text
stringlengths
11
48.2k
Theo bảng xếp hạng của EHCI về những quốc gia có dịch vụ y tế tốt nhất ở châu Âu năm 2016, Thụy Điển xếp ở vị trí thứ 12 .
"Mô hình Thụy Điển", một khái niệm của thập niên 1970, ám chỉ hệ thống phúc lợi xã hội, một hệ thống phúc lợi và chăm lo xã hội rộng khắp, là kết quả của sự phát triển hằng trăm năm.
Trong thời gian từ năm 1890 đến 1930 một phần cơ sở cho một hệ thống phúc lợi xã hội đã thành hình, nhưng mãi đến những năm của thập niên 1930, đặc biệt là từ khi Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Thụy Điển thành lập chính phủ năm 1932, việc xây dựng một quốc gia phúc lợi xã hội mới trở thành một dự án chính trị và được đẩy mạnh.
Hệ thống phúc lợi xã hội Thụy Điển cuối cùng đã bao gồm tất cả mọi người từ trẻ em (thông qua hệ thống chăm sóc trẻ em của làng xã) cho đến những người về hưu (thông qua hệ thống chăm sóc người già của làng xã).
Mãi đến thập niên vừa qua mới có những thay đổi lớn.
Một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng đầu thập niên 1990 đã dẫn đến việc cắt giảm các phúc lợi xã hội và sự phát triển nhân khẩu như đã dự đoán đã buộc phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống hưu trí, hệ thống mà từ nay được gắn liền vào phát triển kinh tế.
Thế nhưng các cuộc bầu cử vừa qua đã cho thấy là chính những phần cốt lõi của hệ thống phúc lợi xã hội rất được người công dân yêu mến.
Trong thế kỷ 18, cuộc cách mạng khoa học của Thụy Điển đã diễn ra.
Năm 1739, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển được thành lập, với những cá nhân kiệt xuất như Carl Linnaeus và Anders Celsius (người phát minh ra Nhiệt kế Celsius) là thành viên ban đầu.
Nhiều công ty được thành lập bởi những người tiên phong đầu tiên cho đến nay vẫn là những thương hiệu quốc tế lớn.
Nhà vật lý Thụy Điển Gustaf Dalén là người đã thành lập nên công ty AGA và nhận giải Nobel Vật lý cho phát minh ra van mặt trời của mình.
Nhà hóa học Thụy Điển Alfred Nobel là người đã phát minh ra thuốc nổ và là người sáng lập nên giải Nobel.
Nhà phát minh Thụy Điển Lars Magnus Ericsson đã thành lập công ty mang tên của mình, Ericsson, đến nay đây vẫn là một trong những công ty viễn thông lớn nhất thế giới.
Nhà vật lý Thụy Điển Jonas Wenström là người tiên phong đầu tiên trong những nghiên cứu về dòng điện xoay chiều và cùng với nhà phát minh người Serbia Nikola Tesla, ông được công nhận là một trong những người đã phát minh ra hệ thống điện ba pha.
Tetra Pak là một phát minh dùng để lưu trữ thực phẩm lỏng, được phát minh bởi Erik Wallenberg.
Omeprazole, một loại thuốc chữa bệnh loét dạ dày, là loại thuốc bán chạy nhất thế giới trong những năm 1990 và được phát triển bởi công ty Thụy Điển AstraZeneca.
Gần đây hơn, Håkan Lans là người đã phát minh ra Hệ thống nhận dạng tự động (AIS).
Các nhà phát minh Thụy Điển đang nắm giữ 47.112 bằng sáng chế tại Hoa Kỳ vào năm 2014, theo Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ.
Chỉ có mười quốc gia khác trên thế giới nắm giữ nhiều bằng sáng chế hơn Thụy Điển .
Theo tỷ lệ phần trăm GDP, chính phủ Thụy Điển phân bổ nguồn lực dành cho nghiên cứu và phát triển nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới .
Thụy Điển đứng đầu châu Âu về số lượng các sản phẩm khoa học được công bố tính theo bình quân đầu người .
Trong năm 2009, các quyết định về việc xây dựng hai cơ sở khoa học lớn nhất của Thụy Điển, các cơ sở bức xạ synchrotron MAX IV và European Spallation Source, đã được thông qua .Cả hai cơ sở đều sẽ được xây dựng tại Lund.
European Spallation Source, tốn 14 tỷ SEK để xây dựng , sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2019 và sẽ cung cấp chùm tia neutron mạnh hơn khoảng 30 lần so với bất kỳ hệ thống cung cấp neutron nào hiện nay.. MAX IV, chi phí khoảng 3 tỷ SEK, đi vào hoạt động từ năm 2015.
Cả hai cơ sở này đều có ý nghĩa lớn đối với nghiên cứu vật chất.
Vào đầu Phong trào Cải cách nền tảng cho một tiếng Thụy Điển thống nhất bắt đầu hình thành.
Văn học mang tính chất tôn giáo chiếm lĩnh ưu thế trong suốt thời kỳ này.
Vào năm 1732 số đầu tiên của tờ tuần báo đầu tiên, "Then swänska Argus", được phát hành.
Olof Dalin, người phát hành tờ tuần báo này, chủ yếu hướng về giới bạn đọc là người thường dân.
Trong những người cùng thời với Dalin nổi bật nhất là bà Hedvig Charlotta Nordenflycht.
Thơ của bà một phần mang tính chất cá nhân và trữ tình, một phần khác mang dấu ấn của cuộc đấu tranh vì các quyền trí thức của phụ nữ.
Erik Gustaf Geijer cũng như người sau ông là Esaias Tegnér là những người đại diện cho trường phái lãng mạn quốc gia trong Thời kỳ Lãng mạn.
Với bài thơ "Vikingen" Geijer đã đưa hình tượng của người Viking đi vào văn học.
Cũng trong thời kỳ này các tiểu thuyết đầu tiên bắt đầu được phát hành, đáng kể nhất là Carl Jonas Love Almqvist với quyển tiểu thuyết "Drottningens juvelsmycke" (Châu báu của hoàng hậu).
August Strindberg và Selma Lagerlöf là hai nhà văn nổi bật nhất trong thời gian từ cuối thế kỷ XIX cho đến Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Với hai tác phẩm "Fadren" (Cha) năm 1887 và "Fröken Julie" (Người con gái tên Julie) Strindberg đã đạt đến giới bạn đọc quốc tế.
Người đoạt giải Nobel Selma Lagerhöf bắt đầu được giới công khai biết đến qua quyển tiểu thuyết "Gösta Berlings saga".
Nền văn học sau năm 1914 hướng về các đề tài xã hội nhiều hơn thời gian trước đó.
Sigfrid Siwertz, Elin Wägner và Hjalmar Bergman miêu tả đất nước Thụy Điển đương thời trong thời gian chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp.
Thời kỳ Hiện đại trong văn học Thụy Điển bắt đầu trong những thập niên sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Giữa những năm 1960 bắt đầu có một cuộc đổi hướng trong văn học Thụy Điển.
Nhận thức mới về chính trị thế giới đòi hỏi một nền văn học phê bình xã hội.
Per Olov Enquist viết quyển tiểu thuyết mang tính chất tài liệu về việc trục xuất những người Balt từ Thụy Điển về Liên bang Xô viết.
Các nhà văn khác như Pär Westberg và Sara Lidman viết về tình trạng của thế giới bên ngoài.
Trong những năm của thập kỷ 1970 văn học Thụy Điển trở về đề tài sử thi.
Trong nhiều tác phẩm cùng chủ đề, từng vùng đất của Thụy Điển đã được miêu tả lại trong lúc chuyển đổi giữa cũ và mới.
Lars Norén với bi kịch gia đình "Modet att döda" (Can đảm để giết người) năm 1980 đã trở thành nhà viết bi kịch nổi tiếng nhất của những thập niên kế tiếp.
Vào khoảng năm 1910 Thụy Điển bắt đầu sản xuất phim thường xuyên.
Chẳng bao lâu phim Thụy Điển đạt chất lượng đến một mức độ làm cho cả thế giới biết đến.
Thế nhưng khi phim có âm thanh ra đời và kèm theo đó là việc tự giới hạn trong thị trường nhỏ nói tiếng Thụy Điển, phim Thụy Điển giảm sút xuống mức độ thấp về nghệ thuật.
Mãi đến sau Chiến tranh thế giới thứ hai phim Thụy Điển mới trải qua một cuộc đổi mới về chất lượng nghệ thuật.
Trước tiên là trong thể loại phim tài liệu, thí dụ như phim "Con người trong thành phố" của Arne Sucksdorf đã đoạt được giải thưởng Oscar.
Thể loại phim thiếu niên và nhi đồng cũng đạt được sự quan tâm của thế giới.
Năm 2007, với doanh thu hơn 800 triệu đô la, Thụy Điển là nước xuất khẩu âm nhạc lớn thứ ba trên thế giới, chỉ xếp sau Mỹ và Anh .
ABBA là một trong những ban nhạc Thụy Điển nổi tiếng thế giới đầu tiên, và hiện nay vẫn nằm trong số những ban nhạc nổi tiếng nhất trên thế giới.
Với ABBA, nền âm nhạc Thụy Điển bước vào một kỷ nguyên mới, khi mà nhạc pop Thụy Điển đạt được danh tiếng ở tầm quốc tế.
Đã có nhiều ban nhạc của Thụy Điển đạt được thành công quốc tế kể từ đó, chẳng hạn như Roxette, Ace of Base, Europe, A-teens, The Cardigans, Robyn, The Hives và Soundtrack of Our Lives.
Thụy Điển cũng là một đất nước có nền nhạc Metal phát triển cực kì mạnh mẽ với những cái tên đã quá quen thuộc với các rockfan trên toàn thế giới như Arch Enemy, In Flames,Dark Funeral, Dark Tranquillity hay Pain Of Salvation.
Thụy Điển cũng là một trong những quốc gia thành công nhất tại cuộc thi Eurovision Song Contest, với tổng cộng sáu lần giành chiến thắng (1974, 1984, 1991, 1999, 2012 và 2015), chỉ xếp sau Ireland với bảy lần chiến thắng.
Các lễ hội và phong tục tập quán đặc trưng.
Ngày 6 tháng 1 là ngày lễ Trettondedag jul (lễ Ba Vua còn gọi là lễ Hiển Linh), đây là ngày lễ quốc gia tại Thụy Điển chủ yếu theo đạo Tin Lành.
Vào ngày 13 tháng 1, Tjugondedag jul (còn gọi là Tjugondag jul hay Knut), mùa Giáng Sinh chấm dứt.
Thỉnh thoảng có lễ hội cuối cùng, nến và các vật trang hoàng được tháo gỡ xuống và cây Nô en được mang ra ngoài.
Valborgsmässoafton được chào mừng vào ngày 30 tháng 4.
Người dân quay quanh các lửa trại lớn, có phát biểu chào mừng mùa Xuân và hát các bài ca về mùa Xuân.
Đặc biệt ở tại Lund và Uppsala thì Valborg vào đêm trước ngày 1 tháng 5 là một lễ hội sinh viên quan trọng.
Đúng 15 giờ tất cả mọi người đều đội mũ sinh viên lên là hát những bài ca sinh viên.
Vào đêm đó thường người ta uống nhiều rượu.
Ngày 6 tháng 6, Svenska flaggans dag, là ngày lễ quốc khánh của Thụy Điển.
Đầu tiên là "Flaggentag" ("Ngày Quốc kỳ"), ra đời vào năm 1916, ngày 6 tháng 6 là lễ quốc khánh từ năm 1983 và từ năm 2005 cũng là ngày lễ chính thức.
Lễ hội giữa hè ("Midsommarfest") được mừng vào đêm rạng sáng ngày thứ Bảy đầu tiên sau ngày 21 tháng 6.
Lễ hội này được ăn mừng lớn chỉ có thể so sánh được với lễ Giáng Sinh.
Thụy Điển đẹp nhất vào đêm "midsommarafton" cuối tháng 6, khi ánh sáng mặt trời có thể nhìn thấy 24 tiếng liên tục ở miền Bắc và ở miền Nam chỉ có vài tiếng là hoàng hôn và rạng sáng.
Ngày lễ này có truyền thống rất lâu đời và có nguồn gốc từ các lễ hội chào mừng mùa Hè từ thời kỳ Tiền Lịch sử.
Trên khắp mọi nơi ở Thụy Điển người dân ca hát và nhảy múa chung quanh cây nêu tháng 5 được trang hoàng bằng cành cây và bông hoa, có lẽ là biểu tượng quốc gia Thụy Điển nổi tiếng nhất.
Vào tháng 8 bắt đầu có tôm cua tươi đầu mùa ở chợ.
Lễ hội chào mừng được gọi là Kräftskiva và được tổ chức không có thời điểm nhất định.
Người dân ăn tôm cua luộc cho đến khi no và uống kèm theo đó là rượu mạnh.
Tại miền Bắc Thụy Điển còn có Surströmmingsfest vào cuối mùa Hè.
Việc ăn cá trích được ủ trước cùng với khoai tây hay với tunnbröd (một loại bánh mì khô) trong dịp lễ này đòi hỏi phải có khẩu vị "cứng cáp".
Lễ Lucia ("Luciafest") bắt đầu vào sáng ngày 13 tháng 12 và tại Thụy Điển là ngày của Nữ hoàng ánh sáng.
Người con gái đầu trong gia đình xuất hiện với một váy trắng và mang trên đầu một vòng hoa được làm từ cành cây của một loài cây việt quất ("Vaccinium vitis-idaea") và nến, đánh thức gia đình và mang thức ăn sáng đến tận giường.
Trường học và nơi làm việc trên toàn nước được các đoàn diễu hành đến thăm viếng vào sáng sớm.
Các cô gái trẻ mang váy trắng dài đến gót chân cùng với nến trên đầu và tay, đi cùng là các nam thiếu niên mang quần áo trắng và đội nón chóp dài được trang điểm bằng nhiều ngôi sao.
Thể thao là một phong trào quần chúng tại Thụy Điển với khoảng độ một nửa dân số tham gia tích cực.
Hai môn thể thao chính là bóng đá và khúc côn cầu trên băng.
Zlatan Ibrahimovic, Henrik Larsson và Fredrik Ljungberg thuộc về những ngôi sao bóng đá của Thụy Điển và trong số những người nổi tiếng trong bộ môn khúc côn cầu trên băng phải kể đến Markus Näslund, Peter Forsberg, Mats Sundin, Daniel Alfredsson, Niklas Lidström, Börje Salming và Pelle Lindbergh.
Số người chơi các môn thể thao cưỡi ngựa nhiều chỉ sau bóng đá, phần lớn là phụ nữ.
Tiếp theo sau đó là golf, điền kinh và các môn thể thao đồng đội như bóng ném, khúc côn cầu trong nhà (tiếng Anh: "Floorball"), bóng rổ và ngoài ra là bandy tại các vùng phía Bắc.
Các vận động viên quần vợt thành công bao gồm Björn Borg, Mats Wilander,Stefan Edberg và Robin Soderling.
Rất nhiều người Thụy Điển đã lập thành tích quốc tế trong điền kinh, thí dụ như Patrik Sjöberg - kỷ lục nhảy cao nam châu Âu, hay Kajsa Bergqvist - kỷ lục nhảy cao nữ, và người đoạt huy chương vàng Thế vận hội Stefan Holm.
Hai vận động viên Thụy Điển khác đoạt huy chương vàng tại Thế vận hội mùa Hè 2004 là Carolina Klüft trong bộ môn điền kinh nữ bảy môn và Christian Olsson trong bộ môn nhảy ba bước.
Các vận động viên nổi tiếng khác của Thụy Điển bao gồm Ingemar Johansson (đấm bốc hạng nặng), Annika Sörenstam (đánh golf), Jan-Ove Waldner (nguyên vô địch bóng bàn 5 lần) và Tony Rickardsson (đua mô tô).
Trong trường học, trên bãi cỏ hay trong công viên brännboll, một bộ môn thể thao tương tự như bóng chày, thường hay được chơi để giải trí.
Trong các thế hệ lớn tuổi các bộ môn thể thao giải trí khác là kubb và boules.
Ẩm thực Thụy Điển là thực phẩm truyền thống của người Thụy Điển.
Do Thụy Điển trải dài từ bắc tới nam, nó nhiều khác biệt giữa ẩm thực phía bắc và phía nam.
Trong lịch sử, ở phía Bắc, người ta từng ăn các loại thịt như tuần lộc, hoặc các loại thịt thú săn khác, nó có nguồn gốc từ văn hóa Sami, trong khi các loại rau tươi có vai trò quan trọng hơn ở phía Nam.
Quốc kỳ Thụy Điển hình chữ nhật, nền cờ màu lam, chữ thập màu vàng chia mặt cờ thành 4 hình chữ nhật màu lam.
Diện tích của 2 hình chữ nhật trên và dưới bên trái bằng nhau, 2 hình chữ nhật trên và dưới bên phải cũng có diện tích bằng nhau.
Hai màu lam và vàng bắt nguồn từ màu của Hoàng gia Thuỵ Điển.