text
stringlengths
11
48.2k
Những năm gần đây, dân số các quận trung tâm có xu hướng giảm, trong khi dân số các quận mới lập vùng ven tăng nhanh, do đón nhận dân từ trung tâm chuyển ra và người nhập cư từ các tỉnh thành khác đến sinh sống.
Theo ước tính năm 2005, trung bình mỗi ngày có khoảng một triệu khách vãng lai tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đến năm 2010, con số này còn có thể tăng lên tới 2 triệu..
Đến năm 2019, dân số của thành phố là 8.993.082 người, dự kiến đến năm 2025, dân số toàn thành phố sẽ là hơn 10 triệu người.
Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2019, toàn thành phố có 13 tôn giáo khác nhau đạt 1.738.411 người, nhiều nhất là Công giáo đạt 845.720 người, tiếp theo là Phật giáo có 770.220 người, đạo Cao Đài chiếm 56.762 người, đạo Tin lành có 45.678 người, Hồi giáo chiếm 9.220 người, Phật giáo Hòa Hảo đạt 7.220 người, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam có 2.267 người.
Còn lại các tôn giáo khác như Ấn Độ giáo có 395 người, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có 298 người, Minh Sư Đạo có 283 người, đạo Bahá'í có 192 người, Bửu Sơn Kỳ Hương 89 người và 67 người theo Minh Lý Đạo..
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, toàn Thành phố Hồ Chí Minh có đủ 54 thành phần dân tộc cùng người nước ngoài sinh sống.
Trong đó, nhiều nhất là người Kinh có 6.699.124 người, các dân tộc khác như người Hoa có 414.045 người, người Khmer có 24.268 người, người Chăm 7.819 người, người Tày có 4.514 người, người Mường 3.462 người, ít nhất là người La Hủ chỉ có một người.
Những khu vực tập trung nhiều người nước ngoài hay Việt kiều sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo thành một nét rất riêng đó là những khu chợ, cửa hàng, dịch vụ, món ăn đặc sản của nước đó.
Có thể kể đến: Phố Mã Lai tập trung người Mã Lai, người Chăm tại đường Nguyễn An Ninh, phường Bến Thành, Quận 1); chợ Campuchia từ đình chợ Lê Hồng Phong, chạy dọc dài theo đường Hồ Thị Kỷ, Phường 1, Quận 10 đa phần là Việt kiều trở về từ Campuchia; phố Hàn Quốc tại đường Hậu Giang đến các đường lân cận thuộc Phường 4, quận Tân Bình; phố Nhật Bản tại giao lộ Thái Văn Lung – Lê Thánh Tôn thuộc phường Bến Nghé, Quận 1, khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Năm 2018, Phú Mỹ Hưng có trên 30.000 người sinh sống, chiếm hơn 50% là người nước ngoài đến từ hàng chục quốc gia, đông hơn cả vẫn là công dân các nước và vùng lãnh thổ châu Á, nhiều nhất đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc).
Thành phố Hồ Chí Minh, với dân số đông, mật độ cao trong nội thành, cộng thêm một lượng lớn dân vãng lai, đã phát sinh nhu cầu lớn về y tế và chăm sóc sức khỏe.
Các tệ nạn xã hội, như mại dâm, ma túy, tình trạng ô nhiễm môi trường... gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe dân cư thành phố.
Những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở các nước đang phát triển như sốt rét, sốt xuất huyết, tả, thương hàn... hay các bệnh của những nước công nghiệp phát triển, như tim mạch, tăng huyết áp, ung thư, tâm thần, bệnh nghề nghiệp... đều xuất hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuổi thọ trung bình của nam giới ở thành phố là 73,19, con số ở nữ giới là 77,00.
Vào năm 2005, Thành phố Hồ Chí Minh có 21.780 nhân viên y tế, trong đó có 3.399 bác sĩ.
Tỷ lệ bác sĩ đạt 5.45 trên 10 nghìn dân, giảm so với con số 7.31 của năm 2002.
Toàn thành phố có 19.442 giường bệnh, 56 bệnh viện, 317 trạm y tế và 5 nhà hộ sinh.
Thế nhưng, mạng lưới bệnh viện chưa được phân bổ hợp lý, tập trung chủ yếu trong nội ô.
Theo con số năm 1994, chỉ riêng Quận 5 có tới 13 bệnh viện với 5.290 giường, chiếm 37% số giường bệnh toàn thành phố.
Bù lại, hệ thống y tế cộng đồng tương đối hoàn chỉnh, tất cả các xã, phường đều có trạm y tế.
Bên cạnh hệ thống nhà nước, thành phố cũng có 2.303 cơ sở y tế tư nhân và 1.472 cơ sở dược tư nhân, góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện lớn.
Cũng tương tự hệ thống y tế nhà nước, các cơ sở này tập trung chủ yếu trong nội ô và việc đảm bảo các nguyên tắc chuyên môn chưa được chặt chẽ.
Sở Y tế Thành phố hiện nay quản lý 8 bệnh viện đa khoa và 20 bệnh viện chuyên khoa.
Nhiều bệnh viện của thành phố đã liên doanh với nước ngoài để tăng chất lượng phục vụ.
Năm 2021, mỗi ngày Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao kỷ lục dẫn tới tình trạng các tỉnh thành lân cạnh cũng tăng theo về số ca mắc.
Thủ tướng Chính phủ đã phải ban bố Chỉ thị 16 phong toả 19 tỉnh thành phía Nam do áp lực từ các bệnh viện quá tải, rất nhiều đã nơi lập chốt kiểm dịch và cách ly nhiều địa phương trong đó Thành phố Hồ Chí Minh được ví như là ổ dịch lớn nhất trong cả nước khi số ca nhiễm tăng chóng mặt ở mức 3–4 con số mỗi ngày.
Về mặt hành chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chỉ quản lý các cơ sở giáo dục từ bậc mầm non tới trung học phổ thông.
Các trường đại học, cao đẳng phần lớn trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Trong năm học 2008–2009, toàn thành phố có 638 cơ sở giáo dục mầm non, 467 trường cấp I, 239 trường cấp II, 81 trường cấp III và 55 trường cấp II, III.
Ngoài ra, theo con số từ 1994, Thành phố Hồ Chí Minh còn có 20 trung tâm xóa mù chữ, 139 trung tâm tin học, ngoại ngữ và 12 cơ sở giáo dục đặc biệt.
Tổng cộng 1.308 cơ sở giáo dục của thành phố có 1.169 cơ sở công lập và bán công, còn lại là các cơ sở dân lập, tư thục.
Hệ thống các trường từ bậc mầm non tới trung học trải đều khắp thành phố.
Trong khi đó, những cơ sở xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tập trung chủ yếu vào 4 huyện ngoại thành Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.
Các trường ngoại ngữ ở Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ giảng dạy những ngôn ngữ phổ biến mà còn một trường dạy quốc tế ngữ, một trường dạy Hán Nôm, 4 trường dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay cũng có 40 trường quốc tế do các lãnh sự quán, công ty giáo dục đầu tư.
Giáo dục bậc đại học, trên địa bàn thành phố có trên 80 trường, đa số do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, trong đó chỉ có 2 trường đại học công lập (Trường Đại học Sài Gòn và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) do thành phố quản lý.
Là thành phố lớn nhất nhì Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là trung tâm giáo dục bậc đại học lớn bậc nhất, cùng với Hà Nội.
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với 6 trường đại học thành viên thuộc Chính phủ.
Nhiều đại học lớn khác của thành phố như Trường Đại học Kiến trúc, Đại học Y Dược, Trường Đại học Ngân hàng, Trường Đại học Luật, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Mở, Trường Đại học Tài chính – Marketing đều là các đại học quan trọng của Việt Nam.
Trong số học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng của thành phố, 40% đến từ các tỉnh khác của quốc gia.
Mặc dù đạt được những bước tiến quan trọng trong thời gian gần đây, nhưng giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều khiếm khuyết.
Trình độ dân trí chưa cao và chênh lệch giữa các thành phần dân cư, đặc biệt là ngoại ô so với nội ô.
Tỷ lệ trẻ em người Hoa không biết chữ vẫn còn nhiều, gấp 13 lần trẻ em người Kinh.
Giáo dục đào tạo vẫn chưa tương xứng với nhu cầu của xã hội.
Hệ thống cơ sở vật chất ngành giáo dục thành phố còn kém.
Nhiều trường học sinh phải học 3 ca.
Thu nhập của giáo viên chưa cao, đặc biệt ở các huyện ngoại thành.
Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam và Đông Nam Á. Khác với Hà Nội, vận tải thủy ở Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ quan trọng.
Tính riêng vận tải hàng hóa, đường biển chiếm khoảng 29% và đường sông chiếm khoảng 20% tổng khối lượng thông qua đầu mối thành phố.
Đường bộ chỉ chiếm 44% vận tải hàng hóa nhưng chiếm tới 85,6% vận tải hành khách.
Về giao thông đường không, Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là sân bay lớn nhất Việt Nam về diện tích và công suất nhà ga.
Năm 2006, vận tải thành phố đã vận chuyển tổng cộng 73.743 tấn hàng hóa, 239 triệu lượt người và bốc xếp 44.341 tấn hàng.
Đến tháng 9 năm 2011, toàn thành phố có 480.473 xe ôtô và 4.883.753 xe môtô.
Thống kê giữa năm 2017 cho thấy thành phố có tới gần 7,6 triệu xe máy (chiếm 1/3 lượng xe máy cả nước) và khoảng 700.000 ôtô, trong khi tổng dân số là 13 triệu.
Ùn tắc giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và là một trong những thách thức của thành phố.
Những năm gần đây, hạ tầng đường bộ của thành phố đã có nhiều đổi thay ngoạn mục.
Hiện nay, thành phố được kết nối với các vùng qua hai đường cao tốc chính: Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Ngoài ra, các tuyến Quốc lộ và Xa lộ cửa ngõ cũng đã được đầu tư mở rộng đáng kể, như tuyến Đại lộ Nguyễn Văn Linh (Nam Sài Gòn), Xa lộ Hà Nội (đi Biên Hòa) và Đại lộ Đông – Tây cùng Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn.
Thành phố cũng đầu tư nhiều cầu lớn để tăng cường giảm tải lưu lượng xe cộ ra ngoại thành, tiêu biểu là Cầu Phú Mỹ, Cầu Sài Gòn 2 và Cầu Thủ Thiêm.
Giao thông trong nội đô, do tốc độ tăng dân số nhanh, quy hoạch yếu, hệ thống đường sá nhỏ... khiến thành phố luôn phải đối mặt với vấn đề ùn tắc.
Thành phố có 239 cây cầu nhưng phần lớn chiều rộng nhỏ hơn chiều rộng của đường nên gây khó khăn cho các phương tiện giao thông.
Không những thế, một phần các cây cầu có trọng tải thấp hay đang trong tình trạng xuống cấp.
Tại các huyện ngoại thành, hệ thống đường vẫn phần nhiều là đường đất đá.
Trong khi đó, hệ thống đường trải nhựa còn lại cũng trở nên quá tải, cần sửa chữa.
Thành phố có 2 bến xe khách liên tỉnh được phân bố ở các cửa ngõ ra vào: Miền Đông, Miền Tây cùng vài bến xe phụ trợ ở Quận 8, An Sương và Ngã Tư Ga.
Mạng lưới khả năng tiếp nhận trên 1.200 xe/ngày, vận chuyển gần 41.000 khách/ngày đi các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều hãng xe tư nhân cũng tham gia vận chuyển hành khách vào các bến bãi không chính thức ở nhiều khu vực nội đô, gần khu dân cư và trung tâm du lịch.
Cũng theo số liệu từ 1994, tổng lượng hành khách liên tỉnh qua thành phố khoảng 106,4 triệu lượt người/năm, nhiều nhất qua Quốc lộ 1.
Giao thông đường sắt của thành phố gồm tuyến nội ô và khu vực phụ cận do Xí nghiệp Liên hiệp đường sắt 3 quản lý, tuyến Bắc - Nam và một vài đoạn đường chuyên dụng, hiện hầu như đã ngưng khai thác.
Trong thành phố có hai nhà ga chính: Sóng Thần và Sài Gòn.
Bên cạnh đó còn có một số nhà ga nhỏ như Dĩ An, Thủ Đức, Bình Triệu, Gò Vấp.
Do mạng lưới đường sắt không được nối trực tiếp với các cảng, cơ sở đã cũ kỹ nên giao thông đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh không phát triển, chỉ chiếm khoảng 6% khối lượng hàng hóa và 0,6% khối lượng hành khách.
Thành phố hiện có tuyến đường thủy chở hành khách liên tỉnh là tuyến tàu cánh ngầm nối Cảng Nhà Rồng với Cảng Cầu Đá, Thành phố Vũng Tàu.
Ngoài ra còn có khoảng 50 bến đò, phà phục vụ giao thông hành khách, trong đó lớn nhất là Phà Cát Lái nối thành phố Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có 4 cảng biển chính: Sài Gòn, Bến Nghé, Nhà Bè, Tân Cảng cùng các cảng sông Bình Đông, Tân Thuận, Tôn Thất Thuyết, Bình Lợi, Bình Phước... Cảng Sài Gòn là một trong những cảng lớn nhất Việt Nam, chiếm 25% trong tổng khối lượng hàng hóa thông qua các cảng biển cả nước.
Cảng Bến Nghé nằm phía hạ lưu sông Sài Gòn, rộng 32ha, tổng chiều dài cầu cảng 528m, có thể cho tàu có tải trọng từ 15.000 – 20.000 tấn cập bến.
Tuy năng lực của các cảng của Thành phố Hồ Chí Minh lớn nhưng việc chuyển tiếp giữa giao thông đường bộ, đường biển và đường sông gặp khó khăn.
Tại hầu hết các cảng đường sông, do thiết bị thiếu, vẫn phải bốc dỡ thủ công.
Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất nằm trên địa bàn Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố chỉ 10 km.
Đây là sân bay nhộn nhịp nhất và có lưu lượng vận chuyển cao nhất cả nước, là cửa ngõ hàng không quốc tế lớn của khu vực Đông Nam Á, với hơn 25 triệu lượt khách đi và đến.
Hiện có 43 hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến sân bay này.
Trong tương lai, khi sân bay quốc tế Long Thành được hoàn tất xây dựng và mở cửa, sân bay này sẽ gánh một lượng hành khách đáng kể từ Tân Sơn Nhất, giúp giảm tình trạng quá tải hiện tại.
Để giải quyết vấn đề giao thông đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh đang đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng.
Năm 2008, thành phố có 3.250 xe buýt và 8.000 xe taxi, mỗi năm chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đi lại.
Trong đó, hệ thống xe buýt được phục hồi từ năm 2002 đóng vai trò chủ đạo của thành phố.
Mặc dù được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trợ giá trên hầu hết các tuyến, mạng lưới này chưa đem lại hiệu quả cao, 65% tuyến trùng lặp.
Cùng mạng lưới xe buýt, dự án tàu điện ngầm Thành phố Hồ Chí Minh cũng được đang tiến hành.
Theo quy hoạch được duyệt vào năm 2013, thành phố sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị, tổng chiều dài hơn 160km.
Dự kiến đến đầu năm 2024, tuyến metro đầu tiên (tuyến metro số một Bến Thành - Suối Tiên) khởi công tháng 3 năm 2007 sẽ đi vào hoạt động sau hơn 17 năm xây dựng ..
Đây là tuyến đường sắt đô thị có tổng vốn đầu tư cao nhất, đội vốn nhiều nhất lên tới 2.7 lần so với dự toán ban đầu cụ thể chi phí ban đầu 17 387 tỷ đồng điều chỉnh hiện tại 43 757,15 tỷ đồng đội vốn tương đương khoảng 26 400 tỷ đồng.
Và là tuyến có thời gian xây dựng lâu nhất tại Việt Nam chưa hoàn thành tính đến thời điểm hiện tại tháng 1 năm 2022.
Bên cạnh đó, dự án các tuyến buýt đường sông Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã được lên kế hoạch và vận hành.
Hiện nay, tuyến buýt đường sông số một (Bạch Đằng, Q.1 - Linh Đông, TP.Thủ Đức) đã được vận hành khai thác từ ngày 25 tháng 11 năm 2017.
- 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59A - 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59D - 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59C - 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59B - 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59LD.
- Quận 1: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 – T1, 59 – T2 - Quận 3: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 – F1, 59 – F2 - Quận 4: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 – C1,59 - C3 - Quận 5: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 - H1, 59 - H2 - Quận 6: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 – K1, 59 - K2 - Quận 7: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 – C2, 59 - C4 - Quận 8: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 – L1, 59 – L2, 59 - L3 - Quận 10: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 – U1, 59 – U2 - Quận 11: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 – M1, 59 – M2 - Quận 12: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 – G1, 59 – G2 - Quận Gò Vấp: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 – V1, 59 – V2, 59 – V3 - Quận Phú Nhuận: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 – E1, 59 – E2 - Quận Tân Bình: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 – P1, 59 – P2, 59 – P3 - Quận Tân Phú: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 – D1, 59 - D2 - Quận Bình Thạnh: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 – S1, 59 – S2, 59 – S3 - Quận Bình Tân: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 – N1, 50 – N1,50 - N2 - Thành phố Thủ Đức: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 – B1, 50 - X1, 59 – X1, 59 – X2, 59 - X3 - Huyện Hóc Môn: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 - Y1, 50 – Y1 - Huyện Củ Chi: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 - Y2, 59 – Y3 - Huyện Bình Chánh: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 – N2, 59 – N3 - Huyện Nhà Bè: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 – Z1 - Huyện Cần Giờ: 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 – Z2.
Quy hoạch và kết cấu đô thị.
Theo thiết kế đô thị ban đầu của người Pháp vào năm 1860, thành phố Sài Gòn sẽ là nơi sinh sống cho 500.000 dân.
Thời Việt Nam Cộng hòa, quy mô dân số của thành phố đã lên đến 3 triệu dân.
Tính đến năm 2019, thành phố có dân số (kể cả số lượng người cư trú tạm thời) là 8,99 triệu người, kết cấu đô thị đã quá tải.
Khi còn thưa dân, Sài Gòn từng là thành phố nhiều cây xanh với không gian kiến trúc theo quy hoạch của Pháp.