text
stringlengths
11
48.2k
Thụy Điển đứng thứ 11 thế giới về thu nhập bình quân đầu người, ngoài ra nước này cũng đạt thứ hạng cao trong nhiều bảng xếp hạng quốc tế, đặc biệt là về chất lượng cuộc sống, y tế, giáo dục, bảo vệ tự do dân sự, cạnh tranh kinh tế, bình đẳng, thịnh vượng và phát triển con người .
Tên gọi của Thuỵ Điển trong tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Trung.
Trong tiếng Anh, Thụy Điển được gọi là ""Sweden"."
Bằng tiếng Trung, "Swe-den" được phiên âm là "瑞典" (pinyin: ""Ruì diǎn"").
"瑞典" có âm Hán Việt là "Thuỵ Điển".
Tên gọi Thụy Điển (Sweden) được mượn từ tiếng Hà Lan trong thế kỉ 17 nói tới Thụy Điển như một cường quốc mới nổi.
Trước khi đế quốc Thụy Điển bành trướng, tiếng Anh hiện đại thời kì đầu sử dụng từ Swedeland.
Sweden (Thụy Điển) được bắt nguồn từ sự tái tạo từ tiếng Anh cổ Swēoþēod, có nghĩa là "dân Swedes" (Old Norse Svíþjóð, Latin Suetidi).
Từ đó nguồn gốc từ Sweon/Sweonas (Old Norse Sviar, Latin Suiones).
Người Thụy Điển (Swedish) gọi là Sverige, nghĩa là "vương quốc của người Swedes (Thụy Điển)".
Biến thể của tên Sweden (Thụy Điển) được sử dụng trong hầu hết các ngôn ngữ, ngoại trừ tiếng Đan Mạch và tiếng Na Uy sử dụng từ Sverige, tiếng Faroese dùng từ Svøríki, tiếng Iceland Svíþjóð, và ngoại lệ đáng chú ý hơn của một số ngôn ngữ Finnic nơi mà từ Ruotsi (tiếng Phần Lan) và Rootsi (tiếng Estonia) được sử dụng, những cái tên thường được coi là đề cập đến những người từ các khu vực ven biển của Roslagen, Uppland (thuộc Thụy Điển), những người được biết đến với cái tên Rus, và thông qua họ có liên quan về mặt từ ngữ với tên tiếng Anh của Russia (Nga).
Vào cuối thời kỳ băng hà (khoảng 12.000 TCN), những người đầu tiên đã bắt đầu di dân đến các vùng ven biển bằng đường bộ ở giữa Đức và Scania (miền Nam Thụy Điển ngày nay).
Các di chỉ khảo cổ lâu đời nhất có niên đại vào khoảng 13.000 năm trước đây được tìm thấy ở vùng Scania.
Khi con đường bộ này biến mất vào khoảng 5.000 năm TCN miền Trung và vùng ven biển của Thụy Điển đã có dân cư.
Cũng theo các di chỉ khảo cổ, trong thời gian từ Công Nguyên cho đến năm 400 đã có một nền thương mại phát đạt với Đế quốc La Mã.
Vùng Scandinavia được nhắc đến lần đầu tiên trong các văn kiện của La Mã từ năm 79 như trong "Naturalis Historiae" của Gaius Plinius Secundus hay trong "De Origine et situ Germanorum" của Gaius Cornelius Tacitus.
Đầu thế kỷ XI, vương quốc này là một liên minh lỏng lẻo của các vùng tự trị với các hội đồng, luật lệ và tòa án riêng biệt, chỉ được liên kết với nhau qua cá nhân của vị vua có quyền lực tương đối ít.
Vương quốc thật ra được thành lập trong thời kỳ Trung Cổ, giữa năm 1000 và 1300, đồng thời với việc theo Công giáo.
Sau năm 1000 danh hiệu vua bắt đầu thành hình ở Götaland (miền nam Thuỵ Điển) và ở Svealand (miền trung Thuỵ Điển).
Ban đầu chức vị này thường hay bị tranh cãi, không bền vững và thường chỉ có tầm quan trọng trong vùng.
Dưới thời của Birger Jarl, người có quan hệ mật thiết với anh rể của ông là vua Erik Eriksson, bắt đầu có những cải cách xã hội và chính trị rộng lớn, mang lại một quyền lực tập trung và một xã hội được tổ chức theo gương của các quốc gia phong kiến châu Âu.
Năm 1388, nữ hoàng Đan Mạch Margarethe I được một phái quý tộc chống đối công nhận là người trị vì Thuỵ Điển.
Năm 1397 cháu của Margarethe là Erik của Pommern lên ngôi vua trị vì 3 vương quốc Đan Mạch, Na Uy và Thuỵ Điển, thành lập Liên minh Kalmar.
Năm 1611, sau khi vua cha qua đời, Gustav II Adolf lên ngôi lúc 17 tuổi, bắt đầu thời kỳ Thuỵ Điển vươn lên trở thành cường quốc.
Ông tham chiến trong nhiều cuộc chiến tranh thời đó.
Vào năm 1700, ba nước láng giềng là Đan Mạch, Ba Lan và Nga mở đầu cuộc Đại chiến Bắc Âu (1700-1721) chống lại Thuỵ Điển.
Vua Karl XII của Thụy Điển lần lượt đánh tan tác quân Đan Mạch, quân Nga và cả quân Ba Lan.
Nhưng vào năm 1709, một vị vua lớn trong lịch sử Nga là Pyotr Đại Đế đánh tan tác quân Thuỵ Điển trong trận Poltava (1709).
Vua Karl XII chết vào năm 1718, và rồi Thuỵ Điển không còn là cường quốc nữa, mất đất về tay Đế quốc Nga và Vương quốc Phổ.
Tuy thế, chính phủ Thuỵ Điển vẫn mong muốn lập lại vai trò liệt cường của đất nước.
Họ đẩy đất nước vào cuộc chiến tranh với quân Nga trong thập niên 1740, kết quả là quân Thuỵ Điển lại bại trận.
Từ đó, Nga hoàng càng can thiệp vào nội bộ Thụy Điển Trong cuộc Chiến tranh Bảy năm (1756 - 1763), Thuỵ Điển tham chiến trong liên quân Áo - Pháp - Nga, để đánh nước Phổ với mong muốn giành lại tỉnh Pomerania.
Nhưng một vị vua lớn trong lịch sử Phổ là Friedrich II Đại Đế đã đấu tranh anh dũng, sau cùng liên quân dần dần tan rã và quân Thuỵ Điển cũng phải rút lui.
Trong cuộc cuộc chiến chống Nga (1788–1790) của vua Gustav III, Quân đội Thuỵ Điển gặt không ít rắc rối và cũng chẳng nhận được một vùng đất nào..
Không những vậy, cuộc chiến tranh chống Napoléon của vua Gustav IV Adolf còn gây cho Thuỵ Điển nhiều thiệt hại hơn.
Do Nga hoàng Aleksandr I lúc đó liên minh với Napoléon (1807), quân Nga đánh đuổi quân Thuỵ Điển ra khỏi xứ Phần Lan, và điều này khiến một nhóm quý tộc Thuỵ Điển nổi điên lật đổ vua Gustav IV Adolf vào năm 1809.
Vào năm 1813, Thụy Điển tham chiến trong liên quân chống Pháp - một liên minh có cả Nga và Phổ; sau khi Hoàng đế Napoléon đại bại trong trận Leipzig, vua Karl XIV Johan còn lâm chiến với Đan Mạch.
Trong Hiệp ước Kiel năm 1814 Đan Mạch bắt buộc phải nhượng Na Uy để đổi lại phần đất Vorpommern của Thuỵ Điển.
Khi Na Uy tuyên bố độc lập sau đó, trong một cuộc chiến ngắn ngủi và gần như không đổ máu vua Karl XIV Johan đã thành công trong việc ép buộc thành lập liên minh Thuỵ Điển – Na Uy mà trong đó Na Uy vẫn là một vương quốc riêng biệt.
Sau cuộc chiến tranh cuối cùng này Karl XIV Johan đã áp dụng một chính sách hòa bình nhất quán, là cơ sở cho nền trung lập của Thuỵ Điển.
Thời gian 200 năm hòa bình của Thuỵ Điển tính từ thời điểm này cho đến nay là độc nhất trên toàn thế giới ngày nay.
Dân số Thuỵ Điển tăng rõ rệt trong thế kỷ XIX, từ năm 1750 đến 1850 dân số đã tăng gấp đôi.
Nhiều người ở vùng nông thôn, là nơi cư ngụ của đa phần người dân, không có việc làm, đi đến nghèo nàn và nghiện rượu.
Vì thế trong thời gian từ 1850 đến 1910 đã có một cuộc di dân lớn mà chủ yếu là đến Mỹ.
Mặc dầu vậy khi cuộc Cách mạng công nghiệp bắt đẩu tiến triển tại Thuỵ Điển, người dân từng bước gia nhập vào thành phố và tổ chức các công đoàn xã hội chủ nghĩa.
Một cuộc cách mạng của những người theo chủ nghĩa xã hội đang đe dọa xảy ra được tránh khỏi vào năm 1917, sau đó là việc tái thành lập chế độ nghị viện và quốc gia này trở thành dân chủ.
Trong thế kỷ XX, Thuỵ Điển trung lập trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai, mặc dầu là sự trung lập của quốc gia này trong Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn còn bị tranh cãi.
Thụy Điển tiếp tục trung lập trong cuộc Chiến tranh Lạnh và cho đến ngày nay, vẫn không là thành viên của một liên minh quân sự nào.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên không bị tàn phá, Thụy Điển đã có thể phát triển ngành công nghiệp cung cấp cho công cuộc tái xây dựng châu Âu và vì thế trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới vào thập niên 1960.
Khi các nền kinh tế khác bắt đầu vững mạnh, Thụy Điển tuy đã bị vượt qua vào thập niên 1970 nhưng vẫn thuộc về các quốc gia đứng đầu về mặt hạnh phúc của người dân.
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Thuỵ Điển gia nhập Liên Hợp Quốc, tháng 11 năm 1959 gia nhập Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).
Dưới triều vua Gustavus V (1907-1950), kinh tế phát triển thịnh vượng chưa từng có.
Thuỵ Điển duy trì tính trung lập trong Chiến tranh thế giới thứ I.
Một lần nữa, Thuỵ Điển vẫn giữ vai trò trung lập trong Chiến tranh thế giới thứ II.
Đảng Dân chủ xã hội liên tục cầm quyền dưới thời Thủ tướng Per Albin Hasson (1932-1946), Thủ tướng Tage Erlander (1946- 1969).
Kinh tế vẫn phát triển và mô hình Thuỵ Điển tiếp tục được củng cố.
Tuy nhiên, dưới thời Thủ tướng Olof Palme (1969- 1979), Chính phủ phải đương đầu vớị cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Năm 1976, phe bảo thủ lên cầm quyền.
Năm 1982, O. Palme trở lại giữ chức Thủ tướng.
Palme bị Ám sát năm 1986, Ingvar Carlsson trở thành người kế nhiệm.
Năm 1991, lãnh đạo phe bảo thủ, Carl Bildt, trở thành Thủ tướng.
Năm 1994, Đảng Dân chủ Xã hội trở lại cầm quyền.
Năm 1995, Thuỵ Điển gia nhập Liên hiệp châu Âu, nhưng từ chối thông qua việc sử dụng đồng euro năm 1999.
Trong những thập kỷ gần đây, Thụy Điển đã trở thành một quốc gia đa dạng về văn hóa do làn sóng nhập cư ồ ạt vào quốc gia này; trong năm 2013, người ta ước tính rằng 15% dân số Thụy Điển sinh ra ở nước ngoài.
Dòng người nhập cư đã mang lại những thách thức mới về xã hội.
Nhiều sự cố bạo lực đã xảy ra có liên quan đến những người nhập cư trong đó có cuộc bạo loạn tại Stockholm năm 2013 xảy ra sau vụ việc một người nhập cư Bồ Đào Nha già bị bắn chết bởi một viên cảnh sát.
Để đối phó với những sự kiện bạo lực này, đảng Dân chủ Thụy Điển, một đảng đối lập có lập trường chống người nhập cư, đã thúc đẩy các chính sách chống nhập cư của họ, trong khi phe đối lập cánh tả đổ lỗi cho sự bất bình đẳng ngày càng tăng do những chính sách kinh tế xã hội sai lầm của chính phủ trung hữu .
Thụy Điển đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng di cư châu Âu năm 2015, tình trạng này cuối cùng cũng đã buộc chính phủ nước này phải thắt chặt hơn các quy định về nhập cư.
Thụy Điển có bốn đạo luật cơ bản () kết hợp với nhau hình thành nên hiến pháp của đất nước, bao gồm: Văn kiện của chính phủ (), Đạo luật Kế vị (), Đạo luật về quyền tự do báo chí (), Luật Cơ bản về quyền tự do ngôn luận ().
Thụy Điển là một nhà nước quân chủ lập hiến với Vua Carl XVI Gustaf là người đứng đầu nhà nước kể từ năm 1973, song vai trò của quốc vương chỉ giới hạn trong các chức năng nghi lễ và đại diện.
Theo quy định của Văn kiện Chính phủ năm 1974, nhà vua không có bất kỳ quyền lực chính trị chính thức nào.
Nhà vua là người mở phiên họp Quốc hội hàng năm, tổ chức Hội đồng Thông tin thường kỳ với Thủ tướng và Chính phủ, chủ trì các cuộc họp của Hội đồng Tư vấn Ngoại giao (Tiếng Thụy Điển: Utrikesnämnden) và là người tiếp nhận quốc thư của các đại sứ nước ngoài gửi tới Thụy Điển cũng như đóng dấu quốc thư gửi ra nước ngoài.
Ngoài ra, nhà Vua cũng là người thanh toán chi phí cho những chuyến thăm cấp nhà nước ở nước ngoài và tiếp đón khách nước ngoài với tư cách là chủ nhà.
Ngoài những nhiệm vụ chính thức, Vua và những thành viên khác trong gia đình hoàng gia cũng thực hiện một loạt các nhiệm vụ đại diện không chính thức khác cả ở trong nước và ngoài nước.
Cơ quan lập pháp là Riksdag (tức Quốc hội) chỉ có một viện bao gồm 349 đại biểu và được bầu 4 năm một lần, đứng đầu bởi một Chủ tịch.
Các cuộc tổng tuyển cử được tổ chức bốn năm một lần, vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng chín.
Luật pháp có thể được soạn thảo bởi chính phủ hoặc bởi thành viên của Riksdag.
Các thành viên của Riksdag được bầu lên theo cơ sở đại diện tỷ lệ cho một nhiệm kỳ bốn năm.
Các đạo luật cơ bản chỉ có thể được thay đổi nếu đạt được sự đồng thuận bởi Riksdag.
Chính phủ Thụy Điển () nắm vai trò hành pháp, bao gồm một vị thủ tướng được bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm bởi Chủ tịch Riksdag (dựa trên một cuộc bỏ phiếu bởi các thành viên của Riksdag) và các bộ trưởng (), được bổ nhiệm hoặc bị sa thải tùy thuộc vào quyết định của thủ tướng.
Chính phủ là cơ quan hành pháp tối cao và chịu trách nhiệm về mọi hành động của mình trước Quốc hội.
Cơ quan tư pháp của Thụy Điển hoàn toàn độc lập với Quốc hội, chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước.
Vai trò của việc xem xét pháp lý về pháp luật không được thực hiện bởi các tòa án; mà thay vào đó, Hội đồng Pháp luật đưa ra những ý kiến không ràng buộc về tính hợp pháp.
Tòa án không bị ràng buộc bởi tiền lệ pháp, mặc dù nó có ảnh hưởng.
Tại Thuỵ Điển có nguyên tắc công khai, tức là giới báo chí và tất cả các cá nhân đều có thể xem các văn kiện của công sở nhà nước, ngoại trừ một số ít trường hợp đặc biệt.
Không một người nào phải nêu lý do tại sao muốn xem một văn kiện nhất định và cũng không phải trình chứng minh thư.
Một điều đặc biệt khác là hệ thống các thanh tra viên ("ombudsman").
Những người này bảo vệ quyền lợi của cá nhân trong khi họ tiếp xúc với chính quyền và theo dõi việc thi hành các luật lệ quan trọng.
Người công dân khi cho rằng bị đối xử không công bằng có thể tìm đến thanh tra viên, những người sẽ điều tra trường hợp này và có thể mang vụ việc ra trước tòa án với tư cách là nguyên cáo đặc biệt.
Đồng thời họ cũng có nhiệm vụ cộng tác với các cơ quan nhà nước để nắm bắt tình hình trong phạm vi của họ, thi hành các công tác giải thích và đưa ra những đề nghị thay đổi luật lệ.
Bên cạnh những thanh tra viên về luật pháp còn có thanh tra viên của người tiêu dùng, thanh tra viên về trẻ em, thanh tra viên về quyền bình đẳng và các thanh tra viên về phân biệt đối xử chủng tộc và phân biệt đối xử vì các khuynh hướng tình dục.
Trong một thời gian dài Thụy Điển đã được xem như là một nước dân chủ xã hội điển hình và nhiều người theo cánh tả ở châu Âu đã xem Thuỵ Điển như là một thí dụ điển hình cho một "con đường thứ ba", kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường.
Vào ngày 14 tháng 9 năm 2003, việc đưa đồng euro vào sử dụng làm tiền tệ quốc gia được biểu quyết tại Thuỵ Điển.
Những người hoài nghi euro đã thắng thế (tỷ lệ đi bầu: 81,2%, kết quả bầu cử: 56,1% chống, 41,8% thuận, 2,1% phiếu trắng và 0,1% phiếu không hợp lệ).
Đảng chính trị và các cuộc bầu cử.
Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển đã đóng một vai trò chủ đạo trong nền chính trị Thụy Điển kể từ năm 1917, thời điểm những người dân chủ xã hội đã khẳng định được sức mạnh của mình và những người cách mạng cánh tả thành lập đảng phái riêng của họ.
Kể từ năm 1932 tới nay, hầu hết các chính phủ nắm quyền ở Thụy ĐIển đều chịu sự chi phối của Đảng Dân chủ Xã hội.
Trong các cuộc tổng tuyển cử kể từ sau thế chiến II cho tới nay, các đảng phái cánh hữu chỉ có 5 lần đạt đủ số ghế trong Quốc hội để có thể lập thành chính phủ Trong hơn 50 năm, Thụy Điển chỉ có 5 đảng liên tục nhận được đủ số phiếu bầu để giành được ghế trong Quốc hội - đó là Đảng Dân chủ Xã hội, Đảng Ôn hòa, Đảng Trung tâm, Đảng Nhân dân Tự do và Đảng Cánh tả — trước khi Đảng Xanh trở thành đảng thứ 6 có ghế trong Quốc hội sau cuộc bầu cử năm 1988.
Trong cuộc bầu cử năm 1991, trong khi Đảng Xanh bị mất ghế, thì lại có hai đảng mới giành được ghế lần đầu tiên: Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và Đảng Dân chủ Mới.
Cuộc bầu cử năm 1994 đã chứng kiến sự trở lại của Đảng Xanh và sự sụp đổ của Đảng Dân chủ mới.