự. Bảo vệ quyền con người của mọi công dân. Một nguyên tắc của pháp luật, trong đó các luật và thủ tục áp dụng chung cho tất cả các công dân. == Lịch sử == Thuật ngữ này xuất hiện đầu tiên tại Athena, Hy Lạp trong thế kỷ thứ 5 TCN với cụm từ δημοκρατία ([dimokratia] ), "quyền lực của nhân dân" được ghép từ chữ δήμος (dēmos), "nhân dân" và κράτος (kratos), "quyền lực" vào khoảng giữa thế kỷ thứ 5 đến thứ 4 trước Công nguyên để chỉ hệ thống chính trị tồn tại ở một số thành bang Hy Lạp, nổi bật nhất là Anthena sau cuộc nổi dậy của dân chúng vào năm 508 TCN. Tương truyền, hình thức nhà nước này được Quốc vương Theseus - vị vua khai quốc của thành bang Athena - áp dụng lần đầu tiên trong thời kỳ thượng cổ. Chính phủ đó được xem là hệ thống dân chủ đầu tiên. Tại đó, người dân bầu cho mọi việc. Nghĩa "dân chủ" này đã thay đổi qua thời gian, vì từ thế kỷ thứ 18 đã có nhiều chính phủ tự xưng là "dân chủ". Nhiều người không xem hệ thống tại Athena chỉ diễn tả một phần của nền dân chủ vì chỉ có một thiểu số được bầu cử, trong khi nữ giới và dân nô lệ không được phép bầu. Dân chủ có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại. Tuy nhiên các nền văn hóa khác cũng có đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển của dân chủ như Ấn Độ cổ đại, La Mã cổ đại, châu Âu, và Nam Bắc Mỹ. Nghĩa của từ "dân chủ" đã thay đổi nhiều lần từ thời Hy Lạp cổ đến nay. Trong cách sử dụng ngày nay, từ "dân chủ" chỉ đến một chính phủ được dân chọn, không cần biết bằng cách trực tiếp hay gián tiếp. Quyền đi bầu khi xưa bắt đầu từ những nhóm nhỏ (như những người giàu có thuộc một nhóm dân tộc nào đó) qua thời gian đã được mở rộng trong nhiều bộ luật, nhưng vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi liên quan đến các lãnh thổ, khu vực bị tranh chấp có nhiều người nhập cư, và các quốc gia không công nhận các nhóm sắc tộc nào đó. Trong học thuyết chính trị, dân chủ dùng để mô tả cho một số ít hình thức nhà nước và cũng là một loại triết học chính trị. Mặc dù chưa có một định nghĩa thống nhất về 'dân chủ', có hai nguyên tắc mà bất kỳ một định nghĩa dân chủ nào cũng đưa vào. Nguyên tắc thứ nhất là tất cả mọi thành viên của xã hội (công dân) đều có quyền tiếp cận đến quyền lực một cách bình đẳng và thứ hai, tất cả mọi thành viên (công dân) đều được hưởng các quyền tự do được công nhận rộng rãi. Một số người định nghĩa dân chủ là một "chế độ của đa số với một số quyền cho thiểu số". Chủ quyền nhân dân là một triết lý phổ biến nhưng không phải lúc nào cũng là động lực để hình thành một nền dân chủ. Tại một số quốc gia, dân chủ dựa trên nguyên tắc triết học về quyền bình đẳng. Nhiều người sử dụng thuật ngữ "dân chủ" như một cách nói tắt của dân chủ tự do, còn bao gồm thêm một số yếu tố như đa nguyên chính trị, sự bình đẳng trước pháp luật, quyền kiến nghị các viên chức được bầu nếu cảm thấy bất bình, quyền tự do ngôn luận, thủ tục tố tụng, quyền tự do công dân, quyền con người, và những yếu tố của xã hội dân sự độc lập với nhà nước. Tại Hoa Kỳ, tam quyền phân lập thường được xem là đặc tính hỗ trợ cho dân chủ, nhưng ở các quốc gia khác, như Vương quốc Anh, triết lý chi phối lại là chủ quyền tối cao của nghị viện (mặc dù trên thực tế vẫn duy trì sự độc lập tòa án). Trong các trường hợp, "dân chủ" được dùng với nghĩa dân chủ trực tiếp. Mặc dù thuật ngữ "dân chủ" thường được dùng trong bối cảnh chính trị của quốc gia, những nguyên lý này cũng áp dụng cho các tổ chức cá nhân và các nhóm khác. Dân chủ còn có một định nghĩa khác trong lý thuyết hiến pháp, đặc biệt là khi nghiên cứu về công việc của những "Khai quốc công thần Hoa Kỳ". Trong cách dùng này, thì chữ "dân chủ" để riêng chỉ đến "dân chủ trực tiếp", trong khi "dân chủ đại biểu" trong đó dân chúng bầu người thay mặt cai trị theo một hiến pháp thì lại dùng chữ "cộng hòa" (republic). Các danh từ cổ này vẫn còn chút thông dụng trong cách cuộc tranh biện giữa Phe bảo thủ và Đảng Libertarian tại Hoa Kỳ. Dân chủ được gọi là "hình thức nhà nước cuối cùng" và đã lan rộng trên khắp toàn cầu. Những nhà lập hiến nguyên thủy của Hiến pháp Hoa Kỳ được ghi nhận là đã biết điều mà họ cho là sự nguy hiểm của cách cai trị theo đa số là tự do cá nhân có thể bị đàn áp. Ví dụ, James Madison, trong Federalist Papers số 10 đã cổ võ cho nền cộng hòa hơn là nền dân chủ chính là để bảo vệ cá nhân chống lại đa số. Tuy vậy, trong thời điểm đó, các nhà lập hiến đã dựng nên những cơ quan dân chủ và cải cách xã hội quan trọng trong khuôn khổ của hiến pháp và Dự luật Dân quyền (Bill of Rights). Họ giữ lại những yếu tố hay nhất của thể chế dân chủ, sau khi đã sửa sai bằng cách cân bằng quyền lực và với một cơ cấu liên bang nằm lên trên. Theo như cách nói mạnh mẽ và sắc sảo của Thomas Jefferson thì lời hứa của dân chủ là "được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc". Theo cách dùng hiện thời thì chữ "cộng hòa" dùng để chỉ bất cứ một quốc gia nào có một người quốc trưởng được bầu lên làm việc một thời gian có hạn, khác với hầu hết các chính phủ quân chủ cha truyền con nối hiện thời đều là các chính phủ dân biểu và hiến pháp quân chủ nhưng cai trị theo chế độ nghị viện (parliamentarism) do đó là nền dân chủ. Tại một số quốc gia, chế độ dân chủ mang danh nghĩa là nền quân chủ, nhưng trong thực tế được lãnh đạo bởi một Nghị viện được bầu một cách dân chủ. Những nền dân chủ hiện đại bao gồm những định chế sau đây: Hiến pháp để giới hạn các quyền và kiểm soát hoạt động của chính phủ, có thể là hiến pháp thành văn, bất thành văn hoặc hỗn hợp cả hai loại. Bầu các ứng cử viên một cách tự do và công bằng. Quyền bầu cử và ứng cử của người dân. Quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, v.v... Quyền tự do báo chí và quyền truy cập thông tin từ nhiều nguồn. Quyền tự do giao thiệp. Quyền công bằng trước pháp luật và xét xử tuân theo quy tắc của pháp luật. Người dân được thông tin về quyền lợi và trách nhiệm dân sự. Dân chủ xã hội chủ nghĩa hay còn gọi là dân chủ nhân dân là cụm từ mô tả nền dân chủ của các nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Các nước xã hội chủ nghĩa đều tuyên bố mình là nền dân chủ, thậm chí còn gắn từ "dân chủ" vào tên nước như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa Dân chủ Đức, Campuchia Dân chủ, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên... Từ khi hệ tư tưởng Marx - Lenin ra đời và phong trào vô sản nổi lên, tạo nên ý thức hệ đối lập với chủ nghĩa tư bản thì khái niệm dân chủ cũng được chia thành hai thể loại chính, những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội thường gọi hệ thống dân chủ phương Tây là "dân chủ tư sản" (dân chủ thực chất dành riêng cho giai cấp tư sản), đồng thời gọi hệ thống dân chủ của các nước xã hội chủ nghĩa là "dân chủ nhân dân" (dân chủ cho tất cả nhân dân). Ý tưởng ban đầu về nền dân chủ nhân dân là dân chủ trực tiếp trong các cộng đồng dân cư được gọi là Soviet hay công xã. Hệ thống dân chủ nhân dân cuối cùng biến thành các hội đồng nhân dân bao gồm các đại biểu do nhân dân bầu ra tương tự với nền dân chủ đại nghị phương Tây. Những người ủng hộ nền dân chủ phương Tây gọi hệ thống dân chủ của họ là thế giới tự do, gọi các nước xã hội chủ nghĩa là chế độ toàn trị. Mỗi bên có quan niệm khác nhau về chủ đề này. Những người ủng hộ dân chủ phương Tây thường nhấn mạnh vào khía cạnh đầu phiếu phổ thông, các quyền tự do chính trị, tự do dân sự. Phía xã hội chủ nghĩa lại nhấn mạnh vào khía cạnh làm chủ giá trị thặng dư, tư liệu sản xuất, phân phối của cải xã hội công bằng và phúc lợi xã hội. Có quan điểm cho rằng trên nguyên tắc, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa có một số đặc điểm sau: Nhà nước do nhân dân lập ra thông qua cơ chế phổ thông đầu phiếu và kín Mọi cơ quan quyền lực Nhà nước đều do nhân dân ủy quyền Mọi hoạt động của Nhà nước vì lợi ích của nhân dân Mọi hoạt động của Nhà nước phải được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của nhân dân Nhân dân có quyền bày tỏ sự tín nhiệm với các cơ quan Nhà nước. Theo phía những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản như những người tự do hay bảo thủ, dân chủ đi kèm với đa nguyên chính trị và đa đảng - mặc dù cơ chế không bộc lộ đầy đủ giá trị dân chủ. Những người dân tộc chủ nghĩa (kể cả một số ủng hộ chủ nghĩa tư bản) và chủ nghĩa phát xít thường khước từ cơ chế này. Trong khi đó những người xét lại chủ nghĩa Marx (dân chủ xã hội) chấp thuận một nền "dân chủ tư sản" trong khi vẫn tự cho mình đấu tranh quyền lợi công nhân. Ngược lại những người cộng sản chính thống ủng hộ cho chế độ một đảng cộng sản, sự nhất nguyên chính trị và thực hành nền "dân chủ xã hội chủ nghĩa" trước khi xã hội chuyển sang xã hội cộng sản được Marx miêu tả "sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người". Những người ủng hộ tôn giáo hay thần quyền thường khước từ dân chủ nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, nhận thức của họ cũng thay đổi và chấp thuận một nền dân chủ gắn với tôn giáo. Hiện nay các quốc gia có nền dân chủ vẫn luôn ước mong và vận động, kêu gọi các quốc gia chưa có nền dân chủ hãy nên mạnh dạn cải cách chính trị theo hướng dân chủ hóa để tạo điều kiện thiết lập một nền dân chủ thật sự. Sự lan truyền của tư tưởng dân chủ từ các nước phương Tây sang các nước khác thành một làn sóng dân chủ. Làn sóng dân chủ đã trở thành một trào lưu chính trị có ảnh hưởng trên thế giới. Tuy nhiên, sự tồn tại của nền dân chủ phụ thuộc vào những yếu tố nội tại của một quốc gia chứ không thể áp đặt từ bên ngoài. Nó là kết quả của một quá trình tiến hóa xã hội lâu dài dựa trên sự phát triển của nhân tính và lý tính thông qua quá trình khai sáng kéo dài nhiều thế hệ. Nhiều phong trào dân chủ trên thế giới được phương Tây ủng hộ không thiết lập nổi một nền dân chủ lành mạnh mà chỉ dẫn tới hỗn loạn và nội chiến do các phe phái chính trị không thể hợp tác với nhau để duy trì nền dân chủ mà đấu tranh với nhau để giành quyền lực với sự hỗ trợ của ngoại bang còn dân chúng bị lôi cuốn vào cuộc xung đột đó. Không phải cộng đồng nào cũng có tính cách, văn hóa và nhận thức phù hợp với nền dân chủ. Việc cố gắng mô phỏng một hình thức nhà nước mà không hiểu rõ triết lý, ưu nhược điểm và những điều kiện tồn tại của nó chỉ dẫn xã hội đến hỗn loạn. Sự bất mãn của dân chúng chỉ dẫn xã hội đến hỗn loạn, góp phần làm cho một nhà nước sụp đổ chứ không bao giờ đem đến một nền dân chủ. Chỉ có sự trưởng thành của họ mới tạo ra nền dân chủ. == Vấn đề cơ bản == === Bầu cử === Dân chủ có nghĩa là một hệ thống chính phủ được thành lập và mang tính chính danh thông qua bầu cử. Tuy nhiên, không phải ai cũng được ứng cử trong các cuộc bầu cử; chỉ có những người tham gia mới được lựa chọn để ứng cử. Thêm vào đó, không phải ai cũng được đi bầu. Hầu hết các nước dân chủ chỉ cho phép những người dân đủ tuổi (thường là 18) bầu. Một số quốc gia không cho một số người khác bầu (chẳng hạn như người phạm tội). Vài hệ thống bầu cử, như các hình thức đại diện tỷ lệ, muốn nhắm chắc được là tất cả các nhóm chính trị kể cả nhóm thiểu số của các đảng nhỏ đều được có mặt "đồng đều" trong các cơ quan lập pháp, theo tỷ lệ số phiếu trong tay; thay vì theo hình thức đại diện đa số tức là theo tỷ số của toàn bộ cử tri mà họ chiếm được trong một vùng nào đó. Cái mâu thuẫn của tỷ lệ với đại diện không phải chỉ là một vấn đề lý thuyết, vì thực ra cả hai hình thức rất thông dụng trên thế giới, mỗi hình thức dựng nên một loại chính phủ khác biệt. Một điểm chính hay được tranh biện là vấn đề có một người trực tiếp thay mặt cho cử tri địa phương, hay là để cho lá phiếu của mỗi người đều giống nhau, bất kể người đó đang sống tại nơi nào trong quốc gia. Vài quốc gia như Đức và Tân Tây Lan muốn có cả đại diện từng vùng lẫn đại diện tỷ lệ, cả hai hiện diện song song mà không lấn át nhau. Hệ thống này thường được gọi là Mixed Member Proportional tạm dịch là Phân thân Tỷ lệ. Việc bầu cử, tự nó, không phải là một điều kiện đủ cho nền dân chủ tồn tại. Nhiều chế độ độc đoán hay độc tài thường tổ chức bầu cử để giả mạo một chế độ dân chủ. Tuy nhiên, trong các cuộc bầu cử, họ đã đặt ra nhiều hạn chế như hạn chế người đủ tiêu chuẩn ra ứng cử, hạn chế quyền hạn của những đại biểu, hay những chính sách họ có thể lựa chọn, bầu cử không tự do và công bằng (đe dọa những người bầu cho một ứng cử viên nào đó), giả mạo kết quả... Một số ví dụ trong lịch sử của những nền "dân chủ" này là Iraq dưới quyền Saddam Hussein, Philippines thời Ferdinand Marcos. Những nhà độc tài cũng có thể lợi dụng nền dân chủ để nắm chính quyền sau đó thủ tiêu luôn nền dân chủ. Một khó khăn đang thấy trong các nền dân chủ là phí tổn ngày càng cao của các mùa tranh cử, khiến cho ứng cử viên phải dựa vào sự tài trợ của người giàu. Sau khi đắc cử họ phải làm luật theo hướng có lợi cho những người đã tài trợ cho họ. Một vấn đề khác của nền dân chủ là đám đông không phải lúc nào cũng sáng suốt, đủ trưởng thành về mặt chính trị để bầu ra những lãnh đạo tốt. Những cuộc bầu cử luôn bị chi phối bởi các hoạt động tuyên truyền chính trị. Phe phái nào tuyên truyền có hiệu quả hơn có thể chiếm được nhiều cử tri hơn do đó sẽ đắc cử. === Văn hóa dân chủ === Tại các quốc gia không có truyền thống dân chủ vững chắc, chỉ riêng tự do bầu cử thì hiếm khi chuyển đổi được chế độ độc tài thành dân chủ, mà còn cần phải có sự thay đổi lớn trong văn hóa chính trị, tập quán sinh hoạt chính trị và tạo dựng được những định chế của một nhà nước dân chủ. Nếu không tạo lập được những yếu tố vừa kể thì một cuộc cách mạng nhân danh dân chủ chỉ dẫn tới hỗn loạn, nội chiến và thanh trừng lẫn nhau chứ không bao giờ thiết lập nổi một nền dân chủ. Ta thấy như trong trường hợp Cách mạng Pháp hay Uganda hay Iran ngày nay, đều là chỉ đạt được dân chủ giới hạn một thời gian, cho đến khi xuất hiện những thay đổi lớn thì mới có được nền dân chủ trong đó nhân quyền và dân quyền được nhà nước tôn trọng, các phe phái có thể đối thoại với nhau và chấp nhận giành quyền lực thông qua bầu cử. Một yếu tố của nền nếp dân chủ là ý niệm "đối lập tốt, đối lập trung thành". Tại những quốc gia có tập quán thay đổi chính quyền bằng bạo lực, thì điều này hẳn nhiên rất khó. Danh từ này ý nói là mọi phe trong một quốc gia dân chủ đều một lòng chấp nhận một số giá trị căn bản. Tuy vẫn có bất đồng ý kiến, các phe tương tranh đều chấp nhận sự tồn tại của nhau, chấp nhận sự khác biệt và chấp nhận mỗi phe đều có vai trò chính đáng, quan trọng trong nền chính trị. Những quy tắc căn bản của xã hội phải khuyến khích việc tranh cãi trong tinh thần chấp nhận khác biệt, lịch sự và tôn trọng lẫn nhau. Trong những xã hội đó, người thua chấp nhận quyết xét của lá phiếu chung sau khi bầu cử, và trao chuyển quyền lực trong hòa bình. Người thua như vậy sẽ được yên lòng là sẽ không mất mạng hay mất tự do, và có thể tiếp tục tham dự hoạt động chính trị. Họ không phải trung thành với những chính sách của chính phủ, mà là với căn bản hợp pháp của quốc gia và chính với tiến trình dân chủ. Một quyền cơ bản để tạo nên nền dân chủ là mọi cá nhân có quyền tự do hội họp, tự do tổ chức và thành lập các hội dưới nhiều dạng khác nhau của tổ chức phi chính phủ. Khi những người có cùng lợi ích tập hợp nhau lại, khi đó tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe và cơ hội để gây ảnh hưởng đối với các cuộc tranh luận về chính trị sẽ được tăng lên. Như Alexis de Tocqueville, nhà nghiên cứu chính trị nổi tiếng thế kỷ 19 đã viết: "Không có một đất nước nào mà sự đòi hỏi cấp thiết phải có các hiệp hội để chống lại sự chuyên chế bè cánh và sự độc đoán lãnh đạo như một đất nước được xây dựng theo kiểu dân chủ". === Vai trò của đảng phái === Les Marshall, chuyên gia nghiên cứu về dân chủ cho các quốc gia vốn chưa có dân chủ, ghi nhận rằng "trên toàn cầu, ngoài chính thể dân chủ đa đảng, không còn cách nào khác cho các quốc gia này có thể tạo dựng dân chủ cả". Trong nền dân chủ, các đại biểu dân chủ thường là thành viên các phe phái chính trị. Điều này có thể khiến cho các đại biểu phải tuân theo đường hướng của đảng, thay vì đi theo ý muốn của cử tri hoặc chính lương tâm của họ. == Các luận điểm về nền dân chủ == === Đa số chuyên chế === Người ta sợ rằng cai trị bằng đa số có thể đưa đến nạn "đa số chuyên chế", dù có được ủy quyền bởi số lớn từ mọi tầng lớp hay không. Đó là cái nạn xảy ra khi một hệ thống dân chủ có thể trao quyền cho đại biểu dân cử để họ thay mặt hành động theo ý kiến của đa số, chống lại một thiểu số nào đó. Trên lý thuyết thì một chế độ dân chủ có thể bầu lên những đại biểu và họ quyết định bắt tội một nhóm thiểu số (tôn giáo, chính trị, v.v.) nào đó, bằng cách trực hay gián tiếp. Điều này rõ ràng có thể phá hỏng nguyện vọng dân chủ, là muốn trao quyền cho tất cả mọi công dân. Chẳng hạn như tại Pháp, có người cho rằng việc cấm biểu dương các dấu hiệu tôn giáo trong trường công là xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng của người dân; còn tại Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, chế độ quân dịch bị chỉ trích là áp bức một thiểu số bị mất quyền, là các người 18 đến 21 tuổi. Adolf Hitler đã đạt được nhiều nhất tổng số phiếu của các phe thiểu số trong nền dân chủ Cộng hòa Weimar năm 1933. Điều này đáng bàn đến vì Hitler đã chẳng bao giờ chiếm được đa số phiếu, cho nên trường hợp này có thể gọi là chuyên chế của một thiểu số. Sau khi hủy bỏ hệ thống dân chủ, thì Hitler liền bắt đầu đàn áp những đảng phái chính trị khác. Tuy nhiên cũng có những quan điểm khác về vấn đề đa số chuyên chế như có quan điểm cho rằng đã có hiến pháp bảo vệ phía sau chống lại nạn chuyên chế của đa số. Nói chung, muốn thay đổi hiến pháp cần phải có đa số tuyệt đối toàn đại biểu, hoặc cần thẩm phán và thẩm phán đoàn nhận là các tiêu chuẩn thủ tục và bằng cớ đã được thoả thuận, hoặc, trường hợp hiếm là cần một cuộc trưng cầu dân ý. Những điều kiện này thường được kết hợp với nhau. Ngoài ra, cơ chế phân quyền thành lập pháp, hành pháp và tư pháp làm thiểu số khó có thể làm theo ý riêng. Như vậy, đa số vẫn có thể bắt buộc thiểu số một cách hợp pháp (tuy có thể là phi đạo), nhưng thiểu số đó phải là ít người lắm, và trên thực tế thì phải có một số đông người đồng ý điều đó. Một lý luận nữa là các nhóm, đa số hay thiểu số, tùy theo vấn đề, thường rất là những nhóm khác nhau; như vậy phe đa số phải cẩn thận cân nhắc ý kiến của thiểu số, đề phòng trường hợp tối hậu trở thành thiểu số. Tuy có những bất trắc, cai trị theo đa số vẫn tốt hơn các chính thể khác, và đa số chuyên chế dù sao thì cũng là khá hơn là thiểu số chuyên chế. === Ổn định chính trị === Vì hệ thống dân chủ cho phép công chúng có quyền thay thế giới cầm quyền mà không cần thay đổi căn bản luật pháp của chính thể, nó làm cho công dân tin rằng họ có thể bất đồng với chính sách hiện thời, nhưng sẽ luôn có cơ hội thay đổi giới cầm quyền, hoặc thay đổi chính sách. Điều này có thể giảm bớt những bất trắc và bất an chính trị hơn là thay đổi chính trị bằng bạo động. Phe đề xướng dân chủ cho rằng bằng chứng theo thống kê rõ ràng chứng tỏ là càng nhiều dân chủ thì càng ít bạo động nội bộ và diệt chủng (democide). Điều này thường được gọi là Luật Rummel, rằng người dân càng ít tự do dân chủ thì càng dễ bị giới cai trị giết chết. === Nạn nghèo đói === Những nước có Tổng sản phẩm quốc nội trên mỗi đầu người và chỉ số phát triển nhân sinh (human development index) càng cao, và chỉ số nghèo càng thấp thì thường có nền dân chủ. Kinh tế gia nổi tiếng Amartya Sen ghi nhận là chưa có một chế độ dân chủ thực sự đã từng bị nạn đói lớn, kể cả những nước dân chủ vốn không giàu có suốt lịch sử, như Ấn Độ. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý dân chủ thúc đẩy sự giàu có. Có người cho là hầu hết chứng cứ lại đưa đến kết luận là chính nhờ tư bản (đo bằng Chỉ số Tự do Kinh tế chẳng hạn) đã tạo ra nhiều phát triển kinh tế làm dân giàu có hơn đưa đến dân chủ hóa. === Chiến tranh === Lý thuyết dân chủ hoà bình cho rằng chứng cớ thực tế cho thấy là hầu như không bao giờ có chiến tranh giữa các nước dân chủ. Một công trình nghiên cứu vế những chiến tranh từ 1816 đến 1991—định nghĩa chiến tranh là khi nào có quân lính đánh nhau làm cho hơn 1000 người chết trận, và định nghĩa dân chủ là khi hơn 2/3 đàn ông có quyền bầu cử. Nghiên cứu này tìm ra 198 cuộc chiến tranh giữa các nước không dân chủ, 155 giữa các nước dân chủ đánh với các nước không dân chủ, và không có chiến tranh nào giữa những nước dân chủ với nhau. == Dân chủ tại Việt Nam == Theo quan điểm từ phía chính quyền và Đảng cầm quyền thì cho rằng Việt Nam có dân chủ, theo điều 4 Hiến pháp 1992, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của xã hội. Người dân Việt Nam bầu ra Quốc hội là những người đại diện cho dân để họ bầu ra chủ tịch nước và chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến khác cho rằng ở Việt Nam không có dân chủ và bị Economist Intelligence Unit (EIU) xếp vào nhóm chính thể chuyên chế cùng với Trung Quốc và Miến Điện. Trong nhiều năm, bộ ngoại giao Mỹ cũng xếp Việt Nam vào nhóm nước "chưa có dân chủ, hạn chế tự do báo chí, tôn giáo". == Thư mục == == Xem thêm == == Chú thích == == Liên kết ngoài == ==== Tiếng Anh ==== Dân chủ tại DMOZ Center for Democratic Network Governance Democracy at the Stanford Encyclopedia of Philosophy Is Democracy the BEST form of governance? at TooStep Dictionary of the History of Ideas: Democracy Ethical Democracy Journal The Economist Intelligence Unit’s index of democracy Alexis de Tocqueville, Democracy in America Full hypertext with critical essays on America in 1831-32 from American Studies at the University of Virginia Democracy Watch (Canada) – Leading democracy monitoring organization Ewbank, N. The Nature of Athenian Democracy, Clio History Journal, 2009. Democracy News Critique Erik von Kuehnelt-Leddihn, Liberty or Equality J.K. Baltzersen, Churchill on Democracy Revisited, (24 tháng 1 năm 2005) GegenStandpunkt: The Democratic State: Critique of Bourgeois Sovereignty Does Democracy End Tyranny? Please Don't Vote ==== Tiếng Việt ==== Cẩm nang Dân chủ, democracy-handbook.org Nga cảnh báo chiêu bài dân chủ của thế lực bên ngoài
la villa de don fadrique.txt
La Villa de Don Fadrique là một đô thị trong tỉnh Toledo, Castile-La Mancha, Tây Ban Nha. Dân số 4.214 người, diện tích 83 km². Mật độ 49/km², vào năm 2001. Kinh tế dựa trên nông nghiệp và đồ gỗ. == =Tham khảo == == Liên kết ngoài = == La Villa de Don Fadrique, La Villa de Don Fadrique Municipal Government Site. La Villa de Don Fadrique in Google Maps General election results (2004) in La Villa de Don Fadrique 39°37′B 3°12′T
hệ ngôn ngữ altai.txt
Hệ ngôn ngữ Altai là một tổng hợp bao gồm hơn 65 ngôn ngữ tập trung tại Trung Á. Các nhà ngôn ngữ học chia hệ này ra làm 3 nhóm chính: Nhóm Mongolic, Nhóm Turkic và Nhóm Tungusic. Các tiếng điển hình cho hệ ngôn ngữ này là tiếng Mông Cổ, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ... Một số nhà ngôn ngữ học đã đề nghị đặt thêm tiếng Triều Tiên và nhóm tiếng Nhật vào trong hệ này. Trong khi đó, một số khác cho rằng hệ này phải được chia ra làm 3 hệ khác nhau. Sự xếp đặt các tiếng Nhật, tiếng Triều Tiên, tiếng Ainu... vào trong hệ này vẫn còn tạo ra nhiều tranh luận giữa các nhà ngôn ngữ học. == Sơ đồ của Hệ ngôn ngữ Altai == Hệ ngôn ngữ Altai: Nhóm Mongolic (hay Mông Cổ) Nhánh phía Đông: tập trung tại Mông Cổ và miền bắc và tây bắc Trung Quốc, điển hình là tiếng Mông Cổ. Nhóm Turkic (hay Đột Quyết): nói bởi các dân tộc Turk Nhánh Bulgar (tại Đông Âu hồi xưa): các tiếng Bulgar này đã mai một, không còn nữa Nhánh phía Bắc: tập trung tại Siberia Nhánh phía Đông: tập trung tại Trung Á Nhánh phía Tây Nam: điển hình là tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Azerbaijan Nhóm Tungusic (hay Thông Cổ Tư): nới bởi các dân tộc Tungus Nhánh phía Bắc tập trung tại Siberia: tiếng Ainu, tiếng Ngạc Luân Xuân, tiếng Ngạc Ôn Khác và một số ngôn ngữ khác. Nhánh phía Nam: tiếng Mãn, tiếng Tích Bá, tiếng Hách Triết... Nhóm Koreanic (hay Triều Tiên): nói bởi các dân tộc Triều Tiên Nhóm Japonic (hay Nhật Bản): nói bởi các dân tộc Nhật Bản Nhánh phía Bắc tập trung tại Sakhalin và Hokkaido: tiếng Ainu Nhánh trung tâm tập trung tại Honshu, Shikoku và Kyushu: điển hình là tiếng Nhật Nhánh phía Nam tập trung tại quần đảo Ryukyu và Okinawa: chủ yếu nói tiếng Ryukyu và tiếng Okinawa == Tham khảo ==
chủ tịch hạ viện hoa kỳ.txt
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ (tiếng Anh: Speaker of the United States House of Representatives, hay Speaker of the House) là viên chức chủ tọa của Hạ viện Hoa Kỳ. Chức vụ này được thành lập vào năm 1789 theo Điều khoản I, Đoạn 2, Hiến pháp Hoa Kỳ mà trong đó một phần có nói "Hạ viện sẽ chọn chủ tịch và các viên chức khác của mình". Đương kim chủ tịch là Paul Ryan (trước đó từng là Lãnh tụ thiểu số tại Hạ viện Hoa Kỳ) được bầu khi Quốc hội Hoa Kỳ lần thứ 112 khai mạc vào ngày 5 tháng 1 năm 2011. Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ là người đứng thứ hai trong thứ tự kế nhiệm Tổng thống Hoa Kỳ, đứng sau Phó Tổng thống Hoa Kỳ và đứng trước Chủ tịch Thượng viện Tạm quyền Hoa Kỳ. Không giống như một số nghị viện thuộc Hệ thống Westminster (theo hệ thống Vương quốc Anh), Chủ tịch Hạ viện là một chức vụ lãnh đạo trong đảng đa số và làm việc tích cực để ấn định chương trình nghị sự lập pháp của đảng, vì thế chức vụ này có quyền lực đáng kể. Chủ tịch Hạ viện thường thường không trực tiếp làm chủ tọa đối với các buổi tranh luận mà thay vào đó giao phó nhiệm vụ này cho những thành viên khác cùng chung đảng của mình trong Quốc hội Hoa Kỳ. Ngoài các nhiệm vụ liên quan đến việc lãnh đạo Hạ viện và đảng chính trị đa số, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ cũng thực thi các chức năng quản lý, chức năng thủ tục và đại diện khu quốc hội của mình. == Bầu cử == Hạ viện Hoa Kỳ sẽ bầu chủ tịch hạ viện vào ngày đầu tiên của mỗi tân Quốc hội Hoa Kỳ. Mỗi đảng đề cử 1 ứng cử viên và bất cứ ai nhận được một đa số phiếu đơn giản thì sẽ trở thành chủ tịch hạ viện. Tân chủ tịch hạ viện sẽ được một thành viên phục vụ thâm niên nhất (dân biểu này được tái đắc cử nhiều nhiệm kỳ nên làm việc liên tục và lâu nhất trong Hạ viện) của hạ viện làm lễ tuyên thệ. Hiến pháp Hoa Kỳ không có bắt buộc chủ tịch hạ viện phải là thành viên hiện tại của Hạ viện Hoa Kỳ; tuy nhiên, mọi vị chủ tịch được bầu từ xưa đến nay đều cũng là một dân biểu đắc cử. Thường thường có một mức độ đồng thuận nào đó bên trong giới lãnh đạo đảng trong vấn đề ai đáng là ứng cử viên cho chức vụ chủ tịch hạ viện. Người nào sẽ được bầu làm Chủ tịch đã trở thành điều hiển nhiên trong vòng từ hai đến ba tuần trước khi có cuộc bầu cử tại Hạ viện để chọn chủ tịch. Trong thực tế hiện nay, Chủ tịch sẽ được chọn bởi đảng đa số và từ nhóm các nhà lãnh đạo cao cấp của đảng đa số (nhưng chỉ khi nào chức vụ này sắp bị bỏ trống hay khi đảng đa số bị đổi sang 1 đảng khác). Các chủ tịch hạ viện trước đây, có người từng là lãnh đạo thiểu số (khi đảng đa số đổi sang 1 đảng khác và người này lúc đó đang là lãnh tụ đảng của mình tại Hạ viện thì vị lãnh tụ thiểu số như thế thường thường sẽ được đảng của mình đề cử ra tranh chức chủ tịch hạ viện), có người từng là lãnh tụ đa số (ngay khi chủ tịch hạ viện hiện tại của đảng đa số ra đi), có người là viên chức đặc trách kỷ luật của đảng (tiếng Anh gọi là whip, ví dụ trường hợp của ông Newt Gingrich là một whip của Đảng Cộng hòa khi trở thành chủ tịch hạ viện vào năm 1995). Cũng có một vài trường hợp ngoại lệ vượt ra khỏi hệ thống phân cấp thông thường. Năm 1997, một số lãnh tụ quốc hội của đảng Cộng hòa tìm cách buộc Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich từ chức; tuy nhiên Newt Gingrich từ chối vì điều này bắt buộc một cuộc bầu cử chủ tịch hạ viện mới phải được tiến hành, dẫn đến khả dĩ là các đảng viên Dân chủ cùng với một số đảng viên Cộng hòa bất mãn sẽ bầu cho đảng viên Dân chủ là Dick Gephardt làm chủ tịch hạ viện (khi đó ông là Lãnh tụ Thiểu số tại Hạ viện Hoa Kỳ). Sau bầu cử giữa kỳ năm 1998, khi Newt Gingrich (Cộng hòa) thôi chức chủ tịch vì đảng Cộng hòa mất đi vị thế đảng đa số thì lãnh tụ đa số Richard Armey (Dân chủ) và viên chức đặc trách kỷ luật của đảng đa số là Tom DeLay (Dân chủ) đã chọn không ra ứng cử cho chức vụ chủ tịch. Điều này cho phép chủ tịch ủy ban hạ viện đặc trách chi tiêu của chính phủ là Bob Livingston (Dân chủ) trở thành chủ tịch hạ viện tân cử, nhưng chẳng bao lâu sau đó lại rút lui. Sau cùng thì viên chức phó đặc trách kỷ luật đảng là Dennis Hastert (Dân chủ) được bầu làm chủ tịch hạ viện. Thông thường các thành viên Hạ viện Hoa Kỳ sẽ bầu cho ứng viên thuộc đảng của mình. Nếu họ không làm thế thì họ sẽ bầu cho một người khác cũng trong đảng của mình. Những ai bầu cho ứng viên thuộc đảng chính trị khác, thường thường phải đối mặt những hậu quả trầm trọng, tùy theo và có thể bao gồm việc mất tình trạng thâm niên hay vị thế cao cấp của mình trong đảng. Trường hợp lớn gần đây nhất mà trong đó có một dân biểu đã bỏ phiếu cho ứng viên đảng khác là vào năm 2000 khi dân biểu Dân chủ Jim Traficant từ tiểu bang Ohio đã bỏ phiếu cho ứng viên Cộng hòa Dennis Hastert. Để phản ứng lại việc này, các đảng viên Dân chủ đã hủy bỏ tình trạng thâm niên và vị thế cao cấp của ông trong đảng. Kết cục là ông mất hết các chức vụ trong các ủy ban hạ viện. Dân biểu Cộng hòa John Boehner từ tiểu bang Ohio, trước đó từng là Lãnh tụ thiểu số Hạ viện, trở thành Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ vào đầu tháng 1 năm 2011. == Lịch sử == Chủ tịch hạ viện đầu tiên là Frederick Muhlenberg, được bầu khi là một đảng viên thuộc Đảng Liên bang cho bốn khóa Quốc hội Hoa Kỳ đầu tiên. Chức vụ chủ tịch hạ viện có được quyền lực lần đầu tiên là dưới thời của Henry Clay (1811–1814, 1815–1820, và 1823–1825). Đối ngược với những vị tiền nhiệm của ông, Clay đã tham dự vào một số cuộc tranh luận, và sử dụng ảnh hưởng của mình để đạt được mục đích thông qua các luật lệ mà ông ủng hộ - chẳng hạn như việc tuyên chiến trong Chiến tranh 1812, và vô số luật khác có liên quan đến "Hệ thống Mỹ" của Clay. Hơn thế nữa, khi không có ứng cử viên nào nhận được đa số phiếu đại cử tri đoàn trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1824, khiến cho việc chọn Tổng thống Hoa Kỳ phải được Hạ viện Hoa Kỳ quyết định. Chủ tịch Hạ viện Clay đưa sự ủng hộ của mình dành cho John Quincy Adams thay vì Andrew Jackson và vì thế John Quincy Adams chiến thắng. Sau khi Clay về hưu năm 1825, quyền lực của chủ tịch hạ viện một lần nữa lại bắt đầu suy vong; tuy nhiên vào cùng lúc đó, các cuộc bầu cử chủ tịch hạ viện lại trở nên ngày càng gay go căng thẳng. Khi Nội chiến Hoa Kỳ sắp đến gần thì một số các phần tử bên trong các đảng chính trị tự đề cử ra ứng cử viên của mình, khiến cho rất khó cho một ứng cử viên nào đạt được một đa số phiếu. Năm 1855 và lần nữa vào năm 1859, chẳng hạn, cuộc đua tranh chức chủ tịch hạ viện kéo dài đến 2 tháng trước khi hạ viện đạt được một kết quả. Các chủ tịch hạ viện có chiều hướng ngồi ở chức vị này rất ngắn hạn; Ví dụ từ năm 1839 đến năm 1863 có đến 11 chủ tịch hạ viện, chỉ có một người phục vụ hơn 1 nhiệm kỳ. Về cuối thế kỷ 19, chức vụ chủ tịch hạ viện bắt đầu phát triển thành một chức vụ đầy quyền lực. Một trong số những nguồn lực quan trọng nhất để tạo nên quyền lực của chủ tịch hạ viện là chức vụ chủ tịch Ủy ban Luật pháp Hạ viện Hoa Kỳ (United States House Committee on Rules) mà sau khi có cuộc tái tổ chức hệ thống ủy ban vào năm 1880 đã trở thành một ủy ban thường trực đầy quyền lực nhất của Hạ viện Hoa Kỳ. Hơn thế, một số các chủ tịch hạ viện đã trở thành những khuôn mặt lãnh đạo trong các đảng chính trị của mình; các ví dụ gồm có các đảng viên Dân chủ Samuel J. Randall, John Griffin Carlisle, và Charles F. Crisp, hay đảng viên Cộng hòa James G. Blaine, Thomas Brackett Reed, và Joseph Gurney Cannon. Quyền lực của chủ tịch hạ viện được nâng lên tầm cao dưới thời của đảng viên Cộng hòa Thomas Brackett Reed (1889–1891, 1895–1899) làm chủ tịch hạ viện. "Sa hoàng Reed", biệt danh mà các đối thủ của ông đã dùng để gọi ông, đã tìm cách chấm dứt sự ngăn cản thông qua các đạo luật mà đảng thiểu số thường tiến hành bằng chiến thuật không bỏ phiếu mặc dù có mặt tại phòng họp hạ viện. Bằng cách từ chối bỏ phiếu như thế, đảng thiểu số có thể tin chắc rằng số phiếu biểu quyết cần thiết không đạt được thì kết quả biểu quyết sẽ trở thành bất hợp lệ và vì vậy 1 đạo luật sẽ không thể trở thành luật. Tuy nhiên, Reed tuyên bố rằng các thành viên hạ viện có mặt tại phòng họp hạ viện nhưng từ chối bỏ phiếu sẽ vẫn được tính phiếu vì mục đích đạt được con số phiếu cần thiết. Bằng cách này và những lệnh khác, Reed muốn bảo đảm rằng các đảng viên Dân chủ không thể ngăn cản chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa. Vị thế chủ tịch hạ viện lên đến đỉnh điểm trong nhiệm kỳ của đảng viên Cộng hòa Joseph Gurney Cannon (1903–1911). Cannon đã thực hiện sự kiểm soát khác thường đối với tiến trình lập pháp; ông định đoạt chương trình nghị sự của Hạ viện Hoa Kỳ, bổ nhiệm thành viên cho tất cả các ủy ban hạ viện, chọn ra các chủ tịch ủy ban hạ viện, lãnh đạo ủy ban luật pháp hạ viện, và định đoạt ủy ban hạ viện nào sẽ được xem xét mỗi đạo luật. Ông sử dụng quyền lực của mình một cách mạnh mẽ để đoan chắc rằng các đề nghị của đảng Cộng hòa được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua. Tuy nhiên vào năm 1910, các đảng viên Dân chủ và một số đảng viên Cộng hòa bất mãn đã cùng hợp sức với nhau tước lấy rất nhiều quyền lực của ông trong đó có bao gồm khả năng nêu tên các thành viên ủy ban và chức chủ tịch Ủy ban Pháp luật Hạ viện Hoa Kỳ. 15 năm sau, Chủ tịch Hạ viện Nicholas Longworth đã phục hồi lại được rất nhiều quyền lực đã mất nhưng không phải là tất cả những quyền lực đã bị mất từ chức vụ này. Một trong số những chủ tịch hạ viện có ảnh hưởng nhất là đảng viên Dân chủ Sam Rayburn. Rayburn là chủ tịch hạ viện phục vụ lâu nhất trong lịch sử, giữ chức vụ này từ năm 1940 đến 1947, 1949 đến 1953, và từ 1955 đến 1961. Ông giúp tạo hình cho nhiều đạo luật, làm việc thầm lặng trong hậu trường cùng với các ủy ban hạ viện. Ông cũng giúp thông qua một số luật nội địa và các chương trình viện trợ ngoại quốc mà các tổng thống Franklin D. Roosevelt và Harry Truman chủ trương. Người kế nhiệm Rayburn, đảng viên Dân chủ John William McCormack (phục vụ từ 1962–1971), là một chủ tịch hạ viện ít có ảnh hưởng hơn, đặc biệt là vì có sự không hài lòng của các thành viên trẻ hơn trong đảng Dân chủ. Trong giữa thập niên 1970, quyền lực của chủ tịch hạ viện một lần nữa lại phát triển dưới thời của đảng viên Dân chủ Carl Albert làm chủ tịch. Ủy ban Luật pháp Hạ viện Hoa Kỳ không còn là một ủy ban bán độc lập như đã từng như vậy trước đó kể từ cuộc cải tổ năm 1910; thay vào đó, một lần nữa chức vụ này lại trở thành một thứ vũ khí của giới lãnh đạo đảng. Hơn nữa, vào năm 1975, chủ tịch hạ viện được phép bổ nhiệm đa số thành viên cho Ủy ban Pháp luật Hạ viện Hoa Kỳ. Trong khi đó quyền lực của các vị chủ tịch ủy ban bị tước bỏ làm tăng thêm sức ảnh hưởng to lớn của chủ tịch hạ viện. Người kế nhiệm Albert là đảng viên Dân chủ Tip O'Neill, một chủ tịch hạ viện nổi tiếng vì sự chống đối công khai của ông đối với các chính sách của Tổng thống Ronald Reagan. O'Neill là vị chủ tịch hạ viện phục vụ lâu dài và liên tục nhất (từ năm 1977 đến 1987). Ông thách thức Tổng thống Reagan về các chương trình đối nội và về những chi tiêu quốc phòng. Các đảng viên Cộng hòa đã nhắm mục tiêu vào O'Neill trong các cuộc vận động tranh cử của họ vào năm 1980 và 1982; tuy nhiên, đảng Dân chủ vẫn duy trì được thế đa số trong cả hai năm đó. Vai trò của các đảng phái bị đảo ngược vào năm 1994 khi đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện Hoa Kỳ sau khi mất đến 40 năm trong vai trò đảng thiểu số. Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich thường xuyên đụng độ với tổng thống Dân chủ Bill Clinton; đặc biệt, chương trình có tên gọi "Contract with America" (tạm dịch: Hợp đồng với nước Mỹ) của Gingrich là một nguồn gây tranh chấp. Gingrich từ chức năm 1998 khi đảng Cộng hòa thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử quốc hội mặc dù vẫn giữ được đa số ít ỏi tại hạ viện. Người kế nhiệm, Dennis Hastert, đóng một vai trò ít nổi bật hơn nhiều. Trong các cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2006, đảng Dân chủ giành được đa số tại Hạ viện Hoa Kỳ. Nancy Pelosi trở thành chủ tịch hạ viện khi Quốc hội Hoa Kỳ lần thứ 110 nhóm họp vào ngày 4 tháng 1 năm 2007 đã đưa bà lên thành người phụ nữ đầu tiên trở thành chủ tịch hạ viện. Với việc Barack Obama đắc cử tổng thống và đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát cả hai viện quốc hội, Pelosi trở thành chủ tịch hạ viện đầu tiên kể từ khi Tom Foley nắm giữ chức vụ này trong lúc đảng Dân chủ nắm quyền lãnh đạo cả hai viện quốc hội tại Washington. Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện Hoa Kỳ trong các cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2010, và vì thế John Boehner trở thành chủ tịch hạ viện vào đầu tháng 1 năm 2011. Nếu đảng của chủ tịch hạ viện mất quyền kiểm soát hạ viện trong một cuộc bầu cử, và nếu cả chủ tịch hạ viện và lãnh tụ đa số vẫn còn nằm trong ban lãnh đạo cao cấp của đảng thì điều này có nghĩa rằng họ sẽ trở thành lãnh tụ thiểu số và người đặc trách tổ chức và kỷ luật của đảng thiểu số (minority whip) theo thứ tự vừa nói. Khi đảng thiểu số chỉ còn có một vị trí lãnh đạo sau khi mất chiếc ghế chủ tịch hạ viện thì có thể xảy ra một cuộc chạy đua để giành lấy các vị trí lãnh đạo còn lại. Joseph William Martin, Jr. và Sam Rayburn là hai ví dụ gần nhất về các chủ tịch sắp ra đi nhưng họ vẫn tìm cách trở thành lãnh tụ thiểu số để giữ quyền lãnh đạo đảng tại hạ viện khi đảng của họ bị thay quyền kiểm soát hạ viện trong cuối thập niên 1940 và đầu thập niên 1950. Các chủ tịch hạ viện sau này đều không trở về vị trí lãnh đạo đảng khi đảng của họ bị mất quyền kiểm soát hạ viện (Tom Foley mất ghế của mình, Dennis Hastert trở về vị trí hậu trường của đảng); tuy nhiên, Nancy Pelosi thông báo rằng bà sẽ chạy đua vào chức lãnh tụ thiểu số khi Quốc hội Hoa Kỳ lần thứ 112 khai mạc cũng là lúc chức chủ tịch hạ viện của bà kết thúc. == Vai trò đảng phái == Hiến pháp Hoa Kỳ không có nói đến vai trò chính trị của chủ tịch hạ viện. Tuy nhiên khi chức vụ này phát triển theo lịch sử thì nó rõ ràng mang màu sắc đảng phái, khác hẳn với vai trò chủ tịch của đa số các nghị viện kiểu-Westminster, ví dụ như Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Anh, tuyệt đối không có tính đảng phái. Theo truyền thống, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ là người lãnh đạo của đảng đa số tại Hạ viện Hoa Kỳ, cao cấp hơn lãnh tụ đa số. Tuy nhiên, dù được quyền biểu quyết nhưng chủ tịch hạ viện thường không tham gia tranh luận và hiếm khi biểu quyết tại phòng họp hạ viện. Chủ tịch hạ viện có trách nhiệm làm sao để Hạ viện thông qua các quy trình luật mà đảng đa số ủng hộ. Để đạt được mục tiêu này, chủ tịch hạ viện có thể vận dụng quyền lực của mình để quyết định khi nào thì mỗi đạo luật sẽ được đưa ra phòng họp hạ viện. Chủ tịch cũng làm chủ tọa ủy ban hướng dẫn hạ viện của đảng đa số. Trong khi chủ tịch hạ viện là người lãnh đạo chức năng của đảng đa số tại hạ viện thì vị Chủ tịch Thượng viên tạm quyền tại thượng viện không được như vậy mà chỉ là một chức vụ danh dự và nghi thức. Khi chủ tịch hạ viện và tổng thống là hai người cùng chung đảng phái thì chủ tịch hạ viện thường thường đóng một vai trò ít nổi bật hơn, đó là lãnh tụ của đảng đa số. Ví dụ, Chủ tịch Hạ viện Dennis Hastert đóng một vai trò không mấy nổi bật dưới thời của người đồng đảng phái Cộng hòa là Tổng thống George W. Bush. Ngược lại, khi chủ tịch và tổng thống là hai người từ hai đảng phái đối lập nhau thì vai trò công khai và sức ảnh hưởng của chủ tịch hạ viện có chiều hướng tăng dần. Khi đó Chủ tịch hạ viện là thành viên cao cấp nhất của đảng đối lập và thường thường là đối thủ công khai chính đối với chương trình nghị sự của tổng thống. Những ví dụ gần đây nhất gồm có Tip O'Neill, một đối thủ to tiếng chống đối các chính sách quốc phòng và đối nội của Tổng thống Ronald Reagan; Newt Gingrich đã đụng độ dữ dội với Tổng thống Bill Clinton trong việc kiểm soát chính sách đối nội; và Nancy Pelosi đã chống đối với Tổng thống George W. Bush về chính sách đối nội và Chiến tranh Iraq. == Viên chức chủ tọa == Chủ tịch hạ viện giữ nhiều quyền lực khác nhau trong vai trò của viên chức chủ tọa tại hạ viện nhưng thường khi giao trách nhiệm làm chủ tọa cho thành viên khác thuộc đảng đa số. Chủ tịch có thể phân công bất cứ thành viên nào của hạ viện đóng vai trò như "chủ tịch hạ viện tạm thời" và người này sẽ làm chủ tọa hạ viện. Trong những cuộc thảo luận quan trọng, "chủ tịch hạ viện tạm thời" thường được giao cho một thành viên cao cấp của đảng đa số. Những dịp thông thường khác thì các thành viên cấp thấp hơn có thể được giao nhiệm vụ làm chủ tọa để giúp họ có thêm kinh nghiệm về luật cũng như những cách thức làm việc của hạ viện. Chủ tịch cũng có thể bố trí một chủ tịch hạ viện tạm thời cho những mục đích đặc biệt; Ví dụ, trong lúc Quốc hội đang ngừng họp dài hạn, một dân biểu đại diện cho một khu quốc hội gần thủ đô Washington, D.C. có thể được phân công làm chủ tịch hạ viện tạm thời đặc trách việc ký các đạo luật đã được thông qua. Tại phòng họp hạ viện, viên chức chủ tọa luôn luôn được gọi là "Mister Speaker" hay "Madam Speaker" (mặc dù ông hay bà Chủ tịch Hạ viện không phải chính là người đang làm chủ tọa). Khi Hạ viện tự mình nhóm lại thành một ủy ban hạ viện thống nhất (Committee of the Whole) thì chủ tịch hạ viện sẽ phân công một thành viên làm chủ tọa cho ủy ban hạ viên thống nhất này trong vai trò chủ tịch ủy ban hạ viện thống nhất và người này sẽ được gọi là "Mister Chairman" hay "Madam Chairwoman". Để phát biểu, các thành viên phải gây chú ý cho viên chức chủ tọa. Viên chức chủ tọa có thể gọi các thành viên phát biểu nhưng với điều kiện là họ phải vui lòng phát biểu và vì thế có thể kiểm soát được nhịp độ của buổi tranh luận. Viên chức chủ tọa cũng có quyền quyết định tất cả các điểm về quy định của phòng họp. Ví dụ, viên chức chủ tọa có quyền chấm dứt lời phát biểu của một thành viên nào đó nếu xét thấy thành viên đó phạm qui. Chủ tọa có trách nhiệm duy trì sự lịch thiệp trang nhã trong phòng họp hạ viện và có thể ra lệnh cho viên chức đặc trách duy trì trật tự (tiếng Anh gọi là Sergeant-at-Arms) thi hành luật lệ chống những thành viên phạm qui. Quyền lực và trách nhiệm của chủ tịch hạ viện mở rộng ngoài việc làm chủ tọa phòng họp hạ viện. Đặc biệt, chủ tịch hạ viện có sức ảnh hướng to lớn đối với tiến trình chọn người cho các ủy ban hạ viện. Chủ tịch hạ viện là người có thể chọn ra 9 trong số 13 thành viên cho Ủy ban Luật pháp Hạ viện Hoa Kỳ đầy quyền lực mặc dù phải có sự chấp thuận của đảng đa số (ban lãnh đạo của đảng thiểu số chọn 4 thành viên còn lại). Hơn nữa, chủ tịch hạ viện còn bổ nhiệm tất các thành viên của các ủy ban hội thảo và các ủy ban đặc trách. Khi một đạo luật được đưa ra thì chủ tịch hạ viện sẽ quyết định ủy ban nào sẽ xem xét nó. Trong vai trò của một thành viên hạ viện, chủ tịch hạ viện có quyền tham gia tranh luận và biểu quyết nhưng theo thói quen chủ tịch chỉ làm vậy trong những tình huống đặc biệt. Thông thường chủ tịch hạ viện chỉ biểu quyết khi nào mà lá phiếu của chủ tịch mang tính quyết định hay trên các vấn đề rất quan trọng (Ví dụ như các tu chính án hiến pháp). == Các chức năng khác == Vì các phiên họp chung của cả hai viện lập pháp của Quốc hội Hoa Kỳ được tổ chức tại Đại sảnh Hạ viện nên chủ tịch hạ viện làm chủ tọa tất cả các buổi họp chung như thế. Tuy nhiên, Tu chính án 12 Hiến pháp Hoa Kỳ và Điều khoản 3, Đoạn 15 Bộ luật Hoa Kỳ bắt buộc Chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ phải là người làm chủ tọa trong phiên họp chung của quốc hội để đếm phiếu đại cử tri đoàn và chứng nhận kết quả một cuộc bầu cử tổng thống. Chủ tịch còn có trách nhiệm trông coi các viên chức của hạ viện – viên chức thư ký hạ viện (clerk), viên chức đặc trách trật tự hạ viện (sergeant-at-arms), viên chức trưởng hành chính hạ viện, và viên chức tuyên úy hạ viện (chaplain). Chủ tịch có thể sa thải bất cứ viên chức nào ngoại trừ viên chức tuyên úy. Chủ tịch hạ viện bổ nhiệm sử gia hạ viện và tổng tham vấn. Chủ tịch cùng với các lãnh tụ đa số và thiểu số bổ nhiệm tổng thanh tra hạ viện. Chủ tịch hạ viện đứng thứ hai trong thứ tự kế vị Tổng thống Hoa Kỳ, ngay sau Phó tổng thống Hoa Kỳ theo Đạo luật Kế vị Tổng thống năm 1947. Đứng sau thứ tự kế vị Tổng thống Hoa Kỳ của chủ tịch hạ viện là Chủ tịch Thượng viện Tạm quyền Hoa Kỳ rồi sau đó là các bộ trưởng nội các trong chính phủ liên bang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, một số học giả cho rằng luật kế vị này là bất hợp hiến. Cho đến bây giờ, việc thực thi Đạo luật Kế vị Tổng thống Hoa Kỳ vẫn chưa bao giờ cần dùng đến; chưa có một chủ tịch hạ viện nào đã từng nhận vai trò tổng thống. Việc thực thi luật này gần như cần thiết vào năm 1973 sau khi phó tổng thống Spiro Agnew từ chức. Nhiều người vào lúc đó tin rằng Tổng thống Richard Nixon sẽ từ chức vì vụ tai tiếng Watergate và như thế mở đường cho Chủ tịch Hạ viện Carl Albert lên kế vị. Tuy nhiên trước khi ông từ chức, Tổng thống Nixon đã bổ nhiệm Gerald Ford làm phó tổng thống đúng theo tinh thần của Tu chính án 15 Hiến pháp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chính phủ Hoa Kỳ coi trọng vị trí kế vị của chủ tịch hạ viện, ví dụ, kể từ ngay sau khi có các vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, các chủ tịch hạ viện đã sử dụng các phản lực cơ quân sự để bay đi bay về giữa các khu quốc hội mà họ đại diện hay đi công cán khác. Theo Tu chính án 25 Hiến pháp Hoa Kỳ, chủ tịch hạ viện là một trong số các viên chức phải được thông báo khi tổng thống không thể đảm trách chức vụ tổng thống (Ví dụ khi phải vào bệnh viện giải phẫu) hoặc sau đó có khả năng tiếp nhận lại chức vụ tổng thống. Sau cùng, chủ tịch hạ viện tiếp tục làm đại diện cho cử tri trong khu quốc hội của mình. == Xem thêm == Danh sách Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Lãnh tụ thiểu số tại Hạ viện Hoa Kỳ == Sách tham khảo == Garraty, John, ed. American National Biography (1999) 20 volumes; contains scholarly biographies of all Speakers no longer alive. Green, Matthew N. The Speaker of the House: A Study of Leadership (Yale University Press; 2010) 292 pages; Examines partisan pressures and other factors that shaped the leadership of the speaker of the U.S. House of Representatives; focuses on the period since 1940. Remini, Robert V. The House: the history of the House of Representatives (Smithsonian Books, 2006), the standard scholarly history Rohde, David W. Parties and Leaders in the Postreform House (1991) Smock, Raymond W., and Susan W. Hammond, eds. Masters of the House: Congressional Leadership Over Two Centuries (1998) short biographies of key leaders Zelizer. Julian E. ed. The American Congress: The Building of Democracy (2004) comprehensive history by 40 scholars == Tham khảo == == Liên kết ngoài == "Capitol Questions." C-SPAN (2003). Notable elections and role. The Cannon Centenary Conference: The Changing Nature of the Speakership. (2003). House Document 108-204. History, nature and role of the Speakership. Congressional Quarterly's Guide to Congress, 5th ed. (2000). Washington, D.C.: Congressional Quarterly Press. Speaker of the House of Representatives. (2005). Official Website. Information about role as party leader, powers as presiding officer. Wilson, Woodrow. (1885). Congressional Government. New York: Houghton Mifflin.
nhóm nguyên tố 12.txt
Nhóm nguyên tố 12 là nhóm gồm 4 nguyên tố kẽm (Zn), cadmi (Cd), thủy ngân (Hg) và copenici (Cn) (tên cũ là Ununbi, ký hiệu: Uub) trong bảng tuần hoàn, Hg và Cn ở thể lỏng trong điều kiện bình thường. Nhóm này còn có tên gọi khác là nhóm kẽm. == Tham khảo == == Liên kết ngoài == Zinc group element tại Encyclopædia Britannica (tiếng Anh)
tâm anh.txt
Tâm Anh (1948 - 2006) là một nhạc sĩ nổi tiếng với dòng nhạc vàng trước 1975. Ông là tác giả ca khúc Phố Đêm và chuỗi ca khúc Chuyện tình.... == Cuộc đời và sự nghiệp == Ông tên thật là Trần Công Tâm, sinh ngày 29-7-1948 tại Sài Gòn. Năm 20 tuổi ông học Trường Kỹ thuật Phú Thọ. Trong thời gian này, ông thành lập ban nhạc chuyên đi hát cho các vũ trường, quán bar. Sáng tác đầu tay của ông là bài Phố Đêm cũng là bài hát nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. Bài hát được hãng dĩa Sóng Nhạc ký độc quyền thâu âm với tiếng hát Bạch Lan Hương. Sau đó, ông viết tiếp bài Trái Mộng Tầm Tay. Cũng trong thời gian này, ông kết hợp với nhạc sĩ Tuấn Khanh thực hiện và phát hành băng đĩa nhạc nhưng không thành công. Đến năm 1970, ông tách ra và tự lập nhóm Nghệ thuật với các chương trình ca nhạc thành công (thường gọi chung là "Băng nhạc Tâm Anh"). Kỳ đầu tiên chủ đề là "Những chuyện tình không đoạn kết" chính là tên một bài hát của ông. Tiền kiếm được từ những chương trình này đều được ông quyên góp một phần vào các chương trình từ thiện xã hội. Sau đó ông ngưng sáng tác không rõ lý do cho đến khi qua đời vào năm 2006. Năm 2005, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị ông khiếu nại do sử dụng ca khúc Phố đêm nhưng ghi tên tác giả khác và sửa lời. == Băng nhạc Tâm Anh == Chương trình Âm nhạc Nghệ thuật 1: Những chuyện tình không đoạn kết Chương trình Âm nhạc Nghệ thuật 2: Những chuyện tình không dĩ vãng Chương trình Âm nhạc Nghệ thuật 3: Những chuyện tình không hối tiếc Chương trình Âm nhạc Nghệ thuật 4: Những chuyện tình không suy tư Chương trình Âm nhạc Nghệ thuật 5: Những chuyện tình không Đam Mê Chương trình Âm nhạc Nghệ thuật 6: Nhạc chọn lọc Chương trình Âm nhạc Nghệ thuật 7: Máu và nước mắt Chương trình Âm nhạc Nghệ thuật 8: Quê hương và chiến tranh Chương trình Âm nhạc Nghệ thuật 9: Chương trình Âm nhạc Nghệ thuật 10: Chương trình Âm nhạc Nghệ thuật 11: Quê hương hòa bình Chương trình Âm nhạc Nghệ thuật 12: Nhạc tuyển Tâm Anh == Tác phẩm == == Chú thích == == Liên kết ngoài == Video LK Chuyện tình không suy tư - Phố đêm Thiên Kim & Y Phụng
mazda.txt
Mazda Motors (Phiên âm: Ma-zư-đa hoặc Ma-tsư-đa, tiếng Nhật: マツダ株式会社 / Matsuda Kabushiki Gaisha) là công ty sản xuất xe hơi của Nhật Bản. Năm 1920, một người Nhật tên là Jujiro Matsuda đã thành lập Toyo Cork Kogyo Co., Ltd, một công ty nhỏ chuyên chế tạo phụ tùng tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Đây chính là tiền thân của Mazda ngày nay. Có người cho rằng Mazda là một biến thể của Matsuda, tên người sáng lập công ty. Cũng có người cho rằng Mazda được lấy từ tên của thần lửa Ahura Mazda. == Tham khảo ==
quan hệ trung quốc – việt nam.txt
Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc (Quan hệ Việt Trung) là chủ đề nóng bỏng trong hơn 4.000 năm lịch sử của Việt Nam, cho dù thời đại nào đều mang tính thời sự. Là hai nước láng giềng, chung biên giới trên bộ và trên biển, lại có quá trình gắn bó tương tác về văn hóa lịch sử, cũng như các cuộc chiến tranh qua lại giữa hai nước, đã làm cho Quan hệ Việt Trung trở nên vô cùng phức tạp và nhạy cảm. Có thể tóm gọn mối quan hệ Việt Trung trong 6 chữ "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" Quan hệ Việt-Trung trong gần 2.200 năm tồn tại từ thế kỷ 2 trước Tây lịch đến nay có thể chia ra bốn thời kỳ cơ bản. Thời kỳ thứ nhất quen gọi là "thời kỳ Bắc thuộc", dài khoảng một ngàn năm, từ lúc nước Âu Lạc của An Dương Vương thuộc về nước Nam Việt của Triệu Đà (năm 179 tr. TL), khi mối liên hệ địa chính trị đầu tiên giữa miền châu thổ sông Hồng với miền Trung nguyên Trung Quốc được thiết lập thông qua quan hệ Hán-Nam Việt, cho đến thời điểm Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938 sau TL). Thời kỳ thứ hai gọi chung là "thời kỳ Đại Việt", dài tương đương, từ khi Ngô Quyền xưng vương (939) đến khi Pháp đặt nền bảo hộ ở Việt Nam và nhà Thanh công nhận chủ quyền của Pháp ở đây (1883). Thời kỳ thứ ba quen gọi là "thời kỳ Pháp thuộc", kéo dài khoảng 6 thập niên, từ 1883 đến 1945, khi Việt Nam tuyên bố độc lập. Thời kỳ thứ tư từ 1945 đến nay. Thời kỳ này gồm 3 giai đoạn: (1) từ cuối thập niên 40 đến cuối thập niên 60, (2) từ đầu thập niên 70 đến cuối thập niên 80, (3) từ đầu thập niên 90 đến nay. == Thời kỳ quân chủ == Lịch sử Việt Nam trong giai đoạn hai nghìn năm trước cận đại không thể lý giải chính xác nếu không gắn với quan hệ về mặt chính trị với Trung Quốc. Từ cuối thế kỷ thứ II trước Công nguyên đến nửa đầu thế kỷ thứ X sau Công nguyên, Việt Nam chịu sự thống trị trực tiếp của Trung Quốc trong một nghìn năm cho đến khi giành được độc lập. Một nghìn năm này trong lịch sử Việt Nam thường được gọi là "thời kỳ Bắc thuộc". Từ sau khi thoát khỏi ách thống trị của Trung Quốc giành độc lập vào nửa đầu thế kỷ thứ X đến trước khi rơi vào ách thống trị của thực dân Pháp vào nửa sau thế kỷ XIX, trong một nghìn năm, Việt Nam đã thiết lập quan hệ triều cống, vừa duy trì quan hệ thân thiện về chính trị vừa đồng thời tiếp nhận văn hóa Trung Quốc trong "trật tự thế giới kiểu Trung Hoa", theo cách nói của người Trung Quốc. Đây là lúc Việt Nam không còn là quận huyện trong đế quốc Trung Hoa nữa, và Trung Hoa cũng phải chấp nhận cho Việt Nam nằm ngoài cương vực của mình. Lịch sử quan hệ Việt-Trung trong thời kỳ này là lịch sử xung đột và thỏa hiệp, thể chế hóa các xung đột và thỏa hiệp ấy. Việt Nam thực hiện một chính sách ngoại giao hai mặt. Một mặt trên hình thức vẫn công nhận trật tự thế giới của Trung Quốc, cử các sứ đoàn ngoại giao sang Trung Quốc xưng chư hầu và nhận sắc phong, mặt khác vẫn duy trì nền độc lập của mình. == Thời kỳ Pháp thuộc == Thời Pháp thuộc, Việt Nam bị chia làm ba kỳ, nằm trong Liên bang Đông Dương thuộc Pháp: Bắc kỳ và Trung kỳ là xứ bảo hộ, Nam kỳ là thuộc địa. Với Hiệp ước Pháp-Thanh năm 1885, Trung Quốc từ bỏ bá quyền của mình và thừa nhận sự bảo hộ của Pháp đối với Việt Nam. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc do Pháp đảm nhiệm và trở thành một bộ phận của quan hệ Pháp-Trung. Thời kỳ này cũng là thời kỳ mà Trung Hoa phải từ bỏ mô hình thế giới truyền thống của mình và áp dụng mô hình thế giới kiểu Âu, một kiểu trật tự thế giới được công nhận ở châu Âu từ sau Hòa ước Westfalen (1648). Sự khác biệt lớn nhất giữa hai mô hình Trung Hoa và Tây phương là trật tự thế giới kiểu Trung Hoa đòi hỏi phải có một trung tâm thiên hạ, đại diện là hoàng đế Trung Quốc với tư cách "thiên tử", xung quanh Trung Hoa là một hệ thống các "phiên bang", "chư hầu", "thuộc quốc", tức là một sự phân biệt trên dưới rất rõ ràng; trong khi trật tự thế giới kiểu Westfalen không công nhận một trung tâm quyền lực tối thượng đứng trên các nước khác, cai quản cả thế giới dù chỉ trên danh nghĩa. Các nước có chủ quyền tối cao trong vùng lãnh thổ của mình, và do đó là ngang nhau trên trường quốc tế. Tuy nhiên, hành xử của các nước Tây phương mang tính hai mặt. Hình thức ngoại giao là mô hình Westfalen, còn trên thực tế là chính trị dựa trên sức mạnh (power politics). Tại Việt Nam, Pháp dùng vũ lực chiếm Nam Kỳ và ép nhà Nguyễn ký Hòa ước Giáp Tuất (1874) công nhận chủ quyền vĩnh viễn của Pháp ở Nam Kỳ. Sau đó, bằng sức mạnh quân sự, Pháp ký với nhà Nguyễn Hòa ước Giáp Thân (1884) đặt Đại Nam dưới sự bảo hộ của Pháp. Trên danh nghĩa nhà Nguyễn vẫn cai trị nước Đại Nam nhưng phải chịu sự chi phối của Khâm sứ đại diện cho chính phủ Pháp. Riêng đối với Trung Hoa, do nước này quá lớn và còn rất mạnh, không một đế quốc phương Tây nào đủ khả năng một mình tuyên chiến và xâm lược Trung Quốc, kể cả nước có nhiều thuộc địa nhất thời đó là Đế quốc Anh nên sau năm 1901, khi Trung Quốc thua trận trước liên quân 8 nước và ký Hoà ước Tân Sửu các nước phương Tây bắt Trung Hoa phải tô nhượng cho họ các vùng đất nhỏ ở duyên hải gần đầu mối giao thương làm tô giới cùng với các quyền lợi về kinh tế, đồng thời thiết lập các "vùng ảnh hưởng" (là các khu vực ảnh hưởng của các đế quốc phương Tây ở Trung Quốc, các vùng ấy hoàn toàn không phải là thuộc địa, Triều Đình Nhà Thanh vẫn có quyền lực cai trị tối cao nhưng nằm trong sự kiểm soát của các cường Quốc Châu Âu và ở đó các cường quốc có nhiều quyền lợi về thuế quan, thương mại). Thời kỳ này có nhiều nhà cách mạng chống Pháp của Việt Nam, đặc biệt trong phong trào Cần Vương, đã sang Trung Hoa nương náu hoặc cầu viện, như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Thiện Thuật... Năm 1884 đến 1885, chiến tranh Pháp-Thanh bùng nổ trên chiến trường miền Bắc Việt Nam. == Thời kỳ hiện đại == === Giai đoạn 1945 - 1949 === Tại Việt Nam xảy ra cuộc chiến giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp, đồng thời ở Trung Quốc, xảy ra nội chiến giữa hai bên do Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông cầm đầu, quan hệ thời này chia thành quan hệ giữa bốn bên (Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trung Hoa Dân quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa). === Giai đoạn 1949 - 1979 === Giai đoạn này có thể chia làm các giai đoạn ngắn hơn: Giai đoạn 1949 đến 1954 Ngày 18/01/1950, Trung Quốc công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Giai đoạn chiến tranh chống Pháp, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ. Giai đoạn này Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Việt Minh chống Pháp. Quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Trung Quốc được lên cấp đại sứ vào tháng 4 năm 1951. Giai đoạn 1954 đến 1972 Cuộc trao đổi này diễn ra vào ngày 13/4/1966, khi những bất đồng về đường lối trong phong trào cộng sản quốc tế đang phát triển đến đỉnh điểm giữa hai đảng cộng sản Liên Xô và Trung Quốc. Khi đó Việt Nam phải thực hành một chính sách tạo thăng bằng trong quan hệ với hai nước Xã hội Chủ nghĩa khổng lồ là Liên Xô và Trung Quốc để tranh thủ được viện trợ của cả hai. Giai đoạn này Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chống Mỹ. Giai đoạn 1972 đến 1979 Năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon sang thăm Trung Quốc. Hai nước ký Tuyên bố chung Thượng Hải, đặt nền móng cho liên minh chiến lược chống lại Liên Xô. Việc Trung Quốc bắt tay với Mỹ làm rạn nứt quan hệ hai nước, khiến Việt Nam xích lại gần Liên Xô. Trung Quốc cũng khuyên Việt Nam không nên tổng tiến công thống nhất đất nước mà chỉ thực hiện chiến tranh du kích bằng lực lượng trung đội trở xuống. Sau khi Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tấn công kiểm soát toàn bộ miền Nam Việt Nam, thống nhất hai miền vào năm 1975, quan hệ Việt Trung ngày càng căng thẳng. Một mặt do quan hệ Liên Xô - Trung Quốc vẫn ở trạng thái thù địch, mà Việt Nam lại ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô Viết. Trung Quốc trợ giúp toàn diện chính quyền Khmer Đỏ tại Campuchia. Khmer Đỏ tiến hành quấy phá biên giới phía nam Việt Nam. Khi quân đội Việt Nam lật đổ chính quyền Khmer Đỏ, Trung Quốc càng thù địch với Việt Nam hơn. === Giai đoạn 1979 - 1991 === ==== Chiến tranh biên giới ==== Chiến tranh biên giới Việt Trung xảy ra tháng 2 năm 1979 là cực điểm của quan hệ căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong thời gian đó, Việt Nam gọi Trung Quốc là "phản động", "bành trướng", "bá quyền". Đồng thời Trung Quốc cũng gọi Việt Nam là "tiểu bá". Việt Nam cũng thường chỉ trích Trung Quốc đã theo chiến lược "liên Mỹ đả Việt" và xem đó là quốc sách trong thời điểm đó, đặc biệt sau khi Việt Nam biết được những cuộc mật đàm giữa Chu Ân Lai và Henry Kissinger. Chiến tranh biên giới Việt-Trung, 1979 xảy ra, kéo dài suốt hơn 10 năm, để lại nhiều hậu quả cho phía Việt Nam. Phía Trung Quốc cho rằng cuộc chiến 1979 chủ yếu để "dạy cho Việt Nam một bài học" vì "xâm lăng Campuchia", nước khi đó là đồng minh của Trung Quốc. Theo Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Trung Quốc đánh Việt Nam "Cũng một cách nữa là họ trả thù cho Pol Pot. Đồng thời lúc bấy giờ ông Đặng Tiểu Bình cũng muốn quan hệ với Mỹ cho nên đánh chúng tôi để cho Mỹ thấy rằng là giữa Trung Quốc và Việt Nam không phải là đồng minh, không phải là cùng nhau Cộng sản nữa. Trung Quốc muốn cho Mỹ tin để phát triển quan hệ với Trung Quốc. Vì Trung Quốc lúc bấy giờ muốn phát triển quan hệ với Mỹ. Đánh Việt Nam là một món quà tặng cho Mỹ." Năm 1988, Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa đưa quân chiếm đóng bãi đá Colin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, do 3 bãi đá này không có quân đội đồn trú nên Hải quân Nhân dân Việt Nam phải đưa quân ra bảo vệ, đánh trả và cuộc chiến nổ ra vào ngày 14 tháng 3 năm 1988. Phía Việt Nam mất 3 tàu vận tải của hải quân Việt Nam, 64 thủy binh Việt Nam đã thiệt mạng. Trung Quốc bị hư hại tàu chiến, thương vong 24 thủy binh. Kể từ đó Trung Quốc đã chiếm đóng bãi đá Gạc Ma và hai nước cùng cho hải quân ra đóng giữ một số bãi ngầm khác mà hai bên cùng tuyên bố chủ quyền. ==== Bình thường hóa quan hệ ==== Năm 1989, với việc rút quân của Việt Nam khỏi Campuchia, quan hệ Việt Trung có cơ sở để bình thường hóa. Hội nghị Thành Đô ngày 3-4/9/1990 là bước ngoặt của quan hệ Trung Việt. Tại đây, phía Việt Nam có Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Đỗ Mười, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Phạm Văn Đồng, cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Phía Trung Quốc có Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng. Cuộc gặp mặt này là theo sự "quân sư" của Đặng Tiểu Bình. Hai bên ký kết Kỷ yếu hội nghị đồng thuận bình thường hóa quan hệ hai nước. Nhưng người được cho là giật dây đóng vai trò chính trong Mật Nghị là ông Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ quốc Phòng, đã có những buổi tiếp bí mật với ông Trương Đức Duy, Đại sứ toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam. Tất cả những cuộc gặp mặt bí mật này vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Ngày 5/11/1991, Đỗ Mười, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến thăm Trung Quốc. Ngày 7/11/1991, hiệp định mậu dịch Trung - Việt và hiệp định tạm thời về việc xử lý công việc biên giới hai nước đã được ký tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh. === Giai đoạn sau năm 1991 === Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong những năm đầu thế kỷ 21 phát triển theo hướng Việt Nam ngày càng có quan hệ sâu rộng với Trung Quốc trong hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và chính trị. Báo chí Việt Nam những năm gần đây luôn luôn ca ngợi tình hữu hảo hai nước, cho dù hai bên có tranh chấp tại khu vực biển Đông mà cả 2 nước đều tuyên bố chủ quyền. Dưới thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Việt Nam ký hai Hiệp định Biên giới trên bộ và phân chia vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc. Theo báo chí chính thống của Việt Nam, Việt Nam có quan hệ mật thiết "môi hở răng lạnh" với Trung Quốc. Hai nước đều do hai Đảng Cộng sản lãnh đạo. Giai đoạn sau này đánh dấu bằng một số mốc sau: Hiệp định Biên giới trên Bộ Việt Trung Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ Các vấn đề còn nổi cộm trong quan hệ giữa hai nước bao gồm: Phân chia biên giới trên biển: Đường lưỡi bò của Trung Quốc trên vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền Chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 1/1974, hải quân Trung Quốc đụng độ với hải quân Việt Nam Cộng hòa tại Hoàng Sa và chiếm đóng các đảo này. Năm 1988, Trung Quốc đưa quân chiếm một số đảo tại quần đảo Trường Sa. Năm 2009, Trung Quốc tuyên bố lãnh thổ của họ tại biển Đông (hay Nam Trung Hoa) kéo dài toàn bộ vùng biển này, theo hình lưỡi bò. Ngược lại, chính phủ Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền với 2 quần đảo, bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và gọi đó là những tuyên bố vô căn cứ. ==== Ảnh hưởng văn hóa ==== Trung Quốc tiếp tục có những ảnh hưởng về Văn hóa tới Việt Nam kể từ sau khi bình thường hóa quan hệ, cho phép các loại hình văn hóa của Trung Quốc được xuất bản rộng rãi tại Việt Nam. Rất nhiều các loại phim Trung Quốc được dịch và trình chiếu tại các đài truyền hình Trung ương và địa phương. ==== Quan hệ kinh tế và thương mại ==== Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 5-2008, hai bên nhất trí phát triển "quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện". Hiện nay, Việt Nam mới chỉ thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Nga và Trung Quốc. Từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, quan hệ kinh tế thương mại Trung Quốc – Việt Nam được khôi phục và phát triển nhanh chóng. Kim ngạch thương mại giữa hai nước từ hơn 30 triệu USD năm 1991 lên 22,5 tỷ USD năm 2009, tăng gấp gần 700 lần. Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn nhất của Việt Nam. Lợi ích thương mại song phương mang lại cho hai nước là điều dễ dàng nhìn thấy. Hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc của Việt Nam chủ yếu gồm dầu thô, than đá và một số nông sản nhiệt đới, sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu có máy móc thiết bị, thép, sản phẩm hóa chất, thiết bị vận tải, nguyên phụ kiện dệt may, da giày, phân bón và vật tư nông nghiệp, và hàng tiêu dùng. Có thể thấy, những năm gần đây, kết cấu hàng thương mại giữa hai nước thay đổi không lớn, Việt Nam vẫn dựa vào xuất khẩu khoáng sản, nguyên liệu thô và nông sản là chủ yếu, còn nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là hàng công nghiệp và hàng tiêu dùng. Nhưng cùng với thương mại song phương liên tục tăng trưởng, vấn đề mất cân bằng trong thương mại giữa hai nước đã ngày càng bộc lộ. Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề nhập siêu trong thương mại với Trung Quốc. Nhiều dự án lớn được các nhà thầu Trung Quốc thắng thầu và triển khai. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tham gia đầu tư nhiều dự án lớn tại Việt Nam. Việt Nam còn xuất khẩu Bauxite sang Trung Quốc theo thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia. Sự tham gia của Trung Quốc trong một số dự án như trồng rừng ở biên giới, Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên gây ra dư luận lo ngại sự hiện diện của họ tại các địa điểm này có thể ảnh hưởng đến an ninh - quốc phòng của Việt Nam. Trong các dự án nhiệt điện, cơ sở hạ tầng, vốn vay của Trung Quốc ngày càng tăng trong tổng lượng vốn vay của Việt Nam. ==== Quan hệ chính trị ==== Sau khi bình thường hóa quan hệ, hai nước đã nỗ lực đẩy mạnh quan hệ chính trị. Hai bên tránh nhắc lại những bất đồng, xung đột trong quá khứ để hướng đến tương lai. Về mặt ngoại giao chính thức, Việt Nam luôn cam kết tuân theo "Phương châm 16 chữ vàng", là láng giềng tốt của Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc sẽ kiềm chế những xung đột, tranh chấp trên biển Đông, không để ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng họp báo (ngày 10.4.2007 tại Bắc Kinh) và tuyên bố: "Quan hệ Trung-Việt chưa lúc nào tốt đẹp như lúc này". Kỷ niệm 64 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung (18.1.1950 - 18.1.2014) ngày 17.1, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã tổ chức chiêu đãi trọng thể. Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cho biết Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng sự ủng hộ quý báu và hiệu quả của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay. Đại sứ cho biết năm 2013, quan hệ Việt-Trung về tổng thể đã đạt được nhiều phát triển mới cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Tuy nhiên một số phương tiện truyền thông của Trung Quốc tuyên truyền làm đa số người dân Trung Quốc luôn nhầm lẫn rằng Việt Nam là kẻ thù của nước họ. Báo Trung Quốc viết rằng Việt Nam chiếm đất, chiếm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc nhằm đoạt nguồn dầu khí và hải sản của Trung Quốc. Còn tại Việt Nam, một số cá nhân, tổ chức luôn nói đến những tranh chấp, xung đột giữa hai nước trong quá khứ lẫn hiện tại để định hướng dư luận xem Trung Quốc là mối đe dọa an ninh của Việt Nam từ đó chỉ trích chính quyền Việt Nam vì đã duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, thậm chí lên án chính quyền là tay sai của Trung Quốc. Những thành phần cực đoan ở Trung Quốc và Việt Nam mới thật sự là nhân tố đe dọa mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai quốc gia. == Nhận định == Ngô Sĩ Liên, người biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư đã than về việc một ông vua nước Nam Lý Phật Tử (lên ngôi sau cái chết của Lý Nam Đế, người đã gây dựng cuộc khởi nghĩa năm 541 chống lại sự chi phối của Trung Quốc) hàng phục nhà Tùy (Trung Quốc) như sau: Vũ Hồng Lâm nhận định: Nhận định của Nguyễn Thị Mai Hoa: Tướng Quân đội Nhân dân Nguyễn Trọng Vĩnh cho là: Nhà thơ Bùi Minh Quốc cho rằng: Nhận định nhân chuyến thăm ba ngày, từ 25 tới 27/12/2014, của lãnh đạo cao cấp Trung Quốc, Du Chính Thanh, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc, gặp gỡ các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam từ Tổng bí thư, tới Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ. Về hệ thống chính sách và chiến lược đối nội và đối ngoại của Trung Quốc, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu thuộc Ban Dân vận Trung ương nói: "Những điều mà Trung Quốc hiện nay họ đang làm là một ẩn số, Trung Quốc đang là một ẩn số. Nhưng cái lộ rõ để cho người ta thấy thì nó thể hiện chủ nghĩa bá quyền Đại Hán, mà con đường, phương thức vẫn là Đế quốc Chủ nghĩa. Dùng bạo quyền để mở rộng biên giới, mở rộng vùng ảnh hưởng, mở rộng cái thể địa chính trị mới bằng con đường như thế." Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao, nguyên Vụ Phó Ban Biên giới Chính phủ nhận xét: "... nhưng tôi tin chắc rằng họ vẫn kiên định đường lối của họ trong quan hệ mang tính chất nước lớn áp đặt đối với Việt Nam." == Trung Quốc trong mắt của người dân Việt Nam == Qua kết quả thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Mỹ công bố hôm 14/7, tại Việt Nam, 60% những người được hỏi cho biết họ ‘hết sức lo ngại’ về tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trong khi 56% số người được khảo sát ở Philippines cũng cho đáp án tương tự. Dẫn lời từ Thanh Phong (Công dân Việt Nam): "Có cảm giác như là có ác cảm với người Trung Quốc luôn. Những năm gần đây, người Trung Quốc qua Việt Nam làm việc, họ có thái độ rất là kỳ cục. Cho nên, giờ người Việt cũng không thích người Trung Quốc mấy nữa. Hiện nay càng lúc càng đi xuống, xuống tới mức rất thấp. Hồi trước không đến nỗi người ta kỳ thị Trung Quốc, nhưng vài năm gần đây, các vấn đề từ thực phẩm đến nguy cơ bị xâm lược khiến người ta càng lúc càng kỳ thị người Trung Quốc nhiều hơn. Người ta vừa sợ, vừa kỳ thị." == Xem thêm == Lịch sử chiến tranh Việt Nam-Trung Quốc Chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc Phản ứng về việc thành lập thành phố Tam Sa == Chú thích == == Liên kết ngoài == Quan hệ Việt Trung và vấn đề Biển Đông Phỏng vấn Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị Thảo luận giữa Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Khang Sinh, Lê Duẩn và Nguyễn Duy Trinh - Thái độ của Trung Quốc với Chiến tranh Việt Nam Lê Duẩn nói về âm mưu chống Việt Nam của bè lũ phản động Trung Quốc Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc 30 năm qua (Nhà xuất bản Sự Thật T10/79) Xung đột Việt - Trung tại Trường Sa năm 1988
thương mại đi động.txt
Thương mại di động, hay còn gọi là m-commerce được định nghĩa năm 1997 như là "Sự phân phối hàng hóa thương mại điện tử trực tiếp tới tay người tiêu dùng, ở bất cứ đâu, thông qua công nghệ không dây." Theo BI Intelligence thống kê vào tháng 1 năm 2013, 29% người dùng điện thoại di động đã thực hiện mua hàng qua di động của họ. Walmart ước lượng khoảng 40% lượt khách hàng ghé thăm trang Web mua sắm trực tuyến Walmart thông qua thiết bị di động. Ngân hàng Bank of America dự đoán sẽ có khoảng 67,1 tỷ USD được sử dụng để mua sắm thông qua những thiết bị di động tại châu Âu và Mỹ vào năm 2015. == Tham khảo == == Xem thêm == Thương mại điện tử
registrar corp.txt
Registrar Corp là công ty hỗ trợ các cơ sở thực phẩm, thức uống, thiết bị y tế, dược phẩm và mỹ phẩm làm theo các quy định của FDA Mỹ. Công ty cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về quy định pháp lý của FDA cho các doanh nghiệp. == Lịch sử == Registrar Corp được thành lập vào năm 2003 để đáp ứng các quy định của FDA Mỹ. Trụ sở chính của công ty ở Hampton, Virginia, Mỹ. Công ty đã mở rộng hệ thống văn phòng đến 19 nơi trên toàn cầu và đã hỗ trợ hơn 20,000 công ty trên khắp 150 quốc gia. == Dịch vụ == Registrar Corp cung cấp dịch vụ đăng ký số FDA, đại diện tại Mỹ và các hỗ trợ khác cho các công ty trong và ngoài nước Mỹ trong ngành công nghiệp thực phẩm và thức uống, thiết bị y tế, dược phẩm mà mỹ phẩm. == Xem thêm == Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ == Tham khảo == == Liên kết ngoài == Trang chủ Trang tiếng Việt
rutland.txt
Rutland là một hạt ở miền trung của Anh. Hạt có diện tích km2, dân số người. Thủ phủ hạt đóng ở Oakham. Rutland bao quanh phía tây và phía bắc bởi Leicestershire, phía đông bắc Lincolnshire và phía đông nam của Peterborough (một cơ quan đơn nhất nghi thức trong Cambridgeshire) và Northamptonshire. Khoảng cách lớn nhất phía bắc đến phía nam chiều dài của nó là chỉ có 18 dặm (29,0 km), bề rộng lớn nhất đông sang phía tây, 17 dặm (27,4 km). Đây là hạt có dân số nhỏ nhất ở ở đại lục nước Anh (chỉ thành phố London là nhỏ hơn về diện tích), và là quận xếp 348/354 quận về dân số. Nó là nhỏ nhất lịch sử tiếng Anh quận hạt, dẫn đến việc thông qua phương châm Multum Latin Trong Parvo hay "nhiều trong ít" do Hội đồng quận trong năm 1950 [1] Trong số các hạt hiện đại nghi lễ Isle of Wight, thành phố London và thành phố Bristol là nhỏ hơn. Quận cũ của London, trong sự tồn tại 1889-1965, cũng đã có một diện tích nhỏ hơn. Các thị xã ở Rutland gồm có Oakham, và Uppingham. Tại trung tâm của quận là các hồ chứa nhân tạo lớn, Rutland Water, với một diện tích bề mặt tương tự như Windermere. Nó là một khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng là nơi trú đông cho loài chim trú đông. Các khu nhà cũ Rutland của được xây dựng từ đá vôi, quặng sắt và nhiều mái nhà của Collyweston đá phiến đá hoặc lá. == Tham khảo ==
giải bóng đá vô địch các câu lạc bộ châu âu.txt
Giải vô địch bóng đá các câu lạc bộ châu Âu (tiếng Anh: UEFA Champions League hoặc đơn giản là Champions League; tên thường gọi ở Việt Nam: Cúp C1) là giải bóng đá hàng năm của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) dành cho các câu lạc bộ có thứ hạng cao tại các giải vô địch quốc gia châu Âu. Đây là một trong những giải đấu danh giá nhất trên thế giới và là nơi tranh tài của các câu lạc bộ lớn nhất châu Âu, thường là các nhà vô địch của mỗi giải quốc nội (và, đối với một vài quốc gia, có thể là một hay vài câu lạc bộ xếp sau). Trận chung kết mùa giải 2012-13 là trận đấu được xem nhiều nhất trong khuôn khổ UEFA Champions League từ trước đến nay, và cũng là sự kiện thể thao được quan tâm nhất trên thế giới năm 2013, với khoảng 360 triệu người xem qua sóng truyền hình. Được giới thiệu lần đầu vào năm 1992, giải đấu được đưa ra để thay thế cho European Champion Clubs' Cup, hay đơn giản là European Cup, vốn đã diễn ra kể từ năm 1955. Giải đấu mới có thêm một vòng bảng và cho phép nhiều câu lạc bộ từ cùng một quốc gia tham dự. Trước năm 1992, giải đấu chỉ có các trận đấu loại trực tiếp và chỉ cho phép các đội vô địch giải đấu của mỗi quốc gia tham dự. Trong những năm 1990, thể thức thi đấu đã được mở rộng với việc có thêm một vòng bảng thi đấu vòng tròn hai lượt, cùng với việc cho phép những đội á quân từ những giải đấu xếp hạng cao nhất được phép tham gia. Hiện tại, trong khi hầu hết các quốc gia châu Âu vẫn chỉ có các nhà vô địch tại giải đấu quốc nội được phép tham dự, những giải đấu hàng đầu tại châu Âu được phép cử tới bốn đại diện tham gia giải đấu, và có thể lên tới năm đại diện bắt đầu từ mùa giải 2015-16. Những câu lạc bộ kết thúc giải quốc nội ở những vị trí thấp hơn mà không đủ điều kiện tham dự UEFA Champions League vẫn có thể đủ điều kiện tham gia vào giải đấu cấp thấp hơn, UEFA Europa League. Theo thể thức hiện tại, UEFA Champions League sẽ được bắt đầu vào giữa tháng Bảy với ba vòng sơ loại và một vòng play-off. 10 đội chiến thắng cuối cùng sẽ tiến vào vòng bảng, cùng với 22 đội khác đã đủ điều kiện để được vào thẳng. 32 đội bóng sẽ được chia thành tám bảng đấu, mỗi bảng bốn đội, thi đấu vòng tròn hai lượt. Tám đội đầu bảng và tám đội nhì bảng sẽ vào vòng loại trực tiếp, đến khi chọn được hai đội cuối cùng thi đấu trong trận Chung kết, thường diễn ra vào cuối tháng Năm. Đội vô địch UEFA Champions League sẽ được phép tham dự UEFA Super Cup và FIFA Club World Cup. Real Madrid là câu lạc bộ thành công nhất trong lịch sử giải đấu với 11 lần vô địch, trong đó có 5 mùa giải European Cup liên tiếp đầu tiên. Tây Ban Nha cũng là quốc gia vô địch nhiều lần nhất (16 lần), theo sau là Ý và Anh (12 lần mỗi quốc gia). 22 câu lạc bộ khác nhau đã vô địch giải đấu này, 12 trong số đó đã vô địch nhiều hơn một lần. Kể từ khi giải đấu được đổi tên và thay đổi thể thức thi đấu vào năm 1992, không có câu lạc bộ nào từng bảo vệ thành công chức vô địch. Câu lạc bộ cuối cùng vô địch hai lần liên tiếp là A.C. Milan vào mùa giải 1989-90. Năm 2016, Đương kim vô địch là Real Madrid với chức vô địch thứ 11 trong lịch sử câu lạc bộ, đánh bại Atlético Madrid 5-3 trên chấm luân lưu sau khi hòa 1-1 trong 120 phút trận chung kết ở San Siro, Milano. Bên cạnh đó, Liên đoàn bóng đá châu Âu cũng tổ chức Giải bóng đá nữ vô địch câu lạc bộ châu Âu (UEFA Women's Champions League) == Lịch sử == Năm 1954, Gabrief Hanot - của báo L'Equipe - đã đề xuất một giải thi đấu giữa các đội vô địch bóng đá các quốc gia châu Âu. Tháng 1 năm 1955, báo L'Equipe đã gửi bản dự thảo "European Cup" đến nhiều câu lạc bộ bóng đá. Ngày 2 tháng 4 năm 1955, 16 đại diện các câu lạc bộ đã thảo luận bản dự thảo này và thông qua sau 3 giờ đồng hồ. Trận đấu đầu tiên đã diễn ra ngày 4 tháng 9 năm 1955 tại Lisbon (Bồ Đào Nha) giữa Sporting Lisbon và FK Partizan (Nam Tư), kết quả hòa 3-3. Và đội vô địch đầu tiên là Real Madrid (giải có 16 đội tham dự). Từ mùa bóng 1992/1993, giải được đổi tên thành "UEFA Champions League". Và đến mùa bóng 1997/1998, có một sự thay đổi lớn trong điều lệ giải, ngoài các đội vô địch quốc gia, các đội có thứ hạng cao trong mỗi giải vô địch (số lượng đội của mỗi quốc gia dựa theo bảng xếp hạng các thành viên UEFA trong 5 năm gần nhất) cũng có quyền tham dự. Mùa bóng năm 2005/2006 và 2006/2007, 3 quốc gia Tây Ban Nha, Anh và Ý (từ mùa bóng 2013-2014 Ý chỉ còn 3 đội tham dự, vì Đức đã lấy mất một suất của Ý), được quyền cử 4 đội tham gia. === Nhạc hiệu === Bản nhạc nền Cúp C1 châu Âu, tên chính thức được gọi đơn giản là "Champion League", do nhà soạn nhạc người Anh Tony Britten soạn theo phong cách của nhà soạn nhạc người Đức George Frideric Handel (1658-1759), được dàn nhạc Royal Philharmonic Orchestra (Luân Đôn - Anh) trình bày. Bản nhạc có mang nhiều âm hưởng của bản Zadok the Priest của Handel. === Chiếc cúp === Cúp cao 74 cm, nặng 8 kg và đắt giá nhất khoảng 200.000 franc. Đội đoạt cúp còn được nhận 20 Huy chương vàng và một bản sao của chiếc cúp với kích cỡ nhỏ hơn, đồng thời có quyền giữ chiếc cúp thật trong vòng một năm trước khi trao lại cho UEFA "trong tình trạng nguyên xi" (nếu hư hại sẽ bị phạt nặng), một tháng trước trận chung kết lần sau. Trước năm 2009, nếu một đội 3 lần liên tiếp đoạt chức vô địch, hoặc 5 lần khác nhau, đội có quyền sở hữu vĩnh viễn chiếc cúp và lúc này UEFA phải làm một chiếc cúp khác hoàn toàn giống hệt. Tính tới thời điểm hiện tại, có 6 câu lạc bộ có được vinh dự này là: Real Madrid (11 lần vô địch); A.C. Milan (7 lần); FC Bayern München (5 lần, trong đó 3 lần liên tiếp); Liverpool FC (5 lần); Ajax Amsterdam (4 lần, trong đó 3 lần liên tiếp). Kể từ năm 2009, UEFA sẽ giữ vĩnh viễn bản gốc của chiếc cúp, do vậy một câu lạc bộ nếu đạt đủ 5 danh hiệu vô địch, hoặc vô địch 3 lần liên tiếp thay vào đó sẽ nhận được một bản sao của chiếc cúp với cùng kích thước và tên của nhà vô địch được khắc trên đó, cùng với phù hiệu cho những người chiến thắng. Đó là một logo nhỏ hình elip, nền xám, logo là một hình phác thảo một phần của chiếc cúp với viền trắng, ở giữa là số danh hiệu vô địch C1 của câu lạc bộ. Năm câu lạc bộ đã kể trên, cùng với F.C. Barcelona với chức vô địch thứ 5 vào mùa giải 2014-15 sẽ vinh dự được gắn phù hiệu cho những người chiến thắng trên tay trái của áo thi đấu mãi mãi về sau, mỗi khi thi đấu tại UEFA Champions League. 8 ngôi sao trên biểu tượng quả bóng của Cúp C1 (UEFA Champions League) là biểu tượng cho 8 đội bóng từng bảo vệ thành công chức vô địch (Real Madrid, SL Benfica, Inter Milan, Ajax Amsterdam, Bayern Munchen, Liverpool FC, Nottingham Forest, A.C. Milan). == Quy định == === Các đội tham dự và thể thức thi đấu === ==== Từ khởi đầu tới mùa bóng 1996-1997 ==== Kể từ khi ra đời với tên gọi European Champion Clubs' Cup (tức Cúp C1), giải đấu này chỉ dành cho các đội đoạt chức vô địch quốc gia tại giải vô địch hạng cao nhất của các quốc gia châu Âu là thành viên của UEFA và đội đương kim vô địch của mùa giải trước - đang giữ cúp. Vì vậy, nếu một đội bóng không bảo vệ được danh hiệu vô địch trong nước nhưng đoạt được cúp C1 thì năm sau tiếp tục được dự giải và quốc gia đó sẽ là nước duy nhất có 2 đội dự Cúp C1. Nếu đội vô địch Cúp C1 đồng thời đoạt "cú đúp" - vô địch cả giải trong nước thì quốc gia đó vẫn chỉ có 1 đội dự cúp này như những nước khác. Trong cả trường hợp đội vô địch Cúp C1 bị xuống hạng ở giải trong nước vẫn được dự giải này trong mùa bóng tiếp theo. Thể thức duy nhất mà UEFA áp dụng từ năm 1955 tới năm 1991 là phân cặp đấu loại trực tiếp từ vòng đầu tới vòng cuối cùng. Vòng đầu có 32 đội, lần lượt qua 5 lượt tới trận chung kết còn 2 đội. Mùa bóng 1986-1987, vòng 1 Cúp C1 chỉ có 31 đội tham dự do sự cố chính trị làm vắng mặt 1 thành viên. Do đó đội đương kim vô địch là Steaua Bucharest của Rumani được vào thẳng vòng 2. Ở mùa giải 1991/92, Cúp C1 vẫn mang tên là European Champion Clubs' Cup như trước đây, nhưng UEFA đã thử nghiệm một thể thức thi đấu mới. 8 đội lọt vào tứ kết được chia làm 2 bảng thi đấu vòng tròn một lượt (vẫn gồm 2 lượt trận sân nhà sân khách cho mỗi cặp đấu), chọn ra 2 đội đầu bảng vào thi đấu trận chung kết. Mùa giải 1992/93, giải bóng đá này chính thức được đổi tên thành UEFA Champions League - giải đấu của các nhà vô địch. Lúc này, vòng tứ kết vẫn gồm 8 đội nhưng lại có thêm vòng bán kết. Trận bán kết diễn ra giữa đội nhất bảng này gặp nhì bảng kia, nhưng chỉ thi đấu một trận duy nhất trên sân của những đội nhất bảng. Real Madrid là đội bóng giữ kỷ lục lâu bị loại ở Cúp C1 nhất. Tính từ khi tham gia năm 1955 tới năm 1960, Real Madrid liên tục vô địch cúp này 5 năm và chưa từng bị loại. Tới mùa bóng 1960-1961, Real cùng FC Barcelona là đội vô địch trong nước cùng đại diện cho Tây Ban Nha dự giải. Do thời đó chưa có quy định hạt giống nên việc bốc thăm ngẫu nhiên khiến Real Madrid và Barcelona gặp nhau ngay vòng đầu. Kết quả Barcelona đã loại Real bằng kết quả hoà 2-2 ở sân Bernabeu và thắng 2-1 ở sân Nou Camp. Đó là lần đầu tiên Real Madrid bị loại ở Cúp C1. ==== Từ mùa bóng 1997-1998 ==== UEFA mở rộng số đội tham dự, cho phép các nước có thành tích cao nhất được cử 2 đại diện tham dự - đội vô địch và đội á quân. Do số đội tăng lên, số đội dự vòng bảng là 16 và do đó có 4 bảng sau 2 vòng đầu. 8 đội đứng đầu 4 bảng lọt vào vòng tứ kết, đấu loại trực tiếp tới chung kết. Trong những năm tiếp theo, do sức ép từ phía nhóm G-14, các đội bóng mạnh và giàu có ở châu Âu, UEFA mở rộng đối tượng tham dự Champions League hơn, cho phép 3 quốc gia có thành tích cao nhất được cử tới 4 đội tham dự, các nước có thành tích thấp hơn có số đội tham dự giảm dần, để tạo điều kiện cho những đội bóng giàu có cơ hội đoạt Cúp này ngay cả khi không vô địch trong nước nhiều năm liền. Các vòng loại cho các đội yếu từ những nước có hệ số điểm thấp được thu xếp từ mùa hè để bắt đầu vào tháng 9, vòng 1 bắt đầu là vòng đấu bảng với số đội tham gia là 32 đội tại 8 bảng đấu. Quy định mở rộng đối tượng tham dự này khiến cho giải thực chất không còn đúng với tên gọi "giải đấu của các nhà vô địch" - Champions League nữa. ==== Quy định hiện nay (bắt đầu từ mùa giải 2015-16) ==== Bắt đầu từ mùa giải 2015-16, đương kim vô địch UEFA Europa League sẽ được phép tham dự Champions League, nhưng chỉ bắt đầu từ vòng play-off, nhằm đảm bảo khả năng tham gia vòng bảng của các đội bóng cạnh tranh khác. Do đó, số lượng tối đa đội bóng đến từ cùng một quốc gia có thể tham gia Champions League cũng đã được tăng từ bốn lên năm đội. ^UEL : Đương kim vô địch Europa League có thể được xếp thẳng vào vòng bảng nếu đương kim vô địch Champions League đã đạt vị trí cần thiết tại giải quốc nội để được đá thẳng vòng bảng Champions League. Nếu đương kim vô địch Champions League đến từ một quốc gia xếp hạng 13 hoặc thấp hơn, đương kim vô địch Europa League sẽ thay thế họ đá vòng play-off trong nhóm những đội vô địch. Danh sách những đội đá play-off sẽ được điều chỉnh cho phù hợp nhằm đảm bảo đủ 10 đội cho mỗi nhóm tại vòng play-off. ^UCL : Nếu những nhà vô địch Champions League và Europa League đến từ cùng 1 quốc gia xếp hạng từ 1-3 và không đạt được vị trí cần thiết ở giải quốc nội để đủ điều kiện tham dự Champions League, đội đứng thứ tư tại giải quốc nội sẽ chuyển xuống chơi tại Europa League. === Xếp hạng vòng bảng === Đội thắng được 3 điểm, hòa 1 điểm, thua 0 điểm. Trong trường hợp có hai hay nhiều đội bằng điểm nhau sau khi vòng đấu bảng kết thúc, việc phân định ngôi thứ sẽ dựa trên các tiêu chuẩn sau: - Giành được nhiều điểm hơn trong các trận đối đầu trực tiếp. - Có hiệu số bàn thắng bại cao hơn trong các trận đối đầu trực tiếp. - Ghi được nhiều bàn thắng trên sân của đối phương hơn trong các trận đối đầu trực tiếp. - Có hiệu số bàn thắng bại của tất cả các trận đấu trong bảng cao hơn. - Ghi được nhiều bàn thắng hơn trong tất cả các trận đấu trong bảng. - Hệ số điểm của quốc gia vào thời điểm đầu mùa bóng (Hệ số này do UEFA thiết lập và xếp hạng). Đội đứng thứ ba tại mỗi bảng sẽ chuyển xuống chơi vòng 32 đội tại UEFA Europa League == Tiền thưởng == Bắt đầu từ mùa giải 2015-16, UEFA trao 2 triệu € cho mỗi đội chiến thắng và 3 triệu € cho mỗi đội bị loại khỏi vòng play-off. Với đội lọt vào vòng bảng, họ sẽ nhận thêm 12 triệu € từ UEFA. Đội thắng trong mỗi trận vòng bảng nhận thêm 1,5 triệu € và nếu hòa nhận thêm 500.000 €. Đối với vòng 16 đội, UEFA thưởng cho mỗi đội 5,5 triệu €, và đối với vòng tứ kết mỗi đội nhận thêm 6 triệu €. Mỗi đội trong bốn đội vào bán kết nhận 7 triệu €, và đội Á quân được thưởng 10.5 triệu €. Đội vô địch được UEFA thưởng 15 triệu €. Vòng sơ loại thứ nhất: €200.000 Vòng sơ loại thứ hai: €300.000 Vòng sơ loại thứ ba: €400.000 Thua trận play-off: €3.000.000 Thắng trận play-off: €2.000.000 Tiền thưởng chung cho mỗi đội vòng bảng: €12.000.000 Đội thắng trong 1 trận vòng bảng: €1.500.000 Đội hòa trong 1 trận vòng bảng: €500.000 Vòng 16 đội: €5.500.000 Tứ kết: €6.000.000 Bán kết: €7.000.000 Á quân: €10.500.000 Đội vô địch: €15.000.000 Doanh thu và lợi nhuận của UEFA Champions League đến từ quảng cáo, vé trận đấu... cũng như bản quyền truyền hình tại mỗi quốc gia sẽ được dùng để chia thưởng cho các câu lạc bộ cũng như liên đoàn các quốc gia có câu lạc bộ tham dự. UEFA (10 tháng 8 năm 2012) cũng ước tính doanh thu từ UEFA Champions League và UEFA Super Cup là 1,34 tỷ €. == Các trận chung kết == == Thống kê == === Xếp hạng các quốc gia có số lần vô địch nhiều nhất === === Xếp hạng theo câu lạc bộ === === Các cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất === Số liệu thống kê chính xác tới 2 tháng 05, 2017 Bàn thắng không bao gồm những trận ở sơ loại. === Những cầu thủ ra sân nhiều nhất === Số liệu thống kê chính xác tới ngày 2 tháng 5 năm 2017 Danh sách không bao gồm những trận ở vòng sơ loại. == Các kỷ lục == Cầu thủ già nhất ghi bàn: Francesco Totti của AS Roma, 38 tuổi 59 ngày, ghi bàn ngày 26-11-2014 trong trận gặp CSKA Moskva. Cầu thủ trẻ nhất ghi bàn: Peter Ofori-Quaye của Olympiacos, 17 tuổi 194 ngày, ghi bàn ngày 17-10-1997 trong trận gặp Rosenborg. Trận chung kết có tỷ số cao nhất: Năm 1960 giữa Real Madrid - Eintracht Frankfurt: 7-3 Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất: Cristiano Ronaldo (103 bàn) Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất ở các vòng knock-out Champions League : Cristiano Ronaldo (50 bàn) Cầu thủ đầu tiên đạt cột mốc 100 bàn : Cristiano Ronaldo Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong 1 mùa: Cristiano Ronaldo (17 bàn) mùa 2013-14 Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trên sân nhà : Cristiano Ronaldo (53 bàn) Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trên sân khách : Cristiano Ronaldo (47 bàn) Cầu thủ ghi bàn tại nhiều trận chung kết liên tiếp: Alfredo Di Stéfano (Real Madrid): 5 trận chung kết liên tiếp, từ 1956 - 1960. Câu lạc bộ đoạt nhiều cúp nhất: Real Madrid (11 lần: 1956, 1957, 1958, 1959, 1960, 1966, 1998, 2000, 2002, 2014, 2016) Câu lạc bộ tham gia nhiều trận chung kết nhất: Real Madrid (14 lần). Nếu chỉ tính từ khi đổi tên thì Milan là số 1 với 6 lần đoạt 3 cúp. Cầu thủ đoạt nhiều cúp C1 nhất: Francisco Gento (Real Madrid) với 6 lần Cầu thủ tham gia nhiều trận chung kết nhất: Francisco Gento (Real Madrid) và Paolo Maldini (AC Milan) cùng 8 lần có mặt trong trận chung kết cúp C1. Bàn thắng nhanh nhất trong trận chung kết: do công của Paolo Maldini (số 3, AC Milan) ghi vào giây thứ 51, trận Liverpool - AC Milan năm 2005 và anh cũng thiết lập luôn kỉ lục cầu thủ lớn tuổi nhất ghi bàn trong 1 trận chung kết. Bàn thắng nhanh nhất giải Champion League: thực hiện giây thứ 10,2 do công của Roy Makaay trong trận Bayern München - Real Madrid C.F. lượt về vòng 2, mùa giải 2006-2007. Cầu thủ lớn tuổi nhất tham gia trận chung kết: Dino Zoff (thủ môn Juventus) ra sân năm 1983 khi 41 tuổi 86 ngày; còn tính Champions League thì Edwin van der Sar (thủ môn Manchester United) ra sân trận chung kết 2011 khi 41 tuổi 211 ngày. Đội bóng thất bại trong nhiều trận chung kết nhất: Juventus FC (Italia): 6 lần (1973, 1983, 1997, 1998, 2003, 2015) Cầu thủ đầu tiên giành Cúp C1 trong màu áo 2 câu lạc bộ khác nhau: Belodedici (người Rumani): năm 1986 vô địch với Steaua Bucharest và 1991 vô địch với Sao Đỏ Belgrade. Cầu thủ đầu tiên đạt thành tích này với 2 câu lạc bộ trong 2 năm liên tiếp là Marcel Desailly: năm 1993 với Olympique de Marseille và năm 1994 với AC Milan, sau đó là Gerard Piqué: năm 2008 với Manchester United và năm 2009 với FC Barcelona, tiếp đó là Samuel Eto'o: năm 2009 với FC Barcelona và năm 2010 với Inter Milan. Cầu thủ duy nhất đoạt cúp 4 lần với 3 câu lạc bộ khác nhau: Clarence Seedorf: Ajax Amsterdam (1995), Real Madrid (1998), AC Milan (2003, 2007). Huấn luyện viên giành nhiều cúp nhất với một câu lạc bộ: Bob Paisley, dẫn dắt Liverpool trong giai đoạn 1974-1983 với 3 lần được tận hưởng vinh quang kể trên (1977, 1978, 1981). Huấn luyện viên giành cúp 2 lần với 2 câu lạc bộ khác nhau: Carlo Ancelotti (AC Milan 2003, 2007, Real Madrid 2014), Ernst Happel (Feyenoord 1970, Hamburger SV 1983), Ottmar Hitzfeld (Borussia Dortmund 1997, Bayern Munich 2001, José Mourinho (F.C. Porto 2004, Inter Milan 2010) và Jupp Heynckes(Real Madrid 1998, Bayern Munich 2013). Cầu thủ già nhất giành cúp: Ferenc Puskás của Real Madrid, khi đã 39 tuổi 39 ngày vào ngày 11-5-1966. Cầu thủ trẻ nhất giành cúp: Gary Mills của Nottingham Forest, khi mới 18 tuổi 199 ngày vào ngày 28-5-1980. Hai đội Real Madrid và Atletico Madrid là 2 đội cùng thành phố (thủ đô Madrid, Tây Ban Nha) duy nhất vào chung kết (vào đến 2 lần) các năm 2014 và 2016. Và Real Madrid đều là đội vô địch ở 2 mùa giải trên. == Tham khảo == == Xem thêm == Cúp các đội nữ vô địch bóng đá quốc gia châu Âu Các mùa giải UEFA CHAMPIONS LEAGUE == Liên kết ngoài == UEFA CHAMPIONS LEAGUE RANKINGS AND MORE... Trang web chính thức về UEFA Champions League
19 tháng 6.txt
Ngày 19 tháng 6 là ngày thứ 170 (171 trong năm nhuận) trong lịch Gregory. Còn 195 ngày trong năm. == Sự kiện == 1097 – Cuộc vây hãm Nicaea: Quân Rûm đầu hàng dâng thành cho liên quân Đông La Mã và quân Thập tự. 1644 – Phúc vương Chu Do Tung đăng cơ hoàng đế tại Kim Lăng, lấy niên hiệu là Hoằng Quang, khởi đầu nhà Nam Minh. 1846 – Cuộc thi đấu bóng chày sử dụng luật hiện đại đầu tiên ghi nhận được diễn ra tại New Jersey, Hoa Kỳ. 1924 – Phạm Hồng Thái ném lựu đạn nhằm ám sát toàn quyền Đông Dương Martial Merlin tại tô giới Pháp ở Quảng Châu, Trung Quốc, sau đó tự vẫn tại Châu Giang. 1944 – Chiến tranh thế giới thứ hai: Trận chiến biển Philippines bắt đầu giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Nhật Bản. 1945 – Mao Trạch Đông được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông liên tục giữ chức vụ này cho đến khi từ trần. 1961 – Kuwait hoàn toàn độc lập khi chế độ bảo hộ của Anh Quốc kết thúc, sheikh Abdullah III Al-Salim Al-Sabah trở thành một emir. 1988 – Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh cho 117 nhân vật tử đạo Việt Nam, hành động này bị chính phủ Việt Nam phản đối. 2014 – Felipe VI trở thành Quốc vương Tây Ban Nha. == Ngày lễ và kỷ niệm == 1955 - Ngày thành lập Quân lực Việt Nam Cộng Hòa == Sinh == 1301 - Hoàng tử Morikuni, tướng quân (Shogun) Nhật (m. 1333) 1507 - Annibale Caro, nhà thơ Ý (m. 1566) 1566 - Vua James I của Anh, hay James VI của Scotland (m. 1625) 1606 - James Hamilton, Đệ nhất công tước Hamilton, chính khách người Scotland (m. 1649) 1623 - Blaise Pascal, nhà toán học và triết học Pháp (m. 1662) 1633 - Philipp van Limborch, nhà thần học Tin lành người Hà Lan (m. 1712) 1764 - José Gervasio Artigas, khai quốc công thần của Uruguay (m. 1850) 1792 - Gustav Schwab, tác gia người Đức (m. 1850) 1834 - Charles Spurgeon, nhà thuyết pháp người Anh (m. 1892) 1846 - Antonio Abetti, nhà thiên văn học người Ý (m. 1928) 1861 - Douglas Haig, chiến binh người Anh (m. 1928) 1861 - José Rizal, anh hùng dân tộc và nhà thơ người Philippines (m. 1896) 1865 - Dame May Whitty, nhà làm trò người Anh (m. 1948) 1896 - Wallis Simpson, nữ Công tước Windsor (m. 1986) 1897 - Cyril Norman Hinshelwood, nhà hóa học người Anh, người đạt giải Nobel (m. 1967) 1897 - Moe Howard, diễn viên và diễn viên hài kịch người Mỹ (m. 1975) 1898 - James Joseph Sweeney, giám mục Công giáo người Mỹ (m. 1968) 1902 - Guy Lombardo, trưởng ban nhạc người Canada (m. 1977) 1903 - Lou Gehrig, cầu thủ bóng chày (m. 1941) 1903 - Wally Hammond, cầu thủ cricket người Anh (m. 1965) 1906 - Ernst Boris Chain, nhà sinh hóa người Đức, đạt giải Nobel Sinh lý học hay Y học (m. 1979) 1910 - Paul Flory, nhà hóa học người Mỹ, giải Nobel hóa học (m. 1985) 1914 - Alan Cranston, nhà chính trị người Mỹ (m. 2000) 1915 - Julius Schwartz, chủ bút và nhà phát hành người Mỹ 1922 - Aage Niels Bohr, bác sĩ người Đan Mạch, giải Nobel 1928 - Nancy Marchand, nữ diễn viên người Mỹ (m. 2000) 1928 - Barry Took, nhà viết hài kịch và người hát trên đài người Anh (m. 2002) 1930 - Gena Rowlands, nữ diễn viên người Mỹ 1932 - Pier Angeli, nữ diễn viên người Ý (m. 1972) 1933 - Viktor Patsayev, nhà du hành vũ trụ 1938 - Wahoo McDaniel, vận động viên vật và cầu thủ bóng đá người Mỹ (m. 2002) 1945 - Aung San Suu Kyi, nhà chính trị người Miến Điện, nhận giải Nobel Hòa bình 1945 - Radovan Karadžić, nhà chính trị Serbia-Bosna 1947 - Salman Rushdie, tác gia người Ấn Độ 1948 - Phylicia Rashad, nữ diễn viên Mỹ 1948 - Nick Drake, tay chơi guitar người Anh 1951 - Ann Wilson, ca sĩ người Mỹ 1954 - Kathleen Turner, nữ diễn viên người Mỹ 1957 - Anna Lindh, chính khách Thụy Điển (m. 2003) 1960 - Luke Morley, tay chơi guitar và viết nhạc người Anh 1963 - Paula Abdul, ca sĩ người Mỹ 1962 - Jeremy Bates, vận động viên quần vợt người Anh 1963 - Rory Underwood, cầu thủ bóng bầu dục người Anh 1964 - Boris Johnson, chính khách và nhà báo người Anh 1966 - Joichi Ito, doanh nhân và nhà hoạt động xã hội người Nhật 1967 - Bjørn Dæhlie, vận động viên trượt tuyết người Na Uy 1968 - Alastair Lynch, cầu thủ bóng đá người Úc 1969 - Thanh Lam, danh ca nhạc nhẹ của Việt Nam 1970 - Quincy Watts, vận động viên điền kinh người Mỹ 1970 - Rahul Gandhi, chính khách người Ấn Độ 1970 - Brian Welch, tay chơi guitar người Mỹ (KoЯn) 1972 - Brian McBride, cầu thủ bóng bầu dục người Mỹ 1974 - Joshua John Fanene, nghệ sĩ người Mỹ 1976 - Bryan Hughes, cầu thủ bóng đá người Anh 1977 - Peter Warrick, cầu thủ bóng bầu dục người Mỹ 1978 - Dirk Nowitzki, cầu thủ bóng rổ người Đức 1982 - David Pollack, cầu thủ bóng bầu dục người Mỹ == Mất == 1747 - Alessandro Marcello, nhà soạn nhạc Ý (s. 1669) 1762 - Johann Ernst Eberlin, nhà soạn nhạc Đức (s. 1702) 1787 - Karl Friedrich Abel, nhà soạn nhạc Đức (s. 1723) 1800 - Abraham Gotthelf Kästner, nhà toán học Đức (s. 1719) 1924 - Phạm Hồng Thái, là một nhà hoạt động trong Phong trào Đông Du Việt Nam (s. 1896). == Tham khảo ==
symbian os.txt
Symbian là hệ điều hành được viết và sử dụng cho một số điện thoại di động. Symbian được sử dụng nhiều nhất bởi các điện thoại cao cấp của Nokia. Hãng này đã rất thành công với hệ điều hành này và có thời đã giúp Symbian trở thành hệ điều hành dành cho thiết bị di động phổ biến nhất thế giới. Tuy nhiên hiện nay(tính đến tháng 9/2012), Symbian đã đi vào giai đoạn thoái trào do không cạnh tranh nổi với các hệ điều hành mới tân tiến hơn như Ios, Android... Số người dùng càng ngày càng ít khiến thị phần Symbian thu hẹp và trở nên khiêm tốn so với các nền tảng khác. Đến ngày 25/1/2013, tập đoàn Nokia đã chính thức khai tử nền tảng Symbian sau khi hãng này "mua đứt" Symbian từ tháng 6/2008. Thiết bị cuối cùng chạy Symbian là Nokia 808 pureview. == Quá trình phát triển == Symbian được hỗ trợ nhiều nhất bởi hãng điện thoại Nokia. Hãng này đã tích hợp Symbian vào hầu hết điện thoại cao cấp của mình. Trong khoảng thời gian từ 2003-2007, Nokia và Symbian hết sức thành công với doanh số cao và Symbia được coi là biểu tượng cao cấp. Các điện thoại tiêu biểu phải kể đến Nokia 6600 và Nokia 7610. Ngoài Nokia, Sony Ericsson cũng có những model dùng Symbian rất được chú ý như P900, P910i. Các hãng khác như Samsung, Motorola cũng có một vài model sử dụng Symbian nhưng không thực sự thành công lắm. == Ưu và khuyết điểm == Ở thời kỳ hoàng kim thì Symbian được đánh giá là thân thiện, dễ sử dụng, thông minh, dễ tùy biến, nhiều ứng dụng... Tuy nhiên càng về sau, khi các hệ điều hành iOS của Apple và Android của Google phổ biến hơn thì Symbian đánh mất dần các lợi thế. Nó trở thành một hệ điều hành lạc hậu, trì trệ, kém chuyên nghiệp... Điểm yếu nhất của Symbian, ngay cả khi nó đang thịnh hành, là sự không tương thích giữa các phiên bản(phiên bản ra sau mới hơn lại không chạy được ứng dụng cho phiên bản trước), dẫn đến khó khăn cho các nhà phát triển phần mềm của hãng thứ 3, từ đó cũng khiến phần mềm dành cho Symbian tuy nhiều mà ít, vì cùng là Symbian nhưng lại không chạy được cùng một phần mềm. Chính vì vậy, các thiết bị mới ra của Symbian cũng được đón nhận dè dặt hơn, do người tiêu dùng lo ngại không kiếm được những ứng dụng yêu thích mà họ đang dùng trên thiết bị Symbian cũ. Đối với giới chuyên môn thì đó là cách phát triển nghiệp dư, thiếu tầm nhìn... và cũng là một trong những nguyên nhân hạ gục Symbian, khi các hệ điều hành cạnh tranh có tính tương thích ngược rất tốt. Một điểm nữa, là hầu hết các thiết bị chạy Symbian đều gắn với phiên bản hệ điều hành của nó vĩnh viễn, người dùng không thể nâng cấp hệ điều hành trên thiết bị cũ của mình lên phiên bản mới, việc đó càng khiến Symbian trở nên phân mảnh, thiếu thân thiện và bó buộc hơn. Những thiết bị Symbian cuối cùng đã khắc phục được nhược điểm đó nhưng lúc này Android và Ios đã trở nên quá phổ biến. Nhiều chuyên gia cho rằng Nokia và Symbian đã bỏ lỡ cơ hội của mình, khi không xây dựng một hệ sinh thái thực sự vững chắc xung quanh Symbian khi nó còn thống trị. Các thiết bị càng ra đời sau càng khó kiếm ứng dụng tiện ích do sự thay đổi và cải tổ trong lòng Symbian. Vô số ứng dụng cũ được viết trong thời kỳ hoàng kim không thể sử dụng được, và vì vậy chúng chẳng giúp ích gì cho các thiết bị mới. Mọi chuyện có lẽ sẽ khác nếu tất cả các thiết bị Symbian đều tương thích với nhau. == Các điện thoại dùng Symbian == Danh sách: === Nokia === Nokia 3650 Nokia 9210i Nokia 6600 Nokia 7650 Nokia 3660 Nokia 7700 Nokia 9500 Nokia 6260 Nokia 6288 Nokia 9300 Nokia 6670 Nokia 6680 Nokia 6681 Nokia 5230 Nokia 5233 Nokia 5235 Nokia N90 Nokia N70 Nokia 3250 Nokia N71 Nokia N72 Nokia N73 Nokia N73 Music Edition Nokia N8 Nokia N91 Nokia N91 8GB Nokia N92 Nokia N93 Nokia 9300i Nokia E61 Nokia E50 Nokia E60 Nokia E61i Nokia E65 Nokia E7 Nokia 8800 Sirocco Edition Nokia 5500 Sport Nokia 3250 Xpress Music Nokia N77 Nokia N78 Nokia E7 Nokia E90 Communicator Nokia N70 Music Edition Nokia N8 Nokia N81 8GB Nokia N95 Nokia N95 8GB Nokia N96 Nokia N97 Nokia 7610 Nokia 5610 Xpress Music Nokia 5800 XpressMusic Nokia 5800 Navigation Nokia C2-03 Nokia C5-00 Nokia C5-03 Nokia C5-06 Nokia X6-00 Nokia X7 Nokia 6120c Nokia 5130-c Nokia E63 Nokia E66 Nokia PureView 808 === Sony Ericsson === P900 == Tham khảo == == Liên kết ngoài == Trang chủ
6 tháng 11.txt
Ngày 6 tháng 11 là ngày thứ 310 (311 trong năm nhuận) trong lịch Gregory. Còn 55 ngày trong năm. == Sự kiện == 409 – Thanh Hà vương Thác Bạt Thiệu sát hại cha là Bắc Ngụy Đạo Vũ Đế để cứu mẹ là Hạ Lan phu nhân, hoàng vị Bắc Ngụy về tay Thác Bạt Tự. 1860 – Abraham Lincoln trở thành ứng cử viên đầu tiên của Đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. 1865 – Nhiều tháng sau trận Appomattox Courthouse và gần như kết thúc nội chiến Hoa Kỳ, tàu CSS Shenandoah trở thành đơn vị chiến đấu cuối cùng của Liên minh đầu hàng Liên bang sau khi tham gia một hành trình trên thế giới mà có tàu bị chìm và 38 tàu bị bắt. 1869 – Trong trận bóng bầu dục Mỹ chính thức đầu tiên, Rutgers College đánh bại College of New Jersey, 6–4, ở New Brunswick, New Jersey, Hoa Kỳ. 1935 – Nguyên mẫu Chiến đấu cơ Hawker Hurricane của Anh Quốc tiến hành chuyến bay đầu tiên. 1962 – Apartheid: Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết 1761 chỉ trích chính sách kỳ thị chủng tộc của Nam Phi và kêu gọi toàn bộ các thành viên Liên Hiệp Quốc ngưng các quan hệ quân sự và kinh tế với quốc gia này. 1963 – Chiến tranh Việt Nam: sau vụ đảo chính ngày 1 tháng 11 và hành quyết Ngô Đình Diệm, tướng chỉ huy đảo chính Dương Văn Minh lên nắm quyền lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa. 1965 – Cuba và Hoa Kỳ chính thức đồng ý không vận những người Cuba muốn đến Hoa Kỳ. Cho đến năm 1971, đã có 250.000 người Cuba đi theo chương trình này. == Sinh == 1391 - Edmund de Mortimer, chính khách (m. 1425) 1479 - Nữ hoàng Joanna Castile của Tây Ban Nha (m. 1555) 1494 - Suleiman Cao quý, hoàng đế Ottoman (m. 1566) 1550 - Nữ hoàng Karin Månsdotter của Thụy Điển (m. 1612) 1661 - Vua Charles II của Tây Ban Nha (m. 1700) 1692 - Louis Racine, nhà thơ Pháp (m. 1763) 1753 - Mikhail Kozlovsky, Nga điêu khắc (m. 1802) 1753 - Jean-Baptiste Breval, nhà soạn nhạc Pháp (m. 1823) 1814 - Adolphe Sax, nhà phát minh Bỉ (m. 1894) 1833 - Jonas Lie, tác gia Na Uy (m. 1908) 1835 - Cesare Lombroso, bác sĩ tâm thần và tội phạm Ý (m. 1909) 1841 - Nelson W. Aldrich, chính khách Mỹ (m. 1915) 1841 - Armand Fallières, Tổng thống Pháp (m. 1931) 1990 - Ngô Diệc Phàm, ca sĩ, người mẫu, diễn viên, vũ công người Trung Quốc == Mất == 1925 - Khải Định (Nguyễn Hoằng Tông) (s. 1885) == Những ngày lễ và kỷ niệm == == Tham khảo ==
hãng sản xuất hàng không vũ trụ.txt
Hãng sản xuất hàng không vũ trụ là một công ty hoặc hay cá nhân liên quan trong những khía cạnh khách nhau của việc thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, tiêu thụ, và bảo dưỡng máy bay, bộ phận máy bay, đạn tự hành, tên lửa, và/hoặc tàu vũ trụ. Tại Châu Âu, những công ty hàng không vũ trụ như EADS, BAE Systems, Thales, Dassault, Saab và Finmeccanica thường dành những khoản đầu tư lớn vào nỗ lực nghiên cứu và ngành công nghiệp hàng không vụ trụ toàn cầu, với Cơ quan Không gian châu Âu là một trong số những khách hàng lớn của công nghệ và sản phẩm hàng không vũ trụ. Ở Ấn Độ, Bangalore là một trung tâm chính của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của nước này, đây là nơi các công ty lớn của Ấn Độ trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ đặt trụ sở như Hindustan Aeronautics Limited, National Aerospace Laboratories và Indian Space Research Organisation Ở Nga, những công ty hàng không vũ trụ lớn như Oboronprom và Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (bao gồm Mikoyan, Sukhoi, Ilyushin, Tupolev, Yakovlev, Irkut và Beriev) là một trong số những hãng chế tạo, sản xuất sản phẩm hàng không vũ trụ lớn trên thế giới trong ngành công nghiệp này. Tại Mỹ, Bộ quốc phòng và NASA là hai khách hàng lớn của các công ty trong ngành kỹ nghệ và sản phẩm hàng không vũ trụ. Văn phòng Thống kê Lao động của Hoa Kỳ thống kê rằng ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của nước này tạo ra tới 444.000 chỗ làm vào năm 2004. Hầu hết các công việc đều tại Washington và California. Những công ty dẫn đầu như Boeing, United Technologies Corporation và Lockheed Martin Corp. là một trong số những hãng sản xuất hàng không vũ trụ nổi tiếng trên thế giới. Những địa điểm chính đặt các cơ sở sản xuất của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ dân dụng trên thế giới là Seattle ở Mỹ (Boeing), Montreal ở Canada (Bombardier), Toulouse ở Pháp và Hamburg ở Đức (của cả Airbus/EADS), tây bắc nước Anh và Bristol ở Vương quốc Anh (BAE Systems, Airbus và AgustaWestland), cũng như São José dos Campos ở Brazil nơi Embraer đặt nhà máy. == Các công ty hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới == === Nga === Oboronprom Sukhoi Mikoyan Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất === châu Âu === EADS BAE Systems Thales Dassault Saab Finmeccanica === Hoa Kỳ === Đến tháng 6-2005, những công ty hàng không vũ trụ hàng đầu của Mỹ do Aviation Week & Space Technology xếp hạng bao gồm: United Technologies Corporation General Dynamics Corp. L-3 Communications Honeywell International Inc. Parker Hannifin Computer Sciences Corp. Thales Group (U.S. branch) Lockheed Martin Corp. Northrop Grumman Corp. Boeing == Xem thêm == Không gian vũ trụ Danh sách các hãng sản xuất máy bay Danh sách các tai nạn máy bay Danh sách các hãng sản xuất tên lửa Danh sách các hãng sản xuất tàu vũ trụ == Tham khảo == == Liên kết ngoài == Aerospace Industries Association
chùa trấn quốc.txt
Chùa Trấn Quốc (鎭國寺) nằm trên một hòn đảo phía Đông Hồ Tây (quận Tây Hồ), chùa có lịch sử 1500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long - Hà Nội. Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hoà giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mang. Là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và thời Trần. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử và khách tham quan, du lịch trong ngoài Việt Nam. == Lịch sử == Theo Từ điển di tích văn hóa Việt Nam (Hà Nội, 1993), thì chùa Trấn Quốc nguyên là chùa Khai Quốc, dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, 541-547), tại thôn Y Hoa, gần bờ sông Hồng. Đến đời Lê Trung Hưng (1615), chùa được dời vào trong đê Yên Phụ, dựng trên nền cũ cung Thúy Hoa (thời nhà Lý) và điện Hàn Nguyên (thời nhà Trần). Trong các năm 1624, 1628 và 1639, chùa tiếp tục được trùng tu, mở rộng. Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính đã soạn bài văn bia dựng ở chùa vào năm 1639 về công việc tôn tạo này. Đầu đời nhà Nguyễn, chùa lại được trùng tu, đúc chuông, đắp tượng. Năm 1821, vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa. Năm 1842, vua Thiệu Trị đến thăm chùa, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, cho đổi tên chùa là Trấn Bắc. Nhưng tên chùa Trấn Quốc có từ đời vua Lê Hy Tông đã được nhân dân quen gọi cho đến ngày nay. == Cảnh quan và kiến trúc == Chùa Trấn Quốc toạ lạc trên một hòn đảo duy nhất của một hồ nước ngọt lớn nhất ở Hà Nội. Vào thời Hai Bà Trưng (40 - 43), khu vực xung quanh Hồ Tây dân cư rất thưa thớt, có các hang động vừa và nhỏ và rừng cây bao phủ, trong rừng còn có cả một số loài thú quý hiếm sinh tồn. Cùng trải qua thời gian hàng nghìn năm tồn tại của ngôi chùa, cảnh quan nơi đây bây giờ được đổi khác hoàn toàn. Bờ hồ có đường lớn bao quanh, những ngôi nhà biệt thự và công trình hiện đại hình thành... Một mặt thể hiện sự hoàn thiện tổng thể kiến trúc của thành phố, nhưng mặt khác vô tình phá vỡ cảnh quan lịch sử và tâm linh trong quan niệm sống của số dân cư bản địa. Phía trên cửa chùa có ghi ba chữ Phương Tiện môn và câu đối hai bên viết bằng chữ Nôm: Vang tai xe ngựa qua đường tục/ Mở mặt non sông đứng cửa thiền Giống hầu hết những ngôi chùa khác ở Việt Nam, kết cấu và nội thất chùa Trấn Quốc có sự sắp xếp trình tự và theo nguyên tắc khắt khe của Phật giáo. Gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công (工). Tiền đường hướng về phía Tây. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông chùa là một ngôi ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia. Trong chùa hiện nay đang lưu giữ 14 tấm bia. Trên bia khắc năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích ghi lại việc tu sửa lại chùa sau một thời gian dài đổ nát. Công việc này bắt đầu vào năm 1813 và kết thúc vào năm 1815. Phía sau chùa có một số mộ tháp cổ từ đời Vĩnh Hựu và Cảnh Hưng (thế kỉ 18). Khuôn viên chùa có Bảo tháp lục độ đài sen được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý. Bảo tháp này được dựng đối xứng với cây bồ đề lớn do Tổng thống Ấn Độ tặng khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959. Thượng toạ Thích Thanh Nhã, Uỷ viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Trấn Quốc, đã giải thích sự đối xứng đó là: "Hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp". Chùa được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia vào năm 1989. Tuy nhiên, do nhiều lần trùng tu, sửa chữa nên kiến trúc chùa đã không khỏi bị pha tạp phong cách kiến trúc của các thời kỳ: Trong các năm 1624, 1628 và 1639 (thời Chúa Trịnh), chùa được trùng tu, mở rộng. Trải qua thời Tây Sơn, trong bối cảnh tranh chấp quyền lực cuối thời Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam ngôi chùa bị rơi vào cảnh hoang phế, khi đó cư dân địa phương đã xin được tu sửa lại chùa. Lần trùng tu lớn nhất là vào năm Ất Hợi, niên hiệu Gia Long 14 (trên văn bia Tái tạo Trấn Quốc tự bi do Tiến sĩ khoa 1779 Phạm Lập Trai soạn văn) . Năm 2010, tu bổ để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ 6 tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11/2010. Dự toán kinh phí của đợt tu bổ này là 15 tỷ đồng . Trong văn bia "Tái tạo Trấn Quốc tự bi" do Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi năm Cảnh Hưng thứ 40 soạn, đã ca ngợi: "Đứng trên cao ngắm cảnh chùa, mây lồng đáy nước, mặt hồ ánh xanh xanh khiến du khách lâng lâng. Tiếng chuông chùa gọi ai tỉnh mộng trần tục..." == Các đời trụ trì == Thiền Sư Vân phong Tăng Thống Khuông Việt Quốc Sư Thảo Đường Thiền Sư Thông Biện Thiền sư Viên Học Thiền sư Tịnh Không Thiền Sư Giác Qúan Thiền Sư Qủang tế Thiền Sư Tịnh trí Giác Khoan (dòng Tào Động) Hoà ThượngKim Cương tử Hoà thượng Thích thanh Nhã == Các khách thăm đặc biệt == Dưới triều vua Lý Nhân Tông, Thái hậu Ỷ Lan đã nhiều lần đến chùa cùng các vị cao tăng để đàm đạo. Năm Kỷ Mão (1639) chúa Trịnh cho sửa và trồng sen quanh chùa, biến nơi thờ cúng thành hành cung riêng của nhà Chúa. Năm 1821, Vua Minh Mạng đến thăm, ban 20 lạng bạc để tu sửa chùa. Năm 1842, Vua Thiệu Trị đến thăm chùa, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền để tu sửa chùa. Ngày 24 tháng 3 năm 1959, Tổng thống Ấn Độ Ragiăng Đờ Ra Brusat đến thăm chùa và tặng cây bồ đề trồng trước cửa tòa Tam bảo . Ngày 28 tháng 11 năm 2008, Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil đến thắp hương và tham quan nhân dịp trong chuyến công du Việt Nam . Ngày 31 tháng 10 năm 2010, Tổng thống LB Nga Dmitry Medvedev đến tham quan trong dịp đến Hà Nội dự Hội nghị Cấp cao không thường niên ASEAN - LB Nga lần thứ hai . == Hình ảnh chùa Trấn Quốc == == Xem thêm == Danh sách chùa Hà Nội Phật giáo Việt Nam Phật giáo Tiểu thừa Phật giáo Đại thừa == Chú thích == == Liên kết ngoài ==
celestus adercus.txt
Celestus adercus là một loài thằn lằn trong họ Anguidae. Loài này được Savage, Lips & Ibanez mô tả khoa học đầu tiên năm 2008. == Chú thích == == Tham khảo == Dữ liệu liên quan tới Celestus adercus tại Wikispecies
8 tháng 12.txt
Ngày 8 tháng 12 là ngày thứ 342 (343 trong năm nhuận) trong lịch Gregory. Còn 23 ngày trong năm. == Sự kiện == 395 – Trong trận Tham Hợp Pha, quân Hậu Yên thất bại nặng nề trước quân của nước chư hầu cũ là Bắc Ngụy. 757 – Sau một thời gian lánh nạn loạn An Sử, Đỗ Phủ trở về kinh thành Trường An để làm quan trong triều đình của Đường Huyền Tông. 1907 – Quốc vương Gustaf V bắt đầu cai trị Thụy Điển. 1914 – Chiến tranh thế giới thứ nhất: Hải quân Anh giành thắng lợi trước Hải quân Đức khi giao chiến tại quần đảo Falkland tại Nam Đại Tây Dương. 1941 – Chiến tranh thế giới thứ hai: Các lực lượng quân sự Nhật Bản đồng thời tiến hành xâm nhập Mã Lai, Thái Lan, Hồng Kông, và Đông Ấn Hà Lan 1974 – Đa số cử tri Hy Lạp bỏ phiếu tán thành việc bãi bỏ chế độ quân chủ tại quốc gia. 1980 – John Lennon, cựu thành viên của The Beatles, bị Mark David Chapman ám sát ở sảnh của tòa nhà The Dakota tại thành phố New York, Hoa Kỳ. 1991 – Các lãnh đạo của Belarus, Nga và Ukraina ký Hiệp ước Belovezh, đồng ý giải thể Liên Xô và thành lập Cộng đồng các Quốc gia Độc lập. == Sinh == 65 TCN – Horace, nhà thơ La Mã (m. 8 BC) 944 – Phạm Cự Lượng, danh tướng thời Đinh – Tiền Lê tại Việt Nam, tức 20 tháng 11 năm Giáp Dần (m. 984) 1542 – Mary Stuart, nữ vương của Scotland (m. 1587) 1832 – Bjørnstjerne Bjørnson, tác gia người Na Uy, đoạt giải thưởng Nobel (m. 1910) 1861 – Aristide Maillol, nhà điêu khắc người Pháp (m. 1944) 1865 – Jean Sibelius, nhà soạn nhạc người Phần Lan (m. 1957) 1900 – Tôn Lập Nhân, tướng lĩnh người Trung Quốc (m. 1990) 1943 – Jim Morrison, ca sĩ người Mỹ (m. 1971) 1947 – Thomas Cech, nhà hóa học người Mỹ, đoạt giải Nobel 1953 – Kim Basinger, nữ diễn viên người Mỹ 1957 – Mikhail Kasyanov, chính trị gia người Nga 1964 – Teri Hatcher, nữ diễn viên người Mỹ 1965 – Lưu Gia Linh, diễn viên người Hồng Kông 1968 – Đặng Văn Địch, hay Wendi Deng Murdoch, doanh nhân người Mỹ gốc Hoa, kết hôn với Rupert Murdoch 1978 – Ian Somerhalder, diễn viên người Mỹ 1979 – Lâm Phong, diễn vên và ca sĩ người Hồng Kông 1981 – Azra Akin, người mẫu và diễn viên người Thổ Nhĩ Kỳ sinh tại Hà Lan, Hoa hậu Thế giới 2002. 1982 – Halil Altıntop, cầu thủ bóng đá người Thổ Nhĩ Kỳ 1982 – Hamit Altıntop, cầu thủ bóng đá người Thổ Nhĩ Kỳ 1982 – Nicki Minaj, ca sĩ người Mỹ sinh tại Trinidad và Tobago 1986 - Gray, ca sĩ, rapper và nhà sản xuất nhạc người Hàn Quốc 1993 – AnnaSophia Robb, nữ diễn viên, ca sĩ người Mỹ 1994 – Raheem Sterling, cầu thủ bóng đá người Anh gốc Jamaica 1995 - Hoàng Yến Chibi, ca sĩ người Việt Nam == Mất == 899 – Arnulf của Kärnten, quốc vương Ý, hoàng đế của La Mã Thần thánh (s. 850) 1745 – Étienne Fourmont, nhà Đông phương học người Pháp (s. 1683) 1830 – Benjamin Constant, nhà văn Thụy Sĩ (s. 1767) 1864 – George Boole, nhà toán học và triết gia người Anh (s. 1815) 1869 – Narcisa de Jesús, người Ecuador được phong thánh (s. 1832) 1894 – Pafnuty Lvovich Chebyshev, nhà toán học người Nga, tức 26 tháng 11 theo lịch Julius (s. 1821) 1903 – Herbert Spencer, triết gia người Anh (s. 1820) 1907 – Oscar II, quốc vương của Thụy Điển (s. 1829) 1933 – Yamamoto Gonnohyoe, sĩ quan và chính khách người Nhật Bản, Thủ tướng thứ 8 của Nhật Bản (s. 1852) 1955 – Hermann Weyl, nhà toán học người Đức (s. 1885) 1978 – Golda Meir, chính trị gia người Israel sinh tại Đế quốc Nga, Thủ tướng Israel (s. 1898) 1980 – John Lennon, ca sĩ, nhạc sĩ và nhà hoạt động hòa bình người Anh (s. 1940) 2013 – Phạm Đức Dương, nhà ngôn ngữ học người Việt Nam (s. 1930) == Ngày lễ và kỷ niệm == Ngày Hiến pháp tại Romania và Uzbekistan. Ngày Thích Ca thành đạo (Phật giáo Nhật Bản) (Rōhatsu, 臘八) Ngày Hari-Kuyō tại Kansai và Kyoto, Nhật Bản. Ngày của Mẹ tại Panama. Ngày Âm nhạc tại Phần Lan (tương ứng với ngày sinh của Nhà soạn nhạc Jean Sibelius) == Tham khảo ==
huỳnh phúc hiệp.txt
Huỳnh Phúc Hiệp (sinh ngày 12 tháng 4 năm 1988 tại Gò Công, Tiền Giang) là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Việt Nam. Anh có một tuổi thơ cơ cực, đến năm 12 tuổi mới được đi học lớp 1, sau khi được tuyển vào lớp năng khiếu do Sở TDTT Tiền Giang đào tạo. Cùng với Cùng với Nguyễn Thành Long Giang, Võ Nhật Tân...anh đã góp công lớn giúp Tiền Giang vô địch giải U-21 Quốc gia năm 2006. Năm 2008, Phúc Hiệp nhận lời đầu quân cho SHB Đà Nẵng và có chức vô địch U21 QG thứ 2 trong sự nghiệp. Bản thân Hiệp cũng được bầu là “Cầu thủ xuất sắc nhất” ở giải này. Tiền đạo này từng chơi cho đội Olympic Việt Nam tham dự vòng loại Olympic Bắc Kinh và đội tuyển Việt Nam dự Asian Cup 2007. == Thành tích == == Tham khảo == == Liên kết ngoài == Liên đoàn bóng đá Việt Nam
socotra.txt
Quần đảo Socotra nằm ở phía tây bắc Ấn Độ Dương, gần vịnh Aden, dài 250 km bao gồm 4 hòn đảo chính và 2 đảo đá. Quần đảo có tầm quan trọng vì tính đa dạng sinh học của nó, với hệ động thực vật phong phú và khác biệt, bao gồm: 37% số loài thực vật tương ứng 825 loài, 90% số bò sát và 95% số loài ốc ở Socotra không có ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Nơi đây cũng là nơi trú ngụ của 192 loài chim, trong đó còn có một số loại đang bị đe dọa. Sinh vật biển ở Socotra cũng rất đa dạng, với 253 loài san hô, 730 loài cá và 300 loài cua, tôm. Socotra là một trong những nơi quan trọng, đa dạng sinh học và khác biệt nhất trên thế giới. Chính vì cậy, nó được mệnh danh là Galapagos của Ấn Độ Dương. Năm 2008, quần đảo Socotra được đưa vào danh sách di sản thiên nhiên thế giới Đảo chính Socotra có diện tích 3607 km2 và đứng thứ 149 trên thế giới == Tham khảo == Phương tiện liên quan tới Socotra tại Wikimedia Commons Bản mẫu:Di sản thế giới tại Yemen
ram.txt
RAM (viết tắt từ Random Access Memory trong tiếng Anh) là một loại bộ nhớ khả biến cho phép truy xuất đọc-ghi ngẫu nhiên đến bất kỳ vị trí nào trong bộ nhớ dựa theo địa chỉ ô nhớ. Thông tin lưu trên RAM chỉ là tạm thời, chúng sẽ mất đi khi mất nguồn điện cung cấp. RAM là bộ nhớ chính của máy tính và các hệ thống điều khiển, để lưu trữ các thông tin thay đổi đang sử dụng. Các hệ thống điều khiển còn sử dụng SRAM như làm một thiết bị lưu trữ thứ cấp (secondary storage). Khi cần thiết thì bố trí một pin nhỏ làm nguồn điện phụ để duy trì dữ liệu trong RAM. RAM có đặc tính: thời gian thực hiện thao tác đọc hoặc ghi đối với mỗi ô nhớ là như nhau, cho dù đang ở bất kỳ vị trí nào trong bộ nhớ. Mỗi ô nhớ của RAM đều có một địa chỉ. Thông thường, mỗi ô nhớ là một byte (8 bit); tuy nhiên hệ thống lại có thể đọc ra hay ghi vào nhiều byte (2, 4, 8 byte) một lúc. RAM khác biệt với các thiết bị bộ nhớ tuần tự (sequential memory device) chẳng hạn như các băng từ, CD-RW, DVD-RW, Ổ đĩa cứng, trong đó bắt buộc phải tìm đến sector và đọc/ghi cả khối dữ liệu ở đó để truy xuất. RAM là thuật ngữ phân biệt tương đối theo ý nghĩa sử dụng, với các chip nhớ truy xuất ngẫu nhiên là EEPROM (read-only memory) cấm hoặc hạn chế chiều ghi, và Bộ nhớ flash được phép đọc/ghi. == Lịch sử == Chip RAM có mặt trên thị trường hồi cuối những năm 1960, với sản phẩm DRAM là Intel 1103 công bố vào tháng 10 năm 1970. Những chiếc laptop thế hệ đầu được sản xuất vào cuối những năm thập niên 90 được tích hợp bên trong chúng là RAM SDR với tốc độ khá chậm và bộ nhớ rất ít. Hiện nay khó có thể còn được gặp loại RAM này nữa. Để cải thiện vấn đề tốc độ cũng như bộ nhớ của SDR người ta bắt đầu nghiên cứu và sản xuất thế hệ RAM tiếp theo vào đầu những năm 2000 với tên gọi mới là DDR, đây cũng là nền móng cho các loại RAM hiện đại sau này. Tuy vậy tốc độ của RAM thế hệ này vẫn còn là rất chậm. Được sử dụng rộng rãi trên các Laptop từ đầu những năm 2000 đến cuối 2004. DDR SDRAM (Double Data Rate SDRAM), thường được giới chuyên môn gọi tắt là "DDR". DDR SDRAM là cải tiến của bộ nhớ SDR với tốc độ truyền tải gấp đôi SDR nhờ vào việc truyền tải hai lần trong một chu kỳ bộ nhớ. Vào các năm tiếp theo, với sự xuất hiện của các thế hệ máy tính mới hơn, đi kèm với các hệ điều hành có giao diện thân thiện hơn với người dùng, một trong số đó là Windows XP ra đời 2003. Với sự xuất hiện của các giao diện “màu mè” và “mượt mà” hơn so với thế hệ trước do đó RAM cũng đòi hỏi nhanh hơn và có bộ nhớ lớn hơn. DDR dường như đã quá sức sau khoảng vài năm phục vụ, vì thế người ta nghĩ đến việc thay thế nó bằng thế hệ tiếp theo DDR2 có tốc độ nhanh hơn và bộ nhớ lớn hơn khá nhiều, đồng thời cũng tiết kiệm năng lượng hơn so với DDR. Hiện tại còn có thể tìm thấy DDR2 với bộ nhớ đến 4GB. RAM DDR2 được sử khá nhiều chúng xuất hiện trên các dòng Laptop sản xuất từ cuối năm 2003 đến cuối năm 2009. Vào năm 2007 cùng với sự ra đời của thế hệ HĐH mới như Windows Vista, Mac OS X Leopard người ta bắt đầu sản xuất thế hệ RAM tiếp theo của DDR2 là DDR3 với tốc độ rất nhanh và bộ nhớ lớn đồng thời tiết kiệm năng lượng hơn 30% so với thế hệ DDR2. Đây cũng là loại RAM được sử dụng rộng rãi, phổ biến trên Laptop hiện nay với bộ nhớ lớn lên đến 16GB/thanh. Tuy xuất hiện sớm nhưng mãi đến cuối năm 2009 thì DDR3 mới bắt đầu xuất hiện rộng rãi trên Laptop. Bên cạnh sự xuất hiện của DDR3 người ta còn thấy DDR3L. Đây là kết quả hợp tác của Kingston và Intel trong việc phát triển dòng bộ nhớ tiết kiệm điện năng. Chữ L ở đây có nghĩa là Low ám chỉ đây là loại RAM DDR3 nhưng sử dụng ít năng lượng hơn. Loại RAM này thường được sản xuất cho các thiết bị cụ thể vì chúng sử dụng điện thế 1,35V thay vì 1.5V như các loại RAM thông thường. Đây là loại RAM đặc biệt được thiết kế cho các hệ thống máy chủ, các trung tâm dữ liệu và trên một số dòng LAPTOP cao cấp nhằm tăng thời gian sử dụng PIN. Khi RAM DDR3 vừa tròn 8 năm tuổi đời thì DDR4 cũng rục rịch ra mắt. Những thay đổi đáng chú ý nhất của DDR4 so với người tiền nhiệm DDR3 gồm: gia tăng số tuỳ chọn xung nhịp (clock) và chu kỳ (timing), giảm điện năng tiêu thụ (power saving) và giảm độ trễ (latency). Hiện tại, DDR3 đang được giới hạn chủ yếu ở 4 mức xung nhịp 1333, 1600, 1866 MHz. Mức 2133 MHz đang là mức giới hạn xung nhịp về lý thuyết cho DDR3, trong khi các mức 800 MHz và 1066 MHz giờ đã không còn được tiếp tục sản xuất. == Đặc trưng == Bộ nhớ RAM có 4 đặc trưng sau: Dung lượng bộ nhớ: Tổng số byte của bộ nhớ (nếu tính theo byte) hoặc là tổng số bit trong bộ nhớ nếu tính theo bit. Tổ chức bộ nhớ: Số ô nhớ và số bit cho mỗi ô nhớ Thời gian thâm nhập: Thời gian từ lúc đưa ra địa chỉ của ô nhớ đến lúc đọc được nội dung của ô nhớ đó. Chu kỳ bộ nhớ: Thời gian giữa hai lần liên tiếp thâm nhập bộ nhớ. == Mục đích == Máy vi tính sử dụng RAM để lưu trữ mã chương trình và dữ liệu trong suốt quá trình thực thi. Đặc trưng tiêu biểu của RAM là có thể truy cập vào những vị trí khác nhau trong bộ nhớ và hoàn tất trong khoảng thời gian tương tự, ngược lại với một số kỹ thuật khác, đòi hỏi phải có một khoảng thời gian trì hoãn nhất định. == Phân loại RAM == Tùy theo công nghệ chế tạo của các nước trên thế giới, được chia làm 2 loại. === RAM tĩnh === RAM tĩnh được chế tạo theo công nghệ ECL (dùng trong CMOS và BiCMOS). Mỗi bit nhớ gồm có các cổng logic với 6 transistor MOS. SRAM là bộ nhớ nhanh, việc đọc không làm hủy nội dung của ô nhớ và thời gian thâm nhập bằng chu kỳ của bộ nhớ. nhưng sram là một nơi lưu trữ các tập tin của CMOS dùng cho việc khởi động máy === RAM động === RAM động dùng kỹ thuật MOS. Mỗi bit nhớ gồm một transistor và một tụ điện. Việc ghi nhớ dữ liệu dựa vào việc duy trì điện tích nạp vào tụ điện và như vậy việc đọc một bit nhớ làm nội dung bit này bị hủy. Do vậy sau mỗi lần đọc một ô nhớ, bộ phận điều khiển bộ nhớ phải viết lại nội dung ô nhớ đó. Chu kỳ bộ nhớ cũng theo đó mà ít nhất là gấp đôi thời gian thâm nhập ô nhớ. Việc lưu giữ thông tin trong bit nhớ chỉ là tạm thời vì tụ điện sẽ phóng hết điện tích đã nạp và như vậy phải làm tươi bộ nhớ sau khoảng thời gian 2μs. Việc làm tươi được thực hiện với tất cả các ô nhớ trong bộ nhớ. Công việc này được thực hiện tự động bởi một vi mạch bộ nhớ. Bộ nhớ DRAM chậm nhưng rẻ tiền hơn SRAM. ==== Các loại DRAM ==== SDRAM (Viết tắt từ Synchronous Dynamic RAM) được gọi là DRAM đồng bộ. SDRAM gồm 3 phân loại: SDR, DDR, DDR2,DDR3 và DDR4 * SDR SDRAM (Single Data Rate SDRAM), thường được giới chuyên môn gọi tắt là "SDR". Có 168 chân. Được dùng trong các máy vi tính cũ, bus speed chạy cùng vận tốc với clock speed của memory chip, nay đã lỗi thời. * DDR SDRAM (Double Data Rate SDRAM), thường được giới chuyên môn gọi tắt là "DDR". Có 184 chân. DDR SDRAM là cải tiến của bộ nhớ SDR với tốc độ truyền tải gấp đôi SDR nhờ vào việc truyền tải hai lần trong một chu kỳ bộ nhớ. Đã được thay thế bởi DDR2. * DDR2 SDRAM (Double Data Rate 2 SDRAM), Thường được giới chuyên môn gọi tắt là "DDR2". Là thế hệ thứ hai của DDR với 240 chân, lợi thế lớn nhất của nó so với DDR là có bus speed cao gấp đôi clock speed. * DDR3 SDRAM (Double Data Rate III SDRAM): có tốc độ bus 800/1066/1333/1600 Mhz, số bit dữ liệu là 64, điện thế là 1.5v, tổng số pin là 240. RDRAM (Viết tắt từ Rambus Dynamic RAM), thường được giới chuyên môn gọi tắt là "Rambus". Đây là một loại DRAM được thiết kế kỹ thuật hoàn toàn mới so với kỹ thuật SDRAM. RDRAM hoạt động đồng bộ theo một hệ thống lặp và truyền dữ liệu theo một hướng. Một kênh bộ nhớ RDRAM có thể hỗ trợ đến 32 chip DRAM. Mỗi chip được ghép nối tuần tự trên một module gọi là RIMM (Rambus Inline Memory Module) nhưng việc truyền dữ liệu được thực hiện giữa các mạch điều khiển và từng chip riêng biệt chứ không truyền giữa các chip với nhau. Bus bộ nhớ RDRAM là đường dẫn liên tục đi qua các chip và module trên bus, mỗi module có các chân vào và ra trên các đầu đối diện. Do đó, nếu các khe cắm không chứa RIMM sẽ phải gắn một module liên tục để đảm bảo đường truyền được nối liền. Tốc độ Rambus đạt từ 400-800 MHz. Rambus tuy không nhanh hơn SDRAM là bao nhưng lại đắt hơn rất nhiều nên có rất ít người dùng. RDRAM phải cắm thành cặp và ở những khe trống phải cắm những thanh RAM giả (còn gọi là C-RIMM) cho đủ. == Các thông số của RAM == Được phân loại theo chuẩn của JEDEC. === Dung lượng === Dung lượng RAM được tính bằng MB và GB, thông thường RAM được thiết kế với các dung lượng 8, 16, 32, 64, 128, 256, 512 MB, 1 GB, 2 GB... Dung lượng của RAM càng lớn càng tốt cho hệ thống, tuy nhiên không phải tất cả các hệ thống phần cứng và hệ điều hành đều hỗ trợ các loại RAM có dung lượng lớn, một số hệ thống phần cứng của máy tính cá nhân chỉ hỗ trợ đến tối đa 4 GB và một số hệ điều hành (như phiên bản 32 bit của Windows XP) chỉ hỗ trợ đến 3,2 GB. === BUS === SDR SDRAM được phân loại theo bus speed như sau: PC-66: 66 MHz bus. PC-100: 100 MHz bus. PC-133: 133 MHz bus. DDR SDRAM được phân loại theo bus speed và bandwidth như sau: DDR-200: Còn được gọi là PC-1600. 100 MHz bus với 1600 MB/s bandwidth. DDR-266: Còn được gọi là PC-2100. 133 MHz bus với 2100 MB/s bandwidth. DDR-333: Còn được gọi là PC-2700. 166 MHz bus với 2667 MB/s bandwidth. DDR-400: Còn được gọi là PC-3200. 200 MHz bus với 3200 MB/s bandwidth. DDR2 SDRAM được phân loại theo bus speed và bandwidth như sau: DDR2-400: Còn được gọi là PC2-3200. 100 MHz clock, 200 MHz bus với 3200 MB/s bandwidth. DDR2-533: Còn được gọi là PC2-4200. 133 MHz clock, 266 MHz bus với 4267 MB/s bandwidth. DDR2-667: Còn được gọi là PC2-5300. 166 MHz clock, 333 MHz bus với 5333 MB/s bandwidth. DDR2-800: Còn được gọi là PC2-6400. 200 MHz clock, 400 MHz bus với 6400 MB/s bandwidth DDR3 SDRAM được phân loại theo bus speed như sau: DDR3-1066: Còn được gọi là PC3-8500. 533 MHz clock, 1066 MHz bus với 8528 MB/s bandwidth DDR3-1333: Còn được gọi là PC3-10600. 667 MHz clock, 1333 MHz bus với 10664 MB/s bandwidth DDR3-1600: Còn được gọi là PC3-12800. 800 MHz clock, 1600 MHz bus với 12800 MB/s bandwidth DDR3-2133: Còn được gọi là PC3-17000. 1066 MHz clock, 2133 MHz bus với 17064 MB/s bandwidth == Các loại module của RAM == Trước đây, các loại RAM được các hãng sản xuất thiết kế cắm các chip nhớ trên bo mạch chủ thông qua các đế cắm (có dạng DIP theo hình minh hoạ trên), điều này thường không thuận tiện cho sự nâng cấp hệ thống. Cùng với sự phát triển chung của công nghệ máy tính, các RAM được thiết kế thành các module như SIMM, DIMM (như hình minh hoạ trên) để thuận tiện cho thiết kế và nâng cấp hệ thống máy tính. SIMM (Single In-line Memory Module) DIMM (Dual In-line Memory Module) SO-DIMM: (Small Outline Dual In-line Memory Module): Thường sử dụng trong các máy tính xách tay. == Tính tương thích với bo mạch chủ == Không phải các RAM khác nhau đều sử dụng được trên tất cả các bo mạch chủ. Mỗi loại bo mạch chủ lại sử dụng với một loại RAM khác nhau tuỳ thuộc vào chipset của bo mạch chủ.Đó là các bo mạch chủ sử dụng CPU Intel bởi vì trong chipset đó có tích hợp điều khiển bộ nhớ(memory controller). Còn đối hệ thống sử dụng CPU AMD thì việc quản lý bộ nhớ Ram phụ thuộc vào chính CPU. Bởi trong CPU AMD tích hợp điều khiển bộ nhớ (trình điều khiển bộ nhớ) trong chính CPU. Đặc biệt sau này trình điều khiển bộ nhớ đã được tích hợp trong hệ thống Core i của Intel. == Xem thêm == ROM Bus (máy tính) == Tham khảo == == Liên kết ngoài ==
đệ nhất phu nhân hoa kỳ.txt
Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ là chức danh không chính thức dành cho bà chủ Nhà Trắng, và thường vị trí này thuộc về phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ. Đệ nhất Phu nhân hiện nay là Melania Trump. Cũng có những phụ nữ, không phải phu nhân tổng thống, phục vụ trong cương vị đệ nhất phu nhân, do tổng thống còn độc thân hoặc góa vợ, hoặc khi phu nhân tổng thống không thể hoặc không muốn thực thi nhiệm vụ của đệ nhất phu nhân. Khi ấy, vị trí này được dành cho một phụ nữ là người thân hoặc bạn của tổng thống. == Nguồn gốc == Mặc dù thuật ngữ đệ nhất phu nhân đã dược dùng từ trước, việc sử dụng danh hiệu này cho người phối ngẫu của người đứng đầu ngành hành pháp là một phát kiến của người Mỹ. Trong thời kỳ lập quốc, không có sự đồng thuận cho danh hiệu dành cho vợ của tổng thống. Nhiều đệ nhất phu nhân trong giai đoạn này thường cho biết họ thích được gọi theo những cách khác nhau ví dụ như "Phu nhân", "Hoàng hậu", "Bà Tổng thống". Martha Washington thường được nhắc đến như là "Quý bà Washington". Theo truyền thuyết, Dolley Madison là người đầu tiên được gọi là đệ nhất phu nhân, vào năm 1849, trong bài điếu văn của Tổng thống Zachary Taylor đọc trong tang lễ của bà. Song không có văn kiện nào về bài điếu văn này còn được lưu giữ đến ngày hôm nay. Khoảng giữa năm 1849 và 1877, danh hiệu này được dùng trong các nhóm xã hội tại Washington, D. C., chứng từ lâu đời nhất được lưu giữ là dòng nhật ký ghi ngày 3 tháng 11 năm 1863 của William Howard Russell, khi ông nhắc đến những mẫu chuyện về "vị đệ nhất phu nhân của đất nước". Danh hiệu đệ nhất phu nhân lần đầu được thừa nhận trên cả nước là vào năm 1877, khi một nhà báo, Mary Clemmer Ames, nhắc đến Lucy Webb Hayes như là "đệ nhất phu nhân của đất nước" lúc đang tường thuật lễ nhậm chức của Rutherford B. Hayes. Hayes rất được yêu thích, do đó những bài tường thuật thường xuyên về các hoạt động của bà giúp quảng bá danh hiệu này rộng khắp Washington. Năm 1911, một vở hài kịch nổi tiếng của nhà soạn kịch Charles Nirdlinger có tên "Đệ nhất Phu nhân của Đất nước" giúp gắn kết danh hiệu này với công luận, và vào năm 1934, xuất hiện trong từ điển. Trong chính quyền, Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ đôi khi được gọi tắt là "FLOTUS" (chữ đầu của cụm từ tiếng Anh "First Lady of the United States"), tương tự với cách gọi tắt dành cho Tổng thống Hoa Kỳ là POTUS. == Vai trò == Đệ nhất phu nhân không phải là một chức danh dân cử, cũng không có nhiệm vụ chính thức và không có lương bổng. Tuy vậy, đệ nhất phu nhân thường tham dự nhiều nghi lễ chính thức cũng như tham gia quốc sự cùng với tổng thống hoặc thay mặt tổng thống. Thường khi, các đệ nhất phu nhân dành nhiều thì giờ cho các hoạt động nhân đạo và từ thiện. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, nhiều đệ nhất phu nhân thủ giữ vai trò tích cực trong các cuộc vận động cho tổng thống. Hillary Rodham Clinton còn tiến xa hơn khi đảm trách một nhiệm vụ chính thức trong chính phủ Clinton, xúc tiến những cải cách cho hệ thống chăm sóc sức khoẻ. Danh hiệu này cũng được dùng cho vợ của một nhân vật lãnh đạo trong chính quyền hoặc cho một phụ nữ được xem là biểu tượng cho một phong trào hoạt động tích cực, thí dụ như Maria Shriver được gọi là "Đệ nhất Phu nhân California", hoặc Mary J Blige là "First Lady of Soul". Phu nhân Phó Tổng thống Hoa Kỳ được gọi là Đệ nhị Phu nhân Hoa Kỳ, mặc dù danh hiệu này không được sử dụng phổ biến bằng đệ nhất phu nhân. Ở tiểu bang Michigan, chồng của bà Thống đốc Jennifer Granholm thường được gọi là Đệ nhất Phu quân (First Gentleman). == Các Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ == Những phụ nữ trong danh sách này được công nhận bởi Thư viện Đệ nhất Phu nhân Quốc gia là "Đệ nhất Phu nhân": == Đệ nhất Phu nhân "nhiệm quyền" == Những phụ nữ trong danh sách này không phải là người phối ngẫu của tổng thống, nhưng hành động trong cương vị đệ nhất phu nhân khi vị trí này bị khuyết hoặc khi đệ nhất phu nhân không thể hoặc không muốn thực thi nhiệm vụ: == Các cựu Đệ nhất Phu nhân còn sống == Tính đến 1 tháng 5 năm 2017 có năm cựu Đệ nhất Phu nhân còn sống. Cựu Đệ nhất Phu nhân còn sống già nhất là Barbara Bush và trẻ nhất là Michelle Obama và cựu Đệ nhất Phu nhân qua đời gần đây nhất là Nancy Reagan vào ngày 6 tháng 3 năm 2016, ở tuổi 94, được xếp theo thứ tự nhiệm kỳ: == Xem thêm == Tổng thống Hoa Kỳ Nhà Trắng == Tham khảo == == Liên kết ngoài == “Office of the First Lady”. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2017. “First Lady's Gallery”. The White House. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2017. “The National First Ladies' Library”. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2017.
13 tháng 2.txt
Ngày 13 tháng 2 là ngày thứ 44 trong lịch Gregory. Còn 321 ngày trong năm (322 ngày trong năm nhuận). == Sự kiện == 1575 – Henri III đăng ngôi vua Pháp. 1689 – Cách mạng Vinh Quang: William III và Mary II được tuyên bố là các đồng quân chủ của Anh và Ireland. 1885 – Chiến tranh Pháp-Thanh: Quân Pháp chiếm thành Lạng Sơn từ tay quân Thanh. 1913 – Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 tuyên bố Tây Tạng độc lập từ Trung Quốc, Tây Tạng trở thành chính thể độc lập thực tế từ đó cho đến năm 1951. 1931 – Phó vương Edward Wood chủ trì lễ khánh thanh thủ đô mới New Delhi của Ấn Độ thuộc Anh. 1945 – Chiến tranh thế giới thứ hai: Chiến dịch Budapest kết thúc khi tàn quân Đức và Hungary đầu hàng vô điều kiện trước Hồng Quân Liên Xô. 1969 – Chiến tranh Việt Nam: Thảm sát Thạnh Phong. 1984 – Konstantin Chernenko được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Liên Xô, kế nhiệm Yuri Andropov vừa qua đời. == Người sinh == 1766 – Thomas Malthus, nhà nhân khẩu học, kinh tế học Anh (m. 1834). 1805 – Johann Peter Gustav Lejeune Dirichlet, nhà toán học Đức (m. 1859). 1910 – William Shockley, nhà vật lý, phát minh Mỹ gốc Anh (m. 1989). 1910 – Ung Văn Khiêm, chính khách Việt Nam, bộ trưởng Bộ ngoại giao (m. 1991). 1960 – Pierluigi Collina, trọng tài bóng đá Ý. 1974 – Robbie Williams, ca sĩ Anh. == Người chết == 1603 – François Viète, nhà toán học Pháp (s. 1540). 1883 – Richard Wagner, nhà soạn nhạc Đức (s. 1813). 2009 - Phương Thị Thanh, nữ diễn viên Việt Nam (s. 1956). 2015 - Nguyễn Bá Thanh trưởng Ban Nội chính Trung ương Việt Nam 2017 - Kim Jong-nam == Những ngày lễ và kỷ niệm == == Tham khảo ==
người angle.txt
Người Angle là một dân tộc German, có tên gọi xuất phát từ bán đảo Angeln, một địa điểm nằm ở Schleswig-Holstein, Đức ngày nay. Người Angle là một trong những bộ tộc đã tới định cư tại Đảo Anh trong thời kỳ hậu La Mã và đã thành lập nên một vài vương quốc Anglo-Saxon, tên của nhóm người này là nguồn gốc của từ "England". == Tham khảo ==
thái lan.txt
Thái Lan (tiếng Thái: ประเทศไทย "Prathet Thai"), tên chính thức: Vương quốc Thái Lan (tiếng Thái: ราชอาณาจักรไทย Racha-anachak Thai), là một quốc gia nằm ở vùng Đông Nam Á, phía bắc giáp Lào và Myanma, phía đông giáp Lào và Campuchia, phía nam giáp vịnh Thái Lan và Malaysia, phía tây giáp Myanma và biển Andaman. Lãnh hải Thái Lan phía đông nam giáp với lãnh hải Việt Nam ở vịnh Thái Lan, phía tây nam giáp với lãnh hải Indonesia và Ấn Độ ở biển Andaman. Thái Lan là một quốc gia quân chủ lập hiến. Vua Thái Lan theo nghi thức là nguyên thủ quốc gia cao nhất, tổng tư lệnh quân đội và nhà lãnh đạo tinh thần Phật giáo của đất nước. Vua Thái Lan hiện nay là Vajiralongkorn, người đã nhận lời mời lên kế vị ngai vàng của Hội đồng lập pháp vào đêm 1 tháng 12 năm 2016 sau một thời gian dài trì hoãn kể từ khi cha ông là Vua Rama IX băng hà ngày 13 tháng 10 năm 2016, nhưng chưa tiến hành đăng cơ. Thủ đô của đất nước là Băng Cốc. Đây thành phố lớn nhất và là trung tâm chính trị, thương mại, công nghiệp và văn hóa. Thái Lan có diện tích 513.000 km2 (198.000 dặm vuông) lớn thứ 50 trên thế giới và dân số khoảng 67 triệu người đông thứ 20 trên thế giới. Khoảng 75% dân số là dân tộc Thái, 14% là người gốc Hoa và 3% là người Mã Lai, phần còn lại là những nhóm dân tộc thiểu số như Môn, Khmer và các bộ tộc khác. Có khoảng 2,2 triệu người nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp ở Thái Lan. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Thái. Phật giáo Nam Tông được coi là quốc giáo ở Thái Lan với tỉ lệ người theo tôn giáo này là 94,6%, là một trong những quốc gia Phật giáo lớn nhất thế giới theo tỉ lệ dân số. Cũng theo điều tra dân số năm 2000, Hồi giáo chiếm 4,6% dân số và Kitô giáo chiếm 0,7% dân số. Kinh tế Thái Lan phát triển nhanh từ 1985 đến 1995 và trở thành một quốc gia công nghiệp mới trong đó du lịch với những điểm đến nổi tiếng như Ayutthaya, Pattaya, Bangkok, Phuket, Krabi, Chiang Mai, và Ko Samui và xuất khẩu đóng góp lớn cho nên kinh tế. == Tên gọi == Tên gọi Thái Lan trong tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Pháp Thaïlande. Tên gọi tiếng Pháp Thaïlande bắt nguồn từ tên gọi tiếng Anh Thailand. Báo Trung Bắc chủ nhật số 42, ngày 22 tháng 12 năm 1940, có đăng một bài viết có tiêu đề là Địa vị quan hệ của Thái-lan về kinh-tế ở Viễn-đông. Bài báo này mở đầu bằng đoạn: Sau khi đã giải-quyết xong những việc lôi thôi về biên-giới và đất-đai bằng mấy bản hợp-ước vào các năm 1903, 1904, 1907, từ hơn 30 năm nay cuộc giao-thiệp giữa Thái-lan và Đông-dương, hai nước lân cận và nhiều quyền lợi chung trên bán đảo Ấn-độ Chi-na nay vẫn giữ vẻ hòa-hiếu và càng ngày càng thêm thân mật. Thái Lan cũng từng được gọi là Xiêm (Siam), đây là tên gọi chính thức của nước này đến ngày 23 tháng 6 năm 1939 khi nó được đổi thành Thái Lan. Từ năm 1945 đến ngày 11 tháng 5 năm 1949, tên Thái Lan lại được đổi lại thành Xiêm. Sau đó nó được đổi lại thành Thái Lan như ngày nay. Từ "Thái" (ไทย) trong tiếng Thái có nghĩa là "tự do". "Thái" cũng là tên của người Thái – hiện là dân tộc thiểu số có số dân đáng kể ở Trung Quốc, vẫn lấy tên là "Xiêm".. Trong tiếng Thái, tên của Thái Lan là ราชอาณาจักรไทย (Racha Anachakra Thai). Hai chữ ราชา (Racha) và อาณาจักร (Anachakra) thì có gốc từ tiếng Phạn: Racha có nghĩa là "quốc vương", Anachakra có nghĩa là "lãnh thổ". Trong khi đó, ไทย (Thai) là một chữ tiếng Thái có nghĩa là "tự do". Ý của cụm từ Racha Anachakra Thai là "Vương quốc của người tự do". Tuy nhiên, một học giả nổi tiếng người Thái cho rằng từ Thai (ไท) đơn giản chỉ có nghĩa là "người" vì điều tra của ông cho thấy rằng tại một số vùng nông thôn từ "Thai" được dùng thay thế cho từ "khon" (คน) nghĩa là người. Người Thái còn gọi nước Thái một cách dân dã là เมืองไทย Mueang Thai (Mường Thái) và từ Mueang còn được dùng rộng rãi để chỉ thành phố, thị trấn. Ngoài ra từ ประเทศไทย Prathet Thai (Prathét Thái) cũng được sử dụng để gọi Thái Lan. Hai chữ Mueang và Prathet có cùng nghĩa "nước, quốc gia". Prathet có gốc từ chữ प्रदेश (pradeśa) trong tiếng Phạn, còn Mueang là một từ Thái cổ có cùng gốc với các từ Muang (ເມືອງ [mɯaŋ˦]) trong tiếng Lào, Mong (မိူင်း [məŋ˦]) trong tiếng Shan, mwngh ([mɯŋ˧]) trong tiếng Tráng, khởi nguyên mang nghĩa "thung lũng trồng lúa". Ở Trung Quốc, vương quốc này được gọi là "Thái Quốc" (泰國), hay "Thái Vương Quốc" (泰王國). Người Việt trước đây còn gọi Thái Lan là "Xiêm La" (暹羅) và người Thái là "người Xiêm". == Lịch sử == Nhiều nền văn hóa khác nhau đã có mặt tại đây từ thời Văn hóa Baan Chiang. Nhưng do vị trí địa lý, văn hóa Thái Lan luôn chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ và Trung Quốc cũng như từ những nước láng giềng Đông Nam Á khác. Đất nước Thái Lan là đất nước duy nhất không bị thực dân Châu Âu xâm lược. Theo sử sách Thái Lan, người Thái xuất xứ từ vùng núi Altai, đông bắc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc từ 4500 năm trước, sau đó di cư dần xuống vùng đất hiện nay là Thái Lan. Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của người Thái, một trong số đó liên hệ người Thái tới sự di cư ào ạt sau sự sụp đổ của vương quốc Đại Lý ở vùng Vân Nam thế kỷ 13 đã bị chứng minh là không chính xác. Các nghiên cứu ngôn ngữ học chỉ ra rằng nguồn gốc của người Thái cổ nằm ở vùng ranh giới Quảng Tây-Quý Châu ngày nay, nơi người Tráng và Bố Y vẫn sinh sống. Khoảng thế kỷ thứ 8-thế kỷ 10, họ bắt đầu di cư xuống phía nam vào vùng ngày nay là bắc Lào và Chiềng Sen (Chiang Saen เชียงแสน) qua Muang Then (nay là Mường Thanh, Điện Biên Phủ, Việt Nam), sau đó tỏa xuống đồng bằng sông Chao Phraya. Tại vùng đất mới của mình, người Thái đánh đuổi các cư dân bản địa như người Môn, Wa, Khmer... đồng thời cũng chịu nhiều ảnh hưởng ngôn ngữ–văn hóa từ họ và đặc biệt là Phật giáo Ấn Độ. Vào năm 1238, người Thái thành lập một vương quốc Phật giáo tên Sukhothai (ở miền Bắc Thái Lan), dần thay thế vai trò của Đế chế Khmer đang tàn lụi (vào thế kỷ 13 – thế kỷ 15). Năm 1283 người Thái có chữ viết. Sau đó người Thái mở rộng lãnh thổ xuống phía nam, và năm 1350 chuyển kinh đô xuống Ayuthaya (phía bắc Bangkok 70 km). Năm 1431, quân Xiêm cướp phá Angkor. Nhiều bảo vật và trang phục của văn hóa Hindu đã được họ đem về Ayutthaya, lễ nghi và cách ăn mặc của người Khmer được dung nhập vào thượng tầng văn hóa Xiêm. Trong khoảng 400 năm, từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 18, giữa người Thái và người Miến Điện láng giềng luôn xảy ra các cuộc chiến tranh và kinh đô Ayuthaya bị huỷ diệt ở thế kỷ 18. Năm 1767, một tướng người Thái gốc Hoa, Taksin, đứng lên chống quân Miến Điện giành lại độc lập và dời đô về Thonburi, bên bờ sông Chao Phraya, đối diện với Bangkok. Vua Rama I (1782) lên ngôi và chọn Bangkok (hay "Thành phố của các thiên thần") làm kinh đô. Trước năm 1932, Thái Lan theo chế độ quân chủ chuyên chế. Sau cuộc cách mạng tư sản năm 1932 do một nhóm sĩ quan trẻ lãnh đạo, Thái Lan chuyển từ chế độ quân chủ chuyên chế sang chế độ quân chủ lập hiến. Ngày 05 tháng 12 năm 1932 vua Prachadhipok (Rama VII) đã thông qua bản hiến pháp đầu tiên của Thái Lan. Hơn 60 năm qua Thái Lan đã thay đổi 16 hiến pháp (nhiều lần đảo chính), nhưng Hiến pháp 1932 vẫn được coi là cơ sở. Cuối cùng, vào thập niên 1980, Thái Lan chuyển hướng sang con đường nghị viện. Năm 1997, Thái Lan trở thành tâm điểm của Khủng hoảng tài chính Đông Á. Đồng baht nhanh chóng sụt giá từ mức 25 baht đổi 1 đô la xuống mức 56 baht đổi 1 đô la. Sau đó, đồng baht dần lấy lại được sức nặng của mình, đến năm 2007, tỷ giá giữa đồng baht và đô la là 33:1. Lịch được sử dụng chính thức tại Thái Lan là Phật lịch, một loại lịch của người phương Đông, sớm hơn Tây lịch 543 năm. Năm 2007 thì là năm thứ 2550 Phật lịch tại Thái Lan. === Chính sách "ngoại giao cây sậy" trong lịch sử === Trong lịch sử lập quốc của mình, Thái Lan từng là một nước lớn theo chủ nghĩa Đại Thái, lấn át các quốc gia láng giềng khi có thể, nhưng tới giữa thế kỷ 19, Thái Lan đứng trước hiểm họa xâm lăng của các nước thực dân châu Âu. Về phía tây, Đế quốc Anh đã chiếm Miến Điện, trong khi ở phía đông, Pháp đã chiếm 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Thái Lan vô tình trở thành vùng đệm địa lý giữa 2 thế lực đứng đầu thế giới khi đó là Anh và Pháp. Vì không muốn nổ ra xung đột với đối thủ, Anh và Pháp quyết định trung lập hóa Thái Lan, cả 2 sẽ tự kiềm chế, không tiến quân xâm chiếm nước này. Nhờ sự may mắn đó, cũng như biết lợi dụng mâu thuẫn giữa các cường quốc để họ tự kiềm chế nhau, nhờ vậy Thái Lan đã tránh được các cuộc xâm lược và được hưởng thời gian độc lập, hòa bình tương đối lâu dài trong thời kỳ đế quốc thực dân xâm chiếm thuộc địa và trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Thái Lan đã ký hiệp ước hữu nghị và thương mại với Anh năm 1826 và với Mỹ năm 1833, Hiệp ước trao đổi biên giới các tỉnh phía bắc Malaysia hiện tại năm 1909, nhờ đó thoát khỏi ách thuộc địa của các nước đế quốc lúc bấy giờ đang tranh giành nhau vùng Đông Nam Á. Thái Lan cũng đã ký hiệp định phân định biên giới sông Mekong với Pháp và tránh né xung đột với thực dân Pháp vào cuối thế kỷ 19. Tuy giữ được vị thế độc lập, nhưng Thái Lan cũng phải nhân nhượng nhiều quyền lợi và phải cắt lãnh thổ cho Anh và Pháp. Năm 1893, Thái Lan phải ký hiệp ước trao một số vùng đất phía đông cho Campuchia (thuộc quyền cai trị của Pháp). Năm 1904 và 1907 phải tiếp tục cắt đất, tổng cộng hơn 2 vạn km2 cho Pháp. Năm 1909, phải cắt vùng đất trên 4 vạn km2 tại bán đảo Malacca cho Anh. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Thái Lan là đồng minh lỏng lẻo của Nhật Bản, cho Nhật đi qua đất Thái tiến đánh Malaysia, Myanma. Lợi dụng thế suy yếu của nước Pháp (bị Đức quốc xã xâm chiếm) và sức mạnh hải quân khá hiện đại Thái Lan đã gây chiến với Pháp để tranh giành lãnh thổ Đông Dương. Sau khi bị hải quân Pháp bất ngờ tiến công đánh bại cùng với sự suy yếu của quân đội phát xít Nhật vào cuối thế chiến, một nhóm quân đội Thái Lan làm đảo chính vào ngày 1 tháng 8 năm 1944, lật đổ chính phủ thân Nhật và ngay lập tức chuyển nước Thái từ một đồng minh lỏng lẻo của Nhật trong một đêm trở thành đồng minh của Mỹ và tiếp tục giữ được độc lập và hòa bình. Sau thế chiến, Thái Lan bị đối xử như một quốc gia đối địch bởi Anh và Pháp, mặc dù Mỹ đã can thiệp để giảm nhẹ các điều khoản trừng phạt Thái Lan. Thái Lan không bị lực lượng Đồng Minh chiếm đóng, nhưng phải trả lại các lãnh thổ mà họ đã chiếm đóng trong thời gian chiến tranh cho Anh và Pháp. Thời kỳ hậu chiến cũng là thời kỳ Thái Lan thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ, như để bảo trợ Hoàng gia Thái Lan khỏi nguy cơ chủ nghĩa cộng sản lan truyền từ các quốc gia lân bang. Lực lượng du kích ủng hộ chủ nghĩa cộng sản ở Thái Lan hoạt động tích cực trong khoảng thập niên 1960 cho tới năm 1987 nhưng chưa bao giờ là một mối đe dọa nghiêm trọng cho chính quyền, tại thời kỳ đỉnh điểm họ đã có đến 12 ngàn du kích quân trong hàng ngũ. Kể từ sau năm 1979, khi quân Khmer Đỏ bị Việt Nam đánh bại tại Campuchia, Thái Lan đã chấp thuận cho quân Khmer Đỏ lập căn cứ tại nhiều khu vực trong lãnh thổ của mình như một biện pháp để làm suy yếu Việt Nam. Việc này đã dẫn đến một số cuộc giao chiến tại khu vực biên giới giữa quân đội Thái Lan và Việt Nam, cho tới khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia vào năm 1989. Gần đây, Thái Lan trở thành một thành viên tích cực trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là sau khi chế độ dân chủ được tái lập sau năm 1992. Tuy nhiên, đã có một số đụng độ quân sự giữa Thái Lan và Campuchia vào giai đoạn 2010-2012, khi cả 2 nước tranh chấp chủ quyền tại vùng quanh đền Preah Vihear, ngôi đền được Tòa án Quốc tế vì Công lý (International Court of Justice) vào năm 1962 tuyên bố ngôi đền thuộc về Campuchia. Chính sách ngoại giao của Thái là "ngoại giao cây sậy", tức là gió thổi về phía nào thì ngả về phía ấy, sẵn sàng "cúi đầu, thần phục" trước kẻ khác để tránh đụng độ hoặc đem lợi về cho mình. == Kinh tế == Thái Lan vốn là một nước nông nghiệp truyền thống. Bắt đầu từ năm 1960 Thái Lan thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lần thứ nhất và đến nay là kế hoạch thứ 9. Trong thập niên 1970 Thái Lan thực hiện chính sách "hướng xuất khẩu", ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Âu Châu là thị trường xuất khẩu chính của Thái Lan. Ngành công nghiệp và dịch vụ đã dần dần đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và vai trò của nông nghiệp giảm dần. Hiện nay, Thái Lan là một nước công nghiệp mới. Tính đến năm 2016, tổng sản phẩm nội địa của Thái Lan là 390.592 USD (đứng thứ 28 thế giới, đứng thứ 9 châu Á và đứng thứ 2 Đông Nam Á sau Indonesia). Sau khi đạt tốc độ tăng trưởng thuộc loại cao nhất thế giới từ 1985 đến 1995, với tốc độ tăng trưởng trung bình 9% mỗi năm, sức ép lên việc duy trì đồng baht tại Thái Lan tăng lên, dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, lan rộng ra toàn khu vực Đông Á, bắt buộc chính phủ phải thả nổi tiền tệ. Sau sự ổn định lâu dài ở mức giá 25 baht đổi 1 đô la Mỹ, đồng baht phá giá hơn một nửa, chạm tới mức thấp nhất với 56 baht đổi 1 đô la vào tháng 1 năm 1998, các hợp đồng kinh tế được ký kết bằng 10,2% năm trước. Chỉ số thị trường chứng khoán Thái Lan đã tụt từ mức 1.280 cuối năm 1995 xuống còn 372 cuối năm 1997, kinh tế năm 1997 tăng trưởng âm 20%. Năm 1998, Thái Lan bắt đầu có dấu hiệu phục hồi với tốc độ tăng trưởng kinh tế là 4,2%, năm 2000 là 4,4%, phần lớn từ những mặt hàng xuất khẩu chính (tăng 20%). Sự tăng trưởng bị rơi vào tình trạng trì trệ (tăng trưởng 1,8%) do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2001, nhưng phục hồi lại vào năm sau, nhờ sự phát triển mạnh của Trung Quốc và những chương trình khác nhau nhằm khuyến khích phát triển kinh tế trong nước của thủ tướng Thaksin Shinawatra, thường được gọi bằng tên "Thaksinomics". Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2002 đạt 5,2%, đến năm 2003 và 2004 đã cao hơn mức 6%. Dự trữ ngoại tệ ở mức cao 37-38 tỉ USD (tháng 8/1997 ở mức 800 triệu USD). Đến năm 2005, kinh tế Thái Lan gần đạt mức trước khủng hoảng năm 1997, với sức mua tương đương (PPP) đầu người đạt mức 8.300 USD/năm, so với mức 8.800 USD vào năm 1997. Dù vậy, sự bất ổn chính trị do cuộc đảo chính tháng 9 năm 2006 đã làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý IV chỉ còn 0,7%. Thái Lan xuất khẩu nhiều hơn 105 tỷ đô la hàng năm. Các sản phẩm xuất khẩu chính bao gồm gạo, hàng dệt may, giầy dép, hải sản, cao su, nữ trang, ô tô, máy tính và thiết bị điện. Thái Lan đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, mỗi năm xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo tinh chế. Lúa là loại cây lương thực chính được trồng tại Thái Lan, với 55% đất đai trồng trọt được sử dụng để trồng lúa. Đất có thể canh tác được của Thái Lan cũng chiếm tỷ lệ lớn, 27,25% của toàn bộ khu vực sông Mekong. Các ngành công nghiệp chủ yếu gồm có điện dân dụng, linh kiện điện tử, linh kiện máy tính và ô tô, trong đó, cũng có đóng góp đáng kể từ du lịch (khoảng 5% GDP Thái Lan). Những người nước ngoài ở lại đầu tư lâu dài cũng góp phần đáng kể vào tổng thu nhập quốc dân. Các tài nguyên thiên nhiên chủ yếu của Thái Lan là thiếc, cao su, khí đốt, vonfram, tantal, gỗ, chì, cá, thạch cao, than non, fluorit và đất trồng. Thái Lan sử dụng hệ đo lường chuẩn quốc tế, nhưng các hệ đo truyền thống của Anh (feet, inches) vẫn còn được sử dụng, đặc biệt là trong nông nghiệp và vật liệu xây dựng. Năm được đánh số B.E. (Buddhist Era - Kỷ Phật giáo) trong giáo dục, dịch vụ dân dụng, chính quyền và báo chí; tuy vậy lịch Gregory được sử dụng trong ngành ngân hàng và dần trở nên thông dụng trong công nghiệp và thương mại. == Chính trị == Thể chế nhà nước: quân chủ lập hiến. Cơ cấu các cơ quan quyền lực: Nguyên thủ quốc gia là nhà Vua: Được coi là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Về danh nghĩa nhà Vua là người đứng đầu nhà nước, Tổng Tư lệnh quân đội và là người bảo trợ Phật giáo. Quốc hội: Theo Hiến pháp ngày 24 tháng 8 năm 2007, Quốc hội Thái Lan là Quốc hội lưỡng viện. Hạ viện (cơ quan lập pháp) gồm 480 ghế và Thượng viện gồm 150 ghế. Chính phủ: bao gồm 36 thành viên gồm 3 Phó Thủ tướng, 21 Bộ trưởng và 11 Thứ trưởng. Ngoài ra còn có một số Ủy ban của Chính phủ được lập ra để phối hợp thực hiện các chính sách chung. Từ khi lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế năm 1932, Thái Lan đã có 17 hiến pháp và sửa đổi. Trong suốt quá trình đó, chính phủ liên tiếp chuyển đổi qua lại từ chế độ độc tài quân sự sang chế độ dân chủ, nhưng tất cả các chính phủ đều thừa nhận triều đại cha truyền con nối của Hoàng gia Thái Lan như lãnh đạo tối cao của dân tộc. Nền chính trị Thái Lan từng chứng kiến 20 cuộc đảo chính hoặc nỗ lực đảo chính của quân đội từ năm 1932 tới năm 2014. Lệnh thiết quân luật của nước này cho phép quân đội có quyền hạn lớn trong việc ban hành lệnh cấm tụ tập, hạn chế đi lại và bắt giữ người. === Giai đoạn 1997 - 2006 === Hiến pháp 1997 là hiến pháp đầu tiên được phác thảo bởi Hội đồng lập pháp dân cử, và thường được gọi là "Hiến pháp nhân dân". Hiến pháp 1997 được thiết lập bởi quốc hội lưỡng viện bao gồm 500 hạ nghị sĩ (สภาผู้แทนราษฎร sapha phutan ratsadon) và 200 thượng nghị sĩ (วุฒิสภา wuthisapha). Lần đầu tiên trong lịch sử Thái Lan, cả hai viện đều lập tức thông qua (dự thảo hiến pháp). Nhiều quyền con người được thừa nhận, làm tăng thêm mức độ ổn định của chính phủ dân bầu. Hạ viện được chọn thông qua hệ thống bầu cử first-past-the-post, trong đó (trong một vùng) chỉ có duy nhất một người chiến thắng bởi đa số phiếu. Thượng viện được lựa chọn dựa trên hệ thống hành chính cấp tỉnh, tùy thuộc vào số dân mà mỗi tỉnh có một hoặc nhiều hơn các thượng nghị sĩ đại diện cho mình. Các nghị sĩ thượng viện có nhiệm kỳ 6 năm, còn ở hạ viện là 4 năm. Hệ thống tư pháp (ศาล saan) bao gồm tòa án hoàng gia (ศาลรัฐธรรมนูญ săan rát-tà-tam-má-nuun) chuyên phân xử về các hoạt động lập pháp của quốc hội, sắc lệnh hoàng gia và các vấn đề chính trị. Năm 2001 diễn ra cuộc tổng tuyển cử quốc hội đầu tiên sau Hiến pháp 1997, được xem là cởi mở nhất, vô tư nhất (không tham nhũng) trong lịch sử Thái Lan. Chính phủ được bầu ra sau đó cũng là chính phủ đầu tiên trong lịch sử Thái Lan hoàn tất nhiệm kỳ 4 năm. Cuộc bầu cử năm 2005 có nhiều cử tri bị đuổi và được khuyến cáo rằng để giảm bớt tình trạng mua phiếu so với trước đây. Đầu năm 2006, những cáo buộc về tình trạng tham nhũng gây sức ép lớn, bắt buộc Thaksin Shinawatra phải kêu gọi một cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Phe đối lập tẩy chay cuộc bầu cử và Thaksin lại tái đắc cử. Mâu thuẫn mỗi ngày một tăng, dẫn đến vụ đảo chính quân sự ngày 19 tháng 9 năm 2006. === Sau đảo chính 2006 === Ngày 19 tháng 9 năm 2006, một hội đồng quân sự đã tiến hành lật đổ chính phủ Thaksin, sau đó huỷ bỏ hiến pháp, giải tán Quốc hội và Tòa án, giám sát, bắt giữ và cách chức một số thành viên chính phủ, thiết quân luật và, cuối cùng, chọn một thành viên của hội đồng cơ mật hoàng gia, cựu tổng tư lệnh lục quân Thái Lan, tướng Surayud Chulanont lên làm thủ tướng. Sau đó Hội đồng quân sự đồng thuận đưa ra hiến pháp tạm thời và chọn ra một hội thẩm đoàn để soạn thảo hiến pháp mới. Đồng thời cũng chọn 250 đại biểu quốc hội. Các đại biểu này không được phép tiết lộ thông tin chống lại chính phủ, còn công chúng không được phép đưa tin bình luận. Lãnh đạo Hội đồng quân sự được phép bãi bỏ thủ tướng bất kể khi nào. Tháng 1 năm 2007, Hội đồng quân sự đã bỏ tình trạng thiết quân luật, nhưng tiếp tục kiểm duyệt báo chí và bị cáo buộc vi phạm một số quyền con người khác. Họ cũng cấm các hoạt động và hội họp chính trị cho tới tháng 5 năm 2007. Cuộc bầu cử Thủ tướng dân chủ đầu tiên sau đảo chính 2006 được tổ chức ngày 3 tháng 7 năm 2011, Đảng Pheu Thái của bà Yingluck Shinawatra, em gái cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra đã thắng lợi áp đảo với 263 ghế, dẫn trước Đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva với 161 ghế trong 500 ghế quốc hội. Với chiến thắng này đã đưa bà Yingluck Shinawatra trở thành nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái Lan sau sáu đời nam thủ tướng với nhiều bất ổn trong chính trường. Tuy nhiên, năm 2014, đến lượt bà Yingluck lại bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan buộc phải từ chức sau nhiều tháng không giải quyết được các khủng hoảng chính trị. == Quan hệ ngoại giao == Về đối ngoại, Chính phủ của Thủ tướng Abhisit chủ trương tăng cường quan hệ với tất cả các nước, tích cực phát huy vai trò của Thái Lan trong khu vực và quốc tế (Thủ tướng Abhisit đã thăm Trung Quốc, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Anh và sắp tới sẽ đi thăm Châu Âu và Bắc Mỹ); tích cực tham gia các hợp tác khu vực và tiểu vùng (GMS, ACMECS, EWEC,…). Với cương vị Chủ tịch ASEAN nhiệm kỳ 2008 - 2009, Thái Lan đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN 14 (từ ngày 27 tháng 2 đến ngày 10 tháng 3 năm 2009), Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (ngày 16-23 tháng 7 năm 2009) và Hội nghị Cấp cao ASEAN và các nước đối tác (tháng 10 năm 2009). Tuy nhiên hiện nay, quan hệ Thái Lan - Campuchia còn là vấn đề nan giải, gây lo ngại cho nhiều nước. Thái Lan tham gia đầy đủ các tổ chức quốc tế và tổ chức trong vùng. Thái Lan tăng cường mối quan hệ với các nước ASEAN. Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 6 tháng 8 năm 1976. == Hành chính == Thái Lan được chia làm 76 tỉnh (จังหวัด changwat), trong đó có 2 thành phố trực thuộc trung ương: Bangkok và Pattaya. Do có phân cấp hành chính tương đương cấp tỉnh, Bangkok thường được xem là tỉnh thứ 76 của Thái Lan. Các tỉnh được chia thành các huyện (อำเภอ amphoe) hoặc quận (เขต khet). Năm 2006, Thái Lan có 877 huyện và 50 quận (thuộc Bangkok). Một số phần của các tỉnh giáp ranh với Bangkok (như Nonthaburi, Pathum Thani, Samut Prakan, Nakhon Pathom và Samut Sakhon) thường được gộp chung và được biết đến như Vùng đô thị Bangkok. Các tỉnh đều có tỉnh lỵ (อำเภอเมือง amphoe mueang) trùng tên với mình (nếu là tỉnh Phuket thì có thủ phủ là Amphoe Mueang Phuket hay Phuket). Các huyện được chia thành các xã (ตำบล tambon), trong khi các quận được chia thành các phường (หมู่บ้าน muban). Các xã được chia thành các thôn (หมู่บ้าน muban). Các đô thị của Thái Lan gồm ba cấp, thành phố (เทศบาลนคร Thesaban nakhon), thị xã (เทศบาลเมือง Thesaban mueang) và thị trấn (เทศบาลตำบล Thesaban tambon). Nhiều thành phố và thị xã đồng thời là tỉnh lỵ. Tuy nhiên một tỉnh có thể có tới hai thành phố và vài thị xã. === Danh sách các tỉnh Thái Lan theo Vùng === == Địa lý == === Địa hình === Với diện tích 513.120 km² (tương đương diện tích Việt Nam cộng với Lào), Thái Lan xếp thứ 50 trên thế giới về diện tích, rộng thứ ba tại Đông Nam Á, sau Indonesia và Myanma. Thái Lan là mái nhà chung của một số vùng địa lý khác nhau, tương ứng với các vùng kinh tế. phía bắc có địa hình đồi núi, với điểm cao nhất (2.576 m) là Doi Inthanon. phía đông bắc là Cao nguyên Khorat có biên giới tự nhiên về phía đông là sông Mekong đây là vùng trồng nhiều sắn nhất của Thái Lan do khí hậu và đất đai phù hợp với cây sắn. Trung tâm của đất nước chủ yếu là vùng đồng bằng sông Chao Phraya đổ ra vịnh Thái Lan. Miền Nam là eo đất Kra mở rộng dần về phía bán đảo Mã Lai. === Khí hậu === Khí hậu nhiệt đới gió mùa. Thời tiết nóng, mưa nhiều. Từ giữa tháng 5 cho tới tháng 9, chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam. Từ tháng 10 đến giữa tháng 3 chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc khô, lạnh. Eo đất phía nam luôn luôn nóng, ẩm. == Động thực vật == Thái Lan là quốc gia có nhiều loài động vật quý hiếm trên thế giới sinh sống, nổi bật nhất là hổ, voi và bò tót khổng lồ. Rất nhiều loài đang đứng trước hiểm họa diệt chủng do nạn săn trộm và phá rừng. == Dân số == Dân cư Thái Lan chủ yếu là những người nói tiếng Thái một ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Tai-Kadai có quan hệ gần với tiếng Lào, Shan và một loạt các nhóm ngôn ngữ nhỏ khác tại miền bắc Việt Nam và vùng Quảng Tây, Vân Nam thuộc Trung Quốc. Tiếng Thái gồm bốn phương ngữ: tiếng Thái Trung tâm hay tiếng Xiêm, tiếng Thái Đông Bắc hay tiếng Isản còn gọi là tiếng Lào, tiếng Thái Bắc hay tiếng Làn Nà cũng gọi là tiếng Lào, tiếng Thái Nam hay tiếng Tai. Dạng chuẩn hóa của tiếng Thái dựa trên phương ngữ trung tâm (Xiêm), có bảng chữ cái riêng và là ngôn ngữ hành chính của đất nước. Người Thái ở vùng trung tâm (Xiêm) tuy chỉ chiếm khoảng 1/3 dân số, đứng sau những người Thái đông bắc, nhưng là nhóm người đã từ lâu chi phối kinh tế, chính trị và văn hóa Thái Lan. Nhờ sự thống nhất trong hệ thống giáo dục, nhiều người Thái có thể nói tiếng Xiêm như tiếng địa phương của họ. Ngoài người Thái là người Hoa, nhóm dân tộc thiểu số đông thứ hai, có ảnh hưởng chính trị không cân xứng với vai trò kinh tế. Phần lớn trong số họ không sống tại Chinatown ở Bangkok (trên đường Yaowarat), mà hoàn toàn hòa nhập vào xã hội Thái. Các nhóm dân tộc khác bao gồm người Mã Lai ở miền nam nói một loại phương ngữ Mã Lai gọi là Yawi, người Môn, người Khmer (nhóm dân tộc thiểu số đông nhất), người Chăm, Lawa, Akha, Karen, Hmông, La Hủ, Lisu, Lôlô...và các nhóm Tai khác như: Thái Đen ở tỉnh Loei (Tai Đăm, chữ Thái:ไท ดำ), Nyaw, Phu Thai, Shan, Lự, Saek.v.v.. Sau Chiến tranh Việt Nam, nhiều người Việt đã sang tỵ nạn và định cư tại Thái Lan, đông nhất là tại vùng Đông Bắc. Cũng có rất nhiều người Việt có liên quan tới nhà Tây Sơn đã sang tỵ nạn tại Thái Lan thời Nguyễn. Trong thời Pháp thuộc cũng có nhiều người tỵ nạn thực dân Pháp hoặc tránh chiến tranh Đông Dương và chiến tranh Việt Nam đã sang và cư trú ở Thái Lan. Theo kết quả điều tra dân số năm 2000 thì có 95% theo Phật giáo Theravada và tôn giáo này được xem là quốc giáo của Thái Lan. Đứng thứ hai là đạo Hồi với 4,6%. Một số tỉnh, thành phía nam Chumphon (cách Bangkok 463 km về phía tây nam) là địa bàn cư trú chủ yếu của người Hồi giáo. Họ thường tập trung thành những cộng đồng tách riêng với các cộng đồng khác. Tập trung nhiều nhất tại bốn tỉnh cực nam của Thái Lan là người Mã Lai. Kitô giáo, chủ yếu là Công giáo Rôma, chiếm 0,75% dân số. Ngoài ra còn một số nhóm người theo Ấn Độ giáo và đạo Sikh có thế lực, sống tại các thành phố. Bên cạnh tiếng Thái còn có các tiếng địa phương chủ yếu là tiếng Isản và những ngôn ngữ khác chủ yếu thuộc ngữ hệ Môn–Khmer. Đồng thời tiếng Anh được giảng dạy rộng rãi tại Thái Lan, mức độ thành thạo thấp. == Giao thông == Giao thông tại Thái Lan khá đa dạng và hỗn loạn, không có một phương tiện vận tải nào chiếm ưu thế. Vận tải xe buýt chiếm ưu thế ở khoảng cách xa và ở Bangkok, còn xe máy thống trị ở các khu vực nông thôn cho các chuyến đi ngắn, thay cho xe đạp. Giao thông vận tải đường bộ là hình thức chính của vận tải hàng hóa tại quốc gia này. Tàu chậm từ lâu đã là một cơ chế vận chuyển đường dài ở nông thôn, mặc dù các kế hoạch đang được tiến hành để mở rộng dịch vụ với tuyến đường sắt tốc độ cao mở rộng đến một số khu vực chính của Thái Lan. Vận chuyển hàng không nội địa trước đây do một số ít các hãng hàng không thống trị, nhưng trong thời gian gần đây đã chứng kiến một sự phát triển đột biến do phần lớn vào việc mở rộng dịch vụ của các hãng hàng không giá thấp. Tại Bangkok, Pattaya, và các thành phố lớn khác, dịch vụ xe ôm luôn có sẵn. Số lượng taxi ở Bangkok cũng rất nhiều. Kể từ lần đầu tiên mở cửa đường sắt vận chuyển tốc độ caovào năm 1999 tại Bangkok, khách di chuyển hàng ngày trên các tuyến đường vận chuyển khác nhau của Bangkok đã tăng lên hơn 800.000, với nhiều tuyến đường sắt bổ sung đang được đề xuất và xây dựng. Xe ô tô tư nhân, với mức tăng trưởng nhanh chóng góp phần vào tình trạng tắc nghẽn giao thông nổi tiếng của Bangkok trong hai thập kỷ qua, được sử dụng ngày càng nhiều đặc biệt trong giới khách du lịch, người nước ngoài, tầng lớp thượng lưu, và tầng lớp trung lưu. Một mạng lưới đường ô tô trên khắp Thái Lan đã từng bước được thực hiện, với đường cao tốc hoàn thành vào Bangkok và hầu hết miền trung Thái Lan. Những khu vực có đường thủy thường xuyên có dịch vụ tàu thuyền và nhiều phương tiện giao thông sáng tạo khác cũng tồn tại như tuk-tuk, vanpool, songthaew, và thậm chí cả voi ở khu vực nông thôn. Giao thông đi theo luật Anh: đi bên trái == Văn hóa == Văn hóa Thái Lan chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các tư tưởng Phật giáo - tôn giáo chính thức được công nhận là quốc giáo ở đất nước này và từ nền sản xuất phụ thuộc vào nguồn nước. Có thể thấy rõ hai điểm trên qua các ngày lễ hội. Trong văn hóa ứng xử, người Thái tỏ rõ sự sùng đạo, tôn kính hoàng gia và trọng thứ bậc cũng như tuổi tác. === Ẩm thực === Âm thực Thái phối hợp năm vị cơ bản: ngọt, cay, chua, đắng, và mặn. Thành phần thường được sử dụng trong ẩm thực Thái Lan bao gồm tỏi, ớt, nước cốt chanh, xả, rau mùi, riềng, đường cọ, và nước mắm (nam pla). Các thực phẩm chủ yếu ở Thái Lan là gạo, giống lúa đặc biệt là gạo tám (còn được gọi là gạo "hom Mali") được dùng trong hầu hết các bữa ăn. Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong nhiều năm. Hơn 5.000 giống gạo từ Thái Lan được bảo quản trong ngân hàng gen lúa của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), có trụ sở tại Philippines. Vua Thái Lan là người bảo trợ chính thức của IRRI. === Nhà cửa === Điểm khác biệt nhất của nhà cửa người Thái so với các dân tộc Đông Nam Á khác là họ xây nhà sàn.Nhà người Thái lại gần với kiểu nhà của các cư dân Môn-Khmer. Tuy vậy, nhà người Thái lại có những đặc trưng không có ở nhà của cư dân Môn-Khmer: nhà người Thái nóc hình mai rùa, chỏm đầu đốc có khau cút với nhiều kiểu khác nhau. Hai gian hồi để trống và có lan can bao quanh. Khung cửa ra vào và cửa sổ có nhiều hình thức trang trí khác nhau. Cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt của nhà Thái khá độc đáo: các gian đều có tên riêng. Trên mặt sàn được chia thành hai phần: một phần dành làm nơi ngủ của các thành viên trong gia đình, một nửa dành cho bếp và còn là nơi để tiếp khách nam. Vật liệu xây dựng nhà sàn thường là tre, gỗ, mái lợp bằng tranh, lá cọ… Nhà có phần chính và có sàn hiên với cầu thang đi lên (số bậc thang là số lẻ vì người Thái Lan quan niệm bậc thang số chẵn có thể dẫn ma quỷ vào nhà, mang lại điều không may mắn). Nhà sàn ở những vùng ngập nước sẽ được dựng cột chống đỡ nhà cao hơn, những nơi không ngập nước cũng dựng cột để có chỗ làm chuồng gia súc. Phần nhà ở sẽ có bàn thờ Phật để ở vị trí cao ngang trán, một tượng Phật nhỏ hướng ra phía cửa, hương hoa, trầu cau là 2 món thường được để dâng cúng Phật, ngoài ra còn có những dụng cụ nghi lễ, đồ dùng đựng đồ lễ.Đây được coi là nơi linh thiêng nhất, tất cả các sinh hoạt trong gia đình đều phải thể hiện sự tôn trọng với nơi linh thiêng này, không cho trẻ con hay đàn bà đi lại phía dưới, cấm hướng chân vào dù là lúc ngủ hay chuyện trò. Nhiều gia đình còn có miếu thờ làm từ tranh hay tre đơn giản ở lối vào chính. Họ cho rằng đây là việc làm cần thiết để giúp tránh khỏi những hoạn nạn, ốm đau. Nhà chính nằm trong khuôn viên cùng một cái sân và một ngôi nhà phụ, có hàng tường rào bao quanh. Nhà bếp và nơi chứa nước nằm liền sát với nhà chính. Nơi để thóc lúa thì ở nơi tách biệt riêng. Nhà sàn truyền thống, tạo ra không gian sinh hoạt tách rời với mặt đất, đây cũng là một cách giữ gìn sức khỏe, tránh được bệnh tật do thời tiết ẩm thấp. Sàn nhà hình chữ nhật có mái hiên che. Khoảng không gian bên dưới để trống còn được sử dụng là nơi làm việc, nơi đặt khung cửi dệt vải. Từ những nét sơ khai ban đầu, nhà ở của Thái Lan có những bước phát triển hơn. Cấu trúc có phần phức tạp hơn để đáp ứng những nhu cầu cao hơn trong đời sống ngày nay. == Xem thêm == Tiếng Thái Thể thao Thái Lan Trang phục Thái Lan Tên người Thái Tết Thái Lan Lễ hội Thái Lan Sách Kỷ lục Thái Lan == Du lịch == == Cuộc thi sắc đẹp == === Phụ nữ === == Chú thích == == Liên kết ngoài == === Chính thức === Thaigov.go.th Royal Government of Thailand Tourism Authority of Thailand Official tourism website Thai National Assembly Official Thai Parliament website Mfa.go.th Thailand Ministry of Foreign Affairs Thailand Internet Information Thailand: National Electronics and Computer Technology Center Vertical garden in Thailand The Vertical garden in Thailand === Khác === CIA - The World Factbook - Thailand Thailand Country Fact Sheet from the Common Language Project Thailand Travel Dictionary Non-commercial information site Longdo Map Thailand On-line Thailand map Royal Thai Police Killings http://www.youtube.com/watch?v=xO7sKAx5rz8&feature=player_embedded Wikimedia Atlas của Thailand, có một số bản đồ liên quan đến Thailand.
sân khấu broadway.txt
Sân khấu Broadway hay quen gọi đơn giản là Broadway, là hệ thống bao gồm 39 nhà hát chuyên nghiệp (500 ghế trở lên) nằm trong khu vực Theatre District, Manhattan, New York. Broadway là địa điểm du lịch hấp dẫn của thành phố New York. Theo hiệp hội biểu diễn Broadway (The Broadway League) năm 2007-2008, sân khấu Broadway đã bán được khoảng 973 triệu USD tiền vé. == Danh sách các rạp hát tại Broadway == . == Tham khảo == == Liên kết ngoài == General Broadway.com The Internet Broadway Database Broadway Theatre Archive Playbill.com Broadway Magazine Awards and service organizations Tony Awards Touring Broadway Awards American Theatre Wing Theatre Communications Group
tư thục.txt
Tư thục là trường tư, tức là một trường học do tư nhân thành lập và điều hành. Có thể là Đại học tư thục hay trung học tư thục. Trường tư nhân, còn được gọi là trường độc lập, không phải là quản lý của chính quyền hay cơ quan địa phương, các chính phủ tiểu bang hoặc quốc gia, do đó, chúng vẫn giữ được quyền lựa chọn sinh viên, học sinh của họ và được tài trợ toàn bộ hoặc một phần bằng cách thu học phí sinh viên, hơn là dựa vào thuế bắt buộc thông qua tài trợ (chính phủ) công cộng, học sinh có thể có được một học bổng vào một trường tư và làm cho chi phí rẻ hơn tùy thuộc vào một tài năng học sinh có thể có, ví dụ học bổng thể thao, học bổng nghệ thuật, học bổng học tập... Trong Vương quốc Anh và các nước Khối thịnh vượng chung, việc sử dụng các thuật ngữ này thường bị giới hạn trình độ học vấn tiểu học và trung học, nó gần như là không bao giờ được sử dụng cho các trường đại học và các tổ chức đại học khác. Trong khi đó, giáo dục tư nhân ở Bắc Mỹ bao gồm toàn bộ hoạt động giáo dục khác nhau, từ mầm non cho các tổ chức cấp đại học. Cấp trung học bao gồm các trường học gồm các lớp 7 đến 12 và năm 13 (thứ sáu trên). Thể loại này bao gồm các trường dự bị đại học hoặc cao đẳng, các trường nội trú và trường học ngày. Học phí tại các trường tư thứ cấp khác nhau tùy trường học và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả vị trí của trường, sự sẵn sàng trả giá của các bậc cha mẹ, học phí các trường tương đương và vốn tài chính của trường. Nếu nhà trường yêu cầu Học phí cao, thường được sử dụng để trả lương cao hơn cho các giáo viên tốt nhất và cũng được sử dụng để cung cấp làm giàu môi trường học tập, bao gồm tỷ lệ cao số giáo viên, quy mô lớp học nhỏ và dịch vụ, chẳng hạn như thư viện, phòng thí nghiệm khoa học và máy tính. Một số trường tư nhân là các trường nội trú và học viện quân sự tư nhân. Các trường học tôn giáo và giáo phái tạo thành một tiểu thể loại của các trường tư nhân. Một số trường giảng dạy về tôn giáo, cùng với các môn học thông thường để gây ấn tượng với các tín ngưỡng và truyền giảng đức tin cụ thể của mình trong những học sinh tham dự. Chúng bao gồm các trường học giáo xứ, một thuật ngữ thường được sử dụng để biểu thị các trường Công giáo La Mã. Các nhóm tôn giáo khác củng tham gia lĩnh vực giáo dục tư nhân bao gồm người Tin Lành, Phật giáo, Do Thái giáo, người Hồi giáo, Chính thống giáo. Các trường tư thường tránh được một số quy định của Nhà nước, mặc dù vẫn chịu sự kiểm soát của nhà nước về chất lượng giáo dục, hầu hết thực hiện theo các quy định liên quan đến nội dung giáo dục của các lớp học. Trường hỗ trợ đặc biệt nhằm mục đích cải thiện cuộc sống của học sinh bằng cách cung cấp các dịch vụ phù hợp với nhu cầu rất cụ thể của từng học sinh. Trường này bao gồm dạy kèm các trường học và trường học để hỗ trợ việc học tập của trẻ em khuyết tật. == Tham khảo ==
slovakia.txt
Cộng hòa Slovakia (tiếng Việt: Xlô-va-ki-a; tiếng Anh: Slovakia /sloʊˈvɑːkiə/ ; tiếng Slovak: , đầy đủ ) là một quốc gia nằm kín trong lục địa tại Đông Âu với dân số trên 5 triệu người và diện tích khoảng 49,000 km2. Slovakia giáp biên giới với Cộng hoà Séc và Áo ở phía tây, Ba Lan ở phía bắc, Ukraina ở phía đông và Hungary ở phía nam. Thành phố lớn nhất đồng thời là thủ đô là Bratislava. Slovakia là quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, NATO, UN, OECD, WTO, UNESCO và các tổ chức quốc tế khác. Người Slav đã tới lãnh thổ Slovakia hiện nay trong khoảng thế kỷ thứ 5 và thế kỷ thứ 6 sau AD trong Giai đoạn Di cư. Trong quá trình lịch sử, nhiều phần của Slovakia ngày nay thuộc Đế chế của Samo (đơn vị chính trị đầu tiên được biết của người Slavơ), Đại Moravia, Vương quốc Hungary, Đế chế Áo-Hung hay Đế chế Habsburg và Tiệp Khắc. Một nhà nước Slovak độc lập đã được thành lập trong một giai đoạn ngắn trong Thế chiến II, trong đó Slovakia là một nhà nước phụ thuộc của Phát xít Đức 1939–1944. Từ năm 1945 Slovakia một lần nữa lại là một phần của Tiệp Khắc. Slovakia hiện nay trở thành một nhà nước độc lập ngày 1 tháng 1 năm 1993 sau sự giải tán liên bang của nó với Cộng hoà Séc. Slovakia có một nền kinh tế hiện đại có thu nhập cao với các mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất EU và OECD. Nước này gia nhập Liên minh châu Âu năm 2004 và gia nhập Eurozone ngày 1 tháng 1 năm 2009. == Lịch sử == === Trước thế kỷ thứ 5 === Xác định niên đại các bon cho thấy những đồ tạo tác khảo cổ lâu đời nhất còn tại Slovakia – được tìm thấy gần Nové Mesto nad Váhom – năm 270.000 trước Công Nguyên, thời kỳ Đầu Đồ đá cũ. Những công cụ cổ đó, được làm theo kỹ thuật Clactonian, là bằng chứng về dân cư cổ tại Slovakia. Các dụng cụ đá khác từ thời kỳ Giữa Đồ đá cũ (200.000 – 80.000 trước Công Nguyên) có tại hang Prévôt gần Bojnice và những địa điểm lân cận. Khám phá quan trọng nhất từ thời kỳ này là một sọ người Neanderthal (khoảng năm 200.000 trước Công Nguyên), được phát hiện gần Gánovce, một làng ở phía bắc Slovakia. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những bộ xương người thông minh tiền sử trong vùng, cũng như một số đồ vật và dấu tích của văn hoá Gravettian, chủ yếu tại các châu thổ sông Nitra, Hron, Ipeľ, Váh và cả ở tận thành phố Žilina, và gần chân Núi Vihorlat, Inovec, và Tribeč, cũng như tại núi Myjava. Những khám phá nổi tiếng nhất gồm tượng phụ nữ cổ nhất làm bằng xương voi mammoth (22 800 trước Công Nguyên), tượng Venus của Moravany. Bức tượng được tìm thấy trong thập niên 1940 tại Moravany nad Váhom gần Piešťany. Nhiều vòng tay làm bằng vỏ ốc từ Cypraca thermophile gastropods thuộc giai đoạn Tertiary có tại các địa điểm Zákovská, Podkovice, Hubina, và Radošinare. Những khám phá đó cung cấp bằng chứng sớm nhất về sự trao đổi thương mại được tiến hành giữa Địa Trung Hải và Trung Âu. Từ khoảng năm 500 trước Công Nguyên, lãnh thổ Slovakia ngày nay là nơi định cư của người Celt, họ đã xây dựng nên oppida trên các địa điểm tại Bratislava và Havránok hiện nay. Các Biatec, đồng xu bạc với tên của các vị Vua người Celt, là bằng chứng sớm nhất về việc sử dụng chữ viết tại Slovakia. Từ năm thứ 2 sau Công Nguyên, Đế chế La Mã đang mở rộng đã thiết lập và duy trì một loạt các tiền đồn xung quanh và ngay ở phía bắc Danube, tiền đồn lớn nhất là Carnuntum (những tàn tích lớn nhất của chúng nằm trên con đường chính giữa Vienna và Bratislava) và Brigetio (Szöny hiện nay tại biên giới Slovakia-Hungary). Gần đường cực bắc của các vùng nội địa La Mã, Limes Romanus, là nơi có trại mùa đông của Laugaricio (Trenčín hiện nay) nơi Đơn vị phụ trợ của Lữ đoàn II đã chiến đấu và giành chiến thắng trong một trận chiến quyết định trước bộ tộc Quadi Germanic năm 179 AD trong thời Những cuộc chiến tranh Marcomannic. Vương quốc Vannius, một vương quốc dã man được các bộ tộc Germanic Suebi Quadi và Marcomanni thành lập, cũng như nhiều bộ tộc Celtic và Germanic, gồm Osi và Cotini, tồn tại ở phía Tây và Trung Slovakia từ năm 8–6 trước Công Nguyên tới năm 179 sau Công Nguyên. Thời kỳ đồ đồng tại Slovakia kéo dài suốt ba thời kỳ phát triển, từ năm 2000 đến 800 trước Công Nguyên. Phát triển kinh tế, chính trị và văn hoá lớn có thể gắn liền với sự tăng trưởng vượt bậc trong sản xuất đồng, đặc biệt tại trung Slovakia (ví dụ tại Špania Dolina) và tây bắc Slovakia. Đồng trở thành một nguồn cung cấp tài sản ổn định cho dân cư địa phương. Sau sự biến mất của các nền văn hoá Čakany và Velatice, người Lusatian mở rộng và xây dựng các pháo đài mạnh và phức tạp, với những toà nhà và trung tâm hành chính lớn. việc khai quật các pháo đài Lusatian cung cấp bằng chứng về sự phát triển thương mại và nông nghiệp ổn định ở thời kỳ đó. Sự phong phú và đa dạng các đồ vật trong các ngôi mộ tăng đều. Những người dân trong khu vực này sản xuất vũ khí, khiên, đồ trang sức, đĩa và các bức tượng. Sự xuất hiện của các bộ tộc từ Thrace khiến nền văn hoá của người Calenderberg ngắt quãng. Người Calenderberg sống tại đồng bằng (Sereď), và cả tại các pháo đài đồi trên các đỉnh núi (Smolenice, Molpí). Quyền lực địa phương của các "Hoàng tử" của văn hoá Hallstatt biến mất tại Slovakia trong giai đoạn cuối cùng của Thời đồ sắt sau sự xung đột giữa người Scytho-Thracian và các bộ tộcCeltic tribes, tiến từ phía nam tới phía bắc, theo các con sông của Slovakia. === Những cuộc xâm lược lớn thế kỷ 4–7 === Ở thế kỷ thứ hai và ba sau Công Nguyên người Huns bắt đầu rời các thảo nguyên Trung Á. Họ vượt sông Danube năm 377 và chiếm Pannonia, và sử dụng nó trong 75 năm làm căn cứ tung ra các cuộc tấn công cướp bóc vào Tây Âu. Tuy nhiên, cái chết của Attila năm 453 đã dẫn tới sự biến mất của bộ tộc Hun. Năm 568 một bộ tộc tiền Mông Cổ, người Avar, tiến hành cuộc xâm lược của họ vào vùng Trung Danube. Người Avar chiếm các vùng đất thấp thuộc Đồng bằng Pannonian, lập ra một đế chế thống trị Châu thổ Karpat. Năm 623, dân cư Slavơ sống tại các vùng phía tây Pannonia rút khỏi đế chế của họ sau một cuộc cách mạng do Samo, một thương gia người Frankish lãnh đạo. Sau năm 626 quyền lực của người Avar dần suy tàn. === Các nhà nước Slavơ === Các bộ tộc Slavơ đã định cư ở lãnh thổ Slovakia hiện nay từ thế kỷ thứ 5. Vùng tây Slovakia từng là trung tâm của đế chế Samo ở thế kỷ 7. Một nhà nước Slavơ được gọi là Công quốc Nitra nổi lên ở thế kỷ 8 và người cầm quyền ở đó Pribina đã cho xây dựng nhà thờ Công giáo đầu tiên của Slovakia năm 828. Cùng với nước Moravia láng giềng, công quốc đã thành lập nên cốt lõi của Đế chế Đại Moravia từ năm 833. Đỉnh cao của đế chế Slavơ này diễn ra trùng với sự xuất hiện của Saints Cyril và Methodius năm 863, trong thời cai trị của Hoàng tử Rastislav, và lãnh thổ mở rộng dưới thời Vua Svätopluk I. === Thời kỳ Đại Moravia (830–896) === Đại Moravia nổi lên khoảng năm 830 khi Moimír I thống nhất các bộ tộc Slavơ định cư ở phía bắc sông Danube và mở rộng sự cai trị của Moravia tới đó. Khi Mojmír I cố thoát khỏi sự cai quản của vua Đông Francia năm 846, Vua Louis the German đã hạ bệ ông và ủng hộ cháu của Moimír, Rastislav (846–870) lên ngôi. Triều đình mới theo đuổi một chính sách độc lập: sau khi ngăn chặn cuộc tấn công của người Frankish năm 855, ông cũng tìm cách làm suy yếu ảnh hưởng của các thầy tu Frankist đang truyền giáo trong lãnh thổ của mình. Rastislav đã yêu cầu Hoàng đế Byzantine Michael III gửi các giáo viên có khả năng dịch thánh kinh sang ngôn ngữ Slavơ. Theo yêu cầu của Rastislav, hai người anh em, các quan chức Byzantine và là các nhà truyền giáo Cyril và Methodius tới đây năm 863. Cyril (Kyrillô) đã phát triển bảng chữ cái Slavơ đầu tiên và dịch Phúc âm sang ngôn ngữ Slavơ Giáo hội cổ. Rastislav cũng quan tâm tới việc đảm bảo an ninh và quản lý hành chính cho nhà nước của mình. Nhiều lâu đài có hệ thống phòng thủ mạnh được xây dựng khắp nước có niên đại từ thời cầm quyền của ông và một số chúng (ví dụ., Dowina, thỉnh thoảng được gọ là Devín Castle) cũng được cho là có liên quan tới Rastislav theo những cuốn biên niên sử Frankish. Trong thời cầm quyền của Rastislav, Công quốc Nitra được trao cho cháu của ông Svatopluk như một thái ấp. Vị hoàng tử nối loạn liên kết với người Frank và lật đổ người chú của mình năm 870. Tương tự với người tiền nhiệm của ông, Svatopluk I (871–894) đã lên giữ ngôi Vua (rex). Trong thời cai trị của ông, Đế chế Đại Moravia phát triển tới cực điểm về lãnh thổ, khi không chỉ Moravia và Slovakia hiện nay mà cả bắc và trung Hungary, Hạ Áo, Bohemia, Silesia, Lusatia, nam Ba Lan và bắc Serbia hiện nay đều thuộc đế chế, nhưng các biên giới chính xác của đế quốc của ông vẫn bị các học giả hiện đại tranh cãi. Svatopluk cũng chống lại các cuộc tấn công của các bộ tộc du mục Magyar và Đế chế Bulgaria, dù thỉnh thoảng chính ông thuê người Magyar khi tổ chức các cuộc chiến tranh chống lại Đông Francia. Năm 880, Giáo hoàng John VIII lập ra một tỉnh đại hội độc lập tại Đại Moravia với Tổng Giám mục Methodius là người đứng đầu. Ông cũng chỉ định tu sĩ người German Wiching làm Giám mục Nitra. Sau cái chết của Vua Svatopluk năm 894, các con trai của ông Mojmír II (894–906?) và Svatopluk II nối ngôi làm Vua Đại Moravia và Hoàng tử Nitra. Tuy nhiên, họ bắt đầu tranh cãi về việc cai trị toàn bộ đế chế. Bị suy yếu bởi cuộc xung đột bên trong cũng như những cuộc chiến tranh thường xuyên với Đông Francia, Đại Moravia mất các lãnh thổ ngoại vi của mình. Cùng lúc ấy, các bộ tộc Magyar, có thể vì sự thất bại trước một bộ tộc du mục khác là Pechenegs, rời lãnh thổ của họ ở phía đông dãy núi Karpat, xâm lược Châu thổ Karpat và bắt đầu chiếm dần lãnh thổ khoảng năm 896. Quân đội của họ có thể đã được khuyến khích bởi những cuộc chiến tranh liên tục giữa các quốc gia trong vùng và thỉnh thoảng các vị vua cai trị những quốc gia đó vẫn thuê họ can thiệp vào các cuộc chiến tranh của mình. Có lẽ cả Mojmír II và Svatopluk II đều chết trong các trận chiến với người Magyar trong khoảng từ năm 904 đến năm 907 bởi tên của họ không được đề cập tới trong các văn bản sau năm 906. Trong ba trận chiến (4–5 tháng 7 và 9 tháng 8 năm 907) gần Bratislava, người Magyar đánh bại quân đội Bavaria. Các nhà lịch sử thường coi đây là năm tan rã của Đế chế Đại Moravia. Đại Moravia để lại phía sau một di sản vĩnh cửu tại Trung và Đông Âu. Ký tự Glagolitic và hậu duệ của nó ký tự Cyrillic đã đồng hoá vào trong các quốc gia Slavơ khác, lập ra một con đường mới trong sự phát triển văn hoá của họ. Hệ thống hành chính của Đại Moravia có thể có ảnh hưởng tới sự phát triển của hệ thống hành chính của Vương quốc Hungary. === Vương quốc Hungary (1000–1919) === Sau sự tan rã của Đế chế Đại Moravia đầu thế kỷ thứ 10, người Hungary dần sáp nhập lãnh thổ bao gồm Slovakia ngày nay. Cuối thế kỷ thứ 10, các vùng phía tây nam của Slovakia hiện nay trở thành một phần của công quốc Hungary đang nổi lên, trở thành Vương quốc Hungary sau năm 1000. Sau đó vùng này trở thành một phần không thể tách rời của nhà nước Hungary cho tới sự sụp đổ của Đế chế Áo-Hung năm 1918. Thành phần sắc tộc trở nên đa dạng hơn với sự xuất hiện của người German Carpathian ở thế kỷ 13, và người Do thái ở thế kỷ 14. Một sự sụt giảm dân số mạnh là kết quả của cuộc xâm lược của người Mông Cổ năm 1241 và nạn đói sau đó. Tuy nhiên, trong thời trung cổ vùng Slovakia hiện nay có đặc điểm bởi các thị trấn đang phát triển, việc xây dựng nhiều lâu đài đá, và sự phát triển nghệ thuật. Năm 1465, Vua Matthias Corvinus đã lập ra trường đại học thứ ba của Vương quốc Hungary, tại Bratislava (khi ấy là Pressburg hay Pozsony), nhưng nó bị đóng cửa năm 1490 sau khi ông qua đời. Sau khi Đế chế Ottoman mở rộng tới Hungary và sự chiếm đóng Buda đầu thế kỷ 16, trung tâm của Vương quốc Hungary (dưới cái tên Hoàng gia Hungary) chuyển tới Pozsony (trong tiếng Slovakia: Prespork ở thời điểm đó, hiện là Bratislava) trở thành thành phố thủ đô của Hoàng gia Hungary năm 1536. Nhưng các cuộc chiến tranh Ottoman và những cuộc nổi dậy sau đó chống lại Triều đình Habsburg cũng gây nên sự phá hoại rất lớn, đặc biệt tại các vùng nông thôn. Khi người Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi Hungary hồi cuối thế kỷ 17, tầm quan trọng của vùng đất gồm Slovakia hiện đại ngày nay giảm bớt, dù Bratislava vẫn giữ được vị thế thủ đô Hungary cho tới năm 1848, khi nó được chuyển cho Buda. Trong cuộc cách mạng năm 1848–49 người Slovak ủng hộ Hoàng đế Áo, với hy vọng có được độc lập từ Hungary, một phần của Triều đình Kép, nhưng họ đã không đạt mục tiêu. Sau đó quan hệ giữa các quốc gia xấu đi (xem Hungary hoá), lên tới đỉnh điểm là sự ly khai của Slovakia khỏi Hungary sau Thế chiến I. === Tiệp Khắc giữa hai cuộc chiến === Năm 1918, Slovakia và các vùng Bohemia và Moravia thành lập một nhà nước chung, Tiệp Khắc, với các biên giới được xác nhận theo Hiệp ước Saint Germain và Hiệp ước Trianon. Năm 1919, trong thời gian hỗn loạn sau sự tan rã của Áo-Hung, Tiệp Khắc được thành lập với nhiều người Đức và người Hungary bên trong lãnh thổ mới được lập ra của họ. Một người Slovak yêu nước Milan Rastislav Štefánik (1880–1919), đã giúp tổ chức các trung đoàn Tiệp Khắc chống Áo-Hung trong Thế chiến I, thiệt mạng trong một vụ đâm máy bay trong cuộc chiến này. Trong thời kỳ hoà bình sau cuộc Thế chiến, Tiệp Khắc xuất hiện như một nhà nước châu Âu có chủ quyền. Trong giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến, Tiệp Khắc dân chủ là đồng minh với Pháp, và với România và Nam Tư (Little Entente); tuy nhiên, Các hiệp ước Locarno năm 1925 khiến anh ninh Đông Âu còn để ngỏ. Cả người Séc và người Slovak đều có một giai đoạn khá thịnh vượng. Không chỉ ở quá trình phát triển nền kinh tế đất nước, mà cả ở văn hoá và các cơ hội giáo dục. Cộng đồng Đức thiểu số chấp nhận vai trò của họ trong quốc gia mới và các quan hệ với Áo khá tốt. Tuy thế cuộc Đại giảm phát đã gây ra sự suy giảm kinh tế, tiếp theo là sự tan rã chính trị và mất an ninh ở châu Âu. Sau đó Tiệp Khắc ở dưới áp lực liên tục từ các chính phủ xét lại của Đức và Hungary. Cuối cùng việc này đã dẫn đến Thoả thuận Munich vào tháng 9 năm 1938, cho phép Đức Phát xít chia cắt một phần lãnh thổ đất nước bằng cách chiếm đóng cái gọi là Sudetenland, một vùng có đa số người nói tiếng Đức giáp với biên giới Đức và Áo. Phần còn lại của Tiệp Khắc được đổi tên thành Czecho-Slovakia và người Slovak có mức độ tự chủ chính trị lớn hơn. Tuy nhiên, vùng phía nam và phía đông Slovakia, bị Hungary tuyên bố chủ quyền tại Hội đồng trọng tài Vienna lần thứ nhất tháng 11 năm 1938. === Thế chiến II === Sau Thoả thuận Munich và Hội đồng trọng tài Vienna của họ, Phát xít Đức đe doạ sáp nhập một phần Slovakia và cho phép các vùng còn lại được phân chia bởi Hungary hay Ba Lan trừ khi họ tuyên bố độc lập. Vì thế, Slovakia ly khai khỏi Tiệp Khắc vào tháng 3 năm 1939 và liên kết, theo yêu cầu của Đức, với liên minh của Hitler. Chính phủ Đệ nhất Cộng hoà Slovak, dưới sự lãnh đạo của Jozef Tiso và Vojtech Tuka, bị ảnh hưởng mạnh từ Đức và dần trở thành một chế độ bù nhìn ở nhiều khía cạnh. Hầu hết người Do Thái bị trục xuất khỏi đất nước và bị đưa tới các trại lao động tại Đức, tuy nhiên hàng nghìn người Do Thái vẫn ở lại trong các trại lao động tại Slovak ở Sered, Vyhne, và Nováky. Tiso, nhờ có thể trao quyền miễn trừ của tổng thống, được cho là đã cứu tới 40,000 người Do thái trong thời gian cuộc chiến, dù những ước tính khác cho rằng con số đó là khoảng 4,000 hay thậm chí chỉ 1,000. Tuy nhiên, dưới chế độ chính phủ Tiso 83% người Do thái tại Slovakia, trong tổng cộng 75,000 người, đã bị giết hại. Tiso trở thành lãnh đạo châu Âu duy nhất thực tế trả cho chính quyền Đức để trục xuất người Do Thái trong nước ông. Sau khi rõ ràng rằng Hồng quân Nga đang đẩy lùi quân Phát xít khỏi đông và trung Âu, một phong trào kháng chiến xuất hiện với sự phản công vũ trang mạnh mẽ, được gọi là Khởi nghĩa Quốc gia Slovak, năm 1944. Một thời kỳ chiếm đóng đẫm máu của Đức và một cuộc chiến tranh du kích diễn ra sau đó. === Cầm quyền của Đảng Cộng sản === Sau Thế chiến II, Tiệp Khắc được tái lập và Jozef Tiso bị treo cổ năm 1947 vì tội hợp tác với Phát xít. Hơn 80,000 người Hungary và 32,000 người Đức bị buộc phải rời Slovakia, trong một loạt các cuộc di chuyển dân số theo sáng kiến của Đồng Minh tại Hội nghị Potsdam. Sự trục xuất này vẫn là một nguồn gốc gây căng thẳng giữa Slovakia và Hungary. Trong số khoảng 130,000 người Đức Carpathian tại Slovakia năm 1938, đến năm 1947 chỉ còn khoảng 20,000 người ở lại. Tiệp Khắc rơi vào tầm ảnh hưởng của Liên Xô và Khối hiệp ước Warszawa của họ sau một cuộc đảo chính năm 1948. Nước này bị chiếm đóng bởi các lực lượng Khối Warszawa (ngoại trừ România) năm 1968, chấm dứt một giai đoạn tự do hoá dưới sự lãnh đạo của Alexander Dubček. Năm 1969, Tiệp Khắc trở thành một liên bang gồm Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Séc và Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Slovak. === Thành lập Cộng hoà Slovak === Chế độ cộng sản cầm quyền tại Tiệp Khắc chấm dứt năm 1989, sau cuộc Cách mạng Nhung hoà bình, một lần nữa quốc gia lại bị giải tán, lần này thành hai nhà nước kế tục. Tháng 7 năm 1992 Slovakia, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Vladimír Mečiar, tuyên bố mình là một nhà nước có chủ quyền, có nghĩa luật pháp của họ được ưu tiên hơn luật pháp của chính phủ liên bang. Trong mùa thu năm 1992, Mečiar và Thủ tướng Séc Václav Klaus đã đàm phán các chi tiết về việc giải tán liên bang. Tháng 11 nghị viện liên bang bỏ phiếu chính thức giải tán đất nước vào ngày 31 tháng 12 năm 1992. Slovakia và Cộng hoà Séc trở thành hai quốc gia độc lập kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1993, một sự kiện thỉnh thoảng được gọi là sự Ly hôn Nhung. Slovakia vẫn là một đối tác chặt chẽ với Cộng hoà Séc, cả hai nước hợp tác với Hungary và Ba Lan trong Nhóm Visegrád. Slovakia trở thành một thành viên của NATO ngày 29 tháng 3 năm 2004 và của Liên minh châu Âu ngày 1 tháng 5 năm 2004. Ngày 1 tháng 1 năm 2009, Slovakia chấp nhận đồng Euro trở thành đồng tiền tệ quốc gia. == Địa lý == Phong cảnh Slovak chủ yếu là núi non, với dãy núi Karpat chạy suốt hầu hết nửa phía bắc đất nước. Trong số những rặng núi đó có những đỉnh của dãy núi Tatra. Ở phía bắc, gần biên giới Ba Lan, là High Tatras địa điểm trượt tuyết nổi tiếng và là nơi có nhiều hồ cùng thung lũng đẹp cũng như các điểm cao nhất Slovakia, Gerlachovský štít ở độ cao 2,655 mét (8,711 ft), và ngọn núi mang tính biểu tượng quốc gia Kriváň. Các con sông chính của Slovakia là Danube, Váh và Hron. Sông Tisa là biên giới Slovak-Hungary với đoạn chỉ kéo dài 5 km. Khí hậu Slovak ở giữa các vùng khí hậu ôn hoà và khí hậu lục địa với mùa hè khá ấm và mùa đông lạnh, ẩm, nhiều mây. Lãnh thổ Slovakia có thể chia thành ba vùng khí hậu và vùng thứ nhất lại có thể được chia thành hai vùng nhỏ. === Khí hậu những vùng đất thấp === Nhiệt độ trung bình năm khoảng 9–10 °C. Nhiệt độ trung bình tháng nóng nhất khoảng 20 °C và nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất lớn hơn −3 °C. Kiểu thời tiết này xảy ra tại Záhorská nížina và Podunajská nížina. Đây là khí hậu đặc trưng của thành phố thủ đô Bratislava. === Khí hậu các vùng châu thổ === Nhiệt độ trung bình năm trong khoảng 5 °C đến 8.5 °C. Nhiệt độ trung bình tháng nóng nhất trong khoảng 15 °C và 18.5 °C và nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất trong khoảng −3 °C và −6 °C. Kiểu khí hậu này có thể tháy ở hầu hết mọi vùng châu thổ tại Slovakia. Ví dụ Podtatranská kotlina, Žilinská kotlina, Turčianska kotlina, Zvolenská kotlina. Đây là khí hậu đặc trưng của các thị trấn Poprad và Sliač. === Khí hậu vùng núi === Nhiệt độ trung bình năm chưa tới 5 °C. Nhiệt độ trung bình tháng nóng nhất chưa tới 15 °C và nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất chưa tới −5 °C. Kiểu khí hậu này diễn ra tại các vùng núi và một số làng trong thung lũng Orava và Spiš. == Nhân khẩu == Đa số dân sống tại Slovakia là người Slovak (85,8%). người Hungary là sắc tộc thiểu số lớn nhất (9,5%). Các nhóm sắc tộc khác, theo cuộc điều tra dân số năm 2001, gồm người Di-gan 1,7%, Người Rusyn hay người Ukraina 1%, và các nhóm khác hay không xác định 1.8%. Những ước tính không chính thức về số người Di-gan lớn hơn, khoảng 9%. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Slovak, một thành viên của nhóm ngôn ngữ Slavơ. Tiếng Hungary được sử dụng rộng rãi tại các vùng phía nam và tiếng Ruthenia từng được dùng tại một số vùng đông bắc. Các ngôn ngữ thiểu số cũng có vị thế đồng chính thức tại các khu đô thị nơi cộng đồng dân cư thiểu số đạt mức quy định 20%. Năm 2007, Slovakia ước tính có tổng tỷ suất sinh 1.33. (ví dụ, một phụ nữ trung bình sẽ có 1.33 con trong đời), khá thấp dưới ngưỡng thay thế và là một trong những tỷ lệ thấp nhất trong số các quốc gia EU. Năm 1990, theo cuộc Điều tra dân số Hoa Kỳ người Mỹ gốc Slovak chiếm tỷ lệ lớn thứ hai trong các nhóm sắc tộc Slavơ. Cũng theo cuộc điều tra này khoảng 1.8 triệu người Mỹ có tổ tiên là người Slovak. == Tôn giáo == Hiến pháp Slovakia đảm bảo quyền tự do tôn giáo. Đa số công dân Slovak (68.9%) tự coi mình là tín đồ Công giáo Rôma, hay có tổ tiên Công giáo Rôma. Dù số lượng người tới nhà thờ thấp hơn con số này. Đất nước này có tỷ lệ người vô thần ở mức trung bình của châu Âu, khoảng 40% hiện tại là vô thần hay bất khả tri theo 2004 Eurobarometer do phái bộ châu Âu xuất bản. Khoảng 6.93% tự nhận là người theo Giáo hội Luther, 4.1% Chính Thống giáo Hy Lạp, và 2.0% tin vào Thần học Calvin. Khoảng 0.9% dân số là tín đồ Chính Thống giáo Đông phương, và các thành viên của các nhà thờ khác, gồm cả những người không đăng ký, chiếm khoảng 1.1% dân số. Tuy trước Thế chiến II nước này có số người Do Thái khoảng 90,000, nhưng ngày nay chỉ còn khoảng 2,300 người. == Chính trị == Slovakia là một nền cộng hoà dân chủ nghị viện với một hệ thống đa đảng. Cuộc bầu cử gần nhất được tổ chức ngày 17 tháng 6 năm 2006 và hai vòng của cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 3 tháng 4 và 17 tháng 4 năm 2004. Nguyên thủ quốc gia Slovak là tổng thống (Ivan Gašparovič, 2004 – 2009), được bầu trực tiếp theo phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ năm năm. Tổng thống là nguyên thủ quốc gia và là người lãnh đạo chính thức của nhánh hành pháp, dù với quyền lực rất hạn chế. Hầu hết quyền hành pháp thuộc lãnh đạo chính phủ, thủ tướng (Robert Fico, 2006 – 2010), thường là lãnh đạo đảng thắng cử, nhưng ông/bà ta cần hình thành một liên minh đa số trong nghị viện. Thủ tướng được tổng thống chỉ định. Tất cả thành viên khác trong nội các cũng được tổng thống chỉ định theo giới thiệu của thủ tướng. Cơ quan lập pháp cấp cao nhất của Slovakia là Hội đồng Cộng hoà Slovak (Národná rada Slovenskej republiky) đơn viện. Các đại biểu được bầu với nhiệm kỳ bốn năm trên cơ sở đại diện tỷ lệ. Cơ quan hành pháp cấp cao nhất của Slovakia là Toà án Hiến pháp Slovakia (Ústavný súd), xét xử các vấn đề về hiến pháp. 13 thành viên của Toà án này do Tổng thống chỉ định từ một danh sách ứng cử viên do nghị viện đề nghị. Slovakia là một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và NATO từ năm 2004. Là một thành viên của Liên hiệp quốc (từ năm 1993), ngày 10 tháng 10 năm 2005, Slovakia được bầu làm thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc với nhiệm kỳ hai năm từ 2006 đến 2007. Slovakia cũng là một thành viên của WTO, OECD, OSCE, và các tổ chức quốc tế khác. Một việc gây tranh cãi, Các nghị định Beneš, theo đó, sau Thế chiến II, dân cư người Đức và Hungary tại Tiệp Khắc bị quy trách nhiệm có tội trong Thế chiến II, bị tước bỏ quyền công dân, và nhiều người bị trục xuất, vẫn chưa được phục hồi. Hiến pháp Cộng hoà Slovak được phê chuẩn ngày 1 tháng 9 năm 1992, và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1993). Nó được sửa đổi vào tháng 9 năm 1998 để cho phép bầu cử trực tiếp tổng thống và một lần nữa vào tháng 2 năm 2001 vì các yêu cầu chấp nhận gia nhập của EU. Hệ thống luật dân sự dựa trên các điều luật của Áo-Hung. Luật pháp đã được sửa đổi để tương tích với các quy định của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và để xoá bỏ lý thuyết pháp luật Marxist-Leninist. Slovakia chấp nhận tính pháp lý của Toà án Công lý Quốc tế với sự bảo lưu. Liên minh chính phủ ở thời điểm tháng 7 năm 2006 gồm Smer, SNS (nổi tiếng về khuynh hướng phát xít công khai và một lập trường chống các sắc tộc thiểu số) and HZDS. == Các hạt và quận == Để phân chia hành chính, Slovakia được chia thành 8 krajov (số ít – kraj, thường được dịch thành "vùng", nhưng thực tế có nghĩa "hạt"), mỗi vùng được đặt tên theo thành phố thủ phủ. Các vùng có một số mức độ tự chủ từ năm 2002. Các cơ quan tự quản của họ được gọi là các Vùng Tự quản (hay tự trị) (số ít samosprávny kraj, số nhiều samosprávne kraje) hay Các đơn vị Lãnh thổ Ba cấp trên cùng (số ít vyšší územný celok, số nhiều vyššie územné celky, viết tắt VÚC). Bratislava (Bratislavský kraj) (thủ phủ Bratislava) Trnava (Trnavský kraj) (thủ phủ Trnava) Trenčín (Trenčiansky kraj) (thủ phủ Trenčín) Nitra (Nitriansky kraj) (thủ phủ Nitra) Žilina (Žilinský kraj) (thủ phủ Žilina) Banská Bystrica (Banskobystrický kraj) (thủ phủ Banská Bystrica) Vùng Prešov (Prešovský kraj) (thủ phủ Prešov) Košice (Košický kraj) (thủ phủ Košice) (từ kraj có thể được thay thế bằng samosprávny kraj hay VÚC ở mỗi trường hợp) "kraje" được chia nhỏ tiếp thành nhiều okresy (số ít okres, thường được dịch thành quận). Slovakia hiện có 79 quận. Về kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp, các vùng phía tây giàu có hơn các vùng phía đông; tuy nhiên sự khác biệt tương đối không lớn hơn hầu hết các quốc gia EU cũng có các vùng khác biệt. == Kinh tế == Kinh tế Slovak economy được coi là một nền kinh tế tiên tiến, và nước này được gọi là một con Hổ Tatra. Slovakia đã chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung sang một nền kinh tế thị trường. Các chương trình tư nhân hoá lớn hầu như đã hoàn tất, lĩnh vực ngân hàng hầu như nằm trong tay tư nhân, và khoản đầu tư nước ngoài đã tăng lên. Gần đây Slovakia nổi bật nhờ có mức tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Năm 2006, Slovakia có mức tăng trưởng GDP (8.9%) cao nhất trong số các thành viên OECD. Tăng trưởng GDP năm 2007 được ước tính ở mức 10.4% với một mức kỷ lục 14.3% đạt được ở quý bốn. Theo dữ liệu của Eurostat, GDP theo sức mua tương đương trên đầu người của Slovakia đứng ở mức 72% so với mức trung bình của EU năm 2008. Thất nghiệp, lên tới đỉnh điểm ở mức 19.2% cuối năm 1999, đã giảm xuống 7.51% vào tháng 10 năm 2008 theô Văn phòng Thống kê của Cộng hoà Slovak. Ngoài tăng trưởng kinh tế, di cư công nhân tới các quốc gia EU khác cũng góp phần vào sự sụt giảm này. Theo Eurostat, vốn sử dụng cách tính khác biệt so với cách tính của Văn phòng Thống kê Cộng hoà Slovak, tỷ lệ thất nghiệp vẫn đứng ở mức cao thứ hai sau Tây Ban Nha trong nhóm EU-15, với 9.9%. Lạm phát đã giảm từ mức trung bình năm 12.0% năm 2000 xuống chỉ còn 3.3% trong năm bầu cử 2002, nhưng tăng lại vào năm 2003–2004 vì chi phí nhân công tăng và thuế cao. Đạt mức 3.7% năm 2005. Slovakia đã chấp nhận đồng euro vào ngày 1 tháng 1 năm 2009 và là thành viên thứ 16 của Eurozone. Đồng euro tại Slovakia đã được Hội đồng châu Âu thông qua ngày 7 tháng 5 năm 2008. Đồng Slovenská koruna được định giá lại ngày 28 tháng 5 năm 2008 ở mức 30.126 cho 1 euro, đây cũng là tỷ giá trao đổi với đồng euro. Slovakia là một đất nước hấp dẫn đầu tư nước ngoài chủ yếu bởi mức lương thấp, thuế thấp và lực lượng lao động có đào tạo. Những năm gần đây, Slovakia đã theo đuổi một chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài. FDI đã tăng hơn 600% từ năm 2000 và lên tới đỉnh điểm ở mức $17.3 tỷ USD năm 2006, hay khoảng $22,000 trên đầu người cuối năm 2008. Dù có đủ số lượng các nhà nghiên cứu và một hệ thống giáo dục tốt, Slovakia, cùng với các quốc gia hậu Cộng sản khác, vẫn phải đối mặt với các thách thức trong lĩnh vực kinh tế trí thức. Chi phí nghiên cứu và phát triển kinh doanh và công cộng ở mức thấp hơn mức trung bình của EU. Chương trình Đánh giá Sinh viên Quốc tế, được điều phối bởi OECD, hiện xếp giáo dục cấp hai của Slovakia ở hạng 30 trong bảng xếp hạng (ngay dưới Hoa Kỳ và trên Tây Ban Nha). Tháng 3 năm 2008, Bộ Tài chính thông báo rằng kinh tế Slovakia đã phát triển đủ để ngừng nhận viện trợ từ Ngân hàng Thế giới. Slovakia đã trở thành một nước cung cấp viện trợ từ cuối năm 2008. Tính đến năm 2016, GDP của Slovakia đạt 90.263 USD, đứng thứ 65 thế giới và đứng thứ 23 châu Âu. === Công nghiệp === Dù GDP của Slovakia chủ yếu từ lĩnh vực dịch vụ, ngành công nghiệp của nước này cũng đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Các lĩnh vực công nghiệp chính là sản xuất ô tô và kỹ thuật điện. Từ năm 2007, Slovakia đã trở thành nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới tính theo đầu người, với tổng số 571,071 chiếc xe được sản xuất trong nước riêng trong năm 2007. Hiện có ba nhà sản xuất chính: Volkswagen tại Bratislava, PSA Peugeot Citroen tại Trnava và Kia Motors tại Žilina. Về các công ty điện tử, Sony có một nhà máy tại Nitra sản xuất LCD TV, Samsung tại Galanta sản xuất màn hình máy tính và các bộ linh kiện TV. Vị trí địa lý của Bratislava ở Trung Âu từ lâu đã khiến Bratislava trở thành ngã tư trên các con đường thương mại quốc tế. Nhiều tuyến đường thương mại cổ, như Đường Amber và tuyến đường thuỷ Danube đã đi qua vùng Bratislava hiện nay. Bratislava ngày nay là một đầu mối đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và hàng không. == Cơ sở hạ tầng == === Đường bộ === Bratislava là một điểm nút đường cao tốc quốc tế lớn: Đường cao tốc D1 nối Bratislava với Trnava, Nitra, Trenčín, Žilina và các địa điểm ở xa hơn, trong khi Đường cao tốc D2, chạy theo hướng bắc nam, nối thành phố này với Praha, Brno và Budapest. Đường cao tốc D4 (đường vòng phía ngoài), sẽ làm giảm áp lực trên hệ thống đường cao tốc của thành phố, hầu như mới ở giai đoạn lập kế hoạch. Đường cao tốc A6 tới Viên nối trực tiếp Slovakia với hệ thống đường cao tốc Áo và mở cửa ngày 19 tháng 11 năm 2007. Hiện tại, có năm cây cầu bắc qua sông Danube (thứ tự theo dòng chảy): Lafranconi Bridge, Nový Most (Cầu Mới), Starý most (Cầu Cũ), Most Apollo và Prístavný most (Cầu Cảng). Mạng lưới đường bộ bên trong thành phố được làm theo hình tròn xuyên tâm. Hiện nay, giao thông đường bộ tại Bratislava đang phát triển nhanh chóng, tăng áp lực lên mạng lưới đường. Có khoảng 200,000 xe đăng ký tại Bratislava, (xấp xỉ 2 người trên mỗi chiếc xe). === Hàng không === Sân bay M. R. Štefánik tại Bratislava là sân bay quốc tế chính tại Slovakia. Nó nằm cách trung tâm thành phố 9 kilômét (5.59 dặm). Đây là nơi đón tiếp các chuyến bay dân sự và chính phủ, các chuyến bay nội địa và quốc tế định kỳ và không định kỳ. Các đường băng hiện thích hợp cho mọi loại máy bay đang được sử dụng. Sân bay có lượng hành khách gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây; năm 2000 sân bay phục vụ 279,028 hành khách, 1,937,642 hành khách năm 2006 và 2,024,142 năm 2007. Smaller airports served by passenger airlines include those in Košice và Poprad. === Đường sông === Cảng Bratislava là một trong hai cảng đường sông quốc tế tại Slovakia. Cảng nối Bratislava với các tuyến đường biển quốc tế, đặc biệt là nối từ Biển Bắc đến Biển Đen qua Kênh Rhine–Main–Danube. Ngoài ra, các tuyến đường du lịch cũng hoạt động từ cảng hành khách Bratislava, gồm các tuyến đường tới Devín, Viên và những nơi khác. === Du lịch === Slovakia có nhiều địa điểm tự nhiên, các dãy núi, hang động, các lâu đài trung cổ, các thị trấn, kiến trúc dân gian, các khu spa và các khu trượt tuyết. Hơn 1.6 triệu du khách tới thăm Slovakia năm 2006, và các địa điểm thu hút nhiều du khách nhất là thành phố Bratislava và High Tatras. Hầu hết khách du lịch tới từ Cộng hoà Séc (khoảng 26%), Ba Lan (15%) và Đức (11%). Các món quà tặng đặc trưng từ Slovakia là những con búp bê mặt trang phục truyền thống, các đồ sành sứ, pha lê, tượng gỗ khắc, črpák (bình đựng nước bằng gỗ), fujara (một nhạc cụ truyền thống trong danh sách của UNESCO) và valaška (một loại rìu dân gian khắc) và hơn hết là các sản phẩm làm từ vỏ ngô và dây, đáng chú ý nhất là các hình người. Những đồ quà tặng có thể được mua tại các cửa hàng của tổ chức nhà nước ÚĽUV (Ústredie ľudovej umeleckej výroby – Trung tâm sản xuất nghệ thuật dân gian). Dãy cửa hàng Dielo bán các đồ chế tạo của các nghệ sĩ và thợ thủ công Slovak. Những cửa hàng này hầu hết có mặt tại các thị trấn và các thành phố. Giá cả các mặt hàng nhập khẩu nói chung tương đương với các nước láng giềng, trong khi giá các mặt hàng địa phương và các loại dịch vụ, đặc biệt là thực phẩm, thường thấp hơn. == Khoa học == Một số người Slovak đã có những đóng góp đáng chú ý về kỹ thuật. Jozef Murgaš góp phần vào sự phát triển điện báo không dây; Ján Bahýľ đã chế tạo một trong những chiếc trực thăng hoạt động bằng động cơ đầu tiên; Štefan Banič chế tạo chiếc dù được sử dụng nhiều trong thực tế đầu tiên; Aurel Stodola đã chế tạo một vũ khí sinh học năm 1916 và là người tiên phong trong lĩnh vực turbine hơn nước và gas. Gần đây hơn, John Dopyera đã chế tạo một chiếc đàn guitar cộng hưởng, một đóng góp quan trọng vào việc phát triển nhạc cụ dây. Nhà du hành vũ trụ Mỹ Eugene Cernan (Čerňan), người cuối cùng tới Mặt Trăng, có nguồn gốc Slovak. Ivan Bella là công dân Slovak đầu tiên vào vũ trụ, đã tham gia vào phi vụ hỗn hợp Nga-Pháp-Slovak kéo dài 9 ngày trên trạm vũ trụ Mir năm 1999. Những người đoạt Giải Nobel Daniel Gajdusek và David Politzer cũng có tổ tiên Slovak. == Mã số bưu điện Slovakia == Mã số bưu điện tại Slovakia, được bắt đầu sử dụng từ năm 1973 trong phạm vi quốc gia Tiệp Khắc cũ, nay do công ty cổ phần nhà nước, Bưu điện Slovakia, quản lý. Mã số bưu điện được viết trước tên thành phố (hay nói rộng là địa phận bưu điện), ba số đầu và hai số cuối được viết tách ra. Ví dụ: Gửi đến ông ABC, đường CBA số 1, 949 11 thành phố XYZ, trong đó 949 11 là mã số bưu điện của thành phố XYZ. Ba số đầu không theo thứ tự số vì mang nhiều các ý nghĩa lịch sử của ngành bưu điện Tiệp Khắc cũ và việc phân chia quốc gia Tiệp Khắc thành hai nước Séc và Slovakia. Các số bắt đầu từ 1 đến 7 thuộc Séc, các số bắt đầu bằng 8,9,0 thuộc Slovakia. Sau khi phân chia quốc gia, Séc và Slovakia dùng tiếp các mã số bưu điện này. Hai số cuối chỉ số thứ tự của các sở bưu điện trong một thành phố, số 01 thuộc sở bưu điện chính. Mã số bưu điện là thông tin bắt buộc phải có trong địa chỉ người nhận của thư từ, phiếu chuyển tiền hay các bưu phẩm khác. Nhờ việc dùng mã số bưu điện, thư từ được phân chia tự hóa bằng các dây chuyền phân loại thư ILV, hiện nay chúng dần được thay thế bằng các dây chuyền mới CRS 1000, do công ty Siemens cung cấp. Hiện nay (2007), Slovakia có dự kiến lập lại hệ thống mã số bưu điện để sử dụng tất cả các số còn lại mà trước kia thuộc các vùng của Séc. Thay đổi này còn liên quan đến các dự kiến thay đổi công nghệ và thiết bị của ngành bưu điện Slovakia, nhằm tăng số lượng thư bảo đảm, chuyển được đến người nhận trong ngày làm việc kế tiếp, từ 43% lên 90%. == Văn hoá == Xem thêm Danh sách nhân vật Slovak Nghệ thuật Slovakia có thể truy nguồn gốc từ thời Trung Cổ, khi một số trong những tuyệt tác lớn nhất trong lịch sử quốc gia được sáng tác. Các nhân vật đáng chú ý của thời kỳ này gồm nhiều bậc thầy, trong số đó có Master Paul of Levoča và Master MS. Nghệ thuật đương đại gần đây hơn có các nhân vật Koloman Sokol, Albín Brunovský, Martin Benka, Mikuláš Galanda, và Ľudovít Fulla. Những nhà soạn nhạc quan trọng nhất Slovakia là Eugen Suchoň, Ján Cikker, và Alexander Moyzes, ở thế kỷ 21 là Vladimir Godar và Peter Machajdik. Slovakia cũng nổi tiếng về các học giả của mình, trong đó có Pavol Jozef Šafárik, Matej Bel, Ján Kollár, và các nhà cách mạng và cải cách chính trị như Milan Rastislav Štefánik và Alexander Dubček. Có hai nhân vật hàng đầu đã hệ thống hoá ngôn ngữ Slovak. Người đầu tiên là Anton Bernolák với ý tưởng của ông dựa trên phương ngữ tây Slovak năm 1787. Đây là sự hệ thống hoá của ngôn ngữ văn học đầu tiên của người Slovak. Người thứ hai là Ľudovít Štúr, ông đã lập ra ngôn ngữ Slovak dựa trên các nguyên tắc từ phương ngữ trung Slovak năm 1843. Anh hùng nổi tiếng nhất Slovakia là Juraj Jánošík (một người hùng kiểu Robin Hood của Slovakia). Nhà thám hiểm nổi tiếng Móric Benyovszky cũng có tổ tiên là người Slovak. Về thể thao, những người Slovak có lẽ nổi tiếng nhất (tại Bắc Mỹ) nhờ các ngôi sao môn hockey của họ, đặc biệt là Stan Mikita, Peter Šťastný, Peter Bondra, Žigmund Pálffy và Marián Hossa. Để có một danh sách xem Danh sách nhân vật Slovak. Về một danh sách các tác gia và nhà thơ Slovak, xem Danh sách các tác gia Slovak. === Văn học === Các chủ đề Kitô giáo gồm: bài thơ Proglas như là một lời mở đầu cho bốn Sách Phúc Âm, những bản dịch một phần của Kinh thánh sang ngôn ngữ Nhà thờ Slavơ Cổ, Zakon sudnyj ljudem, vân vân. Văn học trung cổ, ở giai đoạn từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15, được viết bằng tiếng Latin, các ngôn ngữ Séc và Séc slovakia hoá. Lời (lời cầu nguyện, những bài hát và các cách thức) vẫn thuộc kiểm soát của nhà thờ, trong khi chủ đề tập trung trên các huyền thoại. Các tác gia của thời kỳ này gồm Johannes de Thurocz, tác giả của Chronica Hungarorum và Maurus, cả hai đều là người Hungary. Văn học trần tục cũng xuất hiện và các cuốn biên niên sử cũng được viết trong giai đoạn này. === Ẩm thực === Thịt lợn, thịt bò và thịt gà là ba loại thịt chính được tiêu thụ ở Slovakia, và thịt lợn là phổ biến nhất. Gà là loại gia cầm được tiêu thụ nhiều nhất, tiếp đó là vịt, ngỗng và gà tây. Một dồi lợn được gọi là jaternice, được làm từ mọi phần của lợn, cũng được tiêu thụ nhiều. Thịt săn, đặc biệt là lợn lòi, thỏ và thịt nai, cũng có trong cả năm. Thịt cừu và dê cũng được tiêu thụ, nhưng không rộng rãi. Rượu được tiêu thụ trên khắp Slovakia. Rượu Slovak chủ yếu tới từ các vùng phía nam dọc sông Danube và các phụ lưu; nửa phía bắc đất nước quá lạnh và nhiều đồi núi để trồng nho. Theo truyền thống, rượu trắng được dùng nhiều hơn rượu đỏ hay rosé (ngoại trừ ở một số vùng), và rượu ngọt phổ biến hơn rượu nặng, nhưng những năm gần đây thị hiếu dường như đang thay đổi. Beer (chủ yếu theo kiểu pilsener, dù bia đen cũng được tiêu thụ) cũng phổ biến trên cả nước. === Âm nhạc === Âm nhạc đại chúng bắt đầu thay thế âm nhạc dân gian từ những năm 1950, khi Slovakia vẫn còn là một phần của Tiệp Khắc; nhạc jazz, R&B, và rock and roll Mỹ cũng phổ biến, bên cạnh đó là waltz, polka, và czardas, cùng với các hình thức nhạc dân gian khác. Cuối những năm '50, radio là vật thường thấy trong các gia đình, dù chỉ có các đài phát thanh nhà nước. Âm nhạc đại chúng Slovak bắt đầu như một sự tổng hợp bossa nova, cool jazz, và rock, với lời mang tính tuyên truyền. Những người bất mãn nghe ORF (Austrian Radio), Radio Luxembourg, hay Slobodna Europa (Radio Free Europe), với nhiều bản nhạc rock hơn. Vì sự cách biệt của Tiệp Khắc, thị trường trong nước sôi động và nhiều ban nhạc trong nước xuất hiện. Slovakia có một nền văn hoá pop mạnh trong thập niên 70 và 80. Chất lượng âm nhạc xã hội rất cao. Các ngôi sao như Karel Gott, Olympic, Elan, Modus, Prazsky Vyber, Tublatanka, Team và nhiều người khác rất được ca ngợi và nhiều người ghi các LP của họ bằng tiếng nước ngoài. Sau Cách mạng Nhung và tuyên bố thành lập nhà nước Slovak, thị trường âm nhạc trong nước phát triển mạnh khi các doanh nghiệp tự do khuyến khích việc thành lập các ban nhạc mới và sự phát triển của các loại âm nhạc mới. Tuy nhiên, ngay lập tức nhiều nhãn hiệu lớn đã đưa nhạc pop tới Slovakia và khiến nhiều công ty nhỏ phá sản. Thập niên 1990, American grunge và alternative rock, và Britpop có rất nhiều người hâm mộ, cũng như một sự nhiệt tình mới với nhạc kịch. == Xếp hạng quốc tế == Chỉ số Phát triển Con người 2007: Xếp hạng 42 trong số 177 quốc gia Chỉ số Tự do Kinh tế 2008: Xếp hạng 35 trong số 157 quốc gia Chỉ số Tự do Báo chí Toàn cầu của tổ chức Phóng viên Không Biên giới 2008: Xếp hạng 7 (cùng với 5 quốc gia khác) trong số 173 quốc gia Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2008–2009: Xếp hạng 46 trong số 157 quốc gia Chỉ số Nhận thức Tham nhũng 2008: 52 trong số 180 quốc gia Chỉ số Dân chủ 2008: Xếp hạng 44 trong số 167 quốc gia Chỉ số Thực hiện Môi trường 2008: Xếp hạng 17 trong số 149 quốc gia Chỉ số Hoà bình Toàn cầu 2008: Xếp hạng 20 trong số 140 quốc gia Chương trình Đánh giá Sinh viên Quốc tế 2006: Xếp hạng 27 trong số 57 quốc gia được đánh giá == Xem thêm == == Tham khảo == == Đọc thêm == Anton Spiesz and Dusan Caplovic: Illustrated Slovak History: A Struggle for Sovereignty in Central Europe ISBN 0-86516-426-6 Elena Mannová (ed.): A Concise History of Slovakia ISBN 80-88880-42-4 Pavel Dvorak: The Early History of Slovakia in Images ISBN 80-85501-34-1 Julius Bartl and Dusan Skvarna: Slovak History: Chronology & Lexicon ISBN 0-86516-444-4 Olga Drobna, Eduard Drobny and Magdalena Gocnikova: Slovakia: The Heart of Europe ISBN 0-86516-319-7 Karen Henderson: Slovakia: The Escape from Invisibility ISBN 0-415-27436-2 Stanislav Kirschbaum: A History of Slovakia: The Struggle for Survival ISBN 0-312-16125-5 Alfred Horn: Insight Guide: Czech & Slovak Republics ISBN 0-88729-655-6 Rob Humphreys: The Rough Guide to the Czech and Slovak Republics ISBN 1-85828-904-1 Michael Jacobs: Blue Guide: Czech and Slovak Republics ISBN 0-393-31932-6 Neil Wilson, Richard Nebesky: Lonely Planet World Guide: Czech & Slovak Republics ISBN 1-86450-212-6 Eugen Lazistan, Fedor Mikovič, Ivan Kučma and Anna Jurečková: Slovakia: A Photographic Odyssey ISBN 0-86516-517-3 Lil Junas: My Slovakia: An American's View ISBN 80-7090-622-7 Sharon Fisher: Political Change in Post-Communist Slovakia and Croatia: From Nationalist to Europeanist ISBN 1-4039-7286-9 == Liên kết ngoài == Chính phủ The Slovak Republic Government Office Statistical Office of the Slovak Republic Chief of State and Cabinet Members Thông tin chung Mục “Slovakia” trên trang của CIA World Factbook. Slovakia from UCB Libraries GovPubs Slovakia tại DMOZ Slovakia Cultural Profile Wikimedia Atlas của Slovakia, có một số bản đồ liên quan đến Slovakia. Google satellite map of Slovakia
đại suy thoái.txt
Đại suy thoái (tiếng Anh: Great Recession) hay cuộc suy thoái toàn cầu 2009 là cuộc suy thoái kinh tế và suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế diễn ra đồng thời ở nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới, có nguồn gốc từ suy thoái kinh tế Hoa Kỳ cuối thập niên 2000 và khủng hoảng tài chính 2007-2010. Mức độ và quy mô của đợt suy thoái này lớn đến mức nhiều người gọi nó Đại Suy thoái. (hay đôi khi còn gọi là Tiểu Khủng hoảng, Suy thoái dài, hoặc Suy thoái toàn cầu 2009) Thậm chí có người gọi nó là Đại Khủng hoảng thứ hai mặc dù các học giả kinh tế không nghĩ như vậy. == Khái quát == Bong bóng bất động sản của Hoa Kỳ bị vỡ dẫn tới khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp rồi phát triển thành một cuộc khủng hoảng tài chính mà hậu quả là tình trạng đói tín dụng ảnh hưởng tới khu vực kinh tế thực. Vỡ bong bóng nhà ở cũng dẫn tới suy giảm tiêu dùng cá nhân ở Hoa Kỳ. Sự bất trắc trong đời sống kinh tế và kinh doanh càng làm cho tiêu dùng và sản xuất bị hạn chế. Ba nhân tố này gây ra suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ từ năm 2008. Nhiều nước trên thế giới có các tổ chức tài chính đã tham gia vào thị trường tín dụng nhà ở thứ cấp ở Hoa Kỳ. Khi các tổ chức tài chính này bị thua lỗ, tình trạng rối loạn tài chính, thậm chí là khủng hoảng tài chính đã xảy ra ở nhiều nước khiến cho các nước này rơi vào suy thoái kinh tế hoặc suy giảm tốc độ tăng trưởng. Do Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu quan trọng của nhiều nước đang phát triển (nhất là khu vực Đông Á) nên suy thoái và suy giảm tăng trưởng kinh tế từ thế giới phát triển đã làm giảm xuất khẩu của các nước đang phát triển. Đồng thời, vì các nước phát triển là nguồn cung cấp các khoản vay ngân hàng, các khoản vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp cho các nước đang phát triển, nên khi các nước phát triển dừng cho vay, dừng giải ngân hay rút vốn về, nhiều nền kinh tế đang phát triển đã bị tác động tiêu cực nghiêm trọng. Giảm sản xuất trên quy mô toàn cầu dẫn tới giảm lượng cầu về năng lượng và nguyên liệu, khiến cho các nước xuất khẩu dầu và nguyên liệu bị giảm đáng kể nguồn thu từ xuất khẩu các yếu tố này. Vì thế, suy thoái và suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế lan sang cả các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông, Nam Mỹ, Trung Á và Nga vốn được lợi suốt một thời gian khá dài từ giá dầu tăng. Để ngăn chặn suy giảm tăng trưởng, khôi phục kinh tế, hầu hết các nước bị tác động đã áp dụng tích cực chính sách kích thích kinh tế, đặc biệt là kích cầu, khiến cho có nhiều quan điểm khẳng định sự trở lại của chủ nghĩa Keynes. Sự hợp tác quốc tế thông qua diễn đàn G20 đã làm tăng vị thế của các nước đang phát triển, nhất là của Trung Quốc. Đến giữa năm 2009, dấu hiệu phục hồi kinh tế đã bắt đầu thấy ở các nước bị tác động. == Các khu vực == === Các nước phát triển === Các nước phát triển nói chung bắt đầu suy giảm tốc độ tăng trưởng từ quý III năm 2007 và GDP bắt đầu giảm từ quý III năm 2008. Quý IV năm 2008 ghi nhận mức thu hẹp GDP của các nước phát triển nói chung lên đến 7,97%. Hoa Kỳ là trung tâm của suy thoái kinh tế toàn cầu mặc dù không phải là nước suy thoái nghiêm trọng nhất. Theo cách xác định suy thoái kinh tế của NBER, kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái từ tháng 12 năm 2007. Còn theo cách xác định suy thoái tức là 2 quý liên tục có GDP giảm thì kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái bắt đầu từ quý III năm 2008 với mức giảm lớn kỷ lục kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước lượng rằng nền kinh tế Hoa Kỳ năm 2009 thu hẹp 2,6%. Tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ đã tăng từ mức 4,9% vào tháng 12 năm 2007 lên 9,5% vào tháng 6 năm 2009. Nhiều ngành kinh tế của Hoa Kỳ thu hẹp sản xuất. Ngành chế tạo ô tô bị khủng hoảng nghiêm trọng đến mức Big Three phải bán đi một số thương hiệu và chi nhánh của mình. GM và Chrysler phải chịu phá sản và chấp nhận tái cơ cấu dưới sự giám sát của Chính phủ. Trong các nước phát triển, Đức và Nhật Bản là những nước mà GDP giảm mạnh nhất. Cả hai đều là những nền kinh tế hướng vào xuất khẩu và bị tác động tiêu cực nghiêm trọng. Nhiều thể chế tài chính của Đức tham gia vào thị trường tín dụng thứ cấp ở Hoa Kỳ khiến cho khu vực tài chính của Đức bị rối loạn. Tuy khu vực tài chính của Nhật Bản vẫn vững vàng, nhưng việc có nhiều công ty Hoa Kỳ phát hành trái phiếu tại thị trường chứng khoán Tokyo đã khiến cho thị trường chứng khoán của Nhật Bản bị chao đảo và ảnh hưởng tới khả năng huy động vốn của các công ty Nhật Bản. Hậu quả là cả hai nước đều lâm vào suy thoái từ quý II năm 2008. Năm 2009, GDP của Đức giảm 6,2%; và dự báo sẽ còn giảm trong năm 2010. Còn GDP của Nhật Bản năm 2009 cũng giảm tới 6%. Thống kê cho thấy Nhật Bản đã bị giảm kim ngạch xuất khẩu và giảm sản lượng sản xuất ở mức kỷ lục. Những nước phát triển lớn khác bị giảm GDP là Anh, Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Ý. Cả khu vực đồng euro nói chung giảm 4,8% trong năm 2009 và dự báo sẽ còn giảm 0,3% trong năm 2010. Trong các nước OECD, chỉ có Hy Lạp, Hàn Quốc, Ba Lan, Slovaky là không bị rơi vào suy thoái kinh tế (theo cách xác định suy thoái là hai quý liên tục tăng trưởng dưới 0), song vẫn bị suy giảm tốc độ tăng trưởng. Các nước công nghiệp hóa mới châu Á đều là những nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu. Suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới đã làm GDP của các nước này đang từ chỗ tăng tới 5,1% trong năm 2007 giảm xuống chỉ còn tăng 1,5% trong năm 2008 và dự kiến sẽ giảm 5,2% trong năm 2009. Các nước và lãnh thổ lâm vào suy thoái là Hồng Kông và Singapore (từ quý IV năm 2008). === BRIC === Ấn Độ, Brasil và Trung Quốc bị suy giảm tốc độ tăng trưởng trong năm 2008 nhưng đã nhanh chóng trở lại tăng trưởng nhanh trong năm 2009. Nga bị khủng hoảng tài chính trong năm 2008 với giá chứng khoán sụt giảm mạnh, đồng rúp mất giá, một số ngân hàng bị đổ vỡ. Nguyên nhân khủng hoảng tài chính ở Nga là do những bất an từ phía các nhà đầu tư liên quan đến căng thẳng chính trị-quân sự Nga-Georgia, liên quan đến việc giá dầu thế giới giảm mạnh, sự chỉ trích của Thủ tướng Putin đối với tập đoàn Mechel. Kinh tế Nga lâm vào suy thoái từ đầu năm 2009. Kết quả tăng trưởng kinh tế được xem là tốt so với các nước phát triển đã giúp cho BRIC có tiếng nói hơn trong G-20. Các nước này đều cố gắng đàm phán để tăng tỷ lệ phiếu bầu của mình ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế. === Các nước đang phát triển khác === Trong các nước đang phát triển, những nước thuộc SNG bị tác động nghiêm trọng. Các nước này bị đồng thời nhiều cú sốc: những rối loạn tài chính khiến cho các nước này trở nên khó tiếp cận các nguồn tài chính nước ngoài (các nước này vốn đi vay nước ngoài nhiều để đầu tư phát triển kinh tế trong nước), nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của họ giảm do kinh tế các nước và các khu vực trên thế giới xấu đi, giá nguyên liệu-năng lượng giảm, kiều hối giảm do thu nhập của người lao động xuất khẩu của các nước này giảm. Các nước Belarus, Ukraine, Armenia đã phải xin IMF giúp đỡ tài chính. Thống kê của IMF cho thấy GDP của Ukraine năm 2009 giảm tới 8% và của Armenia giảm tới 5%. Các nước SNG khác có GDP giảm là Kazakhstan, Belarus và Mondova. Các nước còn lại tuy vẫn tăng được GDP nhưng với tốc độ không cao bằng thời gian trước. Các nước đang phát triển châu Á hầu hết đều bị giảm tốc độ tăng trưởng, thậm chí có nước còn tăng trưởng âm. Các nước Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Việt Nam vốn có mức tăng trưởng trên dưới 6% trong các năm 2007 và 2008, sang năm 2009 chỉ còn tăng trưởng trên dưới 3%. Các nước Malaysia và Thái Lan tăng trưởng với tốc độ -3,0% và -3,5% trong năm 2009. Các nền kinh tế Mỹ Latinh vốn có độ mở cao và phụ thuộc vào vốn nước ngoài và xuất khẩu nguyên liệu-năng lượng. Vì thế, các nước trong khu vực này bị suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức độ khác lớn. Mexico bị suy giảm nhiều nhất do nền kinh tế này gắn kết chặt chẽ với kinh tế Hoa Kỳ. GDP của Mexico giảm tới 3,7% trong năm 2009. Những nước lớn khác có GDP giảm là Argentina, Ecuador và Venezuela. Tất cả các nước ở Trung Đông đều bị suy giảm kinh tế. Những nước Trung Đông xuất khẩu nhiều dầu lửa là Ả Rập Saudi, UAE và Kuwait còn bị giảm GDP. Kinh tế Israel cũng bị giảm 1,7% trong năm 2009. Nền kinh tế này vốn phụ thuộc khá cao vào xuất khẩu trong khi kinh tế toàn cầu lại rơi vào suy thoái và suy giảm tăng trưởng. Kinh tế các nước châu Phi gặp khó khăn chủ yếu do xuất khẩu của họ bị giảm (do lượng cầu thế giới giảm và do giá nguyên liệu-năng lượng giảm) và kiều hối bị giảm. Các nước Ghana, Kenya, Nigeria, Nam Phi và Tunisia bị giảm nguồn vốn nước ngoài (FDI và đầu tư gián tiếp). Angola, Guinea Xích đạo và Nigeria bị tác động mạnh bởi lượng dầu xuất khẩu và giá dầu giảm. Tuy nhiên, kinh tế Côte d’Ivoire và Kenya không những không bị suy giảm mà lại còn tăng tốc. == Xem thêm == Danh sách ngân hàng bị mua lại hoặc phá sản trong khủng hoảng tài chính cuối thập niên 2000 Danh sách các quốc gia theo tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa 2009-2012 == Tham khảo ==
mikhail sergeyevich gorbachyov.txt
(phiên âm tiếng Việt: Mi-kha-in Goóc-ba-chốp; tiếng Nga: Михаи́л Серге́евич Горбачёв, Mihail Sergeevič Gorbačëv; IPA: [mʲɪxʌˈil sʲɪrˈgʲejɪvʲɪʨ gərbʌˈʨof] thường được Anh hoá thành Gorbachev; sinh ngày 2 tháng 3 năm 1931) từng là lãnh đạo Liên bang Xô viết từ năm 1985 tới 1991. Những nỗ lực thực hiện cải cách của ông giúp chấm dứt Chiến tranh Lạnh (nhờ vậy mà ông được trao Giải Nobel Hoà bình năm 1990), nhưng sự lãnh đạo của ông cũng góp phần làm sụp đổ Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU) và gây ra sự tan rã của Liên bang Xô viết. == Tuổi trẻ và nghề nghiệp chính trị == Mikhail Sergeyevich Gorbachyov sinh ra trong một gia đình nông dân tại làng Privolnoye, quận Medvedelsk, tỉnh Stavropol. Là con trai của một công nhân cơ khí nông nghiệp Nga Sergey Andreyevich Gorbachyov (người Nga) và Maria Gopkalo Pantelyevna (người Ukraina). Ông trải qua thời thơ ấu khó khăn trong thời gian cầm quyền của lãnh tụ Iosif Vissarionovich Stalin. Ông nội M. S. Gorbachyov là Andrey Moiseyevich Gorbachyov (1890 - 1962) bị quy là phú nông (kulaks) nên cả hai ông bà bị phát vãng đi Irkutsk từ năm 1934 đến năm 1936. Sau đó, họ trở về quê cũ và làm việc trong nông trang tập thể đến cuối đời. Ông ngoại M. S. Gorbachyov là Gopkalo Yefimovich Panteley (1894-1953) cũng là một nông dân vốn quê ở tỉnh Chernigov (Ukraina), chuyển đến Stavropol sinh sống từ năm 1911. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, ông làm chủ tịch nông trang tập thể đến năm 1937 thì bị bắt và bị quy là phần tử Trotskism. Ông may mắn thoát khỏi án tử hình vào tháng 9 năm 1938 sau khi Hội nghị Trung ương tháng 2-1938 của Đảng Cộng sản Liên Xô ra nghị quyết về việc "chống lại sự thái quá trong việc xử lý các phần tử có vấn đề về chính trị". Tuy nhiên, cũng như ông Andrey Moiseyevich Gorbachyov, ông cũng bị phát vãng đến năm 1940 mới được trả tự do. Trong thời gian Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, vùng Stavropol bị quân Đức chiếm đóng từ tháng 8 năm 1942. Ngày 22-1-1943, Quân đội Xô Viết từ Ordzhonikidze tấn công lên và giải phóng khu Stavropol. Gia đình Gorbachyov nhận được giấy báo tử của ông S. A. Gorbachyov. Nhưng vài ngày sau đó, gia đình lại nhận được thư của ông. Cơ quan quân vụ khu Stavropol xin lỗi về giấy báo tử sai. Kết thúc chiến tranh, ông S. A. Gorbachyov giải ngũ trở về quê hương với các tấm Huân chương Sao Đỏ và Huy chương "Vì lòng dũng cảm" trên ngực áo. Thuở nhỏ, M. S. Gorbachyov luôn tỏ ra xuất sắc trong lao động và học tập. Ông được coi là học sinh thông minh nhất lớp, đặc biệt trong môn lịch sử và toán học. Sau khi ra trường, ông cùng lao động và giúp gia đình có được sản lượng thu hoạch cao kỷ lục bên trong hợp tác xã. Nhờ thành tích này, ông được trao Huy chương lao động Cờ Đỏ khi mới 17 tuổi. Khá hiếm người ở độ tuổi ấy từng được vinh dự này. Năm 19 tuổi, M. S. Gorbachyov được kết nạp vào Đoàn thanh niên Cộng sản Liên Xô (Komsomol). Năm 1950, ông đoạt huy chương bạc trong một kỳ thi học sinh giỏi cấp vùng (Oblast) và được gọi thẳng vào Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Mikhail Lomonosov không phải qua thi tuyển. Trong thời gian sống tại Moskva, ông gặp người vợ tương lai, Raisa. Họ làm đám cưới tháng 9 năm 1953 và trở về quê hương của Gorbachyov ở Stavropol, phía nam nước Nga, sau khi ông tốt nghiệp năm 1955. Gorbachyov gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1952 khi 21 tuổi. Sau khi tốt nghiệp với bằng danh dự từ Khoa Luật của Đại học quốc gia Moscow năm 1955, ông được phân công đến Văn phòng Công tố khu vực Stavropol với chức vụ điều tra viên. Ngày 15-8-1955. Gorbachyo được điều đến công tác tại Ban Chấp hành Đoàn Komsomol khu Stavropol với chức vụ Phó trưởng ban tuyên truyền. Năm 1956, Gorbachov được bầu làm Bí thư thứ nhất Khu đoàn Komsomol Stavropol nhiệm kỳ 1956-1958. Ông cũng được bầu vào chức vụ này lần thứ hai trong nhiệm kỳ 1961-1962. Năm 1965, M. S. Gorbachyov được Bí thư thứ nhất khu ủy Stavropol F. D. Kulakov và Trưởng ban tổ chức cán bộ khu ủy Stavropol L. N. Efimov đưa vào quy hoạch cán bộ nguồn của Khu ủy. Ngày 26-9-1966, Mikhail Gorbachev được bầu làm Bí thư thứ nhất của Đảng ủy thành phố Stavropol. Cũng trong năm này, ông thực hiện chuyến đi công tác nước ngoài đầu tiên tới Cộng hòa Dân chủ Đức. Năm 1967, ở độ tuổi 36, ông được Học viện nông nghiệp cấp bằng cử nhân kinh tế nông nghiệp (tại chức). Kể từ đây, M. S. Gorbachyov thăng tiến nhanh chóng trên con đường sự nghiệp, năm 1970 ông được chỉ định vào chức Chủ nhiệm ủy ban nông nghiệp và năm sau trở thành thành viên Ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1972, ông dẫn đầu một đoàn đại biểu Xô viết tới Bỉ. Hai năm sau đó, năm 1974, M. S. Gorbachyov trở thành đại biểu Xô viết tối cao và giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban thường trực phụ trách các vấn đề thanh niên. Năm 1979, Gorbachyov được bầu vào Bộ chính trị. Ở đó, ông được Yuri Vladimirovich Andropov, lãnh đạo KGB, một người cũng xuất thân từ vùng Stavropol đỡ đầu và tiếp tục thăng tiến trong khoảng thời gian ngắn Andropov nắm quyền lãnh đạo đảng trước khi Andropov mất năm 1984. Chịu trách nhiệm quản lý nhân sự, cùng với Andropov, ông đã thay đổi 20% quan chức cao cấp, các bộ trưởng trong chính phủ cũng như các thống đốc địa phương bằng những người trẻ tuổi. Trong thời gian này Grigory Vasilyevich Romanov, Nikolai Ivanovich Ryzkov và Yegor Kuzmich Ligachev bắt đầu được cất nhắc. Ryzhkov và Ligachev là những đồng minh thân cận của Gorbachyov, Ryzhkov về vấn đề kinh tế, Ligachev phụ trách nhân sự. Ông cũng có quan hệ thân thiết với Konstantin Ustinovich Chernenko, người thay thế Andropov khi ông này còn giữ chức Thư ký thứ hai. Các chức vụ mới bên trong Đảng Cộng sản Liên Xô khiến ông có nhiều cơ hội đi ra nước ngoài và nó đã gây ảnh hưởng to lớn tới những quan điểm chính trị, xã hội của ông sau này khi lãnh đạo đất nước. Năm 1975, ông dẫn đầu một phái đoàn tới Tây Đức, và vào năm 1983 dẫn đầu một đoàn đại biểu Xô viết tới Canada gặp Thủ tướng Pierre Trudeau và các thành viên Hạ viện cũng như Thượng viện Canada. Năm 1984, ông tới Anh, tại đây ông đã gặp Thủ tướng Margaret Thatcher. == Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô == Ngay khi Chernenko qua đời, Mikhail Sergeyevich Gorbachyov, khi ấy 54 tuổi, được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 11 tháng 3 năm 1985. Ông trở thành lãnh tụ đầu tiên của đảng sinh ra sau cuộc Cách mạng Nga năm 1917. Trên thực tế là người nắm quyền lãnh đạo Liên bang Xô viết, ông đã tìm cách cải cách tình trạng trì trệ của đảng Cộng sản cũng như của nền kinh tế bằng cách đưa ra các mô hình glasnost ("mở cửa"), perestroika ("cải tổ") và uskoreniye ("tăng tốc", phát triển kinh tế), những chương trình này bắt đầu được đưa ra tại Đại hội lần thứ 27 Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 2 năm 1986. === Cải cách trong nước === Trong nước, Gorbachyov áp dụng các cải cách kinh tế mà ông hy vọng qua đó cải thiện đời sống nhân dân, năng suất sản xuất của công nhân qua chương trình perestroika của ông. Tuy nhiên, nhiều biện pháp cải cách của ông bị những thành viên lãnh đạo cộng sản bên trong chính phủ Xô viết vào thời điểm ấy coi là cực đoan. Năm 1985, Gorbachyov thông báo rằng kinh tế Xô viết đang bị sa lầy và rằng việc tái tổ chức là cần thiết. Ban đầu, các cải cách của ông được gọi là "uskoreniye" (tăng tốc) nhưng sau này thuật ngữ "perestroika" (cải tổ) trở nên phổ biến hơn. Gorbachyov không phải được tự do hành động. Dù kỷ nguyên Brezhnev thường được coi là một thời kỳ đình trệ kinh tế, một số thử nghiệm kinh tế (đặc biệt trong việc tổ chức các doanh nghiệp, và liên doanh với phương Tây) cũng đã diễn ra. Một số ý tưởng của những nhà cải cách bị các giám đốc doanh nghiệp có tư tưởng kỹ trị, không đồng tình, họ thường sử dụng các cơ sở của Liên đoàn Cộng sản trẻ làm nơi bàn bạc. Cái gọi là "Thế hệ Komsomol" là những người dễ tiếp thu tư tưởng của Gorbachyov nhất, họ cũng là những người hình thành nên thế hệ nhà kinh doanh, nhà chính trị thời hậu Xô viết, đặc biệt tại Các nước vùng Baltic. Cải cách đầu tiên được đưa ra thời Gorbachyov là cải cách rượu năm 1985, có mục đích ngăn chặn chứng nghiện rượu đang ngày càng phát triển ở Liên bang Xô viết. Giá các loại vodka, rượu và bia tăng lên, và việc mua bán chúng cũng bị ngăn cấm. Những ai uống rượu tại nơi làm việc cũng như nơi công cộng sẽ bị truy tố. Uống rượu bia trên tàu tốc hành cũng bị cấm. Nhiều nhà máy rượu vang nổi tiếng bị đóng cửa. Những cảnh uống rượu bị cắt khỏi các bộ phim. Cuộc cải cách không mang lại một hiệu quả rõ rệt nào đối với chứng nghiện rượu trong nước, nhưng về mặt kinh tế, nó là một cú đánh mạnh vào ngân khố quốc gia (theo Alexander Nikolaevich Yakovlev con số thiệt hại khoảng 100 tỷ rúp) vì việc sản xuất rượu đã được chuyển sang cho nền kinh tế chợ đen. Cải cách rượu là một trong những hành động đầu tiên kéo theo một chuỗi sự kiện chỉ chấm dứt cùng với sự chấm dứt của Liên bang Xô viết và sự khủng hoảng kinh tế sâu sắc bên trong CIS mới được thành lập sáu năm sau đó. Luật Hợp tác xã được ban hành tháng 5 năm 1988 có lẽ là cải cách cấp tiến nhất trong số những cải cách kinh tế thời đầu kỷ nguyên Gorbachyov. Lần đầu tiên kể từ thời Chính sách kinh tế mới của Vladimir Ilyich Lenin, luật cho phép người dân sở hữu các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất và thương mại với nước ngoài. Ban đầu luật áp dụng mức thuế cao và hạn chế doanh nghiệp sử dụng nhân công, nhưng sau này nó đã được sửa đổi nhằm tránh cản trở hoạt động của lĩnh vực tư nhân. Nhờ điều luật này, các nhà hàng, cửa hiệu, các nhà máy sản xuất đã phát triển trở thành một thành phần trong xã hội Xô viết. Cần lưu ý rằng một số nước cộng hòa thuộc liên bang không cần quan tâm tới các quy định hạn chế của luật. Ví dụ, tại Estonia, các hợp tác xã được phép cung cấp hàng hóa cho người nước ngoài và được phép quan hệ làm ăn với các công ty nước ngoài. Các tổ chức công nghiệp rộng lớn trên "Toàn Liên bang" bắt đầu được tái cơ cấu. Ví dụ, Aeroflot được chia thành một số doanh nghiệp độc lập, một số doanh nghiệp đó trở thành hạt nhân hình thành các công ty hàng không tương lai. Các doanh nghiệp tự chủ mới xuất hiện đó được khuyến khích tìm kiếm đầu tư nước ngoài để tái cơ cấu. Việc Gorbachyov đưa ra chương trình mở cửa khiến người dân có nhiều quyền tự do hơn, như tự do ngôn luận. Đây là một thay đổi căn bản, bởi vị việc giám sát ngôn luận và đàn áp những kẻ chỉ trích chính phủ trước kia là một chính sách căn bản của hệ thống Xô viết. Báo chí ít bị kiểm soát hơn, và hàng ngàn tù nhân chính trị cũng như những nhân vật bất đồng được trả tự do. Mục đích của Gorbachyov khi thực hiện chương trình mở cửa là muốn gây áp lực tới những thành viên bảo thủ bên trong Đảng Cộng sản Liên Xô, những người phản đối các chính sách tái cơ cấu kinh tế của ông, và ông cũng hy vọng rằng thông qua những biện pháp tự do hoá, các cuộc tranh luận, người dân Xô viết sẽ ủng hộ các sáng kiến cải cách của ông. Tháng 1 năm 1987, Gorbachyov kêu gọi dân chủ hoá: đưa ra các yếu tố dân chủ như các cuộc bầu cử nhiều ứng cử viên bên trong hệ thống chính trị Xô viết. Tháng 6 năm 1988, tại Hội nghị lần thứ hai bảy của đảng, Gorbachyov đưa ra các cải cách căn bản nhằm giảm sự kiểm soát của đảng đối với các cơ quan chính phủ. Tháng 12 năm 1988, Xô viết tối cao đồng ý thành lập Đại hội các đại biểu do nhân dân ủy quyền, với những thay đổi hiến pháp để biến tổ chức này trở thành một cơ quan lập pháp. Các cuộc bầu cử Đại hội được tổ chức trên toàn Liên bang Xô viết trong tháng 3 và tháng 4 năm 1989. Ngày 15 tháng 3 năm 1990, Gorbachyov được bầu làm Tổng thống đầu tiên của Liên bang Xô viết. === Truyền bá Tư tưởng mới === Trên trường quốc tế, Gorbachyov tìm cách cải thiện các quan hệ và thương mại với phương Tây. Ông thiết lập những mối quan hệ thân thiết với nhiều nhà lãnh đạo phương Tây, như Thủ tướng Đức Helmut Kohl, Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher - người đã đưa ra câu nói nổi tiếng: "Tôi thích ông Gorbachyov - chúng tôi có thể làm việc với nhau." Ngày 11 tháng 10 năm 1986, Gorbachyov và Reagan gặp gỡ tại Reykjavík, Iceland đàm phán về việc giảm trừ vũ khí hạt nhân tầm trung ở Châu Âu. Trước sự ngạc nhiên khôn xiết của phái đoàn hai bên, hai người đã đồng ý trên nguyên tắc việc dỡ bỏ các hệ thống vũ khí hạt nhân tầm trung khỏi châu Âu và cân bằng các giới hạn toàn cầu ở mức 100 đầu đạn vũ khí hạt nhân tầm trung. Thỏa thuận này được cụ thể hóa bằng việc ký kết Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987. Tháng 2 năm 1988, Gorbachyov thông báo việc rút các lực lượng Xô viết ra khỏi Afghanistan. Việc rút quân hoàn thành năm sau đó, dù cuộc nội chiến vẫn tiếp diễn khi quân Mujahedin lật đổ chính quyền Najibullah thân Xô viết. Ước tính 15.000 lính Xô viết đã thiệt mạng trong khoảng thời gian từ 1979 tới 1989 trong cuộc xung đột này. (Xem Chiến tranh Xô viết tại Afghanistan) Cũng trong năm 1988, Gorbachyov thông báo rằng Liên bang Xô viết sẽ từ bỏ Học thuyết Brezhnev, và cho phép các quốc gia khối Đông Âu tự quyết các vấn đề bên trong của mình. Được người phát ngôn Bộ Ngoại giao chính quyền Gorbachyov, Gennadi Gerasimov, gọi đùa là "Học thuyết Sinatra", chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thuộc khối Warszawa cho thấy những cải cách trọng yếu nhất trong chính sách đối ngoại của Gorbachyov. Việc Moskva từ bỏ Học thuyết Brezhnev dẫn tới một làn sóng cách mạng tại Đông Âu trong suốt năm 1989, dẫn tới sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản. Trừ România, các cuộc cách mạng chống lại các chính quyền thân Xô viết đều diễn ra trong hòa bình. (Xem Các cuộc cách mạng năm 1989) Việc Xô viết nới lỏng kiểm soát Đông Âu đã hoàn toàn chấm dứt Chiến tranh Lạnh, và vì thế, Gorbachyov được trao Giải Nobel Hòa bình ngày 15 tháng 10 năm 1990. === Đảo chính và sụp đổ === Trong khi những sáng kiến chính trị của Gorbachyov mang lại hiệu quả tốt cho tự do và dân chủ tại Liên bang Xô viết và Đông Âu, thì chính sách kinh tế của chính phủ này lại dần đưa đất nước tới bờ vực thảm hoạ. Tới cuối thập niên 1980, tình trạng khan hiếm các loại thực phẩm chủ yếu (thịt, đường) ở mức nghiêm trọng dẫn tới việc tái lập hệ thống phân phối thời chiến tranh sử dụng tem phiếu hạn chế mỗi người dân chỉ được tiêu thụ sản phẩm ở một mức nào đó mỗi tháng. So với năm 1985, thâm hụt ngân sách nhà nước tăng từ 0 lên 109 tỉ rúp; dự trữ vàng giảm từ 2.000 xuống 200 tấn; và nợ nước ngoài tăng từ 0 tới 120 tỷ Đô la. Hơn nữa, quá trình dân chủ hóa Liên bang Xô viết và Đông Âu đã làm xói mòn nghiêm trọng quyền lực của Đảng Cộng sản Liên Xô và chính Gorbachyov. Việc Gorbachyov nới lỏng hệ thống kiểm duyệt và những nỗ lực của ông nhằm mở cửa chính trị hơn nữa đã mang lại những hiệu ứng khó lường như sự phục hồi chủ nghĩa quốc gia từ lâu từng bị đàn áp và tình cảm chống Nga bên trong các nước Cộng hoà. Những lời kêu gọi giành lấy quy chế độc lập rộng lớn hơn nữa khỏi Moskva ngày càng tăng, đặc biệt tại Các nước cộng hòa vùng Baltic gồm Estonia, Litva và Latvia, những nước đã bị Stalin sáp nhập vào Liên bang Xô viết năm 1940. Những phong trào quốc gia bên trong các nước Cộng hòa như Gruzia, Ukraina, Armenia và Azerbaijan cũng không ngừng lớn mạnh. Gorbachyov đã tạo ra một lực lượng sau này chính là kẻ tiêu diệt Liên bang Xô viết. Ngày 10 tháng 1 năm 1991 Mikhail Sergeyevich Gorbachyov đưa ra tối hậu thư yêu cầu Hội đồng tối cao Litva tái lập tính pháp lý của hiến pháp Xô viết tại nước này và thu hồi mọi đạo luật không hợp hiến. Ngày hôm sau Gorbachyov cho phép quân đội Xô viết tìm cách lật đổ chính phủ Litva. Hậu quả của sự kiện này, ít nhất 14 thường dân thiệt mạng và hơn 600 người bị thương trong các ngày 11-13 tháng 1 năm 1991 tại Vilnius, Litva. Phản ứng mạnh mẽ của phương Tây và các hoạt động của các lực lượng dân chủ Nga khiến tổng thống và chính phủ Liên bang Xô viết rơi vào tình thế khó xử và tin tức về những hành động ủng hộ Litva từ các quốc gia dân chủ phương Tây bắt đầu xuất hiện. Hành động của Gorbachyov nhằm ngăn cản chủ nghĩa li khai từ các nước cộng hòa là đưa ra một hiệp ước liên bang mới với mục tiêu thành lập một nhà nước liên bang tự nguyện và dân chủ hóa thực sự. Hiệp ước liên bang mới được các nước cộng hòa vùng Trung Á, những nước cần tới sức mạnh kinh tế và các thị trường của Liên bang cho sự phát triển thịnh vượng của mình, ủng hộ mạnh mẽ. Tuy nhiên, những nhà cải cách cấp tiến hơn như Tổng thống Nga Boris Nikolayevich Yeltsin, ngày càng tin tưởng rằng sự chuyển tiếp nhanh chóng sang một nền kinh tế thị trường là cần thiết và sẵn sàng chấp nhận sự tan rã của Liên bang Xô viết nếu điều đó là cần thiết để hoàn thành các mục tiêu của họ. Trái với sự thờ ơ của những người theo phe cải cách với Hiệp ước liên bang mới, những người cộng sản cứng rắn, vẫn là một lực lượng mạnh bên trong đảng cộng sản và quân đội, hoàn toàn phản đối bất kỳ điều gì có thể dẫn tới sự tan rã đất nước Xô viết. Buổi tối diễn ra lễ ký kết, những người thuộc phe cứng rắn đã hành động. Phe cứng rắn bên trong bộ máy lãnh đạo Xô viết tiến hành Vụ đảo chính tháng 8 năm 1991 trong nỗ lực nhằm loại bỏ Gorbachev khỏi cơ cấu quyền lực và ngăn chặn sự ký kết hiệp ước liên bang. Trong lúc ấy, Gorbachyov bị quản thúc ba ngày (19 đến 21 tháng 8) trong một ngôi nhà nông thôn ở Krym trước khi được trả tự do và thu hồi quyền lực. Tuy nhiên, ngay khi trở về, Gorbachyov thấy rằng cả nhà nước liên bang lẫn các cơ cấu quyền lực Nga đều không còn chú ý tới các mệnh lệnh của ông và quyền lực thật sự đã rơi vào tay Yeltsin, người đã tiêu diệt cuộc đảo chính. Hơn nữa, Gorbachyov bị buộc phải hạ bệ một số lớn các thành viên bên trong Bộ chính trị của mình, và trong nhiều trường hợp, bắt giữ họ. Những cuộc bắt giữ với lý do phản bội đó gồm cả "Bè lũ tám tên" lãnh đạo cuộc đảo chính. Gorbachyov đã có ý định giữ Đảng Cộng sản Liên Xô là một đảng thống nhất nhưng đưa nó đi theo con đường dân chủ xã hội. Những mâu thuẫn vốn có của cách tiếp cận này - được Lenin ca ngợi, theo hình mẫu xã hội của Thụy Điển và tìm cách buộc cách nước vùng Baltic phải nằm trong Liên bang bằng sức mạnh vũ lực - rất khó thực hiện. Nhưng khi Đảng Cộng sản Liên Xô bị đặt ra ngoài vòng pháp luật sau vụ đảo chính tháng 8, Gorbachyov bị bỏ lại, không còn chút quyền lực nào đối với các lực lượng vũ trang. Cuối cùng Yeltsin giành được tín nhiệm của quân đội với những lời hứa về tiền bạc. Sau chót Gorbachyov từ chức ngày 25 tháng 12 năm 1991 khi Liên bang Xô viết chính thức tan rã. == Hoạt động chính trị sau khi từ chức == Gorbachyov đã thành lập Quỹ Gorbachyov năm 1992. Năm 1993, ông cũng thành lập Chữ thập xanh quốc tế, cùng với tổ chức này ông là một trong ba nhà tài trợ cho Hiến chương Trái đất. Ông cũng là một thành viên Câu lạc bộ Rome. Năm 1995 Gorbachyov được Đại học Durham trao bằng Tiến sĩ danh dự vì đóng góp của mình cho "sự nghiệp khoan dung chính trị và chấm dứt xung đột kiểu chiến tranh lạnh". Năm 1996, Gorbachyov chạy đua chức Tổng thống Nga nhưng chỉ nhận được khoảng 1% phiếu bầu, có lẽ vì sự thù ghét ông sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Trong khi đi vận động tranh cử, ông đã bị một người đàn ông vô danh đấm vào mặt. Năm 1997, Gorbachyov đóng vai trong một đoạn phim quảng cáo Pizza Hut tại Hoa Kỳ để kiếm tiền cho Perestroika Archives. Ngày 26 tháng 11 năm 2001, Gorbachyov thành lập Đảng dân chủ xã hội Nga— là một liên minh giữa nhiều đảng dân chủ xã hội ở Nga. Ông đã từ chức lãnh đạo đảng tháng 5 năm 2004 sau khi có bất đồng với chủ tịch đảng về đường lối chạy đua trong cuộc bầu cử tháng 12 năm 2003. Đầu năm 2004, Gorbachyov đăng ký nhãn hiệu loại rượu vang đỏ mang nhãn cái bớt của mình, sau khi một công ty vodka đưa cái bớt này lên nhãn một trong các loại sản phẩm của mình để lợi dụng sự nổi tiếng của nó. Công ty này hiện không còn sử dụng mác đó nữa. Tháng 6 năm 2004, Gorbachyov đại diện cho nước Nga tại lễ tang Ronald Reagan. Tháng 9 năm 2004, sau khi quân du kích Chechen tấn công nước Nga, Tổng thống Vladimir Vladimirovich Putin đưa ra sáng kiến thay thế các cuộc bầu cử thống đốc địa phương bằng một hệ thống chỉ định trực tiếp từ tổng thống và được hội đồng lập pháp địa phương thông qua. Gorbachyov cùng với Yeltsin chỉ trích hành động của Putin, coi đó là một bước rời xa con đường dân chủ. Năm 2005, Gorbachyov được trao giải thưởng Point Alpha cho vai trò của mình trong việc ủng hộ thống nhất nước Đức. Ông cũng được Đại học Münster trao bằng Tiến sĩ danh dự Hiện nay ông là hội viên Câu lạc bộ Madrid. == Di sản == Ở phương Tây Gorbachyov thường có thiện cảm như là người góp phần chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Ví dụ, tại Đức, ông được hoan nghênh vì đã đồng ý để sự thống nhất nước Đức diễn ra. Tuy nhiên, tại Nga ông mang tiếng xấu vì bị coi là kẻ làm sụp đổ đất nước và chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra sau đó. Tuy vậy, những cuộc điều tra cho thấy phần lớn người Nga hài lòng với những mục tiêu hướng tới các cá nhân của perestroika, di sản lập pháp chính của Gorbachyov. Chiến tranh tại Afghanistan đã bắt đầu từ cuối thập niên 1970, làm tiêu mòn các nguồn tài nguyên Xô viết. Cuộc chiến này và nhiều phong trào cách mạng tại các nước vệ tinh của Xô viết (được trợ cấp nhiều từ các chiến dịch bí mật của phương Tây), ví dụ nổi bật nhất là Ba Lan và Afghanistan, khiến Liên bang Xô viết phải chi ra những khoản tiền lớn nhằm giữ ổn định trật tự và giúp các chính phủ tại đó hoạt động. Một số người cho rằng cuộc chạy đua vũ trang của phương Tây cũng khiến Liên Xô phải chịu những chi phí lớn tới mức, khi cộng thêm các chi phí cho Afghanistan, họ không còn khả năng chi trả nữa. Hạ tầng kinh tế Xô viết rơi vào tình trạng suy sụp đặc biệt nghiêm trọng năm 1985 (khi Gorbachyov lên nắm quyền) và các sự kiện đó có ảnh hưởng to lớn tới những quyết định của Gorbachyov về tự do hoá. Cuối cùng, những nỗ lực nhằm "mở cửa" Liên bang Xô viết là quá chậm chạp, các nước vệ tinh cũng phải chịu một phần trách nhiệm, dẫn tới sự chấm dứt tồn tại của một giai đoạn đối đầu dài 50 năm giữa Đông và Tây. Trái lại, những người khác, đặc biệt những người sống ở Liên Xô cũ, tin rằng Liên bang Xô viết không phải ở tình trạng khủng hoảng kinh tế tồi tệ như đã từng được tuyên bố và coi Gorbachyov là một chính trị gia kém cỏi, người đã đưa ra những cải cách sai lầm. Ông bị coi là phải chịu trách nhiệm cho sự tan rã của Liên Xô, dẫn đến sự hỗn loạn kinh tế và chính trị ở Nga và không gian hậu Xô viết trong những năm 1990. Trong những năm cuối đời, Lazar Moiseyevich Kaganovich đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng thời kỳ cầm quyền của Gorbachyov chính là sự phá hủy trực tiếp đất nước. Năm 2012, tổ chức Liên minh các công dân Nga còn nộp đơn kiện Gorbachyov với tội danh Phản bội Tổ quốc. == Chuyện ngoài lề == Ở phương Tây, Gorbachyov thường được gọi là "Gorby", một phần bởi vì mọi người cho rằng ông kém phần mộc mạc so với những người tiền nhiệm. Khi viết trong tiếng Anh, chữ ё trong tên ông thường được thay bằng chữ е thành Gorbachev dù nó thường được đánh vần thành Gorbachyov. Năm 1987, Gorbachyov thấy rằng các chính sách tự do hoá glasnost và perestroika rất giống với các tư tưởng của Alexander Dubček trong cuốn "Chủ nghĩa xã hội mang khuôn mặt người". Khi được hỏi cái gì là điều khác biệt giữa Mùa xuân Praha và các cuộc cải cách của ông, Gorbachev đã trả lời, "Mười chín năm". Năm 1989, trong một chuyến viếng thăm chính thức tới Trung Quốc khi Sự kiện Thiên An Môn đang diễn ra, một thời gian ngắn trước khi thiết quân luật được ban hành ở Bắc Kinh, Gorbachyov được hỏi về ý kiến của ông về Vạn lý trường thành: "Đó là một công trình đẹp", ông nói, "nhưng đã có quá nhiều bức tường giữa con người". Một nhà báo hỏi, "Ông có muốn Bức tường Berlin bị phá bỏ?" Gorbachyov trả lời rất nghiêm túc, "Tại sao không?" Gorbachyov được xếp hạng #95 trong Danh sách những khuôn mặt có ảnh hưởng nhất trong lịch sử của Michael H. Hart. Gorbachyov hiện đang sống tại Bielefeld. === Tình cảm tôn giáo === Khi ra đời Mikhail Sergeyevich Gorbachyov chịu rửa tội của Nhà thờ Chính Thống giáo Nga nhưng ông là người vô thần. Ông đã kêu gọi đưa ra các bộ luật tự do tôn giáo tại Liên Xô cũ. M. S. Gorbachyov cũng thể hiện một số quan điểm phiếm thần khi nói, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Resurgence: Cuối buổi phỏng vấn tháng 11 năm 1996 trên CSPAN's Booknotes, Gorbachyov đã miêu tả các kế hoạch của mình cho những cuốn sách trong tương lai. Ông đã nói về Chúa như sau: === Vết chàm === Gorbachyov là người nổi tiếng nhất thời hiện đại có vết chàm nhìn thấy được. Vết bớt màu đỏ trên cái trán hói của ông là nguồn gốc nhiều ý châm biếm trong giới phê bình và biếm hoạ. (Trong số những bức ảnh chính thức của ông ít nhất có một bức với vết chàm bị xóa đi.) Trái với một số dư luận, nó không phải là rosacea. Vết bớt này và hai ngón tay cụt trên bàn tay trái của Yeltsin đã được một số người (bất mãn vì sự cầm quyền của họ) so sánh với một đoạn trong Kinh thánh nói rằng Satan sẽ đánh dấu những đứa con của mình trên trán và trên bàn tay. == Tham khảo == == Xem thêm == Liên bang Xô viết Hiến chương Trái đất Raisa Maksimovna Gorbachyova, vợ của Mikhail, chết vì bệnh bạch cầu 1999 Yuri Gorbachyov, hoạ sĩ và nhà điêu khắc nổi tiếng Nga-Mỹ, cháu Mikhail Gorbachyov Alexandr Nikolaevich Yakovlev, cố vấn và đồng minh thân cận của Gorbachyov Eduard Shevardnadze, đồng minh và bộ trưởng thời Gorbachyov == Đọc thêm == === Nguồn thứ nhất === Mikhail Gorbachev, Perestroika: New Thinking for Our Country and the World, Perennial Library, Harper & Row, 1988, ISBN 0-06-091528-5 Mikhail Gorbachev, Memoirs, Doubleday, 1996, ISBN 0-385-48019-9 Mikhail Gorbachev Moral Lesson of the Twentieth Century with Daisaku Ikeda (2005) "At Historic Crossroads: Documents on the December 1989 Malta Summit" in Cold War International History Project Bulletin 2001 (12-13): 229-241. Issn: 1071-9652 === Nguồn thứ hai === Anders Aslund, Gorbachev's Struggle for Economic Reform Cornell University Press, 1991 Archie Brown, The Gorbachev Factor, Oxford University Press, 1997, ISBN 0-19-288052-7 Farnham, Barbara. "Reagan and the Gorbachev Revolution: Perceiving the End of Threat" Political Science Quarterly 2001 116(2): 225-252. Issn: 0032-3195 Marshall Goldman, What Went Wrong with Perestroika? W.W. Norton, 1992 Jackson, William D. "Soviet Reassessment of Ronald Reagan, 1985-1988" Political Science Quarterly 1998-1999 113(4): 617-644. Issn: 0032-3195 Jack Matlock, Reagan and Gorbachev: How the Cold War Ended (2004) Jack Matlock, Autopsy on an Empire: The American Ambassador's Account of the Collapse of the Soviet Union (1995) David Remnick, Lenin's Tomb: The Last Days of the Soviet Empire (New York: Random House, 1993)_. Robert Strayer, Why Did the Soviet Union Collapse? Understanding Historical Change M. E. Sharpe. 1998 == Liên kết ngoài == MikhailGorbachev.org The Gorbachev Foundation Academy of Achievement Profile http://www.achievement.org/autodoc/page/gor0pro-1 Academy of Achievement Biography http://www.achievement.org/autodoc/page/gor0bio-1 Academy of Achievement Interview http://www.achievement.org/autodoc/page/gor0int-1 Academy of Achievement Photo Gallery http://www.achievement.org/autodoc/page/gor0gal-1 Public Opinion about Gorbachev The Encyclopedia of Marxism, from which parts of this article have been taken. Green Cross International official site Mikhail S. Gorbachev Biography, in Russian Out in the Cold Guardian interview ngày 8 tháng 3 năm 2005 TIME 100 for 2004: Mikhail Gorbachev CNN Cold War - Profile: Mikhail Gorbachev from the 1998 series September 1997 interview Biography, talks, tributes and quotes 'My Ambition was to Liquidate Communism' interview with Gorbachev in Ankara Mikhail Gorbachev's Project Syndicate op/eds Commanding Heights: Mikhail Gorbachev PBS interview April, 2001 USSR - USA: Summit Documents and Materials, Washington May 30 - ngày 3 tháng 6 năm 1990 including Mikhail Gorbachev's interview with Time Magazine
giải vô địch bóng đá nữ u-20 châu đại dương 2010.txt
Giải vô địch bóng đá nữ U-20 châu Đại Dương 2010 diễn ra tại New Zealand, từ 21 tháng 1 tới 25 tháng 1 năm 2010. New Zealand là đội tuyển giành chiếc vé duy nhất dự Giải vô địch bóng đá nữ U-20 thế giới 2010 tại Đức. == Kết quả == == Tham khảo ==
nguyễn đức chung.txt
Nguyễn Đức Chung (sinh 1967) là một Thiếu tướng Công an Nhân dân Việt Nam. Ông hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII (2016-2021), Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII, thuộc đoàn đại biểu TP Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. == Thân thế sự nghiệp == Ông sinh ngày 3 tháng 8 năm 1967, tại xã Yển Khê, Thanh Ba, Phú Thọ. Nguyên quán: Tỉnh Hải Dương. Sau khi tốt nghiệp cấp III tại Vĩnh Chân, Hạ Hòa, Phú Thọ, ông theo học Đại học Cảnh sát Nhân dân - hệ đào tạo đại học khóa D11 (1985 - 1990). Tốt nghiệp Tiến sĩ Luật học, Học viện Cảnh sát nhân dân chuyên ngành Điều tra hình sự, Cử nhân Kinh tế ngành Quản trị kinh doanh; Điều tra viên cao cấp;. Trước khi trở thành Giám đốc Công an Hà Nội, ông là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội. Ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an thành phố Hà Nội từ tháng 9 năm 2012, kế nhiệm Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh nghỉ hưu. Được phong hàm Thiếu tướng ngày 13 tháng 7 năm 2013. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2004), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất (năm 2007), Huân chương Chiến công hạng nhất Ngày 04 tháng 12 năm 2015, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội bầu ông làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thay ông Nguyễn Thế Thảo. Tháng 1 năm 2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông trúng cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Ngày 15 tháng 3 năm 2016, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã quyết định điều động Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Trợ lý của Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, giữ chức vụ Giám đốc Công an TP Hà Nội kế nhiệm ông Nguyễn Đức Chung. == Nhận định == Làm Giám đốc Công an Hà Nội từ tháng 9/2012, ông Chung được ghi nhận đã nỗ lực làm giảm trình trạng tội phạm tại thủ đô. Năm 2013, số vụ trọng án giảm gần 14% so với năm trước. Trong năm 2015, các vụ trọng án giảm 50% so với năm 2014; tình hình tội phạm chung giảm 24%, đặc biệt là tội phạm trộm cắp cướp giật… == Phát biểu == Chiều 4.1, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội lần đầu tiên đến dự Hội nghị Tổng kết của Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) Hà Nội, phát biểu, TP Hà Nội đang phải trả giá vì đã băm nát quy hoạch. Tại hội nghị quán triệt kế hoạch của thành phố về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm trật tự giao thông, đô thị sáng 4-3-2017, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định mạnh mẽ: nếu lần này không dẹp được lấn chiếm vỉa hè, ông sẽ chỉ đích danh chỗ nào là của bí thư quận, chỗ nào của chủ tịch quận, chỗ nào có trưởng công an phường và kể cả lãnh đạo sở cũng có người nhà liên quan: "Phải có 'chống lưng' thì mới dám bán công khai (vi phạm vỉa hè - PV). Tôi đã có điều tra rất kỹ, 87% các quán đều có công an đứng sau. Tôi xin nói ở đây không phải chỉ có công an thành phố mà có cả các cục nghiệp vụ của Bộ. Hôm nay tôi nói công khai, điều đó là có thật." == Tham khảo ==
3 tháng 2.txt
Ngày 3 tháng 2 là ngày thứ 34 trong lịch Gregory. Còn 331 ngày trong năm (332 ngày trong năm nhuận). == Sự kiện == 301 – Thừa tướng Tư Mã Luân nhập cung và lên ngôi hoàng đế của triều Tấn, Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung buộc phải xuất cư Kim Dung thành, tức ngày Ất Sửu (9) tháng 1 năm Tân Dậu. 535 – Hiếu Vũ Đế qua đời do uống phải rượu độc, Vũ Văn Thái và quần thần sau đó lập lập Nguyên Bảo Cự làm hoàng đế, Bắc Ngụy chính thức bị phân liệt thành Đông Ngụy và Tây Ngụy, tức ngày Quý Tị (15) tháng 12 nhuận năm Giáp Dần. 1690 – Thuộc địa Massachusetts phát hành Tiền giấy đầu tiên tại châu Mỹ. 1783 – Cách mạng Mỹ: Tây Ban Nha công nhận nền độc lập của Hoa Kỳ. 1809 – Lãnh thổ Illinois của Hoa Kỳ được thành lập. 1852 – Nội chiến Argentina: Trận Caseros. 1917 – Chiến tranh thế giới thứ nhất: Hoa Kỳ đoạn tuyệt quan hệ với Đức. 1930 – Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập tại Cửu Long, Hương Cảng thuộc Anh. 1945 – Chiến tranh thế giới thứ hai: Hoa Kỳ và Thịnh vượng chung Philippines bắt đầu trận chiến nhằm tái chiếm Manila từ Đế quốc Nhật Bản. 1958 – Hiệp ước thành lập Liên minh kinh tế Benelux được ba nước Hà Lan, Bỉ, Luxembourg ký kết tại La Hay, Hà Lan. 1972 – Thế vận hội Mùa đông XI được khai mạc tại thành phố Sapporo, Nhật Bản. == Sinh == 1721 – Friedrich Wilhelm von Seydlitz, tướng lĩnh người Phổ (m. 1773) 1807 – Joseph Johnston, tướng lĩnh người Mỹ (m. 1891) 1809 – Felix Mendelssohn, nghệ sĩ dương cầm, nhà soạn nhạc người Đức (m. 1847) 1820 – Nguyễn Phúc Miên Trinh, thành viên hoàng thất và thi sĩ triều Nguyễn, tức ngày 19 tháng 12 năm Kỷ Mão (m. 1897) 1874 – Gertrude Stein, nhà thơ, nhà sưu tập nghệ thuật người Mỹ (m. 1946) 1889 – Carl Theodor Dreyer, tác gia người Đan Mạch (m. 1968) 1892 – Phan Kế Toại, chính trị gia người Việt Nam (m. 1973) 1898 – Hugo Alvar Henrik Aalto, kiến trúc sư người Phần Lan (m. 1976) 1898 – Pavel Samuilovich Urysohn, nhà toán học người Nga và Liên Xô, tức 22 tháng 1 theo lịch Julius (m. 1924) 1899 – Lão Xá, tác gia và nhà biên kịch người Trung Quốc (m. 1966) 1915 – Boris Paichadze, cầu thủ bóng đá người Liên Xô, tức 22 tháng 1 theo lịch Julius (m. 1990) 1947 – Paul Auster, tác gia người Mỹ 1958 – N. Gregory Mankiw, nhà kinh tế học người Mỹ 1959 – Chan Santokhi, chính trị gia người Surinam 1960 – Joachim Löw, cầu thủ và nhà quản lý bóng đá người Đức 1960 – Huệ Anh Hồng, diễn viên người Hồng Kông 1963 – Vũ Đức Đam, chính trị gia người Việt Nam 1971 – Hong Seok-cheon, diễn viên người Hàn Quốc 1984 – Kim Joon, rapper, diễn viên, người mẫu người Hàn Quốc 1986 – Leandro Assumpção, cầu thủ bóng đá người Brasil 1987 – Cleiton Silva, cầu thủ bóng đá người Brasil 1988 – Kyuhyun, ca sĩ và diễn viên người Hàn Quốc (Super Junior) 1988 – Gregory van der Wiel, cầu thủ bóng đá người Hà Lan 1989 – Slobodan Rajkovic, cầu thủ bóng đá người Serbia 1989 – Ryne Sanborn, diễn viên người Mỹ 1990 – Sean Kingston, Ca sĩ người Mỹ-Jamaica == Mất == 13 – Vương Chính Quân, hoàng hậu và hoàng thái hậu của triều Hán, tức ngày Quý Sửu (4) tháng 2 năm Quý Dậu theo lịch triều Tân (s. 71 TCN) 403 – Tư Mã Đạo Tử, thành viên hoàng thất và chính trị gia triều Đông Tấn, tức ngày Canh Thân (26) tháng 12 năm Nhâm Dần (s. 364) 1451 – Murad II, sultan của Đế quốc Ottoman (s. 1404) 1468 – Johannes Gutenberg, thợ in, nhà xuất bản người Đức (s. 1398) 1820 – Gia Long, quân chủ triều Nguyễn (s. 1762). 1862 – Jean-Baptist Biot, nhà vật lý học, thiên văn học và toán học người Pháp (s. 1774) 1862 – Carl Ludwig Blume, nhà thực vật học người Đức-Hà Lan (s. 1796) 1867 – Maximilian, quý tộc, nhà dân tộc học và tự nhiên người Đức (s. 1782) 1901 – Fukuzawa Yukichi, tác gia, dịch gia, doanh nhân người Nhật Bản (s. 1835) 1923 – Kuroki Tamemoto, tướng lĩnh người Nhật Bản (s. 1844) 1924 – Woodrow Wilson, Tổng thống Hoa Kỳ, đoạt giải Nobel (s. 1856) 1925 – Oliver Heaviside, nhà toán học và vật lý học người Anh Quốc (s. 1850) 1951 – Ái Tân Giác La Tải Phong, nhiếp chính vương của triều Thanh (s. 1883) 1959 – Buddy Holly, ca sĩ và nghệ sĩ guitar người Mỹ (s. 1936) 1975 – Umm Kulthum, ca sĩ và diễn viên người Ai Cập (s. 1904) 2005 – Zurab Zhvania, Thủ tướng Gruzia (s. 1963) 2008 – Đỗ Tất Lợi, nhà dược học người Việt Nam (s. 1919) 2012 – Lê Trí Viễn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học người Việt Nam (s. 1919) 2012 – Đỗ Tiến Tài, chính trị gia người Singapore (s. 1921) == Những ngày lễ và kỷ niệm == Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930). == Tham khảo ==
lenovo.txt
Lenovo Group Ltd. /lɛnˈoʊvoʊ/ là tập đoàn đa quốc gia về công nghệ máy tính có trụ sở chính ở Bắc Kinh, Trung Quốc và Morrisville, Bắc Carolina, Mỹ. Tập đoàn thiết kế, phát triển, sản xuất và bán các sản phẩm như máy tính cá nhân, máy tính bảng, smartphone, các trạm máy tính, server, thiết bị lưu trữ điện tử, phần mềm quản trị IT và ti vi thông minh. Năm 2013, Lenovo được các đơn vị bán hàng bình chọn là nhà cung cấp máy tính lớn nhất thế giới. Tập đoàn tiếp thị cho dòng laptop ThinkPad và dòng máy tính để bàn ThinkCentre. Lenovo hoạt động tại hơn 60 quốc gia và kinh doanh các sản phẩm của mình trong khoảng 160 quốc gia. Các cơ sở chính của Lenovo tại Bắc Kinh, Morrisville và Singapore cùng với việc đặt các trung tâm nghiên cứu tại đó cũng như ở Thượng Hải, Thâm Quyến, Hạ Môn, và Thành Đô tại Trung Quốc, và Yamato ở quận Kanagawa, Nhật Bản. Ngoài ra còn có công ty liên doanh với EMC, LenovoEMC để bán các giải pháp lưu trữ có kết nối mạng. Tập đoàn cũng liên doanh với also has a joint venture with NEC, Lenovo NEC Holdings nhằm sản xuất máy tính cá nhân cho thị trường Nhật Bản. Lenovo được thành lập tại Bắc Kinh năm 1984 với tên Legend và sáp nhập tại Hồng Kông năm 1988. Lenovo mua lại thị phần kinh doanh máy tính của IBM năm 2005 và đồng ý mua lại lĩnh vực kinh doanh máy chủ của Intel năm 2014. Lenovo gia nhập thị trường năm 2012 và đến năm 2014 trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất tại Trung Quốc Đại lục. Tháng 1 năm 2014, Lenovo đồng ý mua lại hãng sản xuất điện thoại di động cầm tay Motorola Mobility của Google và đến tháng 10 năm 2014 hợp đồng mua bán đã hoàn thành. Lenovo đang được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong Stock Exchange và là một phần của Hang Seng China-Affiliated Corporations Index, được biết đến với tên gọi "Red Chips." == Xem thêm == Acer (công ty) Asus (công ty) ACC (công ty máy tính) == Tham khảo == == Liên kết ngoài == Trang chủ Lenovo Trang chủ IBM Thông cáo về vụ hợp nhất IBM PC và Lenovo
giải vô địch bóng đá nữ u-20 châu phi.txt
Giải vô địch bóng đá nữ U-20 châu Phi (tiếng Anh: African U-20 Cup of Nations for Women) là giải bóng đá tổ chức bởi Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF) dành cho các đội tuyển bóng đá nữ U-20 quốc gia của châu lục này. Giải đóng vai trò vòng loại Giải vô địch bóng đá nữ U-20 thế giới. Ở hai kì giải đầu tiên trận chung kết được tổ chức để xác định suất duy nhất dự World Cup U-19 nữ. Từ 2006 trở đi CAF được trao thêm một suất nữa nên giải chỉ dừng tại vòng bán kết. Các trận đấu thi đấu theo thể thức loại trực tiếp sân khách-sân nhà nên không có quốc gia nào đăng cai. == Kết quả == === Giải vô địch bóng đá nữ U-19 châu Phi === === Vòng loại giải vô địch bóng đá nữ U-20 thế giới khu vực châu Phi === ^ Guinea Xích Đạo bỏ cuộc. ^ Cả hai đội bóng tại tứ kết đều bị ban tổ chức loại khỏi giải. == Các đội đạt thành tích cao == == Tham khảo == == Liên kết ngoài == Vòng loại U-20 nữ thế giới 2016 châu Phi
match.com.txt
Match.com là 1 web site hẹn hò trực tuyến mà theo báo cáo có tới 20 triệu thành viên, với tỉ lệ nam/nữ là 49/51. Trang Web này hỗ trợ 12 ngôn ngữ tại 37 quốc gia khác nhau. Trụ sở chính nó đặt tại Dallas, Texas, Hoa Kỳ và các văn phòng đặt tại London, Paris, Tokyo, Bắc Kinh, Munich, Stockholm, Madrid. Match.com thuộc sở hữu của IAC/InterActiveCorp. Match.com's đoạt doanh thư gần 350 triệu đô la Mĩ và có 1,35 triệu người trả tiền cho các dịch vụ giúp nó đứng đầu ngành công nghiệp này. == Lịch sử == Match.com được sáng lập ra bởi Gary Kremen vào năm 1993. Đến năm 1995 nó vẫn hoạt động ở phiên bản beta và miễn phí. Lần đầu tiên nó xuất hiện Wired Magazine in 1995. == Tham khảo == == Liên kết ngoài == Website chính thức Official Match.com Blog Thomas Enraght Moony, Match.com CEO Interview GM for France Arnaud Jonglez Interview, August 08 Complaints about Match.com subscription and billing practices OPW Interview with Thomas Deepak, head of mobile products, June 2010
samsung galaxy tab pro 10.1.txt
Samsung Galaxy Tab Pro 10.1 là máy tính bảng 10.1-inch chạy hệ điều hành Android sản xuất và phân phối bởi Samsung Electronics. Nó thuộc về dòng thế hệ mới của Samsung Galaxy Tab series và máy tính bảng Pro, nó còn bao gồm phiên bản 8,4-inch, Samsung Galaxy Tab Pro 8.4, phiên bản 10,1-inch, Samsung Galaxy Tab Pro 10.1, và phiên bản khác là 12,2 inch, Samsung Galaxy Note Pro 12.2. Nó được công bố vào 6 tháng 1 năm 2014. Ở Mỹ nó được phát hành vào tháng 2, giái khởi điểm là $499. == Lịch sử == Galaxy Tab Pro 12.2 được công bố vào 6 tháng 1 năm 2014. Nó được ra mắt cùng với Galaxy Note Pro 12.2, Tab Pro 10.1, và Tab Pro 8.4 tại 2014 Consumer Electronics Show ở Las Vegas. == Tính năng == Galaxy Tab Pro 12.2 phát hành cùng với Android 4.4 KitKat. Samsung tùy biến giao diện với TouchWiz UX. Cùng với Google apps, các ứng dụng của Samsung như ChatON, S Suggest, S Voice, Smart Remote và All Share Play. Galaxy Tab Pro 10.1 có sẵn bản Wi-Fi, và biến thể 4G/LTE & Wi-Fi. Dung lượng lưu trữ từ 16 GB đến 32 GB tùy thuộc vào mẫu (32 GB vẫn chưa được phát hành và chưa công bố ngày tại thời điểm này), với khe thẻ nhớ mở rộng microSDXC. Nó có màn hình 10.1-inch WQXGA TFT với độ phân giải 2.560x1.600 pixel. Nó có máy ảnh trước 2 MP và 8 MP máy ảnh chính. Nó có thể quay video HD. == Xem thêm == Samsung Galaxy Tab series Samsung Electronics Samsung Galaxy Tab Pro 8.4 Samsung Galaxy Tab Pro 12.2 == Tham khảo == == Liên kết == Website chính thức
xa lộ liên tiểu bang 88 (tây).txt
Xa lộ Liên tiểu bang 88 (tiếng Anh: Interstate 88 hay viết tắc là I-88) là một xa lộ liên tiểu bang nội tiểu bang nằm hoàn toàn trong tiểu bang Illinois. Nó chạy từ một nút giao thông lập thể với Xa lộ Liên tiểu bang 80 gần Silvis và Moline đến một nút giao thông lập thể với các xa lộ liên tiểu bang I-290 và I-294 tại Hillside gần thành phố Chicago. Xa lộ Liên tiểu bang 88 dài 140,60 dặm (226,27 km). == Lịch sử == Trước khi được đưa vào Hệ thống Xa lộ Liên tiểu bang, con đường này được biết với tên là Xa lộ Illinois 5 và trước đó nữa là Illinois 190. Lý do gốc về việc xa lộ này được đặt tên là I-88 và tồn tại như một xa lộ liên tiểu bang có liên quan với Luật Quốc gia về Tốc độ Tốc trước đây. Ban đầu được thông qua năm 1973, luật này được tu chính năm 1987 cho phép tốc độ giới hạn là 65 dặm một giờ (105 km/h) trên các đoạn đường nông thôn của các xa lộ liên tiểu bang mà thôi. Mặc dù sự thật là Xa lộ Illinois 5 đã được nâng cấp hoàn toàn lên chuẩn xa lộ liên tiểu bang nhưng nó vẫn phải giới hạn tốc độ là 55 dặm một giờ (88 km/h) vì câu chữ được nói đến trong luật là áp dụng cho xa lộ liên tiểu bang mà thôi. Bộ Giao thông Illinois (IDOT) và Cơ quan quản trị Xa lộ thu phí Tiểu bang Illinois (ISTHA) đã thỉnh cầu Hiệp hội Quan chức Giao thông và Xa lộ Tiểu bang Mỹ (AASHTO) đặt tên lại cho Xa lộ Illinois 5 thành xa lộ liên tiểu bang vào năm 1987. AASHTO chấp thuận yêu cầu và đặt tên cho nó là Xa lộ Liên tiểu bang 88. Luật Quốc gia về Tốc độ Tối đa hoàn toàn bị bãi bỏ 8 năm sau đó vào năm 1995, nhưng biển dấu I-88 vẫn còn hiện diện cho đến ngày nay mặc dù biển dấu Illinois 110 đang được cắm hết toàn tuyến đường của I-88 kể từ khi nó là một phần của dự án Xa lộ cao tốc Chicago đến Kansas City. === Xa lộ thu phí Tưởng niệm Ronald Reagan === Xa lộ thu phí Tưởng niệm Ronald Reagan, ban đầu có tên là Xa lộ thu phí Đông-Tây, là một đường thu phí tại miền bắc tiểu bang Illinois. Khánh thành ngày 21 tháng 11 năm 1958, ban đầu nó được đặt tên là Quốc lộ Hoa Kỳ 30 thu phí, và sau đó là Xa lộ Illinois 190. Lộ trình ban đầu kéo dài từ nút giao thông lập thể Xa lộ Liên tiểu bang 294 gần Hillside đến Xa lộ Illinois 47 gần Sugar Grove. Xa lộ Illinois 56 trùng với Xa lộ thu phí Đông-Tây giữa North Aurora và Sugar Grove năm 1965. Đoạn đó của Xa lộ 56 là đoạn đường tiểu bang duy nhất bị trùng với một xa lộ thu phí nằm dưới quyền của Cơ quan quản trị Xa lộ thu phí Tiểu bang Illinois. Khi Xa lộ thu phí Đông-Tây được kéo dài đến Dixon, Illinois vào thập niên 1970, mã số Illinois 190 bị loại bỏ khỏi đoạn đường giữa Aurora và Sugar Grove, biến đoạn này thành Xa lộ Illinois 56 riêng biệt. Một khi hoàn thành, con đường mới kết hợp giữa xa lộ cao tốc và xa lộ thu phí giữa Xa lộ Liên tiểu bang 80 gần vùng Quad Cities và Xa lộ Liên tiểu bang 294 được đặt tên là Xa lộ Illinois 5. Vào cuối thập niên 1980, nó được đặt mã số lại là Xa lộ Liên tiểu bang 88 Xa lộ chính thức là đường thu phí ở phía đông Rock Falls, bắt đầu tại nút giao thông lập thể với Quốc lộ Hoa Kỳ 30 tại mốc dặm 44 đến điểm đầu của nó gần Hillside. Phía tây U.S. 30 đến Xa lộ Liên tiểu bang 80, Xa lộ Liên tiểu bang 88 là xa lộ cao tốc. Đoạn thu phí dài 96 dặm (154 km). Sau khi cựu tổng thống Hoa Kỳ và cũng là người gốc tiểu bang Illinois là Ronald Reagan mất vào năm 2004, Cơ quan quản trị Xa lộ thu phí Tiểu bang Illinois biểu quyết đặt tên lại cho con lộ thu phí này là "Xa lộ thu phí Tưởng niệm Ronald Reagan" để nhớ đến ông vì xa lộ này đi qua gần nơi sinh của ông là Tampico và đi qua phía nam khu ngoại ô thị trấn mà ông lớn lên là Dixon. Phần thu phí của I-88 trước đây có tên là "Xa lộ thu phí Đông-Tây" và hiện nay vẫn còn một số biển dấu còn được nhìn thấy gần thành phố Chicago. Không có đường dẫn trực tiếp đến Quốc lộ Hoa Kỳ 52, Xa lộ Illinois 23, Xa lộ Illinois 25, và Xa lộ Illinois 83 (chiều đi hướng bắc). Ngoài ra, I-88 nhập với Xa lộ Illinois 56 một đoạn ngắn. Tính đến năm 2010, I-88 không có xa lộ nhánh ngắn. Cũng không có dự án nào để xây các xa lộ nhánh ngắn trong tương lai gần. Xa lộ bán cao tốc được đề xuất có tên Xa lộ Công viên Prairie sẽ kết thúc ở điểm đầu phía bắc của nó qua ngã một nút giao thông lập thể với I-88 gần Kaneville ở phía tây Xa lộ Illinois 47. == Tham khảo == == Liên kết ngoài == Illinois Highway Ends: Interstate 88 Historic, Current & Average Travel Times For The Ronald Reagan Tollway
eve ty thể.txt
Trong lĩnh vực di truyền học loài người, Eve ti thể đề cập đến tổ tiên chung gần đây nhất (MRCA) trực tiếp không gián đoạn về phía mẹ của tất cả con người hiện đại, là một người phụ nữ được cho là đã sống khoảng 190 - 200 Ka BP (Kilo annum before present, ngàn năm trước) ở châu Phi. Nói cách khác, bà là người phụ nữ gần đây nhất mà từ bà tất cả mọi người sống ngày nay xuất thân về phía mẹ của họ, và thông qua các bà mẹ của những người mẹ, và do đó, trở lại cho đến khi tất cả các dòng hội tụ vào một người. Bởi vì tất cả ADN ty thể (mtDNA) được truyền độc quyền từ mẹ sang con cái mà không có tái tổ hợp, tất cả các mtDNA trong mỗi người là hậu duệ trực tiếp của cụ theo định nghĩa. Tương tự như Eve ti thể, ông Adam nhiễm sắc thể Y, người được cho là tổ tiên chung gần nhất về phía cha của các đàn ông trên thế giới, xác định dựa trên cây phả hệ theo nhiễm sắc thể Y, đã sống sớm nhất là 338 Ka BP ở châu Phi. Mỗi tổ tiên (của những người hiện đang sống) trong dòng dõi trở lại MRCA phía mẹ có những người đương thời nữ như chị em, anh em họ nữ,... và một số những người đương thời phái nữ có thể có con cháu hiện đang sống (với một hoặc nhiều phái nam trong hậu duệ của họ), nhưng không ai trong số những phụ nữ cùng thời với "Eve ti thể" có hậu duệ còn sống ngày nay trong một dòng nữ không gián đoạn. Eve ti thể được ước tính đã sống khoảng 200 Ka BP, nhiều khả năng ở Đông Phi, khi Homo sapiens sapiens (người hiện đại về mặt giải phẫu) đã phát triển như một quần thể khác biệt với phân loài khác của con người. == Hình ảnh == == Chỉ dẫn == == Tham khảo == == Xem thêm == == Liên kết ngoài ==
makemake.txt
Makemake ( [ˈmakeˈmake] ), trang trọng gọi là (136472) Makemake, là hành tinh lùn lớn thứ 3 trong hệ Mặt Trời và là một trong 2 vật thể vòng đai Kuiper (KBO). Đường kính của nó vào khoảng 2/3 của Sao Diêm Vương. Makemake có một vệ tinh đã được phát hiện. Nhiệt độ trung bình cực kì thấp (khoảng 30 K) nghĩa rằng bề mặt của nó được bao bọc bởi mêtan, êtan và có thể nitơ băng. Được biết đến như 2005 FY9 (và sau đó được đưa cho cái tên số hiệu 136472 và tên thường gọi Makemake, lấy theo tên một vị thần trên đảo Phục Sinh), nó được phát hiện vào ngày 31 tháng 3, 2005 bởi một đội ngũ do Michael Brown đứng đầu, và công bố vào ngày 29 tháng 7, 2005. Ngày 11 tháng 6, 2008, Hiệp hội Thiên văn Quốc tế đã đưa Makemake vào danh sách những ứng cử viên cho tình trạng "giống Sao Diêm Vương" (plutoid), một thuật ngữ cho những hành tinh lùn ở ngoài quỹ đạo của Sao Hải Vương mà giống Sao Diêm Vương và Eris. Makemake được trang trọng xếp vào loại "plutoid" vào tháng 6 năm 2008. == Khám phá == Makemake được khám phá vào 31 tháng 3, 2005 bội một đội ngũ do Michael Brown đứng đầu, và được công bố cho mọi người vào ngày 29 tháng 6, 2005. Phát hiện Eris cũng được công bố cùng ngày, tiếp theo cho công bố của 2003 EL61 2 ngày trước đó. Mặc cho những ánh sáng xung quanh (nó chỉ sáng bằng 1/5 Sao Diêm Vương), Makemake không được phát hiện cho tới khi tìm được những vật thể vành đai Kuiper. Hầu như những cuộc tìm kiếm những hành tinh hẻo lánh được hướng gần tới đường Hoàng đạo, do sự có thể tìm thấy một vật thể ở đó. Cũng do độ nghiêng quỹ đạo cao của nó, và sự thực nó đang ở khoảng cách xa nhất với đường Hoàng đạo vào lúc được phát hiện, ở phía Bắc của chòm sao Hậu Phát, nó đã rất có thể thoát ra sự dò soát trong những lần khám phá trước. Bên cạnh Sao Diêm Vương, Makemake chỉ là một hành tinh lùn sáng đủ để Clyde Tombaugh nhìn thấy trong cuộc tìm kiếm những hành tinh ngoài Sao Hải Vương khoảng năm 1930. Trong lúc Tombaugh nghiên cứu, Makemake chỉ lệch vài độ so với mặt phẳng Hoàng đạo, gần khu vực chòm Kim Ngưu và ngự phu, ở độ lớn 16.0. Vị trí này đã ở rất gần tới Ngân Hà, và Makemake đã gần như không thể nào chống lại nền rộng lớn của những ngôi sao. Tombaugh tiếp tục tìm kiếm trong vài năm sau phát hiện Sao Diêm Vương, nhưng đã thất bại trong tìm kiếm Makemake hay bất kì một vật thể ngoài Sao Hải Vương nào. === Tên gọi === Cái tên lâm thời 2005 FY9 được gắn cho Makemake khi nó được công bố. Trước đó, đội tìm kiếm thường gọi dưới tên mật là "Chú thỏ Phục Sinh", vì nó được phát hiện rất gần với lễ Phục Sinh. Vào tháng 6 năm 2008, theo như luật của IAU cho những vật thể vành đai Kuiper, 2005 FY9 đã được đặt tên theo một đấng thánh sinh. Cái tên Makemake, một vị chúa sinh ra người trong truyền thuyết của người Rapanui, những cư dân gốc của đảo Phục Sinh, đã được chọn với sự liên kết giữa nó với lễ Phục Sinh. == Quỹ đạo và xếp loại == == Vệ tinh == Vào ngày 26 tháng 4 năm 2016, các nhà thiên văn học sử dụng kết quả quan sát của Kính Viễn vọng Không gian Hubble và thông báo rằng đã phát hiện được một vệ tinh với đường kính 160 km quay xung quanh hành tinh lùn Makemake ở khoảng cách 12.000 km. Nó được đặt tên tạm thời là S/2015 (136472) 1, hay tên khác là MK 2. Bốn hành tinh lùn còn lại của hệ Mặt Trời với số vệ tinh đã được khám phá là Eris với 1, Haumea với 2, Pluto với 5 và 2007 OR10 thì vẫn chưa phát hiện vệ tinh nào. Các nhà khoa học tin rằng từ 10% tới 20% số lượng các thiên thể ở bên ngoài Sao Hải Vương đều có một hoặc nhiều vệ tinh, điều này làm dẫn đến các kết quả tính toán tốt hơn về khối lượng của chúng. == Ghi chú == == Tham khảo == == Các liên kết ngoài == MPEC listing for Makemake 29/7/2005 AstDys orbital elements Orbital simulation from JPL (Java) / Ephemeris Press release from WHT và TNG on Makemake's similarity to Pluto. Makemake chart and Orbit Viewer Precovery image with the 1.06 m Đài thiên văn Kleť telescope on 2003 April 20 Astronomy Picture of the Day: Makemake of the Outer Solar System APOD ngày 15 tháng 7 năm 2008
trung ương cục miền nam.txt
Trung ương Cục miền Nam là một bộ phận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, thường xuyên do Bộ Chính trị thay mặt lãnh đạo trực tiếp lãnh đạo cách mạng Nam Bộ trong thời kỳ 1951-1954 và miền Nam Việt Nam thời kỳ 1961-1975, (từ 1964 địa bàn B2). Thời kháng Mỹ, Trung ương Cục chỉ đạo Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam (sau xác định Đảng bộ Miền Nam Đảng Lao động Việt Nam), trực tiếp địa bàn B2, trực tiếp chỉ đạo chính sách Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời trên cơ sở chủ trương Trung ương Đảng, nhận chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thông qua Ban Thống nhất TW. Trung ương Cục miền Nam nằm ở tỉnh Tây Ninh. Hiện nay, những dấu tích còn lại tại nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. == Thời kỳ 1951-1954 == Khi Đảng Lao động Việt Nam ra công khai từ Đại hội II (1951), thì Trung ương Cục miền Nam ra đời, thay cho Xứ ủy Nam Bộ có từ năm 1946. Bí thư Trung ương Cục là Lê Duẩn, vốn là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Phó Bí thư là Lê Đức Thọ, sau là Phạm Hùng. Các ủy viên: Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Kỉnh. Cơ quan ngôn luận chính thức là báo "Nhân dân miền Nam". Đến tháng 9 năm 1954, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam và lập lại Xứ ủy Nam Bộ. == Thời kỳ 1961-1975 == Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) Đảng Lao động Việt Nam, họp ngày 23 tháng 1 năm 1961 đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ, được thành lập tháng 10 năm 1954. Trung ương Cục miền Nam (trong bài này được viết tắt thành Trung ương Cục miền Nam) là một bộ phận của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại chiến trường miền Nam Việt Nam, có nhiệm vụ "...căn cứ vào nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Bộ Chính trị về cách mạng miền Nam mà đề ra chủ trương, chính sách, phương châm, kế hoạch công tác và chỉ đạo cụ thể ở miền Nam". TƯCMN có các phiên hiệu là B2, R, Ông Cụ, dùng để bảo mật trong chiến trường. Địa bàn chỉ đạo lúc đầu là cả miền Nam Việt Nam, tức từ vĩ tuyến 17 trở vào. Tháng 10 năm 1961 tại căn cứ Mã Đà, miền Đông Nam Bộ - vùng Trị An ngày nay - Trung ương Cục miền Nam họp phiên đầu tiên gồm có các ông: Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Võ Toàn (Võ Chí Công, Năm Công), Phan Văn Đáng (Hai Văn), Trần Lương (Trần Nam Trung, Hai Hậu), Phạm Văn Xô (Hai Xô), Phạm Thái Bường (Ba Bường), Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), Nguyễn Đôn, Trần Văn Quang (Bảy Tiến), Trương Chí Cương (Tư Thuận), Lê Quang Thành (Tư Thành). Hội nghị bầu ra ban thường vụ gồm 6 người với chức vụ sau: Nguyễn Văn Linh - Bí thư Trung ương Cục miền Nam Võ Chí Công - Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam Phan Văn Đáng - Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam Lê Quang Thành - Ủy viên thường vụ Phạm Văn Xô - Ủy viên thường vụ Trần Lương - Ủy viên thường vụ Nguyễn Đôn và Trương Chí Cương được cử làm Bí thư và Phó Bí thư Khu V. Đặc biệt hội nghị quyết định thành lập các T1, T2, T3, T4... thay cho các liên tỉnh ủy trước kia; quyết định chuyển căn cứ từ Mã Đà về bắc Tây Ninh. Lúc này Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã thành lập ngày 20 tháng 12 năm 1960 nhưng chưa có lãnh tụ, do đó hội nghị tập trung chỉ đạo việc giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Việc giải thoát thành công tại Phú Yên (đêm 30 tháng 10 năm 1961, tại mộ bà Du Ký vùng chân núi Chóp Chài, Tuy Hòa), vào cuối tháng 11 năm 1961, luật sư Nguyễn Hữu Thọ về đến bắc Tây Ninh. Ngày 1 tháng 1 năm 1962, Trung ương Cục miền Nam ra tuyên bố thành lập Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam, và công bố cương lĩnh hoạt động của mình. Tháng 2 năm 1962 Đại hội lần thứ I Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức và luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm chủ tịch. Năm 1963, Trần Văn Trà (Tư Chi) vào thay Trần Văn Quang ra Trung ương. Cuối năm 1963, Lê Đức Anh (Sáu Nam) rời Hải Phòng vào Nam nhận nhiệm vụ Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Miền. Tháng 10 năm 1964, Nguyễn Chí Thanh được Trung ương cử vào làm Bí thư Trung ương Cục, kiêm Bí thư Quân ủy Miền. Ông truyền đạt nghị quyết Trung ương 9 khóa III, điều chỉnh lại công tác tổ chức chỉ đạo, từ đó Trung ương Cục miền Nam phụ trách trực tiếp từ Khu VI (gồm Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận) trở vào đến Cà Mau (tức địa bàn B2). Từ Ninh Thuận trở ra do Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo. Phân công Võ Chí Công về khu V làm Bí thư Khu ủy, kiêm Chính ủy quân khu. Đầu năm 1965, Trần Độ (Chín Vinh) và Lê Quang Thành (Tư Thành) được Trung ương cử vào bổ sung thêm cho Trung ương Cục. Tháng 7 năm 1967, Nguyễn Chí Thanh đột ngột qua đời do bị đau tim. Tháng 10 năm 1967, Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, được Trung ương cử vào thay thế. Tiếp đến, Hoàng Văn Thái (Mười Khang), Ủy viên Trung ương Đảng, được Trung ương tăng cường vào làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Phó Bí thư Quân ủy Miền. Đầu năm 1968, Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, được Trung ương bổ sung vào làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, nhưng đến tháng 5 năm 1968 được chuyển sang công tác ngoại giao. Vào thời kỳ này Nguyễn Văn Linh kiêm thêm Bí thư Khu trọng điểm gồm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và một số huyện của các tỉnh phụ cận. Trung ương cục Miền Nam thời điểm năm 1969: Phạm Hùng (Bí thư), Hoàng Văn Thái, Nguyễn Văn Cúc, Trần Văn Trà, Trần Nam Trung, Trần Độ, Lê Trọng Tấn, Đồng Văn Cống, Lê Đức Anh, Nguyễn Hữu Xuyến, Nguyễn Thị Định, Lê Chấn (Lê Văn Tưởng), Đào Sơn Tây, Hai Giá. Ngày 6 tháng 6 năm 1969, tại căn cứ Tà Nốt, Bắc Tây Ninh, Đại hội đại biểu quốc dân toàn miền Nam đã họp và bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch. Hậu thuẫn cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là: Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình miền Nam Việt Nam (Mặt trận 2), cùng các đoàn thể cách mạng do Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo. Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng đoàn Trung ương Cục miền Nam ra viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó Nguyễn Hữu Thọ ở lại miền Bắc cho đến sau ngày giải phóng miền Nam. Tháng 3 năm 1973, Hoàng Văn Thái cùng đoàn do Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Văn Linh dẫn đầu ra Bắc dự hội nghị, sau hội nghị Hoàng Văn Thái ở lại miền Bắc nhận nhiệm vụ mới. Nghị quyết số 247-NQ/TW, ngày 29/9/1975 Hội nghị lần thứ hai mươi tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam, giải thể các Khu uỷ ở cả hai miền, đồng thời, thành lập Ban đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam, một hình thức tổ chức làm việc để thực hiện sự chỉ đạo tại chỗ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ. == Các bí thư == Lê Duẩn (1951-1954) Nguyễn Văn Linh (1961-1964) Nguyễn Chí Thanh (1964-1967) Phạm Hùng (1967-1975) == Các Ban, Ngành trọng yếu == === Văn phòng Trung ương Cục miền Nam === Xem chi tiết: Văn phòng Trung ương Cục miền Nam Văn phòng Trung ương Cục miền Nam (VP.TƯCMN) là cơ quan bảo đảm mọi hoạt động của Trung ương Cục miền Nam. Ngay sau khi Trung ương Cục miền Nam ra đời, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể... giúp việc cho Trung ương Cục miền Nam cũng được thành lập, trong đó có Văn phòng Trung ương Cục miền Nam. Đây là cơ quan tham mưu, tổng hợp, bảo vệ và phục vụ trực tiếp các hoạt động của Trung ương Cục miền Nam, đồng thời chịu sự chỉ đạo trưc tiếp của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam. === Ban Quân sự Trung ương Cục miền Nam === Ban Quân sự Trung ương Cục miền Nam được chuyển thể từ Ban Quân sự Xứ ủy Nam Bộ, là tiền thân của Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam, lấy ngày 15 tháng 2 năm 1961, ngày mà Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương có chỉ thị về việc thống nhất các lực lượng võ trang giải phóng miền Nam, làm ngày truyền thống. Bộ chỉ huy Ban Quân sự Trung ương Cục miền Nam gồm có: Thiếu tướng Trần Lương - Trưởng ban Quân sự Trung ương Cục miền Nam Phạm Thái Bường - Chính ủy Ban Quân sự Trung ương Cục miền Nam Thiếu tướng Trần Văn Quang - Chỉ huy Trưởng Các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Nguyễn Hữu Xuyến - Chỉ huy Phó Các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Phạm Văn Xô - Phụ trách Hậu cần Sau một thời gian ngắn Phạm Thái Bường chuyển sang nhiệm vụ khác, Trần Lương kiêm nhiệm Chính ủy Ban Quân sự Trung ương Cục miền Nam. Đến tháng 10 năm 1963, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam và cấp ủy Đảng đồng cấp, sau này thường gọi là Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh Miền, nhân sự gồm: Nguyễn Văn Linh, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Cục kiêm Bí thư Quân ủy Miền Trung tướng Trần Văn Trà, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam làm Tư lệnh Miền Thiếu tướng Trần Độ sẽ vào làm Phó Chính ủy Miền === Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam === Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam khi mới thành lập, Phan Văn Đáng làm Trưởng ban, Cao Đăng Chiếm làm Phó Ban, Huỳnh Việt Thắng làm uỷ viên. Từ năm 1968-1974 Phạm Thái Bường làm Trưởng ban, từ năm 1974 đến giải phóng Cao Đăng Chiếm làm Trưởng ban. == Trung ương Cục miền Nam với kế hoạch "Tìm và Diệt" của đối phương == Trong bất cứ cuộc chiến tranh hoặc xung đột nào, cơ quan đầu não của hai bên đều là mục tiêu tấn công của nhau. Trung ương Cục miền Nam bao giờ cũng nằm trong kế hoạch hàng đầu của mọi kế hoạch mà người Mỹ đã áp dụng ở Việt Nam. Sau đây là một số cuộc tấn công điển hình vào căn cứ, có tác động trực tiếp đến cơ quan lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam: Ngày 3 tháng 2 năm 1963: 72 lượt chiếc máy bay Dakota đổ quân nhảy dù xuống vùng Trảng Ba Mặt (Tây Ninh), là vùng hậu cứ của văn phòng Trung ương Cục miền Nam, buộc C260, đơn vị bảo vệ văn phòng Trung ương Cục miền Nam, do Phạm Văn Khi (Tư Châu lớn) trực tiếp chỉ huy, đánh chặn. Cuộc tập kích không hoàn thành mục tiêu khi đơn vị bảo vệ kịch thời phản kích kéo dài thời gian để cho các cán bộ chủ chốt kịp thời lánh sang lãnh thổ Campuchia an toàn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng thêm mâu thuẫn giữa chính quyền Ngô Đình Diệm với hoàng thân Norodom Sihanouk, vốn đã căng thẳng sau vụ ám sát bất thành năm 1960. Ngày 6 tháng 1 năm 1966, (tức ngày 15 tháng 12 âm lịch): hàng loạt pháo đài bay B-52 đã tập kích thẳng vào khu căn cứ Núi Đất (Bà Rịa), nơi bấy giờ đặt trụ sở Văn phòng Trung ương Cục miền Nam. Chỉ có một trung đoàn của Bộ tư lệnh Miền đóng ở đây (trung đoàn 205) bảo vệ cả căn cứ. Tuy bị thiệt hại đáng kể về nhân lực, nhưng một lần nữa, các cán bộ lãnh đạo chủ chốt vẫn được an toàn. Chỉ 1 tháng sau, khi nhận được tin tình báo cho biết các cơ quan Trung ương Cục miền Nam đã xây dựng căn cứ mới tại chiến khu Đ, quân Mỹ đã tiến hành Chiến dịch Rolling Stone tập kích, nhưng lại không đạt được mục tiêu như mong muốn. Ngày 22 tháng 2 năm 1967: Để giải quyết chiến trường trước khi mùa mưa năm 1967 bắt đầu, để thực hiện kế hoạch rút quân Mỹ và đồng minh về nước vào cuối năm 1967 như lời Đại tướng William Westmoreland đã hứa với Quốc hội Mỹ, Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam đã quyết định mở cuộc hành quân "Tìm và Diệt" lớn nhất trong Chiến tranh Việt Nam mang tên Junction City, do Trung tướng Jonathan Simon, Tư lệnh lực lượng dã chiến số II, chỉ huy; với lực lượng hùng hậu khoảng 45.000 quân, gồm những đơn vị thiện chiến như: Sư đoàn bộ binh số 1 (Anh Cả Đỏ), sư đoàn bộ binh số 25 (Tia Chớp Nhiệt Đới), sư đoàn bộ binh số 4, sư đoàn bộ binh số 9, lữ đoàn bộ binh số 196, lữ đoàn dù 173, lữ đoàn thủy quân lục chiến Sài Gòn, 4 tiểu đoàn biệt kích và Make-Force cùng nhiều quân binh chủng yểm trợ khác. Phạm vi cuộc hành quân rộng chỉ 1.500 km², nằm giữa 2 con sông Vàm Cỏ Đông ở về phía tây, sông Sài Gòn ở về phía đông, phía bắc là Campuchia, bấy giờ là nơi toàn bộ các cơ quan đầu não của Trung ương Cục miền Nam đang đứng chân ở đây. Một lần nữa, sức mạnh quân sự của Mỹ tỏ ra không đủ sức hoàn thành mục tiêu khi các đơn vị bảo vệ đã phản kích cầm chân cho cơ quan đầu não lánh sang đất Campuchia. Cuộc hành quân buộc phải chấm dứt sau 53 ngày đêm quyết đấu mà không thể đạt được mục tiêu vây bắt ban đầu đã được đặt ra. Đầu tháng 12 năm 1967: Cuộc càn Hòn-Đá-Vàng thọc sâu vào trung tâm và hậu cứ của các cơ quan đầu não Trung ương Cục miền Nam. Trung tâm cuộc hành quân hình thành nên 2 căn cứ vững chắc: Thiện Ngôn và Cà Tum, nó thường xuyên uy hiếp vùng hậu cứ của Trung ương Cục miền Nam mãi đến những năm về sau. Thế trận của cuộc càn ngay từ đầu đã bao vây văn phòng Trung ương Cục miền Nam. Lúc này văn phòng Trung ương Cục miền Nam nằm trong đội hình của Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam (Biệt hiệu: B21, hòm thư: 86.200 YK), đóng ở mạn đông bắc Cà Tum. Để thoát ra khỏi vòng vây của cuộc càn, văn phòng Trung ương Cục miền Nam phải luồn vượt qua các chốt chặn của lính Mỹ dưới áp lực gầm rú của tiếng xe tăng và ánh sáng đèn pha sáng rực trong đêm. Từ mạn đông bắc Cà Tum, văn phòng Trung ương Cục miền Nam đến vùng Suối Đôi, Suối Chiếc, vượt lộ 13 đoạn gần biên giới Campuchia, vượt sông Măng vào sâu trong vùng đất phía bắc chiến khu Đ, nam Tây Nguyên. Cuối cuộc càn văn phòng Trung ương Cục miền Nam về lại vùng bắc Cà Tum, chỗ ở vừa ổn định thì cuộc tổng tấn công toàn miền Nam năm 1968 xảy ra. Ngày 4 tháng 1 năm 1968: Đoàn tải gạo của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, trong đó có Huỳnh Lan Khanh, con gái của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, vừa đến Trảng Dầu khu vực bờ đê (Bắc lộ 22, nam khu dân cư Chàng Riệt - Tây Ninh), thì chạm trán với toán biệt kích Mỹ từ Thiện Ngôn xuyên rừng ra. Huỳnh Lan Khanh bị bắt đưa lên máy bay ngay sau đó. Lực lượng bảo vệ căn cứ ứng cứu nhưng không kịp, một máy bay bị bắn rơi tại chỗ, Huỳnh Lan Khanh đã tông cửa máy bay khác rơi xuống Trảng Dầu. Năm hôm sau đồng đội tìm thấy chị và đưa về an táng với 2 đồng đội cùng hy sinh trong ngày hôm ấy (Nguyễn Chiến Thắng - Bến Tre, Lại Văn Giỏi - Quảng Ngãi) tại suối Chò, nơi mà giờ đây có khu di tích lịch sử của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đầu tháng 11 năm 1968: Sư đoàn không vận số 1 Mỹ (Sư đoàn Kỵ Binh Bay) sau khi ứng cứu không thành công lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại Khe Sanh. Theo lệnh của đại tướng Creighton Abram (Thay đại tướng Westmoreland tháng 5 năm 1968) tháng 7 năm 1968 lính Mỹ tháo bỏ căn cứ Khe Sanh, đưa sư đoàn Kỵ Binh Bay về án ngữ ba tỉnh Phước Long-Bình Long-Tây Ninh, để thực hiện chiến lược "Quét và Giữ". Chiến trường Đông Nam Bộ càng nóng bỏng hơn bao giờ hết, máy bay Mỹ hàng ngày rà lết trên từng đọt cây, các tay xạ thủ súng máy dòm ngó như không chỗ nào bị bỏ sót, có nghi vấn là bóp cò không tiếc đạn. Trong đợt này C12 (Cơ yếu) bị tấn công làm nhiều người bị thương. Ngày 20 tháng 3 năm 1969: Sau nhiều ngày bắn phá và đổ quân thăm dò các khu vực vành đai căn cứ văn phòng Trung ương Cục miền Nam tại vùng "Rừng Le" nằm về hướng đông bắc Cà Tum, lực lượng biệt kích Mỹ do một đại tá tình báo chỉ huy đã đột nhập vào căn cứ trung tâm bằng trực thăng, điểm đổ bộ tại một Trảng trống nằm giữa Ban chỉ huy tiểu đoàn 1 bảo vệ (D1 - An ninh vũ trang) và trạm xá (C18), trung đội trinh sát của Sáu Nhiều-D1 kịp thời đánh trả, lực lượng bảo vệ C18 nổ súng khóa đuôi, làm cho toán biệt kích chạy loạn vào rừng và sau đó rút về căn cứ Cà Tum. Biết bị lộ, văn phòng Trung ương Cục miền Nam di chuyển về căn cứ dự bị tại "Rừng Buôn" nằm sát biên giới, trên thượng nguồn sông Sài Gòn (Vùng K9 - Binh trạm Nam Trường Sơn). Ít hôm sau, căn cứ chưa kịp rút hết, lực lượng pháo đài bay B-52 tập kích thẳng vào căn cứ, từ 1 giờ 15 phút sáng đến trưa hôm sau có gần 40 đợt ném bom (Mỗi đợt 3 chiếc). Căn cứ hư hại nhiều, trong đó nhà và hầm của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị sập đổ. Ngày 1 tháng 5 năm 1970 cuộc hành quân hỗn hợp Việt-Mỹ tấn công vào vùng Móc Câu. Chính tổng thống Mỹ cùng với Kissinger, Bill Rogers, Med Laird (thay Mc Namara), Earle Wheeler, có sự phối hợp với Ellsworth Bunker và Creighto Abram ở Việt Nam, hình thành nên kế hoạch tấn công đầy bí mật đối với chính trường Mỹ và đối phương. Khi công luận Mỹ ầm lên vì cuộc tấn công Mỏ Vẹt vào ngày 29 tháng 4 năm 1970, chiều 30 tháng 4 năm 1970 tổng thống Mỹ Richard Nixon lên truyền hình tuyên bố "Tôi muốn tiêu diệt những nơi ẩn giấu ấy. Hãy xây dựng các kế hoạch và tiến lên. Nghiền nát chúng để chúng không bao giờ có thể dùng những nơi ấy để chống lại chúng ta nữa. Không bao giờ". Phần cuối bài diễn văn, tổng thống không quên hứa hẹn với người dân Mỹ rằng hòa bình đang nằm trong tầm tay chúng ta, và thông báo sẽ có cuộc hành quân Việt-Mỹ vào vùng Móc Câu. Mục tiêu của cuộc hành quân vào Móc Câu là vây bắt hoặc tiêu diệt Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam đang đóng tại đây (cách Sài Gòn 80 km về hướng Bắc, nơi mà Campuchia giáp với Tây Ninh-Bình Long). Người Mỹ đã hậu thuẫn cho Thống chế Lon Nol (Campuchia) đảo chính Quốc trưởng Norodom Sihanouk vào ngày 18 tháng 3 năm 1970, nhân chuyến đi thăm Moskva vào ngày 13 tháng 3 năm 1970 (thứ sáu) của Quốc trưởng. Cuộc đảo chính nhằm khóa đường tiếp tế từ cảng Sihanoukville và không cho cộng sản Việt Nam ẩn náu dọc biên giới như thời Norodom Sihanouk lãnh đạo đất nước. Tiền đề đó là gọng kiềm thứ nhất, gọng kiềm thứ hai là cuộc hành quân vây bắt mà Tổng thống Mỹ trực tiếp chỉ đạo. Lực lượng thám kích luôn được thả bằng trực thăng CH-53 vào khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam, do kinh nghiệm, hai ngày sau cuộc đảo chính (20 tháng 3 năm 1970), văn phòng Trung ương Cục miền Nam và Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam rời khỏi căn cứ trên, có để lại lực lượng nghi binh và bảo vệ. Từ vùng biên giới đông bắc về vùng biên giới tây bắc thị xã Tây Ninh, văn phòng Trung ương Cục miền Nam đóng quân tạm trên vùng căn cứ cũ Chàng Riệt. Được vài hôm, đơn vị có kẻ đầu hàng ở Cà Tum, lại tiếp tục hành quân về vùng Tầm Phô-Tà Nốt (phía Bắc Bến Ra), đây là căn cứ của Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Sau khi dưỡng sức và chuẩn bị về hậu cần, đêm 7 tháng 4 năm 1970, đơn vị trên vượt Quốc lộ 7 Campuchia, đoạn Phum Đa (Khum Dar) giữa Karết (Phumi Krek) đi Mimốt (Memot). Lực lượng hùng hậu qua lộ 7 khi đơn vị đồn trú của Lon Nol tại đây còn bất động chưa biết ứng xử ra sao, chỉ đứng nhìn. Khoảng 10 ngày sau đó cả vùng đông bắc Campuchia được hoàn toàn giải phóng. Tổng thống Mỹ dù rất chu đáo trong kế hoạch hành quân và giữ bí mật cho đến phút cuối, vậy mà "Chộp hụt" cơ quan đầu não Cách mạng miền Nam và bị lỡ đà lao vào cuộc chiến tranh mở rộng ra toàn cõi Đông Dương. Tại Đồi 181 (Phum Memay), sau nửa tháng dừng chân, văn phòng Trung ương Cục miền Nam tiếp tục vượt rừng Cao su đi về hướng Bắc, cuộc hành quân khởi hành lúc 6 giờ tối, đến 10 giờ đêm B52 tập kích, ngọn đồi bị san bằng. Bộ phận thông tin vô tuyến điện (C25, C31) do phải đi sau nên thiệt hại nặng nề. Tiếp tục là những trận oanh kích của B52 trên toàn tuyến lộ 7, sau đó bộ binh và xe tăng Mỹ hàn kín đoạn đường này, công cuộc truy bắt Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam bắt đầu. Ngày 18 tháng 1 năm 1971: Tổng thống Richard Nixon họp với Kissinger,Med Laird,Bill Rogers,Helms,Đại tá Alexander Haig trợ lý của Kissinger, cùng với Đô đốc Thomas H.Moorer (thay Earle Wheeler). Cuộc họp đi đến quyết định mở rộng các cuộc hành quân trên toàn cõi Đông dương, nhằm tiếp tục cắt đứt đường tiếp tế từ Bắc vào Nam qua ngã Lào, truy quyét Trung ương Cục miền Nam và tiếp tục làm thay đổi cục diện chiến tranh, biến học thuyết của Nixon thành hiện thực là thay màu da trên xác chết. Năm 1971 trở thành năm quyết định cho chiến cuộc Đông Dương. Quân đội Việt Nam Cộng hòa mở 2 cuộc hành quân lớn, với cuộc hành quân (Toàn Thắng 1.71) vào Đông Bắc Campuchia, do Đỗ Cao Trí chỉ huy. Khi cánh quân đầu tiên vào đến nam Sa-lông (Chhlong), tỉnh Campong Cham, thì tướng Đỗ Cao Trí thiệt mạng do rơi máy bay, cuộc hành quân chùng lại, lập tức bị Quân giải phóng phản công mạnh mẽ, buộc tháo chạy về đến nam Đầm Be (Dambe), bị khóa đuôi và thiệt hại nặng tại đây, cuộc hành quân (Toàn Thắng 1.71) kết thúc. Ngày 8 tháng 2 năm 1971 Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã đưa quân sang Lào với sự yểm trợ hùng hậu của phi pháo Mỹ, mục tiêu chiếm giữ là đường số 9 và điểm trọng yếu là chiếm Sê-Pôn, một địa danh thơ mộng nằm trên bờ sông Mê Kông, nhằm cắt đứt Đường Trường Sơn. Sau những ngày đầu tiến quân ào ạt không gặp kháng cự, nhưng khi đoàn quân vừa đổ xuống Bản Đông, pháo cao xạ Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt đầu đan lưới và làm chủ trên bầu trời, những ngày sau đó không còn đủ máy bay tiếp tế, tải thương, quân lính bắt đầu hoang mang hỗn loạn. Khi sự đói khát, thiếu thốn và lo sợ lên đến tột cùng, pháo binh Quân đội Nhân dân Việt Nam dội bão lửa lên các cứ điểm tạm thời bị chiếm đóng, rồi xe tăng lần theo vết xích cũ chiếm lại các trận địa, như ngày nào họ tập trận. Đại tá Thọ và bộ chỉ huy của Lữ đoàn dù số 3 buộc phải đầu hàng nhanh chóng trước các xe tăng trong tình huống như vậy. Ngày 18 tháng 3 năm 1970, đúng 60 ngày sau khi chiến dịch Lam Sơn 719 bắt đầu, tướng Hoàng Xuân Lãm cùng với Bộ chỉ huy tiền phương của mình tháo chạy khỏi căn cứ Tà Cơn, nơi đặt Đại bản doanh chiến dịch, dưới tầm mưa pháo của đối phương. Trung ương Cục miền Nam, sau bao thăng trầm trong cuộc chiến, cuối cùng vẫn bảo toàn được lực lượng, giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng miền Nam. == Căn cứ cuối cùng trở thành Khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam == Hòa bình tạm thời lập lại trong thời gian ngắn, phía Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã có nơi đóng chân khi Mỹ rút quân về nước hoàn toàn. Trung ương Cục miền Nam sau mười năm cơ động chỗ đóng liên tục giữa bom đạn, đã về nước ngày 4 tháng 2 năm 1973, Văn phòng vừa ổn định chỗ ăn ở cho các lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam, hai bộ phận gồm C15 và C16 tiếp tục chuẩn bị căn cứ mới để di dời, kỳ này chỗ ăn ở mới thoáng mát hơn, do chính các lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam chọn lựa. C15 (Khối Văn phòng), đứng chân trên phum cũ của đồng bào dân tộc thiểu số (Phumi Romduol), ở đây có nhiều cây ăn trái như xoài, me, khế, chuối. Khu vực xung quanh có nhiều Trảng trống, gió mát. Các loại cây rừng ăn trái gồm có dâu, trường, sấu, sổ, đặc biệt có nhiều trái cơm nguội (trái rùm đuôn). C16 (Khối nghiên cứu-thống kê tổng hợp), do phải kề cận Trung ương Cục miền Nam, nên khối này di chuyển theo, lúc đầu ở trên trục Lộ ủi, cách khu di tích hiện nay khoảng 1 km về hướng Nam. Ngày xây dựng căn cứ là ngày 8 tháng 3 năm 1973, tức hơn một tháng sau khi về đất Việt Nam. Đến năm 1974, do yêu cầu của chiến trường, công việc ngày càng hối hả hơn, các cuộc họp thường xuyên hơn, việc đi lại giữa C16 và C15 trở nên xa cách và cực nhọc hơn, nên Trung ương Cục miền Nam quyết định nhập C16 vào C15, từ đó khối Văn phòng bao gồm cả C15 và C16 và tập trung trên khu vực Romduol. Nơi này giờ đây là Khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam. == Tiến về Sài Gòn năm 1975 == Vào thời điểm giải phóng Sài Gòn, Trung ương Cục miền Nam di chuyển làm 3 hướng chính: Hướng chủ công: Ngày 9 tháng 4 năm 1975 tại Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam đóng về phía Tây thị trấn Lộc Ninh, có cuộc họp quan trọng gồm các cán bộ chủ chốt và Ban ngành của TƯCMN, Bộ tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Đoàn A75 (Bộ chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh do Đại tướng Văn Tiến Dũng dẫn đầu), Đại diện Bộ chính trị Lê Đức Thọ đi thẳng từ Hà Nội vào dự hội nghị. Tại hội nghị này Lê Đức Thọ công bố quyết định thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định: Tư lệnh: Đại tướng Văn Tiến Dũng, các Phó Tư lệnh gồm Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn; ngoài ra còn có Đinh Đức Thiện. Chính ủy: Phạm Hùng. Tham mưu trưởng: Lê Ngọc Hiền (Đoàn A75). Đến ngày 14 tháng 4 năm 1975 Bộ chỉ huy chiến dịch đổi tên thành: Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 22 tháng 4 năm 1975 Bộ chỉ huy chiến dịch được bổ sung thêm Lê Trọng Tấn làm phó Tư lệnh, Lê Quang Hòa làm Phó Chính ủy. Để bảo đảm cho Phạm Hùng vừa thực hiện tốt đồng thời 2 nhiệm vụ: Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định (Sau là chiến dịch Hồ Chí Minh). Văn phòng Trung ương Cục miền Nam cử Nguyễn Hồng Châu (Tư Châu nhỏ) đưa một phần lực lượng bảo vệ của D1, cùng với ê kíp phục vụ trực tiếp theo sát Phạm Hùng trong suốt chiến dịch, về chuyên môn thì Bảy Nê (Trưởng phòng thông tin) đưa theo một xe thông tin công suất 150W cùng đội ngũ tay nghề giỏi để phục vụ thủ trưởng. Bộ phận cơ yếu phục vụ cho Phạm Hùng do Quân ủy Miền đảm nhiệm. Toàn bộ lực lượng bảo vệ và phục vụ Phạm Hùng trong Bộ chỉ huy chiến dich Hồ Chí Minh cùng tiến về Sài Gòn theo Bộ chỉ huy của chiến dịch vào chiều ngày 1 tháng 5 năm 1975. Điểm xuất phát là khu vực Ván Tám nằm ở phía Nam Cầu Xe, Tây nam [Chơn Thành], phía Bắc thị trấn Bến Cát (Bộ chỉ huy dời về đây hôm 26 tháng 4 năm 1975, nằm sau lưng Bộ chỉ huy Quân đoàn 3 do Thiếu tướng Vũ Lăng làm Tư lệnh), hướng hành quân về Sài Gòn là vượt rừng Cau su Dầu Tiếng, đến Bến Củi qua Trảng Bàng theo Quốc lộ 22 tiến vào Trung tâm thành phố, điểm dừng chân đầu tiên tại Sài Gòn là trại David nơi có trụ sở Ban liên hợp Quân sự bốn bên. Bộ phận tiếp quản Thành phố Sài Gòn: Ngày 12 tháng 4 năm 1975, tại Xa Mát, Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, Bộ phận tiếp quản Thành phố Sài Gòn gồm đông đảo cán bộ chiến sĩ của các Ban ngành Trung ương Cục miền Nam, các lực lượng của khu Sài gòn cùng phối hợp, nằm dưới sự chỉ huy thống nhất của Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ, đã làm lễ xuất quân một cách trọng thể. Hướng hành quân cụ thể như sau: Từ Xa Mát (Tây Ninh) xuống Ba Thu (Svay Riêng, Campuchia), qua Đức Huệ, Đức Hòa, vượt Vườn Thơm, đến ngày 27 tháng 4 năm 1975, Bộ phận chỉ huy của đoàn dừng chân tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, vùng ngoại ô Thành phố Sài Gòn. Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố ngừng bắn chờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào để bàn giao, Bộ phận này đã dùng xe GMC tiếp thu được, xuất phát từ vùng kinh A (Tân Nhựt), theo trục lộ số 10 tiến vào Thành phố, đến 13 giờ 30 phút cùng ngày, đoàn tiếp quản Thành phố Sài Gòn đặt Tổng hành dinh tại Trường Pétrus Ký (Lê Hồng Phong). Chiều ngày 1 tháng 5 năm 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng có sự thay đổi nhân sự, đưa Tướng Trần Văn Trà, vào làm Chủ tịch ủy Ban Quân quản Thành phố Sài Gòn, Tướng Trần Văn Trà từ Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh vào Thành phố nhận nhiệm vụ mới. Nguyễn Văn Linh về Thành phố: Bộ phận còn lại của Trung ương Cục miền Nam (Trừ Phạm Thái Bường mất năm 1973 do bị bệnh tại căn cứ), đóng tại căn cứ Romduol do Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Văn Linh và Phan Văn Đáng chỉ huy, có nhiệm vụ chỉ đạo toàn chiến trường B2. Đặc biệt có phối hợp chặt chẽ với Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, trong việc phát động quần chúng nổi dậy tại Thành phố Sài Gòn. Để bám sát phong trào nổi dậy của nhân dân Sài Gòn-Gia Định và giữ khoảng cách gần gũi với Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh đang áp sát Thành phố, Trung ương Cục miền Nam cử các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ và bảo vệ do tiểu đoàn trưởng Phan Văn Khi (Tư Châu lớn) và Nguyễn Chính Dũng dẫn đầu đi tiếp nhận căn cứ của Thành ủy Khu Sài Gòn - Gia Định, tại Thanh An (Gần ngã ba Bông Giấy) thuộc Dầu Tiếng, Tỉnh Thủ Dầu Một. Công việc xây dựng, tu sửa lại căn cứ tại đây tiến triển tốt, chuẩn bị khá chu đáo để đón văn phòngTrung ương Cục miền Nam dời về. Sau ngày 20 tháng 4 năm 1975, không khí chuẩn bị về Thanh An diễn ra khá náo nức. Tin vui chiến thắng tấp nập tràn về, các Quân đoàn chủ lực từ miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên vào chi viện cho mặt trận Sài Gòn đã đến các vị trí tập kết được chỉ định của mình, tư thế chiến thắng không còn chùn được nữa. Lúc này Trung ương Cục miền Nam ra lịnh chậm cuộc hành quân về Thanh An, chờ diễn biến mới của chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đoàn tiếp quản Thành phố (Võ Văn Kiệt) vào đến Pétrus Ký. Trung ương Cục miền Nam yêu cầu cho một chuyến xe thông đường từ Sài Gòn về căn cứ Romduol. Trưa ngày 1 tháng 5 năm 1975, xe thông đường về đến căn cứ, lệnh hành quân được phát ra ngay chiều hôm đó. Đoàn xe Trung ương Cục miền Nam rời căn cứ lúc 8 giờ sáng theo lộ ủi ra Quốc lộ 22, qua Tây Ninh về Thành phố Sài Gòn, vào Trại David tham dự cuộc hội ngộ của các Tư lệnh chiến trường sau 30 năm mong đợi, lúc đó là 14 giờ ngày 2 tháng 5 năm 1975. == Chú thích == == Liên kết ngoài == Hình ảnh cán bộ, nhân viên TƯCMN. Ban nghiên cứu TƯCMN Phum Tộ nơi VP.TƯCMN trú đóng 3 năm (1970-1973) tại Cam-pu-chia. Thị Xã Cần Ché (Kracheh) Thị Trấn Sa Lông (Chhlong), Tỉnh Cần Ché Thị Trấn Kroch Chhmar, Tỉnh Kampong Chàm Romdool nơi VP.TƯCMN trú đóng từ khi ở Cam-pu-chia về cho đến ngày giải phóng miền Nam.
ông bà.txt
Ông bà là cha mẹ của cha mẹ một người. Nếu là cha mẹ của cha thì gọi là ông bà nội; nếu là cha mẹ của mẹ thì gọi là ông bà ngoại. Mỗi sinh vật được sinh sản hữu tính (trừ trường hợp thể hợp khảm - chimera) đều có tối đa là hai ông và hai bà theo di truyền. Ngoài ông bà ruột thì còn có ông bà kế. Một ông kế hoặc bà kế có thể là cha ruột hoặc mẹ ruột của cha kế hoặc mẹ kế của một người, hoặc có thể là cha kế hoặc mẹ kế của cha kế hoặc mẹ kế của một người, hoặc là cha kế hoặc mẹ kế của cha ruột hoặc mẹ ruột của một người. Trong một gia đình nề nếp, ông bà là tấm gương cho cháu noi theo (Bùi 2012). Ông bà có thể giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng tương lai của cháu mình thông qua quan sát và giao tiếp của cháu đối với ông bà. Trong trường hợp những người làm cha làm mẹ không muốn hoặc không có khả năng chăm lo đầy đủ cho con cái thì ông bà thường là người đảm nhận trách nhiệm này. Tất nhiên cũng có các ngoại lệ, tuy nhiên trong văn hóa truyền thống thì ông bà thường có vai trò rõ ràng và trực tiếp trong hoạt động chăm sóc và nuôi nấng trẻ em. == Ảnh hưởng của ông bà lên cháu == Theo Wise (2007), có nhiều bằng chứng cho thấy ông bà là tác nhân có sức ảnh hưởng rất mạnh mẽ lên cuộc sống của người cháu. Theo Roberto & Stroes (1992), sức ảnh hưởng của ông bà thể hiện mạnh nhất ở lĩnh vực quan niệm gia đình, niềm tin đạo đức và đạo đức trong công việc (work ethic). Ngược lại, nghiên cứu của Roberto & Skoglund (1996) cho thấy ông bà là tác nhân ảnh hưởng nhiều nhất lên niềm tin tôn giáo, giá trị giới tính, quan niệm gia đình của cháu họ, trong khi lại ảnh hưởng ít nhất lên niềm tin chính trị, đạo đức trong công việc và niềm tin đạo đức. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng xác nhận ông bà có ảnh hưởng mạnh trong hoạt động truyền đạt lịch sử gia đình. Theo Tomlin (1998), tác động của ông bà lên cháu có thể đi theo đường trực tiếp hoặc gián tiếp. Chẳng hạn, ông bà có thể trực tiếp truyền đạt giá trị gia đình, kỹ năng cho cháu hoặc gián tiếp qua cha mẹ, sau đó cha mẹ tác động lên con. Ông bà không chỉ có thể tác động trực tiếp lên cuộc sống của đứa trẻ mà còn có thể tác động gián tiếp thông qua tác động lên cuộc sống của cha mẹ nó, chẳng hạn ủng hộ tình cảm, hỗ trợ tài chính cho họ hay giúp chăm sóc bọn trẻ, nhất là khi gia đình đứa trẻ xảy ra khủng hoảng. === Đánh giá ảnh hưởng === Khảo sát của Đại học Oxford và Viện Giáo dục (Luân Đôn) trên 1.596 trẻ em 11-16 khắp Anh Cách Lan và Wales cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa ông bà với cháu có tác dụng như tấm đệm cho các biến cố bất lợi trong cuộc sống của trẻ, chẳng hạn cha mẹ ly dị. Trong giai đoạn khủng hoảng gia đình đó, ông bà giúp giữ ổn định cho cháu và giúp làm tấm đệm trước khó khăn của gia đình. Tuy nhiên theo Tomlin (1998), ảnh hưởng của ông bà lên cháu không phải lúc nào cũng tốt, ví dụ khi ông bà can thiệp quá sâu vào công việc nuôi dạy con cái của cha mẹ. == Phong cách làm ông bà == Theo nghiên cứu trên những ông bà từ 70 gia đình trung lưu sống tại vùng đô thị Chicago, Hoa Kỳ của Neugarten & Wienstein, có năm phong cách làm ông bà: Trang trọng (Formal): phân biệt rạch ròi giữa việc nuôi nấng con cái của cha mẹ và việc nuôi nấng cháu của ông bà, tôn trọng nghiêm ngặt vai trò của cha mẹ trong nuôi dạy con cái. Tìm vui (Fun Seeker): cùng cháu vui chơi suồng sã, xem cháu mình là nguồn tiêu khiển, nhấn mạnh sự thỏa mãn của cả ông bà và đứa cháu. Đại diện (Surrogate Parent): người bà nhận nhiệm vụ chăm sóc đứa cháu khi mẹ của đứa bé phải đi làm. Kho hiểu biết (Resevoir of Family Wisdom): người ông đóng vai trò kho tri thức, chẳng hạn về các kỹ năng đặc biệt. Cha mẹ đứa bé giữ hoặc nhấn mạnh vị trí cấp dưới của họ. Xa cách (Distant Figure): thỉnh thoảng mới gặp gỡ cháu nhân dịp lễ tết, cách biệt với đời sống của đứa cháu. == Vai trò của ông bà == Vai trò của ông bà đối với cháu là hết sức đa dạng. Các tác giả đã dùng hàng loạt từ ngữ đa dạng nhằm diễn đạt vai trò của ông bà, chẳng hạn như: "người canh gác", "người phân xử", "đệm stress", "nguồn cội", "người già được quý trọng", "người thầy thông thái", "người mang theo di sản và văn hóa gia đình", "vị cứu tinh thầm lặng của trẻ nhỏ khỏi những gia đình bất ổn", "cha mẹ thay thế",... === Phân loại === Wykle, Whitehouse & Morris (2005) phân loại ông bà như sau: Ông bà chăm sóc chính (primary custodial grandparent): là loại ông bà đảm trách chính nhiệm vụ nuôi dưỡng trẻ em, không nhận được hoặc nhận được ít sự hỗ trợ từ phía cha mẹ bọn trẻ trong các gia đình mà cha mẹ sa vào ma túy, tù tội hoặc ruồng bỏ con mình. Sự gia tăng tình trạng mang thai ở tuổi thanh thiếu niên, dịch HIV/AIDS, sử dụng ma túy,...khiến nhiều trẻ em rơi vào tình cảnh thiếu sự chăm sóc của cha mẹ. Những bậc cha mẹ đơn thân (sau ly hôn hoặc vợ/chồng chết) cũng ngày một quay sang cầu viện sự giúp đỡ của cha mẹ họ. Khi này, ông bà có thể là người lãnh trách nhiệm nuôi dạy đứa cháu. Điều tra dân số của Hoa Kỳ đã hé lộ một số thông tin về vai trò của ông bà trong chăm sóc nuôi dạy cháu, chẳng hạn vào năm 1999 có 5,5 triệu trẻ em Mỹ (chiếm tỷ lệ 7,7%) là do bàn tay ông bà nuôi nấng. Năm 2010, có 7 triệu trẻ Mỹ dưới 18 tuổi sống cùng ông bà; 2,7 triệu ông bà phải đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho một hoặc nhiều trẻ dưới 18 tuổi sống cùng họ. Người phụ giúp chăm sóc (additional caregiver): là loại ông bà hỗ trợ cha mẹ chăm sóc trẻ em. Thường thì họ là thành viên sống cùng nhà. Người giữ trẻ (babysitter): là loại ông bà chỉ thỉnh thoảng mới phụ một tay trong vấn đề chăm sóc trẻ. Ông bà vì sở thích (interest grandparent): là loại ông bà hiếm khi được nhờ chăm sóc đứa trẻ. Họ ở bên chúng chỉ vì sở thích. == Tham khảo == === Sách, tạp chí === Neugarten, Bernice L.; Weinstein, Karol K. (1996). “The Changing American Grandparent [trích Journal of Marriage and the Family 26, no. 2 (tháng 5 năm 1964): 199-204]”. Trong Dail A. Neugarten. The Meanings of Age: Selected Papers of Bernice L. Neugarten. University of Chicago Press. ISBN 9780226573847. Tomlin, Angela M. (1998). “Grandparents' Influences on Grandchildren”. Trong Maximiliane Szinovácz. Handbook on Grandparenthood. Greenwood Publishing Group. ISBN 9780313298868. Durflinger, Lori G. (2008). “Intergenerational Relationships: A Correlational Study of Quality and Quantity of Grandparent/grandchild Interactions to Grandparents' Perceived Happiness”. ProQuest. ISBN 9780549462828. Stelle, Charlie; Fruhauf, Christine A.; Orel, Nancy; Landry-Meyer, Laura (2010). “Grandparenting in the 21st Century: Issues of Diversity in Grandparent–Grandchild Relationships”. Journal of Gerontological Social Work 53 (8): 682–701. doi:10.1080/01634372.2010.516804. Wise, Ryan Macey (2007). “Grandparent-grandchild Relationships and Perceptions of Grandparent Goal Influence in Emerging Adulthood”. ProQuest. ISBN 9780549232971.
windows 10.txt
Windows 10 là phiên bản kế tiếp của hệ điều hành Microsoft Windows và Windows Phone được tiết lộ vào 30 tháng 9 năm 2014 và đã được công bố chính thức vào ngày 21 tháng 1 năm 2015 Lần đầu được giới thiệu vào tháng 4 năm 2014 tại hội nghị BUILD, Windows 10 nhắm đến những thiếu sót trong giao diện người dùng của Windows 8, cải thiện trải nghiệm người dùng cho các thiết bị không có màn hình cảm ứng, như máy tính bàn hoặc máy tính xách tay, bao gồm sự trở lại của Start Menu đã từng thấy ở Windows 7, tính năng Desktop ảo, và khả năng để chạy những ứng dụng Modern trong những cửa sổ nằm trên Desktop thay vì luôn chạy ở chế độ toàn màn hình như trước kia. Các máy chạy Windows 7 SP1, Windows 8.1 with Update 1 sẽ được nâng cấp trực tiếp lên Windows 10 qua Windows Update. == Lịch sử == Windows 10 đã xuất hiện vào 29/7/2015. Microsoft giới thiệu các phiên bản sớm của hệ điều hành cho những người đam mê qua Chương trình Người dùng Nội bộ Windows, mời khách hàng đóng góp vào sự phát triển và tương lai của Windows 10. Các thiết bị trên toàn thế giới được kết nối ở mức cao và chia sẻ nội dung, Windows 10 làm việc để làm cho sự cộng tác đó liền mạch và thú vị. Chương trình Người dùng Nội bộ Windows đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho Windows 10 trở nên tuyệt vời. Người dùng Nội bộ khám phá và phản hồi các bản dựng xem trước, điều này nghĩa là Microsoft có thể phát triển các giải pháp theo phản hồi trực tiếp từ những người tiêu dùng sử dụng Windows hàng ngày. Nó được phát hành chính thức theo cách bình thường, gần như phát hành một phiên bản thử nghiệm mới. Ngay sau khi khởi động lần đầu trên máy tính của người dùng, Windows 10 bắt đầu được cập nhật. Từ động thái của Microsoft, các nhà bình luận cho rằng sẽ không còn chuyện cài đặt các gói cập nhật lớn Service Pack như trước. Mọi người sẽ dần quen với sự thường xuyên cập nhật của Windows, giống như trình duyệt Chrome của Google. Số hiệu phiên bản Windows sẽ không quan trọng như trước. Có thể Windows 10 là tên gọi cuối cùng, phiên bản Windows mới nhất bao giờ cũng vẫn là Windows 10. Hoặc mọi người sẽ dần quen với tên gọi Windows không có số hiệu phiên bản. Microsoft không muốn thị trường Windows tiếp tục bị phân mảnh thành nhiều phiên bản. Cho đến gần đây, các phiên bản Windows 8, Windows 8.1, Windows 7, Windows Vista và Windows XP hoặc xưa hơn vẫn còn lưu hành trên khắp thế giới và nhiều người vẫn còn trung thành với phiên bản cũ. Điều này gây rắc rối cho Microsoft và cho người phát triển ứng dụng. Người phát triển ứng dụng luôn phải phân vân lựa chọn mục tiêu: tạo ra ứng dụng cho phiên bản Windows mới nhất hoặc cho phiên bản Windows phổ biến nhất hoặc cố gắng "gom góp" cả những người còn dùng Windows XP. Sự đa dạng không mong muốn của thị trường Windows xuất phát từ lề lối phát hành Windows trong quá khứ. Người dùng Windows cá nhân thường mua máy tính cài sẵn Windows, chứ không mua Windows riêng rẽ. Sau vài năm, khi có phiên bản Windows mới, phần lớn người dùng vẫn đợi đến khi mua máy tính mới, có sẵn Windows mới. Những người bỏ tiền nâng cấp ngay Windows trên máy tính cũ chỉ là thiểu số. Do vòng đời máy tính khoảng 5-6 năm, phiên bản Windows trên máy tính của người dùng thường có tuổi thọ chừng ấy năm. Phiên bản Windows cũ luôn "sống lâu, sống khỏe" hơn hẳn dự định của Microsoft. Windows 10 đang thay đổi lề lối cũ. Microsoft cho phép người dùng Windows 7/8/8.1 nâng cấp miễn phí lên Windows 10 trong một năm đầu từ ngày phát hành. Với máy tính dùng Windows 10, Microsoft sẽ liên tục cho cập nhật miễn phí để máy tính luôn dùng phiên bản Windows mới nhất cho đến khi máy tính không dùng được nữa. Nói khác đi, đối với người dùng cá nhân, việc nâng cấp Windows trên máy tính cũ sẽ không còn cần thiết. Họ sẽ gián tiếp trả tiền cho Microsoft khi mua máy tính mới (vì nhà sản xuất máy tính phải mua Windows từ Microsoft). Với người dùng doanh nghiệp, Microsoft có chính sách riêng. Người dùng doanh nghiệp có quyền quyết định một phần đối với tiến trình cập nhật Windows, nhằm bảo đảm những ứng dụng nghiệp vụ luôn hoạt động thông suốt. == Tính năng == === Giao diện người dùng và Desktop === Giao diện người dùng của Windows 10 được thiết kế trước hết để tối ưu hóa trải nghiệm của nó dựa trên loại thiết bị và trình nhập liệu có sẵn, mang đến một "trải nghiệm đúng trên đúng thiết bị và đúng thời điểm." Cho những thiết bị không có màn hình cảm ứng, một biến thể của Menu Start trước kia được sử dụng làm một phần của giao diện người dùng, đem đến cả một danh sách ứng dụng truyền thống cùng một hộp tìm kiếm của phía bên trái, cùng với các Live Tile phong cách Windows 8 ở phía bên phải. Một hệ thống Desktop ảo mới được gọi là "Task View" cũng đã được bổ sung; tương tự như tính năng Exposé của OS X, nháy chuột vào nút Task View trên Thanh tác vụ hoặc trượt từ phía bên trái màn hình sang sẽ hiển thị mọi cửa sổ đang mở trên Desktop, cho phép người dùng chuyển giữa các cửa sổ, chia các cửa sổ về hai phía màn hình, hoặc chuyển qua lại các Desktop ảo. Các ứng dụng Modern trước đây chỉ có thể chạy trên chế độ toàn màn hình, giờ đây có thể chạy trên các cửa sổ nằm trên Desktop. Khi các ứng dụng Modern được chạy theo cách này, một trình đơn "App Commands" nằm trên thanh tiêu đề của cửa sổ được sử dụng để kích hoạt các tính năng đã từng thấy trên Thanh Charm. Màn hình Bắt đầu vẫn được sử dụng, nhưng có thêm cột ở phía bên trái của màn hình để hiển thị lối tắt và nút "Tất cả ứng dụng", tương tự như Menu Bắt đầu.Surface Pro 3 và một số tablet lai laptop khác khi được kết nối với bàn phím, người dùng sẽ được hỏi có tiếp tục sử dụng giao diện thân thiện với cảm ứng, hay chuyển sang chế độ tối ưu cho chuột và bàn phím. === Thành phần giao diện hệ thống === Windows 10 sẽ đến cùng với DirectX 12;GDC với khả năng tránh cho CPU và card đồ họa bị quá tải.Command Prompt có thêm tính năng ngắt dòng của dữ liệu đầu ra và khả năng để sử dụng các phím tắt như dán (paste) văn bản bằng cách sử dụng tổ hợp phím Ctrl+V Điểm nhấn của Windows 10 là có thể được cài đặt trên Windows PC,Windows Phone,Windows Embedded và Xbox One, cũng như trên các sản phẩm mới của Microsoft như Surface Hub và HoloLens. Các sản phẩm này có một điểm chung là các ứng dụng và Windows Store có cấu trúc được phát triển trên nên tảng Windows Runtime sẽ giống như Windows 8. Windows 10 cung cấp nhiều tính năng mới, ví dụ như sự xuất hiện của Cortana (trợ lý ảo từng được giới thiệu trên Windows Phone), hệ thống thông báo có thể được đồng bộ trên nhiều thiết bị, tính năng mới của Xbox Live. Windows 10 cũng sẽ ra mắt trình duyệt web mới mang tên Microsoft Edge (tên mã Project Spartan) để thay thế cho Internet Explorer. === Hệ thống bảo mật === Windows 10 kết hợp công nghệ xác thực đa yếu tố dựa trên tiêu chuẩn của Liên Minh FIDO. Hệ điều hành bao gồm cải thiện hỗ trợ cho việc xác thực sinh trắc học thông qua Windows Hello và nền tảng Hộ chiếu; các thiết bị hỗ trợ camera cho phép người dùng đăng nhập qua nhận diện khuông mặt hoặc quét mống mắt. == Sự xuất hiện của trình duyệt Microsoft Edge == Trong buổi ra mắt Windows 10, Microsoft cho biết, sẽ có một trình duyệt web mới thay thế cho Internet Explorer, gây sốc với quyết định "khai tử" Internet Explorer (IE) và thay vào đó là một sản phẩm hoàn toàn mới - Project Spartan. Theo ý tưởng ban đầu của hãng, đây sẽ là trình duyệt không chỉ được sử dụng trên Windows 10 của máy tính, mà còn được dùng trên Windows 10 dành cho máy tính bảng, và smartphone... Trình duyệt này hoạt động trên các bản build từ 10049 trở đi. Tại hội nghị Microsoft Build 2015, khi Windows 10 chính thức ra mắt vào cuối mùa hè năm 2015, Project Spartan sẽ được đổi tên thành Microsoft Edge. Microsoft Edge vẫn sử dụng biểu tượng chữ “e” quen thuộc của Internet Explorer, nhưng đã có một sự chỉnh sửa nho nhỏ trên biểu tượng này để tạo sự mới mẻ. Hướng tới đối tượng chủ yếu là các doanh nghiệp và được thiết kế với nhiều cải tiến mới vô cùng hữu dụng (tương tác giọng nói Cortana, new tab, tính năng ghi chú đặc biệt ngay trên website,...) nhưng vẫn chú trọng, tập trung vào tiêu chí đơn giản, hỗ trợ người dùng một cách tối đa. Ngoài ra, Microsoft Edge còn có cả một kho ứng dụng của riêng mình, với rất nhiều những tiện ích mở rộng nhằm giúp người dùng nâng cao khả năng trải nghiệm khi duyệt web đồng thời khẳng định chất lượng của một trình duyệt hiện đại. Đại diện của Microsoft, ông Joe Belfiore đã từng phát biểu trong buổi giới thiệu Microsoft Edge tại Hội nghị BUILD 2015 rằng: "Edge là trình duyệt phục vụ nhu cầu của người dùng cuối". Điều đó có nghĩa, hãng đã có những thay đổi, điều chỉnh nhất định để trình duyệt mặc định mới nhất cho Windows 10 này có thể tương thích, sử dụng tất cả những extension mà người dùng của Firefox và Chrome đã vô cùng quen thuộc. Có thể nói, với những gì mà trình duyệt này đang sở hữu, cộng thêm việc Microsoft đang "rục rịch" lấn sân để phát triển ứng dụng đa nền tảng, Microsoft Edge hứa hẹn sẽ trở thành "đối thủ" ngang tầm với hai trình duyệt được sử dụng nhiều nhất hiện nay. == Lỗi == Máy tính chạy Windows 10 sẽ yêu cầu được khởi động lại sau khi tải xong bản cập nhật KB3081424(một cập nhật quan trọng) để cài đặt bản cập nhật này. Tuy nhiên, quá trình khởi động lại không chỉ diễn ra một lần mà nó có thể xảy ra liên tục cho tới khi Windows 10 hiện thông báo cập nhật thất bại (Hiện tượng này chỉ xảy ra thường xuyên đối với Windows 10 build 10240) == Tiếp nhận == === Tên gọi === Tuy nhiên, một thành viên trên diễn đàn Reddit, người tự xưng là một nhà phát triển của Microsoft, có câu trả lời thuyết phục hơn. Thực ra, Windows mới có tên Windows 10 để tránh nhầm lẫn nếu đặt tên là Windows 9. Bởi vì, họ muốn chỉ đọc một vài chữ đầu tiên của tên hệ điều hành đang dùng là có thể biết người dùng đang sử dụng phiên bản Windows nào, trong khi đó, nếu đặt tên cho hệ điều hành mới là Windows 9, họ có thể nhầm lẫn sang Windows 95 hoặc Windows 98. Đó cũng như một dạng thảm họa y2k, vì các nhà lập trình không nghĩ rằng kế hoạch đặt tên cho Windows có thể vướng vào tình huống kiểu "Windows 9x", đồng thời các nhà lập trình cũng không muốn phải đưa thêm các đoạn mã mới để tránh tình thế nhầm lẫn "Windows 9" hay "Windows 95" hay "Windows 98". Tất nhiên, những suy đoán này chỉ là một lý thuyết chưa được chứng minh và Microsoft có thể cũng không bao giờ đưa ra lý do thực sự. == Xem thêm == Lịch sử hệ điều hành Các thủ thuật sử dụng Windows 10 == Tham khảo ==
gali.txt
Gali hay gallium (tiếng La tinh: Gallia) là một nguyên tố hóa học có ký hiệu Ga và số nguyên tử là 31. Là một kim loại yếu màu bạc ánh kim, gali cứng và giòn ở nhiệt độ thấp nhưng hóa lỏng rất dễ dàng, chỉ cao hơn nhiệt độ phòng một chút (29,8 °C) và vì thế nó sẽ nóng chảy khi nằm trong lòng bàn tay của người. Nó xuất hiện dưới dạng dấu vết trong bôxít và quặng kẽm. Ứng dụng quan trọng nhất của nó có lẽ là để tạo ra các hợp chất như nitrua gali và asenua gali, được dùng như là các chất bán dẫn, chủ yếu trong các điốt phát quang (đèn LED). Gali có nguồn gốc là tên gọi kỉ niệm nước Pháp do chữ "Gallia" là tên cổ xưa của nước Pháp. == Đặc trưng == Gali dạng nguyên tố không có trong tự nhiên, nhưng dễ dàng thu được từ việc nung chảy quặng chứa nó. Gali kim loại cực tinh khiết có màu trắng bạc và đứt gãy concoit khi ở trạng thái rắn của nó là tương tự như thủy tinh. Gali kim loại nở ra khoảng 3,1% khi rắn lại (tỷ trọng khi nóng chảy là 6.095 kg/m³ trong khi ở 25 °C là 5.950 kg/m³), và vì thế việc lưu giữ nó trong các bình chứa bằng thủy tinh hay kim loại cần nên tránh, do khả năng bình chứa bị phá vỡ là cao khi thời tiết lạnh. Gali chia sẻ trạng thái tỷ trọng cao hơn khi nóng chảy với một vài chất liệu khác như gecmani, bitmut, antimoan và nước. Gali cũng ăn mòn phần lớn các kim loại khác bằng cách khuếch tán vào trong lưới tinh thể kim loại của chúng. Ví dụ, gali khuếch tán vào các ranh giới hạt của hợp kim Al/Zn hay thép., làm cho chúng trở nên rất giòn. Ngoài ra, gali kim loại cũng dễ dàng tạo ra hợp kim với các kim loại khác và nó đã từng được dùng với số lượng nhỏ trong lõi của quả bom nguyên tử đầu tiên với mục đích hỗ trợ sự ổn định của cấu trúc tinh thể plutoni. Điểm nóng chảy khoảng 30 °C cho phép nó nóng chảy ngay trong tay người. Kim loại này có xu hướng siêu lạnh rất mạnh dưới điểm nóng chảy/điểm đóng băng của nó, vì thế cần phải có mầm nhằm kết tinh khi hóa rắn nó. Gali là một trong số các kim loại (cùng xezi, rubidi, franxi và thủy ngân) ở trạng thái lỏng ở nhiệt độ gần với nhiệt độ phòng, và vì thế có thể sử dụng trong các nhiệt kế đo nhiệt độ cao kiểu kim loại trong thủy tinh. Nó cũng đáng chú ý như là một trong số các kim loại có khoảng rộng nhiệt độ ở trạng thái lỏng, và (khác với thủy ngân) nó có áp suất hơi rất thấp ở các khoảng nhiệt độ khá cao. Không giống như thủy ngân, gali kim loại lỏng thấm ướt da và thủy tinh, làm cho nó trở thành khó thu dọn hơn về mặt cơ học (mặc dù nó ít độc hại hơn thủy ngân và cũng không cần phải quá nhiều biện pháp phòng ngừa). Vì lý do này cũng như vấn đề nhiễm bẩn vào các kim loại khác cùng sự nở ra khi đông đặc, nên các mẫu vật gali kim loại nói chung cần bảo quản trong các túi polyetylen trong ruột các bình chứa khác. Gali không kết tinh theo bất kỳ kiểu cấu trúc tinh thể đơn giản nào khác ngoài pha ổn định trong các điều kiện thông thường là trực thoi với 8 nguyên tử trong mỗi đơn vị kết tinh thông thường. Mỗi nguyên tử chỉ có một nguyên tử hàng xóm nằm gần nhất (cách 244 pm) và 6 nguyên tử láng giềng khác trong phạm vi xa hơn nữa khoảng 39 pm. Nhiều trạng thái ổn định và cận ổn định khác cũng được tìm thấy dưới tác động của nhiệt độ và áp suất. Liên kết giữa các nguyên tử gần nhau nhất có đặc trưng cộng hóa trị, vì thế các nhị trùng Ga2 được nhìn nhận như là các khối nền tảng xây dựng ra tinh thể. Hợp chất với asen (asenua gali) là một chất bán dẫn nói chung hay được sử dụng trong các đèn LED. Gali kim loại có độ tinh khiết cao bị ăn mòn từ từ bởi các axít vô cơ. == Lịch sử == Gali (tiếng La tinh Gallia nghĩa là "Gaul," là tên gọi của khu vực ngày nay về cơ bản là nước Pháp; và tiếng La tinh gallus nghĩa là "gà trống") được Lecoq de Boisbaudran phát hiện bằng phương pháp quang phổ năm 1875 nhờ các vạch phổ đặc trưng của nó (hai vạch màu tím) khi khảo sát blenđơ kẽm thu được từ khu vực Pyrenees. Trước khi phát hiện ra nó thì phần lớn các tính chất của nó đã được D. I. Mendeleev dự đoán và miêu tả (ông gọi nguyên tổ giả thuyết của mình là "eka-aluminium" (eka-nhôm)) trên cơ sở vị trí của nó trong bảng tuần hoàn của ông. Sau này, năm 1875, Boisbaudran đã thu được kim loại tự do bằng cách điện phân hiđrôxít của nó trong dung dịch hiđrôxít kali (KOH). Ông gọi nguyên tố này là "gallia" theo tên gọi của quê hương mình (Pháp). Sau này, trong một trong các trò chơi chữ đa ngôn ngữ trong thế kỷ 19, người ta còn cho rằng ông đã đặt tên gali theo họ của chính mình, do họ của ông, "Lecoq," trong tiếng Pháp có nghĩa là "gà trống," và tên gọi trong tiếng La tinh cho "gà trống" thì là "gallus". Tuy nhiên, trong bài báo viết năm 1877 thì Lecoq đã phủ nhận phỏng đoán này. == Trong tự nhiên == Gali không tồn tại dưới dạng tự do trong tự nhiên, mà cũng không có khoáng chất nào có hàm lượng gali đủ cao để có thể coi là nguồn chủ yếu trong việc tách chiết nó hay các hợp chất của nó. Tuy nhiên, gali tồn tại dưới dạng dấu vết và được tách ra từ bôxít, than đá, diaspore (quặng chứa chủ yếu là α-AlO(OH)), germanit và sphalerit. Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) ước tính trữ lượng gali dựa trên hàm lượng 50 ppm theo trọng lượng trong cáctrữ lượng bôxít và quặng kẽm đã biết. Một số bụi khói từ quá trình cháy của than đá cũng chứa lượng nhỏ gali, thông thường dưới 1% theo trọng lượng. Phần lớn gali được tách ra từ dung dịch hiđrôxít nhôm thô trong công nghệ Bayer để sản xuất nhôm và ôxít nhôm. Các pin thủy ngân dùng trong điện phân và thủy phân hỗn hống với hiđrôxít natri (NaOH) dẫn tới galat natri. Quá trình điện phân tiếp theo sinh ra gali kim loại. Để dùng làm chất bán dẫn, quá trình làm tinh khiết tiếp theo được thực hiện theo phương pháp nóng chảy khu vực hoặc tách tinh thể đơn từ gali nóng chảy (công nghệ Czochralski).Độ tinh khiết tới 99,9999% cũng đã thu được và có sẵn ở quy mô thương mại. Giá hiện tại của 1 gam gali độ tinh khiết 99,9999% vào khoảng cỡ $1,886 Có bán hộp 15g Gali 99,9999% khoảng 27,99 $ == Ứng dụng == Trong công nghiệp bán dẫn và điện tử nó được sử dụng khá rộng rãi do giá thành của kim loại có độ tinh khiết cao (99,9999+%) là không quá cao. Thành phần trong chất bán dẫn asenua gali, trong các mạch tích hợp (IC) và trong các thiết bị quang điện như điốt laze và đèn LED. Gali được sử dụng rộng rãi như là chất liệu thêm vào các chất bán dẫn để sản xuất các thiết bị như transistor. Gali là thành phần hiếm nhất trong các phức chất quang điện mới như (sulfua/selenua) đồng (indi/gali) [Cu(In, Ga)(Se, S)2], mới được các nhà khoa học Nam Phi thông báo gần đây để sử dụng trong các tấm pin mặt trời như là giải pháp thay thế cho silic tinh thể hiện tại không đủ nguồn cung cấp. Trong vai trò tác nhân thấm ướt và cải thiện tính chất của hợp kim: Do tính chất thấm ướt thủy tinh hặc đồ sứ nển gali có thể sử dụng để tạo ra các gương rất rõ nét. Gali dễ dàng tạo ra hợp kim với phần lớn các kim loại, đã từng được sử dụng trong việc sản xuất các hợp kim có nhiệt độ nóng chảy thấp. Plutoni dùng trong các lõi của vũ khí hạt nhân được gia công bằng cách tạo hợp kim với gali để ổn định các thù hình của nó. Gali được thêm vào tới 2% trong các loại que hàn để cải thiện tính thấm ướt và khả năng nóng chảy. Cơ chế lưu trữ năng lượng: Nhôm là kim loại có độ hoạt động hóa học đủ mạnh để khử nước thành hiđrô và bị ôxi hóa thành ôxít nhôm. Tuy nhiên, ôxít nhôm tạo thành lớp mỏng trên bề mặt nhôm có tính năng bảo vệ không cho nhôm bị ôxi hóa tiếp. Khi gali được thêm vào để tạo hợp kim với nhôm thì lớp vỏ bảo vệ không được tạo ra, vì thế hợp kim có thể là tiềm năng trong việc tạo ra nguồn cung cấp ở dạng rắn cho hiđrô dùng trong các mục đích vận tải, nó có thể là thuận tiện hơn so với việc nén hiđrô trong các bình chứa. Việc nấu chảy lại ôxít nhôm và hỗn hợp gali thành nhôm và gali kim loại và tái tạo chúng thành các điện cực có thể chiếm phần lớn năng lượng đầu vào cho hệ thống, trong khi điện năng sản xuất bởi các tế bào nhiên liệu hiđrô chiếm phần lớn năng lượng đầu ra. Hiệu quả nhiệt động lực học của quá trình nấu chảy nhôm là khoảng 50%. Vì thế, không quá một nửa năng lượng cần để nấu chảy nhôm có thể được phục hồi lại từ các tế bào nhiên liệu. Hợp kim lỏng: Người ta cũng gợi ý rằng hợp kim lỏng của gali với thiếc có thể sử dụng để làm mát các chip máy tính thay cho nước. Nó dẫn nhiệt cao hơn nước tới khoảng 65 lần và vì thể khả năng làm mát của nó cũng cao hơn, điều này làm cho nó trở thành một chất làm mát có ưu thế hơn. [1] Gali lỏng còn dùng trong một số nhiệt kế đo nhiệt độ cao. Ứng dụng y sinh học: Hợp kim có điểm eutecti lỏng thấp của gali, indi, thiếc được sử dụng rộng rãi trong một số nhiệt kế y học để thay thế cho nhiệt kế thủy ngân. Hợp kim này, với tên thương mại Galinstan (với "-stan" để chỉ thiếc), có nhiệt độ nóng chảy/đông đặc là −20 °C. Các muối của gali như citrat gali và nitrat gali đã từng được dùng như là tác nhân dược phẩm phóng xạ trong chiếu chụp y học hạt nhân. Trong các ứng dụng này, đồng vị phóng xạ như Ga67 được sử dụng. Cơ thể con người tích tụ ion Ga3+ tương tự như việc tích tụ sắt, và vì thế nó tích lũy trong các khu vực viêm nhiễm hay khu vực có sự phân chia tế bào nhanh. Điều này cho phép khu vực đó được chụp lại nhờ các kỹ thuật chụp cắt lớp hạt nhân. Xem thêm bài Chụp cắt lớp bằng gali. Việc sử dụng này đã được thay thế phần lớn bằng florodeoxyglucoza (FDG) trong chụp cắt lớp bằng bức xạ positron (chụp cắt lớp "PET"). Nitrat gali, bằng đường miệng và đường da, được dùng trong điều trị viêm khớp. Phần lớn các nghiên cứu đều khuyến cáo bêb dùng các hợp kim của gali để thay thế cho hỗn hống nha khoa chứa thủy ngân, nhưng các hợp kim này vẫn chưa được dùng rộng rãi. Các nghiên cứu đang được tiến hành để xác định xem liệu gali có thể sử dụng được hay không trong phòng chống nhiễm khuẩn ở những người bị xơ nang. Gali về kích thước là tương tự như sắt, thành phần dinh dưỡng cốt yếu cho hô hấp. Khi vi khuẩn, như Pseudomonas, hấp thụ nhầm phải gali thì khả năng hô hấp của chúng bị cản trở và chúng bị tiêu diệt. Cơ chế đằng sau điều này là sắt là nguyên tố hoạt hóa về mặt ôxi hóa-khử, cho phép nó vận chuyển các electron trong quá trình hô hấp, trong khi gali lại là nguyên tố không hoạt hóa về mặt ôxi hóa-khử. Khác: Gallat magiê chứa tạp chất (như ion Mn2+), được sử dụng trong bột phốtpho hoạt hóa cực tím. Phát hiện neutrino. Có lẽ lượng gali nguyên chất lớn nhất được chứa đựng tại một chỗ là máy dò neutrino GALLEX, hoạt động từ đầu thập niên 1990 tại một đường hầm trong núi tại Italia. Cỗ máy này chứa 12,2 tấn gali-71 lỏng. Các neutrino từ Mặt Trời có thể làm cho một số nguyên tử Ga-71 trở thành Ge-71 có tính phóng xạ và từ đó phát hiện được sự có mặt của chúng. Luồng neutrino Mặt Trời được suy ra từ đó hụt so với lý thuyết tới 40%. Điều này vẫn chưa giải thích được cho đến khi người ta chế ra các máy dò neutrino mặt trời tốt hơn và/hoặc xây dựng các lý thuyết mới (xem SNO).[2] Làm nguồn ion kim loại lỏng cho chùm ion hội tụ. == Phòng ngừa == Trong khi được coi là không độc hại, nhưng các dữ liệu về gali là chưa đưa ra kết luận cuối. Một số nguồn cho rằng nó có thể gây ra viêm da do phơi nhiễm kéo dài; nhưng các thử nghiệm khác lại không có phản ứng dương tính. Giống như phần lớn các kim loại khác, gali dạng bột cực mịn mất độ bóng láng của mình mà có màu xám. == Xem thêm == Hợp chất của gali == Tham khảo == Phòng thí nghiệm quốc gia Hoa Kỳ Los Alamos - Gali Webelements: Thông tin chi tiết về gali == Liên kết ngoài == WebElements.com – Thông tin về gali Hình ảnh trong bộ sưu tập nguyên tố của Heinrich Pniok MSDS tại acialloys.com www.lenntech.com – Thông tin về gali Các tác động môi trường của gali Biến động giá cả của gali giai đoạn 1959-1998 Công nghệ sản xuất hiđrô bằng cách thêm nước vào hợp kim nhôm-gali
kim dinh.txt
Kim Dinh là một phường thuộc thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam. Phường Kim Dinh có diện tích 18,05 km², dân số năm 2002 là 7356 người, mật độ dân số đạt 408 người/km². == Chú thích == == Tham khảo ==
miraflores, california.txt
Miraflores là một thị trấn ma tại Quận Cam, tiểu bang California thuộc Hoa Kỳ. == Lịch sử == Miraflores là tên gọi bắt nguồn từ tiếng Tây Ban Nha nghĩa là "thấy những bông hoa". == Tham khảo ==
cao câu ly.txt
Cao Câu Ly (Tiếng Triều Tiên: 고구려/ 高句麗 (Cao Câu Ly)/ Goguryeo, Trung: 高句麗 <高句丽>/ Gāo gōu lí),, (năm thành lập theo truyền thống là năm 37 trước Công nguyên, có lẽ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên – 668) là một vương quốc ở phía bắc bán đảo Triều Tiên và Mãn Châu. Đây là một trong Tam Quốc (Triều Tiên), cùng với Bách Tế, Tân La. Tên gọi Korea mà nhiều nước phương Tây sử dụng ngày nay là lấy từ nhà nước Cao Ly (935-1392), với nhiều biến âm khác nhau của nó (xem Tên gọi Triều Tiên). Các ghi chép của thời đại Cao Ly cho rằng Cao Câu Ly được Đông Minh Vương Cao Chu Mông (주몽, 朱蒙 Ko Chumong) thành lập năm 37 trước Công nguyên, dù có thể thời gian thành lập là thế kỷ 2 trước Công Nguyên, vào thời sụp đổ của Cổ Triều Tiên (Kojosŏn). Đến thời Quảng Khai Thổ Thái Vương (Kwanggaet'o-taewang) và con trai ông là Trường Thọ Vương (Changsu) thì đất nước Cao Câu Ly trở nên hùng mạnh. Hầu hết các tiểu vương quốc khác trong lãnh thổ của Cao Câu Ly bao gồm Phù Dư, Ốc Trở và Đông Uế, tất cả đều bị Cao Câu Ly thôn tính. Cao Câu Ly đã nhiều lần phải kháng chiến chống Trung Quốc. Năm 589, Tùy Văn Đế của nhà Tùy đem 30 vạn quân xâm lược Cao Câu Ly nhưng bị đánh bại, phải rút về Trung Quốc, tiếp đó, trong các năm 612, 613, 614, nhà Tùy tiếp tục đem quân xâm lược Cao Câu Ly nhưng không thành. Khi nhà Đường thay thế nhà Tuỳ, lợi dụng lúc tình hình Trung Quốc còn đang bất ổn, Cao Câu Ly cho đắp trường thành từ đông bắc Phù Dư đến Bột Hải chống quân xâm lược nhà Đường. Sau đó, Cao Câu Ly liên minh với Bách Tế tấn công Tân La, nước này đã xin nhà Đường cứu viện. Quân nhà Đường đã từng bước phối hợp với Tân La để tiêu diệt Bách Tế, cô lập Cao Câu Ly. Đến năm 666, nội bộ Cao Câu Ly xung đột, thế nước ngày càng yếu, bị Đường và Tân La tiêu diệt năm 668. Cao Câu Ly là một nước mạnh ở Đông Á cho đến khi bị liên minh Tân La và nhà Đường đánh bại. Sau khi bị diệt vong, lãnh thổ của nó bị chia sẻ giữa Tân La thống nhất, Bột Hải và nhà Đường. == Lịch sử == === Sự hình thành Nhà nước Cao Câu Ly (37 TCN) === Căn cứ theo các tài liệu Tam quốc sử ký và Tam quốc di sự, một vương tử của quốc gia Phù Dư, mang tên Chu Mông (Jumong) đã buộc phải rời khỏi đất nước của mình do sự tranh giành quyền kế vị diễn ra giữa các vương tử của Phù Dư; và ông là người đã thành lập ra quốc gia Cao Câu Ly (năm 37 TCN) trên vùng đất mang tên là Tốt Bản (Jolbon)- được cho là tọa lạc tại vị trí giữa sông Áp Lục và lòng chảo sông T'ung-chia, với lãnh thổ bao trùm các khu vực biên giới của CHND Trung Hoa và CHDCND Triều Tiên ngày nay. Một số học giả lại cho rằng Cao Câu Ly được thành lập ngay từ thế kỷ thứ 2 TCN. Theo Hán thư, cái tên Cao Câu Ly (高句麗) được đề cập lần đầu tiên vào năm 113 TCN tại một khu vực thuộc quận Huyền Thổ - một trong 4 quận nhà Hán thành lập trên đất Triều Tiên sau khi đô hộ xứ này. Tài liệu Cựu Đường thư ghi rằng vua Đường Thái Tông nói Cao Câu Ly có lịch sử chừng chín trăm năm. Năm 75 TCN, một nhóm dân cư thuộc bộ tộc Uế Mạch (穢貊, Yemaek) (một bộ tộc thời kỳ Tiền Cao Câu Ly) - có thể bao gồm dân cư của Cao Câu Ly - mở một cuộc tấn công vào quận Huyền Thổ tại khu vực phía tây của thung lũng sông Áp Lục ngày nay. Tuy nhiên, theo các tài liệu của Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tam quốc sử ký, Nhật Bản thư kỷ (Nihon Shoki) cũng như các tài liệu cổ khác cho rằng Nhà nước Cao Câu Ly được thành lập vào năm 37 TCN hoặc vào giữa thế kỷ thứ nhất TCN. Các bằng chứng khảo cổ học cho rằng sự tập trung hóa của các bộ tộc Uế Mạch diễn ra vào thế kỷ thứ hai TCN, tuy nhiên không có bằng chứng trực tiếp nào chứng minh rằng các bộ tộc này được gọi là (hoặc tự gọi họ là) Cao Câu Ly. Việc Cao Câu Ly là một nhóm cư dân liên quan đến các bộ tộc Uế Mạch được nhắc tới lần đầu tiên trong Hán thư, cụ thể là trong phần nói về một cuộc khởi nghĩa ly khai khỏi quận Huyền Thổ vào năm 12 TCN. Vào lúc khởi thủy, thành phần dân cư của Cao Câu Ly được cho là một sự hỗn hợp giữa tộc người Phù Dư (Buyeo) và Uế Mạch (Yangmaek); rất có thể một thành viên thuộc triều đình Phù Dư đã đào thoát sang nơi này và trở thành thủ lĩnh của các bộ tộc Uế Mạch tại đây. Trong tác phẩm Tam quốc chí, tại phần "Đông Di truyện", cho rằng người Phù Dư và người Uế Mạch có mối quan hệ rất gần gũi với nhau và nói cùng một thứ ngôn ngữ. ==== Cao Chu Mông và huyền thoại về sự thành lập Nhà nước Cao Câu Ly ==== Cao Chu Mông được đề cập lần đầu tiên trên Tấm bia Quảng Khai Thổ, một tấm bia của Quảng Khai Thổ Thái Vương được thực hiện vào thế kỷ thứ tư SCN. Cái tên Chu Mông viết theo Chosŏn'gŭl là Chumong, được cho là cách phiên âm Triều Tiên của các từ hanja 朱蒙 (Chumong, 주몽), 鄒牟 (Ch'umo, 추모), hay 仲牟 (Chungmo, 중모). Tấm bia Quảng Khai Thổ viết rằng Cao Chu Mông là vua đầu tiên của vương triều và là thủy tổ của Cao Câu Ly; ông là con trai của vua nước Phù Dư (Geumwa) với con gái của thần sông Habaek. Tam quốc sử ký và Tam quốc di sự cho biết thêm tên của người mẹ của Chu Mông là Liễu Hoa (Yuhwa). Cha ruột của Chu Mông là Giải Mộ Sấu (Hae Mosu), được miêu tả là một người cực kỳ khỏe mạnh và là "vương tử nhà Trời". Tam quốc sử ký cho rằng Giải Mộ Sấu là một vị thần trên Thiên giới, ông tục huyền với Liễu Hoa và hai người sinh ra Chu Mông. Sau âm mưu ám hại bất thành của Đại Tổ (Daeso) - Thế tử của Đông Phù Dư (Tongpuyŏ) - chống lại Chu Mông, ông buộc phải rời bỏ Phù Dư. Tuy nhiên tấm bia Quảng Khai Thổ và các tài liệu Triều Tiên sau đó không thống nhất về việc Chu Mông đào thoát từ quốc gia nào. Tấm bia Quảng Khai Thổ viết rằng Chu Mông đến từ Bắc Phù Dư (Pukpuyŏ), còn Tam Quốc sử ký và Tam quốc di sự cho rằng ông đào thoát khỏi Đông Phù Dư. Cuối cùng Chu Mông lưu lạc đến vùng đất Tốt Bản Phù Dư (Cholpon Puyŏ) và kết hôn với Chiêu Tây Nô (hay Triệu Tây Nô), So Seo No là con gái của thủ lĩnh Tốt Bản Phù Dư. Sau đó Chu Mông trở thành vua và sáng lập ra quốc gia Cao Câu Ly. Trong phần "Biên niên sử Bách Tế" của Tam quốc sử ký viết rằng Chiêu Tây Nô là con gái của Diên Đà Bột (Yeon Ta-bal, 연타발, 延陀勃), một nhà quý tộc giàu có và quyền thế ở Tốt Bản. Tuy nhiên, chính Tam Quốc sử ký viết rằng vua của Tốt Bản Phù Dư gả con gái của mình - vốn đào thoát từ Đông Phù Dư - cho Chu Mông. Cuộc hôn nhân này đã cung cấp nguồn tài lực và vật lực quý giá cho việc thành lập quốc gia Cao Câu Ly Sau khi Lưu Ly - con của Chu Mông với người vợ đầu Duệ Tố Gia (Yesoa) - đến Cao Câu Ly và trở thành người kế vị ngôi vua, Chiêu Tây Nô cùng hai người con Phất Lưu (Biryu) và Ôn Tộ (Onjo) quyết định rời bỏ Cao Câu Ly đi xuống phía nam lập ra quốc gia mới. Chu Mông ban đầu mang họ Giải (解, Hae), họ của các vua Phù Dư. Theo Tam Quốc di sự, Chu Mông đổi họ mình thành Cao (高, Ko) nhằm thể hiện nguồn gốc thần thánh của mình. Theo các tài liệu lịch sử, Cao Chu Mông đã chinh phục các bộ tộc Phí Lưu (비류국, 沸流國, Phí Lưu Quốc) năm 36 TCN, Hạnh Nhân (행인국, 荇人國, Hạnh Nhân Quốc) năm 33 TCN, và Bắc Ốc Trở năm 28 TCN. Chu Mông sáng lập Cao Câu Ly trên đất của Tốt Bản ở phía bắc sông Áp Lục (hiện giờ là huyện Hoàn Nhân, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc). Kinh đô là thành Ngũ Nữ Sơn. Năm 2004, tàn tích thành Ngũ Nữ Sơn đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. === Tập trung hóa quyền lực và những cuộc chinh phạt đầu tiên === Cao Câu Ly phát triển từ một liên minh các bộ lạc Đông Uế trở thành một quốc gia sơ kỳ và nhanh chóng bành trướng thế lực sang các khu vực xung quanh lưu vực sông Thẩm ở Liêu Ninh, Trung Quốc ngày nay. Nói chung vào lúc khởi thủy, Cao Câu Ly là một quốc gia có địa hình nhiều đồi núi và thiếu đất trồng trọt, vì vậy bản thân Cao Câu Ly khó có khả năng tự nuôi sống dân cư của nó. Chính vì vậy họ thường xuyên mở các cuộc tấn công, cướp phá các quốc gia lân bang ngõ hầu mở rộng nguồn tài nguyên cho mình. Năm 53 SCN, vua Thái Tổ Đại Vương đã tổ chức năm bộ lạc trong vương quốc của mình thành năm tỉnh. Việc đối ngoại và quân sự do nhà vua trực tiếp điều hành. Những cuộc tấn công, xâm lược của Cao Câu Ly sang các quốc gia lân bang đã giúp Cao Câu Ly buộc các quốc gia này phải triều cống, và thậm chí khống chế họ về mặt kinh tế lẫn chính trị. Thái Tổ chinh phục các bộ lạc Ốc Trở và Đông Uế ở đông bắc Triều Tiên cùng với một số bộ lạc khác ở Bắc Triều Tiên và tây nam Mãn Châu. Sau khi có được nguồn nhân lực và vật lực dồi dào từ việc chinh phạt các bộ tộc láng giềng, Thái Tổ xua quân tấn công các quận Lạc Lãng, Huyền Thổ và Liêu Đông ở khu vực tây bắc Triều Tiên, Mãn Châu và bán đảo Liêu Đông ngày nay; và trở thành một thế lực độc lập với các quận nhà Hán. Thông thường, Thái Tổ vẫn cho phép thủ lĩnh của các bộ tộc bị chinh phục tiếp tục cai quản bộ tộc của mình, nhưng họ phải chịu sự giám sát của các quan lại địa phương thuộc dòng dõi vương tộc Cao Câu Ly và phải cống nộp nặng nề. Thái Tổ và những người kế vị ông tiếp tục khai thác nguồn nhân lực và vật lực mới đó để tiếp tục các hoạt động bành trướng về phía tây bắc. Những điều luật mới được ban hành nhằm quản lý tầng lớp bình dân cũng như tầng lớp quý tộc. Những thủ lĩnh các bộ tộc cũng dần dần bị thu hút vào tầng lớp quý tộc trung ương. Ngôi vua cũng trở thành cha truyền con nối thay vì anh em nối ngôi quanh, điều này giúp củng cố sự vững mạnh của triều đình. Quốc gia Cao Câu Ly trong giai đoạn vươn ra các khu vực xung quanh không tránh khỏi việc xảy ra các xung đột quân sự với các quận của nhà Hán ở khu vực Triều Tiên và Mãn Châu. Sức ép của thế lực nhà Hán ở Liêu Đông buộc người Cao Câu Ly phải dời đô từ thành Ngũ Nữ Sơn thành Hoàn Đô Sơn (trên núi Hoàn Đô) và thành Quốc Nội (dưới chân núi Hoàn Đô) bên bờ sông Áp Lục. Nay thành này thuộc địa phận thị xã Tập An, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Năm 2004, UNESCO đã công nhân tàn tích thành Hoàn Đô Sơn và các di tích lăng mộ ở đây là di sản văn hóa thế giới của Trung Quốc. === Chiến tranh Tào Ngụy-Cao Câu Ly (244) === Khi nhà Đông Hán suy yếu và sụp đổ, các quận do nhà Hán lập ra ở Triều Tiên cũng ly khai và trở thành các thế lực độc lập. Bị bao bọc bởi các thế lực này - vốn được cai trị bởi những vương hầu hiếu chiến - vua Cao Câu Ly là Sơn Thượng Vương (197 - 227) quyết định thiết lập mối quan hệ hữu hảo với nhà Ngụy mới thành lập và sai sứ giả sang tiến cống vào năm 220. Năm 238, vua Cao Câu Ly là Đông Xuyên Vương (227 - 248) quyết định lập một liên minh với vua Tào Ngụy là Minh Đế với mục tiêu nhằm vào thế lực ly khai ở bán đảo Liêu Đông. Tuy nhiên khi nhà Ngụy chiếm được Liêu Đông, mối quan hệ hữu hải giữa hai nước nhanh chóng tan vỡ và Cao Câu Ly xua quân tấn công các khu vực phía Tây của Liêu Đông. Nhà Ngụy nhanh chóng đáp trả (năm 244), xua quân tấn công và tàn phá kinh đô của Cao Câu Ly tại núi Hoàn Đô. Vua Đông Xuyên của Cao Câu Ly phải một thân một mình bỏ chạy sang phía Đông và nương nhờ tại lãnh thổ của các bộ tộc Ốc Trở. === Phục hồi và những cuộc chinh phạt sau đó (300-390) === Tuy nhiên quân nhà Ngụy nhanh chóng bị Cao Câu Ly đẩy lui và không lâu sau đó, người Cao Câu Ly đã khôi phục được lãnh thổ cũ của mình. Chỉ trong vòng 70 năm tiếp theo, Cao Câu Ly xây dựng lại kinh đô của họ tại núi Hoàn Đô và bắt đầu xua quân tấn công các khu vực Liêu Đông, Lạc Lãng và Huyền Thổ.Năm 302 Cao Câu Ly thôn tính quận Huyền Thổ, và khi thế lực của nó chạm đến bán đảo Liêu Đông thì đến năm 313 Lạc Lãng - quận cuối cùng của nhà Hán (cũ) tại Triều Tiên - cũng bị Mỹ Xuyên Vương của Cao Câu Ly xâm chiếm nốt. Năm 314 quận Đái Phương ở phía nam của Lạc Lãng cũng bị sát nhập vào bản đồ của quốc gia này. Vậy là toàn bộ khu vực phía bắc của Triều Tiên đã được thống nhất bởi Cao Câu Ly. Kề từ thời điểm này cho đến thế kỷ thứ bảy SCN, các cuộc tranh chấp quyền lực và lãnh thổ trên bán đảo hầu như chỉ là chuyện nội bộ của ba vương quốc trong Tam Quốc Triều Tiên. Quá trình bành trướng của Cao Câu Ly buộc phải tạm dừng một thời gian: năm 342 vua nhà Tiền Yên của tộc Tiên Ti (một trong 16 nước Ngũ Hồ thời Đông Tấn) là Tiền Yên Thái Tổ (Mộ Dung Hoảng) tấn công kinh đô Cao Câu Ly ở núi Hoàn Đô. Quân Tiền Yên đã bắt một số thành viên vương tộc Cao Câu Ly đem về nước, trong đó có Cao Vân (高雲, 고운, Ko Un) - người sau này trở thành vua Huệ Đế nước Bắc Yên (407-409). Đến năm 371, Cận Tiêu Cổ Vương của Bách Tế tấn công và cướp phá Bình Nhưỡng, một trong những thành trì lớn nhất của Cao Câu Ly lúc đó. Cố Quốc Nguyên Vương của Cao Câu Ly cũng tử trận tại đây. Con của Cố Quốc Nguyên, Tiểu Thú Lâm Vương chuyển trọng tâm sang việc ổn định tình hình nội trị và sự thống nhất của các bộ tộc trong quốc gia; để thực hiện việc này ông ban hành nhiều luật lệ mới, tôn Phật giáo làm quốc giáo (372) và lập ra học viện quốc gia mang tên Thái Học (태학, 太學, T'aehak). Tiểu Thú Lâm cũng tiến hành cải tổ quân đội sau những trải nghiệm của Cao Câu Ly về thất bại trước quân Tiền Yên và quân Bách Tế. === Thời kỳ cực thịnh của quốc gia Cao Câu Ly (391-531) === Quảng Khai Thổ Thái Vương (391 - 412) là một vị vua năng động và được lịch sử nhắc đến vì đã mở rộng lãnh thổ Cao Câu Ly một cách mau chóng thông qua các hoạt động quân sự của mình. Những công trạng của Quảng Khai Thổ đã được khắc trên tấm bia mang tên mình được dựng gần vị trí tỉnh Cát Lâm ngày nay ở miền nam Mãn Châu. Tấm bia được thực hiện dưới sự chỉ đạo của con trai ông Trường Thọ Vương. Các tài liệu cho rằng Quảng Khai Thổ đã chinh phạt được 64 thành trì và 1400 làng mạc trong một cuộc viễn chinh chống lại vương quốc Phù Dư, tiêu diệt nhà Hậu Yên và sau đó xâm chiếm lãnh thổ của các bộ tộc Phù Dư và Mạt Hạt, khuất phục Bách Tế, góp phần vào sự tan rã của liên minh Già Da và biến Tân La thành chư hầu sau cuộc chiến tranh Cao Câu Ly - Yamato (Đại Hòa - 大和 Nhật Bản). Những việc làm này đã đem lại một sự thống nhất (mặc dù khá lỏng lẻo) kéo dài chừng nửa thế kỷ cho bán đảo Triều Tiên. Trong thời kỳ của Quảng Khai Thổ, Cao Câu ly đã thống trị một vùng lãnh thổ nằm ở phía nam Mãn Châu cùng với khu vực phía bắc và miền Trung của bán đảo Triều Tiên. Trong thời gian này, lãnh thổ Cao Câu Ly bao gồm ba phần tư bán đảo Triều Tiên (kể cả Seoul ngày nay), một phần lớn Mãn Châu và một phần lãnh thổ duyên hải miền Đông Nam nước Nga ngày nay. Vua Quảng Khai Thổ cũng đặt niên hiệu Vĩnh Nhạc (永樂, 영락, yŏngnak), một hành động biểu thị rằng vương vị của ông ngang hàng với đế vị của các vua Trung Quốc. Trường Thọ Vương (413-490) dời đô về Bình Nhưỡng năm 427 - đây là 1 bằng chứng về mối quan hệ căng thẳng giữa Cao Câu Ly với Bách Tế và Tân La. Trường Thọ tiếp tục chính sách bành trướng xâm lược của phụ vương. Về phía nam, ông tấn công Bách Tế và chiếm lấy kinh đô nước này vào năm 476; về phía bắc ông mở rộng cương vực của Cao Câu Ly đến hữu ngạn của sông Tùng Hoa. Dưới thời của Văn Tư Bính Vương (491-519), Cao Câu Ly đã hoàn tất việc xâm chiếm khu vực Phù Dư, đánh dấu điểm xa nhất về phía bắc của biên cương Cao Câu Ly; đồng thời vẫn tiếp tục duy trì ảnh hưởng của nó đối với Bách Tế và Tân La ở phía nam, cùng với các tộc người Mạt Hạt và Khiết Đan ở phía bắc. === Những cuộc tranh chấp trong nội bộ Cao Câu Ly (531-551) === Cao Câu Ly đạt đến thời kỳ huy hoàng của mình vào thế kỷ thứ 6. Sau đó, nó bắt đầu suy yếu dần. An Tạng Vương chết nhưng không có con trai nối dõi, và em trai ông An Nguyên Vương kế ngôi. Trong thời kỳ trị vì của An Nguyên Vương, nạn chia bè kết cánh trong triều đình trở nên mỗi lúc trầm trọng. Việc các con trai của An Nguyên sa vào việc tranh chấp ngôi vị Thế tử cũng khiến triều đình phân rẽ thành hai phe phái đối nghịch nhau quyết liệt cho đến khi Dương Nguyên Vương - lúc này chỉ mới là một đứa trẻ tám tuổi - được lập làm vua. Tuy nhiên ngay cả đến lúc đó, việc đấu đá nhau giữa các thế lực trong triều đình vẫn chưa chấm dứt. Các lãnh chúa địa phương cùng với quân đội riêng của họ đã trở thành các thế lực cát cứ tại địa phương, thoát li khỏi ảnh hưởng của triều đình. Nhân lúc Cao Câu Ly đang suy yếu do những mâu thuẫn nội bộ, bộ tộc Tuchueh đã tấn công các thành trì ở vùng biên giới phía bắc Cao Câu Ly và đoạt lấy một phần lãnh thổ của quốc gia này. Và các thế lực Bách Tế, Tân La ở phía nam cũng nhân cơ hội này mở một đợt tấn công vào Cao Câu Ly (551). === Những cuộc chiến của Cao Câu Ly vào cuối thế kỷ thứ 6 và thế kỷ thứ 7 === Vào cuối thế kỷ thứ 6 và thứ 7, Cao Câu Ly thường xuyên va vào các cuộc chiến tranh với nhà Tùy và nhà Đường của Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Cao Câu Ly với Bách Tế và Tân La cũng khá phức tạp, lúc là đồng minh, lúc là kẻ thù. Người Đột Quyết ở phía tây bắc trở thành một đồng minh tự nhiên của Cao Câu Ly. ==== Để mất thung lũng sông Hán ==== Năm 551, Bách Tế và Tân La liên minh với nhau và tấn công xâm chiếm vùng thung lũng sông Hán, một vùng đất cực kỳ quan trọng về chiến lược nằm ở trung tâm bán đảo và cũng là một vùng nông nghiệp vô cùng trù phú. Sau khi Bách Tế mệt mỏi trước những cuộc công kích các thành trì Cao Câu Ly, quân Tân La mới xuất hiện với tư cách viện binh và đoạt lấy toàn bộ vùng này vào năm 553. Tức giận trước sự phản bội này Thánh Vương của Bách Tế xua quân tấn công vùng biên giới phía tây của Tân La nhưng đội quân của ông bị tiêu diệt và bản thân Thánh Vương bị bắt và bị giết. Cuộc chiến này để lại nhiều hệ quả quan trọng trên bán đảo Triều Tiên. Nó khiến Bách Tế trở thành thế lực yếu đuối nhất trên bán đảo Triều Tiên và giúp Tân La giành được một vùng đất trù phú, đông dân cư và giàu tài nguyên, với vai trò là một bàn đạp cho việc bành trướng lãnh thổ. Nó cũng ngăn chặn việc Cao Câu Ly sử dụng khu vực quan trọng này và làm quốc gia Cao Câu Ly suy yếu. Giành được thung lũng sông hàn, Tân La đã có đường thông ra Hoàng Hải, mở được con đường giao thương và buôn bán trực tiếp với Trung Hoa và cũng đẩy nhanh quá trình tiếp thu văn hóa Trung Hoa cho Tân La. Vì vậy Tân La ít phải dựa vào Cao Câu Ly để tiếp thu các yếu tố văn hóa, khoa học kỹ thuật tiến bộ từ Trung Quốc. Việc này cũng tăng cường mối quan hệ giữa Tân La với Trung Quốc, mối quan hệ này đến thế kỷ thứ 7 trở thành một liên minh gây nhiều tai họa cho Cao Câu Ly. ==== Chiến tranh Tùy-Cao Câu Ly ==== Những hoạt động bành trướng của Cao Câu Ly đã động chạm đến thế lực của nhà Tùy, khiến mối quan hệ giữa hai quốc gia càng thêm căng thẳng. Những hoạt động quân sự của Cao Câu Ly ở Liêu Ninh đã chọc tức nhà Tùy, dẫn đến cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia vào năm 598. Sau khi Tùy Văn đế qua đời, Tùy Dạng đế tiếp tục thực hiện mưu đồ xâm chiếm Cao Câu Ly bằng các chiến dịch năm 612, 613, 614. Tuy nhiên cả bốn lần nhà Tùy đều chuốc lấy những thất bại hết sức nhục nhã, dù Cao Câu Ly phải nhượng bộ một số điều khoản nhỏ nhặt và hứa sẽ thần phục (nhưng thực tế là chuyện khác). Cuộc tấn công xâm lược năm 613 phải đình lại bởi cuộc nổi loạn của tướng Dương Huyền Cảm; còn cuộc tấn công xâm lược năm 614 bị bãi bỏ sau khi Cao Câu Ly đồng ý giao nộp Hộc Tư Chính (斛斯政), một phản tướng của nhà Tùy chạy sang Cao Câu Ly cho Dạng đế xử tử. Tùy Dạng đế đã dự định mở một cuộc xâm lược vào năm 615, nhưng đế quốc Tùy lúc này đã quá suy yếu vì những mâu thuẫn nội tại trong lòng nó. Nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại sự tàn bạo của Dạng đế đã bùng nổ, và bản thân binh sĩ cũng không muốn phục vụ cho các cuộc chiến tranh liên miên của Dạng đế nữa. Cuộc tấn công xâm lược năm 612 là một trong những chiến dịch mang lại nhiều tai họa nhất cho đế quốc Tùy. Theo số liệu của Tùy sử, Dạng đế đã huy động 30 đạo quân với tổng quân số lên tới 113 vạn 3 nghìn 8 trăm người. Một nhóm 9 đạo quân - gồm 30 vạn 5 nghìn người - đã tấn công Cao Câu Ly tại khu vực sông Liêu và chọc thủng các phòng tuyến của Cao Câu Ly, tiến sát đến kinh đô Bình Nhưỡng, chuẩn bị hội quân với thủy quân Tùy - vốn mang theo viện binh và lương thảo. Tuy nhiên thủy quân Tùy đã bị thủy quân Cao Câu Ly đánh cho tan tác, vì vậy 30 vạn quân bộ không thể nào có đủ lương thảo và các thiết bị cần thiết để tiến hành công phá Bình Nhưỡng và buộc phải rút lui. Cao Câu Ly không để cho quân Tùy dễ dàng tháo lui như vậy: quân Cao Câu Ly dưới sự lãnh đạo của tướng Ất Chi Văn Đức (乙支文德, 을지문덕, Ŭlchi Mundŏk) đã dụ quân Tùy đến một địa điểm mai phục ở ngoại vi Bình Nhưỡng. Tại đây, 30 vạn quân Tùy đã bị đánh cho tan nát trong trận Tát Thủy: quân Cao Câu Ly đã phá đập khiến cho nước sông Tát Thủy chảy tràn, cắt đứt đôi quân Tùy và cũng chặn luôn đường rút lui của họ. Trong số 30 vạn 5 nghìn quân, chỉ còn 2700 quân sống sót tháo chạy được về nước. Các chiến dịch xâm lăng Cao Câu Ly đã khiến tài chính của đế quốc Tùy suy sụp và, sau những cuộc khởi nghĩa liên tiếp bùng nổ cũng như những xào xáo nghiêm trọng trong triều đình, nhà Tùy sụp đổ vào năm 618. Cuộc chiến cũng làm hao tổn nhiều nhân lực của Cao Câu Ly và phần nào góp phần vào sự suy yếu của quốc gia này. ==== Chiến tranh Đường-Cao Câu Ly và liên minh Đường-Tân La ==== Trong thế kỷ thứ 7, Đường Thái Tông đã tiêu diệt một đồng minh quan trọng của Cao Câu Ly là người Đột Quyết đồng thời thành lập một liên minh với Tân La, kẻ thù của Cao Câu Ly. Đồng thời, trong thời gian này nội bộ Cao Câu Ly xảy ra lục đục. Năm 642, Uyên Cái Tô Văn (淵蓋蘇文, 연개소문, Yŏn Kaesomun) giết Cao Vũ Vương (618-642) rồi lập Cao Tạng Vương (642-668) lên ngôi, còn mình thì tự xưng làm Mạc li chi (tương đương với chức tể tướng) nắm mọi quyền bính. Chính sách đối ngoại của Cao Câu Ly chuyển từ thần phục nhà Đường (dưới thời Cao Vũ) chuyển sang đối nghịch với nhà Đường. Nhà Đường cũng lấy cớ trả thù cho Cao Vũ, xua quân xâm lược Cao Câu Ly. Tuy nhiên những cuộc tấn công của nhà Đường đều thất bại khi họ không thể chiếm được những thành trì quan trọng bất chấp những nỗ lực tấn công liên tiếp. Năm 645 Đường Thái Tông tiếp tục mở một đợt tấn công xâm lược vào Cao Câu Ly. Nhà Đường đã thành công trong việc chọc thủng những tuyến phòng ngự biên giới của Cao Câu Ly nhưng bị chặn đứng tại thành An Thị (安市城, 안시, Ansi). Mặc dù những tài liệu lịch sử thừa nhận rằng tên của những viên tướng giữ thành An Thị đã bị thất lạc, nhưng các câu chuyện dân gian vẫn còn nhắc đến tên danh tướng Dương Vạn Xuân (楊萬春, 양만춘, Yang Manchun) đã có công lớn trong việc chặn đứng quân xâm lược. Sau 88 ngày công phá mà không chiếm được An Thị, quân Đường phải rút lui khi lương thực cạn kiệt và sau khi gánh chịu những tổn thất nặng nề. Sau khi Thái Tông qua đời năm 649, Đường Cao Tông tiếp tục những cuộc tấn công xâm lược Cao Câu Ly vào năm 661 và 662, nhưng tất cả đều bị quân dân Cao Câu Ly đập tan. Tướng nhà Đường là Bàng Hiếu Thái (龐孝泰) cùng 13 người con trai đã bị giết chết tại một trận đánh trên sông Xà Thủy (蛇水). Mặc dù vậy những cuộc chiến tranh với nhà Đường đã khiến Cao Câu Ly hao binh tổn tướng khá nhiều. === Sụp đổ === Năm 660, đồng minh của Cao Câu Ly ở bán đảo Triều Tiên là Bách Tế sụp đổ trước sức tấn công của liên quân Tân La - Đường; Cao Câu Ly bị cô lập. Liên minh hai quốc gia Đường - Tân La tiếp tục tấn công Cao Câu Ly suốt thời gian tiếp theo đó. Tiếp đó, năm 666 Uyên Cái Tô Văn qua đời và ba người con của ông lại đánh nhau để tranh giành quyền lực. Sau khi Uyên Nam Sinh (淵男生, 연남생, Yŏn Namsaeng) - con trai cả của Uyên Cái Tô Văn - đầu hàng quân Đường và dâng nộp nhiều thành trì ở phía bắc Cao Câu Ly, quân Đường nhanh chóng vượt qua tỉnh Liêu Ninh và đánh chiếm kinh đô Bình Nhưỡng; trong khi đó em trai của Uyên Cái Tô Văn là Uyên Tịnh Thổ (淵净土, 연정토, Yŏn Chŏngt'o) đầu hàng viên tướng Tân La Kim Dữu Tín (金庾信, 김유신, Kim Yu-shin). Tháng 11 năm 668, Cao Tạng Vương cũng nhanh chóng đầu hàng nhà Đường. Liên minh Tân La-Đường nhanh chóng tiêu diệt quốc gia Cao Câu Ly đã kiệt sức sau một chuỗi những cuộc tranh chấp quyền lực nội bộ cũng như nạn đói. Cao Câu Ly cuối cùng cũng sụp đổ năm 668. Cao Tạng Vương bị quân Đường bắt và giải về Trung Quốc. Năm 668 vua Tân La là Văn Vũ Vương (Munmu, 661–681) đã thống nhất gần hết bán đảo Triều Tiên, nhưng việc liên minh với nhà Đường cũng có cái giá của nó. Trên đất Triều Tiên, nhà Đường lập An Đông đô hộ phủ với thủ phủ là Bình Nhưỡng và quan đô hộ Tiết Nhân Quý. Tuy nhiên nhà Đường đã gặp phải nhiều sự kháng cự quyết liệt của nhân dân Triều Tiên cũng như của cả Tân La, chỉ 9 năm sau họ buộc phải dời thủ phủ của An Đông Đô hộ phủ về bán đảo Liêu Đông. Về phía Tân La, họ đã buộc phải dùng vũ lực đuổi quân Đường ra khỏi bán đảo, nhưng cuối cùng thì thế lực của họ cũng không thể vượt quá sông Đại Đồng. Năm 677, nhà Đường lập Cao Tạng Vương làm "Triều Tiên Vương" và cử ông làm người đứng đầu của khu vực Liêu Đông thuộc An Đông Đô hộ phủ. Tuy nhiên Cao Tạng vẫn nung nấu ý đồ khôi phục quốc gia Cao Câu Ly, ông tổ chức lại lực lượng người Cao Câu Ly ở Trung Quốc và liên minh với các bộ tộc Mạt Hạt, nhưng thất bại. Năm 681 ông bị đày đến Tứ Xuyên và qua đời ở đó vào năm sau. === Nỗ lực khôi phục Nhà nước Cao Câu Ly === Sau khi Cao Câu Ly sụp đổ vào năm 668, nhiều người Cao Câu Ly vẫn tổ chức khởi nghĩa chống lại ách thống trị của Tân La và nhà Đường, bắt đầu những hoạt động khôi phục nhà nước Cao Câu Ly. Trong số những người tham gia và khởi xướng có Kiếm Mưu Sầm (劍牟岑, Kŏm Mojam), Đại Trọng Tượng, và Cao An Thắng (高安勝, 고안승, Ko Ansŭng) và một số tướng lĩnh nổi danh khác. Nhà Đường đã thất bại trong việc thành lập các quận huyện trên đất Triều Tiên. An Đông Đô hộ phủ đã được nhà Đường thành lập để áp đặt nền thống trị của họ lên những lãnh thổ cũ của Cao Câu Ly. Ban đầu Tiết độ sứ của An Đông Đô hộ phủ là Tiết Nhân Quý, nhưng về sau cựu vương Cao Câu Ly Cao Tạng được cử cai quản khu vực này nhằm xoa dịu làn sóng chống đối của nhân dân. Về sau Cao Tạng Vương tham gia vào những hoạt động chống lại ách thống trị của nhà Đường và ông bị đày đến Tứ Xuyên, nhưng các hậu duệ của Cao Tạng vẫn tiếp tục giữ chức cai quản An Đông Đô hộ phủ. Thế rồi, khi nhà Đường xảy cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn và cuộc nổi loạn của Lý Chính Kỷ (李正己, 이정기, I Chŏngki) ở Sơn Đông, các hậu duệ của Cao Tạng chớp thời cơ li khai khỏi nhà Đường và thiết lập quốc gia Tiểu Cao Câu Ly (do Cao Đức Vũ cầm đầu) tại bán đảo Liêu Đông. Quốc gia này tồn tại cho đến đầu thế kỷ Ĩ, khi bị Văn Vương của Bột Hải thôn tính. Kiếm Mưu Sầm và Cao An Thắng khởi nghĩa ở Hán Thành, nhưng thất bại và Cao An Thắng đầu hàng Tân La, còn Mưu Sầm bị An Thắng sai người giết chết. Tại Tân La, Cao An Thắng được cấp phát cho một lãnh địa nhỏ và nơi đây ông ta lập ra vương quốc Phổ Đức (Bodeok, 보덕, 普德) và lại nổi loạn chống lại vua Tân La là Thần Văn Vương, nhưng vẫn thất bại. Cuối cùng An Thắng bị bắt phải về sống tại kinh thành của Tân La; tại đây ông được ban phát một lãnh địa, lấy một người vợ Tân La và cải từ họ Cao - vương tộc Cao Câu Ly - sang họ Kim - vương tộc Tân La. Đại Trọng Tượng và con trai của mình Đại Tộ Vinh - vốn là những viên tướng cũ của Cao Câu Ly - tỏ ra họ thành công hơn. Họ đánh tan quân Đường, khôi phục lại một phần lớn lãnh thổ Cao Câu Ly và thiết lập nước Đại Chấn; sau khi Đại Trọng Tượng qua đời thì tên nước được đổi lại là Bột Hải. Bột Hải sau này phát triển thành một quốc gia rộng lớn tại khu vực Mãn Châu, cực bắc Triều Tiên và miền duyên hải tây nam nước Nga, nó vẫn tự coi mình là kẻ kế tục vương quốc Cao Câu Ly khi xưa, nhất là trong quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Ở phía nam sông Đại Đồng là thế lực của Tân La. Vào đầu thế kỷ thứ 10, khi Tân La đã suy yếu, Cung Duệ khởi nghĩa ở vùng đất phía bắc, lập ra nước Hậu Cao Câu Ly - ám chỉ mình là kẻ kế tục vương quốc Cao Câu Ly cũ. Về sau vương triều kế tục Tân La cũng đặt cho mình cái tên là Cao Ly dựa trên cái tên Cao Câu Ly khi xưa - cùng với nghĩa ám chỉ mình là kẻ thừa kế Cao Câu Ly. == Quân sự == Quân đội của Cao Câu Ly là một sự kết hợp giữa quân đồn trú địa phương với lực lượng vũ trang của tư nhân. Theo lệ "Tập tước", chức vụ chỉ huy quân sự là cha truyền con nối, và không có bằng chứng nào cho thấy có sự hiện diện của một hệ thống chỉ huy quân sự đồng nhất. Hệ thống chỉ huy tập trung mãi đến thời của vương triều Cao Ly mới xuất hiện. Có lẽ trong thời chiến, quân đội được trưng tập một cách vội vã. Cao Câu Ly cũng duy trì một đội quân thường trực với quân số 5 vạn người. Một tài liệu nhà Đường năm 668 ghi lại rằng Cao Câu Ly có tổng cộng 67 vạn 5 nghìn quân và 176 đồn binh vào thời điểm Cao Tạng Vương đầu hàng. Tất cả mọi người dân Cao Câu Ly đều phải chịu sung quân, những ai không muốn sung quân phải đóng thêm một khoản thuế bằng gạo. Những nhà khảo cổ học, khi thăm dò tại cố đô Quốc Nội thành và những ngôi mộ của các quốc gia cổ lân bang đã tìm thấy những đôi dép bằng đồng pha sắt có mấu nhọn dài khoảng 11 cm. Những vật này có thể đã được sử dụng với mục đích quân sự; những phiên bản tương tự đã tìm thấy ở các ngôi mộ hoàng gia Nhật Bản thời kỳ Kofun (Đại Hòa). === Trang thiết bị quân sự === Vũ khí tầm xa chủ yếu của Cao Câu Ly thời đó là cung Hàn,một loại cung xuất hiện khoảng thế kỉ thứ nhất trước Công nguyên và mạnh hơn hẳn các loại cung của người Trung Quốc. Loại cung của Cao Câu Ly đã được cải tiến, gồm nhiều lớp gỗ ghép lại với nhau vì vậy tính đàn hồi tăng cao, lực phóng tên có thể ngang ngửa với nỏ,nó có thể bắn 1 mũi tên đi xa 350 m và hiệu quả trong khoảng 145 m. Nỏ và các khí cụ bắn đá cũng được sử dụng với quy mô nhỏ hơn. Các loại vũ khí dùng cán dài chủ yếu là giáo và dùng để chống lại kỵ binh. Có hai loại kiếm dùng trong quân đội Cao Câu Ly. Loại thứ nhất là thanh đoản kiếm lưỡi hai cạnh sắc, chủ yếu dùng để phóng như phóng dao. Loại thứ hai là thanh kiếm một cạnh sắc, với cán kiếm ngắn và chuôi kiếm nhỏ hình nhẫn - chịu ảnh hưởng lớn từ thiết kế đao kiếm của nhà Hán. Mũ trụ có hình dạng giống như mũ của các dân tộc vùng Trung Á, được trang trí với lông vũ, đuôi ngựa hoặc các chi tiết hình cánh. Khiên là công cụ bảo vệ chính, kích thước của nó che gần hết cơ thể của người lính. Lính kỵ binh được gọi là Khải mã vũ sĩ (鎧馬武士, 개마무사, Kaemamusa). === Thành trì === Loại thành trì phổ biến nhất của Cao Câu Ly là các thành hình mặt trăng, nằm giữa một con sông và chi lưu của nó. Hào nước và thành đất giữa các bờ sông tạo thành phòng tuyến bổ sung. Tường thành được làm bằng những khối đá lớn và vữa gắn kết chúng là đất, rất vững chãi, thậm chí các khí cụ công thành của Trung Quốc thời kỳ này cũng gặp rất nhiều khó khăn để công phá nó. Bao chung quanh tường thành là hào nước nhằm ngăn chặn địch quân đào đường hầm tấn công vào thành, và các tháp canh được xây dựng trên các tường thành. Tất cả các thành trì đều có nguồn nước, thực phẩm và công cụ đủ để chịu đựng một cuộc vây hãm của kẻ thù. Nếu thành nằm ở vị trí trống trải, các phòng tuyến bổ sung sẽ được xây dựng thêm. === Tổ chức quân sự === Hai cuộc đi săn lớn hàng năm - do nhà vua đích thân tổ chức, các cuộc diễn tập quân sự, diễn tập săn bắn và duyệt binh giúp cho mỗi người lính Cao Câu Ly đều nhận được mức độ huấn luyện cá nhân cao. Lực lượng cấm quân tại kinh thành - do nhà vua trực tiếp chỉ huy - được chia làm năm đạo và có quân số khoảng 12 nghìn 5 trăm người, chủ yếu là kỵ binh. Các đơn vị quân đội dao động trong khoảng 21-36 nghìn người, đồn trú tại các địa phương và do quan lại địa phương quản lý. Quân đội tại các thuộc địa gần biên giới chủ yếu bao gồm thành phần binh lính và nông dân. Ngoài ra Cao Câu Ly còn có lực lượng quân đội của riêng các quý tộc phong kiến. Hệ thống quân đội như vậy cho phép Cao Câu Ly thường xuyên duy trì và sử dụng khoảng 5 vạn quân mà không phải tốn thêm chi phí và có thể huy động lên đến 30 vạn quân khi tổng động viên trong những tình huống nguy cấp. Các đơn vị quân Cao Câu Ly được phân loại dựa theo vũ khí chính của binh sĩ: thương thủ, lính đánh rìu (phủ thủ), cung thủ gồm đánh trên bộ và cưỡi ngựa, kỵ binh nặng bao gồm các đạo quân thiếc kỵ và trọng thương. Ngoài ra còn có các bộ phận khác như các đơn vị bắn đá, công thành và đột kích là một phần của các đơn vị đặc chủng và được thêm vào các đạo quân thông thường. Ưu điểm của cách phân loại theo chức năng này là có được các đơn vị chiến đấu có tính chuyên môn hóa cao; còn nhược điểm là khi chuyên môn sâu, một đội quân riêng lẻ không thể thực hiện các nhiệm vụ chiến thuật có tính phức tạp (đòi hỏi nhiều kỹ thuật khác nhau). === Chiến thuật === Khi dàn quân, các tướng lãnh chỉ huy với đội hộ vệ luôn đứng ở giữa đội hình. Lực lượng cung thủ được lính đánh rìu bảo vệ. Phía trước vị trí của các chỉ huy là lực lượng bộ binh chính của đạo quân, còn kỵ binh nặng được bố trí thành hàng ở hai sườn để sẵn sàng phản kích trong trường hợp đối phương tấn công hai bên sườn. Tiền quân và đoạn hậu là lực lượng kỵ binh nhẹ với nhiệm vụ trinh sát, truy kích, và làm nhụt bớt đà tấn công của quân địch. Xung quanh các lực lượng chính là các nhóm nhỏ bộ binh và kỵ binh nặng. Mỗi đơn vị được chuẩn bị để bảo vệ những đơn vị kia bằng cách hỗ trợ lẫn nhau. Cao Câu Ly thực hiện chiến lược phòng thủ chủ động dựa trên các thành thị của họ. Bên cạnh các thành thị được che chắn bằng tường thành và những tiền đồn vững chắc, hệ thống phòng thủ chủ động này sử dụng những nhóm nhỏ kỵ binh liên tục quấy rối quân địch, các đơn vị giải vây và các lượng lượng dự bị thiện chiến bao gồm những chiến binh dũng cảm nhất, tấn công mãnh liệt vào cuối trận chiến. Cao Câu Ly cũng nuôi dưỡng lực lượng quân thám báo và dùng mưu mẹo như là một bộ phận quan trọng trong chiến lược quân sự của mình. Cao Câu Ly rất tài tình trong việc làm sai lệch thông tin, ví dụ như chỉ cống nạp các mũi giáo bằng đá cho triều đình Trung Quốc trong khi họ đã bước sang thời đại kim khí. Cao Câu Ly cũng phát triển hệ thống tình báo của mình. Một trong những điệp viên nổi tiếng nhất của Cao Câu Ly là Bạch Thạch (Paeksŏk, 백석, 白石) - được nhắc đến trong Tam quốc di sự - đã xâm nhập vào hàng ngũ Hoa Lang (花郞, 화랑, Hwarang) của Tân La. == Văn hóa == Văn hóa của Cao Câu Ly hình thành dựa trên cái nền khí hậu của khu vực, tôn giáo, cũng như nhịp sống căng thẳng mà người dân phải nếm trải thông qua nhiều cuộc chiến tranh mà Cao Câu Ly tham dự vào. Tuy nhiên do nhiều tài liệu lịch sử về Cao Câu Ly đã bị thất lạc, chúng ta không biết được nhiều về văn hóa của quốc gia này. === Lối sống === Người dân Cao Câu Ly vận trang phục giống như kiểu Triều Tiên phục, trang phục truyền thống của người dân Triều Tiên ngày nay - tương tự như trang phục của các quốc gia lân cận trong thời Tam Quốc Triều Tiên. Nhiều bức tranh tường và đồ tạo tác thời kỳ này có miêu tả những vũ công mặc trang phục truyền thống của Cao Câu Ly. === Lễ hội và giải trí === Những thú giải trí thông dụng ở Cao Câu Ly là: uống rượu, hát hò, nhảy múa. Những cuộc thi đấu ví dụ như đấu vật thu hút rất nhiều khán giả. Cứ mỗi tháng Mười, lễ hội Đông Minh (東盟, 동맹, Tongmaeng) được tổ chức nhằm tôn vinh các vị thần. Sau buổi tế lễ là các hoạt động như vui chơi, ăn uống,... Thông thường nhà vua là người chủ trì các nghi thức cúng tế tổ tiên trong lễ hội này. Săn bắn là một thú giải trí dành cho nam giới, nó cũng là một trong những biện pháp luyện tập quân sự dành cho thanh niên trai tráng. Những đội săn thường cưỡi ngựa và săn các loài thú như hươu, nai,... hay các con vật khác bằng cung tên. Các cuộc thi bắn cung cũng được tổ chức. Cưỡi ngựa rất thịnh hành ở Cao Câu Ly, và vì vậy quân đội Cao Câu Ly có một sức mạnh đáng nể nhờ vào đội kỵ binh hùng hậu của nó. === Tôn giáo === Người Cao Câu Ly cũng có tục lệ thờ cúng ông bà tổ tiên, vong linh người chết. Đông Minh Thánh Vương Cao Chu Mông, người lập ra quốc gia Cao Câu Ly, được người dân kính trọng và thờ phụng. Những nghi lễ cúng tế tổ tiên, thần thánh và cúng tế Cao Chu Mông được thực hiện trong lễ hội Đông Minh. Những sinh vật thần thoại cũng được người Cao Câu Ly xem là linh thiêng. Rồng và phượng được thờ cúng, và con chim thần ba chân Tam Túc Ô (三足烏, 삼족오, Samchuko) - biểu tượng của mặt trời - được xem là sinh vật mang nhiều sức mạnh hơn cả. Ta có thể tìm thấy nhiều bức vẽ về các sinh vật này trong di tích lăng mộ vương gia Cao Câu Ly. Người Cao Câu Ly cũng tin vào "Tứ Tượng" (Sasin): Thanh Long (Ch'ŏngryong), Bạch Hổ (Paekho), Chu Tước (Chuchak), Huyền Vũ (Hyŏnmu). Đạo Phật du nhập vào Cao Câu Ly năm 372. Nó được Nhà nước Cao Câu Ly thừa nhận và việc truyền đạo được khuyến khích, vì vật rất nhiều chùa chiền, miếu mạo được xây dựng ở Cao Câu Ly. Tuy nhiên, ở Tân La và Bách Tế, nơi đạo Phật được truyền bá từ Cao Câu Ly, thì Phật giáo phát triển mạnh hơn cả nơi nó được truyền đi. === Di sản của văn hóa Cao Câu Ly === Nghệ thuật Cao Câu Ly - được bảo tồn chủ yếu thông qua các bức tranh tường trong lăng mộ - nổi tiếng với những hình ảnh mang tính cường tráng và tràn đầy khí lực. Những bực họa chi tiết có thể được thấy trong các lăng mộ cổ của Cao Câu Ly và nhiều tác phẩm trang trí trên tường khác. Nhiều tác phẩm nghệ thuật này có phong cách rất độc đáo. Di sản văn hóa Cao Câu Ly có thể được tìm thấy trong văn hóa Triều Tiên hiện đại, ví dụ như môn vật cổ truyền Ssirŭm (씨름) Đài quyền đạo nguyên thủy, vũ đạo Triều Tiên, hệ thống sưởi ấm ôn đột (溫突, 온돌, ondol) và Triều Tiên phục (Chosŏn-ot).Brown 2006, tr. 18 == Di sản == Nhiều phế tích của các thành trì, cung điện, lăng mộ Cao Câu Ly đã được phát hiện tại CHDCND Triều Tiên và Mãn Châu, bao gồm Quần thể lăng mộ Cao Câu Ly tại Bình Nhưỡng. Một số phế tích vẫn còn hiện hữu rõ rệt ở Trung Quốc, ví dụ như phế tích tại Ngũ Nữ Sơn gần thành phố Hoàn Nhân tỉnh Liêu Ninh, tọa lạc trên vùng gần biên giới với CHDCND Triều Tiên. Phế tích này được xem là vị trí của cố đô Tốt Bản. Nhiều ngôi mộ cổ của Cao Câu Ly cũng được tìm thấy ở thị xã Tập An, trong đó có những ngôi mộ được các học giả Trung Quốc cho là của Quảng Khai Thổ Thái Vương và Trường Thọ Vương, cùng với di vật nổi tiếng nhất của Cao Câu Ly: tấm bia Quảng Khai Thổ, một trong những nguồn tư liệu chính về lịch sử Cao Câu Ly trước thế kỷ thứ năm. === Di sản thế giới === UNESCO tuyên bố di tích Kinh thành và lăng mộ Cao Câu Ly (tọa lạc ở Trung Quốc ngày nay) và Quần thể lăng mộ Cao Câu Ly (tọa lạc ở CHDCND Triều Tiên ngày nay) là di sản thế giới vào năm 2004. === Tên gọi === Cái tên "Korea" của Triều Tiên ngày nay xuất phát từ chữ Koryŏ, tức Cao Ly, tên một vương triều của Triều Tiên (918-1392), cái tên Cao Ly nàu lại bắt nguồn từ một trong những cái tên mà Cao Câu Ly sử dụng trong những văn kiện ngoại giao. Các tài liệu lịch sử và văn kiện ngoại giao của Trung Quốc và Nhật Bản sau năm 520 đều gọi Cao Câu Ly bằng từ "Cao Ly". == Ngôn ngữ == Đã có một số nỗ lực về mặt lý thuyết để tái tạo từ vựng Cao Câu Ly dựa trên những mảnh rời rạc của nhiều địa danh, được ghi lại trong Tam quốc sử ký, của những vùng đất một thời thuộc về Cao Câu Ly. Tuy nhiên, độ tin cậy để cho những địa danh này được xem là bằng chứng về mặt ngôn ngữ vẫn còn nhiều tranh cãi.[3] Một số nhà ngôn ngữ đề xuất cái gọi là họ ngôn ngữ Phù Dư bao gồm ngôn ngữ của Phù Dư, Cao Câu Ly, Bách Tế và Cổ Nhật Bản. Các ghi nhận của người Trung Quốc dẫn xuất rằng ngôn ngữ của Cao Câu Ly, Phù Dư, Đông Uế và Cổ Triều Tiên tương tự nhau trong khi ngôn ngữ Cao Câu Ly khác biệt đáng kể với ngôn ngữ Mạt Hạt (Malgal hay Mohe, 靺鞨). Cũng như nhiều vương triều khác tại vùng Đông Á, Cao Câu Ly sử dụng chữ Hán và viết theo lối văn tự cổ. Ngôn ngữ Cao Câu Ly còn chưa được hiểu rõ ngoại trừ một số ít từ vựng mà đa số đều được cho rằng tương tự ngôn ngữ Tân La và bị ảnh hưởng bởi ngữ hệ Tungus.Những người ủng hộ ngữ hệ Altai thì phân loại ngôn ngữ Cao Câu Ly là một nhánh của ngữ hệ này. Đa số các nhà ngôn ngữ Triều Tiên đều tin rằng ngôn ngữ Cao Câu Ly gần với ngữ hệ Altai nhất bên ngoài ba nước thời Tam Quốc tiếp theo sau Cổ Triều Tiên. Ở đây cũng có thể thấy sự giống nhau đầy ấn tượng giữa Bách Tế và Cao Câu Ly, vốn phù hợp với những truyền thuyết kể lại rằng Bách Tế được hình thành bởi các con trai của người sáng lập nhà Cao Câu Ly. Tên họ trong thư tín triều đình Cao Câu Ly gần tương tự như Bách Tế và Tân La. Một vài từ vựng gốc của Cao Câu Ly có thể tìm thấy trong tiếng Triều Tiên cổ (trước thế kỷ thứ 10 đến cuối thế kỷ thứ 14) nhưng đa số đã bị thay thế bằng từ vựng có nguồn gốc Tân La trước đó khá lâu. == Xem thêm == Thiên Lý Trường Thành Lịch sử Triều Tiên Danh sách các chủ đê liên quan tới Triều Tiên Lịch sử quân sự Triều Tiên Chiến tranh Đường-Tân La == Chú thích == == Tham khảo == Jeon Ho-tae Goguryeo: In Search of Its Culture and History. Hollym. == Liên kết ngoài == (tiếng Anh) Encyclopaedia Britannica (tiếng Anh) Encarta (Archived 2009-10-31) (tiếng Anh) Columbia Encyclopedia (tiếng Hàn) Thông tin về quốc gia thời cổ (tiếng Anh) Cao Câu Ly của Triều Tiên
1883.txt
Năm 1883 (MDCCCLXXXIII) là một năm thường bắt đầu vào Thứ 2 (liên kết sẽ hiển thị đầy đủ lịch) trong Lịch Gregory (hoặc một năm thường bắt đầu vào Thứ 7 trong Lịch Julius chậm hơn 12 ngày). == Sự kiện == === Tháng 7 === 20 tháng 7: Nguyễn Phúc Hồng Y lên ngôi vua tức Dục Đức 23 tháng 7: Vua Dục Đức bị phế bỏ 30 tháng 7: Nguyễn Phúc Hồng Dật lên ngôi vua niên hiệu Hiệp Hòa === Tháng 8 === 18 tháng 8: tướng Pháp là Courbet đem hạm đội tới đánh cửa Thuận An 25 tháng 8: Ký kết hiệp ước hòa ước Quý Mùi === Tháng 11 === 29 tháng 11: Vua Hiệp Hòa bị giết. === Tháng 12 === 2 tháng 12: Nguyễn Phúc Ứng Đăng lên ngôi vua niên hiệu Kiến Phúc == Sinh == Liêu Thiêm Đinh, vua trộm Napoleon Hill == Mất == 19 tháng 7: Vua Tự Đức 6 tháng 10: Vua Dục Đức == Tham khảo ==
đại tây dương.txt
Đại Tây Dương là đại dương lớn thứ 2 trên Trái Đất và chiếm khoảng 1/5 diện tích hành tinh với tổng diện tích khoảng 106.400.000 km², được bao quanh bởi châu Mỹ về phía Tây, châu Âu và châu Phi về phía Đông. Đại Tây Dương có bề rộng từ Đông sang Tây khoảng 9.600 km mỗi năm lại dang rộng thêm 2– 3 cm. == Vị trí địa lý == Đại Tây Dương được nối liền với Thái bình dương bởi Bắc Băng Dương về phía Bắc và hành lang Drake về phía Nam. Đại tây dương còn ăn thông với Thái bình dương qua một công trình nhân tạo là kênh đào Panama, và được ngăn với Ấn Độ Dương bởi kinh tuyến 20 độ Đông. Nó được ngăn cách với Bắc băng dương bởi một đường kéo dài từ Greenland đến Tây bắc của Iceland và từ phía Đông bắc của Iceland đến cực Nam của Spitsbergen và North Cape về phía Bắc của Na Uy. Đại Tây Dương có hình chữ S kéo dài từ Bắc xuống Nam và được chia ra làm hai phần: Bắc và Nam Đại Tây Dương bởi dòng nước ngược vùng xích đạo vào khoảng 8 vĩ độ Bắc. == Đáy biển == Các địa hình cơ bản của đại dương này là sống núi giữa đại dương có tên là sống núi giữa Đại Tây Dương. Nó kéo dài từ Iceland ở phía bắc đến khoảng 58° Nam, với chiều rộng tối đa khoảng 860 hải lý (1.590 km; 990 mi). Một thung lũng tách giãn cũng kéo dài dọc theo sống núi với chiều dài gần bằng sống núi. Độ sâu của vùng nước ở đỉnh núi là nhỏ hơn 2.700 mét (1.500 sải; 8.900 ft) ở nhiều nơi, trong khi chân sóng núi thì sâu gấp 3 lần. Một số đỉnh núi nhô cao khỏi mặt nước tạo thành các đảo. Đại Tây Dương có một sống núi ngầm khác là sống núi Walvis. Sống núi giữa Đại Tây Dương chia Đại Tây Dương thành hai rãnh lớn với độ sâu từ 3.700–5.500 mét (2.000–3.000 sải; 12.100–18.000 ft). Các sống nằm ngang tho hướng giữa các lục địa và sống núi giữa Đại Tây Dương chia đáy đại dương thành một số bồn đại dương. Một số bòn lớn hơn là Blake, Guiana, Bắc Mỹ, Cabo Verde, và Canaries ở Bắc Đại Tây Dương. Các bồn lớn nhất ở Nam Đại Tây Dương là Angola, Cape, Argentina, và Brazil. Đáy dại dương được cho là tương đối bằng phẳng bao gồm các đồng bằng biển thẳm, rãnh, núi dưới biển, bồn đại dương, cao nguyên, hẻm vực ngầm, và núi đỉnh bằng dưới biển. Nhiều thềm chạy dọc theo các rìa lục địa chiếm khoảng 11% địa hình đáy với một số hẻm vực sâu cắt qua chân lục địa. Các núi và rãnh dưới đáy biển: Rãnh Puerto Rico, ở Bắc Đại Tây Dương, là rãnh có độ sâu lớn nhất 8.605 mét (4.705 sải; 28.232 ft) Laurentian Abyss được tìm thấy ngoài khơi bờ biển phía đông Canada Rãnh South Sandwich có độ sâu 8.428 mét (4.608 sải; 27.651 ft) Rãnh Romanche nằm gần xích đạo và có độ sâu khoảng 7.454 mét (4.076 sải; 24.455 ft). Các trầm tích biển gồm: Các trầm tích lục địa, như cát, bùn, và các hạt đá được tạo ra bởi quá trình xói mòn, phong hóa và hoạt động núi lửa trên đấn liền và được đẩy ra biển. Các vật liệu này được tìm thấy chủ yếu trên các thềm lục địa và có bề dày lớn nhất ở gần cửa sông và các bờ biển. Các trầm tích biển sâu chứa các vật liệu còn sót lại của các sinh vật lắng đọng xuống đáy biển như sét đỏ và Globigerinida, pteropod, và bùn silic. Phủ hầu hết đáy đại dương và có bề dày thay đổi từ 60–3.300 mét (33–1.804 sải; 200–10.830 ft) các trầm tích này dày ở các đai hội tụ, nổi bật là sống núi Hamilton và các đới nước dâng. Các trầm tích Authigenic bao gồm các vật liêu như kết hạch namgan. Chúng xuất hiện ở những nơi mà quá trình lắng đọng trầm tích rất chậm hoặc nơi các dòng chảy chọn lọc các vật liệu trầm tích như trong Hewett Curve. == Nước biển == Tính trung bình, Đại Tây Dương có độ mặn lớn nhất trong 5 đại dương; độ mặn nước trên mặt trong các đại dương mở nằm trong dãi từ 33 đến 37‰ và thay đổi theo mùa và vĩ độ. Độ bốc hơi, giáng thủy, dòng chảy ra từ sông, và băng tan trong biển ảnh hưởng đến độ mặn. Mặc dù các giá trị độ mặn thấp nhất chỉ ở gần phía bắc của xích đạo (do lượng mưa cao ở vùng nhiệt đới), nhìn chung các giá trị thấp nhất cũng xuất hiện ở các vĩ độ cao và dọc theo các bờ biển có các con sông lớn đổ ra. Độ măn cao nhất gặp ở khoảng 25° vĩ Bắc và Nam, ở các khu vực cận nhiệt đới vời lượng mưa thấp và bốc hơi cao. Nhiệt độ bề mặt thay đổi theo vĩ độ, hệ thống dòng hải lưu và mùa và phản ảnh sự phân bố năng lượng mặt trời theo vĩ độ, thay đổi dưới −2 °C (28 °F). Nhiệt độ cao nhất gặp ở phía bắc xích đạo và thấp nhấtt ở gần các vùng cực. Ở các vĩ độ trung bình, khu vực có nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng 7–8 °C (12–15 °F). == Các biển trong Đại Tây Dương == Đại Tây Dương có một bờ biển khúc khuỷu với rất nhiều vịnh và biển như: Biển Ca-ri-bê Vịnh Mexico Vịnh St. Lawrence Địa Trung Hải Biển Đen Biển Bắc Biển Labrador Biển Baltic Biển Na Uy-biển Greenland. == Các đảo chính == Anh Ireland Newfoundland và Labrador Anti Lớn và Anti Nhỏ (hay Caribbees) Quần đảo Canaria Cap Ve Quần đảo Falkland == Các vấn đề môi trường == === Ô nhiễm biển === Ô nhiễm biển là một thuật ngữ được dùng để chỉ các chất thải thải vào đại dương gồm các hóa chất và các chất dạng hạt. Nguồn gây ô nhiễm lớn nhất là từ các con sông, chúng mang các chất từ phân bón của hoạt động nông nghiệp cũng như các chất thải từ con người. Sự vượt ngưỡng của các chất hóa học làm giảm lượng ôxy dẫn đến tìn trạng thiếu ôxy và tạo ra và vùng sinh thái chết. == Ranh giới với các quốc gia và vùng lãnh thổ == Các quốc gia và vùng lãnh thổ có bờ biển thuộc Đại Tây Dương gồm: === châu Âu === === châu Phi === === Nam Mỹ === === Caribbea === === Trung và Bắc Mỹ === == Tham khảo == == Đọc thêm == Winchester, Simon (2010). Atlantic: A Vast Ocean of a Million Stories. HarperCollins UK. ISBN 978-0-00-734137-5. Much of this article originated from the public domain site http://oceanographer.navy.mil/atlantic.html == Liên kết ngoài == LA Times special Altered Oceans Oceanography Image of the Day , from the Woods Hole Oceanographic Institution NOAA In-situ Ocean Data Viewer Plot and download ocean observations CIA – The World Factbook – Atlantic Ocean
động vật bò sát.txt
Động vật bò sát (danh pháp khoa học: Reptilia) là các động vật bốn chân có màng ối (nghĩa là các phôi thai được bao bọc trong màng ối). Ngày nay, chúng còn lại các đại diện của 4 bộ còn sống sót là: Crocodilia: gồm các loài cá sấu thực sự, cá sấu caiman và cá sấu Mỹ, có 23 loài Sphenodontia (các loài tuatara ở New Zealand): 2 loài Squamata: gồm các loài thằn lằn, rắn và amphisbaenia ("bò sát giống bọ"), có khoảng 7.900 loài Testudines: gồm các loài rùa, ba ba, vích, đồi mồi v.v., có khoảng 300 loài Động vật bò sát được tìm thấy gần như ở mọi nơi trên thế giới, ngoại trừ châu Nam Cực, mặc dù khu vực phân bổ chính của chúng là các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Mặc dù tất cả hoạt động trao đổi chất trong các tế bào sản sinh ra một nguồn năng lượng nhất định, nhưng phần lớn các loài bò sát ngày nay không sản sinh ra đủ năng lượng để duy trì một thân nhiệt ổn định và vì thế chúng còn được gọi là "động vật máu lạnh" (ectothermic), ngoại lệ duy nhất là rùa da (Dermochelys coriacea). Thay vì thế, chúng dựa trên việc thu và mất nhiệt từ môi trường để điều chỉnh nhiệt độ bên trong của chúng, chẳng hạn bằng cách di chuyển ra chỗ có ánh nắng hay chỗ có bóng râm, hoặc bằng cách tuần hoàn máu có ưu đãi — chuyển máu nóng vào phần trung tâm của cơ thể, trong khi đẩy máu lạnh ra các khu vực ngoại biên. Trong môi trường sinh sống tự nhiên của chúng, phần lớn các loài là rất lão luyện trong công việc này, và chúng có thể thường xuyên duy trì nhiệt độ tại các cơ quan trung tâm trong một phạm vi dao động nhỏ, khi so sánh với các loài động vật có vú và chim, hai nhóm còn sống sót của "động vật máu nóng". Trong khi sự thiếu hụt cơ chế điều chỉnh thân nhiệt bên trong đã làm chúng phải chịu một cái giá đáng kể cho việc này thông qua các hành vi, thì ở mặt khác nó cũng đem lại một số lợi ích đáng kể như cho phép động vật bò sát có thể tồn tại ở những khu vực ít thức ăn hơn so với các loài chim và động vật có vú có kích thước tương đương, là những động vật phải dành hầu hết nguồn năng lượng thu nạp được cho việc giữ ấm cơ thể. Trong khi về cơ bản thì động vật máu nóng di chuyển nhanh hơn so với động vật máu lạnh thì những loài thằn lằn, cá sấu hay rắn khi tấn công con mồi lại là những động vật di chuyển cực nhanh. Ngoại trừ một số ít thành viên trong bộ Rùa (Testudines), thì tất cả các loài bò sát đều có vảy che phủ. Phần lớn các loài bò sát là động vật đẻ trứng. Tuy nhiên, nhiều loài trong nhóm Squamata lại có khả năng sinh ra con non. Điều này có thể là thông qua cơ chế đẻ trứng thai (nghĩa là con non phát triển trong vỏ trứng bên trong cơ thể mẹ trước khi sinh ra), hoặc đẻ con (con non được sinh ra không cần trứng có vỏ chứa canxi). Nhiều loài đẻ con nuôi dưỡng bào thai của chúng thông qua các dạng nhau thai khác nhau, tương tự như ở động vật có vú (Pianka & Vitt, 2003, các trang 116-118). Chúng thường cũng có sự chăm sóc ban đầu đáng kể cho các con non mới sinh. == Phân loại bò sát == Từ quan điểm của phân loại học cổ điển, bò sát bao gồm tất cả các loài động vật có màng ối còn lại sau khi trừ đi chim và động vật có vú. Vì thế bò sát đã được định nghĩa như là một tập hợp các loài động vật bao gồm cá sấu, cá sấu Mỹ, tuatara, thằn lằn, rắn, thằn lằn có gai, rùa, được nhóm cùng nhau như là lớp Reptilia (từ tiếng Latinh repere, "trườn, bò"). Nó vẫn là định nghĩa thông thường của thuật ngữ này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều nhà phân loại học đã bắt đầu cho rằng các đơn vị phân loại phải đảm bảo yếu tố đơn ngành, nghĩa là đơn vị phân loại đó phải bao gồm tất cả các hậu duệ từ một dạng cụ thể nào đó. Bò sát theo như định nghĩa ở phần trên là một nhóm cận ngành, do nó đã loại ra cả chim và động vật có vú, mặc dù cả hai lớp này cũng đều phát triển và tiến hóa từ bò sát nguyên thủy. Colin Tudge đã viết (bản dịch): Động vật có vú là một nhánh đơn ngành, và vì thế các nhà miêu tả nhánh học là vui mừng khi biết rằng đơn vị phân loại truyền thống Mammalia; và cả chim đều là các nhánh đơn ngành, nói chung được quy cho đơn vị phân loại chính thức Aves. Mammalia và Aves trên thực tế là các phân nhánh trong nhánh lớn của Amniota (động vật có màng ối). Nhưng lớp truyền thống Reptilia lại không phải là một nhánh đơn ngành. Nó chỉ đơn thuần là một đoạn của nhánh Amniota: đoạn này là phần còn lại sau khi đã loại trừ Mammalia và Aves. Nó không thể được định nghĩa theo các đặc trưng được chia sẻ trong nhóm đang nghiên cứu mà không có ở các nhóm ngoài, theo như đúng cách. Thay vì thế, nó được định nghĩa bằng tổ hợp của các đặc trưng mà nó có lẫn với các đặc trưng mà nó không có: Bò sát là động vật có màng ối, không có cả lông mao lẫn lông vũ. Tốt nhất, các nhà miêu tả theo nhánh gợi ý là chúng ta nên nói về lớp Reptilia truyền thống là 'các động vật có màng ối, không là chim và không là động vật có vú'. (Tudge, trang 85) Với cùng dấu hiệu đó, lớp Amphibia (động vật lưỡng cư) trở thành Amphibia*, do từ một số động vật lưỡng cư cổ đại đã sinh ra tất cả các động vật có màng ối; và ngành Crustacea (động vật giáp xác) trở thành Crustacea*, do từ nó có thể đã sinh ra côn trùng và động vật nhiều chân (động vật trăm chân và nghìn chân). Nếu chúng ta tin, giống như một số (không phải tất cả) các nhà động vật học đã tin, thì động vật nhiều chân đã sinh ra côn trùng, khi đó họ phải gọi chúng là Myriapoda*....bằng quy ước này thì Reptilia không có dấu hoa thị là từ đồng nghĩa với Amniota, và bao gồm cả chim và động vật có vú, trong đó Reptilia* nghĩa là các động vật có màng ối không là chim, không là động vật có vú. (Tudge, trang 85) Các dẫn chiếu gần đây ở cấp độ đại học, chẳng hạn Benton (2004) [1], đã đưa ra một thỏa hiệp khác bằng cách áp dụng các cấp bậc truyền thống để chấp nhận các mối quan hệ phát sinh loài. Trong trường hợp này, bò sát thuộc về lớp Sauropsida (mặt thằn lằn), và các bò sát giống như động vật có vú thuộc về lớp Synapsida (một cung bên hay cung thú), với chim và động vật có vú đã tách ra thành các lớp truyền thống của chúng. === Các nhóm bò sát === Phân loại dưới đây là sự mở rộng của lớp Reptilia để chứa cả các tổ tiên đã tuyệt chủng của chim và động vật có vú, phù hợp với quan điểm của phát sinh chủng loài học. Như vậy, nó là tương đương với Động vật có màng ối (Amniota). Lớp Synapsida: Mặt thú Bộ Pelycosauria* Bộ Therapsida Lớp Mammalia Lớp Sauropsida: Mặt thằn lằn Họ Captorhinidae (tuyệt chủng) Họ Protorothyrididae - Hylonomus (tuyệt chủng) Phân lớp Anapsida Họ Mesosauridae (tuyệt chủng) Bộ Procolophonia - bao gồm cả Pareiasaur (tuyệt chủng) ? Bộ Testudines - Các loài rùa, ba ba, vích, đồi mồi Phân lớp Diapsida Siêu bộ Ichthyopterygia - Ichthyosaur (tuyệt chủng) Cận lớp Lepidosauromorpha Siêu bộ Sauropterygia - Plesiosaur (tuyệt chủng) Siêu bộ Lepidosauria Bộ Sphenodontia - Tuatara Bộ Squamata - Thằn lằn và rắn Cận lớp Archosauromorpha Bộ Crocodilia - Cá sấu Bộ Pterosauria - Pterodactyl (tuyệt chủng) Siêu bộ Dinosauria - Khủng long Lớp Aves - Chim === Cây họ hàng === == Sự tiến hóa của bò sát == Hylonomus là bò sát cổ nhất đã biết, và chúng dài khoảng 20–30 cm (8-12 inch). Westlothiana đã được cho là bò sát cổ nhất, nhưng ngày nay người ta cho rằng chúng có quan hệ họ hàng gần gũi với động vật lưỡng cư hơn là so với động vật có màng ối. Petrolacosaurus và Mesosaurus là các ví dụ khác. Những động vật đầu tiên được coi là "bò sát" thực thụ (Sauropsida) được phân loại như là Anapsida (phân lớp không cung), chúng có hộp sọ liền khối với các hốc chỉ dành cho mũi, mắt, tủy sống, v.v. Các loài rùa được coi là những động vật còn sống sót thuộc về phân lớp Anapsida, do chúng chia sẻ cấu trúc hộp sọ như thế; nhưng điểm này sau đó đã gây ra tranh cãi, với một số người cho rằng rùa đã trở lại với trạng thái nguyên thủy này nhằm hoàn thiện áo giáp của chúng. Cả hai luồng ý kiến đều có các chứng cứ hỗ trợ đủ mạnh, và mâu thuẫn này vẫn chưa được giải quyết. Chỉ một thời gian ngắn sau khi có những bò sát thực sự đầu tiên, hai nhánh đã được tách ra, một nhánh dẫn tới Anapsida, chúng đã không phát triển các hốc khác trên hộp sọ của mình. Nhánh kia là Diapsida (phân lớp Hai cung), chúng có được một cặp lỗ trên hộp sọ của mình ngay phía sau mắt, cùng với cặp lỗ thứ hai nằm cao hơn phía trên hộp sọ. Diapsida lại chia nhánh một lần nữa thành hai dòng trực hệ, là cận lớp Lepidosauromorpha (các đại diện ngày nay còn lại là rắn, thằn lằn và thằn lằn gai lưng (tuatara), cũng như chứa cả các loài bò sát biển (đang tranh cãi) đã tuyệt chủng trong đại Trung Sinh) và cận lớp Archosauromorpha (các đại diện ngày nay còn tồn tại chỉ là cá sấu và chim, nhưng đã từng chứa cả thằn lằn có cánh (bộ Pterosauria) và khủng long (bộ Dinosauria)). Những động vật có màng ối với hộp sọ liền khối đầu tiên cũng sinh ra một nhánh khác, đó là Synapsida (lớp Một cung hay lớp Mặt thú). Synapsida đã phát triển một cặp lỗ trong hộp sộ của chúng ngay phía sau mắt (tương tự như ở Diapsida), được sử dụng vừa là để làm nhẹ hộp sọ vừa để tăng không gian cho các cơ quai hàm. Synapsida cuối cùng tiến hóa thành động vật có vú, và thông thường được coi là các loài bò sát trông tương tự động vật có vú, mặc dù chúng không phải là các thành viên thực sự của lớp Sauropsida. === Sự tuyệt chủng của khủng long === Cuối kỷ Creta, nhiều loài động vật bò sát bị tuyệt chủng, trong đó có khủng long. Chỉ một số loài có kích thước nhỏ sống sót như rắn, rùa biển... và một số dạng sau này tiến hóa thành chim và thú. Sự kết thúc của "Thời đại bò sát" mở ra "Thời đại của Thú". Mặc dù vậy, bò sát vẫn là một nhóm động vật chính trong hệ sinh thái, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới. Có khoảng 8.200 loài bò sát đang tồn tại (trong số đó gần một nửa là rắn), trong khi thú có 5.400 loài (trong số đó hai phần ba là các loài Gặm nhấm và các loài dơi). Nhóm phân loại hiện nay có số lượng cao nhất có nguồn gốc từ bò sát là các loài chim với trên 9.000 loài. == Các hệ thống trong cơ thể == === Tuần hoàn === Phần lớn các loài bò sát có hệ tuần hoàn thông qua tim ba ngăn, bao gồm 2 tâm nhĩ và 1 tâm thất được phân chia một cách thay đổi. Thông thường có một cặp động mạch chủ. Mặc dù điều đó, nhưng do động lực học chất lỏng của luồng máu thông qua tim, nên đã có rất ít sự pha trộn của máu giàu ôxy và máu nghèo ôxy trong tim ba ngăn. Ngoài ra, luồng máu có thể bị ngăn lại để đổi hướng hoặc là máu nghèo ôxy tới các cơ quan khác trong cơ thể hoặc là máu giàu ôxy tới phổi, điều này giúp cho bò sát khả năng kiểm soát cao hơn đối với luồng chảy của máu của chúng, cho phép chúng có sự điều chỉnh thân nhiệt có hiệu quả hơn cũng như tăng thời gian lặn dưới nước lâu hơn đối với các loài sinh sống dưới nước. Tuy nhiên, ở đây có một vài ngoại lệ thú vị đối với bò sát. Ví dụ, các loài cá sấu có tim bốn ngăn phức tạp một cách đáng ngạc nhiên nhưng có khả năng hoạt động như là tim ba ngăn khi chúng lặn dưới nước. Ngoài ra, người ta cũng phát hiện ra rằng một số loài rắn và thằn lằn (chẳng hạn kỳ đà và trăn) có tim ba ngăn nhưng có thể hoạt động tựa như tim bốn ngăn khi co bóp. Điều này là có thể được là do dải cơ phân chia tâm thất trong kỳ tâm trương và phân chia hoàn toàn nó trong kỳ tâm thu. Do dải cơ này, một số bò sát trong nhóm Squamata này có thể tạo ra các chênh lệch áp suất tâm thất tương tự như ở tim của chim và động vật có vú. === Hô hấp === Tất cả bò sát đều sử dụng phổi để thở. Tuy nhiên, ở các loài rùa sống dưới nước chúng còn phát triển lớp da dễ thấm khí hơn, và thậm chí đối với một số loài còn có cả mang trong khu vực hậu môn của chúng (xem Orenstein, 2001). Mặc dù có các cơ chế thích nghi như vậy, nhưng quá trình hô hấp vẫn không thể thực hiện được hoàn hảo mà không có phổi. Sự thông khí tại phổi được thực hiện rất khác nhau trong mỗi nhóm bò sát chính. Ở Squamata thì các phổi được thông khí gần như là chỉ bằng hệ thống cơ quanh trục. Đây cũng là hệ thống cơ được sử dụng khi chúng vận động. Do sự ép buộc này, phần lớn bò sát thuộc nhóm Squamata buộc phải nín thở khi phải chạy nhanh. Tuy nhiên, một số loài đã tìm ra cách đi vòng qua điều đó. Các loài kỳ đà, và một số ít loài thằn lằn khác đã tận dụng cơ chế bơm miệng (thở bằng miệng) như là sự bổ sung cho "hô hấp trục" thông thường của chúng. Điều này cho phép chúng thu đủ lượng không khí cần thiết cho phổi khi phải vận động mạnh, và vì thế chúng duy trì được các hoạt động hô hấp trong một thời gian dài. Thằn lằn tegu được biết đến như là có được loại cơ tựa như cơ hoành, nó ngăn cách khoang phổi ra khỏi khoang chứa nội tạng khác. Trong khi nó không thực sự có khả năng chuyển động, nhưng nó cho phép thổi phồng phổi nhiều hơn, bằng cách giảm khối lượng của nội tạng đè lên phổi (Klein và những người khác, 2003). Cá sấu có cơ hoành thực sự giống như ở động vật có vú. Sự khác biệt là ở chỗ các cơ của cơ hoành cá sấu kéo xương mu (một phần của khung xương chậu, nó là chuyển động được ở cá sấu) trở lại, làm cho gan chuyển động xuống dưới và vì thế tăng không gian tự do cho phổi nở rộng. Kiểu thiết lập cơ hoành như thế này được coi là "pít-tông gan". Các loài rùa thở như thế nào hiện vẫn đang là chủ đề để nghiên cứu. Tới nay, chỉ một số ít loài rùa được nghiên cứu tường tận đủ để đưa ra ý tưởng rùa thở thế nào. Các kết quả chỉ ra rằng rùa nói chung có nhiều giải pháp cho vấn đề này. Vấn đề là ở chỗ phần lớn các mai rùa là cứng nhắc và không cho phép bất kỳ kiểu mở rộng và co bóp nào mà các động vật có màng ối khác đã sử dụng để thông khí cho phổi của chúng. Một số loài rùa như ba ba lưng dẹp Ấn Độ (Lissemys punctata) có tấm cơ làm màng bao phổi. Khi nó co bóp, ba ba có thể hít thở. Khi nghỉ ngơi, con ba ba này có thể co các chi lại vào trong khoang cơ thể và đẩy không khí ra khỏi phổi. Khi nó kéo dài các chi ra thì áp suất bên trong phổi bị giảm xuống và con ba ba có thể hít không khí vào. Phổi của rùa gắn liền với mặt trong của mai, và phần đáy của phổi gắn liền (thông qua mô kết nối) với phần còn lại của nội tạng. Bằng cách sử dụng một loạt các cơ đặc biệt (có tác dụng như cơ hoành), rùa có khả năng xô đẩy nội tạng của nó lên và xuống, tạo ra sự hô hấp có hiệu quả, do pần nhiều trong các cơ này có các điểm gắn kết được kết nối với các chi trước (trên thực tế, nhiều cơ mở rộng vào các túi chứa chi trong quá trình co bóp). Sự hô hấp trong quá trình vận động đã được nghiên cứu ở ba loài, và chúng thể hiện các kiểu hô hấp khác nhau. Vích (Chelonia mydas) cái trưởng thành không hít thở khi chúng bò dọc theo bãi biển nơi làm tổ của chúng. Chúng nín thở khi vận động trên mặt đất và hít thở khi dừng lại. Rùa hộp Bắc Mỹ (chi Terrapene) thở liên tục trong khi vận động, và chu kỳ thông khí không khớp với các chuyển động của chi (Landberg và những người khác, 2003). Có lẽ chúng sử dụng các cơ bụng để thở trong khi vận động. Loài cuối cùng được nghiên cứu là rùa tai đỏ (Trachemys scripta elegans), nó cũng hít thở khi vận động, nhưng chúng có hơi thở nhỏ hơn trong khi vận động khi so sánh với hơi thở trong những khoảng dừng ngắn giữa các vận động, chỉ ra rằng có thể có sự can thiệp cơ học giữa các chuyển động của chi và hệ thống hô hấp. Các loài rùa hộp cũng được quan sát thấy có hít thở khi rụt vào bên trong mai của chúng (cùng cuốn sách đó). Phần lớn bò sát thiếu vòm miệng thứ cấp, nghĩa là chúng phải nín thở khi nuốt thức ăn. Các loài cá sấu đã tiến hóa vòm miệng thứ cấp bằng chất xương cho phép chúng vẫn tiếp tục thở được trong khi vẫn ở dưới nước (và bảo vệ não của chúng khỏi những va đạp trong khi vật lộn với con mồi). Thằn lằn chân ngắn (họ Scincidae) cũng đã có vòm miệng thứ cấp bằng xương, ở các mức độ khác nhau. Rắn lại có cách tiếp cận khác là mở rộng khí quản của chúng. Phần mở rộng khí quản của chúng phình ra tương tự như một ống nhỏ nhiều thịt và cho phép chúng nuốt các con mồi lớn hơn mà không bị ngạt thở. Ngoài ra, cá sấu còn được biết đến như là "khóc" khi ăn. Nhiều chuyện kể trong dân gian đã gắn liền với thực tế ngạc nhiên này, chẳng hạn như là do cá sấu cảm thấy có tội khi ăn, nhưng trên thực tế, chúng tiết nước mắt ra là để giải phóng các chất lỏng ra khỏi cơ thể nhằm giữ chỗ cho không khí để có thể thở. Việc này cũng là do một thực tế là khoang mũi của cá sấu là rất nhỏ. === Bài tiết === Sự bài tiết được thực hiện chủ yếu là bằng hai quả thận nhỏ. Ở các loài bò sát Hai cung (Diapsida) thì axít uric là chất thải chính có chứa nitơ. Rùa, tương tự như động vật có vú, chủ yếu là bài tiết ra urê. Không giống như thận của động vật có vú và chim, thận của bò sát không có khả năng tạo ra nước tiểu có nồng độ urê cao hơn so với dịch lỏng trong cơ thể. Có điều này là do chúng thiếu cấu trúc đặc biệt tại các nephron như của chim và động vật có vú, gọi là vòng Henle. Do điều này, nhiều loài bò sát sử dụng ruột kết và lỗ huyệt để hỗ trợ việc tái hấp thụ nước. Một số loài còn có khả năng lấy nước lưu trữ trong bàng quang. Lượng muối dư thừa cũng được bài tiết ra nhờ các tuyến muối ở khoang mũi hay lưỡi ở một số loài bò sát. === Thần kinh === Hệ thần kinh của bò sát tiến hóa hơn so với động vật lưỡng cư. Chúng có 12 cặp dây thần kinh hộp sọ. === Sinh sản === Phần lớn động vật bò sát sinh sản hữu tính. Gần như tất cả các bò sát đực, ngoại trừ rùa, có một ống kép giống như cơ quan sinh dục gọi là bán dương vật (hemipenes). Các loài rùa đực có một dương vật. Tất cả các loài rùa đều đẻ trứng, không giống như một số loài thằn lằn và rắn có khả năng sinh ra con non. Hoạt động sinh sản diễn ra thông qua một lỗ huyệt (cloaca), lối ra/vào duy nhất ở gốc đuôi, tại đó sự bài tiết chất thải cũng như sinh sản diễn ra. Sinh sản vô tính đã được ghi nhận ở một số họ thuộc bộ Squamata như 6 họ thằn lằn và 1 họ rắn. Trong một số loài bò sát thuộc bộ này thì các bò sát cái có khả năng sinh ra bản sao lưỡng bội đơn tính từ con mẹ. Sự sinh sản vô tính diễn ra ở một số loài thạch sùng và tắc kè (họ Gekkonidae), và hoạt động này là khá phổ biến ở thằn lằn tegu (họ Teiidae, đặc biệt là chi Aspidocelis) và thằn lằn chính thức (họ Lacertidae, chi Lacerta). Sinh sản vô tính cũng được cho là có ở tắc kè hoa (họ Chamaeleonidae), kỳ nhông (họ Agamidae), thằn lằn đêm (họ Xantusiidae) và rắn giun (họ Typhlopidae). Trứng có màng ối được bao phủ bằng lớp vỏ chứa canxi hay vỏ da. Các màng ối, màng đệm và niệu nang đều có trong thời kỳ sự sống ở dạng phôi thai. Không có giai đoạn ấu trùng trong quá trình phát triển. == Kỹ năng tự vệ == Nhiều loài bò sát nhỏ như rắn và thằn lằn sống trên mặt đất hoặc dưới nước có nguy cơ bị các loại động vật ăn thịt săn bắt và ăn thịt. Vì vậy trốn tránh kẻ thù là hình thức phổ biến nhất trong kỹ năng tự vệ của các loài bò sát. Hầu hết các loài rắn và thằn lằn nhận biết từ dấu hiệu đầu tiên của mối nguy hiểm bằng lông tơ, trong khi đó rùa và cá sấu sẽ lao vào nước và lặn đi mất. Bò sát cũng có thể tránh đối đầu bằng cách ngụy trang. Bằng cách sử dụng một loạt các màu xám, xanh và nâu, những loài động vật này có thể hòa lẫn đáng kể vào nền của môi trường tự nhiên. Nếu nguy hiểm phát sinh một cách bất ngờ, cá sấu, rùa, một số loài thằn lằn, và một số loài rắn sẽ rít thật to khi phải đối mặt với kẻ thù. Thằn lằn dễ rụng phần ngọn của đuôi để thoát thân. Nếu các phương thức này không ngăn chặn kẻ thù, các loài khác nhau sẽ áp dụng chiến thuật phòng thủ khác nhau. Một số loài có thể cắn, một số sẽ sử dụng đầu để đe dọa, một số đuổi kẻ thù lên cạn, trong khi đó một số loài có thể dùng nọc độc. == Xem thêm == Danh sách bò sát Dạng người bò sát == Chú thích == == Tham khảo == == Tài liệu == Colin Tudge (2000). The Variety of Life. Ấn bản Đại học Oxford. ISBN 0-19-860426-2. Benton, M. J. (2004), Vertebrate Paleontology, ấn bản lần thứ 3. Blackwell Science Ltd. Pianka, Eric; Vitt, Laurie (2003). Lizards Windows to the Evolution of Diversity. University of California Press. tr. 116–118. ISBN 0-520-23401-4. Mazzotti, Frank; Ross, Charles (ed) (1989). "Structure And Function" Crocodiles and Alligators. Facts on File. ISBN 0-8160-2174-0. Wang, Tobias; Altimiras, Jordi; Klein, Wilfried; Axelsson, Michael (2003). “Ventricular haemodynamics in Python molurus: separation of pulmonary and systemic pressures”. The Journal of Experimental Biology 206: 4242–4245. Klein, Wilfried; Abe, Augusto; Andrade, Denis; Perry, Steven (2003). “Structure of the posthepatic septum and its influence on visceral topology in the tegu lizard, Tupinambis merianae (Teidae: Reptilia)”. Journal of Morphology 258 (2): 151–157. Orenstein, Ronald (2001). Turtles, Tortoises & Terrapins: Survivors in Armor. Firefly Books. ISBN 1-55209-605-X. Landberg, Tobias; Mailhot, Jeffrey; Brainerd, Elizabeth (2003). “Lung ventilation during treadmill locomotion in a terrestrial turtle, Terrapene carolina”. Journal of Experimental Biology 206 (19): 3391–3404. Pough, Harvey; Janis, Christine; Heiser, John (2005). Vertebrate Life. Pearson Prentice Hall. ISBN 0-13-145310-6. Laurin, Michel và Gauthier, Jacques A.: Diapsida. Lizards, Sphenodon, crocodylians, birds, and their extinct relatives, Phiên bản ngày 22 tháng 6 năm 2000; một phần của Dự án Web Cây phát sinh sự sống == Liên kết ngoài == Website về cây phát sinh sự sống Cơ sở dữ liệu bò sát tại EMBL HC Network Phát sinh loài của bò sát Trang về bò sát Sinh học và bảo tồn bò sát ReptilesWeb.com, một cổng tin tức phi lợi nhuận cho những người yêu thích bò sát trên khắp thế giới Hình ảnh bò sát tại Biocrawler.com Bảo vệ bò sát ở Ấn Độ
1999.txt
Theo lịch Gregory, năm 1999 (số La Mã: MCMXCIX) là một năm bắt đầu từ ngày thứ sáu. == Sự kiện == 1 tháng 1: Ruth Dreifuss trở thành tổng thống Thụy Sĩ 10 tháng 1: Bầu cử quốc hội tại Kazakhstan 25 tháng 1: Động đất tại Colombia, 1.885 người chết 2 tháng 2: Hugo Rafael Chávez Frías trở thành tổng thống của Venezuela 27 tháng 2: vua Abdullah II trở thành tổng thống tại Jordan 28 tháng 3: Động đất tại vùng Xinjiang, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Ấn Độ, 100 người chết 7 tháng 3: Bầu cử quốc hội tại Guinea Xích Đạo 12 tháng 3: Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary gia nhập khối NATO 28 tháng 3: Luis Ángel González Macchi trở thành tổng thống tại Paraguay 23 tháng 5: Johannes Rau trở thành tổng thống Đức 26 tháng 5: Manchester United đánh bại Bayern Munich, vô địch Champions League. 28 tháng 5: Rudolf Schuster trở thành tổng thống của Slovakia 7 tháng 7: Vaira Vīķe-Freiberga trở thành nữ tổng thống Latvia. 7 tháng 8: Jean-Claude Juncker tái đắc cử thủ tướng của Đại công quốc Luxembourg 17 tháng 8: Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 18.000 người chết, 44.000 người bị thương 1 tháng 9: Sellapan Rama Nathan trở thành tổng thống của Singapore 7 tháng 9: Động đất tại Hy Lạp. 143 người chết 14 tháng 9: Nauru là thành viên của Liên Hiệp Quốc 14 tháng 9: Kiribati là thành viên của Liên Hiệp Quốc 20 tháng 9: Palau là thành viên của UNESCO 20 tháng 9: Động đất tại Trung Hoa Dân Quốc, 2297 người chết 3 tháng 10: Bầu cử quốc hội tại Áo 20 tháng 10: Abdurrahman Wahid trở thành tổng thống Indonesia. 24 tháng 10: Zine El Abidine Ben Ali tái đắc cử tổng thống Tunisia. 31 tháng 10: Gruzia. Bầu cử quốc hội dân chủ lần thứ hai 3 tháng 11: Aram Sarkissian trở thành lãnh đạo chính phủ Armenia. 4 tháng 11: Ilir Meta tái đắc cử thủ tướng Albania. 6 tháng 11: Bầu cử tổng thống tại Tajikistan 12 tháng 11: Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 800 người chết 14 tháng 11: Leonid Kutschma tái đắc cử tổng thống của Ukraina 17 tháng 11: Mohamed Ghannouchi trở thành thủ tướng Tunisia. 24 tháng 11: Mamadou Tandja trở thành tổng thống của Niger 10 tháng 12: Helen Clark trở thành nữ thủ tướng tại New Zealand 19 tháng 12: Boris Trajkovski trở thành tổng thống tại Macedonia 23 tháng 12: Đảo chính của quân đội Côte d'Ivoire. 31 tháng 12: Hama Amadou trở thành lãnh đạo chính phủ của Cộng hòa Niger 31 tháng 12: Vladimir Putin trở thành tổng thống của Nga == Người sinh == 20 tháng 4: hoàng tử Georg, con trai của hoàng tử Alois của Liechtenstein và Sophie công chúa của Bayern 20 tháng 7: Alexandra Charlotte Ulrike Maryam Virginia von Hannover, con gái của công chúa Caroline của Monaco và Ernst August hoàng tử của Hannover 28 tháng 8: Nikolai William Alexander Frederik hoàng tử của Đan Mạch, con trai của hoàng tử Joachim của Đan Mạch và Alexandra Manley 29 tháng 9: Juan Valentin Urdangarín Borbón, con trai của Cristina của Tây Ban Nha và Iñaki Urdangarín == Người chết == 2 tháng 1: Rolf Liebermann, nhà soạn nhạc Thụy Sĩ (s. 1910) 5 tháng 1: Rolf Gutbrod, kiến trúc sư Đức (s. 1910) 6 tháng 1: Ingeborg Wurster, nữ nhà báo Đức (s. 1931) 10 tháng 1: Brian Moore, nhà văn, tác giả kịch bản (s. 1921) 11 tháng 1: Fabrizio De André, nhà soạn nhạc Ý (s. 1940) 13 tháng 1: Karl Lieffen, diễn viên Đức (s. 1926) 14 tháng 1: Jerzy Grotowski, đạo diễn phim Ba Lan (s. 1933) 14 tháng 1: Muslimgauze, nhạc sĩ Anh (s. 1961) 18 tháng 1: Otto Föllinger, giáo sư Đức (s. 1924) 18 tháng 1: Günter Strack, diễn viên Đức (s. 1929) 23 tháng 1: Joe D'Amato, đạo diễn phim Ý (s. 1936) 25 tháng 1: Rudi Glöckner, trọng tài bóng đá Đức (s. 1929) 26 tháng 1: August Everding, đạo diễn phim Đức (s. 1928) 27 tháng 1: Gonzalo Torrente Ballester, nhà văn Tây Ban Nha (s. 1910) 28 tháng 1: František Vláčil, đạo diễn phim Séc (s. 1924) 31 tháng 1: Barış Manço, nam ca sĩ Thổ Nhĩ Kỳ, nhà soạn nhạc (s. 1943) 2 tháng 2: August Neuburger, chính khách Đức (s. 1902) 3 tháng 2: Juan Amenábar, nhà soạn nhạc Chile (s. 1922) 5 tháng 2: Rembert van Delden, chính khách Đức (s. 1917) 5 tháng 2: Wassily Leontief, nhà kinh tế học, Giải thưởng Nobel (s. 1906) 6 tháng 2: Erwin Blask, vận động viên điền kinh Đức (s. 1910) 6 tháng 2: Umberto Maglioli, đua xe Ý (s. 1928) 7 tháng 2: Hussein I, từ 1952 đến 1999 là vua của Jordan (s. 1935) 10 tháng 2: Louise Piëch, nữ doanh nhân Áo (s. 1904) 11 tháng 2: Jaki Byard, nhạc sĩ nhạc jazz Mỹ (s. 1922) 12 tháng 2: Heinz Schubert, diễn viên Đức (s. 1925) 15 tháng 2: Henry W. Kendall, nhà vật lý học Mỹ, nhận Giải thưởng Nobel (s. 1926) 18 tháng 2: Wilhelm Wehren, chính khách Đức (s. 1914) 18 tháng 2: Andreas Feininger, nhiếp ảnh gia Mỹ (s. 1906) 20 tháng 2: Sarah Kane, nữ đạo diễn phim Anh (s. 1971) 21 tháng 2: Gertrude Belle Elion, nhà khoa học Mỹ, nhận Giải thưởng Nobel (s. 1918) 23 tháng 2: Heinrich Schmid, nhà ngôn ngữ học (s. 1921) 25 tháng 2: Glenn Theodore Seaborg, nhà hóa học Mỹ (s. 1912) 27 tháng 2: Stéphane Sirkis, nhạc sĩ Pháp (s. 1959) 2 tháng 3: Dusty Springfield, nữ ca sĩ nhạc soul Anh (s. 1939) 4 tháng 3: Fritz Honegger, chính khách Thụy Sĩ (s. 1917) 5 tháng 3: Alfred Denning, quan toà Anh (s. 1899) 6 tháng 3: Klaus Gysi, chính khách Đức (s. 1912) 7 tháng 3: Stanley Kubrick, đạo diễn phim Mỹ (s. 1928) 10 tháng 3: Oswaldo Guayasamín, họa sĩ, nhà điêu khắc (s. 1919) 13 tháng 3: Gary Jennings, nhà văn Mỹ (s. 1928) 17 tháng 3: Boleslaw Barlog, đạo diễn sân khấu Đức (s. 1906) 18 tháng 3: Adolfo Bioy Casares, nhà văn Argentina (s. 1914) 19 tháng 3: José Agustín Goytisolo, thi sĩ Tây Ban Nha (s. 1928) 22 tháng 3: David Strickland, diễn viên Mỹ (s. 1969) 28 tháng 3: Rolf Ludwig, diễn viên Đức (s. 1925) 9 tháng 4: Raúl Silva Henríquez, tổng Giám mục của Santiago de Chile, Hồng y Giáo chủ (s. 1907) 13 tháng 4: Ortvin Sarapu, kỳ thủ New Zealand gốc Estonia. (s. 1924) 13 tháng 4: Willi Stoph, chính khách Đức (s. 1914) 16 tháng 4: Skip Spence, nhạc sĩ nhạc rock Mỹ (s. 1946) 16 tháng 4: Karl Schefold, nhà khảo cổ học (s. 1905) 18 tháng 4: Gian-Carlo Rota, nhà toán học 24 tháng 4: Walter Dreizner, nhiếp ảnh gia Đức (s. 1908) 27 tháng 4: Rolf Landauer, nhà vật lý học (s. 1927) 28 tháng 4: Arthur L. Schawlow, nhà vật lý học Mỹ (s. 1921) 2 tháng 5: Oliver Reed, diễn viên Anh (s. 1938) 6 tháng 5: Higashiyama Kaii, họa sĩ phong cảnh Nhật Bản (s. 1908) 8 tháng 5: Dirk Bogarde, diễn viên Anh (s. 1921) 9 tháng 5: Harry Blech, nhạc trưởng Anh (s. 1910) 11 tháng 5: Werner Fuchs, cầu thủ bóng đá Đức, huấn luyện viên (s. 1948) 18 tháng 5: Elizabeth Robinson, nữ vận động viên điền kinh Mỹ, huy chương Thế Vận Hội (s. 1911) 22 tháng 5: Alfred Kubel, chính khách Đức (s. 1909) 26 tháng 5: Paul Sacher, nhạc trưởng Thụy Sĩ (s. 1906) 27 tháng 5: Violet Webb, nữ vận động viên điền kinh Anh, huy chương Thế Vận Hội 1 tháng 6: Christopher Cockerell, kĩ sư Anh, nhà phát minh (s. 1910) 1 tháng 6: Gert Ledig, nhà văn Đức (s. 1921) 2 tháng 6: Junior Braithwaite, nhạc sĩ Jamaica, Wailers (s. 1949) 5 tháng 6: Ernie Wilkins, nhạc sĩ nhạc jazz Mỹ (s. 1922) 11 tháng 6: DeForest Kelley, diễn viên Mỹ (s. 1920) 11 tháng 6: Reinhold Massag, tác giả Đức, diễn viên (s. 1943) 14 tháng 6: Hann Trier, họa sĩ Đức, nghệ sĩ tạo hình (s. 1915) 16 tháng 6: Screaming Lord Sutch, nhạc sĩ Anh, chính khách (s. 1940) 18 tháng 6: Lothar Ulsaß, cầu thủ bóng đá Đức (s. 1940) 19 tháng 6: Leslie Holdridge, nhà thực vật học Mỹ, nhà khí hậu học (s. 1907) 21 tháng 6: Karl Krolow, nhà văn Đức (s. 1915) 22 tháng 6: Luboš Fišer, nhà soạn nhạc Séc, đạo diễn phim (s. 1935) 27 tháng 6: Truus van Aalten, nữ diễn viên Hà Lan (s. 1910) 27 tháng 6: Siegfried Lowitz, diễn viên Đức (s. 1914) 27 tháng 6: Georgios Papadopoulos, chính khách Hy Lạp (s. 1919) 28 tháng 6: Hilde Krahl, nữ diễn viên Áo (s. 1917) 28 tháng 6: Mrs. Miller, nữ ca sĩ Mỹ (s. 1907) 1 tháng 7: Joshua Nkomo, chính khách (s. 1917) 1 tháng 7: Edward Dmytryk, đạo diễn phim Mỹ (s. 1908) 1 tháng 7: Sylvia Sidney, nữ diễn viên Mỹ (s. 1910) 6 tháng 7: Joaquín Rodrigo, nhà soạn nhạc Tây Ban Nha (s. 1901) 8 tháng 7: Charles Conrad, nhà du hành vũ trụ Mỹ (s. 1930) 9 tháng 7: Karl Adam, cầu thủ bóng đá Đức (s. 1924) 10 tháng 7: Theodor Eschenburg, nhà chính trị học Đức, nhà xuất bản (s. 1904) 16 tháng 7: John Fitzgerald Kennedy Jr., luật gia Mỹ, nhà xuất bản (s. 1960) 23 tháng 7: Hassan II, vua của Maroc (1961–1999) (s. 1929) 27 tháng 7: Trygve Magnus Haavelmo, nhà kinh tế học Na Uy (s. 1911) 28 tháng 7: Manfred Schmidt, họa sĩ vẽ tranh cho truyện comic (s. 1913) 4 tháng 8: Victor Mature, diễn viên phim Mỹ (s. 1915) 10 tháng 8: Albert Mülleder, nghệ sĩ đàn ống Áo (s. 1961) 11 tháng 8: Hendrick R. Chin A Sen, tổng thống của Suriname (s. 1934) 17 tháng 8: Reiner Klimke, chính khách Đức (s. 1936) 17 tháng 8: Eberhard Cohrs, diễn viên Đức (s. 1921) 18 tháng 8: Alfred Bickel, cầu thủ bóng đá Thụy Sĩ, huấn luyện viên (s. 1918) 21 tháng 8: Erwin Hegemann, nghệ nhân Đức (s. 1924) 22 tháng 8: Sheila Och, nhà văn nữ (s. 1940) 23 tháng 8: James White, tác giả (s. 1928) 25 tháng 8: Georg Thomalla, diễn viên Đức (s. 1915) 27 tháng 8: Hélder Câmara, tổng Giám mục (s. 1909) 29 tháng 8: Emeline Hill Richardson, nhà nữ khảo cổ học Mỹ (s. 1910) 1 tháng 9: Richard Stevens, tác giả sách chuyên môn về Unix (s. 1951) 4 tháng 9: Gertrud Heinzelmann, nữ luật gia Thụy Sĩ, nữ thần học Công giáo (s. 1914) 7 tháng 9: Thierry Claveyrolat, tay đua xe đạp Pháp (s. 1959) 8 tháng 9: Moondog, nhà soạn nhạc Mỹ (s. 1916) 13 tháng 9: Benjamin Bloom, giáo sư đại học Mỹ (s. 1913) 14 tháng 9: Attila Bozay, nhà soạn nhạc Hungary (s. 1939) 14 tháng 9: André Kostolany, nhà báo, nhà văn Mỹ (s. 1906) 15 tháng 9: Horst Ludwig Meyer, thành viên RAF (s. 1956) 18 tháng 9: Dieter Diekmann, chính khách Đức (s. 1939) 20 tháng 9: Willy Millowitsch, diễn viên sân khấu Đức (s. 1909) 22 tháng 9: George C. Scott, diễn viên Mỹ, đạo diễn phim, nhà sản xuất (s. 1927) 29 tháng 9: Johannes Gross, nhà xuất bản Đức, nhà báo (s. 1932) 10 tháng 10: Leo Lionni, nghệ sĩ tạo hình, họa sĩ, tác giả (s. 1910) 11 tháng 10: Fakir Baykurt, nhà sư phạm Thổ Nhĩ Kỳ, nhà văn (s. 1929) 12 tháng 10: Wilt Chamberlain, cầu thủ bóng rổ Mỹ (s. 1936) 12 tháng 10: Udo Steinke, nhà văn tiếng Đức (s. 1942) 14 tháng 10: Julius Nyerere, chính khách (s. 1922) 17 tháng 10: Franz Peter Wirth, đạo diễn phim Đức (s. 1919) 18 tháng 10: Herbert Heckmann, nhà văn Đức (s. 1930) 19 tháng 10: Ottfried Hennig, chính khách Đức (s. 1937) 21 tháng 10: John Bromwich, vận động viên quần vợt Úc (s. 1918) 21 tháng 10: Horst Krüger, nhà văn Đức (s. 1919) 25 tháng 10: Payne Stewart, người chơi golf Mỹ (s. 1957) 26 tháng 10: Rex Gildo, nam ca sĩ Đức, diễn viên (s. 1936) 26 tháng 10: Hoyt Axton, nhạc sĩ nhạc đồng quê Mỹ (s. 1938) 27 tháng 10: Robert L. Mills, nhà vật lý học Mỹ (s. 1927) 27 tháng 10: Rafael Alberti, thi sĩ Tây Ban Nha (s. 1902) 30 tháng 10: Detlev Meyer, thi sĩ Đức (s. 1950) 5 tháng 11: James Goldstone, đạo diễn phim Mỹ, nhà sản xuất phim, tác giả kịch bản (s. 1931) 8 tháng 11: Leon Štukelj, huy chương Thế Vận Hội (s. 1898) 11 tháng 11: Vivian Fuchs, nhà địa chất Anh (s. 1908) 16 tháng 11: Daniel Nathans, nhà hóa sinh Mỹ, nhận Giải thưởng Nobel (s. 1928) 18 tháng 11: Paul Bowles, nhà văn Mỹ, nhà soạn nhạc (s. 1910) 20 tháng 11: Amintore Fanfani, chính khách Ý, thủ tướng (s. 1908) 22 tháng 11: Ibrahim Böhme, chính khách Đức (s. 1944) 25 tháng 11: Pierre Bézier, kĩ sư Pháp (s. 1910) 30 tháng 11: Ulrich Wildgruber, diễn viên Đức (s. 1937) 5 tháng 12: Ella Büchi, nữ diễn viên Thụy Sĩ (s. 1929) 10 tháng 12: Joseph Heller, nhà văn Mỹ (s. 1923) 13 tháng 12: Ian Watt, nhà phê bình văn học Anh (s. 1917) 17 tháng 12: Paolo Dezza, Hồng y Giáo chủ Ý (s. 1901) 18 tháng 12: Robert Bresson, đạo diễn phim Pháp (s. 1901) 19 tháng 12: Desmond Llewelyn, diễn viên Anh (s. 1914) 20 tháng 12: Erich Arp, chính khách Đức (s. 1909) 20 tháng 12: Hank Snow, ca sĩ nhạc country Canada (s. 1914) 24 tháng 12: Maurice Couve de Murville, chính khách Pháp (s. 1907) 26 tháng 12: Shankar Dayal Sharma, chính khách Ấn Độ, tổng thống (s. 1918) 30 tháng 12: Peter Caesar, chính khách Đức (s. 1939) == Giải thưởng Nobel == Hóa học - Ahmed H. Zewail Văn học - Günter Grass Hòa bình - Tổ chức Thầy thuốc Không biên giới (Médecins Sans Frontières) Vật lý - Gerardus 't Hooft, Martinus J.G. Veltman Y học - Günter Blobel Kinh tế - Robert Mundell == Xem thêm == Thế giới trong năm 1999, tình trạng thế giới trong năm này == Tham khảo ==
mattel.txt
Mattel, Inc. /məˈtɛl/ là một công ty sản xuất đồ chơi của Mỹ được thành lập năm 1945 có trụ sở tại El Segundo, California. Năm 2008, công ty xếp hạng 413 trong Fortune 500. Các sản phẩm và thương hiệu bao gồm Fisher-Price, búp bê Barbie, búp bê Monster High, Hot Wheels, Matchbox, Masters of the Universe, búp bê American Girl, board games, WWE Toys, và các máy chơi game console đầu thập niên 1980. Tên công ty có nguồn gốc từ Harold "Matt" Matson và Elliot Handler, những người sáng lập nên công ty năm 1945. == Tham khảo == == Liên kết ngoài == Mattel Vintage Mattel toys Mattel Toys Pictures of many toys at Figure-archive.net Matchbox Collectors Forum - The place to discuss anything about the Matchbox brand from inception in 1953 to today Matchbox Catalogue - A comprehensive catalog of all Matchbox die cast Bản mẫu:Superhero toy lines Bản mẫu:Mattel
người celt.txt
Người Celt (phát âm /ˈsɛlt/ hay /ˈkɛlt/), còn gọi người Xen-tơ, là một nhóm đa dạng các bộ lạc thời kì đồ sắt và thời kì La Mã ở châu Âu, những người đã nói tiếng Celt. Nền văn hóa khảo cổ học đầu tiên thường được chấp nhận là của người Celt, hay đúng hơn là Proto-Celtic, là trung tâm của nền văn hóa châu Âu, văn hóa Hallstatt (c. 800-450 BC), được đặt tên theo nơi tìm thấy các ngôi mộ giàu có tại Hallstatt, Áo Vào thời kì sau đó, thời kì La Tène.(c. 450 BC tới thời những cuộc chinh phục của La Mã), nền văn hóa Celt này đã mở rộng trên một phạm vi rộng trong khu vực, cho dù bằng cách khuếch tán hoặc chuyển đổi: quần đảo Anh (Người Insular Celt), Pháp và các quốc gia vùng thấp (Người Gaul), phần lớn miền trung châu Âu, bán đảo Iberia (Người Celtiberia, Celtici và Gallaeci) và miền Bắc Ý(Golaseccans và Cisalpine Gaul) và sau cuộc xâm lược của người Gaul vào vùng Balkans trong năm 279 TCN tiến xa về phía đông là trung tâm Anatolia (Galatia). Giữa thiên niên kỷ 1 CN, sau thời kì bành trướng của đế chế La Mã và Cuộc Đại Di dân (Thời kỳ Di dân) của các dân tộc Đức, nền văn hóa Celt và Insular Celt đã bị giới hạn lại ở Ireland, các phần phía tây và phía bắc của Vương quốc Anh (Wales, Scotland, Cornwall và Đảo Man), và miền Bắc nước Pháp (Brittany). Giữa thế kỷ thứ năm và thứ tám CN cộng đồng nói tiếng Celt của khu vực Đại Tây Dương đã nổi lên như một thực thể văn hóa gắn kết hợp lý. Trong ngôn ngữ, tôn giáo, nghệ thuật và họ chia sẻ một di sản chung mà phân biệt chúng với các nền văn hóa của các xã hội xung quanh . == Tên gọi và thuật ngữ == Những ghi chép đầu tiên sử dụng từ Celt (Κελτοί) để nói đến một nhóm dân tộc là bởi Hecataeus của Miletus, nhà địa lý Hy Lạp, vào năm 517 TCN Khi ông viết về những người sống gần "Massilia" (Marseille). Tên Latin "Celtus" (pl. "Celt" hoặc "Celtae") có vẻ là được vay mượn từ tiếng Hy Lạp (Κέλτης pl. Κέλται hoặc Κελτός pl. Κελτοί) Theo thuật ngữ của bản thân Caesar thì nó lấy từ một tên bộ lạc bản địa người Celt Pliny Già cho rằng nó đang được sử dụng ở Lusitania như họ của bộ tộc mà những phát hiện chữ khắc cổ đã xác nhận điều này. Từ Latin "Gallus" ban đầu có thể là từ tên một dân tộc hay bộ lạc người Celt, có thể được sử dụng trong tiếng Latin từ thời kì bành trướng của người Celt vào Ý đầu thế kỷ 5 trước Công nguyên. == Nguồn gốc == Tiếng Celtic là một nhánh của hệ ngôn ngữ gia Ấn-châu Âu lớn hơn. Vào thời điểm những cư dân nói tiếng Celtic bắt đầu xuất hiện trong lịch sử khoảng năm 400 trước Công nguyên, họ đã được chia thành nhiều nhóm ngôn ngữ, và trải rộng trên toàn lục địa Tây Âu, bán đảo Iberia, Ireland và Anh. Một số học giả nghĩ rằng nền văn hóa Urnfield ở miền Tây Trung Âu được cho cho là có nguồn gốc từ người Celt và là một nhánh văn hóa khác biệt của hệ văn hóa Ấn-Âu . Nền văn hóa này tỏ ra trội hơn hẳn ở trung Âu vào giai đoạn cuối thời kỳ đồ đồng, từ khoảng năm 1200 TCN đến 700 TCN, theo sau nó là các nền văn hóa Unetice và nền văn hóa Tumulus. Thời kì Urnfield cho thấy một sự gia tăng dân số đáng kể trong khu vực, có thể là do sự đổi mới trong kĩ thuật và canh tác nông nghiệp. Sử gia Hy Lạp Ephoros của Cyme ở Tiểu Á, đã ghi lại vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên rằng người Celt đến từ các hòn đảo ở bên kia cửa sông Rhine và bị "đuổi khỏi quê nhà họ bởi những cuộc chiến tranh liên miên và sự dữ dội ngày càng tăng của biển ". == Lãnh thổ, nơi cư ngụ == Quê hương của họ bắt nguồn từ Trung Âu, phía Bắc sông Danube. Từ đây, họ di chuyển đến nhiều vùng của châu Âu (như Pháp, Anh, Tây Ban Nha,...), và cả Thổ Nhĩ Kỳ. Vóc dáng, ăn mặc: người Celt có vóc dáng cao lớn, tóc sáng màu. Tóc đàn ông cứng và đâm tua tủa. Đàn ông cạo râu nhưng để ria, mặc quần dài, áo chùng không tay hoặc sơ mi có thắt eo. == Ngôn ngữ Celt == Ngôn ngữ Celt ngày nay chia làm 4 nhánh. Nhánh Gaul đã được dùng ở Pháp, miền nam của Đức và Áo, miền bắc của Ý và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời thượng cổ. Nhánh Celtiberia dùng tại miền bắc của Tây Ban Nha. Nhánh Brythoni đã dùng tại xứ Wales, vùng Cornwall và Crumbia tại Anh, vùng Bretagne tại miền bắc của Pháp. Nhánh Goideli là nhánh điển hình nhất trong nhóm, bao gồm tiếng Gaelic tại Ireland; tiếng Gaelic tại Scotland và tiếng Manx tại Đảo Man. Người Celt có lẽ đã sống ở những vùng này trong thời gian xuất hiện của họ. == Các sự kiện lớn == 1. Qua những phát hiện khảo cổ người ta chia lịch sử người Celt ra 2 giai đoạn: thời kỳ Hallstatt bắt đầu khoảng từ năm 700 đến 500 trước Công nguyên; thời kỳ La Tene bắt đầu từ khoảng năm 500 trước Công nguyên. 2. Năm 390 trước Công nguyên người Celt tấn công thành Roma, suýt chiếm được thành. 3. Năm 52 trước Công nguyên, Julius Caesar đánh chiếm toàn bộ xứ Gaule (nước Pháp ngày nay), bắt thủ lĩnh liên minh tối cao của người Celt là Vercingetorix. 4. Năm 43, La Mã dùng 4 binh đoàn lê dương lính (1 binh đoàn khoảng 3.000 - 6.000 người) xâm lược nước Anh của người Celt. Thủ lĩnh liên minh tối cao của người Celt là Caratacus bị bắt làm tù binh. Nhưng người La Mã không chiếm Bắc Scotland và Ireland. == Di sản == 1. Người Celt nổi tiếng thông minh, tàn bạo, dũng cảm. Trước khi bị La mã đánh bại họ là đội quân hùng mạnh nhất châu Âu. 2. Người Celt nổi tiếng về kỹ thuật rèn sắt, họ phát minh ra vành bánh xe ngựa sắt. Nhiều kiểu công cụ Celt còn dùng tới ngày nay như cưa tay, cái đục, cái giũa và những dụng cụ khác. Họ còn đóng góp cho văn minh nhân loại những loại công cụ như lưỡi cày sắt, cối xay bột quay, máy gặt quay, móng ngựa. Họ dùng xà phòng trước người Hi Lạp và La mã. 3. Lễ hội Halloween ngày nay có liên quan đến người Celt. == Chú thích == == Tham khảo == 1. Edward James, Chuyện kể về những nền văn minh cổ. 2. [celticowboy.com/mrn4.htm] Alberro, Manuel and Arnold, Bettina (eds.), e-Keltoi: Journal of Interdisciplinary Celtic Studies, Volume 6: The Celts in the Iberian Peninsula, University of Wisconsin–Milwaukee, Center for Celtic Studies, 2005. Collis, John. The Celts: Origins, Myths and Inventions. Stroud: Tempus Publishing, 2003. ISBN 0-7524-2913-2. Historiography of Celtic studies. Cunliffe, Barry. The Ancient Celts. Oxford: Oxford University Press, 1997. ISBN 0-19-815010-5. Cunliffe, Barry. Iron Age Britain. London: Batsford, 2004. ISBN 0-7134-8839-5 Cunliffe, Barry. The Celts: A Very Short Introduction. 2003 Freeman, Philip Mitchell The Earliest Classical Sources on the Celts: A Linguistic and Historical Study. Diss. Harvard University, 1994. (link) Gamito, Teresa J. The Celts in Portugal. In E-Keltoi, Journal of Interdisciplinary Celtic Studies, vol. 6. 2005. Haywood, John. Historical Atlas of the Celtic World. 2001. Herm, Gerhard. The Celts: The People who Came out of the Darkness. New York: St. Martin's Press, 1977. James, Simon. Exploring the World of the Celts 1993. James, Simon. The Atlantic Celts - Ancient People Or Modern Invention? Madison: University of Wisconsin Press, August 1999. ISBN 0-299-16674-0. James, Simon & Rigby, Valerie. Britain and the Celtic Iron Age. London: British Museum Press, 1997. ISBN 0-7141-2306-4. Kruta, V., O. Frey, Barry Raftery and M. Szabo. eds. The Celts. New York: Thames & Hudson, 1991. ISBN 0-8478-2193-5. A translation of Les Celtes: Histoire et Dictionnaire 2000. Laing, Lloyd. The Archaeology of Late Celtic Britain and Ireland c. 400–1200 AD. London: Methuen, 1975. ISBN 0-416-82360-2 Laing, Lloyd and Jenifer Laing. Art of the Celts, London: Thames and Hudson, 1992 ISBN 0-500-20256-7 MacKillop, James. A Dictionary of Celtic Mythology. Oxford: Oxford University Press, 1998. ISBN 0-19-280120-1 Maier, Bernhard: Celts: A History from Earliest Times to the Present. University of Notre Dame Press 2003. ISBN 978-0268023614 McEvedy, Colin. The Penguin Atlas of Ancient History. New York: Penguin, 1985. ISBN 0-14-070832-4 Mallory, J. P. In Search of the Indo-Europeans: Language, Archaeology and Myth. London: Thames and Hudson, 1991. ISBN 0-500-27616-1. O'Rahilly, T. F. Early Irish History Dublin Institute for Advanced Studies, 1946. Powell, T. G. E. The Celts. New York: Thames and Hudson, 1980. third ed. 1997. ISBN 0-500-27275-1. Raftery, Barry. Pagan Celtic Ireland: The Enigma of the Irish Iron Age. London: Thames & Hudson, 1994. ISBN 0-500-27983-7. == Liên kết ngoài ==
sân vận động quốc gia (thái lan).txt
Sân vận động Quốc gia của Thái Lan (tiếng Thái: สนามกีฬาแห่งชาติ or กรีฑาสถานแห่งชาติ) là một tổ hợp thể thao nằm ở Quận Pathum Wan, Bangkok. Thành lập năm 1937 với sân vận động chính Sân Supachalasai (สนามศุภชลาศัย; RTGS: Supphachalasai), sau đó thì khu tổ hợp này được mở rộng với nhiều sân nhỏ cũng như các địa điểm thể thao như hiện nay == Lịch sử == Nơi đây được sử dụng chủ yếu cho môn bóng đá. Là sân vận động chính của các kỳ Đại hội Thể thao châu Á 1966, 1970, và 1978. Nơi đây cũng từng tổ chức Cúp bóng đá châu Á 2007, nhưng chỉ là một trận đấu (Oman v Iraq tại Bảng A). Khán giả có thể dễ dàng tới sân nhờ Hệ thống tàu điện trên cao Bangkok do có điểm dừng 'Sân vận động Quốc gia' ngay cạnh sân. Sân có cấu trúc 3 khán đài một tầng và không có mái che. Một mái che đơn giản nhưng hiệu quả được xây dựng ở khán đài chính. Mặc dù có một đường chạy, nhưng khán đài lại liền kề ngay đó khác hẳn so với Sân vận động Rajamangala. Năm 2007, sân được trang bị thêm ghế ngồi đỏ thay thế cho những hàng ghế bê tông trước đây Các câu lạc bộ của Thai League thường chọn Suphachalasai là sân nhà tại các giải đấu châu lục khi mà sân của họ không đáp ứng được yêu cầu của Liên đoàn bóng đá châu Á. Tuy vậy, hiện tại hiếm khi nó được ĐTQG sử dụng khi mà họ thường thi đấu tại Rajamangala. Một vài sân khác tại Bangkok đó là Sân vận động thể thao Quân đội Thái Lan, Sân vận động Thái-Nhật và Sân vận động Đại học Chulalongkorn. Michael Jackson đã biểu diễn 2 buổi hòa nhạc trong khuôn khổ Dangerous World Tour vào ngày 24 và 27 tháng 8 năm 1993. == Địa điểm thi đấu == === Sân vận động Suphachalasai === Sân vận động Suphachalasai là phần chính của Sân vận động Quốc gia. Đây là một sân vận động đa năng với đường chạy cho môn điền kinh, cùng với đó có một mái che. Có sức chứa 19,793, sân là nơi diễn ra các trận đấu quan trọng của FA Cup và Toyota Cup. === Sân vận động Thephasadin === Sân vận động Thephasadin Stadium được xây dựng năm 1965 nhằm phục vụ cho môn Hockey của Đại hội Thể thao châu Á 1966, co đó tên ban đầu gọi là, Sân Hockey. Năm 1983 sân được đổi tên để tưởng nhớ tới Sanan Thephasadin na Ayutthaya, cha đẻ của bóng đá Thái Lan và Nak Thephasadin na Ayutthaya. Có sức chứa 6,378 chỗ, nơi đây không còn diễn ra các trận đấu của môn khúc côn cầu nữa, hiện đây là sân nhà của BEC Tero Sasana F.C.. === Sân vận động Jindarat === Sân vận động Jindarat, xây dựng sau chiến tranh Thái Bình Dương, trước đây được sử dụng cho các sự kện thể thao ngoài trời tầm trung cũng như là nơi luyện tập. Tên ban đầu là Sân vận động Ton Pho, nhưng được đổi tên vào năm 1983 nhằm tưởng nhớ Jindarat (Jamlong Sawat-chuto), cựu giám đốc Văn phòng Thể thao và Phát triển Giải trí. === Bể bơi Wisutamol === Wisutamol Pool được xây dựng năm 1961 dưới thời kỳ của giám đốc Kong Wisutamol. Đây là bể bơi chuẩn Olympic với 2 khán đài được sử dụng trong các cuộc thi và luyện tập chung. Ban đầu có tên là Bể bơi Olympic, được đổi tên để tưởng nhớ Wisutamol người đã lãnh đạo xây dựng nơi đây === Nhà thi đấu Nimidbud === Nhà thi đấu Nimidbud là nơi diễn ra môn Quyền anh và Bóng đá trong nhà === Nhà thi đấu Jhanthana-Yingyong === Nhà thi đấu Jhanthana-Yingyong được xây dựng năm 1965 == Ghi chí ==
phật giáo nguyên thủy.txt
Phật giáo Nguyên thủy vừa để chỉ Phật giáo giai đoạn đầu - kể từ khi Tất đạt đa sáng lập Phật giáo cho đến trước Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ hai ở thành phố Vaisili, vừa để chỉ một bộ phái trung thành nghiêm ngặt với những gì Tất đạt đa đã dạy (Pháp). Trong bài này, Phật giáo Nguyên thủy được trình bày theo nghĩa thứ hai. Cũng theo nghĩa thứ hai này, Phật giáo Nguyên thủy còn được gọi là Thượng tọa bộ (zh. shàngzuòbù 上座部, ja. jōzabu, sa. sthaviravāda, pi. theravāda, bo. gnas brtan sde pa གནས་བརྟན་སྡེ་པ་), còn gọi là Trưởng lão bộ. Sở dĩ có tên gọi này là vì những tu sĩ nòng cốt sáng lập là những tu sĩ nhiều tuổi có xu hướng bám sát vào những lời Gotama dạy. Phật giáo nguyên thủy là một trong ba nhánh chính của Phật giáo. Hai nhánh còn lại là Đại thừa (còn gọi là Phật giáo Bắc tông) và Kim cương thừa (hay Phật giáo Tây Tạng). Thượng tọa bộ là chi nhánh lâu đời nhất của Phật giáo. Từ này có nguồn gốc từ Sanskrit "sthaviravada", và nghĩa đen có nghĩa là "giáo lý của bậc Trưởng Lão". Đó là phái tương đối bảo thủ, và theo như tiến sĩ Rupert Gethin, giáo phái này gần với Phật giáo ban đầu hơn là các giáo phái truyền thống khác hiện có nay. Thượng tọa bộ thừa nhận rằng Thích Ca là một nhân vật lịch sử, một con người và cũng có những hạn chế nhất định của con người như đau lưng, khó chịu với sự ồn ào,... Sau Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ ba, giáo nghĩa của phái này được Ma-hi-đà truyền tới Tích Lan năm 250 trước Công nguyên và được các cao tăng tại Đại tự (pi. mahāvihāra) gìn giữ. Về giới luật cũng có một số bất đồng trong nội bộ phái Thượng tọa bộ. Ngày nay Thượng tọa bộ được lưu hành tại các nước Ấn Độ, Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia và Lào, nên còn được gọi là Nam tông Phật pháp hay Phật giáo Nam truyền, Phật giáo Nam Tông. Một số đại biểu phái Đại thừa xuất xứ từ Trung Quốc còn gọi tông phái này là Tiểu thừa (bánh xe nhỏ), với ý đả kích, chê bai. Phật giáo Thượng tọa bộ được các quốc gia khác nhau và rất nhiều người trên thế giới đi theo, như là: Tại Nam Á: Sri Lanka (có 70% dân số) Bangladesh (có 0.7% dân số) Tại Đông Nam Á: Campuchia (có 95% dân số) Lào (có 67% dân số) Myanmar (có 89% dân số) Thái Lan (có 95% dân số) Tại những nơi khác ở châu Á: Trung Quốc (chủ yếu là dân tộc người Shan và các sắc tộc Thái) Việt Nam (bởi người Khmer (Việt Nam) và người Kinh Nam bộ) Malaysia (có 19.2% dân số) Indonesia (có 0.72% dân số) Singapore là nơi mà gần đây Phật giáo Nguyên Thủy được phổ biến, hiện nay đã có tiếp đến 33.3% dân số. Tây Phương nhánh Phật giáo Nguyên Thủy cũng tăng phổ biến gần đây. Ngày nay, tín đồ Phật tử Thượng tọa bộ có 150 triệu người toàn thế giới, và trong suốt vài thập kỷ qua, Phật giáo Thượng tọa bộ đã bắt đầu bén rễ ở Phương Tây và ở tại Phật giáo hồi sinh tại Ấn Độ. == Lịch sử == === Nguồn gốc === Cái tên Theravāda xuất phát từ tổ truyền Thượng tọa bộ (Sthaviravada), từ đó những người Theravadin khẳng định gốc gác. Sau khi cố gắng mà không thành công để thay đổi Luật tạng (Vinaya), một nhóm nhỏ của những bậc "Trưởng Tọa", tức Sthaviras, đã tách ra khỏi phần nhiều số Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika) trong lúc Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ hai, dẫn đến việc dựng lên Sthaviravada. Đến Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ ba tại Pataliputra, phái này được gọi là Phân tích bộ (Vibhajyavada, cũng gọi là phân biệt thuyết bộ). Theravadin (Nguyên Thủy giáo đồ) theo những thông tin có nguồn gốc riêng của mình kể rằng điều đó đã nhận lấy những sự giáo huấn được tán thành vào lúc trong Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ ba dưới sự bảo trợ của Hoàng đế Ấn Độ là A-dục vương, khoảng năm 250 TCN. Những lời giáo huấn này được biết đến là Phân Biệt Thuyết bộ. Những giáo đồ Phân Biệt Thuyết bộ đều lần lược chia tách ra bốn nhóm: Hóa Địa bộ (Mahīśāsaka), Ẩm Quang bộ (Kāśyapīya), Pháp Tạng bộ (Dharmaguptaka), và Đồng Diệp bộ (Tāmraparṇīya). Phật giáo Nguyên Thủy là xuất gốc từ phái Đồng Diệp bộ, đó có nghĩa "Dòng dõi người Sri Lanka." Vào thế kỷ thứ VII SCN, các du tăng Trung Quốc là sư Huyền Trang và Nghĩa Tịnh có nhắc đến các trường phái Phật giáo ở Sri Lanka là Shàngzuòbù (上座部, Thượng tọa bộ), tương ứng với tiếng Sanskrit là "Sthavira Nikāya" và tiếng Pali là "Thera Nikāya.". Trường phái này đã sử dụng chính cái tên Theravāda dưới dạng văn bản ít nhất từ thế kỷ thứ IV, thuật ngữ này được xuất hiện trong Đảo sử (Dīpavaṁsa). === Truyền đến Sri Lanka === Theo nhà học giả Phật giáo A.K. Warder, thì Phật giáo Nguyên Thủy: ... nhanh chóng lan rộng về phía nam từ Avanti vào Maharastra và Andhra và xuống đến nước Chola (Kanchi), cũng như ở Tích Lan. Trong một thời gian họ tự mình nắm giữ ở Avanti cũng như các vùng lãnh thổ mới của họ, nhưng dần dần họ có xu hướng tự mình tụ tập lại ở miền nam, tòa Đại Xá (Mahavihara) ở Anuradhapura, kinh đô của nước Tích Lan, trở thành trung tâm chính về tín ngưỡng lưu truyền của họ, còn Kanchi là trung tâm thứ cấp và ở vùng phía bắc dường như đã từ bỏ các trường phái khác. xxxxnhỏ|Tượng Phật Thích Ca lối Gandhara, Phật giáo Nguyên thủy]] Theo như biên niên sử Pali của truyền thống người Sinhala, Phật giáo lần đầu tiên được đưa đến Sri Lanka do vị A-la-hán là Ma-hi-đà (Mahinda), người được cho là con trai của đức vua A-dục vương - vua của Đế quốc Maurya, ở thế kỷ thứ III TCN, một phần của dhammaduta (người truyền giáo) hoạt động vào thời vua A-dục. Ở Sri Lanka, ngài A-la-hán Ma-hi-đà đã thành lập Tu viện Đại Xá của Anuradhapura. === Phân nhánh phái Nguyên Thủy === Khoảng 300 năm sau khi Gautama qua đời, những bất đồng về quan niệm trong Thượng tọa bộ khiến cho bộ này bắt đầu phân phái. Thuyết nhất thiết hữu bộ (Saivàstivàdàh), gọi tắt là Hữu bộ, cũng có tên khác là Thuyết nhân bộ (Hetuvàdàh) do Katyayaniputra sáng lập. Phái này đề cao luận tạng. Phái này nhanh chóng phát triển, lấn lướt phái gốc và chiếm căn cứ của phái gốc, khiến cho phái gốc phải chuyển căn cứ đến núi Tuyết Sơn và từ đó Thượng tọa bộ gốc được gọi là Tuyết Sơn bộ (Haimavàtàh). Ðộc Tử bộ (Vatsipatriyàli): tách ra từ Thuyết nhất thiết hữu bộ. Phái này chủ trương tập trung vào Pháp uẩn túc luận tương truyền do Xá-lợi-phất biên soạn. Sau do bất đồng quan điểm trong Độc Tử bộ về một bài kệ liên quan đến quả Thánh trong Pháp uẩn túc luận, từ Độc Tử bộ lại hình thành 4 phái kế tiếp. Pháp Thượng bộ (Dharmottariyàh), Hiền trú bộ (Dhadrayàniyàh), Chánh lượng bộ (Sammitiyàh) Mật lâm sơn bộ (Sandagirikàh) Hóa Ðịa bộ (Mahìsarakàh), cũng tách ra từ Thuyết nhất thiết hữu bộ, Pháp Tạng bộ (Dharmaguptakàh), tách ra từ Hóa Địa bộ, Ẩm Quang bộ (Kàsyapiyàh), cũng tách ra từ Thuyết nhất thiết hữu bộ, Kinh lượng bộ (Sautràntikàh) hay còn có tên khác là Thuyết chuyển bộ (Samkràntivàdàh), cũng tách ra Thuyết nhất thiết hữu bộ. Trong hơn nhiều về lịch sử đầu tiên ở Sri Lanka, ba phân khu của Phật giáo Nguyên Thủy còn tồn tại ở Sri Lanka, bao gồm các tu sĩ của phái Đại Tự (Mahāvihāra), Tịnh xá Abhayagiri, và Tịnh xá Kỳ Viên. Tòa Đại Tự là nơi truyền bá đầu tiên được xây dựng, trong khi đó tịnh xá Abhayagiri and tịnh xá Kỳ Viên được thành lập do các nhà sư bị tan ra từ tín truyền Mahāvihāra (Đại Xá). Theo như A.K. Warder, phái Hóa Địa bộ Ấn Độ cũng đã tự thành lập ở Sri Lanka cùng với phái Theravāda, và chúng được tiếp thụ sau này. Khu vực phía bắc của Sri Lanka dường như cũng đã nhường lại cho các thể phái từ Ấn Độ trong thời gian nhất định. Khi nhà sư Trung Quốc là Pháp Hiển du hành thăm hòn đảo này vào những năm đầu thế kỷ thứ V, ông lưu ý 5000 nhà sư ở Abhayagiri, 3000 nhà sư ở Đại Tự và 2000 nhà sư ở tịnh xá Cetiyapabbata. === Ảnh hưởng của Phật giáo Đại Thừa === Qua nhiều thế kỷ, những Nguyên Thủy giáo đồ ở Abhayagiri đã duy trì chặt chẽ mối quan hệ với những tín đồ Phật giáo Ấn Độ và thu nhận nhiều giáo lý mới mẻ từ Ấn Độ. bao gồm nhiều yếu tố của giáo lý Đại thừa, trong khi những Nguyên Thủy giáo đồ tịnh xá Kỳ Viên tiếp thu Đại-thừa ở mức độ ít hơn. Huyền Trang đã viết về hai sự phân chia của Nguyên Thủy giáo ở Sri Lanka, đề cập đến truyền thống của Abhayagiri là "Những người Thượng tọa bộ Đại Thừa," và truyền thống của phái Đại Tự là "Tiểu thừa Thượng tọa bộ." Huyền Trang còn tiếp tục viết rằng: Những người phái Đại Tự (Mahāvihāravāsins) đã từ chối Phật giáo Đại Thừa và thực hành Tiểu Thừa, trong khi những người Abhayagiri đã học tập cả giáo lý của Đại Thừa và Tiểu Thừa cùng việc truyền bá Tam tạng. Akira Hirakawa có những ghi chú rằng những chú luận Pāli còn được tồn tại (Aṭṭhakathā) của trường phái Mahāvihāra, khi đã có sự duyệt kiểm chặt chẽ, cũng bao gồm một số các vị trí có sự ăn khớp với giáo lý Đại Thừa. Kalupahana cũng ghi chú những tương tự về Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga), là chú dẫn của Theravāda mang tính quan trọng nhất. Trong thế kỷ thứ VIII, được biết rằng cả Đại Thừa và phái bí truyền Kim cương thừa (Vajrayāna) - hình thức của đạo Phật đã được thực hành ở Sri Lanka, và hai nhà sư Ấn Độ có trách nhiệm truyền bá Phật giáo Bí Truyền tại Trung Quốc là Kim Cương Trí (Vajrabodhi) và Bất Không Kim Cương (Amoghavajra), đã từng đến thăm hòn đảo trong suốt thời gian này. Tinh xá Abhayagiri có vẻ như là nơi trung tâm gộp những giáo lý của Nguyên Thủy, Đại Thừa và Kim Cương Thừa. === Bãi bỏ các truyền thống Phái Nguyên Thủy khác === Một số học giả cho rằng những người lãnh đạo của Sri Lanka đã bảo đảm rằng Theravāda vẫn giữ nguyên truyền thống, và điều này có đặc điểm tương phản với Phật giáo Ấn Độ. Tuy nhiên, trước thế kỷ XII, nhiều nhà lãnh đạo của Sri Lanka đã đem sự ủng hộ và bảo trợ cho những người Thượng tọa bộ ở Abhayagiri, và những du khách ví như Pháp Hiển thấy được phái Thượng tọa bộ Abhayagiri như đã trở thành truyền thống Phật giáo chính Sri Lanka. Khuynh hướng của tịnh xá Abhayagiri trở thành phái Theravāda chiếm ưu thế đã thay đổi ở thế kỷ XII, khi phái Đại Tự được sự hỗ trợ về chính trị của nhà vua Parakkamabāhu I (1153–1186), và hoàn toàn bãi bỏ các truyền thống Nguyên Thủy giáo của Abhayagiri và Kỳ Viên. Các nhà sư Theravāda của hai truyền thống này sau đó bị buộc phải hoàn tục và định sẵn sự chọn lựa về điều hướng thành người thế tục vĩnh viễn, hoặc cố gắng để tái phối theo truyền thống phái Đại Tự như "Sa-di" (sāmaṇera). === Ni giới === === Lan đến Đông Nam Á === === Hiện đại hóa và lan rộng đến Tây phương === Vào thế kỷ XIX đã bắt đầu có một quá trình ảnh hưởng lẫn nhau của cả hai bên giữa phái Thượng tọa bộ châu Á và một nhóm khán giả phương Tây quan tâm đến nền minh triết cổ xưa. Đặc biệt, Helena Blavatsky và Henry Steel Olcott, những người sáng lập ra Hội Thông Thiên học (hay Hiệp hội Thần Trí học) đã có một vai trò sâu sắc trong quá trình này. Ở các nước Theravāda, loại Thiền Minh Sát được thực hành phát triển. Từ những năm 1970 về sự quan tâm của Phương Tây đã quay hướng đến sự phát triển của cái gọi là phong trào Thiền Minh sát ở Tây phương. == Sự khác biệt giáo lý với các trường phái khác == === Các bậc A-la-hán là hoàn hảo === Phái Đại chúng bộ cho rằng A-la-hán còn có thoái lui, trong khi phái Nguyên Thủy Thượng tọa bộ cho rằng các A-la-hán có một "thể tính cao khiết". === Quán sát là bất ngờ và hoàn toàn === Theo như Nguyên Thủy Thượng tọa bộ, "những tiến bộ trong hiểu biết đến đồng lúc, 'sự nhìn thấu bên trong sự vật' (Hiện Quán, abhisamaya) không phải là đến 'dần dần' (liên tiếp - anapurva)". Điều này được phản ánh ở trong bản cáo của Theravada trên Tứ thánh quả, trong đó sự đạt được bốn thánh quả này xuất hiện bất ngờ, và những uế nhiễm cũng được xả bỏ ra cùng lúc. Lập trường tương tự cũng đã được ứng dụng ở phong trào Thiền Minh sát hiện nay, đặc biệt với cái gọi là "Tân Miến Điện Pháp". === Các Pháp === == Các lễ hội và phong tục == Lễ trăng tròn (Magha Puja). Lễ Phật Đản (Vesakha Puja). Asalha Puja Lễ Bố Tát (Uposatha). An cư kết hạ (Vassa, ẩn mưa) == Danh sách các nước đa phần theo Thượng tọa bộ == == Sưu tập == = = == Ghi chú == == Tham khảo == === Sách tham khảo === === Trang web tham khảo === == Nguồn == == Liên kết ngoài == General Access to Insight - Readings in Theravāda Buddhism BuddhaNet - World Buddhist directory & information resource Sadhu! - Theravāda Web Directory Thailand DhammaTalks.net - A Collection of Theravāda Resources Burma Nibbana.com - A Collection of Theravāda Resources Western Theravāda Spirituality in the West Dhamma talk downloads at Dharma Seed - A vast collection of Theravāda Dhamma Talks from over 40 centers worldwide Saranaloka Foundation - Supporting nuns in America (Thai Forest tradition; Ajahn Sumedho lineage) Practice Mahasi Sayadaw, The Progress of Insight (Visuddhiñana-katha) Critical David Chapman, Theravāda reinvents meditation David Chapman, The King of Siam invents Western Buddhism S. Dhammika, The Broken Buddha/Critical Reflections on Theravāda and a Plea for a New Buddhism == Xem thêm == Tiểu thừa
tài phán.txt
Tài phán được hiểu là toàn bộ các hoạt động, hành vi của tổ chức, cơ quan hay cá nhân có thẩm quyền theo luật định trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp pháp lý. Quyền tài phán là quyền năng theo pháp luật, phù hợp với pháp luật và được pháp luật bảo hộ. Quyền tài phán theo pháp luật là dạng quyền tài phán do pháp luật đặt ra. Cũng có thể đó là quyền tài phán không phải được pháp luật trực tiếp lập ra nhưng được quy phạm pháp luật cho phép các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền lập ra. Hành vi tài phán là hành vi của cá nhân hoặc tổ chức, hoặc cơ quan có quyền tài phán. Hành vi tài phán được đặt trong phạm vi, bối cảnh nhất định, tức là có giới hạn. Thể chế tài phán là các quy tắc pháp lý, bao gồm các quy tắc nền tảng và các quy tắc nội dung về tài phán, ở cả diện rộng hoặc hẹp (bao trùm hoặc trong phạm vi một lĩnh vực). Thiết chế tài phán là cơ cấu vật chất của tài phán. Nó chỉ rõ ai là "chủ thể" của tài phán, mang quyền tài phán. Theo tính chất, tài phán có hai dạng chính: tài phán bắt buộc và tài phán tự nguyện. Theo phương thức pháp lý có hai dạng: Toà án và Trọng tài. == Tham khảo ==
độ cứng vickers.txt
Phép kiểm tra độ cứng Vickers đã được phát triển năm 1921 bởi Robert L. Smith và George E. Sandland tại Vickers Ltd, là một sự thay thế cho phương pháp Britnell để đo độ cứng của vật liệu. Phép kiểm tra Vickers thường dễ sử dụng hơn các phép kiểm tra độ cứng khác, vì các phép tính cần thiết thì độc lập với kích thước của indenter, và indenter có thể được sử dụng cho mọi vật liệu bất kể độ cứng của nó. Nguyên tắc cơ bản, cũng như tất cả các biện pháp đo độ cứng thông thường, là quan sát khả năng chống lại biến dạng dẻo của vật liệu đang tìm hiểu, từ một nguồn tiêu chuẩn. Phép kiểm tra Vickers có thể được sử dụng cho tất cả các kim loại, và là một trong những phép kiểm tra độ cứng có quy mô rộng nhất. Các đơn vị của độ cứng được đưa ra bởi phép đo là Vickers Pyramid Number (HV) hoặc Diamond Pyramid Hardness (DPH). Chỉ số độ cứng có thể được chuyển đổi sang đơn vị pascals, nhưng không nên nhầm lẫn với áp suất, đại lượng cũng có đơn vị là pascals. Chỉ số độ cứng được quyết định bởi trọng lượng trên diện tích bề mặt của vết lõm chứ không phải là phần diện tích chịu lực, và do đó không phải là áp suất. == Tiến hành == Hình dạng của indenter phải đảm bảo sao cho tạo ra các vết lõm có dạng hình học tương tự nhau, không phân biệt kích thước; và indenter nên có sức đề kháng cao đối với sự tự biến dạng. Một kim tự tháp hình kim cương có đế hình vuông thoả mãn những điều kiện này. Chỉ số HV được xác định bởi tỉ lệ F/A, trong đó F là lực ép của kim cương với đơn vị kilograms-force và A là diện tích bề mặt của vết lõm còn lại, đơn vị milimét vuông. Diện tích bề mặt có thể được xác định theo công thức. A = d 2 2 sin ⁡ ( 136 ∘ / 2 ) , {\displaystyle A={\frac {d^{2}}{2\sin(136^{\circ }/2)}},} Lấy gần đúng giá trị của sin sẽ cho A ≈ d 2 1.8544 , {\displaystyle A\approx {\frac {d^{2}}{1.8544}},} trong đó d là chiều dài trung bình của đường chéo để lại bởi indenter, đơn vị mm. Do đó, H V = F A ≈ 1.8544 F d 2 [ kgf/mm 2 ] {\displaystyle HV={\frac {F}{A}}\approx {\frac {1.8544F}{d^{2}}}\quad [{\textrm {kgf/mm}}^{2}]} , với F có đơn vị kgf và d có đơn vị mm. Đơn vị tương ứng của HV vì thế là kilograms-force trên milimet vuông (kgf/mm2). Để tính chỉ số độ cứng Vickers trong hệ SI ta cần phải chuyển áp lực từ newton sang kilograms-force bằng cách chia cho 9.80665 (trọng lực tiêu chuẩn). Điều này dẫn đến phương trình sau đây: H V ≈ 0.1891 F d 2 [ kgf/mm 2 ] , {\displaystyle HV\approx {0.1891}{\frac {F}{d^{2}}}\quad [{\textrm {kgf/mm}}^{2}],} trong đó F có đơn vị N và d có đơn vị mm. Một lỗi phổ biến là công thức trên tính chỉ số HV không cho kết quả là một số có đơn vị Newton trên milimet vuông (N/mm 2), nhưng cho kết quả trực tiếp là chỉ số độ cứng Vickers (thường không có đơn vị), mà trên thực tế là kilograms-force trên milimet vuông (kgf/mm2). Để chuyển đổi chỉ số độ cứng Vickers sang các đơn vị SI chỉ số độ cứng với đơn vị kilograms-force trên milimet vuông (kgf/mm2) phải được nhân với trọng lực tiêu chuẩn (9.80665) để có độ cứng ở đơn vị MPa (N/mm2), và chia tiếp cho 1000 để có độ cứng ở đơn vị GPa. Chỉ số độ cứng Vickers được viết là xxxHVyy, ví dụ: 440HV30, hoặc xxxHVyy/zz nếu thời gian giữ của áp lực nó không nằm trong khoảng 10 đến 15 giây, ví dụ như 440Hv30/20, trong đó: 440 là chỉ số độ cứng, HV chỉ thang đo độ cứng (Vickers), 30 chỉ trọng tải được sử dụng, đơn vị kgf. 20 chỉ thời gian tải nếu nó không nằm trong khoảng 10 - 15 s Giá trị Vickers thường độc lập với lực đo: sẽ như nhau với cả lực đo 500 và 50 kgf, chừng nào mà lực đo lớn hơn 200 gf. Đối với mẫu mỏng độ sâu indentation co thể là một vấn đề do các ảnh hưởng của mặt đế. Theo kinh nghiệm bề dày mẫu nên lớn hơn 2,5 lần đường kính vết lõm. Độ sâu vết lõm sắc có thể được tính theo: == Tham khảo == == Đọc thêm == Meyers and Chawla (1999). “Section 3.8”. Mechanical Behavior of Materials. Prentice Hall, Inc. ASTM E92: Standard method for Vickers hardness of metallic materials (Withdrawn and replaced by E384-10e2) ASTM E384: Standard Test Method for Knoop and Vickers Hardness of Materials ISO 6507-1: Metallic materials – Vickers hardness test – Part 1: Test method ISO 6507-2: Metallic materials – Vickers hardness test – Part 2: Verification and calibration of testing machines ISO 6507-3: Metallic materials – Vickers hardness test – Part 3: Calibration of reference blocks ISO 6507-4: Metallic materials – Vickers hardness test – Part 4: Tables of hardness values ISO 18265: Metallic materials – Conversion of Hardness Values == Liên kết ngoài == Video on the Vickers hardness test Vickers hardness test Conversion table – Vickers, Brinell, and Rockwell scales
tiếng cám.txt
Cám ngữ (赣语/贛語 Gan huà) còn gọi là Giang Tây thoại (江西话, Jiāngxī huà; Gan: Kongsi ua) là một trong những nhóm chính của văn nói Trung Quốc, một thành viên của hệ ngôn ngữ Hán-Tạng. Có khoảng 48 triệu người nói tiếng Cam. Những người nói tiếng Cám sống tập trung ở tỉnh Giang Tây cũng như Tây Bắc Phúc Kiến và một vài nơi ở An Huy và Hồ Bắc ở Trung Hoa Đại lục. Tiếng Cám có các phương ngữ tiêu biểu như phương ngữ Nam Xương. Tên gọi "Cám" xuất phát từ tên rút ngắn của tỉnh Giang Tây (nơi sông Cám chảy qua). Thời Tần, nhiều quân lính phương Bắc di chuyển xuống phía Nam khi chinh phạt các nước Bách Việt. Một lượng lớn người Hán đến định cư ở Giang Tây. == Tham khảo ==
đấu vật.txt
Đấu vật là môn thể thao tác chiến giữa hai đối thủ cố gắng kềm chế đối phương bằng cách nắm, kéo, vặn, đè, v.v... nhưng không được trực tiếp đấm hay đá. Tùy theo luật lệ của từng địa phương, bàn thắng về tay người dự giải nào chiếm được nhiều ưu điểm: bằng các đè ngửa đối phương, hoặc đối phương chịu thua hay bị đẩy ra ngoài vòng thi đấu. Những vận động viên tham gia môn thể thao này được gọi là các đô vật. Đấu vật là môn thể thao có lịch sử lâu đời, tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới và có nhiều biến thể khác nhau. == Đấu vật tại Việt Nam == === Thông tin chung === Tại Việt Nam,đấu vật là một trò chơi dân gian mang tính cổ truyền ở hầu hết các tỉnh miền Bắc. Các làng nổi tiếng với môn vật là:Trung Mầu (Gia Lâm), Vị Thanh (Vĩnh Yên). Mai Động (Hà Nội), Thức Vụ (Nam Định), Phong Châu, Đoan Hùng (Vĩnh Phú)... Tại Việt Nam,một trân đấu có hai người vật nhau gọi là một keo vật, những thế vật gọi là "miếng". Một đô vật giỏi, không chỉ cần khỏe mà cần nhanh nhẹn để có thể thi thố những miếng vật bất ngờ mới đủ hạ được đối phương. Theo phong tục Việt Nam(gọi là lệ), muốn thắng phải vật cho đối phương "ngã ngựa trắng bụng" hay "lấm lưng trắng bụng" hoặc nhấc bổng được đối phương lên. Vật tại Việt Nam thường tổ chức dưới dạng các hội vật vào tháng Giêng âm lịch. Vật có nhiều giải phụ và ba giải chính. Những giải phụ gọi là giải hàng dành cho ai thắng một keo vật bất kỳ. Những giải chính hàng năm đều có người giữ với điều kiện người đó phải thắng trong suốt thời gian mở hội. Người phá giải là người vật thắng người giữ giải năm trước, tuy nhiên phải vật ngã thêm một số đô vật tham gia khác thì mới gọi là thắng giải. === Diễn biến chung của một keo vật === Đô vật khi dự vật mình trần trùng trục và chỉ đóng một chiếc khố. Trước khi vật, hai đối thủ cùng nhau lên đài, múa tay co chân, đi lại rình miếng lẫn nhau. Sau đó hộ xông vào nhau ôm lấy nhau mà vật. Có hai người làm nhiệm vụ phất cờ và đánh trống trong lúc các đối thủ vật nhau. Người đánh trống cầm một chiếc trống khẩu ghé vào tai các lực sĩ đánh ba tiếng một như để khuyến khích thúc giục. Người phất cầm cờ cán dài để ngăn cản người xem khỏi lấn vào sân vật và phất cờ theo nhịp trống khi có người thắng cuộc để cổ động người thắng. Lúc vật, khi biết mình bị " bắt bài" (gọi là lỡ miếng), đô vật liền nằm bò sát đất, mặc cho đối phương vằn bốc nhằm tránh bị nhấc khỏi mặt đất, và chỉ nhổm dậy khi đối phương hở cơ. Hai loại tấn công chủ đạo của vật Việt Nam là những miếng ngáng, miếng đệm làm cho đối phương ngã xuống và những miếng bốc để nhấc bổng đối thủ lên. Đối với ba giải chính, phá xong mỗi giải, hoặc do người giữ giải đã vật đủ số người theo lệ định, hoặc do người phá giải đã toàn thắng, dân làng thường đốt một bánh pháo toàn hồng để mừng. === Tín ngưỡng === Theo truyền thuyết, Bà Lê Chân nữ tướng tiên phong của Hai Bà Trưng, xưa kia đã dùng môn vật để tuyển binh, tuyển tướng. Vì vậy, làng Mai Động, mỗi khi mở hội vật đều có làm lễ xin phép Bà và đồng thời để nhắc nhở lại những kỷ niệm của Bà Lê Chân thuở trước. == Đấu vật biểu diễn == Xem thêm thông tin: Đấu vật chuyên nghiệp === Đấu vật biểu diễn kiểu Mỹ === Đấu vật biểu diễn kiểu Mỹ được tổ chức bởi các công ty như WWE, TNA và ROH. Nó được dựa trên nền tảng của đấu vật truyền thống. Các trận đấu đều mang tính biểu diễn sân khấu, với các câu chuyện kịch tính về các mối thù giữa các đô vật, được phát triển và biểu diễn nhằm xây dựng và quảng bá cho trận đấu. === Đấu vật biểu diễn kiểu Nhật Bản (Puroresu) === Đấu vật biểu diễn kiểu Nhật Bản, hay còn được biết tới với cái tên puroresu, được coi như một môn thể thao đối kháng hơn là phong cách biểu diễn đấu vật thường thấy ở Bắc Mỹ. Các cốt truyện và góc độ ít hơn và không giả tạo. Các trận đấu mang không khí của một trận thi đấu vật thực thụ. Các kỹ thuật, bao gồm cả vật cổ truyền hay vật tự do được sử dụng cho các đòn đánh kiểu võ thuật hay các đòn khóa phức tạp. Chính vì vậy, các đô vật thường dễ bị chấn thương hơn. Các đô vật Nhật Bản nổi tiếng gồm cóRikidozan, Giant Baba, Antonio Inoki, Mitsuharu Misawa, Kenta Kobashi, Shinya Hashimoto và Keiji Mutoh. === Đấu vật biểu diễn kiểu Mexico (Lucha libre) === Đấu vật biểu diễn kiểu Mexico, hay còn được biết tới với cái tên lucha libre, là phong cách đấu vật sử dụng các đòn giữ đặc biệt. Các đô vật, được gọi chung là luchadores (số ít luchador), bắt đầu sự nghiệp bằng việc đeo mặt nạ, nhưng hầu hết sẽ bị lột mặt nạ trong sự nghiệp của mình. Thường các trận đấu được chia làm ba hiệp, không có giới hạn thời gian. Mỗi luchador sử dụng phong cách đấu vật riêng hay "estilo de lucha", bao gồm các đòn thế trên không, các đòn cận chiến và đòn khóa phức tạp. Các luchadores nổi tiếng ở Mexico và Puerto Rico là El Santo,Blue Demon, Mil Máscaras, Perro Aguayo, Carlos Colón, Konnan, La Parka và Místico. Nhiều đô vật biểu diễn ở Mexico cũng thành công ở Mỹ như Eddie Guerrero, Rey Mysterio (Jr.) và Dos Caras Jr./Alberto Del Rio. == Đấu vật tại Nhật Bản (Sumo) == Sumo (tiếng Nhật: 相撲 hoặc すもう, đọc là Xư-mô) là một môn võ cổ truyền của Nhật Bản. Hai lực sĩ sumo sẽ phải đấu với nhau trong một vòng tròn gọi là dohyo (土俵) có đường kính khoảng 4,55 mét (hay 15 shaku theo đơn vị đo chiều dài ở Nhật Bản). Lực sĩ nào bị ngã trong vòng tròn trước hay bị đẩy khỏi vòng tròn trước là người thua cuộc. == Thành tích tại các thế vận hội == Những người đoạt huy hương giải đấu vật hạng nặng (96 kg) == Chú thích == == Liên kết ngoài == Luật thi đấu vật trung học Hoa Kỳ
đặc khu hành chính.txt
Khu hành chính đặc biệt (Đặc khu Hành chính) là một vùng đất có thể vẫn còn đang nằm trong vòng tranh chấp hoặc nằm gọn trong một quốc gia nào đó nhưng có sự phát triển vượt bậc về kinh tế. Hồng Kông là một ví dụ, vùng này trước đây là nhượng địa của nhà Thanh cho Đế quốc Anh và đã được trao trả lại cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau thời hạn 100 năm. Danh sách các đặc khu hành chính trên thế giới == Cộng hòa nhân dân Trung Hoa == Hồng Kông Ma Cao == Bắc Triều Tiên == Sinŭiju Kumgangsan Kaesong == Indonesia == Aceh, vùng đặc biệt với tên Nanggroe Aceh Darussalam (Đặc khu hành chính Aceh) Đông Timor (bây giờ là một quốc gia độc lập) Yogyakarta, Đặc khu hành chính Yogyakarta (đây là tỉnh duy nhất ở Indonesia với có người đứng đầu là một tiểu vương) Papua (đã được đề nghị, bây giờ là một tỉnh) == Philippines == Đặc khu hành chính Cordillera (bắt đầu từ năm 1987) == Tham khảo ==
tốc độ.txt
Trong vật lý học, tốc độ là độ nhanh chậm của chuyển động, là độ lớn vô hướng của vận tốc. Cụ thể, đối với chuyển động thẳng đều, tốc độ bằng tỷ số giữa độ lớn quãng đường di chuyển chia cho thời gian cần đi quãng đường đó. Đối với chuyển động nói chung, nó là độ lớn của đạo hàm véc-tơ vị trí theo thời gian. Như vậy thứ nguyên của đại lượng vật lý này là khoảng cách/thời gian. Tốc độ được đo bằng cùng đơn vị đo với vận tốc, nhưng không chứa thông tin về hướng chuyển động. Ví dụ: tốc độ vũ trụ cấp 1 với Trái Đất là 7,9 km/s tốc độ ánh sáng khoảng 300.000 km/s. == Ý nghĩa trong cuộc sống == Trong cuộc sống, tốc độ cũng dùng để chỉ mức độ nhanh chậm của một hoạt động như khi nói tốc độ xử lý công việc của anh ta rất tốt, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước X là rất cao hoặc cô ta đánh máy thật là tốc độ. Từ này cũng chỉ môn chơi đua xe trong câu nói như những kẻ có máu tốc độ. == Xem thêm == vận tốc == Tham khảo ==
azerbaijan.txt
Azerbaijan (phiên âm Tiếng Việt: A-déc-bai-gian hoặc A-déc-bai-dan; tiếng Azerbaijan: Azərbaycan Respublikası), tên chính thức Cộng hoà Azerbaijan (tiếng Azerbaijan: Azərbaycan Respublikası), là một quốc gia vùng Kavkaz ở Âu Á. Nằm trên ngã tư đường giữa Đông Âu và Tây Á, nước này giáp với Biển Caspia ở phía đông, Nga ở phía bắc, Gruzia ở phía tây bắc, Armenia ở phía tây và Iran ở phía nam. Cộng hoà Tự trị Nakhchivan (một lãnh thổ tách rời khỏi mẫu quốc của Azerbaijan) giáp biên giới với Armenia ở phía bắc và phía đông, Iran ở phía nam và phía tây và Thổ Nhĩ Kỳ ở phía tây bắc. Vùng Nagorno-Karabakh ở phía tây nam Azerbaijan bị Armenia chiếm năm 1991. Azerbaijan là một quốc gia thế tục, và là một thành viên của Hội đồng châu Âu từ năm 2001, một đối tác của Chính sách Láng giềng châu Âu của Liên minh châu Âu từ năm 2006, một Đối tác vì Hoà bình của NATO từ năm 1994, và một thành viên của Đối tác Cá nhân Kế hoạch Hành động của NATO từ năm 2004 và là một thành viên của Khối thịnh vượng chung các Quốc gia Độc lập từ năm 1991. Người Azerbaijan (hay đơn giản là Azeris) là nhóm sắc tộc đa số, đa số họ (khoảng 85%) theo truyền thống trung thành với dòng Hồi giáo Shi'a. Số còn lại là tín đồ dòng Hồi giáo Sunni. Các tôn giáo khác gồm Chính thống Nga (1.3%), Tông đồ Armenia (1.3%), khác (5%). Theo chính thức, nước này là một nền dân chủ đang hình thành, nhưng với quyền tự trị mạnh. Azerbaijan lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 23 tháng 9 năm 1992. == Từ nguyên và sử dụng == Cái tên Azerbaijan được cho là bắt nguồn từ Atropates, vị Satrap (tổng trấn) Media tại đế chế Achaemenid, người đã cai trị một vùng tại Iran Azarbaijan hiện đại được gọi là Atropatene. Cái tên Atropate được cho là có nguồn gốc từ từ tiếng Ba Tư cũ có nghĩa "bảo vệ bởi lửa." Cái tên cũng được đề cập trong Frawardin Yasht Avesta: âterepâtahe ashaonô fravashîm ýazamaide dịch nghĩa là: Chúng ta thờ cúng Fravashi của Atare-pata linh thiêng. == Lịch sử == Những người dân định cư sớm nhất được biết tại Azerbaijan ngày nay là người Caucasian Albania, một tộc người nói ngôn ngữ Caucasia có lẽ đã tới vùng này trước những sắc tộc cuối cùng sẽ chinh phục vùng Caucasus. Theo lịch sử Azerbaijan từng là nơi sinh sống của nhiều bộ tộc, gồm Ba Tư, Armenia, Hy Lạp, La Mã, Ả Rập, Turk, Mông Cổ và Nga. Ngôn ngữ Turkic xuất hiện ở vùng Azerbaijan như kết quả của cuộc di cư vĩ đại của người Turk tới Tiểu Á ở thế kỷ 11. Vương quốc đầu tiên xuất hiện trên lãnh thổ ngày nay là Cộng hoà Azerbaijan là Mannae ở thế kỷ thứ 9 trước Công Nguyên, tồn tại đến tận năm 616 trước Công Nguyên khi nó trở thành một phần của Đế chế Median, sau này sẽ trở thành một phần của Đế chế Ba Tư năm 549 trước Công Nguyên. Lãnh thổ phó vương Caucasian Albania được thành lập ở thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên và gồm xấp xỉ những lãnh thổ ngày nay là quốc gia Azerbaijan cùng những phần phía nam Dagestan. Đạo Hồi nhanh chóng phát triển trong vùng Azerbaijan sau những cuộc chinh phục của người Ả Rập trong thế kỷ thứ bảy và thứ tám. Sau khi quyền lực của Khalifate Ả Rập suy tàn, nhiều quốc gia bán độc lập được thành lập, vương quốc Shirvanshah là một trong số đó. Ở thế kỷ 11, lực lượng chinh phục Seljuk Turks trở thành lực lượng hùng mạnh tại Caucasus và dẫn tới việc thành lập một Azerbaijanis tạm thời theo ngôn ngữ. Ở thế kỷ 13 và 14, đất nước này phải chịu những cuộc xâm lược Mông Cổ-Tatar. Sau triều đại Safavid, Azerbaijan trải qua một giai đoạn phân chia phong kiến ngắn ở giữa thế kỷ 18 tới đầu thế kỷ 19, và gồm các vương quốc độc lập dưới quyền các khan. Sau hai cuộc chiến giữa Đế chế Iran Qajar, cũng như Ganja, Guba, Baku và các vương quốc Khan độc lập khác cùng Đế chế Nga, vùng Caucasus bị người Nga chiếm đóng theo Hiệp ước Gulistan năm 1813, và Hiệp ước Turkmenchay năm 1828, và nhiều hiệp ước khác trước đó giữa các Sa hoàng Nga và các Khan trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 19. Năm 1873, dầu mỏ được tìm thấy tại thành phố Baku, thủ đô tương lai của Azerbaijan. Tới đầu thế kỷ 20 hầu như một nửa lượng dầu cung cấp trên thế giới bắt nguồn từ Azerbaijan. Sau sự sụp đổ của Đế chế Nga trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Azerbaijan cùng Armenia và Georgia trở thành một phần của Cộng hòa Dân chủ Liên bang Transcaucasian có thời gian tồn tại ngắn ngủi. Khi nước cộng hòa giải tán tháng 5 năm 1918, Azerbaijan tuyên bố độc lập với cái tên Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan. Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan là chế độc cộng hòa Hồi giáo nghị viện đầu tiên trên thế giới và chỉ tồn tại trong 2 năm, từ 1918 tới 1920, khi các lực lượng Hồng Quân Xô viết xâm chiếm Azerbaijan. Tháng 3 năm 1922, Azerbaijan, cùng Armenia và Gruzia, trở thành một phần của Transcaucasian SFSR bên trong Liên bang Xô viết mới được thành lập. Năm 1936, TSFSR bị giải tán và Azerbaijan trở thành một nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết với cái tên Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Azerbaijan. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Phát xít Đức xâm lược Liên bang Xô viết. Mục tiêu chủ yếu trong Chiến dịch Edelweiss của Adolf Hitler là chiếm thủ đô Baku giàu dầu mỏ của Azerbaijan. Vì nỗ lực chiến tranh, những người thợ dầu khí Xô viết bị buộc làm việc không nghỉ còn các công dân khác đi đào hầm hào cùng các vật cản chống tăng nhằm ngăn cản nguy cơ một cuộc tấn công của quân thù. Tuy nhiên, chiến dịch Edelweiss đã không thành công. Quân đội Đức ban đầu bị kìm chân tại những dãy núi vùng Kavkaz, sau đó bị đánh bại hoàn toàn trong Trận Stalingrad. Năm 1990, người Azerbaijan tập hợp lực lượng phản đối quyền quản lý Xô viết và thúc đẩy giành độc lập. Những cuộc biểu tình đã bị người Xô viết can thiệp đàn áp dã man trong cái mà hiện họ gọi là Tháng 1 Đen. Năm 1991, Azerbaijan tái lập quyền độc lập sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết. Những năm đầu độc lập bị bao phủ bóng đen bởi một cuộc chiến tranh với Armenia và những người Armenia ly khai về vùng Nagorno-Karabakh. Dù đã có một thỏa thuận ngừng bắn từ năm 1994, Azerbaijan vẫn chưa giải quyết được cuộc xung đột này với Armenia. Từ khi cuộc chiến chấm dứt, Azerbaijan đã mất quyền kiểm soát 14% lãnh thổ gồm cả Nagorno-Karabakh. Vì cuộc xung đột này, cả hai nước đều phải đối đầu với những vấn đề người tị nạn và tình trạng chuyển dịch chỗ ở trong nước cũng như các khó khăn kinh tế. Cựu lãnh đạo Xô viết người Azerbaijan Heydar Aliyev đã tìm cách khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ phong phú tại Baku. Dù Aliyev đã cố gắng giảm tối đa số lượng người thất nghiệp trong nước, nguồn thu từ dầu mỏ vẫn chủ yếu rơi vào tay tầng lớp trên. Aliyev dần tỏ ra độc tài và đã rạo ra sự sùng bái cá nhân chính ông. Những đối thủ chính trị bị giam giữ và tự do ngôn luận bị hạn chế. Tình hình chính trị Azerbaijan vẫn trong tình trạng căng thẳng, ngay cả sau khi Aliyev, khi gần chết, đã lựa chọn con trai là Ilham trở thành ứng cử viên tổng thống duy nhất của đảng ông. Các lực lượng đối lập bất mãn với kiểu kế tục triều đình này và đang kêu gọi thành lập một chính phủ dân chủ hơn. == Chính trị == Các biểu tượng Nhà nước của Cộng hòa Azerbaijan, theo Điều 23 của Hiến pháp, gồm: cờ, quốc huy và quốc ca. Azerbaijan là một nền cộng hòa tổng thống. Lãnh đạo nhà nước và lãnh đạo chính phủ tách rời khỏi cơ cấu lập pháp của đất nước. Người dân bầu tổng thống với nhiệm kỳ năm năm. Tổng thống chỉ định tất cả quan chức nội các. Một Quốc hội với năm mươi thành viên chịu trách nhiệm làm luật. Azerbaijan áp dụng quyền phổ thông đầu phiếu cho mọi công dân từ 18 tuổi trở lên. Sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 15 tháng 10 năm 2003, một thông báo chính thức của Ủy ban Bầu cử Trung ương (CEC) cho thấy İsa Qambar — lãnh đạo khối đối lập lớn nhất, Bizim Azərbaycan ("Azerbaijan của chúng ta") — được 14% số phiếu bầu đứng thứ hai. Thứ ba với 3.6% là Lala Shevket, lãnh đạo Phong trào Thống nhất Quốc gia, người phụ nữ đầu tiên ra ứng cử trong một cuộc bầu cử tổng thống tại Azerbaijan. Tuy nhiên, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Hội đồng châu Âu, Human Rights Watch và các tổ chức quốc tế khác, cũng như các tổ chức chính trị độc lập trong nước và các Tổ chức Phi Chính phủ đã lên tiếng lo ngại về sự gian lận quan sát thấy trong cuộc bầu cử và quá trình kiểm phiếu nhiều thiếu sót. Nhiều tổ chức độc lập trong nước và quốc tế từng quan sát và giám sát trực tiếp hay gián tiếp cuộc bầu cử đã tuyên bố Isa Gambar là người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 15 tháng 10. Một quan điểm khác được nhiều tổ chức quốc tế tán thành cho rằng thực tế một cuộc bầu cử vòng hai đáng lẽ đã phải diễn ra giữa hai ứng cử viên đối lập chính là Isa Gambar và Lala Shevket. Trích dẫn … chính phủ đã can thiệp sâu vào quá trình tranh cử tạo thuận lợi cho Thủ tướng Ilham Aliev, con trai của Tổng thống đương nhiệm Heidar Aliev. Chính phủ đã sắp xếp Hội đồng Bầu cử Trung ương và các Hội đồng bầu cử địa phương bằng người ủng hộ mình, và ngăn cấp các tổ chức phi chính phủ giám sát cuộc bầu cử. Khi cuộc bầu cử tới gần, các quan chức chính phủ đã công khai đứng về phía Ilham Aliev, liên tục ngăn cản các cuộc tuần hành của phe đối lập và cố gắng ngăn cản sự tham gia của công chúng vào các sự kiện do phe đối lập tổ chức. Trong một số trường hợp, các quan chức địa phương đã đóng cửa tất cả đường sá dẫn tới thị trấn trong những cuộc tuần hành của phe đối lập, hay kéo dài thời gian làm việc và học tập, thậm chí tuyên bố bắt đi làm việc vào Chủ nhật để ngăn cản người dân tham gia vào các cuộc tuần hành.|Human Rights Watch Azerbaijan đã tổ chức bầu cử quốc hội ngày Chủ nhật mùng 6 tháng 11 năm 2005. Azerbaijan đã được bầu trở thành một trong những thành viên mới nhất của Hội đồng Nhân quyền (HRC) mới được thành lập bởi Đại hội đồng ngày 9 tháng 5 năm 2006. Nhiệm kỳ sẽ bắt đầu từ ngày 19 tháng 6 năm 2006. === Quân đội === Các lực lượng vũ trang quốc gia được trang bị hiện đại của Azerbaijan được hình thành theo nghị định tổng thống tháng 10 năm 1991. Các Lực lượng Vũ trang Azerbaijan gồm bốn nhánh quân sự: quân đội, không quân, hải quân, lực lượng phòng không và bốn tiểu nhánh vệ binh quốc gia, vệ binh nội vụ, biên phòng và bảo vệ bờ biển. == Khu vực hành chính == Azerbaijan được chia thành 59 quận rayons (rayonlar, số ít rayon), 11 thành phố (şəhərlər, số ít şəhər), và 1 cộng hòa tự trị (muxtar respublika), Nakhchivan. Chính Nakhchivan cũng được chia thành bảy rayons và một thành phố. Thành phố Baku là thủ đô Azerbaijan. == Địa lý == Azerbaijan có chín trong mười một vùng khí hậu. Đây là quốc gia khô cằn, khô và khí hậu cận nhiệt đới với mùa hè nóng và mùa đông ôn hoà. Nhiệt độ thay đổi theo mùa và theo vùng. Ở vùng đất thấp phía tây nam, nhiệt độ trung bình là 6 °C (43 °F) và mùa đông và 26 °C (79 °F) vào mùa hè — dù nhiệt độ tối đa thông thường ban ngày có thể tới 32 °C (90 °F). Ở những rặng núi phía bác và phía tây nhiệt độ trung bình 12 °C (54 °F) vào mùa hè và −9 °C (16 °F) vào mùa đông. Lượng mưa hàng năm trên hầu hết đất nước thay đổi trong khoảng từ 200 mm (8 in) tới 400 mm (16 in) và nói chung ở mức thấp nhất phía đông bắc. Tuy nhiên, ở vùng viễn đông nam khí hậu ẩm hơn và lượng mưa hàng năm có thể cao tới 1.300 mm (51 in). Trên hầu hết đất nước, những giai đoạn ẩm nhất là vào mùa xuân và mùa thu, mùa hè khô nhất. == Kinh tế == Kinh tế Azerbaijan chủ yếu dựa vào công nghiệp. Các ngành công nghiệp gồm chế tạo máy, dầu mỏ và các ngành khai mỏ khác, lọc dầu, các sản phẩm dệt may và chế biến hóa chất. Nông nghiệp chiếm một phần ba nền kinh tế Azerbaijan. Đa số các nông trang nhà nước đã được tưới tiêu. Tại các vùng đất thấp, nông dân chủ yếu canh tác các loại cây bông, cây ăn quả, lúa gạo, chè, thuốc lá, và nhiều loại rau. Tằm được nuôi để sản xuất tơ tự nhiên cho ngành may mặc. Những người chăn thả gia súc Azerbaijan nuôi gia súc, cừu và dê gần các rặng núi. Hải sản, gồm trứng cá muối và cá khai thác từ Biển Caspia. Azerbaijan có nền kinh tế rất năng động, chủ yếu nhờ dầu khí, và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này tăng vọt 34.5% để đạt tới 20.6 tỷ dollar năm 2006, biến nước này thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong hai năm liên tục. GDP trên đầu người tăng 33% đạt $5,739. Tăng trưởng GDP năm 2007 được dự đoán trong khoảng 18% tới 22%. Tính đến năm 2016, GDP của Azerbaijan đạt 35.686 USD, đứng thứ 96 thế giới và đứng thứ 32 châu Âu. == Nhân khẩu == Azerbaijan có dân số 9.2 triệu người, 91.6% trong số đó là người Azerbaijan (cũng được gọi là Azeris; con số cuộc điều tra dân số năm 2009). Sắc tộc đứng thứ hai là người Nga, hiện họ chiếm khoảng 1.8% dân số, đa số người Nga đã di cư khỏi nước này từ khi độc lập. Nhiều người Dagestan sống quanh biên giới với Dagestan. Các sắc tộc chính là Lezgis, Avars và Tsakhurs. Các nhóm nhỏ hơn gồm Budukh, Udi, Kryts và Khinalug hay Ketsh quanh làng Xinalıq. Tại Azerbaijan cũng có nhiều nhóm sắc tộc nhỏ hơn khác như Georgians, Kurds, Talysh, Tatars và Ukraina. Một số người cho rằng số lượng người Talysh lớn hơn con số chính thức, bởi nhiều người trong số họ bị coi là người Azerbaijan. Người Do Thái miền núi (Mountain Jews) sống quanh thị trấn Quba ở miền bắc, cũng có mặt tại Dagestan. Nhiều người Do Thái đã di cư về Israel trong những năm gần đây, dù khuynh hướng này đã giảm bớt và thậm chí đảo ngược. Số lượng người Armenia khá lớn ở nước này đã di cư về Armenia và các nước khác với sự bùng nổ của cuộc xung đột Armenian-Azeri về vùng Nagorno-Karabakh. Trong giai đoạn này, Azerbaijan cũng tiếp nhận số lượng lớn người Azerbaijan bỏ chạy khỏi Armenia và Nagorno-Karabakh cũng như các tỉnh bị chiếm đóng Armenia. Rõ ràng tất cả người Armenia tại Azerbaijan hiện sống trong vùng ly khai Nagorno-Karabakh. === Tôn giáo === 93.4% người Azerbaijan là tín đồ Hồi giáo và đa số họ thuộc dòng Twelver Shia. Số người này chiếm hơn 85% tín đồ Hồi giáo. Các tôn giáo hay đức tin khác được nhiều người theo là Hồi giáo Sunni, Nhà thờ Tông đồ Armenia (tại Nagorno-Karabakh), Nhà thờ Chính thống Nga, và nhiều nhánh Thiên chúa giáo cũng như Hồi giáo khác. Người Do Thái miền núi tại Quba, cũng như hàng ngàn người Do Thái Ashkenazim tại Baku, theo Do Thái giáo. Theo truyền thống, các làng quanh Baku và vùng Lenkoran được coi là cứ địa của dòng Shi‘ism, và tại một số vùng phía bắc nơi sinh sống của người Dagestan Sunni, phái Salafi được nhiều người theo. Phong tục dân gian Hồi giáo rất phổ biến, nhưng chưa có một phong trào Sufi được tổ chức. == Văn hoá == Ngôn ngữ chính thức của Azerbaijan là tiếng Azerbaijan, một thành viên trong phân nhánh Oghuz của ngữ hệ Turk, và được khoảng 95% dân số sử dụng, cũng như khoảng một phần tư dân số Iran. Những ngôn ngữ có quan hệ gần nhất với tiếng Azerbaijan là tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Turkmen, và Gagauz. Vì chính sách ngôn ngữ của Liên bang Xô viết, tiếng Nga cũng được sử dụng nhiều như một ngôn ngữ thứ hai đối với dân cư thành thị. Azerbaijan đã nộp hồ sơ xin đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2016, với Baku sẽ là thành phố tổ chức, nhưng cuối cùng thất bại trước Rio de Janeiro của Brasil. == Thể thao == == Xem thêm == == Chú thích == == Tham khảo == Forrest, Brett (28 tháng 11 năm 2005). "Over a Barrel in Baku". Fortune, pp. 54–60. == Liên kết ngoài == Mục “Azerbaijan” trên trang của CIA World Factbook. BBC Country Profile: Azerbaijan Azerbaijan Portal Library of Congress Portals to the World: Azerbaijan directory category Azerbaijan from A to Z Azerbaijan International world's largest website about Azerbaijan Virtual Azerbaijan Republic Baku Today Independent newspaper Azadliq State Statistical Committee of the Azerbaijan Republic United Nations Office in Azerbaijan with a country report IFEX: Press Freedom in Azerbaijan Amnesty International on Human Rights in Azerbaidjan
người da trắng thượng đẳng.txt
Người da trắng thượng đẳng là một hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc dựa vào niềm tin, và quảng bá niềm tin đó, rằng người da trắng cao cấp hơn trong một số đặc tính, đặc điểm so với những người từ các chủng tộc khác và vì thế dân da trắng nên cai trị về mặt chính trị, kinh tế và xã hội những người da màu. Thuật ngữ này cũng thường được sử dụng để mô tả một ý thức hệ chính trị mà làm kéo dài và duy trì sự ưu thế về xã hội, chính trị, lịch sử và / hoặc công nghiệp của người da trắng (bằng chứng là các cấu trúc chính trị xã hội lịch sử và đương đại như Buôn bán nô lệ Đại Tây Dương, luật Jim Crow ở Hoa Kỳ, và sự phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Các hình thức khác nhau của ý thức hệ Người da trắng thượng đẳng đặt ra các khái niệm khác nhau ai được coi là người da trắng, và các nhóm người cho người da trắng là thượng đẳng có xác định khác nhau nhóm chủng tộc và văn hóa nào là kẻ thù chính của họ. nhóm người cho là người da trắng là thượng đẳng thường chống đối người da màu, những người nhập cư, người Do Thái, và người Công giáo. == Chú thích ==
lego.txt
Lego (được đăng ký tên thương mại là chữ in hoa LEGO) là một dòng sản phẩm đồ chơi xếp hình phổ biến được tập đoàn Lego chế tạo. Tập đoàn này thuộc sở hữu riêng có trụ sở tại Billund, Đan Mạch. Lego là sản phẩm quan trọng nhất của công ty. Nó bao gồm những thanh nhựa hình viên gạch nhiều màu cài được vào nhau, hình nhân mini và nhiều bộ phận khác. Những viên gạch lego có thể được lắp ráp và kết nối theo nhiều cách để tạo ra nhiều đồ vật như là xe cộ, tòa nhà và cả những robot làm việc. Bất cứ thứ gì đều có thể tháo rời sau khi đã lắp ghép và các mảnh ghép sẽ được dùng để tạo ra những cái mới. Lego đã bắt đầu sản xuất những viên gạch đồ chơi cài được với nhau vào năm 1949. Kể từ đó, "tiểu văn hóa" Lego toàn cầu đã phát triển, hỗ trợ phát triển cho các phim, các trò chơi, các cuộc thi và năm công viên giải trí theo chủ đề này. == Lịch sử ban đầu == Tập đoàn Lego đã khởi phát trong phân xưởng của Ole Kirk Christiansen (7/4/1891 – 11/3/1958), vốn là một thợ mộc đến từ Billund, Đan Mạch, bắt đầu làm các đồ chơi bằng gỗ từ năm 1932. Vào năm 1934, công ty của ông được đổi tên thành Lego, bắt nguồn từ tiếng Đan Mạch leg godt, có nghĩa là "chơi hay". Công ty đã mở rộng sang sản xuất đồ chơi bằng nhựa vào năm 1947. Từ năm 1949, Lego bắt đầu tạo ra những viên gạch cài được nổi tiếng như ngày nay, gọi là "những viên gạch liên kết tự động"(Automatic Binding Bricks). Những viên gạch này dựa phần lớn vào sự sáng chế về "gạch tự khóa" (Self-Locking Bricks) của Kiddicraft đa được tung ra thị trường ở Anh năm 1947. Lego đã sửa đổi thiết kế của Kiddicraft sau khi nghiên cứu một mẫu do nhà cung cấp máy ép nhựa đến từ Anh cung cấp. Ban đầu, các viên gạch được làm từ xenlulozơ axetet, được sáng tạo từ các khối gỗ xếp lớp truyền thống có thể khóa với nhau bằng các đinh tán tròn trên đỉnh và có đáy rỗng hình chữ nhật. Các khối đó được gắn vào nhau nhưng không chặt tới mức cần đến một lực cực mạnh để tách ra. == Ngày nay == Từ khi bắt đầu sản xuất các viên gạch nhựa, tập đoàn Lego đã tung ra thị trường hàng ngàn bộ lego với các chủ đề phong phú, bao gồm: lego thị trấn và thành phố, lego không gian, lego hải tặc, lego xe cộ, lego robot, lego khủng long, lego tàu hỏa, lego Viking, lego lâu đài, lego khám phá đại dương, lego miền Tây hoang dã. Dựa vào các bộ phim nổi tiếng của các hãng Marvel và DC Comics lego đã cho ra nhiều chủ đề mới như: Người Sắt, Dị nhân, Người Dơi, Siêu Nhân, Người Nhện, Vệ binh dải ngân hà,... Những nhân tố mới thường được phát hành cùng với những bộ đồ chơi mới. Có những bộ lego được thiết kế để thu hút các bé gái như các dòng sản phẩm Belville và Clikit có các bộ phận cài khớp nhỏ có mục đích để kích thích tính sáng tạo, tính nghệ thuật và kỹ năng thủ công của trẻ em nhiều hơn so với các viên gạch thông thường. Trong khi đó cũng có những bộ lắp ghép với chủ đề quân đội, ví dụ như bộ Chiến tranh giữa các vì sao (có các hiệp sĩ Jedi và các binh lính vô tính), bộ Indiana Jones (có các binh lính Đức và Nga), bộ Câu chuyện đồ chơi (có các nhân vật trong bộ phim cùng tên) và cả lego lâu đài. == Tham khảo == == Liên kết ngoài == Website chính thức Phương tiện liên quan tới Lego tại Wikimedia Commons
bột hải (biển).txt
Vịnh Bột Hải hay biển Bột Hải là một vịnh biển nhỏ nằm ở khoảng giữa bán đảo Liêu Đông (thuộc tỉnh Liêu Ninh) ở đông bắc, với dải bờ biển phía tây thuộc các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương như Hà Bắc, Thiên Tân và bán đảo Sơn Đông (thuộc tỉnh Sơn Đông) ở phía đông nam. == Lịch sử == Cho tới đầu thế kỷ 20, vịnh Bột Hải vẫn thường được gọi là Vịnh Trực Lệ hoặc Vịnh Bắc Trực Lệ. Trực Lệ và Bắc Trực Lệ là tên gọi đơn vị hành chính khu vực xung quanh Bắc Kinh thời Minh, Thanh và đầu thời Trung Hoa Dân Quốc. == Địa lý == Theo quan điểm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì biển Bột Hải gồm ba vịnh nhỏ hơn hợp thành: vịnh Lai Châu ở phía nam, vịnh Liêu Đông ở phía bắc và vịnh Bột Hải ở phía tây. Cửa vịnh ở phía đông thông ra Hoàng Hải và như thế Bột Hải là một biển, có địa vị ngang với Hoàng Hải. Hai biển này thông với nhau qua eo biển Bột Hải. Diện tích của biển này theo các nguồn ước tính khác nhau khoảng 78.000-82.000 km², độ sâu tối đa đạt 70 m. Theo quan điểm của Trung Hoa dân quốc thì vịnh Bột Hải là một phần của Hoàng Hải và như thế Trung Quốc tiếp giáp với ba biển lớn là Nam Hải, Đông Hải và Hoàng Hải. Những sông lớn đổ vào Bột Hải là Hoàng Hà, Liêu Hà, Loan Hà, và Hải Hà. Các tỉnh thành Trung Hoa tiếp giáp với Bột Hải gồm có Sơn Đông, Hà Bắc, Liêu Ninh và Thiên Tân. Bột Hải cho tới đầu thế kỷ 20 có tên là vịnh Trực Lệ, tức là tên cũ của tỉnh Hà Bắc. == Hải cảng và đảo == Các thành phố cảng lớn nằm ven bờ Bột Hải bao gồm: Hà Bắc: Tần Hoàng Đảo Liêu Ninh: Đại Liên, Hồ Lô Đảo, Cẩm Châu, Dinh Khẩu Thiên Tân: Đường Cô Sơn Đông: Long Khẩu, Uy Hải, Yên Đài Đảo đáng chú ý nhất là đảo Chi Phù, một phần của Yên Đài. == Môi sinh và Kinh tế == Bột Hải hiện bị đe dọa bở nạn ô nhiễm vì nước thải kỹ nghệ và ngư nghiệp không được kiểm soát đổ bừa ra biển. Tháng 6 năm 2007, tại nơi đây, sau một thời gian thăm dò và khai thác, Trung Quốc đã phát hiện ra một mỏ dầu khí có trữ lượng lên tới trên 1 tỉ tấn. Sự kiện này mang một ý nghĩa rất lớn, giải tỏa "cơn khát" dầu của một nền kinh tế khổng lồ và đang phát triển hết sức nhanh chóng như Trung Quốc. == Tham khảo ==
kana.txt
Kana (仮名 (giả danh)/ かな, Kana) là hệ thống văn tự ký hiệu âm tiết trong tiếng Nhật, một phần của hệ thống chữ viết tiếng Nhật, đối lập với hệ thống chữ Hán tượng hình ở Nhật Bản là kanji (漢字). Có ba loại chữ kana: chữ thảo hiện đại hiragana (ひらがな), trước đây được gọi là một loại chữ viết cho phụ nữ; chữ góc cạnh hiện đại katakana (カタカナ); và cách ký âm cũ của kanji được gọi là man’yōgana (万葉仮名) vốn là tổ tiên của cả hai loại trên. Hentaigana (変体仮名, "kana biến thể") là biến thể lịch sử của hiragana tiêu chuẩn hiện đại. Trong tiếng Nhật hiện đại, hiragana và katakana có bộ ký tự tương ứng trực tiếp (các bộ ký tự khác nhau biểu diễn cùng một âm thanh). Katakana với một vài bổ sung cũng được sử dụng để viết tiếng Ainu. Chữ viết kana Đài Loan được sử dụng trong tiếng Phúc Kiến Đài Loan như một kiểu chú thích (furigana) cho các chữ Hán trong thời kỳ Đài Loan chịu sự đô hộ của Nhật Bản. Mỗi kí tự kana (en:syllabogram) tương ứng với một âm thanh trong tiếng Nhật. Các kí tự này luôn tuân theo thứ tự phụ âm (từ đây viết tắt là C (consonant) - âm tiết đầu) với nguyên âm (từ đây viết tắt là V (vowel) - âm tiết trung tâm), như ka, ki, etc., hay nguyên âm, như a, i, etc., với ngoại lệ duy nhất của tự vị phụ âm cho âm tiết đuôi giọng mũi thường được Latin hoá như âm n. Cấu trúc này được một số học giả đưa vào hệ thống mora thay vì syllabic, bởi vì nó đòi hỏi sự kết hợp của hai âm để biểu diễn một âm tiết CVC với đuôi (tức là CVn, CVm, CVng), một âm tiết CVV với hạt nhân phức tạp (tức là các nguyên âm dài phức tạp hoặc biểu cảm), hoặc một một âm tiết CCV với âm đầu phức tạp (tức là bao gồm một âm lướt, CyV, CwV). Do số lượng âm đơn ở Nhật rất hạn chế, cũng như cấu trúc âm tiết tương đối cứng nhắc, hệ thống kana là một đại diện rất chính xác cho ngôn ngữ nói tiếng Nhật. == Bảng chữ tiếng Nhật == Bảng chữ Hiragana và Katakana hiện đại đều không có chữ kana đại diện cho âm ye, yi hay wu. Tuy nhiên, người ta tin rằng âm ye đã từng tồn tại trước tiếng Nhật Kinh điển (trước khi bảng tự kana ra đời), và thường được biểu diễn (với mục đích kiến thiết) bằng chữ kanji 江. Trong thời kỳ sau này, chữ we (viết bằng katakana ヱ và hiragana ゑ) được công nhận có âm là [jɛ], như được mô tả trong các tài liệu châu Âu trước thời kỳ 1600, nhưng sau này được nhập chung với nguyên âm e và biến mất khỏi bảng chữ cái vào năm 1946. "Ye" trong bảng chữ hiện đại thường được biểu diễn là いぇ or イェ. Dù không còn là một bộ phận của bảng chữ cái chuẩn, nhưng cả wi và we vẫn đôi khi được dùng như một cách tu từ, như trong ウヰスキー có nghĩa là "whiskey," và ヱビス với nghĩa là Yebisu, một nhãn hiệu bia. == Một số cách dùng == === Ghép âm === Với i い: I ghép âm được với cột a, u, và o. Ví dụ: はい (hai - tức là "vâng"), ちいさい 小さい (chiisai - tức là "nhỏ") Với n ん: N ghép âm được với tất cả các chữ cái trong bảng trừ を. Ví dụ: さんご 珊瑚 (sango - tức là "san hô") ラン (ran - tức là "hoa lan") === Trường âm === Trường âm là khi ta đọc phải kéo dài âm đó ra. Trường âm của Hiragana là a, i, u, e, o (あ,い,う,え,お) làm trường âm cho các cột của nó (ngoại trừ を và ん). Lưu ý là âm i (い) còn làm trường âm cho cột e và âm u (う) còn làm trường âm cho cột o. (thường thì những người chưa học tiếng Nhật hay đọc nhầm âm ei (えい) thành "ây" và âm ou (おう) thành "âu", chủ yếu do họ đọc theo romaji hơn là đọc theo hiragana). Ví dụ: こおり/氷 ("koori"- băng); せんせい/先生 ("sensei" - tiên sinh; thầy cô giáo, đọc là "xên-xê-ê" chứ không phải "xên-xây"). Trường âm của Katakana chỉ là dấu gạch ngang ―. Ví dụ:キ― ("kii" - key(phím, khóa)) === Xúc âm (âm ngắt) === Xúc âm được biểu thị bằng chữ "tsu" nhỏ (っ). Khi đọc ta phải gấp đôi phụ âm đứng sau nó và không được đọc lên chữ tsu. Ví dụ:きって 切手(kitte - "tem") === Ảo âm === Ảo âm được biểu thị bằng ya, yu, yo nhỏ "ゃゅょ". Ví dụ: ひゃく 百(hyaku - "một trăm") ききょう 桔梗 (kikyou - "hoa cát cánh") でんしゃ電車 (densha - "tàu điện") Ngoài ra còn có các âm không thông dụng khác: fa (ファ), fi (フィ), fe (フェ), fo (フォ) tsa (ツァ), kwa (クァ), ti (ティ), tu (トゥ) di (ディ), du (ドゥ) va (ヴァ), vi (ヴィ), ve (ヴェ), vo (ヴォ) Ví dụ: ファン (fan "người hâm mộ") フィリピン (firipin "nước Phillippin")... Các liên kết: Kana Trích từ sách (PDF) == Tham khảo ==
mauritanie.txt
Mauritanie (tiếng Việt: Mô-ri-ta-ni; tiếng Ả Rập: موريتانيا Mūrītāniyā; tiếng Wolof: Gànnaar; tiếng Soninke: Murutaane; tiếng Pular: Moritani; tiếng Pháp: Mauritanie, tiếng Anh: Mauritania), có tên chính thức là Cộng hòa Hồi giáo Mauritanie, là một đất nước nằm ở Tây Phi. Đất nước này giáp với Đại Tây Dương về hướng Tây, giáp với Sénégal về phía tây nam, với Mali ở hướng đông và đông nam, với Algérie ở hướng đông bắc, và với Maroc cùng khu vực Tây Sahara ở hướng tây bắc. Tên của quốc gia này được đặt theo tên tỉnh Mauretania của La Mã cổ đại, ngay cả khi đất nước Mauritanie hiện tại hoàn toàn cách biệt về phía tây nam so với lãnh thổ cũ. Thủ đô và thành phố lớn nhất của nước này Nouakchott, nằm bên bờ Đại Tây Dương. Chính phủ dân sự của Mauritanie bị lật đổ vào ngày 6 tháng 8 năm 2008, trong một cuộc đảo chính quân sự thực hiện bởi Tướng Mohamed Ould Abdel Aziz. Ngày 16 tháng 8 năm 2009, General Aziz đã rời chức vụ trong quân đội để tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 19 tháng 7, sau đó ông đã thắng cử. Khoảng 20% dân số Mauritanie sống dưới mức 1,25 USD một ngày. == Lịch sử == Từ thế kỷ thứ năm đến thế kỷ thứ bảy, các bộ lạc của người Berber di cư đến Mauritanie từ Bắc Phi và thay thế người Bafour, vốn là những cư dân hiện nay của Mauritanie và là tổ tiên của người Soninke. Người Bafour sống chủ yếu nhờ vào nông nghiệp, và năm trong số những tộc người từ bỏ lối sống du mục sớm nhất. Cùng với sự mở rộng dần dần của sa mạc Sahara, họ tiến về phía nam. Sau đó không chỉ có những bộ lạc ở Trung tâm Sahara đến sinh sống ở Tây Phi, vào năm 1076, các chiến binh thầy tu Hồi giáo người Moor (Almoravid hay Al Murabitun) tấn công và chinh phục đế quốc Ghana. Trong hơn 500 năm sau đó, người Ả Rập dẹp tan được sự kháng cự quyết liệt của các cư dân tại địa phương (người Berber và người không thuộc chủng tộc Berber) và đặt quyền thống trị Mauritanie. Chiến tranh Mauritanie ba mươi năm (1644–74) là nỗ lực không thành công cuối cùng nhằm đẩy lui những kẻ xâm lược người Ả Rập Yemen Maqil được dẫn đầu bởi bộ lạc Beni Hassan. Những hậu duệ của các chiến binh Beni Hassan trở thành tầng lớp trên trong xã hội Moorish. Tuy nhiên ảnh hưởng người Berbers vẫn tồn tại thông qua các Marabout vốn là những người bảo tồn và giảng dạy truyền thống Hồi giáo. Nhiều bộ lạc Berber khẳng định họ có nguồn gốc từ Yemen (và các vùng đất Ả Rập khác), tuy nhiên lại có ít bằng chứng cho thấy điều này, chỉ trừ một vài nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ giữa hai nhóm chủng tộc. Tiếng Hassaniya, một phương ngữ của người Berber chịu ảnh hưởng của tiếng Ả Rập được đặt tên theo Beni Hassan, vốn đã trở thành ngôn ngữ thông dụng trong các nhóm cư dân du mục. Kể từ cuối thập kỷ 1800, Thực dân Pháp dần dần bình định được các lãnh thổ mà ngày nay là Mauritanie từ khu vực sông Senegal lên phía bắc. Năm 1901, một người Pháp tên là Xavier Coppolani được giao nhiệm vụ đánh chiếm các thuộc địa. Bằng chiến lược kết hợp giữa việc liên minh với các bộ lạc Zawiya và gây áp lực quân sự lên các chiến binh du mục Hassane, ông này đã mở rộng được quyền thống trị của người Pháp tới các tiểu vương quốc bên trong Mauritanies: Trarza, Brakna và Tagant một cách nhanh chóng thông qua một loạt các hiệp định chấp nhận sự bảo hộ của người Pháp (1903–04). Duy chỉ có tiểu vương quốc Adrar ở phía bắc đứng vững được lâu hơn cả, nhờ vào các cuộc nổi dậy chống thực dân (hay jihad) của shaykh Maa al-Aynayn. Cuối cùng thì tiểu vương quốc này bị chinh phục bằng sức mạnh quân sự vào năm 1912, và được sát nhập vào lãnh thổ Mauritanie, vốn tách ra vào năm 1904. Sau đó Mauritanie đã trở thành một phần của Tây Phi thuộc Pháp từ năm 1920. Năm 1960, Mauritanie trở thành nước Cộng hòa Hồi giáo độc lập dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Moktar Ould Daddah. Năm 1975, vì lo sợ trước sự bành trướng của Maroc, Mauritanie đã cùng Maroc sáp nhập và phân chia quyền kiểm soát vùng Tây Sahara. Việc xâm chiếm này mở đầu cuộc xung đột giữa những người Saharawi thuộc Mặt trận Polisario với Maroc và Mountanlya. Năm 1978, Tổng thống Daddah bị ủy ban quân sự cứu quốc lật đổ. Từ đó, các nhà quân sự độc tài thay phiên lên cầm quyền. Năm 1979, Mauritanie ký hiệp định hòa bình với Mặt trận Polisario tại Algérie và rút quân khỏi vùng Tây Sahara. Năm 1984, Đại tá Maaouye Ould Sidi Ahmed Taya nắm quyền kiểm soát Chính phủ, Taya nới lỏng luật lệ Hồi giáo, đấu tranh chống tham nhũng, xúc tiến cải cách kinh tế theo đề xuất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội đa đảng lần đầu tiên năm 1986. Năm 1991, một cuộc trưng cầu ý dân cho phép thông qua chế độ đa đảng và tự do báo chí được nêu trong Hiến pháp mới. Năm 1992, cuộc tuyển cử đa đảng lần đầu tiên diễn ra kể từ khi giành độc lập. Đại tá Ould Taya được bầu làm Tổng thống nước Cộng hòa. Đảng của Taya giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lập pháp nhưng bị phe đối lập tẩy chay. Mauritanie lập lại mối quan hệ ngoại giao với Sénégal. Năm 1997, Ould Taya tái đắc cứ Tổng thống. Năm 2005, một hội đồng quân sự đứng ra thay thế Tổng thống Maaouya Ould Sid Ahmed Taya. Đến năm 2007, sau một kỳ bầu cử, Chính phủ của Tổng thống Sidi Ould Cheikh Abdallahi được thành lập. Không lâu sau đó vào tháng 8 năm 2008, một chính quyền quân sự lại đảo chính và đưa tướng Mohamed Ould Abdel Aziz lên làm lãnh đạo. Aziz đã được chính thức bầu làm Tổng thống Mauritanie tháng 7 năm 2009. Mauritanie là thành viên của Liên đoàn Ả Rập và Tổ chức Thống nhất châu Phi. == Chính trị == Chính thể Cộng hòa Tổng thống. Đứng đầu nhà nước là Tổng thống. Đứng đầu chính phủ là Thủ tướng. Tổng thống được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kì 6 năm; Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm. Cơ quan lập pháp là Quốc hội lưỡng viện: Thượng nghị viện gồm 56 thành viên, nhiệm kì 6 năm; hai năm một lần, bầu lại 17 thành viên. Hạ nghị viện gồm 79 thành viên, được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kì 5 năm. Cơ quan tư pháp là hhệ thống tư pháp gồm 3 cấp: cấp thấp, cấp phúc thẩm và Tòa án Tối cao. == Địa lý == Nước này ở khu vực Tây Phi, nằm về phía Tây Nam sa mạc Sahara, Tây giáp Đại Tây Dương, có chung biên giới với Algérie, Mali và Sénégal. Địa hình bằng phẳng, khoảng 3/4 lãnh thổ là vùng bán bình nguyên được bao phủ bởi các đụn cát thuộc vùng Tây sa mạc Sahara. Vùng thảo nguyên Sahara ở phía Nam tương đối ít mưa, tập trung khoảng 90% dân số. Sông Sénégal ở biên giới phía Nam là trục giao thông đường thủy duy nhất và chỉ có vùng ven sông là vùng đất màu mỡ nhất nước. == Kinh tế == Vùng lưu vực sông Sénégal ở sát biên giới phía Nam là vùng duy nhất có thể trồng trọt (lúa, lúa miến, ngô, chà là, kê). Ngành chăn nuôi du mục (bò, cừu, dê, lạc đà) gặp nhiều tổn thất trong những năm gần đây do hạn hán. Vùng lãnh hải thuộc Mauritanie là một trong những vùng biển có rất nhiều cá trên thế giới, tuy nhiên việc khai thác quá mức của người nước ngoài đe dọa nguồn tài nguyên chính của đất nước này. Cá biển và sắt là hai mặt hàng xuất khẩu chính. Mauritanie thuộc nhóm các nước kém phát triển. Mauritanie là đất nước có nền chính trị ổn định, hiện đang thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác sắt và đánh bắt hải sản. Mauritanie có trữ lượng quặng sắt lớn thứ hai ở châu Phi, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu và có bờ biển dài 600 km với sản lượng cá thuộc loại nhiều nhất châu Phi. Hiện nay việc khai thác cá chủ yếu do các công ty của Nhật thực hiện. Chính phủ cũng đang nỗ lực thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đấu tranh chống tham nhũng và phát triển lĩnh vực tư nhân. Lĩnh vực nông nghiệp của Mauritanie chủ yếu tập trung vào các loại cây trồng như chà là, kê, lúa miến, gạo, ngô và chăn nuôi bò, cừu. == Phân cấp hành chính == Mauritanie được chia làm 12 vùng (régions) gọi là wilaya và khu vực thủ đô ở Nouakchott, dưới vùng có 44 tỉnh (moughataa). Các vùng và khu vực thủ đô theo thức tự alphabe kèm theo thủ phủ của tỉnh là: == Nhân khẩu == Mauritanie có dân số ước tính khoảng 3.281.635 (2011). Dân số Mauritania bao gồm một số nhóm dân tộc: người Moor chiếm khoảng 30%; người Soninke, người Toucouleur và Fula chiếm khoảng 30%, còn lại là người lai giữa các sắc tộc chiếm 40%. === Tôn giáo === Đất nước này có dân số gần 100% theo Hồi giáo, hầu hết trong số họ theo dòng Sunni. Công giáo Rôma với một giáo phận là Nouakchott, được thành lập vào năm 1965, phục vụ 4.500 người Công giáo ở Mauritania. === Ngôn ngữ === Ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất là: tiếng Ả Rập Hassaniya, Pulaar, Soninke, Imraguen, Wolof và tiếng Pháp (được sử dụng rộng rãi trong các phương tiện truyền thông và trong các lớp học, cũng như các nước Tây Phi khác). Hiện tại tiếng Ả Rập chuẩn cũng là một ngôn ngữ chính thức. Tiếng Zenaga, một phương ngữ Berber, đã từng được nói trong suốt phần lớn lịch sử của Mauritania, nhưng ngày nay nó được thay thế gần như hoàn toàn bằng tiếng Hassaniya. Chỉ còn một nhóm nhỏ khoảng 200 đến 300 người nói tiếng Ả Rập Zenaga. == Chú thích ==
kéo co.txt
Kéo co hay kéo dây là một môn thể thao và là một trò chơi dân gian thông dụng và đơn giản trên thế giới hiện nay. Kéo co là môn thể thao mang tính đồng đội và là môn trọng vào sức mạnh. Kéo co không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, mà còn là trò chơi thể hiện tinh thần và mang tính đồng đội cao, đem lại niềm vui, sự thoải mái cho mọi người khi tham gia những trò chơi trong các dịp lễ hội. Ở Việt Nam, kéo co là một trò chơi dân gian truyền thống. Trong các hội hè dã ngoại, trò chơi này luôn hấp dẫn nhiều người tham gia. Vào các dịp lễ tết, kéo co lại là một phần quan trọng trong các lễ hội cổ truyền. Hiện nay, nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện của nhân loại. == Luật chơi == Tục kéo co ở mỗi nơi có những lối chơi khác nhau, nhưng bao giờ số người chơi cũng chia làm hai phe, mỗi phe cùng dùng sức mạnh để kéo cho được bên kia ngã về phía mình, giữa sợi dây có buộc một cái khăn đỏ,bên nào kéo đoạn dây có buộc khăn đỏ qua vạch của mình trước là thắng.Có khi cả hai bên đều là nam, có khi bên nam, bên nữ. Trong trường hợp bên nam bên nữ, dân làng thường chọn những trai gái chưa vợ chưa chồng. Một cột trụ để ở giữa sân chơi, có dây thừng buộc dài hay dây song, dây tre hoặc cây tre, thường dài khoảng 20m căng đều ra hai phía, hai bên xúm nhau nắm lấy dây thừng để kéo. Một vị chức sắc hay bô lão cầm trịch ra hiệu lệnh. Hai bên ra sức kéo, sao cho cột trụ kéo về bên mình là thắng. Bên ngoài dân làng cổ vũ hai bên bằng tiếng "dô ta", "cố lên". Có nơi người ta lấy tay người, sức người trực tiếp kéo co. Hai người đứng đầu hai bên nắm lấy tay nhau, còn các người sau ôm bụng người trước mà kéo. Ðang giữa cuộc, một người bên nào bị đứt dây là thua bên kia. Kéo co cũng kéo ba keo, bên nào kéo thắng hai keo trước là thắng. == Lịch sử == Trò chơi kéo co vốn đã xuất hiện từ thời cổ đại. Những hình chạm trổ trên tường ngôi mộ cổ ở Ai Cập cho thấy người Ai Cập cổ đại đã từng tổ chức những cuộc thi đấu kéo co từ năm 2500 trước Công Nguyên. Khi đó người ta chơi kéo co mà không dùng đến dây thừng. Theo các tài liệu ghi lại, kéo co là một trò chơi rất được ưa chuộng trong triều đình Trung Quốc đặc biệt là vào thời nhà Đường và sau này là thời nhà Tống.Tại Hy Lạp, khoảng 500 năm trước Công nguyên, kéo co được xem như là một môn thi đấu và bài tập thể lực cho các môn thể thao khác. Ở Tây Âu, lịch sử kéo co bắt đầu từ năm 1000 sau Công Nguyên. Các chiến binh Viking thường chơi một trò chơi có tên gọi là "kéo da", trong đó người ta dùng da động vật thay cho dây thừng để chơi kéo co. Tại nước Anh, cuộc thi đấu kéo co đầu tiên được ghi nhận là diễn ra vào thế kỷ 16 giữa hai làng vùng Norfolk. Tuy vậy, theo nhiều câu chuyện kể lại thì kéo co dưới hình thức là một môn thể thao hiện đại bắt đầu từ con tàu Cutty Sark. Vào khoảng thời gian từ năm 1885 đến 1895, Richard Woodget, thuyền trưởng tàu Cutty Sark, đã thường xuyên tổ chức các cuộc thi đấu kéo co cho các thủy thủ của mình. Bằng cách này, Woodget muốn rèn luyện sức khỏe và trau dồi bản năng chiến đấu cho họ. == Môn thể thao == Kéo co đã trở thành một môn thể thao hiện đại. Kéo co có mặt trên đấu trường Olympic từ khoảng năm 1916 đến 1917.Tuy nhiên, năm 1920, Ủy ban Olympic quốc tế IOC đã quyết định giảm bớt số lượng vận động viên tham gia Thế vận hội Olympic, vì lý do này mà một số môn thể thao bị loại bỏ trong đó có môn kéo co. Năm 1958 Liên đoàn kéo co Anh được thành lập. Hai năm sau tức vào năm 1960, Liên đoàn kéo co quốc tế cũng đã ra đời và do George Hutton (người Anh) cùng Rudolf Ullmark (người Thụy Điển) đứng đầu. Cuộc họp đầu tiên của Liên đoàn quốc tế diễn ra tại Thụy Điển vào năm 1964. Cũng trong năm đó, Liên đoàn kéo co quốc tế (TWIF) tổ chức giải đấu quốc tế đầu tiên tại Baltic Games ở Malmö, Thụy Điển. Sau giải đấu này, TWIF tổ chức giải vô địch châu Âu đầu tiên năm 1965 tại Crystal Palace, Anh. Từ đó đến nay, Giải vô địch châu Âu được tranh tài đều đặn, mãi cho đến năm 1975, khi các quốc gia ngoài châu Âu trực thuộc TWIF thì giải Vô địch kéo co thế giới đầu tiên được tổ chức tại Hà Lan. Hiện nay, giải diễn ra hai năm một lần.Năm 1999, Liên đoàn kéo co quốc tế (TWIF) được công nhận tạm thời và năm 2002, tổ chức này được công nhận chính thức theo luật 29 của Hiến chương Olympic. == Di sản đa quốc gia == Vào hồi 12 giờ 15 phút giờ địa phương (tức là 17 giờ 15 phút của giờ Việt Nam) ngày 02/12/2015 tại phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO, diễn ra tại thành phố Windhoek, nước Cộng hòa Namibia từ ngày 30/11 đến 4/12/2015. Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống của Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện của nhân loại. Ở Hàn Quốc, kéo co là nghi lễ phổ biến của người dân các địa phương thuộc tỉnh Chungcheongdam, Gangwon, Gyeongsangnam... Trong khi đó, ở Campuchia, kéo co được thực hành thường xuyên bởi ba cộng đồng đại diện xung quanh Hồ lớn (Great Lake) của Biển Hồ Tonle Sap, gần khu vực khảo cổ Angkor. Tại Philippines, các nhóm kéo co được biết đến hội tụ tại Nunhipukana, nơi hợp lưu của sông Hapao và các sông nhánh. Riêng Việt Nam, kéo co được các cộng đồng người Kinh, Thái, Tày, Nùng, Giáy… và nhiều địa phương như: Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nội, Bắc Ninh cùng nhiều tỉnh trên cả nước Việt Nam đã biết tới từ lâu đời, lưu truyền cho tới ngày nay. == Tham khảo == == Liên kết ngoài == Vì sao kéo co được công nhận là di sản nhân loại Tug of War International Federation The Tug of War Association (England) Tug of War (Sports123.com, via Wayback Machine, Internet Archive): list of winners in the main championships
đinh tiên hoàng (phố hà nội).txt
Phố Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) là một tuyến phố du lịch nằm ở phần bờ đông và bắc của hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm. Phố khởi đầu từ ngã tư Tràng Tiền – Hàng Khay, đi qua các trung tâm hành chính như: Trụ sở Tp Hà Nội, Bưu điện Hà Nội, Điện lực Hà Nội; các di tích: chùa Báo Ân, quảng trường Lý Thái Tổ, đền Bà Kiệu, đền Ngọc Sơn và kết thúc ở quảng trường Đông Kinh nghĩa Thục. Đường Đinh Tiên Hoàng dài 900 m chạy qua các phố Lò Sũ, Trần Nguyên Hãn, Đinh Lễ, đến ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay nối với phố Hàng Bài. == Lịch sử == Thời Pháp thuộc, phần đường từ phố Tràng Tiền tới đền Bà Kiệu gọi là phố Hồ (hay Rue du Lac), đoạn còn lại từ đền Bà Kiệu tới đường Lê Thái Tổ gọi là phố hàng Chè. Sau hai đoạn này nối liền với nhau gọi là đại lộ Francis Garnier. Năm 1883, trên phố này có Toà đốc lý (nay là ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội), vườn hoa Paul Bert (nay là chỗ vườn hoa Indira Gandhi), chùa Báo Ân (nay là trung tâm Bưu điện Hà Nội) và trung tâm Điện lực Hà Nội. Sau ngày giải phóng phố mang tên Đinh Tiên Hoàng là để ghi nhớ công lao người có công thống nhất đất nước hồi thế kỷ thứ 10. == Du lịch == Phố Đinh Tiên Hoàng là một trong những phố đẹp nhất của Hà Nội. Một bên là hồ Hoàn Kiếm, giữa hồ là đền Ngọc Sơn, nối với phố bằng cầu Thê Húc, có Tháp rùa, vườn hoa. Một bên là các công sở, cửa hàng buôn bán đồ da, tạp hoá. Đền Bà Kiệu ở địa phận làng Tả Vọng xưa. Đền dựng từ đời Lê Thần Tông, là nơi thờ Liễu Hạnh, trong đền có quả chuông đúc từ đời Cảnh Thịnh thứ năm (1798). Khi làm đường đi ven hồ Hoàn Kiếm, người Pháp đã cắt ngang đền nên phần tam quan nằm về phía bên hồ, nơi bán hoa, bưu phẩm, chụp ảnh lưu niệm hiện nay. Còn chùa Báo Ân lưu lại di tích cái tháp gần ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài – Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay, chỗ chờ xe điện ven bờ hồ trước đây. Một bên là hồ Gươm, nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử, một bên là vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ và các trung tâm đầu não của thủ đô khiến phố Đinh Tiên Hoàng trở thành một trong những tuyến phố du lịch có không gian đẹp nhất Hà Nội. Dọc theo đường Đinh Tiên Hoàng là ở những khoảng vỉa hè xanh tươi với những vườn hoa, trảng cỏ, ghế đá, non bộ…và những lối đi nhỏ dành cho khách bộ hành. Phố Đinh Tiên Hoàng có vai trò thật đặc biệt trong các hoạt động văn hoá thủ đô diễn ra thường xuyên ở sân khấu đền Bà Kiệu và quảng trường Lý Thái Tổ. Tại khu vực sân khấu đền Bà Kiệu, thành phố đã lắp đồng hồ đếm ngược sự kiện 1000 năm Thăng Long – Hà Nội để thông tin, quảng bá hướng tới sự kiện lịch sử trọng đại này. Phố Đinh Tiên Hoàng có thể coi là một trong những tuyến phố du lịch văn minh nhất của thủ đô. Trên vỉa hè phía vườn hoa Lý Thái Tổ, khách du lịch có thể tìm hiểu về những điểm du lịch của thủ đô trong những trạm thông tin du lịch. Tổ hợp nhà vệ sinh công cộng chìm kết hợp với khu bán hàng lưu niệm và giải khát nằm trong "vườn bách thảo" phía hồ Hoàn Kiếm cũng được đánh giá là một sáng kiến tiện dụng và đảm bảo thẩm mỹ cho cảnh quan xung quanh. == Hình ảnh == == Chú thích == == Liên kết ngoài == Đinh Tiên Hoàng - con phố nhiều kỷ lục Phố Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) trên trang thông tin 1000 năm Thăng Long Phố Đinh Tiên Hoàng, nơi ghi nhiều dấu ấn lịch sử Thủ đô Lần đầu tiên, Hà Nội tổ chức Lễ hội phố hoa Lễ hội phố hoa bên Hồ Gươm huyền sử
serena williams.txt
Serena Jameka Williams (sinh ngày 26 tháng 9 năm 1981) là vận động viên quần vợt nữ người Mỹ, xếp hạng số 1 thế giới. Cô đã giành được 23 danh hiệu Grand Slam đơn, lần gần đây nhất là giải Giải quần vợt Úc Mở rộng 2017, vượt qua kỷ lục của Steffi Graf và đứng sau Margaret Court (24) trong Kỷ nguyên Mở rộng. Cô cũng là tay vợt vô địch giải Mỹ Mở rộng nhiều nhất cùng với đồng hương Chris Evert cùng có 6 lần đăng quang. Serena Williams là em gái của cựu số 1 thế giới Venus Williams (sở hữu 7 danh hiệu Grand Slam). Ở nội dung đánh đôi Serena Williams cùng chị gái cũng đã giành 14 danh hiệu ở cả 4 giải Grand Slam cùng với thành tích bất bại ở cả 14 trận chung kết. Ở nội dung đôi nam nữ cô cũng đã 4 lần vào chung kết ở 4 Grand Slam và có 2 danh hiệu ở Wimbledon và Mỹ Mở rộng. Hiện cô là tay vợt nữ hàng đầu của thế giới (có tổng số tiền thưởng cao nhất mọi thời đại). Cô cũng chính là tay vợt lớn tuổi nhất giành được danh hiệu Grand Slam Serena Williams được biết đến với những quả giao bóng uy lực và chính xác cùng những pha điều bóng hay đánh bóng mạnh mẽ. Ở WTA Tour Championships, giải đấu dành cho 8 tay vợt xuất sắc nhất năm của WTA, Serena Williams cũng xuất sắc giành đến 5 chức vô địch và với 3 năm liên tiếp bảo vệ thành công ngôi vô địch lần gần nhất là năm 2014, với chiến thắng này đã giúp Serena Williams vượt qua huyền thoại Chris Evert và san bằng kỷ lục của huyền thoại Steffi Graf và chỉ kém người đang đứng đầu là huyền thoại Martina Navratilova. Ở đấu trường Thế vận hội cô xuất sắc giành 3 HCV nội dung đôi nữ và 1 HCV nội dung đơn cho tuyển quần vợt Mỹ. Tại giải quần vợt nam nữ hỗn hợp Hopman Cup dành cho các đội tuyển quần vợt của các nước trên thế giới cô cũng đã 2 lần vô địch vào các năm 2003 và 2008. Cô được xem là tượng đài của làng quần vợt Mỹ cũng như của thế giới. Hiện tại cô là 1 huyền thoại của quần vợt nữ thế giới hiện tại. Cô cũng là một trong những tay vợt nữ xuất sắc nhất mọi thời đại và cũng là một trong 4 tay vợt ngự trị trên ngôi vị số 1 nhiều nhất với 302 tuần, xếp thứ 2 mọi thời đại. Cô hiện sống tại Ballenisles ở Palm Beach Gardens, Florida, Hoa Kỳ. == Sự nghiệp == === 2012 === Ngày 29 tháng 5, Williams lần đầu tiên bại trận ngay tại vòng 1 của một giải Grand Slam, trước Virginie Razzano với tỉ số 6–4, 6–75, 3–6 tại giải Pháp Mở rộng. Đây là thất bại đầu tiên tại vòng 1 sau 46 lần tham dự Grand Slam của cô. == Thống kê sự nghiệp == == Các trận chung kết Grand Slam == ==== Đơn nữ: 25 (21–4) ==== === Đôi nữ: 13 (13–0) === === Đôi nam nữ: 4 (2–2) === == Danh hiệu Grand Slam đôi nữ == === Vô địch (13) === == Danh hiệu Granslam đôi nam nữ (4) == === Vô địch (2) === === Á quân (2) === == Danh hiệu (39) == === Đơn === === Đôi (11) === A = không tham gia giải đấu SR = the ratio of the number of singles tournaments won to the number of those tournaments played LQ = thua ở vòng loại 1 Nếu tính cả số lần tham dự Fed Cup (3-0), kỷ lục thắng thua tổng cộng là 355-77. ² Won 3 matches in the 1997 qualifying tournament to reach the main draw. == Chú thích ==
khu đô thị nam thăng long.txt
Khu đô thị mới Nam Thăng Long (Ciputra Hanoi International City) là dự án bất động sản đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam từ trước tới năm 2007, với số vốn đầu tư đăng ký lên tới 2,11 tỷ USD, do tập đoàn Ciputra (Indonesia) làm chủ đầu tư. Khu đô thị mới Nam Thăng Long là một tổ hợp nhiều dự án thành phần, trong đó bao gồm nhiều công trình dự kiến được xây dựng trên địa phận các phường Xuân Đỉnh, Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) và các phường Phú Thượng, Xuân La (quận Tây Hồ). Với tổng diện tích 323 ha, khu đô thị này có một vị trí thuận lợi về mọi mặt: chỉ cách trung tâm thành phố 8,4 km và cách sân bay Nội Bài 21,5 km, lại nằm liền kề với đường Phạm Văn Đồng và bờ nam sông Hồng, nên có thể giao lưu thuận lợi với tất cả các khu vực khác của Hà Nội. Nằm ngay bên bờ hồ Tây, khu đô thị này được thừa hưởng vẻ đẹp tự nhiên vốn có của quần thể thắng cảnh hồ Tây, cũng như được đảm bảo các điều kiện về môi trường. Ngoài các khu chung cư cao tầng, khu đô thị Nam Thăng Long sẽ có 3 loại nhà được thiết kế cho hộ gia đình, bao gồm nhà chia lô chất lượng cao, nhà bán độc lập và biệt thự. Các khu này có diện tích sử dụng 260–300 m², được thiết kế phù hợp với cuộc sống hiện đại. Dự kiến, khu đô thị này được xây dựng từ năm 2002 và sẽ hoàn thành vào năm 2010. Tuy nhiên, cho đến dầu năm 2012, mới cơ bản xong công tác giải phóng mặt bằng và bồi thường cho dự án 92,7ha Khu đô thị Nam Thăng Long. Dự kiến, sau khi cư dân thu hoạch đào Tết tại làng đào Nhật Tân xong, công ty thi công sẽ tiến hành san nền, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trên toàn bộ dự án. == Xem thêm == Times City == Tham khảo == == Liên kết ngoài == Website chính thức
entente.txt
Entente (tiếng Pháp, có nghĩa "đồng minh", "đồng ý") -còn gọi là phe Hiệp ước hay phe Đồng minh- đánh dấu bản hiệp ước được ký kết giữa Anh và Pháp vào ngày 8 tháng 4 năm 1904 với tên Entente cordiale (hay "Đồng minh hữu nghị") về các vấn đề thuộc địa. giữa Anh và Nga vào ngày 31 tháng 8 năm 1907 để mở rộng quyền lợi của họ. thông thường, Entente được hiểu là Triple entente (Đồng minh ba bên). Nhóm Triple entente này tạo ra ba đối thủ to lớn chống lại nhóm Liên minh Trung tâm (Central Powers) trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. (Trong Cách mạng tháng Mười ở Nga nhóm Đồng minh ba bên đã ủng hộ Bạch quân Nga). Vào năm 1920 một nhóm đồng minh nhỏ (Little Entente) giữa Tiệp Khắc, Nam Tư và România đã hình thành vì đòi hỏi của Pháp và Ba Lan. Vào năm 1934 ba nước cộng hòa vùng Baltic Estonia, Latvia và Litva đã ký một hiệp định bảo vệ lẫn nhau trong quân sự và đối ngoại, cũng được gọi là Đồng minh Baltic (Baltic Entente). == Sự hình thành == Vào năm 1890 Wilhelm II, người bước vào quyền lực lúc này ở Đức, đã lật lên bản hợp đồng bảo vệ lưng, cái đã được ký kết năm 1887 với Nga bởi Bismarck, và từ bỏ nó khi trở thành thủ tướng Đế quốc Đức. Vì sợ hãi trước một cuộc chiến khả thi với Đế quốc Đức, Nga đã bước vào nhóm liên minh quân sự với Pháp. Hiệp ước giữa Nga và Pháp được ký vào ngày 17 tháng 8 năm 1894. Trong khi đó, Anh và Pháp đã xích mích từ lâu trong những cuộc tranh cãi thuộc địa từ chủ nghĩa đế quốc (Pháp đòi hỏi một liên minh Đông-Tây, Anh quốc thì một liên minh Bắc-Nam). Họ thống nhất với nhau vào ngày 8 tháng 4 năm 1904 trên một sự phân chia ranh giới của khu vực quan tâm: Bắc Phi, Trung Phi, Tây Phi, Newfoundland, Xiêm và kênh Suez và đưa vào những tranh cãi của họ. Từ đó nhóm đồng minh giữa Pháp và Anh (hay Entente cordial) đã được hình thành. 1907 Anh và Nga đã tìm thấy sự cân bằng ở Viễn Đông (bao gồm Ba Tư, Tây Tạng và Afghanistan) và cùng ký một hiệp ước tham gia vào nhóm đồng minh vào ngày 31 tháng 8 năm 1907 tại Sankt-Peterburg. Từ các hiệp ước đó, một đồng minh ba bên (hay Triple entente) bao gồm Anh, Pháp và Nga đã hình thành. == Những hiệp định cơ bản == 1891 - 93: Nhóm Nga-Pháp 1904: Hiệp ước Anh-Pháp 1907: Hiệp ước Nga-Anh == Đồng minh và với quyền lực liên minh của họ == === Đồng minh === Đế quốc Pháp Đế quốc Anh Đế quốc Nga (cuối 1901 đến tháng 11 năm 1917) Ý (từ giữa 1915) Đế quốc Nhật Bản (tháng 8 năm 1914) Hoa Kỳ (1917) === Các thế lực đồng minh === Bỉ (bao gồm cả các thuộc địa của Bỉ) Montenegro Serbia Khối liên hiệp Anh Úc Ấn Độ Canada Newfoundland New Zealand Nam Phi Bồ Đào Nha (Tháng 3 1916) (bao gồm cả các thuộc địa của Bồ Đào Nha) Vương quốc Romania (Tháng 8 1916- Tháng 5 1918) Hy Lạp Các quốc gia có tham gia hoạt động quân sự: Albania Brasil (Tháng 10 1917) Armenia (Tháng 5 1918) Tiệp Khắc - Quân đoàn Tiệp Khắc Phần Lan (Tháng 10 1918) Nepal Xiêm San Marino (Tháng 6 1915) Các quốc gia có tuyên chiến nhưng không tham gia hoạt động quân sự: Andorra Bolivia (Tháng 4 1917) China (Tháng 8 1917) Costa Rica (Tháng 5 1918) Cuba (Tháng 4 1917) Ecuador (Tháng 12 1917) Guatemala (Tháng 4 1918) Liberia (Tháng 8 1917) Haiti (Tháng 7 1918) Honduras (Tháng 7 1918) Nicaragua (Tháng 5 1918) Panama (Tháng 12 1917) Peru (Tháng 10 1917) Uruguay == Các nhà lãnh đạo và chỉ huy quân sự của Entente == Đế quốc Nga Nikolai II — hoàng đế Nga (thoái vị ngày 15 tháng 3 1917) Công tước Nicholas Nikolaevich - Tổng tư lệnh quân đội (1 tháng 8 năm 1914 – 5 tháng 9 năm 1916) Alexander Samsonov - Chỉ huy trưởng tập đoàn quân số 2 tấn công vào Đông Phổ (1 tháng 8 năm 1914 – 29 tháng 8 năm 1914) Paul von Rennenkampf - Chỉ huy trưởng tập đoàn quân số 1 tấn công vào Đông Phổ (1 tháng 8 năm 1914 - Tháng 11 1914) Nikolai Ivanov - Chỉ huy trưởng phương diện quân Tây Nam (1 tháng 8 năm 1914 - Tháng 3 1916) Aleksei Brusilov - Chỉ huy trưởng phương diện quân Tây Nam, Tổng tư lệnh quân đội (Tháng 2 1917 - Tháng 8 1917) Lavr Georgievich Kornilov - Chỉ huy trưởng phương diện quân Tây Nam, Tổng tư lệnh quân đội (Tháng 8 1917) Pháp Raymond Poincaré - Tổng thống Pháp René Viviani - Thủ tướng Pháp (13 tháng 6 năm 1914 - 29 tháng 10 năm 1915) Aristide Briand - Thủ tướng Pháp (29 tháng 10 năm 1915 - 20 tháng 3 năm 1917) Alexandre Ribot - Thủ tướng Pháp (20 tháng 3 năm 1917 - 12 tháng 9 năm 1917) Paul Painlevé - Thủ tướng Pháp (12 tháng 9 năm 1917 - 16 tháng 11 năm 1917) Georges Clemenceau - Thủ tướng Pháp (từ 16 tháng 11 năm 1917) Joseph Joffre - Tổng tư lệnh quân đội Pháp (3 tháng 8 năm 1914 - 13 tháng 12 năm 1916) Robert Nivelle - Tổng tư lệnh quân đội Pháp (13 tháng 12 năm 1916 - Tháng 4 1917) Philippe Pétain - Tổng tư lệnh quân đội Pháp (Tháng 4 1917 - 26 tháng 3 năm 1918) Ferdinand Foch - Tổng tư lệnh quân đội Pháp, tổng tư lệnh các lực lượng Đồng minh (26 tháng 3 năm 1918 - 11 tháng 11 năm 1918) Vương quốc Anh George V - Vua Anh H. H. Asquith - Thủ tướng Anh (Cho đến 5 tháng 12 năm 1916) D. Lloyd George - Thủ tướng Anh (từ 7 tháng 12 năm 1916) Horatio Herbert Kitchener - Bộ trưởng chiến tranh (5 tháng 8 năm 1914 - 5 tháng 6 năm 1916) William Robertson - Tổng tư lệnh quân đội Hoàng gia Anh John French - Tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh Anh (4 tháng 8- 15 tháng 12 năm 1915) Douglas Haig - Tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh Anh (15 tháng 12 năm 1915 - 11 tháng 11 năm 1918) Jackie Fisher - Đô đốc hải quân hoàng gia Anh - (1914 - Tháng 5 1915) Henry Jackson - Đô đốc hải quân hoàng gia Anh - (Tháng 5 1915 - Tháng 11 1916) John Jellicoe - Đô đốc hải quân hoàng gia Anh (Tháng 11 1916 - Tháng 12 1917) Úc Billy Hughes - Thủ tướng Úc (1915 đến hết chiến tranh) John Monash - Tổng tư lệnh các lực lượng Úc tại mặt trận phía Tây Canada Robert Borden - Thủ tướng Canada (1914-1918) Julian Byng (Tháng 6 1916 - Tháng 6 1917) Tổng tư lệnh các lực lượng Canada Arthur Currie - Tổng tư lệnh các lực lượng viễn chinh Canada Ấn Độ John Nixon - chỉ huy trưởng lực lượng Ấn Độ tại Trung Đông Nam Phi Louis Botha - Thủ tướng Nam Phi Jan Smuts - Chỉ huy trưởng lực lượng Nam Phi tại Tây Nam Phi và Đông Phi Serbia Peter I - Vua Serbia Vojvoda Radomir Putnik - Tổng tư lệnh quân đội Serbia Vojvoda Petar Bojović - Tổng tư lệnh quân đội Serbia Vojvoda Stepa Stepanović Vojvoda Živojin Mišić Janko Vukotić Bỉ Albert I - Vua Bỉ (23 tháng 12 năm 1909 - 17 tháng 2 năm 1934) Tiệp Khắc Milan Rastislav Stefanik Italy Victor Emmanuel III - Vua Ý Luigi Cadorna - tổng tư lệnh quân đội Ý Armando Diaz - Tổng tư lệnh quân đội Ý Luigi, Duke of Abruzzi - Tổng tư lệnh hạm đội Adriatic (1914 - 1917) Romania Ferdinand I - Vua Romania Constantin Prezan - Tổng tham mưu trưởng quân đội Romania Alexandru Averescu Hoa Kỳ Woodrow Wilson - Tổng thống Hoa Kỳ/Tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ Newton D. Baker - Bộ trưởng chiến tranh John J. Pershing - Tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh Hoa Kỳ Đế quốc Nhật Bản Thiên hoàng Đại Chính - Thiên hoàng Nhật Bản Ōkuma Shigenobu - Thủ tướng Nhật Bản (16 tháng 4 năm 1914 - 9 tháng 10 năm 1916) Terauchi Masatake - Thủ tướng Nhật Bản (9 tháng 10 năm 1916 - 29 tháng 9 năm 1918) == Tham khảo == == Liên kết ngoài == http://www.dhm.de/lemo/html/wk1/kriegsverlauf/entente/index.html http://zeus.zeit.de/text/2004/14/Entente_Cordiale http://www.merkur.de/archiv/neu/rm_0432/po/ge_041401.html
tina turner.txt
Tina Turner (tên khai sinh Anna Mae Bullock; sinh ngày 26 tháng 11 năm 1939) là nữ ca sĩ, vũ công, diễn viên và nhà văn sinh tại Mỹ, có sự nghiệp kéo dài hơn nửa thế kỷ, mang về nhiều giải thưởng và công nhận rộng rãi. Sinh trưởng tại miền Đông Nam Hoa Kỳ, bà giờ đây mang quốc tịch Thụy Sĩ. Bà khởi nghiệp ca hát vào những năm 1950 khi tham gia nhóm nhạc Kings of Rhythm của Ike Turner, thu âm lần đầu tiên vào năm 1958 dưới nghệ danh "Little Ann." Bà bắt đầu giới thiệu bản thân bằng cái tên Tina Turner vào năm 1960, khi là thành viên của nhóm Ike & Tina Turner Revue. Nhóm ra mắt nhiều đĩa đơn ăn khách, bao gồm "A Fool in Love", "River Deep – Mountain High" (1966), "Proud Mary" (1971) và "Nutbush City Limits" (1973), một ca khúc mà bà tự sáng tác. Trong cuốn hồi ký I, Tina (1986), bà tiết lộ nhiều trường hợp bạo hành gia đình nghiêm trọng giữa Ike Trevor Turner và bà, gây nên sự rạn nứt năm 1976 và ly hôn năm 1978. Được nuôi dạy theo đạo Báp-tít, bà chuyển sang Phật giáo Nichiren Shoshu năm 1971. Sau khi ly hôn, bà gầy dựng lại sự nghiệp thông qua những màn trình diễn trực tiếp. Vào đầu thập niên 1980, bà ra mắt nhiều sản phẩm âm nhạc ăn khách, bắt đầu với đĩa đơn 1983 "Let's Stay Together" và album đơn ca thứ năm Private Dancer (1984). Đĩa đơn "What's Love Got to Do with It" trích từ album trên thắng 3 giải Grammy, bao gồm hạng mục "Thu âm của năm". Bà tiếp tục phát hành các album giành chứng nhận đa Bạch kim Break Every Rule (1986) và Foreign Affair (1989), với các đĩa đơn "We Don't Need Another Hero (Thunderdome)", "The Best" và "GoldenEye" trong bộ phim James Bond cùng tên. Ngoài sự nghiệp âm nhạc, Turner còn gặt hái nhiều thành công ở lĩnh vực điện ảnh, bao gồm vai Acid Queen trong bộ phim nhạc kịch rock Tommy (1975), vai chính bên cạnh Mel Gibson trong bộ phim hành động Mad Max Beyond Thunderdome (1985) và Last Action Hero (1993). Với doanh số album và đĩa đơn trên toàn cầu xấp xỉ đạt 100 triệu bản, Turner là một trong những nghệ sĩ âm nhạc bán đĩa chạy nhất thế giới. Bà nổi tiếng bởi những màn trình diễn sôi động trên sân khấu, chất giọng nội lực và sự nghiệp kéo dài, giúp bà được mệnh danh là "Nữ hoàng nhạc Rock 'n' Roll". Bà là chủ nhân của 7 giải Grammy và 3 giải của Đại lộ danh vọng Grammy. Rolling Stone xếp bà ở vị trí thứ 63 trong danh sách "100 nghệ sĩ vĩ đại nhất" và vị trí thứ 17 trong "100 ca sĩ vĩ đại nhất". Bà được vinh danh tại Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll năm 1991. == Thời thơ ấu == Anna Mae Bullock sinh ngày 26 tháng 11 năm 1939 tại Nutbush, một khu vực chưa hợp nhất ở Quận Haywood, Tennessee; trong gia đình của Zelma Priscilla (nhũ danh Currie) và Floyd Richard Bullock. Anna Mae sinh ở Trang trại Poindexter tại Đường cao tốc 180, nơi bố bà làm công việc trông coi cấy rẽ. Bà mang dòng máu Mỹ Phi, với xấp xỉ 33% của người châu Âu và 1% tổ tiên người bản địa Mỹ. Anna Mae có một người chị gái, Ruby Aillene. Khi còn nhỏ, Anna Mae và Aillene bị chia cách khi bố mẹ họ dời về Knoxville, Tennessee để làm việc tại một cơ sở quốc phòng trong thời Thế chiến Thứ hai. Anna ở lại với ông bà nội nghiêm khắc và sùng đạo, Alex và Roxanna Bullock, là thầy phó tế và nữ chấp sự tại Nhà thờ Báp-tít Woodlawn Missionary, ở Đường Woodlawn, Highway 19. Sau chiến tranh, chị em bà đoàn tụ với bố mẹ và chuyển tới Knoxville. Hai năm sau, gia đình họ trở về Nutbush để sống cùng cộng đồng Flagg Grove, nơi Anna theo học ở trường Tiểu học Flagg Grove cho đến lớp 8. Năm 1889, người ông bác của bà bán một mảnh đất, mà sau đó xây lên ngôi trường này. Khi còn trẻ, Anna Mae hát ở dàn hợp xướng của Nhà thờ Báp-tít Nutbush's Spring Hill. Khi 11 tuổi, mẹ bà đột ngột bỏ đi, tìm tự do khỏi mối quan hệ lạm dụng với Floyd Bullock. Zelma đến sống ở St. Louis cùng với bà bác của Anna Mae. Ở tuổi thiếu niên, Anna Mae làm việc như một công nhân cho gia đình nhà Henderson. Khi Anna Mae 13 tuổi, bố của bà kết hôn với một người đàn bà khác và dời đến Detroit. Anna Mae và chị gái phải trở về sống cùng bà Georgeanna ở Brownsville, Tennessee. Trong cuốn hồi ký I, Tina, Anna Mae cảm thấy mẹ không yêu thương và "không mong muốn" bà, khẳng định mẹ bà muốn tách biệt khỏi bố khi mang thai mình. "Bà ấy là một người phụ nữ trẻ tuổi không muốn có thêm đứa con nào nữa", Anna Mae viết. Mối quan hệ của bà với mẹ mãi đến năm 1999, sau cái chết của Bullock, mới được hàn gắn. Lấy hình tượng tomboy, Anna Mae tham gia đội cổ động viên và bóng rổ nữ ở trường Trung học Carver tại Brownsville và "hòa nhập mỗi khi bà có thể." Bạn trai đầu tiên của bà, khi còn sống ở Brownsville, tên là Harry Taylor, người định theo học một ngôi trường đối lập với bà. Taylor đã chuyển tới trường của Anna để gần gũi với bà hơn. Mối quan hệ của họ chấm dứt khi Anna Mae biết Harry đã cưới một người phụ nữ khác. Khi 16 tuổi, bà của Anna Mae đột ngột qua đời. Sau lễ tang, Anna Mae sống cùng mẹ tại St. Louis, nơi bà đoàn tụ với chị gái của mình. Tại đó, Anna Mae tốt nghiệp tại trường Trung học Sumner và làm phụ tá y tá ở Bệnh viện Barnes-Jewish và ước mơ trở thành một y tá. == Sự nghiệp == === 1958–76: Ike & Tina Turner === ==== 1958–60: Khởi đầu ==== Anna và chị gái bắt đầu đến những hộp đêm ở khu vực St. Louis và Đông St. Louis một cách thường xuyên. Tại Club Manhattan, một hộp đêm tại Đông St. Louis, bà tìm thấy Ike Turner và ban nhạc của ông, Kings of Rhythm, đang trình diễn. Anna bị ấn tượng bởi âm nhạc và tài năng của Ike, khẳng định âm nhạc của trưởng nhóm khiến bà "ngây ngất." Anna cảm thấy muốn trình diễn với ban nhạc của Ike dù rất ít phụ nữ được hát với ông. Một đêm, khi Anna 18 tuổi, tay trống Gene Washington của ban nhạc trao microphone cho bà trong giờ giải lao. Lúc bà cất tiếng hát, Ike hỏi liệu bà có biết nhiều ca khúc hay không và bà được hát cả đêm, trở thành giọng ca khách mời từ đó trở đi. Trong thời gian này, Ike dạy bà cách kiểm soát giọng và trình diễn. Bà thu âm lần đầu vào năm 1958, khi hát bè dưới nghệ danh "Little Ann" trong bài hát "Box Top" của Ike Turner, bên cạnh ca sĩ Carlson Oliver. Năm 1960, Ike sáng tác một bài hát R&B, "A Fool in Love" dành cho ca sĩ Art Lassiter trong nhóm Kings of Rhythm. Lassiter không thể có mặt tại phòng thu và Anna sau cùng trình bày bài hát này sau nhiều lần nài nỉ Ike. Ike đồng ý dùng giọng của bà trong bản thu thử của bài hát, để dễ dàng xóa đi và thêm giọng hát của Lassiter sau này. Dù vài người cảm thấy bản thu thử "cao vút" và "chát tai" với giọng hát của Anna, bài hát này lại được chơi thường xuyên trên sóng phát thanh ở St. Louis. Một DJ địa phương tại St. Louis, Dave Dixon thuyết phục Ike gửi đoạn băng đến Juggy Murray, chủ tịch hãng đĩa R&B Sue Records. Từ khi nghe bài hát, Murray lấy làm ấn tượng với giọng hát của Anna, sau đó khẳng định chất giọng của bà "nghe như tiếng thét lay động... đúng là một âm thanh hào hứng." Murray mua lại bài hát và trả Ike 25.000 đô-la Mỹ phí thu âm và xuất bản. Murray còn thuyết phục Ike biến Anna thành "ngôi sao của chương trình." Thời gian này, Ike Turner đổi tên bà thành Anna Mae Bullock "Tina", vì cái tên vần với nhân vật truyền hình Sheena. Có thông tin cho rằng việc đổi tên là để bà không thể cắt đứt và tự tạo tên tuổi cho chính mình. Ike Turner cảm thấy nếu Anna Mae Bullock bỏ đi, ông ta có thể thay thế bà với một ca sĩ khác và trình diễn như Tina. ==== 1960–65: Vươn đến thành công ==== "A Fool in Love" phát hành vào tháng 7 năm 1960 và đạt thành công gần như tức thì, giữ hạng 2 trên bảng xếp hạng Hot R&B Sides và hạng 27 trên Billboard Hot 100 tháng 10 năm đó. Kurt Loder miêu tả bài hát là "đĩa thu âm đậm chất da màu nhất lọt vào bảng xếp hạng của người da trắng kể từ bài hát phúc âm 'What'd I Say' của Ray Charles vào mùa hè năm trước." Đĩa đơn pop thành công thứ hai, "It's Gonna Work Out Fine" (1961) vươn đến top 20 và giành đề cử giải Grammy cho "Trình diễn Rock and Roll hay nhất". Các đĩa đơn R&B nổi bật của họ trong thời gian hợp tác với hãng Sue Records bao gồm "I Idolize You", "Poor Fool" và "Tra-La-La-La." Năm 1964, Ike & Tina chuyển sang hãng Kent Records, phát hành đĩa đơn "I Can't Believe What You Say." Năm kế đến, họ ký kết với Loma Records, một hãng thu âm con của Warner Bros. Records do Bob Krasnow—người trở thành quản lý của họ không lâu sau khi rời Sue Records—điều hành. Giữa năm 1964 và 1969, Ike & Tina ký hợp đồng với hơn 10 hãng đĩa. Cặp đôi giữ vững độ phổ biến thông qua một chuyến lưu diễn nghiêm ngặt trên khắp nước Mỹ, trình diễn suốt 99 ngày liền tại quốc gia này. Trong thời gian trình diễn ở Chitlin' Circuit, Ike và Tina Turner Revue trở thành "một trong những nhóm nhạc R&B hấp dẫn, củng cố và gây bùng nổ nhất", là đối thủ với James Brown Show về tính ngoạn mục trong âm nhạc. Các đêm nhạc do Ike Turner dàn dựng mang về thành công về tài chính, giúp cả hai có thể trình diễn trước khán giả đa dạng ở vùng Đông Nam Mỹ, dựa vào số tiền họ kiếm được ở các hộp đêm Nam Mỹ. Giữa năm 1963 và 1966, ban nhạc lưu diễn liên tục mà không phát hành thêm đĩa đơn ăn khách nào. Tina nổi tiếng sau khi trình diễn đơn ca trên nhiều chương trình như American Bandstand và Shindig!, trong lúc ban nhạc xuất hiện trên Hollywood A Go-Go, The Andy Williams Show và bộ phim The Big T.N.T. Show (1965). ==== 1965–75: Bứt phá ==== Năm 1965, Phil Spector nhìn thấy màn trình diễn của Ike & Tina ở Los Angeles và mong muốn hợp tác với Tina. Thực hiện một hợp đồng, Spector trao cho Ike số tiền 20.000 đô-la Mỹ phí thu âm. Cùng Spector, Tina sản xuất bài hát "River Deep - Mountain High", phát hành theo hãng thu âm Philles của Spector. Spector gọi bản thu âm này, với nguồn năng lượng dồi dào của Tina trên nền âm thanh giao hưởng, là tác phẩm hay nhất của ông. Bài hát gặt hái thành công tại các nước hải ngoại, đạt hạng 3 tại UK Singles Chart nhưng chỉ vươn đến hạng 88 tại Hoa Kỳ. Bị thất vọng, Spector không bao giờ ký kết một nghệ sĩ khác với hãng Philles và sản xuất độc lập lần nào nữa. Nhưng ảnh hưởng của bản thu âm này giúp Ike và Tina mở màn cho chuyến lưu diễn Anh Quốc của nhóm The Rolling Stones mùa thu năm đó, trong khi cả ban nhạc Revue mở rộng biểu diễn khắp châu Âu và Úc. Ký kết với Blue Thumb Records năm 1968, nhóm Revue ra mắt nhiều album đậm chất blues như Outta Season và The Hunter. Outta Season xuất bản đĩa đơn "I've Been Loving You Too Long" của Otis Redding, trong khi bài hát chủ đề của The Hunter, do Albert King sản xuất, giành cho Tina đề cử giải Grammy cho "Trình diễn giọng R&B nữ xuất sắc nhất". Thành công của những album này giúp cho nhóm Revue biểu diễn chính tại Las Vegas, nơi có sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng như David Bowie, Sly Stone, Janis Joplin, Cher, James Brown, Ray Charles, Elton John và Elvis Presley. Năm 1969, nhóm Revue trở nên nổi tiếng trong nước sau khi mở đầu cho chuyến lưu diễn của Rolling Stones. Năm 1970, họ trình bày trên The Ed Sullivan Show. Thành công của chuyến lưu diễn giúp The Revue ký hợp đồng với Liberty Records, nơi họ xuất bản hai album Come Together và Workin' Together, lần lượt vào năm 1970 và 1971. Come Together cho ra đĩa đơn top 40 đầu tiên, "I Want to Take You Higher" của Sly and the Family Stone. Come Together đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của họ khi chuyển từ thể loại R&B thường thấy để kết hợp nhiều giai điệu rock hơn. Đầu năm 1971, phiên bản trình bày lại "Proud Mary" của Creedence Clearwater Revival giúp họ đạt hạng 4 trên Hot 100 và bán hơn 1 triệu bản, thắng giải Grammy cho "Trình diễn song ca hoặc nhóm nhạc giọng R&B xuất sắc nhất". Cuối năm đó, album trực tiếp What You Hear Is What You Get được ghi lại từ Đại sảnh Carnegie, đạt chứng nhận Vàng. Năm 1972, Ike Turner thành lập phòng thu Bolic Sounds, gần nhà của họ ở Inglewood. Sau khi United Artists Records mua lại hãng Liberty, cả hai cũng ký kết với hãng này, phát hành 10 album trong thời hạn 3 năm. Đĩa đơn ăn khách cuối cùng của họ, "Nutbush City Limits" xuất bản năm 1973, đạt hạng 22 trên Hot 100 và hạng 4 tại Anh. Năm 1974, Tina ra mắt album đơn ca đầu tiên Tina Turns the Country On!, thắng một đề cử giải Grammy. Năm đó, Tina đến Luân Đôn để tham gia thu hình bộ phim nhạc kịch rock, Tommy. Bà vào vai The Acid Queen và hát một ca khúc cùng tên. Diễn xuất của Turner được khen ngợi. Sau khi hoàn tất, Turner xuất hiện với Ann-Margret trong một chương trình đặc biệt tại Luân Đôn. Trở về Mỹ, Turner tiếp tục sự nghiệp với The Revue. Sau khi phát hành Tommy, một album đơn ca khác của Turner, Acid Queen lên kệ năm 1975. ==== 1976: Sụt giảm ==== Đến giữa những năm 1970, chứng nghiện ngập cocaine của Ike Turner đã vượt quá mức kiểm soát. Trong thời gian này, Tina chuyển sang Phật giáo Nichiren và tụng kinh Nam Myoho Renge Kyo để giúp bà vượt qua những căng thẳng trong hôn nhân và sự nghiệp. Vì lạm dụng ma túy mà nhiều chương trình của Ike bị hủy bỏ hoặc hoãn lại. Tháng 7 năm 1976, Ike Turner dự định rời khỏi United Artists Records để ký một hợp đồng 5 năm trị giá 150.000 đô-la Mỹ với Cream Records. Hợp đồng hoàn tất ngày 6 tháng 7. Ngày 2 tháng 7, Ike và Tina đang trên đường từ Los Angeles đến Dallas để trình diễn ở Dallas Statler Hilton. Cả hai dính vào một vụ ẩu đả trên đường đến khách sạn. Không lâu sau, Tina bỏ chạy khỏi khách sạn và trốn ở nhà một người bạn. Ngày 27 tháng 7, Tina đệ đơn ly hôn vì nhiều khác biệt không thể hòa giải. Dù vậy, vì đột ngột chấm dứt với Ike trong lúc lưu diễn, bà phải chịu trách nhiệm pháp lý vì hủy bỏ nhiều đêm nhạc. Sau một năm ở tòa, cuộc ly hôn của họ hoàn thành ngày 29 tháng 3 năm 1978. Theo đó, bà hoàn toàn chia rẽ với Ike, chỉ giữ lại nghệ danh và nhận trách nhiệm về số tiền nợ do hủy lưu diễn cũng như số tài sản đáng kể cùng Internal Revenue Service. === 1977–82: Trở lại âm nhạc === Năm 1977, với số tiền của chủ tịch hãng United Artists, Richard Stewart trao cho bà, Tina trở lại sân khấu, trình bày nhiều đêm nhạc ở Las Vegas với bối cảnh quán rượu tạp kỹ, lấy cảm hứng bởi những chương trình mà bà được xem lúc còn là thành viên nhóm Ike & Tina Turner Revue. Bà đem bối cảnh này đến những nhà hát nhỏ hơn tại Mỹ. Turner tăng thêm thu nhập trong nhiều chương trình như The Hollywood Squares, Donny and Marie, The Sonny & Cher Show và The Brady Bunch Hour. Cuối năm 1977, Turner mở màn chuyến lưu diễn đơn ca xuyên khắp nước Úc. Năm 1978, United Artists phát hành album đơn ca thứ ba của Turner, Rough phân phối tại Bắc Mỹ và châu Âu bởi EMI. Album này và sản phẩm tiếp theo, Love Explosion mang đôi chút ảnh hưởng của giai điệu disco, gặp thất bại trên các bảng xếp hạng. Những album này hoàn tất hợp đồng của bà với United Artists/EMI và Turner rời khỏi hãng. Với chuyến lưu diễn thứ hai, Wild Lady of Rock 'n' Roll, bà tiếp tục trở thành một nghệ sĩ trình bày trực tiếp thành công mà không cần một đĩa thu âm ăn khách. Sau khi xuất hiện trên Hollywood Nights, chương trình truyền hình đặc biệt của Olivia Newton-John tại Mỹ, Turner ký hợp đồng với quản lý Roger Davies của Newton-John. Davies đồng ý hợp tác với Turner như là quản lý sau khi thấy bà trình diễn trong Venetian Ballroom, tại khách sạn Fairmont San Francisco hồi tháng 2 năm 1980. Davies khuyên Turner nên rời khỏi ban nhạc và dàn dựng lại chương trình của bà theo phong cách rock'n'roll. Năm 1981, Davies đặt lịch cho Tina ở The Ritz, thành phố New York. Sau màn trình diễn, Rod Stewart tuyển Turner song ca bài hát ăn khách của ông, "Hot Legs" trên Saturday Night Live và sau đó hợp tác cùng bà trong chuyến lưu diễn tại Mỹ. Một đêm nhạc với Rod Stewart và Kim Carnes ngày 19 tháng 12 năm 1981 tại L. A. Forum, Inglewood được thu hình lại. Sau đó, Turner mở màn 3 đêm nhạc của The Rolling Stones. Bà cùng Robert Cray trình bày bài hát "Ball of Confusion" của The Temptations, với đội ngũ sản xuất Anh Quốc B.E.F. đạt thành công ở các hộp đêm châu Âu năm 1982. Sau những màn trình diễn với Chuck Berry và những tour ngắn ngày ở Mỹ và châu Âu, Turner xuất hiện tại the Ritz một lần nữa vào tháng 12 năm đó, giúp bà ký kết một hợp đồng với Capitol Records, dưới sự giới thiệu của David Bowie. === 1983–85: Private Dancer và Mad Max Beyond Thunderdome === Tháng 11 năm 1983, Tina và hãng Capitol phát hành bài hát "Let's Stay Together" của Al Green. Bài hát đạt thành công, xuất hiện trên nhiều bảng xếp hạng âm nhạc châu Âu, vươn đến top 10 Anh Quốc và hạng 26 trên Billboard Hot 100, là bài hát đơn ca đầu tiên của bà xếp hạng tại đây. Ca khúc cũng đạt top 10 Hot Dance Club Songs và Hot Black Singles. Thành công của bài hát buộc Capitol phải cân nhắc hợp đồng với Turner, chào mời một hợp đồng 3 album, yêu cầu một album trong thời gian ngắn, điều mà Turner khẳng định trên Ebony là một "sự trở lại tuyệt vời." Thu âm trong hai tháng ở Luân Đôn, album Private Dancer phát hành tháng 6 năm 1984. Cùng tháng đó, Capitol xuất bản đĩa đơn thứ hai "What's Love Got to Do with It", vươn đến top 10 Hoa Kỳ trong chưa đầy 1 tháng và dẫn đầu bảng xếp hạng tại quốc gia này vào tháng 9. Bao gồm nhiều đĩa đơn thành công như "Better Be Good to Me" và "Private Dancer", album này đạt hạng 3 trên Billboard 200, bán hơn 5 triệu bản tại Hoa Kỳ và hơn 20 triệu bản trên toàn cầu, trở thành album thành công nhất của bà. Cuối năm 1985, bà tháng 4 giải Grammy, gồm hạng mục "Thu âm của năm" cho "What's Love Got to Do with It". Tháng 2 năm đó, bà mở đầu chuyến lưu diễn thứ hai, Private Dancer Tour. Một đêm nhạc ở NEC Arena, Birmingham, Anh được ghi hình và phát hành làm video tại gia. Trong thời gian này, bà cũng góp giọng trong bài hát từ thiện "We Are the World" của USA for Africa. Thành công của Turner tiếp tục khi bà đến Úc để xuất hiện với Mel Gibson trong bộ phim hậu tận thế Mad Max Beyond Thunderdome (1985). Đây là bộ phim đầu tiên bà diễn vai chính trong 10 năm—bà vào vai Aunty Entity, người cai quản Bartertown. Từ khi phát hành, đánh giá đến diễn xuất của bà đa phần là tích cực và bộ phim là một thành công thương mại, đem về hơn 36 triệu đô-la Mỹ tại Hoa Kỳ. Turner sau đó nhận Giải NAACP Image cho "Nữ diễn viên điện ảnh xuất sắc nhất" nhờ vai diễn này. Bà thu hai bài hát ăn khách cho bộ phim, "We Don't Need Another Hero (Thunderdome)" và "One of the Living", giúp bà thắng giải Grammy cho "Trình diễn giọng rock nữ xuất sắc nhất." Turner trình bày tại Live Aid cùng Mick Jagger vào tháng 7 năm đó. Sau khi hát cùng Tina trong một đêm nhạc ở Anh, ca sĩ Bryan Adams ra mắt đĩa đơn song ca với bà mang tên "It's Only Love", giành một đề cử giải Grammy cho "Trình diễn song ca hoặc nhóm nhạc giọng rock xuất sắc nhất". === 1986–98: Break Every Rule, Foreign Affair, Wildest Dreams và Twenty Four Seven === Sau Private Dancer, Turner trình làng Break Every Rule năm 1986. Với các đĩa đơn "Typical Male", "Two People" và "What You Get Is What You See", album bán hơn 4 triệu bản trên thế giới. Trước khi phát hành album này, Turner xuất bản cuốn hồi ký thành công về thương mại I, Tina và nhận một ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood. Chuyến lưu diễn châu Âu Break Every Rule Tour kết thúc vào tháng 3 năm 1988 tại Munich, Đức, mở rộng kỷ lục bán vé và khán giả tham dự của bà. Thành công của hai chương trình lưu diễn giúp cho đĩa trực tiếp Tina Live in Europe được ra mắt vào tháng 4. Bà trở lại với Foreign Affair (1989), bao gồm một trong những bài hát trứ danh của Turner, "The Best." Bà tiếp tục tổ chức Foreign Affair Tour để quảng bá cho album này tại châu Âu. Trong khi Foreign Affair đạt chứng nhận Vàng ở Hoa Kỳ, các đĩa đơn "The Best" và "Steamy Windows" cũng vươn đến top 40 tại quốc gia này. Tina và Ike ký kết thỏa thuận cho bộ phim tiểu sử What's Love Got to Do with It (1993). Phim có diễn xuất của Angela Bassett vai Tina và Laurence Fishburne vai Ike, nhận hai đề cử giải Oscar cho "Nam diễn viên xuất sắc nhất" và "Nữ diễn viên xuất sắc nhất". Turner đóng góp bài hát top 10 Hoa Kỳ cho bộ phim, "I Don't Wanna Fight." Bà giúp đỡ Bassett với trang phục, phong cách nhảy và xuất hiện ở cuối bộ phim. Sau khi mở màn cho chuyến lưu diễn đầu tiên ở Mỹ trong 7 năm, What's Love? Tour, Turner chuyển đến Thụy Sĩ và nghỉ ngơi trong vòng 1 năm. Turner trở lại vào 1995 với bài hát của U2, "GoldenEye" nằm trong bộ phim James Bond cùng tên. Thành công lớn tại châu Âu và Hoa Kỳ của bài hát giúp Turner thu âm album mới, Wildest Dreams (1996). Dù bản thân album này không quá nổi trội ở Hoa Kỳ, nhưng nhờ vào Wildest Dreams Tour và xuất hiện trong quảng cáo của hãng Hanes, album này đạt chứng nhận Vàng ở Hoa Kỳ. Tại châu Âu, album giữ chứng nhận Bạch kim, với nhiều bài hát ăn khách "Whatever You Want", "Missing You", "Something Beautiful Remains" và bản song ca "In Your Wildest Dreams" với Barry White. Sau khi kết thúc lưu diễn năm 1997, Turner nghỉ ngơi một thời gian nữa trước khi xuất hiện trên chương trình Divas Live '99 của VH-1. Năm 1998, bản song ca "Cose della vita" với nhạc sĩ Ý Eros Ramazzotti trở nên ăn khách tại châu Âu. Trước khi ăn mừng sinh nhật lần thứ 60, Turner phát hành bài hát dance "When the Heartache Is Over" và album Twenty Four Seven tháng kế tiếp tại châu Âu và tại Bắc Mỹ vào đầu năm 2000. Album giành chứng nhận Vàng ở Mỹ. Twenty Four Seven Tour trở thành chuyến lưu diễn thành công nhất của bà và của thập niên 2000, với 100 triệu đô-la Mỹ doanh thu. Sau đó, Turner thông báo tạm ngưng các hoạt động âm nhạc. === 2003–nay: Trở lại sân khấu === Năm 2003, bà thu âm bản song ca "Great Spirits" với Phil Collins trong bộ phim Disney Brother Bear. Năm 2004, Tina xuất hiện lần đầu tiên sau thông báo tạm nghỉ ngơi, phát hành album tổng hợp All the Best và đĩa đơn "Open Arms", bán hơn 1 triệu bản tại Hoa Kỳ. Tháng 11, Turner phát hành All the Best – Live Collection và được Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ chứng nhận Bạch kim. Turner góp giọng trong "Teach Me Again" với Elisa, nằm trong nhạc phim All the Invisible Children, đạt hạng 1 ở Ý. Năm 2007, Turner trình diễn lần đầu tiên trong 7 năm, trong đêm nhạc từ thiện Cauldwell's Children Charity ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London. Năm đó, Turner trình bày "Edith and The Kingpin" của Joni Mitchell trong album tưởng niệm của Herbie Hancock, River: The Joni Letters. Giọng ca của Turner trong bài hát "The Game of Love" của Carlos Santana bị hãng đĩa thay thế bởi Michelle Branch. Ngày 12 tháng 12 năm 2007, Ike Turner qua đời vì dùng cocaine quá liều. Ông cũng mắc bệnh về tim mạch và khí phế thũng lúc qua đời. Turner đưa ra một thông báo thông qua người đại diện, "Tina không hề liên lạc với Ike hơn 30 năm. Sẽ không có bình luận nào thêm." Turner trở lại vào tháng 2 năm 2008 tại giải Grammy lần thứ 50, trình diễn với Beyoncé. Tháng 10 năm 2008, Turner mở màn chuyến lưu diễn đầu tiên trong gần 10 năm với Tina!: 50th Anniversary Tour. Để quảng bá, bà ra mắt một album tổng hợp khác, Tina! và phát hành album trực tiếp/DVD Tina Live. Năm 2009, Turner tham gia dự án Beyond với nhạc sĩ Regula Curti, Selda Bagcan và Dechen Shak Dagsay. Album đầu tiên của họ, Buddhist And Christian Prayers kết hợp bài kinh Phật và âm nhạc của Công giáo, với thông điệp do Turner đọc. Album đạt hạng 7 tại Thụy Sĩ. Tháng 4 năm 2010, bài hát ăn khách năm 1989 của Turner "The Best" trở lại UK Singles Chart ở vị trí thứ 9, nhờ một chiến dịch online của người hâm mộ Câu lạc bộ bóng đá Rangers. Năm 2011, album thứ hai của Beyond Children - With Children United In Prayer phát hành tại Thụy Sĩ. Bà quảng bá album này trên truyền hình Đức và Hà Lan vào tháng 12 năm đó. Tháng 5 năm 2012, Turner xuất hiện ở chương trình thời trang Bắc Kinh để ủng hộ Giorgio Armani. Turner trở thành nhân vật lớn tuổi nhất thế giới góp mặt trên bìa tạp chí Vogue, khi ở tuổi 73 trong số phát hành tháng 4 năm 2013. Tháng 2 năm 2014, Parlophone Records phát hành một album tổng hợp mới mang tên Love Songs. Album thứ ba của Beyond, Love Within ra mắt với một vài bài hát Phúc âm. == Đời tư == === Mối quan hệ và hôn nhân === ==== Raymond Hill ==== Sau khi dời đến St. Louis, Tina (lúc này tên là Anna Mae Bullock) và chị gái bắt đầu thân thiết với thành viên nhóm Kings of Rhythm—Anna Mae hẹn hò với nghệ sĩ saxophone của nhóm, Raymond Hill. Sau khi Anna Mae hạ sinh con trai Craig với Hill, mối quan hệ của họ trở nên căng thẳng. Theo báo cáo, sau khi biết cả hai gây gổ, Ike và các thành viên Kings of Rhythm đương đầu với Hill và đánh ông ta, với một người khiến ông ngã nhào, làm gãy chân ngay lập tức. Sự cố khiến Hill phải trở về Clarksdale, Mississippi. Ike sau đó nhận nuôi Anna Mae và con trai của Hill, đổi họ của đứa bé một cách hợp pháp. ==== Ike Turner ==== Mối quan hệ giữa Tina và Ike lúc đầu rất thân thiện và "giống như anh em ruột." Cuối năm 1958, Tina dời về ở cùng nhà của Ike tại East St. Louis. Trong thời gian này, Ike bắt đầu luyện tập thanh nhạc cùng Tina. Ban đầu, cả hai không thu hút lẫn nhau; Tina cảm thấy Ike không phải là "người đàn ông lý tưởng", còn Ike xem bà là em gái và ưa chuộng "những phụ nữ đẫy đà" hơn. Ike vẫn còn kết hôn hợp pháp với người vợ Lorraine Taylor vào lúc này. Năm 1959, Ike và Tina bắt đầu tiến đến quan hệ tình cảm, khiến Tina bất mãn. Ike cũng cảm thấy tội lỗi về mối tình này, khẳng định lúc quan hệ với Tina cũng giống như đang ân ái với một người em gái. Trong cuốn sách của mình, Tina khẳng định họ kết hôn ở Tijuana năm 1962. Bà nhớ lại lần đầu tiên bị Ike bạo hành cơ thể sau khi bà bảo đang nghĩ tới chuyện rời khỏi nhóm của Ike vì tranh chấp tài chính và mối quan hệ mập mờ của họ. Tina kể rằng Ike đã lấy chiếc khuôn giày và đập vào đầu bà. Không lâu sau, Ike muốn quan hệ với bà. Tina mô tả đó là lần đầu tiên Ike gieo "nỗi sợ hãi" trong bà. Lời mô tả của Ike về mối quan hệ với Tina, bao gồm những tai nạn lạm dụng, rất khác biệt. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1985 với Spin, Ike thừa nhận "Đúng vậy, tôi đã đánh cô ta, nhưng tôi không đánh nhiều hơn một người đàn ông bình thường ra tay với vợ của họ.... Nếu cô ta bảo tôi lạm dụng, thì có thể tôi đã làm thế." Trong cuốn hồi ký Taking Back My Name (1999), ông viết: "Phải, tôi đã tát Tina.... Có nhiều lần tôi đấm cô ta xuống đất mà không cần nghĩ ngợi. Nhưng tôi chưa bao giờ đánh ả." Ike cũng nhiều lần khẳng định ông và Tina chưa bao giờ kết hôn một cách hợp pháp. Trên tạp chí Spin năm 1985, Ike phát biểu "Có Chúa chứng giám, với tất cả các người vợ của tôi, Tina là người duy nhất tôi chưa bao giờ chính thức kết hôn." Ike bảo mình đã kết hôn ít nhất 14 lần và 5 lần trước khi kết hôn với Tina. Tina thừa nhận mình "chưa bao giờ cảm thấy như [bà] đã kết hôn" với Ike. Một nhạc sĩ quen biết đến Ike sau này nhớ lại, ngoài một vài cuộc cãi vã, ông chưa bao giờ chứng kiến Ike bạo hành Tina hay người thân thiết nào khác. Trước một chương trình ở Los Angeles năm 1968, Tina đã cố gắng tự tử khi nuốt 50 viên Valium sau một trận cãi vã với Ike. Sau khi họ xô xát tại Dallas tháng 7 năm 1976, Tina đệ đơn ly dị. Vụ ly hôn hoàn tất khi Tina chịu trách nhiệm cho những đêm nhạc bị hủy cũng như khoản tiền IRS và yêu cầu giữ lại nghệ danh để làm việc như một nhà biểu diễn. Sau khi ly hôn, Turner khẳng định phải phẫu thuật chỉnh lại vùng ngăn mũi vì bị Ike đánh đập thường xuyên. Turner cho rằng mình không phải là "nạn nhân" trong cuộc bạo hành của Ike như mọi người vẫn nghĩ, khẳng định bà đã tranh cãi với đạo diễn của bộ phim tiểu sử What's Love Got to Do with It (1993) về miêu tả của bà trong bộ phim. Nhiều người bạn và họ hàng của Ike cho rằng ông chưa bao giờ hoàn toàn cắt đứt mối quan hệ với Tina sau khi ly hôn. Con trai Ronald của họ có lần biết được Ike từng thi thoảng về nhà và rình mò địa chỉ của Tina. Sau khi ly hôn Ike năm 1978, Tina né tránh nhiều mối quan hệ trong thời gian dài, mong muốn đưa sự nghiệp của mình trở lại. ==== Erwin Bach ==== Lúc ở một bữa tiệc ăn mừng của hãng thu âm tại Luân Đôn năm 1985, Tina gặp nhà điều hành âm nhạc người Đức Erwin Bach. Ban đầu là bạn, Turner và Bach bắt đầu hẹn hò một năm sau đó. Vào tháng 7 năm 2013, sau khi thân thiết suốt 27 năm, cả hai kết hôn thầm lặng tại bờ Hồ Zurich, ở Küsnacht, bắc Hà Lan. === Con cái === Turner có hai người con trai. Người con đầu, Raymond Craig, sinh năm 1958 khi Turner mới 18 tuổi, là con của nhạc sĩ saxophone Kings of Rhythm Raymond Hill. Người con thứ hai, Ronald Turner, sinh vào tháng 10 năm 1960, là đứa con duy nhất giữa Turner và Ike Turner. Sau khi chuyển đến Los Angeles năm 1960, người vợ ghẻ lạnh của Ike Turner, Lorraine Turner, bỏ lại con trai của bà và Ike, Ike Jr. (sinh 1958) và Michael (sinh 1959). Trong phiên tòa xét xử ly hôn của Ike và Lorraine, Ike gửi 4 đứa trẻ ở nhà Tina. Năm 1985, Ike buộc tội Tina làm mẹ không tốt, thậm chí còn cho rằng bà gửi Michael đến bệnh viện tâm thần. Tina phủ nhận và tiết lộ với tạp chí Úc TV Week, "ông ấy đẩy những đứa trẻ ấy cho tôi mà không đưa một đồng để chăm lo cho chúng." === Tín ngưỡng === Turner đôi khi gọi mình là "người theo đạo Phật và Báp-tít", phản ánh xuất thân từ nhà thờ Báp-tít và sự chuyển giao sang Phật giáo sau này. Trong một cuộc phỏng vấn 2016, Turner khẳng định "Tôi xem mình là một Phật tử." Turner được giới thiệu tới đạo Phật Nichiren Shoshu năm 1971 bởi vũ công Jackie Stanton, nhớ lại một cảnh trong bộ phim tiểu sử What's Love Got to Do with It. Turner viết trong quyển tự truyện rằng bà tụng kinh Nam Myoho Renge Kyo trước khi thu âm ở phòng thu Bolic Sound của Ike. Cùng năm đó, bà bắt đầu theo Phật giáo Nichiren và xem đây là điều giúp bà vượt qua nhiều thời gian khó khăn. Bà trở thành một Phật tử độc lập từ ngày 28 tháng 11 năm 1991. Turner phát biểu mình cầu nguyện và đọc kinh mỗi ngày, gọi "Nam Myoho Renge Kyo giống như một bài hát". === Cư trú và quốc tịch === Turner sống trong căn nhà bờ hồ Château Algonquin, tại Küsnacht, cạnh Zurich từ khi chuyển đến đó năm 1994. Bà sở hữu tài sản ở Cologne, Luân Đôn và một căn biệt thự ở French Riviera tên là Anna Fleur. Ngày 25 tháng 1 năm 2013, Turner yêu cầu nhập quốc tịch Thụy Sĩ và từ bỏ quốc tịch Mỹ. Tháng 4, bà làm một bài kiểm tra bắt buộc để nhập quốc tịch, bao gồm kiến thức về tiếng Đức và lịch sử Thụy Sĩ. Ngày 22 tháng 4 năm 2013, bà trở thành công dân Thụy Sĩ và được cấp hộ chiếu Thụy Sĩ. Turner ký giấy tờ từ bỏ quyền công dân Mỹ ở Bern ngày 24 tháng 10 năm 2013. == Thành tựu và công nhận == Turner nổi tiếng bởi những màn trình diễn sôi động trên sân khấu, chất giọng nội lực và sự nghiệp kéo dài, giúp bà được mệnh danh là "Nữ hoàng nhạc Rock 'n' Roll". Sách Kỷ lục Guinness thông báo rằng Turner có lượng vé bán ra nhiều hơn bất kể một nghệ sĩ trình diễn đơn ca nào trong lịch sử. Tháng 1 năm 1988, Turner trình diễn với Paul McCartney trước đám đông lớn nhất (khoảng 184.000 người) ở Maracanã Stadium, tại Rio de Janeiro, Brazil, mang về cho bà một kỷ lục Guinness cho lượng khán giả trong một đêm hòa nhạc rock đông đảo nhất. Kỷ lục này bị Jean Michel Jarre phá đổ vào tháng 9 năm 1997. Năm 2002, Tennessee State Route 19 giữa Brownsville và Nutbush được đặt tên thành "Tina Turner Highway." Doanh số album và đĩa đơn của Turner trên toàn cầu xấp xỉ đạt 100 triệu bản. Bà là chủ nhân của 7 giải Grammy và 3 giải của Đại lộ danh vọng Grammy dành cho các đĩa đơn "River Deep - Mountain High" (1999), "Proud Mary" (2003) và "What's Love Got To Do With It" (2012). Rolling Stone xếp bà ở vị trí thứ 63 trong danh sách "100 nghệ sĩ vĩ đại nhất" và vị trí thứ 17 trong "100 ca sĩ vĩ đại nhất". Tháng 12 năm 2004, Turner được vinh danh tại Kennedy Center Honors, Washington, D.C. Tại đó, Tổng thống George W. Bush khen ngợi "kỹ năng bẩm sinh, nguồn năng lượng và sức gợi cảm" của Turner. Ike & Tina được vinh danh tại Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll năm 1991 và Turner sở hữu một ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood, đặt ngày 28 tháng 8 năm 1986. == Danh sách đĩa nhạc == Tina Turns the Country On! (1974) Acid Queen (1975) Rough (1978) Love Explosion (1979) Private Dancer (1984) Break Every Rule (1986) Foreign Affair (1989) What's Love Got to Do With It (1993) Wildest Dreams (1996) Twenty Four Seven (1999) == Lưu diễn == 1977: Australian Tour 1978–79: The Wild Lady of Rock Tour 1982: Nice 'n' Rough Tour 1984: 1984 World Tour 1985: Private Dancer Tour 1987–88: Break Every Rule World Tour 1990: Foreign Affair: The Farewell Tour 1993: What's Love? Tour 1996–97: Wildest Dreams Tour 2000: Twenty Four Seven Tour 2008–09: Tina!: 50th Anniversary Tour == Sự nghiệp điện ảnh == == Tham khảo == === Thư mục === == Liên kết ngoài == Trang web chính thức Tina Turner trên Allmovie Tina Turner trên AllMusic Tina Turner tại Discogs Tina Turner tại Internet Movie Database Tina Turner tại Đại lộ Danh vọng St. Louis Tina Turner trên Facebook
nhân dân (báo).txt
Báo Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tờ báo nhận là "Cơ quan trung ương, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam". == Các ấn phẩm == Báo ngày, tức nhật báo Báo Nhân Dân dạng điện tử Báo Nhân Dân cuối tuần Báo Nhân Dân hàng tháng Báo Thời Nay Kênh truyền hình Nhân Dân == Phát hành == Báo chủ yếu phát hành dài hạn đến hệ thống chi bộ. Và được bán ở các sạp báo. Báo Nhân Dân cùng với tạp chí Cộng sản là hai cơ quan ngôn luận chủ chốt của đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ thị 11 yêu cầu các chi bộ đảng phải mua, đọc và làm theo báo đảng này đã được đưa vào thực hiện được 15 năm (tính tới thời điểm năm 2012). Việc chỉ thị này do chính Bộ chính trị ban hành chứng tỏ đảng Cộng sản rất đề cao vai trò của báo Nhân Dân trong hệ thống chính trị Việt Nam. == Lịch sử báo Nhân Dân == Số báo đầu tiên ra đời ngày 11 tháng 3 năm 1951 tại chiến khu Việt Bắc. Sang thế kỷ 21 báo phát hành 180.000 tờ mỗi ngày, báo Nhân Dân cuối tuần được phát hành 110.000 tờ mỗi kỳ, và nguyệt san Nhân Dân hằng tháng được phát hành 130.000 số mỗi kỳ. Nhân Dân điện tử được ra đời trên Internet vào ngày 21 tháng 6 năm 1998. Tính đến tháng 6 năm 2014, Nhân Dân điện tử có các phiên bản ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và tiếng Pháp. == Các đời Tổng biên tập == Do vị thế là tiếng nói của Đảng, Nhà nước..., nên vai trò của báo Nhân Dân rất quan trọng trong chính thể Việt Nam hiện nay. Nhiều chính khách nổi tiếng của Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng làm việc tại báo Nhân Dân hoặc tham gia viết bài. Trường Chinh và Tố Hữu đã từng làm chủ bút của báo này. Các đời Tổng biên tập đều giữ chức vụ từ Ủy viên Trung ương Đảng trở lên, đồng thời kiêm nhiệm một số chức vụ quan trọng khác trong Đảng. Các đời Tổng biên tập báo Nhân Dân: Trần Quang Huy (1951 - 1953) Vũ Tuân (1953 - 1954) Hoàng Tùng (1951 và 1954 - 1982) Hồng Hà (1982 - 1987) Hà Đăng (1987 - 1992) Hữu Thọ (1992-1996) Hồng Vinh (1996-2001) Đinh Thế Huynh (2001-2011) Thuận Hữu (Từ 2011). == Ảnh hưởng thực của báo == Báo Nhân Dân hằng ngày có số lượng phát hành 200 -220 nghìn bản/ngày, phát hành rộng rãi đến từng chi bộ trên phạm vi cả nước và một số được phát hành tại nước ngoài. Ngoài ra, một số ấn phẩm khác như cuối tuần, hằng tháng cũng có số lượng phát hành tương đối lớn. Nhân Dân điện tử cũng có số lượng truy cập lớn và được công ty Alexa xếp hạng 1475 tại Việt Nam vào ngày 30/9/2012. Báo là một trong bốn phương tiện tuyên truyền cốt yếu của Đảng Cộng sản Việt Nam, gồm có báo Nhân Dân, đài truyền hình, đài phát thanh và thông tấn xã của chính quyền. Vì là cơ quan ngôn luận của Đảng, Bộ Chính trị có chỉ thị từ năm 1998 mang số 11 quy định các đảng bộ phải mua trong phương thức "kết hợp hài hòa giữa kinh doanh và phục vụ nhiệm vụ chính trị." Theo Bùi Tín, nguyên phó tổng biên tập báo Nhân Dân hiện lưu vong tại Pháp, thì số độc giả đại chúng không mấy ai mua báo hay tìm đọc tin tức của Nhân Dân vì bản tin không có gì mới mẻ mà chỉ loan đi những tin chính quyền muốn nói lên. Ông cũng kể về ngân sách thoải mái mà chính phủ Việt Nam chu cấp cho báo Nhân Dân: "Tôi là phó tổng biên tập mà lương ngang với trung tướng bên quân đội". == Trung tâm truyền hình Nhân Dân == Báo Nhân Dân đề nghị xây dựng kênh truyền hình Nhân Dân tại Tờ trình số 1155-TTr/ND ngày 15 tháng 10 năm 2013. Dự án xây dựng kênh truyền hình Nhân Dân lần đầu tiên được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra chỉ đạo thực hiện tại Công văn số 9534/VPCP-KGVX ngày 11/11/2013 của Văn phòng Chính phủ về Dự án xây dựng Kênh Truyền hình Nhân Dân (giai đoạn 1). Sau gần hai năm chuẩn bị và phát thử nghiệm trước đó trên internet, kênh truyền hình Nhân Dân tiếp tục được phát thử nghiệm trên các hạ tầng truyền dẫn: Truyền hình internet IPTV: MyTV (từ 16/06/2015) Truyền hình cáp kỹ thuật số: Truyền hình cáp Việt Nam - VTVCab (từ 21/06/2015) Truyền hình số mặt đất DVB-T2: Công ty cổ phần truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng (RTB) phát với định dạng hình ảnh độ nét cao FullHD 1080i(từ 04/07/2015), và hiện tại RTB đã ngừng phát sóng kênh. Là một kênh truyền hình mới và hiện đại, do đó kênh đã được phát sóng với định dạng hình ảnh độ nét cao FullHD 1080i ngay từ đầu. Các chương trình của kênh cũng được sản xuất với chất lượng HD. Kể từ 22 giờ 45 phút, 1 tháng 9 năm 2015: Kênh Truyền hình Nhân Dân chính thức ra mắt và được phủ sóng toàn quốc thông qua các mạng Truyền hình kỹ thuật số mặt đất DVB-T2, Truyền hình Cáp (HTVC, SCTV, VTVCab,...), IPTV và Truyền hình Vệ tinh (VTC, Mobifone-MobiTV, K+,...). == Vấn đề kinh tế của báo == Tòa soạn báo có diện tích khá rộng và vị trí rất đẹp tại số 71 Hàng Trống, ngay ven hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Báo Nhân Dân là cơ quan sự nghiệp hành chính có thu. Theo văn bản công bố trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam thì năm 2014 ngân sách Văn phòng Trung ương Đảng chi cho báo Nhân Dân là 46 tỷ 460 triệu VND. == Giải thưởng == Báo Nhân Dân được trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất ngày 9/3/2016. == Chú thích == == Liên kết ngoài == Nhân Dân điện tử Báo Nhân Dân
sooner or later (bài hát của madonna).txt
"Sooner or Later" là ca khúc của ca sĩ nhạc pop người Mỹ Madonna và do nhà soạn nhạc người Mỹ Stephen Sondheim sáng tác cho bộ phim năm 1990 Dick Tracy. Phát hành cùng năm với album I'm Breathless của Madonna, ca khúc đoạt giải Oscar cho bài hát gốc hay nhất vào năm 1991. == Chú thích == == Tham khảo ==