text
stringlengths
59
2.13k
Vì sợ rằng nước Iran cách mạng sẽ đánh bại Iraq và xuất khẩu Cách mạng Hồi giáo của mình sang các nước Trung Đông khác, Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ cho Iraq. Từ 1983 đến 1990, Chính phủ Hoa Kỳ đã phê chuẩn việc bán khoảng 200 triệu đô la Mỹ vũ khí cho Iraq, theo Viện hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI). Giá trị trên đạt chưa tới 1% tổng giá trị vũ khí được bán cho Iraq ở giai đoạn này, dù Hoa Kỳ cũng bán máy bay trực thăng, chỉ được thiết kế cho mục đích dân sự, và chúng nhanh chóng được quân đội Iraq đem ra sử dụng trong chiến tranh với Iran. </s>
Một cuộc điều tra của Uỷ ban tài chính Thượng nghị viện năm 1994 xác định rằng Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã phê chuẩn, cho mục đích nghiên cứu, việc bán các tác nhân sinh học đa tác dụng cho Iraq hồi giữa thập niên 1980, gồm cả khuẩn bệnh than (anthrax), sau này bị Lầu Năm Góc coi là một nhân tố quan trọng trong chương trình vũ khí sinh học của Iraq, cũng như Clostridium botulinum, Histoplasma capsulatum, Brucella melitensis và Clostridium perfringens. Báo cáo của Uỷ ban cho rằng mỗi tác nhân trên đều đã bị "nhiều nước coi là có mục đích sử dụng trong chiến tranh". Các tài liệu được giải mật của chính phủ Mỹ cho thấy chính phủ đã xác nhận rằng Iraq đã sử dụng các vũ khí hoá học "hầu như hàng ngày" trong cuộc xung đột Iran-Iraq ngay từ năm 1983. Chủ tịch Uỷ ban thượng nghị viện, Don Riegle, đã nói: "Nhánh hành pháp của chính phủ chúng ta đã phê chuẩn 771 giấy phép xuất khẩu khác nhau cho việc bán các kỹ thuật đa ứng dụng cho Iraq. Tôi cho rằng đó là một kỷ lục kinh khủng". Có rất ít bằng chứng cho thấy Iraq từng sử dụng các loại vũ khí sinh học trong chiến tranh và không một tác nhân sinh học nào trong bản báo cáo trên có liên quan tới các vũ khí hoá học. </s>
Chủ yếu chính phủ Hoa Kỳ cung cấp viện trợ kinh tế cho Iraq. Cuộc chiến của Iraq với Iran và sự suy sụp trong sản xuất và buôn bán dầu mỏ của họ - hậu quả của cuộc chiến đó, đã khiến Iraq rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Viện trợ kinh tế của chính phủ Mỹ cho phép Hussein tiếp tục sử dụng các nguồn tài nguyên khác của đất nước cho chiến tranh. Từ giữa năm 1983 và 1990, Iraq đã nhận được 5 tỷ dollar tín dụng từ chương trình của Commodity Credit Corporation một tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, bắt đầu ở mức 400 triệu đô la một năm năm 1983 và tăng tới hơn 1 tỷ một năm năm 1988 và 1989, cuối cùng kết thúc với khoản tiền 500 triệu năm 1990. Bên cạnh các khoản tín dụng nông nghiệp, Hoa Kỳ cũng cung cấp cho Hussein các khoản vay khác. Năm 1985 Ngân hàng xuất nhập khẩu Hoa Kỳ cấp hơn 684 triệu dollar tín dụng cho Iraq để xây dựng đường ống dẫn dầu qua Jordan và việc xây dựng được thực hiện bởi Bechtel Corporation có trụ sở tại California . </s>
Quan hệ giữa Iraq và Hoa Kỳ tiếp tục không bị cản trở gì cho tới khi Iraq tấn công xâm chiến Kuwait. Ngày 2 tháng 10 năm 1989, Tổng thống George H. W. Bush ký một chỉ thị mật số 26 về an ninh quốc gia, bắt đầu bằng, "Việc tiếp cận tới nguồn dầu mỏ ở Vịnh Péc xích và an ninh của các quốc gia đồng minh chủ chốt trong vùng là vấn đề sống còn đối với an ninh Hoa Kỳ." Đối với Iraq, chỉ thị này cho rằng "Những quan hệ bình thường giữa Hoa Kỳ và Iraq sẽ phục vụ cho những lợi ích lâu dài và thúc đẩy sự ổn định ở cả Vịnh Péc xích và Trung Đông." </s>
Cuối tháng 7 năm 1990, khi những cuộc thương lượng giữa Iraq và Kuwait sa lầy, Quân đội Iraq tập trung tới vùng biên giới với Kuwait và triệu tập Đại sứ Hoa Kỳ April Glaspie tới một cuộc gặp bất ngờ với Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Hai văn bản về cuộc gặp đó đã được thảo ra, cả hai rất trái ngược nhau. Theo những văn bản đó, Saddam phác ra những bất bình của mình đối với Kuwait, trong khi hứa hẹn rằng ông sẽ không xâm chiếm Kuwait trước khi tiếp diễn những cuộc đàm phán thẳng thắn khác. Ở văn bản do báo The New York Times đưa ra ngày 23 tháng 9 năm 1990, Glaspie bày tỏ lo ngại về việc tăng cường quân sự, nhưng nói: </s>
Một số người đã cho rằng những lời bình luận trên theo ngôn ngữ ngoại giao thực tế là sự "bật đèn xanh" của Mỹ cho cuộc xâm chiếm. Dù bộ ngoại giao không xác nhận (hay phủ nhận) tích xác thực của những văn bản đó, những nguồn tin tại Hoa Kỳ cho rằng Glaspie đã giải quyết mọi vấn đề "theo chỉ đạo" (phù hợp với tính trung lập chính thức của Hoa Kỳ về vấn đề Iraq-Kuwait) và không bật đèn xanh cho Tổng thống Iraq Saddam Hussein về việc bất chấp thái độ của Liên đoàn Ả Rập, khi ấy đã tổ chức các cuộc thương lượng. Nhiều người tin rằng những trù tính của Saddam đã bị ảnh hưởng bởi việc nhận thức được rằng Hoa Kỳ không quan tâm tới vấn đề, vì thế bản ghi chép của Glaspie chỉ đơn giản là một thứ làm ví dụ và rằng có thể ông ta (Saddam) cũng cảm thấy thế một phần vì Hoa Kỳ ủng hộ sự thống nhất nước Đức, một hành động khác mà ông cho rằng chẳng mang ý nghĩa gì hơn sự hủy bỏ một biên giới nhân tạo ở bên trong. Những người khác, như Kenneth Pollack, tin rằng Sadddam không hề có ảo tưởng đó, hay rằng ông đơn giản đã đánh giá thấp khả năng sử dụng quân sự của Hoa Kỳ. </s>
Tháng 11 năm 1989, giám đốc CIA William Webster gặp gỡ lãnh đạo cơ quan an ninh Kuwait, Thiếu tướng Fahd Ahmed Al-Fahd. Sau khi Iraq xâm chiếm Kuwait, Iraq tuyên bố đã tìm thấy một bản ghi nhớ liên quan tới cuộc trao đổi giữa họ. Tờ The Washington Post đã thông báo rằng Bộ trưởng Ngoại giao Kuwait đã ngất xỉu khi trông thấy tài liệu này trong một cuộc họp thượng đỉnh Ả Rập vào tháng 8. Sau này, Iraq cho rằng bản ghi nhớ này là bằng chứng về một âm mưu của CIA và Kuwait nhằm làm mất ổn định kinh tế và chính trị Iraq. CIA và Kuwait đã miêu tả cuộc gặp gỡ này là một cuộc gặp thông thường và bản ghi nhớ chỉ là một sự giả mạo. Một phần của văn bản đó như sau: </s>
Rạng sáng ngày 2 tháng 8 năm 1990, quân đội Iraq vượt biên giới Kuwait với bộ binh và xe bọc thép, chiếm các vị trí chiến lược trên toàn bộ Kuwait, gồm cả cung điện Emir. Quân đội Kuwait nhanh chóng bị áp đảo, dù họ cũng kìm chân địch đủ thời gian cho Không quân Kuwait bay sang trốn ở Ả Rập Xê Út. Trận đánh dữ dội nhất diễn ra tại Cung Emir, nơi các lực lượng bảo vệ hoàng gia chiến đấu bọc hậu cho gia đình hoàng gia tẩu thoát. Anh (Em) của Emir, là người chỉ huy đội quân đó, nằm trong số người thiệt mạng. Quân đội Iraq cướp bóc các kho thực phẩm và thuốc men dự trữ, giam giữ hàng nghìn dân thường và chiếm quyền kiểm soát đài phát thanh. Đã có nhiều báo cáo về các vụ sát hại, những hành động tàn bạo và những vụ hãm hiếp của quân đội Iraq với thường dân Kuwait. Tuy nhiên, Iraq đã giam giữ hàng nghìn người phương Tây làm con tin và sau đó tìm cách đem họ ra làm vật trao đổi. Sau một khi lập nên chính phủ bù nhìn do Alaa Hussein Ali lãnh đạo một thời gian ngắn, Iraq sáp nhập Kuwait. Sau đó Hussein lập ra một thống đốc tỉnh mới này của Iraq, gọi đó là "sự giải phóng" khỏi chế độ Emir của Kuwait, đây chỉ là một biện pháp tuyên truyền trong chiến tranh. </s>
Chỉ vài giờ sau cuộc tấn công đầu tiên, các phái đoàn Kuwait và Hoa Kỳ đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhóm họp, thông qua Nghị quyết 660, lên án cuộc xâm lược và yêu cầu Iraq rút quân. Ngày 3 tháng 8, Liên đoàn Ả Rập thông qua nghị quyết của riêng mình lên án cuộc xâm lược và đòi Iraq rút quân. Nghị quyết của Liên đoàn Ả Rập cũng kêu gọi tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột từ bên trong Liên đoàn Ả Rập, và cảnh báo chống lại sự can thiệp từ bên ngoài. Ngày 6 tháng 8, Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 661, áp đặt trừng phạt kinh tế lên Iraq. </s>
Quyết định của phương Tây nhằm đẩy lùi cuộc xâm lược của Iraq thực chất có mục đích chính là để ngăn Iraq xâm lược Ả Rập Xê Út, một nước có tầm quan trọng hơn rất nhiều so với Kuwait, như việc Iraq đã làm với Kuwait. Thắng lợi nhanh chóng của quân đội Iraq trước Kuwait khiến quân đội Iraq đã tiến đến rất gần các giếng dầu ở Hama, là nguồn tài nguyên giá trị nhất của Ả Rập Xê Út. Việc Iraq kiểm soát được các giếng dầu đó cũng như những nguồn tài nguyên dầu lửa của Iraq và Kuwait sẽ làm cho họ nắm được một phần quan trọng tài nguyên dầu lửa thế giới, chỉ đứng sau chính Ả Rập Xê Út. Đặc biệt, Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản coi một sự độc quyền tiềm tàng như vậy là rất nguy hiểm. Về mặt địa lý, Ả Rập Xê Út là một nước lớn với các khu vực dân cư nằm phân tán và sẽ rất khó khăn để động viên binh lính nhằm chống lại các đội quân Iraq đang được triển khai ở phía nam Kuwait. Rất có khả năng là Iraq sẽ chiếm quyền kiểm soát các giếng dầu ở phía đông nhưng lại khó đoán được khi nào họ sẽ tấn công vào Riyadh, thủ đô của Ả Rập Xê Út. Các sư đoàn thiết giáp Iraq cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn tương tự như khó khăn mà các lực lượng Ả Rập Xê Út được triển khai tới bảo vệ các giếng dầu gặp phải, vì họ cùng phải vượt qua một sa mạc rộng lớn với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Việc này, nếu đã xảy ra, sẽ phải xảy ra dưới bom của không lực Ả Rập Xê Út, phần hiện đại hóa nhất của quân đội Ả Rập Xê Út. </s>
Iraq có một số bất mãn với Ả Rập Xê Út. Mối lo về những khoản nợ nảy sinh từ thời Chiến tranh Iran - Iraq là rất lớn vì Iraq nợ Ả Rập Xê Út tới khoảng 26 tỷ đô la Mỹ. Biên giới sa mạc dài giữa hai nước cũng chưa được phân chia rõ ràng. Ngay sau khi có được chiến thắng ở Kuwait, Xát-đam bắt đầu dùng những lời phát biểu để công kích vương triều Ả Rập Xê Út. Ông cho rằng vương triều do Mỹ hậu thuẫn đó là kẻ trông coi bất hợp pháp của những thành phố linh thiêng như Mecca và Medina. Xát-đam gộp cả ngôn ngữ của những nhóm Hồi giáo đang chiến đấu ở Afghanistan thời đó với kiểu phát biểu khoa trương mà Iran từ lâu đã sử dụng để tấn công Ả Rập Xê Út. Việc đưa thêm dòng chữ Allahu Akbar (Thánh Ala vĩ đại) vào lá cờ Iraq và những hình ảnh Xát-đam đang cầu nguyện ở Kuwait được coi là một phần của kế hoạch lôi kéo sự ủng hộ từ Nhóm huynh đệ Hồi giáo và chia rẽ nhóm Hồi giáo Mu-gia-hít-đin với Ả Rập Xê Út. Khi quân đội phương tây bắt đầu kéo đến nước này, những cuộc tấn công tuyên truyền đó còn leo thang lên mức cao hơn nữa. </s>
Hải quân Hoa Kỳ huy động hai nhóm tàu chiến, USS Dwight D. Eisenhower và USS Independence tới khu vực, và họ đã ở tình trạng sẵn sàng vào ngày 8 tháng 8. Cũng trong ngày hôm đó, 48 chiếc F-15 thuộc Không lực Hoa Kỳ từ 1st Fighter Wing tại Căn cứ không quân Langley, Virginia, đã hạ cánh xuống Ả Rập Xê Út và ngay lập tức bắt đầu tiến hành tuần tra trên những vùng không phận biên giới Ả Rập Xê Út và Iraq nhằm ngăn chặn đà tiến của quân đội Iraq. Hoa Kỳ cũng gửi những thiết giáp hạm USS Missouri và USS Wisconsin vào trong vùng, sau này chúng sẽ là những tàu chiến cuối cùng tham gia tích cực vào cuộc chiến. Việc huy động quân sự tiếp tục diễn ra, cuối cùng đã lên tới 500.000 quân. Những nhà phân tích quân sự nhất trí rằng tới tháng 10, quân đội Mỹ trong vùng chưa đủ sức để ngăn chặn cuộc tấn công (nếu có) của Iraq vào Ả Rập Xê Út. </s>
Hoa Kỳ, đặc biệt là Ngoại trưởng James Baker, tập hợp các lực lượng đồng minh chống lại Iraq, gồm lực lượng từ 34 nước: Afghanistan, Argentina, Úc, Bahrain, Bangladesh, Canada, Tiệp Khắc, Đan Mạch, Ai Cập, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Honduras, Ý, Kuwait, Maroc, Hà Lan, New Zealand, Niger, Na Uy, Oman, Pakistan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Qatar, Ả Rập Xê Út, Sénégal, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Anh và chính Hoa Kỳ. Quân đội Mỹ chiếm 74% trong số 660.000 lính trước chiến tranh. Nhiều lực lượng đồng minh bất đắc dĩ phải tham gia; một số cảm thấy rằng cuộc chiến là công việc nội bộ của Ả Rập, hay lo ngại sự tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở Kuwait. Cuối cùng, nhiều nước đã bị thuyết phục khi chứng khiến sự hiếu chiến của Iraq đối với các nước Ả Rập khác, và khi được hứa hẹn viện trợ kinh tế cũng như giảm nợ. </s>
Hoa Kỳ đưa ra nhiều lý do biện minh cho việc dính líu vào cuộc xung đột. Lý lẽ đầu tiên là tầm quan trọng của mối quan hệ liên minh lâu dài với Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, một số người Mỹ không bằng lòng với cách giải thích đó và khẩu hiệu "Không đổi máu lấy dầu" đã trở thành tiếng kêu thường thấy nhất trong các cuộc biểu tình phản đối từ bên trong nước Mỹ, dù chúng không bao giờ đạt tới tầm cao như phong trào phản chiến trong chiến tranh Việt Nam. Lý do tiếp sau cho cuộc chiến là lịch sử vi phạm nhân quyền của Iraq dưới chế độ Tổng thống Saddam Hussein, nguy cơ Iraq có thể phát triển vũ khí hạt nhân hay vũ khí hủy diệt hàng loạt và rằng "sự gây hấn lộ liễu sẽ không có chỗ đứng" (naked aggression will not stand). </s>
Dù những vụ vi phạm nhân quyền của chính quyền Iraq trước và sau khi xâm chiếm Kuwait được ghi chép rất nhiều, chính phủ Kuwait đã bị ảnh hưởng từ quan điểm của Hoa Kỳ trong một số vấn đề. Ngay sau khi Iraq chiếm Kuwait, tổ chức các công dân cho một nước Kuwait tự do đã được thành lập ở Mỹ. Nó thuê công ty quan hệ công chúng Hill and Knowlton với giá 11 triệu dollar do chính phủ Kuwait cung cấp. Công ty này bắt đầu tạo ra một chiến dịch miêu tả các binh sĩ Iraq là đã lôi những đứa trẻ ra khỏi lồng ấp trong các bệnh viện Kuwait và để chúng chết dưới sàn. Tuy nhiên, một năm sau luận điệu này đã bị khám phá ra là giả dối. Người đã làm chứng cho việc đó hoá ra là một thành viên của Gia đình hoàng gia Kuwait sống tại Paris khi xảy ra chiến tranh, và vì thế không thể có mặt ở Iraq vào thời điểm xảy ra cái gọi là tội ác. (Xem Nurse Nayirah.) </s>
Nhiều sáng kiến hòa bình đã được đưa ra nhưng không được chấp nhận. Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng những giải pháp duy nhất có thể chấp nhận được để có hòa bình toàn diện với Iraq, là việc rút quân không điều kiện ra khỏi Kuwait. Iraq nhấn mạnh rằng việc rút quân khỏi Kuwait phải được "gắn liền với" sự rút quân đồng thời của quân đội Syria ra khỏi Liban và quân đội Israel ra khỏi Bờ Tây, Dải Gaza, Cao nguyên Golan, và Nam Liban. Maroc và Jordan đã bị thuyết phục bởi đề xuất này, nhưng Syria, Israel và liên minh chống Iraq phản đối rằng không hề có một mối liên hệ nào giữa những việc trên với vấn đề Kuwait. Syria đã tham gia vào liên quân chống lại Saddam nhưng Israel vẫn chính thức giữ thái độ trung lập dù đã có những cuộc tấn công tên lửa vào thường dân Israel. Chính quyền Bush đã thuyết phục Israel đứng ngoài cuộc chiến với những hứa hẹn về việc tăng cường viện trợ, trong khi Tổ chức Giải phóng Palestine dưới quyền lãnh đạo của Yasser Arafat hoàn toàn ủng hộ Saddam Hussein, sau này dẫn tới một sự tuyệt giao trong quan hệ giữa Palestine-Kuwait, dẫn tới sự trục xuất nhiều người Palestine ra khỏi Kuwait. </s>
Một ngày sau thời hạn chót do Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đặt ra, liên minh tung ra một cuộc tấn công không quân ồ ạt với mật danh "Chiến dịch bão táp sa mạc" với hơn 1.000 lần xuất kích một ngày, bắt đầu từ sáng sớm ngày 17 tháng 1 năm 1991. Năm tiếng đồng hồ sau những cuộc tấn công đầu tiên, đài phát thanh quốc gia Bagdad phát đi một giọng nói được xác định là của Saddam Hussein tuyên bố rằng "Cuộc chiến vĩ đại, cuộc chiến của mọi cuộc chiến đã bắt đầu. Bình minh thắng lợi đã rất gần khi cuộc thử thách cuối cùng đã đến." </s>
Những vũ khí được sử dụng trong chiến dịch này gồm các vũ khí dẫn đường chính xác (hay "bom thông minh"), bom bầy, BLU-82 "daisy cutters" và tên lửa hành trình. Iraq trả lời bằng cách phóng 8 tên lửa Scud vào Israel ngày hôm sau. Mục tiêu ưu tiên hàng đầu của liên minh là phá hủy các cơ sở không quân và phòng không của Iraq. Nhiệm vụ này được nhanh chóng hoàn thành và trong suốt thời gian xảy ra cuộc chiến, không quân liên minh hầu như không gặp phải trở ngại nào khi hoạt động. Dù khả năng phòng không của Iraq tốt hơn so với dự đoán, liên minh chỉ thiệt hại một máy bay trong ngày mở màn chiến tranh. Máy bay tàng hình đã được sử dụng nhiều trong giai đoạn đầu tiên này nhằm tránh các hệ thống tên lửa đất đối không SAM dày đặc của Iraq; khi đã phá hủy xong những hệ thống đó, các kiểu máy bay khác có thể được đem ra sử dụng với độ an toàn cao hơn. Đa số các phi vụ tấn công xuất phát từ Ả Rập Xê Út và sáu nhóm tàu sân bay của liên minh ở Vịnh Péc-xích. </s>
Các mục tiêu tiếp theo của liên quân là các sở chỉ huy và thông tin. Những nhà lập kế hoạch bên phía liên quân hy vọng sự kháng cự của Iraq sẽ nhanh chóng sụp đổ nếu hệ thống chỉ huy và liên lạc của họ bị phá hủy. Trong tuần đầu tiên của chiến dịch không quân Iraq ít khi xuất kích và cũng không gây thiệt hại gì đáng kể, 38 máy bay MiG của Iraq đã bị không quân liên quân bắn hạ. Ngay sau đó, không quân Iraq bắt đầu chạy trốn sang Iran, với khoảng 115 tới 140 chiếc. Cuộc bỏ chạy ồ ạt của không quân Iraq sang Iran khiến các lực lượng liên quân rất kinh ngạc và không kịp phản ứng gì trước khi các máy bay Iraq đã "an toàn" tại các sân bay Iran. Iran không bao giờ trả lại các máy bay đó cho Iraq và chỉ cho phép các phi công trở về nước vào năm sau. Ngày 23 tháng 1, Iraq bắt đầu đổ gần 1 triệu tấn dầu thô xuống vịnh, gây ra vụ tràn dầu lớn nhất trong lịch sử. </s>
Giai đoạn thứ ba và là lớn nhất của chiến dịch không quân nhắm tới các mục tiêu quân sự trên khắp Iraq và Kuwait: các bệ phóng tên lửa Scud, các địa điểm vũ khí hủy diệt hàng loạt, những cơ sở nghiên cứu vũ khí và các lực lượng hải quân. Khoảng một phần ba không lực liên quân được dành riêng để tấn công các bệ phóng tên lửa Scud, nằm trên các xe tải và do đó rất khó tìm kiếm để tiêu diệt. Ngoài ra, họ cũng nhắm vào các mục tiêu có thể sử dụng được cho cả mục đích dân sự và quân sự: các nhà máy điện, các lò phản ứng hạt nhân, các thiết bị thông tin liên lạc, các cảng biển, các nhà máy lọc và phân phối xăng dầu, các đường sắt và các cây cầu. Các nhà máy điện trên toàn quốc bị phá hủy. Tới cuối cuộc chiến, việc sản xuất điện chỉ còn đạt mức 4% so với trước chiến tranh. Bom đã phá hủy tất cả các đập chính, đa số những trạm bơm chính và nhiều nhà máy xử lý nước thải. Một số đội thuộc các lực lượng đặc biệt của Mỹ và Anh được đưa thâm nhập vào phía tây Iraq để tìm kiếm và phá hủy các tên lửa Scud. Tuy nhiên, vì thiếu những điều kiện địa lý thích hợp để ẩn náu khiến các hoạt động của họ gặp nhiều khó khăn và nhiều người đã bị giết hoặc bị bắt giữ. </s>
Trong đa số các trường hợp, liên quân tránh gây thiệt hại tới những cơ sở dân sự thuần tuý. Tuy nhiên, ngày 13 tháng 2 năm 1991, hai quả bom thông minh điều khiển bằng tia laser đã phá hủy lô cốt Amiriyah mà người Iraq cho là nơi tránh bom của thường dân. Các quan chức Mỹ cho rằng lô cốt đó là một trung tâm thông tin quân đội, nhưng các nhà báo phương tây đã không tìm được bằng chứng về việc đó. Trong một báo cáo với nhan đề "Bộ máy nói dối: Thảm kịch của sự lừa đảo", Nhà Trắng đã tuyên bố rằng các nguồn tin tình báo của họ cho thấy lô cốt này đang được sử dụng cho mục đích chỉ huy quân sự. Trong cuốn sách của mình, Kẻ chế tạo bom của Saddam, cựu giám đốc chương trình vũ khí hạt nhân của Iraq, người đã đào thoát sang phương tây, ủng hộ giả thuyết rằng lô cốt này được sử dụng cho cả hai mục đích. </s>
Chúng tôi đã tìm người trú ẩn nhiều lần tại lô cốt.... Nhưng nó luôn bị bịt kín.... Lô cốt có vô tuyến, vòi nước uống, máy phát điện riêng, và trông đủ vững chắc để chống lại các loại vũ khí thông thường. Nhưng tôi đã thôi tìm cách vào trong, bởi một đêm tôi đã nhận ra vài chiếc limousine đen chạy ra chạy vào qua cánh cổng ngầm ở phía sau. Tôi hỏi những người ở xung quanh và được trả lời rằng đó là một trung tâm chỉ huy. Sau khi xem xét nó kỹ càng hơn, tôi đã cho rằng có thể nó là căn cứ điều hành riêng của Xát-đam. </s>
Iraq đã tung ra các cuộc tấn công tên lửa vào các căn cứ của liên quân tại Ả Rập Xê Út và Israel, với hy vọng buộc Israel tham gia cuộc chiến và các nước Ả Rập khác rút lui khỏi nó. Chiến thuật này tỏ ra không hiệu quả. Israel không tham gia vào liên quân, và tất cả các nước Ả Rập ở lại với liên quân trừ Jordan, về mặt chính thức vẫn giữ thái độ trung lập. Các tên lửa Scud nói chung là gây ra rất ít thiệt hại, dù nó cũng đã một lần chứng minh được sức mạnh vào ngày 25 tháng 2 với 28 người Mỹ đã thiệt mạng khi một tên lửa Scud phá hủy doanh trại của họ tại Dhahran. Những tên lửa Scud nhắm vào Israel không có hiệu quả bởi vì khi tăng tầm bắn, tên lửa Scud bị giảm đi rất nhiều về độ chính xác và khả năng sát thương. Ngày 29 tháng 1, Iraq dùng xe tăng, bộ binh tấn công và chiếm thành phố Khafji của Ả Rập Xê Út lúc ấy dang được bảo vệ bởi một số lính thủy đánh bộ trang bị vũ khí hạng nhẹ. Tuy nhiên, Trận Khafji đã kết thúc khi quân Iraq phải lùi bước trước các lực lượng Ả Rập Xê Út được các lính thủy đánh bộ và không quân Mỹ yểm trợ hai ngày sau đó. Ngay sau khi Iraq xâm chiếm Kuwait, Khafji đã trở thành một thành phố có vị trí chiến lược. Sự chậm chạp của Iraq khi đưa các sư đoàn thiết giáp vào Khafji và sau đó dùng nơi này làm bàn đạp để tiến vào phần phía đông được bảo vệ kém cỏi của Ả Rập Xê Út là một sai lầm lớn về chiến lược. Nếu làm được như vậy, Iraq không chỉ kiểm soát được phần lớn những nguồn cung cấp dầu ở Trung Đông mà sau đó còn đe dọa được lực lượng quân Mỹ triển khai dọc theo các đường chiến tuyến. </s>
Chiến dịch không quân có một tác động rõ nét trên các mưu mẹo mà các bên xung đột về sau này sử dụng. Họ không tập trung quân đội để đối mặt với quân Mỹ mà phân tán các sư đoàn ra, ví dụ Các lực lượng Serbia tại Kosovo. Các bên tham chiến cũng giảm bớt khoảng cách tiếp tế hậu cần và diện tích vùng bảo vệ. Điều này đã được thấy trong Chiến tranh Afghanistan khi quân Taliban rút lui khỏi những vùng đất rộng lớn về giữ những cứ điểm mạnh của họ. Điều này giúp tăng cường tập trung quân đội và giảm bớt khoảng cách tiếp tế. Chiến thuật này cũng được sử dụng trong cuộc tấn công của Iraq khi các lực lượng Iraq rút lui khỏi miền bắc Kurdistan thuộc Iraq vào trong các thành phố. </s>
Cùng lúc ấy, Quân đoàn VII Hoa Kỳ tung ra cuộc tấn công ồ ạt bằng xe bọc thép vào Iraq, từ phía tây Kuwait, khiến quân Iraq hoàn toàn bất ngờ. Sườn trái của đội quân này được Sư đoàn bọc thép hạng nhẹ số 6 của Pháp bảo vệ (gồm cả các đơn vị của Tiểu đoàn Lê dương Pháp), và sườn phải bởi Sư đoàn thiết giáp số 1 Hoàng gia Anh. Khi liên quân đã thâm nhập sâu vào lãnh thổ Iraq, họ quay sang phía đông, tung ra những cuộc tấn công vào lực lượng Vệ binh cộng hoà Iraq. Những trận chiến xe tăng nổ ra khi Vệ binh cộng hòa tìm cách rút lui, khiến cho liên quân chiến thắng mà chỉ bị thương vong ở mức thấp nhất. </s>
Khi Iraq đã quyết định rằng họ sẽ không tiến về phía các giếng dầu phía đông của Ả Rập Xê Út, thì không có lý do gì để các lực lượng Iraq triển khai xa hơn nữa về phía nam Thành phố Kuwait với số lượng lớn. Quyết định triển khai một lực lượng khá đông đảo quân dọc theo biên giới Kuwait càng làm tăng khoảng cách tiếp tế của quân Iraq một cách không cần thiết. Thứ hai, khi đã quyết định triển khai quân dọc biên giới, việc mở rộng nó ra càng khiến nguy cơ bị tấn công ồ ạt vào sườn. Quả thực người Iraq không có đủ lực lượng để giữ một mặt trận đủ dài dọc theo biên giới Kuwait và tây nam Iraq. Vì thế việc cấp thiết là việc triển khai quân và thu hẹp mặt trận chỉ ở phía nam Thành phố Kuwait và mở rộng tới vùng ngoại ô Basra. Iraq chỉ có một lợi thế tuyệt đối trước lực lượng liên quân ở số lượng và chất lượng pháo binh. Đa số các đơn vị pháp binh Iraq được kéo bằng xe và vì thế không thích ứng tốt với việc phát triển mở rộng. Điều này cũng có nghĩa là Iraq muốn làm chậm sự di chuyển của quân địch và giao chiến dọc theo các giới tuyến không dễ dàng bị chọc thủng hay đánh ngang sườn. </s>
Điều ngạc nhiên nhất của chiến dịch trên bộ là tỷ lệ thương vong thấp của liên quân. Điều này vì quân Iraq không thể tìm ra một biện pháp phản công thích hợp đối với những ống nhòm hồng ngoại và loại đạn năng lượng động lực từ các xe M1 Abrams. Phương tiện này cho phép những chiếc xe tăng liên quân chiến đấu và tiêu diệt một cách hiệu quả các xe tăng Iraq từ khoảng cách xa gấp ba lần khoảng cách có thể tác chiến của xe tăng Iraq. Các lực lượng Iraq cũng không thể lợi dụng ưu thế có thể có từ việc sử dụng chiến thuật chiến tranh đô thị - chiến đấu bên trong Thành phố Kuwait, có thể gây ra những thương vong đáng kể đối với các lực lượng tấn công. Chiến tranh trong thành phố làm giảm tầm chiến đấu và vì thế giảm bớt ưu thế công nghệ của liên quân. Điều này đã được chứng minh gần đây trong những trận đánh giữa các lực lượng Mỹ và những kẻ nổi dậy Iraq trong môi trường đô thị sau Cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Các ranh giới của địa lý đô thị, và sự hiểu biết mà những kẻ tấn công không thể có được, sẽ làm giảm lợi thế của liên quân và khả năng tiêu diệt ở tầm xa của họ. </s>
Một hội nghị hòa bình đã được Liên quân tổ chức trên vùng lãnh thổ Iraq bị chiếm đóng. Tại hội nghị, Iraq được phép sử dụng các máy bay trực thăng vũ trang trong phía biên giới lãnh thổ nước mình, bề ngoài là để vận chuyển các quan chức chính phủ do những thiệt hại đã phải hứng chịu của hệ thống vận chuyển công cộng. Một thời gian ngắn sau, những chiếc trực thăng đó - và đa số các lực lượng vũ trang Iraq - lại quay sang phục vụ mục tiêu chiến đấu chống lại cuộc nổi dậy của người Shiite ở phía nam. Tại phía bắc, các lãnh đạo người Kurd tin tưởng vào những lời tuyên bố của Hoa Kỳ rằng họ sẽ ủng hộ một cuộc nổi dậy và bắt đầu chiến đấu, với hy vọng thực hiện được một cuộc đảo chính. Tuy nhiên, khi những giúp đỡ của Mỹ còn chưa tới nơi, các tướng lĩnh Iraq còn trung thành đã đàn áp dã man quân đội người Kurd. Hàng triệu người Kurd đã phải chạy qua các vùng núi để đến những vùng người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Những vụ xung đột đó sau này đã dẫn tới việc thành lập những vùng cấm bay ở cả phía bắc và phía nam Iraq. Tại Kuwait, gia đình Emir được tái lập và những kẻ bị cho là cộng tác với Iraq bị đàn áp. Cuối cùng, hơn 400.000 người đã bị trục xuất khỏi đất nước, gồm một số lượng lớn người Palestine (vì sự ủng hộ và hợp tác của họ với Saddam Hussein). </s>
Chi phí chiến tranh của Hoa Kỳ do Hạ viện tính toán là $61,1 tỷ. Các nguồn khác ước tính lên tới $71 tỷ. Khoảng $53 tỷ trong số đó do các nước khác chi trả: $36 tỷ do Kuwait, Ả Rập Xê Út và các nước Vùng Vịnh khác; $16 tỷ bởi Đức và Nhật Bản (hai nước này không gửi lực lượng chiến đấu vì các điều khoản trong các hiệp ước chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai). Khoảng 25% số đóng góp của Ả Rập Xê Út được thanh toán dưới hình thức các dịch vụ cung cấp cho lực lượng liên quân như thực phẩm và vận chuyển. Nhiều lý lẽ cho rằng Ả Rập Xê Út còn cung cấp cả gái mại dâm sau này đã được chứng minh là không chính xác. </s>
Tại Hoa Kỳ, nhóm "bộ ba lớn" điều hành mạng lưới tin tức đưa tin về cuộc chiến: Peter Jennings của ABC, Dan Rather của CBS và Tom Brokaw của NBC dẫn các chương trình thông tin buổi tối của họ khi các cuộc tấn công đã bắt đầu ngày 16 tháng 1 năm 1991. Phóng viên của ABC News Gary Shepard, bình luật trực tiếp từ Baghdad, nói với Jennings về sự tĩnh lặng của thành phố. Nhưng nhiều tháng sau, Shepard đã tái xuất hiện với những ánh chớp có thể được nhìn thấy ở chân trời và những vạch lửa đạn xung quanh trên mặt đất. Trên kênh CBS, khán giả có thể theo dõi bản tin của phóng viên Allen Pizzey, cũng đưa tin từ Baghdad, khi cuộc chiến bắt đầu. Sau khi bản tin kết thúc lại có tin rằng có những tin tức chưa được kiểm chứng về những vụ nổ tại Baghdad hoạt động không quân mạnh tại các căn cứ ở Ả Rập Xê Út. Trong bản tin "NBC Nightly News", phóng viên Mike Boettcher thông báo về những hoạt động không quân không thường xuyên ở Dhahran. Vài phút sau, Brokaw nói với khán giả rằng cuộc tấn công không quân đã bắt đầu. Nhưng chính kênh CNN được nhiều người theo dõi nhất. Các phóng viên CNN, John Holliman và Peter Arnett cùng CNN phóng viên thường trú Bernard Shaw đã thông báo qua điện thoại từ Khách sạn Al-Rashid khi những cuộc không kích bắt đầu. Báo chí khắp thế giới đều đưa tin về cuộc chiến và Tạp chí TIME đã xuất bản một số đặc biệt ngày 28 tháng 1 năm 1991, dòng tít "CHIẾN TRANH VÙNG VỊNH" nổi bật ngoài trang bìa với bức ảnh chụp Baghdad khi cuộc chiến bắt đầu. </s>
Chính sách của Hoa Kỳ về tự do báo chí có hạn chế hơn so với ở Chiến tranh Việt Nam. Chính sách này đã được giải thích rõ trong một tài liệu của Lầu Năm Góc tên là Annex Foxtrot. Đa số những thông tin báo chí có được đều từ những cuộc họp báo ngắn của quân đội. Chỉ những nhà báo được lựa chọn mới được phép tới mặt trận hay tiến hành các cuộc phỏng vấn binh sĩ. Những cuộc viếng thăm đó luôn được tiến hành với sự hiện diện của các sĩ quan, và sau đó đều phải được sự cho phép của quân đội và bộ phận kiểm duyệt. Điều này bề ngoài là để bảo vệ các thông tin nhạy cảm khỏi bị tiết lộ cho Iraq nhưng trên thực tế là để ngăn chặn tiết lộ các thông tin gây rắc rối về chính trị. Chính sách này bị ảnh hưởng nhiều từ những kinh nghiệm sau Chiến tranh Việt Nam, được cho rằng đã gây ra nhiều rò rỉ dẫn tới sự chống đối từ bên trong nước Mỹ. </s>
Cùng lúc ấy, việc đưa tin nhanh nhạy về cuộc chiến là rất mới mẻ. Nhiều nhà báo Mỹ vẫn ở lại thủ đô Baghdad của Iraq trong suốt cuộc chiến, và cảnh tên lửa bay đến được chiếu ngay lập tức trên những bản tin vô tuyến buổi tối và trên các kênh tin tức qua truyền hình cáp như CNN. Một đoàn phóng viên của kênh CBS News (David Green và Andy Thompson), được trang bị thiết bị truyền thông tin vệ tinh đã tới mặt trận và truyền trực tiếp những hình ảnh cuộc chiến đang diễn ra. Họ tới Thành phố Kuwait một ngày trước khi các lực lượng liên quân tiến vào và truyền trực tiếp những hình ảnh các lực lượng Ả Rập (và các nhà báo khác!) tiến vào đó trong ngày hôm sau. </s>
Theo sau những cuộc nổi dậy ở miền Nam và miền Bắc, các vùng cấm bay đã được thiết lập để bảo vệ người Shi'ite ở miền Nam và người Kurd ở miền Bắc. Những vùng cấm bay này (bắt đầu từ vĩ tuyến 36 Bắc và vĩ tuyến 32 Nam) chủ yếu do Mỹ và Anh kiểm soát, mặc dù Pháp cũng có tham gia ít nhiều. Cấu kết với nhau, họ đã thực hiện những chuyến bay thanh sát trong vòng 11 năm sau khi kết thúc chiến sự còn nhiều hơn cả trong thời kỳ chiến tranh. Những chuyến thanh sát này đã dội bom gần như mỗi ngày vào tên lửa đất đối không và súng cao xạ được dùng để bắn hạ máy bay. Tuy nhiên, lượng bom lớn nhất đã được sử dụng trong hai chiến dịch kéo dài: Chiến dịch Tấn công sa mạc, kéo dài trong nhiều tuần từ tháng 9 năm 1996, và Chiến dịch Con cáo sa mạc, tháng 12 năm 1998. Chiến dịch Kiểm soát miền Bắc, vùng cấm bay trong khu vực người Kurd, đã cho phép người dân tập trung vào tăng cường an ninh và phát triển cơ sở hạ tầng, điều này đã được phản ánh sau sự sụp đổ của chế độ Saddam Hussein năm 2003, khu vực này đã phát triển và ổn định hơn (khi so sánh với các vùng khác của Iraq trong Chiến dịch Giải phóng Iraq). Trái lại, Chiến dịch Kiểm soát miền Nam, đã không thành công trong việc tạo cho người Shi'ite cơ hội xây dựng và kiến thiết như vậy. </s>
Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề trên diện rộng trong suốt thời kỳ chiến sự đã gây mất mát cho người dân Iraq. Nhiều năm sau chiến tranh lượng điện sản xuất ra vẫn chỉ đạt một phần tư mức trước cuộc chiến. Việc phá hủy các nhà máy xử lý nước khiến nước thải bị đổ trực tiếp xuống sông Tigris, và dân cư lại lấy nước ở đây để sinh hoạt dẫn tới sự phát sinh dịch bệnh trên diện rộng. Những khoản vốn tài trợ từ phía các nước phương Tây nhằm giải quyết vấn đề này bị chính quyền Saddam sử dụng để duy trì quyền kiểm soát quân sự của mình. </s>
Trừng phạt kinh tế vẫn được duy trì nhiều năm sau chiến tranh vì lý do từ những cuộc thanh sát vũ khí mà Iraq chưa bao giờ hợp tác đầy đủ. Sau này Iraq được Liên Hiệp Quốc cho phép nhập khẩu một số hàng hóa theo chương trình Đổi dầu lấy lương thực. A 1998 bản báo cáo của UNICEF cho thấy những biện pháp trừng phạt khiến con số tử vong ở nước này tăng thêm 90.000 người mỗi năm. Nhiều người cho rằng các biện pháp trừng phạt Iraq và sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Ả Rập Xê Út góp phần làm xấu đi hình ảnh của Mỹ trong thế giới Ả Rập. </s>
Năm 1997, Iraq trục xuất toàn bộ các thành viên người Mỹ bên trong phái đoàn thanh sát vũ khí, cáo buộc rằng Hoa Kỳ đã lợi dụng họ làm gián điệp; các thành viên của UNSCOM thường có những cuộc tiếp xúc với các cơ quan tình báo để cung cấp các thông tin về các địa điểm tàng trữ vũ khí. Đội thanh sát vũ khí tiếp tục quay lại Iraq trong giai đoạn 1997 và 1999 và còn gặp nhiều rắc rối hơn nữa; một thành viên trong đội thanh sát, Scott Ritter thuộc Hải quân Hoa Kỳ đã từ chức năm 1998, cho rằng chính quyền Clinton đang cản trở các cuộc thanh sát vì họ không muốn đối đầu thực sự với Iraq. Năm 1999, đội thanh sát được thay thế bởi UNMOVIC, cơ quan này bắt đầu tiến hành công việc từ năm 2002. Năm 2002, Iraq - và đặc biệt là Saddam Hussein - trở thành mục tiêu trong Cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ, dẫn tới cuộc xâm lược Iraq năm 2003, do Hoa Kỳ và, ở tầm vóc thấp hơn, Anh lãnh đạo. </s>
Một hậu quả chủ chốt của Chiến tranh Vùng Vịnh, theo Gilles Kepel, là sự hồi sinh rõ rệt của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Việc chế độ Saddam bị lật đổ không khiến các nhóm Hồi giáo ủng hộ nhiều. Tuy nhiên, việc này, cùng với liên minh giữa Ả Rập Xê Út và Hoa Kỳ, bị coi là cùng phía với Israel càng làm chính phủ Ả Rập Xê Út mất uy tín trong nước. Hoạt động của các nhóm Hồi giáo chống lại chính quyền Ả Rập Xê Út tăng lên dữ dội. Trong một nỗ lực nhằm lấy lại hình ảnh của mình, Ả Rập Xê Út đã chi thêm tiền cho những nhóm ủng hộ chính phủ. Chính phủ Ả Rập Xê Út đã chi tiền phát hàng triệu cuốn Qur'an cho dân các nước mới độc lập ở vùng Trung Á và xây dựng hàng trăm thánh đường Hồi giáo cho những nhóm cực đoan. Tại Afghanistan chính quyền Ả Rập Xê Út trở thành người bảo trợ hàng đầu cho Taliban trong cuộc nội chiến ở nước này, và là một trong những quốc gia duy nhất chính thức công nhận chính phủ đó. </s>
Nhiều binh sĩ liên quân quay trở về từ chiến trường thông báo về các loại bệnh gặp phải sau khi tham chiến, một hiện tượng được gọi là Hội chứng Vùng Vịnh. Có nhiều nghiên cứu và bất đồng về các nguyên nhân gây ra hội chứng đó cũng như những ảnh hưởng của nó đối với trẻ sơ sinh (số lượng trẻ sinh ra trong các gia đình binh lính với các khiếm khuyết tương tự nhau hay những bệnh tật nghiêm trọng lên tới 67%, theo một cuộc nghiên cứu do Sở Cựu chiến binh Hoa Kỳ tiến hành). Một báo cáo xuất bản năm 1994 của Văn phòng Giải trình Chính phủ cho rằng quân đội Mỹ đã đối diện với 21 loại "chất độc liên quan tới sinh sản" tiềm tàng. Một số nguyên nhân bị chỉ ra là tiếp xúc với các vật liệu phóng xạ, khói dầu, và các loại vắc xin bệnh than sản xuất quá nhanh dùng cho binh sĩ (các loại vắc xin thường cần phải trải qua quá trình sản xuất vài tháng). </s>
Năm 1998, các bác sĩ của chính phủ Iraq đã báo cáo rằng việc liên quân sử dụng urani nghèo đã gây ra hàng loạt vụ khuyết tật ở trẻ sơ sinh và ung thư trong dân chúng Iraq, đặc biệt là bệnh bạch cầu. Các bác sĩ của chính phủ cho rằng họ không có đủ bằng chứng cho thấy có mối quan hệ giữa urani nghèo với những vụ khuyết tận trẻ sơ sinh bởi vì những biện pháp trừng phạt đã khiến họ không thể có được các thiết bị thử nghiệm cần thiết. Vì thế, một đội bác sĩ của Tổ chức sức khỏe thế giới đã tới Basra và đề xuất một cuộc nghiên cứu để điều tra lý do gây ra tỷ lệ ung thư cao ở miền nam Iraq, nhưng Saddam đã từ chối. </s>
Tuy nhiên, Tổ chức sức khỏe thế giới đã có thể tiếp cận với những nguy cơ đối với sức khỏe của urani nghèo tại những địa điểm đã xảy ra chiến tranh nhờ một phái đoàn năm 2001 tới Kosovo. Một báo cáo năm 2001 của WHO về urani nghèo đã kết luận: "bởi vì urani nghèo chỉ là phóng xạ yếu, cần phải hít vào những khối lượng rất lớn bụi (ở mức độ gam) để có thể tăng nguy cơ ung thư phổi ở mức độ có thể nhận thấy trong một nhóm nguy cơ. Những nguy cơ về ung thư phóng xạ khác gồm bệnh bạch cầu, được coi là thấp hơn rất nhiều so với ung thư phổi." Hơn nữa, "không có những tác động liên tục hay tiến triển đã được báo cáo ở người" vì lý do chịu tác động của urani nghèo. </s>
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã xuất bản một cuốn sách về urani nghèo. Nó tuyên bố: "Tổ chức sức khỏe thế giới và các nghiên cứu khoa học khác đã cho thấy urani nghèo không gây ra những nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khoẻ" và "urani nghèo không gây ra khuyết tật ở trẻ sơ sinh. Quân đội Iraq sử dụng các vũ khí hóa học và thần kinh trong thập kỷ 1980 và 1990 có thể là nguyên nhân gây ra cái gọi là khuyết tật ở trẻ em Iraq." Về những buộc tội gây ra ung thư, cuốn sách của Hoa Kỳ cho rằng "theo những chuyên gia về sức khỏe môi trường, về mặt y tế không thể coi việc nhiễm bệnh bạch cầu như là kết quả của việc chịu tác động của urani hay urani nghèo", và "tỷ lệ ung thư trong số 19.000 công nhân công nghiệp tiếp xúc với urani nghèo ở mức độ cao tại các dự án ở Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge trong giai đoạn 1943 và 1947 đã được xem xét, và việc tăng tỷ lệ ung thư không hề được quan sát thấy cho tới tận năm 1974. Các nghiên cứu dịch tễ học khác về ung thư phổi tại các công nhân làm việc tại nhà máy urani và nhà máy gia công thép không cho thấy tỷ lệ tăng bất thường hay sự liên quan tới những chất sinh ung thư khác đã được biết ngoài urani, như radon." </s>
Các loại vũ khí dẫn đường chính xác (PGMs, cũng được gọi là "bom thông minh"), như tên lửa AGM-130 của Không lực Hoa Kỳ được dự đoán sẽ trở thành các vũ khí chính cho phép các cuộc tấn công quân sự diễn ra với những tổn thất dân sự nhỏ nhất so với các cuộc chiến trước đó. Những căn nhà cụ thể ở các khu đông dân tại Baghdad có thể bị tấn công trong khi các nhà báo quan sát các tên lửa hành trình lao tới mục tiêu đó từ khách sạn của họ. Các vũ khí dẫn đường chính xác chiếm gần 7.4% toàn thể số bom liên minh sử dụng. Các loại bom khác gồm bom chùm có thể vỡ ra thành nhiều quả bom nhỏ, và những quả bom BLU-82 nặng 15.000 pound có thể phá hủy mọi vật trong bán kính hàng trăm yard. </s>
Tên lửa Scud là tên lửa đạn đạo chiến thuật do Liên bang xô viết phát triển và từng triển khai cho những sư đoàn Hồng Quân tại Đông Đức. Vai trò của các tên lửa Scud được trang bị đầu đạn hạt nhân và đầu đạn hoá học là tiêu diệt các cơ sở thông tin, trung tâm chỉ huy và làm trì hoãn quá trình động viên quân đội của Tây Đức cũng như các lực lượng Đồng Minh tại Đức. Nó cũng được sử dụng để tiêu diệt trực tiếp các lực lượng mặt đất. Các tên lửa Scud sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính, còn hoạt động khi động cơ còn hoạt động. Iraq đã sử dụng các tên lửa Scud, phóng chúng tới cả Ả rập Xê út và Israel. Một số quả gây ra nhiều thương vong, số còn lại không gây hậu quả nặng nề. Đã có lo ngại việc Iraq có thể lắp các đầu đạn hoá học hay sinh học lên các tên lửa đó, nhưng nếu các đầu đạn đó có tồn tại, chúng cũng chưa từng được sử dụng. Mọi người tin rằng các tên lửa Scud không hữu dụng khi mang các đầu đạn hoá học bởi nhiệt độ cao trong quá trình bay ở tốc độ gần Mach 5 làm biến tính đa số các chất hoá học mang theo. Các vũ khí hoá học vốn thích hợp hơn khi được vận chuyển bằng máy bay ném bom hoặc các tên lửa hành trình. Tên lửa Scud thích hợp để mang các đầu đạn hạt nhân, một vai trò nó vẫn còn đảm nhận tới tận ngày nay, như mục tiêu thiết kế ban đầu. </s>
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Hoa Kỳ lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu. Thời điểm ấy, quân đội Hoa Kỳ tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa này có hiệu suất thành công rất cao chống lại tên lửa Scud, đảm bảo an toàn cho liên quân. Nhưng những ước tính sau này về tính hiệu quả của Patriot rất khác biệt, thấp nhất có thể ở mức 0%. Hơn nữa, ít nhất đã xảy ra một vụ lỗi phần mềm gây tổn thất nhân mạng. Những bằng chứng giải mật về hiệu quả ngăn chặn tên lửa Scud còn thiếu nhiều. Các con số ước tính hiệu quả cao dựa trên phần trăm số đầu đạn tên lửa Scud được biết đã tới mục tiêu hoặc đã nổ so với số lượng tên lửa Scud được bắn đi, nhưng các yếu tố khác như đầu đạn không nổ, bắn trượt vân vân không được tính vào đó. Một số phiên bản tên lửa Scud được sửa đổi động cơ vượt trên mức chịu đựng thiết kế thường bị cho là trượt mục tiêu hoặc nổ tung khi đang bay. Những ước tính thấp nhất thường dựa trên số lượng những lần bắn chặn và có bằng chứng cho thấy đầu đạn đã bị ít nhất một tên lửa bắn trúng, nhưng vì cách thức các tên lửa Al-Hussein (gốc từ Scud) nổ khi đang bay đến mục tiêu rất khó giải thích vì khó có thể biết đâu là mảnh đầu đạn và có ít dữ liệu ghi lại những lần dò tìm radar còn được lưu trữ cho phép phân tích về sau này. Thực tế hiệu lực thật sự của hệ thống còn là một bí mật trong nhiều năm nữa. Quân đội Hoa Kỳ và các nhà sản xuất vẫn cho rằng hệ thống Patriot đã "hoạt động tuyệt diệu" trong Chiến tranh Vùng Vịnh. </s>
Nước biển có độ mặn không đồng đều trên toàn thế giới mặc dù phần lớn có độ mặn nằm trong khoảng từ 3,1% tới 3,8%. Khi sự pha trộn với nước ngọt đổ ra từ các con sông hay gần các sông băng đang tan chảy thì nước biển nhạt hơn một cách đáng kể. Nước biển nhạt nhất có tại vịnh Phần Lan, một phần của biển Baltic. Biển hở mặn nhất (nồng độ muối cao nhất) là biển Đỏ (Hồng Hải), do nhiệt độ cao và sự tuần hoàn bị hạn chế đã tạo ra tỷ lệ bốc hơi cao của nước bề mặt cũng như có rất ít nước ngọt từ các cửa sông đổ vào và lượng giáng thủy nhỏ. Độ mặn cao nhất của nước biển trong các biển cô lập (biển kín) như biển Chết cao hơn một cách đáng kể. </s>
Tỷ trọng của nước biển nằm trong khoảng 1.020 tới 1.030 kg/m³ tại bề mặt còn sâu trong lòng đại dương, dưới áp suất cao, nước biển có thể đạt tỷ trọng riêng tới 1.050 kg/m³hay cao hơn. Như thế nước biển nặng hơn nước ngọt (nước ngọt tinh khiết đạt tỷ trọng riêng tối đa là 1.000 g/ml ở nhiệt độ 4 °C) do trọng lượng bổ sung của các muối và hiện tượng điện giảo. Điểm đóng băng của nước biển giảm xuống khi độ mặn tăng lên và nó là khoảng -2 °C (28,4 °F) ở nồng độ 35‰. Do đệm hóa học, độ pH của nước biển bị giới hạn trong khoảng 7,5 tới 8,4. Vận tốc âm thanh trong nước biển là khoảng 1.500 m•s−1 và dao động theo nhiệt độ của nước cùng áp suất. </s>
Nước biển giàu các ion hơn so với nước ngọt. Tuy nhiên, tỷ lệ các chất hòa tan khác nhau rất lớn. Chẳng hạn, mặc dầu nước biển khoảng 2,8 lần nhiều các bicacbonat hơn so với nước sông dựa trên nồng độ phân tử gam, nhưng tỷ lệ phần trăm của bicacbonat trong nước biển trên tỷ lệ toàn bộ các ion lại thấp hơn so với tỷ lệ phần trăm tương ứng của nước sông do các ion bicacbonat chiếm tới 48% các ion có trong nước sông trong khi chỉ chiếm khoảng 0,41% các ion của nước biển. Các khác biệt như vậy là do thời gian cư trú khác nhau của các chất hòa tan trong nước biển; các ion natri và clorua có thời gian cư trú lâu hơn, trong khi các ion canxi (thiết yếu cho sự hình thành cacbonat) có xu hướng trầm lắng nhanh hơn. </s>
Các giả thuyết khoa học về nguồn gốc của muối trong nước biển đã bắt đầu có từ thời Edmond Halley vào năm 1715, người cho rằng muối và các khoáng chất khác đã được đưa ra biển bởi các con sông, do chúng được lọc qua các lớp đất nhờ mưa. Khi ra tới biển, các muối này có thể được giữ lại và cô đặc hơn nhờ quá trình bay hơi của nước (xem Chu trình thủy học). Halley cũng lưu ý rằng một lượng nhỏ các hồ trên thế giới mà không có các lối thoát ra đại dương (như biển Chết và biển Caspi) phần lớn đều có độ chứa muối cao. Halley đặt tên cho quá trình này là "phong hóa lục địa". </s>
Độ mặn của nước biển đã ổn định trong nhiều triệu năm, phần lớn có lẽ là do hệ quả của các hệ thống hóa học/kiến tạo làm cho muối bị trầm lắng, chẳng hạn các trầm lắng natri và clorua bao gồm các trầm tích evaporit và các phản ứng với bazan đáy biển. Kể từ khi các đại dương hình thành thì natri không còn được lọc ra từ đáy đại dương mà nó bị giữ lại trong các lớp trầm tích che phủ lên trên đáy đại dương. Một giả thuyết khác cho rằng các mảng kiến tạo đã làm cho muối bị giam hãm phía dưới các khối đất của lục địa và ở đó nó một lần nữa lại được thấm lọc dần tới bề mặt. </s>
Điều này xảy ra do lượng clorua natri trong máu người luôn được thận điều tiết và duy trì trong một khoảng hẹp chỉ khoảng 9 g/L (0,9% theo trọng lượng). Uống nước biển với nồng độ khoảng 3,5% các ion clorua và natri hòa tan) nhất thời gia tăng nồng độ các ion này trong máu. Điều này kích thích thận gia tăng hoạt động bài tiết natri, nhưng nồng độ natri của nước biển là cao hơn khả năng cô tối đa của thận. Cuối cùng, với lượng gia tăng thêm nữa của nước biển thì nồng độ natri trong máu sẽ vượt ngưỡng gây ngộ độc, nó loại bỏ nước từ mọi tế bào và gây trở ngại cho truyền dẫn tín hiệu thần kinh; gây ra ngập máu và loạn nhịp tim, có thể gây tử vong. </s>
Hồng Kông đang sử dụng một cách tích cực nước biển để dội rửa nhà vệ sinh trên phạm vi cả thành phố. Hơn 90% các nhà vệ sinh ở Hồng Kông được dội rửa bằng nước biển, như là một biện pháp để bảo tồn các nguồn nước ngọt. Sự phát triển của ý tưởng này đã bắt đầu từ những năm thập niên 1960 và 1970 khi sự thiếu nước ngọt đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng do dân số của thuộc địa này của Anh (thời điểm đó) tăng lên. Một khía cạnh thú vị của ý tưởng này là xử lý nước thải như thế nào. Nước mặn không thể xử lý (trong các xí nghiệp xử lý nước thải) bằng các phương pháp thông thường. </s>
Thậm chí trên tàu thuyền hay đảo ở giữa đại dương vẫn có hiện tượng "thiếu nước", Tất nhiên, ở đây là thiếu nước ngọt. Nước biển chỉ có thể trở thành nước uống được nhờ các quy trình khử muối như sử dụng các công nghệ của thiết bị bốc hơi chân không, thiết bị bốc hơi flash hay công nghệ thẩm thấu ngược. Tuy nhiên, các công nghệ đó rất tiêu tốn năng lượng và nó gần như không thực tế và không thể trong thời đại thuyền buồm trong giai đoạn thế kỷ 16 tới thế kỷ 19. Ngoài ra, nó không thể dùng để uống do nồng độ của các khoáng chất hòa tan trong nó là rất cao. </s>
Mặc dù một điều rõ ràng là con người không thể sống sót chỉ dựa vào mỗi nước biển, nhưng một số người lại tuyên bố rằng người ta có thể uống tới 2 cốc mỗi ngày, nếu trộn nó với nước ngọt theo tỷ lệ 2:3, mà không thấy xuất hiện các triệu chứng bệnh tật. Bác sĩ người Pháp Alain Bombard (1924-2005) tuyên bố rằng ông đã sống sót sau chuyến vượt đại dương trên một bè mảng nhỏ chỉ sử dụng nước biển và các sản vật khác thu được từ đại dương, nhưng tính chân thực trong các khám phá của ông là đáng ngờ. Trên bè Kon-Tiki năm 1947, Thor Heyerdahl (1914-2002) thông báo rằng việc uống nước biển trộn lẫn với nước ngọt theo tỷ lệ 40/60%. Năm 1954, một nhà thám hiểm khác là William Willis (1897-1968) đã tuyên bố rằng ông đã uống 2 cốc nước biển và một cốc nước ngọt mỗi ngày trong vòng 70 ngày mà không thấy các triệu chứng bệnh tật khi ông mất nguồn cung cấp nước ngọt. </s>
Puerto Rico (phiên âm tiếng Việt: Pu-éc-tô Ri-cô), tên gọi chính thức là Thịnh vượng chung Puerto Rico (tiếng Tây Ban Nha: Estado Libre Asociado de Puerto Rico) là một vùng quốc hải thuộc chủ quyền của Hoa Kỳ nhưng chưa được hợp nhất vào Hoa Kỳ. Puerto Rico nằm ở phía đông bắc vùng biển Caribbean, phía đông nước Cộng hòa Dominicana và phía tây Quần đảo Virgin. Lãnh thổ Puerto Rico bao gồm một quần đảo trong đó bao gồm đảo chính Puerto Rico và nhiều đảo nhỏ hơn xung quanh, lớn nhất là các đảo Vieques, Culebra và Mona. Trong nhóm 4 đảo Đại Antilles (bao gồm các đảo Cuba, Hispaniola, Jamaica và Puerto Rico), Puerto Rico là hòn đảo có diện tích nhỏ nhất nhưng lại đứng thứ ba về dân số. Tính đến năm 2008, dân số của Puerto Rico ước tính khoảng gần 4 triệu người. </s>
Lịch sử của đất nước Puerto Rico bắt đầu với những cộng đồng da đỏ bản địa, trong đó người Taino có một nền văn hóa khá phát triển và chiếm ưu thế tại hòn đảo trong thời gian dài. Năm 1493, Christopher Columbus đặt chân đến Puerto Rico trong chuyến hành trình thứ hai đến Tân thế giới. Hòn đảo này nhanh chóng được sáp nhập thành một thuộc địa của Đế chế Tây Ban Nha và những người dân da đỏ Taino dần dần bị tiêu diệt và thay thế bởi người châu Âu da trắng và các nô lệ da đen đến từ châu Phi. Trong cuộc chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha 1898, Mỹ chiếm đảo Puerto Rico làm thuộc địa. Ngày nay Puerto Rico là một nhà nước cộng hòa tồn tại dưới hình thức lãnh thổ thịnh vượng chung và chưa được hợp nhất chính thức vào nước Mỹ. Người dân Puerto Rico có chính phủ riêng và có một ủy viên cư dân không có quyền biểu quyết (non-voting resident commissioner) tại Quốc hội Hoa Kỳ. Tất cả người Puerto Rico đều là công dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên người Puerto Rico không được tham gia bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tại chính Puerto Rico nhưng họ có quyền bầu cử hay tranh cử tại bất cứ tiểu bang nào của Hoa Kỳ mà họ đến cư ngụ. </s>
Tình trạng chính trị hiện nay của hòn đảo, bao gồm khả năng trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ hay được độc lập, đang được bàn cãi rất nhiều tại Puerto Rico. Từ năm 1967, cử tri Puerto Rico đã bốn lần tham gia trưng cầu dân ý để xác định tình trạng của nó, nhưng đều với kết quả là giữ tình trạng như cũ cho đến cuộc trưng cầu dân ý năm 2012. Cuộc trưng cầu dân ý không có tính ràng buộc về mật pháp lý về tình trạng chính trị của hòn đảo mới nhất đã được tổ chức vào ngày 6 tháng 11 năm 2012. Kết quả là cử tri Puerto Rico đã bác bỏ sít sao tình trạng chính trị hiện tại (câu hỏi thứ nhất) và chấp thuận áp đảo việc trở thành tiểu bang của Hoa Kỳ như là một chọn lựa ưng ý (câu hỏi thứ hai). </s>
Những cư dân đầu tiên của đảo Puerto Rico là những thổ dân da đỏ thuộc bộ lạc Ortoiroid làm nghề sắn bắt và đánh cá. Những di chỉ tìm được về người Ortoiroid, hay người Arcaico được phát hiện năm 1990 được xác định có niên đại 2000 năm trước công nguyên. Trong khoảng giữa năm 120 và 400 sau công nguyên, người Igneri, một bộ lạc xuất xứ từ vùng châu thổ sông Orinoco, nơi ngày nay là Venezuela đã đến hòn đảo này. Giữa thế kỉ 4 và thế kỉ 10, người Arcaico và người Igneri đã cũng tồn tại trên hòn đảo, nhưng cũng có lẽ đã xung đột với nhau. Trong khoảng giữa thế kỉ 7 và thế kỉ 10, nền văn hóa Taino bắt đầu phát triển mạnh mẽ trên hòn đảo và đến khoảng năm 1000 thì lấn át hoàn toàn các nền văn hóa trước đó. Giai đoạn phát triển thịnh vượng của người Taino kéo dài cho đến khi người châu Âu phát kiến ra châu Mỹ năm 1492. </s>
Ngày 19 tháng 11 năm 1493, Christopher Columbus trong chuyến thám hiểm lần thứ hai của mình đã phát hiện ra đảo Puerto Rico. Lúc này, cư dân của hòn đảo là những người da đỏ châu Mỹ thuộc nền văn hóa Taino và họ gọi hòn đảo của mình là "Borikén", hay trong tiếng Tây Ban Nha là "Boriquen". Columbus đã đặt cái tên mới cho hòn đảo là San Juan Bautista để tưởng niệm thánh John Baptist. Sau đó, hòn đảo được đổi tiên thành Puerto Rico còn San Juan thì trở thành tên thủ phủ của hòn đảo. Năm 1508, Juan Ponce de Leon trở thành thống đốc đầu tiên của đảo Puerto Rico. </s>
Người Tây Ban Nha nhanh chóng chiếm toàn bộ đảo Puerto Rico làm thuộc địa. Những người thổ dân Taino hoặc bị giết trong những trận chiếm đẫm máu mà ưu thế thuộc về người Tây Ban Nha hay những bệnh dịch chết người từ châu Âu mà họ chưa tiếp xúc bao giờ, hoặc bị người Tây Ban Nha bắt làm nô lệ. Dân số Taino sụt giảm nhanh chóng đã buộc người Tây Ban Nha phải buôn nô lệ da đen từ châu Phi sang làm việc. Puerto Rico do vị trí địa lý chiến lược của mình trở thành một pháo đài phòng thủ quan trọng cho hệ thống thuộc địa to lớn của Tây Ban Nha tại Mỹ Latinh. Nhiều đồn lũy và các bức tường thành lớn được xây dựng như La Fortaleza, El Castillo, San Felipe del Morro hay El Castillo de San Cristobal để bảo vệ Puerto Rico khỏi sự dòm ngó của các cường quốc thù địch như Pháp, Hà Lan và Anh. Những nước này cũng từng cố chiếm Puerto Rico những đều không thành công. Tuy nhiên, sự giàu có tài nguyên của Puerto Rico chủ yếu mang lại sự thịnh vượng cho chính quốc chứ cư dân hòn đảo thì sống trong tình trạng nghèo khó. </s>
Cuộc chiến tranh Iberia nổ ra giữa Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Anh với quân Pháp đã tạo điều kiện cho nhiều thuộc địa của Tây Ban Nha ly khai đòi độc lập. Năm 1809, Ủy ban Trung ương Tối cao tại Cadiz ra quyết định công nhận Puerto Rico là một tỉnh hải ngoại của Tây Ban Nha và đảo này có quyền gửi đại diện đến quốc hội Tây Ban Nha. Tuy nhiên chính sách tiến bộ này chỉ được thực thi trong khoảng các năm 1810-1814 và 1820-1823 rồi bãi bỏ do sự trở lại nắm quyền của triều đình quân chủ của vua Ferdinand VII. Tuy nhiên nó cũng đã góp phần nâng cao tính dân tộc của người dân hòn đảo. </s>
Cuối thế kỉ 19, Puerto Rico và Cuba là hai thuộc địa cuối cùng còn ở lại với Tây Ban Nha tại châu Mỹ. Tuy nhiên, mâu thuẫn chính trị và sự nghèo đói của hòn đảo đã càng làm căng thẳng thêm mối quan hệ với chính quốc Tây Ban Nha. Năm 1868, cuộc nổi dậy "Grito de Lares" nổ ra tại thị trấn Lares, được lãnh đạo bởi người anh hùng Ramon Emeterio Betances, "người cha" của phong trào độc lập cho Puerto Rico. Nhưng khi tiến sang thị trấn San Sebatian, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị dập tắt. Năm 1897, Luis Munoz Rivera cùng một số người khác đã thuyết phục thành công chính phủ Tây Ban Nha trao quy chế tự trị cho người dân Cuba và Puerto Rico. Ngày 17 tháng 7 năm 1898, chính phủ tự trị đầu tiên của Puerto Rico nhậm chức nhưng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn ngủi. </s>
Đầu thế kỉ 20, Puerto Rico nằm dưới sự cai trị của quân đội Mỹ và thống đốc Puerto Rico đều là người được Tổng thống Mỹ chỉ định. Năm 1900, Đạo luật Foraker cho phép Puerto Rico có một số quyền lập chính phủ dân sự gồm có hạ viện do dân bầu. Đến năm 1917, Đạo luật Jones-Shafroth trao quyền công dân Mỹ cho người Puerto Rico cũng như cho phép lập ra thượng viện do dân bầu để Puerto Rico có đầy đủ một quốc hội lưỡng viện của riêng mình. Với quyền công dân Mỹ, nhiều thanh niên Puerto Rico đã tham gia quân đội Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và những cuộc chiến của Mỹ sau đó nữa. </s>
Những thập niên đầu tiên dưới sự cai trị của Mỹ, nhiều thảm họa tự nhiên liên tiếp xảy ra như động đất, sóng thần, các cơn bão nhiệt đới cũng như cuộc Đại khủng hoảng 1929 đã tàn phá nền kinh tế của đảo Puerto Rico. Trong nhân dân bắt đầu xuất hiện tư tưởng chống lại sự cai trị của Mỹ. Ngày 30 tháng 10 năm 1950, Pedro Albizu Campos, lãnh đạo Đảng Dân tộc Puerto Rico đã phát động cuộc khởi nghĩa Jayuya chống Mỹ. Hoa Kỳ tuyên bố tình trạng thiết quân luật và chấm dứt cuộc khởi nghĩa sau 3 ngày với việc sử dụng nhiều bộ binh, pháo binh và máy bay ném bom vào thị trấn Jayuya. Pedro Albizu Campos sau đó bị bắt giam vì tội âm mưu phản loạn nhằm lật độ chính phủ Mỹ tại Puerto Rico. Bên cạnh đó, những âm mưu ám sát tổng thống Harry Truman trong cùng năm 1950 cũng được những người dân tộc chủ nghĩa Puerto Rico thực hiện nhưng thất bại. </s>
Năm 1947 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử Puerto Rico khi chính phủ Mỹ trao quyền bầu cử thống đốc cho người dân hòn đảo. Luis Munoz Marin, người có công trong việc đàm phán với Mỹ trước đó đắc cử và trở thành thống đốc dân cử đầu tiên của Puerto Rico vào năm 1948. Năm 1950, tổng thống Truman cho phép Puerto Rico tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về quyền thành lập hiến pháp riêng của nước này. Hiến pháp địa phương của Puerto Rico chính thức được chính phủ Mỹ phê chuẩn vào ngày 6 tháng 2 năm 1952. Tổng thống Truman cũng thông qua hiến pháp này vào ngày 3 tháng 7 rồi được tuyên bố chính thức bởi thống đốc Munoz Marin vào ngày 25 tháng 7 cùng năm đó. Như vậy, Puerto Rico chính thức có bản hiến pháp của riêng mình và nước này phê chuẩn tên gọi Estado Libre Asociado, tạm dịch là "Thịnh vượng chung". </s>
Puerto Rico là một lãnh thổ chưa hợp nhất của Hoa Kỳ theo thể chế cộng hòa. Tất cả các quyền lực hiện tại của Puerto Rico là do Quốc hội Hoa Kỳ ủy quyền. Puerto Rico thiếu sự bảo vệ toàn phần từ Hiến pháp Hoa Kỳ vì không phải là một tiểu bang của Hoa Kỳ. Người đứng đầu nhà nước của Puerto Rico là tổng thống Mỹ. Chính quyền Puerto Rico theo chế độ cộng hòa, được tổ chức theo hệ thống tam quyền phân lập gồm ba nhánh: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhánh hành pháp được đứng đầu bởi thống đốc Puerto Rico, hiện nay là ngài Anibal Acevedo Vila. Nhánh lập pháp bao gồm Quốc hội Puerto Rico được chia làm hai viện: Thượng viện và Hạ viện. Người đứng đầu Thượng viện Puerto Rico là Chủ tịch Thượng viện, còn người đứng đầu Hạ viện là Chủ tịch Hạ viện (Speaker of the House) Puerto Rico. Nhánh tư pháp đứng đầu bởi Thấm phán trưởng Tòa án Tối cao Puerto Rico. Chức thống đốc và các đại biểu quốc hội được nhân dân bầu ra bốn năm một lần. Những thành viên của tòa án tối cao được thống đốc chỉ định với sự thông qua của Thượng viện. </s>
Từ năm 1952 đến này, chính trường Puerto Rico có sự phân chia giữa 3 đảng phái chính đại diện cho ba xu hướng chính trị khác nhau của đất nước này. Đảng Dân chủ Nhân dân Puerto Rico (PPD) muốn duy trì hiện trạng Puerto Rico với vai trò hiện nay là một lãnh thổ thịnh vượng chung thuộc Hoa Kỳ. Đảng thứ hai, Đảng Cấp tiến Mới Puerto Rico (PNP) muốn đưa Puerto Rico trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ còn trong khi đó, Đảng Độc lập Puerto Rico (PIP) lại muốn vùng đất này tách ra và trở thành một quốc gia độc lập. Năm 2007, một đảng thứ tư nữa là Đảng Puerto Rico cho người Puerto Rico (PPR) xuất hiện trên chính trường. Trải qua nhiều cuộc trưng cầu dân ý trong suốt 6 thập kỉ qua, người dân Puerto Rico chọn lựa giữ nguyên hiện trạng chính trị như hiện nay như một vùng lãnh thổ quốc hải của Hoa Kỳ. </s>
Nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới, Puerto Rico có khí hậu ấm áp quanh năm với nhiệt độ trung bình năm khoảng 26 °C (80 °F). Sự khác biệt về nhiệt độ giữa các tháng trong năm thường không lớn. Miền nam Puerto Rico có nhiệt độ cao hơn vài độ so với miền bắc, trong khi đó vùng cao nguyên và đồi núi trung tâm Puerto Rico thường có khí hậu mát mẻ hơn so với những vùng còn lại. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 5 còn mùa mưa diễn ra trong khoảng tháng 6 đến tháng 10, trùng với thời điểm hoạt động mạnh của những cơn bão từ Đại Tây Dương đổ vào, mang theo một lượng mưa lớn cho Puerto Rico. </s>
Cho đến tận đầu thế kỉ 20, nguồn lợi kinh tế chủ yếu của Puerto Rico vẫn chủ yếu xoay quanh ngành trồng và xuất khẩu mía đường. Thế nhưng đến thập niên 1940, một chính sách kinh tế mới đã được ban hành nhằm thay đổi hoàn toàn cục diện nền kinh tế hòn đảo với sự chuyển mình mạnh mẽ từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp đa dạng và được chính phủ Mỹ miễn thuế. Kinh tế Puerto Rico thời gian đầu tuy chịu nhiều biến động lớn, đặc biệt là cuộc Đại Khủng hoảng 1929 từ nước Mỹ nhưng sau đó đã phục hồi rất nhanh và hiện là một trong các nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất châu Mỹ. </s>
Tuy nhiên càng về sau, những điểm yếu của nền kinh tế Puerto Rico cũng dần bộc lộ và gây ra nhiều biến động khá lớn. Puerto Rico phải đối mặt với việc các doanh nghiệp chuyển địa điểm sang các nước Mỹ Latinh khác có giá nhân công rẻ hơn. Tình trạng kinh tế khó khăn giữa các cuộc khủng hoảng kinh tế khiến người dân Puerto Rico có chiều hướng di dân ra nước ngoài, đặc biệt là tới Mỹ để tìm kiếm công việc tốt hơn. Đặc biệt vào năm 2006, Puerto Rico diễn ra cuộc khủng hoảng ngân quỹ trầm trọng khiến nhiều cơ quan chính phủ và 1536 trường công phải đóng cửa, gần 96 000 người bị cho nghỉ việc. Những chính sách thuế mới sau đó đã giẩi quyết cuộc khủng hoảng này nhưng vẫn còn nhiều thách thức khó khắc phục. Vài năm trở lại đây, Puerto Rico rơi vào tình trạng suy giảm kinh tế. Nếu như năm 2006, mức tăng GDP còn ở mức 0,5% thì đến năm 2007 xuống còn -1,8%, năm 2008 xuống đến -2%. </s>
Ngày nay Puerto Rico là một quốc gia có nền kinh tế cơ cấu hiện đại với nông nghiệp chỉ chiếm 1%, công nghiệp chiếm 45% và dịch vụ chiếm 54%. Ngành trồng mía đường nay đã nhường lại cho ngành chăn nuôi lấy sản phẩm từ thịt và sữa. Công nghiệp của Puerto Rico phát triển đa dạng và nhấn mạnh các ngành hóa dầu, dược phẩm và khoa học công nghệ. Du lịch là một trong những ngành dịch vụ chủ đạo của Puerto Rico với việc nước này đón tiếp 5,9 triệu lượt du khách vào năm 2007, đem lại một nguồn doanh thu lớn cho hòn đảo. Nhiều khách sạn, các khu nghỉ dưỡng, trung tâm hội thảo lớn như Trung tâm Hội nghị Puerto Rico được xây dựng đã tận dụng triệt để ưu thế du lịch của đất nước tươi đẹp này. </s>
Tuy gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây, song Puerto Rico vẫn là một trong những nền kinh tế phát triển nhất khu vực Mỹ Latinh. Puerto Rico là một trong những đầu tàu kinh tế vùng Caribbean cùng với Cuba và Cộng hòa Dominicana, và Ngân hàng Thế giới xếp Puerto Rico vào nhóm các nước có thu nhập bình quân cao. Năm 2007, thu nhập bình quân của nước này là 19.600 USD, tuy nhiên vẫn còn thua nếu so với bang nghèo nhất của nước Mỹ là Mississippi với thu nhập 24.062 USD. Tỉ lệ thất nghiệp của Puerto Rico cũng ở mức khá cao 11,7%, trong khi bang thất nghiệp nhiều nhất nước Mỹ là Michigan có tỉ lệ 7,7% và mức trung bình của nước Mỹ là 4,4%. Năm 1998, Chỉ số Phát triển Con người của Puerto Rico đạt 0,942 điểm, con số cao nhất vùng Mỹ Latinh. </s>
Những cư dân đầu tiên sinh sống tại Puerto Rico là người da đỏ châu Mỹ, sau đó được tiếp nối bởi người da trắng gốc châu Âu và người da đen gốc châu Phi. Thế kỉ 19 đánh dấu một giai đoạn bùng nổ dân nhập cư vào Puerto Rico khi hàng trăm gia đình đổ vào đất nước này để được cấp đất theo Sắc lệnh năm 1815, theo đó cung cấp một lượng đất đai cho những người dân gốc châu Âu theo Công giáo Rôma. Chủ yếu người da trắng tại Puerto Rico có tổ tiên là người Tây Ban Nha, bên cạnh đó cũng có một số dân tộc khác như Bồ Đào Nha, Ý, Scotland, Ireland, Đức... Người da đen đến Puerto Rico trên những con tàu buôn nô lệ đã góp phần làm nên sự đa dạng chủng tộc tại hòn đảo này. Bên cạnh đó, Puerto Rico còn có một cộng đồng người gốc châu Á với các sắc dân Trung Quốc, Liban. Người dân các nước Mỹ Latinh cũng góp thêm vào các dòng người nhập cư từ Colombia, Venezuela, Argentina, Cuba và Cộng hòa Dominicana. Tình trạng nhập cư vào thế kỉ 19 này đã khiến dân số Puerto Rico tăng nhanh, từ 155.000 người vào năm 1800 đến gần 1 triệu người vào cuối thể kỉ 19. Cuộc thống kê điều tra dân số năm 1858 đã cho thấy tỉ lệ chủng tộc tại Puerto Rico như sau: 300.430 người da trắng, 341.015 người da màu tự do và 41.736 nô lệ. </s>
Công giáo Rôma là tôn giáo lớn lâu đời nhất tại Puerto Rico (nếu không kể những tôn giáo bản địa) và cho đến ngày nay vẫn là tôn giáo chủ yếu tại nước này. Mỗi thành phố tự trị của Puerto Rico đều có ít nhất một nhà thờ tại khu trung tâm, hay được gọi là plaza. Dưới sự cai trị của người Tây Ban Nha, Đạo Tin lành bị đàn áp nhưng lại được khuyến khích khi gia nhập nước Mỹ. Người Taino bản địa gần đây đang khôi phục lại một số truyền thống tôn giáo của họ, trong khi một số người châu Phi cũng gìn giữ những tôn giáo xa xưa của tổ tiên. </s>
Văn hóa Puerto Rico là sự hòa trộn giữa bốn dòng văn hóa: văn hóa Taino bản địa, văn hóa Tây Ban Nha, văn hóa Châu Phi và văn hóa Mỹ. Người Taino ngày nay tuy chỉ chiếm một tỉ lệ dân số nhỏ bé song họ vẫn giữ một số tên gọi truyền thống về địa danh, các món ăn, nhạc cụ và một số lượng từ vựng trong tiếng Tây Ban Nha ngày nay của Puerto Rico. Người da đen gốc châu Phi lại có ảnh hưởng trong lĩnh vực âm nhạc với "bomba và plena", một thể loại loại âm nhạc và nhảy múa với các nhạc cụ bộ gõ và maraca. Người Tây Ban Nha mang đến tiếng Tây Ban Nha, đạo Thiên chúa và những giá trị tinh thần và văn hóa của châu Âu cổ kính. Dòng văn hóa thứ tư đến từ nước Mỹ với tiếng Anh, hệ thống giáo dục đại học và các giá trị văn hóa hiện đại thể hiện trong điện ảnh, âm nhạc. Năm 1903, Trường Đại học Puerto Rico được chính quyền Mỹ thành lập, 5 năm sau khi Puerto Rico trở thành một bộ phần của nước này. </s>
Bóng chày là môn thể thao phổ biến nhất tại Puerto Rico và nước này có hẳn một mùa giải bóng chày chuyên nghiệp riêng được tổ chức vào mùa đông. Quyền anh, bóng rổ và bóng chuyền cũng là những môn thể thao rất phổ biến tại đất nước này. Puerto Rico tham dự hầu hết các giải thi đấu thể thao quốc tế như Thế vận hội Mùa hè, Thế vận hội Mùa đông, Đại hội Thể thao châu Mỹ (Pan American Games), Đại hội Thể thao Trung Mỹ và Caribbean. Puerto Rico đã từng giành được 6 huy chương (1 bạc, 5 đồng) trong lịch sử tham dự các kỳ Thế vận hội, lần đầu tiên vào năm 1948 với chiếc huy chương đồng môn quyền anh của Juan Evangelista Venegas. </s>
Nam Ossetia (tiếng Ossetia: Хуссар Ирыстон, Khussar Iryston; tiếng Gruzia: სამხრეთ ოსეთი, Samkhret Oseti; tiếng Nga: Южная Осетия, Yuzhnaya Osetiya) là một vùng ở Nam Kavkaz, nguyên là tỉnh tự trị Ossetia bên trong Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Gruzia, một phần lãnh thổ này đã độc lập trên thực tế khỏi Gruzia kể từ khi lãnh thổ này tuyên bố độc lập thành Cộng hòa Nam Ossetia trong cuộc xung đột Gruzia-Ossetia đầu thập niên 1990. Chính phủ Gruzia phản ứng lại bằng cách bãi bỏ quyền tự trị của Nam Ossetia và cố gắng chiếm lại khu vực bằng vũ lực, điều này đã dẫn đến chiến tranh Nam Ossetia 1991-1992. Có thêm hai cuộc xung đột để cố gắng chiếm lại Nam Ossetia năm 2004 và 2008. Cuộc xung đột cuối cùng đã dẫn đến chiến tranh Nam Ossetia 2008, kết quả là Nga công nhận độc lập cho Nam Ossetia và Abkhazia. </s>
Về mặt ngoại giao, 189 trên tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc (ngoại trừ Nga, Venezuela, Nicaragua, và Nauru) không công nhận Nam Ossetia mà vẫn tiếp tục xem lãnh thổ này là một bộ phận của Gruzia. Gruzia vẫn giữ quyền kiểm soát với các khu vực phía đông và phía nam của vùng này, nơi mà vào tháng 4 năm 2007, họ đã lập ra một Cơ quan hành chính lâm thời thực thể Nam Ossetia) đứng đầu bởi người Ossetia (các thành viên cũ của chính phủ ly khai) có thể đàm phán với các chính quyền trung ương Gruzia về tình trạng cuối cùng của vùng cũng như giải pháp cho cuộc xung đột. </s>
Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Hội đồng Liên minh châu Âu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tất cả các quốc gia khác trên thế giới công nhận Nam Ossetia là một phần lãnh thổ Gruzia. Tuy nhiên, trên thực tế nước cộng hòa độc lập này, được cai quản bởi một chính phủ ly khai, đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập vào ngày 12 tháng 11 năm 2006, sau cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên vào năm 1992 không được cộng đồng quốc tế coi là hợp pháp. Theo cơ quan bầu cử của Tskhinvali, cuộc trưng cầu dân ý kết thúc với đa số người đồng ý giành độc lập từ Gruzia với 99% người dân Nam Ossetian ủng hộ trong số 95% người đi bầu và cuộc trưng cầu này đã được giám sát bởi một đội 34 quan sát viên từ Đức, Áo, Ba Lan, Thụy Điển và các quốc gia khác tại 78 điểm bầu cử. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu này không được Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu, OSCE, NATO và Liên bang Nga công nhận, vì thiếu sự tham gia của cộng đồng người Gruzia và cũng không được chính phủ tại Tbilisi công nhận. Liên minh châu Âu, OSCE và NATO lên án cuộc trưng cầu dân ý. Song song với cuộc trưng cầu này, những người ly khai cũng tổ chức một cuộc bầu cử, phong trào đối lập Ossetia (Liên minh Bảo vệ Nam Ossetia) tại Kokoity, tự tổ chức cuộc bầu cử của riêng mình, trong đó cả người Gruzia và một số người Ossetia trong vùng ủng hộ Dmitri Sanakoev lên làm tổng thống Nam Ossetia. Cuộc bầu cử ủng hộ Sanakoev được tuyên bố là có sự ủng hộ hoàn toàn của sắc tộc Gruzia. Năm 2007, Dmitri Sanakoev trở thành lãnh đạo của Cơ quan quản lý lâm thời Nam Ossetia. </s>
Người Ossetia ban đầu là hậu duệ của Alans, một nhóm bộ tộc Sarmatia. Họ đã trở thành tín đồ Thiên chúa giáo thời đầu Trung Cổ dưới những ảnh hưởng của Gruzia và Đế quốc Đông La Mã. Trong thời kỳ cai trị của Mông Cổ, họ bị đẩy khỏi quê hương và phải di cư về phía nam sông Đông tại vùng ngày nay thuộc nước Nga và một phần phải di cư về phía vùng đồi núi Kavkaz, tới Gruzia nơi họ lập lên ba thực thể lãnh thổ riêng biệt. Digor ở phía tây rơi vào vùng ảnh hưởng của người Kabard láng giềng, và theo Đạo Hồi. Tualläg ở phía nam ngày nay trở thành Nam Ossetia, một phần của công quốc lịch sử Samachablo thuộc Gruzia nơi người Ossetia lánh lạn trước quân xâm lược Mông Cổ. Iron ở phía bắc ngày nay trở thành Bắc Ossetia, dưới quyền cai quản của Nga từ năm 1767. Đa số người dân Ossetia hiện là tín đồ Thiên chúa giáo (xấp xỉ 61%); cũng có một thiểu số khá đông người Hồi giáo. </s>
Nam Ossetia ngày nay đã bị Nga sáp nhập năm 1801, cùng với Gruzia, và trở thành một phần của Đế quốc Nga. Sau cuộc Cách mạng tháng 10, Nam Ossetia trở thành một phần của nước Cộng hòa Dân chủ Gruzia Menshevik, trong khi miền bắc thành một phần của nước Cộng hòa Xô viết Terek. Vùng này đã trải qua một loạt các cuộc nổi dậy Ossetia với nhiều lần tuyên bố độc lập. Chính phủ Gruzia đã buộc tội người dân Ossetia hợp tác với những người Bolshevik. Theo các nguồn tin của Ossetia khoảng 5.000 người Ossetia đã bị giết hại và hơn 13.000 người sau đó đã chết vì đói khát và bệnh dịch. </s>
Xô viết Tối cao Gruzia đã thông qua một luật ngăn cấm các đảng khu vực vào mùa hè năm 1990. Hành động này bị người Ossetia coi là một động thái chống lại Ademon Nykhas và khiến người dân Ossetia tuyên bố thành lập Cộng hòa Dân chủ Xô viết, với đầy đủ chủ quyền bên trong Liên bang các nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết. Người dân Ossetia đã tẩy chay cuộc bầu cử nghị viện Gruzia sau đó và tổ chức cuộc bầu cử của riêng mình vào tháng 12. Chính phủ Gruzia dưới sự lãnh đạo của Zviad Gamsakhurdia đã tuyên bố cuộc bầu cử này là bất hợp pháp và xóa bỏ vị thế tự trị của nó vào ngày 11 tháng 12 năm 1990. </s>
Xung đột vũ trang bùng phát hồi cuối năm 1991 trong đó nhiều làng mạc Nam Ossetia đã bị tấn công và đốt phá tương tự như nhiều ngôi nhà và trường học của người Gruzia tại Tskhinvali, thủ đô của Nam Ossetia. Hậu quả, xấp xỉ 1.000 người chết và khoảng 100.000 người Ossetia đã phải bỏ chạy khỏi lãnh thổ Gruzia, đa số qua biên giới vào Bắc Ossetia. Khoảng 23.000 người Gruzia khác cũng đã phải rời bỏ Nam Ossetia và định cư tại những khu vực khác ở Gruzia. Nhiều người dân Nam Ossetia đã tái định cư tại những vùng không có người sinh sống ở Bắc Ossetia nơi người Ingush đã bị Stalin trục xuất năm 1944, dẫn tới những cuộc xung đột giữa người Ossetia và người Ingush về quyền sinh sống tại lãnh thổ cũ của người Ingush. </s>
Khi Liên bang Xô viết giải tán, chính phủ Hoa Kỳ công nhận các biên giới thời trước Hiệp ước Molotov-Ribbentrop năm 1933 của nước này (chính phủ Franklin D. Roosevelt đã thiết lập các quan hệ ngoại giao với Kremlin ở thời điểm cuối năm đó). Vì điều này, chính quyền George H. W. Bush công khai ủng hộ sự ly khai của các nước vùng Baltic, nhưng coi các vấn đề liên quan tới các cuộc xung đột giành độc lập và lãnh thổ của Gruzia, Armenia, Azerbaijan và phần còn lại của Transcaucasus — là phần không thể tách rời của Liên bang Xô viết với các biên giới quốc tế không hề thay đổi từ thập niên 1920 — là vấn đề nội bộ của Liên Xô. </s>
Năm 1992, Gruzia bị buộc phải chấp nhận ngừng bắn để tránh sự leo thang xung đột với Nga. Chính phủ Gruzia và những người ly khai Nam Ossetia đã đạt được một thỏa thuận ngừng sử dụng vũ lực chống lẫn nhau, và Gruzia cam kết không sử dụng các biện pháp trừng phạt chống Nam Ossetia. Tuy nhiên, chính phủ Gruzia vẫn giữ quyền kiểm soát với những phần nhỏ bên trong Nam Ossetia, gồm cả thị trấn Akhalgori. Một lực lượng gìn giữ hòa bình gồm người Ossetia, người Nga và người Gruzia được thành lập. Ngày 6 tháng 11 năm 1992, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) thành lập một phái bộ ở Gruzia để giám sát chiến dịch gìn giữ hòa bình. Từ đó, cho tới giữa năm 2004 Nam Ossetia nói chung ở trong cảnh hòa bình. Vào tháng 6 năm 2004, căng thẳng bắt đầu tăng lên khi chính quyền Gruzia tăng cường các nỗ lực chống lại nạn buôn lậu trong vùng. Những vụ bắt cóc con tin, bắn giết và thỉnh thoảng cả đánh bom đã khiến hàng chục người thiệt mạng và bị thương. Một thỏa thuận ngừng bắn được ký ngày 13 tháng 8 dù nó liên tục bị vi phạm. Tình hình trở nên rất căng thẳng với mối đe dọa chiến tranh. Moskva và Tskhinvali tỏ ra thận trọng trước những hành động tăng cường binh lực của Gruzia. </s>
Chính phủ Gruzia phản đối sự liên tục tăng cường hiện diện về kinh tế và chính trị của Nga trong vùng và phản đối quân đội không bị kiểm soát của phía Nam Ossetia. Nước này cũng coi lực lượng gìn giữ hòa bình là không trung lập và yêu cầu thay thế. Lời chỉ trích này đã được một số người ủng hộ, như Richard Lugar, tuy nhiên vào ngày 5 tháng 10 năm 2006, Javier Solana, Cao ủy về Đối ngoại và Chính sách An ninh của Liên minh châu Âu, đã bác bỏ khả năng thay thế binh lính gìn giữ hòa bình Nga bằng lực lượng của Liên minh châu Âu. Phái viên của Liên minh châu Âu về Nam Kavkaz Peter Semneby sau đó đã nói rằng "các hành động của Nga trong cuộc tranh cãi gián điệp Gruzia đã gây phương hại tới lòng tin cũng như tính trung lập của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở các nước láng giềng vùng Biển Đen." </s>
Cộng hòa Nam Ossetia là sự pha trộn của những thị trấn và làng mạc nơi sinh sống của người Gruzia và người Ossetia. Thành phố thủ đô Tskhinvali với đa số dân là người Ossetia cùng các cộng đồng người Ossetia khác do chính phủ ly khai quản lý, trong khi các làng và thị trấn của người Gruzia do chính phủ Gruzia quản lý. Sự gẫn gũi và tương tác giữa hai cộng đồng đã khiến cuộc xung đột ở Nam Ossetia trở nên đặc biệt nguy hiểm, bởi bất kỳ nỗ lực nào nhằm thanh lọc sắc tộc đều có thể dẫn tới một cuộc di dân ở quy mô lớn. </s>
Tranh cãi chính trị vẫn chưa được giải quyết và chính quyền ly khai Nam Ossetia vẫn cai quản vùng này với sự độc lập thực sự khỏi Tbilisi. Dù những cuộc đàm phán đã được tổ chức định kỳ giữa hai phía, ít có tiến bộ đạt được dưới thời chính phủ Eduard Shevardnadze (1993–2003). Người kế nhiệm ông ta Mikheil Saakashvili (được bầu năm 2004) đã coi việc đòi lại Nam Osseatia là nhiệm vụ chính trị ưu tiên. Sau thành công chấm dứt nền độc lập trên thực tế của tỉnh phía tây Ajaria vào tháng 5 năm 2004, ông đã hứa thực hiện điều tương tự với Nam Ossetia. Sau những cuộc xung đột năm 2004, chính phủ Gruzia đã tăng cường nỗ lực nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế với vấn đề. Ngày 25 tháng 1 năm 2005, Tổng thống Saakashvili đã đệ trình một đề xuất của Gruzia nhằm giải quyết vấn đề Nam Ossetian ra trước kỳ họp của Ủy ban Nghị viện châu Âu (PACE) ở Strasbourg. Cuối tháng 10, Chính phủ Mỹ và OSCE bày tỏ sự ủng hộ với kế hoạch hành động của Gruzia được Thủ tướng Zurab Noghaideli đệ trình tại Ủy ban Thường trực OSCE ở Viên ngày 27 tháng 10 năm 2005. Ngày 6 tháng 10, Ủy ban Bộ trưởng OSCE tại Ljubljana thông qua một nghị quyết ủng hộ kế hoạch hòa bình của Gruzia nghị quyết này đã bị chính quyền Nam Ossetia bác bỏ. </s>
Ngày 11 tháng 9 năm 2006, Ủy ban Thông tin và Báo chí Nam Ossetia thông báo rằng nước cộng hòa này sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập (cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên vào năm 1992 đã không được cộng đồng quốc tế coi là hợp pháp) vào ngày 12 tháng 11 năm 2006. Các cử tri sẽ quyết định việc Nam Ossetia "sẽ duy trì tình trạng hiện tại hay trở thành một nhà nước độc lập". Gruzia lên án hành động này như một "điều ngớ ngẩn chính trị". Tuy nhiên, ngày 13 tháng 9 năm 2006, Tổng thư ký Hội đồng châu Âu (CoE) Terry Davis đã bình luận về vấn đề, nói rằng có lẽ không ai sẽ chấp nhận các kết của cuộc trưng cầu dân ý này và hối thúc chính phủ Nam Ossetia tham gia các cuộc đàm phán với Gruzia. Ngày 13 tháng 9 năm 2006 Đại diện Đặc biệt của Liên minh châu Âu tại Nam Caucasus, Peter Semneby, khi viếng thăm Moskva, đã nói: "Các kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về độc lập tại Nam Ossetia sẽ không có ý nghĩa với Cộng đồng châu Âu". Peter Semneby cũng thêm rằng cuộc trưng cầu dân ý này sẽ không góp phần giải quyết cuộc xung đột ở Nam Ossetia. </s>
Nhóm này được lãnh đạo bởi cựu bộ trưởng quốc phòng và khi ấy đang giữ chức thủ tướng chính phủ ly khai Dmitri Sanakoev đã tổ chức cái gọi là cuộc bầu cử thay thế, ngày 12 tháng 11 năm 2006 song song với cuộc bầu cử do chính quyền ly khai tại Tskhinvali tổ chức. Hội đồng bầu cử cũng đã đưa ra một kết quả rất cao, với ước tính hơn 42.000 cử tri cả người Ossetia (quận Java và Tskhinvali) và người Gruzia (Eredvi, Tamarasheni, vân vân) trong các cộng đồng Nam Ossetia và Sanakoev được thông báo đã nhận được 96% phiếu bầu. Một cuộc trưng cầu dân ý khác cũng đã được tổ chức ngay sau khi một yêu cầu khởi động các cuộc đàm phán với Gruzia về một thỏa thuận liên bang cho Nam Ossetia nhận được 94% phiếu ủng hộ. Tuy nhiên Liên minh Bảo vệ Nam Ossetia đã bác bỏ một yêu cầu từ một tổ chức phi chính phủ của Gruzia, "Gruzia Đa quốc gia", để giám sát cuộc trưng cầu này và những kết quả được đưa ra dường như đã bị thổi phồng. </s>
Nam Ossetia bao phủ khoảng 3.900 km² ở phần phía nam Kavkaz, bị chia cắt bởi những dãy núi với vùng Bắc Ossetia (một phần của Nga) đông đúc dân cư và trải dài về phía nam đến tận cong sông Mtkvari bên trong Gruzia. Vùng này đặc biệt nhiều núi non, đa số diện tích nằm ở độ cao 1.000 m (3.300 ft) trên mực nước biển. Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, dù chưa tới 10% đất đai Nam Ossetia có thể canh tác. Ngũ cốc, hoa quả, rượu là các sản phẩm chủ yếu. Công nghiệp rừng và gia súc cũng tồn tại, đặc biệt xung quanh thủ đô Tskhinvali. </s>
Họ Formicidae thuộc bộ Hymenoptera, bộ này cũng bao gồm sawfly, ong và tò vò Kiến nằm cùng nhánh với ong Vò vẽ. Phân tích phát sinh loài cho thấy kiến tách ra từ Kỷ Creta-giữa cách đây khoảng 110 đến 130 triệu năm. Sau khi thực vật có hoa tách ra cách đây khoảng 100 triệu năm kiến đã đa dạng hóa và được cho là thống trị chủ yếu vào khoảng cách đây 60 triệu năm. Năm 1966, E. O. Wilson và đồng sự của ông đã xác định các hóa thạch kiến (loài Sphecomyrma freyi) sống trong kỷ Creta. Tiêu bản này nằm trong hổ phách được định tuổi là hơn 80 triệu năm và mang các đặc điểm của kiến và wasp. Sphecomyrma có thể kiếm ăn trên mặt đất nhưng một số tác giả dựa trên các nhóm nguyên thủy Leptanillinae và Martialinae nên các loài kiến nguyên thủy có thể là các loài săn mồi dưới mặt đất. </s>
Trong suốt kỷ Creta, một vài loài kiến nguyên thủy phân bố rộng khắp trên siêu lục địa Laurasia (bán cầu bắc). Chúng hiếm gặp so với các loài côn trùng khác, và chỉ chiếm 1% trong tổng các cá thể côn trùng. Kiến trở nên phổ biến sau sự kiện tỏa nhánh thích nghi vào đầu kỷ Paleogen. Vao Oligocene và Miocene kiến chiếm 20-40% tất cả các côn trùng được tìm thấy trong hầu hết các trầm tích hóa thạch chính. Một trong số các loài sống trong Eocene thì còn khoảng 1/10 các chi hiện còn tồn tại đến ngày nay. Các chi còn tồn tại đến ngày nay chiếm 56% trong các chi được phát hiện trong hổ phách vùng Baltic (đầu Oligocene), và 92% các chi trong hổ phách ở Dominica (xuất hiện đầu Miocene). </s>
Kiến được tìm thấy trên tất cả các lục địa trừ Nam Cực, và chỉ có một vài quần đảo lớn như Greenland, Iceland, các phần của Polynesia và Hawaii thì không có các loài kiến bản địa. Kiến chiếm một dải các hốc sinh thái rộng, và có thể khai thác một dải rộng các nguồn thực phẩm hoặc trực tiếp hoặc là các động vật ăn cỏ, săn mồi và ăn xác chết gián tiếp. Hầu hết các loài kiến là động vật ăn tạp nhưng một vài loài chỉ ăn một thứ đặc trưng. Sự thống trị sinh thái của chúng có thể đo đạc thông qua sinh khối của chúng, và theo ước tính trong các môi trường khác nhau cho thấy rằng chúng đóng góp khoảng 15-20% (trung bình gần 25% ở các vùng nhiệt đới) trong tổng sinh khối động vật đất liền, cao hơn cả sinh khối của động vật có xương sống. </s>
Kiến có kích thước thay đổi từ 0,75 đến 52 milimét (0,030 đến 2,0 in), loài lớn nhất là hóa thạch của Titanomyrma giganteum, kiến chúa có chiều dài 6 xentimét (2,4 in) với sải cách 15 xentimét (5,9 in). Kiến có nhiều màu sắc khác nhau, hầu hết chúng có màu đỏ hoặc đen, nhưng một vài loài có màu lục và các loài ở vùng nhiệt đới có ánh kim loại. Hơn 15.000 loài kiến hiện đã được phát hiện (với ước tính vào khoảng 22.000 loài) (xem danh sách các chi kiến), trong đó đa dạng hóa lớn nhất là ở các vùng nhiệt đới. Các nghiên cứu về phân loại học vẫn đang tiến hành để giải quyết những tồn tại liên quan đến họ kiến. Cơ sở dữ liệu các loài kiến như "AntBase" và "Hymenoptera Name Server" giúp theo dõi các loài kiến đã biết và các loài mới được miêu tả. Việc dễ dàng nghiên cứu các loài kiến như là một loài chỉ thị trong các hệ sinh thái là một thuận lợi cho nghiên cứu đa dạng sinh học. </s>
Thông thường có khoảng 100.000 con kiến trong một đàn nhưng tất cả chúng chỉ có một kiến chúa. Những con kiến mà mắt thường chúng ta thường hay nhìn thấy là kiến thợ. Công việc của chúng là chăm sóc kiến chúa, ấp trứng, chuyển trứng, nuôi kiến con, tìm kiếm thức ăn, đào đất xây dựng tổ, canh gác tổ (kiến lính)...Tất cả những con kiến thợ này đều là kiến cái nhưng chúng không thể sinh sản được vì cơ cấu giới tính của chúng chưa phát triển đầy đủ. Các con kiến trong mỗi tổ phân biệt với những con cùng loài khác tổ bằng mùi. </s>
Hầu hết kiến đều không có cánh, khi chúng sống trong tổ trong thời gian dài và được che chở, nơi này sẽ tạo ra cánh cho chúng. Trong một khoảng thời gian ngắn mỗi năm, thường là vào những mùa ấm áp hay oi bức, kiến bay đầy trời. Đó chính là những con kiến đực và cái (đã trưởng thành, có thể sinh sản được) đang phối giống. Phối giống xong, con đực chết, cánh của những con đực rụng xuống cộng với phần cơ bắp của chúng chính là thức ăn duy trì sự sống cho con cái để sản sinh ra những con kiến thợ đầu tiên. Những con kiến thợ này đi kiếm ăn cho các con đẻ sau và cho kiến chúa. </s>
Kiến ăn nhiều loại thức ăn. Một số ăn hạt giống, săn động vật khác và có cả loài ăn nấm... nhưng hầu hết chúng thích đồ ngọt & mật của rệp vừng. Hầu hết những gì chúng làm được là do bản năng (nghĩa là chúng không phải nghĩ hay tập làm những công việc này để làm như thế nào?). Các con kiến tìm mồi ở khắp mọi nơi, đôi khi lấy của các tổ khác. Việc di chuyển thức ăn của chúng tương đối thuận lợi do có tính tập thể cao, chúng cùng nhau rìu thức ăn về tổ thành từng đàn, theo từng hàng lối nghiêm chỉnh. </s>
Mitterrand sinh tại Jarnac, Charente, và được rửa tội với tên gọi François Maurice Adrien Marie Mitterrand. Gia đình ông nhiệt tâm theo Cơ đốc giáo La Mã và rất bảo thủ. Cha ông, Joseph Gilbert Félix, làm kỹ sư cho la Compagnie Paris Orléans, cha dượng của ông là một người làm dấm và sau này làm chủ tịch liên đoàn những người làm dấm (Fédération des syndicats de fabricants de vinaigre). Bà ngoại của Joseph là một phụ nữ quý tộc, hậu duệ của cả Fernando III của Castile và Jean de Brienne của Jerusalem. Mẹ Mitterrand là Marie Gabrielle Yvonne Lorrain, một cháu họ xa của Giáo hoàng John XXII. Ông có ba người anh em trai (Robert, Jacques và Philippe) và bốn chị em gái. Vợ ông, Danielle Mitterrand tên khi sinh Gouze, là người xã hội và đã tham gia nhiều phong trào cánh tả. Họ cưới ngày 24 tháng 10 năm 1944 và có ba con trai: Pascal (10 tháng 6 năm 1945 – 17 tháng 9 năm 1945), Jean-Christophe, sinh năm 1946, và Gilbert Mitterrand, sinh ngày 4 tháng 2 năm 1949. Ông cũng có một con gái Mazarine sinh năm 1974 với Anne Pingeot. Cháu trai của ông Frédéric Mitterrand là một nhà báo, hiện là "Bộ trưởng Văn hoá và Viễn thông" (và là một người ủng hộ Jacques Chirac, cựu tổng thống Pháp), và Roger Hanin anh rể của ông là một diễn viên nổi tiếng. Theo tin của hãng thông tấn AFP, một chính trị gia trẻ tuổi người Thuy Điển (Hravn Forsne, 25 tuổi) đang ứng cử cho đảng bảo thủ vào Quốc hội, trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo địa phương cho biết mình là con trai của François Mitterrand, và có gặp ông ta 5, 6 lần. Mẹ ông, một đặc phái viên cho tờ báo „Aftonbladet" và cho đài truyền hình Thụy Điển ở Pháp, có thú nhận là có quan hệ tình dục nhiều năm với Mitterand, nhưng im lặng không cho biết ai là cha của con trai mình. </s>
Mitterrand học tập từ năm 1925 đến năm 1934 tại collège Saint-Paul ở Angoulême, nơi ông trở thành một thành viên của JEC (Jeunesse étudiante chrétienne), tổ chức sinh viên của Action catholique. Tới Paris vào mùa thu năm 1934, sau đó ông vào École Libre des Sciences Politiques cho tới năm 1937, và nhận được bằng vào tháng 7 năm đó. Mitterrand trở thành thành viên của Volontaires nationaux (Người tình nguyện Quốc gia) trong vòng một năm, đây là một tổ chức liên quan tới liên đoàn cực hữu của François de la Rocque, Croix de Feu; liên đoàn vừa tham gia vào những cuộc bạo loạn ngày 6 tháng 2 năm 1934 dẫn tới sự sụp đổ của Cartel des Gauches (Liên minh cánh Tả) thứ hai.. Trái ngược với điều ông vẫn thường nói, ông không bao giờ tham gia vào Đảng Xã hội PHáp (PSF) là tổ chức kế tục Croix de Feu và có thể được coi là đảng đa số cánh hữu đầu tiên của Pháp. Tuy nhiên, ông có viết các bài báo trên tờ L'Echo de Paris, gần gũi với PSF. Ông tham gia vào các cuộc tuần hành bài ngoại chống lại "sự xâm lăng métèque" vào tháng 2 năm 1935 và sau đó vào những cuộc tuần hành phản đối giáo sư luật Gaston Jèze, người từng được chỉ định làm cố vấn pháp lý của Negus tại Ethiopia tháng 1 năm 1936. Khi việc ông tham gia vào các phong trào quốc gia đó bị tiết lộ trong thập niên 1990, ông đã coi những hành động đó là sự bồng bột tuổi trẻ. Mitterrand còn có một số mối quan hệ gia đình và cá nhân với các thành viên của Cagoule, một nhóm khủng bố cực hữu trong thập niên 1930. Theo một cách logic cho những ý tưởng quốc gia của ông khi ấy, ông đã lo âu trước chủ nghĩa bành trướng của Phát xít trong thời Anschluss. </s>
Mitterrand sau đó đăng ký nghĩa vụ quân sự từ năm 1937 tới năm 1939 tại trung đoàn bộ binh thuộc địa số 23. Năm 1938, ông trở thành người bạn thân của Georges Dayan, một người Do Thái theo chủ nghĩa xã hội, và cũng là người được ông cứu giú khỏi những hành động quá khích của phong trào bảo hoàng quốc gia chống Do Thái Action française. Tình bạn của ông với Dayan khiến Mitterrand bắt đầu nghi ngờ các lý tưởng quốc gia của mình. Khi thôi học luật, ông được gửi tới giới tuyến Maginot vào tháng 9 năm 1939, với cấp bậc trung sĩ (trung sĩ bộ binh), gần Montmédy. Ông đính hôn với Marie-Louise Terrasse (nghệ sĩ Catherine Langeais tương lai) tháng 5 năm 1940 (nhưng bà huỷ bỏ nó năm 1942). </s>