text
stringlengths
11
48.2k
Cũng như lượng mưa, độ ẩm không khí ở thành phố lên cao vào mùa mưa (80%), và xuống thấp vào mùa khô (74,5%).
Bình quân độ ẩm không khí đạt 79,5%/năm.
Với những biến đổi khí hậu, Sài Gòn thuộc danh sách 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa vì nguy cơ mực nước biển dâng cao.
Theo dự tính của Liên Hợp Quốc thì đến năm 2050 nước biển sẽ dâng 26 cm và 70% khu đô thị Sài Gòn sẽ bị ngập lụt.
Ngân hàng Phát triển Á châu ước lượng hậu quả là thiệt hại kinh tế lên đến hàng tỷ USD.
Với tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, cơ sở hạ tầng chưa kịp quy hoạch nâng cấp tổng thể, ý thức một số người dân lại quá kém trong nhận thức và bảo vệ môi trường chung...
Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường rất lớn.
Hiện trạng nước thải không được xử lý đổ thẳng vào hệ thống sông ngòi còn rất phổ biến.
Nhiều cơ sở sản xuất, bệnh viện và cơ sở y tế chưa có hệ thống xử lý nước thải là một thực trạng đáng báo động.
Tại cụm công nghiệp Tham Lương, nguồn nước bị nhiễm bẩn bởi chất thải công nghiệp với tổng lượng nước thải ước tính 500.000 m³/ngày.
Sông Sài Gòn, mức độ ô nhiễm vi sinh chủ yếu do hoạt động nuôi trồng thủy sản gây ra vượt tiêu chuẩn cho phép đến 220 lần.
Cho tới năm 2008, vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào để chấm dứt tình trạng ô nhiễm này.
Lượng rác thải ở Thành phố Hồ Chí Minh lên tới 6.000 tấn/ngày, trong đó một phần lượng rác thải rắn không được thu gom hết.
Kết quả quan trắc năm 2007 cho thấy, so với năm 2006, sự ô nhiễm hữu cơ tăng 2 đến 4 lần.
Các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, sản xuất... còn góp phần gây ô nhiễm không khí.
Khu vực ngoại thành, đất cũng bị ô nhiễm do tồn đọng thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp gây nên.
Tình trạng ngập lụt trong trung tâm thành phố đang ở mức báo động cao, xảy ra cả trong mùa khô.
Diện tích khu vực ngập lụt khoảng 140 km² với 85% điểm ngập nước nằm ở khu vực trung tâm thành phố.
Thiệt hại do ngập nước gây ra ước tính 8 tỷ đồng mỗi năm.
Nguyên nhân là do hệ thống cống thoát nước được xây cách đây 50 năm đã xuống cấp.
Ngoài ra, việc xây dựng các khu công nghiệp và đô thị ở khu vực phía nam – khu vực thoát nước của thành phố này đã làm cho tình hình ngập càng nghiêm trọng hơn.
Việc thoát nước ở Sài Gòn vốn dựa vào hệ thống sông và kênh, rạch tự nhiên nhưng khoảng 30% diện tích kênh rạch đã bị chính quyền thành phố ra lệnh lấp.
Theo một nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thì chỉ trong 12 năm từ 1996 đến 2008, tại Sài Gòn đã có hơn 100 kênh, rạch với tổng diện tích khoảng 4000 hecta bị người dân lấp và bị lấn chiếm.
Thậm chí, các con kênh thoát nước cho sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng bị lấn chiếm với nhiều hình thức, các hộ dân xây lấn ra làm hẹp lòng mương, cùng với việc xả rác thải vào đó nên lưu lượng các con kênh này bị giảm đi Ngoài ra, sai lầm của chính quyền trong việc quy hoạch cũng khiến cho tình trạng ngập lụt Thành phố Hồ Chí Minh trở nên nghiêm trọng.
Trước những bức xúc về thực trạng môi trường, Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương tìm mọi cách nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Việc trích ra một nguồn vốn lớn nhiều tỷ đồng đầu tư xây dựng hồ sinh học cải tạo nước kênh Ba Bò là một ví dụ.
Từ 2017 tới 2025, thành phố đặt mục tiêu giải tỏa di dời 28.500 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống ven kênh, rạch để làm thông thoáng các kênh thoát nước này.
Mật độ cây xanh của thành phố chỉ khoảng 1–2 m²/người, thuộc hàng rất thấp so với các thành phố trên thế giới (Stockholm trên 70 m²/người).
Việc thiếu cây xanh đã gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí của thành phố.
Tổ chức hành chính và chính quyền.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam.
Về mặt hành chính, thành phố được chia thành 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện; trong đó có 312 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 249 phường, 58 xã và 5 thị trấn.
Vào năm 1995, hệ thống quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 976 địa chỉ, trong đó 47 thuộc trung ương, 73 thuộc thành phố, 549 thuộc các quận, huyện và 307 thuộc cấp phường xã.
Các tổ chức đoàn thể, chính trị bao gồm cấp trung ương và thành phố có 291 địa chỉ, các đơn vị sự nghiệp có 2.719 địa chỉ.
Chính quyền thành phố bao gồm Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Tòa án Nhân dân.
Hội đồng Nhân dân thành phố, với các đại biểu được bầu cử trực tiếp nhiệm kỳ 5 năm, có quyền quyết định các kế hoạch phát triển dài hạn về kinh tế, văn hóa, giáo dục... của thành phố.
Đứng đầu HĐND gồm một Chủ tịch, một Phó Chủ tịch và một Ủy viên thường trực.
HĐND chịu sự giám sát và hướng dẫn hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chịu sự hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ trong việc thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ khóa X (2021-2026) gồm 94 đại biểu.
Chủ tịch HĐND Thành phố hiện tại là bà Nguyễn Thị Lệ.
Hội đồng Nhân dân thành phố bầu ra Ủy ban Nhân dân thành phố, cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý về mọi hoạt động chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa trên địa bàn thành phố.
Đứng đầu Ủy ban Nhân dân gồm một Chủ tịch và các Phó Chủ tịch.
Các sở, ngành của Ủy ban Nhân dân sẽ quản lý về các lĩnh vực cụ thể, như y tế, giáo dục, đầu tư, tư pháp, tài chính... Tương tự, cấp quận, huyện cũng có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân chịu sự chỉ đạo chung của cấp thành phố.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân còn quản lý một số tổng công ty trên địa bàn thành phố.
UBND Thành phố nhiệm kỳ khóa X (2021–2026) được HĐND Thành phố nhiệm kỳ 2021–2026 bầu ra gồm 24 thành viên và bầu ông Nguyễn Thành Phong làm Chủ tịch UBND Thành phố.
Tuy nhiên cuối tháng 8/2021, ông Nguyễn Thành Phong đã được Bộ Chính trị điều động giữ chức Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
HĐND Thành phố sau đó cũng đã tiến hành biểu quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND thành phố của ông và bầu mới Chủ tịch UBND TP (nhiệm kỳ 2021–2026) đương nhiệm là ông Phan Văn Mãi.
Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm hai cấp: Tòa án nhân dân Thành phố và 24 Tòa án nhân dân cấp quận, huyện.
Tại cấp thành phố có 5 tòa chuyên trách: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính và Tòa Lao động.
Hiện tại Việt Nam thực hiện hệ thống tòa án hai cấp, có nghĩa là các tòa án nhân dân cấp quận, huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án trong phạm vi quyền hạn của mình.
Còn Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng có thẩm quyền xét xử sơ thẩm, đồng thời có thể phụ trách xét xử phúc thẩm các vụ án mà tòa cấp dưới đã tuyên nhưng bản án bị kháng cáo, kháng nghị.
Chánh án TAND Thành phố hiện nay là ông Lê Thanh Phong.
Về phía Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (hay thường gọi là Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ Thành phố.
Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI nhiệm kỳ 2020–2025 gồm 62 ủy viên chính thức, bầu ra Ban Thường vụ gồm 16 ủy viên.
Cùng với Hà Nội, đứng đầu Đảng ủy Thành phố là Bí thư Thành ủy của thành phố và phải là một đảng viên do Bộ Chính trị chỉ định chứ không do Thành ủy bầu ra, thường là một thành viên của cơ quan này.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh hiện tại là ông Nguyễn Văn Nên.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố nhiệm kỳ 10 (2014–2019) gồm 140 ủy viên, bầu ra Ban Thường trực UBMTTQ Thành phố gồm 13 ủy viên.
Chủ tịch UBMTTQ đương nhiệm là bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên của Ban Thường vụ Thành ủy (được bầu ngày 22/2/2017 thay thế ông Nguyễn Hoàng Năng do được điều động thuyên chuyển công tác).
Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò đi đầu trong nền kinh tế Việt Nam.
Thành phố chiếm 0,6% diện tích và 8,34% dân số của Việt Nam nhưng chiếm tới 20,5% tổng sản phẩm GDP, 27,9% giá trị sản xuất công nghiệp và 37,9% dự án nước ngoài.
Vào năm 2005, Thành phố Hồ Chí Minh có 2.966.400 lao động có độ tuổi từ 15 trở lên, trong đó 139 nghìn người ngoài độ tuổi lao động nhưng vẫn đang tham gia làm việc.
Năm 2008, lực lượng lao động có độ tuổi từ 15 trở lên trên địa bàn thành phố gồm có 3.856.500 người, năm 2009 là 3.868.500 người, năm 2010 đạt 3.909.100 người, đến 2011 con số này đạt 4.000.900 người.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2012, GRDP đạt 404.720 tỷ đồng, tăng khoảng 8,7%.
Năm 2021, GRDP đã đạt mức 1.298.791 tỉ đồng (tương ứng 56,47 tỉ USD), trong đó khu vực thương mại dịch vụ đạt khoảng 63,4%, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 22,4%, khu vực nông-lâm-thủy sản chỉ chiếm 0,6%.
GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 142,6 triệu đồng (tương đương 6.173 USD).
Thu ngân sách năm 2012 ước đạt 215.975 tỉ đồng, đến năm 2021 đã tăng lên là 383.703 tỉ đồng.
Trong đó, thu nội địa năm 2021 đạt 253.281 tỷ đồng, vượt 2% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 116.400 tỉ đồng, vượt 7% dự toán.
Năm 2013, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã trình Hội đồng nhân dân Thành phố 29 chỉ tiêu về kinh tế và xã hội trong năm 2013, đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người năm 2013.
Trong đó có một số chỉ tiêu kinh tế gồm có GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.000 USD/người/năm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự kiến tăng 9,5-10%, tốc độ kim ngạch xuất khẩu là 13%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dự kiến khoảng 248.500-255.000 tỷ đồng, bằng 36-37% GDP, chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng của cả nước.
Nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh đa dạng về lĩnh vực, từ khai thác mỏ, thủy sản, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xây dựng đến du lịch, tài chính... Cơ cấu kinh tế của thành phố, khu vực nhà nước chiếm 33,3%, ngoài quốc doanh chiếm 44,6%, phần còn lại là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Về các ngành kinh tế, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất: 51,1%.
Phần còn lại, công nghiệp và xây dựng chiếm 47,7%, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 1,2%.
Tính đến giữa năm 2006, 3 khu chế xuất và 12 khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút được 1.092 dự án đầu tư, trong đó có 452 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1,9 tỉ USD và 19,5 nghìn tỉ VND.
Thành phố cũng đứng đầu Việt Nam tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với 2.530 dự án FDI, tổng vốn 16,6 tỷ USD vào cuối năm 2007.
Riêng trong năm 2007, thành phố thu hút hơn 400 dự án với gần 3 tỷ USD.
Trong bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2017, Thành phố Hồ Chí Minh xếp ở vị trí thứ 8/63 tỉnh thành.
Về thương mại, Thành phố Hồ Chí Minh có một hệ thống trung tâm mua sắm, siêu thị, chợ đa dạng.
Chợ Bến Thành là biểu tượng về giao lưu thương mại từ xa xưa của thành phố, hiện nay vẫn giữ một vai trò quan trọng.
Những thập niên gần đây, nhiều trung tâm thương mại hiện đại xuất hiện như Saigon Trade Centre, Diamond Plaza... Mức tiêu thụ của Thành phố Hồ Chí Minh cũng cao hơn nhiều so với các tỉnh khác của Việt Nam và gấp 1,5 lần thủ đô Hà Nội.
Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, có mã giao dịch là VN-Index, được thành lập vào tháng 7 năm 1998.
Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2007, toàn thị trường đã có 507 loại chứng khoán được niêm yết, trong đó có 138 cổ phiếu với tổng giá trị vốn hóa đạt 365 nghìn tỷ đồng.
Tuy vậy, nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Toàn thành phố chỉ có 10% cơ sở công nghiệp có trình độ công nghệ hiện đại.
Trong đó, có 21/212 cơ sở ngành dệt may, 4/40 cơ sở ngành da giày, 6/68 cơ sở ngành hóa chất, 14/144 cơ sở chế biến thực phẩm, 18/96 cơ sở cao su nhựa, 5/46 cơ sở chế tạo máy... có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến.
Cơ sở hạ tầng của thành phố lạc hậu, quá tải, chỉ giá tiêu dùng cao, tệ nạn xã hội, hành chính phức tạp... cũng gây khó khăn cho nền kinh tế.
Đầu tư hạ tầng tại Thành phố Hồ Chí Minh không tương xứng với vai trò kinh tế của nó do tỷ lệ ngân sách mà thành phố này được giữ lại ngày càng giảm.
Ngành công nghiệp thành phố hiện đang hướng tới các lĩnh vực công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế hơn.
Dân số năm 1929 là 123.890 người, trong số đó có 12.100 người Pháp.
Gần 40 năm sau, năm 1967, thành phố đã tăng gấp 10 lần với dân số là 1.485.295.
Kể từ sau năm 1976, dân số Sài Gòn gia tăng nhanh, nhất là dân nhập cư.
Theo thống kê chính thức, dân số Sài Gòn năm 1975 là 3.498.120 người.
Tính đến năm 2016, dân số toàn Thành phố Hồ Chí Minh có 8.441.902 người, với diện tích 2095,39 km², mật độ dân số đạt 4.029 người/km².
Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 6.742.098 người, chiếm 85% dân số toàn thành phố và dân số sống tại nông thôn đạt 1.699.804 người, chiếm 15% dân số.
Dân số nam đạt 3.585.000 người, trong khi đó nữ đạt 3.936.100 người.
Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương tăng 7,4 ‰ Trong các thập niên gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh luôn có tỷ số giới tính thấp nhất Việt Nam, luồng nhập cư từ các tỉnh khác vào Thành phố Hồ Chí Minh luôn có số nữ nhiều hơn số nam..
Thành phố Hồ Chí Minh gặp phải tình trạng quá tải dân số, tạo áp lực lớn lên nền kinh tế và đời sống người dân.
Năm 2015, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 8.248.000 người, chiếm 9% dân số Việt Nam, tăng thêm một triệu người so với năm 2009 (dân số năm 2019 là 8,993 triệu người).
Sự phân bố dân cư ở Thành phố Hồ Chí Minh không đồng đều.
Trong khi một số quận như 4, 5, 10 và 11 có mật độ lên tới trên 40.000 người/km², thì huyện ngoại thành Cần Giờ có mật độ tương đối thấp 98 người/km².
Về mức độ gia tăng dân số, trong khi tỷ lệ tăng tự nhiên khoảng 1,07% thì tỷ lệ tăng cơ học lên tới 2,5%.