text
stringlengths
0
9.91k
Cơ vùng mặt được chi phối hoạt động bởi dây thần kinh số VII, nếu hoạt động dây thần kinh này mất cân bằng sẽ dẫn đến lệch mặt một bên. Có người biểu hiện lệch rõ, có người chỉ lệch khi cười hoặc khi nói chuyện… Nguyên nhân khiến mất cân bằng hoạt động dây thần kinh số VII có thể do viêm cấp (lệch mặt rất rõ và 80% có thể hết sau 6 tháng), chèn ép cho khối u, do khiếm khuyết bẩm sinh… Bạn nên đến chuyên khoa Nội Thần Kinh (bệnh viện ĐHYD, 115,  Chợ Rẫy…) để kiểm tra nhé.
Khi có 1 hạch ở bất kì vị trí nào đều cần phải thăm khám trực tiếp và siêu âm đánh giá bản chất hạch, có thể phải sinh thiết (nếu cần) để loại trừ nguy cơ bệnh lý ác tính. Ở bệnh nhân nữ khi có hạch nách cần kiểm tra cả tuyến vú để đảm bảo không bỏ sót ung thư vú. Nếu tất cả các xét nghiệm đều bình thường thì có thể an tâm về những hạch hách bạn sờ thấy. Việc cảm giác nhức ở vùng nách nếu không phải do phản ứng viêm hạch, có thể do kích thích thần kinh cảm giác hoặc co thắt nhẹ vùng cơ dưới cánh tay, bạn không cần lo lắng.
Sau khi thực hiện phẫu thuật, stent thường được đặt để giảm thiểu phù nề ở niệu quản, dự phòng nguy cơ tắc nghẽn hoặc đau và cũng thường đặt stent sau khi tán sỏi ở thận hoặc niệu quản để giúp các sỏi vụn thoát ra ngoài dễ dàng hơn. Tùy tình trạng bệnh lý, ống thông JJ có thể được lưu từ 2 tuần - 1 tháng hoặc lâu hơn. Bạn có thể tái khám lại để BS đánh giá tình trạng sau mổ, nếu thấy vai trò của sonde JJ không cần thiết nữa thì có thể rút sớm. Thủ thuật rút ống thông JJ tiến hành khá nhanh, không cần phải nằm viện trước và sau khi rút bạn nhé.
Trường hợp quên 1 viên thuốc tránh thai, bạn cần uống ngay khi nhớ. Nếu quên đến qua ngày hôm sau, bạn cần dùng 2 viên vào ngày hôm sau. Việc quên chỉ một viên thuốc tránh thai thường nguy cơ mang thai sẽ không cao. Không có phương pháp ngừa thai nào có thể đảm bảo hiệu quả 100%, thuốc ngừa thai hàng ngày nếu dùng đúng cách có thể mang lại hiệu quả lên tới 99%. Nếu vẫn lo lắng hoặc có bệnh lý cần phải ngừa thai tuyệt đối, bạn nên áp dụng thêm một phương pháp ngừa thai khác bạn nhé. Bạn nên tiếp tục dùng thuốc, nếu thấy trễ kinh thì nên thử thai bạn nhé!
Chào bạn, Tăng huyết áp là tình trạng áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao. Nếu bạn đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp thì mức huyết áp hiện tại khá dao động. Để chắc chắn, trước hết cần xác định chính xác trị số huyết áp, bạn nên thực hiện một số lưu ý dưới đây để có kết quả đo chính xác: - Không nên hút thuốc lá, uống cà phê 2 tiếng trước khi đo. - Cần nghỉ ngơi 15 phút trước đo, tinh thần thoải mái, không lo lắng. - Tư thế khi đo tốt nhất là ngồi tựa lưng, hai chân chạm sàn nhà, không bắt chéo chân, tay duỗi thẳng, cánh tay ngang tim; hoặc đo ở tư thế nằm. - Trong quá trình đo giữ im lặng, không nói chuyện, hay sử dụng điện thoại. - Dùng máy đo tự động, loại có băng quấn cánh tay có kích thước phù hợp. Nên đo ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1 - 2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng. Nếu giá trị huyết áp đo được vẫn dao động từ 130/80 mmHg trở lên, bạn nên tái khám với bác sĩ chuyên khoa tim mạch để tìm nguyên nhân và có điều chỉnh thuốc hạ áp phù hợp. Trong trường hợp huyết áp tâm thu (chỉ số trên) <90mmHg hoặc huyết áp tâm trương (chỉ số dưới) <60 mmHg hoặc có biểu hiện choáng, nhìn mờ, ngất, mệt mỏi, khó tập trung, buồn nôn,… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời.
Chào bạn, Bướu giáp là bệnh lý khá thường gặp và đa số là bướu lành tính. Chẩn đoán phân biệt nhân tuyến giáp lành tính và ác tính chủ yếu dựa vào siêu âm và tế bào học. Các kết quả siêu âm đánh giá bướu tuyến giáp phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của bác sĩ thực hiện. Các khối u TIRADS 3 đa phần là lành tính, nguy cơ ung thư <2%; trong trường hợp bệnh nhân lo lắng nhiều, bác sĩ có thể dựa vào kích thước tổn thương để xem xét tư vấn chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) để kiểm tra. Khối u tuyến giáp của bạn khá nhỏ, với kích thước và tính chất như trên, lựa chọn thường là theo dõi định kỳ bằng siêu âm mỗi 3 - 6 tháng. Trong quá trình theo dõi này, không cần phải dùng thuốc hay can thiệp gì bạn nhé.
Thứ nhất, em có thể uống thuốc cảm trong thời gian uống thuốc điều trị bệnh dạ dày. Cụ thể là với thuốc esomeprazol thì em uống 1 viên vào buổi sáng trước ăn 30 phút, còn thuốc cảm thì uống sau ăn các cử trong ngày. Nhưng em phải xem thành phần thuốc cảm muốn sử dụng có an toàn với dạ dày hay không, nếu không rành thì cần đem ra nhà thuốc gần nhà hỏi lại. Thứ hai, em uống thuốc trị viêm dạ dày esomeprazol mà còn xót ruột thì có thể uống thêm gói trung hòa acid lúc xót ruột nhiều hoặc sau ăn 2 giờ. Cũng cần xem lại lý do vì sao viêm dạ dày kéo dài 6 tháng không khỏi, như làm việc có căng thẳng quá hay không, có ăn uống điều độ chưa, có tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá hay không...để mình điều chỉnh lại cho phù hợp, bệnh mới khỏi được, em nhé.
Khả năng bị lây nhiễm virus viêm gan B khi tiếp xúc với nguồn bệnh có cao hay không phụ thuộc vào lượng kháng thể bảo vệ trong cơ thể em cao hay thấp. Mặc dù kháng thể bảo vệ bệnh viêm gan B được tạo ra sau tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng bệnh, nhưng lượng kháng thể này sẽ giảm dần theo thời gian, nếu xuống thấp quá (Anti HBs < 10 UI/L) do tiêm cách đây đã quá lâu thì không có tác dụng bảo vệ nữa. Mặt khác, cũng có người tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng viêm gan B nhưng lại không tạo được kháng thể. Do đó, em nên xét nghiệm nồng độ kháng thể bảo vệ của mình là anti HBs để biết khả năng tự bảo vệ của cơ thể mình ra sao, em nhé.
Một cơn đau đầu đột ngột xuất hiện vào ban đêm kéo dài đến sáng có thể do nhiều nguyên nhân, như cảm, đau đầu Migraine, viêm xoang cấp, cơn tăng huyết áp… Do đó, em cần đến BV để BS kiểm tra cho em, sau khi hỏi kỹ đặc điểm đau đầu, tiền căn đau đầu trước đây và thăm khám cho em, BS mới kết luận được nguyên nhân và hướng dẫn em cách dùng thuốc phù hợp được. Em có thể đăng ký khám tại phòng khám nội tổng quát hoặc chuyên khoa nội thần kinh đều được, em nhé.
Bướu sợi tuyến vú là bệnh lý u vú lành tính. Khác với ung thư vú thường phát triển nhanh và di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể, khối u trong bệnh bướu sợi tuyến vú chỉ phát triển tại chỗ. Kích thước các khối u khá nhỏ, trung bình khoảng 1 đến 2cm. Các khối u trên 5cm trong bệnh bướu sợi tuyến vú rất hiếm khi xuất hiện. Thông thường, bệnh bướu sợi tuyến vú không gây đau. Triệu chứng thường thấy trên lâm sàng là những khối u nhỏ, tròn nằm ngay bên dưới da và di động. Mật độ khối u có thể cứng, mềm hoặc gồ ghề. Khi khối u có kích thước nhỏ, phương pháp điều trị được khuyến cáo là theo dõi mỗi 6 tháng-1 năm thay vì sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u ngay, vì chúng có thể tự thu nhỏ kích thước. Nếu bướu sợi >3cm gây biến dạng vú, phát triển nhanh, gây đau thì có thể tiểu phẫu lấy bướu, mổ theo đường quầng vú để giữ độ thẩm mỹ. Vì thế, về việc sử dụng tinh dầu Hoa Anh Thảo hay An Phụ Khang để điều trị bướu sợi tuyến vú, hiện nay theo y học hiện đại là không có khuyến cáo này, em nhé.
Khi thấy trẻ nuốt phải vật lạ, bạn cần lưu ý xem dị vật đã được nuốt vào đường tiêu hóa hay sặc vào đường thở. Trường hợp mảnh giấy sặc vào đường thở, nếu trẻ có biểu hiện ho sặc sụa hay tím tái, khó thở thì cần đưa đến bệnh viện kiểm tra ngay. Nếu không có các biểu hiện trên thì cần ghi nhận lại, sau này, nếu trẻ có khò khè, ho kéo dài hay nhiễm trùng hô hấp dưới tái phát,… có thể lưu ý để tầm soát dị vật bỏ quên tại phổi. Nếu nuốt vào đường tiêu hóa đến dạ dày, phần lớn các dị vật (như mảnh giấy,…) sẽ đi qua ruột và ra ngoài cùng với phân. Nếu bạn quan sát trẻ có thể chơi, ăn uống và sinh hoạt bình thường thì có thể an tâm.
Viêm ống tai ngoài thường do chủng vi khuẩn Staphylococcus, ngoài ra còn có thể do chủng vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa. Các chủng vi khuẩn này gây viêm ống tai ngoài diễn tiến rộng phá hủy các cấu trúc mô mềm xung quanh, lan đến nền sọ. Những chủng vi khuẩn này theo nghiên cứu của nhiều tác giả khá nhạy cảm với kháng sinh nhóm aminoglycoside, trong đó có tobramycin. Vì vậy trong phác đồ điều trị viêm ống tai ngoài các bác sĩ thường dùng thuốc có chứa tobramycin để nhỏ tai. Tuy nhiên dạng thuốc nhỏ tai có thành phần như vậy hiện tại chưa được sản xuất, trong khi đó tobramycin có trong thành phần thuốc nhỏ mắt cũng có thể ngấm qua lớp biểu bì của da để tấn công vi khuẩn. Vì vậy trong các trường hợp nhiễm trùng ống tai ngoài mức độ nhẹ, thầy thuốc cũng có thể cân nhắc sử dụng thuốc tobramycin cho da ống tai ngoài. Thành phần dexamethasone trong thuốc nhỏ tai sẽ cho tác dụng kháng viêm tại chỗ, không hấp thu vào máu nên không làm nặng thêm tình trạng tăng nhãn áp của bạn.
Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, nam giới có nguy cơ mất sức mạnh cơ bắp, loãng xương, giảm ham muốn tình dục, thậm chí mất khả năng sinh sản nếu cắt cả 2 tinh hoàn. Người bị cắt tinh hoàn dễ bị tăng cân không kiểm soát, trầm cảm, tâm trạng sụt giảm, rối loạn cương dương, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch... Cắt bỏ một bên tinh hoàn thường không ảnh hưởng đến mức testosterone trong cơ thể về sau, miễn là tinh hoàn còn lại khỏe mạnh và hoạt động bình thường. Do đó, em nên yên tâm nhé.
Hiện nay chưa có một nghiên cứu y khoa nào cho thấy là cắt bỏ tử cung làm ảnh hưởng đến cuộc sống tình dục. Mặc dù cắt tử cung gây ra nhiều thay đổi ở vùng chậu nhưng thường không ảnh hưởng đến khả năng quan hệ tình dục của bạn. Hầu hết phụ nữ không nhận thấy sự khác biệt khi quan hệ trước và sau thời điểm cắt bỏ tử cung. Khi vết thương lành hẳn, bạn vẫn có thể sở hữu đời sống tình dục lành mạnh và bình thường. Không những vậy, một số người còn cảm thấy hứng thú hơn trong việc quan hệ tình dục, nguyên nhân là do việc điều trị đã giúp loại bỏ nhiều triệu chứng khó chịu trước phẫu thuật như đau hoặc ra máu âm đạo. Vợ chồng bạn không có hạnh phúc không phải do cắt tử cung mà có thể do nguyên nhân khác như bệnh lý, do mặc cảm hay do tâm lý,... Vợ chồng bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra xem nguyên nhân gì, sẽ điều trị thích hợp.
Thông thường đối với các loại u xơ tử cung đều là lành tính, khối u xơ dưới 86mm, không có triệu chứng gì thì không cần phải mổ. Nếu khối u xơ nằm bên trong tử cung có nguy cơ làm hỏng niêm mạc tử cung thì mới mổ bóc tách hoặc cắt tử cung. Nếu khối u xơ lớn như khi mang thai từ 12 đến 14 tuần kèm theo biến chứng nguy hiểm đến tính mạng mới mổ. Trong trường hợp của em thì em nên đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra thăm khám, xem tình trạng bệnh của em mới có hướng xử trí hợp lý.
Vết thương tạo ra do vết cào của chó mèo nuôi trong nhà có nguy cơ nhiễm dại rất thấp. mà chó mèo nhà em cũng suốt ngày ở nhà và có tiêm ngừa dại nữa thì nguy cơ nhiễm dại của em là không cao. Để an toàn, em chỉ cần tiêm ngừa dại đủ 5 mũi quy định, tiêm tiếp chứ không phải tiêm lại, và nên tiêm nhắc lại theo quy định để kéo dài thời gian bảo vệ của vaccine, khỏi lo lắng trong những tình huống tương tự này nữa.
Bị ong đốt là một tai nạn không phải hiếm gặp trong cuộc sống hằng ngày, phổ biến nhất trong những tháng hè quanh năm. Sau khi bị đốt, vết thương tại chỗ sẽ sưng đỏ, đau và có cảm giác ngứa, còn nọc độc của ong tiếp tục đi vào máu và gây nên nhiều hệ lụy, nặng nhất là sốc phản vệ có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không cấp cứu kịp thời, nhẹ hơn có tổn thương thận cấp, viêm hạch phản ứng… Trường hợp của em sau khi bị ong đốt thì nổi hạch phản ứng là do nọc độc của ong đi vào máu gây viêm hạch phản ứng, dù cho vết đốt ngoài da đã hết đau hết ngứa nhưng hạch chưa lặn là vì nó vẫn đang tiếp tục giải quyết những tàn dư từ nọc độc của ong đi vào máu. Em nên nhẫn nại chờ thêm 1 thời gian, trung bình thì sau 1-2 tháng là hạch sẽ lặn dần từ từ, chú ý đừng lấy tay sờ chạm nhiều vào hạch sẽ kích thích hạch viêm khó lành.
Tăng tiểu cầu tiên phát là một trong các bệnh thuộc nhóm bệnh lý tăng sinh tủy. Bệnh này là một loại ung thư máu, giống như các bệnh lý ung thư khác trong cùng nhóm như: • Đa hồng cầu nguyên phát • Bạch cầu mạn dòng tủy Tuy là 1 dạng ung thư máu nhưng tăng tiểu cầu tiên phát diễn tiến từ từ và mạn tính, có thể nói nôm na là ung thư máu tiến triển chậm. Bệnh biểu hiện bởi sự gia tăng không kiểm soát số lượng các tế bào tạo tiểu cầu (hay còn gọi là mẫu tiểu cầu), từ đó làm số lượng tiểu cầu trong máu tăng cao. Bệnh nhân có thể không có bất kì triệu chứng đặc hiệu nào, tuy nhiên sự gia tăng số lượng tiểu cầu ở một mức nào đó có nguy cơ gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là ở những đối tượng có nhiều bệnh lý đi kèm. Bệnh nhân thường tử vong chủ yếu do tắc mạch hoặc chuyển sang bạch cầu cấp. Do đó, nếu hiện tại bệnh ổn định, đáp ứng tốt với thuốc giảm tiểu cầu là một dấu hiệu tốt. Mẹ em nên tái khám thường xuyên và tuân thủ điều trị thì vẫn có thể kéo dài đời sống tới nhiều năm nữa, em nhé!
Để trả lời được câu hỏi của em, BS cần biết rõ thông tin là vì sao em phải mổ nội soi bao tử, mổ nội soi nhằm mục đích gì, mổ nội soi bằng cách đưa ống nội soi từ miệng vào đến bao tử hay là đi từ thành bụng vào? Hiện tại em đang còn ống gì trên người không, có khó chịu gì không, có đang sử dụng thuốc gì không? Tốt nhất là em nên chụp lại giấy tờ ra viện và toa thuốc ra viện gửi BS xem để nắm rõ hơn thông tin, em nhé!
Sụt cân nhiều và nhanh trong thời gian ngắn (sụt giảm trên 5-10% cân nặng trong vòng 3-6 tháng) là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang có vấn đề lớn, cần phải tầm soát các bệnh lý gây sụt cân như viêm nhiễm (trong đó có lao, đặc biệt là nếu em có ho kéo dài, ớn lạnh về chiều tối), bệnh lý nội tiết (cường giáp, tiểu đường...), do bệnh lý ống tiêu hóa, nhiễm giun sán, ung thư, trầm cảm, mất ngủ... Do vậy, em cần thiết phải đến BV kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt, nên đăng ký khám chuyên khoa nội tiết hay nội tổng quát đều được. Song song đó, em cần tăng độ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn (thêm thịt cá, trứng sữa, rau xanh, củ quả, trái cây), ăn không nỗi thì uống thêm sữa hay ăn nhiều bữa nhỏ, tránh thức khuya, ngủ đủ giấc, và tiếp tục thuốc bổ, multivitamin em đang dùng hàng ngày, em nhé.
Huyết áp gồm 2 trị số, trị số lớn nhất gọi là huyết áp tâm thu, bình thường < 140 và > 90 mmHg; trị số thấp nhất gọi là huyết áp tâm trương, bình thường < 90 và > 60 mmHg. Huyết áp có thể tăng khi căng thẳng, do lo lắng, do hội chứng áo choàng trắng (khi vào BV, khi gặp BS thì huyết áp cao), bệnh lý viêm nhiễm, do cafe, khi khó thở...nhìn chung là các stress đối với cơ thể. Như vậy, huyết áp ghi nhận ở những lúc cơ thể đang nhức đầu, chóng mặt (cảm giác váng đầu) thì sẽ không phản ánh chính xác được huyết áp dao động bình thường của người bệnh, mặc dù chỉ số đó là huyết áp cao nhưng có 2 khả năng xảy ra, một là huyết áp cao chính là nguyên nhân khiến anh có cảm giác váng đầu, khi đó điều trị hạ áp sẽ giúp hết khó chịu này. Nhưng cũng có khả năng thứ hai là do anh có bệnh lý nào đó (không phải bệnh tăng huyết áp, mà nhiễm cảm, rối loạn tiền đình chẳng hạn) gây ra các triệu chứng kể trên, và làm tăng nhẹ chỉ số huyết áp nhưng chưa phải là bệnh tăng huyết áp, khi đó điều trị bệnh lý đó ổn thì huyết áp sẽ về bình thường. Anh lớn tuổi lại có tăng mỡ máu là 2 yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp, do đó, cách lựa chọn thích hợp có thể sẽ là sử dụng thuốc huyết áp liều thấp kèm thuốc điều trị váng đầu để giảm các khó chịu của anh, đồng thời theo dõi liên tục chỉ số huyết áp tại nhà, tái khám mỗi 2 tuần đầu sau lần khám đầu tiên, từ đó mới có thể kết luận anh có thực sự bị tăng huyết áp chưa và điều trị thuốc hạ áp kéo dài hay không được. Anh đến gặp BS chuyên khoa tim mạch để được hướng dẫn điều trị thích hợp, anh nhé.
Thời gian liền xương trung bình là khoảng 1-2 tháng, quá trình này phụ thuộc vào nhiều yếu tố; tuổi càng trẻ thì khả năng liền xương càng tốt, người hút thuốc lá thì xương lành chậm hơn...Xương ở mắt cá chân thường chậm lành hơn các xương vùng khác do chịu áp lực của toàn thân khi đứng và di chuyển. Bạn bó bột được 3 tuần, can xương đã hình thành nhưng chưa vững thì nên cố gắng bó bột thêm một thời gian nữa, nếu khó chịu thì có thể sử dụng nẹp cố định thay thế cho bột. Kết hợp tập vật lý trị liệu tích cực sẽ mau phục hồi. điều này sẽ an toàn cho bạn hơn, nếu bạn cố tập đi sớm khi can xương chưa vững thì can xương mỏng manh này có thể nứt gãy trở lại và 3 tuần trước của bạn trở thành vô nghĩa.
Carcinoma tế bào vảy là ung thư biểu mô xuất phát từ tế bào sừng của da hoặc niêm mạc. Đây là loại ung thư thường gặp ở Việt Nam, nguyên nhân thường do di truyền, đột biến liên quan đến hút thuốc lá, sử dụng các loại thực phẩm có nguy cơ gây ung thư… Trong các dạng ung thư biểu mô thì loại không biệt hóa nguy hiểm hơn loại biệt hóa cao, vì dễ di căn hơn. Như vậy, kết quả sinh thiết này là bệnh ung thư đó bạn. Bước tiếp theo là xác định giai đoạn của ung thư, dựa vào kích thước của khối u, mức độ xâm lấn mô xung quanh, mức độ lan rộng tới hệ thống hạch hoặc di căn xa. Các thông tin bạn cung cấp chưa đủ để phân giai đoạn bệnh. Việc tiên lượng, phương pháp điều trị, khả năng tái phát và di căn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn của bệnh. Vì thế, gia đình cần trao đổi kỹ hơn với BS chuyên khoa ung bướu về các bước tiếp theo cần làm, bạn nhé.
Sau chấn thương va đập mà có biến chứng gãy xương thì em sẽ không cử động được phần chi đó, cụ thể là nếu em gãy xương cánh tay thì em không thể cử động dạng khép gấp duỗi cánh tay như bình thường được. cho nên, nếu em vẫn còn cử động được cánh tay đó thì phần sưng chỉ là chấn thương phần mềm mà thôi (dập cơ, tụ máu), em có thể xử lý bằng cách chườm ấm, xoa dầu ấm sẽ giúp giảm sưng nhanh hơn, em nhé. Ngược lại, nếu nghi ngờ gãy xương thì em phải vào BV để chụp phim X-quang kiểm tra, bó bột thì xương mới lành tốt được.
Tuyến yên là một tuyến nội tiết, tiết ra rất nhiều loại hormon tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau của cơ thể, do đó trong bệnh lý u tuyến yên có thể gây ra một số rối loạn nội tiết. Tuy vậy, u tuyến yên có nhiều loại nên tùy thuộc vào mỗi loại u khác nhau và kích thước khối u khác nhau sẽ gây nên những rối loạn khác nhau. Việc lựa chọn chế độ ăn và thực phẩm chức năng phù hợp trong bệnh lý u tuyến yên sẽ tùy thuộc vào loại u tuyến yên mà em đang gặp phải và những rối loạn do u tuyến yên gây ra. Do vậy, em cần trao đổi với BS chuyên khoa nội tiết để xác định loại u tuyến yên của em là loại gì, ảnh hưởng đến nội tiết ra sao và những thực phẩm cần kiêng theo đó là gì, cũng như việc bổ sung collagen cũng vậy, em nhé.
Tác dụng phụ của thuốc hen suyễn hay gặp nhất là làm tăng nhịp tim, xảy ra nhanh chóng ngay sau khi dùng thuốc và giảm dần khi tác dụng của thuốc giảm. Do đó, em không cần phải quá lo lắng về hiện tượng này, nhưng cố gắng tranh thủ tái khám, có thể khám lại tại phòng kiểm soát hen của BV đa khoa khu vực mình sinh sống cũng được. Bởi vì BS sẽ dựa vào tần suất xuất hiện các cơn hen của em để quyết định giảm thuốc dần cho em nếu hen kiểm soát tốt, khi đó tác dụng phụ của thuốc cũng ít hơn, Ngược lại, nếu vẫn phải dùng thuốc liều như cũ thì BS cũng có thể kê thêm thuốc hỗ trợ giảm nhịp tim cho em nếu nhịp tim nền của em (khi không xịt thuốc) đã ở ngưỡng cao.
Sau phẫu thuật ổ bụng nói chung và mổ ruột thừa nói riêng, ruột thường bị liệt tạm thời và chỗ mổ sẽ đau khi tác dụng của thuốc giảm đau lúc mổ dần dần mất đi. Nhân viên y tế sẽ chăm sóc phần vết thương cho em, nếu có đặt ống dẫn lưu dịch thì khi nào hết dịch sẽ rút ống dẫn lưu. Phần của em, để nhu động ruột nhanh chóng được phục hồi thì có 2 việc quan trọng nhất rất đơn giản và dễ làm, đó là ăn lại sớm và tập vận động sớm. Việc tập vận động sớm sau mổ ngày nay đã được chứng minh là không ảnh hưởng đến vết mổ, không làm tăng đau vết mổ mà còn cải thiện triệu chứng đau, cải thiện nhu động ruột. Em cần tập hít thở, tập gồng bụng sau đó ngồi dậy và đi lại trong phòng. Về chế độ ăn thì tốt nhất là ăn thức ăn nhẹ và dễ tiêu (như súp, cháo) ít dầu mỡ không chua cay, đến khi đánh hơi được thì có thể ăn uống lại như bình thường. Uống 1 chút nước có gas chưa được chứng minh có lợi nhưng nhai kẹo cao su thì đã được chứng minh giúp người bệnh đánh hơi được sớm. Chúc em sớm bình phục!
Đứt gân tay, chân có thể được điều trị bảo tồn với thuốc hoặc phẫu thuật sửa chữa, tùy thuộc vào độ nặng và kinh nghiệm của phẫu thuật viên/bệnh viện cũng như nhu cầu của bệnh nhân. Phẫu thuật nối gân tay được chỉ định khi 1 hoặc nhiều gân tay bị đứt hoặc bị rách, dẫn đến mất chuyển động tay bình thường. Nếu gân duỗi ngón tay bị đứt, em sẽ không thể thẳng 1 hoặc nhiều ngón tay. Ngược lại, nếu gân gấp ngón tay bị đứt, em sẽ không thể uốn cong 1 hoặc nhiều ngón tay. Việc nối lại gân thường không được coi là phẫu thuật khẩn cấp, nhưng nên được tiến hành càng nhanh càng tốt sau chấn thương. Điều này là do các sợi gân bị đứt càng lâu thì càng có nhiều sẹo ở phần cuối của các sợi gân, gây hạn chế phạm vi cử động tay dù được phẫu thuật sau đó. Tùy thuộc vào tính chất của vết thương, em có thể được dùng thuốc kháng sinh và tiêm vắc-xin uốn ván trước khi phẫu thuật để phòng ngừa nhiễm trùng bàn tay. Hiện tại chỗ đứt gân hơi đỏ thì không phải là dấu hiệu nhiễm trùng, mà do vết thương đang lành. Cảm giác tê là do bất động và sợi thần kinh cũng chịu ảnh hưởng khi bị thương. Nhưng em cần tái khám tại chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để BS kiểm tra vết thương cho em. Đặc biệt nếu ngón tay bị giới hạn vận động nhiều do đứt phần gân gần lòng bàn tay thì em nên trao đổi về nhu cầu mổ nối gân của em nếu có, để được tư vấn kỹ hơn lý do vì sao không mổ nối gân, em nhé.
Thuốc đặt âm đạo Dicinter 500mg chứa hoạt chất Metronidazole, Neomycin và Nystatin được chỉ định trong các trường hợp viêm nhiễm phụ khoa. Khi thuốc được đặt vào âm đạo, thuốc sẽ tan thành chất lỏng nhờ vào nhiệt độ cơ thể và phát huy tác dụng của thuốc chủ yếu tại chỗ, lượng thuốc ngấm vào máu rất ít. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định như buồn nôn, nhức đầu, chán ăn, khô miệng, có vị kim loại rất khó chịu; một số phản ứng khác như nôn, ỉa chảy, đau thượng vị, đau bụng, táo bón. Nếu chỉ đặt nhầm 1 viên thì không đáng ngại, bạn nên theo dõi thêm các triệu chứng liệt kê ở trên. Trường hợp trẻ vẫn còn sốt, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để khám và điều trị sớm. Chú ý phân loại và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc để tránh nhầm lẫn bạn nhé.
Thuốc Devodil chứa hoạt chất chính là sulpirid, một loại thuốc có tác dụng chống rối loạn tâm thần. Thuốc Morientes có thành phần chính là Quetiapine, thường được sử dụng để điều trị tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực. Cho đến hiện nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy các thuốc trên gây ra dị tật thai nhi nhưng cũng chưa đủ chứng cứ cho thấy thuốc an toàn trong thai kỳ. Do đó, không khuyến cáo sử dụng thường quy đối với phụ nữ mang thai. Việc điều trị các thuốc này trong thời kỳ mang thai cần xem xét kỹ lưỡng giữa nguy cơ và lợi ích của mẹ và thai nhi. Tốt nhất, bạn nên tái khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc thần kinh để điều chỉnh thuốc cho phù hợp. Đồng thời, khám thai định kỳ với bác sĩ sản khoa nhằm theo dõi sát sức khỏe của thai nhi bạn nhé.
Bệnh trào ngược dạ dày còn gọi là bệnh trào ngược dạ dày - thực quản  là tình trạng dịch axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Trào ngược axit dạ dày làm kích ứng niêm mạc thực quản gây ợ nóng, ợ trớ, có khi ho rất nhiều. Tình trạng bệnh trào ngược dạ dày - thực quản kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng như viêm thực quản, hẹp thực quản, thực quản Barrett và thậm chí dẫn đến ung thư biểu mô thực quản. Ngoài điều trị bằng thuốc theo toa bác sĩ thì bạn nên thay đổi thói quen sinh hoạt , ăn uống để giúp giảm triệu chứng bệnh như: 1. Khi nằm nên nâng đầu giường khoảng 15cm so với thân mình. 2. Hạn chế sử dụng thực phẩm và đồ uống chứa chất béo, sô-cô-la, caffeine và đồ uống có cồn, chất cay, chất dai, chất chua, chất khó tiêu hóa. 3. Nên chia nhỏ các phần ăn trong mỗi bữa có thể giúp kiểm soát các triệu chứng trào ngược. 4. Dành thời gian hợp lý cho mỗi bữa ăn, nên ăn chậm, nhai kỹ. 5. Hạn chế đi nằm liền sau khi ăn vì dạ dày cần ít nhất từ 2-3 giờ để axit trong dạ dày giảm xuống. 6. Không thuốc lá vì có thể làm suy yếu cơ thắt thực quản dưới dể gây các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản. 7. Không nên để thừa cân sẽ làm cho các triệu chứng trào ngược dạ dày - thực quản diễn ra nghiêm trọng hơn. 8. Tránh mặc quần áo chật, ép eo để hạn chế gây áp lực lên bụng và phần dưới của thực quản.
Theo tạp chí nghiên cứu 10 năm về tiết niệu The Journal of Urology, đã phát hiện khi nhiệt độ và độ ẩm không khí lạnh quá, tỷ lệ xoắn tinh hoàn tăng lên. Bệnh xoắn tinh hoàn thường phổ biến nhất ở độ tuổi từ 12 đến 18, nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ngay cả ở thai nhi cũng có. Xoắn tinh hoàn thường phải phẫu thuật khẩn cấp. Nếu bị xoắn tinh hoàn được điều trị kịp thời nhanh chóng, tinh hoàn thường có thể được cứu. Vì khi để lâu thì dòng máu bị chỗ tinh hoàn xoắn bị ngừng quá lâu, tinh hoàn có thể bị tổn thương nặng do không có máu nuôi phải cắt bỏ tinh hoàn.
Thuốc isotretinoin được bác sĩ chỉ định trong điều trị mụn trứng cá nặng và chống chỉ định dùng trong thai kỳ vì nguy cơ gây dị tật bẩm sinh rất cao. Ngoài ra, isotretinoin không vô hại, sử dụng lâu dài có thể gây nhiều tác dụng phụ lên da niêm, cơ xương, mắt, hệ thần kinh trung ương và một vài tác dụng phụ trên chuyển hóa như rối loạn lipid máu, tăng nồng độ men gan Alanine aminotransferase (ALT) và Aspartate aminotransferase (AST). Theo các khuyến cáo hiện nay, người sử dụng isotretinoin đường uống nếu có ý định mang thai phải ngưng thuốc trước 3 tháng và khi sử dụng thuốc tại Bệnh viện Da Liễu, bệnh nhân phải được tư vấn rất cẩn thận về ngừa thai, sử dụng ít nhất 2 biện pháp ngừa thai để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Nếu có thai khi đang điều trị bằng viên nang isotretinoin thì cần ngưng sử dụng thuốc ngay. Bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa để đánh giá tình trạng thai kỳ hiện tại. Bác sĩ sẽ thăm khám cẩn thận và đưa ra tư vấn trực tiếp cho bạn nhé.
Đau tinh hoàn trái có tất nhiều nguyên nhân như: viêm tinh hoàn, tinh hoàn xoắn, thoát vị bẹn là các bệnh điển hình, để lâu rất nguy hiểm. Do đó, bạn nên sắp xếp thời gian sớm đi bệnh viện để bác sĩ Nam Khoa khám và điều trị cho bạn.
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên có biểu hiện sự suy yếu đột ngột của các cơ ở một bên mặt. Bệnh nhân không làm được các động tác: nhăn trán, nhíu mày, nhăn răng, mím môi, trề môi, phồng má hoặc không thể nhắm kín mắt. Trường hợp của bạn có biểu hiện của sụp mi, cần phải khám lại xem còn tổn thương thần kinh nào khác hay không bạn nhé!
Nguyên nhân gây ra bệnh xoắn tinh hoàn có thể là do cấu trúc tinh hoàn thay đổi không treo cố định mà quay xoay tự do trong bìu ở trẻ sơ sinh nam nên gây ra tình trạng xoắn tinh hoàn. Còn đối với những người nam khi lớn lên do sự bất thường của thừng tinh và tinh mạc bám cao là do tinh hoàn không đứng yên mà di động liên tục gây ra xoắn tinh hoàn.
Nếu hạch nổi to và sờ thấy được thì có thể là đó hạch phản ứng viêm bình thường, cũng có thể là hạch ác tính. Nếu là hạch phản ứng viêm, thường kích thước nhỏ, số lượng ít, bờ đều, không xâm lấn da xung quanh, có ổ viêm nhiễm khu trú (như viêm mũi họng, viêm amygdala,…) gần vị trí nổi hạch. Khi tình trạng viêm nhiễm qua đi, hạch sẽ trở về bình thường, tình trạng này có thể kéo dài vài tuần. Ung thư tuyến giáp thể nhú thường tiến triển chậm, ít khi gây ra biểu hiện giống như của bạn. Nếu chẩn đoán trước đó của bạn là ung thư tuyến giáp thì bạn nên tới bệnh viện để bác sĩ kiểm tra trực tiếp bạn nhé.
Xét nghiệm Beta hCG có giá trị chẩn đoán có thai từ khi rất sớm, kể cả khi chưa có dấu hiệu chậm kinh ở phụ nữ mang thai. Với kết quả trên thì bạn đã có thai, bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa để khám và theo dõi sức khỏe thai bạn nhé.
Gai cột sống là 1 dấu hiệu của thoái hóa cột sống. Trong đó có sự hình thành các phần xương mọc ra (gai xương) phía ngoài và hai bên của cột sống. Đây chính là sự phát triển thêm ra của xương trên đốt sống, đĩa sụn, dây chằng quanh khớp do viêm khớp cột sống, chấn thương hoặc sự lắng đọng Calci ở các dây chằng, gân tại đốt sống. Bệnh gai cột sống có thể xuất hiện tại nhiều vị trí trên xương sống cơ thể. Thông thường bệnh hay gặp nhất là gai cột sống cổ và gai cột sống thắt lưng. Gai cột sống cổ kèm theo tê cánh tay cho thấy đám rối thần kinh tủy sống từ cột sống cổ chạy xuống có dấu hiệu bị chèn ép. Chèn ép này có thể tạm thời (viêm, căng cơ) hoặc cố định (thoát vị đĩa đệm kèm theo). Do đó, việc điều trị hiện tại sẽ làm giảm đau, giãn cơ xem tay có bớt tê không, vai gáy có bớt đau không. Giảm đau và giãn cơ có thể là dùng thuốc đơn thuần hoặc phối hợp với châm cứu, mát xa, chườm ấm, kéo cổ… Nếu sau khi vùng vai gáy đã bớt đau mà tay vẫn còn tê thì phải kiểm tra tìm mức độ chèn ép của thần kinh để có hướng can thiệp mạnh mẽ hơn. Bệnh này em có thể điều trị tại chuyên khoa cơ xương khớp, nội thần kinh hay chuyên khoa đau - vật lý trị liệu đều được, em nhé.
Trực khuẩn gây bệnh uốn ván có tên là Clostridium tetani, chúng có trong đất, cát bụi, phân trâu bò ngựa và gia cầm, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ…, xâm nhập vào các vết thương, vết xây xước phát triển thành ổ nhiễm trùng gây bệnh uốn ván. Đinh gỉ sắt ở nơi ẩn trú thường gặp của Clostridium tetani. Trường hợp của em là giẫm phải kim bấm trên sàn nhà, kim bấm cũng chỉ hơi mòn, thì không có nguy cơ nhiễm uốn ván và không cần tiêm ngừa cho lần này, tuy nhiên nếu em có mong muốn tiêm ngừa uốn ván để bảo vệ trọn đời thì cũng có thể đến cơ sở y tế chích ngừa theo lịch hẹn. Cụ thể như sau, những người có nguy cơ mắc cao: - Người làm việc ở các trang trại, các nông trường chăn nuôi gia súc và gia cầm - Người dọn vệ sinh cống rãnh, chuồng trại - Công nhân xây dựng các công trình - Bộ đội và thanh niên xung phong Đối tượng này được tiêm miễn dịch 03 liều trong vòng 6 tháng, bảo vệ được 5 năm. Cứ sau 5 – 10 năm tiêm nhắc lại 01 liều sẽ bảo vệ phòng bệnh uốn ván suốt đời.
Thứ nhất, em chỉ có thể ngừng uống thuốc methadone nếu như thỏa các điều kiện sau: đã duy trì liều ổn định trong thời gian dài ít nhất là 2 tuần, không còn triệu chứng của nghiện nhất là thèm, nhớ, ổn định sức khỏe thể chất và tâm thần, ổn định về công việc và cuộc sống. Thứ hai, các triệu chứng cai hay thèm thuốc có thể xuất hiện chậm sau vài ngày ngưng thuốc chứ không phải ngay khi vừa ngưng thuốc. Các triệu chứng cai có thể lên cao nhất vào tuần thứ 2-thứ 3, bao gồm: mất ngủ, bất an, khó chịu, đau lưng, dễ cáu giận, trầm cảm, cảm thấy thiếu 1 cái gì đó… Các triệu chứng cai có thể kéo dài từ 6-12 tuần. Vượt qua được ngưỡng này thì em có thể gọi là trở về bình thường.
Bình thường các hạch trong cơ thể không sưng to lên đến mức có thể sờ chạm hay nhận biết được. Vì thế, hạch sưng lên, hay thường gọi là nổi hạch, là 1 triệu chứng bất thường của cơ thể. cho nên, em lo lắng là đúng khi phát hiện hạch ở vùng cổ. Hạch bạch huyết đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của hệ miễn dịch. Chúng chứa các tế bào miễn dịch như lympho bào, đại thực bào... có chức năng miễn dịch chống lại các yếu tố lạ như vi khuẩn, virus, kí sinh trùng... xâm nhập vào cơ thể. Trong quá trình đó các hạch có thể bị viêm và sưng lên. Một số trường hợp hạch sưng có thể là hạch ung thư hoặc di căn. Đặc điểm của hạch viêm là nhỏ, số lượng ít, bờ tròn đều, không phát triển theo thời gian, không xâm lấn da xung quanh. Thông thường đối với hạch viêm thì nguồn viêm có thể tấn công tại hạch, cũng có khi là hạch viêm phản ứng với ổ viêm nhiễm cạnh đó, điều trị kháng sinh giai đoạn đầu và kháng viêm đến khi hết viêm thì hạch sẽ lặn dần, có thể lặn chậm hơn vài tuần đến vài tháng, có một số loại hạch cũng là hạch viêm nhưng mà chỉ giảm kích thước rồi cứ "lì" vậy luôn - không lặn hẳn nhưng không còn sưng như trước. hạch viêm ở cổ thường là do viêm nhiễm vùng tai mũi họng gây kích thích hạch viêm phản ứng. Có lẽ hạch nhỏ ở cổ của em thuộc dạng này bởi vì hình ảnh siêu âm thì cho thấy đây là hạch lành tính, hơn nữa, hạch ác tính thì ít khi nào trong vòng 2 năm mà nó vẫn im lìm như vậy lắm. Có trường hợp bệnh nhân sống cả đời với hạch lành tính, tuy nhiên phải tái khám định kỳ mỗi 6 tháng để kiểm tra cái hạch này, đồng thời tìm ổ viêm gần đó (như viêm họng mạn với hạch vùng cổ) để điều trị triệt để. Nếu còn lo lắng, em có thể khám kiểm tra thêm lần nữa ở BV Ung bướu là chuyên về hạch nhất, em nhé.
Liệt nửa người sau tai nạn chấn thương sọ não là một di chứng của tổn thương thần kinh trung ương. Tế bào thần kinh là loại tế bào rất khó hồi phục. Nếu người bệnh sớm tập vật lý trị liệu, châm cứu, nhân điện sớm phối hợp với các thuốc bổ thần kinh thì khả năng hồi phục sẽ cao hơn, mặc dù chưa chắc có thể phục hồi hoàn toàn như bình thường nhưng cũng có hồi phục ít nhiều tùy theo mỗi người, mỗi bệnh lý. Ngược lại, nếu người bệnh để lâu, đã có biến chứng cứng khớp, teo cơ mà bây giờ mới tập vật lý trị liệu thì rất khó hồi phục. Ngày nay, y học hiện đại đang phát triển sử dụng tế bào gốc để giúp hồi phục thần kinh tốt hơn, nhưng chi phí rất cao và chưa triển khai rộng rãi tại Việt Nam. Nhìn chung, bệnh nhân mà em đề cập cần tích cực khám và điều trị bởi BS chuyên khoa thần kinh và kiên trì tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng theo hướng dẫn của BS, em nhé.
Theo mô tả thì kinh nguyệt bạn không đều là do tuổi tiền mãn kinh chứ không phải do bạn tiêm vắc xin nhé. Theo các nhà nghiên cứu đã khẳng định, rối loạn kinh nguyệt sau tuổi 40 là do nội tiết tố nữ không sản sinh đủ. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng này bằng cách cân bằng nội tiết tố nữ bằng cách uống thuốc. Do đó, bạn nên yên tâm và hãy đến bệnh viện gặp bác sĩ chuyên khoa Sản để được khám và tư vấn điều trị.
Theo mô tả thì có thể bạn bị rối loạn tiền đình. Rối loạn tiền đình là một căn bệnh phổ biến hiện nay không chỉ ở người già và trung tuổi mà còn xuất hiện nhiều ở những người trẻ tuổi. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng khi bạn bị rối loạn tiền đình thì sẽ dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm khác. Chữa trị rối loạn tiền đình có nhiều cách nhưng trước tiên là phải có lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không được thức khuya, ngủ đủ giấc. Nếu không cải thiện thì nên đến bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh để được khám và điều trị.
Tình trạng vỡ túi phình mạch máu là bệnh lý thần kinh có nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh thường xảy ra khi túi phình trở nên to hơn, cùng với đó là sự mỏng đi của thành mạch. Khi đó, máu sẽ bị rò rỉ chảy vào không gian xung quanh não. Tình trạng này còn có tên gọi khác là xuất huyết dưới nhện (SAH) cực kỳ nguy hiểm khi điều trị không kịp thời, nhiều khi còn đe dọa đến tính mạng người bệnh. Do đó, việc tiên lượng bệnh và điều trị cấp cứu càng sớm sẽ càng giảm thiểu các biến chứng và tỷ lệ tử vong do các tế bào não bị tổn thương, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và tăng khả năng phục hồi. Điều trị vỡ phình mạch máu não là làm cho mạch máu bị vỡ hết chảy máu để cứu sống người bệnh, ngăn ngừa và giảm thiểu tối đa các biến chứng có thể xảy ra. Hiện nay, hai phương pháp chính để cấp cứu điều trị cho người bệnh bị vỡ mạch máu não chính là can thiệp nội mạch và vi phẫu thuật. Bên cạnh đó, cũng cần điều trị nội khoa trong các ca bệnh vỡ mạch máu não để giúp bệnh nhân ổn định tình trạng sức khỏe, điều trị các các biến chứng xảy ra. Tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị chính xác là dùng thuốc hay phẫu thuật (phẫu thuật mở hộp sọ, phẩu thuật bắt cầu động mạch não) hay can thiệp mạch não.
Nhau bám mép ở tuổi thai 20 tuần thì đã có thể chẩn đoán tương đối chính xác. Tuỳ thuộc vị trí nhau để có tiên lượng (nhau mặt sau tốt hơn), có xuất huyết âm đạo lần nào trong thai kỳ lần này hay chưa? Nói chung, không có phương pháp phòng ngừa triệt để, bạn chỉ có thể dự phòng làm giảm nguy cơ xuất huyết âm đạo bằng cách tránh những hoạt động mạnh, kiêng quan hệ vợ chồng, dùng thuốc hỗ trợ phổi khi thai được khoảng 28 tuần. Bạn vẫn có thể theo dõi thai ngoại trú nếu không ra huyết âm đạo. Nhập viện ngay nếu có ra huyết âm đạo. Cân nhắc chấm dứt thai kỳ từ tuổi thai 36-37 tuần với bác sĩ đang theo dõi thai cho bạn. Nên chọn sinh ở những bệnh viện sản khoa lớn, có thể phẫu thuật mổ lấy thai cấp cứu cũng như truyền máu số lượng lớn nếu cần thiết.
Bị hạt ngọc dương vật là một căn bệnh lành tính, bệnh còn được gọi là sần sinh dục lành tính. Đây là tình trạng những nốt nhỏ giống như những nốt mụn màu trắng đục, tạo thành 2 - 3 hàng, thông thường xuất hiện ở đầu dương vật, chủ yếu ở xung quanh quy đầu hoặc rãnh quy đầu hay dây hãm. Tuy nhiên, nó không có mủ và không gây lây lan. Bệnh này phải đến bệnh viện để bác sĩ Nam khoa khám, tư vấn và điều trị cho bạn. Cách chữa phổ biến hiện nay là tiểu phẫu hay đốt laser.
Về mặt nguyên tắc thì bạn vẫn có thể theo dõi sinh ngả âm đạo nếu nguyên nhân mổ lần trước không còn tồn tại. Trường hợp khung chậu của bạn bình thường, lần này bé nhỏ hơn 3500 gr, bạn vẫn có thể thử thách sinh ngả âm đạo. Tuy nhiên bạn cần chọn trung tâm sản khoa có phòng mổ để có thể mổ sinh cấp cứu khi cần thiết. Nếu bạn cân nhắc chọn mổ sinh chủ động thì bạn có thể trao đổi với bác sĩ đang theo dõi thai cho bạn, có thể mổ sinh khi thai được 39 tuần tuổi.
Thông thường có các bệnh về thận, các hormone do thận sản sinh ra mất cân bằng gây rối loạn cương dương và xuất tinh sớm. Bạn nên đến bệnh viện để cho các bác sĩ Nam Khoa khám, tư vấn và điều trị cho bạn, khi đó uống thuốc mới có hiệu quả. Bạn không nên tự ý mua thuốc uống sẽ không có hiệu quả. Chúc bạn mau khỏi bệnh!
Bạn bị hội chứng buồng trứng đa nang (có ít nhất 2 triệu chứng: Rối loạn rụng trứng; Cường androgen trên lâm sàng hay xét nghiệm; Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm). Điều trị tùy thuộc bạn đã có gia đình chưa, có muốn có thai hay không? Nguyên tắc điều trị là giúp cho bạn có kinh đều để phòng ngừa bất thường nội mạc tử cung. Nếu bạn muốn ngừa thai, có thể sử dụng thuốc ngừa thai uống mỗi ngày. Trường hợp bạn chưa có gia đình hay muốn có thai, bạn có thể uống Duphaston 1 viên mỗi ngày, mỗi tháng uống 10-12 viên. Để dễ nhớ, bạn có thể uống bắt đầu từ ngày đầu tiên của tháng. Mặt khác, bạn có cơ địa dễ bị béo phì và đái tháo đường, bạn nên có chế độ ăn giảm chất bột đường và tập thể dục để tránh tăng cân. Bạn nếu có điều kiện thì nên khám chuyên khoa phụ sản để được theo dõi và tư vấn điều trị.
Chụp CT phổi khi gia đình có người thân bị ung thư phổi, người thường xuyên tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường độc hại, nhiễm phóng xạ, người có thói quen hút thuốc lá trên 10 năm hoặc những người đã hơn 50 tuổi và thường xuyên hút thuốc lá,...
Thai nhi của bạn có dãn hố sau còn cấu trúc não bình thường thì tiên lượng tương đối tốt. Trước mắt cần theo dõi tiếp, bạn nên tái khám 2 tuần sau và siêu âm để theo dõi diễn tiến dãn hố sau. Nếu giảm đi thì có thể tiếp tục theo dõi khám thai định kỳ. Nếu dãn hố sau tăng lên thì nên khám tiền sản ở trung tâm sản khoa lớn để được chẩn đoán chắc chắn cũng như tư vấn cụ thể hơn.
Viêm trung thất là tình trạng viêm vùng ngực sau xương ức, giữa 2 lá phổi (trung thất). Khu vực này chứa tim, các mạch máu lớn, khí quản, ống thức ăn (thực quản), tuyến ức, các hạch bạch huyết và mô liên kết. Vì vai trò quan trọng của khu vực này, nên tình trạng viêm xảy ra tại đây thường liên quan đến nhiều bệnh nghiêm trọng. Viêm trung thất thường do nhiễm trùng. Nó có thể xảy ra đột ngột (cấp tính), hoặc có thể phát triển chậm và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian (mạn tính). Ngoài viêm trung thất cấp tính khá phổ biến, viêm trung thất mạn tính hiếm gặp hơn, bao gồm hạch trung thất bị viêm dạng u hạt (granulomatous mediastinitis) hoặc xơ hóa trung thất có thể xảy ra do nhiễm trùng hoặc bị kích ứng trong thời gian dài. Với phim CT ngực nghi ngờ viêm trung thất và em có triệu chứng nặng ngực thường xuyên, việc đến BV lớn để kiểm tra kỹ hơn và điều trị là cần thiết. Em có thể đăng ký khám tại chuyên khoa ngoại lồng ngực mạch máu, đem theo phim CT đã chụp để BS xem xét và hướng dẫn em các bước tiếp theo cần làm (như xét nghiệm máu, siêu âm tim...) nhằm xác định chính xác bệnh và có hướng điều trị thích hợp tương ứng, em nhé.
Seduxen chứa hoạt chất diazepam, là thuốc thuộc nhóm benzodiazepin có tác dụng an thần, gây ngủ. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc sẽ gây suy giảm trí nhớ, bao gồm trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Mức độ suy giảm trí nhớ liên quan tới liều và thời gian bán thải của thuốc, sử dụng càng lâu và liều càng cao thì tác dụng làm hỏng trí nhớ càng nghiêm trọng. Do đó, việc sử dụng thuốc cần phải có kiểm soát và hướng dẫn của BS chuyên khoa thần kinh hay chuyên khoa tâm thần, là chuyên khoa chuyên điều trị mất ngủ, em nhé.
Xương của trẻ sơ sinh mới đủ non để nắn chỉnh, chứ xương của người trong độ tuổi dậy thì vẫn không đủ mềm để có thể tự nắn chỉnh từ bên ngoài được. cho nên khả năng em tự nắn chỉnh xương tại nhà để tay thẳng ra là không thể. Tuy nhiên, y học hiện đại vẫn có cách để điều trị giúp tay em thẳng ra, có thể là điều trị bảo tồn (không phẫu thuật) hoặc điều trị phẫu thuật, tùy vị trí và mức độ biến dạng của khớp - xương. Do đó, em nên đến khám kiểm tra tại BV chấn thương chỉnh hình để BS kiểm tra đầy đủ cho em và tư vấn gia đình hướng điều trị thích hợp, em nhé.
Trước hết, BS chúc mừng em đã tìm ra đúng bệnh và điều trị đúng nên bệnh tình mới cải thiện đáng kể, chất lượng cuộc sống cũng gia tăng. Bệnh rối loạn lo âu lan tỏa là bệnh có thể chữa được nhưng thường phải điều trị kéo dài, bệnh gia giảm tùy vào mức độ nặng của bệnh kèm tác động của môi trường xung quanh mà điều trị khỏi nhanh hay chậm, chứ không phải trường hợp nào cũng phải dùng thuốc suốt đời. BS cũng không thể nói rõ được là khi nào em dừng thuốc được, nhưng mà chắc chắn là với liều thuốc hiện nay và các triệu chứng hiện tại thì em chưa thể ngừng thuốc trong thời gian sắp tới đâu. Điều trị bệnh rối loạn lo âu luôn gồm 2 phần chính, thứ nhất là tâm lý, thứ hai là thuốc. Về mặt tâm lý, bệnh nhân và người nhà cần nỗ lực giúp duy trì những suy nghĩ tích cực, không nên chán nản, nóng vội cả trong lúc điều trị thì rất khó trị khỏi. Thứ hai là về việc dùng thuốc, điều trị bệnh này không phải dễ, khi mình hạp thuốc rồi thì cố gắng điều chỉnh lại mặt tâm lý để giảm dần liều thuốc xuống tiếp nữa, khi thuốc đạt tới liều thấp thì mới ngưng hẳn. Em cố gắng khám bệnh định kỳ theo hẹn của BS và tập thêm thể dục để giải tỏa năng lượng xấu, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, em nhé.
Hình ảnh bạn gửi là những cấu trúc nếp gấp niêm mạc lưỡi bình thường đôi khi tạo ra do lệch khớp cắn nhẹ. Nhưng cấu trúc nếp gấp niêm mạc này không phải bệnh lý nên bạn cứ an tâm nhé.
Những bệnh nhân liệt giường, bệnh nhân di chứng tai biến, bệnh nhân lớn tuổi,… nằm lâu sẽ có hiện tượng giảm nhu động ruột cũng như dinh dưỡng kém làm ảnh hưởng quá trình tiêu hoá và thải phân, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau (kết hợp) giúp bệnh nhân đại tiện dễ hơn: Ăn thêm rau xanh (nếu có thể). Uống thêm Debridate 100mg mỗi ngày 3 lần mỗi lần 1 viên (sau ăn). Dùng fleet enema bơm hậu môn cho bệnh nhân đại tiện. Nếu các biện pháp trên không hiệu quả nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện kiểm tra nhé.
Thật ra uống một ít bia không ảnh hưởng gì nhiều đến quá trình lành vết thương. Chỉ một số bệnh nhân có nhiều bệnh nền sẽ được khuyến cáo kiêng rượu bia vì sợ ảnh hưởng trước phẫu thuật.
Chỉ số PDW là từ viết tắt của cụm Platelet Disrabution Width, tức là độ phân bố của tiểu cầu nếu xét theo đơn vị % sẽ dao động từ 10-18%, nếu xét theo đơn vị FL thì chỉ số bình thường dao động từ 25 - 65. Trong kết quả xét nghiệm bạn gửi, đơn vị sử dụng có thể là % nên giá trị 17.7% là hoàn toàn bình thường. Bạn không có gì phải lo lắng về sức khỏe cả. Nếu xét về góc độ Y khoa, một chỉ số PDW không thể nói lên bất cứ điều gì về tình trạng sức khỏe, cần phải đi kèm cả sự bất thường về số lượng tiểu cầu, tính chất tiểu cầu và hình dạng tiểu cầu trên kết quả phết máu ngoại vi - những thông tin trên google về PDW là chưa chính xác, dễ gây hoang mang cho người không có chuyên môn Y khoa.
Nếu đã được chụp MRI khớp háng 2 bên không ghi nhận bệnh lý thì khả năng cảm giác đau của bạn chỉ là đau cơ mà thôi. Ở tuổi 19, đau lưng thường là do đau cơ - rất hiếm trường hợp bệnh lý cột sống (nếu có thường rất nhẹ). Bạn có thể tập luyện thể thao tùy sở thích, nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc an toàn khi chơi, khởi động - giãn cơ phù hợp…
Bạn bị nhân xơ tử cung gây cường kinh. Bạn có thể uống thuốc cầm máu và chống viêm non-steroids xem có hiệu quả giảm bớt máu kinh hay không? Nếu vẫn không thành công thì nên khám chuyên khoa để được kiểm tra và uống thuốc đặc trị cho nhân xơ. Nếu vẫn không thành công thì có thể cân nhắc phẫu thuật để giải quyết, cũng có nhiều phương pháp (bổ bóc nhân xơ, cắt tử cung, đốt nhân xơ bằng sóng cao tần…. tùy thuộc tuổi và mong muốn sinh sản.
Chất lượng của lens để điều trị tật khúc xạ phải đảm bảo việc nhìn xa hay gần phải đáp ứng nhu cầu sinh lý. Việc lens mờ khi nhìn gần là không đảm bảo (có thể độ khúc xạ có vấn đề, hoặc chất lượng kính có vấn đề, hoặc mắt có bệnh lý khác…) Bạn hãy đến bệnh viện chuyên khoa mắt để thăm khám chính xác nhé. Thông thường bệnh nhân hay đến các cơ sở mua bán kính để đo độ khúc xạ, có thể bỏ sót các bệnh lý về mắt vì chuyên môn của kỹ thuật viên đo khúc xạ có thể không được đào tạo về phần bệnh lý mắt.
Chào bạn,Theo mô tả của bạn, khả năng bạn bị lạc tuyến nội mạc tử cung vào vết mổ ở thành bụng. Bệnh lành tính, đau tăng lên khi hành kinh, u có thể lớn dần. Điều trị bằng thuốc giảm đau non-steroids, nếu thuốc giảm đau không hiệu quả có thể cân nhắc phẫu thuật bóc tách khối u. Trường hợp mổ bóc tách khối u không hết, bệnh có thể tái phát. Nên trì hoãn phẫu thuật cho đến kỳ sinh tới, mổ sinh và bóc tách khối u luôn thì hay hơn.
Viêm đa khớp, cứng khớp, các ngón biến dạng là các dấu hiệu có thể gặp trong bệnh lý viêm khớp tự miễn (hàng đầu là viêm khớp dạng khớp dạng thấp), viêm khớp tinh thể (hàng đầu là gout), viêm thoái hóa khớp... Trong đó, cần phải sớm xác định và loại trừ viêm khớp tự miễn và viêm khớp tinh thể trước, vì bệnh này ảnh hưởng lên toàn thân chứ không chỉ riêng các khớp, và phải dùng thuốc đặc trị mới khống chế được khớp viêm, giảm tàn phá khớp, chứ không thể uống giảm đau thông thường là sẽ hết. Do đó, bạn cần đến kiểm tra sớm tại chuyên khoa cơ xương khớp, cần làm xét nghiệm máu và chụp phim X-quang để sớm xác định bệnh và có hướng điều trị tích cực sớm, bạn nhé.
Trên lưỡi tự dưng xuất hiện nhiều vết loét mà không đau là một bất thường cần phải đến BV kiểm tra sớm, vì nó dự báo cho những bệnh lý nguy hiểm có thể mắc phải. Một bệnh lý lành tính thường gặp hay gây loét trong niêm mạc miệng, lưỡi là bệnh nhiệt miệng thì các ổ nhiệt miệng này cũng thường đi kèm với cảm giác đau khi ăn hoặc khi nói chuyện. Những vết loét miệng không đau có thể gặp trong bệnh giang mai, tiểu đường, ung thư...Do đó, em cần đưa mẹ đến BV kiểm tra sớm, khám tại Bv chuyên khoa tai mũi họng, em nhé.
Nước vào tai trong lúc rửa mũi là do nước đi vào tai giữa thông qua ống vòi nhĩ (ở thành sau vùng mũi họng). Thật tế nước trong tai giữa vẫn có thể được tái hấp thu nếu dịch này sạch và lượng ít. Với lượng nước nhiều, không nên chờ nước trong tai giữa tự tái hấp thu vì sẽ rất dễ viêm tai giữa. Muốn lấy được nước ra thì cũng phải làm nước đi ra theo con đường nước đã đi vào, bằng cách mở lỗ tai vòi thông qua hoạt động nhai (nhai kẹo cao su), động tác cúi đầu hít thở sâu rồi ngậm miệng lại thở ra, uống thuốc giảm viêm nếu quanh lỗ tai vòi và ống vòi nhĩ cũng bị viêm (viêm thì ống sẽ sưng nề, hẹp, tắc). Em từng có tiền căn viêm tai giữa thì khả năng bị viêm tai giữa lần nữa khá cao, mặt khác, em đang nghẹt mũi, viêm mũi thì niêm mạc vùng mũi họng thường cũng có hiện tượng viêm, lỗ tai vòi khó thông thoáng nếu không điều trị thuốc giảm viêm sớm. Vì thế, cách tốt nhất là em nên khám BS chuyên khoa tai mũi họng để BS kiểm tra bệnh cho em, kê thuốc phù hợp vừa trị nghẹt mũi vừa ngăn ngừa biến chứng viêm tai giữa, em nhé.
Lây truyền dọc sán chó có thể xảy ra thông qua sữa mẹ. Tuy nhiên, em khoan vội lo lắng, xét nghiệm máu sán chó dương tính không có nghĩa là em đang bị bệnh. Nguyên nhân dương tính có thể do trước đây em từng nhiễm, hiện tại vẫn còn kháng thể hoặc do xét nghiệm bị nhiễu. Tùy vào triệu chứng (như ngứa da) và các kết quả khác (như xét nghiệm máu tăng Eso) mới quyết định có nên điều trị hay không. Nếu em bé dưới 6 tháng tuổi, vẫn còn đang bú mẹ thì BS khuyên em không nên vội điều trị, trừ khi có triệu chứng rõ ràng, xác định được chẩn đoán. Nếu bé bắt đầu ăn dặm rồi thì tốt nhất nếu mẹ cần phải uống thuốc tẩy giun thì nên cho bé ngưng bú 2-3 ngày sau mới bú lại. Nếu bé trên 1 tuổi thì nên tẩy giun cho cả mẹ và con. Em có thể đến khám ở các Viện Ký sinh trùng hoặc BV có chuyên khoa Nhiễm để được tư vấn cụ thể hơn, em nhé!
Thuốc Zoacnel không bắt buộc hạ liều thấp dần rồi mới ngưng hẳn Zoacnel là thuốc có thành phần chính là Isotretinoin, có 3 hàm lượng chính là 20, 10 và 5mg trong 1 viên. Isotretoin có tác dụng làm giảm kích thước tuyến bã nhờn và ức chế hoạt động của tuyến bã nhờn, vì thế làm giảm sự bài tiết bã nhờn. Ngoài ra, còn có tác dụng kháng viêm trên da. Thuốc này không bắt buộc hạ liều thấp dần rồi mới ngưng hẳn. Cho nên nếu em muốn ngừng điều trị thì em có thể ngưng thuốc khi hết thuốc và không cần tái khám. Tuy nhiên, nếu muốn xử lý mảng chai ở mặt thì em nên tiếp tục điều trị với BS chuyên khoa da liễu, với can thiệp tích cực hơn nữa ngoài việc dùng thuốc uống, như là các liệu pháp tác động từ bên ngoài hỗ trợ, nhưng mà chi phí sẽ cao vì đây là mảng dịch vụ thẩm mỹ rồi. Em có thể tìm hiểu thêm ở các trung tâm thẩm mỹ có uy tín hay đơn vị chăm sóc da thẩm mỹ của BV, em nhé.
Hiện tượng tiểu lắt nhắt có nhiều nguyên nhân, cơ chế chủ yếu do kích thích đường tiểu (nhiễm trùng, hội chứng bàng quang kích thích, u nhú bàng quang hoặc niệu đạo …) hoặc do phì đại tiền liệt tuyến gây khó khăn khi tiểu tiện làm luôn có ứ nước tiểu trong bàng quang, gián tiếp kích thích gây tiểu tiện nhiều lần nhưng không thể thải hết lượng nước tiểu. Tất cả những nguyên nhân trên cần được thăm khám trực tiếp, siêu âm, xét nghiệm nước tiểu… để tìm nguyên nhân và xử trí. Bạn hãy đến chuyên khoa Niệu (bệnh viện Bình Dân, 115, Chợ Rẫy, ĐHYD…) kiểm tra nhé.
Thuốc tránh thai hàng ngày thường là thuốc phối hợp Progestogen và Estrogen, thuống có 2 loại (21 và 28 viên). Khi sử dụng thuốc viên tránh thai thì cần uống mỗi ngày trong 3 tuần và nghỉ 1 tuần (vỉ 21 viên) và loại uống liên tục (vỉ 28 viên), uống cần đúng giờ để khỏi quên và đảm bảo hiệu quả của thuốc. Que tránh thai là loại chỉ có Progestogen là loại có tác dụng kéo dài tới 3 năm. Hiệu quả cả 2 phương pháp khá cao, tỷ lệ thất bại với thuốc viên tránh thai là 0,1% và que cấy tránh thai là 0,01%. Tác dụng phụ của viên uống tránh thai: nôn, buồn nôn và đau đầu thường thoáng qua và ổn sau 2-3 chu kỳ; đau vú thường nhẹ, tăng cân: viên uống liều lượng thấp thường không có tác dụng phụ này, cao huyết áp, biến chứng mạch máu. Que tránh thai thường gây rối loạn kinh nguyệt hay vô kinh. Bạn có thể sử dụng cả 2 loại phương pháp vừa nêu nếu không có chống chỉ định như: cao huyết áp, bệnh lý mạch máu, bệnh gan thận mãn tính. Bạn nên khám phụ khoa để được kiểm tra sức khỏe và tư vấn phương pháp ngừa thai thích hợp.
Kết quả của bạn hiện chưa có bất thường, bạn cứ tái khám theo hẹn để được theo dõi. Nhiễm HPV thông thường khoảng 70-80% tự lành, chỉ một số trở thành nhiễm mãn tính và có thể tiến triển thành bất thường cổ tử cung. Bạn có thể tái khám mỗi 6 tháng và đến tháng 12 làm lại PAP và HPV (co-testing).
Răng sâu kèm sưng nướu có khả năng ổ nhiễm trùng lan ra mô mềm quanh chân răng (nướu) và tạo ổ mủ (abscess). Đây là bệnh lý cần đến Nha sĩ điều trị trực tiếp càng sớm càng tốt kết hợp điều trị kháng sinh. Bác sĩ không thể kê toa kháng sinh khi chưa thăm khám, và cũng không thể kê toa trên phương tiện đại chúng. Bạn hãy đến Nha sĩ kiểm tra sớm nhé bạn.
Xét nghiệm HIV Combi PT hay còn gọi bằng một cái tên khác là HIV combo Ag/Ab là xét nghiệm phát hiện đồng thời kháng nguyên P24 HIV I và kháng thể HIV I hoặc HIV II. Xét nghiệm này sử dụng sinh phẩm thế hệ 4, là thế hệ mới nhất có khả năng phát hiện HIV sớm nhất. HIV combi PT là xét nghiệm miễn dịch được thực hiện dựa trên nguyên lý điện hóa phát quang trên hệ thống máy xét nghiệm Cobas 8000 của Roche rất nhạy và đặc hiệu để phát hiện định tính kháng nguyên p24 HIV-I và kháng thể đối với HIV-I, trong huyết thanh người hoặc huyết tương sớm nhất có thể hiện nay. Chẩn đoán nhiễm HIV có thể được thực hiện sớm nhất là 2 - 3 tuần sau khi nhiễm. Dựa trên việc phát hiện kháng nguyên HIV p24 trong máu. Kháng thể chống HIV có thể được phát hiện trong huyết thanh từ khoảng 4 tuần sau khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên đó là khuyến cáo của nhà sản xuất, thời gian để chắc chắn an toàn kết quả Âm tính trên xét nghiệm sau 3 tháng kể từ khi có hành vi nguy cơ.
Nguyên tắc là tinh trùng người cho phải vô danh, nghĩa là tinh trùng đã có sẵn trong ngân hàng tinh trùng. Bạn cần phải tìm được người cho (người quen, bạn bè, bà con…) để đổi tinh trùng đã có sẵn trong ngân hàng. Chồng bạn nên khám nam khoa để xem nguyên nhân là gì, có thể sinh thiết tinh hoàn xem có tinh trùng không, nếu có thì có thể làm thụ tinh trong ống nghiệm (ICSI)?
Thuốc Progynova là Estrogen có mục đích làm tăng độ dày nội mạc tử cung. Đến nay chưa có đủ chứng cứ về sự hiệu quả và độ an toàn khi sử dụng trong thai thụ tinh trong ống nghiệm. Bạn nên tư vấn với bác sĩ đang điều trị cho bạn để xem xét có cần tiếp tục sử dụng thuốc hay không. Kết quả xét nghiệm cho bạn khá tốt, khả năng là thai đã làm tổ thành công.
Thời gian để vết cắt bao quy đầu lành khoảng 10-14 ngày (có khi hơn nếu nhiễm trùng). Tuy nhiên sau 5-7 ngày đầu tiên nếu không nhiễm trùng thì vết mổ đã khô, sẽ không thể có hiện tượng tiết dịch. Từ sau Tết đến giờ nếu vẫn còn chảy dịch là khả năng vết mổ nhiễm trùng, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra nhé.
Sau phẫu thuật kết hợp xương khoảng 1 năm đều có chỉ định phẫu thuật lần 2 tháo nẹp đề phòng hiện tượng viêm xương. Tuy nhiên với các vật liệu hiện đại ngày nay có thể để thời gian lâu hơn, và tùy vào sức khỏe bệnh nhân (bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nền nguy cơ biến chứng phẫu thuật cao…) thì có thể không cần lấy nẹp ra. Nếu bạn trẻ và sức khỏe tốt thì nên phẫu thuật lấy nẹp. Bạn hãy đến chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để được thăm khám và tư vấn thêm về phẫu thuật nhé.
Bầm ở chân không do va đập là tình trạng xuất huyết dưới da tự nhiên, nguyên nhân là do rối loạn đông máu. Em vừa bị bầm máu ở chân, vừa chảy máu chân răng là biểu hiện của rối loạn đông máu. Đây là bệnh nguy hiểm, em cần phải nói với gia đình đưa em đến BV để kiểm tra càng sớm càng tốt, tốt nhất là đến thẳng BV chuyên về huyết học như BV truyền máu huyết học, nha em.
Bệnh cơ tuyến túi mật là tăng sản và dày lên của lớp niêm mạc và lớp cơ cùng với các túi thừa trong thành túi mật (xoang Rokitansky – Aschoff). Lớp niêm mạc thoát vị vào trong lớp cơ túi mật, các túi thừa này có thể thông với lòng túi mật và chứa tinh thể cholesterol, bùn, nhiều sỏi nhỏ bên trong. Đây là bệnh lành tính, và theo y văn mới thì bệnh này không liên quan với ung thư túi mật. Do đó, không nhất thiết chúng ta phải cắt túi mật để điều trị, và có thể theo dõi định kỳ. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là ung thư túi mật cũng có thể có biểu hiện dày thành túi mật, đặc biệt là sẽ khó khăn nếu ung thư phát triển ngay đúng vị trí đã dày lên của u cơ tuyến, nên cần theo dõi sát định kỳ bởi bác sĩ siêu âm có tay nghề tốt.
1. Đặc tính của loài chó khi cắn phải há miệng và chạy theo, hành động này chậm và tốn thời gian nên nếu có cắn hay không nhất định bạn sẽ thấy, sau khi cắn sẽ quay lại gầm gừ (trừ phi bạn đuổi đánh). Không có chuyện chó chạy vụt ngang và cứa răng vào chân bạn rồi chạy đi nhanh tới mức bạn không biết. Nên gần như chắc chắn vết thương bạn có không thể nào do con chó đó cứa răng vào gây ra. 2. Sau khi tiêm chủng vắc xin ngừa dại đúng phác đồ 5 mũi, cơ thể sẽ có kháng thể bảo vệ trong 01 năm vì vậy nếu mũi cuối cùng cách đây vài tháng thì bạn có thể an tâm.
Mu bàn chân có cả cấu trúc xương đốt bàn chân và mô mềm (mô dưới da, cơ…). Biểu hiện sưng tím và đau có thể là chấn thương mô mềm hoặc thậm chí là gãy nứt xương tùy vào lực tác động và bản thân nạn nhân (trẻ em dễ tổn thương hơn người lớn). Bạn hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện để kiểm tra nhé, trường hợp nghi ngờ chấn thương xương phải chụp X-quang mới có thể kết luận.
Kết quả soi nhuộm huyết trắng của bạn không có tác nhân viêm nhiễm đặc hiệu. Nếu có triệu chứng khó chịu thì có thể điều trị như viêm âm đạp tạp khuẩn, có thể dùng kháng sinh uống hay đặt. Nếu không có triệu chứng gì khó chịu thì cũng không cần điều trị.
Xét nghiệm HbA1c cho biết mức đường huyết trung bình của em trong khoảng 3 tháng vừa qua. Đường huyết lấy từ máu tĩnh mạch của em tăng so với ngưỡng giá trị bình thường trong khi HbA1C trong giới hạn bình thường, thường do những nguyên nhân sau: - HbA1c không chính xác: xét nghiệm HbA1c phải thực hiện tại phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế với loại xét nghiệm này; em không bị thiếu máu mức độ trung bình – nặng. - Đường huyết lấy từ máu tĩnh mạch lần này không phải đường huyết đói buổi sáng mà là đường huyết bất kỳ trong ngày và đã bị ảnh hưởng bởi lượng thức ăn trước đó, hoặc đường huyết tĩnh mạch bất kỳ tăng do Stress, thuốc (bao gồm: corticoids, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc lợi tiểu, thuốc tránh thai...), Ăn quá nhiều (lượng thức ăn đưa vào cơ thể quá nhiều), do viêm nhiễm cấp, vận động thể lực nặng trước đó... Với 1 xét nghiệm đường huyết bất kỳ tăng nhẹ mà em không có triệu chứng của ĐTĐ (ăn nhiều, uống nhiều, sụt cân nhiều, khác nhiều) cũng như chỉ số HBA1c không cao thì không đủ chẩn đoán ĐTĐ. Em nên xét nghiệm lại đường huyết đói lần thứ hai vài ngày sau đó, đo vào buổi sáng sau khi nhịn đói trước đó đủ 8 giờ, gặp BS chuyên khoa nội tiết để được tư vấn về kết quả xét nghiệm, sau khi BS đánh giá lại tình trạng sức khỏe hiện tại của em.
Sau chấn thương đầu gây vết lõm trên đỉnh đầu thì có 2 tình huống, 1 là thật sự có lõm xương sọ (tức là xương bị lún) khi đó thường sẽ kèm theo xuất huyết não (do đây là chấn thương rất mạnh) và dẫn đến 1 số triệu chứng về thần kinh (nhức đầu dữ dội, nôn ói, rối loạn tri giác, trí nhớ...), 2 là chỉ bị dập mô mềm vùng da đầu mà thôi. Như vậy, nếu em phát hiện có lõm ít ở đỉnh đầu mà không có kèm triệu chứng bất thường gì thì thường là do vấn đề da đầu, mô mỡ dưới da...nguyên nhân này thì không nguy hiểm và không cần điều trị.
Sắt là một nguyên tố quan trọng trong cơ thể con người, nhất là với việc sản xuất hồng cầu. Bệnh thừa chất sắt là rối loạn liên quan đến vấn đề lượng sắt bị tích tụ quá nhiều trong cơ thể. Cụ thể ở đây là hiện tượng ruột mất đi khả năng điều hòa lượng sắt trong cơ thể dẫn đến sắt dư thừa ở các cơ quan như gan, tim, tuyến tụy và làm tổn thương những cơ quan này. Bệnh thừa sắt được phân làm hai loại: - Thừa sắt nguyên phát: do di truyền từ gia đình - Thừa sắt thứ phát: do các bệnh lý khác gây nên như thiếu máu, bệnh gan hoặc do được truyền máu nhiều. Khi làm xét nghiệm nồng độ sắt huyết thanh cao, bạn cần phải làm thêm các xét nghiệm để xác định bệnh thừa sắt và các biến chứng của bệnh, bao gồm: • Xét nghiệm độ bão hòa transferrin trong huyết thanh: dùng để đo lượng sắt gắn với protein mang sắt trong máu. Kết quả lớn hơn 45% được xếp vào loại cao. • Xét nghiệm ferritin trong huyết thanh: dùng để đo lượng sắt trong gan. Xét nghiệm này được chỉ định sau khi biết được kết quả xét nghiệm độ bão hòa transferrin trong huyết thanh là cao hơn trị số bình thường. • Xét nghiệm chức năng gan để kiểm tra sự tổn thương gan. • Chụp cộng hưởng từ để xác định mức độ quá tải của sắt trong gan. • Thử nghiệm đột biến gen: tìm đột biến HFE nếu xét nghiệm lượng sắt trong máu cao. • Sinh thiết gan: lấy mẫu mô từ gan để làm xét nghiệm đánh giá tổn thương gan. Sau khi xác định rõ bệnh, mức độ bệnh, BS mới đưa ra hướng điều trị tiếp theo cho bạn được (bao gồm lấy máu thải sắt, sử dụng thuốc bảo vệ gan, tim). Bạn đến BV khám tại chuyên khoa huyết học để kiểm tra về bệnh này, bạn nhé.
Miệng lưỡi đóng bợn trắng có thể gặp ở người bị trào ngược dạ dày thực quản. Lý do là dịch acid từ dạ dày trào lên họng miệng theo đường từ thực quản làm bỏng và kích thích niêm mạch nơi đây, tăng tạo bợn trắng. Tuy nhiên, trường hợp miệng lưỡi có quá nhiều bợn trắng cũng cần phân biệt với nấm miệng, một số bệnh lý nguy hiểm ở miệng như lichen... nhất là ở người có hút thuốc lá, có bệnh lý suy giảm miễn dịch. Vì vậy, trước tiên là em cần khuyên cậu của em đến BV tai mũi họng để kiểm tra trước, BS quan sát miệng trực tiếp xong sẽ hướng dẫn làm các xét nghiệm cần thiết để xác định bệnh (có khi cần, có khi không cần nếu hình ảnh quá điển hình), biết bệnh gì rồi thì mới có hướng tư vấn thích hợp được, em nhé.
Bạn Phạm Quỳnh thân mến, Theo thông tin bạn cung cấp, BS nhận thấy bạn có nhiều dấu hiệu của bệnh Migraine. Bệnh migraine là bệnh gây đau một bên đầu từng cơn. Đặc điểm của bệnh là đau một nửa đầu, người bệnh có cảm giác trong đầu như có sợi dây giật giật theo nhịp mạch đập. Cơn đau có thể xuất hiện một bên hoặc hai bên đầu hoặc luân chuyển lúc bên này lúc bên kia. Cơn đau thay đổi cường độ từ nhẹ đau thoáng qua đến đau dữ dội và kéo dài từ nhiều giờ đến vài ba ngày. Cơn đau đầu có thể xảy ra đột ngột hoặc có các triệu chứng báo trước như: hoa mắt, mờ mắt, chóng mặt, ù tai, nhìn một hình thành hai hình, nói khó, tê buốt da đầu. Cơn đau sẽ nặng lên khi người bệnh di chuyển, chạy nhảy, ho, hắt hơi hoặc thay đổi tư thế đầu. Sau cơn đau đầu người bệnh thường cảm giác mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ. Bệnh migraine là bệnh chưa rõ căn nguyên, rất thường gặp, nếu điều trị đúng sẽ đáp ứng rất tốt và còn có thể điều trị dự phòng (tránh cho cơn đau đầu xuất hiện). Điều trị bao gồm dùng thuốc là chủ yếu. Nhìn chung, cả hai bệnh đau đầu Migraine và rối loạn tiền đình đều là bệnh có thể điều trị được, bạn đã chụp MRI sọ não loại trừ bệnh lý nguy hiểm trong não, giờ đây chỉ cần theo dõi và điều trị tích cực với BS chuyên khoa Nội thần kinh là các khó chịu của bạn sẽ giảm đáng kể, bạn nhé.
Về vấn đề da của bạn, bác sĩ nghi ngờ là do một bệnh lý hệ thống khác chứ không đơn thuần là bệnh của da. Do đó, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc bôi mà cần khám trực tiếp, để bác sĩ nhìn rõ sang thương, hỏi kĩ bệnh sử và tiền căn giúp tìm nguyên nhân và chữa trị đúng bệnh bạn nhé!
Táo bón quanh kỳ kinh nguyệt được cho là tác động của sự thay đổi nồng độ hormon estrogen trên ống tiêu hóa. Để khắc phục tình trạng này, khi cận ngày hoặc trong kỳ kinh nguyệt bạn nên áp dụng các biện pháp sau: - Ăn tăng cường khẩu phần thực phẩm chứa chất xơ như rau xanh, trái cây,... - Uống nhiều nước hơn, khoảng từ 1.5-2 lít nước/ngày - Vận động nhẹ như đi bộ giúp cải thiện nhu động ruột - Không nhịn đi đại tiện - Hạn chế dùng chất có cồn như rượu, bia hoặc cà phê khi gần kỳ kinh nguyệt Nếu tình trạng táo bón không cải thiện sau khi áp dụng các biện pháp trên, bạn nên đến khám chuyên khoa tiêu hóa để kê thuốc nhuận tràng cho bạn.
Men gan tăng là biểu hiện gián tiếp của tổn thương tế bào gan, do đó, điều quan trọng nhất khi men gan tăng là cần tìm ra nguyên nhân gây nên để có can thiệp điều trị thích hợp, tránh để gan bị tổn thương nặng nề sẽ gây nguy hiểm. Các nguyên nhân thường gặp gây tăng men gan gồm uống rượu bia, do dùng thuốc độc gan, viêm gan siêu vi A, B, C, gan nhiễm mỡ… Khi thăm khám, BS sẽ hỏi bệnh sử, tiền sử dùng thuốc và đề nghị các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân và điều trị. Mề đay là bệnh lý ở da với biểu hiện viêm da, dị ứng ngoài da, thường xuất hiện vào giai đoạn chuyển mùa nhưng cũng có khi không theo mùa. Các nguyên nhân có thể kể đến như yếu tố di truyền, thời tiết và các yếu tố ngoài môi trường; do thức ăn, thực phẩm và thuốc; do căng thẳng cảm xúc; do nhiễm siêu vi, vi khuẩn; do nhiễm một số loại ký sinh trùng; hóa chất,… Tình trạng mề đay thường ít khi liên quan tới men gan tăng, bạn nên khám chuyên khoa da liễu để kiểm tra và điều trị thích hợp.
Kết quả siêu âm bụng giúp khảo sát hình ảnh học của gan và đường mật, nhưng không thay thế được các xét nghiệm máu và thăm khám lâm sàng trong đánh giá chức năng gan. Đau hạ sườn phải có thể do viêm gan, sỏi túi mật, viêm đáy phổi - màng phổi,… hoặc đau do tổn thương cơ thành ngực như trong các trường hợp như va chạm hoặc vận động không đúng tư thế. Dù là do nguyên nhân gì, bạn vẫn nên khám trực tiếp bác sĩ chuyên khoa nội tổng quát - tiêu hóa để kiểm tra. Bác sĩ sẽ xem xét cần thực hiện thêm các xét nghiệm gì để tìm nguyên nhân gây đau. Về vấn đề nổi mụn nhiều quanh lông mày, có thể là viêm da tiết bã, viêm nang lông hoặc mụn trứng cá…, thường không phải do bệnh gan. Do đó, bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để điều trị thích hợp bạn nhé.
Theo hình ảnh bạn gửi thì có thể đó là Abscess (khối mủ) vùng khẩu cái cứng - đây là một trong số những bệnh lý viêm nhiễm vùng họng miệng. Bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện Tai Mũi Họng để được thăm khám gấp (có thể rạch tháo mủ nếu cần và dùng kháng sinh), để lâu nguy cơ nhiễm trùng huyết rất cao.
Thuốc Postcare 200mg đặt âm đạo được bác sĩ chỉ định cho phụ nữ bị dọa sẩy thai và dự phòng trường hợp sảy thai liên tiếp do suy hoàng thể. Trường hợp của bạn nếu thai đã sẩy thường không cần phải dùng thuốc dưỡng thai nữa. Tốt nhất là nên tái khám lại để bác sĩ chuyên khoa điều chỉnh toa phù hợp bạn nhé!
Xương hàm mặt có rất nhiều cơ vùng mặt bám xung quanh nên trong trường hợp gãy xương hàm dưới thì rất dễ dẫn đến tình trạng di lệch do các cơ bị co kéo rất nhiều, có thể di lệch theo nhiều kiểu khác nhau. Mục đích chính của phẫu thuật là phục hồi lại khớp cắn đúng cho bệnh nhân. Sau 1 năm thì thông thường xương gãy sẽ lành, thường không cần thiết phải phẫu thuật nữa. Bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa Răng hàm mặt để được kiểm tra và tư vấn điều trị bạn nhé.
Theo mô tả bệnh lý của bạn kèm kết quả xét nghiệm máu cho thấy bạn không có dấu hiệu thiếu máu trên xét nghiệm này. Bạn còn quá trẻ để nghĩ đến bệnh ung thư. Khả năng nhiều bạn bị lo âu quá mức dẫn đến những ám ảnh bệnh lý như vậy mà thôi. Việc nổi mụn có thể do thời tiết, môi trường, vệ sinh thân thể,… là những yếu tố chi phối. Bạn nên chăm tập thể dục để cho cơ thể thư giãn nhiều hơn để đừng lo lắng nữa nhé.
Hình ảnh bạn gửi là cấu trúc gai vị giác bình thường của lưỡi, có tác dụng cảm nhận vị thức ăn, không phải bệnh lý nên bạn đừng lo lắng nhé.
Việc gắn mắt giả giúp mang tính thẩm mỹ và tạo tâm lý tự tin hơn. Tuy nhiên, không thể đem lại thị lực cho mắt đã hỏng. Sau 2 tuần phẫu thuật bỏ nội nhãn, nếu vết mổ ổn định, bạn có thể phẫu thuật lắp mắt giả. Chi phí lắp mắt giả khá dao động, trung bình từ 5 - 10 triệu đồng, phụ thuộc chất liệu, kích cỡ mắt nhân tạo, cơ sở y tế được lựa chọn. Thời gian nằm viện còn phụ thuộc vào đáp ứng của cơ thể với mắt giả. Trước tiên, bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa mắt để kiểm tra vết mổ và lựa chọn loại mắt giả phù hợp.
Chóng mặt là một ảo giác người bệnh thấy đồ vật xung quanh xoay tròn hoặc có cảm giác bản thân bị xoay tròn, người bị mất thăng bằng, buồn nôn và nôn uể oải, mệt lả... là một triệu chứng rất thường gặp. Chóng mặt thường được phân thành nguyên nhân trung ương và ngoại biên. Nếu chóng mặt dữ dội hoặc dai dẳng, đi kèm với đau đầu, liệt mặt, yếu nửa người, tê nửa người, mắt mờ, ù tai,... là những dấu hiệu cần tới bệnh viện và thăm khám ngay. Một số trường hợp chóng mặt do nguyên nhân ngoại biên, tức là liên quan tới bệnh lý của khu vực tai trong, viêm thần kinh tiền đình... thường đi kèm với ù tai 1 hoặc 2 bên,... Chóng mặt có thể nhầm lẫn với choáng trong thiếu máu, rối loạn lo âu, hạ huyết áp tư thế. Đặc biệt với những người thường xuyên căng thẳng trong công việc, lo lắng, ít tập thể dục thì triệu chứng này xảy ra cũng khá thường xuyên. Với biểu hiện của bạn mô tả có thể là xây xẩm trong hạ huyết áp tư thế. Huyết áp hạ thấp khi thay đổi tư thế đột ngột (như đột ngột từ tư thế nằm, ngồi sang đứng hoặc xoay người) thường làm người bệnh có cảm giác hoa mắt, choáng váng, nhức đầu… thậm chí ngất. Để điều trị hiệu quả, trước hết phải tìm nguyên nhân gây ra hạ huyết áp tư thế. Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này như thiếu máu, mất nước, bệnh lý tim mạch, bệnh lý thần kinh, thiếu máu, đái tháo đường, do dùng thuốc,… Bạn nên thu xếp khám chuyên khoa nội tim mạch hoặc nội thần kinh để tầm soát các nguyên nhân và điều trị phù hợp bạn nhé.