text
stringlengths
59
2.13k
Do độ nghiêng trục quay của Trái Đất, lượng ánh sáng Mặt Trời chạm tới một điểm cho trước trên bề mặt thay đổi liên tục trong một năm. Kết quả là tạo ra hiện tượng mùa, với mùa hè xuất hiện ở Bắc Bán cầu khi cực Bắc hướng về phía Mặt Trời trong khi mùa đông xuất hiện ở cực Nam. Trong suốt mùa hè, ngày dài hơn và Mặt Trời lên cao hơn. Vào mùa đông, khí hậu trở nên lạnh hơn và ngày ngắn hơn. Trên vòng Bắc cực, hiện tượng cực điểm xảy ra khi không có ánh sáng ban ngày trong suốt một khoảng thời gian trong năm - một ban đêm vùng cực. Ở Nam bán cầu hiện tượng xảy ra theo trật tự nghịch đảo chính xác, do cực Nam luôn luôn ngược hướng với cực Bắc. </s>
Theo các quy ước thiên văn học, bốn mùa được xác định bởi các điểm chí- các điểm trên quỹ đạo mà trục tự quay của Trái Đất tạo thành góc có các giá trị cực trị (cực đại hay cực tiểu) khi so với đường thẳng về phía Mặt Trời - và các điểm phân, khi hướng của trục và hướng về phía Mặt Trời là vuông góc với nhau. Tại Bắc Bán cầu, đông chí diễn ra vào khoảng ngày 21 tháng 12, hạ chí diễn ra vào khoảng ngày 21 tháng 6, xuân phân xảy ra vào khoảng ngày 20 tháng 3 và thu phân diễn ra vào khoảng ngày 23 tháng 9. </s>
Góc nghiêng của trục Trái Đất (so với mặt phẳng hoàng đạo) là tương đối ổn định theo thời gian. Nhưng sự nghiêng của trục chịu sự tác động của chương động; một chuyển động không đều rất nhỏ với chu kỳ 18,6 năm. Hướng của trục Trái Đất (chứ không phải góc nghiêng) cũng thay đổi theo thời gian, tuế sai quay một vòng tròn kín với chu kỳ hơn 25.800 năm; tuế sai này là nguyên nhân cho sự khác biệt giữa năm thiên văn và năm chí tuyến. Tất cả các chuyển động này đều được tạo ra do lực hấp dẫn thay đổi của Mặt Trăng và Mặt Trời tác dụng lên phần lồi ra tại xích đạo của Trái Đất. Từ điểm nhìn của Trái Đất, các cực cũng di chuyển vài mét trên bề mặt. Chuyển động của các cực có nhiều thành phần có chu kỳ và phức tạp, được gọi chung là "chuyển động tựa chu kỳ". Ngoài thành phần hàng năm của chuyển động này, có một chu kỳ 14 tháng được gọi là dao động Chandler. Vận tốc tự quay của Trái Đất cũng thay đổi theo một hiện tượng được biết dưới tên gọi sự thay đổi độ dài của ngày. </s>
Trong kỷ nguyên J2000, điểm cận nhật của Trái Đất diễn ra vào 3 tháng 1, và điểm viễn nhật diễn ra vào 4 tháng 7. Nhưng, những thời điểm này thay đổi theo thời gian do tuế sai và các yếu tố quỹ đạo quay khác thay đổi theo một chu kỳ gọi là chu kỳ Milankovitch. Sự thay đổi khoảng cách giữa Mặt Trời và Trái Đất tạo ra sự tăng thêm khoảng 6,9% năng lượng Mặt Trời chạm tới Trái Đất tại điểm cận nhật so với điểm viễn nhật. Do Nam bán cầu hướng vế phía Mặt Trời vào khoảng xung quanh thời điểm khi Trái Đất gần Mặt Trời nhất, nên bán cầu này nhận được nhiều năng lượng hơn so với lượng năng lượng mà Bắc Bán cầu nhận được trong hành trình cả năm. Nhưng, hiệu ứng này là nhỏ hơn rất nhiều so với thay đổi năng lượng tổng cộng do độ nghiêng trục quay và phần lớn năng lượng dư này được hấp thụ bởi tỷ lệ nước cao hơn ở Nam bán cầu. </s>
Mặt Trăng tác động lên sự sống thông qua việc điều hòa khí hậu. Các chứng cứ hóa thạch và giả lập máy tính chỉ ra rằng độ nghiêng trục của Trái Đất được ổn định bởi tương tác thủy triều với Mặt Trăng. Một số người cho rằng nếu không có sự ổn định này để chống lại các mômen xoắn do tác động của Mặt Trời và các hành tinh khác tới Trái Đất thì trục tự quay của Trái Đất có thể đã không ổn định và hỗn loạn, giống như trên Sao Hỏa. Nếu trục tự quay của Trái Đất gần với mặt phẳng quỹ đạo, khí hậu Trái Đất có lẽ sẽ cực kỳ khắc nghiệt do tạo ra sự sai biệt theo mùa cực lớn. Một cực sẽ gần như hướng thẳng tới Mặt Trời và luôn trong mùa hè và cực kia luôn luôn trong mùa đông. Các nhà hành tinh học cho rằng khi đó phần lớn các loại hình sự sống cao cấp sẽ bị hủy diệt. Điều này vẫn là một chủ đề gây tranh cãi và các nghiên cứu tiếp theo về Sao Hỏa - giống với Trái Đất về chu kỳ tự quay và độ nghiêng trục, nhưng không có vệ tinh đủ lớn hay lõi lỏng - có thể cung cấp các thông tin bổ sung. </s>
Hiện nay, Trái Đất là ví dụ duy nhất về một môi trường cho phép duy trì sự tiến hóa. Trái Đất cung cấp các điều kiện cần thiết như nước, một môi trường mà các phân tử hữu cơ phức tạp có thể tổng hợp được, năng lượng vừa đủ cho quá trình trao đổi chất. Khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời, độ lêch tâm của quỹ đạo quay, tỉ số quay, độ nghiêng trục quay, lịch sử địa chất Trái Đất, bầu không khí ổn định và từ trường bảo vệ tất cả đều là những điều kiện cần thiết để hình thành và duy trì sự sống trên hành tinh này. </s>
Sinh quyển của Trái Đất tạo ra các thay đổi khá lớn đối với bầu khí quyển và, ngược lại, cũng nhờ có bầu khí quyển mà có những bước phát triển đáng kể. Sự quang hợp sinh ôxy tiến triển từ 2,7 tỷ năm trước đã tạo ra bầu không khí chứa nitơ-ôxy tồn tại như ngày nay. Sự thay đổi này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phổ biến của các vi sinh vật hiếu khí, cũng như việc tầng ôzôn - cùng với từ trường của Trái Đất- đã ngăn chặn các tia phóng xạ, cho phép sự sống tồn tại trên Trái Đất. Các chức năng khác của khí quyển đối với sự sống bao gồm vận chuyển, cung cấp các loại khí hữu dụng, đốt cháy các thiên thạch nhỏ trước khi chúng va chạm với mặt đất và điều hòa nhiệt độ. Hiện tượng cuối cùng được biết dưới cái tên hiệu ứng nhà kính: các phân tử khí thu nhiệt năng tỏa ra từ mặt đất, làm tăng nhiệt độ trung bình. Điôxít cacbon, hơi nước, mêtan và ôzôn là các khí nhà kính đầu tiên trong bầu khí quyển của Trái Đất. Nếu không có hiệu ứng duy trì nhiệt này, nhiệt độ trung bình bề mặt sẽ là -18 °C và sự sống sẽ không có khả năng tồn tại. </s>
Người đầu tiên bay vòng quanh Trái Đất là Yuri Alekseyevich Gagarin vào ngày 12 tháng 4 năm 1961. Tính đến năm 2004, tổng cộng đã có khoảng 400 người đã du hành vào không gian và tham gia bay vòng quanh Trái Đất, trong đó có 12 người đã đặt chân lên Mặt Trăng. Thông thường, chỉ có vài người sống trong không gian đó là những người làm việc tại Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Phi hành đoàn của trạm gồm 6 người được thay thế liên tục sau mỗi 6 tháng. Con người đi xa nhất khỏi Trái Đất vào năm 1970, khi phi hành đoàn của tàu Apollo 13 ở cách Trái Đất 400.171 km. </s>
Trái Đất thường được nhân cách hóa như một vị thần, thường là một nữ thần. Trong nhiều nền văn hóa, nữ thần Mẹ hay Mẹ Trái Đất tượng trưng cho một vị thần sinh sôi nảy nở. Các thần thoại về sự sáng thế trong nhiều tôn giáo gợi nhớ về câu chuyện tạo ra Trái Đất của một vị thần/các vị thần siêu nhiên. Các nhóm tôn giáo khác nhau, thường gắn với các nhánh chính thống của Tin Lành hay Hồi giáo, khẳng định rằng các giải thích của họ về thần thoại sáng thế trong các kinh sách là sự thật và nên được xem xét cùng với hay thay thế cho các miêu tả khoa học thông thường về sự hình thành Trái Đất cũng như nguồn gốc và phát triển của sự sống. Cộng đồng các nhà khoa học và một số nhóm tôn giáo khác đã bác bỏ khẳng định này. Ví dụ nổi bật nhất là tranh luận sáng thế-tiến hóa. </s>
Trong quá khứ, có nhiều mức độ niềm tin khác nhau vào một Trái Đất phẳng, nhưng nó đã được thay thế bằng khái niệm Trái Đất cầu nhờ các quan sát và các chuyến đi vòng quanh Trái Đất. Hình ảnh của Trái Đất dưới cách nhìn của con người đã thay đổi với sự ra đời của các chuyến bay của tàu vũ trụ, và giờ đây con người xem xét sinh quyển dưới một góc nhìn tổng thể toàn cầu. Nó được phản ánh qua phong trào môi trường đang lên, quan tâm tới ảnh hưởng của nhân loại lên hành tinh xanh này. </s>
Đế quốc Đức (Đức ngữ: Deutsches Reich) hay Đế chế thứ hai hay Đệ nhị Đế chế (Zweites Reich) được tuyên bố thiết lập vào ngày 18 tháng 1 năm 1871 sau khi thống nhất nước Đức và vài tháng sau đó chấm dứt Chiến tranh Pháp-Phổ. Đây là đỉnh cao của một quá trình quân sự, kinh tế, ngoại giao, chính trị được kết thúc với chiến thắng vẻ vang của Vương quốc Phổ trước Áo sau trận chiến quyết định tại Königgrätz vào năm 1866 và đại thắng của người Phổ trước quân Pháp trong trận Sedan vào năm 1870. Các vùng đất riêng rẽ ở Đức đã được thống nhất bằng chính sách "máu và sắt". Đế quốc Đức ra đời, với lãnh thổ ngoại trừ nước Áo, và người Phổ lãnh đạo Đế quốc: Vua Phổ là Wilhelm I lên ngôi Hoàng đế Đức. Thủ tướng Otto von Bismarck - người lập công đầu trong công cuộc nhất thống quốc gia, trở thành vị đại anh hùng dân tộc. </s>
Sự ra đời của Đế quốc Đức là một thay đổi lớn lao trong cán cân quyền lực châu Âu. Nhà nước ấy là một nền quân chủ lập hiến bán nghị viện, với 41 triệu dân số (cho đến năm 1918 thì dân số tăng lên đến 65 triệu người). Trong suốt tồn tại của mình, Đế quốc Đức là quốc gia hàng đầu của châu Âu: về quân sự và kinh tế, Đức vượt trội. Khoa học, công nghệ, giáo dục và hành chính Đức trở thành mẫu mực. Nước Đức cũng nắm vai trò quyết định trong quan hệ quốc tế, và chấm dứt vào năm 1918 sau khi bại trận trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. </s>
Tuy nhiên, năm 1640 công quốc đã sản sinh một nhà lãnh đạo kiệt xuất: Tuyển hầu tước (Elector) Friedrich Wilhelm I của Brandenburg. Dù lãnh thổ bị phân tán và nghèo khó, ông đã mơ đến một vương quốc độc lập, đoàn kết và hùng mạnh. Ông tạo dựng một guồng máy đưa Phổ lên hàng đầu ở châu Âu. Ông tổ chức một chính phủ tập trung có năng lực, có kỷ luật, thêm hệ thống bưu điện và biểu thuế lũy tiến. Đến năm 1688, sau 48 năm trị vì, ông đã gây dựng quân đội chính quy với 30.000 người trong tổng số dân chỉ có một triệu. </s>
Các hậu duệ của ông gây dựng tiếp trên nền móng ông đã đặt ra. Đến năm 1701, uy thế của Phổ đã lên đến mức Tuyển hầu tước Friedrich II, con của Friedrich Wilhelm I, không tự mãn với tước hiệu Tuyển hầu tước. Ông muốn trở thành vua. Người có quyền ban tước hiệu này là Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần thánh đóng đô ở Viên thì lưỡng lự: nếu phong Friedrich làm vua thì các Tuyển hầu tước của Hannover, Bayern và Sachsen cũng sẽ muốn làm vua. Nhưng Hoàng đế không có chọn lựa khác, cuối cùng phải ưng thuận. Ngày 18/1/1701, Friedrich III tự đội lên đầu chiếc vương miện để trở thành Vua Friedrich I của Phổ. </s>
Năm 1713, Vua Friedrich I qua đời, và con trai là Friedrich Wilhelm I lên kế vị. Có tính cương nghị còn hơn cả người cha và ông nội, vị vua này đặt ra mục tiêu của Phổ là trở nên một cường quốc quân sự. Mọi việc đều theo chiều hướng này: nền kinh tế đủ mạnh để nuôi sống một đội quân hùng hậu, bộ máy hành chính có hiệu năng để tận thu thuế hầu trả đủ lương cho binh sĩ, một hệ thống giáo dục xuất chúng nhằm tạo ra binh sĩ có trình độ. Trái ngược với nước Pháp lo đổ tiền của vào các công trình kiến trúc xa hoa phung phí, Phổ lo xây dựng chỉ với mục đích quân sự: nhà máy làm thuốc súng, lò đúc đại bác, kho vũ khí, doanh trại quân đội. Nhà vua còn đối xử khắt khe với con của ông là Hoàng thái tử Friedrich. </s>
Vào năm 1740, vua Friedrich Wilhelm I qua đời, và Hoàng thái tử Friedrich lên nối ngôi - tức là vua Friedrich II. Chỉ trong vòng vài tháng, vị vua trẻ đã điều khiển đoàn quân – mà ông nội và người cha đã dày công gây dựng – đi đánh trận. Trong sự ngỡ ngàng của châu Âu, ông xâm chiếm tỉnh Silesia, thậm chí gây hấn với Đế quốc La Mã Thần thánh của dòng họ Habsburg. Đấy là chiến dịch đầu tiên trong những chiến dịch xuất chúng khiến cho ông được tôn vinh là Friedrich Đại đế. Người đương thời mến mộ ông và nhà sử học say mê ông. </s>
Vào thời gian này, Phổ đã vươn lên thành một cường quốc quân sự ở châu Âu, nhưng vẫn thiếu tiềm lực cốt lõi. Đất khô cằn, không có khoáng sản; dân số ít ỏi. Không có thị trấn lớn, không có công nghiệp, nền văn hóa thì nghèo nàn. Thậm chí giới quý tộc cũng nghèo túng, và nông dân không có đất canh tác, sống cuộc đời vô cùng cực khổ. Tuy thế, với ý chí sắt đá và thiên tài tổ chức, Vương triều Hohenzollern nỗ lực gây dựng một vương quốc quân sự khắc khổ có quân đội được rèn luyện chu đáo, đánh thắng hết trận này qua trận khác. Họ cũng theo đuổi chính sách ngoại giao mềm dẻo, sẵn sàng liên minh với bất kỳ thế lực nào. Từ đấy, vương quốc mở rộng dần lãnh thổ. </s>
Thế là, một vương quốc vươn lên theo cách giả tạo,[cần dẫn nguồn] chỉ biết đi thôn tính,[cần dẫn nguồn] giữ mối gắn bó qua quyền hành chuyên chế của quân vương, qua bộ máy cai trị có đầu óc hẹp hòi và qua quân đội có kỷ luật một cách tàn bạo. Hai phần ba, và có lúc năm phần sáu, ngân sách cả nước đổ dồn cho quân đội, và dưới quyền chỉ huy của quân vương, quân đội tự nó trở thành một vương quốc. Điều này khiến cho Mirabeau nhận xét: Phổ không phải là một quốc gia có quân đội, mà là một đội quân có quốc gia. Cả vương quốc hoạt động như là một cỗ máy mà nhân dân là những đinh ốc, chỉ biết phục tùng, làm việc và hy sinh. </s>
Bismarck trước tiên lo gây dựng quân đội Phổ vốn là nòng cốt cho lực lượng quân sự của đế quốc. Khi nghị viện không chịu biểu quyết thêm ngân sách, ông giải tán nghị viện rồi tự huy động nguồn kinh phí. Sau khi đã tăng cường quân đội, Bismarck phát động ba cuộc chiến. Khởi đầu là đánh Đan Mạch năm 1864, sáp nhập các công quốc Schleswig và Holstein vào lãnh thổ Đức. Kế tiếp là đánh Áo năm 1866, giành được chiến thắng lừng lẫy trong trận đánh quyết định tại Königgrätz. Sau đó, cuộc chiến tranh Pháp-Phổ bùng nổ, Quân đội Phổ đại thắng trong trận Sedan, buộc quân Pháp phải xin hàng. </s>
Nước Phổ sáp nhập mọi công quốc của người Đức nằm về phía bắc sông Main: Hanover, Hesse, Nassua, Frankfurt và Elbe. Vào năm 1870, thấy nước Phổ ngày một lớn mạnh, Pháp hung hăn gây chiến. Nhưng nước Phổ liên minh với các nước miền Nam Đức, có vũ trang tốt hơn, tổ chức cao hơn và chiến đấu tốt hơn, đã dễ dàng đối phó với quân thù. Chỉ chưa đầy 2 tháng, sức mạnh của Pháp đã tan tành mây khói. Trong trận đánh kịch liệt tại Sedan, liên quân Đức xông pha như vũ bão đập tan nát địch quân. Hoàng đế Pháp là Napoléon III bị bắt, để rồi Pháp phải chịu thất bại nhục nhã. Những lãnh thổ miền nam nước Đức, đứng đầu là vương quốc Bayern, được sáp nhập vào nước Đức-Phổ. </s>
Dù cho vẻ bề ngoài dân chủ qua việc thành lập Nghị viện, Đế quốc Đức thật ra là chế độ chuyên chế quân phiệt dưới quyền của Vua nước Phổ, cũng là Hoàng đế Đức. Nghị viện không có nhiều quyền hành, mà chỉ là một diễn đàn để đại diện nhân dân bàn cãi cho hả dạ hoặc mặc cả quyền lợi nhỏ nhoi cho giai cấp mà họ làm đại diện. Ngai vàng nắm quyền hành – theo ý niệm thiêng liêng. Tuy Hoàng đế Friedrich III (lên ngôi vào năm 1888), gắn bó mãnh liệt với phong trào chủ nghĩa tự do nước Đức thời đó, ông lại mất sớm. Về sau này, năm 1910, Hoàng đế Wilhelm II còn tuyên bố rằng ngai vàng "chỉ do Thượng đế trao cho, chứ không phải từ nghị viện hoặc qua dân chúng." Ông còn nói thêm: "Vì bản thân Trẫm là công cụ của Thượng đế, Trẫm làm theo ý mình." </s>
Hoàng đế không bị Nghị viện ngăn trở. Ông bổ nhiệm Thủ tướng để chịu trách nhiệm với chính ông, không phải với Nghị viện vốn không có quyền bất tín nhiệm. Vì thế, trái ngược với sự tiến hóa của các quốc gia khác ở Tây Âu, ý niệm về dân chủ, về quyền hạn của nghị viện không bao giờ bén rễ ở Đức, ngay vào đầu thế kỷ 20. Dù cho các đảng phái lớn tiếng đòi hỏi chế độ quân chủ nghị viện, họ vẫn không thành công. Các tầng lớp trung lưu, được hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghiệp và bị lóa mắt vì chính sách hiếu chiến của Bismarck, chỉ biết tiếp nhận lợi ích vật chất mà không thiết tha gì đến tự do chính trị mà họ có quyền hưởng. Họ chấp nhận chế độ chuyên chế của vương triều Hohenzollern. Họ cam lòng nép dưới bộ máy cai trị của tầng lớp quý tộc Junker và chế độ quân phiệt của Phổ. </s>
Giai cấp công nhân Đức cũng có thái độ tương tự. Để ngăn chặn chủ nghĩa xã hội, trong giai đoạn 1883-1889 Bismarck thiết lập chương trình an ninh xã hội rộng rãi, bao gồm bảo hiểm cho lương hưu, bệnh tật, tai nạn và thương tật. Dù cho Nhà nước tổ chức, nguồn kinh phí được lấy từ chủ và thợ. Việc này khiến cho giai cấp công nhân đánh giá cao an ninh xã hội hơn là tự do về chính trị, và xem Nhà nước là ân nhân của họ. Hitler sau này lợi dụng triệt để tâm lý ấy. Trong quyển Mein Kampf, ông viết: "Tôi đã nghiên cứu pháp chế chủ nghĩa xã hội của Bismarck." Nước Đức vươn lên, và hầu như toàn dân Đức đều nức lòng làm theo tất cả những gì mà nhà lãnh đạo đòi hỏi. </s>
Sau chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ, Bismarck thiết lập liên minh với Đế quốc Áo-Hung và Đế quốc Nga ở phía Đông, do phía Tây là mối đe dọa lớn nhất cho Đế quốc Đức. Tuy nhiên, Đức hoàng Wilhelm II sau khi lên ngôi đã sa thải Bismarck vào năm 1890. Đức hoàng cũng xé bỏ liên minh với Nga, buộc Nga phải thành lập liên minh quân sự với nước Pháp đang khao khát báo thù. Vào năm 1914, cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Quân đội Đế quốc Đức - dưới sự chỉ huy của tướng Paul von Hindenburg - đại phá quân Nga trong trận Tannenberg vào tháng 9 năm đó. Chiến thắng này được xem là sự báo thù của dân tộc Đức cho đại bại của các Hiệp sĩ Teuton trước quân Nga trong trận Grunwald vào năm 1410. </s>
Hitler luôn tìm cách khơi dậy trong lòng người Đức về vinh quang của Đế quốc Đức trước đó. Ví dụ nổi bật nhất là sau khi Tòa nhà Nghị viện bị cháy năm 1933, Hitler khai mạc phiên họp Nghị viện mới trong Nhà thờ Doanh trại Potsdam, là thánh địa của nước Phổ xa xưa, gợi lại trong lòng người Đức nhiều hoài niệm. Đây chính là nơi mà vua Friedrich II Đại Đế yên nghỉ (nhưng thi hài ông được dời về Cung điện Sanssouci vào tháng 8 năm 1991), nơi tôn thờ các hoàng đế vương triều Hohenzollern. Ngày được chọn để cử hành lễ khai mạc Nghị viện đầu tiên của Quốc xã, 21/3, cũng có ý nghĩa. Đấy là ngày kỷ niệm Bismarck khai mạc Nghị viện đầu tiên của Đế chế thứ hai vào năm 1871. </s>
Hitler nghiên cứu Đế chế thứ Hai khá kỹ. Đối với ông, cho dù có sai lầm, Đế chế thứ Hai là thành tựu sáng chói mà người Đức đạt được. Đấy là nước Đức mà Hitler muốn tái lập. Trong quyển Mein Kampf, Hitler bàn sâu về những lý do khiến cho Đế chế thứ Hai sụp đổ: việc dung dưỡng người Do Thái và người theo Mác-xít, tư tưởng trọng vật chất và ích kỷ của giới trung lưu, ảnh hưởng bất chính của những kẻ "luồn cúi và xu nịnh" quanh ngai vàng Hohenzollern, "chính sách liên minh tai hại" với Vương triều Habsburg suy đồi và người Ý không đáng tin thay vì với Anh, thiếu chính sách về chủng tộc và xã hội cơ bản. Đây là những thất bại mà Hitler hứa Đức Quốc xã sẽ khắc phục. </s>
Biến thiên lịch sử và nguồn gốc địa danh Thiểm Tây có quan hệ với nhau. Ngày nay, ở Tây Nam huyện Thiểm của tỉnh Hà Nam, có một địa phương được gọi là Thiểm Nguyên (Thiểm Mạch). Những năm đầu nhà Chu, Chu công và Triệu công hoạch phân lãnh địa đất này, theo đó từ Thiểm về phía đông là đất của Chu công, từ Thiểm về phía tây là đất của Triệu công. Đến thời nhà Tống, triều đình đã thiết lập Thiểm Tây lộ, lãnh địa xứ này ở phía tây của Thiểm Nguyên, vì vậy mới có tên là Thiểm Tây lộ. Trong một thời kỳ lịch sử lâu dài, Thiểm Tây được gọi tắt là "Tần". Trước thời nhà Nguyên, Thiểm Tây không bao gồm các khu vực ở phía nam Tần Lĩnh như Hán Trung, An Khang. </s>
Khu vực Thiểm Bắc thuộc vùng trung thượng du Hoàng Hà, khu vực phía nam Tần Lĩnh thuộc vùng thượng du Trường Giang, Quan Trung là những vùng phát địa quan trọng của nền văn minh Trung Hoa. Theo phân kỳ khảo cổ, khu vực Quan Trung từ xưa đã có các hoạt động của người Lam Điền (蓝田人, Homo erectus lantianensis). Trong các di chỉ thời đại đồ đá mới, có niên đại sớm nhất là thuộc về văn hóa Lão Quan Đài (khoảng 6000 TCN-5000 TCN), kế tiếp là thuộc văn hóa Ngưỡng Thiều (khoảng 5000 TCN-3000 TCN) nổi tiếng, sau đó là văn hóa Long Sơn (khoảng 3000 TCN-2000 TCN). </s>
Chu tộc nguyên là một bộ lạc cổ ở khu vực Quan Trung của Thiểm Tây. Theo Sử ký- Chu bản kỉ, thủy tổ của Chu tộc tên là Khí, do giỏi canh nông nên được vua Nghiêu cử làm Nông sư, được vua Thuấn đặt hiệu là Hậu Tắc, phong cho đất Thai (邰)[chú 1] và ban cho họ Cơ. Ba đời sau, đến đời thủ lĩnh Cơ Công Lưu, ông đã dẫn tộc chúng di cư đến Phân Phụ (分阝)[chú 2]. Chín đời sau đó, khoảng thế kỷ XII TCN, thời thủ lĩnh Cổ Công Đản Phủ, người Chu vượt qua sông Tất Thủy, qua Lương Sơn, đến định cư trên vùng đất tươi đẹp và phì nhiêu phía bắc Vị Hà và chân núi phía nam Kỳ Sơn, thuộc vùng cao nguyên Hoàng Thổ, họ lấy tộc danh để đặt cho vùng đất này là Chu Nguyên[chú 3]. Cổ Công Đản Phủ chỉ huy tộc nhân khai khẩn đất đai, đào rãnh tiêu nước, trồng các loại cây lương thực, phát triển nông nghiệp, xây dựng miếu đường, cung điện, nhà ở, xây đắp tường thành. Bộ lạc Chu thiết lập nên chế độ quan lại, lập quân đội, nhiều lần đẩy lui các cuộc tấn công của những bộ lạc Nhung, Địch. Việc chính thức định quốc hiệu là Chu thể hiện việc người Chu đã tiến vào xã hội giai cấp, thời kỳ đầu của chế độ nô lệ. </s>
Đời thủ lĩnh thứ 15 của bộ lạc Chu là Cơ Xương, trong thời gian này, lực lượng của Chu quốc đã phát triển rất mạnh, chiếm toàn bộ bình nguyên Quan Trung. Cơ Xương chuyển quốc đô từ Chu Nguyên đến đất Phong (沣)[chú 4]. Sau khi Cơ Xương mất, con là Cơ Phát kế vị. Sau đó, Cơ Phát thiên đô đến đất Hạo (镐)[chú 5] Cơ Phát tôn Khương Tử Nha làm thầy, trọng dụng em trai Cơ Đán, tiếp tục phát triển về phía đông. Sau khi chiến thắng trong trận Mục Dã, Chu quốc diệt vương triều Thương và lập ra vương triều Chu. </s>
Theo Sử ký- Tần bản kỷ, người Tần là hậu duệ của Chuyên Húc- con cháu của Hoàng Đế, đã theo Hạ Vũ bình thủy thổ, lại giúp vua Thuấn chế ngự chim thú, được Thuấn ban cho họ "Doanh". Sau khi bộ lạc Chu nổi lên tại Quan Trung ở Thiểm Tây, người Tần thân thiện với Chu, từng được Chu vương giao cho việc chăn ngựa. Chu Hiếu Vương thấy người Tần có công, phân phong cho đất Tần[chú 8] tộc hiệu là Tần Doanh, làm phụ dung cho nhà Chu. Khi Chu Bình Vương thiên đô về phía đông, Tần Tương công suất binh hộ tống, được Chu Bình Vương phong làm chư hầu, ban vùng đất phía tây Kỳ (岐)[chú 9]. Sau khi Tần Tương công thụ phong, bắt đầu tiến hành chiến tranh lâu dài với các tộc Nhung, Địch để tranh đoạt Quan Trung, sau nhiều thập niên, cuối cùng đã củng cố địa vị thống trị tại Quan Trung. </s>
Năm thứ nhất thời Tần Đức công (677 TCN), nước Tần dời quốc đô từ Bình Dương (平阳)[chú 10] đến Ung (雍)[chú 11], Ung là quốc đô của Tần trong vòng gần 300 năm. Năm thứ hai đời Tần Hiến công (383 TCN), Tần thiên đô về phía đông, đến Lịch Dương (栎阳)[chú 12]. Năm thứ 12 đời Tần Hiếu công (350 TCN), Tần lại thiên đô đến Hàm Dương. Sau khi Tần vương Doanh Chính (Tần Thủy Hoàng) kế vị vào năm 246 TCN, Tần tiến hành chiến tranh thống nhất Trung Quốc, mỗi lần xuất binh diệt một nước, cuối cùng diệt cả sáu nước. </s>
Tháng 7 năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng qua đời trên đường tuần du tại Sa Khâu (沙丘)[chú 16] Kỳ tử Hồ Hợi kế vị, tức Nhị Thế hoàng đế. Tháng 7 năm 209 TCN, Trần Thắng, Ngô Quảng bắt đầu khởi nghĩa tại Đại Trạch hương (大澤鄉)[chú 17]; đến tháng 9 đến lượt Lưu Bang và Hạng Vũ khởi nghĩa riêng biệt tại huyện Bái[chú 18] và Ngô[chú 19] Tháng 8 năm 207 TCN, tại Hàm Dương, Triệu Cao giết hại Nhị Thế hoàng đế rồi tôn Tử Anh làm vua Tần. Tháng 10 năm 207 TCN, Lưu Bang suất quân tiến theo đường Vũ Quan[chú 20], Lam Điền[chú 21] đến Bá Thượng[chú 22], Tử Anh đầu hàng, triều Tần diệt vong. </s>
Tháng 2 năm 206 TCN, Hạng Vũ tự lập làm Tây Sở Bá vương, lấy khu vực Quan Trung và Thiểm Bắc của Thiểm Tây phân phong cho ba danh hàng tướng của triều Tần; Chương Hàm được phong làm Ung vương, đất đai từ Hàm Dương về phía tây, đóng đô tại Phế Khâu (廢丘)[chú 23]; Tư Mã Hân được phong làm Tắc vương, đất đai ở phía đông Hàm Dương, đóng đô tại Lịch Dương (栎阳)[chú 24]; Đổng Ế được phong làm Địch vương, đất đai ở Thiểm Bắc, đóng đô tại Cao Nô (高奴)[chú 25] Do đó, Thiểm Tây còn mang danh là "Tam Tần". Còn vùng Hán Trung ở phía nam Tần Lĩnh thuộc về Hán vương Lưu Bang. Tháng 8 năm 206 TCN, quân của Hán vương Lưu Bang bí mật tiến đến Trần Thương (陳倉)[chú 26], tập kích Quan Trung, Chương Hàm rút về cố thủ ở Phế Khâu (đến năm 205 TCN tự sát) còn Tư Mã Hân và Đổng Ế đầu hàng, toàn bộ Thiểm Tây thuộc quyền kiểm soát của Lưu Bang. </s>
Thời Tây Hán, vùng thuộc quyền quản lý của Nội Sử thời Tần, tức lưu vực Vị Hà, được phân làm 3: kinh triệu duẫn quản lý khu vực phía nam Vị Hà; tả bằng dực quản lý khu vực phía bắc Vị Hà, trung hạ du Lạc Hà; hữu phù phong quản lý khu vực phía tây Hàm Dương ngày nay. Lịch sử gọi đây là "Tam phụ", trị sở đều ở thành Trường An. Thành Trường An, kinh đô của Tây Hán, nằm ở ngay phía tây bắc của Tây An ngày nay. Theo sử liệu ghi lại, chu vi thành Trường An là 65 lý (ước tính tương đương với 26 km), tường thành cao trên dưới 12 m, rộng 12-16 mét, việc thành cao và rộng như vậy được cho là để đối phó với lũ lụt do Vị Hà gây ra. Thành Trường An có 16 cổng thành. Theo Hán thư-Địa lý chí, vào năm 2 SCN, nhân khẩu trong thành Trường An có "80.800 hộ, 246.200 người". Một số chuyên gia hữu quan cho rằng con số này thấp so với thực tế, nếu lấy mỗi hộ có năm người thì dân trong thành phải trên 400 nghìn người. Thành Trường An là thành thị đại quy mô đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, trên thế giới khi đó chỉ có thành La Mã là có thể so sánh được. </s>
Thời Tây Hán là khoảng thời gian hưng thịnh của Thiểm Tây. Thời Hán Vũ Đế (140 TCN-88 TCN), quốc thế của triều Hán lên đến đỉnh cao. Ngoài sự phồn hoa của kinh thành Trường An, kinh tế nông nghiệp của Thiểm Tây cũng phát triển, chủ yếu là do phát triển sự nghiệp thủy lợi, cải thiện kỹ thuật nông nghiệp. Ở Quan Trung, trước sau đã đào các kênh Tào, Long Thủ, Lục Phụ, Bạch, Linh Chỉ và Thành Quốc, cũng như các đường dẫn nước tưới tiêu khác, hình thành một mạng lưới tưới tiêu ruộng đồng ở bình nguyên Quan Trung. Thời Hán Vũ Đế, đô úy Triệu Quá đã sáng tạo ra "đại điền pháp", sáng chế ra "lâu xa" (một loại công cụ gieo hạt có ba chân), ngẫu lê (một loại cày theo phương thức canh tác ba người hai trâu, thâm canh, lật đất, đắp bờ). </s>
Năm 9 SCN, Vương Mãng phế Nhũ Tử Anh, lập ra nhà Tân. Vương Mãng mang hoài bão phục cổ, tái tạo nền văn minh cổ xưa, xây dựng một thế giới lý tưởng. Ông đã thực hiện hàng loạt cải cách ảnh hưởng toàn diện đến xã hội Trung Quốc khi đó. Tháng 2 năm 23, Lục Lâm quân ủng hộ Lưu Huyền lên làm hoàng đế, đến tháng 9 thì công nhập Trường An, Vương Mãnh bị giết. Tháng 2 năm 24, Lưu Huyền thiên đô đến Trường An. Tháng 6 năm 25, Xích Mi quân tại Hoá Âm đã ủng hộ lập Lưu Bồn Tử làm hoàng đế, đến tháng 9 cùng năm công nhập Trường An, lật đổ Lưu Huyền. Sau khi Xích Mi quân làm chủ Trường An, do quân sĩ và số đông tướng sĩ của lực lượng này là nông dân thuần phác, nên bị lực lượng địa chủ rất thù địch, đóng kín cửa không nghênh đón và cấp lương. Xích Mi quân sau đó lại đầu hàng Lưu Tú. </s>
Cuối thời Đông Hán, năm 190, Quan Đông quân phiệt suy tôn Viên Thiệu làm minh chủ, thảo phạt Đổng Trác. Đổng Trác đem Hán Hiến Đế Lưu Hiệp chạy về phía tây, đến Trường An. Tháng 4 năm 192, trong lúc chư hầu đang xung đột ở phía đông thì trong triều đình Trường An, Vương Doãn và Lã Bố mưu sát Đổng Trác. Tháng 6 năm đó, bộ tướng của Đổng Trác là Lý Quyết, Quách Dĩ, Phàn Trù công nhập Trường An. Năm 195, Lý Quyết, Quách Dĩ, Phàn Trù lại công sát lẫn nhau. Trong thời gian này, Thiểm Tây đã phải trải qua đại họa, "trong thành Trường An, không thể ngăn chặn đạo tặc, cướp bóc giữa ban ngày... người ăn thịt nhau, xương trắng lũy tích, xú uế đầy đường". </s>
Mùa xuân năm 228, Gia Cát Lượng thống lĩnh 10 vạn đại quân xuất phát từ Hán Trung đi về hướng Bắc để chinh phạt Ngụy. Ông loan tin rằng đại quân của Thục sắp sửa theo đường hẻm Tà Cốc đánh vào My Thành, đồng thời cử Triệu Vân, Đặng Chi đem một bộ phận binh lục đi chiếm Kỳ Cốc[chú 31] và làm ra vẻ như muốn đi theo đường Tà Cốc để tiến lên phía bắc, nhằm thu hút sự chú ý của quân Tào, trong khi đó Gia Cát Lượng tự mình dẫn quân chủ lực tiến phát theo đường Kỳ Sơn về hướng tây bắc. Trong chiến dịch này, quân Thục dụ hàng được danh tướng Ngụy là Khương Duy gây xôn xao cả miền Quan Trung. </s>
Sau khi Gia Cát Lượng mất trong khi đang đem quân đánh Tào Ngụy, tướng Khương Duy tiếp tục tiếp hành 9 lần chinh phạt Trung Nguyên trong các năm 247-262, chiến trường chính là hai tỉnh Cam Túc và Thiểm Tây ngày nay. Năm 263-264, khi quân Ngụy tiến hành chiến dịch tiêu diệt Thục, họ phân thành ba mặt trận quân, trong đó mặt phía đông là cánh công kích chính, ban đầu tấn công Hán Trung từ Tà Cốc (斜谷)[chú 32], Lạc Cốc (駱谷), và Tử Ngọ Cốc (子午谷)[chú 33]. Sau đó, ba đội quân của mặt trận phía đông hội quân và tiếp tục tiến sâu vào đất Thục. </s>
Cuối năm 311, sau khi con trai của Lưu Thông là Lưu Xán chiếm Trường An, Lưu Diệu được giao phụ trách cai quản vùng Trường An, mặc dù vậy, sau đó ông đã để mất thành vào tay quân Tấn do Khúc Doãn (麴允) chỉ huy. Năm 313, Tấn Hoài Đế bị quân Hung Nô giết, tướng nhà Tấn là Diêm Đỉnh bàn với mọi người quyết định lập Tư Mã Nghiệp làm hoàng đế tại Trường An, tức là Tấn Mẫn Đế. Tháng 8 năm 316, Lưu Diệu cho quân tiến vào Quan Trung, đến tháng 11, Tấn Mẫn Đế bị bắt, triều Tây Tấn cũng diệt vong. Nhờ công trạng này, Lưu Diệu được Lưu Thông phong làm Tần vương. </s>
Năm 350, tận dụng thời cơ Hậu Triệu có nội loạn, thủ lĩnh người Đê là Phù Hồng đã tiến quân vào Quan Trung. Năm 351, con trai của Phù Hồng là Phù Kiện đã xưng làm "Thiên vương" tại Trường An, chính thức đoạn tuyệt với Tấn cùng Hậu Triệu và lập nước Tiền Tần. Năm 354, tướng Hoàn Ôn của Đông Tấn phối hợp cùng quân Tiền Lương để mở một chiến dịch lớn chống lại Tiền Tần. Hoàn Ôn đã tiến được đến vùng lân cận của Trường An, đánh bại mọi toán quân Tiền Tần trên đường hành quân. Tuy nhiên, do Phù Kiện đã dự đoán được cuộc tấn công của Tấn nên đã cho thu hoạch lúa mì, quân Đông Tấn bắt đầu cạn nguồn lương thảo và buộc phải rút lui vào cuối mùa hè cùng năm. </s>
Năm 357, Phù Kiên trở thành Thiên vương Tiền Tần sau khi giết chết Phù Sinh, trị vì với sự giúp đỡ của Vương Mãnh. Năm 370, sau khi Tiền Tần diệt được nước Tiền Yên của người Tiên Ti, nghe theo kiến nghị của Vương Mãnh, Phù Kiên đã buộc các vương công của Tiền Tần và hơn 4 vạn người Tiên Ti đến vùng Trường An. Năm sau, Phù Kiên lại buộc các cường hào ở Quan Đông (tức bình nguyên Hoa Bắc) và 15 vạn hộ các dân tộc phi Hán khác đến Trường An và vùng Quan Trung, kinh tế Quan Trung vì thế được khôi phục rõ rệt so với trước. </s>
Tháng 3 năm 384, một thành viên hoàng tộc Tiền Yên là Mộ Dung Hoằng trú tại Hoá Âm đã tự xưng làm Ung châu mục, Tế Bắc vương, đến tháng 4, Mộ Dung Hoằng cải niên hiệu thành Yên Hưng, lịch sử gọi thế lực của Mộ Dung Hoằng là Tây Yên. Sau khi người Tiên Ti nổi dậy, Phù Kiên đã cho thảm sát người Tiên Ti trong thành Trường An. Năm 385, sau khi Mộ Dung Hoằng bị giết, Mộ Dung Xung kế vị và đã cho quân Tây Yên bao vây được Trường An, và thành này nhanh chóng rơi vào một nạn đói khủng khiếp. Ông cũng cho phép các binh sĩ của mình đi cướp phá vùng Quan Trung theo ý muốn. Trong năm, quân Tây Yên sau đó đã đánh bại được quân Tiền Tần và chiếm được Trường An. Mặc dù những người dân Tiên Ti của ông mong muốn được trở về quê hương ở phía đông, Mộ Dung Xung lại quyết định định cư tại Trường An do ông thích thành này và cũng do ông lo sợ trước thúc phụ Mộ Dung Thùy, người khi đó đã lập ra nước Hậu Yên. Năm 386, người dân Tiên Ti của Tây Yên, dưới sự lãnh đạo của Mộ Dung Nghĩ, gồm 40 vạn người cả nam lẫn nữ, đã từ bỏ Trường An và tiến về phía đông để trở về quê hương. </s>
Diêu Trường vốn là một tướng của Tiền Tần, sau khi bại trận trước Tây Yên, do sợ bị trách phạt nên ông đã tập hợp những người Khương trong vùng và bắt đầu nổi loạn, Diêu Trường tự xưng tước hiệu "Vạn Niên Tần Vương" (萬年秦王), lập nước Hậu Tần. Diêu Trường sau đó tạm thời định đô tại Bắc Địa (北地)[chú 36], chiếm được các thành ở bắc bộ Thiểm Tây hiện nay. Sau khi quân Tây Yên dời đi, Trường An đã lọt vào tay một tộc trưởng Hung Nô là Hác Nô (郝奴) trong một thời gian ngắn, song Hác Nô đã đầu hàng khi Diêu Trường tiến đến Trường An. Diêu Trường định đô tại Trường An và xưng làm hoàng đế. Trong thời gian tồn tại của Hậu Tần, Quan Trung và Thiểm Bắc thuộc quyền quản lý của nước này, còn vùng Thiểm Nam thì do triều đình Đông Tấn chiếm giữ. </s>
Năm 407, một người Hung Nô là Hách Liên Bột Bột đã phản lại Hậu Tần, lập ra nước Hồ Hạ tại Cao Bình (高平)[chú 37]. Năm 409, Diêu Hưng đích thân dẫn quân đi đánh Hách Liên Bột Bột, song khi đến Nhị Thành (貳城)[chú 38], Diêu Hưng đã gần như rơi vào bẫy của Lưu Bột Bột, và trốn thoát sau khi quân Hậu Tần phải chịu thương vương lớn. Đến tháng 3 năm 413, Hách Liên Bột Bột đã xây dựng quốc đô tại thành Thống Vạn (統萬)[chú 39]. Năm 418, Hách Liên Bột Bột đem đại quân tiến xuống phía nam, công hãm Hàm Dương, chiếm cứ Trường An, xưng làm hoàng đế và cải niên hiệu thành Xương Vũ. Năm 419, Hách Liên Bột Bột hoàn đô về Thống Vạn, để thái tử Hách Liên Hội trấn giữ Trường An. </s>
Sau khi Cao Hoan tiếp cận kinh thành Lạc Dương, Bắc Ngụy Hiếu Vũ Đế đã chạy trốn về phía tây, gặp được quân của Vũ Văn Thái trên đường và được hộ tống đến đại bản doanh của Vũ Văn Thái tại Trường An, định đô luôn tại đây. Khoảng tết năm 535, ông uống phải rượu có pha thuốc độc rồi qua đời và có vẻ chuyện này do các sát thủ của Vũ Văn Thái tiến hành. Năm 535, Vũ Văn Thái đã tôn Nam Dương vương Bảo Cự làm hoàng đế, sử coi Bảo Cự là hoàng đế đầu tiên của Tây Ngụy. Thời Tây Ngụy, Quan Trung và vùng thượng du Hán Giang của Thiểm Tây ngày nay do triều đại nay khống chế. </s>
Đầu năm 589, quân Tùy tiêu diệt Nam triều Trần, thống nhất toàn cõi Trung Quốc. Tùy Văn Đế sau khi lên ngôi, muốn xây dựng lại thành Trường An như dưới thời nhà Hán. Năm 582, theo thiết kế của thành viên hoàng tộc Bắc Chu cũ là Vũ Văn Khải (宇文愷), bắt đầu từ ven phía nam của Long Thủ Nguyên (龙首原)[chú 40] triều Tùy cho xây dựng thành mới Đại Hưng thành[chú 41]. Cung thành là hạng mục được xây dựng trước của Đại Hưng thành, năm 583 thì triều Tùy thiên đô đến đó. Năm Đại Nghiệp thứ 9 thời Tùy Dạng Đế (613), triều Tùy cho xây thành ngoại quách, Đại Hưng thành có bố cục rất quy chuẩn. Thành ngoại quách có hình dạng gần như hình vuông, dài 9.721 mét theo chiều đông-tây, dài 8.556 mét theo chiều bắc-nam, chu vi là 36,7 km, tổng diện tích thành nội là 84 km². Đại Hưng thành có 9 cổng thành ở ba mặt đông, tây, nam. Trong thành nội có 14 đường phố theo hướng đông-tây và 11 đường phố theo hướng bắc-nam. </s>
Thời Tùy, Tùy Văn Đế bỏ quận giữ lại châu, Tùy Dạng Đế sau đó lại đổi châu thành quận. Khi đó, Thiểm Tây được phân thành 17 quận (châu). Trong đó có 9 quận (châu) nằm hoàn toàn trên địa bàn Thiểm Tây ngày nay: Kinh Triệu (Ung châu)[chú 42], Bằng Dực (Đồng châu)[chú 43], Phù Phượng (Kì châu)[chú 44], Thượng quận (Phu châu)[chú 45], Điêu Âm (Thượng châu)[chú 46], Diên An (Diên châu)[chú 47], Thượng Lạc (Thương châu)[chú 48], Hán Trung (Lương châu)[chú 49], Tây Thành (Kim châu)[chú 50] Có 8 quận (châu) có một bộ phận nằm trên địa bàn Thiểm Tây ngày nay: Du Lâm (Thắng châu)[chú 51], Sóc Phương (Hạ châu)[chú 52], Diêm Xuyên (Diêm châu)[chú 53], Hoằng Hóa (Khánh châu)[chú 54], Bắc Địa (Bân châu)[chú 55], Hà Trì (Phượng châu)[chú 56], Thuận Chính (Hưng châu)[chú 57], Nghĩa Thành (Lợi châu)[chú 58]. </s>
Năm 604, Dương Quảng giết phụ hoàng và hoàng huynh, đoạt lấy ngai vàng, tức Tùy Dạng Đế. Tùy Dạng Đế thi hành chính sách tàn bạo, khiến các cuộc khởi nghĩa nông dân bùng nổ. Tháng 9 năm 617, Lý Uyên từ nơi khởi binh tại Thái Nguyên đã vượt qua Hoàng Hà, công chiếm Triều Ấp (朝邑)[chú 59], đến tháng 11 thì công chiếm Trường An. Lý Uyên lập Đại vương Dương Hựu làm hoàng đế, tức Tùy Cung Đế, và tự lập mình làm đại thừa tướng. Tháng 5 năm 618, Lý Uyên bức Cung Đế phải thoái vị, bản thân xưng đế, lập ra triều Đường, vẫn định đô tại Trường An. </s>
Nhà Đường vẫn sử dụng Đại Hưng thành ở Trường An từ thời Tùy, không ngừng xây dựng thêm. Vào tháng 3 và tháng 11 năm Vĩnh Huy thứ 5 đời Đường Cao Tông (654), công bộ thượng thư Diêm Lập Đức (閻立德) đã cho người trùng tu thành ngoại quách. Theo hệ thống đo lường ngày nay, thành ngoại quách của Trường An đời Đường kéo dài 9.500 mét từ đông sang tây, 8.470 mét từ bắc xuống nam, chu vi 35,5 km. Thành nội bao gồm cung thành, hoàng thành và khu cư trú của thị dân. Cung thành nằm ở phía bắc của chính giữa toàn thành, đầu thời Đường chỉ có một Thái Cực cung (Đại Hưng cung của Tùy trước đây), là nơi Đường Cao Tổ Lý Uyên và Đường Thái Tông Lý Thế Dân cư trú trên 30 năm. Năm Trinh Quán thứ 8 (634), trên Long Thủ Nguyên thuộc Cấm Uyển ở góc đông bắc Cung thành, Đường Thái Tông đã cho xây dựng Vĩnh An cung, nhường cho Thái thượng hoàng (Lý Uyên) cư trú, năm sau đổi tên thành Đại Minh cung. Năm Long Sóc thứ 2 (662) thời Đường Cao Tông, triều đình bắt đầu mở rộng thêm Đại Minh cung, năm sau, Đường Cao Tông chuyển từ Thái Cực cung đến Đại Minh cung cư trú và xử lý chính sự. Kể từ đó, các hoàng đế nhà Đường trú tại Đại Minh cung. Năm Khai Nguyên thứ 2 (714) thời Đường Huyền Tông, vị hoàng đế này đã đổi nơi cư trú trước đây của ông thành Hưng Khánh cung, tiến hành vài lần mở rộng. Hoàng thành nằm ở mặt nam của Cung thành, chiều đông-tây tương đương với Cung thành, phía bắc có Thừa Thiên môn với Cung thành, phía nam có Minh Đức môn với thành ngoại quách. </s>
Thời Đường, triều đình lập thêm cấp đạo trên các đơn vị châu (quận). Toàn lãnh thổ Đại Đường lúc đầu được chia thành 10 đạo, khi đó khu vực Quan Trung và Thiểm Bắc của Thiểm Tây ngày nay thuộc Quan Nội đạo, Thiểm Nam thuộc địa giới của Sơn Nam đạo. Đến trung kỳ nhà Đường, toàn quốc được chia thành 15 đạo, Thiểm Tây khi đó phân thuộc quyền quản lý của 4 đạo. Kinh Kỳ đạo tách khỏi Quan Nội đạo, quản lý khu vực ở phía nam của một đường từ Trường Vũ đến Hàn Thành, khu vực phía đông của Phượng Tường, có trị sở đặt tại Trường An. Quan Nội đạo do quan ở kinh thành quản lý từ xa. Khu vực phía đông An Khang thuộc Sơn Nam Đông đạo, trị sở đặt tại Tương Phàn của Hồ Bắc ngày nay. Khu vực từ An Khang về phía tây thuộc về Sơn Nam Tây đạo, trị sở đạo này đặt tại Hán Trung ngày nay. Thời Đường, có ba phủ nằm trên địa phận Thiểm Tây ngày nay, đó là Kinh Triệu phủ (trị sở tại Trường An), Phượng Tường phủ (trị sở tại huyện Phường Tường ngày nay), Hưng Nguyên phủ (trị sở tại Hán Trung ngày nay). </s>
Thời Đường là khoảng thời gian cực thịnh của Trung Quốc cổ đại, cũng là khoảng thời gian phồn vinh nhất của Thiểm Tây trong thời cổ. Thời Đường, theo sử sách Trung Quốc thì nhân khẩu Trường An ở lúc cao nhất đã vượt quá 1 triệu người, trong khi các ước tính hiện đại cho rằng trong thành nội có 800.000–1.000.000 người. là thành thị lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Thủ công nghiệp trong thành Trường An rất phát triển. Năm 1970, tại thôn Hà Gia ở Tây An, đã phát hiện được hai cái vại được chôn giấu, có trên cả nghìn vật phẩm, trong đó có 270 đồ vật bằng vàng hay bạc, được chế tác rất tinh xảo. Thời Đường, sản xuất đồ sứ đã trở thành một ngành sản xuất độc lập, tam thải (三彩) là một loại sản phẩm mới của nền công nghiệp gốm sứ, gốm xanh Diệu châu của Thiểm Tây rất có danh tiếng, được tìm thấy nhiều khi khai quật các lăng hoàng tộc và mộ quý tộc đời Đường. </s>
Năm 755, bắt đầu nổ ra loạn An Sử. Tháng 6 năm 756, quân An Lộc Sơn công phá Đồng Quan, Đường Huyền Tông cùng thừa tướng Dương Quốc Trung hốt hoảng, cùng Dương Quý Phi với 1.000 cấm binh bỏ Trường An rút về đất Thục. Quân phản loạn của An Lộc Sơn sau khi vào Trường An, đã tiến hành đốt phá, giết người, cướp của bừa bãi trong suốt ba ngày đêm, thành Trường An trở nên trống rỗng. Tháng 9 năm 757, danh tướng Quách Tử Nghi (người Thiểm Tây) của Đường đã tái chiếm Trường An. Sau loạn An Sử, quốc thế Đại Đường dần dần suy giảm. Năm 881, Hoàng Sào dẫn quân khởi nghĩa nông dân đánh chiếm Trường An, tại Hàm Nguyên điện của Đại Minh cung, Hoàng Sào lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là "Đại Tề". Tháng 2 năm 883, quý tộc Sa Đà là Lý Khắc Dụng đã dẫn quân tiến vào Quan Trung, họ đánh bại tướng Hoàng Nghiệp của Hoàng Sào ở Thạch Đê cốc, đến tháng 3 lại đánh bại Triệu Chương và Thượng Nhượng ở Lương Điền Pha, đến tháng 4 thì Hoàng Sào phải đưa quân rút khỏi Trường An. Nhờ công lao của Lý Khắc Dụng, triều Đường đã lấy lại được Trường An, song đến năm 904, Chu Ôn đã ép Đường Chiêu Tông phải thiên đô đến Lạc Dương. </s>
Năm 907, Chu Ôn tiếm vị nhà Đường, lập ra nhà Hậu Lương. Lý Mậu Trinh vẫn dùng niên hiệu Thiên Hữu của Đường Ai Đế, đối kháng với Hậu Lương. Lý Mậu Trinh lấy Phượng Tường làm trung tâm, lập ra chính quyền cát cứ tại một phần Thiểm Tây, Cam Túc và Tứ Xuyên hiện nay, sử gọi là nước Kỳ. Vì thế, Thiểm Tây khi đó phân thuộc hai chính quyền khác nhau. Nhà Hậu Lương đổi Kinh Triệu phủ thành Ung châu, thiết lập Đại An phủ tại Thiểm Tây. Năm 924, sau khi Hậu Đường diệt Hậu Lương, Lý Mậu Trinh hướng Hậu Đường xưng thần, được hoàng đế Hậu Đường phong làm Tần vương. Từ đó đến hết thời Ngũ Đại, Thiểm Tây nằm trong quyền quản lý của các vương triều Trung Nguyên: Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu. Hậu Đường đã đổi lại Đại An phủ thành Kinh Triệu phủ. Ngoài ra, trong thời Ngũ Đại, một bộ phận phía nam Thiểm Tây cũng từng nằm dưới quyền quản lý của nước Tiền Thục và sau đó là nước Hậu Thục. </s>
Triệu Khuông Dận sau đó đã tái thống nhất Trung Quốc, lập ra nhà Tống. Thời Bắc Tống, triều đình đổi đạo thành lộ, trong đó, Thiểm Tây lộ đã được thành lập vào đầu thời Tống. Sau đó, phân chia hành chính lại có thay đổi, đại bộ phận Thiểm Tây quy thuộc quyền quản lý của Vĩnh Hưng quân lộ[chú 60]. phía tây, nam của Lân Du và Chu Chí đến Phượng và Lưu Bá thuộc Tần Phượng lộ[chú 61]. Từ Phật Bình, Trấn Ba về phía tây thuộc quyền quản lý của Lợi Châu lộ[chú 62]. Khu vực phía đông của Ninh Thiểm, Thạch Tuyền thuộc về Kinh Tây Nam lộ[chú 63]. Khu vực Thần Mộc, Phủ Cốc, Giai thuộc về Hà Đông lộ[chú 64]. Nhiều huyện nay thuộc Du Lâm do Tây Hạ chiếm hữu. </s>
Năm 1038, người Đảng Hạng dưới sự lãnh đạo của Lý Nguyên Hạo đã thiết lập nên triều Tây Hạ, khống chế một bộ phận Thiểm Bắc. Trong nhiều thập kỷ, Tống và Hạ khi chiến khi hòa, Thiểm Bắc là một chiến trường chủ yếu. Từ năm 1040 đến 1042, Phạm Trọng Yêm đã đứng đầu Vĩnh Hưng quân, cùng Hàn Kỳ đảm nhận nhận chức vụ kinh lược an phủ chiêu thảo phó sứ Thiểm Tây, trợ giúp Hạ Tủng đánh Hạ, cai trị Diên châu (nay là Diên An); ngày nay ở dưới núi Gia Lĩnh tại Diên An vẫn còn nhiều di tích liên quan đến ông. Từ năm 1078 trở đi, Thẩm Quát (沈括), một khoa học gia nổi tiếng, đã cai trị Doanh châu trong 4 năm, cai quản biên phòng Thiểm Bắc. </s>
Năm 1127, Kim diệt Bắc Tống, đến tháng 12 năm đó, quân Kim tiến công Quan Trung, rồi rút đi sau khi đã cướp bóc trên quy mô lớn. Tháng 8 năm 1128, quân Kim lại tấn công Quan Trung, từ đó, phần lớn Thiểm Bắc và phía đông Quan Trung thuộc quyền cai quản của Kim. Triều đình Kim đã thiết lập Kinh Triệu phủ lộ[chú 65], Phu Diên lộ[chú 66], ngoài ra còn có Phượng Tường lộ[chú 67], Khánh Nguyên lộ[chú 68], Hà đông bắc lộ[chú 69], Lợi Châu Tây lộ[chú 70], Lợi Châu Đông lộ[chú 71] Trong khi đó, khu vực nay thuộc Hoành Sơn, Tĩnh Biên, Định Biên và Du Dương của Du Lâm thuộc về Tây Hạ. </s>
Năm 1206, hãn quốc Mông Cổ được thành lập, đến tháng 11 năm 1222, tướng Mộc Hoa Lê của Mông Cổ suất quân lần lượt chiếm lĩnh Đồng Châu[chú 72], Bồ Thành. Tháng 6 năm 1230, quân Mông Cổ công phá Kinh Triệu (nay là Tây An) của Kim, đến tháng 10 thì chiếm Lĩnh Đồng (nay là Đại Lệ), Hoa và những nơi khác tại tây bắc Thiểm Tây. Tháng 4 năm sau, quân Mông Cổ đánh chiếm Phượng Tường, đến tháng 8 thì công phá Phượng Châu[chú 73], chiếm Hưng Nguyên (nay là Hán Trung) và Dương Châu (nay là Dương). Năm 1234, Kim bị tiêu diệt. </s>
Năm 1253, đại hãn Mông Cổ phân phong chư vương, Quan Trung trở thành đất phong của Hốt Tất Liệt. Năm 1271, Hốt Tất Liệt thiên đô về Yên Kinh, đổi quốc hiệu thành "Nguyên". Năm 1272, Hốt Tất Liệt phong cho con trai thứ ba là Mang Ca Lạt (忙哥剌) làm An Tây vương, lập phiên tại Thiểm Tây. Thời Nguyên, Trung Quốc phân thành các hành tỉnh, Thiểm Tây hành tỉnh có trị sở đặt tại Tây An ngày nay, quản lý toàn bộ Thiểm Tây ngày nay, cũng như khu vực phía đông Lan Châu của Cam Túc ngày nay và phía nam trung bộ Ngạc Nhĩ Đa Tư của Nội Mông hiện nay. Đến giữa thời Nguyên, An Tây vương phủ bị phế trừ, An Tây lộ đổi tên thành Phụng Nguyên lộ. </s>
Từ thời Tống đến thời Nguyên, kinh tế Thiểm Tây, đặc biệt là nông nghiệp, đã khôi phục và phát triển tương đối, điểm nổi bật là sự nghiệp thủy lợi. Những năm Khánh Lịch (1041-1048) thời Tống Nhân Tông, diện tích ruộng được tưới đã tăng lên 6.000 khoảng từ mức 2.000 khoảnh vào đầu thời Tống, đạt mức thời kỳ giữa nhà Đường. Việc sử dụng dầu mỏ và khai mỏ tại Thiểm Tây cũng bắt đầu trong thời Tống-Nguyên. Trong thời gian làm quan tại Thiểm Bắc, Thẩm Quát đã tiến hành khảo sát tường tận và kết luận "dầu mỏ rất nhiều, được tạo ra vô cùng trong lòng đất, không như gỗ tùng có thời kỳ và có thể cạn kiệt". </s>
Trên cơ sở hệ thống hành tỉnh của triều Nguyên, ngoại trừ Bắc Kinh và Nam Kinh ra, triều Minh chia Trung Quốc thành 13 bố chính sứ ti. Thiểm Tây thừa tuyên bố chính sứ ti thời Minh quản lý toàn bộ tỉnh Thiểm Tây ngày nay, cộng thêm vùng phía đông Gia Dục quan của tỉnh Cam Túc ngày nay, đại bộ phận Ninh Hạ và Ngạc Nhĩ Đa Tư của Nội Mông hiện nay, khu vực phía đông hồ Thanh Hải của tỉnh Thanh Hải ngày nay. Triều đình nhà Minh cũng tiến hành phong vương lập phiên, trên địa phận của Thiểm Tây bố chính sứ ti có 7 phiên vương, trong đó có 3 phiên vương nằm trên địa bàn tỉnh Thiểm Tây ngày nay: năm Hồng Vũ thứ 10 (1378), phong Tần vương ở khu vực Tây An; năm Tuyên Đức thứ 9 (1429), phong Trịnh vương ở khu vực Phượng Tường; năm Thiên Khải thứ 7 (1627), phong Thụy vương ở khu vực Hán Trung. </s>
Sau khi Đường Chiêu Tông thiên đô về Lạc Dương, thành ngoại quách và Cung thành của Trường An đã bị Chu Ôn phá hủy triệt để, đóng ba cổng thành của Hoàng thành, chỉ để lại Huyền Vũ môn ở phía bắc. Thời Minh, triều đình tiến hành xây dựng thành Tây An với quy mô lớn. Trong khoảng 1374-1378, đô đốc Bộc Anh (濮英) đã chủ trì việc mở rộng thành của thành Tây An. Tường thành hai mặt tây và nam được gia cố trên cơ sở tường thành của hoàng thành từ thời Đường, xây mới tường thành hai mặt đông và bắc, thành Tây An vì thế dài và rộng hơn so với Phụng Nguyên lộ thành của triều Nguyên. </s>
Cuối thời Minh, triều đình trở nên hủ bại, đất nước mất mùa đói kém, người dân nhiều nơi nổi loạn, trong đó có Thiểm Tây. Tháng 11 năm 1628, Vương Gia Dận cùng bọn Ngô Duyên Quý tổ chức nạn dân ở Phủ Cốc khởi nghĩa, trước đó Vương Nhị cũng tổ chức một cuộc khởi nghĩa nông dân tại huyện Bạch Thủy. Đồng thời, Vương Tả Quải cũng kêu gọi hơn vạn người nổi dậy ở Nghi Xuyên. Ở huyện An Tắc, có cuộc khởi nghĩa của Cao Nghênh Tường. Năm 1636, Cao Nghênh Tường rơi vào ổ mai phục của Thiểm Tây tuần phủ Tôn Truyện Đình ở Hắc Thủy Dục thuộc huyện Chu Chí, thua trận bị bắt, giải về Bắc Kinh, bị xử lăng trì. Tàn dư của cuộc khởi nghĩa Cao Nghênh Tường tôn Lý Tự Thành làm Sấm vương. Tháng 1 năm 1643, Lý Tự Thành lập chính quyền tại Tương Dương của Hồ Bắc, đến tháng 10 cùng năm, quân của Lý Tự Thành phân làm hai lộ tấn công Quan Trung, công phá thành Tây An, đến tháng 11 thì chiếm được Quan Trung và Thiểm Bắc. Tháng 1 năm 1644, Lý Tự Thành đổi Tây An thành Trường An, đặt hiệu là Tây Kinh, chính thức kiến quốc, đặt quốc hiệu là "Đại Thuận". Tháng 6 năm 1644, Lý Tự Thành thất bại trước liên quân giữa quân Thanh và quân Ngô Tam Quế nên đã phải rút từ Bắc Kinh về lại Tây An. Tháng 12 năm 1644, quân Thanh chiếm được Thiểm Bắc, đến tháng 1 năm sau thì công phá Đồng Quan, Lý Tự Thành phải đưa quân qua Lam Điền, Thương Châu để rút đến Hồ Quảng. Sau khi đánh bại quân của Lý Tự Thành, quân Thanh chiếm cứ toàn bộ Thiểm Tây vào tháng 2 năm 1645. </s>
Thời nhà Thanh, triều đình phế bỏ xưng hiệu "bố chính sứ ti" của triều Minh, đổi sang gọi là hành tỉnh hoặc gọi tắt là tỉnh. Đầu thời Thanh, Thiểm Tây hành tỉnh quản lý toàn bộ Thiểm Tây ngày nay, cộng thêm các vùng phía đông của Cam Túc, Ninh Hạ và Thanh Hải ngày nay. Năm Khang Hy thứ 2 (1663), tách Thiểm Tây hữu chính sứ trú tại Củng Cương[chú 74], ba năm sau lại đổi thành Cam Túc bố chính sứ và dời đến trú tại Lan Châu. Tả bố chính sử ti vẫn trú tại Tây An, quản lý bốn phủ Tây An, Diên An, Phượng Tường, Hán Trung cùng Hưng An châu. Trong suốt thời Thanh, Tây An là thủ phủ của Thiểm Tây. Vào năm Đồng Trị thứ 6 (1649), triều Thanh lấy đông bắc bộ thành Tây An thời Minh để hình thành một thành phòng thủ, gọi là Mãn thành. </s>
Nhiều người Hán đã từ Thiểm Tây di cư đến Tân Cương trong thời Thanh. Họ được phân loại là thương nhân nếu không mang thân phận nô lệ. Do Thiểm Nam còn nhiều đất trống, vùng đã thu hút người nhập cư trên quy mô lớn sau khi Hồ Bắc và Tứ Xuyên xảy ra nạn đói nghiêm trọng và mùa màng thất bát trong thập niên 1770. Đến đầu thế kỷ XIX, những người nhập cư đến từ Trung và Nam Trung Quốc đã chiếm đến 90% tại một số nơi ở Thiểm Nam. Trong khoảng thời gian 1796–1804, những người bất mãn với triều đình đã tiến hành Khởi nghĩa Bạch Liên giáo ở vùng giáp ranh giữa Tứ Xuyên-Thiểm Tây-Hồ Bắc-Hà Nam, song bị quân Thanh đàn áp. </s>
Sau khi cuộc nổi loạn Hồi giáo kết thúc, Thiểm Tây lại bị một nạn đói nghiêm trọng do hạn hán kéo dài, tỉnh hầu như không có mưa từ năm 1876 đến năm 1878, và khi triều đình nhà Thanh cố gắng khắc phục tình hình vào năm 1877 thì những yếu kém về hạ tầng giao thông đã cản trở hoạt động cứu trợ. Có thể đã có từ 4 đến 5 người chết đói chỉ tính riêng ở Thiểm Tây, một số huyện trong thung lũng Vị Hà màu mỡ mất trên 100.000 người mỗi huyện. Do các tai họa vào cuối thế kỷ XIX, Thiểm Tây đã trở thành nơi nhập cư của những người mong muốn có ruộng đất từ Tứ Xuyên và Hà Bắc. </s>
Đầu thế kỷ XX, Thiểm Tây cũng bị thiệt hại từ những nạn đói định kỳ, diễn ra vào các năm 1915, năm 1921, và cuối cùng là năm 1928. Nạn đói cuối cùng cũng có tính chất nghiêm trọng giống như nạn đói 1877–78, người ta ước tính rằng Thiểm Tây đã có tới 3 triệu người chết vì đói, các dịch bệnh sau đó càng khiến số người chết tăng thêm hơn nữa. Tuy nhiên, trong lúc này đã có một số hoạt động cứu giúp, Tổ chức cứu trợ quốc tế về nạn đói đã phục hồi hệ thống thủy lợi bỏ hoang ở thung lũng Vị Hà, trong khi đường sắt Lũng Hải được kéo dài vào trong địa phận của tỉnh Thiểm Tây sẽ giúp vận chuyển đồ cứu trợ được nhanh hơn khi nạn đói tiếp tục xảy ra. </s>
Sau thất bại của Cộng hòa Xô viết Trung Hoa, từ tháng 10 năm 1934 đến tháng 10 năm 1935, lực lượng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phải tiến hành Vạn lý Trường chinh gian khổ từ Giang Tây đến Thiểm Tây để lập căn cứ mới. Khi khởi đầu cuộc rút lui, Hồng quân Trung Quốc có hơn 86 nghìn người , nhưng khi kết thúc cuộc Vạn lý Trường chinh, số Hồng quân sống sót chỉ còn ít hơn 7 nghìn. Từ năm 1937, Diên An đã trở thành nơi đặt trụ sở các cơ quan đầu não của lực lượng cộng sản Trung Quốc. Nơi này đã trở thành trung tâm đào tạo chuyên sâu của các đảng viên và quân đội cộng sản. </s>
Diện tích Thiểm Tây là khoảng 205.800 km², chiều dài bắc-nam là khoảng 870 km, chiều dài đông-tây là khoảng 200–500 km. Thiểm Tây có hình dạng lãnh thổ hẹp và dài, địa thế cao ở nam và bắc, thấp ở trung gian. Thiểm Tây có nhiều loại địa hình: cao nguyên, núi non, đồng bằng, bồn địa. Có thể phân Thiểm Tây thành vùng cao nguyên Hoàng Thổ ở Thiểm bắc, đồng bằng Quan Trung, vùng núi Tần-Ba và thung lũng Hán Giang ở Thiểm Nam. Trong đó, diện tích cao nguyên là 92.600 km², diện tích vùng núi là 74.100 km², diện tích vùng đồng bằng là 391.000 km². Các dãy núi chủ yếu tại Thiểm Tây là Tần Lĩnh và Đại Ba Sơn. Đoạn Tần Lĩnh trên địa phận Thiểm Tây có độ cao từ 1000-3000 mét với nhiều đỉnh núi nổi tiếng tại Trung Quốc như: Hoá Sơn, Thái Bạch Sơn, Chung Nam Sơn, Ly Sơn. Đại Ba Sơn nằm ở cực nam của Thiểm Tây với độ cao từ 1.500-2.000 mét. Vùng cao nguyên Hoàng Thổ ở Thiểm Bắc có độ cao từ 800-1.300 mét. Vùng đồng bằng Quan Trung kéo dài từ Bảo Kê về phía đông đến Đồng Quan với độ cao trung bình là 520 mét. </s>
Khu vực phía bắc Tần Lĩnh của Thiểm Tây thuộc lưu vực Hoàng Hà, chiếm 63,3% diện tích và 29% tổng lượng tài nguyên nước của Thiểm Tây. Các chi lưu của hệ thống Hoàng Hà tại Thiểm Tây chủ yếu có hướng bắc-nam: Quật Dã Hà, Vô Định Hà, Diên Hà, Lạc Hà, Kính Hà (chi lưu của Vị Hà), Vị Hà. Khu vực phía nam Tần Lĩnh của Thiểm Tây thuộc lưu vực Trường Giang, chiếm 36,7% diện tích và 71% tổng lượng tài nguyên nước của Thiểm Tây. Các sông lớn thuộc hệ thống Trường Giang trên địa phận Thiểm Tây là Gia Lăng Giang, Hán Giang, Đan Giang. Tổng lượng tài nguyên nước trung bình năm của Thiểm Tây là 41,649 tỷ m³, có năm lên đến 84,7 tỷ m³ song có năm chỉ được 16,8 tỷ m³. </s>
Tần Lĩnh, dãy núi phân định khí hậu phía bắc và Nam Trung Quốc, chạy dọc theo chiều đông-tây của Thiểm Tây. Thiểm Tây được phân thành ba vùng khí hậu, có sự khác biệt lớn giữa bắc và nam. Khu vực Thiểm Nam thuộc vùng khí hậu cận nhiệt đới gió mùa, Quan Trung và đại bộ phận Thiểm Bắc thuộc vùng khí hậu ôn đới ấm, khu vực dọc theo Vạn Lý Trường Thành ở bắc bộ của Thiểm Bắc thuộc vùng ôn đới lạnh (ôn đới trung). Nhìn chung, khí hậu Thiểm Tây có đặc điểm là: mùa xuân ấm và khô ráo, lượng giáng thủy khá thấp, nhiệt độ tăng nhanh song bất ổn định, nhiều gió cát; mùa hè có nhiệt độ cao và nhiều mưa, song cũng có lúc tái khô hạn; mùa thu mát dễ chịu với độ ẩm tương đối thấp, nhiệt độ hạ nhanh chóng; mùa đông rét lạnh lẽo và khô hanh, nhiệt độ thấp, có rất ít mưa tuyết. Nhiệt độ trung bình năm của Thiểm Tây là 13,7 °C, giảm dần từ nam đến bắc, từ đông sang tây: nhiệt độ trung bình năm của Thiểm Bắc là 7 °C-12 °C, nhiệt độ trung bình năm của Quan Trung là 12 °C-14 °C, nhiệt độ trung bình năm của Thiểm Nam là 14 °C-16 °C. Nhiệt độ trung bình tháng 1 của Thiểm Tây là -11 °C đến 3 °C, nhiệt độ trung bình tháng 7 là 21 °C-28 °C. Mỗi năm, Thiểm Tây có từ 160-250 ngày không có sương giá, nhiệt độ thấp kỷ lục là -32,7 °C, nhiệt độ cao kỷ lục là 42 °C. Lượng giáng thủy bình quân hàng năm của Thiểm Tây là 702,1 mm, biến đổi từ 340–1240 mm. Khoảng 60-70% lượng giáng thủy tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10, thường gây nên lũ lụt, còn hai mùa xuân và hè thường bị hạn hán. Lượng giáng thủy tại Thiểm Tây giảm từ nam lên bắc: Thiểm Nam là vùng ẩm ướt, Quan Trung là vùng bán ẩm còn Thiểm Bắc là vùng bán khô hạn. </s>
Thiểm Tây cũng có sự phong phú và đa dạng về chủng loại thực vật, Thiểm Tây có 12.266.700 ha đất rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,4%. Diện tích rừng tự nhiên của Thiểm Tây là 5.494.300 ha, chủ yếu phân bố tại vùng núi Tần Lĩnh-Đại Ba Sơn, Quan Sơn, Hoàng Long Sơn và Kiều Sơn. Vùng núi Tần Lĩnh-Đại Ba Sơn còn được gọi là "ngân hàng gen sinh vật" với 3.300 loài thực vật có hạt tự nhiên, chiếm 10% toàn Trung Quốc. Thiểm Tây có 30 loài thực vật quý hiếm và 800 loài cây có thể dùng làm dược liệu, mi hầu đào Trung Hoa (Actinidia chinensis), sa cức (Hippophae), giảo cổ lam, Phú Tây trà là những nguồn tài nguyên thực vật có giá trị lớn. Táo tàu, óc chó, trẩu trơn là các sản phẩm xuất khẩu truyền thống của Thiểm Tây. Các loài cây dùng làm dược liệu trên địa bàn Thiểm Tây như thiên ma (Gastrodia elata), đỗ trọng (Eucommia ulmoides), khổ hạnh nhân (Semen Armeniacae Amarum), cam thảo (Glycyrrhiza uralensis) có địa vị quan trọng tại Trung Quốc. Đến năm 2012, Thiểm Tây có 78 công viên rừng với tổng diện tích 304.800 ha. Vùng thảo nguyên của Thiểm Tây chủ yếu là thảo nguyên ôn đới, phân bố tại Thiểm Bắc, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc. </s>
Theo số liệu cuối năm 2011, Thiểm Tây có 37,426 triệu nhân khẩu thường trú, tăng 74.000 so với năm trước, trong đó có 19,304 triệu nam giới (51,58%) và 18,122 triệu nữ giới (48,42%), tỷ lệ giới tính đạt 106,52, giảm so với 108,42 vào năm 2000. Số nhân khẩu thành thị của Thiểm Tây là 17,702 triệu người (47,3%), số nhân khẩu nông thôn là 19,724 triệu (52,7%). Số người trong độ tuổi 0-14 chiếm 15,28% tổng dân số, số người trong độ tuổi 15-64 chiếm 75,68% tổng dân số, số người trên 65% chiếm 9,04% tổng dân số của Thiểm Tây, tỉnh phải đối mặt với tình trạng lão hóa dân số nghiêm trọng. </s>
Năm 2011, tổng GDP của Thiểm Tây đạt 1.239,13 tỉ NDT, tăng trưởng 13,9% so với năm trước; cũng trong năm này GDP bình quân đầu người của Thiểm Tây đạt 33.142 NDT, tăng 13,7% so với năm trước. Năm 2011, trong cơ cấu kinh tế của Thiểm Tây khu vực một đạt giá trị 122,09 tỷ NDT, chiếm 9,8%; khu vực hai đạt giá trị 683,627 tỷ NDT, chiếm 55,2%; khu vực ba đạt giá trị 433,413 tỷ NDT, chiếm 35%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2011 của Thiểm Tây là 14,623 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu lên tới 7,011 tỷ USD, tăng 12,9%; kim ngạch nhập khẩu đạt 7,613 tỷ USD, tăng 29,2%, thâm hụt thương mại là 602 triệu USD. Tám ngành công nghiệp trụ cột của Thiểm Tây là năng lượng và hóa chất, sản xuất thiết bị, luyện kim màu, công nghiệp thực phẩm, chế phẩm khoáng sản phi kim, sản phẩm y dược, thiết bị điện tử, dệt may. Năm 2009, Thiểm Tây xếp thứ ba Trung Quốc về sản xuất than đá, khí thiên nhiên và dầu thô. Tận dụng lợi thế có một vài đại học và viện nghiên cứu hàng đầu ở miền Tây Trung Quốc, Thiểm Tây cũng nắm giữ một vai trò lớn trong các ngành hàng không và vũ trụ, phần mềm, vật liệu mới đang nổi lên của Trung Quốc, tạo ra trên 50% R&D và thiết bị cho ngành công nghiệp hàng không thương mại nội địa. </s>
Tần khang, còn gọi là loạn đàn, là một loại hình hí khúc của Trung Quốc bắt nguồn từ khu vực tây bắc của tỉnh Thiểm Tây. Giai điệu của nó có nguồn gốc từ các vùng nông thôn của Thiểm Tây và Cam Túc. Tần khang là thể loại cổ nhất trong số Tứ đại thanh khang của hí kịch Trung Quốc. Tần khang từng bị Khang Hy Đế cấm biểu diễn tại Bắc Kinh do nó được xem là "gợi dục", tuy nhiên người ta cho rằng lý do chính xác của việc này là vì Tần khang có yếu tố phê phán xã hội. Tín thiên du là một loại hình dân ca lưu truyền ở vùng nói tiếng Tấn, bao gồm cả Thiểm Bắc của Thiểm Tây, theo lối đối ứng và lặp lại theo chu kì, câu hát có thể ngắn hay dài. </s>
Ẩm thực Thiểm Tây tận dụng lợi thế về mặt lịch sử khi là đất kinh kỳ của nhiều triều đại, kế thừa kỹ nghệ nấu nước cung đình cổ xưa, thu nhận tinh hoa từ các trường phái ẩm thực trên toàn Trung Quốc. Ẩm thực Thiểm Tây chế biến món ăn một cách tinh tế từ các nguyên liệu thông thường, được biết đến nhiều với các món từ thịt lợn hay thịt cừu non hoặc cừu trưởng thành. Ẩm thực Tứ Xuyên có vị mạnh, nhấn mạnh về các loại gia vị có hương vị gắt như muối, tỏi, hành tây, và giấm; đường hiếm khi được sử dụng. Ẩm thực của vùng Hán Trung có sự tương đồng với ẩm thực Tứ Xuyên. </s>
Thiểm Tây là một tỉnh có tài nguyên du lịch lớn tại Trung Quốc, có 35.800 di tích, 151 bảo tàng, 900.000 văn vật với mật độ dày đặc, đứng đầu cả nước. Thiểm Tây có các tàn tích kiến trúc thành cổ, cung điện cổ, miếu chùa cổ, lăng mộ cổ. Đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng còn được gọi là "kỳ quan thứ tám". Càn lăng là nơi hợp táng của nữ hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc- Võ Tắc Thiên, và Đường Cao Tông Lý Trị. Chùa Pháp Môn ở Phù Phong là một ngôi chùa nổi tiếng của Phật giáo. Thành Tây An là thành cổ được bảo tồn hoàn chỉnh nhất tại Trung Quốc. Rừng bia Tây An là kho văn kiện bằng đá lớn nhất Trung Quốc. Ngoài ra, Thiểm Tây còn có các phong cảnh đẹp như Tây Nạc Hoá Sơn, thác Hồ Khẩu trên Hoàng Hà, Bát Bách Lý Tần Xuyên rộng vô tận, vùng núi Tần-Ba tươi đẹp ở Thiểm Nam, khu phong cảnh Li Sơn mang sắc thái truyền kì, đỉnh chính Thái Bạch Sơn của Tần Lĩnh có tuyết phủ trong sáu tháng. Đội quân đất nung và lăng Tần Thùy Hoàng là một di sản thế giới của UNESCO, cùng với đó Thiểm Tây còn có 5 khu danh thắng phong cảnh cấp quốc gia: Hoá Sơn, Ly Sơn ở Lâm Đồng, Thiên Thai Sơn ở Bảo Kê, Hoàng Đế lăng ở Diên An, khu danh thắng phong cảnh Hợp Dương Hợp Xuyên. Trong năm 2011, Thiểm Tây đã tiếp đón 184 triệu lượt du khách trong và ngoài nước. </s>
Thiểm Tây có vị trí yết hầu về giao thông, nằm trên tuyến đường từ bình nguyên Hoa Bắc xuống các tỉnh ở Tây Nam như Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Vân Nam, Quý Châu, cũng là đầu mối giao thông của khu vực tây bắc. Các tuyến đường sắt trọng yếu trên địa bàn Thiểm Tây: đường sắt chuyên vận chuyển hành khách Trịnh-Tây, đường sắt Lũng-Hải, đường sắt Bảo-Thành, đường sắt Bảo-Trung, đường sắt Ninh-Tây, đường sắt Tây-Khang. Hệ thống đường sắt kéo dài từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, nối Thiểm Tây với các tỉnh thành lân cận và với toàn quốc. Năm 2010, tỉnh Thiểm Tây có 8789 km đường sắt, vận chuyển 55.790.000 lượt người và 204.800.000 tấn hàng hóa. Cũng trong năm 2010, tỉnh Thiểm Tây có 147.461 công lộ, thực hiện vận chuyển 874.570.000 lượt khách và 771.230.000 tấn hàng hóa. Thiểm Tây có sân bay quốc tế Hàm Dương Tây An (thay thế sân bay Tây Quan Tây An vào năm 1991), sân bay Ngũ Lý Phố An Khang, sau khi hoàn thành việc nâng cấp thì sân bay Thành Cố Hán Trung sẽ thay thế chức năng hàng không dân dụng của sân bay Tây Quan Hán Trung, sân bay Nhị Thập Lý Bảo Diên An, sân bay Du Dương Du Lâm đã thay thế sân bay Tây Sa Du Lâm từ năm 2008. Năm 2010, Thiểm Tây có 358 đường bay, trong đó có 17 đường bay quốc tế và 9 tuyến đến Hồng Kông và Ma Cao, vận chuyển được 7.830.000 lượt hành khách và 90.000 tấn hàng hóa. </s>
Edward II (25 tháng 4, 1284 – 21 tháng 9, 1327), còn gọi là Edward xứ Caernarfon, là Vua của Anh từ 1307 cho đến khi bị lật đổ vào tháng 1 năm 1327. Là con trai thứ tư của Edward I, Edward trở thành người kế vị sau cái chết của hoàng huynh là Alphonso. Từ năm 1300, Edward cùng phụ thân tham gia vào chiến dịch bình định Scotland, và đến năm 1306 ông được phong tước hiệp sĩ tại Đại yến Thiên nga diễn ra ở Tu viện Westminster. Edward đăng cơ năm 1307, sau khi vua cha băng hà. Năm 1308, ông kết hôn với Isabella của Pháp, con gái của vua Pháp Philippe IV đầy quyền lực, một phần trong kế hoạch lâu dài nhằm giái quyết những căng thẳng vương quyền giữa Anh và Pháp. </s>
Edward có một mối quan hệ gần thân thiết gây nhiều tranh cãi với Piers Gaveston, người vào hầu trong gia đình ông từ năm 1300. Bản chất mối quan hệ giữa Edward và Gaveston không rõ ràng, có thể là bạn bè, tình nhân hoặc huynh đệ kết nghĩa. Trở thành sủng thần của Edward, Gaveston kiêu ngạo và nắm nhiều quyền lực, ông khiêu khích và gây bất mãn với các nam tước và đến cả hoàng gia Pháp, khiến Edward buộc phải lưu đày ông ta. Khi Gaveston trở về, các nam tước tạo sức ép buộc Nhà vua phải đồng ý với những cải cách sâu rộng qua việc ban bố Sắc lệnh năm 1311. Các nam tước được trao quyền trục xuất Gaveston, và Edward đáp lại bằng cách thu hồi sắc lệnh cải cách và triệu hồi sủng thần của mình. Được dẫn dắt bởi người em con chú Bá tước Lancaster (thân phụ của Edward II là Edward I, trong khi cha của Bá tước xứ Lancaster là Edmund Crouchback, em trai của Edward I), một nhóm các nam tước bắt giữ và xử tử Gaveston năm 1312, mở đầu nhiều năm đối đầu vũ trang. Lực lượng Anh bị đẩy lui ở Scotland, nơi Edward chiến bại trước Robert the Bruce trong trận Bannockburn năm 1314. Liền tiếp là nạn đói lan rộng cùng với chỉ trích đối với vương quyền Nhà vua. </s>
Gia đình Despenser, đặc biệt là Hugh Despenser trẻ, trở thành những người bạn thân và quân sư cho Edward, nhưng vào năm 1321, Lancaster và các nam tước chiếm trang viên của nhà Despenser và ép buộc nhà vua phải lưu đày họ. Để đáp lại, Edward đã lãnh đạo chiến dịch quân sự ngắn, bắt giữ và hành quyết Lancaster. Edward và nhà Despensers tăng cường quyền lực của họ, bãi bỏ cải cách 1311, hành quyết kẻ thù của họ và tịch thu nhiều tài sản. Nhận thấy không thể chiến thắng ở Scotland, Edward cuối cùng phải ký lệnh hưu chiến với Robert. Phản đối chế độ ngày càng hà khắc, nhân dịp Isabella được gửi đến Pháp để đàm phán hiệp ước hòa bình năm 1325, bà quay lưng lại với Edward và từ chối trở về. Isabella lập liên minh với Roger Mortimer đang bị lưu đày, và xâm lược Anh bằng một đội quân nhỏ năm 1326. Vương quyền của Edward sụp đổ và ông đào tẩu sang xứ Wales, để rồi bị bắt vào tháng 11 cùng năm. Edward buộc phải thoái vị vua vào tháng 1 năm 1327 và truyền ngôi cho người con trai 14 tuổi, Edward III, và ông mất ở Lâu đài Berkeley ngày 21 tháng 9, rất có thể là bị các hiệp sĩ của vương triều mới ám sát. </s>
Mối quan hệ giữa Edward và Gaveston truyền cảm hứng cho vở kịch trình diễn năm 1592 của Christopher Marlowe mang tên Edward II, cùng với các vở kịch khác, phim ảnh, tiểu thuyết và các loại hình nghệ thuật khác. Nhiều trong số này là các tác phẩm khai thác mối quan hệ đồng tính luyến ái đồn đoán của hai người đàn ông. Nhiều chỉ trích Edward từ những người đương thời về vai trò quân vương của ông, nhấn mạnh những thất bại của ông ở Scotland và những năm cuối đầy áp bức của triều đại, dù cho các học giả cuối thể kỉ XIX lập luận rằng sự tiến triển triển của các tổ chức Quốc hội trong triều đại của ông là sự chỉ dấu tích cực cho đất nước Anh mà trong thời gian dài chưa đạt được. Tranh luận tiếp tục và dai dẳng đến tận thế kỉ XXI là liệu Edward là vị vua lười nhác và thiếu năng lực, hay đơn giản chỉ là một nhà cai trị bất đắc dĩ và hoàn toàn thất bại. </s>
Edward II là con trai thứ tư của Edward I và người vợ thứ nhất, Eleanor xứ Castile. Thân phụ của ông là vua nước Anh, và cũng là người thừa kế vùng Gascony ở miền tây nam nước Pháp, điều này khiến ông phải giữ chức vụ chư hầu của vua nước Pháp và quyển tể trị Ireland. Thân mẫu ông có xuất thân hoàng tộc từ Vương quốc Castile và nắm giữ Lãnh địa Bá tước Ponthieu ở miền bắc nước Pháp. Edward I đã chứng tỏ ông là một nhà lãnh đạo quân sự tài năng, ông đã chỉ huy quân đội của mình để đàn áp thành công cuộc nổi dậy của các nam tước trong thập niên 1260 và tham gia vào cuộc Thập tự chinh lần thứ chín. Trong những năm 1280, ông chinh phục Bắc Wales, tước quyền cai trị của hoàng thân bản bản xứ Wales và trong những năm 1290, ông đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Scotland, tuyên bố bá quyền đối với nước này. Ông được những người đương thời coi là một nhà cai trị rất thành công, khi ông thể hiện khả năng kiểm soát quyền hành rộng lớn của các bá tước trong hàng ngũ giới quý tộc Anh. Nhà sử học Michael Prestwich miêu tả Edward I là "một vị vua đáng sợ và đáng kính", trong khi John Gillingham lại cho rằng ông là một tên côn đồ hữu dụng. </s>
Tuy gặt hái nhiều thành tựu, Edward I cũng để lại nhiều vấn đề cho hoàng đế kế vị khi ông băng hà vào năm 1307. Một trong những việc quan trọng nhất cần giải quyết đó là sự thống trị của Anh ở Scotland, nơi các chiến dịch quân sự do Edward tiến hành diễn ra từ lâu nhưng vẫn chưa tới hồi kết. Việc Edward cai trị vùng Gascony làm mâu thuẫn nảy sinh giữa ông với các vua Pháp. Các vua Pháp nhấn mạnh rằng quốc vương Anh trên cương vị chư hầu cần tỏ lòng thần phục họ, tuy nhiên ông cho rằng yêu cầu đó là một sự lăng mạ đến lòng kiêu hãnh của nhà vua và vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Edward I cũng đối mặt với nhiều chống đối ngày càng tăng từ các nam tước do ông đánh thuế nặng và yêu cầu cung cấp nhiều nguồn lực phục vụ chiến tranh, khiến vị vua con phải xử lý khoản nợ xấp xỉ 200.000 bảng Anh khi ông qua đời.[nb 1] </s>
Edward II chào đời ngày 25 tháng 4 năm 1284 tại Lâu đài Caernarfon ở miền Bắc xứ Wales, chưa đầy một năm sau khi Edward I chinh phục miền đất này, và hệ quả là đôi khi ông được gọi là Edward xứ Caernarfon. Nhà vua có lẽ đã có chủ ý khi chọn lâu đài này làm nơi hạ sinh Edward, bởi nó là một địa điểm có tính biểu tượng quan trọng đối với người Wales bản địa, gắn liền với lịch sử đế quốc La Mã, và lâu đài Caernarfon cũng là nơi đặt vương quyền mới ở miền Bắc xứ Wales. Sự chào đời của Edward mang theo những tiên đoán mang tính trọng đại của các nhà tiên tri khi ấy, rằng Ngày tận thế sắp đến, và ông là hậu thân của Vua Arthur, người sẽ đưa nước Anh đến bục vinh quang. David Powel, một mục sư thế kỉ XVI, cho rằng hoàng tử bé, người được dâng hiến cho dân xứ Wales, "đã được sinh ra ở Wales và không nói một từ tiếng Anh nào", nhưng không có bằng chứng chứng minh lối biện luận này. </s>
Tên Edward có xuất xứ từ tiếng Anh, liên tưởng đến Thánh người Anglo-Saxon là Edward xưng tội, và được lựa chọn bởi cha ông thay cho truyền thống dùng tên tiếng Norman và Castilla đã được đặt cho các anh trai của Edward: Edward có ba vị hoàng huynh: John và Henry chết trước khi Edward chào đời, và Alphonso, qua đời vào tháng 8 năm 1284, để lại cho Edward quyền kế vị ngai vàng. Mặc dù lúc mới sinh, Edward là một đứa trẻ tương đối khỏe mạnh, vẫn có những mối lo ngại trong những năm đầu đời của ông rằng ông có thể chết yểu khiến vương triều cha ông không có hoàng nam kế vị. Sau khi sinh ra, Edward được một nhũ mẫu có tên Mariota hoặc Mary Maunsel chăm sóc trong vài tháng trước khi bà ta phát bệnh, và Alice de Leygrave trở thành dưỡng mẫu của ông. Ông có thể hoàn toàn không biết mặt người mẹ ruột Eleanor đã ở Gascony với cha ông trong những năm đầu đời của ông. Một cung điện mới được hoàn thành với đội ngũ gia nhân dưới sự chỉ huy của mục sư Giles xứ Oudenarde được dùng làm nơi cư ngụ cho hoàng tử bé. </s>
Edward lớn lên, các chi tiêu trong tư thất của Edward cũng tăng theo, năm 1293 William xứ Blyborough trở thành quản gia của Edward. Edward có thể đã tiếp nhận nền giáo dục Công giáo từ các tu sĩ dòng Đa Minh, những người được thân mẫu ông mời đến vào năm 1290. Ông được giao một người hầu của bà nội, Guy Ferre, làm quân sư cho riêng ông, với trách nhiệm rèn luyện, huấn luyện cưỡi ngựa và kỹ năng quân sự cho Edward. Trình độ văn hóa của Edward vẫn còn là dấu chấm hỏi; không có nhiều tài liệu chứng minh cho khả năng đọc và viết của ông, tuy rằng mẫu thân ông đã từng chua chát khi nói những người con khác của bà đều được giáo dục tốt, và rằng Ferre là một nhà thông thái trong thời kỳ đó.[nb 2] Edward chủ yếu nói tiếng Pháp Anglo-Norman trong đời sống hàng ngày, và một ít tiếng Anh và có thể là tiếng La Tinh.[nb 3] </s>
Edward hưởng sự giáo huấn bình thường đối với một thành viên hoàng tộc.[nb 4] Hoàng tử thích thú với ngựa và nhân giống ngựa, và thực sự là một tay cưỡi ngựa giỏi; ông cũng thích chó, đặc biệt là giống Greyhound. Trong những bức thư của mình, ông đùa về việc gửi những vật nuôi không làm ông hài lòng tới bạn bè ông, như những con ngựa không thích cho người ta cưỡi, những con chó săn lười biếng bắt thỏ chậm chạp. Ông không có mối quan tâm đặc biệt gì đến săn thú hay nuôi chim săn mồi, những thú vui phổ biến trong thế kỷ XIV. Ông thích âm nhạc, gồm nhạc Wales và đàn crwth mới vừa được phát minh, và phong cầm. Edward không tham gia đấu thương, có thể do ông không có năng khiếu hoặc là tại ông không được phép tham gia để đảm bảo an toàn, nhưng ông ủng hộ nhiệt thành cho môn thể thao này. </s>
Năm 1290, phụ thân của Edward kí vào Hiệp ước Birgham, khẳng định hôn sự con trai sáu tuổi của ông và Margaret của Na Uy, người có khả năng bước lên ngai vàng Scotland. Kế hoạch tan vỡ khi Margaret tạ thế cùng năm. Mẫu thân của Edward, Eleanor, chết không lâu sau đó, rồi đến bà của ông, Eleanor xứ Provence. Edward I đau đớn vì sự ra đi của người vợ, tang sự của bà được vua Edward I tổ chức trọng thể, con trai ông được thừa hưởng Lãnh địa Ponthieu của Eleanor sau cái chết của bà. Tiếp đó, hôn ước với Pháp được chuẩn bị cho cậu trẻ Edward, để giúp duy trì nền hòa bình lâu dài giữa Anh với Pháp, nhưng chiến sự đã nổ ra năm 1294. Kế hoạch bị thay đổi, Edward trẻ được dàn xếp hôn nhân với ái nữ của Bá tước Flanders, nhưng bị Vua Philippe IV của Pháp ngăn chặn. </s>
Từ 1297 đến 1298, Edward làm nhiếp chính ở Anh trong khi Nhà vua tham gia chiến dịch Flanders chống lại Philippe IV, người đã chiếm đóng một phần các lãnh địa của vua Anh ở Gascony. Sau chuyến trở về, Edward I ký hiệp định hòa bình, theo đó ông cưới em gái của Philippe, Margaret, làm vợ và tán thành rằng hoàng tử Edward sẽ hứa hôn với con gái của Philippe, Isabella, lúc đó mới có 2 tuổi. Theo lý thuyết, cuộc hôn nhân này có nghĩa là công quốc đang bị tranh chấp Gascony sẽ được thừa hưởng bởi một hậu duệ của cả Edward và Philippe, mở ra một con đường kết thúc cho những căn thẳng lâu năm. Cậu bé Edward dường như có quan hệ tốt đẹp với mẹ kế, người sinh ra hai em trai của ông, Thomas xứ Brotherton và Edmund xứ Woodstock, năm 1300 và 1301. Là quốc vương, Edward về sau đã trao tặng cho các em trai sự hỗ trợ về tài chính và các chức danh.[nb 6] </s>
Edward I trở lại Scotland một lần nữa vào năm 1300, và lần này ông đem con trai đi theo, khiến cho Edward trở thành chỉ huy hậu quân trong cuộc bao vây Caerlaverock. Mùa xuân năm 1301, Nhà vua tuyên bố Edward là Hoàng tử xứ Wales, cấp cho ông Lãnh địa Bá tước Chester và những vùng đất trên khắp Bắc Wales; dường như Nhà vua hi vọng rằng điều này sẽ giúp bình định vùng đất kia, và sẽ cung cấp cho con trai ông sự độc lập về tài chính. Edward nhận sự thần phục từ các thần dân Wales và sau đó cùng phụ thân tham gia chiến dịch năm 1301, ông dẫn một đội quân 300 binh sĩ miền bắc và chiếm giữ Lâu đài Turnberry. Hoàng tử Edward cũng tham gia chiến dịch năm 1303 tại đó ông bao vây Lâu đài Brechin, triển khai cuộc bao vây thành công. Mùa xuân năm 1304, Edward tiến hành đàm phán với những nhà lãnh đạo cuộc nổi dậy tại Scotland trên danh nghĩa của Nhà vua, và thất bại, ông lại cùng phụ thân tham gia chiến dịch bao vây Lâu đài Stirling. </s>
Cuộc xung đột ở Scotland bùng lên một năm nữa năm 1306, khi Robert the Bruce giết chết đối thủ của ông ta John Comyn và tự xưng là Vua của người Scot. Edward I đã huy động một lực lượng quân viễn chinh mới, nhưng quyết định rằng thời gian này con trai ông sẽ đảm nhận cuộc chinh phạt. Hoàng tử Edward được tiến phong Quận công Aquitaine và sau đó, cùng với nhiều thanh niên khác, ông được phong hàm hiệp sĩ trong một buổi lễ xa hoa tại Tu viện Westminster gọi là Lễ Thiên Nga. Giữa một bữa tiệc lớn trong hội trường, gợi nhớ đến truyền thuyết vua Authur và các sự kiện thập tự chinh, và tuyên thệ sẽ đánh bại Bruce. Không rõ về vai trò của lực lượng Hoàng tử Edward trong chuyến dịch vào mùa hạ, trong đó, theo lệnh của Edward I, đã có một sự trừng phạt, sự trả thù khủng khiếp đối với phe của Bruce ở Scotland.[nb 7] Edward trở lại Anh vào tháng 9, nơi các cuộc đàm phán về ngày cưới của ông với Isabella tiếp tục. </s>
Trong thời gian đó, Edward trở nên thân thiết với Piers Gaveston. Gaveston là con trai của một hiệp sĩ trong gia trang của Nhà vua có đất phong giáp với Gascony, và tự ông bước vào gia trang của Hoàng tử Edward vào năm 1300, có thể do hướng dẫn của Edward I. Hai người trở nên gần gũi hơn; Gaveston trở thành một địa chủ và sớm trở thành một người bạn thân thiết với Edward, trước khi được nhà vua tấn phong tước Hiệp sĩ trong Lễ Thiên nga năm 1306. Sau đó, nhà vua đuổi Gaveston ddeens Gascony năm 1307 mà không rõ lý do. Theo như một quyển lịch sử biên niên, Edward đề nghị phụ thân cho phép ông trao lãnh địa bá tước Ponthieu cho Gaveston, và Nhà vua đáp lại một cách giận dữ, đánh đập và giật tóc con trai mình, trước khi đưa Gaveston đi lưu đày. Biên bản của vụ việc được triều đình ghi chép rõ ràng, tuy nhiên, lúc đó Gaveston chỉ tạm thời bị lưu vong, được cung cấp một khoản thu nhập nhàn nhã; không có lý do gì được đưa ra cho mệnh lệnh này, được cho rằng đây có thể là một hành động trừng phạt hoàng tử theo một cách nào đó. </s>
Khả năng Edward có quan hệ kê gian với Gaveston hoặc những kẻ sủng thần sau này đã được các nhà sử học tranh luận rộng rãi, và rất phức tạp bởi những bằng chứng xác định về mối quan hệ chi tiết thực sự còn khá ít ỏi.[nb 8] Giáo hội Anh vào thế kỷ XIV lên án quyết liệt về việc đồng tính luyến ái, coi nó như dị giáo, nhưng quan hệ tình dục với một người đàn ông khác không nhất thiết được xác định như cách xác định tương đương trong thế kỷ thứ XXI. Cả Edward và Gaveston đều có quan hệ với vợ họ, và đều có con; Edward cũng có một đứa con ngoại hôn, và có thể đã có cuộc tình với cô cháu gái, Eleanor de Clare. </s>
Những bằng chứng hiện nay ủng hộ quan hệ đồng tính giữa họ xuất phát từ một biên niên sử những năm 1320 mô tả cách mà Edward "cảm thấy như tình yêu" dành cho Gaveston, rằng "ông dính dáng vào một giao ước không thay đổi, và ràng buộc chính ông với ông ta trước tất cả những người khác với một tình yêu bất khả phân li, vững bền quyến rũ và buộc chặt bằng một mối ràng". Những gợi ý cụ thể đầu tiên rằng Edward có quan hệ với đàn ông được ghi nhận vào năm 1334 khi Adam Orleton, Giám mục Winchester, bị buộc tội vào năm 1326 đã ghi là Edward là một "người kê gian", mặc dù Orleton tự bào chữa bằng cách nói rằng ý của ông là cố vấn của Edward, Hugh Despenser trẻ, là người kê gian, chứ không phải là vị vua quá cố. Meaux Chronicle từ những năm 1390 chỉ ghi đơn giản rằng Edward tự ông có "quá nhiều hành vi kê gian." </s>
Ngoài ra, Edward và Gaveston có thể chỉ là hai người bạn thân thiết. Biên niên sử đương thời chép những bình luận khá mơ hồ; cáo buộc của Orleton xuất phát một phần từ lý cho chánh trị, và rất giống với những cáo buộc kê gian nhắm vào Giáo hoàng Boniface VIII và Hiệp sĩ Templar tương ứng vào các năm 1303 và 1308. Những giải thích sau này bởi nhà biên niên sử trong những hành động của Edward có thể là sao lại những cáo buộc ban đầu của Orleton, và chắc chắn bị ảnh hưởng bởi những sự kiện chính trị vào cuối thời Edward. Các sử gia như Michael Prestwich và Seymour Phillips đã lập luận rằng bản chất công khai trong triều đình hoàng gia Anh sẽ khó có thể làm cho những hành vi đồng tính được giữ kín đáo, không chỉ giáo hội đường thời, cha và cha vợ của Edward dường như cũng có những ý kiến chống đối những hành vi tình dục của Edward. </s>
Một giả thuyết gấn đây hơn, bởi nhà sử gia Pierre Chaplais đề xuất, cho rằng Edward và Gaveston có mối quan hệ anh em kết nghĩa. Thực hiện hiệp ước kết nghĩa anh em, theo đó những người tham gia nó cam kết sẽ gắn bó với nhau như "tình anh em thực sự" có thể không được ai biết trong số những người bạn nam với nhau thời Trung Cổ. Nhiều biên niên sử miêu tả quan hệ của Edward và Gaveston như anh em, và những chú thích dứt khoát rằng Edward coi Gaveston là người anh nuôi của ông. Chaplais lập luận răng hai người này có thể đã có một thỏa thuận chính thức trong năm 1300 hoặc 1301, và họ lập ra những lời luyên thệ và về sau, họ bị chia cắt hoặc rời nhau vì bị ép buộc, và vì thế không có hiệu lực. Đó là một tuyên thệ, tuy nhiên, không loại trừ quan hệ của họ có thiên hướng tình dục. </s>
Edward I đã huy động một đội quân khác tham gia chiến dịch ở Scotland năm 1307, trong lần đó hoàng tử Edward tham gia chiến dịch mùa hạ, nhưng Edward I đã già và ngày càng yếu đi và đã qua đời ngày 7 tháng 7 tại Burgh by Sands. Edward khởi hành từ London ngay sau khi tin tức đến tai ông, và ngày 20 tháng 7 ông đã tuyên bố là một quốc vương. Ông tiếp tục chinh phạt Scotland và ngày 4 tháng 8 ông được những người Scotland ủng hộ hoàng gia tuyên thệ xưng thần tại Dumfries, trước khi ông chấm dứt chiến dịch và trở về phía nam. Edward ngay lập tức triệu hồi Piers Gaveston, người đang bị lưu đày, và tấn phong anh ta làm Bá tước Cornwall, trước khi sắp xếp hôn sự của anh ta với một phụ nữ giàu cóm Margaret de Clare.[nb 9] Edward cũng bắt giữ kẻ cựu thù là Giám mục Langton, và cách chức thủ quỹ của ông ta. Di thể của Edward I được quàn tại Waltham Abbey trong nhiều tháng trước khi được đưa đi an táng ở Westminster, tại đây Edward cho xây dựng một ngôi mộ đơn giản bằng đá cẩm thạch cho thân phụ.[nb 10] </s>
Năm 1308, hôn sự của Edward và Isabella của Pháp được tiến hành. Edward qua eo biển Anh đến Pháp và tháng 1, để lại Gaveston làm custos regni nắm quyền nhiếp chính trong vương quốc khi ông vắng mặt. Sự sắp xếp này là bất bình thường, và dính dáng đến những quyền hạn chưa từng thấy dành cho Gaveston, ông ta được trao một vật đặc biệt Đại Ấn tín. Edward hi vọng rằng cuộc hôn nhân sẽ gia tăng thế lực của ông tại Gascony và mang lại cho ông những khoản tiền ông cần. Tuy nhiên, những thỏa thuận sau cùng, chứng kiến quá nhiều thử thách: Edward và Philippe IV không ưa nhau, và Nhà vua của người Pháp mặc cả về lượng của hồi môn của Isabella và những chi tiết về việc quản lý đất đai của Edward ở nước Pháp. Như một phần của thỏa thuận, Edward làm lễ phiên thần với Philippe đổi lại Công quốc Aquitaine và đồng ý hoàn thành việc thực thi Hiệp ước Paris, 1303. </s>