text
stringlengths
1
809k
thành một triết lí thuần tuý, tức phái Biệt Mặc, rất chú trọng tới tri thức luận, mà Hồ Thích gọi là phái Khoa học. Chỉ duy có Khổng giáo trước sau vẫn hoàn toàn là một triết lí, không thời nào biến thành tôn giáo mà ảnh hưởng lớn hơn, bền hơn Lão giáo và Mặc giáo, ngang hàng với những tôn giáo lớn nhất thế giới như Phật giáo, Ki tô giáo, Hồi giáo… Điểm đó thật đặc biệt. Khổng tử không phải là một giáo chủ như Ki tô, Mohamet. Ông cũng tin có Trời như hai nhà đó, ông cũng sợ Trời nữa, nhưng cái mà ông gọi là “mệnh Trời” cơ hồ chỉ là những luật thiên nhiên. Và có điều này, chắc là theo ông, Trời không bao giờ “khải thị” gì cho loài người cả: “Trời có nói gì đâu? Bốn mùa thay đổi mà trăm vật sinh sinh hoá hoá. Trời có nói gì đâu? (Dương Hoá – 18). Đối với quỉ thần, ông có thái độ “kính nhi viễn chi” (Ung dã – 20). Mà ông cũng không tin ở sự cầu nguyện. Có lần ông đau nặng, một môn sinh là Tử Lộ xin ông làm lễ cầu đảo. Ông đáp: “Ta cầu đảo lâu rồi” (Thuật nhi – 34). Nghĩa là ông ăn ở phải đạo thì không cần cầu nguyện; mà kẻ nào có tội lỗi thì dù cầu nguyện, Trời cũng không nghe ( Hoạch tội ư thiên vô sở đảo dã – Bát dật – 18). Ngay từ hồi trẻ ông đã bỏ ra cả chục năm khảo cứu về các tế lễ đời trước; ông luôn luôn có thái độ rất thành kính trong các cuộc tế lễ – “tế thần thì tưởng như thần ở trước mặt mình” –
nhưng ông theo đúng sách Lễ kí (thiên Khúc lễ hạ): “Thiên tử tế Trời đất, tế bốn phương, tế núi sông, tế ngũ tự – thần cửa, ngõ, giếng, bếp và ở giữa nhà; chư hầu tế phương mình ở, tế ngũ tự; quan đại phu tế ngũ tự; kẻ sĩ tế tổ tiên”. Vậy thì ta có thể tin rằng trừ mấy năm chấp chính, trong nhà ông chỉ có bàn thờ tổ tiên; mà sự thờ cúng tổ tiên chỉ có ý nghĩa nhớ công ơn ông bà cha mẹ, cũng như sự kỉ niệm danh nhân, không thể gọi là tôn giáo được. Sự thờ phụng ông các đời sau ở văn miếu (tỉnh), văn chỉ (phủ, huyện), từ chỉ (làng) cũng không phải là tôn giáo vì chỉ các vị khoa bảng mới được lại dự để tế lễ, kỉ niệm một danh nhân, nhớ công một ông tổ vậy thôi. Ngày nay ta gọi ông là một triết gia. Thời ông không có danh từ đó, quan niệm đó, chỉ có một quan niệm từa tựa quan niệm “triết nhân” của chúng ta thôi, tức quan niệm “hiền nhân” hoặc “nhân nhân”; nhưng chính ông không khi nào tự nhận là một “hiền nhân” cả. Ông không có thái độ “duy ngã độc tôn” của một giáo chủ, hoặc thái độ “chỉ ta mới nắm được chân lí” như một số triết gia. Tôi chưa thấy ai khiêm tốn như ông. Ông bảo: “Trong một xóm mười nhà, tất có người trung tín như Khâu, nhưng không có ai ham học như Khâu này đâu” (Công Dã Tràng – 27). Ông đã lưu lại một nhân sinh quan cao thượng dựng trên năm đức căn bản: nhân (gồm cả trung và thứ), nghĩa (gồm cả
dũng), lễ, trí, tín; một chính trị quan lí tưởng, nhân bản: phải tu thân rồi mới trị quốc, người trên phải làm gương cho người dưới, lo cho dân đủ ăn, dạy dân và làm cho dân tin cậy mình. Vậy ông đáng là một triết gia lớn của nhân loại. Nhưng lại nhũn nhặn bảo: “Ta chỉ chép lại đạo lí, tài liệu đời trước thôi, chẳng lập ra thuyết gì mới cả” (Thuật nhi – 1). Thậm chí ông từ chối cái danh hiệu quân tử nữa. Ông bảo Tử Cống: “Đạo quân tử có ba điều mà ta không làm được một: có đức nhân mà không lo lắng; có đức trí mà không lầm lạc; có đức dũng mà không sợ sệt” (Hiến vấn – 30). Trước sau ông vẫn muốn làm chính trị để cứu đời, nhưng ông lại thất bại. Không kể hồi mười chín, hai mươi tuổi, làm một chức rất tầm thường là coi việc gạt thóc ở kho, nuôi bò dê để cúng tế, trong một cuộc đời bảy mươi hai năm, ông chỉ được cầm quyền ở Lỗ có sáu năm (502 496) hồi đã ngũ tuần, từ chức trung đô tể (như phủ doãn kinh thành) lên chức đại tư khấu (như thượng thư bộ binh), sau được quyền nhiếp chính (như tể tướng). Sau đó là một thời kì trôi dạt non mười lăm năm, qua Vệ, Trần, Thái, Sở… không được vua chư hầu nào dùng; sáu mươi tám tuổi trở về Lỗ, năm năm trước khi chết. Trong sáu năm cầm quyền ở Lỗ, dĩ nhiên ông không thể chuyên dạy học được, nhưng môn đệ vẫn theo ông, sống với ông và được ông chỉ bảo. Vậy ta có thể nói rằng ông dạy học hơn nửa thế kỉ, từ hồi hai mươi tuổi (hai môn đệ đầu tiên theo
ông học lễ là Hà Kị và Nam Cung Quát, con một quan ở Lỗ: Trọng Tôn Cồ). Chính ông cũng tự nhân là một người “học không biết chán, dạy người không biết mỏi” [258], nghĩa là một nhà giáo tận tuỵ, vừa dạy học vừa học thêm; và sự nghiệp ông lưu lại đời sau phần lớn là do công dạy học đó, nên người sau mới tặng ông cái danh hiệu “vạn thế sư biểu”. Chương 2 CÁCH MẠNG GIÁO DỤC Khổng tử đã làm hai cuộc cách mạng về giáo dục: 1. Bình dân hoá giáo dục Trước ông, theo chương Học kí trong sách Lễ kí, thì trong mỗi xóm hai mươi lăm nhà có một trường học gọi là “thục”; trong mỗi thị trấn gồm năm trăm nhà, có một trường học cao hơn gọi là “tường”; trong mỗi châu gồm hai ngàn rưỡi nhà, có một trường cao hơn nữa gọi là “tự”, sau cùng tại kinh đô mỗi nước có một trường cao hơn cả gọi là “học”. Ta có thể đoán rằng tổ chức đó khó áp dụng được đúng, và những trường đó là trường công, nhà giáo là những quan do triều đình bổ nhiệm (có thể cha truyền con nối), mà học sinh đại đa số là con những gia đình quí tộc. Thời Khổng tử, có thể có một số nhà giáo dạy tư, nhưng trong sử, trước thế kỉ thứ sáu trước T.L, không thấy chép có một trường nào thu nhận thanh niên mọi giới, và Khổng tử là người đầu tiên dám mở một trường như vậy mà thành công. Ông tuyên bố: “Hữu giáo vô loại” (Vệ Linh công – 38). Câu này Chu Hi giải thích là “dù người thiện hay kẻ ác thì cũng dạy, chứ không phân biệt” vì lẽ tính người vốn thiện, kẻ kia hoá ác là do tập nhiễm (tính tương cận, tập tương viễn)[259], nay nếu mình dạy họ thì họ sẽ hoá ra thiện trở lại được. Nhưng các học
giả ngày nay hiểu theo nghĩa khác: không phân biệt hạng người, gia thế, ai cũng dạy hết. Nghĩa là con quí tộc hay con bình dân, Khổng tử cũng coi ngang hàng. Phải nhớ lại xã hội phong kiến Trung Hoa hai ngàn rưỡi năm trước, mới nhận định được rõ cuộc cách mạng đó của ông; nó cũng có ý nghĩa như cuộc cách mạng của Thích Ca để san phẳng các tập cấp (caste) ở Ấn. Ông chuyên sống bằng nghề dây tư, nên không làm ruộng để mưu sinh như các ẩn sĩ đương thời, phải trông cậy vào sự chu cấp của môn sinh. Do đó có người chê ông là “chẳng động gì tới tay chân cả, không phân biệt nổi ngũ cốc” (Vi tử – 15), là hạng người ăn hại “không cày bừa, không dệt mà có ăn có mặc, khua môi múa mỏ, bày đặt ra chuyện phải trái làm mê hoặc các vua chúa trong thiên hạ” (Trang tử – thiên Đạo chích). Nhưng ông không phân biệt người giàu kẻ nghèo, kẻ nào xin học, muốn dâng ông lễ gì ông cũng nhận, dù chỉ là một bó mười chiếc nem (Thuật nhi – 7). Còn cái việc không phân biệt thiện ác thì là chuyện dĩ nhiên. Chương Thuật nhi – 28, có kể một thanh niên ở làng Hỗ Hương[260] lại xin học, ông nhận; môn đồ ông có vẻ nghi kị anh ta vì làng Hỗ Hương nổi tiếng là “khó dạy”. Ông bảo: “Người ta lấy tấm lòng trong sạch mà đến với mình thì mình vì tấm lòng đó mà thu nhận người ta; còn việc cũ của người ta ra sao, không nghĩ tới”. 2. Chính trị hoá giáo dục Trước ông, trong thời ông và có lẽ cả sau ông nữa, thanh niên trong các gia đình quí tộc vào các nhà “tự”, nhà “học” để
học về “lục nghệ” (sáu nghề): lễ, nhạc, xạ (bắn), ngự (đánh xe – xe đây là chiến xa), thư (viết lách, thảo văn thư), số (tính toán) mà sau thành những quan lại của triều đình, tức một hạng mà ngày nay chúng ta gọi là kĩ thuật gia hoặc nhà chuyên môn. Mục đích của ông khác: ông chú trọng đến sự học để cứu đời, cốt đào tạo những người có đức hạnh, trí óc sáng suốt, có liêm sỉ, để làm chính trị, cải tạo xã hội, hơn là đào tạo những nhà chuyên môn. Ông sinh vào một thời loạn, nhà Chu đã suy, các chư hầu không tuân lệnh thiên tử nữa, mỗi nhà hùng cứ một phương, tranh giành đất đai với nhau, chiến tranh liên miên, không năm nào không có. Họ không thèm nộp cống mặc dầu chỉ là tượng trưng (trong 242 năm, nước Lỗ chỉ triều cống có ba lần!), nhà Chu đất đai hẹp, mỗi ngày một nghèo, chỉ còn đóng vai trò bù nhìn. Khổng tử muốn lập lại trật tự cũ, hô hào chư hầu phải giữ tôn ti, tuân lệnh người trên[261], nhưng cái tôn ti đó dựng trên đạo đức trước hết: người trên phải làm gương cho người dưới; “quân quân, thân thần, phụ phụ, tử tử” [262]. Có lẽ ông chưa dám hô hào bỏ đặc quyền của các quí tộc – thời ông còn sớm quá – nhưng khi đã bình dân hoá giáo dục, rồi lại coi trọng đạo đức hơn chức tước, coi trọng bổn phận hơn quyền lợi, cho chữ “quân tử” một nghĩa khác hẳn nghĩa đương thời: người có tài đức chứ không phải có địa vị hơn người, thì ta phải nhận rằng ông đã làm một cuộc cách mạng quan trọng, đã muốn thực hiện một thứ bình đẳng dựa trên chân giá trị của con người.
Có thể ông và môn đồ của ông là một đảng chính trị, ông đào tạo họ thành những cán bộ để thực hành chủ trương của ông (về điểm đó, ông mở đường cho Mặc tử sau này), vì vậy chương trình dạy học của ông khác chương trình đương thời. Có lẽ chương trình đó thành hình lần lần: hồi trẻ, ông dạy lễ trước hết (cho Hà Kị và Nam Cung Quát) vì ông chuyên môn về lễ, rồi ông dạy Thi, Thư nữa, về già ông mới soạn kinh Xuân Thu và cần cù nghiên cứu Kinh Dịch. Tôi không chắc ông đã đem Kinh Dịch ra giảng cho môn sinh; tôi cũng không biết danh từ “lục nghệ” trỏ: 1 lễ, 2 nhạc, 3 thi, 4 thư, 5 Xuân Thu, 6 Dịch, xuất hiện từ hồi nào; nhưng có điều chắc chắn là ông không dạy hai môn ngự và xạ mặc dầu là ông biết hai môn đó và thân phụ ông là một quan võ (Liu Wu Chi – La philosophie de Confucius – Payot – trang 13), cho nên khi Vệ Linh Công hỏi ông về việc bày binh bố trận, ông đáp rằng không biết, chỉ biết việc sắp đặt các đồ cúng tế (trở đậu) thôi, rồi sáng hôm sau ông bỏ đi liền (Vệ Linh Công – 1). Cũng không chắc rằng ông dạy môn toán (số); nhưng ông chú trọng đến môn ăn nói (ngày nay ta gọi là môn hùng biện), tức Kinh Thi, vì môn đó thời nào cũng cần cho chính trị gia, và ở thời ông, phải thuộc nhiều bài trong Kinh Thi để cho lời nói thêm hoa mĩ, du dương, ứng đối lưu loát: các nhà ngoại giao thời ông thích dẫn lời trong Kinh Thi lắm, cho nên ông mới nói:
“bất học Thi vô dĩ ngôn” (Quí thị – 13). Dĩ nhiên ông không dạy các nghề như làm ruộng, đi buôn… Phàn Trì xin ông dạy nghề làm ruộng, làm vườn, ông đáp hai nghề đó ông không rành bằng một ông lão làm ruộng, một ông lão làm vườn. Khi Phàn Trì bước đi rồi, ông chê chí khí của Phàn Trì nhỏ nhen (Tử Lộ – 4). Ông muốn lập lại trật tự của xã hội, khiến cho vua chúa biết trọng lễ nghĩa để cho dân tin, phục, thì học nghề cày cấy làm quái gì. Ông tin rằng con dân một nước có hiếu đễ thì nước đó sẽ có trật tự, bình trị, cho nên ông dạy cho môn sinh trước hết phải hiếu đễ, tập tính cẩn thận và thành thực, thương yêu mọi người, gần gũi các người nhân đức, rồi có dư sức mới học văn, tức thi, thư, lễ, nhạc (Học nhi – 6). Chương Thuật Nhi – 6, ông lại khuyên: để tâm trí vào đạo lí, cố giữ gìn đức hạnh, theo điều nhân, còn việc học lục nghệ là điều phụ. Ông là người đầu tiên mà có lẽ cũng là người duy nhất chủ trương phải tu thân rồi mới tề gia, trị quốc; như vậy phải có đạo đức rồi mới làm chính trị được; cho nên ông bắt môn đệ phải tự xét mình, làm chủ được mình: “Người quân tử có chín mối xét nét: 1 khi trông phải cố ý trông cho rõ, 2 khi nghe phải lắng tai nghe cho rõ[263], 3 sắc diện phải giữ cho ôn hoà, 4 dung mạo phải khiêm cung, 5 nói điều gì phải trung thực, 6 làm việc gì phải kính cẩn, 7 có điều gì nghi hoặc thì phải hỏi han, tìm hiểu, 8 khi giận dữ thì phải nghĩ đến hậu quả tai hại sẽ xảy ra, 9 thấy mối lợi thì phải nghĩ đến điều nghĩa” (Quí thị – 10).
Tuy nhiên ông cũng trọng trí dục ngang với đức dục: ba đức căn bản của Khổng giáo: nhân, trí, dũng, y hệt ba đức căn bản của Phật giáo: bi, trí, dũng. Một hôm ông hỏi Tử Lộ: Do (tên của Tử Lộ) này, anh có nghe nói sáu đức tốt bị sáu cái hại che lấp không? Tử Lộ đáp: Thưa thầy, chưa. Ngồi xuống đây, thầy dạy cho. Người ham điều nhân mà không chịu học hỏi thì bị cái hại là ngu muội; người ham đức trí mà không chịu học hỏi thì bị cái hại là phóng đãng; người trọng đức tín mà không chịu học hỏi thì bị tổn hại (nghĩa là bị lừa gạt); người ưa sự ngay thẳng mà không chịu học hỏi thì hoá ra nóng nảy; người ưa dũng cảm mà không chịu học hỏi thì hoá ra phản loạn; người thích cương quyết mà không chịu học hỏi thì hoá ra cường bạo” (Dương Hoá – 8). Và ông rất trọng thực tế, không bàn về chuyện chết rồi sẽ ra sao, không xét về phần siêu hình chẳng hạn như bản tính con người, cùng đạo Trời (Công Dã Tràng – 12), mạng Trời (Tử hãn – 1). Ông cốt đào tạo một lớp nhân tài có đức hạnh để họ giúp nước, mà thời đó kẻ sĩ chỉ có mỗi một cách giúp nước là làm quan; nhưng ông rất ghét bọn làm quan chỉ để hưởng lộc, lúc quốc gia thịnh trị, chẳng giúp dân được gì, chỉ ngồi đó hưởng lộc, lúc quốc gia loạn lạc thì nắng chiều nào che chiều ấy, cũng để hưởng lộc nữa; ông gọi họ là bọn vô liêm sỉ (Hiến vấn – 1); và có lần ông phàn nàn rằng không dễ gì thấy được một người
học ba năm mà không muốn cầu bổng lộc. Nhưng ta nên ghi nhận thêm điều này: Tuy ông bôn ba gần suốt đời để cứu vãn xã hội, ra công đào tạo một số môn sinh cho thành những chính trị gia có tài đức; nhưng cơ hồ như lí tưởng tối cao, tối hậu của ông không phải ở đó. Một lần (Tiên tiến – 25): “Tử Lộ, Tăng Tích, Nhiễm Hữu và Công Tây Hoa ngồi hầu ông. Ông bảo: Các anh cho rằng ta có chỗ hơn các anh một ngày[264] mà ngại, nhưng đừng ngại gì cả. Ở nhà các anh thường nói: “Chẳng ai biết dùng [tài của] ta”. Nhưng nếu có người biết thì các anh đem tài năng gì ra dùng? Tử Lộ vội vàng đáp: Ví như một nước nhỏ có một ngàn cỗ chiến xa, bị ép giữa hai nước lớn, lại có thêm nạn chiến tranh, dân chúng đói khổ, cho Do (tên của Tử Lộ) tôi cầm quyền chính trị nước đó thì chỉ ba năm, có thể khiến cho dân chúng dũng cảm mà biết đạo lí nữa. Ông mỉm cười. Rồi hỏi: Còn anh Cầu, anh thì thế nào? Nhiễm Hữu đáp: Như một nước vuông vức có sáu bảy chục dặm [nghĩa là một nước rất nhỏ], mà cho Cầu tôi cầm quyền chính trị thì chỉ ba năm có thể khiến cho dân chúng được no đủ. Còn về lễ nhạc thì xin đợi bậc quân tử. Xích, anh thì thế nào? Công Tây Hoa đáp: Về lễ nhạc, tôi không phải là giỏi, nhưng tôi xin được học. Trong việc tế tự ở tôn miếu hay trong hội nghị các chư hầu, Xích tôi xin mặc áo lễ huyền đoan, đội mũ chương phủ mà lãnh một chức nhỏ.
Điểm, còn anh thế nào? Lúc đó Tăng Tích gẩy cây đàn sắt vừa ngưng, đặt xuống, nghe reng một tiếng rồi đứng dậy đáp: Chí của tôi khác hẳn ba anh đó. Ông bảo: Hại gì đâu? Cũng là ai nấy tỏ chí của mình ra mà thôi. Tăng Tích bèn thưa: Như bây giờ là cuối tháng mùa xuân, y phục mùa xuân đã may xong, năm sáu người vừa tuổi đôi mươi, với sáu bảy em bé dắt nhau đi tắm sông Nghi rồi lên hứng mát ở nền Vũ Vu, vừa đi vừa hát, kéo nhau về nhà [tôi ước ao như vậy[265]]. Ông ngẫm nghĩ một chút rồi than: “Ta cũng muốn như anh Điểm”. Đ ọ c Luận ngữ tôi thích nhất đoạn đó. Người ta chê đạo Khổng thực tế quá hoá khô khan, nhưng chính Khổng tử có tính tình rất đa cảm và nghệ sĩ (tôi sẽ trở lại điểm này), tất cũng biết cái thú nhàn như Lão, Trang; nhưng ông rất ưu thời mẫn thế, phải quên sở thích để cứu đời đã, để tạo một xã hội trong đó già trẻ, trai gái ai cũng được hưởng cái thú tắm mát trong dòng sông Nghi rồi hứng gió trên nền Vũ Vu, rồi ông mới có thể vui với mọi người được. Như vậy là ông suốt đời hi sinh, ta vừa quí ông mà vừa phục; chứ như Lão hay Trang, thì ta chỉ quí thôi chứ không phục được. Chương 3 TÍNH TÌNH VÀ TƯ CÁCH KHỔNG TỬ Không kể mấy chục năm bôn ba hết nước này qua nước khác để cố thi hành đạo của mình, mấy lần bị tai nạn, một lần bị vây đánh ở đất Khuông, một lần bị Hoàn Khôi, quan tư mã nước Tống, muốn giết, một lần lạc đường, thầy trò cùng đói, lang thang như bầy thú rừng, rồi bao nhiêu lần bị người đời hiểu lầm mà trách mắng, không kể tất cả những nỗi lao đao tự ông vì đời
mà chuốc vào thân, chỉ xét công lao ông dạy học trên nửa thế kỉ, cũng thấy được đức hi sinh của ông ra sao. Trước hết chúng ta hãy xét tính tình và tư cách của ông đã, vì đối với một nhà giáo cái đó quan trọng bậc nhất, hơn xa kiến thức cùng phương pháp dạy dỗ. Triết gia thời nào, xứ nào cũng có một số môn đệ, nhưng tôi chưa từng thấy nhà nào, kể cả Lạo tử, Mặc tử, được học trò ngưỡng mộ, vừa kính vừa yêu, hơn cha nữa, như Khổng tử; tôi cũng chưa từng thấy nhà nào chết trăm năm[266] rồi mà được môn sinh chép lại ngôn hành một tập như nhật kí, tức bộ Luận ngữ. Sở dĩ vậy là vì ông có một tính tình rất khả ái và một tư cách rất cao. Trong Luận ngữ, có đến hai bài nói đến đức ôn hoà mà cung kính của ông: bài Học nhi 10, nhất là bài Thuật nhi 37: Ông ôn hoà nhưng nghiêm trang, oai vệ nhưng thư thái, hiền từ (Tử ôn nhi lệ, oai nhi bất mãnh, cung nhi an)[267]. Ông hiếu học, suốt đời vừa dạy vừa học thêm, thành một nhà bác học bậc nhất đương thời, đó cũng là một điều kiện chính để được môn đồ phục, vì đức hạnh cùng sự hiểu biết của ông thầy không mỗi năm mỗi tiến thì học trò không chịu theo lâu, mà có những môn sinh như Tử Cống, Tử Lộ… theo ông cả chục năm. Ở trên tôi đã dẫn bài Công Dã Tràng 27, trong đó ông tự nhận chỉ có mỗi một đức hiếu học là hơn người. Chắc ai cũng nhớ câu: “Tam nhân hành tất hữu ngã sư yên ” của ông (Thuật
nhi – 21). Dù chỉ đi một quãng đường với vài người khác, ông cũng để ý xét những người đó có đức gì làm gương cho mình, có tật gì để cho mình tránh không. Và ông nhận những người đó đều là thầy của ông cả. Ông khen Khổng Văn tử, một đại phu nước Vệ, là “chịu học những người dưới, không lấy làm thẹn” (“bất sỉ hạ vấn” – Công Dã Tràng – 14). Suốt đời ông rán tránh tật này: 1 “vô ý”, nghĩa là khi xét một việc gì, không đem ý riêng của mình vào mà cứ theo lẽ phải” [268]; 2 “vô tất”, tức không quyết rằng điều đó tất đúng hoặc việc đó tất làm được; 3 “vô cố”, tức không câu nệ, cố chấp; 4 “vô ngã”, tức như ngày nay ta nói phải quên mình đi đừng để cho cái “ta” làm mờ ám[269] (Tử tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã – Tử Hãn – 4). Các nhà khoa học ngày nay cũng chỉ khuyên ta như vậy, chứ không hơn. Như mọi người thực hiếu học, ông rất khiêm tốn: ông không dám tự nhận là bậc thánh, bậc nhân, mà còn bảo là chưa được là bậc quân tử nữa, vì người quân tử không lo lắng, không lầm lạc, không sợ sệt, ba điều ông chưa có được một (Hiến vấn – 30). Ông khuyên môn đệ “biết điều gì thì nói là biết, không biết thì nhận là không biết” (Vi chính – 17), “muốn dạy người ta làm điều gì thì thực hành điều đó rồi sau hãy dạy” (Vi chính – 13)[270], “nên ít nói mà làm nhiều” (Lí nhân – 23). Như vậy là ông rất thận trọng.
Ông khiêm tốn lại tế nhị. Vua Chiêu Công nước Lỗ cưới một thiếu nữ nước Ngô cùng họ, như vậy là trái lễ. Quan tư bại (cũng như thượng thư bộ hình) có ý chê Chiêu Công, hỏi Khổng tử: Vua Chiêu Công biết lễ không? Ông đáp: Biết. Rồi lui vào nhà trong. Quan tư bại lại gần Vu Mã Kì, một môn đệ của Khổng tử, bảo: Tôi nghe nói người quân tử không thiên vị; thì ra người quân tử [trỏ Khổng tử] cũng thiên vị ư? Vu Mã Kì đem lời ấy kể lại với thầy, Khổng tử chỉ đáp: Khâu này thật may mắn; nếu có lỗi điều gì thì mọi người đều biết (Thuật nhi – 30). Ông cũng biết rằng vua Chiêu Công làm một việc trái lễ, nhưng không nỡ chê vua của mình trước mặt người khác; sẵn lòng nhận lời trách của quan tư bại, chứ không cãi, mà còn tỏ ý mang ơn quan tư bại đã vạch lỗi của mình nữa. Phải là bậc đại hiền mới có thái độ như vậy được. Tư cách của ông thật cao hơn chúng ta nhiều quá, mà ông lại gần gũi với chúng ta, rất tự nhiên, giản dị, ghét bọn “xảo ngôn lệnh sắc”, nói thì cốt người ta hiểu mình là đủ, ( từ đạt nhi dĩ hĩ)[271], không màu mè tô chuốt. Trong một đoạn sau, chúng ta sẽ thấy lối sống giản dị, thân mật của ông với các môn sinh. Ông lạc quan, vui tính. Một hôm Diệp Công hỏi Tử Lộ về ông. Tử Lộ không biết đáp sao, về thưa lại với ông. Ông bảo: “Tại sao anh không đáp như vầy: Thầy tôi là một người ham tìm hiểu điều gì thì quên ăn, vui đạo mà quên các nỗi buồn, không
thấy tuổi già nó tới? (Thuật nhi – 18). Ông có những tình thương của con người nên rất gần chúng ta. Khi một người họ Diệp bảo ông: “Bọn tôi – hoặc xóm tôi – có những người ngay thẳng rất mực: hễ cha ăn cắp cừu thì con khai thực”, ông đáp: “Bọn tôi – hoặc xóm tôi – người ngay thẳng cư xử khác vậy: cha che lỗi cho con, con che lỗi cho cha, như vậy là ngay thẳng”. (Tử Lộ – 18). Một lần khác ông mắng Nguyên Nhưỡng, một người quen từ lâu: “Hồi trẻ không biết kính người trên, lớn lên chẳng làm được điều gì đáng khen; già mà chẳng chết đi cho rồi, như vậy sống chỉ phá hoại thôi”, rồi ông cầm gậy gõ vào ống chân của Nguyên Nhưỡng. (Hiến vấn – 46). Rõ là cử chỉ, ngôn ngữ của những ông già ta thường thấy chung quanh ta; ông đâu có vẻ trịnh trọng như các cụ đồ Nho tưởng. Hai truyện dưới đây cho ta thấy, nếu cần, ông cũng biết dùng “thủ đoạn”. Nhũ Bi[272] có một lỗi gì nặng, muốn yết kiến ông, ông từ chối, sai người ra bảo rằng ông đau không tiếp được. Người này vừa mới bước ra, ông cầm cây đàn sắt lên, vừa đàn vừa ca, chủ ý cho Nhũ Bi biết. (Dương Hoá – 19). Lần khác, Dương Hoá, một kẻ gian thần mà ông vốn ghét, muốn ông đến thăm hắn, nhưng ông không đến. Hắn bèn sai gia nhân đem tặng một con heo luộc. Theo lễ, ông phải đến cảm ơn, nhưng ông rình lúc Dương Hoá không có ở nhà mới tới. (Dương Hoá – 1). Ông có tâm hồn nghệ sĩ, hồi ở nước Tề, ham mê học nhạc Thiều tới nỗi luôn ba tháng không biết mùi thịt, và bảo: “Thật không ngờ nhạc của vua Thuấn lại tận thiện tận mĩ đến thế!”
(Thuật nhi – 13). Ông lại biết ca nữa chứ. Cùng hát với ai, ông thấy hay thì ông bảo hát lại cho ông hoạ theo (Thuật nhi – 31). Như mọi nghệ sĩ, ông rất đa cảm: ở nhà người có tang thì buồn rầu, ăn không bao giờ no; ngày nào đi điếu ai thì hôm đó không đàn ca. (Thuật nhi – 9) – Khi Nhan Hồi (môn đệ được ông yêu nhất) chết, ông khóc nức nở, tới nỗi các người chung quanh phải ngạc nhiên. Dễ thương nhất là bậc “vạn thế sư biểu” ta tưởng rất mực đạo mạo, lại có tinh thần hài hước hơn hết thảy các triết gia khác đời Xuân Thu và Chiến Quốc. Trong đời ông bôn ba khắp các nước chư hầu, có lần môn đệ thất vọng quá, ông bảo: “Thầy trò mình chẳng phải trâu, cọp mà lang thang trong đồng hoang như vầy. Đạo của thầy sai chăng? Sao mà thầy trò mình phải gặp cảnh đó?” [273] Lần khác, thầy trò lạc nhau. Tử Cống đi tìm ông. Một người dân thấy ông, bảo Tử Cống: “Tôi mới thấy một người đứng ở cửa Đông, trán như trán vua Nghiêu, cổ như cổ ông Cao Dao, thấp người như vua Vũ (?), coi có vẻ thảm hại như con chó hoang vậy”. Khi thầy trò gặp nhau rồi, Tử Cống kể lại lời đó, Khổng tử mỉm cười bảo: “Người đó tả hình dáng của ta không biết có đúng không, nhưng cái vẻ thảm hại như con chó hoang thì đúng lắm” [274]. Thầy trò ông vẫn thường thân mật nói đùa với nhau như vậy. Một hôm ông bảo Nhan Hồi (?): “Nếu anh giàu có thì thầy muốn làm quản gia cho anh” [275].
Lần khác ông bảo: “Nếu muốn làm giàu mà được thì làm tên cầm roi đánh xe hầu người, ta cũng làm”. (Thuật nhi – 11). Đọc Luận ngữ, thỉnh thoảng gặp những bài ông tự mỉa hoặc nói đùa với môn đệ như vậy, chúng ta mỉm cười, tưởng ông như đồng thời với chúng ta, ở trong đám người chung quanh ta, không có chút gì cách biệt với ta cả. Tóm lại ông vừa là một học giả, một triết nhân, vừa là một nghệ sĩ giản dị, tự nhiên. Chương 4 CÁCH KHỔNG TỬ DẠY HỌC Tư cách cao thượng, tính tình khả ái, mà dạy học thì rất tận tâm. Chương Thuật Nhi, bài 2. ông tự cho mình “học không biết chán, dạy không biết mỏi”; rồi cũng chương đó, bài 33, ông lại nói: “Nhận là bậc thánh và bậc nhân thì ta đâu dám; nhưng làm việc không biết chán, dạy người không biết mỏi, chỉ có thể gọi ta như vậy được thôi” [276]. Công Tây Hoa[277] nghe vậy, thưa: “Chính hai điều đó, chúng con không theo kịp thầy được”. Chúng ta có thể nói thêm suốt đời Xuân Thu và Chiến Quốc, có lẽ chỉ có Mặc tử là theo kịp ông. Ông tận tâm dạy học cho bất kì ai. Dù cho người đó tối tăm đến đâu, hỏi ông điều gì thì ông cũng dẫn dắt tường tận từ đầu đến đuôi (Tử hãn – 7). Giảng dạy như vậy cũng là một cách sắp đặt, kiểm soát tư tưởng của mình, tức một cách tự học thêm. Ông tuần tự dẫn dắt môn sinh, bắt họ gắng sức hoài, dù muốn nghỉ cũng không được. Cho nên Nhan Uyên đã phải nói: Thầy dùng văn học mà mở mang trí thức cho tôi, dùng lễ mà
ước thúc tâm thần cho tôi. Tôi muốn ngừng mà không được. Tôi đã gắng hết sức mà vẫn thấy cái gì sừng sững trước mặt (không vượt nổi), tôi muốn theo tới cùng mà không làm sao theo được. (Tử hãn – 10). Nhiễm Hữu cũng thấy vậy, thưa với ông: Chẳng phải là con không mộ đạo của thầy, nhưng sức con theo không nổi. Có lẽ Nhiễm Hữu thiếu đức tự tín, nên ông phải đốc thúc: Kẻ không đủ sức, đi được nửa đường thì bỏ. Anh không phải vậy, anh tự vạch trước mức đường, chỉ mong tới đó rồi thôi. (Ung dã – 10). Điểm mà nhiều môn sinh thấy khó nhất là ông không chỉ cho hết, chỉ gợi ý để họ tự tìm lấy, vì vậy lời dạy của ông rất vắn tắt. So Luận ngữ với Mạnh tử ta thấy hai bộ này tương phản nhau: Luận ngữ là lời một bực minh triết, cô động và sâu sắc; Mạnh tử là lời một nhà hùng biện, rõ ràng mà lôi cuốn. Ông bảo: “Kẻ nào không hăng hái muốn tìm hiểu thì ta không thể giúp cho hiểu được; kẻ nào không rán tỏ ý kiến thì ta không thể giúp cho phát biểu ý kiến được. Ta vén lên một góc mà chẳng tự tìm ra được ba góc kia thì ta không giảng thêm cho nữa”. (Thuật nhi – 8). Chẳng hạn ông chỉ bảo: “Ngô đạo nhất dĩ quán chi” và môn sinh phải tự tìm ra cái lí nhất quán đó là gì. Nhưng chắc chỉ hạng trên bậc trung ông mới dạy theo cách ấy, chứ hạng dưới bậc trung thì vén cho ba góc, tự tìm lấy được góc thứ tư cũng đã là khá rồi. Nếu là kẻ tối tăm thì ông phải dẫn dắt từ đầu tới cuối.
Ông lại nói: “Người nào không tự hỏi: “Phải làm sao? Phải làm sao?” thì ta cũng chẳng có cách nào chỉ bảo cho được” (Vệ Linh công – 15); vì “học mà không suy nghĩ thì công toi, không hiểu được gì” (Vi chính – 15). Ông thường gợi cho môn sinh tự xét mình, tự so sánh với bạn khác để họ gắng sức thêm. Một lần ông gọi Tử Cống lại hỏi: Anh tự xét anh với anh [Nhan] Hồi, ai hơn ai kém? Tử Cống đáp: Con đâu dám sánh với anh Hồi. Anh Hồi nghe một mà biết mười, con nghe một chỉ biết được hai. Phải, anh không bằng anh Hồi. Ta cũng nhận vậy. (Công Dã Tràng – 8). Nhất là ông bắt phải thực hành. Ta nên nhớ chữ “học” trong đạo Khổng thường có nghĩa là học đạo sửa mình, cho nên phần thực hành quan trọng nhất. Hiểu thế nào là thực hành nhân, lễ, nghĩa, trí, tín… mà không thực hành thì cái hiểu đó hoàn toàn vô dụng; trái lại, nếu thực hành mỗi ngày một tấn tới thì vui vô cùng. Cho nên bộ Luận ngữ mở đầu bằng câu: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? (Học mà ngày nào cũng tập tành thì cũng chẳng vui ư?). Ông dạy mỗi người một khác, tuỳ tư cách, trí tuệ từng người mà giảng: người bậc trung trở lên thì mới đem những điều cao xa ra nói; người dưới bậc trung thì không nên (Trung nhân dĩ thượng, khả dĩ ngữ thượng dã; trung nhân dĩ hạ, bất khả dĩ ngữ thượng dã. – Ung dã – 19). Ông lại tìm sở đoản của mỗi môn sinh mà sửa cho, sở
trường thì bồi bổ cho. Vì vậy bốn môn sinh cùng hỏi về đức hiếu, mà ông trả lời mỗi người một khác. Điểm này đã được Phan Bội Châu phân tích rất kĩ trong cuốn Khổng học đăng – quyển 1, chương XVII (Anh Minh – Huế 1967), tôi chỉ xin tóm tắt lại dưới đây: Mạnh Ý tử là người hay chiều cha mẹ mà không biết giữ lễ, nên Khổng tử bảo: “vô vi” [278], tức là đừng trái lẽ phải, tức đừng trái lễ (Vi chính – 5). Mạnh Vũ Bá thường có bệnh tật (có sách chú thích rằng có tính “càn dỡ, không thận trọng lấy thân” nên Khổng tử nhắc: “phụ mẫu duy kì tật chi ưu”, nghĩa là “cha mẹ chỉ lo ngại cho con mắc bệnh tật” [279]. (Phan Bội Châu giảng là: cha mẹ thương yêu các con ngang nhau, nhưng riêng đứa nào có tật bệnh thì cha mẹ lo lắng hơn nhiều. (Vi chính – 6). Tử Du tuy biết nuôi cha mẹ mà thiếu lòng kính, nên Khổng tử bảo: “Ngày nay ai biết nuôi nấng cha mẹ thì người ta cho là có hiếu, nhưng chó ngựa kia cũng “biết đem năng lực ra cung phụng chủ nhà” [280], nuôi nấng mà không cung kính thì có khác gì chó ngựa?” (Vi Chính – 7). Tử Hạ có thói cau có, không vui hoà với cha mẹ, nên Khổng tử đáp: “sắc nan”, nghĩa là giữ nét mặt vui hoà với cha mẹ, điều đó mới khó. (Vi chính – 8). Bốn bài hỏi về hiếu đó, sắp liên tiếp nhau trong chương Vi chính, là có ý nghĩa lắm. Về đức nhân cũng vậy, có cả chục lần môn đệ đem ra hỏi, mỗi lần Khổng tử dạy một khác. Về chính trị, lễ, nghĩa v.v…
cũng có năm sáu bài, không bài nào giống bài nào. Vì mỗi vấn đề có nhiều khía cạnh, phải biết rõ câu chuyện xảy ra trong trường hợp nào mới hiểu hết được ý nghĩa, mà Luận ngữ lại ghi chép vắn tắt quá, các nhà chú thích đời sau không tra cứu được, nên trong các bài về nhân, lễ, nghĩa… chúng tôi không biết rõ được thâm ý của Khổng tử bằng bốn bài về hiếu đã dẫn ở trên. Tôi xin dẫn thêm một bài nữa, ý nghĩa thật rõ ràng, mà rất lí thú, có thể làm mẫu mực về cách dạy học, để các nhà nghiên cứu giáo dục suy ngẫm. Hai môn đệ Tử Lộ và Nhiễm Hữu cùng hỏi Khổng tử một câu: “Văn tư hành chư?” nghĩa là “Hễ nghe được điều gì[281] thì làm liền chăng?” Khổng tử đáp Tử Lộ: Ở trên còn cha anh, mình là con em, phải hỏi ý kiến cha anh đã chứ, đâu có thể nghe rồi làm liền được. Trái lại, ông khuyên Nhiễm Hữu: Ừ, nghe rồi thì làm liền đi. Công Tây Hoa (cũng là môn đệ) thấy ông trả lời hai lần trái ngược hẳn nhau, đâm ra nghi hoặc, hỏi tại sao, ông đáp: Tính Nhiễm hữu nhút nhát, rụt rè, nên thầy phải thúc đẩy; còn tính Tử Lộ hăng hái hơn người, nên thầy phải kéo lùi lại. (Tiên tiến – 21). Vậy lối dạy của ông đúng như lối mà người Pháp ngày nay gọi là “enseignement sur mesure”, tuỳ tính tình, trí tuệ, tư cách mỗi người, cũng như may áo phải tuỳ kích thước của mỗi người. Sau cùng còn một điểm nữa rất quan trọng, ta có thể đoán được, là ông luôn luôn làm gương cho môn sinh, vì ông chủ
trương rằng người trên phải làm gương cho người dưới. Trong Luận ngữ, có cả chục bài khuyên vua chúa phải cư xử cho ra vua chúa, phải lấy đức mà trị dân, phải làm gương cho dân…[282]; đó không thuộc phạm vi của tập này, nên tôi chỉ xin chép lại bài Thuật nhi – 3, để độc giả thấy Khổng tử luôn luôn sửa mình. Ông bảo: “Đức hạnh không trao dồi, học vấn không tinh tường, nghe được điều nghĩa mà không làm theo, có điều gì chẳng phải mà không sửa đổi, đó là những điều ta lấy làm lo”. Vừa siêng năng học hỏi thêm, vừa tận tuỵ dạy học như vậy, mà bắt đầu từ hồi bốn mươi tuổi, ông lại còn thu thập tài liệu để viết sách nữa; ta phải phục sức làm việc của ông. Đành rằng những bài trong Kinh Thu, Kinh Thư đã lưu hành từ trước, ông chỉ có việc chép nhặt, sắp đặt lại; còn việc chú giải Kinh Dịch không chắc đã là của ông; nhưng việc nghiên cứu lễ, nhạc để soạn thành sách thì quả là công của ông, và Kinh Xuân Thu thì hiển nhiên là do ông trứ thuật. Chỉ một kinh đó cũng đủ cho ông lưu danh là tác giả đầu tiên của Trung Hoa, mở đường cho Lão tử[283], Trang tử, Mạnh tử, Tuân Tử… vì tập Chu Lễ tương truyền của Chu Công soạn, nhưng sự thực thì có lẽ viết từ trước thế kỉ thứ năm tới thế kỉ thứ ba trước T.L; còn cuốn Quản tử thì ai cũng cho là do đời sau (cuối thời Chiến Quốc?) nguỵ tác. Sở dĩ ông vất vả, mệt nhọc như vậy, lắm lúc thèm cái thú nhàn tản, (mà sau này Lão, Trang đề cao): tắm mát trên dòng
sông Nghi rồi lên hóng gió ở nền Vũ Vu, là vì ông muốn cứu loạn cho đời; nếu đời không loạn thì ông đâu phải bận tâm sửa đổi xã hội làm chi – “Thiên hạ hữu đạo, Khâu bất dữ dịch dã”. (Vi tử – 6). Chương 5 TÌNH THẦY TRÒ Cách dạy của ông làm cho môn sinh ngưỡng mộ; cách cư xử của ông đối với họ làm cho họ yêu quí như cha. Tôi thường tự hỏi khắp thế giới chỉ có những dân tộc chịu ảnh hưởng của Trung Hoa là trọng thầy học hơn cha ( quân, sư, phụ) có phải vì Trung Hoa có Khổng tử không? Tôi có thể tin chắc rằng môn đệ của Lão tử, Trang tử, Liệt tử, Dương tử không được cái tình thắm thiết đối với thầy như bọn Nhan Hồi, Tử Lộ, Tử Cống, Tăng Sâm… đối với Khổng tử. Tôi không kể thầy trò họ Mặc vì Mặc tử gần như một giáo chủ rồi, tình của họ đối với nhau vẫn có cái gì khác tình thầy trò. Một trong những cái thú nhất của tôi là lâu lâu lật Luận ngữ ra đọc lại những bài chép các cuộc đàm thoại thân mật, tự nhiên mà sâu sắc, giữa thầy trò họ Khổng. Bài nào cũng cô động, có khi chỉ hai hàng chữ, mà cho ta thấy khía cạnh của tính tình mỗi người. Đúng như lời Lâm Ngữ Đường nói trong cuốn La sagesse de Confucius (bản Pháp dịch của nhà Victor Attinger – Paris 1949), Khổng tử có vẻ sung sướng giữa một nhóm đệ tử thân của ông; mà đệ tử cũng sung sướng được sống ở bên cạnh ông, cả trong những năm họ lao đao trôi dạt
khắp nước này tới nước khác. Như vậy cũng chỉ là lẽ thừa trừ, vì cơ hồ ông không được hưởng nhiều lạc thú trong gia đình; về phương diện đó ông thua Tô Đông Pha, bà Tô biết chiều chồng, luôn luôn để dành một hũ rượu ngon để ông cùng bạn bè xách đi chơi ở Xích Bích, câu cá rồi nhắm, hoặc để rót cho ông một chén mỗi khi ông rầu rĩ về việc quan, việc nhà. Còn bà Khổng, thì theo Lâm Ngữ Đường, dở việc bếp núc, có lần không tìm ra được thịt tươi, phải sai con lại tiệm mua rượu và món ăn đã nấu sẵn, ông bất bình bảo: “Rượu thịt mua ở tiệm thì không ăn”. (Hương đảng – 8)[284]. Họ Lâm đã tưởng tượng ít nhiều, nhưng con người “ôn lương” như Khổng tử mà phải bỏ vợ hồi 23 tuổi, sau bốn năm sống thì cũng tội thật. Có sách nói ông không cưới bà sau, và ta có thể chắc chắn rằng từ hồi ông năm chục tuổi, đi lang thang khắp các nước chư hầu thì không có người đàn bà nào săn sóc cho ông cả (con gái ông chắc đã có chồng) các môn sinh hầu hạ ông hết mọi việc. Ông chỉ có một người con trai sinh từ hồi ông còn làm một chức quan nhỏ ở Lỗ, cho nên vua Lỗ mừng ông có mỗi một con cá chép, do đó, ông đặt tên cho con là Lí (cá chép) – tự là Bá Ngư. Cậu Lí chắc hiền lương, nhưng chậm chạp, không thông minh, không có tài gì đặc biệt, cho nên không sách nào nhắc đến cậu, và Khổng tử cũng ít khi hỏi chuyện cậu. Trong Luận ngữ, tôi chỉ thấy mỗi một bài Quí thị 13 là nói đến
cậu: Trần Cang tức Tử Cầm, một môn đệ của Khổng tử, hỏi Bá Ngư (tức cậu Lí): Anh được nghe thầy dạy điều gì lạ không? Chắc Trần Cang không nghe được lời này của ông: “các anh ngờ rằng ta có điều gì giấu các anh chăng? Không đâu. Ta chẳng làm điều gì mà chẳng cho các anh hay” (Thuật nhị – 23), cho nên ngờ Khổng tử giữ những điều cao siêu để dạy riêng cho cậu con. Bá Ngư đáp: Chưa. Cha tôi lần đó đứng một mình, tôi đi nhanh qua sân. Cha tôi hỏi tôi: Học Thi chưa? Tôi thưa: Chưa. Cha tôi bảo: Không học Thi thì không biết ăn nói. Tôi bèn lui vào học Thi. (Cha con họ Khổng thật cũng lạ lùng. Con đi ngang qua chỗ cha đứng mà phải rảo bước. Cha dạy học mà không biết con đã học những gì). Lần khác, cha tôi đứng một mình – vẫn lời của Lí – tôi đi nhanh qua sân (cũng lại đi nhanh nữa). Cha tôi hỏi: Học Lễ chưa? Tôi thưa: Chưa. Cha tôi bảo: Không học Lễ thì không vững chí[285] lập thân. Tôi bèn lui vào học Lễ. Tôi chỉ được cha tôi dạy hai lần đó thôi. Trần Cang mừng quá, cho rằng hỏi một điều mà biết được ba điều: 1 phải học Thi, 2 phải học Lễ, 3 và người quân tử (ở đây là Khổng tử) “không hay gần con”, ( quân tử chí viễn kì tử dã) nghĩa là không săn sóc tới con bằng săn sóc học trò. Ý nghĩa rõ ràng như vậy mà có người còn bênh vực Khổng tử vì ông lúc thì bận việc quan, lúc thì chu du thiên hạ, xa nhà, nên không biết con đã học những gì.
Một triết nhân đâu có cần ta bênh vực, huống hồ tâm lí của ông ta có thể hiểu được. Các cụ đồ ta hồi xưa, khi con đã hơi lớn thường nhờ bạn bè dạy cho, mặc dầu mình đủ sức dạy, vì lẽ cha đối với con thường hoặc là nghiêm khắc quá mà con sẽ oán mình, hoặc là nhu nhược quá mà con dễ sinh hư. Nhưng đọc bài trên, so sánh với những bài khác chép các cuộc trò chuyện của Khổng tử đối với môn đệ, ta thấy rõ tình của Khổng tử với con không đằm thắm lắm, mà cậu Lí quả là kém lanh lợi, vào hạng cha bảo gì thì làm nấy. Như vậy, ông không hi vọng gì ở cậu nhiều mà dạy cậu chắc cũng không vui gì lắm. Như hầu hết các vĩ nhân khác, ông phải chịu cảnh cô độc trong gia đình. Các sách thường nói đến số ba ngàn đệ tử của Khổng tử. Ta chỉ nên hiểu “ba ngàn” đó là khoảng vài ba ngàn, mà con số này không có gì quá đáng. Ta nên nhớ ai đến xin học ông cũng nhận, cả thanh niên trong những làng không có tiếng tốt, cả những em nhỏ (đồng tử) chưa hiểu đạo lí được, mới đầu ông chỉ sai đi đây đi đó để học tập lễ nghi, cách đi đứng, ăn nói (bài Hiến vấn – 47), mà ông dạy học trước sau trên 50 năm thì số “ba ngàn” đó đáng tin được, nhất là theo quan niệm hồi xưa, dù học một ngày cũng gọi là môn sinh được rồi. Trung bình mỗi năm ông thu nhận năm sáu chục môn sinh mới, không phải là nhiều, đủ để bù số thôi học. Một số ở tại nhà ông, một số về
nhà mình hoặc ở trọ hàng xóm. Lúc nào đông quá thì các trò lớn có thể giúp ông dạy các trò nhỏ được, như trong trường các cụ đồ hồi xưa. Trong số ba ngàn môn sinh đó, có sách nhắc tới “ thất thập nhị hiền”. Con số 72 này, cũng như các con số 12, 28, 36… khả nghi lắm. Sự thực Luận ngữ chỉ ghi chuyện của khoảng ba chục môn sinh, và chỉ một nửa số đó được nhận là có tài hoặc có đức. Đáng gọi là thân nhất chỉ có sáu bảy người: Nhan Hồi, tên tự là Uyên, tính tình trầm mặc, cần mẫn, được Khổng tử khen là có nhân, nhưng chết yểu (31 tuổi ta), ông rất thương tiếc; Tử Lộ, tên là Trọng Do, lại có tên là Quí Lộ, mà Lâm Ngữ Đường trong cuốn La sagesse de Confucius gọi là thánh Pierre của đạo Khổng, vì hay thắc mắc, nghi ngờ hành động của thầy; có tài, tính tình quả cảm, cương trực, không biết biến thông, làm quan đại phu nước Vệ, bị tội phải giết; Tử Cống, tên là Đoan Mộc Tứ, hay nói, có tài biện thuyết, nhà giàu, thích buôn bán, làm quan nước Lỗ, nước Vệ; Tăng Tử, tức Tăng Sâm, tên tự là Dư (con Tăng Tích, Tích cũng là học trò Khổng tử), rất có hiếu, nghiêm trang, đôn hậu, học rộng mà vững, sau này truyền bá đạo của thầy trong cuốn Đại học, (một trong tứ thư), và có lẽ soạn cả cuốn Hiếu kinh nữa; Tử Hạ, tên là Bốc Thương, giỏi về Thi, biết rộng và sâu, thận trọng, đốc tín, nhưng qui mô hẹp hòi. Nên kể thêm: Nhiễm Cầu khiêm tốn, giản dị; Mẫn Tử Khiên có hiếu; Nhiễm Ung, tự là Trọng Cang, tính tình ung dung, hoà
nhã; Tử Trương, tên là Chuyên Tôn Sư, ung dung, khiêm tốn; Nguyên Hiến nghèo mà vui đạo, sau thành ẩn sĩ… Đối với môn sinh, nếu cần, ông cũng rất nghiêm khắc, mắng như tát nước vào mặt. Chẳng hạn Tử Dư, tự Tể Ngã, hay nói, hay khoe mà lại làm biếng học, có tật ngủ ngày, ông rầy: “Gỗ mà mục thì không chạm khắc gì được, vách bằng đất bùn thì không tô vẽ gì lên được. Ta còn trách thằng Dư làm gì nữa?” Rồi ông nói thêm: “Trước kia, nghe ai nói, ta tin rằng đức hạnh của họ hợp với lời của họ, ngày nay thì ta đâm ngờ, phải quan sát xem hành động của họ có đúng với lời nói của họ không. Vì thằng Dư mà ta thay đổi thái độ như vậy đấy. (Công Dã Tràng – 9). Cả khi môn sinh đã lớn, đã ra làm quan rồi, ông vẫn theo dõi hành vi của họ, hễ làm bậy thì ông rầy (một số nhà Nho của ta hồi xưa cũng vậy, cho nên có những ông phủ, ông án chính tích xấu xa thì len lét mỗi khi lại nhà thầy học, bị thầy mắng thì đứng lên mà nghe, không dám đáp, mà thầy chẳng có chức tước gì cả). Luận ngữ chép bốn năm trường hợp, tôi xin trích dẫn hai bài làm thí dụ. “Họ Quí là một quyền thần của nước Lỗ, sắp đem quân đánh nước Chuyên Du, một nước nhỏ lệ thuộc vào Lỗ, Nhiễm Hữu và Tử Lộ làm gia thần[286] của họ Quí, vào yết kiến Khổng tử, cho hay tin đó. Ông trách riêng Nhiễm Hữu có lẽ vì ông biết Nhiễm Hữu chịu trách nhiệm trong vụ ấy:
Này Cầu (tên của Nhiễm Hữu), đó chẳng phải là lỗi của anh sao? Hồi xưa tiên vương đã cho Chuyên Du làm chủ tế ở núi Đông Mông, mà nước ấy lại ở trong khu vực của nước nhà (tức của Lỗ), thế là bề tôi của xã tắc rồi, sao lại đem quân đánh người ta? [287] Nhiễm Hữu thưa: Đó là thầy Quí muốn vậy, chứ hai chúng con là gia thần không muốn. Khổng tử mắng một hơi: Sử thần Chu Nhâm hồi xưa bảo: “Có thể đem tài lực ra giúp thì nên giữ chức; bằng không thì nên từ chức đi. Nếu nước nguy biến mà mình không bảo vệ, nước nghiêng ngả mà mình không chống đỡ lại được, thì ai dùng mình làm tướng (tức để giúp việc) làm gì?” Vả lại anh nói bậy rồi. Con hổ, con trâu rừng sổ cũi, mai rùa và ngọc quí bể nát ở trong rương, thì lỗi ở ai? [288] Nhiễm Hữu lại thưa nữa: Nước Chuyên Du có thành quách kiên cố lại ở gần ấp của họ Quí. Nay họ Quí không chiếm lấy thì sẽ thành mối hoạ cho con cháu đời sau. Này Cầu! Người quân tử rất ghét kẻ viện lẽ này lẽ nọ để biện hộ cho cái lòng tham của mình. Khâu này nghe nói người có nước có nhà không lo ít mà lo không[289] được quân bình, không lo nghèo mà lo không được yên ổn. Đã quân bình thì không lo nghèo, hoà thuận với nhau thì người sẽ không ít, yên ổn thì không nghiêng đổ. Như vậy mà người ở xa chưa phục thì sửa văn đức để họ đến với mình, họ đến với mình rồi thì nên làm sao cho họ được yên ổn. Nay hai anh (Tử Lộ và Nhiễm Hữu) giúp họ Quí, người ở xa không phục, mà không biết làm cho người ta đến với mình, nước chia rẽ lìa tan mà không biết bảo vệ, lại tính dấy binh ở trong nước[290], thì ta e rằng mối lo của con cháu họ Quí không phải ở nước Chuyên Du mà ở ngay sau bức bình phong đấy”. (Quí thị – 1).
Bài đó là một trong những bài dài nhất mà hay nhất trong Luận ngữ, cho thấy một khía cạnh tính tình của Khổng tử. Ông vốn ít nói, hoặc chỉ nói vắn tắt vài lời (dư dục vô ngôn[291]– Dương Hoá – 18); nhưng lần này ông thật hùng hồn, giọng gay gắt (chắc ông giận lắm), lí luận minh bạch, khéo dẫn lời cổ nhân, mà ý tưởng lại cao đẹp: câu “Hữu quốc hữu gia giả, bất hoạn quả nhi bất hoạn quân, bất hoạn bần nhi bất hoạn an” là một trong những câu bất hủ của ông, vào hàng sâu sắc nhất trong tư tưởng nhân loại, hiện nay càng đáng làm châm ngôn cho các chính khách khắp thế giới. Bài thứ nhì (Tiên tiến – 16) cũng liên quan tới Nhiễm Hữu nữa. Không rõ việc này xảy ra trước hay sau việc mưu đánh nước Chuyên Du, có lẽ sau. Họ Quí đã làm chủ được một nửa nước Lỗ rồi, giàu có như vậy rồi mà Nhiễm Hữu làm gia thần, thâu thuế cho chủ, còn bóp chẹt dân, để cho chủ giàu thêm. Khổng tử nổi giận, bảo môn sinh: “Nó không phải là môn đồ của ta nữa. Các con hãy nổi trống mà công kích nó đi”. ( Tiểu tử minh cổ nhi công chi, khả dã). Như vậy, tuy ông “ôn lương”, nhưng cũng có lúc ông biết nổi giận một cách chính đáng. Người ta sợ ông ở điểm đó; mà chúng ta cũng thấy ông gần chúng ta chúng ta cũng ở điểm đó: làm người thì phải có những lúc bất bình, phẫn nộ, đâu có thể như ông Phật ngồi trên toà được. Có lần ông cũng bạo miệng lắm. Một nhóm môn sinh đứng hầu ông: Mẫn Tử Khiên vẻ mặt vui vẻ; Nhiễm Hữu và Tử Cống
thì có vẻ cương trực; Tử Lộ có vẻ quá cương cường. Ông răn Tử Lộ phải coi chừng, kẻo mà “bất đắc kì tử” đấy (Tiên tiến 12). Quả là một lời tiên tri: Tử Lộ tự phụ về sức khoẻ của mình, sau bị giết ở Tích Thành nước Vệ. Nhưng xét chung thì ông khen môn đồ của mình nhiều hơn là mắng, và khi khen ông cũng không tiếc lời. Nhan Hồi được ông khen nhiều nhất (non mười lần trong Luận ngữ), khen trước các môn sinh, khen với cả người ngoài là “hiếu học, giận ai thì không giận lây, rủi có lần lầm lỗi thì chỉ một lần thôi” (Ung dã – 2); có thể giữ được đức nhân liên tiếp trong ba tháng, còn những trò khác thì chỉ có một tháng là cùng” (Ung dã – 5); “nghèo mà không buồn, ở trong ngõ hẻm, sống với một giỏ cơm, một bầu nước, thật là người hiền” (Ung dã – 9); “tiến hoài trên con đường đạo lí mà không ngừng” (Tử hãn – 20). Câu này ông nói với Nhan Hồi (Thuật nhi 10), có lẽ làm cho Nhan Hồi vui lòng nhất: “Người ta dùng mình thì mình đem đạo lí ra thi hành, chẳng dùng mình thì ở ẩn mà giữ đạo lí; chỉ có thầy trò mình là được như vậy mà thôi”. Mối tình giữa hai thầy trò đó thật cảm động. Họ hợp ý với nhau tới cái mức thầy nói điều gì là trò hiểu liền, tin liền, làm theo liền, không hồ nghi một chút, và có lần thầy trách yêu trò: “Thầy giảng điều gì, anh Hồi cũng vui thích, cho là phải, thành thử không giúp thầy được điều gì cả”. (Tiên tiến – 3). Ý ông muốn nói, không tỏ ý nghi ngờ, để thầy trò biện luận với nhau
mà ông tìm thêm được chân lí. Nhan Hồi phục ông như một bực thánh: “Đạo của thầy ta, càng ngửng lên nhìn càng thấy cao; càng dùi vào càng thấy kiên cố; mới nhìn thì thấy ở trước thì bỗng nhiên hiện ở sau lưng, (…) ta có muốn theo cho cùng, mà không làm sao theo được”. (Tử hãn – 10). Hai thầy trò xa nhau thì nhớ, gặp lại được thì mừng rỡ vô cùng, nói đùa với nhau y như cha con, nếu không sợ vô lễ thì tôi sẽ nói như một cặp tình nhân. Lần đó họ bị một cơn hoảng ở đất Khuông; người Khuông tưởng lầm ông là Dương Hổ mà họ rất ghét, vây bắt ông; sau họ biết là lầm, thả ông ra. Lúc đó Nhan Hồi lạc ở phía sau. Tới khi thầy trò gặp lại nhau, Khổng tử bảo: Ngô dĩ nhữ vi tử hĩ: thầy tưởng anh [choảng nhau với họ] mà chết rồi chứ! Nhan Hồi đáp: Tử tại, Hồi hà cảm tử: Thầy còn sống, con đâu dám chết. (Tiên tiến – 22). Các nhà chú giải và dịch Luận ngữ thường cho cuộc đàm thoại đó là nghiêm trang; tôi nghĩ rằng hai thầy trò đó nói đùa nhau, như vậy có phần cảm động hơn. Nhan Hồi bất hạnh mất hồi 31 tuổi. Khổng tử đau xót vô cùng, khóc nức nở: “Trời hại ta! Trời hại ta!” ( Thiên táng dư! Thiên táng dư! – Tiên tiến – 8), tới nỗi môn đồ phải ngạc nhiên, khuyên ông: “Thầy nức nở thái quá”; ông đáp: “Ta nức nở lắm sao? Nhưng ta chẳng vì người ấy mà nức nở, thì vì ai?” (Tiên tiến – 9). Không rõ việc xảy ra năm nào, nhưng chắc chắn sau khi ông
bị nguy ở Trần, Thái và khi ông cùng môn đồ tiếp tục bôn ba các nước chư hầu. Có thể đoán rằng sớm lắm là vào khoảng 491 489[292], ông từ 60 tới 62 tuổi. Lúc đó cậu Lí đã chết (coi bài Tiên Tiến 7)[293]; mà ông ngờ rằng đạo của mình khó thi hành trong đời mình được, chỉ trông cậy vào Nhan Hồi, cho nên mới thốt ra lời đứt ruột đó: Thiêng táng dư! Không bao giờ ông quên được môn sinh gương mẫu đó; khi vua Lỗ Ai Công hỏi ông trong số đệ tử có ai hiếu học, ông đáp: “Có Nhan Hồi, nhưng chẳng may đã chết sớm, nay không còn ai nữa”. (Ung dã – 2). Rồi Quí Khang tử cũng hỏi ông câu đó, ông cũng trả lời y như vậy (Tiên tiến – 6). Một lần khác, chắc vào hồi ông gần bảy chục tuổi, chán chu du thiên hạ mà trở về Lỗ, nhớ lại những môn sinh cùng chia xẻ cay đắng hoạn nạn với ông ở nước Trần, Thái, nay kẻ sống người chết, mỗi người một ngả, không còn ai bên cạnh nữa, ông rầu rĩ nhắc tên từng người: “Về đức hạnh có Nhan Uyên, Mẫn Tử Khiên, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng Cung; có tài ăn nói là Tể Ngã, Tử Cống; có tài về chính trị là Nhiễm Hữu, Quí Lộ; về văn học có Tử Du, Tử Hạ”. Nhan Hồi cũng lại được ông nhắc tới đầu tiên. Ông khen Mẫn Tử Khiên là có hiếu (Tiên tiến – 4), là ít nói nhưng nói điều gì cũng trúng (Tiên tiến – 13). Xét chung thì người nào cũng có một điểm (hoặc đức hoặc tài) cho ông khen: Khi Quí Khương tử hỏi ông:
Trọng Do (tức Tử Lộ) có thể dự việc chính trị (tức làm đại phu) được không? Đó là người quả quyết, dự việc chính trị sao lại không được? Lại hỏi về Tử Cống, về Nhiễm Hữu; ông đều đáp: Được hết, vì Tử Cống thông hiểu đạo lí, và Nhiễm Hữu có tài nghệ. (Ung dã – 6). Ông nhận người nào cũng có một sở trường. Tử Lộ có thể điều khiển quân đội của một nước ngàn cỗ xe; Nhiễm Hữu có thể làm quan tể cho một ấp có ngàn nhà, hoặc một nước có trăm cỗ xe; Tử Hoa có thể mặc lễ phục đứng ở triều chính mà tiếp tân khách. (Công Dã Tràng – 7). Sở trường của họ có thể hơn ông nữa, Theo Khổng tử gia ngữ, một hôm Tử Hạ hỏi ông về Nhan Hồi, Tử Cống, Tử Lộ, Tử Trương; ông đáp Nhan Hồi có đức tin hơn ông, Tử Cống nhanh hơn ông, Tử Lộ dũng cảm hơn ông, Tử Trương trang nghiêm hơn ông. Tử Hạ ngạc nhiên, đứng dậy hỏi: Thế thì tại sao bốn anh ấy lại phải đến học thầy? Ở đấy, ta bảo cho: Hồi biết tin mà không biết nghĩa lại [có lẽ là không biết thắc mắc – coi lại bài Tiên tiến 3 ở trang 66]; Tứ [Tử Cống] biết nhanh mà không biết chậm; Do [Tử Lộ] có dũng mà không biết có lúc nên nhát; Sư [Tử Trương] trang nghiêm mà không biết ung dung để hoà với mọi người. Nghĩa là người nào có sở trường thì cũng có sở đoản, sở trường ở đâu thì sở đoản ở đó. Lần khác ông lại bảo: Tử Cao thì kém học thức; Tăng Sâm thì chậm chạp, thật thà;
Tử Trương hay chưng diện; Tử Lộ thì thô, không nhã. (Tiên tiến – 17). Đúng lắm. Tử Lộ quả là cương trực tới thô lỗ, không có ý tứ, đôi khi vô lễ nữa, dám tỏ vẻ không phục thầy. Lần đó ông đến nước Vệ, vợ vua Vệ Linh Công nước Vệ là nàng Nam tử, nổi tiếng là dâm đãng; theo phong tục nước Vệ, ông phải vào ra mắt nàng. Nàng ngồi sau một bức màn, ông vào, quay mặt về phương Bắc, quì xuống lạy; nàng xá lại hai xá, tiếng vàng tiếng ngọc rổn rảng. Ông bước ra, mừng quá bảo: Tôi không muốn vào yết kiến, bất đắc dĩ phải vậy, nhưng cuộc hội kiến này không có gì trái lễ. Vậy mà khi ông về tới nhà trọ, Tử Lộ tỏ vẻ bất bình, khiến ông phải thề độc: “Ta mà có làm điều gì chẳng phải thì Trời hại ta, Trời hại ta!”. ( Dư sở phủ giả, Thiên yếm chi! Thiên yếm chi! – Ung dã – 26). Lần khác, Phất Nhiễu, họ Công Sơn là gia thần họ Quí, làm phản, chiếm đất của chủ, rồi sai người đến mời Khổng tử. Ông muốn đi, Tử Lộ tỏ vẻ bất bình, can: Không có nơi nào hành đạo được thì thôi, đến với họ Công Sơn làm gì! Người ta vời mình tới, đâu phải là vô cớ. Nếu có người biết dùng ta thì ta sẽ dựng một nước Chu ở phương Đông được chứ”. (Dương Hoá – 5), nghĩa là một nước ở Lỗ, để thay nhà Chu, làm thiên tử. (Lỗ ở phương Đông). Ông nhiệt tâm muốn cứu đời quá, lần đó quả là tính sai. Tử Lộ can ông là phải. Và ông nghe, không đi nữa.
Lần sau, Phật Bật, một đại phu nước Tấn, cai quản ấp Trung Mâu của họ Triệu cũng phản chủ, rồi cũng sai người mời ông tới. Ông cũng muốn đi nữa. Tử Lộ lại can: Xưa kia Do (tên Tử Lộ) nghe thầy dạy: Người quân tử không vào bè với kẻ làm bậy. Nay Phật Bật chiếm ấp Trung Mâu làm phản, mà thầy muốn qua với nó là nghĩa làm sao? Khổng tử đáp: Phải, ta có nói như vậy, Nhưng ta chẳng thường nói câu này ư: “Chỉ sợ không thật cứng, nếu thật cứng thì mài cũng không mòn; chỉ sợ không thật trắng, nếu thật trắng thì nhúng chàm cũng chẳng đen”. Ta há như trái bầu, chỉ treo thôi chứ không ăn được sao? [294] (Dương hoá – 7). Thái độ của ông là: “vô khả, vô bất khả” nhưng rồi ông nghe lời can của Tử Lộ mà không đi. Không một môn đồ nào trực ngôn với ông như Tử Lộ. Chắc ông hiểu như vậy là Tử Lộ yêu quí ông lắm[295]; cho nên ông cũng mến Tử Lộ, khen là người có nhiệt tâm, trung tín, hễ hứa với ai điều gì thì làm ngay, không chần chờ (Nhan Uyên – 12), và có lần ông nói đùa với Tử Lộ nữa: Đạo thầy mà không thi hành được, thầy sẽ thả cái bè, lênh đênh trên mặt biển, lúc đó theo thầy có lẽ chỉ có anh Do chăng? Tử Lộ tưởng thật, mừng lắm. Ông liền nói thêm: Anh dũng cảm hơn ta, nhưng thiếu óc phán đoán. (Công Dã Tràng – 6). Ông “hiền” đó – vì Tử Lộ ở trong “thất thập nhị hiền” – có lần được một lời khen của thầy mà vui như con nít được kẹo.
Anh Do mặc áo xấu rách đen, đứng cạnh bên người mặc áo tốt bằng da con hồ, con lạc mà không lấy làm hổ thẹn, đúng như lời trong Kinh Thi: “Chẳng đố kị, chẳng tham lam, thì làm việc gì mà chẳng tốt? ” [296]. Tử Lộ khoái quá, ngâm đi ngâm lại câu đó, e đến trọn đời; Khổng tử phải răn thêm: Chẳng đố kị, chẳng tham lam, bấy nhiêu đâu đủ đã là tốt. (Tử hãn – 25). Tử Cống cũng là một môn sinh rất thân, nhưng trái hẳn với Nhan Hồi, thích làm giàu, thích buôn bán, có tính khoe khoang, có lần tự hào rằng: “Việc gì tôi không muốn người khác làm cho tôi thì tôi cũng không làm cho người khác”. Như vậy là tự cho mình đạt được đức thứ, đức nhân, Khổng tử liền chặn lại: Này Tứ, anh chưa đạt được mức đó đâu. (Công Dã Tràng – 11). Hay xét người, Tử Cống lại còn muốn được ông khen nữa, hỏi: Thầy thấy con là người như thế nào? Ông lại hạ một câu, chắc Tử Cống không được vui lắm: Anh như một món đồ (nghĩa là chỉ dùng được vào một việc mà Tử Cống hỏi tiếp: Thưa món đồ gì? Cái hồ liễn. Hồ liễn là một thứ bát hay liễn đựng xôi để cúng tế ở tôn miếu. Ông nén xuống rồi lại khen để Tử Cống khỏi buồn. (Công Dã Tràng – 3). Con người đó thông minh, lanh trí có thể tế nhị nữa. Lần đó Khổng tử đương ở nước Vệ mà vua Vệ bất hiếu, cướp ngôi của cha trong khi cha tị loạn ở nước ngoài; rồi khi cha về, đem quân ta cự cha.
Nhiễm Hữu không hiểu thái độ của Khổng tử ra sao, hỏi Tử Cống: “Thầy có vị vua Vệ không?” Tử Cống đáp: “Ừ, chính tôi cũng định hỏi thầy về việc ấy”. Rồi Tử Cống vào hỏi, nhưng không hỏi thẳng về vua Vệ, như vậy Khổng tử sẽ khó trả lời: theo đạo lí thì không thể bênh vực vua Vệ được, mà theo phép xử thế, đương làm khách ở Vệ thì không nên bài xích vua Vệ. Cho nên Tử Cống đem việc Bá Di, Thúc Tề ra hỏi: Bá Di và Thúc Tề là hai anh em ruột, con vua nước Cô Trúc ở cuối đời Thương, đầu đời Chu. Bá Di là anh cả, Thúc Tề là em út. Vua Cô Trúc yêu Thúc Tề, lập di mệnh cho Thúc Tề nối ngôi. Quốc dân theo di mệnh lập Thúc Tề, Thúc Tề không chịu, nhường lại Bá Di cho phải lẽ. Bá Di cũng không chịu, nhường lại cho Thúc Tề để tuân mệnh cha. Không ai chịu nhận rồi trốn cả vào núi, quốc dân phải lập người con giữa. Vậy hai người đó lấy nghĩa làm trọng, trái hẳn với vua nước Vệ. Nếu Khổng tử khen Bá Di, Thúc Tề, tức là chê vua Vệ rồi. Tử Cống nghĩ vậy rồi vào hỏi: Thưa thầy, Bá Di, Thúc Tề là người ra sao? Đáp: Là người hiền đời xưa. Tử Cống hỏi thêm: Hai ông ấy sau khi nhường ngôi, trốn vào núi, có ân hận gì không? Hai ông ấy cầu được vẹn chữ nhân, và đã làm được điều nhân thì còn ân hận gì nữa? Thấy thầy khen Bá Di, Thúc Tề, Tử Cống trở ra đáp Nhiễm Hữu: Không, thầy chẳng vị vua Vệ đâu.
Quả nhiên, sau Khổng tử dắt môn đồ bỏ nước Vệ mà đi. Truyện đó chép trong chương Thuật nhi, bài 14. Nhưng hình như Tử Cống có hồi nóng lòng thầy trò ra làm quan, nên hỏi thầy: Có thứ ngọc đẹp thì nên cất trong hộp, hay là nên cầu được giá mà bán đi? Bán đi chứ! Bán đi chứ! Ta đợi giá đây. (Tử hãn – 12). Lời đó là lời nói đùa. Nhưng có thể hiểu rằng Khổng tử vẫn mong có một ông vua biết trọng dụng mình; và bài 13 kế bài đó, chép rằng có lần ông chán nản muốn bỏ Hoa Hạ ra miền Đông ở với chín rợ Di (có lẽ là miền Triều Tiên, tức Đại Hàn ngày nay). Như vậy ta thấy Tử Cống cũng ngay thẳng, được Khổng tử mến. Chính Tử Cống tự xét mình là “ghét kẻ dò xét hành vi của người khác mà tưởng như vậy là trí (khôn); ghét kẻ thiếu khiêm tốn mà tự cho mình là dũng; ghét kẻ công kích người mà tưởng như vậy là ngay thẳng”. (Dương Hoá – 23). Tử Cống có tính hay so sánh người này với người kia. Một lần đã hỏi thầy (Tiên tiến – 15): Anh Trương (Tử Trương) và anh Thương (Tử Hạ), hai anh đó, ai hơn ai? Sư thì thái quá, Thương thì bất cập. Tử Cống vẫn chưa thoả mãn, vì Khổng tử vẫn chưa trả lời dứt khoát câu hỏi của mình. Vậy thì anh Sư hơn chăng? Thái quá cũng như bất cập. Câu đáp đó cho ta thấy Khổng tử chủ trương trung dung: trong việc học tập, tu thân, thái quá thì dễ mất kiên nhẫn, mà
bất cập thì khó mà tiến được. Chắc Tử Cống thường gợi chuyện để Khổng tử so sánh các môn đệ khác, mà nhiều khi khen người này, chê người nọ, cho nên ông phải ngăn lại: Anh Tứ hiền (có đức cao) nhỉ! Thầy thì tự xét mình để sửa lỗi mà không xong, có đâu rảnh mà xét người. (Hiến vấn – 31). Lời mỉa mai nhẹ nhàng mà thấm thía, có lẽ chỉ có cách đó mới sửa được tật cho Tử Cống. Lần khác ông mỉa Tử Du, nhưng không phải là trách, chỉ là nói đùa. Nguyên Tử Du cai trị Võ Thành, một ấp ở Lỗ. Tử Du theo đúng chính sách của ông, dùng lễ nghĩa để trị dân, dân trong ấp đều tập đàn ca. Một hôm đi ngang qua đó, thấy tiếng đàn ca ở trong nhà dân đưa ra, ông bảo Tử Du: Giết gà đâu cần đến dao để mổ trâu. Tử Du đáp: Trước con nghe thầy dạy: “Người quân tử học đạo thì yêu người, kẻ tiểu nhân học đạo thì dễ khiến”. Quân tử ở đây trỏ hạng cầm quyền, tiểu nhân trỏ người dân. Ý Tử Du muốn nói, nước lớn hay ấp nhỏ thì cũng phải dạy cho dân học lễ nhạc. Khổng tử nhận là đúng, quay lại nói với các môn sinh: Này các con, lời anh Yển (Tử Du) đúng đấy. Lời ta nói trước là đùa đấy thôi. (Dương Hoá – 4). Trong số các môn đệ, Trọng Cung (tên là Ung) không vào hàng xuất sắc nhất, nhưng riêng được ông khen là có đức độ một ông vua (Ung dã, khả sử nam diện – Ung dã – 1). Trọng Cung nói được một câu ông rất khen: “Tự mình ăn ở thì cung kính, mà trị dân thì thi hành những phép giản tiện – cư kính, hành giản – như vậy mới là phải chăng? Còn như tự mình cư xử
lại xuề xoà, trị dân cũng xuề xoà ư? Thì chẳng là quá xuề xoà ư?”. Bốn chữ “ cư kính hành giản” thành bất hủ, tóm tắt được phép cư xử của nhà cầm quyền theo quan niệm nhà Nho. Nhưng có một môn sinh trẻ ông ít trò chuyện, hình như không nhận định đúng giá trị, không ngờ rằng sau này truyền được đạo của ông. Môn sinh đó là Tăng Sâm (con của Tăng Tích tôi đã nhắc ở trên), rất có hiếu, đôn hậu, ít nói, mà ông chê là “lỗ” (Tiên tiến – 17), tức chậm chạp, gần như ngu đần. Tôi cho rằng khi ông chỉ nói “Ngô đạo nhất dĩ quán chi” (Đạo ta chỉ có một lẽ mà quán thông tất cả), mà Tăng Sâm hiểu được lẽ đó là trung thứ (Lí nhân – 15: Phu tử chi đạo, trung thứ dĩ hĩ)[297] thì quả là một đệ tử xuất sắc, hiểu được tư tưởng của thầy, vượt cả Tử Lộ, Tử Cống, chưa chắc Nhan Hồi đã hơn được. Trong Luận ngữ có khoảng mười bài chép lời Tăng Sâm, bài nào cũng tỏ ông là một hiền triết, như bài Học nhi – 4: Mỗi ngày tôi tự xét ba điều này: giúp ai có hết lòng không, giao du với bạn có giữ được đức tín không, có học tập điều thầy dạy không; hoặc như bài Nhan Uyên – 23: Người quân tử nhờ văn chương học vấn mà hội họp bạn bè và nhờ bạn bè mà tiến lên đức nhân. Khổng tử yêu quí một số môn sinh, tới cái mức một người tên là Công Dã Tràng, mặc dầu bị bắt giam, mà ông cũng đem con gái gả cho, vì ông biết rằng bị bắt oan (Công Dã Tràng – 1).
Ông lại đem con gái người anh gả cho một môn sinh khác: Nam Dung, vì ông thấy Nam Dung đọc đi đọc lại bài thơ Bạch khuê trong Kinh Thi[298], biết Nam Dung thận trọng về ngôn hạnh (Tiên tiến – 5), biết giữ mình dù nước yên trị hay loạn lạc (Công Dã Tràng 1). Và khi Nhiễm Canh tự là Bá Ngưu mắc bệnh nan y (tiên Nho cho là bệnh cùi), ông đứng ngoài cửa sổ, cầm tay Bá Ngưu mà than: Con khó sống được[299], chẳng qua là số mạng. Ôi! Con người như vậy mà phải mang bệnh như vậy! Con người như vậy mà phải mang bệnh như vậy! (Ung dã – 8). Tóm lại ông tận tâm săn sóc từng môn sinh một, tuỳ theo khả năng từng người mà dìu dắt, khuyến khích, lúc nào cần thì nghiêm, bình thường thì hoà nhã, vui tính, chuyện trò với họ, không chút cách biệt, chấp nhận được lời trách của họ nữa – điều này ít ai kịp được ông – và yêu một số môn sinh hơn cả con ông. Cho nên họ tuy kính ông, sợ ông mà không tới nổi nhút nhát, có điều gì thắc mắc thì tự nhiên, thẳng thắn hỏi, và ông thẳng thắn trả lời một cách cũng rất tự nhiên, khiến đôi khi tư tưởng của ông có vẻ như mâu thuẫn. Lớp học của ông đúng là lớp học của một triết nhân: thầy trò cùng bàn luận với nhau để tìm đạo chứ không phải lớp học của một triết gia đem thuyết của mình ra mà bênh vực, để đả thuyết của một người khác, như lớp học của Mặc tử chẳng hạn. Tôi thích tư tưởng ông ngồi ở dưới hiên một buổi chiều đẹp gẩy từng tưng cây đàn cầm hay cây đàn sắt, có khi cao hứng hát lên một điệu nữa, còn Nhan Hồi, Tử Lộ, Tử Cống, Mẫn Tử
Khiên… thì mỗi người ngồi một nơi, chăm chỉ nhìn nét mặt ông, lắng tai nghe mà mỉm cười. Hoặc thầy trò lang thang ở Trần, ở Thái, ngồi nghỉ trên một bờ suối, dưới bóng mát, môn sinh kẻ đi nấu ăn, người đi giặc áo cho ông, ăn xong rồi người ngâm thơ, người gẩy đàn, rồi thình lình ông bảo họ: Các con kể ý chí cho thầy nghe nào. Tử Lộ thì mong có xe đi, có ngựa để cưỡi, có áo lông cừu mịn để mặc, và chia sẻ cùng các bạn; Nhan Uyên khiêm tốn, chỉ mong không khoe khoan những điều thiện của mình (Công Dã Tràng – 25); Tử Cống thì mong buôn bán để làm giàu; Tử Du mong cai trị một ấp nhỏ mà thực hiện đạo của thầy. Họ đáp xong rồi, Tử Lộ hỏi lại ông: Chúng con xin được nghe chí nguyện của thầy. Thầy muốn cho người già cả được an vui, bạn bè tin nhau, còn bọn trẻ được nuôi nấng dạy dỗ[300]. (Công Dã Tràng). Nghĩa là ông mong xã hội bình trị, mọi người đủ ăn, thân ái với nhau, trẻ con được âu yếm. Thật bình dị, mà tới nay, non hai ngàn năm rưỡi rồi, vẫn chưa ai thực hiện được. Có sống vào thời này, thấy những ông già bảy chục tuổi phải làm chật vật để cưu mang con cháu làm quân nhân hay công chức, thấy những đứa trẻ “bụi đời” lang thang ở vỉa hè Saigon[301] vì không nơi nương tựa, còn người lớn thì chia rẽ, chém giết nhau vì đồng tiền, vợ chồng cũng không tin nhau được, chúng ta mới cảm thấy tất cả sự thâm thuý của lời Khổng tử.
Tính tình, tư cách, tư tưởng của ông như vậy cho nên môn đệ ngưỡng mộ ông vô cùng. Ở trên tôi đã dẫn lời Nhan Hồi thán phục ông. Dưới đây tôi dẫn thêm mấy lời của Tử Cống nữa. Tử Cống làm quan ở nước Lỗ, nước Vệ, khéo kinh doanh, lại có tài biện thuyết, cho nên được Thúc tôn Võ Thúc, một đại phu nước Lỗ khen là tài giỏi, hiền đức hơn Khổng tử. Có người kể lại lời đó cho Tử Cống hay, Tử Cống bảo: Thúc tôn Võ Thúc nói bậy. Lấy vách tường cung thất ra làm thí dụ. Bức tường của tôi chỉ cao tới vai, nên đứng ngoài tường trông vào người ta có thể thấy đồ vật tốt đẹp ở bên trong; còn vách tường của thầy tôi cao mấy nhẫn[302], nếu không được vào, chỉ đứng ngoài tường thì không thấy được những đồ hoa mĩ trong tôn miếu, những đồ trang sức của bá quan. (Tử Trương – 23). Một người nữa, Trần Tử Cầm (có sách nói là môn đệ Khổng tử, có sách nói là môn đệ Tử Cống, nhưng không dẫn chứng), cũng phục Tử Cống lắm, cho rằng Khổng tử không hơn gì Tử Cống. Tử Cống mắng liền: Người quân tử nói một lời được người ta khen là khôn, nói một lời bị người ta chê là ngu, cho nên lời nói không thể không thận trọng. Thầy chúng ta không ai có thể theo kịp, cũng như Trời, không ai bắt thang mà lên tới được. (Tử Trương – 25)[303]. Trong lịch sử nhân loại, tôi không thấy một nhà giáo nào được ca tụng như Khổng tử. Mà cũng không có nhà giáo nào được học trò thương tiếc như ông.
Chương 6 VẠN THẾ SƯ BIỂU Năm 480, trong một cuộc đảo chính ở Vệ, Tử Lộ vì hiếu dũng, chống với phe đảo chánh, nên bị bất đắc kì tử, đúng như lời tiên đoán của Khổng tử. Từ đó Khổng tử đau yếu dần. Bá Ngư, tức Khổng Lí, và Nhan Hồi chết cả rồi. Các môn sinh thân nhất của ông chắc chỉ còn ít người. Qua năm sau, một hôm Tử Cống tới thăm ông, thấy ông chống gậy, dạo bước ở trước cửa. Thấy Tử Cống, ông ngửng đầu lên, bảo: Tứ, sao anh tới trễ vậy? Rồi ông thở dài, hát: Núi Thái Sơn sắp sụp, Ông rớt nước mắt, nói với Tử Cống: Thiên hạ loạn từ lâu mà không một ông vua nào chịu theo lời khuyên của thầy. Thầy sắp đi đây[304]. Bảy ngày sau, ông mất ở Lỗ, vào tháng tư năm thứ 16 đời vua Ai Công nước Lỗ ( 479), hưởng thọ 73 tuổi (tính theo Tây là 72). Vua quan nước Lỗ và môn đồ làm lễ táng ông rất trọng hậu. Ai Công gửi lời điếu, có câu: “Trời không thương quả nhân, mới cướp của quả nhân bậc hiền nhân đó đi. Quả nhân nay cô độc mà lại bệnh tật, một mình trị nước, không được ai giúp đỡ. Lòng quả nhân thật đau xót!”. Tử Cống trách: Lúc phu tử sống thì nhà vua không dùng, bây giờ phu tử mất thì nhà vua gửi lời điếu! Người ta mai táng Khổng tử ở trên bờ con sông Tứ, phía Bắc kinh thành nước Lỗ, hiện nay ở huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông. Mộ Khổng tử[305] Nguồn: Môn đồ để tang ba năm, mãn tang họ họp nhau lần cuối cùng ở trước mộ để khóc ông rồi mới chia tay nhau mỗi người
đi một nơi. Tâm trạng đó ra sao? Chắc họ đau lòng hơn là từ biệt gia đình họ. Riêng Tử Cống còn ở lại trong một căn nhà lá để giữ mộ thầy thêm ba năm nữa. Khi Tử Cống đi rồi, không khí bên cũng không lạnh lẽo vì trên trăm gia đình lần lần đến cất nhà ở gần mộ, họp thành một làng gọi là Khổng Lí. Khu đất chôn ông rộng một trăm mẫu – mỗi mẫu hồi đó vào khoảng 660 mét vuông – giữa cất một ngôi miếu để thờ ông và bảo tồn y phục, đồ dùng, đàn, sách, xe của ông. Ông chỉ có mỗi một người con trai, cậu Lí, tư cách trung bình. Nhưng Lí sinh được một người con có tài đức, tên là Cấp, tự là Tử Tư, tác giả cuốn Trung dung, diễn được một phần thâm thuý trong tư tưởng của ông. Bọn môn sinh khi từ biệt nhau rồi, đi khắp các nước truyền bá đạo của thầy. Một số như Tăng Sâm, Tử Hạ, Tử Trương, Trọng Cung… theo gót thầy, mang theo một bản các kinh của ông để mở trường dạy học, do đó mà tư tưởng trong lục kinh lần lần nhiễm sâu vào tâm hồn dân tộc Trung Hoa. Trong số môn sinh đó, Tăng Sâm có công nhất nhờ viết cuốn Đại học và cuốn Hiếu kinh, điều đó, hồi còn sống, Khổng tử chắc không ngờ được. Những người con làm vẻ vang cho gia đình, hồi trẻ thường ít được cha mẹ lưu ý tới. Tăng Tử đã nắm được cái lí nhất quán – là trung thứ – của thầy, trong chương đầu Đại học lại vạch được mục đích của đạo Khổng và bắt cho ta chiếc thang để leo lên.
Chương đó ai cũng biết, nhưng tôi cũng xin chép lại dưới đây một đoạn vì nó quan trọng đối với Khổng giáo cũng như thuyết bát chánh đối với Phật giáo. thì trước hết phải có trí thức xác đáng. Trí thức xác đáng ở chỗ xét kĩ mọi vật”. Phật khuyên phải chính kiến, chánh tư duy, chính ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh tinh tiến, chánh định, thì đại khái cũng như Khổng nói phải chánh tâm, thành ý, trí tri. Một số môn sinh khác rán thi hành đạo của thầy về chính trị, mặc dầu không thực hiện được gì lớn lao, không được vua chúa nghe nhưng vẫn được họ trọng, và chủ trương “lấy đức trị dân” thành một lí tưởng chính trị, tuy cuối thời Chiến Quốc bị bọn pháp gia như Hàn Phi cho là sai, nguy hại, nhưng từ đời Hán trở đi lại được đề cao, dù chỉ đề cao ngoài miệng. Lần lần, những lời của Khổng tử, khuyên bảo khen mắng, hay đàm đạo với môn sinh được họ coi là châm ngôn, tới nỗi trước khi bàn về một vấn đề gì, họ cũng bắt đầu bằng hai chữ: “Tử viết” (Thầy dạy rằng), cũng như trước kia, người ta bắt đầu bằng hai chữ: “Thi vân” (Kinh Thi có câu). Một số môn đệ chép những lời đó lại truyền cho học trò, con cháu, rồi trong bọn này có người gom lại thành bộ Luận ngữ. Non bốn trăm năm sau khi ông mất, Tư Mã Thiên chép lại đời ông mà vô cùng xúc động: “Tôi đọc sách Khổng tử, tưởng tượng hình dáng, tư cách của ngài. Rồi khi tới nước Lỗ, tôi nhìn xe, áo, lễ khí trong miếu của ngài, nhận xét các môn sinh học lễ ở nhà ngài, mà lưu luyến không muốn rời chân. Các quân vương, hiền nhân trong thiên hạ không phải là ít, còn sống thì vinh quang, chết rồi là hết. Duy có Khổng tử là người áo vải, tới nay đã trên mười đời, vẫn được các học giả (trỏ các nhà Nho) tôn sùng. Ở Trung Quốc, từ bậc
thiên tử, vương hầu trở xuống, hễ bàn tới lục nghệ (tức lục kinh) đều lấy ngài làm tiêu chuẩn. Ngài thật đáng là bậc chí thánh”. Ở thời đó, Tư Mã Thiên chưa nhận định được hết ảnh hưởng vĩ đại của Khổng tử. Ngoài cái công mở truyền thống dạy tư, bình dân hoá giáo dục, chính trị hoá giáo dục, đạo đức hoá chính trị, gây phong trào thầy trò cùng nhau đi du thuyết các nước chư hầu, nêu gương trứ thư lập ngôn cho người sau, như tôi đã trình bày ở trên, Khổng tử còn tạo được cho Trung Quốc một giai cấp mới, gọi là kẻ sĩ. Trước ông đã có một số người tài giỏi trong giai cấp bình dân nhảy lên được địa vị cao, như Bách Lí Hề, Quản Trọng, Ninh Thích… nhưng từ ông trở đi, số kẻ sĩ đó mới mỗi ngày một đông, cuối thời Chiến Quốc họ thành một giai cấp có thế lực mạnh và qua đời Hán thì họ hoàn toàn thắng giai cấp quí tộc trong các địa vị quan trọng ở triều đình. Phần tinh hoa trong giai cấp đó, giữ được tinh thần của Khổng tử: liêm khiết, cương trực, “bang hữu đạo tắc hiện”, ra làm quan giúp đời, “bang vô đạo tắc ẩn” [306], lui về vườn dạy học, cố giữ tiết tháo của người quân tử, thành một giới đặc biệt, không có tại một nền văn minh nào khác trên thế giới, tức giới sĩ phu, cao quí mà vẫn bình dân, nghèo mà được trọng hơn vua chúa, không có một đặc quyền mà uy tín rất lớn trong dân gian, không có tổ chức mà lại chặt chẽ, trường tồn hơn tất cả các giai cấp khác, nửa thế kỉ trước vẫn còn ở Việt Nam. Tôi bồi hồi nhớ
lại lớp học của một cụ đồ Nho vô danh, bác tôi, tại một làng hẻo lánh ở Sơn Tây, làng Phương Khê, cách đây mới trên bốn mươi năm. Không khí trong lớp học của cụ chính là không khí trong lớp Khổng tử tôi đã tả trong một đoạn trên: môn sinh cũng vừa kính, vừa yêu cụ, thầy trò cũng thân mật với nhau như thầy trò Khổng tử. Tại sao cách hai mươi bốn thế kỉ mà lại giống nhau như vậy, trong khi bao nhiêu ảnh hưởng khác của Trung Hoa về âm nhạc, kiến trúc… thì mỗi ngày một phai? Càng suy nghĩ tôi càng tin rằng chỉ nhờ bộ Luận ngữ: Khi các nhà Nho của ta thuộc lòng bộ đó từ hồi trẻ, rồi ngày nào cũng đem ra dạy học suốt ba chục năm, thì tự nhiên thấm nhuần tư tưởng trong đó và bất giác hành động như nhân vật trong đó. Ngoài ra tôi không thấy có lí do nào khác để giảng được nữa. Khổng học ngày nay đã tàn. Chính vì vậy mà tôi muốn tìm hiểu thêm nó, quyến luyến với nó. CÁC BÀI TRONG LUẬN NGỮ NÓI VỀ VIỆC HỌC Chữ học trong đạo Khổng tử có nghĩa là tu thân, luyện trí để giúp nhà, giúp nước, cho nên có thể bảo bất kì bài nào trong Luận ngữ, cả những bài nói về chính trị, về tư cách người quân tử, đều liên quan tới việc học cả; chép hết tức là dịch trọn bộ Luận ngữ, cho nên ở đây tôi chỉ lựa một số bài trực tiếp xét về việc học thôi. HỌC NHI 1 學而時習之,不亦說乎?有朋自遠方來,不亦樂乎?人不知而不慍,不亦君 子 乎? Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ? Nhân bất tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ?
Học mà mỗi buổi tập, chẳng cũng thích ư? Có những bạn cùng chí hướng ở xa lại cùng bàn bạc về đạo, chẳng cũng vui ư? Nhưng nếu không ai biết tới mình, mình cũng không buồn giận, như vậy mới là quân tử. HỌC NHI 6 弟子入則孝,出則悌,謹而信,汎愛眾而親仁。行有餘力則以學文。 Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái[307] chúng nhi thân nhân; hành hữu dư lực tắc dĩ học văn. Kẻ đệ tử cư xử hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng bậc huynh trưởng, làm việc thì cẩn thận và để cho người ta tin cậy, thương tất cả mọi người mà thân cận với người nhân đức. Được như vậy rồi, nếu còn dư sức thì hãy học lục nghệ[308]. HỌC NHI 14 君子食無求飽,居無求安,敏於事 而慎於言,就有道而正焉,可謂好學也 已。 Quân tử, thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn ư sự nhi thận ư ngôn, tựu hữu đạo nhi chính yên, khả vị hiếu học dã dĩ. Người quân tử miễn có ăn, có chỗ thì thôi (không cần sướng miệng, sang trọng), siêng năng làm việc, thận trọng lời nói, tìm người đạo đức để noi theo mà sửa mình; được như vậy mới đáng gọi là người ham học. VI CHÍNH 11 溫故而知新,可以為師矣。 Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ. Ôn lại những điều cũ mà biết được điều mới, như vậy có thể làm thầy. VI CHÍNH 15 學而不思則罔,思而不學則殆。 Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi. Học mà không suy nghĩ thì không hiểu được gì, suy nghĩ mà không học thì nguy hại[309]. VI CHÍNH 18 子張學干祿。子曰:多聞,闕疑,慎言其餘則寡尤。多見,闕殆,慎行其餘 則寡悔。言寡尤,行寡悔,祿在其中矣。 Tử Trương học can lộc. Tử viết: “Đa văn, khuyết nghi, thận ngôn kì dư, tắc quả vưu. Đa kiến[310], khuyết đãi, thận hành kì dư, tắc quả hối. Ngôn quả vưu, hạnh[311] quả hối, lộc tại kì trung hĩ”.
Tử Trương muốn học để làm quan, được bổng lộc. Khổng tử bảo: “Nên nghe cho nhiều, điều gì còn nghi ngờ thì để đó, đừng nói, còn những điều đã biết chắc thì cũng thận trọng lời nói, như vậy sẽ ít bị người ta trách. Nên thấy nhiều, những gì chưa biết rõ thì để đó, đừng làm, còn những điều đã biết rõ thì cũng phải cẩn thận trong việc làm, như vậy sẽ ít phải ăn năn. Lời nói thì ít bị người ta trách, việc làm thì ít phải ăn năn, như vậy tự nhiên sẽ có bổng lộc”. BÁT DẬT 15 子入太廟,每事問。 Tử nhập thái miếu, mỗi sự vấn. Khổng tử vào thái miếu, thấy việc gì cũng hỏi. CÔNG DÃ TRÀNG 13 子路有聞,未之能行,唯恐有聞。 Tử Lộ hữu văn, vị chi năng hành, duy khủng hữu văn. Tử Lộ nghe được điều gì mà chưa kịp thi hành được thì sợ được nghe thêm điều khác nữa. CÔNG DÃ TRÀNG 14 子貢問曰:孔文子何以謂之文也? 子曰:敏而好學,不聇[312]下問,是以謂之文也。 Tử Cống vấn viết: “Khổng Văn tử hà dĩ vị chi Văn dã?” Tử viết: “Mẫn nhi hiếu học, bất sỉ hạ vấn, thị dĩ vị chi Văn dã”. Tử Cống hỏi: “Ông Khổng Văn tử sao được đặt tên thuỵ[313] là Văn?” Khổng tử đáp: “Ông ấy minh mẫn mà lại ham học, chịu hỏi người kém hơn mình mà không lấy làm thẹn, cho nên được đặt tên thuỵ là Văn”. CÔNG DÃ TRÀNG 27 子曰:十室之邑,必有忠信如丘者焉,不如丘之好學也。 yên, bất như Khâu chi hiếu học dã”. Khổng tử nói: “Trong một ấp có mười nhà tất có người trung tín như Khâu này, nhưng chẳng có ai ham học như Khâu này đâu”. UNG DÃ 2 哀公問:弟子孰爲好學?孔子對曰:有顏回者好學,不遷怒,不貳過。不幸 短命死矣,今也則無[314],未聞好學者也。 “Hữu Nhan Hồi giả hiếu học, bất thiên nộ, bất nhị quá. Bất hạnh đoản mệnh tử hĩ, kim dã tắc vô, vị văn hiếu học giả dã”.
Ai Công hỏi: “Trong số đệ tử của thầy, ai là người ham học?” Khổng tử đáp: “Có Nhan Hồi ham học, anh ấy không giận lây, không mắc tới hai lần một lỗi; chẳng may anh ấy chết sớm; nay không còn ai nữa, tôi chưa được nghe nói có ai là người ham học”. UNG DÃ 10 冉求曰:非不說子之道,力不足也。子曰:力不足者,中道而廢。今女畫。 viết: “Lực bất túc giả, trung đạo nhi phế, kim nhữ hoạch”. Nhiễm Cầu thưa: “Không phải con không ham đạo của thầy, nhưng sức con không đủ để theo. Khổng tử bảo: “Sức không đủ thì bỏ nửa chừng; còn anh thì vạch sẵn mức đường, tới đó ngừng lại”. UNG DÃ 18 知之者不如好之者,好之者不如樂之者。 Tri chi giả bất như hiếu chi giả; hiếu chi giả bất như lạc chi giả. Biết đạo không bằng ham đạo; ham đạo không bằng vui theo đạo. UNG DÃ 25 君子博學於文,約之以禮,亦可以弗畔矣夫! Quân tử bác học ư văn[315], ước chi dĩ lễ, diệc khả dĩ phất bạn hĩ phù! Người quân tử học rộng về lục nghệ, dùng lễ kiềm thúc mình, như vậy có thể khỏi trái đạo. THUẬT NHI 3 德之不修,學之不講,聞義不能徒,不善不能改,是吾憂也。 Đức chi bất tu, học chi bất giảng, văn nghĩa bất năng tỉ, bất thiện bất năng cải, thị ngô ưu dã. Đạo hạnh không trao giồi, học vấn không tinh tường, nghe được điều nghĩa mà không làm theo, có điều chẳng phải mà không sửa đổi, đó là những điều ta lấy làm lo. THUẬT NHI 8 不憤不啟,不悱不發。擧一隅不以三隅反,則不復也。 Bất phẫn bất khải, bất phỉ bất phát. Cử nhất ngung bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã. Kẻ nào không hăng hái muốn hiểu thì ta không thể giúp cho hiểu được; kẻ nào không rán tỏ ý kiến thì ta không thể giúp cho phát biểu ý kiến được. Ta vén lên cho một góc mà chẳng tự tìm
được ba góc kia thì ta không giảng thêm cho nữa. THUẬT NHI 16 加我數年卒以學易,可以無大過矣。 Gia ngã sổ niên tốt dĩ học Dịch, khả dĩ vô đại quá hĩ. Nếu Trời cho ta sống thêm ít tuổi nữa để ta học thêm đạo Dịch[316], thì ta có thể không mắc những lỗi lớn. THUẬT NHI 21 三人行,必有我師焉:擇其善者而從之,其不善者而改之。 Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên: trạch kì thiện giả nhi tòng chi, kì bất thiện giả nhi cải chi. Ba người cùng đi đường với mình, thì thế nào cũng có người làm thầy cho mình: người thiện thì mình noi gương, người không thiện thì coi đó mà sửa lỗi của mình. THÁI BÁ 12 三年學,不至於穀,不易得也。 Tam niên học, bất chí ư cốc, bất dị đắc dã. Khó thấy được một người học ba năm mà không có ý cầu bổng lộc. THÁI BÁ 17 學如不及,猶恐失之。 Học như bất cập, do khủng thất chi. Phải rán học như sợ không kịp, như sợ mình bỏ lỡ mất. TỬ HÃN 4 子絕四:毋意,毋必,毋固,毋我。 Tử tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã. Khổng tử rán tránh bốn tật này: 1 “vô ý” nghĩa là xét việc gì, không đem ý riêng của mình vào mà cứ theo lẽ phải; 2 “vô tất”, tức không quyết rằng điều đó tất đúng hoặc việc đó tất làm được; 3 “vô cố”, tức không câu nệ, cố chấp; 4 “ vô ngã”, tức phải quên mình đi, đừng để cái “ta” làm mờ ám. TỬ HÃN 18 譬如爲山,未成一簣,止,吾止也。譬如平地,雖覆一簣,進,吾往也。 Thí như vi sơn, vị thành nhất quĩ, chỉ, ngô chỉ dã. Thí như bình địa, tuy phúc nhất quĩ, tiến, ngô tiến dã. Tỉ như đắp núi, chỉ còn một sọt nữa là xong mà ngừng, là tại ta muốn bỏ dở vậy. Tỉ như lấp cái vũng (cho thành đất bằng)[317], tuy mới đổ xuống một sọt đất, mà đổ tiếp, là tại ta muốn làm tới vậy.
TỬ HÃN 30 唐棣之華,偏其反而。豈不爾思,室是遠而。 子曰:未之思也,未何遠之有? Đường lệ chi hoa, thiên kì phiên nhi. Khởi bất nhĩ ti, thất thị viễn nhi. Tử viết: “Vị chi tư dã, phù hà viễn chi hữu?” Đọc bốn câu này trong Kinh Thi: Hoa đường lệ kia Lay động dưới gió, Ta nhớ ai lắm chứ Nhưng xa không tới được. Khổng tử bảo: “Như vậy là chưa thật nhớ, thật nhớ thì đâu có ngại xa”. (Ý nói: chưa thật mộ đạo thì mới không chịu gắng công; nếu thật mộ đạo thì đâu có ngại khó – Nên so sánh bài này với bài Ung dã – 10 ở trên). TIÊN TIẾN 24 子路使子羔爲費宰。子曰:賊夫人之子。 子路曰:有民人焉,有社稷焉,何必讀書然後爲學? 子曰:是故惡夫佞者。 Tử Lộ sử Tử Cao vi Phí tể. Tử viết: “Tặc phù nhân chi tử”. Tử Lộ viết: “Hữu dân nhân yên, hữu xã tắc yên, hà tất độc thư nhiên hậu vi học?” Tử viết: “Thị cố ố phù nịnh giả”. Tử Lộ (làm gia thần họ Quí ở Lỗ) dùng Tử Cao làm quan Tể cai trị đất Phí. Khổng tử mắng: “Anh làm hại con người ta” (tức hại dân đất Phí, vì Tử Cao là người không có học)[318]. Tử Lộ thưa: “Cai trị có nhân dân, cúng tế thần đất đai, mùa màng (thì cũng là học); hà tất phải đọc sách rồi mới gọi là học”. Khổng tử bảo: “Thế cho nên ta ghét kẻ mồm mép nói càn” (để tự biện hộ cho mình). TỬ LỘ 5 誦詩三百,授之以政,不達;使於四方,不能專對雖多,亦奚以爲? Tụng Thi tam bách, thụ chi dĩ chính, bất đạt; sứ ư tứ phương, bất năng chuyên đối. Tuy đa, diệc hề dĩ vi? Học hết ba trăm bài Kinh Thi, giao cho việc trị dân mà không được việc; sai đi sứ bốn phương mà không biết ứng đối, thì tuy
học nhiều mà có ích gì đâu? HIẾU VẤN 24 古之學者爲己,今之學者爲人。 Cổ chi học giả vị kỉ, kim chi học giả vị nhân. Người xưa học vì mình (tức để tu thân), người đời nay học vì người (nghĩa là cho người ta biết tới mình). VỆ LINH CÔNG 15 不曰:如之何,如之何者,吾末如之何也已矣? Bất viết: “Như chi hà, như chi hà” giả, ngô mạt như chi hà dã dĩ hĩ. Người nào không tự hỏi: “Phải làm sao? Phải làm sao?” thì ta cũng chẳng có cách nào chỉ bảo cho được. VỆ LINH CÔNG 30 吾嘗終日不食,終夜不寢以思,無益,不如學也。 Ngô thường chung nhật bất thực, chung dạ bất tẩm dĩ tư, vô ích, bất như học dã. Ta có lần trọn ngày quên ăn và thức trọn đêm để suy nghĩ. Xét ra thấy vô ích, không bằng học. VỆ LINH CÔNG 31 君子謀道,不謀食…君子憂道不憂貧。 Quân tử mưu đạo, bất mưu thực… Quân tử ưu đạo bất ưu bần. Người quân tử mưu cầu về đạo, không mưu cầu về bổng lộc (…) Người quân tử lo về đạo, không lo nghèo. QUÍ THỊ 9 生而知之者,上也;學而知之者,次也;困而學之,又其次也。困而不學, 民斯爲下矣。 Sinh nhi tri chi giả, thượng dã; học nhi tri chi giả, thứ dã; khốn nhi học chi, hựu kì thứ dã. Khốn nhi bất học, dân tư vi hạ hĩ. Không ai dạy mà biết được đạo lí là hạng trên cùng; phải học rồi mới biết được là hạng trung; dốt mà chịu học là hạng thấp; dốt mà không chịu học là hạng cuối cùng[319]. QUÍ THỊ 10 君子有九思:視思明,聽思聰,色思溫,貌思恭,言思忠,事思敬,疑思 問,忿思難,見得思義。 Quân tử hữu cửu tư: thị tư minh, thính tư thông, sắc tư ôn, mạo tư cung, ngôn tư trung, sự tư kính, nghi tư vấn, phẫn tư nan, kiến đắc tư nghĩa. Người quân tử có chín mối xét nét: 1 khi trông phải trông cho rõ, 2 khi nghe phải lắng tai nghe cho rõ (rõ: nghĩa là phân biệt được phải trái). 3 sắc mặt phải giữ cho ôn hoà, 4 dung mạo phải cho khiêm cung, 5 nói điều gì phải trung thực, 6 làm điều gì phải kính cẩn, 7 có điều gì nghi hoặc thì phải hỏi han, tìm hiểu, 8 khi giận dữ thì phải nghĩ đến hậu quả tai hại sẽ xảy ra, 9 thấy mối lợi thì phải nghĩ đến điều nghĩa.
QUÍ THỊ 13 陳亢問於伯魚曰:子亦有異聞乎?對曰:未也。嘗獨立,鯉趨而過庭。曰: 學詩乎?對曰:未也。不學詩,無以言。鯉退而學詩。 他日,又獨立,鯉趨而過庭。曰:學禮乎?對曰:未也。不學禮,無以立。 鯉退而學禮。聞斯二者。 陳亢退而喜曰:問一得三:聞詩,聞禮。又聞君子遠其子也。 Trần Cang vấn ư Bá Ngư viết: “Tử diệc hữu dị văn hồ?” Đối viết: “Vị dã. Thường độc lập. Lí xu nhi quá đình. – Viết: “Học Thi hồ?” Đối viết: “Vị dã”. – “Bất học Thi vô dĩ ngôn”. Lí thoái nhi học Thi. Tha nhật, hựu độc lập, Lí xu nhi quá đình. – Viết: “Học Lễ hồ?” Đối viết: “Vị dã”. – “Bất học Lễ, vô dĩ lập”. Lí thoái nhi học Lễ. Văn tư nhị giả”. Trần Cang thoái nhi hỉ viết: “Vấn nhất đắc tam: văn Thi, văn Lễ, hựu văn quân tử chi viễn kì tử dã”. Trần Cang hỏi Bá Ngư (con Khổng tử): Cha tôi hỏi tôi: Học (kinh) Thi chưa? Tôi đáp: Chưa. Cha tôi bảo: Không học (kinh) Thi thì không biết ăn nói. Tôi bèn lui vào học (kinh) Thi. Lần khác cha tôi lại đứng một mình, tôi đi nhanh qua sân. Cha tôi hỏi: Học (kinh) Lễ chưa? Tôi thưa: Chưa. Cha tôi bảo: Không học (kinh) Lễ thì không vững chí lập thân. Tôi bèn lui vào học (kinh) Lễ. Tôi chỉ nghe được hai điều đó[320]. Trần Cang lui ra, mừng rỡ bảo: Hỏi một điều mà biết được ba: 1 phải học Thi, 2 phải học Lễ, 3 người quân tử không hay gần con. DƯƠNG HOÁ 8 子曰:由也,女聞六言六蔽矣乎?對曰:未也。居,吾語女:好仁不好學, 其蔽也愚;好知不好學,其蔽也蕩;好信不好學,其蔽也賊;好直不好學,其 蔽也絞;好勇不好學,其蔽也亂;好剛不好學,其蔽也狂。 dã tặc. Hiếu trực bất hiếu học, kì tế dã giảo. Hiếu dũng bất hiếu học, kì tế dã loạn. Hiếu cương bất hiếu học, kì tế dã cuồng”. Khổng tử hỏi Tử Lộ: Anh Do này, anh có nghe sáu đức tốt bị sáu cái hại che lấp không? Thưa thầy chưa Ngồi xuống đấy, thầy dạy cho. Người ham đức nhân mà không
chịu học hỏi thì bị cái hại là ngu muội; người ham đức trí mà không chịu học hỏi thì bị cái hại là phóng đãng; người trọng đức tín mà không chịu học hỏi thì bị tổn hại (bị lừa gạt); người ưa sự ngay thẳng mà không chịu học hỏi thì hoá ra nóng nảy; người ưa dũng cảm mà không chịu học hỏi thì hoá ra phản loạn; người thích cương quyết mà không chịu học hỏi thì hoá ra cuồng bạo. Trở lên trên là những lời của Khổng tử (trừ bài Bát dật 15, Công Dã Tràng 13, Tử Hãn 4). Dưới đây tôi xin chép thêm ít lời của môn đồ cũng nói về việc học và cũng rút trong Luận ngữ. A. LỜI TĂNG TỬ (TỨC TĂNG SÂM) HỌC NHI 4 吾日三省吾身:為人謀而不忠乎?與朋友交而不信乎?傳不習乎? Ngô nhật tam tỉnh ngô thân: Vị nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Truyền bất cập hồ?” Mỗi ngày tôi xét điều này: giúp ai có hết lòng không, giao du với bạn có giữ được đức tín không, có học tập điều thầy dạy cho không? B. LỜI TỬ HẠ (TỨC BỐC THƯƠNG) HỌC NHI 7 賢賢易色,事父母能竭其力,事君能致其身,與朋友交,言而有信。雖曰未 學,吾必謂之學矣。 Hiền hiền dịch sắc[321], sự phụ mẫu năng kiệt kì lực, sự quân năng trí kì thân, dữ bằng hữu giao, ngôn nhi hữu tín, tuy viết vị học, ngô tất vị chi học hĩ. Người nào biết đổi lòng yêu sắc đẹp ra lòng mộ người hiền, thờ cha mẹ thì tận lực, thờ vua thì liều thân, giao thiệp với bạn bè thì giữ được đức tín, người đó dù bảo là chưa học (đạo lí) chứ tôi thì cho là đã học rồi. TỬ TRƯƠNG 5 日知其所亡,月無忘其所能,可謂好學也已矣。 Nhật tri kì sở vô, nguyệt vô vong kì sở năng, khả vị hiếu học
dã dĩ hĩ. Mỗi ngày biết thêm điều mình chưa biết, mỗi tháng không quên những điều mình đã biết, như vậy có thể gọi là ham học. TỬ TRƯƠNG 6 日博學而篤志,切問而近思,仁在其中矣。 Bác học nhi đốc chí, thiết vấn nhi cận tư, nhân tại kì trung hĩ. Học rộng mà dốc chí, hỏi điều thiết thực mà nghĩ đến việc gần[322], đạo nhân ở trong đó rồi. TỬ TRƯƠNG 7 百工居肆以成其事,君子學以致其道。 Bách công cư tứ dĩ thành kì sự, quân tử học dĩ trí kì đạo.” Thợ thuyền thì phải ở trong xưởng mới làm được việc (ý mói mới có đủ phương tiện để làm); người quân tử thì phải học mới thấu được đạo lí.” TỬ TRƯƠNG 12 子游曰:子夏之門人小子當洒掃,應對,進退則可矣,抑末也本之則無。如 之何? 子夏聞之曰:噫!言游過矣。君子之道,孰先傳焉?孰後倦焉?譬諸草木, 區以別矣。君子之道,焉可誣也?有始有卒者,其惟聖人乎? đối, tiến thoái tắc khả hĩ, ức mạt dã, bổn chi tắc vô. Như chi hà?” Tử Hạ văn chi, viết: “Y! Ngôn du quá hĩ. Quân tử chi đạo, thục tiên truyền yên? Thục hậu quyện yên? Thí chư thảo mộc, Tử Du bảo: Học trò của thầy Tử Hạ chỉ làm việc rẩy nước quét tước, ứng đối, tới lui là được. Đó chỉ là cái ngọn (việc nhỏ nhặt), còn cái gốc (đạo lí) thì không có. Như vậy đâu được. Tử Hạ nghe được, nói: Ôi! Tử Du nói sai rồi. Đạo của người quân tử cái gì phải dạy cho trước (nếu không phải cái ngọn?), cái gì phải được gắng sức truyền lại sau cho đến mệt mỏi[323] (nếu không phải là cái gốc?). Trình độ học trò ví như cỏ cây, phân biệt làm nhiều hạng. Đạo dạy học của người quân tử (phải tuần tự) đâu có thể viễn vong được? Biết đủ ngọn gốc (quán thông mọi lẽ), có phải chỉ bậc thánh nhân mới được vậy không? (còn bọn trẻ thì phải tuần
tự mà dạy chứ)[324]. TỬ TRƯƠNG 13 仕而優則學,學而優則仕。 Sĩ nhi ưu tắc học, học nhi ưu tắc sĩ. Làm quan mà thừa sức thì nên học thêm; người học mà thừa sức thì nên ra làm quan. C. LỜI TỬ CỐNG TỬ TRƯƠNG 22 衛公孫朝問於子貢,曰:仲尼焉學?子貢曰:文武之道,未墜於地,在人。 賢者識其大者,不賢者,識其小者,莫不有文武之道焉。夫子焉不學?而亦何 常師之有? chí kì đại giả, bất hiền giả, chí kì tiểu giả, mạc bất hữu Văn Võ chi đạo yên. Phu tử yên bất học? Nhi diệc hà thường sư chi hữu?” Công tôn Triều (đại phu) nước Vệ hỏi Tử Cống: Ông Trọng Ni học với ai? Đạo của vua Văn vua Võ đời Chu chưa sụp đổ hẳn, vẫn còn trong lòng người: người hiền ghi nhớ được phần cao xa, người bất hiền ghi nhớ được phần nhỏ nhặt, không đâu không có đạo vua Văn vua Võ. Thầy tôi chẳng học ở đó ư? Cần gì phải nhất định học một ông thầy nào? ĐỌC THÊM[325] Tính Tương Cận Khổng Tử bị khốn ở nước Trần, nước Thái Tử Cống Nhà chính trị Nhà luân lí Nhà giáo (Trích Cổ Văn Trung Quốc) Văn học Trung Hoa tới thời Xuân Thu và Chiến Quốc đã phát triển rực rỡ, mà về số lượng và sự phong phú thì tản văn lấn hẳn thơ. Mới đầu tản văn chia làm hai phần: luận thuyết và sử truyện. Phần luận thuyết cũng gọi là phần “tản văn của chư tử”, gồm toàn những tác phẩm triết học, có giá trị rất lớn về tư tưởng, đôi khi cả về nghệ thuật nữa. Tác phẩm đầu tiên là bộ Luận ngữ, do môn đệ của Khổng tử ghi chép những lời dạy bảo của thầy mà soạn thành. Nó mở đường cho thể “ngữ lục” đời sau. Chúng tôi không chép lại tiểu sử của Khổng tử (551 479 trước
TL) vì độc giả đều biết cả rồi, chỉ xin giới thiệu ít điểm đặc sắc trong bộ Luận ngữ. Có lẽ môn đệ của Khổng tử mỗi lần nghe được một lời nào của thầy, thấy quan trọng thì ghi lại liền, rồi khi ngài mất mới gom góp lại chứ không sắp đặt theo đề mục, cho nên ta không thấy có một thứ tự nào cả về hệ thống tư tưởng; nhưng sự ghi chép đó rất đích xác, và các độc giả đời sau đều cho rằng chỉ có bộ đó là phát biểu được đúng học thuyết của ngài. Tuy nhiên hình như cũng có vài chỗ do người đời sau viết thêm, chẳng hạn như thiên Hương đảng. Nội dung của Luận ngữ rất là phong phú; bao quát cả triết học, chính trị, văn học, giáo dục…, tuy là văn kí sự mà có tính cách nghị luận; ý tưởng thì ôn hoà, thâm thuý mà hàm súc; giọng thì nghiêm trang mà vẫn thân mật, tự nhiên, đúng là lời trò chuyện giữa thầy trò. Văn rất cô: một phần vì thời đó phải khắc vào thẻ tre, rất bất tiện, nên lời ghi chép cần thật gọn, nhiều chỗ ta phải suy nghĩ mới tìm thấy mạch lạc tư tưởng. Chẳng hạn đoạn ở đầu sách: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ? Nhân bất tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ?” Muốn cho rõ và đủ nghĩa thì chúng ta phải dịch ra như vậy: “Học mà mỗi buổi mỗi tập, cũng chẳng thoả thích ư? Khi học đã tấn tới rồi, có những bạn cùng chí hướng với mình, ở xa nghe tiếng mình mà tìm lại để bàn bạc với nhau về đạo lý, khuyến khích lẫn nhau, sửa đổi lẫn nhau, chẳng cũng vui vẻ ư?
Nhưng nếu không ai biết tới mình, thì mình cũng không hờn giận, (vì mình học để cầu đạo chứ không phải để cầu danh), như vậy mới là quân tử.” Ta thấy ý nghĩa của ba câu liên lạc chặt chẽ với nhau và sắp theo thứ tự tự nhiên, câu đầu vạch bước đầu của người học đạo; câu thứ nhì xét về những người đã tiến kha khá trên đường đạo; câu cuối xét về những người đã đạt một trình độ rất cao trong sự tu dưỡng. Đại loại văn trong Luận ngữ thâm trầm như vậy, càng suy càng thấy hứng thú. Ngoài ra lại có những đoạn có giọng phúng thích như đoạn Quí Lộ hỏi về quỉ thần (chương Tiên Tiến); những câu nhiều thú vị như: “Tuế hàn nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã”, những câu cảm xúc triền miên như: “ Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ!” Tóm lại, về hai phương diện tư tưởng và nghệ thuật, Luận ngữ được mọi thời công nhận là một tác phẩm bất hủ làm vẻ vang cho dân tộc Trung Quốc. Dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu hai đoạn, một đoạn cực kỳ hàm súc; một đoạn tả tính tình, chí hướng các nhân vật một cách rất linh động, đời sau khó có ai viết hơn được. 冉有曰:“夫子為衛君乎?”子貢曰:“諾,吾將問之。”入曰:“伯夷,叔齊何 人也?”曰:“古之賢人也。”曰:“怨乎?”曰:“求仁而得仁,又何怨。”出 曰:“夫子不為也。” Khổng tử lúc đó đương ở nước Vệ mà vua nước Vệ bất hiếu, cướp ngôi của cha trong khi cha tị loạn ra nước ngoài; rồi khi cha về, đem quân ra cự cha. Nhiễm Hữu và Tử Cống, hai môn đệ của Khổng tử, nghi thầy có ý bênh vực vua Vệ chăng, cho nên Nhiễm Hữu hỏi Tử Cống: “Thầy có vị vua Vệ không?” và Tử
Cống đáp: “Ừ, chính tôi cũng định hỏi thầy về việc ấy.” Rồi Tử Cống vào hỏi. Nhưng không hỏi thẳng về việc vua Vệ, như vậy Khổng tử sẽ khó trả lời; theo đạo lý thì không thể nào bênh vực vua Vệ được, mà theo phép xử thế, đương làm khách ở Vệ thì không thể bài xích vua Vệ; cho nên Tử Cống đem việc Bá Di, Thúc Tề ra hỏi. Bá Di, Thúc Tề là hai anh em ruột, con vua nước Cô Trúc ở cuối đời Thương, đầu đời Chu. Bá Di là anh cả, Thúc Tề là em út. Vua Cô Trúc yêu Thúc Tề, lập di ngôn cho Thúc Tề nối ngôi. Quốc dân theo di mệnh, lập Thúc Tề, Thúc Tề không chịu, nhường lại Bá Di cho phải lẽ. Bá Di cũng không chịu, nhường lại cho Thúc Tề để tuân lệnh cha. Không ai chịu nhận rồi trốn cả Vậy hai người đó lấy nghĩa làm trọng, trái hẳn với vua Vệ. Nếu Khổng tử khen Bá Di, Thúc Tề, tức thị là chê vua Vệ rồi. Tử Cống nghĩ vậy rồi vô hỏi: Tử Cống chưa hiểu rõ, hỏi thêm: Hai ông ấy cầu được vẹn chữ nhân và quả nhiên làm được điều nhân thì còn ân hận gì nữa? Thấy thầy khen Bá Di, Thúc Tề, biết rằng tất chê vua Vệ, Tử Cống trở ra đáp Nhiễm Hữu: Quả nhiên, sau thầy trò Khổng tử bỏ nước Vệ mà đi. Dịch sát ra thì như vầy: Nhiễm Hữu hỏi: “Thầy chúng ta có vị vua Vệ không?” Tử Cống đáp: “Ừ, tôi cũng có ý hỏi thầy về việc đó”. Rồi vô hỏi Khổng tử: “Thưa thầy, Bá Di, Thúc Tề là người ra sao?” Đáp:
“Là người hiền đời xưa”. Lại hỏi: “Hai ông ấy có ân hận gì không?” Đáp: “Cầu nhân mà được nhân thì còn ân hận gì nữa?” Tử Cống trở ra bảo Nhiễm Hữu: “Thầy không vị vua Vệ đâu.” Phê bình đoạn ấy, Phan Bội Châu viết: “Bài này chẳng những đạo lý hay mà bút pháp nhà chép sách lại cực kỳ tinh diệu. Câu đứng đầu là: “Phu tử vị Vệ quân hồ?”, câu dưới là: “Phu tử bất vị dã” mà chính khoảng giữa không một chữ nào dây dướng gì đến Vệ quân cả. Một bên hỏi, một bên trả lời, rặt là ý tứ ở ngoài tiếng nói.” (Khổng học đăng – Anh Minh xuất bản) Đoạn dưới đây dài hơn mà cũng là đoạn chúng tôi thích nhất trong Luận ngữ, về phương diện văn học. 子路、曾皙、冉有、公西華侍坐。子曰:“以吾一日長乎爾,毋吾以也。居則 曰:’不吾知也!’如或知爾,則何以哉?”子路率爾而對曰:“千乘之國,攝乎大 國之間,加之以師旅,因之以飢饉,由也為之,比及三年,可使有勇,且知方 也。”夫子哂之。”求,爾何如?”對曰:“方六七十,如五六十,求也為之,比及 三年,可使足民。如其禮樂,以俟君子。”“赤,爾何如?”對曰:“非曰能之,願 學焉。宗廟之事,如會同,端章甫,願為小相焉。”“點,爾何如?”鼓瑟希,鏗 爾,舍瑟而作,對曰:“異乎三子者之撰。”子曰:“何傷乎?亦各言其志也。 ”曰:“莫春者,春服既成,冠者五六人,童子六七人,浴乎沂,風乎舞雩,詠而 歸。”夫子喟然嘆曰:“吾與點也!” “Dĩ ngô nhất nhật trưởng hồ nhĩ, vô ngô dĩ dã. Cư tắc viết: “Bất ngô tri dã”. Như hoặc tri nhĩ, tắc hà dĩ tai?” Tử Lộ suất nhĩ nhi đối viết: “Thiên thặng chi quốc, nhiếp hồ đại quốc chi gian, gia chi dĩ sư lữ, nhân chi dĩ cơ cận, Do dã vi chi, bí cập tam niên, khả sử hữu dõng, thả tri phương dã.” Phu tử sẩn chi. “Cầu, nhĩ hà như?” Đối viết: “Phương lục thất thập, như ngũ lục thập, Cầu dã vi chi, bí cập tam niên, khả sử túc dân. Như kỳ lễ nhạc dĩ sĩ quân tử.” “Xích, nhĩ hà như?” Đối viết: “Phi viết năng chi, nguyện học yên. Tôn miếu chi sự, như hội đồng, đoan, chương phủ, nguyện vi tiểu tướng yên.” “Điểm, nhĩ hà như?” Cổ sắt hy, khanh nhĩ, xả sắt nhi tác, đối viết: “Dị hồ tam tử
giả chi soạn.” Tử viết: “Hà thương hồ? Diệc các ngôn kỳ chí dã.” Viết: “Mộ xuân giả, xuân phục ký thành, quán giả ngũ lục nhân, đồng tử lục thất nhân, dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu, vịnh nhi quy.” Phu tử vị nhiên thán viết: “Ngô dữ Điểm dã.” DỊCH NGHĨA Tử Lộ, Tăng Tích[326], Nhiễm Hữu và Công Tây Hoa ngồi hầu ngài. Ngài bảo: “Các anh cho rằng ta có lớn hơn các anh một ngày[327] mà ngại, nhưng đừng ngại gì cả. Ở nhà, các anh thường nói: “Chẳng ai biết ta” [328]. Nếu có người biết thì các anh đem tài năng gì ra dùng?” Tử Lộ vội vàng đáp: “Ví như một nước có một ngàn cỗ xe[329], bị ép giữa hai nước, lại thêm có nạn chiến tranh, nhân đó dân chúng đói khổ; Do tôi mà cầm quyền chính trị nước ấy thì vừa đầy ba năm, có thể khiến cho dân chúng dũng cảm mà lại biết đạo lý nữa.” Ngài mỉm cười. Rồi hỏi: “Cầu[330], còn anh thì thế nào?” Đáp: “Như có một nước vuông vức sáu, bảy chục dặm hoặc năm sáu chục dặm[331], Cầu tôi cầm quyền chính trị nước ấy thì vừa đầy ba năm có thể khiến cho dân chúng được no đủ. Còn về lễ nhạc thì xin đợi bực quân tử” [332]. “Xích[333], còn anh thì thế nào?” Đáp: “Về lễ nhạc, tôi không phải giỏi song xin được học. Trong việc tế tự ở tôn miếu, hay trong hội nghị của các chư hầu, Xích tôi mặc áo lễ huyền đoan, đội mũ chương phủ[334] mà xin làm một tiểu tướng[335]. ” “Điểm[336], còn anh thì thế nào?” Lúc đó Tăng Tích gẩy đờn sắt vừa ngớt, đặt đờn xuống, nghe
reng một tiếng, mà đứng dậy, đáp: “Chí của tôi khác hẳn với ba anh đó.” Ngài bảo: “Hại gì? Cũng là ai nấy tỏ chí của mình ra mà thôi.” Thưa rằng: “Như bây giờ là tháng cuối xuân, y phục mùa xuân đã may xong, năm sáu người vừa tuổi đôi mươi[337], với sáu bảy đồng tử[338] dắt nhau đi tắm ở sông Nghi rồi lên hứng mát ở nền Vũ Vu[339], vừa đi vừa hát, kéo nhau về nhà.” Khổng tử ngẫm một chút rồi than: “Ta cũng muốn như Điểm vậy.” Chỉ có một trang giấy mà tả rõ tính tình, chí hướng cùng sự tu dưỡng của năm nhân vật, lại vén cho thấy một cảnh trời xuân, có suối trong gió mát, tiếng đàn tiếng hát. Tính tình Khổng tử hoà nhã mà thân mật: chỉ mỉm cười chứ không trách Tử Lộ. Đọc bộ Luận ngữ ta có cảm tưởng như lúc nào ngài cũng đau đáu lo việc nhân quần, tới đoạn này ta mới thấy ngài cũng có lúc ưa cảnh thanh nhàn, và như vậy ta càng mến ngài; ngài rất gần chúng ta, không cực đoan như Mặc Tử hay Trang Tử, đã đạt tới cái mức quân bình trong tâm hồn, đạt được cái đạo trung dung trong phép xử thế. Tử Lộ có chí làm một vị tướng, tính tình nóng nảy là phải (hai chữ “suất nhĩ” rất có ý nghĩa), lời lẽ tự phụ, nên Khổng tử nghe xong mỉm cười. Nhiễm Cầu muốn làm một nhà kinh tế, còn Công Tây Hoa muốn làm một nhà lễ nhạc, đều nhũn hơn Tử Lộ. Tác giả chú trọng nhất vào đoạn tả Tăng Tích: ung dung mà lễ độ. Từ đầu câu chuyện, Tăng Tích vẫn khoan thai bấm nhẹ
cây đàn, nghe thầy hỏi mới đặt cây đàn xuống, (hai chữ “khanh nhĩ” thật linh động), rồi đứng dậy đáp, nhưng không đáp ngay câu hỏi, còn rào đón trước đã: “Chí của con khác ba anh đó”. Lời lẽ của Tăng lại văn hoa: cảnh dắt nhau đi tắm và hóng mát, như một bức hoạ vui tươi mà sáng sủa. Cái vui đó, duy bậc đạt quan mới biết hưởng, nên chính Khổng tử cũng biểu đồng tình, rồi liên tưởng đến đời bôn ba của mình mà hơi buồn. Phan Bội Châu, trong Khổng học đăng, đã phân tích ý nghĩa triết học của đoạn đó; chúng tôi không đồng ý hẳn với Cụ, nhưng cũng xin chép lại dưới đây vì lối giảng của cụ có chỗ mới mẻ. Cụ viết: “Học giả đọc chương (…) này, ngẫm nghĩ cho sâu, thiệt có thú vị. Chỉ thầy Tử Lộ làm một nhà tri binh; chỉ thầy Nhiễm Cầu làm một nhà lý tài; chỉ thầy Công Tây Hoa làm một nhà lễ nhạc, thảy là chăm về đường thực dụng, đức Khổng tử há không phải lấy làm hay đâu! Nhưng vì sao ngài biểu đồng tình với thầy Tăng Tích? Mà chỉ thầy Tăng Điểm có gì lạ đâu! Vì sao đức Thánh lại nói rằng: “Ngô dữ Điểm dã?” “Cắt nghĩa bài này in như bài học triết lý. Nói rằng “một xuân giả” là theo về lý tự nhiên của trời; “Quán giả ngũ lục nhân, đồng tử lục thất nhân” là theo về lối tự nhiên của người; “dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu” là theo lối tự nhiên của đất. Dục rồi phong, phong rồi vịnh, vịnh rồi quy, chỉ là thuận theo cái lý tự nhiên mà phát triển tinh thần khoái lạc của mình.
Chỉ nghe trên lời nói, thật là bình thường, mà dò tìm cho đến ý tứ tinh thần, thời bảo rằng tâm lý in như trời đất, cũng không phải quá đáng, nên đức Khổng tử chỉ biểu đồng tình với thầy Tăng Điểm.” Cụ Phan suốt đời hy sinh chiến đấu cho tự do và bình đẳng trong đời cách mạng cũng như trong việc trứ tác, thật đáng cho ta khâm phục. TÍNH TƯƠNG CẬN (Trích Đại cương triết học Trung Quốc) (…) Khổng tử cũng nói tới (tính) đấy, nhưng nói trong mỗi một câu này gần đầu chương Dương Hoá: “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã” [340]. Vế sau, “tập tương viễn dã” thì rất rõ nghĩa; ai cũng hiểu là “do tập tành và thói quen mà tính cũng mỗi người mới hoá ra khác nhau”. Còn vế trên, “ tính tương cận dã”, thì mỗi người hiểu một cách. Tưởng Duy Kiều trong cuốn Trung Quốc triết học sử cương yếu (Trung Hoa thư cục – Đài Loan – 1957) cho rằng Khổng tử bảo tính là thuần, không gọi là thiện hay ác được, tuỳ theo hoàn cảnh mà nó biến ra thiện hay ác, cũng như tấm lụa bạch, nhuộm xanh thì nó hoá xanh, nhuộm đỏ thì nó hoá đỏ. Một số học giả khác – trong đó có Trần Trọng Kim – dẫn thêm câu này trong thiên Hệ từ (kinh Dịch): “Nhất âm nhất dương chi vị đạo, kế chi giả, thiện dã, thành chi giả, tính dã” và câu “Thiên mệnh chi vị tính” trong Trung Dung, rồi suy ra rằng “tính là cái phần thiên lý của trời phú cho” thì tất phải thiện, mặc dầu Khổng tử không nói là thiện hay ác. Vậy người nào sinh ra cũng có tính thiện, cho nên mới bảo là “tương cận”.
Lời đó không hợp với chú thích của Chu Hi. Chu Hi bảo “chữ tính trong Luận ngữ có cái nghĩa gồm cả khí chất, vậy thì có thiện, có ác. Nhưng xét lúc đầu thì tính mỗi người không xa nhau mấy”. Có người dẫn thêm câu: “Tử viết: Duy thượng trí dữ hạ ngu bất di” [341], cũng trong chương Dương Hoá, ở kế câu “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã” mà bảo Khổng tử chủ trương tính có ba hạng: cao, thấp, thấp và trung bình; hạng cao (trí) và hạng thấp (ngu) thì tính không thay đổi, còn hạng trung bình thì gần giống nhau, và thay đổi, tuỳ tập tành cái thiện mà hoá thiện hoặc quen với cái ác mà hoá ác. Giải thích như vậy là miễn cưỡng: bàn về tính mà sao lại nói đến trí và ngu? Huống hồ hai câu đặt sát nhau thật[342], nhưng đầu câu sau cũng có hai chữ Tử viết như đầu câu trước thì có thể tin rằng Khổng tử nói hai câu đó trong hai hoàn cảnh khác nhau chứ không phải cùng một lúc, và câu sau không nhất định là để bổ túc câu trước. Phan Bội Châu, trong Khổng học đăng, hiểu gần giống Chu Tử, bảo rằng: “Nhận cho đến ý đức Khổng tử thời ở trong chữ “tính” chẳng phải tuyệt đối là thiện, cũng chẳng phải tuyệt đối là ác” (trang 406). Nhưng rồi mười hàng sau lại viết: “Tương cận” nghĩa là sao? Nguyên đầu vẫn thiện[343] nhưng xê xích một tí thôi té ra ác cũng không khó gì”, thì cơ hồ lại như xa Chu Tử. Chúng tôi nghĩ rằng ở thời Khổng tử chưa có nhiều học thuyết khác nhau và ông cũng chưa đặt ra vấn đề tính thiện hay tính ác, ngẫu nhiên mà thốt ra câu đó, có lẽ nói rằng con người khi sinh ra không khác nhau bao nhiêu (nghĩa là có khác
nhau một chút, chứ không phải là “thuần” như Tưởng Duy Kiều giải thích), có người dễ hoá thiện, có người dễ hoá ác; nhưng quan trọng nhất là sự tập tành và thói quen, có thể làm cho người ta khác xa nhau: kẻ rất thiện, kẻ rất ác. Chúng tôi chưa chắc rằng đã đoán đúng. Ông chỉ thốt ra có bốn tiếng thì làm sao hiểu rõ ông cho được! tập tương viễn dã” [344]. “do tập tành và thói quen mà tính cũng mỗi người mới hoá ra khác nhau”. Còn vế trên, “ tính tương cận dã”, thì mỗi người hiểu một cách. bất di” [345], cũng trong chương Dương Hoá, ở kế câu “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã” mà bảo Khổng tử chủ trương tính có ba hạng: cao, thấp, thấp và trung bình; hạng cao (trí) và hạng thấp (ngu) thì tính không thay đổi, còn hạng trung bình thì gần giống nhau, và thay đổi, tuỳ tập tành cái thiện mà hoá thiện hoặc quen với cái ác mà hoá ác. đến trí và ngu? Huống hồ hai câu đặt sát nhau thật[346], nhưng đầu câu sau cũng có hai chữ Tử viết như đầu câu trước thì có thể tin rằng Khổng tử nói hai câu đó trong hai hoàn cảnh khác nghĩa là sao? Nguyên đầu vẫn thiện[347] nhưng xê xích một tí thôi té ra ác cũng không khó gì”, thì cơ hồ lại như xa Chu Tử. KHỔNG TỬ BỊ KHỐN Ở NƯỚC TRẦN, NƯỚC THÁI (Trích Sử Ký của Tư Mã Thiên) Khổng Tử dời sang ở nước Thái được ba năm, thì xảy ra việc nước Ngô đánh nước Trần. Nước Sở cứu viện nước Trần, kéo quân đến đóng ở ấp Thành Phủ. Nước Sở được tin Khổng Tử
lúc đó đang ở khoảng ranh giới hai nước Trần, Thái thì sai sứ giả đến mời ông. Đang lúc ông tính đi tiếp kiến người Sở, thì ở hai nước Trần, Thái bọn đại phu cầm quyền bàn với nhau rằng: Khổng Tử là một bậc hiền minh, những lời ông chê bai đều đúng với những lầm lỗi của các nước chư hầu. Lâu nay, ông dừng lại ở khoảng ranh giới hai nước Trần, Thái; những việc bọn đại phu chúng ta làm đều không hợp với ý ông. Nay nước Sở, một nước lớn, mời ông. Nếu nước Sở dùng ông thật thì bọn đại phu chúng ta nguy lắm. Thế họ cùng nhau sai người đến vây Khổng Tử ở giữa rừng. Khổng tử muốn thoát mà không có lối; lương thực lại hết sạch mà các đệ tử theo thầy đều ngã bệnh vì đói; không dậy được. Khổng Tử biết bọn học trò mình có ý oán trách, nên mới gọi Tử Lộ lại hỏi: Kinh Thi có câu: “Tê chẳng phải, hổ chẳng phải, rừng hoang một đàn quanh quất mãi”. Đạo ta sai chăng? Làm sao mà ta đến nỗi này? Tử Lộ thưa: Có lẽ đức nhân của ta chưa đủ, cho nên người chưa tin ta. Có lẽ mưu trí của ta chưa đủ, cho nên người chẳng để công việc của ta trót lọt. Khổng Tử nói: Thật à? Này anh Do! Nếu cứ có đức nhân là người ta tin thì tại sao Bá Di, Thúc Tề lại chết đói ở núi Thú Dương? Nếu cứ đủ trí mưu là công việc trót lọt thì làm sao vương tử Tỉ Can lại bị moi tim? Tử Lộ ra, Tử Cống vào. Khổng Tử hỏi:
Anh Tứ! Kinh Thi có câu: “Tê chẳng phải, hổ chẳng phải, rừng hoang một đàn quanh quất mãi”. Đạo ta sai chăng? Làm sao mà ta đến nỗi này? Tử Cống thưa: Đạo của Thầy cực kì rộng lớn, cho nên người đời chẳng dung nạp được Thầy. Có lẽ Thầy nên thu hẹp, rút nhỏ đạo của Thầy đi một chút. Này anh Tứ! Người làm ruộng lành nghề giỏi cày cấy đấy mà vị tất đã giỏi thu hoạch; người thợ lành nghề, đủ ngón khéo léo mà vị tất đã làm được vừa ý người; người quân tử tu đạo, biết giữ cho có kỉ cương điều lí đấy[348] mà vị tất đã khiến nổi người đời dung nạp mình. Nay anh chẳng tu đạo của mình mà lại chỉ muốn cho người đời dung nạp? Anh Tứ! Chí anh không được cao cả! Tử Cống ra, Nhan Hồi vào. Khổng Tử hỏi: Anh Hồi! Kinh Thi có câu: “Tê chẳng phải, hổ chẳng phải, rừng hoang một đàn quanh quất mãi”. Đạo ta sai chăng? Làm sao Nhan Hồi thưa: nạp được Thầy. Tuy nhiên, Thầy cứ theo đạo ấy và khuếch sung nó. Người đời chẳng dung nạp được Thầy, đủ thấy Thầy là bậc quân tử. Đạo ấy chẳng sửa thì thầy trò ta xấu. Đạo ấy sửa rồi mà chẳng được dùng thì kẻ có nước – bọn vương hầu – xấu. Người đời chẳng dung nạp được Thầy, điều đó có quan hệ gì? Người đời chẳng dung nạp được Thầy, đủ thấy Thầy là bậc quân tử. Khổng Tử cười, vui vẻ bảo: Thế à? Trò họ Nhan của ta ơi, giá mà anh giàu thì ta tình nguyện làm kinh tài giúp anh. Rồi Khổng Tử sai Tử Cống đến nước Sở, vua Sở Chiêu vương
cho đem quân đi đón Khổng Tử, nhờ vậy, Khổng Tử thoát nạn. TỬ CỐNG Điền Thường[349] muốn làm loạn ở nước Tề, nhưng còn e bọn Cao Chiêu tử, Quốc Huệ tử, Bảo Mục, Án Ngữ, cho nên mới chuyển quân đi một nơi, định đánh nước Lỗ đã. Khổng Tử được tin, bảo các học trò rằng: Nước Lỗ là nơi có mồ mả tổ tiên ta, là nước cha mẹ ta chôn nhau cắt rốn. Nay nước ấy lâm nguy, tại sao các anh không đi cứu? Tử Lộ bèn xin đi. Khổng Tử ngăn lại không cho. Tử Trương, Tử Thạch[350] cũng xin đi. Khổng Tử vẫn không chịu, Tử Cống tình nguyện thì Khổng Tử bằng lòng. Tử Cống đi thẳng đến nước Tề, nói với Điền Thường: Ông muốn đánh nước Lỗ là ông lầm. Nước Lỗ rất khó đánh, vì thành quách nước Lỗ mỏng và thấp; đất đai nước Lỗ rất hẹp, không có bề sâu; vua tôi đần độn, không có lòng nhân, các quan đại thần dối trá, vô dụng, dân chúng lại ghét chiến tranh. Vì những lẽ đó, không thể đánh nhau với nước ấy được. Ông nên đánh nước Ngô hơn. Nước Ngô, thành quách cao và dầy, đất rộng và có bề sâu; binh khí tốt, lại mới; binh sĩ cũng trẻ trung sung sức; binh khí tốt, quân đội tinh thục tập trung cả ở đó; quan đại phu được cử giữ thành lại là những người sáng suốt. Như thế dễ đánh. Điền Thường nổi giận, biến sắc, nói: Cái người ta cho là dễ thì ông bảo là khó, cái người ta cho là khó thì ông lại bảo là dễ; ông dùng những lời lẽ ỡm ờ ấy dạy
khôn tên Thường này, là có ý gì? Tử Cống nói: Tôi nghe nói: Bị chèn ép ở triều đình thì phải đem quân đi đánh nước mạnh, bị dân chúng trong nước không ưa thì đem quân đi đánh nước yếu. Nay tôi được biết ông đang bị chèn ép ở triều đình, nghe nói: ba lần ông sắp được phong mà cả ba lần điều hụt. Như vậy tất là trong đám đại thần có người chống đối ông. Bây giờ ông định đánh phá nước Lỗ, để mở rộng đất đai cho Tề (nếu thành công thì chiến thắng để vua mình thêm kêu, diệt địch để các vị đại thần khác thêm quí), chứ công lênh đâu đến phần ông. Trái lại, tình quân thần giữa đấng nhân chủ và ông sẽ ngày một thêm sơ. Thế là: trên, ông làm cho vua sinh lòng kêu ngạo; dưới, ông làm cho quần thần lộng hành. Như vậy mà mong thành việc lớn thì khó lắm. Vua chúa mà kêu ngạo thì càn rỡ. Bầy tôi kiêu ngạo thì tranh hành. Thế là trên, ông làm cho đấng nhân chủ xích mích với ông; dưới, ông làm cho các vị đại thần hục hặc, tranh chấp với ông, cái thế đứng của ông ở Tề bấp bênh nguy hiểm lắm. Cho nên tôi mới nói là: đánh nước Ngô hơn. Ông đánh nước Ngô không thắng thì dân chúng ở ngoài hết oán ông, các vị đại thần cũng sẽ hết hằn học ông (vì nước lâm nguy, họ đều trông cả vào ông). Trên không có bọn cuồng thần thù nghịch, dưới không có đám dân chúng mè nheo. Ông sẽ “một mình một chợ”, nắm giữ nhân quân, chế ngự nước Tề; nước Tề cũng chỉ biết
có mỗi mình ông. Điền Thường nói: Phải lắm! Khốn một nỗi là tôi đưa quân đến nước Lỗ mất rồi, bây giờ mà rời Lỗ kéo đi đánh Ngô thì thế tất bọn đại thần sẽ ngờ tôi. Vậy, làm thế nào? Ông chỉ có việc án binh bất động. Tôi xin đi sứ Ngô, yêu cầu Ngô vương cứu Lỗ mà đánh Tề. Nhân cớ đó, ông sẽ đưa quân nghinh chiến với quân Ngô. Điền Thường bằng lòng, để Tử cống đi về phương nam yết kiến Ngô vương. Tử Cống đến nước Ngô, yết kiến Ngô vương, tâu rằng: Tôi nghe: đứng vương giả không tuyệt diệt nước yếu, đứng bá giả không dung kẻ địch mạnh. Nặng cả ngàn “quân” [351], thêm một đồng, đủ gây chếch lệch. Nay một nước lớn có vạn cỗ xe là nước Tề, đang toan tính chiếm riêng lấy nước Lỗ nhỏ yếu, để tranh hùng với nước Ngô. Tôi trộm nghĩ đó là mối nguy cho Đại vương vậy. Vả lại, cứu Lỗ thì Đại vương sẽ hiển danh, đánh Tề thì Đại vương sẽ được lợi: một mặt trấn an các nước chư hầu ở lưu vực sông Tứ, mặt khác, diệt xong bạo Tề là khắc phục được cường Tấn. Còn có cái lợi nào lớn hơn! Trên danh nghĩa, được tiếng là tiếng cứu nước Lỗ sắp mất; trong thực tế là làm cho nước Tề cùng khốn. Dù là bậc trí giả cũng không nghi ngờ việc Đại vương làm. Ngô vương nói: Hay lắm! Có điều là quả nhân đã từng giao chiến với nước Việt, Việt vương rút về náo ở Cối Kê, chịu đựng gian khổ, chăm nuôi sĩ tốt, định báo thù quả nhân. Xin ông để quả nhân
đánh xong Việt đã, rồi sẽ xin theo kế hoạch của ông. Nước Việt mạnh không hơn nước Lỗ, nước Ngô không hơn nước Tề. Đại vương để nước Tề đấy, đi đánh nước Việt, thì trong khi đó nước Tề lấy xong nước Lỗ rồi. Vả Đại vương cần bảo vệ nước yếu, phục hưng nước mất để nêu cao chính nghĩa. Đánh nước nước Việt nhỏ, sợ nước nước Tề mạnh, như thế e không phải là dũng. Kẻ dũng không sợ việc khó, kẻ nhân chẳng ở cảnh cùng, kẻ trí chẳng lỡ thời cơ. Đứng vương giả chẳng để cho một dòng vua bị diệt, nhờ vậy mà được tiếng là trọng nghĩa. Nay, Đại vương không diệt nước Việt là tỏ cho chư hầu rõ lòng nhân của Đại vương; cứu nước Lỗ, đánh nước Tề, uy dũng của Đại vương chấn động cả nước Tấn, thì chư hầu tất sẽ dắt nhau về thần phục nước Ngô, nghiệp bá của Đại vương thế là thành tựu vậy. Vả lại, nếu Đại vương ghét nước Việt thì tôi xin đi về đông, đến nước Việt, làm cho nước Việt đem quân giúp sức Đại vương, sự thực làm cho nước Việt suy kiệt mà trên danh nghĩa là cùng với chư hầu làm việc thảo phạt. Ngô vương bằng lòng lắm, nhờ Tử Cống sang nước Việt. Tử Cống đến nước Việt, Việt vương ra tận ngoài thành tiếp rước, đích thân đưa về khách xá, hỏi rằng: Tệ quốc là nước man di, Tiên sinh chẳng sợ thất thể diện, đến thăm một cách trang trọng như thế này, chẳng hay Tiên sinh có điều gì dạy bảo? Hiện nay, tôi đang yêu cầu Ngô vương giải cứu nước Lỗ, thảo
phạt nước Tề. Ngô vương có ý muốn giúp, nhưng còn sợ nước Việt, bảo: “Đợi quả nhân đánh xong nước Việt đã, rồi sẽ làm theo ý ông”. Như vậy thì nước Việt sẽ tan tành mất. Không rắp tâm báo thù người mà để cho người ngờ, là vụng, Rắp tâm báo thù người mà để cho người biết thì mệt. Việc chư phát hiện mà tiếng đã lọt ra ngoài thì nguy. Ba điều đó, người cử sự tối kị. Việt vương Câu Tiễn cúi đầu sát đất, lạy hai lạy, nói: Kẻ bất đức này đã chẳng từng lượng sức mà giao chiến với Ngô, để đến nỗi nguy khốn ở đất Cối Kê này. Nỗi đau khổ thật thấm đến xương tuỷ. Ngày ngày, kẻ bất đức này thường cùng với sĩ tốt nhắc nhở điều đó đến rát lưỡi, se môi, chỉ muốn cùng Ngô vương một trận sống mái. Đó là ước nguyện của kẻ bất đức này. Rồi hỏi Tử Cống (về con người của Ngô vương). Tử Cống nói: Ngô vương là một người hung bạo, bầy tôi không ai chịu nổi; vì chinh chiến luôn, nước nhà hao tổn, quân lính chán nản. Dân chúng oán hờn người trên, bọn đại thần ngấm ngầm chống đối. Ngũ Tử Tư vì can thẳng mà bị giết[352]. Quan thái tể Phỉ cầm quyền thì chiều cả lỗi của vua, để được yên thân, đúng là cái lối làm lụn bại quốc gia. Nay nếu Đại vương gửi quân đội giúp Ngô vương, để kích động ý chí của ông ta, đưa đồ quí báu cống hiến cho nhiều để làm đẹp lòng ông ta và dùng lời lẽ nhúng nhường mà tâng bốc ông ta thì ông ta tất sẽ
đánh Tề. Ông ta đánh Tề mà không thắng thì đó là điều hay cho Đại vương. Nếu thắng, ông ta tất sẽ xua quân đánh Tấn. Tôi xin đi lên phương bắc yết kiến vua Tấn, yêu cầu cùng đáng Ngô. Như vậy, nước Ngô suy yếu là điều chắc chắn. Binh ròng của Ngô đem cả sang Tề, giáp nặng của Ngô kẹt cả ở Tấn, Đại vương thừa cái thế Ngô đang mệt mỏi mà đánh thì Ngô tất bị diệt vong. Việt vương nghe Tử Cống nói như vậy thì vui vẻ nhận lời, tặng Tử Cống trăm dật vàng, một thanh kiếm, hai cây mâu tốt. Tử Cống không chịu nhận, cáo từ đi ngay. Tử Cống về tâu với Ngô vương rằng: Tôi kính cẩn nói lại lời của Đại vương cho Việt vương nghe. Việt vương sợ lắm, bảo: “Kẻ bất đức này chẳng may mất cha từ nhỏ, không tự lượng sức mình, đã xúc phạm đến nước Ngô, đến nỗi quân bị phá, thân bị nhục, phải rút về nương náu ở cái đất Cối Kê này, đất nước hoang tàn, kho tàng trống rỗng; may được Ngô vương còn ban ơn để cho có đồ cúng tế mà phụng thờ tổ tiên, ơn ấy để đời, chẳng bao giờ kẻ bất đức này quên, đâu còn dám tính chuyện (trả thù, báo oán). Sau đó năm hôm, quả nhiên Việt vương sai đại phu Chủng đến, cúi rạp đầu tận đất, tâu với Ngô vương rằng: Nước Tề không tốt, làm cho chúa tôi là Câu Tiễn căm hờn. Vì tình hình Đông Hải (tức Tề), chúa tôi sai tôi đến đây làm thân với các quan cấp dưới để dọ hỏi các vị cận thần của Đại vương, thì trộm được hay tin rằng Đại vương nay sắp vì đại nghĩa dấy quân diệt trừ nước mạnh để cứu nước yếu, vây hãm
nước Tề bạo ngược để ủng hộ nhà Chu cho vương thất được yên lòng. Chúa tôi xin đem hết ba ngàn quân trong nước, đến giúp Đại vương và nguyện tự mặc áo giáp, cầm đồ nhọn, tiến trước mà hứng lấy mũi tên, hòn đạn. Nhân dịp, nước Việt có cho Chủng tôi mang đến đây mười hai tấm giáp của tiền nhân đã giữ gìn để lại, cùng với búa, mâu Khuất Lư và kiếm Bộ Quang để mừng bộ đội Quí quốc. Ngô vương bằng lòng lắm, đem chuyện nói lại với Tử Cống: Vua Việt muốn đích thân theo quả nhân đi đánh Tề, có nên cho theo không? Không nên! Dùng hết quân, dân của người ta, làm cho nước người ta rỗng không, không còn bộ đội, lại còn bắt luôn vua của người ta theo mình, như thế bất nghĩa lắm. Xin Đại vương nhận lấy đồ biếu, cho phép quân lính của họ được theo ta, nhưng khước từ đừng để cho vua họ đi cùng. Ngô vương bằng lòng theo lời Tử Cống, sai người từ tạ Việt vương. Rồi dốc hết quân chín quận đi đánh Tề. Tử Cống bèn thừa dịp đi sang nước Tấn, nói với vua Tấn rằng: Tôi nghe “kế hoạch chẳng định trước, để nước đến chân mới nhảy thì nguy; binh sĩ chẳng sắp đặt trước thì không thể đánh bại được quân địch”. Hiện hai nước Tề và Ngô sắp sửa đánh nhau, Ngô mà không thắng Tề thì Việt tất sẽ nhảy vào làm cho Ngô rối loạn. Ngô mà thắng Tề thì tất đem quân xăm lăng Tấn. Vua Tấn nghe Tử Cống nói, sợ quá, hỏi: Thế thì phải làm sao bây giờ? Xin Đại vương nên luyện quân rồi nghỉ ngơi mà đợi họ.
Vua Tấn bằng lòng làm theo lời Tử Cống. Tử Cống rời nước Tấn trở về nước Lỗ. Quả nhiên Ngô vương đánh nhau với Tề ở Ngải Lăng; quân Ngô đại thắng, bắt sạch binh sĩ của bảy tướng Tề rồi mà chẳng chịu triệt thoái, cứ thế tiến sang nước Tấn thật. Quân Ngô và quân Tấn gặp nhau ở Hoàng Trì. Đôi bên giành nhau ưu thế, rồi quân Tấn đại phá quân Ngô. Việt vương hay tin, kéo quân vượt sông Tiền Đường đánh úp nước Ngô, quân đóng cách kinh đô Ngô chỉ có bảy dặm. Hay tin đó, Ngô vương vội vả rời đất Tấn trở về, giao chiến với quân Việt ở Ngũ Hồ, luôn ba trận không thắng. Cổng thành của Ngô bị chọc thủng, quân Việt ồ ạt vào vây chặt cung Ngô, giết chết Ngô vương Phù Sai cùng với một viên tể tướng. Ba năm sau khi phá xong Ngô, nước Việt hướng về đông mà xưng bá. Cho hay, Tử Cống chỉ một lần ra đi mà nước Lỗ được bảo tồn, nước Tề bị rối loạn, nước Ngô bị đánh phá, nước Tấn được cường thịnh, nước Việt dựng nên nghiệp bá; Tử Cống chỉ một phen đi sứ mà làm cho các thế lực công phá lẫn nhau, trong vòng mười năm, cả năm nước Lỗ, Tề, Ngô, Tấn, Việt đều thay đổi cục diện. (Trích Sử Trung Quốc) Từ cuối Xuân Thu đến cuối thời Chiến Quốc, xã hội Trung Quốc biến chuyển mạnh, mà phong trào lập thuyết để cứu đời phát triển bồng bột, người đời sau gọi là thời “trăm nhà đua tiếng” (bách gia tranh minh). Người đầu tiên mở đường cho phong trào là Khổng Khâu (Trọng Ni) và ta có thể nói rằng bình minh triết học Trung Hoa
xuất hiện ở nước Lỗ (Sơn Đông ngày nay), một nước nhỏ thôi, nhưng còn giữ được ít nhiều sự giáo hóa của Chu Công. Triết gia đầu tiên của Trung Quốc đó lại chính là tư tưởng gia phong phú nhất (bàn về chính trị, mà bàn cả về đạo đức, cách tu thân, để tề gia, trị nước); ảnh hưởng lớn nhất, lâu bền nhất, non 2.500 năm rồi ở cả miền Đông Á; ông vừa là chính trị gia, lại vừa là nhà giáo dục đại tài, được đời sau gọi là “vạn thế sư biểu”, có nhiều học trò nhất từ xưa tới nay; hơn nữa, ông còn là một văn sĩ, một sử gia và một nghệ sĩ: nghiên cứu Kinh Thi, phổ nhạc nhiều bài thơ trong bộ đó. Tư cách của ông siêu quần: nghiêm trang mà ôn hòa, khoáng đạt, cương quyết mà đa cảm (học trò ông là Nhan Hồi chết, ông thương tiếc, khóc tới nỗi các môn sinh khác phải can), học không chán, dạy người không mỏi, khiêm tốn, mà vui tính, đôi khi nói đùa với các môn sinh, rất nhiệt tâm cứu đời: biết rằng việc rất khó thành những vẫn cứ tận lực làm. Ông thuộc dòng dõi quí tộc nhưng sa sút, thời trẻ phải làm những chức lại nhỏ, rồi mở trường tư dạy học, nổi tiếng là học rộng, mãi đến 51 tuổi mới được vua Lỗ dùng làm chức Trung đô tể (chức quan cai trị kinh đô như chức Thừa Thiên phủ doãn đời Nguyễn), rồi thăng chức Đại tư khấu (thượng thư bộ Hình), trong ba bốn năm cầm quyền đó, ông làm cho Lỗ hưởng cảnh thái bình, không cướp bóc, dân chúng biết trọng lễ, pháp luật; nhưng rồi thấy vua Lỗ bỏ bê việc nước, ông chán ngán, rời Lỗ,
cùng với một số môn sinh bôn ba các nước Vệ, Trần. tìm một minh quân để thực hiện đạo của mình (thời đó chưa có người quan niệm trung quân hẹp hòi: trung thần bất sự nhị quân), nhưng không ông vua nào chịu nghe ông cả. Năm 68 tuổi, ông mới về Lỗ dạy học, sắp đặt lại Kinh Thi, soạn Kinh Xuân Thu, chép sử nước Lỗ (coi ở sau). Những Kinh Thư (cũng gọi là Thượng Thư, chép sự ba đời Hạ, Thương, Chu), Lễ, Nhạc, Dịch (bói) không chắc của ông san định hoặc giải thích. Thời ông, chế độ phong kiến đã suy, thiên tử nhà Chu không còn quyền hành gì cả mà đất đai lại rất hẹp, các nước chư hầu lớn như Tề, Tống, Tần, Tấn, Sở. uy hiếp các nước nhỏ, tranh giành nhau đất đai, để làm bá chủ. Nhưng vì Trung Hoa chưa có sắt, canh nông chưa phát triển, đất đai chưa được khai phá nhiều, nước nghèo, dân ít; khí giới thô sơ, chiến thuật lạc hậu, vẫn dùng chiến xa, chưa có kị binh; dù một nước thắng được một hai nước khác thì cũng không đủ binh để chiếm, đủ quan lại để cai trị, nên chưa nước nào có thể thôn tính hết các nước khác mà thống nhất Trung Quốc, lập chế độ quân chủ chuyên chế, phải ba thế kỉ sau chế độ này mới thực hiện được. Ở vào thời đó, muốn trừ loạn, Khổng Tử cũng như Mặc Tử non một thế kỉ sau, chỉ có mỗi một giải pháp là duy tân chế độ phong kiến do Chu Công đã qui định, mà cải thiện nó thôi. Ngày nay người ta trách ông là thủ cựu, sao không dẹp chế
độ phong kiến đi, như vậy là không hiểu chút gì về thời đại của ông cả. Ông giữ chế độ phong kiến – ông nói ông “tòng Chu” (theo Chu) là nghĩa vậy – nhưng ông không tôn Chu, không thờ Chu, không trung với Chu, cho nên trong thời ông bôn ba các nước, không lần nào ông ghé Chu cả; ông cũng không trung với cả Lỗ nên mới bỏ Lỗ mà đi. Ông biết rằng Chu và Lỗ không theo được đạo của ông. Đạo đó là đạo “quân quân, thần thần”, “người trên (vua) phải làm tròn nhiệm vụ, có tư cách của người trên, thì người dưới mới làm tròn nhiệm vụ, có tư cách của người dưới”. Nếu người trên (vua) không làm tròn nhiệm vụ của người trên, không yêu dân, trọng ý dân, lo hạnh phúc cho dân, giáo dục dân. mà bóc lột, hiếp đáp, làm hại dân. thì không đáng gọi là vua nữa. Đó là thuyết Chính Danh của Khổng Tử, một thuyết có lẽ không mới mẻ lắm nhưng táo bạo ở đương thời vì chấp nhận thuyết đó thì qui kết tất là phải làm cách mạng. Như trường họp Khoái, Quí và Xuất Công Triếp nước Vệ, cha con tranh ngôi nhau, cha không ra cha, con không ra con, không đáng làm vua, ông bảo phải lựa người khác để thay (Luận ngữ VII 14)[353]. Vì theo thuyết Chính Danh đó mà một thế kỉ sau Mạnh Tử bảo giết một bạo chúa như Kiệt, Trụ không phải là giết vua mà là giết một kẻ thất phu. Mạnh có giọng gay gắt hơn Khổng chỉ vì thời của Mạnh khác, chế độ phong kiến sắp tàn rồi, còn tư tưởng thì chính là của Khổng.
Hai nguyên tắc trị dân, theo Khổng Tử, là “phú, giáo”: làm cho dân giàu và dạy dân. Làm cho dân giàu là khiến cho họ đủ ăn, tài sản không được tập trung vào một số người, mà phải được phân phối quân bình (“quân vô bần”). Dạy dân bằng lễ, nhạc: lễ để dân biết điều phải mà làm, trọng người trên; nhạc là để hòa nhịp trên dưới. Và dạy dân thì trước hết người trên phải làm gương cho dân: nếu người trên tốt thì người dưới đều theo mà thành tốt, như cỏ nằm rạp theo chiều gió thổi. Vì trọng sự dạy dân, cho tư cách của nhà cầm quyền là cần nhất, nên ông mở tư thục, dạy đủ các hạng người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, hi vọng đào tạo được một số môn sinh có phẩm cách, có tài năng để giúp các vua chúa đương thời, và theo truyền thuyết, ông có 3.000 đệ tử mà 72 người vào hạng hiền. Ông bảo mỗi người, từ vua tới thứ dân, đều phải tu thân; trong cuốn Đại Học ông chỉ cách tu thân: “Đời xưa, muốn làm sáng đức trong thiên hạ thì trước hết phải trị nước mình [nghĩa là làm cho nước mình được trị]; muốn trị nước mình thì trước hết phải tề nhà mình; muốn tề nhà mình thì trước hết phải chính cái tâm của mình; muốn chính cái tâm của mình thì trước hết phải tinh thành cái ý của mình, muốn làm cho tinh thành cái ý của mình thì trước hết phải có tri thức xác đáng; tri thức xác đáng ở chỗ xét kĩ mọi sự vật” [354]. Đoạn đó là một trang bất hủ trong lịch sử triết học, ngang với
đoạn giảng về bát chính đạo của đạo Phật. Không triết gia nào coi trọng sự tu thân bằng ông; ông cho rằng phải cải thiện cá nhân rồi mới cải thiện được xã hội. Trong việc tu thân ông chú trọng đến đủ cả ba đức: nhân, trí, dũng. Ki Tô chỉ chú trọng tới nhân (charité), Socrate chỉ chú trọng tới trí, Nietzsche chỉ chú trọng tới dũng. Ông luyện đủ cả tình cảm, lí trí và nghị lực cho ta. Trong những sách, tài liệu viết trước ông, chúng ta không thấy nói hoặc nói rất ít đến đức nhân, tới bộ Luận Ngữ mới thường gặp đức đó. Vậy nếu ông không phát minh ra quan niệm nhân thì ít nhất cũng đã có công bổ túc nó, đưa nó lên hàng đầu các đức. Ông đặt trí gần ngang hàng với nhân, nghĩa. Ông cho rằng bất kì đức nào, nhân, nghĩa, lễ, dũng, hiếu, đễ, trung tín. cũng phải có trí giúp, nghĩa là phải sáng suốt. Ví dụ đức nhân mà không có trí thì không phân biệt được người xấu, người tốt, không biết phải giúp người ra sao, trong hoàn cảnh nào; đức dũng mà không có trí thì sẽ làm bậy, nguy cho mình, cho người. Do trọng trí mà luân lí của ông có tính cách tự nhiên: con người phải giữ đạo vì nó là lẽ phải, chứ không phải vì một vị thần thánh hay Thượng Đế bắt ta phải giữ. Chính vì điểm đó mà các triết gia Pháp ở “thế kỉ ánh sáng” (thế kỉ 18) như Diderot, Voltaire trọng ông và rất khen văn minh Trung Quốc. Phải có trí mới biết xứ sự hợp với đạo lí, không thái quá, không bất cập, mới hợp với thời thế, cảnh ngộ, nghĩa là mới giữ
được đạo trung dung, tùy thời. Đây cũng là một điểm đặc biệt của Khổng Tử. Tôi chưa thấy triết gia nào để ý tới đạo đó, mà ông thì rất coi trọng nó. Nhờ nó mà ông có tinh thần “vô khả, vô bất khả”, và người phương Tây gọi ông là “sage” (minh triết). Giáo lí của ông đầy đủ nhất. Đọc bộ Luận Ngữ gồm 20 thiên, khoảng 500 bài, đại đa số chỉ có 4 5 hàng trở xuống, chép những lời ông dạy môn sinh và đối đáp với mọi hạng người, chúng ta thấy không có vấn đề gì ông không bàn tới, từ vấn đề tu thân đến vấn đề tề gia, trị quốc; cách khuyên can cha mẹ, cách dạy học, cách học, cách đọc sách, cách tế lễ, cách đối đãi với môn sinh, với bè bạn, với kẻ trên người dưới, cả với người mù, người có tang; lối sinh hoạt của ông ở triều đình, ở nhà, ở làng xóm, cả cách ăn mặc nữa; cách xét người, giúp người, khi ngồi xe thì ra sao, khi vào triều nên ra sao, khi tiếp đãi sứ thần nên ra sao, thái độ khi câu cá, khi bắn chim. Riêng hạng trị dân, ông buộc họ phải có hai đức cần thiết này: thương dân và giữ chữ tín với dân. Chả trách nhà Nho ta hồi xưa, chỉ thuộc lòng bộ đó và ráng áp dụng vào đời sống mà đủ cho xã hội trọng vọng. Một nhà Trung Hoa học, Etiemble, bảo ông mang ơn Khổng Tử cũng bằng mang ơn Montaigne của nước ông, một triết gia Pháp sống sau Khổng Tử khoảng 2.000 năm. Đối với môn sinh, Khổng Tử tuy nghiêm mà ôn hòa, thân mật. Ông bắt họ phải gắng sức (học như bất cập) phải suy nghĩ,
tìm hiểu (nếu ông vén cho một góc mà không tự tìm ra ba góc kia thì ông không dạy cho nữa), phải tổng hợp thành một mối, tìm điều căn bản mà khái quát, chứ không cần nhớ nhiều; điều gì biết thì nói là biết, điều gì không biết thì nói là không biết; phải nhớ bốn điều này: “vô ý”, xét việc gì thì đừng đem ý riêng (hoặc tư duy của mình) vào; “vô tất”, đừng quyết rằng điều đó tất đúng; “vô cố”, không cố chấp; “ vô ngã”, không để cho cái “ta” làm mờ ám (nghĩa là phải chí công vô tư). Ông tập cho họ gặp việc cũng phải suy nghĩ, tìm một lối xử sự hợp tình, hợp lí, hợp thời. Ở trên tôi đã nói ông đào tạo cho Trung Hoa một giới đặc biệt mà 2.000 năm sau chưa dân tộc nào có, tức giới sĩ để thay giới quí tộc thiếu đức thiếu tài. Trong bộ Luận Ngữ có cả trăm câu làm châm ngôn cho đời sau. Nhưng phải là người từng trải, năm chục tuổi trở lên mới thấy được cái thâm thúy và quí tinh thần nhân bản trong tư tưởng của ông. Có người hỏi ông nên lấy đức báo oán không, ông đáp: “Thế thì lấy gì báo đức? Cứ chính trực mà báo oán và lấy đức mà báo đức”. Sự minh triết của ông ở đó. Lấy đức báo oán thì đại độ thật, nhưng luôn luôn theo qui tắc đó thì xã hội sẽ loạn mất. Một tư tưởng mới mẻ nhưng phải hợp tình hợp lí, thiết thực, có ích cho nhân quần thì mới đáng quí; còn nói cho sướng miệng mình, sướng tai người nghe mà không dùng được thì có khi chỉ là ngụy biện, không khó gì cả.
Khổng Tử mất năm 73 tuổi. Môn sinh để tang ông ba năm, một số cất nhà ở bên mộ ông suốt thời gian cư tang. Sau dân chúng tụ lại đó trồng cây, dựng nhà thành lập một làng. Vinh dự đó tôi chưa thấy triết gia nào được. Một môn sinh, Tăng Sâm, chép lại lời ông mà viết cuốn Đại Học; một cháu nội của ông, Tử Tư, cũng chép lại lời ông trong cuốn Trung Dung. Học trò của Tử Tư, Mạnh Kha, để lại cuốn Mạnh Tử – Ba cuốn đó với cuốn Luận Ngữ gọi chung là Tứ Thư, từ đời Đường trở đi, cũng với Ngũ kinh (Thi, Thư, Lễ, Xuân Thu, Dịch) được đem dạy ở khắp các trường trong nước; mà kì thi tuyển nhân tài nào cũng dùng những lời trong cuốn đó làm đề thi. Trước đó, từ đời Hán, Khổng giáo đã được coi là quốc giáo rồi. Có thể nói rằng lịch sử Trung Quốc với lịch sử ảnh hưởng của Khổng giáo là một. [1] Trong bài III. 5, bài VI.12… chữ “vong” cũng được đọc và hiểu là “vô”. Tương tự, trong bài I.1, V.5… chữ “thuyết” 說 đọc là “duyệt” 悅; bài II.17, III.6… chữ “nữ” 女 đọc là “nhữ” 汝; bài III.15, III.23… chữ “đại” 大 đọc là “thái” 太. [2] Bắt đầu từ trang ngu.html. [3] Các bạn có thể xem bài Tựa của cuốn Cổ văn Trung Quốc này trong ebook 8 bài tựa đắc ý (tải tại trang thuvien.com/forums/showthread.php?t=43474). [4] NXB Văn Hoá in năm 1994. (BT). [5] NXB Văn Hoá in năm 1993 (in lần thứ tư). (BT). [6] Nguyên văn: 憲問恥。子曰:“邦有道,谷;邦無道,谷,恥也. (Goldfish). [7] Đoan Mộc Tứ (端木賜): chữ “Tứ” này và hai chữ “Tứ” tiếp theo, ebook nguồn đều chép là “tử”. Về sau, những chỗ in sai,
nếu biết, tôi cũng sửa lại, nhưng để khỏi rườm, tôi chỉ ghi chú thích nếu thấy cần. (Goldfish). [8] Ý nói năm 436 trước Tây lịch. (Goldfish). [9] Thơ Tiểu nhã, thiên Ngã hành kì dã. (Goldfish). [10] Nguyên văn: 其斯之謂與?. Chữ “dư”, ebook nguồn chép sai thành “du”. (Goldfish). [11] Ngờ sai. (Goldfish). [12] Nguyên văn: 孟武伯問孝,子曰:父母唯其疾之憂. Chữ “tật”, ebook nguồn chép là “bệnh”. (Goldfish). [13] Ebook nguồn chép là: “cho chữ kì chỉ cha mẹ hai cách trên, chữ kì chỉ con”. (Goldfish). [14] Nhiễm Cầu: tức Nhiễm Hữu nói ở trên. Ông họ Nhiễm, tên Cầu, tự Hữu. (Goldfish). [15] Thời Chiến Quốc (403 221) trước Công nguyên. [16] Thiên Học nhi, tức thiên I, bắt đầu bằng mấy chữ “Tử viết: Học nhi thời tập chi” (子曰:學而時習之); thiên Ung dã, tức thiên VI, bắt đầu bằng mấy chữ “Tử viết: Ung dã khả sử nam diện” (子曰:雍也可使南面); thiên Tử hãn, tức thiên IX, bắt đầu bằng mấy chữ “Tử hãn ngôn lợi dữ mệnh dữ nhân” (子罕言利與命與仁). [17] Xem tiết Luận ngữ trong phần Phụ lục. (Goldfish). [18] Nguyễn Thiên Thụ, trong sách đã dẫn, cũng gom hai bài làm một. (Goldfish). [19] Chữ “nhân” này do tôi ghi thêm, trong ebook nguồn chỉ có một dấu ngoặc kép! (Goldfish). [20] I.1: Trong ebook nguồn chỉ ghi số “1” (số Ả Rập – chỉ số thứ tự của bài), để tiện việc tìm kiếm, tôi ghi thêm “I.” (số La Mã – chỉ số thứ tự của chương); các bài sau cũng vậy. (Goldfish). [21] Duyệt: nguyên văn chữ Hán là “thuyết” 說 có nghĩa là “nói”, ở đây và trong một số bài ở sau đọc là “duyệt” như chữ 悅 (duyệt: vui vẻ, hài lòng). (Goldfish). [22] Bằng: có sách hiểu là “học trò” ở xa lại xin học, và câu này nghĩa như lời Mạnh tử: “Được kẻ anh tài trong thiên hạ để dạy
dỗ, đó là một trong ba cái vui của người quân tử”. Như vậy câu đầu: Học nhi thời tập… trỏ thái độ “học bất yếm” (học không chán); câu sau trỏ thái độ “giáo nhân bất quyện” (dạy người không mỏi) của Khổng tử. Cả ba giai đoạn học trong bài này là: học để thành kỉ (câu đầu), rồi tới thành nhân (câu nhì), sau cùng thành đức (câu cuối). Chúng tôi cho hiểu như vậy là hơi gò ép. Nên hiểu theo Chu Hi như chúng tôi dịch ở trên. [23] Quân tử: mới đầu trỏ hạng quí tộc cầm quyền, trị dân. Tiểu nhân là dân thường. (coi cuốn Khổng tử chương VII). Khổng tử cho rằng người cầm quyền phải có đức, do đó mà quân tử còn có nghĩa là người có đức dù cầm quyền, hay không (như trong bài này). Chữ tiểu nhân cũng vậy, có hai nghĩa: dân thường, hoặc người cầm quyền thiếu đức. Đọc Luận ngữ, chúng ta phải tuỳ chỗ mà hiểu theo nghĩa này hay nghĩa khác. [24] Tăng tử, họ Tăng, tên Sâm, tự là Tử Dư, người nước Lỗ, học trò nhỏ tuổi nhất của Khổng tử, kém Khổng tử 46 tuổi, sau dạy cháu nội của Khổng tử là Khổng Cấp (Tử Tư), ông rất có hiếu; thân phụ là Tăng Tích cũng là học trò của Khổng tử. [25] Phiếm ái chúng: nguyên văn chữ Hán, trong cuốn Nhà giáo họ Khổng, cụ Nguyễn Hiến Lê chép là: 汎愛眾; bản Nguyễn Thiên Thụ chép là “phàm ái chúng” 凡愛眾 và dịch là: “thương mọi người”. Trong Trang tử , thiên Thiên hạ, hai chữ “phiếm ái” trong câu “Phiếm ái vạn vật thiên địa nhất thể dã”, cụ Nguyễn Hiến Lê cũng dịch là “yêu khắp”. Hai chữ đó, trên mạng có bản
chép là: 泛愛, có bản lại chép là: 氾爱. (Goldfish). [26] Tử Hạ họ Bốc, tên Thương, học trò của Khổng tử, nhỏ hơn thầy 44 tuổi, không rõ quê quán ở đâu, về già làm thầy Nguỵ Văn Hầu. [27] Chữ [易], đa số học giả đọc là dịch, nghĩa là đổi, và giảng là: tôn trọng người hiền mà đổi lòng hiếu sắc đi (Chu Hi), hoặc: đem lòng hiếu sắc đổi làm tôn trọng người hiền (Khổng An Quốc). Nham Sư Cổ đọc là dị, giảng là coi thường. Hai cách đều được cả. Chúng tôi theo họ Nham vì như vậy là hai ý (tôn trọng người hiền và coi thường sắc đẹp) đối nhau. Nhưng có điều thắc mắc: khuyên coi thường sắc đẹp, điều đó có liên quan gì tới đạo thờ cha mẹ, thờ vua, và giao thiệp với bạn bè? Trần Tổ Phạm và Tống Tường Phượng giảng: Hiền hiền dĩ sắc là nói về đạo vợ chồng (chồng đối với vợ, nên trọng đức của vợ mà coi thường sắc đẹp); đạo vợ chồng đứng đầu nhân luân nên Tử Hạ đưa lên trước, rồi mới nói đến đạo cha con, vua tôi, bạn bè. Giảng như vậy cũng có lí. Nhưng chúng tôi vẫn tồn nghi. [Chữ 易 đặt trong dấu ngoặc đứng là do tôi ghi thêm, về sau, nếu cần, tôi cũng ghi như vậy nhưng sẽ không chú thích. (Goldfish)]. [28] Lời dịch, bản nguồn bỏ sót, tôi chép theo cuốn Khổng tử. [29] Tử Cầm, họ Trần, tên Cang, cũng là học trò của Khổng tử, coi bài XVI.13. [30] Tử Cống, họ Đoan Mộc, tên Tứ, người nước Vệ, là học trò của Khổng tử. [31] Trình tử: tức Trình Điều, là một danh Nho thời nhà Tống.
[32] Tư vô tà: trong Đại cương văn học sử Trung Quốc , cụ Nguyễn Hiến Lê dịch là: “Không nghĩ bậy”. (Goldfish). [33] Theo trang thì chữ “cách” 格 có hai cách giải thích: một là dùng như chữ “chí” 至, hai là dùng như chữ “chính” 正 (cụ Nguyễn Hiến Lê dịch theo cách hiểu thứ hai này). (Goldfish). [34] Trên trang “nhĩ” (耳) nghĩa là “dĩ” (已), và câu “lục thập nhi nhĩ thuận” (六十 而耳順) nên hiểu là “lục thập nhi dĩ thuận” (六十而已順). [35] Vi: nguyên văn chữ Hán là 違, nghĩa là trái (chứ không phải chữ 爲 có nghĩa là làm). (Goldfish). [36] Dĩ: nguyên văn chữ Hán là 已, bản Nguyễn Văn Thụ chép là “kỉ” 己 và dịch bốn chữ “tư hại dã kỉ” là: “có hại cho mình”. [37] Nhữ: Nguyên văn chữ Hán là 女, ở đây đọc là “nhữ” và có nghĩa như chữ 汝 (nhữ). (Goldfish). [38] Mấy chữ “thì để đó, đừng làm, những điều còn lại (tin được)” là do tôi ghi thêm. (Goldfish). [39] Khuyến: nguyên văn chữ Hán là “khuyến” (勸); có bản chép là “cần” (勤). (Goldfish). [40] Kinh Thư có nhiều bản, chưa rõ bản nào. [41] Câu “Nhà Chu theo “lễ” của nhà Ân, thêm bớt cái gì, ta có thể biết được” là do tôi ghi thêm. (Goldfish). [42] Quỉ là người đã chết. [43] Lâm Phỏng: Theo lời chú giải trang tử. (Goldfish). [44] Vô: Nguyên văn chữ Hán là 亡 (vong), ở đây đọc là “vô” và có nghĩa như chữ 無 (vô). (Goldfish). [45] Nhữ: Nguyên văn chữ Hán là 女 (xem chú thích trong bài II.19 ở trên). (Goldfish). [46] Thương: Thương là tên của Tử Hạ, Khổng tử gọi học trò bằng tên (tương tự như trong bài I.15: Khổng tử gọi Tử Cống là
Tứ; trong bài II.17: gọi Tử Lộ là Do). (Goldfish). [47] Hai câu này trong thiên Thạc nhân, Vệ phong. [48] Câu cuối cùng này không biết ở đâu. [49] Chúng tôi thêm chữ “nhân” là theo ý trong bài III.3. [50] Câu này là lời môn sinh chép thái độ của Khổng tử khi tế, chứ không phải là lời của Khổng tử. [51] Lâm Ngữ Đường hiểu là “nếu ta không chú ý hết vào”. [52] Đoạn sau đây là do tôi chép thêm: Tử nhập thái miếu, mỗi sự vấn. Hoặc viết: “Thục vị Trâu nhân chi tử tri lễ hồ, nhập thái miếu, mỗi sự vấn”. Nguyên văn chữ Hán: 子入大廟,每事問。或 曰:“孰謂鄹人之子知禮乎?入大廟,每事問。” (Chữ 大 ở đây đọc là “thái” và có nghĩa như chữ 泰. (Goldfish). [53] Thư cưu: Nhiều bản trên mạng chép là “Quan thư” (關雎). Có người gọi thiên bắt đầu bằng câu: “Quan quan thư cưu” (關 關雎鳩) là thiên Quan thư. (Goldfish). [54] Đoạn này, ebook nguồn không có lời dịch. Nguyễn Thiên Thụ dịch như sau: Đức Khổng Tử nghe nói thì quở trách: “Việc đã thành thì không nói đi nói lại. Việc đã xong, can gián cũng vô ích. Chuyện đã qua, không trách làm chi nữa!” (Goldfish). [55] Đàn xã để thờ thần đất, bên đàn trồng một thứ cây nào đó hợp với khí hậu, địa chất, vì vậy mỗi thời trồng một loại cây. (Cũng có thuyết cho rằng bài vị thờ thần mỗi thời làm bằng một thứ gỗ đặc biệt: gỗ tùng, bách hay lật). [56] Nhà Chu trồng cây “lật”, chữ lật này với chữ lật là run sợ đọc như nhau, dùng thay nhau được. Tể Ngã nhân đó, giảng bậy như trên, khiến Ai công hoá ra hiếu sát. Khổng tử chê Tể Ngã nói bậy, nhưng việc đã qua rồi, không trách nữa, và có ý khuyên Tể Ngã lần sau phải thận trọng trong
lời nói. [57] Quản Trọng, tên Di Ngô, làm tướng quốc Tề Hoàn công thời Xuân Thu, có tài, làm cho Tề thành một nước giàu mạnh, bá chủ chư hầu. Khổng tử chê Quản Trọng không có hoài bão viễn đại, chỉ thực hành được bá đạo thôi. [58] Tam qui : có rất nhiều thuyết, đều khó tin. Các sách thường giảng là đài tam qui, cất đài được tức là giàu lắm, xa xỉ lắm. Triệu Thống cho tam qui là thuế chợ. Thuế chợ từ trước đều nộp vô kho nhà nước. Tề Hoàn công từ khi làm bá, thưởng công Quản Trọng, cho thu thuế chợ, cho nên Quản Trọng giàu lắm, hoá xa xỉ. Chúng tôi tạm theo thuyết ấy. [59] Phản điếm: cái kỉ đắp bằng đất, để khi các chư hầu uống rượu xong, đặt chén lên đó. Thời đó chỉ có vua chư hầu mới dùng “tắc môn” (bình phong che cửa) và “phản điếm”. Quản Trọng dùng hai cái đó là tiếm vị, trái lễ, vì vậy mà Khổng tử chê là không biết lễ, khí lượng nhỏ nhen. [60] Thái: nguyên văn chữ Hán là 大. (xem chú thích trong bài III.16). (Goldfish) [61] “Bất dĩ kì đạo đắc chí” có thể hiểu là không đáng được mà được, không đáng bị mà bị. Có sách chấm câu: “…bất dĩ kì đạo, đắc chi bất xử dã… bất dĩ kì đạo, đắc chi bất xử dã”, nghĩa đại khái cũng như vậy. [62] Tiểu nhân hoài thổ (小人懷土): Có lẽ cụ Nguyễn Hiến Lê cho chữ “thổ”, tương tự với cách giải thích trên trang có nghĩa là “an dật chi xứ” 安逸之處. Có người hiểu “thổ” là “địa lợi”, cũng có người hiểu “thổ” là “hương thổ”. (Goldfish).
[63] Trung là làm hết sức mình; thứ là suy lòng mình mà biết lòng người, mình không muốn điều gì thì người cũng không muốn điều đó. [Trong cuốn Khổng tử, cụ Nguyễn Hiến Lê bảo: “…nhân [tức đức nhân] có hai phần: tích cực và tiêu cực. Tích cực là “kỉ dục lập nhi nhập nhân, kỉ dục đạt nhi đạt nhân (đó là đức trung, yêu người, hết lòng với người); tiêu cực là “kỉ sở bất dục vật thi ư nhân” (đây là đức thứ. Chữ thứ gồm chữ như ở trên, chữ tâm ở dưới [tức 恕], nghĩa là suy lòng mình mà biết được lòng người, mình muốn cái gì thì người cũng muốn cái đó, vậy nên làm cho người những cái mà mình muốn và đừng làm cho người những cái mà mình không muốn). Nhân là trung, thứ, tức là đạo đối với người, nhưng đồng thời cũng là đạo đối với mình nữa: kỉ dục lập, kỉ dục đạt; mình phải muốn lập thân, thành công thì mới có thể giúp người lập thân, thành công được. Nhân vừa là tu thân vừa là ái nhân, vừa là xử kỉ vừa là tiếp vật”. (Goldfish)]. [64] Nam Dung (Sử kí của Tư Mã Thiên chép là Nam Cung Quát, họ Nam Cung, tự là Tử Dung) là học trò Khổng tử. Coi thêm bài XI.5. [65] Công Dã Tràng, họ Công Dã, tên Tràng, tự là Tử Tràng, người Tề, học trò Khổng tử. [66] Tử Tiện, họ Mật, tên là Bất Tề, tự là Tử Tiện, học trò Khổng tử. [67] Ung là tên, Nhiễm là họ, tự là Trọng Cung, học trò Khổng tử. [68] Bốn Hán tôi ghi thêm ở trên dựa theo lời giải thích trên trang
[69] Phú chính nghĩa là thuế ruộng để nuôi binh, rồi sau dùng để chỉ binh lính. [70] Mạnh Võ Bá chính là Mạnh Vũ Bá trong bài II.6. (Goldfish). [71] Xích là tên, Công Tây là họ, Tử Hoa là tự; cũng gọi là Công Tây Hoa, người Lỗ, học trò Khổng tử có vẻ uy nghi. [72] Câu này trong bài XII.2 ở sau. (Goldfish). [73] Khổng Văn tử là một đại phu nước Vệ, tên Ngữ, Văn là tên thuỵ, tức tên đặt cho người chết, theo hình vi của người đó lúc còn sống. [74] Tử Sản tên là Công Tôn Kiều, một đại phu có tài đức của nước Trịnh (sinh trước Khổng tử ít năm), cầm quyền nước Trịnh 22 năm. [75] Án Bình Trọng, họ Án, tên Anh, tự là Trọng, tên thuỵ là Bình, làm một đại phu có tài đức của nước Tề. Có người bảo chữ chi [之] ở cuối bài trỏ Án Bình Trọng: lâu ngày mà vẫn được bạn kính nể. Thuyết đó ít người theo. [76] Thôi tử tên là Trữ, đại phu nước Tề, giết Tề Trang công. Trần Văn tử tên là Tu Vô cũng làm đại phu nước Tề. [77] Phùng Hữu Lan trong Trung Quốc triết học sử đọc chữ tri [知] là trí và giảng Trần Văn tử, chưa là người trí (sao được là người nhân). [78] Vi Sinh Cao là người nước Lỗ. Giấm là vật thường dùng, có thì cho, không có thì thôi, hà tất phải xin của người khác để cho, như vậy không tự nhiên, cầu được tiếng tốt, nên Khổng tử chê. Có người cho rằng chính là Vi Sinh Cao, con người trọng chữ tín đến nỗi hẹn với một người con gái ở dưới cầu, người đó
không tới, nước thuỷ triều dâng lên, Vi cứ ôm chặt cột cầu mà chịu chết! Thuyết đó e không đúng. [79] Tả Khâu Minh làm quan Thái sử (chép sử) nước Lỗ. Sử kí của Tư Mã Thiên cho ông là tác giả bộ Tả truyện và Quốc ngữ, thuyết đó chưa đáng tin, vì theo nay thì Tả Khâu Minh hoặc sinh trước hoặc đồng thời với Khổng tử, mà Tả truyện viết thời Chiến Quốc, sau khi Khổng tử mất. [80] Lâm Ngữ Đường hiểu là: ta muốn người trẻ yêu người lớn (?). [81] Câu “Tử viết: ‘Ung chi ngôn nhiên’” là do tôi chép thêm. Nguyên văn chữ Hán: 子曰:雍之言然. (Goldfish). [82] Thời đó, vua chúa quay mặt về hướng Nam mỗi khi họp triều nên “nam diện” có nghĩa là vua. [83] Giản ở đây có nghĩa là không dùng chính lệnh phiền hà, từ ngữ đó còn có nghĩa là khoan dung nữa. Tử Tang Bá tử giản dị thái quá, có khi sỗ sàng, không mặc áo, không đội mũ, thiếu đức cung kính, uy nghi của một ông vua, nên Nhiễm Ung chê, và Khổng tử nhận Nhiễm Ung có lí. Bốn chữ “Cư kính hành giản” trong bài này tóm tắt tư cách ông vua và chính sách trị dân của đạo Khổng. [84] Vô: Trong Nhà giáo họ Không chép là 無 (vô), nhiều bản trên mạng chép là 亡 (vong) và chú là dùng như chữ 無 (vô). [85] Tử Hoa, tức Công Tây Xích, coi bài V.7, học trò Khổng tử. [86] Nhiễm tử, tức Nhiễm Hữu, coi bài III.6. Nguyên Tư họ Nguyên, tên Hiến, tự là Tử Dư, người Lỗ, học trò Khổng tử. Trong truyện trên (Tử Hoa đi sứ Tề), có lẽ Nhiễm Hữu là gia thần quản kí việc nhà của Quí Thị, mà Quí Thị cầm quyền ở Lỗ;
còn Khổng tử làm tư không, hay tư khấu, phái Tử Hoa đi sứ Tề. Trong truyện dưới, Nguyên Tư làm gia thần của Khổng tử, mà Khổng tử làm tư khấu, có quyền dùng gia thần quản lí việc nhà cho nên cứ theo lệ mà cấp cho Nguyên Tư. Nguyên Tư vốn nghèo mà thanh liêm, thấy bổng lộc nhiều quá, từ chối. Khổng tử khuyên có dư thì phát cho người nghèo. Hai truyện trên đó cho ta biết cách dùng tiền của Khổng tử; chu cấp thì cho người nghèo chứ không cho người giàu; phát lương thì theo lệ nhà nước. [87] Có sách chép là ngũ (năm). [88] Trọng Cung, tức Nhiễm Ung là người hiền, nhưng cha hèn hạ lại làm việc ác. Khổng tử ví Trọng Cung với con bò lang: Không nên vì lỗi lầm của cha mà không dùng con. [89] Lê ngưu: có sách giảng là bò cày, thời đó người ta không dùng bò cày mà bỏ nuôi riêng để cúng quỉ thần. [90] Mẫn Tử Khiên, tên Tổn là học trò Khổng tử, chê họ Quí tiếm lễ, loạn chính, không chịu làm quan cho họ Quí. Phí là ấp của họ Quí. Vấn là con sông ranh giới giữa Tề và Lỗ. [91] Bá Ngưu, họ Nhiễm, tên Canh, người Lỗ, một học trò có đức hạnh của Khổng tử. Các học giả thời xưa cho chữ “tật” là “ác tật” và bảo Bá Ngưu bị bệnh cùi, nhưng không có chứng cứ gì cả. Khổng tử đứng ở ngoài cửa sổ mà không vô nhà, Chu Hi giảng như vầy: “Theo Lễ, người bệnh nằm ở cửa sổ phía Bắc, vua tới thăm thì rời sang cửa sổ phía Nam, để vua nhìn sang phía Nam mà hỏi thăm (vua thì “nam diện” – coi chú thích bài
VI.1). Nhà Bá Ngưu muốn dùng lễ ấy để tỏ lòng tôn kính Khổng tử. Khổng tử không nhận, nên không vô nhà, đó chỉ là một cách giảng (Coi cách Khổng tử (đau) nằm tiếp vua khi vua lại thăm, bài X.13). Có thể Khổng tử mới tới, chưa kịp vô, thấy Bá Ngưu nằm đó, đã hỏi thăm liền. [92] Chữ [亡], nhiều sách đọc là vong, giảng là: “chết mất!”, không qua khỏi được. Chúng tôi theo cách đọc là iang [?] của Lưu Bảo Nam, do Triệu Thông dẫn trong “Luận ngữ dịch chú”. [93] Câu “Tư nhân dã nhi hữu tư tật dã!” ( 斯人也而有斯疾也!) nhiều bản chữ Hán trên mạng chép hai lần. (Goldfish). [94] Võ Thành: một ấp nhỏ của nước Lỗ. Đam Đài Diệt Minh: họ Đam Đài, tên Diệt Minh, tự Tử Võ, người ấp Võ Thành (theo [95] Mạnh Chi Phản, tên Trắc, tự Phản, một đại phu nước Lỗ. Trong một trận Tề đánh Lỗ, Lỗ thua. Công của Mạnh Chi Phản là ở lại phía sau, ngăn quân Tề truy kích quân Lỗ. [96] Chúc Đà là viên quan coi tôn miếu (chúc) nước Vệ, tên Đà. Công tử Triều nước Tống lúc đó làm quan đại phu ở Vệ. Khổng tử than thói đời ưa nịnh. [97] Nhân (人): Nhiều bản chép là “dân” (民), cũng có bản chép cả “dân” lẫn “nhân”: 民(人). (Goldfish). [98] Cô vốn là cái bình đựng rượu có cạnh góc, tới đời Khổng tử người ta biến đổi nó, bỏ góc cạnh đi, nhưng vẫn giữ tên cũ. Khổng tử chỉ trích thói đương thời hữu danh vô thực, nhất là chính trị. [99] Chữ nhân [仁] này nên sửa là chữ nhân [人] (là người). Câu cuối trong bài nghĩa cũng như câu: “Quân tử khả thi dĩ kì phương, nạn võng dĩ phi kì đạo” của Mạnh tử. Chữ khi [欺] là gạt một cách hợp lí, chữ võng [罔] là gạt một cách vô lí. Nhưng
có người giảng võng [罔] là ngu muội và dịch là: người quân tử không thể ngu muội làm điều vô lí. Có thể Tể Ngã thấy Khổng tử gấp cứu đời quá mà hại đến thân, nên hỏi như vậy để Khổng tử nghĩ lại mà đề phòng. [Câu “Chữ nhân [仁] này nên sửa là chữ nhân [人] (là người)” là để giải thích chữ “nhân” trong câu “Tỉnh hữu nhân yên” (井有仁焉). (Goldfish)]. [100] Thỉ thỉ: các bản trên mạng chép là: 夭夭. Chữ 夭, Thiều Chửu đọc là “yêu”. (Goldfish). [101] Chu Công tên là Đán, là con vua Chu Văn vương, em vua Chu Võ vương. Khi Võ vương chết, ông phụ tá Thành vương (con Võ vương), giúp nhà Chu thịnh trị, định lễ, nhạc. Khổng tử rất phục Chu Công, vẫn mong được địa vị của Chu Công để hành đạo như Chu Công, nên thường mộng thấy Chu Công. [102] Tử Lộ hiếu dũng, rất tận tuỵ với thầy (coi bài V.6) thấy khen Nhan Hồi, cũng muốn thầy nhắc tới mình, nên hỏi như trên. Khổng tử chê là hiếu dũng, nóng nảy, không biết thận trọng, hỏng việc. [103] Có lẽ là: “chân không mà lội qua sông” hoặc “không dùng thuyền mà lội qua sông”. (Goldfish). [104] Năm chữ Hán ở trên, tôi chép theo cuốn Kinh Dịch – Đạo của người quân tử của Nguyễn Hiến Lê, Nxb Văn học, năm 1994, 44. (Xem thêm [105] Ý nói chữ 行 có thể đọc là “hành” hoặc “hạnh”. (Goldfish). [106] Theo lễ nhà Chu, người cùng họ không được cưới gã nhau. Ngô Mạnh tử nghĩa là tiểu thư lớn nước Ngô. Đáng lẽ phải gọi là Ngô Cơ, Ngô là tên nước, Cơ là tên họ. Người con gái đó cùng
họ Cơ với vua Lỗ (?). Cách cư xử của Khổng tử đáng phục, không thể chê vua mình trước mặt viên quan nước ngoài và nhận lỗi về mình. Lời đáp Vu Nhã Kì nhã nhặn làm sao. [107] Thủ: các bản trên mạng chép là: 敢. Chữ 敢 này, trong cuốn Mặc học, cụ Nguyễn Hiến Lê đọc là “cảm” (Thiều Chửu cũng đọc là “cảm”). (Goldfish). [108] Chữ tam này, có người hiểu là quyết tâm. Không nên hiểu là ba. Thái Bá là con trưởng của Chu Thái vương. Thái vương muốn truyền ngôi cho con út là Quí Lịch vì Quí Lịch có một người con trai tên là Xương có tài đức, như vậy Quí Lịch chết thì Xương sẽ làm vua. Thái Bá hiểu ý cha, rủ người em kế là Trọng Ung ra khỏi nước, về phương Nam. Trong khi ấy Thái vương truyền ngôi cho Quí Lịch rồi Quí Lịch truyền ngôi cho Xương, tức vua Văn vương, sau vua Văn vương truyền ngôi cho Võ vương, Võ vương diệt Trụ nhà Thương mà dựng thiên hạ nhà Chu. [109] Húc: các bản trên mạng chép là: 恤 (Thiều Chửu đọc là “tuất”). (Goldfish). [110] Tuy vi chúng: nguyên văn chữ Hán là 雖違衆. Bản Nguyễn Thụ chép là: “Tuy viễn chúng” 雖遠衆 và dịch là: trái với đại chúng. (Goldfish). [111] Phù: nguyên văn chữ Hán là 夫; có bản chép là 乎 (hồ). [112] Không hiểu: cái gì lâu? Có sách giảng là: ta mê man lâu nhỉ. Có thể hiểu đó chỉ là lời trách Tử Lộ. Tử Lộ lớn tuổi hơn vả, vì quí thầy mà đề xướng vụ đó. [113] Theo lệ thới đó, hễ làm đại phu thì có gia thần, cai quản mọi việc trong nhà. Có hồi Khổng tử làm đại phu, có gia thần, nhưng hồi này không còn làm đại phu nữa. Tử Lộ muốn dùng lễ