text
stringlengths
1
809k
Tề Hoàn công 685 641 Tần Mục công 659 621 Tống Tương công 650 637 Tấn Văn công 636 626 Sở Trang công 613 591 Cuối thời Xuân Thu thêm hai nước mạnh nữa là Ngô và Việt ở Đông Nam, nhưng ảnh hưởng không lớn, không lên tới phương Bắc, mà văn hoá không cao. Trong số năm ông bá đó, Tề Hoàn công là người đầu tiên, kết hợp chư hầu, có uy tín nhất, tương đối có tư cách nhất, giữ được minh ước và bề ngoài vẫn tôn danh nghĩa nhà Chu. Ông vốn là công tử Tiểu Bạch của Tề, tranh ngôi vua với anh là công tử Củ, Củ thua, ông ép vua Lỗ người ủng hộ Củ, phải giết Củ; sau ông lại dùng bề tôi của Củ là Quản Trọng, mà làm cho Tề mạnh lên. Ông không có tài năng gì cả, chỉ nhờ biết dùng người, tin Quản Trọng và cũng nhờ đất đai có nhiều mỏ, có ruộng muối, mà Tề phú cường, được chư hầu phục, tin cậy, ủng hộ. Việc nước ông giao cả cho Quản Trọng mà sống trụy lạc trong cung với một bọn tiểu nhân nịnh bợ và một bọn mĩ nữ. Về già, ông có ý muốn truất thiên tử nhà Chu là Tương vương nhưng chưa kịp ra tay thì chết. Cái chết của ông mới thê thảm làm sao. Năm công tử của ông tranh nhau ngôi báu, để mặc thây ông trong cung cho giòi ăn. Năm sáu chục ngày sau, triều đình mới vào thu dọn thì giòi đã lổn ngổn bò ra ngoài cửa, nhầy nhụa, hôi thối. Tuy vậy, Tề Hoàn công không bị Khổng tử chê mà còn được khen nữa (Quản Trọng cũng vậy, chúng tôi sẽ trở lại điểm này); Tấn Văn công mới bị Khổng tử mạt sát.
Bài XIV.15, ông bảo: “Tấn Văn công xảo quyệt mà không chính đại; Tề Hoàn công chính đại mà không xảo quyệt”. Các ông bá khác thì cũng như vậy hết hoặc tệ hơn nữa. Đọc Đông Chu liệt quốc, độc giả biết xã hội thời đó ra sao rồi. Riêng ở nước Lỗ, trong thời Xuân Thu có trên ba chục vụ thí quân, nếu kể cả nước khác thì tới trên ba trăm vụ, như vụ Thôi tử giết Tề Trang công (bài V.18), Trần Thành tử giết Tề Giản công (bài XIV.21)… Thời cuối Xuân Thu, hai nước Lỗ và Vệ được Khổng tử khen là còn giữ được truyền thống cũ về văn hoá, vì vua Lỗ là hậu duệ của Chu công, vua Vệ là hậu duệ của Khang Thúc, mà Chu công với Khang Thúc là hai anh em ruột (bài XIII.7). Riêng Lỗ được ông khen là nước có người quân tử (bài V.2), nước gần đạt được đạo của Tiên vương (tức Văn vương, Võ vương nhà Chu), vậy mà Lỗ Chiêu công (đời Khổng tử) bị ba “nhà” (tức ba đại phu họ Mạnh, Quí và Thúc) lấn áp; một mình họ Quí chiếm tới nửa nước Lỗ, hai họ kia chia nhau nửa nước còn lại, và có lần Chiêu công phải chạy sang Tề, sợ bị ám hại. Triều đình Vệ mới thối nát hơn nữa. Linh công thì hiếu sắc; vợ là Nam tử thì dâm loạn, gây cảnh chia rẽ giữa Khoái Quí và con là Triếp (coi chương II, tr.71). Còn biết bao vụ thối tha nữa: Sở Bình vương tranh vợ của con. Ngũ Tử Tư vì báo thù cha, đem quân Ngô về phá tan nát tổ quốc… Các triều đình thời đại đó đại khái như vậy cả. Mà chẳng phải
chỉ riêng thời đó. Dưới chế độ quân chủ, ngôi vua truyền tử chứ không truyền hiền thì cổ kim, đông tây đều vậy: mười ông vua may lắm được một ông tốt, vài ông tạm gọi là được, còn thì toàn là một phường dâm loạn. Tuy nhiên, thời Xuân Thu cũng có một số chính trị gia tài đức, như Quản Trọng, Án Anh ở Tề: Quản được Khổng tử khen là người nhân, Án được khen là khéo cư xử (bài V.16), sau hai ông đó đều được Tư Mã Thiên đề cao trong bộ Sử Kí (Quản, Án liệt truyện); một tướng quốc nữa, là Tử Sản nước Trịnh, được Khổng tử khen là quân tử vì “giữ mình thì khiêm cung, thờ vua thì kính cẩn, nuôi dân thì có ân huệ, sai dân thì hợp nghĩa’ – tức hợp tình hợp lí (bài V.14). Tử Sản lớn hơn Khổng tử ba bốn chục tuổi, có công với văn hoá, chính trị Trung Quốc. Có lẽ ông là người đầu tiên tạo ra “hình thư”, nghĩa là cho đúc hình pháp của Trịnh trên những cái đỉnh bằng đồng, rồi sau Tấn cũng noi theo mà đúc hình pháp. Thời đó, các quan coi về hình đều ở trong giới quí tộc, thường giải thích luật pháp theo quan niệm, lễ tục của họ, có lợi cho họ; mà luật pháp đó khắc trên thẻ tre, cất ở trong kho cung đình. Đúc trên đỉnh thì không ai cất giấu được nữa, nếu quan coi về hình giải thích sai thì triều đình sẽ có người chỉ trích, bắt giải thích lại. Như vậy đúc “hình thư” tức là một cách công bố hình pháp ở triều đình, giữa đám quí tộc với nhau, chứ chưa phải là công bố cho toàn dân (dân thường thời đó chưa được học), nhưng cũng có chút ảnh hưởng tốt, gián tiếp tới dân.
Có thuyết nói Khổng tử (và Thúc Hướng nước Tống) chỉ trích hành vi đó của Tử Sản – có lẽ vì sợ công bố hình thư như vậy, mỗi người sẽ giải thích một khác, tranh cãi nhau không dứt, nạn hối lộ sẽ nảy nở, nước sẽ loạn – Trong Luận ngữ, không thấy chỗ nào chê Tử Sản về việc đó, vậy thuyết trên chưa chắc đã đúng, nhưng cũng chưa thể bảo là sai được. Ngoài ra Khổng tử còn khen vài người nữa như Tử Văn (lệnh doãn nước Sở) là trung, Thôi tử (đại phu nước Tề) là trong sạch (bài V.18), Ninh Vũ tử (đại phu nước Vệ là trí (bài V.20). Liễu Hạ Huệ (người Lỗ) là hiền (bài XV.13)… Về kinh tế và xã hội, cuối thời Xuân Thu, người Trung Hoa đã biết nấu sắt và có thể có lưỡi cày bằng sắt. Họ đã biết bỏ phân, làm hai mùa, đào kinh dẫn nước, tháo nước. Phương pháp canh tác tiến bộ thì sự khai phá thêm đất đai là hậu quả tự nhiên, và có thêm một số tân địa chủ, và một số thương nhân làm giàu, như Đoan Mộc Tứ (Tử Cống) mà trong bài XI.18, Khổng tử nửa chê nửa khen là “không an bần lạc đạo (như Nhan Hồi) mà đi buôn bán, đoán điều chi thường trúng”. Gia cấp mới đó, có tiền dư dả rồi thì thích học, thích làm quan; Khổng tử là người đầu tiên mở trường tư (tư học) đào tạo, qua thời Chiến Quốc, họ thành giai cấp “sĩ”, địa vị tựa như giai cấp “bourgeois” của châu Âu cuối thời Trung cổ, chỉ khác vì hạn chế của thời đại, họ chưa thể có tư tưởng lật đổ chế độ
quân chủ được, chỉ muốn lần lần thay thế giai cấp quí tộc ở triều đình mà thôi, mà vẫn tôn quân quyền. Thời Xuân Thu đã có một số ít người trong giai cấp sĩ đó chiếm được những địa vị cao như Bách Lí Hề, Quản Trọng, Ninh Thích… hoặc khá cao như các môn sinh của Khổng tử: Tử Cống, Tử Lộ, Nhiễm Cầu… Trong khi giai cấp đó lên thì giai cấp quí tộc suy lần. Vì mỗi khi một nước chư hầu bị thôn tính – mà thời Xuân Thu có biết bao nhiêu nước như vậy – thì một bọn quí tộc mất địa vị, như trường hợp Khổng tử, tổ tiên là quí tộc nước Tống, phải dời qua Lỗ, tới đời ông thì nghèo, phải làm chức gạt thóc ở kho và coi việc nuôi bò để dùng vào việc cúng tế, đều là những chức thấp nhất trong chính quyền. Chính ông tự nhận là “ngô thiếu dã tiện, cố đa năng bỉ sự” (ta hồi nhỏ nghèo hèn nên học được nhiều nghề bỉ lậu) – bài IX.6. Sau này Mạnh tử cũng ở trong trường hợp như ông, chỉ khác không làm một chức “lại” nào cả. Còn hạng nông dân nghèo thì thời càng loạn, tình cảnh càng khổ, phải đóng thuế nặng, phải quần quật làm xâu cho chủ, cho quan, có khi đương mùa cấy mùa gặt mà cũng phải bỏ công việc đồng áng để xây đồn, đào hào, chở lương thực quân nhu, xây cất cung điện cho quí tộc, và trong Luận ngữ, Khổng tử đã phải nhắc nhở hoài nhà cầm quyền “sử dân dĩ thời”. Rồi nạn binh lửa nữa, mùa màng tiêu tan, sinh mệnh không đáng kể! Làm sao mà họ không oán nhà cầm quyền (xem Ngụy phong, Tần phong trong Kinh Thi). Oán trời (xem Tiểu nhã, bài Vũ vô chính…) và thương tiếc cái thời rất xa xôi thời Hạ Vũ, hoặc ngược lên nửa thời còn chế độ bộ lạc, đất là của chung, gieo lúa lấy rồi gặt mà ăn, đào giếng lấy nước uống, chẳng phải nộp thuế cho ai, vì không có triều đình, không có vua quan. Huyền
thoại hoàng kim thời đại, càng ngày càng lởn vởn trong đầu óc họ, ám ảnh họ, và Khổng tử đã mượn Nghiêu, Thuấn để tượng trưng rồi cụ thể hoá thời đại đó. Về văn hoá, ngoài những thể chế, lễ nghi, tế tự, chúng tôi đã xét ở trên, thời Chu đã cải thiện chữ viết, dùng thẻ tre tiện hơn mai rùa và xương thú vật để ghi những điều muốn nhớ: vừa dễ khắc, vừa dễ sắp đặt (khoét lỗ trên thẻ, dùng dây da xỏ thành từng bó – từng quyển); sau họ biết dùng cây nhọn nhúng vào sơn viết lên thẻ tre hoặc lụa, mau hơn khắc nhiều. Nhờ vậy nhà Chu và chư hầu nào cũng có sử quan chép sử của triều đình và tương truyền trước Khổng tử đã có những Kinh Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch. Kinh Thi thì ai cũng nhận là có trước Khổng tử, nhưng ngày nay người ta bác bỏ thuyết Khổng tử đã san định nó. Bài II.2, Khổng tử nói: Kinh Thi có ba trăm thiên, một lời đủ bao quát tất cả là tư tưởng phải thuần chính” (tư vô tà). Bài XIII.5, ông lại bảo: “Đọc ba trăm thiên Kinh Thi, giao cho việc chính trị mà làm không nên, sai đi sứ bốn phương mà không biết ứng đối, như vậy đọc nhiều để làm gì?” Như vậy là Kinh Thi vốn chỉ có 300 thiên (thực ra là 305 thiên, ông nói 300 cho chẵn), chứ không phải ông “san” đi chỉ lựa lại 300 bài thôi. Vả lại nếu ông lựa thì sao lại giữ rất nhiều thiên có giọng “dâm bôn” như Tĩnh nữ (Vệ phong), Tường hữu từ, Tang trung (Dung phong), Tuân đại lộ, Thác hề, Giải dong, Khiên thường, Phong Vũ (Trịnh phong)… Ông là người hiếu cổ, có tinh thần nghệ sĩ, giữ hết các thiên không san định gì cả, mà tục cổ có thể từ nhà Hạ, nhà Thương, trai gái nông dân không hề làm lễ
cưới hỏi, cứ mùa Xuân hẹn hò nhau ngoài đồng ruộng, trên bờ sông, múa hát với nhau, ái ân với nhau, sau nếu người con gái có mang thì họ thành vợ chồng, nếu không, thì mùa xuân sang năm họ lại gặp nhau nữa. (Coi Confucius của Etiemble – Gallimard – 1966). Vậy thì giữ lại những bài đó là giữ lại vang bóng của thời xưa; và sợ môn sinh hiểu lầm nên ông phải khuyên bọn họ “tư vô tà”. Kinh Thư thì chỉ khoản một phần tư – đại khái là nửa phần Chu thư – là tin được thôi, còn thì do người đời Hán ngụy tạo. Không có gì chứng thực rằng ông đã san định kinh đó. Kinh Lễ cũng tới đời Hán mới hoàn thành. Lưu hướng (80 9 sau T.L) thu thập, được 240 chương. Đời sau Đái Đức (cũng gọi là Đại Đái – ông Đái Lớn) thu lại còn 85 thiên (gọi là Đại Đái kí); rồi cháu Đái Đức là Đái Thánh (cũng gọi là Tiểu Đái – ông Đái Nhỏ) thu lại nữa còn 46 thiên (gọi là Tiểu Đái Kí). Không sao biết được chương nào có từ thời Xuân Thu mà việc Khổng tử san định nó thì thật khó tin. Kinh Nhạc mà người ta bảo Khổng tử san định, đã thất lạc, chỉ còn một thiên, sắp chung vào Lễ Kí. Về Kinh Dịch, còn nhiều người nghi vấn hơn nữa. Trong Luận ngữ chỉ có hai bài nhắc tới. Bài VII.16, Khổng tử nói: “Gia ngã sổ niên, ngũ thập dĩ học Dịch, Khả dĩ vô đại quá hĩ” (Cho ta sống thêm ít năm nữa, tới 50 tuổi nghiên cứu Kinh Dịch, thì có thể không lầm lỗi lớn). Nhưng có người ngờ rằng chính là “Gia
ngã sổ niên, tốt dĩ học, diệc[227] khả dĩ vô đại quá hĩ”. (Cho ta sống thêm ít năm nữa để học, thì cũng không thể không lầm lỗi lớn). Còn một bài nữa, bài XIII.22, nhưng ý nghĩa rất mù mờ, chúng ta hãy tạm tồn nghi. (Coi cuốn Luận ngữ in riêng). Chúng ta chỉ có thể tin rằng trước Khổng tử đã có Kinh Dịch nhưng chỉ là một bộ sách để bói, mà Khổng tử, cả Mạnh tử sau này cũng vậy không dùng bói toán. Ông có nghiên cứu Kinh Dịch thì cũng chỉ để tìm hiểu lẽ biến dịch để xử thế; còn các việc ông có viết phần Thập dực trong bộ hiện nay lưu hành hay không thì ngay từ đời Tống, Âu Dương Tu đã nghi ngờ rồi[228]. Mạnh tử sống sau Khổng tử không xa, thường nói đến Kinh Xuân Thu (kinh này quả là của Khổng tử viết) mà tuyệt nhiên không nói tới việc Khổng tử viết Kinh Dịch, Tuân tử sau này cũng vậy. Tóm lại, các học giả này nay cho rằng những sách đời Xuân Thu mà Khổng tử được đọc chỉ có ít bộ sử của một số nước (nhất là Lỗ), có thể Chu nữa, Kinh Thi, mươi thiên trong Kinh Thư, một số thiên trong Kinh Lễ (không biết những thiên nào), Kinh Nhạc và bộ sách bói tức Kinh Dịch. Di sản đời Tây Chu để lại cho thời ông đại khái có bấy nhiêu. Còn công ông san định các kinh đó thì chưa có gì chắc chắn cả. BẢNG NIÊN ĐẠI (theo J. Gernet trong La Chine ancienne – PUF. 1964) Bảng này chỉ là phỏng chừng, nhất là về các thời đại ở cột bên phải. CHƯƠNG 2.
KHỔNG TỬ – ĐỜI SỐNG TIỂU SỬ THEO TƯ MÃ THIÊN Người đầu tiên viết tiểu sử các triết gia thời Tiên Tần là Tư Mã Thiên, tác giả bộ Sử kí, và trong số các tiểu sử đó, tiểu sử của Khổng tử được chép kĩ hơn cả, dài gấp mười, hai mươi các tiểu sử khác. Về đời sống của Mặc tử, Lão tử, Mạnh tử, Trang tử, Tuân tử… chúng ta gần như không biết gì hết, ngay đến năm sinh năm tử của họ chúng ta cũng chỉ biết đại khái vào khoảng nào đó, có thể sai vài ba chục năm là ít; trái lại về Khổng tử chúng ta được biết nhiều chi tiết về đời của ông từ nhỏ cho tới già. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng Tư Mã Thiên sống ở thế kỷ thứ II trước T.L 145 85(?), sinh sau Khổng tử trên bốn trăm năm, vào một thời mà đạo Khổng được vua Hán bắt đầu coi là chính giáo; lại thêm sau vụ đốt sách chôn nho đời Tần Thủy Hoàng, kế đó vụ Hạng Võ đốt thư viện của Tần, những thư tịch ông dùng để tra khảo không còn được bao nhiêu, mà những truyền thuyết trong dân gian ông cũng muốn ghi lại cho đủ mặc dầu không có cách nào để kiểm chứng, cho nên tiểu sử của Khổng tử do ông viết còn nhiều chỗ khả nghi. Chúng tôi cho rằng chỉ những việc nào ông chép hợp với bộ Luận ngữ là đáng tin nhất (những việc đó chúng tôi sẽ cho biết ở thiên nào, bài nào trong Luận ngữ, còn những việc khác thì đa số có thể tin được, một số ít có thể là hoàn toàn sai (chúng tôi sẽ chỉ rõ tại sao). Về việc tính tuổi, chúng tôi theo cách của ta. Chúng tôi bỏ bớt đi những truyền thuyết hoang đường.
TỔ TIÊN – THỜI KỲ THƠ ẤU VÀ TRÁNG NIÊN (551 523) Khổng tử sanh ở ấp Trâu, nước Lỗ năm 551 (Chu Linh vương năm 21 – Lỗ Tương công năm 22), mất ở Lỗ năm 479. (Chu Kính vương năm 41 – Lỗ Ai công năm 17), thọ 73 tuổi. Theo truyền thuyết, thủy tổ của ông là Vi tử thấy anh là vua Trụ tàn bạo hoang dâm can không được, bỏ nước mà đi để bảo tồn dòng họ, (XVIII.1), nên Võ vương sau khi diệt Trụ rồi, phong làm Tống hầu. Không rõ tới đời thứ mấy (mười hay mười hai), họ Khổng phải trốn sang Lỗ, từ đó suy lần, Khổng tử là đời mười lăm. Cha Khổng tử là Thúc Lương Ngột làm một chức võ quan nhỏ ở Lỗ (có sách chép là đại phu – chắc sai), can đảm và rất mạnh có chút chiến công, nhưng nghèo. Ông có một bà vợ trước chỉ sanh toàn con gái; sau cưới thêm một bà, sanh được một người con trai đặt tên là Mạnh Bì, nhưng Mạnh Bì tàn tật. Về già (ngoài 60 tuổi) mới cưới một thiếu nữ, sanh ra Khổng tử, đặt tên là Khâu (nghĩa là cái gò), tự là Trọng Ni. Khổng tử ra đời được một hai năm thì mồ côi cha. Hồi nhỏ thích chơi trò tế lễ. Không rõ ông học ai. Trong bài XIX.22, Tử Cống đáp một câu hỏi của Vệ Công tôn Triều, bảo: “Đạo của vua Văn, vua Võ nhà Chu chưa mất, còn có người bảo tồn được. Người hiền ghi được những điều trọng đại, người bất hiền nhớ được những điều nhỏ nhặt, không đâu không có đạo vua Văn, vua Võ. Thầy tôi (Khổng tử) gặp đâu mà không học, hà tất phải học riêng một thầy nào?”
Lời đó đúng, Khổng tử suốt đời tự học, đi đâu cũng học, vào thái miếu, thấy cái gì không hiểu cũng hỏi (III.15), đi chung với ai cũng có thể học của người đó được (VIII.21). Ông không học riêng của một thầy nào, nghĩa là không được một tôn sư truyền cho một học thuyết nào cả; nhưng hồi nhỏ, tuy nhà nghèo, chắc ông cũng được học một trường công (quan học) mở để dạy con cái quí tộc về lục nghệ: lễ, nhạc, xạ, ngự (đánh xe)[229], thư (viết chữ), số (toán). Năm mười tám tuổi, có thể ông đã học hết chương trình đó để thành một “nho” sinh, tức một “thuật sĩ” có những kiến thức tối thiểu đủ để làm một chức quan nhỏ được (coi chú thích bài VI.11); và ông bắt đầu để chí vào việc tự học về đạo, hoặc nghiên cứu về “lễ”, môn mà ông thích, cho nên trong bài II.4, ông bảo “ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học”. Theo Tư Mã Thiên, năm Khổng tử mười bảy tuổi, một quan đại phu của Lỗ là Mạnh Li tử, khi sắp chết, dặn con nên thờ Khổng tử làm thầy, vì Khổng là hậu duệ của thánh nhân (trỏ Thành Thang, vua sáng lập nhà Thương) và một ông tổ (đời thứ tám?) là chính Khảo Phụ làm thượng khanh ở Tống, có đức cung kính, khiêm nhượng. Sau, con Li Tử là Ý Tử, nghe lời cha, cùng một bạn học nữa, trong giới quí tộc là Nam Cung Kính Thúc, đến xin học lễ với Khổng tử. Thuyết đó tin được không? Mười lăm tuổi mới để chí vào việc học mà mười bảy tuổi đã nổi danh và được trọng như vậy? Theo Luận ngữ, Khổng có một học trò tên là Nam Dung (bài V.I), Sử kí chép là Nam Cung Quát, tự là Tử Dung; và theo Hán
Thư (Cổ kim nhân biểu) thì Nam Cung Kính Thúc với Nam Dung – tức Nam Cung Quát là hai người. Vậy không chắc Kính Thúc là học trò của Khổng tử. Có thể Khổng tử cưới vợ hồi 19 tuổi, rồi năm sau sinh con trai đặt tên là Lí, tự là Bá Ngư. (Sau ông còn sanh một người con gái nữa, gả cho Công Dã Tràng, một môn sinh – bài V.1). Không rõ từ năm nào ông làm chức lại cho họ Quí, một quí tộc có quyền nhất ở Lỗ thời đó như trong chương trên tôi đã nói. Mới đầu ông coi việc gạt thóc, sau coi việc giữ cừu và bò để dùng trong những tang lễ, nổi tiếng là siêng năng, liêm khiết. Điều đó tin được. Bài IX.6, Khổng tử nói: “Ta hồi nhỏ nghèo hèn, nên học được nhiều nghề bỉ lậu”… “Ta vì không được dùng (không được làm quan cho nên học được nhiều nghề” có thể ám chỉ những việc gạt thóc và giữ cừu, bò đó. Tư Mã Thiên bảo họ Quí cất nhắc ông lên chức tư không (như thượng thư bộ công); việc này khó tin: sử không chép mà lúc đó Khổng mới khoảng 21 tuổi, không thể từ một chân lại mà nhảy lên cao như vậy. Kế đó ông rời Lỗ, qua Tề, Tống, Vệ, tới đâu cũng bị hất hủi, gặp khốn ở Trần, Thái, cuối cùng trở về Lỗ. Việc này chắc chép sai. Khổng có bị nạn ở Trần, Thái, nhưng về già kia, khoảng 60 tuổi khi Ngô, Sở đánh nhau. Về Lỗ rồi, ông bắt đầu dạy học, không biết từ năm nào, có sách nói hồi 22 tuổi: sớm quá, nếu đúng thì cũng chỉ dạy những
trẻ nhỏ; từ 30 tuổi ông mới thực là bậc thầy. Một môn sinh là Nam Cung Kính Thúc; xin vua Lỗ cho phép cùng với Khổng Tử qua nước Chu để khảo về “lễ”, vì Lạc ấp, kinh đô của Chu có nhiều thư tịch và di tích. Vua Lỗ cho họ một cỗ xe với hai con ngựa và một người hầu. Ở Lạc ấp, Khổng tử lại yết kiến Lão tử, khi tiễn biệt, Lão tử khuyên (Tư Mã Thiên, Sử kí – Phần Thế Gia – Khổng tử): “Tôi nghe nói người giàu sang tiễn nhau bằng tiền bạc, người nhân tiễn nhau bằng lời nói. Tôi không phải là người giàu sang, mạn phép tự coi là người nhân mà tiễn ông bằng lời này: Kẻ thông minh và sâu sắc thì khó sống vì ham phê bình người; kẻ giỏi biện luận biết nhiều thì nguy tới thân vì hay nêu cái xấu của người. Kẻ làm con và kẻ làm tôi đều không có cách gì để giữ mình cả[230]”. “Những người ông nói đó, thịt xương đều nát cả rồi, chỉ còn lại lời của họ thôi. Vả lại người quân tử nếu gặp thời thì ngồi xe ngựa, không gặp thời thì đội nón lá mà đi chân đất. Tôi nghe nói người buôn giỏi thì giấu kĩ vật quí, coi ngoài như không có gì; người quân tử đức cao thì dong mạo như ngu độn. Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòng đa dục, cái vẻ hăm hở cùng cái chí quá hăng của ông đi, những cái đó không có ích gì cho ông đâu. Tôi chỉ khuyên ông bấy nhiêu thôi”. Khổng tử về bảo môn sinh: “Loài chim ta biết nó bay được; loài cá ta biết nó lội được; loài thú ta biết nó chạy được. Chạy thì ta dùng lưới để bẫy, lội thì ta dùng câu để bắt, bay thì ta dùng tên để bắn. Đến loài rồng cưỡi gió mây mà lên trời thì ta không sao biết được. Hôm
nay ta gặp ông Lão tử. Ông là con rồng chăng?” Về cuộc gặp gỡ giữa hai triết gia đó, từ đời Thanh, đã có một số học giả ngờ là không có, gần đây số người chủ trương “không” đông hơn số người chủ trương “có”. Trong cuốn Lão tử (chưa xuất bản), chương I (Đời sống của Lão tử) chúng tôi đã chép lại cuộc tranh biện đó; dưới đây chúng tôi chỉ tóm tắt những lý do khiến chúng tôi tin phe chủ trương “không”: Lão tử không sinh trước Khổng tử, mà sinh sau vào thời Chiến Quốc. Tài liệu Tư Mã Thiên dùng để viết hai đoạn Lão tử khuyên Khổng tử đó rút trong Ngoại thiên, Tạp thiên bộ Trang tử , và thiên Tăng tử vấn bộ Tiểu Đái Kí mà những thiên đó đều không đáng tin. Nếu Lão tử hồi đó đã nổi danh, được Khổng tử kính trọng như vậy thì sao Luận ngữ, và tất cả những sách đầu đời Chiến Quốc như Mặc tử, Mạnh tử đều không nhắc tới Lão. Trong Luận ngữ chỉ có mỗi một bài VII.1 nói đến Lão Bành, nhưng Lão Bành là ai chưa biết được. Ngay việc Khổng tử qua Chu nghiên cứu về “lễ” cũng chưa chắc đã có. Khổng tử thế gia bảo Nam Cung Kính Thúc xin Lỗ Chiêu công cấp phương tiện cho Khổng tử sang Lạc ấp khảo về lễ. Năm đó là năm Chiêu công 24, tức năm – 518, Khổng tử 34 tuổi; Nam Cung Kính Thúc mới 14 tuổi, làm sao được vào yết kiến vua để xin việc đó? Vả lại Lão tử cực lực phản đối Lễ. Chương 38 sách Lão tử chép: “Đạo mất rồi sau mới có đức, đức mất rồi sau mới có nhân, nhân mất rồi sau mới có nghĩa, nghĩa mất rồi sau mới có
lễ. Lễ là biểu hiện sự suy vi của trung tín, là đầu mối của sự hỗn loạn”. Khổng tử trái lại rất đề cao lễ, lẽ nào lại đi hỏi Lão về lễ, rồi còn hết lời ca tụng Lão là “con rồng, cưỡi gió mây mà lên trời, ta không sao biết được”? Đoạn Tư Mã Thiên dẫn đó, trong thiên Thiên vận (Trang tử ), chắc là do Đạo gia cuối thời Chiến Quốc bị ra để đề cao Lão, hạ giá trị của Khổng; chỉ đáng coi là ngụ ngôn, Tư Mã Thiên chưa kịp cân nhắc đã vội dùng. TỪ BA MƯƠI TUỔI TỚI NĂM MƯƠI TUỔI (522 503) Từ Chu trở về (nếu thực ông đã qua Chu), danh Khổng tử càng tăng, học trò càng đông. Năm 20 Lỗ Chiêu công, Khổng tử ba mươi tuổi. Tề Cảnh công và Án Anh, một đại phu có tài đức của Tề, qua chơi Lỗ. Cảnh công hỏi Khổng tử: Xưa Tần Mục Công làm vua một nước nhỏ ở một nơi hẻo lánh, mà sao dựng được nghiệp bá. Ông đáp: Tần tuy nhỏ nhưng có chí lớn, ở nơi hẻo lánh nhưng chính trị đúng đắn. Lại thêm biết dùng một người hiền là Bách Lí Hề làm đại phu, nhờ vậy uy thế tăng. Mục công có thể lập được nghiệp vương chứ không phải chỉ nghiệp bá mà thôi. Tề Cảnh công khen là phải. Việc này không thấy chép trong Luận ngữ. Thời đó, tình cảnh của Lỗ bấp bênh, bị ép giữa mấy nước mạnh: Tấn ở Tây Bắc, Tề ở Đông Bắc, Sở ở Nam, không kể Tần ở Tây. Lỗ nhỏ và yếu, phải lấy lòng họ. Đó là phía ngoài; tại trong nước, ba quí tộc (tam gia cũng gọi là tam Hoàn): Quí Hoàn tử, Thúc Hoàn tử và Mạnh Hoàn tử (đều là hậu duệ của
Lỗ Hoàn công) lấn hết quyền của Lỗ Chiêu công. Họ Quí mạnh nhất, chiếm tới nửa nước, có thành Phí ở phía Đông, họ Thúc chiếm phía Tây của Lỗ, họ Mạnh chiếm phía Bắc, miền biên giới Tề, Lỗ. Họ thu thuế, nắm binh quyền, có gia thần, triều đình riêng, thành trì, quân đội riêng; nghênh ngang hống hách, sống xa xỉ hơn vua Lỗ; nhất là họ Quí muốn tiếm lễ thiên tử, tước chỉ là đại phu của một chư hầu mà dùng vũ (điệu múa) Bát dật của thiên tử (III.1); cả ba nhà đều cho hát thơ Ung khi dẹp đồ tế lễ trong nhà họ, mà theo lễ, chỉ thiên tử khi tế ở tôn miếu mới cho hát thơ đó. Năm 516, Lỗ Chiêu công ghét Quí Bình tử vì một tội nhỏ (tội chọi gà) của Bình tử, đem quân hỏi tội Bình tử. Bình tử bảo hai họ kia (Mạnh và Thúc) nếu để vua Lỗ diệt được họ Quí (Bình tử) thì sẽ tới phiên họ bị diệt theo; cả ba bên liên kết với nhau tấn công Chiêu công, Chiêu công phải trốn sang Tề. Lỗ đại loạn. Khổng tử cũng qua Tề, ở nhà Cao Chiêu tử, hi vọng được tiếp xúc với vua Tề. Ở Tề, ông nghe nhạc Thiều của vua Thuấn, thích quá, tới nỗi ba tháng không biết mùi thịt (bài VII.13) khen là “tận mĩ, tận thiện”, hơn hẳn nhạc Võ của Võ vương, chỉ tận mĩ chứ không tận thiện (bài III.25). Ông được Tề Cảnh Công vời, hỏi về phép trị nước. Ông đáp: Vua làm hết đạo vua, bề tôi hết đạo bề tôi, cha biết đạo cha, con biết đạo con. (hoặc vua phải ra vua, bề tôi phải ra bề tôi…) Cảnh công khen (bài XII.11).
Lần khác, Cảnh công hỏi nữa, ông đáp: “Phải tiết kiệm trong việc tiêu dùng”. Cảnh công muốn dùng ông, Luận ngữ chép: “Tề Cảnh công nói về cách đối đãi với Khổng tử: “Ta không thể đãi Khổng tử như vua Lỗ đãi họ Quí (đãi là thượng khanh), có thể đãi ông ấy vào bậc giữa họ Quí và họ Mạnh (họ Mạnh là hạ khanh)”. Mới định vậy, sau Cảnh công lại nói: “Ta già rồi, không dùng Khổng tử được”. “Khổng tử bèn đi” (bài XVIII.3). Nghĩa là Cảnh công muốn đãi Khổng tử vào bậc trung khanh, nhưng có lẽ bị quần thần phản đối, lại thôi. Tư Mã Thiên chép rõ rằng người phản đối là Án Anh, Án tâu với vua Tề: Bọn nhà nho ba hoa, kiêu căng, quá coi trọng việc chôn cất, thương khóc (mà tán gia bại sản), chỉ đi du thuyết, bày ra nhiều hình thức phiền phức về lễ, đi thì rảo bước giơ tay, như vậy dù học mấy cũng không biết gì về lễ được. Dùng Khổng mà thay đổi phong tục Tề thì hỏng. Một số đại phu còn muốn hại Khổng tử nữa. Khổng tử biết vậy, bỏ về Lỗ, năm đó bốn mươi hai tuổi, năm Lỗ Chiêu công mất ở Tề, Định công lên ngôi. Chuyện Án Anh chê Khổng tử đó không chắc đúng. Án là một hiền thần của Tề, Tư Mã Thiên trong Quản, Án liệt truyện khen là “tiết kiệm, chăm làm, được người Tề kính trọng. Làm tướng quốc mà mỗi bữa không ăn hai món thịt, thê thiếp không mặc đồ tơ. Ở triều đình vua hỏi điều gì thì tâu rất thẳng, vua không hỏi tới thì giữ mình rất nghiêm. Nước hữu đạo thì thuận lệnh mà làm, vô đạo thì châm chước lệnh mà làm, nhờ vậy làm quan
ba triều, hiển danh ở các nước chư hầu”. Khổng tử không chê mà khen ông là khéo cư xử. Cách trị nước, đối với vua và giữ mình của ông cũng hợp với Khổng tử. Lời chê bọn nhà nho nặng nề như vậy có thể là của bọn đại phu nước Tề. Cảnh công nghe lời họ nếu không thì Khổng tử đã tòng chính thành một quan khanh của Tề rồi. Chúng ta nên nhớ quan niệm quốc gia của người Trung Hoa thời đó khác quan niệm của thời sau. Tuy Trung Hoa gồm mười mấy nước, nhưng nước nào cũng là “đất” của nhà Chu cả, người nước nào, dù là Tề, Sở, Lỗ, Tần, Ngô, Việt… cũng là con dân của thiên tử nhà Chu cả, trên nguyên tắc. Vì vậy một người tài giỏi không được dùng ở nước mình, qua thờ một nước khác, không phải là phản quốc (cho nên Ngũ Tử Tư vì báo thù cha mà đem binh Ngô về giày xéo quê hương mình là nước Ngô, người thời đó không chê lắm); còn dân chúng nếu trong nước loạn lạc thì trốn qua nước khác ở, đi lính cho nước này mà chống cự lại quê hương của mình; chuyện đào ngũ hàng loạt để qua phía địch là chuyện thường; do đó vua chúa nước nào cũng mong có được nhiều dân, cũng mong cho “người ở gần vui lòng, ở xa qui phục” (cận giả duyệt, viễn giả lai) như lời Khổng tử đáp Diệp công (nước Sở) trong bài XIII.16. Mà những câu này trong Kinh Thư, Thi là tư tưởng phổ biến đương thời: Ý dân là ý trời – Trời thương dân, dân muốn gì trời cũng theo. Trời trông thấy tự ở dân ta trông thấy, trời nghe thấy tự ở dân ta nghe thấy (Thư). Được lòng dân là được nước, mất lòng dân
là mất nước (Thi). Cũng do đó mà quan niệm trung quân thời đó rất rộng rãi chứ không hẹp hòi như từ đời Hán (tức từ khi Trung Hoa thống nhất) trở đi. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một chương sau. Trong mấy năm ở Tề không làm gì, có thể Khổng tử nghiên cứu các Kinh Thi, Thư. Khi về Lỗ rồi, Khổng tử nổi tiếng là học rộng, biết nhiều. Năm 506 Quí Hoàn tử nối nghiệp Quí Bình tử đào giếng thấy xương một con vật giống con cừu, có ống xương dài bằng một cỗ xe, phái người lại hỏi Khổng tử. Khổng tử đáp là con “phần dương” do đất sinh ra (?). Lâm Ngữ Đường bảo có lẽ là con “khủng long” (dinosaurien). Quí Hoàn tử vẫn chuyên quyền, lấn áp vua Lỗ; nhưng chính Hoàn tử lại bị một gia thần là Dương Hổ (Luận ngữ gọi là Dương Hóa, “hóa” và “hổ” phát thanh hơi giống nhau) ức hiếp. Dương Hổ muốn đuổi một kẻ thân tín của Hoàn tử đi, bắt giam người đó; Hoàn tử phản đối kịch liệt, Hổ bắt giam luôn Hoàn tử, và chỉ thả ra sau khi Hoàn tử chịu thề (hay kí một tờ cam kết). Từ đó Hổ ngày càng khinh thường Hoàn tử. Cả nước Lỗ loạn từ trên xuống dưới. Dương Hổ muốn dụ Khổng tử ra giúp y. Ông từ chối. Bài XVII.1 chép việc đó như sau: “Dương Hóa (tức Dương Hổ) muốn gặp Khổng tử nhưng Khổng tử không đến thăm y, nên y cho đem biếu Khổng tử một con heo sữa (luộc chín). Khổng tử rình lúc Dương Hóa đi vắng, lại nhà y tạ ơn. Không ngờ trên đường về gặp y. Y gọi Khổng tử: “Lại đây, tôi muốn nói chuyện với ông”. Rồi nói: “Giấu tài đức quí báu mà không cứu nước đang mê loạn, có thể gọi là người nhân được không?”
(Khổng làm thinh) Dương Hóa nói tiếp: “Không gọi là người nhân được. Muốn ra làm quan mà nhiều lần bỏ lỡ cơ hội, có thể gọi là trí được không?” (Khổng tử lại làm thinh). Dương Hóa lại nói tiếp: “Không gọi là trí được. Ngày tháng trôi qua, tuổi chẳng chờ đợi ta”. Khổng tử nói: “Vâng, tôi sẽ ra làm quan”. Có người cho những câu “Không gọi là người nhân được”, “Không gọi là trí được” là lời Khổng tử đáp. Tôi nghĩ cho là lời Dương Hổ tự đáp thì làm rõ tính hách dịch, nóng nảy, hợm mình của Dương Hổ, và làm nổi bật thái độ bình tĩnh, cương quyết, tự tin của Khổng tử hơn. Ông lại tiếp tục nghiên cứu và dạy học. Số môn sinh tăng nhiều, có những người từ phương xa lại. Năm đó ông vào khoảng 46 47 tuổi. THỜI KỲ THAM CHÍNH TẠI LỖ (502 546) Năm 502, Khổng tử đúng năm mươi tuổi – “tri thiên mệnh” – (Định công năm thứ tám). Công sơn Phất Nhiễu (Sử kí gọi là Phất Nữu) – một gia thần của Quí Hoàn tử, có chuyện bất bình với Hoàn tử, theo Dương Hổ. Cả hai nổi loạn, chống Hoàn tử, bắt giam Hoàn tử, Hoàn tử lập mưu trốn thoát, và năm sau, đánh lại Hổ, Hổ thua, trốn sang Tề. Còn Công sơn Phất Nhiễu thì vẫn giữ thành Phí, chống lại Hoàn tử, cho người mời Khổng tử lại giúp mình. Khổng tử muốn đi. Tử Lộ không bằng lòng, xẵng giọng cản: “Không có nơi nào để hành đạo thì thôi, hà tất phải đến với họ Công sơn?”. Khổng tử đáp: “Người ta vời ta, hẳn là có ý dùng ta. Nếu dùng ta thì ta sẽ phục hưng đạo nhà
Chu ở phương Đông” (tức ở Lỗ) (XII.5). Lương Khải Siêu không tin việc đó, vì chỉ có Sử kí chép mà Tả truyện không chép. Có lẽ một phần cũng do thái độ của Khổng tử trong truyện đó có chỗ khó hiểu: ông đã cương quyết không hợp tác với Dương Hổ mà sao bây giờ lại muốn giúp Phất Nhiễu, cũng thuộc hạng loạn thần như Hổ? Có thể rằng tư cách Phất Nhiễu hơn Hổ chăng? Mà Phất Nhiễu chống Hoàn tử một loạn thần, chứ chưa chắc đã không tôn vua Lỗ. Ông cứ lại dò ý hắn xem; nếu quả như ông đoán thì ông có thể thuyết hắn lập lại uy quyền của Định công mà khiến cho Lỗ theo đạo nhà Chu. Năm chục tuổi rồi mà chưa có cơ hội nào tham chính đế thực hành đạo của mình, “tuế bất ngã dữ” thì làm sao ông không nóng nảy! Nhưng rồi ông biết nghe lời can của Tử Lộ mà không đi. Thực may cho ông mà không đi, vì ít lâu sau Định công mời ông làm Trung Đô tế, coi ấp Trung Đô, kinh đô của Lỗ, cũng như chức phủ doãn đời sau, chức đô trưởng gần đây. Được một năm, Trung Đô rất có trật tự, kỉ luật từ trên xuống dưới, thành một thị trấn kiểu mẫu. Năm sau ông được cất nhắc lên chức Tư không, tức như Thượng thư bộ Công, rồi lãnh chức Đại Tư Khấu tức như Thượng thư bộ Hình. Đồng thời ba môn sinh của ông là Tử Lộ, Nhiễm Hữu và Tử Du cũng ra làm quan với họ Quí. Có thể Tử Hoa cũng được Định công dùng về ngoại giao. Năm 500, Tề Cảnh công mời vua Lỗ họp ở Giáp Cốc (có sách
chép là Hiệp Cốc), trên biên giới hai nước để kết nên hòa hảo. Lỗ Định công tính chi dắt theo một mình Khổng tử trên xe thôi. Khổng tử bảo hễ đi dự những cuộc hội họp thân ái thì nên đem võ sĩ, mà đi dự những cuộc hội họp võ bị thì nên dắt theo mưu sĩ. Thời xưa, mỗi khi vua ra khỏi cương thổ đều có võ quan hộ tống, và ông khuyên Định công dắt theo hai viên tả, hữu Tư mã. Định công nghe lời, bảo Thân Câu Tu (hữu Tư mã) và Nhạc Kì (tả Tư mã) điểm một số binh xa để cùng đi với mình tới hội nghị, lại điểm một số quân nữa đóng một nơi cách hội nghị mười dặm. Hội nghị họp ở trên một cái đàn, phía Tề có Án Anh theo hầu, phía Lỗ có Khổng tử. Đúng như Khổng tử đoán, Cảnh công bày ra trò múa hát, vũ công ăn mặc kì cục, đeo gươm, cầm giáo mác, cơ hồ muốn ám hại hoặc uy hiếp Định công. Khổng tử vội leo lên đàn khoát tay, yêu cầu Cảnh công đuổi bọn đó đi, vì điệu vũ không hợp với một hội nghị hòa hảo. Lát sau một đội con hát tiến lên hát những khúc thô tục. Khổng tử cũng buộc Cảnh công phải dẹp. Và chặt chân tay bọn con hát đó! Vậy là vua Tề không uy hiếp cũng không làm nhục được vua Lỗ, trở về trách những kẻ bày mưu cho mình, ân hận đã có lỗi với vua Lỗ, mà việc kết thân thất bại. Một viên quan không biết gì về những âm mưu của kẻ bày trò múa hát đó, khuyên Cảnh công: “Người quân tử khi đã biết lỗi thì thành thực tạ lỗi bằng hành động, kẻ
tiểu nhân chỉ tạ lỗi bằng lời nói suông”. Vua Tề nghe lời trả lại Định công đất Tam Điền thuộc về phần của Hoàn tử. Sự thực thì có lẽ Tề phải trả đất vì người Lỗ đã chuẩn bị chiến tranh để đòi lại những đất đó. Tôi ngờ cả vụ hội nghị ở Giáp Cốc đó có chút màu sắc tiểu thuyết. Sau vụ đó, Khổng tử được làm tướng quốc thứ nhì (á tướng). Tướng quốc thứ nhất là Quí Hoàn tử, người trong dòng họ vua. Năm 497, Khổng tử khuyên Định công dẹp ba nhà quyền thần đi, không để cho họ có thành quách, quân lực riêng. Định công nghe lời, giao việc phá thành của ba nhà cho Tử Lộ. Tử Lộ và Nhiễm Hữu lúc đó ở dưới quyền họ Quí. Họ Thúc chịu để cho phá thành Hậu trước hết. Khi phá thành Phí của họ Quí – thành đó bị Công sơn Phất Nhiễu chiếm từ trước thì dân chúng do Phất Nhiễu xúi, nổi loạn, chống lại; Khổng tử sai đem quân lại dẹp, Phất Nhiễu thua, trốn qua Tề, và thành Phí bị san phẳng. Thành thứ ba của họ Mạnh ở gần biên giới Tề Lỗ tại ấp Thành. Họ Mạnh không chịu phá, lấy cớ rằng nếu phá thì khi quân Tề xâm lăng, không có gì cản chúng được. Định công đem quân lại vây nhưng không chiếm nổi. Vậy là ba thành chỉ phá được hai. Cũng năm đó (?), Khổng tử giết Thiếu Chính Mão, một đại phu gian xảo làm loạn chính sự. Vụ đó, một số học giả ngờ là không có. Họ đưa ra ba lý do: Khổng tử chủ trương trị nước, không nên giết người. Luận ngữ, bài XII.19, chép:
“Quí Khang tử hỏi Khổng tử về phép trị dân: “Giết kẻ vô đạo (độc ác) để cho người khác thành hữu đạo (lương thiện) nên chẳng”? Khổng tử đáp: “Ông trị dân, cần gì phải dùng biện pháp người quân tử (người trị dân) như gió, mà đức hạnh của tiểu nhân (dân) như cỏ. Gió thổi thì cỏ tất rạp xuống”. Không lẽ Khổng tử chủ trương không giết người mà mới được Định công tin dùng, đã giết một đại phu của Lỗ. Thời đó giết một đại phu là một việc rất quan trọng. Khổng tử không phải là người hoàng tộc, chỉ là một á tướng, một đại phu, đâu dám giết một đại phu. Tử Sản, tướng quốc Trịnh, được vua Trịnh tin dùng bao nhiêu năm mà còn không dám giết Công Tôn Hắc thay! Một vụ quan trọng như vậy mà sao sử Lỗ không chép, Luận ngữ cũng không nhắc tới, chỉ chép trong Sử kí (Khổng tử thế gia) và trong Khổng tử gia ngữ, mà có lẽ Tư Mã Thiên cũng chỉ theo Khổng tử gia ngữ khi viết Khổng tử thế gia. Lẽ thứ nhất không vững lắm. Khổng tử không muốn giết dân; nhưng loạn thần thì chắc ông cương quyết trị, như việc phá thành của ba họ Quí, Thúc, Mạnh kể trên. Lẽ thứ nhì cũng không đủ vững. Nói Khổng tử giết Thiếu Chính Mão, có thể hiểu là đề nghị giết với Định công và được Định công chấp thuận. Lẽ thứ ba chấp nhận được. Từ đó uy tín của Khổng càng lên mà nước Lỗ hóa ra thịnh trị. Ba tháng sau, những người bán thịt ở chợ không nói thách nữa; trên đường đàn ông đi một bên, đàn bà đi một bên; của rơi ngoài đường, không ai nhặt, dân các nước chung quanh lại Lỗ
làm ăn mỗi ngày một nhiều. Nếu quả thật như vậy thì lời Khổng tử trong bài XIII.10: “Có ai dùng ta (cầm quốc chính) thì một năm cương kỉ đã khá, ba năm sẽ thành công”, không phải là một lời nói quá. Vua Tề thấy Lỗ thịnh trị đâm lo ngại; sợ Lỗ thành nước mạnh nhất ở phía Đông, sẽ làm bá chủ, mà Tề ở sát nách, bị uy hiếp trước cả. Lúc này Án Anh đã mất. Một đại phu bày mưu với vua Tề, lựa tám chục thiếu nữ đẹp, cho bận gấm vóc, dạy cho múa hát, đưa qua tặng vua Lỗ với một trăm hai mươi lăm con ngựa tốt. Đoàn nữ nhạc với bầy ngựa đó biểu diễn ở cửa Nam kinh đô Lỗ. Quí Hoàn tử cải trang lại xem ba lần, và xúi Định công lẻn tới xem nữa. Họ mê mẩn tâm thần, bỏ cả triều chính. Tử Lộ nói với Khổng tử: “Thầy trò mình nên sớm rời đi thôi”. Khổng tử bảo: “Gần đến ngày tế Giao (tế trời) rồi; nếu nhà vua làm lễ xong, còn nhớ phân phát thịt cúng cho các quan thì chúng ta còn ở lại được”. Nhưng Quí Hoàn tử nhận đoàn nữ nhạc của Tề rồi ba ngày không vào triều, sau lễ Giao, cũng quên việc chia thịt. Khổng tử biết rằng đạo mình không còn thi hành được nữa, và mấy thầy trò rời khỏi Lỗ. Dương Hổ và Phất Nhiễu đã trốn qua nước ngoài. Lỗ hết loạn rồi, Định công và Hoàn tử còn dùng gì họ nữa? Có lẽ lúc đó nhiều vị quan Lỗ cũng bỏ đi trong số đó có tám nhạc sư Chí, Can, Liêu, Khuyết… chép trong bài XVIIII.9. BỐN NĂM LƯU LẠC (496 492)
Hồi này ông đã 56 tuổi, già rồi, tham chính đã được sáu năm (theo Tư Mã Thiên) đã giúp Lỗ được nhiều công. Chúng ta không được biết gì nhiều về gia đình ông cả. Thân mẫu ông đã qui tiên khoảng ba chục năm trước (có sách nói là hồi ông 25 tuổi), vợ ông còn sống với ông không, con trai ông, cậu Lí đã 35 36 tuổi, ông chắc đã có cháu nội, có thể có cả cháu ngoại nữa – con gái ông gả cho học trò của ông là Công Dã Tràng – như vậy ông có thể nghỉ ngơi, tiếp tục dạy học, vui cảnh già với con cháu, nhất là môn sinh, trong cái tình kính mến của bạn bè, nhân dân. Vậy mà sao ông lại bỏ quê hương xử sở, lang thang khắp nước này tới nước khác? Tâm sự của ông lúc lên đường não nùng ra sao, Mạnh tử chi chép vắn tắt trong bài Tận Tâm hạ – 14: “Khổng tử nói khi rời nước Lỗ: “Ta chầm chậm mà đi thôi”. Khi rời đất nước của cha mẹ thì lòng người ai cũng vậy”. Tôi đoán ông sở dĩ ra đi vì tin Trời giao cho ông sứ mạng phục hồi đạo của Chu công, lập lại trật tự trong thiên hạ. Mấy lần ông nói đến sứ mạng đó: “thiên sinh đức ư dư…” (Trời cho ta có phẩm đức…) (VII.22); “Thiên chi vị táng tư văn dã, Khuông nhân kì như dư hà!” (Trời chưa muốn hủy diệt văn hóa (của Văn vương) đó, thì người Khuông làm gì được ta? – IX.5). Sáu năm thi hành đạo của ông ở Lỗ, thấy có kết quả ông lại càng tin có thể lập được sự nghiệp như Chu công; Lỗ không dùng ông thì trong thiên hạ thế nào chẳng có nước dùng?
Ông là người đầu tiên mở trường tư (tư học) cho mọi hạng người: “hữu giáo vô loại” (XV.38) – (Coi thêm Nhà giáo họ Khổng – Cảo thơm 1972), để đào tạo những con người lương thiện, có lễ nghĩa, nhất là đào tạo một hạng sĩ quân tử có nhân, trí, dũng để làm quan giúp nước. Ông dạy đủ lục nghệ như chương trình các trường công, lại thêm sử đời trước (Thư), môn ăn nói (Thi), các thể chế, lễ nghi (Lễ)… nhất là ông bắt họ học thì phải thực hành: cách cư xử với cha mẹ, anh em, với vua, với bạn, với mọi người. Trong hơn ba chục năm ông đã đào tạo một số môn sinh có ít nhiều tài đức, có thể ra làm quan được, và đã có năm sáu người lãnh chức vụ ở triều đình Lỗ. Ông nhận định khả năng đặc biệt của mỗi người để gặp cơ hội thì dùng. Đức hạnh có: Nhan Uyên, Mẫn Tử Khiên, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng Cung. Biện luận: Tể Ngã, Tử Cống. Chính sự: Nhiễm Hữu, Quí Lộ. Văn học: Tử Du, Tử Hạ (XI.2) Võ bị: Tử Lộ (V.7, XI.25) Ngoại giao: Công Tây Xích tức Tử Hoa (XI.25 – V.7). Tử Cống, giỏi ăn nói, tính toán, buôn bán (XI.18). Sau cùng Nhiễm Ung (Trọng Cung) có tư cách một ông vua (VI.1). Như vậy là có đủ một nhóm – như người Pháp ngày nay gọi là một équipe – cùng một chí hướng, mà vị thủ lãnh là ông, hễ một ông vua chư hầu nào dùng ông làm tướng quốc là ông có thể thành lập ngay một nội các được. Trong lịch sử nhân loại, có lẽ ông là người đầu tiên lập một tổ chức như vậy, gần thành
một đảng chính trị có chính sách rõ ràng. Ông cũng là người đầu tiên mở phong trào đi du thuyết khắp các nước để tìm một ông vua biết dùng thấy trò ông. Trong lịch sử nhân loại tôi cũng chưa thấy có trường hợp nào như vậy nữa. Sau này thầy trò Mạnh tử đã theo gót ông đi du thuyết. Còn bọn pháp gia cũng có rất nhiều nhà du thuyết, chủ trương đại cương giống nhau – trọng pháp, thuật, thế, trọng thực tế, trọng sức mạnh, mà mạt sát nhân, nghĩa, lễ, tín – nhưng không thành một đảng, một “nhà” (école) được, vì họ không tôn ai làm thầy cả, không biết đoàn kết với nhau. “Đảng” của Khổng tử đắc lực quá, lại đoàn kết, mà đại đa số ở trong giai cấp tân địa chủ hay bình dân, cho nên nếu được vài ông vua muốn dùng thì lại bị bọn quí tộc, bọn đại phu ở triều đình nghi ngờ, gièm pha, như khi ông ở Sở (coi đoạn sau): họ sợ bị thầy trò ông giành mất địa vị. Tử Cống bảo không ông vua nào dùng Khổng tử được vì đạo của ông cao quá, nên hạ thấp nó xuống một chút (coi đoạn của thầy trò Khổng tử bị tuyệt lương ở Trần, Thái, phía sau). Đó là một lý do nữa khiến ông thất bại. Lần này ông ra đi có gia đình theo ông không, chúng ta không biết. Môn sinh có những ai? Chắc chắn có Nhan Hồi, Tử Lộ, có thêm Tử Cống, Nhiễm Hữu, Tử Du, Tử Hoa, Nguyên Tư, (bốn người sau đã được ông giới thiệu làm quan ở Lỗ). Đi bằng xe vì qua nhiều nước, đường dài mấy ngàn dặm (coi bản đồ ở
trang sau). Tới nước nào chắc được vua hoặc đại phu nước đó chu cấp, vì thầy trò ông có làm gì khác đâu để sống. Chu cấp chắc không nhiều (mà có nhiều chắc ông cũng không nhận). Thời ông chưa phải là thời người ta chiêu hiền đãi sĩ rất trọng hậu như thời Mạnh tử. Mạnh tử mỗi khi qua nước nào, “dắt theo cả mấy chục cỗ xe và mấy trăm người tùy tùng, và vua nước ấy phải cung cấp lương thực”, rồi khi rời nước đó thì vua còn “dâng ông chút ít” – độ vài chục dật vàng thôi, mỗi dật bằng 20, 24 lượng “để ông lên đường”. Khổng tử và đoàn tùy tùng có lẽ nhiều lắm được mười, hai mươi người mà có lúc phải nhịn đói, mặt xanh như tàu lá! Ông không qua Chu – Mạnh tử sau này cũng vậy – Ông chỉ tòng Chu chứ không tôn Chu, có lẽ vì ông thấy Chu quá suy, không làm được gì. Cũng có thể ông nghĩ nếu giúp Chu chưa chắc Chu đã thịnh được mà các chư hầu lớn – các bá – như Tề, Tấn, Tần, Sở sẽ nghi kị vua Chu và ông mà thêm hại cho Chu. Người đời sau cho việc ông không tôn Chu là một mâu thuẫn của ông. Nước đầu tiên ông tới là Vệ, nước anh em của Lỗ như ông nói (coi chương trên). Tới ấp Nghi của Vệ, viên quan giữ biên cương xin được yết kiến ông. Khi yết kiến rồi, viên đó bảo với mấy môn sinh Khổng tử: “Mấy thầy đừng lo phu tử mất chức. Thiên hạ vô đạo (loạn) đã lâu rồi, Trời sẽ dùng phu tử làm cái mõ gỗ” (để tuyên dương
giáo hóa) (III.24). Lời đó an ủi thầy trò Khổng tử rất nhiều. Danh ông đã vang, một quan nhỏ giữ biên cương còn hiểu ông thay, lẽ nào trong thiên hạ không có người dùng. Ông lại ở nhà anh vợ Tử Lộ là Nhan Thù Do (Nhan Trọc Châu[231]). Vệ Linh công hỏi ông ở Lỗ tước lộc được bao nhiêu, Linh công sẽ tặng ông bấy nhiêu: sáu vạn đấu lúa. Nhưng rồi triều đình có kẻ gièm pha Khổng tử nên vua Vệ lơ là với ông, còn sai người lại nhà ông dò xét nữa. Ông ở Vệ lần đó được mười tháng. Kế đó ông muốn sang nước Trần, nhưng mới tới thành Khuông, người thành đó vốn ghét Dương Hổ, thấy Khổng tử tưởng là Dương Hổ, bắt giam ông, muốn hãm hại ông, sau họ biết là lầm, thả ông ra. Khi bị giữ lại, ông rất bất bình bảo môn sinh: “Vua Văn vương mất rồi, lễ nhạc, chế độ của ông chẳng truyền lại cho ta sao! Trời mà muốn hủy diệt văn hóa đó thì người sau đâu thừa hưởng văn hóa đó; Trời mà chưa muốn hủy diệt văn hóa đó thì người đất Khuông làm gì được ta?” (IX.5). Nhan Hồi lạc lại phía sau. Khi thầy trò gặp lại nhau, Khổng tử bảo: “Thầy tưởng anh đã chết rồi chứ”. Nhan Hồi đáp: “Thầy còn sống, con đâu dám chết”. (XI.22). Ông qua đất Bồ, ở một tháng, rồi trở về Vệ. Lần nay ở nhà Cừ Bá Ngọc, một đại phu tuổi cao đức lớn mà ông rất trọng (năm 495). Bá Ngọc cũng quí ông. Coi tình bạn của hai người đó trong bài XIV.26. Vợ Linh công là nàng Nam tử, nổi tiếng dâm đãng, mà lại rất
có quyền hành, nói gì vua cũng nghe. Nàng sai người lại nói với Khổng tử rằng: “Các quân tử ở bốn phương hễ tới Vệ, muốn giao hảo với vua Vệ thì đều lại yến kiến tôi”. Khổng tử không từ chối được, đành phải lại. Nam tử ngồi phía trong, sau một tấm màn, mà tiếp ông “rất đúng lễ”. Khi ông về, Tử Lộ tỏ vẻ bất bình, ông phải thề: “Ta có làm gì trái thì Trời bỏ ta, Trời bỏ ta!” (VI.26). Trong vụ này tôi thấy có điều khó hiểu. Tại sao Khổng mới rời Vệ được một tháng đã quay trở về Vệ? Tại sao lần đầu Nam tử không mời ông vô thăm, mà để tới lần này mới mời? Nhất là tại sao ông phải thề độc như vậy? Tử Lộ lẽ nào không biết đạo đức, phẩm hạnh của ông. Có bất bình thì chỉ vì ông không cương quyết từ chối, mà quá tròn như mọi chính khác khác, chứ tuyệt nhiên không thể nghi ngờ ông có hành vi gì mờ ám được, vậy thì tại sao ông phải thề độc như vậy? Một hôm ông cùng đi chơi với Vệ Linh công. Linh công ngồi xe trước với Nam tử, do một hoạn quan đánh xe, ông ngồi xe sau, nhận thấy dân chúng chăm chú ngó nàng Nam tử, phàn nàn: “Ta chưa thấy ai hiếu đức bằng hiếu sắc” (IX.17). Lời đó tuy nói về dân chúng nhưng cũng là ngầm trách vua Vệ. Buồn rầu ông rời Vệ. Trước sau chi ở đó hơn một tháng. Ông qua Tào rồi sang Tống. Ở Tống ông thường họp môn sinh ở dưới gốc một cây lớn để dạy họ tập lễ. Quan tư mã Tống
là Hoàn Khôi, không hiểu vì lẽ gì, muốn giết ông, cho đốn cây đó. (Sử kí chép vậy. Tôi không hiểu đốn cây thì làm sao giết ông được? Chúng ta chỉ nên hiểu rằng Hoàn Khôi tỏ ý ghét ông đến nỗi ghét luôn cái cây dưới đó ông ngồi, và cho đốn cây đó để ông hiểu mà đi đi, nếu không sẽ mất mạng). Ông hiểu ý Hoàn Khôi, nhưng cứ chầm chậm rời nước Tống, mà môn sinh thì sợ sệt, thúc ông đi gấp. Ông cũng rất bình tĩnh, tin ở số mạng mình, bảo họ: “Trời cho ta có phẩm đức, Hoàn Khôi làm gì được ta?” (VII.22) Sau đó thầy trò phiêu bạt tới nước Trịnh ở phía Tây, lạc nhau. Trong khi ông đứng một mình ở cửa Đông, có người trong thấy, đi báo cho Tử Cống: “Ở cửa Đông, có một người tránh giống vua Nghiêu, cổ giống Cao Dao, vai giống Tử Sản, nhưng từ lưng trở xuống thì kém vua Vũ ba tấc, có vẻ băn khoăn lo lắng như con chó nhà có tang”. Tử Cống lại cửa Đông kiếm thầy, kể lại chuyện đó. Khổng tử bảo: “Hình dáng ta người nào đó tả không biết có đúng không, nhưng bảo ta giống con chó nhà có tang thì đúng quá”. (Truyện này không thấy chép trong Luận ngữ). Từ Trịnh Khổng tử qua Trần (Trần, Trịnh, Tống, Thái ở gần nhau) ở hơn một năm tại nhà Trịnh tử, một viên quan Tư thành (giữ thành). Lúc này, Ngô vương là Phù Sai đánh Trần. Sở vây đất Thái, vua Thái phải chạy sang Ngô. Vua Ngô đánh bại vua Việt là Câu Tiễn ở Cối Kê. Vậy là cả khu vực đó chiến tranh liên miên mà Trần luôn bị đánh bại. Vào khoảng này có hai dật sự
tỏ sự hiểu biết uyên bác của Khổng tử về thời cổ và đều không thấy nhắc tới trong Luận ngữ. Vua Trần một hôm bắt được một con chim ưng trúng tên rớt xuống. Mũi tên bằng đầu gỗ bịt đá (thời đó mũi tên bịt đồng), sai người lại hỏi Khổng tử. Khổng tử bảo con chim ưng đó từ một nơi rất xa bay lại, vì thứ tên đó của rợ Túc Thận[232] dùng. Khi vua Võ đánh chiếm được nước Ân, các rợ đều dâng vật cống. Rợ Túc Thận dâng những mũi tên đó, và vua Võ cho con gái lớn của ông làm vợ Hồ Công, người được phong ở Trần, do đó mà nước Trần có được. Cứ tìm trong kho sẽ thấy”. Vua Trần sai tìm, quả nhiên thấy trong kho. Dật sự thứ hai: Khi Ngô vương Phù Sai đánh Việt vương, phá thành Cối Kê, tìm được một bộ xương người khổng lồ ở gần vàm sông Dương Tử, sai người lại hỏi Khổng tử. Ông bảo là bộ xương người Phòng Phong vì tới trễ hẹn, bị vua Hạ Vũ giết. Theo Pierre Đỗ Đình, trong Confucius et l’humanisme Chinois (Seuil – 1962) thì tạp chi khảo cổ Discovery (số tháng 10 1956) đăng tin người ta khai quật bốn cái răng của người vượn Bắc Kinh (Homo Pekinensis), sống cách đây khoảng nửa triệu năm và cao tới hai thước rưỡi. Bộ xương người khổng lồ Phòng Phong đó chắc là bộ xương người vượn Bắc Kinh. Vì Tấn và Sở tranh nhau ngôi bá, đánh nhau hoài, Trần thường bị họ xâm chiếm, nên Khổng tử buồn bỏ Trần mà quay trở lại đất Bồ. Bồ đương có loạn, người Bồ giữ Khổng tử lại. Một môn đệ Khổng tử là Công Lương Nhụ, dũng mãnh và can đảm
hộ tống ông bằng năm chiến xa, bảo Khổng tử: “Thật rủi! Lần trước con đưa thầy tới Khuông, chúng mình đã bị vây; lần này lại gặp nạn nữa, chúng con sẽ chiến đấu tới cùng”. Công Lương Nhụ chiến đấu rất hăng; người Bồ sợ, phải thả Khổng tử đi, sau khi buộc ông thề không qua Vệ vì Bồ chống Vệ. Khổng tử thề, nhưng rồi cũng vẫn qua Vệ. Tử Cống hỏi ông sao không giữ lời thề. Ông đáp: “Ta bắt buộc phải thề, nên quỉ thần không nghe”. Truyện này không chép trong Luận ngữ, nhưng hợp với thái độ của Khổng tử và tính của Tử Cống rất trọng chữ tín. Ông không tin quỉ thần như người thường, cho rằng quỉ thần, nếu có, cũng chỉ như người thôi, cái gì vô lý thì không làm. Bắt ép người ta thì thần cũng như người, không chấp nhận được, vậy tất không trách ông. Ông có thái độ “vô khả, vô bất khả” (XVIII.8). Bài IV.10 ông bảo: “Cách xử sự của người quân tử, không nhất định phải như vầy mới được, không nhất định như kia là không được, cứ hợp nghĩa (hợp lẽ phải, hợp tình, hợp lí) thì làm. Vệ Linh công hay tin ông tới Vệ, mừng lắm, ra ngoài thành để đón, hỏi ông: Vệ có thể đánh Bồ được không? Ông đáp: Được. Linh công hỏi lại: Các quan đại phu của ta cho là không nên, nên để Bồ làm trái độn giữa Vệ và Tấn, Sở. Ông nghĩ sao? Đàn ông trong thành Bồ quyết tử chiến để giữ thành, đàn bà cũng một lòng chống cự. Nhưng dù sao chúng ta cũng nên trị bốn, năm tên phản loạn trong thành[233].
Linh công gật đầu nhưng rồi bỏ ý đánh Bồ. Ông lúc đó già rồi, ngại lo việc nước, mà cũng không muốn trao quyền hành cho Khổng tử. Khổng tử than: “Có ai dùng ta (cầm quốc chính) thì một năm cương kỉ đã khá, ba năm sẽ thành công” (XIII.10). Có thể vào lúc này ông học đánh khánh và một hôm đương đánh thì có người vác sọt cỏ đi qua cửa, bảo: “Có hảo ý thay người đánh khánh đó!” Rồi người ấy lại nói: “Bỉ lậu thay, tiếng khánh lanh lảnh ấy. Người ta đã không biết mình thì thôi đi cho xong. Kinh Thi có câu: “Lội nước sâu thì để cả áo, lội nước cạn thì vén áo lên”. Khổng tử nghe được, bảo: “Ý người đó kiên quyết thật! Ta cũng chẳng cải người đó làm gì”. (XIV.40). Vậy biết Linh công không dùng ông, ông vẫn chưa nản chí, muốn tìm cơ hội khác. Ông lại rời Vệ, lần này là lần thứ ba. Một quan tể đất Trung Mâu của Tấn, Bật Hật (có người đọc là Phật Bật), vốn là gia thần của Phạm Trọng Hành, một đại phu của Tấn. Người cầm quyền Tấn là Triệu Giản tử, đánh Phạm Trọng Hành, Bật Hật chiếm luôn Trung Mâu, làm phản, phái người lại mời Khổng tử giúp mình. Ông định nhận lời. Tử Lộ bất bình ngăn: Trước kia, con nghe thầy dạy “Người quân tử không vào đảng với kẻ nào đã gây điều bất thiện”. Bật Hật chiếm đất Trung Mâu làm phản mà thầy muốn qua với y thì sao phải lẽ? Khổng tử đáp: Đúng, ta có nói vậy. Nhưng ta chẳng từng nói rằng cái gì cứng rắn thì mài cũng không mòn sao? Ta chẳng từng nói rằng cái thì thực trắng thì nhuộm cũng không đen sao?
Ta đâu phải là trái bần khô người ta treo mà không ăn được ư! (XVII.7). Quả thực ông sốt sắng thi hành đạo quá, tới nỗi vụng tính, gặp cơ hội nào cũng muốn nắm lấy. Tử Lộ ngăn là phải. Ông đáp vậy nhưng rồi cũng nghe lời Tử Lộ mà không đi. Vậy là hai lần, Tử Lộ đã tránh cho ông khỏi phải ân hận về sau. Thực tâm yêu quí ông, theo tôi ít ai bằng Tử Lộ. Vụ đó Lương Khải Siêu cũng cho là không đáng tin như vụ Khổng tử muốn giúp Công sơn Phất Nhiễu ở Lỗ. Không giúp Bật Hật mà rồi ông lại tính qua Tấn để gặp Triệu Giản tử, kẻ thù của Bật Hật, thái độ ông kì thật! Nhưng khi tới bờ sông Hoàng Hà hay tin Giản tử đã giết hai quan đại phụ tài giỏi của Tấn là Đậu Minh Độc và Thuần Hoa để nắm hết chính quyền, như vậy là bất nghĩa vì Giản tử trước kia đã được hai người đó đề bạt lên, ông ngừng lại, đứng bên bờ sông than thở: “Dòng sông này đẹp thật. Nhưng số mạng đã định, không cho ta qua con sông này”. Và ông lại quay về Vệ (lần thứ tư), ở nhà Cừ Bá Ngọc. Có lẽ lần này Linh công hỏi ông về chiến trận (có sách cho là trong lần đầu tiên ông tới Vệ), ông đáp: Về việc tế tự, lễ khí thì tôi đã từng được nghe, còn việc quân lữ thì tôi chưa học. Sáng hôm sau ông rời Vệ. (XV.1). Luận ngữ chỉ chép vậy thôi. Sử ký thêm: Hôm sau, trong khi ông hầu chuyện Linh công, Linh công ngẩng lên nhìn đàn ngỗng trời bay trên không, không để ý tới lời ông. Lúc đó Khổng tử mới quyết tâm bỏ sang Trần.
Năm 492, Khổng tử 60 tuổi, đương ở nước Trần, Lỗ Định công đã chết từ 495, bây giờ Quí Hoàn tử cũng chết. Khi sắp chết, Hoàn tử ân hận rằng trước kia mình không biết trọng dụng Khổng tử, để cho Lỗ mất cơ hội thành một nước cường thịnh, và dặn con là Quí Khang tử: “Khi cha mất rồi, con sẽ làm tướng quốc nước Lỗ, con phải vời Khổng tử về giúp nước”. Nhưng Quí Khang tử không nghe lời cha, lại mời Nhiễm Cầu về. Khổng tử bảo Nhiễm Cầu: “Lần này người ta mời anh về là muốn giao anh thực quyền chứ không phải một chức nhỏ đâu”. Rồi ông nói thêm: “Về đi thôi, về đi thôi! Môn sinh ở quê hương ta có chí lớn nhưng không thận trọng (nông nổi), có văn thái rõ ràng, nhưng không biết tự chế tài mình” (V.21)[234]. Tử Cống hiểu ý thầy nên dặn Nhiễm Cầu khi nào cầm quyền rồi thì nên mời thầy về. TUYỆT LƯƠNG Ở TRẦN VÀ THÁI (491 489) Nhiễm Cầu đi rồi, Khổng tử qua Thái. Mấy năm này thầy trò Khổng tử rất long đong, luẩn quẩn ở Trần và Thái. Năm sau, 490, Khổng tử qua huyện Diệp, thuộc Sợ. Diệp Công [Có sách bảo Diệp là một nước, và Diệp công tức là Thẩm Chư Lương vua nước đó. Nếu là một nước thì cũng chỉ là một nước phụ dung của Sở; Chư Lương tự xưng càn là công.] hỏi ông về phép trị dân, ông đáp: “Phải làm sao cho người ở gần vui lòng và người ở xa qui phục” (XIII.16). Lần khác Diệp công bảo: “Làng tôi có một người ngay thẳng tên là Trực Cung, cha bắt trộm cừu, con đi tố cáo”. Khổng tử đáp: “Người ngay thẳng
ở làng tôi khác vậy. Cha giấu tội cho con, con giấu tội cho cha, sự ngay thẳng ở trong đó” (XIII.18). Ông cho đạo cha là phải từ, đạo con là phải hiếu, con tố cáo cha là bất hiếu, trái đạo, không phải là ngay thẳng. Cha bất từ, con bất hiếu thì nước sẽ Diệp công hỏi Tử Lộ về ông. Tử Lộ không biết đáp sao. Ông bảo: “Sao anh không đáp: ấy là người phát phẩn đọc sách đến quên ăn, khi tìm được đạo lí rồi thi vui sướng đến quên mọi lo buồn, không biết rằng cái già nó tới nơi rồi; như vậy đó” (VII.18). Khổng tử lại trở về Thái, giữa đường gặp hai người cày ruộng, sai Tử Lộ lại hỏi bến đò ở đâu. Tử Lộ hỏi người thứ nhất (Trường Thư), người này hỏi lại: Người cầm cương trên xe đó là ai? Tử Lộ đáp: Là thầy Khổng Khâu. Phải Khổng Khâu nước Lỗ không? Phải. Vậy thì ông ta biết bến đò rồi mà. Tử Lộ hỏi người thứ nhì (Kiệt Nịch). Người này cũng hỏi lại: Thầy là ai? Tử Lộ đáp: Là Trọng Do. Phải là học trò ông Khổng Khâu nước Lỗ không? Khắp thiên hạ đâu đâu cũng là dòng nước đục cuồn cuộn, ông Khổng Khâu sẽ cùng với ai mà sửa trị thiên hạ được? Còn thầy đi theo kẻ sĩ tránh người vô đạo (ý nói theo Khổng tử) sao bằng theo (ta là) kẻ sĩ tránh đời ô trọc? Nói rồi lại tiếp tục bừa phủ lên cho đất bằng Tử Lộ về xe kể lại với Khổng tử. Khổng tử bùi ngùi nói: “Người ta không thể làm bạn với cầm thú; ta không sống chung
với người trong xã hội này thì sống chung với ai? Nếu thiên hạ thịnh trị thì Khâu này cần gì phải sửa đổi nữa?” (XVIII.6). Hôm khác, Tử Lộ (lạc lại phía sau) gặp một ông già quẩy cái cào cỏ ở đầu một cái gậy, Tử Lộ hỏi: Ông có thấy thầy tôi không? Ông già đáp: Tay chân chẳng làm việc gì cả, không phân biệt được năm giống lúa. Ai là thầy của chú? Nói xong ông già cắm gậy xuống đất rồi cào cỏ. Tử Lộ chắp tay đứng đợi. Cào cỏ xong, ông già đưa Tử Lộ về nhà minh nghỉ đêm, giết gà làm cơm đãi, lại cho hai người con ra chào. Hôm sau Tử Lộ đi, gặp được Khổng tử, kể lại chuyện đó. Khổng tử bảo: “Ông già ấy là ẩn sĩ”, rồi sai Tử Lộ trở lại kiếm. Tới nơi thì ông già đi khỏi. Tử Lộ nói (với hai người con ông già): “Không ra làm quan mà ở ẩn là không hợp đạo nghĩa. Cái thứ tự giữa người lớn và kẻ nhỏ đã không bỏ được (ám chỉ việc ông lão cho hai con ra chào mình) thì sao lại bỏ nghĩa vua tôi đi? Muốn cho thân mình trong sạch mà hóa ra làm loạn cái luân thường lớn nhất. Người quân tử ra làm quan là làm nghĩa vụ của mình. Còn đạo mà không thi hành được thì đã biết vậy rồi. (XIII.7). Có bản cho rằng sáu hàng cuối đó là lời Khổng tử nói với Tử Lộ khi Tử Lộ về cho hay, không gặp lại ông già. Rất có thể như vậy. Hồi đó có chiến tranh giữa Ngô và Trần. Sở đem quân đến Thành Phụ[235] để cứu Trần (489) và khi hay rằng Khổng tử ở
Thái, vua Sở mời ông tới. Ông định đi, nhưng các đại phu Trần và Thái bàn với nhau: Khổng tử là người hiền, biết được lỗi các vua chúa. Ông ta ở hai nước Trần, Thái đã lâu, có vẻ không bằng lòng về hành vi của chúng ta. Nếu ông ấy gặp vua Sở, vua Sở mà dùng thì nước chúng ta khó yên, thân chúng ta cũng nguy. Bàn với nhau như vậy rồi, họ đem quân lại vây thầy trò Khổng tử lúc đó đương ở giữa một cánh đồng, bọn ông không chạy kịp. Bị vây và tuyệt lương, nhiều môn sinh đau, liệt giường, trong khi Khổng tử vẫn thản nhiên đọc sách và gẩy đàn. Môn sinh có người bất bình, Tử Lộ uất hận lại hỏi ông: Người quân tử cũng có khi cùng khốn ư? Ông đáp: Người quân tử cũng có khi cùng khốn là lẽ cố nhiên (hoặc người quân tử khốn cùng thì giữ vững chí), kẻ tiểu nhân cùng khốn thì phóng túng làm càn”. (XV.1). Theo Tư Mã Thiên, Khổng tử thấy Tử Cống đứng ở bên có vẻ nổi nóng vì lời ông đáp Tử Lộ, nên quay lại bảo: Tứ (tức Tử Cống) anh cho rằng ta học nhiều mà nhớ hết phải chăng? Tử Cống đáp “vâng”. Ông nói: “Không phải vậy, ta tìm một điều căn bản mà khái quát tất cả.” (điều căn bản đó là: kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân). Đặt chuyện đó vào đây tôi e không hợp, không liên quan gì tới cảnh tuyệt lương cả. Khổng tử chắc đã nói câu đó trong một trường hợp khác. Biết rằng môn sinh tức tối, thất vọng lắm. Khổng tử kêu Tử Lộ lại bảo: Kinh Thi có câu “Chẳng phải con tê ngưu, chẳng phải con hổ mà lang thang ở đồng vắng” (Ông nghĩ tới cảnh của thầy trò lúc đó). Đạo của ta sai chăng, mà sao ta phải gặp
cảnh này? Tử Lộ đáp: Theo ý con có lẽ vì chúng ta chưa “nhân” chăng, nên người ta chưa tin chúng ta? Có lẽ chúng ta chưa “trí” chăng nên người ta không theo đạo chúng ta? (Có người hiểu là: nên người ta ngăn cản chúng ta, không cho chúng ta đi). Khổng tử bảo: Nào phải vậy. Này anh Do, nếu người nhân luôn luôn được người ta tin thì sao Bá Di, Thúc Tề phải chết đói trong núi? Nếu người trí được mọi người nghe thì sao Tỉ Can lại bị giết? Tử Lộ ra, Tử Cống vào. Khổng tử lại bảo: Này anh Tứ, Kinh Thi có câu “Chẳng phải con tê ngưu, chẳng phải con hổ mà cũng lang thang ở đồng vắng”. Đạo của ta sai chăng, mà sao ta phải gặp cảnh này? Tử Cống đáp: Đạo của thầy cao quá, cho nên thiên hạ không ai dung nạp được thầy. Thầy nên hạ thấp xuống một chút. Khổng tử đáp: Này anh Tứ, người giỏi nghề nông, vãi giống rồi nhưng không tin chắc sẽ được gặt; người thợ giỏi tuy làm khéo nhưng cũng không tin chắc là làm vừa lòng khác hàng. Người quân tử trau dồi đạo đức, theo đường chính mà giữ nó, điều chỉnh nó, nhưng không thể làm cho nó được người ta theo. Anh không lo trau dồi đạo của anh mà chỉ cầu người ta dung nạp anh. Chí của anh không xa. Tử Cống ra, Nhan Hồi vào, Khổng tử lại hỏi như trước: Này anh Hồi, Kinh Thi có câu “Chẳng phải con tê ngưu, chẳng phải con hổ mà cũng lang thang ở đồng vắng”. Đạo của ta sai chăng, mà sao ta phải gặp cảnh này? Nhan Hồi đáp: Đạo của thầy cao quá cho nên thiên hạ
không ai theo được, nhưng thầy cứ theo đó mà làm. Người ta không dung nạp được thầy thì có hại gì? Chính vì người ta không dung nạp được thầy mà thầy mới là bậc quân tử. Đạo không được trau dồi, đó là điều chúng ta làm xấu hổ; đạo đã được trau dồi rồi mà người ta vẫn không dung nạp, thì đó là điều xấu hổ của kẻ làm vua. Người ta không dung nạp được thầy thì có hại gì? Chính vì người ta không dung nạp được thầy mà thầy mới là bậc quân tử. Khổng tử hớn hở, bảo: Phải. Hỡi con người họ Nhan, nếu anh giàu có thì ta sẽ quản lý của cải cho. Truyện đó không thấy chép trong Luận ngữ, nhưng có giọng văn Luận ngữ, và tả đúng tính tình của thầy trò Khổng tử. Khổng tử tuy nóng lòng giúp đời, có vài lần tỏ vẻ chán nản, nhưng lúc này, sau khi bôn ba sáu bảy năm rồi, vẫn còn tin ở sứ mạng của mình; và trong những cơn nguy cấp, ông càng phải bình tĩnh, giữ đạo, nếu không thì môn đệ của ông thoái chí hết. Ông hỏi Tử Lộ trước, vì Tử Lộ lớn tuổi hơn cả, chỉ kém ông vài tuổi, cương trực nhất. Tử Lộ bực tức, tỏ ý không phục ông, ông lấy gương cổ nhân ra để răn. Tử Cống con người rất thực tế, muốn ông chiều đời một chút; ông cũng đưa ra những chuyện thực tế – cày ruộng, buôn bán – ra để cho Tử Cống thấy sự lầm lẫn của mình, rồi ông rầy. Nhan Hồi hợp ý ông nhất nên ông hỏi cuối cùng và Nhan Hồi làm cho ông hoàn toàn thỏa mãn.
Bài kết thúc bằng một lời nói đùa rất thân mật của ông. Chúng ta có thể tưởng tượng hai thầy trò nhìn nhau mà mỉm cười. Tuy rầy Tử Cống nhưng ông vẫn biết Tử Cống có tài ăn nói, tính toán, nên sau đó sai Tử Cống qua Sở. Vua Sở sai một đạo quân tới giải vây cho Khổng tử và thầy trò ông qua Sở. Sở Chiêu vương định tặng ông một khu đất là một trăm lí (mỗi lí gồm hai mươi lăm nhà, khoảng một trăm người – có sách nói là bảy trăm lí). Nhưng quan lệnh doãn Sở là Tử Tây cản, hỏi Chiêu Vương: Trong số triều thần của nhà vua, có ai giỏi ngoại giao như Tử Cống không? Chiêu Vương đáp: Không. Tướng quốc của nhà vua có giỏi như Nhan Hồi không? Không. Có ai cầm quân giỏi như Tể Dư không? Tử Tây nói tiếp: Nhà vua nên nhớ rằng tổ tiên nước Sở hồi xưa chỉ được phong tước tử với năm chục dặm đất (mà bây giờ thành nước lớn mạnh). Khổng Khâu chỉ muốn lập lại chế độ tam vương, làm sáng cơ nghiệp Chu công, Thiệu công, nếu ông ta thi hành được đạo của ông thì đất của nhà vua còn được vuông ngàn dặm như bây giờ đời này qua đời khác không? Xưa Văn vương ở đất Phong, Võ vương ở đất Cảo chỉ có trăm dặm đất mà rồi làm vương thiên hạ. Khổng Khâu có được một khu đất trăm dặm làm cơ sở mà lại có bọn học trò giỏi đó giúp sức thì tôi e không phải là cái phúc của Sở. Sở vương nghĩ lại, không phong đất cho Khổng tử nữa. Mùa
thu năm đó (489) Sở vương chết. Thầy trò Khổng tử lại không được dùng. Ở vào thời loạn, có tài đức quá là cái họa (việc này không chép trong Luận ngữ). Một hôm một người cuồng ở Sở là Tiếp Dư đi ngang qua chiếc xe của Khổng tử, hát: “Phượng hoàng ơi, phượng hoàng ơi, đức sao mà suy đồi! Việc đã qua không thể vãn hồi. Việc chưa tới còn kịp sửa đổi. Thôi đi, thôi đi, làm quan thời này chỉ nguy hiểm thôi.” Khổng tử xuống xe, muốn nói chuyện, nhưng Tiếp Dư rảo bước, tránh mặt, Khổng tử không được gặp (XVIII.5). Có thể vào lúc này Khổng tử chán nản muốn qua ở với các dân tộc thiểu số ở miền Đông (Cửu Di). Có người hỏi: “Các nơi đó bỉ lậu, làm sao ở được?” Ông đáp: “Người quân tử lại ở, (giáo hóa họ) thì còn gì bỉ lậu nữa?” (IX.13). Lần khác ông bảo Tử Lộ: “Đạo của ta không thi hành được thì ta sẽ cưỡi bè, vượt biển đi nước ngoài, người theo ta có lẽ là anh Do chăng?” (V.6) Nói vậy nhưng rồi ông cũng không đi, chỉ rời Sở, quay về Vệ. Năm này ông 63 tuổi, năm thứ năm đời Lỗ Ai công. LẠI LANG THANG (488 484) Mùa hè năm 493, trong khi Khổng tử ở Trần thì Vệ Linh công chết. Bây giờ (488) ông trở về Vệ thì cháu nội Linh công, là Xuất công Triếp đã lên ngôi. Đáng lẽ ngôi vua về Khoái Quí là cha của Triếp, nhưng Khoái Quí chống mẹ là Nam Tử, có lần muốn sai người ám sát mẹ dâm loạn, việc không thành, phải trốn qua Tề. Vì vậy Nam Tử cho Triếp lên ngôi để cự lại cha. Triều đình
Vệ cực đồi bại. Khi tới Vệ, Tử Lộ hỏi Khổng tử: Nếu vua Vệ giữ thầy lại mà nhờ thầy coi chính sự thì thầy làm việc gì trước? Khổng tử đáp: “Tất phải chính danh trước hết chăng?”. Tử Lộ nói: “Vậy ư? Lời thầy vu khoát rồi. Sao lại phải chính danh?” Khổng tử nói: “Do, anh thật là thô thiển. Người quân tử có điều gì không biết thì không nói bậy. Nếu danh (hiệu) không chính (xác) thì lời nói không thuận lý (vì danh hiệu không hợp với thực tế); lời nói không thuận thì sự việc không thành; sự việc không thành thì lễ nhạc, chế độ không kiến lập được; lễ nhạc, chế độ phong kiến lập được thì hình phạt không trúng; hình phạt không trúng thì dân không biết đặt tay chân vào đâu (không biết làm thế nào cho phải). Cho nên người quân tử đã dùng cái danh thì tất phải nói ra được (tất phải thuận lý); đã nói điều gì tất phải làm được. Đối với lời nói, người quân tử không thể cẩu thả được” (XIII.3). Triều đình Vệ loạn vì cha không ra cha, con không ra con, vua không ra vua, tôi không ra tôi, danh không chính là thế. Cho nên theo Khổng tử, việc đầu tiên là phải lập một công tử khác làm vua Vệ cho danh chính ngôn thuận đã rồi nước mới yên được. Có tác giả lập dị lại bảo sự chính danh Khổng tử muốn thực hành đó chỉ là việc sửa lại chính tả thời đó cho đúng! Việc dưới đây chắc cũng xảy ra hồi đó: Nhiễm Hữu hỏi: Thầy chúng ta có thiên vị với vua Vệ không? Tử Cống đáp: Ừ, tôi cũng có ý hỏi thầy về việc đó.
Rồi vô hỏi Khổng tử: Thưa thầy, Bá Di, Thúc Tề là người thế nào? Khổng tử đáp: Là người hiền thời xưa. Lại hỏi: Hai ông ấy có ân hận gì không? Đáp: Cầu nhân mà được nhân thì còn ân hận gì nữa? Tử Cống trở ra bảo Nhiễm Hữu: Thầy không thiên vị với vua Vệ đâu (VII.14). Bài này hàm súc: Tử Cống không đem thẳng việc vua Vệ là Xuất Công Triếp ra hỏi Khổng tử, vì nghĩ Khổng tử lúc đó đương ở Vệ không tiện trả lời, nên mượn truyện Bá Di, Thúc Tề mà hỏi. Bá Di, Thúc Tề là hai anh em ruột con vua Cô Trúc cuối đời Ân, đầu đời Chu. Bá Di là anh cả, Thúc Tề là em út. Vua Cô Trúc yêu Thúc Tề, lập di mệnh cho Thúc Tề nối ngôi. Quốc dân theo di mệnh, lập Thúc Tề, Thúc Tề không chịu, nhường lại Bá Di cho phải lẽ. Bá Di cũng không chịu, bảo cứ theo di mệnh của cha. Không ai chịu nhận rồi cả hai trốn vào núi, quốc dân phải lập người con giữa. Hai ông ấy coi nghĩa trọng hơn ngôi vua, trái hẳn với Xuất công Triếp. Khổng tử khen họ, tức là chê vua Vệ rồi, cho nên Tử Cống biết Khổng tử không thiên vị với vua Vệ. Vậy là Khổng tử không tham chính ở Vệ. Ông có cảm tình với nước đó, một phần vì Vệ là nước anh em của Lỗ, một phần vì có bạn thân của ông là Cừ Bá Ngọc, nhưng trước sau năm lần tới Vệ rồi lại bỏ đi, mặc dầu có một số môn sinh giúp Vệ. Trong ba bốn năm sau không thấy nói gì về ông cả – Hình như bà Khổng mất năm 485.
Năm sau, 484, Nhiễm Cầu tham chính ở Lỗ đã được sáu bảy năm, cầm quân đánh Tề, khải hoàn. Quí Khang tử khen và hỏi học ai mà giỏi về chiến trận vậy. Nhiễm Cầu đáp là học Khổng tử. Quí Khang tử lại hỏi Khổng tử là người ra sao? Nhiễm Cầu bảo: Đạo của thầy tôi là làm lợi cho dân, lập lại thể chế, lễ nghi, xã hội sẽ có trật tự. Dù giao cho thầy tôi trị một nước (25.000 nhà) thầy tôi cũng không mưu lợi cho mình. Quí Khang tử hỏi: Ta có thể gọi ông ấy tới triều được không? Không, không thể coi thầy tôi như người thường được. Đối thoại đó không thấy chép trong Luận ngữ. Quí Khang tử bèn sai người mang lễ vật đi mời Khổng tử về Lỗ. Ông về, sau 13 năm (496 484) bôn ba trong khu lưu vực sông Hoàng Hà, sông Hoài, gần tới sông Dương Tử, năm lần ở Vệ, mấy lần ở Trần, Thái, một lần ở Trịnh, Tống, Tào, Sở. Mười ba năm biết bao vất vả mà không được việc gì. VỀ LỖ – NHỮNG NĂM CUỐI (484 479) Năm 484 ông đã 69 tuổi, tuổi “tòng tâm sở dục, bất dụ củ” rồi (II.4). Cả Lỗ Ai công lẫn Quí Khang tử đều không mời ông tham chính, chỉ dùng ông làm cố vấn thôi. Mà có lẽ chính ông cũng không muốn tham chính, để cho các học trò ông: Nhiễm Cầu, Tử Lộ giúp triều đình, ông đứng ngoài cử chính họ. Như vậy cũng là tham chính. Có lần, một người đã hỏi ông sao không ra làm quan, ông đáp: “Kinh Thư có câu: Hiếu thuận a, hiếu thuận với cha mẹ; thân ái a, thân ái với anh em. Thi hành câu đó mà cảm hóa được hạng người cầm quyền thì cũng là tòng chính sao cứ phải tham
gia chính sự mới là tòng chính?” (II.21). Lỗ Ai công hỏi ông một lần về cách làm sao cho dân phục tòng. Ông đáp: “Đề cử người ngay thẳng lên trên hạng người cong queo thì dân phục tòng” (II.19). Quí Khang tử cũng hỏi về vấn đề đó: Muốn cho dân cung kính, trung thành và khuyên nhau làm điều thiện thì làm cách nào? Ông đáp: Xử với dân nghiệm trang thì dân cung kính. Hiếu thuận (với cha mẹ, người trên), từ ái (với người dưới) thì dân trung thành. Cất nhắc người tốt, dạy dỗ người không tốt thì dân khuyên nhau làm điều thiện” (II.20). Lần khác, Quí Khang tử hỏi về chính trị, ông đáp: Chính trị là chính đính (chính giả, chính dã). Ông lãnh đạo dân mà chính đính thì ai dám không chính đính? (XII.17). Lần khác nữa, Quí Khang tử lo nạn trộm cướp. Ông bảo: “Nếu ông không có lòng tham, dù thường cho họ, họ cũng không trộm cướp” (XII.18). Quí Khang tử muốn giết kẻ vô đạo để cho người khác thành hữu đạo (lương thiện). Ông khuyên: “Trị dân cần gì phải dùng biện pháp giết người? Ông muốn thiện thì dân sẽ hóa thiện. Đức hạnh của người quân tử (người trị dân) như gió mà đức hạnh của tiểu nhân (dân) như cỏ. Gió thổi thì cỏ tất rạp xuống”. Một lần, không đợi hỏi, ông tự hào vào đưa ý kiến với Ai công, nhân vụ một đại phu nước Tề là Trần Thành tử giết vua là Giản công. Hay tin, ông tắm gọi rồi vào triều tâu với Ai công: Trần Hằng (tức Trần Thành tử) giết vua, xin xuất binh hỏi tội hắn. Ai công bảo: Việc đó ông nên nói với ba nhà (tức ba quyền
thần: Quí tôn, Mạnh tôn, Thúc tôn). Khổng tử đi ra nói: “Vì tôi sau hàng đại phu – ông lúc đó không làm quan nhưng xưa đã làm đại phu ở Lỗ nên vẫn giữ cái danh đại phu – nên không dám không báo cáo việc ấy”. (XIV.21) Chuyện đó theo tôi hơi khó hiểu. Ghét tội thí quân là phải, nhưng việc xảy ra ở nước khác, phải thận trọng lắm, xét nguyên do ra sao, dân ý nước đó ra sao, rồi mới quyết đoán nên can thiệp hay không, can thiệp cách nào chứ đâu lại xuất binh dễ dàng như ông đề nghị được. Mà sao ông phải hai lần tự biện họ: “Vì tôi sau hàng đại phu, nên không dám không báo cáo việc ấy”? Mặt khác, ông theo dõi hành động của các môn đệ, rầy họ khi họ có lỗi. Nhiễm Cầu làm gia thần cho Quí Khang tử, họ Quí đã có hai phần tư nước Lỗ, giàu hơn Chu công nhiều, mà Nhiễm Cầu thu thuế còn bóp chẹn dân, làm giàu thêm cho chủ, Khổng tử bảo: Nó không phải là học trò của ta nữa, các con nên nổi trống (hoặc hùa nhau) mà công kích nó đi” (XI.16). Lần khác, ông mắng thẳng vào mặt Nhiễm Cầu và Tử Lộ, khi họ báo tin Quí Khang Tử sắp đánh Chuyên Du, một nước nhỏ phụ dung vào Lỗ. Ông bảo: Cầu, đó không phải là lời của anh chăng? Nước Chuyên Du, tiên vương (nhà Chu) đã cho làm chủ tể ở núi Đông Mông mà lại ở trong khu vực nước nhà (Lỗ), vậy là bề tôi của xã tắc, sao đem quân đánh người ta? Nhiễm Cầu thưa: Thầy Quí muốn vậy chứ hai chúng con là gia thần không muốn.
Ông mắng: Sử thần Chu Nhâm hồi xưa bảo: “Tận lực làm chức vụ mình, nếu không được thì nên từ chối đi. Nước nguy biến mà không biết bảo vệ, nước nghiêng ngả mà không biết chống đỡ thì dùng mình để giúp đỡ làm gì?” Vả lại anh nói bậy rồi. (Thử hỏi) con hổ, con trâu rừng (hoặc con tê ngưu) xổ cũi, mai rùa và ngọc quí bể nát trong rương thì lỗi về ai? Nhiễm Hữu nói: Nước Chuyên Du đó thành quách kiên cố mà lại gần ấp Phí (của họ Quí). Nay Quí không chiếm lấy thì sẽ thành mối lo cho con cháu đời sau. Khổng tử nói: “Này Cầu, người quân tử rất ghét kẻ viện lẽ này lẽ khác để biện họ cho lòng tham của mình. Khâu này nghe người có nước có nhà (tức ấp phong của các đại phu) không lo nghèo thiếu mà lo sự phân phối không bình quân, không lo ít dân mà lo xã tắc không yên. Phân phối quân bình thì dân không nghèo, hòa thuận thì dân sẽ không ít, xã tắc yên ổn thì chính quyền không nghiêng đổ. Như vậy mà người ở xa không phục thì sửa văn đức để người ta đến với mình, họ đến với mình rồi thì làm sao cho họ được yên ổn. Nay anh Do (Tử Lộ) và anh Cầu giúp phu tử họ Quí, người ta ở xa không phục mà không biết làm cho người ta đến với mình, nước chia rẽ lìa tan mà không biết bảo vệ, lại tính gây chiến ở trong nước, ta e rằng mối lo của con cháu họ Quí không phải ở nước Chuyên Du đâu mà ngay ở sau bức bình phong (tức ngay
trong nhà đấy”. (XVI.1 Coi thêm chú thích trong bản dịch Luận ngữ). Đây có lẽ là bài học cuối cùng về phép trị dân ông để lại cho môn sinh và nhà cầm quyền. Nỗi bất bình của ông phát hiện ông không cần nén xuống mà cho nó bùng ra; lời ông tự nhiên mà hùng hồn, ý tứ lại thâm trâm, tôi sẽ phân tích trong một chương sau. Con ông, Bá Ngư (tức Khổng Lí) và học trò thân nhất của ông, Nhan Hồi, chết cách nhau ít năm trong khoảng này. Có sách nói Nhan Hồi chết năm 490 hay 483, Bá Ngư năm 482 hoặc 484. Chưa có gì chắc chắn và chúng ta chỉ nên tin Luận ngữ. Bài XI.7, khi Nhan Hồi chết, cha là Nhan Lộ xin chiếc xe của Khổng tử để bán mà mua quách chôn con. Ông bảo: Nó tài hay bất tài thì cũng chỉ là con mà thôi. Con ruột ta là Lí chết, cũng chỉ dùng quan (ở trong) mà không dùng quách (ở ngoài). Không lẽ ta đi bộ, bán xe mà mua quách cho nó (Nhan Hồi). Ta theo sau hàng đại phu, không lẽ ta đi bộ”. Vậy là Nhan Hồi chết sau Bá Ngư. Ông rất thương tiếc, than: “Trời hại ta, trời hại ta!” (XI.8); khóc lóc thảm thiết tới nỗi môn sinh đi theo sau phải can: “Thầy bi ai thái quá”. Ông đáp: “Bi ai thái quá ư? Ta chẳng vì con người đó mà bi ai thì vì ai?” (XI.9). Chắc ông không dạy học nữa. Một số môn sinh cũ có thể sống với ông, hoặc ở xa thì lâu lâu lại thăm ông; họ cũng đã già rồi, 50 60 tuổi cả rồi. Ông để tâm vào việc viết sách, sắp đặt tài liệu về lễ, về sử.
Theo Tư Mã Thiên, ông đề tựa Kinh Thư (chép việc từ Đường Ngu tới Tần Mục công). Về lễ, ông phàn nàn thiếu văn kiện: “Lễ chế nhà Hạ, ta có thể nói được, nhưng nước Kỉ (là hậu duệ nhà Hạ) không đủ làm chứng; lễ chế nhà Ân ta có thể nói được, nhưng nước Tống (hậu duệ nhà Ân) không đủ làm chứng, vì văn kiện và người hiền hai nước đó không đủ. Nếu đủ thì ta có thể chứng minh lời ta nói được.” (III.9). Ông vốn chủ trương “cái gì không biết thì bỏ trống” (Quân tử ư kì sở bất tri, cái khuyết như dã – XIII.3), vậy chắc ông không viết về lễ hai thời đại đó, nhưng ông nhận thấy nhà Chu đã châm chước lễ chế của Hạ, Ân, nên văn vẻ rực rỡ hơn nhiều (III.14), và theo ông, cứ coi đời sau chịu ảnh hưởng của đời trước và sửa đổi đời trước ra sao, thì có thể đoán được sự diễn tiến của lịch sử cả trăm đời sau: “Nhà Ân theo “lễ” của nhà Hạ, thêm bớt cái gì ta có thể biết được. Nhà Chu theo lễ của nhà Ân, thêm bới cái gì ta có thê biết được. Sau này hoặc có nhà nào nối nhà Chu, dù đến trăm đời sau cũng có thể biết được”. (II.23). Trong chương trên chúng tôi đã đưa ký kiến các học giả này nay bác thuyết Khổng tử san định Kinh Thi, Thư, Lễ và viết phần Thập dực trong Kinh Dịch. Có thể ông đã san định Kinh Nhạc, nhưng kinh này đã thất lạc, chỉ còn một thiên sắp chung vào Lễ Kí. Điều chắc chắn là ông có lần bàn về nhạc lí với nhạc quan nước Lỗ. Ông bảo: “Có
thể biết được phép tấu nhạc: mới đầu các âm thanh phấn khởi nhiệt liệt; rồi tới lúc khai phóng thì các âm thanh thuần nhiên điều hòa, rõ ràng lại liên tục nhau, như vậy là thành khúc nhạc”. (III.23). Và từ khi trở về Lỗ, ông mới đính chính lại nhạc, mà nhạc Nhà và Tụng được diễn tấu đúng âm luật” (IX.14). Ngày nay chúng ta chỉ còn lại của ông Kinh Xuân Thu, một bộ sử biên niên của Lỗ từ năm thứ nhất đời Lỗ Ẩn công (tức năm thứ 49 đời Chu Bình vương) đến năm thứ 14 đời Lỗ Ai công (tức năm thứ 39 đời Chu Kính vương); trong thời gian 242 năm (722 481). Ông chỉ có việc lấy sử của Lỗ, lựa những việc quan trọng (theo ý ông) hằng năm rồi chép lại một cách vắn tắt trong một hai câu, chẳng hạn: Tháng ba, (Lỗ) công (với) Châu Nghi Phú thề ở đất Miệt. Tháng năm, Trịnh Bá diệt người Đoàn ở đất Yển. Ngày quí mùi, lễ táng Tống Mục công. … Nạn sâu keo. Mùa hạ lụt to. Mùa đông, tháng mười, ngày sóc (mùng một) có nhật thực. Lời rất khô khan, đọc rất chán. Nhưng ông rất thận trọng khi hạ bút, như muốn tỏ lòng kính nể ai thì chép cả chức tước, nếu không thì chỉ ghi tên họ. Chẳng hạn như trong câu: “Mùa thu tháng tám, ngày giáp ngọ, tên Vạn của Tống giết vua tên Tiệp và quan đại phu Cừu Mục”. Ông có ý chê Nam Cung Trường Vạn là kẻ thí chúa (vì bị chúa làm nhục), chê vua Tống không nghiêm trang, hay đùa bỡn với kẻ bề tôi (Trường Vạn) để phải chết một cách thảm khốc (hai người đó ông chỉ kể
tên), và khen quan Cừu Mục trung thực, coi thường cái chết, tuy yếu đuối mà dám cầm cái hốt đánh Trường Vạn, cho nên được ông ghi cả chức tước đại phu cho. Vua Sở và Ngô tự xưng là “vương”, nhưng ông cứ gọi là “tử”. Thiên tử nhà Chu bị chư hầu gọi tới dự hội nghị ở Tiễn Thổ, nhưng ông che giấu việc đó đi, bảo: Thiên vương đi tuần ở Hà Dương. Ông chép sử với quan niệm đạo đức mà phải che giấu sự thực đi, như vậy, chính là áp dụng thuyết chính danh của ông. Thiên tử chết thì chép là băng, vua chư hầu chết thì chép là hoăng, ông vua đã cướp ngôi thì chép là tồ, ông quan liêm chính chết thì chép là tốt, kẻ gian nịnh chết thì chép là tử. Theo Tư Mã Thiên, Khổng tử để cả tâm tư vào bộ sử đó và bảo với môn sinh rằng người đời sau hiểu ông hay bắt tội ông là do bộ đó. Đời sau có người cho rằng được ông khen một tiếng thì vinh hơn là được tặng mão đẹp, mà bị ông chê một tiếng thì khổ hơn là bị búa rìu. Do đó có tiếng “búa rìu” để chỉ cái uy của dư luận. Có người còn bảo ông viết Kinh Xuân Thu mà loạn thần tặc tử sợ. Lời đó hơi quá. Nhưng ta phải nhận rằng Trung quốc có truyền thống trọng chức vụ và đạo đức của sử gia, của gián quan, cho sử gia có quyền – ít nhất là trên lí thuyết – chép đúng sự thực, khen chê vua đương thời, cho gián quan được vạch thẳng lỗi của vua. Hạng người cương trực như vậy không phải ít trong lịch sử
Trung Quốc, và nhiều người chịu chết chứ không chịu làm trái lương tâm, như trường hợp anh em một viên thái sử nước Tề dưới đây ở thời Khổng tử. Thôi Trữ, một đại phu tể tướng nước Tề giết Tề Trang công (bài V.18 có nhắc tới vụ này). Quan thái sử Tề chép: “Thôi Trữ giết vua”, bị Thôi đem chém. Em người đó lãnh chức thái sử thay anh, cũng chép như vậy, cũng bị chém. Nước láng giềng có một người hay việc ấy, sợ sau khi hai người kia bị Thôi giết rồi, không còn ai chép sự thực nữa, bèn qua xin làm chức thái sử. Thôi Trữ thấy vậy phải than và sợ những quan thái sử. Viết bộ Xuân Thu là Khổng tử muốn truyền tục đẹp đó cho đời sau. Từ khi đệ tử hiểu ông nhất, tức Nhan Hồi, chết rồi, ông thường buồn, phàn nàn với Tử Cống: Không có ai hiểu ta. Tử Cống hỏi: Sao thầy lại than không ai biết thầy? Ông đáp: Ta không oán trời, không trách người, học từ những việc thấp là nhân sự mà đạt lên cao tới thiên lí. Hiểu ta có lẽ chỉ có trời chăng (XIV.35)? Ông tự so sánh với người xưa, bảo: “Không khuất chí mình, không để nhục thân mình là Bá Di, Thúc Tề chăng?”, bảo: “Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên chịu khuất chí mình, nhục thân mình, nhưng lời nói hợp nghĩa lý, hành vi đắn đo, chỉ được vậy thôi” – bảo: “Ngu Trọng, Di Dật ở ẩn, không nói gì cả, giữ thân được trong sạch, không làm quan là hợp với quyền nghi.” Còn ông thì “Ta khác các ông ấy: chẳng có gì nhất định phải làm, chẳng có gì nhất định không nên làm” (vô khả, vô bất khả
– XVIII.8). Tư Mã Thiên còn cho rằng vào thời này ông hận không làm được gì để người khác khen mình (Tật một thí nhi danh bất xưng – XV.19) cho nên mới ráng viết Kinh Xuân Thu. Chỉ là lời phỏng đoán vậy thôi, nhưng rõ ràng là tinh thần ông đã suy. Năm 481 (năm 14 đời Lỗ Ai công), Khổng tử 71 tuổi, bọn gia thần họ Thúc bắt được một con vật lạ, mình nai, đuôi bò, có một cái sừng ở trán. Ông bảo là con kì lân, và nhớ lại hồi thân mẫu ông sắp sinh ra ông cũng mộng thấy một con kì lân. Ông buồn chán, bảo: “Chim phượng chẳng đến, bức đồ chẳng hiện trên Hoàng Hà. Ta hết hy vọng rồi” (IX.8). Người Trung Hoa tin Phượng là một linh điểu, vua Thuấn được người ta dâng một con, rồi tới đời Văn vương có chim phượng họ ở núi Kì. Bức đồ là bức có hình bát quái, thời Phục Hi có con long mã đội nó trên lưng, hiện trên sông Hoàng Hà, nên gọi là Hà Đồ. Hai vật đó là những điềm thánh nhân xuất hiện. Khổng tử không thấy hai vật đó, cho rằng thánh vương không ra đời và đạo ông không thể nào thi hành được. Cái mộng ông nối gót Chu công thế là tiêu tan. Bộ Xuân Thu ông viết chấm dứt ở việc bắt được kì lân. Năm sau Tử Lộ chết bất đắc kì tử ở nước Vệ trong một cuộc nổi loạn, chỉ vì thói hiếu dũng, như Khổng tử đã đoán. Chung quanh chỉ còn Tử Cống là học trò thân tín. Từ đó ông đau ốm hoài. Năm sau nữa 479, một hôm Tử Cống tới thăm, thấy ông
chống gậy, dạo bước ở trước cửa. Thấy Tử Cống, ông ngẩn đầu lên bảo: Tứ, sao anh tới trễ vậy? Ông rớt nước mắt nói lời cuối cùng với Tử Cống: Thiên hạ loạn từ lâu mà không thấy một ông vua nào chịu theo lời khuyên của thầy. Thầy sắp đi đây. Bảy ngày sau ông mất ở Lỗ, vào tháng tư năm 16 đời vua Ai công, thọ 73 tuổi. Trong Nhà giáo họ Khổng (sách đã dẫn) tôi đã chép lễ mai táng ông, lời điếu của Ai công, và sử để tang ông ba năm của môn đồ; riêng Tử Cống còn ở lại trong một căn nhà lá giữ mộ thêm ba năm nữa. Ông chi có một người con trai, Bá Ngư, tư cách trung bình, đã chết trước, nhưng có một cháu nội có tài đức, tên cấp, tự là Tử Tư, sau này truyền được một phần đạo của ông trong cuốn Trung dung. Đó, Tư Mã Thiên cho ta biết được bấy nhiêu về Khổng tử. Hơn hai ngàn năm nay biết bao nhiêu nhà khảo cứu về Khổng học cũng không cho ta biết được gì hơn. Những điều chúng tôi tóm tắt lại ở trên, có một số còn phải tồn nghi; những điều tin được (phần nhiều ở trong Luận ngữ) thì cũng thường không biết chắc được xảy ra trong hoàn cảnh nào, vào năm nào. Tuy nhiên nếu vì vậy mà bảo đời của Khổng tử chỉ là một “huyền thoại” (un mythe) thì cũng quá, và dù sao ông vẫn là triết gia mà chúng ta biết rõ hơn hết trong số các triết gia thời Tiên Tần và tập Xuân Thu quả là của ông viết. Dưới đây, chúng tôi thử lập một niên biểu về đời ông, xen với
niên biểu các biến cố lớn thời đó chép trong Từ Hải. Những niên đại về Khổng tử chỉ có tính cách phỏng chừng, sai một hai năm là thường, có thể sai cả chục năm. Năm Việc lớn các nước Đời Khổng tử Chu Linh vương năm 21 551 Khổng tử sanh ở ấp Trâu nước Lỗ. Lỗ Tương công năm 22 549? Mồ côi cha. Chu Cảnh vương năm 544 Lập chí học. 1 541 Lỗ Chiêu công năm 1 Cưới vợ là Khiên thị, người Tống. 537 Sinh con trai là Lí (Bá Ngư). 533 Làm chức lại cho họ Quí (coi gạt thóc, giữ cừu bò). Bắt đầu dạy học (không chắc, có sách nói 532 khoảng 30 tuổi mới dạy học). Công tử nước Lỗ Là 531? Khí Tật tự lập là Bình Mẹ chết. vương Tề Cảnh công qua chơi Lỗ. Gặp Khổng tử, hỏi về 530 Tần Mục công. Vua Sở giết Ngũ xa. Ngũ viên bỏ Sở qua 529 Qua Lạc ấp (Chu) khảo về lễ (?) Ngô Trịnh, Sở diệt nước Cử Vương tử Triều nổi 527 Khổng tử qua Tề, vì Lỗ loạn. loạn Chu Kính vương năm 522 Học nhạc thiều. Vương tử Triều chạy qua Sở. Họ Quí đánh Tề Cảnh công hỏi ông về chính trị sự, muốn 520 đuổi Lỗ Chiêu công dùng ông sau bị triều thần ngăn, không dùng trốn qua Tề, ở Tề cho nữa. đến chết. Lỗ Chiêu công chết ở 519 Về Lỗ. Tề. Dương Hổ làm loạn ở Lỗ, muốn mời ông ra giúp 518? Lỗ Định công lên ngôi y, ông không chịu, (vào khoảng năm 505 chứ không chắc). Ngô đánh Sở. Sở Công sơn Phất Nhiễu làm loạn ở Lỗ, chiếm đất 516 Chiêu vương chạy qua Phí. Mời ông tới, ông định tới rồi nghe lời can Tùy
của Tử lộ, không đi. Thân Bao Tư (Sở) xin Tần giúp quân cứu Sở 510 Lỗ Định công dùng ông làm Trung Đô tể Chiêu vương, đưa về Dĩnh (Kinh đô Sở) 506 Tề tặng Lỗ một đoàn Được cất lên chức Tư không. (Tử Lộ, Tử Du… lữ nhạc cũng ra làm quan) Ngô vương Phù Sai 505 đánh bại Việt vương Làm Đại Tư Khấu. Câu Tiễn Theo Định công đi hội kiến với vua Tề ở Giáp 502 Lỗ Ai công năm 1 Cốc. Làm á tướng ở Lỗ. Khuyên vua Lỗ phá ba thành Xuất công Triếp lên 501 của ba họ Mạnh, Quí, Thúc. Chỉ phá được hai ngôi ở Vệ (?) thành của họ Thúc và họ Quí. 500 Tống diệt Tào Giết Thiếu Chính Mão (ngờ). Vua Lỗ và họ Quí không trọng dụng ông nữa, Người Lỗ bắt được 497 ông bỏ về quê hương qua Vệ mười tháng. Bị con kì lân giam ở thành Khuông. Vệ loạn. Tử Lộ bất Qua Bồ một tháng rồi về Vệ. Vào yết kiến Nam 496 đắc kì tử ở Vệ tử. Lại bỏ Vệ qua Tào, Tống. 495 Chu Kính vương 41 Ở Tống, Hoàn Khôi muốn hại ông. Phiêu bạt sang Trịnh, qua Trần. Tần và Sở tranh 494 Lỗ Ai công 16 nhau ngôi bá, thường xâm lấn Trần, ông lại trở về Bồ. 493 Bị nạn ở Bồ 492 Về Vệ rồi lại rời Vệ. Bật Hật ở Tấn mời ông tới, ông định đi, rồi nghe lời Tử Lộ can lại thôi. Định qua Tấn để gặp đại 488 phu Tấn là Triệu Giản tử, tới sông Hoàng Hà lại quay về Vệ. Vệ Linh công hỏi về chiến trận có thể vào lúc này. Ông 60 tuổi, đương ở Trần, có tin Lỗ Định công
chết rồi Quí hoàn tử chết. Con Hoàn tử là Khang 487 tử mời Nhiễm Cầu (lúc đó theo Khổng tử) về Lỗ giúp mình. 485? Qua Thái. Qua Diệp (Sở). Diệp công hỏi về chính sự. Trở về 484 Thái. Dọc đường gặp mấy ẩn sĩ. Trường Thư, Kiệt Nịch… Thầy trò Khổng bị vây và tuyệt lương ở Trần Thái. Sở Chiêu vương cho quân lại giải vây cho 483 ông. Ông qua Sở. Vua Sở tính dùng ông, bị quần thần cản, lại thôi. Sở cuồng Tiếp Dư khuyên ông đừng lo sửa đổi xã hội nữa. Ông chán nản, muốn đi Cửu Di có lẽ vào lúc này. Trở về Vệ. Bàn về thuyết chính danh. Ông không vị vua Vệ (tức Xuất công Triếp, cháu nội Vệ Linh công vì Triếp cự cha là Khoái Quí). 482? Vợ chết. Quí Khang tử mời về Lỗ. Ông về nhưng không tham chính. Lỗ Ai công và Quí Khang tử hỏi về chính sự. Năm này có lẽ Bá Ngư chết? Ông cử chính hành vi chính trị của Nhiễm Cầu trong việc thu thuế và đánh nước Chuyên Du. Nhan Hồi chết vào năm này? Từ khi về nước, ông lo sửa nhạc và viết bộ Xuân 481 Thu. Ông chấm dứt bộ Xuân Thu ở việc bắt được kì lân. 480 Ông buồn về việc đó. Môn sinh thân tín chỉ còn Tử Cống ở gần ông. 479 Ông mất ở Lỗ, thọ 73 tuổi ta. CHƯƠNG 3. CON NGƯỜI Chúng ta chỉ biết được ít điều chắc chắn về đời Khổng tử – tôi không tin chắc lắm những việc Tư Mã Thiên chép về thời ông tham chính ở Lỗ – chúng ta cũng không biết chân dung ông ra sao. Có nhiều sách bảo ông to lớn, lùn, có tướng ngũ lộ – một
tướng quí hiển: mắt lồi, trán gồ, mũi sư tử, yếu hầu lồi, răng ho, bàn tay to, miệng rộng, râu rậm; người ta quen hình dung ông như vậy, trong một bộ triều phục đại phu; nhưng đúng hay không thì không ai biết. Hình ảnh đó cho tôi cảm tưởng một ông lão đạo mạo, nghiêm trang, chỉ hợp một phần nào với tính tình của ông tả trong Luận ngữ thôi. Những người chép Luận ngữ sao mà ghi tỉ mỉ thế, từ những lời nói đùa, tới những cử chỉ hàng ngày, những thói quen kì cục của ông, khiến cho người đời sau biết rõ tính tình, lối sống của ông còn hơn là tư tưởng của ông nữa. Phần tư tưởng này ngày nay đã có nhiều điểm lỗi thời, có triết gia chính trị nào dựng một học thuyết cho hai ngàn rưỡi năm sau bao giờ? – nhưng con người của ông thì tôi chắc đời nào cũng có người quí mến. Không một triết gia Trung Hoa nào gây cho ta được nhiều cảm tình như ông, và không một nhà giáo Trung Hoa nào được môn sinh ngưỡng mộ, thương tiếc như vậy, phần lớn là nhờ tư cách và tính tình của ông. Trong cuốn Nhà giáo họ Khổng, chúng tôi đã phác qua tư cách của ông, ở đây xin bổ túc ít điều. Luận ngữ có một thiên đặc biệt là thiên Hương đảng gồm 18 bài mà trừ bài cuối, còn thì chuyên ghi chép thái độ, cử chỉ, nét mặt, dáng đi của ông, khi ở triều đình, ở làng xóm, ở nhà, ngồi xe… chép một cách rất trung thực. Phải là những người thán phục ông tới nỗi coi nhất cử nhất động, nhất ngôn nhất tiếu của
ông đều đáng là bài học cho đời sau; lại thương tiếc vô cùng, muốn khắc vào óc mình bất kì một nét nào của của ông, mới nảy ra ý làm công việc đó được. Và nhờ vậy mà thiên Hương đảng thành một thiên đặc biệt nhất, không tiền khoáng hậu trong văn học Trung Quốc. Nhiều người không thích thiên đó, vì thấy ông: Khó tính, chẳng hạn món ăn mà chín quá, không ăn; cắt không ngay ngắn (hoặc không đúng cách) không ăn; nước chấm không thích hợp, không ăn…; rượu bán ở cửa hàng không uống, thịt mua ở chợ không ăn… (bài 8); Kì cục, như cắt áo thì tay áo bên phải ngắn hơn bên trái để dễ làm việc; không bận áo màu hồng và màu tía, vì không phải là chính sắc (bài 6); khi lên xe thì đứng ngay ngắn rồi mới nắm lấy sợi dây để bước lên, ngồi xe thì không quay đầu lại, không nói nhanh, không chỉ trỏ (bài 17); ở triều đình, khi rảo bước tiến lên thì hai cánh tay đưa thẳng ra như cánh chim (bài 3, 4) theo Tư Mã Thiên thì ngay thời Khổng tử, các đại phu nước Tề cũng đã chê thói đưa cánh tay ra như chim đó rồi; Ở triều đình, cung kính thái quá, có vẻ như giả dối: “Khi vua lâm triều, thì ông cung kính, có vẻ không yên tâm” (bài 2). “đi ngang qua ngai vua (dù là ngai trống) ông biến sắc, chân bước run run, nói như chẳng ra lời” (bài 4); khi đi sứ nước ngoài, cầm thẻ ngọc khuê thì ông khom khom như bưng chẳng nổi (…) ông biến sắc như sợ sệt, chân ren rén từng bước như noi theo một
vật gì” (bài 5). Những lời chê đó có lí một phần cả đấy; nhưng mặt khác, chúng ta cũng thấy ông cũng có những điểm đáng cho học: Cách ăn ở của ông hợp vệ sinh: thức ăn mà sắc đã biến, hư rồi, không ăn, mùi hôi cũng không ăn, không đúng bữa không ăn, ăn thịt ít hơn cơm, rượu không uống tới say… (bài 8). Cách mặc thì lựa màu thích hợp nhau: áo ngoài và áo trong cùng một màu, hoặc cùng đen, cùng trắng, cùng vàng cả, tùy màu; ông quả có óc thẩm mỹ; lại thực tế, có sáng kiến nữa: áo ngủ dài gấp rưỡi thân người, để phủ kín mình và chân. Như vậy, ta thấy ông làm việc gì cũng suy nghĩ chín chắn không theo thói đời, không sợ khác người. Còn thái độ của ông ở triều đình thì chúng ta sẽ xét trong chương V, tiết Đức trị. TƯ CÁCH, TÍNH TÌNH Thiên Hương đảng cho ta biết tỉ mỉ về lối sống của Khổng tử; về tính tình của ông thì ta phải lượm rải rác trong tất cả các thiên khác. Ở đây tôi chỉ ghi lại hai nét mà tôi cho là nổi bất nhất trong cá tính của ông: Ông có uy mà lại rất khả ái Ông rất “humain” – có tình người, mà cũng có một số nhược điểm của con người, tuy cao thượng hơn chúng ta những cũng rất gần chúng ta. Ông có uy. Bài VII.37 bảo “ Tử… uy nhi bất mãnh” (Khổng tử oai vệ mà không dữ dằn”; bài XIX.25, Tử Cống bảo ông “khi sống được mọi người tôn kính”. Cái uy đó do ông “ôn hòa mà nghiêm trang” (bài VII.37) ít nói
nhưng hễ nói thì xác đáng, thâm thúy. Bài XVII.19 ông bảo ông không muốn nói…vì Trời có nói gì đâu mà bốn mùa vẫn qua lại, vạn vật vẫn sinh trưởng. Khác hẳn Mặc tử, Mạnh tử, dù dạy bảo môn sinh hay đáp lời các vua chúa, ông chỉ vắn tắt một câu, hai câu, chứ không thao thao bất tuyệt. Chẳng hạn Phàn Trì hỏi về nhân, ông đáp: “Ái nhân” (bài XX.22); lần khác ông khuyên Tử Cống: “Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân” (bài XV.23); Quí Khang tử hỏi ông về chính trị, ông đáp: “Chính giả, chính dã. Tử suất dĩ chính, thục cảm bất chính” (Chính trị là chính đính. Ông lãnh đạo dân một cách chính đính thì ai dám không chính đính?) – (bài XII.17); Tề Cảnh ông cũng hỏi ông về chính trị, ông chỉ đáp: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử” (bài XII.11). Toàn là những câu đáng làm châm ngôn cả. Chỉ có một lần ông giận quá mắng Nhiễm Hữu một hơi, giọng rất hùng hồn, nhưng cũng chỉ dài khoảng 120 chữ, mà lời cũng rất thâm thúy. Bài XVI.1 đó tôi đã giới thiệu trong một đoạn ở chương II. Ông thường khuyên môn sinh phải cẩn thận lời nói (I.14, IV.24). Ông rất ghét những kẻ xảo ngôn (bài I.3, V.24) Mặc dầu ông khuyên môn sinh học Kinh Thi để biết ăn nói, đối đáp, nhưng ông cũng bảo người quân tử không cần có tài ăn nói. Nhưng nguyên nhân chính cái oai của ông là ở chỗ đức ông cao và sở học ông rộng. Ông suốt đời dạy học, bất kì hạng người nào ông cũng nhận, không một chút vị lợi; rồi ông bôn ba mười ba năm để tìm cơ
hội thi hành đạo cứu đời của ông, “biết rằng không thể làm được mà cũng làm” (XIV.39); khi thầy trò bị tuyệt lương ở khoảng Trần, Thái, môn sinh đói quá, đau, không ngồi dậy được có người phẫn uất, hỏi ông: “Người quân tử cũng có khi cùng khốn ư?”, ông bình thản đáp: “Người quân tử có khi khốn cùng là lẽ cố nhiên, kẻ tiểu nhân khốn cùng thì làm càn”. (XV.1); ông không cần ai biết mình (IV.14), không tranh với ai (III.7); ông “dục lập nhi lập nhân” (VI.28); việc gì cứ hợp nghĩa thì làm (IV.10)…, đức của ông ở đó. Còn sự hiếu học của ông thì không ai bằng: đi đâu cũng học, gặp điều gì cũng hỏi, không thẹn gì việc hỏi người dưới, mê học nhạc Thiều tới không biết mùi thịt trong mấy tháng, học tới quên già. Tôi thích bài VII.18 trong đó ông tự xét mình: Một đại phu nước Sở, làm quan lệnh ở huyện Diệp hỏi Tử Lộ về ông. Tử Lộ không biết đáp sao. Khổng tử bảo Tử Lộ: “Sao anh không đáp: ông ấy là người phát phẫn đọc sách (tìm hiểu đạo lý) đến quên ăn, khi tìm được rồi thì vui sướng đến quên mọi lo buồn, không biết rằng cái già nó tới nơi rồi, như vậy đó”. Trách chi ông chẳng nổi tiếng là nhà bác học nhất thời đó, và các vua chúa gặp điều gì không hiểu chẳng sai người lại hỏi ông. Suốt thời Tiên Tần, không có ai coi trọng sự học như ông, và trong số môn sinh xa của ông, có lẽ chỉ Tuân Tử là noi gương được ông. Cái uy của ông như vậy hoàn toàn do tư cách
của ông, cho nên mọi người đều phục ông, kính ông. Đặt biệt nhất là ông vừa có uy vừa rất khả ái. Ông khả ái trước hết vì ông yêu đời yêu người. Thiên Hương đảng đã cho ta thấy ông biết hưởng những lạc thú nhỏ ở đời: ăn ngon, mặc ấm và có mỹ thuật; thịt cá phải tươi, phải cắt ra sao, có nước chấm thích hợp…, mặc thì mỗi mùa một khác, màu sắc phải hợp với nhau, nhưng cái gì cũng vừa phải thôi, trừ khi uống rượu thì gặp lúc vui, gặp bạn quý ông có thể uống nhiều, nhưng không để tới say. Ông vốn không ham phú quý, biết an bần lạc đạo. Bài VII.15, ông bảo: “Ăn gạo xấu, uống nước lã, co cánh tay mà gối đầu, trong cảnh đó cũng có cái vui”. Nhưng làm điều bất nghĩa mà được giàu sang thì ta coi như mây nổi”. Ông rất khen Nhan Hồi: “Hiền thay, anh Hồi. Một giỏ cơm, một bầu nước, ở trong ngõ hẻm, người khác ưu sầu không chịu nổi cảnh khốn khổ đó, anh Hồi thì vẫn không đổi niềm vui. Hiền thay anh Hồi” (VI.9). Ông cũng khen Tử Lộ là không xấu hổ vì bận áo xấu mà đứng chung với người bận áo đẹp, quí (IX.26). Và ông khuyên môn sinh học đừng vì bổng lộc (VIII.12), chỉ nên cầu đạt đạo, chứ không cầu chuyện ăn (nghĩa là bổng lộc), chỉ nên lo không đạt đạo chứ không lo nghèo (ưu đạo bất ưu bần – XV.31). Nhưng ông không chê sự phú quí, nếu họ hợp nghĩa, hợp đạo. Cho nên ông bảo “phú quí mà có thể cầu được thì dù làm kẻ cầm roi đánh xe hầu người ta cũng làm; phú quí mà không
thể cầu được thì ta cứ theo sở thích của ta” (VII.11). Mà sở thích của ông là học suốt đời, dạy người không mỏi, sửa đổi xã hội, ngâm thơ (Kinh Thi), học nhạc (ba tháng học nhạc Thiều ở Vệ), ca hát (gặp người nào hát hay, ông bảo hát lại cho ông cùng hát), ông quả là một nghệ sĩ yêu đời, một triết gia có nhân sinh quan khoáng đạt. Ông biết hưởng lạc ở đời, mà cách sáng suốt nhất để hưởng lạc là gặp cảnh nào sống theo cảnh nấy: “Tố phú quí hành hồ phú quí, tố bần tiện hành hồ bần tiện, tố di địch hành hồ di địch” [236]. Một môn sinh là Nguyên Tư, làm gia thần cho ông khi ông làm Tư Khấu ở Lỗ. Cứ theo lệ của nhà nước, ông phát cho Nguyên Tư chín (hay năm) trăm học (hay đấu) lúa. Nguyên Tư vốn nghèo mà thanh liêm, thấy bổng lộc nhiều quá, từ chối, như vậy là biết ở trong cảnh nghèo hèn mà không biết ở trong cảnh giàu sang. Ông bảo: “Đừng từ chối. Nếu thấy dư thì đem chu cấp cho những người trong làng xóm”. (VI.3). Có hồi chán nản vì xã hội Trung quốc, ông muốn qua ở với các dân tộc thiểu số ở miền Đông (Cửu Di). Có người bảo: “Các nơi đó bỉ lậu, làm sao ở được?” Ông đáp “Người quân tử lại ở (giáo hóa họ) thì còn gì bỉ lậu nữa?” Ông chỉ nói vậy thôi chứ không đi, nhưng nếu đi thì chắc ông cũng tìm thấy cái vui ở các nước đó (như sau này Tô Đông Pha đời Tống tìm thấy cái vui ở đảo Hải Nam với dân tộc Lê), mà cải hóa phong tục của dân bản xứ được.
Tôi thích nhất bài XI.25, nó cho thấy bản tính yêu đời, nhiều nét khả ái của ông, tinh thần lạc quan của ông, khác hẳn hình ảnh một ông lão nghiêm khắc, cố chấp, lúc nào cũng thủ lễ mà nhiều người không đọc kỹ Luận ngữ thường tưởng tượng lầm về ông. Nghệ thuật tự sự và tả người trong bài cũng cao. Tôi xin phép chép lại trọn bài dưới đây; độc giả có đọc đi đọc lại bốn năm lần cũng vẫn còn tìm thấy thêm được ý vị. “Tử Lộ, Tăng Tích, Nhiễm Hữu và Công Tây Hoa ngồi hầu. Khổng tử bảo: “Các anh cho rằng ta có chỗ lớn hơn các anh một ngày mà ngại, nhưng đừng ngại gì cả (Lời ông thật nhũn). Ở nhà các anh thường nói: “Chẳng ai biết ta”. Nếu có người biết thì các anh đem tài năng gì ra dùng?” Tử Lộ vội vàng: Ví như một nước có một ngàn cỗ xe, bị ép giữa hai nước lớn, lại thêm có nạn chiến tranh, nhân đó dân chúng đói khổ; cho tôi mà cầm quyền nước ấy thì vừa đầy ba năm có thể khiến cho dân chúng dũng cảm mà lại biết đạo lí nữa. Khổng tử mỉm cười rồi hỏi: “Còn anh Cầu thì thế nào?” (Nhiễm Hữu) đáp: Như có một nước vuông vức sau bảy chục dặm hoặc năm sáu chục dặm. Cầu tôi cầm quyền nước ấy thì vừa đầy ba năm có thể khiến cho dân chúng được no đủ. Còn về lễ nhạc thì đợi xin bậc quân tử. (Khổng tử lại hỏi) “Xích, còn anh thì thế nào?” (Công Tây Hoa) đáp: Về lễ nhạc tôi không phải là giỏi, nhưng xin được học. Trong việc tế tự ở ngôi miếu hoặc trong hội nghị các chư hầu, Xích tôi mặc áo lễ huyền đoan, đội mũ
chương phủ mà xin làm một tên tiểu tướng (vị quan nhỏ coi việc lễ). (Khổng tử lại hỏi) “Điểm, còn anh thì thế nào?” Lúc đó Tăng Tích gảy đàn sắt vừa ngớt, đặt đàn xuống “keng!”, mà đứng dậy đáp: Chí của tôi khác ba anh đó. Khổng tử bảo: Hại gì, cũng là ai nấy tỏ chí của mình ra mà thôi. Tăng Tích thưa: Như bây giờ là tháng cuối xuân, y phục mùa xuân đã may xong, năm sau người vừa tuổi đôi mươi, với sáu bảy đồng tử dắt nhau đi tắm ở sông Nghi rồi lên hứng mát ở nền Vũ Vu, vừa đi vừa hát, kéo nhau về nhà. Khổng tử trầm ngâm một chút rồi than: Ta cũng muốn như Điểm vậy”. Khổng tử rất muốn hưởng thú nhà, có lẽ không kém Lão tử sau này, nhưng vì còn xã hội, nhân quần nên không thể ở ẩn được. Một hôm Tử Lộ hỏi đường một nông phu là Kiệt Nịch, Kiệt Nịch đã không chỉ đường mà còn khuyên thầy trò Tử Lộ nên tránh đời ô trọc, mà ở ẩn như mình. Tử Lộ về kể lại cho Khổng tử nghe, ông bùi ngùi nói: “Người ta không thể làm bạn với cầm thú; ta không sống chung với người trong xã hội thì sống chung với ai? Nếu thiên hạ thịnh trị thì Khâu này cần gì phải sửa đổi nữa”. Lời đó phát từ tấm lòng yêu người thắm thiết của ông. Mặc dầu sống trong một thời loạn, (coi lại chương đầu) thấy bao nhiêu cảnh phản loạn, tàn bạo, dâm bôn; mặc dầu ông chê thời ông đạo đức đã suy, người ta phần nhiều giả dói, nói mà không làm (XVI.11), hiếu sắc hơn hiếu đức…: vua thì như Tề Cảnh công “có bốn ngàn con ngựa mà không có đức gì để người dân
khen” (XVI.12), đại phu thì như Tử Tây, một đại phu nước Trịnh khiến ông chỉ bĩu môi, bảo: “Con người ấy! Con người ấy!” (XIV.9)…; mặc dầu vậy ông vẫn tin ở con người. Ông không như Mạnh tử, Tuân tử, bảo “ai ai cũng có thể thành Nghiêu, Thuấn được”, mà chỉ cho rằng “bản tính con người gần giống nhau, do tập nhiễm mới khác xa nhau” (XVII.2), nghĩa là đại đa số có thể cải hóa được, trừ một số ít là “bậc thượng trí và kẻ hạ ngu là không thay đổi” (XVII.3): bậc thượng trí tức bậc thánh, “mới sinh ra đã biết rồi” (sinh nhi tri chi), không cần ai dạy nữa; còn kẻ hạ ngu thì dù gặp cảnh thất bại rồi, cũng không chịu học, chịu sửa tính để tránh thất bại về sau. (XVI.9) (Xin coi thêm Đại cương Triết học Trung quốc của chúng tôi – Quyển hạ tr.68 trở đi – Cảo thơm 1965 [237] – Ở đây tôi không muốn trở lại vấn đề đó, mà chỉ xét tính tình Khổng tử thôi). Vì tin ở bản tính con người nên ông mới “hối nhân bất quyện”, và bôn ba hết nước này tới nước khác tìm cơ hội cải tạo xã hội. Ông cho yêu người, giúp người là đức cao quí nhất, cho nên khi Phàn Trì hỏi về đức nhân, ông đáp: “Nhân là yêu người” (XII.22); và sau khi Tử Lộ tỏ chí hướng của mình là mong được giàu sang để bạn bè hưởng chung, hỏi lại ông về chí hướng của ông, ông đáp: “Ta muốn các người gia được an vui, các bạn bè tin lẫn nhau, các trẻ em được săn sóc vỗ về”. ( Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi – V.25).
Đó là mục đích mà tới ngày nay loài người vẫn còn đương theo đuổi. Ông biết là trong xã hội có nhiều người xấu, nhưng cách xử sự của ông vừa nhân, vừa trí. Ông bảo: “Không tiên liệu rằng người ta gạt mình, đứng ức đoán rằng người ta không tin mình, nhưng gặp những người như vậy, mình biết được ngay, như vậy là hiền đấy!” (XIV.31). Ông ghét một số người như bọn “xảo ngôn lệnh sắc” (I.3) bọn bẻm mép lợi khẩu (XVII.18), bọn “hương nguyện” (giả đạo đức, làm bộ cao thượng XVII.13), “ghét người nói điều xấu của kẻ khác, ghét kẻ dưới mà hủy báng người trên, ghét kẻ dũng cảm mà vô lễ, ghét người quả cảm mà cố chấp” (XV.24); ghét kẻ bóc lột người khác để làm giàu, và một lần ông muốn đuổi Nhiễm Cầu đi, không nhận là học trò mình nữa, vì Nhiễm Cầu nghe lời chủ là Quí Thị, thu thuế nặng của dân. (XI.16)… Nhưng ông cũng khuyên không nên ghét bỏ ai thái quá, nhất là kẻ bất nhân, vì không cho họ cơ hội để ăn năn, gạt bỏ hẳn ra thì họ sẽ nổi loạn (VIII.10). Và ông khuyên người ta phải khoan hồng, nhất là những kẻ ở địa vị cao: “Bậc trên mà không khoan hồng, trong việc tế lễ mà không nghiêm túc, gặp việc tang mà không bi thương, hạng người như vậy còn có gì cho ta xét nữa?” (III.26). Nếu ai có lòng tu tỉnh, xin học ông thì dù dĩ vãng không tốt, ông cũng thâu nhận, tức như trường hợp một thanh niên làng Hổ (một làng dân có tiếng là ác nghịch) lại xin học, môn sinh có người không muốn ông nhận, ông bảo:
“Người ta tiến bộ thì mình tán thành, thoái bộ thì không tán thành, hà tất phải (nghiêm khắc) thái quá. Người ta tự tinh khiết mà mong được tiến bộ thì ta tán thành lòng tinh khiết của họ (bây giờ), chứ không kể tới dĩ vãng của họ” (VII.28). Trong Luận ngữ có rất nhiều lời khuyên về cách xử thế, xét người, không thể nào kể ra hết được, tôi chỉ lựa ít bài tỏ lòng yêu người như trên, và ít bài dưới đây nữa để độc giả thấy tình cảm của ông đối với người thân và sơ ra sao. Bài VII.9 chép: “Khi ăn với người có tang thì (vì buồn mà) ông ăn không no. Ngày nào ông đi điếu mà khóc thì ngày đó không đàn ca”. Bài IX.9: “Thấy người bận đồ sô gai (đồ tang), người bận lễ phục với người mù, thì những người đó dù nhỏ tuổi, ông cũng đứng dậy; đi qua mặt những người ấy thì ông rảo bước”. Đối với một nhạc sư mù, ông thật có ý tứ: Khi người đó lại thăm ông, ông bước đến bực thềm, ông bảo: “Đây là thềm”. Bước tới chiếu, ông bảo: “Đây là chiếu”. Mọi người ngồi rồi, ông bảo nhạc sư: “Ông mỗ ngồi kia, ông mỗ ngồi kia”. (XV.41). Ở triều về, nghe nói chuồng ngựa cháy, ông hỏi ngay: “Có ai bị thương không?” Chứ không hỏi ngựa. (X.12). Không hỏi ngựa nghĩa là chưa vội hỏi ngựa. (X.12). Vì ông cũng thương cả loài vật: đi câu cá, ông chỉ dùng cần chứ không dùng lưới; bắn chim thì không bắn chim đương ngủ. (VII.26). Ông rất đa cảm, mau nước mắt. Tôi đã kể lần Nhan Hồi chết, ông khóc lóc, bi thảm quá tới nổi môn sinh phải can.
Lại thăm Bá Ngưu bị một bệnh nan y, ông nắm tay, thay thở: “Vô lí! Do mệnh trời chăng? Con người như vậy mà bị bệnh đó! Con người như vậy mà bị bệnh đó!” (VI.8). Ông thương môn sinh như con, gả con gái cho Công Dã Tràng vì “tuy nó bị tù, nhưng không phải tội của nó”; gả con gái của anh cho Nam Dung (Nam Cung Quát) vì “nước có đạo thì trò ấy tất được dùng, nước vô đạo thì không bị hình phạt”. Như vậy thì môn sinh yêu lại ông như cha, có nhiều người tuy bốn năm chục tuổi và vẫn theo ông (như Tử Lộ, Tử Cống, Nhiễm Cầu…) và khi ông chết, để tang ông ba năm, không có gì là khó hiểu cả. Ông khả ái không phải chỉ vì ông yêu đời, yêu người mà còn vì ông tự nhiên, bình dân, thân mật, vui tính, thành thực, ôn hòa… Bài X.16 bảo ở nhà, Khổng tử không có dung nghi như ở triều (cư bất dung), mà rất tự nhiên. Bài VII.4 cũng bảo khi ông nhàn cư thì đoan trang, thần thái hòa vui. Chúng ta đã thấy nhiều lúc ông thân mật với môn sinh, hội họp họ lại, hỏi chí hướng của mỗi người, phê bình họ, rồi tỏ chí hướng của mình cho họ nghe. Ông không dấu giếm họ gì cả, bảo họ: “Các trò ngờ rằng ta có điều gì giấu các trò chăng? Ta chẳng có điều gì giấu cả. Ta không làm điều gì mà chẳng cho các trò hay, Khâu này như vậy đó (VII.23). “Khâu này như vậy đó”: lời tự nhiên mà thân mật làm sao. Trần Cang không hiểu tính ông, tưởng ông truyền riêng cho Bá Ngư (con ông) một phần thâm thúy nào của đạo, hỏi Bá Ngư, Ngư thành thực đáp “không”, bấy giờ Trần Cang mới biết
mình nghi lầm thầy (XVI.13). Một hành động rất tự nhiên, làm cho ta mỉm cười, là khi ông cầm gậy gõ vào ống chân của Nguyên Nhưỡng (một người quen biết đã lâu rất phóng túng, bỏ cả lễ phép) sau khi mắng Nhưỡng: “Hồi nhỏ không biết kính thuận người lớn, lớn lên không làm được gì đáng khen, già rồi mà không chết. Như vậy chỉ báo hại người ta thôi” (XIV.44). Ông thực khác xa Đổng Trọng Thư đời Tây Hán, “buông màn ngồi đọc sách và giảng sách, học trò ở ngoài màn cứ thứ đệ đến thụ nghiệp, có kẻ không bao giờ trông thấy mặt, (…) có khi ba năm không ngó ra ngoài vườn” (Trần Trọng Kim – Nho giáo. Quyển II, tr.27, Tân Việt in lần thứ 4); mà một số nhà Nho của ta nghiêm khắc tới nỗi con cháu nen nét không dám lại gần; họ có thể ở “sân Trình” chứ nhất định không phải là ở “cửa Khổng”, đã quá nhiễm Tống Nho mà quên lời dạy “ thiếu giả hoài chi” của Khổng tử. Trong Nhà giáo họ Khổng tôi đã kể vài lúc vui tính của ông, như khi Tử Cống hỏi ông có viên ngọc đẹp thì nên cất vào hộp nay nên cầu có thương nhân tốt mà bán đi, ông đáp: “Bán đi chứ, bán đi chứ! Ta đợi có thương nhân đây”. (IX.12). Bài đó lí thú ở chỗ Tử Cống là một người giỏi buôn bán, dùng lời lẽ một thương nhân, và ông cũng đáp lại như đáp một thương nhân. Lúc khác ông tự ví ông với một trái bầu khô, chỉ để treo mà không ăn được (XVII.7); và theo Tư Mã Thiên, có lần ông tự
nhận ông như một con chó nhà có tang. Ông nói đùa với Nhan Hồi, bảo: “Thầy tưởng anh (đánh nhau với họ mà) chết rồi chứ”, khi gặp lại Nhan Hồi sau mấy ngày thầy trò lạc nhau ở đất Khuông (XI.22). Ông mỉa Tử Du cai trị một thành nhỏ mà dùng lễ nhạc cũng như cai trị một nước, bảo: “Mổ gà cần chi tới dao mổ bò”. Tử Du đáp: “Ngày trước Yển con nghe thầy dạy: “Người quân tử học đạo (lễ, nhạc) thì yêu người, kẻ tiểu nhân học đạo thì dễ sai khiến”. Biết rằng mình quá vui tính mà lỡ lời, nên ông vội quay lại bảo các môn sinh theo ông: Này, các trò, lời anh Yển đúng, lời ta nói chỉ là đùa thôi”. Một điểm khả ái nữa của Khổng tử là ông có tinh thần bình dân, không phân biệt giai cấp, ai cũng dạy (hữu giáo vô loại XV.38), dù là người thấp mà có điều gì đáng cho mình học thì cũng học (bất sỉ hạ vấn), không chê những nghề hèn, tự nhận rằng hồi nhỏ nghèo hèn, nên học được nghề bỉ lậu (IX.6); bảo nếu phú quí mà có thể cầu được thì dù làm kẻ cầm roi đánh xe hầu người, ông cũng làm được (VII.11). Trong bài XIII.4, ông chê Phàn Trí nhỏ nhen khi xin ông dạy cho nghề nông; không phải là ông coi nghề nông là thấp hèn, mà chỉ trách Phàn Trí không biết rằng trau dồi tư cách, học đạo trị dân thì giúp được đời nhiều hơn là cày ruộng. Ông khen Án Bình Trọng (Án Anh), tể tướng nước Tề, là khéo cư xử với bạn, lâu ngày mà vẫn tôn kính bạn (hoặc lâu ngày mà vẫn được bạn
kính nể: “thận dữ nhân giao, cửu nhi kính chi”) (V.16). Tôi chắc chính ông cũng vậy. Tình bạn của ông với Cừ Bá Ngọc, một đại phu nước Vệ, cũng bền lắm. Khi tới Vệ, Bá Ngọc sai người lại thăm. (XIV.25). Ông lựa bạn mới giao du. Ba hạng bạn tốt là bạn chính trực, bạn thành tín, bạn biết nhiều (XVI.4). Đối với bạn thì chắc ông cũng như Tử Du: can gián một vài lần thôi, nếu nhiều lần quá thì bạn sẽ mất lòng mà xa mình (IV.26). Riêng ông thì ông chấp nhận được lời nói thẳng, dù là của người dưới. Hai lần Tử Lộ nóng nảy tới thô lỗ, xẵng giọng bảo ông: “Không có nơi nào để hành đạo thì thôi, hà tất phải đến với Công sơn Phất Nhiễu” (XVII.5); “Bật Hật làm phản mà thầy muốn qua với y thì sao phải lẽ” (XVII.7); tuy ông cũng có đáp, đưa lí do của ông, nhưng rồi ông cũng nghe lời Tử Lộ mà không đi. Đức ông cao như vậy, nên không môn sinh nào không vừa trọng vừa mến. Một lí do nữa khiến ông khả ái là ông rất gần chúng ta, phức tạp như chúng ta, cũng có một số nhược điểm như chúng ta. Trong thiên X chúng ta đã thấy ông khó tính trong việc ăn mặc, và có vài thói quen kì cục. Ông có nghệ sĩ tính mà lại rất có qui củ, rất thực tế trong hành động, chẳng hạn khi ông bảo nghe lời nói của một người rồi còn phải xem việc làm của người đó nữa (V.9), cho nên ông không chỉ vì lời nói mà đề cử một người nào, nhưng cũng không vì phẩm hạnh xấu của một người mà không nghe lời nói phải của người đó. Thái độ đó sáng suốt, có suy tính, không nông nổi.
Bình thường ông rất nhũn, như trong bài VII.18 tôi đã dẫn ở trên, hoặc khi ông bảo ông biết được nhiều nghề vì hồi nhỏ nghèo hèn (IX.6), và khi ông bảo Tử Cống rằng ông chưa đạt được đạo người quân tử là không lo buồn, không nghi hoặc, không sợ hãi (XIV.28). Nhưng nhiều lúc ông lại tin rằng ông có sứ mạng lập lại sự nghiệp của Chu công, rằng trời cho ông có đức, Hoàn Khôi không làm gì được ông, (VII.22) rằng chỉ có trời biết ông thôi (XIV.35)… Ông rất tế nhị ngay cả với học trò, như khi ông cho Tử Cống chỉ như một món đồ dùng (chỉ dùng vào được một việc, không phải hạng đa tài), rồi thấy Tử Cống không vui, ông nói thêm: “Anh như cái hồ liễn”, nghĩa là một thứ liễn đẹp, quí đựng xôi để cúng (V.3). Nhưng cũng có khi ông tỏ ra rất khó chịu, như khi Dương Hóa sai tặng ông một con heo sữa luộc chín, ông không muốn gặp y nên rình khi y đi vắng mà lại nhà y tạ ơn; rồi ở giữa đường, bất ngờ gặp y, y hỏi ông mấy câu đại ý muốn thuyết phục ông ra làm quan với y, ông làm thinh hai lần và cuối cùng chỉ đáp gọn lỏn: “Tôi sẽ ra làm quan” (XVII.1). Cố ý bất nhã nhất là lần ông không muốn tiếp Nhụ Bi, sai người ra bảo rằng ông đau; người này vừa mới ra tới cửa, ông cầm ngay cây đàn sắt lên gảy và hát, cố y cho Nhụ Bi nghe thấy. Ông rất tin ở sứ mạng cứu đời, nhưng sau mười mấy năm bôn ba mà không được ai dùng, mấy lần ông tỏ ra chán nản, than thở muốn đi “cửu di” muốn về Lỗ…, điều đó ta hiểu được:
ai cũng có những lúc yếu đuối như vậy. Nhưng ông nôn nóng giúp đời tới cái mức hai lần, hai kẻ phản loạn là Công sơn Phất Nhiễu và Bật Hật, mới mời ông, ông muốn đi liền thì ông quả đã vụng tính, không xét hai kẻ đó có chính nghĩa hay không, có thể làm nên sự nghiệp hay không. Cũng may mà cả hai lần Tử Lộ đều can ông và ông đổi ý, nếu không thì tất ông cũng sẽ phải bỏ họ sau một thời gian ngắn, để giữ được cái “kiên” cái “bạch” của ông, mà vừa ôm hận, vừa mang tiếng. Về điểm đó ông không bằng Mạnh Tử sau này: Mạnh Tử giữ đúng qui tắc hơn, không chịu “uổng xích nhi trực tầm”. Câu ông trả lời Tử Lộ: “Ta đâu phải trái bần khô người ta treo mà không ăn được” (XVII.7) mâu thuẫn với thái độ của ông khi ông khen Nhan Hồi (trong vụ tuyệt lương ở Trần Thái) vì Nhan Hồi đã thưa với ông: “Đạo của thầy cao quá cho nên thiên hạ không ai theo được, nhưng thầy cứ theo đó mà làm. Người ta không dung nạp được thầy thì có hại gì? Chính vì người ta không dung nạp được thầy mà thầy mới là bậc quân tử”. Chính vì Khổng tử có những lúc yếu ớt, mâu thuẫn nên ông mới gần chúng ta. Người đương thời (một viên thái tể) coi ông là một ông thánh vì ông đa tài (IX.6), người Trung Hoa đời sau tôn ông là một ông thánh, vì ông đã tặng cho họ một triết lý rất nhân bản, đào tạo cho họ biết bao thế hệ kẻ sĩ quân tử. Danh hiệu đó rất xứng. Và trong số bốn năm ông thánh mà tôi được
đọc tiểu sử cùng sự nghiệp, tôi thấy Khổng thánh khả ái nhất. CHƯƠNG 4. MÔN SINH HAI LỚP MÔN SINH Môn sinh của Khổng tử tương truyền tới ba ngàn. Trong Luận ngữ chúng ta chỉ thấy ghi tên độ ba chục người (coi Bảng môn sinh ở cuối Luận ngữ – bản này thiếu vài tên không quan trọng), chỉ trừ hai người là ở trong giới quí tộc: Nam Dung (Nam Cung Quát) và Tư Mã Canh; còn thì đều ở trong giới bình dân. Có gia đình đời cha học ông, đời con cũng học, như Nhan Lộ và con là Nhan Hồi, Tăng Tích và con là Tăng Sâm. Cha chỉ kém ông 5 10 tuổi, con thì kém ông trên dưới 40 tuổi, như Nhan Hồi kém ông 39 tuổi, (có sách bảo kém 30 tuổi, có lẽ sai), Tăng Sâm kém ông 46 tuổi. Chỉ có khoảng mươi, mười hai môn sinh được ông mến, thường nhắc tới, vì có đức hoặc có tài, trong bài XI.2, ông đã kể tên mười người: Đức hạnh: Nhan Uyên, Mẫn Tử Khiên, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng Cung; Tài ăn nói: Tể Ngã, Tử Cống; Giỏi về chính trị: Nhiễm Hữu, Tử Lộ; Giỏi về văn học: Tử Du, Tử Hạ. Một số ra làm quan ngay khi ông còn sống, có người phục vụ với ông nữa. Tôi nhận thấy những người đó đa số thuộc về lớp hơi lớn tuổi (lớp thực lớn tuổi chỉ có hai người Nhan Lộ và Tăng Tích: Nhan thì tư cách kém, Tăng thì ưa nhàn), kém ông độ hai ba chục tuổi như Nhiễm Ung làm quan với Quí Thị ở Lỗ, sanh năm 523; Nhiễm Cầu cũng làm quan với Quí Thị ở Lỗ, cũng sanh năm 523; Tử Cống có tài biện bác, có khiếu chính trị và buôn bán, tham chính ở Lỗ, sanh năm 521; Tử Lộ làm quan ở
Lỗ, Vệ, chỉ kém ông 9 10 tuổi. Một số khác không thích làm quan, sau dạy học. Những người này đều thuộc lớp trẻ, như Tử Hạ sanh năm 508, Tăng Sâm sanh năm 506, Tử Trương sanh năm 504[238], (Hữu Nhược sanh năm nào, chưa rõ) đều kém ông trên 40 tuổi và kém lớp làm quan từ 15 đến 20 tuổi. Nhận xét đó có thể cho tôi đoán rằng lớp người đầu tiên xin học ông có ý học để làm quan, cho nên họ theo Khổng tử tới già, cả trong những năm Khổng tử bôn ba ở các nước. Họ cần được thầy giới thiệu với các vua chư hầu và cần hỏi ý kiến thầy trong khi họ tham chính. Và các nhà cầm quyền thỉnh thoảng cũng hỏi ông về tài năng của các môn sinh ông, như Mạnh Võ Bá hỏi về Tử Lộ, Nhiễm Cầu, Công Tôn Hoa (V.7); Quí Tử Nhiên hỏi về Trọng Do, Nhiễm Cầu (XI.23), Quí Khang tử hỏi về Trọng Do, Nhiễm Cầu (VI.6), ông đáp họ đều có thể tòng chính được cả. Trái lại lớp sau cũng gồm nhiều người thông minh nhưng theo học ông để hiểu đạo, sửa mình, không thích làm chính trị mà về dạy học. Có thể do họ thấy tài giỏi như thầy mình mà còn không làm được gì nên họ chán; cũng có thể họ sống sau Khổng tử ba, bốn năm mươi năm, càng thấy xã hội loạn hơn nên càng chán nữa. NHAN HỒI, TỬ LỘ, TỬ CỐNG Theo tôi, trong số môn sinh, có 3 người yêu quí ông nhất, mỗi người theo một cách. Nhan Hồi nhỏ tuổi hơn nhất, hiền nhất, quí ông như cha, và tình giữa Khổng và Nhan đúng là tình cha con, đậm đà mà thân
mật. Tử Lộ lớn tuổi nhất, chỉ kém Khổng 9 10 tuổi, coi Khổng nửa như thầy, nửa như anh cả, tính lại quá cương trực, nóng nảy tới thô lỗ; nhưng chính là vì yêu quí thầy, không muốn thầy mang tiếng, hoàn toàn trong trắng, nên mấy lần xẵng giọng với thầy. Tử Lộ không khi nào xa thầy, dù nguy hiểm cũng không ngại, Khổng tử biết vậy nên bảo nếu ông chán nản, bỏ Trung quốc và cưỡi bè ra biển đông thì sẽ chỉ có Tử Lộ theo mình thôi. Tử Lộ mừng (V.6). Cũng vì quí thầy, nên một lần Khổng tử đau nặng, Tử Lộ xin cầu đảo cho thầy; lần khác tưởng thầy không qua khỏi, Tử Lộ bàn với các bạn học nên táng thầy như một đại phu (các môn sinh sẽ làm gia thần). Khi qua cơn, tỉnh rồi, hay việc đó, Khổng tử mắng “Như vậy là dối ai, dối Trời chăng?” rồi nói thêm một câu rất cảm động: “Vả lại, ta chết trong tay gia thần, đâu bằng chết trong tay các trò?” Có sách bảo khi hay tin Tử Lộ bất đắc kì tử ở Vệ, dù biết trước rằng số mạng Tử Lộ như vậy, ông cũng rất đau xót. Lời đó tin được. Có thể nói ông yêu Tử Lộ chỉ kém Nhan Uyên thôi. Còn Tử Cống thì quí ông tới nỗi, hễ nghe thấy ai chê ông thì hăng hái bênh vực liền, như trường hợp Thúc Tôn Võ Thúc trong hai bài XIX.23, 24 nhất là trường hợp Tử Cẩm trong bài XIX.25: Tử Cẩm bị Tử Cống mắng là “bất trí” tức ngu, nên nói bậy. Khi Khổng tử mất, Tử Cống đã để tang ba năm như mọi môn sinh khác, rồi lại còn làm nhà ở bên mộ, coi việc khói hương cho thầy ba năm nữa.
Trong cuốn Nhà giáo họ Khổng tôi đã giới thiệu một số môn sinh xuất sắc được ông khen: Nhan Hồi, Tử Lộ, Tử Cống, Mẫn Tử Khiên, Trọng Cung…, và một số bị ông mắng, như Nhiễm Cầu, nhất là Tể Du (Tể Ngã) biếng học, có thật ngủ ngày, nhất là dám chê tục để tang ba năm là hại cho lễ, nhạc, kinh tế (XVII.21) (Lần đó ông giận lắm bảo Tể Du là hạng bất nhân, quên công cha mẹ bồng bế ba năm, nên nhẫn tâm ăn đồ ngon, mặc áo đẹp, nghe nhạc một năm sau khi cha mẹ chết). Dưới đây tôi chỉ giới thiệu thêm 6 môn sinh đã phát biểu những tư tưởng được ghi lại trong Luận ngữ. Chỉ trừ mỗi một người là Tử Cống ra làm quan còn năm người kia đều dạy học cả, và những ngôn hành của họ chắc là do môn sinh của họ ghi lại. Tử Cống chỉ lưu lại hai bài tầm thường: Bài XIX.20, Tử Cống khuyên người quân tử không nên ở chung với đám hạ lưu (mà mang tiếng) vì bao nhiêu tội ác trong thiên hạ đều dồn cả về đó. Bài sau 21, ông bảo người quân tử có lỗi thì không giấu giếm nên ai cũng thấy mà khi sửa lỗi thì ai cũng ngưỡng mộ. Tử Trương (Chuyên Tôn Sư) vào hạng môn sinh lớp sau, kém Khổng tử gần 50 tuổi, học rộng, hay hỏi, tính phóng khoáng, không câu nệ, thích làm việc khó, nhưng cẩu thả. Khổng tử chê là không giữ được đạo trung, thiên lệch, thái quá (trái với Bốc Thương (Tử Hạ) bất cập) (Bài XI.15, 17). Mới đầu có ý học để làm quan, cho nên Khổng tử khuyên: cứ
nghe nhiều, thấy nhiều rồi thận trọng trong lời nói, việc làm thì bổng lộc tự nhiên ở trong đó (II.18). Có lẽ cũng vì muốn làm quan, nên Tử Trương trong thiên XX hai lần hỏi thầy “thế nào thì có thể tòng chính” (bài 2, 3). Sau Tử Trương đổi ý, không ra làm quan mà dạy học. Tính tò mò thắc mắc, hỏi Khổng tử về nhiều vấn đề: về hành vi của một số đại phu được thờ (Tử Văn, Trần Văn tử – bài V.18). Về sự sùng đức, biện hoặc (XII.10), cả về những đời sau này nữa, như trong bài II.23… Luận ngữ còn chép lại hai lời của ông về tư cách của kẻ sĩ: phải không tiếc tính mạng, trọng nghĩa lí, thành kính trong việc tế lễ (XIX.1); và về việc tu thân, giữ đức phải kiên cường, dốc lòng tin đạo (XIX.2). Ông rất khoáng đạt trong việc giao du. Tử Hạ (coi ở dưới) cho rằng chỉ nên kết bạn với người khá, còn người xấu thì nên cự tuyệt. Môn sinh Tử Hạ đem lời đó hỏi Tử Trương, Tử Trương bảo: “Tôi được nghe khác vậy: người quân tử tôn trọng người hiền mà dung nạp mọi người, khen kẻ lương thiện mà thương kẻ bất tài. Ta là bậc đại hiền ư thì ai mà ta không dung nạp được? Còn như ta mà bất hiền thì người ta sẽ cự tuyệt ta, chứ đâu cự tuyệt được người?” (XIX.3). Như vậy ta thấy ông mong được làm bậc đại hiền, chứ không nhũn như Tử Hạ. Khổng tử thực đã hiểu rõ môn sinh khi bảo Tử Hạ bất cập mà Tử Trương thái quá, và khuyên Tử Trương phải thận trọng trong lời nói.
Tử Du (Ngôn Yển) cũng trạc tuổi Tử Trương, tuy có hồi làm một chức quan cai trị một ấp nhỏ (Võ Thành) – Nhưng được Khổng tử khen là giỏi văn học (XI.2), chuyên lễ nhạc và đem lễ nhạc ra dạy dân, nên Khổng tử nói đùa là dùng dao mổ bò để Về sau, chắc ông cũng thôi làm quan mà dạy học, nếu không thì cũng rất quan tâm tới việc dạy học. Trong bài XIX.12, ông chê Tử Hạ chỉ dạy học trò những “việc vẩy nước, quét tước ứng đối, tới lui”, đó chỉ là lần ngọn, còn phần gốc là đạo lí thì không dạy. Tử Hạ nghe vậy, bác ý kiến của Tử Du, bảo dạy hoc “phải theo thứ tự, điều này dạy trước, điều nào dạy sau, chứ nếu dạy cùng một lúc cả ngọn lẫn gốc thì chỉ thánh nhân mới theo được”. Chủ trương của Tử Hạ đúng. Hình như Tử Du cũng hay phê bình người khác, khen Tử Trương đức tuy cao nhưng chưa phải là bậc nhân (XIX.15). Bài XIX.14, ông theo đúng chủ trương của Khổng tử, không trọng hình thức, bảo việc “tang lễ mà biểu lộ hết lòng thương xót thì đủ rồi”. Và lời này nữa của ông, chắc cũng hợp ý Khổng tử: “Thờ vua mà can gián nhiều lần quá thì sẽ bị nhục; chơi với bạn mà can gián nhiều lần quá thì bạn sẽ xa mình” (IV.26). Hữu Nhược (Hữu tử) không rõ kém Khổng tử bao nhiêu tuổi, theo Mạnh tử thì dung nghi giống Khổng tử, nên có lần Tử Hạ, Tử Trương, Tử Du bàn với nhau nên phụng sự Hữu Nhược như phụng sự Khổng tử, Tăng tử can, họ mới thôi. (Đằng văn công – thượng – bài 4). Dù sao, ông cũng được bạn đồng môn
trọng lắm, và trong Luận ngữ, chỉ có ông với Tăng Sâm được xưng là Hữu tử, Tăng tử; nhưng Khổng tử không nhận xét gì về ông cả. Ông nhớ nhiều, thích đạo cổ như Khổng tử và có đức cao. Ông vụ bản, cho hiếu đễ là gốc của đức nhân (I.2); của việc trị nước: người nào hiếu đễ thì không muốn xúc phạm bề trên, không muốn xúc phạm bề trên thì không làm loạn. Hai bài I.12, 13 cũng có giá trị về tư tưởng. Bài 12, ông hiểu rõ công dụng của lễ: tuy để tiết chế, cho dân khỏi phóng đãng, nhưng nhất là để điều hòa cho dân được vui vẻ, hòa hợp. Bài 13, ông khuyên ta muốn ước hẹn điều gì thì điều đó phải hợp nghĩa mới giữ được; cung kính mà hợp lễ thì mới khỏi nhục. Ông thật là người thận trọng trong hành động. Tư tưởng về chính trị của ông rất hợp với Khổng tử. Khi Lỗ Ai công phàn nàn rằng vì mất mùa, thuế thu không đủ tiêu, phải làm sao? Hữu Nhược đã không khuyên Ai công tăng thuế mà còn bảo nên giảm đi, để cho dân no đủ, mà “dân no đủ thì vua sẽ không thiếu; dân thiếu thốn thì vua không làm sao đủ được” (XII.9). Dân là gốc của nước, chủ trương của ông như vậy cũng là “vụ bản” nữa. Tử Hạ (Bốc Thương) kém Khổng tử 44 tuổi là thầy học của Ngụy Văn Hầu, Khổng tử khen là giỏi về văn học, nhưng chê là “bất cập” (XI.15) chưa đạt được đạo trung, phải cố sống sao cho ra nhà nho quân tử, có đạo đức cao, chứ đừng chỉ chú trọng tới văn học, tài nghệ (VI.11).
Tính ông đốc tín cẩn thận, như trong cách dạy học tuần tự tiến từng bước của ông mà Tử Du đã chê ở trên; ông vì thận trọng quá mà hóa hẹp hòi như cách kết bạn của ông mà Tử Trương đã bác. Lâm Ngữ Đường trong La sagesse de Confucius (Victor Attinger – 1949) cho ông hoàn toàn là một học giả. Lời đó đúng. Trong số trên mười bài chép ngôn hành của ông, già nửa là lời bàn của ông về việc học. Theo ông, lúc nào cũng phải học. Học mà thừa thì giờ và sức khỏe thì nên làm quan, mà làm quan mà thừa thì giờ sức khỏe thì nên học (XIX.13). Người quân tử phải học rồi mới thấu đạo (XIX.7). Cách học là “mỗi người biết thêm được điều mình chưa biết, mỗi tháng không quên những điều mình đã biết” (XIX.5). Cái gì cũng nên học. Cả những nghề nhỏ cũng đáng xem xét, nhưng đừng nên đi sâu vào. (XIX.4). Hễ học rộng mà vững chí hướng, hỏi điều thiết thực mà nghĩ đến việc gần (việc thực hành những điều đó thì là có đức nhân (XIX.6). Bài I.7 ông cũng khuyên phải coi trọng sự thực hành, đạo làm người trước hết: “Tôn trọng người hiền, coi thường sắc đẹp, hết lòng thờ cha mẹ, liều thân thờ vua, giao thiệp với bạn bè thì ăn nói phải thật tình, (người như vậy) tuy chưa hề học gì tôi cũng cho là đã học rồi”. Có lẽ chính vì ông trọng sự “hành” như vậy cho nên bị Tử Du chê là chỉ dạy học trò những việc vẩy nước, quét tước, ứng đối, tới lui. Ba bài XIX.8, 9, 10 nói về quân tử và tiểu nhân, không có gì
đặc biệt. Tôi để ý đến bài XIX.11; trong đó ông khuyên: “không được vượt qua đại tiết, còn tiểu tiết thì tùy tiện, ở trong phạm vi hay ra ngoài cũng được”. Như vậy là ông có lúc cũng biết quyền biến, không quá cẩn thận, tới cố chấp đâu. Sau cùng là Tăng Sâm (Tử Du) có lẽ là người nhỏ tuổi nhất và chắc chắn là triết gia nổi tiếng nhất trong bọn. Ông kém Khổng tử 46 tuổi, sau truyền được đạo của thầy, viết cuốn Đại học, cuốn Hiếu kinh (?) dạy Tử Tư (cháu nội Khổng tử) rồi Tử Tư lại truyền cho Mạnh tử. Trong Nhà giáo họ Khổng tôi đã viết rằng Tăng Sâm rất có hiếu, khiêm tốn, đôn hậu, ít nói, Khổng tử chê là “lỗ” (XI.17) tức chậm chạp, gần như ngu đần. Tôi cho rằng Khổng tử chỉ nói “Ngô đạo nhất dĩ quán chi” (Đạo ta chỉ có một lẽ mà quán thông tất cả IV.15) mà Tăng Sâm (lúc đó mới khoảng 25 26 tuổi là cùng) hiểu được lẽ đó là lẽ trung thứ (Phu tử chi đạo, trung thứ nhi dĩ hỉ) thì quả là một đệ tử xuất sắc, hiểu thấu được tư tưởng của thầy, vượt cả Tử Lộ, Tử Cống, chưa chắc Nhan Hồi đã hơn không”. Tăng Sâm được sinh trong một gia đình mà cha mẹ đều hiền cả. Cha là Tăng Tích (Điểm), thanh cao, bình dị, thích an nhàn, mà chúng ta còn nhớ có lần được Khổng tử khen là chí hướng giống mình vì chỉ muốn ngày xuân cùng với năm sáu thanh niên, sáu bảy đồng tử “dắt nhau đi tắm ở sông Nghi rồi lên hứng mát ở nền Vũ Vu, vừa đi vừa hát, kéo nhau về nhà”
(XI.25). Về mẹ ông, chúng ta được biết truyền thuyết này: cụ đương dệt vải, có người chạy vô cho hay con cụ là Tăng Sâm giết người ở chợ, cụ không tin, thản nhiên ngồi dệt; một lát sau người thứ hai cũng chạy vô báo tin đó, cụ vẫn không tin; tới lần thứ ba cụ mới hoảng hốt. Tăng Sâm nổi tiếng là có hiếu, nghiêm trang, đôn hậu, thật thà, nhất là sửa mình rất siêng. Mỗi ngày ông tự xét ba việc: làm việc gì cho ai có hết lòng không, giao thiệp với bạn bè có thành tín không, thầy dạy cho điều gì có học tập cho nhuần không? (I.4). Ông có một câu đáng làm châm ngôn: “Quân tử dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phụ nhân” (người quân tử dùng văn chương để họp bạn, dùng bạn để giúp nhau tiến lên đức nhân – XII.24). Ông thường nói đến đạo hiếu, cho rằng người trên mà “thận trọng trong tang lễ cha mẹ, truy niệm và tế tự tổ tiên xa thì đức của dân sẽ thuần hậu” (I.9), như vậy là người trên phải làm gương cho người dưới, mà đức hiếu là đức căn bản. Trong hai bài XIX.17, 18 ông nhắc lại lời của Khổng tử về hiếu. Ông không làm quan, nhưng cũng như Khổng tử thường được các nhà cầm quyền hỏi ý kiến như khi ông đau nặng, tự biết mình sắp chết, khuyên một đại phu nước Lỗ là Mạnh Kính Tử ba điều: cử chỉ dong mạo nên nhã, nét mặt nên nghiệm túc, thành tín, lời nói nên hợp lẽ, (VIII.4); và khi một môn sinh của ông được làm pháp quan, thỉnh ý ông, ông bảo: Người trên bỏ chính đạo, dân chúng phóng túng không giữ phép từ lâu rồi, nếu xét được thực tình của người phạm tội thì nên thương xót
họ chứ đừng nên mừng (về tài minh quyết của mình) (XIX.19). Lần khác ông bảo kẻ sĩ tức kẻ học và tu thân để sau ra giúp nước, phải cương cường, quyết tâm vì nhiệm vụ nặng mà đường xa. Nhiệm vụ là làm điều nhân, cho nên gọi là nặng; phải làm cho tới khi chết, cho nên bảo là đường xa (VIII.7). Trong Luận ngữ có trên 10 bài ghi ngôn hành của ông. Tôi xin giới thiệu một bài nữa, bài VIII.3, vì nhiều người không hiểu hoặc hiểu lầm ông. Bài đó chép: Tăng tử bị bệnh nặng (khó qua), cho gọi các đệ tử tới, bảo: “Giở chân ta ra xem, giở tay ta ra xem. Kinh Thi có câu: “Phải nơm nớp chăm chăm như đi xuống vực sâu, như đi trên lớp băng mỏng”. Từ nay về sau ta mới biết chắc thoát khỏi hình lục đó các trò”. Thời xưa mà thời nay nhiều người cũng còn vậy, nghĩ rằng con mà làm điều gì trái phép nước tới bị tội nặng, bị hình lục (thời Khổng tử là bị chặt đầu, chặt chân, chặt tay, cắt mũi, xẻo tai, bị thiến) thì là làm nhục lớn cho cha mẹ, tổ tiên, là mang tội đại bất hiếu. Chúng ta còn nhới Tư Mã Thiên, chẳng có tội gì cả, chỉ vì bênh vực một tướng tài, ông biết chắc là không phản quốc, tức Li Lăng mà bị Hán Vũ Đế nghe lời sàm tấu, bắt ông phải chịu tội thiến, ông nhục quá chỉ muốn tự tử, phải rán nuốt nhục mà sống để soạn cho xong bộ Sử kí, mà trước khi mất, thân phụ ông giao cho ông tiếp tục. Nhưng mỗi khi nhớ đến tội đại bất hiếu đó của mình, ông lại toát mồ hôi.
Tăng Sâm rất có hiếu nên rất sợ làm cái gì phạm tội để bị hình lục, phải “nơm nớp” giữ mình suốt đời như đi xuống vực sâu, đi trên lớp băng mỏng; và khi sắp chết mới chắc rằng mình giữ trọn được đạo hiếu. Ông bảo môn sinh giở chân, giở tay ông ra xem còn nguyên vẹn, không bị chặt vì phạm tội không, chỉ để khuyên môn sinh cũng phải giữ mình như ông, chứ không có ý khác. Đời sau có những hủ nhỏ, không hiểu đạo hiếu của cổ nhân như vậy, căn cứ vào câu “ Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương” trong Hiếu Kinh (không chắc là của Tăng Tử), mà cho rằng thân thể mình do cha mẹ sinh ra thì phải giữ trọn, không được tự hủy nó dù là tóc, da, móng tay, móng chân, cho nên ở nước ta, hồi đầu thế kỉ này, khi có phong trào Đông Kinh nghĩa thục, bọn hủ nhỏ đó không chịu cắt tóc, chê các nhà cách mang duy tân là lăng nhăng, theo Tây, bỏ đạo Khổng. Đạo Khổng có bao giờ chủ trương như vậy đâu. Mà Khổng tử còn rất khoáng đạt, đem con gái gả cho một môn sinh bị tù tội, tức Công Dã Tràng, vì ông biết rằng Công Dã Tràng bị oan. Ông không tin ở sự công bằng của luật pháp thời ông. Hành động đó của ông thật đáng phục. Tăng Sâm sau được sắp vào hàng tử phối, bốn người được thờ chung phối hướng với Khổng tử trong Khổng miếu: Nhan Uyên, Tăng Sâm, Khổng Cấp (Tử Tư), Mạnh Kha. Chúng ta thấy các môn sinh của Khổng tử đều kém xa Khổng
và lời Tử Cống nhắc với Thúc Tôn Võ Thúc (một đại phu nước Lỗ) rất đúng: “Lấy bức tường cung thất làm thí dụ. Bức tường của Tứ tôi (mà của tất cả các môn sinh khác cũng vậy) cao tới vai, nên người đứng ngoài thấy được những cái đẹp trong nhà. Bức tường của thầy tôi (Khổng tử) cao mấy nhận (thờ đó mỗi nhận là bảy, tám thước, non 2 mét), nếu không qua cửa mà vào thì không thấy được những cái đẹp trong tôn miếu, sự kiến trúc các điện phong phú ra sao”. (XIX.23). CHƯƠNG 5. TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ HOÀN CẢNH Muốn nhận định tư tưởng chính trị của Khổng tử, chúng ta đừng quên 6 điều này: Ông thuộc giai cấp quí tộc, nhưng tới đời ông đã suy, nghèo, và thời trẻ ông sống một cuộc đời ở giữa hạng quí tộc và bình dân, chỉ làm một chức lại nhỏ; vì vậy ông có nếp sống, nếp suy tư của giới quí tộc, nhưng cũng dễ gần gũi bình dân, có thiện cảm với bình dân, bênh vực bình dân, giúp cho họ thăng tiến. Về điểm đó, ông chỉ là bạn của bình dân thôi. Khác hẳn Mặc tử sau này, là người ở trong giai cấp bình dân; ông vẫn thiên về quan điểm quí tộc hơn là quan điểm bình dân, còn Mặc tử hoàn toàn đứng về quan điểm bình dân. Thủy tổ của ông là quí tộc của nhà Ân, nhưng tới đời ông đã trên năm trăm năm theo Chu, nên không còn là người Ân nữa. Ông hoàn toàn theo Chu và rất phục Chu công, người có công làm cho Chu thịnh vượng, văn minh hơn Ân. Ông sinh trưởng ở Lỗ mà vua Lỗ là hậu duệ của Chu công (Chu công phong đất Lỗ cho con là Bá Cầm – XVIII.10), do đó
giữ được nhiều tục lệ, lễ nghi, thể chế của Chu; có thể nói Lỗ vào thời Khổng tử là trung tâm văn hóa nhà Chu, nên Khổng tử khen Lỗ có những người quân tử (V.2), và bảo nước Lỗ chỉ thay đổi một bực thôi thì đạt được đạo của tiên vương, tức đạo của Văn vương, Võ vương, nhà Chu. Ông bẩm sinh “tín nhi hiếu cổ”, nghĩa là tin và thích kinh điển của cổ nhân, thích cả lễ nghi, tục lệ cổ nhân nữa, cho nên mới có truyền thuyết rằng hồi bé ông hay chơi trò tế lễ. Ông sinh ở gần cuối thời Xuân Thu, thời mà chế độ phong kiến tuy suy nhưng vẫn còn cơ duy trì được. Tề Hoàn công là vị “bá” đầu tiên và có uy thế nhất trong số ngũ bá vẫn muợn danh thiên tử nhà Chu để họp các chư hầu, và về già mới có ý lật vua Chu nhưng chưa kịp thi thành thì chết. Như mọi người khác ở thời ông, có lẽ cả Mặc tử, Mạnh tử sau ông nữa, Khổng tử cho chế độ phong kiến là hợp pháp, hợp lí nữa, vì hoàn cảnh thời đại chưa cho ông quan niệm được một chế độ nào khác để thay chế độ phong kiến. Phải gần tới cuối đời Chiến Quốc, bọn pháp gia mới lần lần quan niệm được một chế độ mới, chế độ quân chủ chuyên chế. Chúng ta nên nhớ Chu Võ vương và Chu công lập chế độ phong kiến là vì đất đai quá rộng, không thể tự cai trị lấy hết được, phải cắt đất, phong cho người thân và công thần để họ tự trị dưới sự kiểm soát của Chu. Tới thời Khổng tử, đất có phần rộng
hơn nữa, mà tình trạng kinh tế, xã hội không thay đổi mấy; canh nông chưa phát triển; (vì còn là thời đại đồ đồng), dân số chưa tăng bao nhiêu, cả Trung Hoa may lắm được 10 15 triệu người (5000 năm sau tới đầu thế kỉ nguyên Tây lịch mới được 58 triệu); nước lớn nhất như Tề may mắn lắm được vài triệu người, một hai ngàn chiến xa (4000 8000 quân), như vậy dù có làm bá chủ các chư hầu, tiếm ngôi thiên tử của nhà Chu thì cũng vẫn phải theo chế độ phong kiến của Chu, chứ làm sao có đủ quân để chiếm đóng, đủ quan lại để cai trị cả Trung Quốc mà lập chế độ quân chủ chuyên chế được. Vào khoảng cuối đời Khổng tử, Trung Hoa mới bắt đầu có sắt, bước qua thời đại đồ sắt; một trăm năm sau, thời Mạnh tử, có cày sắt, búa, rìu sắt, rừng rú mới được khai phá, canh nông mới phát triển mạnh, dân số tăng lên mau; rồi khoảng 50 100 năm sau nữa, mới có những võ khí bằng sắt, có cuộc cách mạng về chiến thuật: ít dùng chiến xa mà dùng bộ binh và kị binh (bắt chước rợ Hồ), có những công cuộc thủy lợi (đào kinh, đắp đê) lớn lao; và tới thế kỷ thứ ba trước kỉ nguyên Tây lịch mới có vài ba nước như Tề, Sở, Tần đủ cường thịnh để nghĩ tới việc thống nhất Trung Quốc. Tần tuy kém văn minh nhất nhưng đất đai rộng, phì nhiêu (cánh đồng Thành Đô ở Tứ Xuyên), địa thế hiểm yếu, (cửa ải Hàm Cốc) không bị các nước chung quanh quấy phá; lại nhờ các tể tướng Thương Ưởng, Lí Tư, mà có một tổ chức hành chánh (chia nước làm quận huyện, bắt năm gia đình phải tố cáo
lẫn nhau, bắt người dân nào cũng phải có chứng minh thư, dùng những hình pháp cực nghiêm để nắm hết dân…), võ bị (người dân nào cũng phải đi lính, lính thời bình thì làm ruộng, giữ trật tự trong miền…), rồi lại dùng những thuật của pháp gia (do thám, hối lộ, ám sát) để lung lạc đại thần, tướng quân bên địch, do đó mà lần lần thôn tính được lục quốc năm 221, thống nhất Trung Quốc, bỏ chế độ phong kiến, chia sáu nước đó thành 36 quận. Khổng tử mất năm – 479 làm sao có thể nghĩ đến một sự thống nhất như vậy được? Trách ông thủ cựu; giữ chế độ phong kiến là không đặt ông vào thời đại của ông. Khổng tử không thể quan niệm được một chế độ mới, mà cũng không thể trở lại chế độ truyền hiền thời Nghiêu, Thuấn mặc dầu thời đó là thời lí tưởng theo ông, là hoàng kim thời đại của Trung Quốc như tất cả các triết gia Tiên Tần đều tin. Thời Nghiêu Thuấn trước nhà Chu, trên ngàn năm, dân còn thưa thớt, mỗi bộ lạc được vài ngàn, vài vạn người là cùng, viên tù trưởng được các bộ lạc bầu lên – sự truyền hiền có lẽ chỉ là như vậy; đến thời Khổng tử, mỗi nước chư hầu lớn như Tề có thể có một hai triệu dân, không thể bầu vua được mà sự truyền tử (quân chủ) là một giai đoạn cần thiết, trước khi nhân loại có đủ điều kiện để thành lập chế độ dân chủ đại nghị ngày nay. Sự biến chuyển từ một bộ lạc lên thành một quốc gia, kéo theo sự biến chuyển từ chế độ bầu người thủ lãnh nối ngôi (tức
truyền hiền) lên chế độ truyền tử. Ở Trung Quốc sự biến chuyển đó xảy ra trễ nhất từ thời Thương, sớm nhất từ thời Hạ. Khổng tử làm sao có thể trở ngược lại cả ngàn rưỡi năm được? Ông phải tôn quân, chấp nhận sự truyền tử, mà chỉ tìm cách cải thiện nó thôi. Ở thời ông không ai có thể làm khác được. Sáu điều kể trên giúp ta hiểu được tại sao Khổng tử một mặt có tư tưởng bảo thủ, giữ xã hội cũ, dùng tiêu chuẩn của xã hội cũ, điều chỉnh quyền lợi, nghĩa vụ vua tôi; mặt khác có tư tưởng tiến bộ, cách mạng nữa, đào tạo một giai cấp mới; kẻ sĩ để giúp giai cấp quí tộc trị nước, thay thế hạng quí tộc thiếu tài, thiếu đức. Giai cấp mới, kẻ sĩ đó đại đa số ở trong giới bình dân, con địa chủ mới và thương nhân, vì cuối thời Xuân Thu, nông nghiệp đã phát triển nhờ phương pháp canh tác và nông khí đã được cải thiện, mà thương nghiệp cũng đã bắt đầu thịnh, nhất là ở nước Tề. Trong chương này tôi sẽ xét ba điểm căn bản trong tư tưởng chính trị của Khổng tử: Tòng Chu tức duy trì chế độ phong kiến. Chính danh để điều chỉnh chế độ đó, lập lại trật tự cho nó vững lại, khỏi băng hoại. Đức trị là qui kết của sự chính danh. TÒNG CHU Thiên Bát dật, bài 14, Khổng tử nói: “Nhà Chu châm chước lễ chế của hai triều đại trước (Hạ, Ân) nên văn vẻ rực rỡ biết bao! Ta theo Chu” (Ngô tòng Chu). Theo Chu tức là theo chế độ, chính trị, xã hội, pháp điển, lễ
nhạc, giáo dục… của nhà Chu, do Chu công chế định sau khi châm chước, sửa đổi lễ chế của Hạ, Ân. Suốt đời Khổng tử chỉ mong nối được sự nghiệp của Chu công, cho nên khi bị vây ở Khuông, ông nói: “Vua Văn vương mất rồi, lễ nhạc, chế độ của ông chẳng truyền lại cho ta sao! Trời mà muốn hủy diệt văn hóa đó thì người sau đâu có được thừa hưởng nó; Trời mà chưa muốn hủy diệt văn hóa đó thì người Khuông làm gì được ta?” (IX.5). Và như tôi đã nói, ông ao ước điều đó lắm, tới nỗi nó ám ảnh ông, khiến ông thường nằm mộng thấy Chu công; khi nào lâu mà không nằm mộng thấy Chu công thì ông buồn, tự cho là mình suy rồi (VII.5). Ông tòng Chu (duy trì văn hóa của Chu) chứ không tôn Chu, tôi muốn nói: Không tôn thờ thiên tử đương thời của nhà Chu. Trong bộ Xuân Thu ông vẫn không quên nhà Chu, vẫn chép việc vua Chu trước việc của Lỗ, và các chư hầu khác, coi như “việc trong Xuân Thu là việc của thiên tử”; nhưng suốt bộ Luận ngữ chúng ta không thấy một bài nào nhắc đến vua nhà Chu thời ông cả. Việc ông qua Chu để khảo về lễ, như trong Chương II tôi đã nói, chưa chắc đã có thật, mà nếu có thật thì cũng không thấy ông nhắc đến vua Chu. Và khi thôi làm quan ở Lỗ, ông bôn ba các nước chư hầu, năm lần ở Vệ, hai lần qua Trần, một lần qua Tống, một lần qua Sở, một lần tính qua Tấn… mà không có lần nào ông có ý qua Chu cả. (Sau này Mạnh Tử cũng vậy, mặc dầu chủ trương thống nhất thiên hạ mà qua Tề, Lương, Đằng…
chứ không qua Chu). Điều đó quả khó hiểu, Khổng tử cho rằng Chu đã yếu, nhỏ quá rồi, không thể giúp Chu phục hưng lên được chăng? Trong Xuân Thu, ông chép truyện thiên tử nhà Chu bị chư hầu gọi tới họp hội nghị ở Tiễn Thổ, mà thiên tử không dám từ chối, phải đi, và ông phải giấu việc đó, bảo “thiên vương đi tuần ở Hà Dương”. Chu bị lấn hiếp như vậy, chắc Khổng tử (và sau, Mạnh tử nữa) chán ngán, cho rằng vận của nhà Chu không thể cứu được. Chúng tôi chỉ đoán như vậy chứ trong Luận ngữ không có chỗ nào hé cho ta thấy thâm ý của Khổng tử về điểm đó cả. KHÔNG THÍCH CÁCH MẠNG Làm chính trị, hễ bảo thủ thì không thích cách mạng, hiểu theo nghĩa cổ: thay đổi mạng trời, tức hạ bệ một ông vua bằng võ lực. Khổng tử cũng vậy. Ông rất đề cao vua Thuấn, (coi các bài VIII.18, 19), cho rằng đất của Thuấn hiện rõ trong nhạc thiều, và ông có lần ham học nhạc thiều, đến nỗi ba tháng “không biết mùi thịt”, khen nhạc đó “cực hay lại cực tốt lành” (tận mĩ hĩ, hưu tận thiện dã). Còn Võ vương nhà Chu cũng được ông khen là một vị vua có tài, nhưng đức kém vua Thuấn, kém cả Văn vương (cha Võ vương) nữa, cho nên nhạc của Võ vương chỉ “cực hay thôi, chứ chưa cực tốt lành” (tận mĩ hĩ, vị tận thiện dã – III.25). Sở dĩ vậy là vì vua Thuấn được vua Nghêu nhường ngôi cho, mà Văn vương tuy đã được hai phần ba thiên hạ rồi mà vẫn thần phục nhà Ân (V.11 20); còn Võ vương phải diệt vua Trụ, nghĩa là phải dùng vũ lực, phải làm cách mạng, mới được ngôi, mặc dù là có mục
đích chính đáng: cứu dân khỏi cái họa phải sống dưới chế độ tàn bạo của Trụ. Có thể trong thâm tâm, Khổng tử chê Võ vương dù sao cũng là một loạn thần đối với nhà Ân, chứ không thần phục nhà Ân như cha. Tôi đoán như vậy vì trong Luận ngữ – bài VII – 14, Khổng tử khen Bá Di, Thúc Tề là người nhân, mà Di, Tề rất chê Võ vương. Họ là hai người con vua nước Cô Trúc, không chịu nhận ngôi vua, bỏ đi ở ẩn, sau qua giúp Văn vương nhà Chu là người có đức. Nhưng khi Võ vương đem quân diệt Trụ, họ dập đầu trước ngựa Võ vương, can: Cha mất không chôn mà dấy can qua, có đáng gọi là hiếu không? Làm tôi mà giết vua, đáng gọi là nhân không?” Võ vương không nghe; khi diệt nhà Ân rồi, thiên hạ đều tôn Chu, duy Di, Tề cho hành vi của Võ vương đáng xấu hổ, không thèm ăn lúa nhà Chu, ẩn ở núi Thú Dương, hái rau vi mà ăn. Sau chịu chết đói ở trong núi. Khen Di, Tề tức là chê cuộc cách mạng bằng võ lực của Võ vương. Khổng rất ghét dũng lực và phản loạn (tử bất ngữ quái, lực, loạn, thần. VIII.20). Ông nghĩ nếu vua không đủ tư cách thì phải lựa người khác để thay một cách ôn hòa. BẢO THỦ NHƯNG CẢI THIỆN Không một nhà tư tưởng nào chỉ bảo thủ, hoàn toàn bảo thủ thôi, mà lưu danh lại đời sau được, vì như vậy không cống hiến được gì mới cho đời. Khổng tử bảo thủ, hiếu cổ vì ông hiểu rằng dân tộc nào muốn mạnh, xã hội muốn vững cũng cần phải giữ một số truyền thống không thể cắt đứt hẳn với dĩ vãng được.
Truyền thống là một thứ keo để gắn các phần tử trong xã hội. Nhưng muốn bảo thủ thì phải sửa đổi, cải cách ít nhiều cho hợp thời, nếu không thì xã hội không tiến được, mà sẽ phải chịu một luật đào thải. Chẳng hạn thời xưa, khi tơ chưa sản xuất được nhiều, người ta dùng mũ gai, nhưng tới thời Khổng tử, tơ đã sản xuất nhiều, mũ tơ rẻ hơn, đỡ tốn công hơn, thì ông dùng mũ tơ. (IX.3). Khi Nhan Uyên hỏi phép trị nước, ông đáp: “Theo lịch nhà Hạ, ngồi xe nhà Ân, đội mũ miện nhà Chu, nhạc thì theo nhạc và vũ thiều…” (XV.10). Theo lịch nhà Hạ vì lịch nhà Hạ lấy tháng đầu làm tháng giêng (như Âm lịch của chúng ta ngày nay) tiện cho việc nông hơn là lấy tháng tí, tức tháng 11 làm tháng giêng như nhà Chu, hoặc lấy tháng sửu, tức tháng chạp làm tháng giêng như nhà Ân; dùng xe nhà Ân kiên cố, không hoa mĩ như xe nhà Chu; đội mũ miện nhà Chu vì kiểu mũ đó đẹp hơn cả. Như vậy ta thấy ông không theo hẳn nhà Chu, không hoàn toàn tòng Chu: ông chê Chu không thực tế khi làm lịch, và xa xỉ, quá trọng văn khi dùng xe. Trong một đoạn sau, khi xét về lễ, ông khuyên các việc lễ nên tiết kiệm, đừng trọng hình thức; đừng dùng nhiều hình phạt, đừng ham giết người… là ông cũng muốn sửa đổi phong tục, luật pháp của Chu, vì Chu quả có tật xa xỉ và đa sát, như mọi triều đại nào muốn cho xã hội có trật tự sau một cuộc chiến tranh diệt triều đại trước. Cải cách như vậy là biến quyền biến (bài IX.29, ông khuyên phải đứng vững trong chính đạo, nhưng cũng phải quyền biến,
tùy thời), biết tránh cực đoan, mà vừa phải, đừng thái quá, đừng bất cập, giữ đức trung dung, mà ông khen là rất đẹp: (Trung dung chi vi đức dã, kì chí hĩ hô! VI.27). CHÍNH DANH Khi xét tư tưởng chính trị của Khổng tử, nhà nào cũng nhận rằng một qui tắc chính của ông, một phát kiến của ông là thuyết chính danh. Tử Lộ, một học trò thân của ông, ngạc nhiên khi ông đưa ra thuyết đó, chê nó là vu khoát bị ông mắng: “Do, anh thật là thô thiển. Người quân tử có điều gì không biết thì đứng nói bậy. Nếu danh (hiệu) không chính (xác) thì lời nói không thuận lí (vì danh hiệu không hợp với thực tế); lời nói không thuận thì sự việc không thành; sự việc không thành thì lễ nhạc, chế độ không kiến lập được; lễ nhạc, chế độ không kiến lập được thì hình phạt không trúng; hình phạt không trúng thì dân không biết đặt tay chân vào đâu (không biết làm thế nào cho phải). Cho nên người quân tử đã dùng cái danh thì tất phải nói ra được (nói phải thuận lí), đã nói điều gì thì tất phải làm được. Đối với lời nói, người quân tử không thể cẩu thả được”. (XIII.3). Trong Chương II tôi đã nói ông muốn bảo Tử Lộ rằng việc đầu tiên làm cho Vệ được yên trị là lập một công tử khác làm vua Vệ, chứ để Xuất công Triếp không được mà đón Khoái Quí về cũng không được: Khoái Quí có tội muốn ám sát mẹ. Triếp có tội cự lại cha, Khoái Quí và Triếp là cha con mà tranh nhau ngôi vua, cả hai thiếu tư cách như vậy mà trị dân thì danh bất