text
stringlengths
59
2.13k
Những sự chuyển giao quyền lực đó đã dẫn tới các cuộc chiến tranh với tầm vóc và mức độ huỷ diệt khác nhau. Chiến tranh thế giới thứ nhất đã tiêu diệt nhiều chế độ quân chủ cũ tại châu Âu, và làm suy yếu Pháp và Anh Quốc. Chiến tranh thế giới thứ hai dẫn tới sự sụp đổ của những chế độ độc tài quân sự ở châu Âu và sự trỗi dậy của cộng sản chủ nghĩa ở Đông Âu và châu Á. Nó lại gây ra cuộc Chiến tranh lạnh, một sự cách biệt kéo dài bốn mươi năm giữa Hoa Kỳ, Liên bang xô viết và đồng minh của họ. Toàn bộ nhân loại và những hình thức phức tạp của cuộc sống bị đặt trước nguy cơ bởi sự phát triển của các loại vũ khí hạt nhân. Sau khi đã có bước tiến bộ vượt bậc về vũ khí, thế giới lại phải chứng kiến sự tan rã của Liên bang Xô Viết thành những quốc gia riêng lẻ, một số những nước cộng hoà cũ của nó tái gia nhập với Nga vào trong một khối thịnh vượng chung, các nước khác tiến lại gần với tây Âu. </s>
Nửa sau của thế kỷ XX là giai đoạn phát triển của thời đại tin học và toàn cầu hoá đã làm tăng trưởng thương mại và trao đổi văn hoá tăng lên ở mức đáng kinh ngạc. Thám hiểm vũ trụ đã mở rộng ra toàn bộ hệ mặt trời. DNA, mức độ bản nguyên nhất của sự sống, đã được khám phá, và bộ gene của con người cũng đã được nối kết đầy dủ, hứa hẹn cuối cùng sẽ mang lại một thay đổi về tình trạng bệnh tật của loài người. Số lượng những bài báo khoa học hàng năm hiện nay vượt quá tổng số lượng của chúng trước năm 1900 , và cứ 15 năm lại tăng gấp đôi. Tỷ lệ biết chữ tiếp tục tăng lên, và phần trăm nhân lực cần thiết để sản xuất ra đủ lượng lương thực cho thế giới ngày càng giảm bớt khi chúng ta đạt tới (thời đại của những máy móc trí tuệ). </s>
Cũng trong giai đoạn này đã xuất hiện nguy cơ về sự kết thúc của lịch sử loài người, là kết quả của những nguy cơ không thể điều tiết được của quá trình toàn cầu hoá: sự phát triển vũ khí hạt nhân, hiệu ứng nhà kính và các hình thức khác của sự suy giảm chất lượng thiên nhiên có nguyên nhân từ "những nhà máy sử dụng nguyên liệu hoá thạch," những cuộc xung đột quốc tế có nguyên nhân từ sự suy giảm của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự lan truyền nhanh chóng của các loại dịch bệnh như HIV, và sự di chuyển gần Trái Đất của các tiểu hành tinh và sao chổi. </s>
Sự phát triển của các quốc gia cũng làm gia tăng mong ước chiếm đoạt và nỗi sợ hãi vì bị thiệt hại. Ý thức đồng nhất quốc gia luôn được viện tới trong mọi cuộc xung đột với bên ngoài và được coi là một nguy cơ tiềm tàng. Khi thế kỷ XX chấm dứt, thế giới cũng chứng kiến sự trỗi dậy của một số nước được coi là cường quốc mới, là Liên minh châu Âu. Một số bước chuẩn bị đầy toan tính đã được thực hiện nhằm cạnh tranh với Liên minh châu Âu từ các nước Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ. Sự trỗi dậy, cuộc sống và sự sụp đổ của các quốc gia, được tổ chức với nhiều sắc dân đông đảo và cho mục đích hoàn thành các mục tiêu của loài người, tiếp tục là một nguy cơ của chiến tranh, với sự thiệt hại đi cùng về nhân mạng, vật chất, bệnh tật, đói nghèo và diệt chủng. </s>
Các ý tưởng mới nảy sinh với mục đích sửa đổi lại hình thức thế giới. Những người theo chủ nghĩa xã hội Darwin và những người theo chủ nghĩa đế quốc thường tin rằng người da trắng là ưu việt hơn và rằng họ sẽ "khai hóa" cho những dân tộc còn ở trình độ sơ khai (những nền văn hóa khác) bằng cách đưa tới đó cách thức sản xuất phương Tây (kinh tế) và những ý thức hệ phương tây như Ki-tô giáo. Nhờ vậy, những dân tộc sơ khai có thể có một cách sống ‘tốt hơn’, ‘đạo đức hơn’, mặc dù họ cho rằng những dân tộc đó sẽ không bao giờ văn minh được bằng với người da trắng [cần dẫn nguồn]. Những người theo chủ nghĩa xã hội và tự do cũng muốn khai hóa văn minh cho tầng lớp lao động ở các nước phương Tây. Những người theo chủ nghĩa xã hội và tự do ở Hoa Kỳ tin rằng (và hiện vẫn đang tin tưởng như vậy) xã hội, trong tổng thể, chịu trách nhiệm về cách ứng xử của các công dân của nó và rằng xã hội phải được thay đổi để làm cho thế giới tốt đẹp hơn [cần dẫn nguồn]. Những người bảo thủ tại Mỹ, những người tự do tại châu Âu, và tất cả những người theo chủ nghĩa tự do tin vào (và vẫn tiếp tục tin như vậy) tự do và những lực lượng thị trường và muốn rằng cá nhân tự chịu trách nhiệm về chính mình và rằng xã hội phải đảm bảo tự đo để cá nhân có thể phát triển một cách đầy đủ. Những người Ki-tô giáo, bất kể thuộc hệ tư tưởng chính trị nào, tin rằng các mối quan hệ của cá nhân với Nhà thờ và/hay Thiên Chúa là nhân tố chủ chốt của một đời sống thoả mãn. Những người theo Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác có những khái niệm tôn giáo của riêng họ. </s>
Những người theo chủ nghĩa xã hội cố gắng thay đổi xã hội bằng nhiều phương cách khác nhau. Hai phong trào lớn nhất là dân chủ xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Các nhà dân chủ xã hội tìm cách đạt tới một xã hội xã hội chủ nghĩa bằng cách thay đổi xã hội thông qua liên kết với các đảng chính trị khác. Quốc gia hệ thống phúc lợi xã hội được thiết lập ở nhiều nước phương tây. Cánh tả Ki-tô giáo và những người theo chủ nghĩa tự do cùng chiếm ưu thế tại quốc gia kiểu này. Hiện nay quốc gia hệ thống phúc lợi xã hội không được phổ biến bởi các nhà tư bản, họ nghĩ ngăn cản phát triển kinh tế vì đầu tư không hiệu quả. Những người cộng sản tìm cách lập ra một xã hội xã hội chủ nghĩa bằng cách thay đổi xã hội cũ, những tầng lớp cũ và tất cả mọi ý thức hệ cạnh tranh. Nó nó là một mô hình ý niệm tốt tuy nhiên thiếu thức tế bị phản đối mạnh mẽ ở các tầng lớp tư bản cao, vì nó ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của họ. Có nhiều ý kiến trái ngược về mô hình này. Các nhà lãnh đạo Xô viết và Trung Quốc và tầng lớp trí thức nhận ra rằng kiểu sản xuất của ‘phương Tây’ với trách nhiệm cá nhân dẫn tới tiến bộ liên tục trong khi các xã hội cộng sản theo mô hình Liên Xô lại rơi vào giảm phát kinh tế liên tục, vì thế họ bắt buộc phải thay đổi bằng cách tìm ra mô hình phù hợp vừa đảm bảo được sự phát triển kinh tế vừa không vi phạm những quy tắc cơ bản về xã hội chủ nghĩa. </s>
Các nền văn minh ngoài phương tây ban đầu bị thực dân phương Tây thống trị, và họ thường đối xử rất ác nghiệt với dân bản xứ. Những người quốc gia và những phong trào cộng sản lan tràn khắp các quốc gia đó đã tuyên truyền cho dân chúng những ý tưởng đầu tiên về các phong trào độc lập, muốn yêu cầu quyền lợi công bằng trên thế giới. Nhiều thuộc địa châu Phi và châu Á bắt đầu giành lại độc lập trong thập kỷ 1960. Cuối cùng, đã có suy nghĩ lạc quan rằng những nước kém phát triển sẽ trở thành những nước phát triển, nhưng tình hình kinh tế của họ nói chung là rất kém sau khi đã giành được độc lập. Các cuộc nội chiến và những kẻ độc tài làm suy yếu các xã hội và các nền kinh tế địa phương – nguyên nhân của nó thỉnh thoảng là bắt nguồn từ chủ nghĩa thực dân mới và một phần vì Hoa Kỳ (xem Chủ nghĩa Sô vanh, và học thuyết quốc gia phụ thuộc). Hiện nay, nhiều quốc gia Mỹ Latin và châu Á đang bắt đầu chuyển tiếp để trở thành quốc gia thuộc thế giới thứ nhất; đa số các nước châu Phi và Trung Đông, tuy vậy, vẫn còn đang ở tình trạng trì trệ. </s>
Những người bảo thủ và người theo chủ nghĩa quốc gia trên thế giới sợ rằng những xã hội của họ sẽ sụp đổ vì hiện đại hoá và các ý tưởng mới vì vậy họ tìm cách ngăn chặn làn sóng thay đổi [cần dẫn nguồn]. Chủ nghĩa bảo thủ đang càng ngày càng trở nên phổ biến trên nhiều vùng của thế giới [cần dẫn nguồn], với việc chủ nghĩa bảo thủ mới hiện đang thống trị trong chính phủ Hoa Kỳ. Những người (tự xưng) Hồi giáo chính thống tìm cách ngăn chặn sự phi tôn giáo hóa bằng cách gây nên chiến tranh chống lại văn minh phương Tây. Nhiều lãnh đạo quốc gia và trí thức ở Trung Đông và vùng Hạ Sahara châu Phi chỉ trích phương tây vì cách sống "vô đạo đức" của họ. Chủ nghĩa bảo thủ được nuôi dưỡng, phần lớn nhờ ở niềm tin tôn giáo vào đời sống kiếp sau với những lo sợ hiện hữu về sự trừng phạt mãi về sau này. </s>
Những nỗ lực nhằm thống nhất thế giới bằng chinh phục quân sự hay bằng cách mạng đã không thành công. Quốc gia dân tộc trở thành cơ sở quan trọng nhất trong thế giới phương tây [cần dẫn nguồn]. Các đế quốc thực dân ở thế kỷ thứ XIX dựa trên quốc gia dân tộc, vốn từng kiểm soát phần lớn những vùng đất đai sinh sống của các sắc dân bộ lạc. Các quốc gia dân tộc thống nhất với nhau thành liên bang trong thế kỷ XX. Trong thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, Liên đoàn các quốc gia không thể đóng vai trò to lớn trong việc ngăn chặn chiến tranh. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Liên hiệp quốc (cũng không có vai trò gì nhiều) đã tìm cách giải quyết nhiều vấn đề mà từng nước riêng biệt không thể giải quyết. Liên đoàn quốc gia và Liên hiệp quốc phụ thuộc vào ý nguyện tham gia và kinh phí đóng góp tự nguyện của các quốc gia thành viên. Các tổ chức đó không thể hoạt động mà không có được sự ủng hộ của các quốc gia lớn, như đã từng xảy ra trong thập kỷ 1920 và 1930 và trong thời gian Chiến tranh lạnh. Nhiều quốc gia không chính xác (về mặt quy cách) là quốc gia dân tộc, nhưng tồn tại như nhiều dân tộc (hạ Saharan châu Phi), hay chỉ có một tỷ lệ nhỏ của một dân tộc bên trong biên giới lãnh thổ của họ (như tại các nước Ả rập). </s>
Số lượng và kích cỡ của các nền kinh tế thị trường tự do ngày càng tăng trưởng nhanh chóng kể từ thế kỷ XIX, nhưng các nền kinh tế do nhà nước kiểm soát vẫn có thể tồn tại với tư cách thời kỳ chuyển tiếp, cho tới khi Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1989. Các nền kinh tế thị trường tự do dẫn tới tăng trưởng to lớn trong đời sống người dân. Một thị trường tự do toàn cầu đã mang lại thành quả chung. Tự do trao đổi hàng hóa và thông tin dẫn tới sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia và muốn có lợi ích riêng thì cần phải hợp tác với các quốc gia khác. Quá trình này được gọi là toàn cầu hóa. </s>
Dân số quá đông cũng bị coi là một trong những vấn đề to lớn nhất trên khắp thế giới. Vấn đề này từng được các nhà tư tưởng như Malthus và Max Weber đưa ra. Weber sợ rằng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ phát triển những nền kinh tế lớn của họ với cái giá phải trả của Châu Âu, và ủng hộ chủ nghĩa chủ nghĩa đế quốc kiểu Đức để ngăn chặn sự nghèo đói cho dân tộc Đức. Sự phát triển kỹ thuật và kinh tế của thế kỷ XX chỉ ra rằng các nước tây phương có thể có được phát triển kinh tế thông qua phát triển từ bên trong. Các nước châu Âu ở thời Max Weber có thể coi như là các quốc gia thuộc Thế giới thứ ba hiện nay [cần dẫn nguồn]. Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Mỹ Latin đã phát triển trong vài thập kỷ gần đây, và hậu quả của nó là sự thất nghiệp ở các nước phương tây [cần dẫn nguồn]. Dân số tăng cũng dẫn tới sự tăng trưởng nhanh chóng của nhu cầu đòi chia sẻ các nguồn tài nguyên hạn chế và tăng nhanh sự phá hủy môi trường khi sử dụng các nguồn tài nguyên đó. </s>
Lịch sử Roma trải dài hơn 2500 năm. Đây là thành phố thủ đô của Vương quốc La Mã, Cộng hòa La Mã và Đế quốc La Mã, là nơi quyền lực thống trị ở Tây Âu và các vùng đất giáp biển Địa Trung Hải trong hơn 700 năm từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên cho tới thế kỷ thứ 7 CN. Từ thế kỷ thứ nhất CN, Roma đã trở thành nơi cư ngụ chủ yếu của Giáo hoàng. Sau khi sự thống trị của Đế quốc Đông La Mã kết thúc, từ thế kỷ thứ 8, Roma trở thành thủ đô của Lãnh thổ Giáo hoàng mãi cho đến năm 1870. Năm 1871 Roma trở thành thủ đô của Vương quốc Ý. Năm 1946 quốc gia này chính thức đổi tên thành Cộng hoà Ý. </s>
Vào thời Trung cổ, về mặt thế tục, Roma cũng thuộc sự cai quản của các Giáo hoàng như Giáo hoàng Alexanđê VI và Giáo hoàng Lêô X, những Giáo hoàng này đã biến thành phố Roma trở thành một trong những trung tâm lớn của thời kỳ Phục hưng Ý, cùng với Firenze. Phiên bản ngày nay của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô đã được xây dựng ở thời điểm này và Michelangelo đã vẽ lên những bức họa ở Nhà nguyện Sistina. Các nghệ sĩ và kiến trúc sư nổi tiếng như Bramante, Bernini và Raphael cũng có thời gian từng ở Roma và đã góp phần cho nền kiến trúc Phục hưng và Baroque. </s>
Trong năm 2016, Roma được xếp thứ 14 trong những thành phố có nhiều du khách viếng thăm nhất thế giới, riêng tại Liên minh châu Âu đứng thứ 3, đồng thời cũng là điểm du lịch thu hút du khách phổ biến nhất ở Ý . Thành phố Roma là một trong những "thương hiệu" thành phố thành công nhất tại châu Âu và trên toàn thế giới, cả về danh tiếng lẫn tài sản. Khu trung tâm mang tính lịch sử của Roma được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Những di tích và bảo tàng như Bảo tàng Vatican và đấu trường La Mã đều nằm trong danh sách 50 điểm du lịch được viếng thăm nhiều nhất thế giới (Bảo tàng Vatican đón tiếp 4,2 triệu du khách du lịch và đấu trường La Mã có 4 triệu khách du lịch hàng năm). </s>
Có bằng chứng khảo cổ về việc loài người sống tại khu vưc Roma từ khoảng 14.000 năm trước, song lớp đất dày đặc gồm các mảnh vụn có niên đại muộn hơn nhiều đã che lấp các di chỉ đồ đá cũ và đồ đá mới. Bằng chứng về các công cụ bằng đá, đồ gốm và vũ khí bằng đá chứng thực con người hiện diện khoảng 10.000 năm. Một vài cuộc khai quật hỗ trợ cho quan điểm rằng Roma phát triển từ các khu định cư chăn thả gia súc trên Đồi Palatino, được dựng lên phía trên khu vực Quảng trường La Mã sau này. Từ cuối thời đại đồ đồng đến khi bắt đầu thời đại đồ sắt, mỗi ngọn đồi giữa biển và đồi Campidoglio có một làng ở trên đỉnh (tại đồi Campidoglio có một làng được chứng thực có từ cuối thế kỷ 14 TCN). Tuy nhiên, chúng đều chưa đạt tới hạng đô thị. Ngày nay, tồn tại đồng thuận phổ biến rằng thành phố dần phát triển thông qua thu nạp một vài làng quanh làng lớn nhất nằm trên đồi Palatino. Quá trình thu nạp được thuận lợi nhờ gia tăng sức sản xuất nông nghiệp cao hơn mức tự cung tự cấp, nó cũng cho phép hình thành các hoạt động thuộc khu vực kinh tế thứ nhì và thứ ba. Điều này lại kéo theo đẩy nhanh phát triển mậu dịch với các thuộc địa của người Hy Lạp tại miền nam Ý (chủ yếu là Ischia và Cumae). Những bước phát triển này theo chứng cứ khảo cổ học thì diễn ra vào giữa thế kỷ 8 TCN, có thể được xem là mốc "khai sinh" thành phố. Mặc dù có những cuộc khảo cổ gần đây trên đồi Palatino, song quan điểm rằng Roma được thành lập có chú ý vào giữa thế kỷ 8 TCN, giống như truyền thuyết về Romulus đưa ra, vẫn là một giả thuyết ngoài lề. </s>
Các câu truyện truyền thống do người La Mã cổ đại truyền đời cho nhau giải thích lịch sử sơ khởi của thành phố bằng truyền thuyết và thần thoại. Thần thoại quen thuộc nhất trong số đó, và có lẽ cũng là nổi tiếng nhất trong tất cả thần thoại La Mã, đó là câu chuyện về Romulus và Remus, hai anh em sinh đôi được một con sói cho bú. Họ quyết định xây dựng một thành phố, song sau một lần tranh luận, Romulus giết người anh em song sinh và thành phố được lấy theo tên ông. Theo những người chép sử La Mã, sự kiện diễn ra vào 21 tháng 4 năm 753 TCN. Truyền thuyết này hoà hợp với một truyền thuyết song sinh được tạo ra từ trước đó, rằng có một người tị nạn Troia tên là Aeneas đào thoát sang Ý và lập ra dòng dõi La Mã thông qua con trai ông là Iulus, trùng tên với triều đại Julius-Claudius. </s>
Sau khi được Romulus thành lập theo truyền thuyết, Roma (La Mã) nằm dưới quyền cai trị của một hệ thống quân chủ trong 244 năm, ban đầu là với các quân chủ gốc Latinh và Sabini và sau đó là các quốc vương người Etrusca. Theo truyền thuyết, vương vị truyền qua bảy người: Romulus, Numa Pompilius, Tullus Hostilius, Ancus Marcius, Tarquinius Priscus, Servius Tullius và Tarquinius Superbus. Năm 509 TCN, người Roma trục xuất vị quốc vương cuối cùng khỏi thành phố và lập ra một nền cộng hoà đầu xỏ. Roma sau đó bắt đầu một giai đoạn có đặc điểm là đấu tranh nội bộ giữa quý tộc và bình dân, và chiến tranh liên miên chống lại các cộng đồng tại miền trung Ý: Etrusca, Latinh, Volsci, Aequi, Marsi. Sau khi trở thành chủ nhân của khu vực Latium, Roma dẫn đầu một số cuộc chiến tranh với kết quả là chinh phục bán đảo Ý từ khu vực miền trung đến Magna Graecia. </s>
Trong thế kỷ 3 và 2 TCN, Roma thiết lập quyền bá chủ trên Địa Trung Hải và phương Đông, thông qua ba cuộc chiến tranh Punic (264–146 TCN) chống lại thành Carthago và ba cuộc chiến tranh chiến tranh Macedonia (212–168 BC) chống lại Macedonia. Từ khi bắt đầu thế kỷ 2 TCN, quyền lực là đối tượng tranh chấp giữa hai nhóm quý tộc: Phái quý nhân đại diện cho bộ phận bảo thủ trong Viện nguyên lão, và phái bình dân dựa vào giúp đỡ của bình dân. Trong cùng giai đoạn, việc tiểu nông bị phá sản và lập các điều trang nô lệ lớn đã khuyến khích một lượng lớn dân chúng di cư đến thành phố. Chiến tranh liên tiếp tạo tính cần thiết về một đội quân chuyên nghiệp, họ trung thành với tướng lĩnh của mình hơn là với cộng hoà. Do đó, vào nửa cuối của thế kỷ 2 và thế kỷ 1 TCN diễn ra xung đột cả ở bên ngoài lẫn bên trong. Sau nỗ lực thất bại nhằm cải cách xã hội của Tiberius và Gaius Gracchus thuộc phái bình dân, và chiến tranh chống lại Jugurtha, phát sinh cuộc nội chiến đầu tiên giữa Gaius Marius và Sulla. Theo sau là một cuộc khởi nghĩa nô lệ quy mô lớn dưới quyền Spartacus, và sau đó là thành lập Liên minh tam hùng thứ nhất với Caesar, Pompey và Crassus. </s>
Cuộc chinh phục Gallia khiến Caesar trở nên vô cùng mạnh mẽ và được lòng dân, dẫn tới cuộc nội chiến thứ nhì chống Viện nguyên lão và Pompey. Sau khi giành thắng lợi, Caesar tự lập làm độc tài chung thân. Việc ông bị ám sát dẫn đến Liên minh tam hùng thứ hai gồm Octavius, Marcus Antonius và Lepidus, và một cuộc nội chiến khác giữa Octavius và Antonius. Octavius đến năm 27 TCN trở thành princeps civitatis và lấy tước là Augustus, lập ra chính thể nguyên thủ, một nền chính trị lưỡng đầu giữa nguyên thủ và viện nguyên lão. La Mã được lập thành một đế quốc trên thực tế, đạt đến mức độ bành trướng tối đa vào thế kỷ 2 dưới quyền Hoàng đế Traianus. Roma được xác nhận là caput Mundi, tức thủ đô của thế giới, một từ đã được đưa ra từ giai đoạn cộng hoà. Trong hai thế kỷ đầu tiên, đế quốc có quân chủ thuộc các triều đại Julius-Claudius, Flavius (họ cho xây một đài vòng gọi là Colosseum) và Antoninus. Thời gian này còn có đặc điểm là truyền bá Cơ Đốc giáo, do Jesus thuyết pháp tại Judea vào nửa đầu thế kỷ 1 (thời Tiberius) và được các tông đồ của ông truyền bá khắp đế quốc và bên ngoài. Thời kỳ triều đại Antoninus được xem là thời cực thịnh của Đế quốc, với lãnh thổ trải dài từ Đại Tây Dương đến Euphrates và từ Anh đến Ai Cập. </s>
Sau khi kết thúc triều đại Severus vào năm 235, Đế quốc bước vào một giai đoạn 50 năm mang tên Khủng hoảng thế kỷ thứ ba, khi đó diễn ra nhiều cuộc nổi dậy của các tướng lĩnh nhằm giữ vững khu vực mà họ được giao do sự yếu kém của nhà cầm quyền trung ương tại Roma. Bất ổn gây ra suy thoái kinh tế, lạm phát tăng nhanh chóng do chính phủ làm giảm giá trị tiền nhằm đáp ứng chi tiêu. Các bộ lạc German dọc sông Rhine và phía bắc Balkan tiến hành các cuộc xâm nhập từ thập niên 250-280. Đế quốc Ba Tư xâm chiếm vài lần trong thập niên 230 đến 260, song cuối cùng bị đánh bại. </s>
Cơ Đốc giáo dưới dạng Tín điều Nicea trở thành tôn giáo chính thức của đế quốc vào năm 380, được gọi là Sắc lệnh Thessalonica. Theodosius I là hoàng đế cuối cùng của La Mã thống nhất: Sau khi ông mất vào năm 395 hai con trai của ông là Arcadius và Honorius phân chia đến quốc thành hai phần phía tây và phía đông. Trị sở của chính phủ Đế quốc Tây La Mã được chuyển đến Ravenna sau cuộc bao vây Milano vào năm 402. Trong thế kỷ 5, các hoàng đế trong thập niên 430 hầu hết cư trú tại Roma. Roma bị mất vị thế trung tâm trong cai quản đế quốc, và bị người Visigoth dưới quyền Alaric I cướp phá vào năm 410, song chịu rất ít tổn thất về vật chất, và hầu hết chúng được tu sửa. Các giáo hoàng tô điểm cho thành phố bằng các vương cung thánh đường cỡ lớn, như Santa Maria Maggiore (cộng tác với các hoàng đế). Dân số thành phố giảm từ 800.000 xuống 450-500.000 khi thành phố bị người Vandal dưới quyền Genseric cướp phá vào năm 455. Các hoàng đế yếu đuối trong thế kỷ 5 không thể ngăn nổi việc suy sụp, và Đế quốc Tây La Mã kết thúc vào ngày 22 tháng 8 năm 476 khi Romulus Augustus bị phế truất, đối với nhiều sử gia đây là mốc khởi đầu Trung cổ. </s>
Giám mục Roma được gọi là Giáo hoàng, và Roma là nơi quan trọng từ thời kỳ đầu của Cơ Đốc giáo do hai tông đồ Pedro và Paulo tử đạo tại đây. Các giám mục của Roma cũng được nhìn nhận là những người kế thừa của Pedro. Thành phố do đó tăng tầm quan trọng với vị thế là trung tâm của Giáo hội Công giáo. Sau khi Đế quốc Tây La Mã sụp đổ vào năm 476, Roma ban đầu nằm dưới quyền kiểm soát của Odoacer và sau đó là bộ phận của Vương quốc Ostrogoth trước khi qua tay Đông La Mã sau Chiến tranh Gothic (535-554), song cuộc chiến này tàn phá thành phố. Dân số Roma suy giảm từ hơn một triệu vào năm 210 xuống 500.000 vào năm 273 và còn 35.000 sau Chiến tranh Gothic, làm giảm quy mô thành phố còn một nhóm các toà nhà có người ở nằm rải rác trên một khu vực lớn các tàn tích và vườn tược. </s>
Sau khi người Lombard xâm chiếm Ý, thành phố vẫn thuộc Đông La Mã trên danh nghĩa, song trong thực tế các giáo hoàng theo đuổi chính sách cân bằng giữa Đông La Mã, người Frank và người Lombard. Năm 729, quốc vương của người Lombard là Liutprand tặng cho giáo hội thị trấn Sutri phía bắc Latium, khởi đầu quyền lực lâm thời của giáo hội. Năm 756, sau khi đánh bại người Lombard, Pépin Lùn giao cho Giáo hoàng quyền hạn tạm thời đối với Công quốc Roma và Khu đốc chủ giáo Ravenna, qua đó lập nên Lãnh thổ Giáo hoàng. Kể từ giai đoạn này, ba thế lực cố gắng cai trị thành phố: Giáo hoàng và giới quý tộc; các thủ lĩnh dân quân cùng thẩm phán, Viện nguyên lão và dân chúng; quốc vương của người Frank, cũng như quốc vương của người Lombard, patricius và Hoàng đế. Ba phái này (thần quyền, cộng hoà và đế quốc) là một đặc trưng trong sinh hoạt Roma suốt thời Trung cổ. Vào đêm Giáng sinh năm 800, Giáo hoàng Leo III trao vương miện cho Charlemagne tại Roma với tư cách hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần thánh. </s>
Năm 846, người Ả Rập Hồi giáo tấn công bất thành vào tường thành Roma, song cướp phá các vương cung thánh đường Thánh Pedro và Paulo nằm ngoài tường thành. Sau khi quyền lực của vương triều Caroling sụp đổ, Roma lâm vào tình trạng vô chính phủ phong kiến, một số gia đình quý tộc không ngừng chiến đấu chống lại Giáo hoàng, hoàng đế và chống lẫn nhau. Trong thời gian này, Theodora và con gái bà là Marozia trở thành thiếp và mẹ của một số giáo hoàng, và của lãnh chúa phong kiến quyền lực Crescentius, là người đấu tranh chống các hoàng đế Otto II và Otto III. Các bê bối trong giai đoạn này thúc đẩy chế độ giáo hoàng tự cải cách: Bầu cử giáo hoàng được dành cho các hồng y, và một cuộc cải cách tăng lữ được nỗ lực tiến hành. Động lực đằng sau việc này là tu sĩ Ildebrando da Soana, ông từng được bầu làm giáo hoàng và tham gia tranh luận về bổ nhiệm giáo sĩ chống Hoàng đế Heinrich IV. Sau đó, Roma bị người Norman dưới quyền Robert Guiscard cướp bóc và đốt cháy vào năm 1084, họ tiến vào thành phố để hỗ trợ Giáo hoàng. </s>
Trong giai đoạn này, thành phố được tự trị dưới quyền một senatore hoặc patrizio: trong thế kỷ 12. Chính quyền này thường thấy trong các thành phố Ý, tiến hoá thành công xã Trung cổ, là một hình thức tổ chức xã hội mới, thể hiện các tầng lớp giàu có mới. Giáo hoàng Lucius II đã chiến đấu chống công xã Roma, và cuộc đấu tranh tiếp tục dưới quyền Giáo hoàng Eugenius III: công xã liên minh với giới quý tộc được ủng hộ từ Arnaldo da Brescia, một tu sĩ và nhà cải cách tôn giáo và xã hội. Sau khi Giáo hoàng từ trần, Arnaldo bị Adrianus IV tống giam, đánh dấu kết thúc quyền tự trị của công xã. Thời kỳ dưới quyền Giáo hoàng Innocent III là đỉnh cao của chế độ giáo hoàng, công xã thanh lý viện nguyên lão, thay thế nó bằng một Senatore lệ thuộc Giáo hoàng. </s>
Năm 1266, Charles I của Anjou được bổ nhiệm làm nghị sĩ khi đang tiến về phương nam để giao tranh với Nhà Staufer nhân danh Giáo hoàng. Charles thành lập Sapienza, là trường đại học của Roma. Trong giai đoạn này, giáo hoàng từ trần, và các hồng y tụ họp tại Viterbo không thể nhất trí về người kế vị, thị dân tức giận và đã dỡ mái toà nhà nơi tụ họp, giam cầm các hồng y cho đến khi họ chọn ra giáo hoàng mới, sự kiện này đánh dấu khởi đầu mật nghị Hồng y. Trong giai đoạn này, thành phố cũng bị tàn phá trước các cuộc giao tranh liên tiếp giữa các gia đình quý tộc: Annibaldi, Caetani, Colonna, Orsini, Conti, họ có công sự xây trên các đại công trình La Mã cổ đại, chiến đấu với nhau để kiểm soát chế độ giáo hoàng. </s>
Giáo hoàng Bonifacio VIII là giáo hoàng cuối cùng đấu tranh cho lãnh địa tổng thể của giáo hội, ông tuyên bố một cuộc thập tự chinh chống lại Colonna, và đến năm 1300 ông kêu gọi Năm Thánh đầu tiên, khiến hàng triệu người hành hương đến Roma. Tuy nhiên, hy vọng của ông bị tiêu tan dưới tay Quốc vương Pháp Philippe IV và khiến ông mất mạng. Sau đó, một giáo hoàng mới trung thành với người Pháp được bầu ra, và chế độ giáo hoàng được di dời trong một giai đoạn đến Avignon (1309–1377). Trong giai đoạn này, thành phố bị bỏ bê, cho đến khi quyền lực vào tay một nhân vật bình dân là Cola di Rienzo. Ông là một người theo chủ nghĩa lý tưởng và yêu thích Roma cổ đại, mơ tưởng về tái sinh Đế quốc La Mã. Sau khi nắm quyền với tư cách Tribuno (quan bảo dân), các cải cách của ông bị dân chúng bác bỏ. Cola buộc phải chạy trốn, và trở lại trong đoàn tuỳ tùng của hồng y Albornoz, chịu trách nhiệm khôi phục quyền lực của giáo hội tại Ý. Sau khi trở lại nắm quyền trong một thời gian ngắn, ông bị dân chúng hành hình, và Albornoz có thể nắm quyền sở hữu thành phố, rồi đến năm 1377 dưới thời Gregorius XI Roma lại trở thành trị sở của chế độ giáo hoàng. Việc chế độ giáo hoàng trở lại Roma trong năm đó đã mở đường cho Ly giáo Tây phương (1377–1418), và trong bốn mươi năm tiếp theo, thành phố là nạn nhan của các cuộc đấu tranh làm tan vỡ giáo hội. </s>
Năm 1418, Công đồng Constance giải quyết Ly giáo Tây phương, và bầu ra một giáo hoàng Roma là Martinus V. Sự kiện này giúp Roma có một thế kỷ hoà bình nội bộ, đánh dấu khởi đầu Phục hưng. Các giáo hoàng cai trị cho đến nửa đầu thế kỷ 16, trong đó Nicolaus V lập ra Thư viện Vatican, Pius II là người theo chủ nghĩa nhân văn và có học thức, Sixtus IV là một giáo hoàng chiến binh, Alexander VI là người vô đạo đức và gia đình trị, Julius II là một người bảo trợ, Leo X có hiệu được đặt cho giai đoạn này ("thế kỷ Leo X"), toàn bộ đều cống hiến sức lực của mình cho sự vĩ đại và vẻ đẹp của thành phố, cho quyền lực dòng dõi của họ, và bảo trợ cho nghệ thuật. Trong những năm này, trung tâm của Phục hưng Ý chuyển từ Firenze đến Roma. Các công trình uy nghi như Vương cung thánh đường Thánh Pedro, Nhà nguyện Sistina và Ponte Sisto được xây dựng. Để hoàn thành chúng, các Giáo hoàng thu hút các nghệ sĩ giỏi nhất đương thời, như Michelangelo, Perugino, Raphael, Ghirlandaio, Luca Signorelli, Botticelli và Cosimo Rosselli. Dưới quyền những vị giáo hoàng phung phí và giàu có, Roma chuyển đổi thành một trung tâm mỹ thuật, thơ, âm nhạc, văn học, giáo dục và văn hoá. Roma có thể cạnh tranh với các thành phố lớn khác tại châu Âu đương thời về mức độ thịnh vượng, huy hoàng, nghệ thuật, tri thức và kiến trúc. </s>
Từ Công đồng Trentô vào năm 1545, Giáo hội Công giáo bắt đầu chống lại Cải cách Tin Lành- một nghi vấn quy mô lớn về thẩm quyền của Giáo hội trên các vấn đề tinh thần và sự vụ chính quyền. (Việc mất lòng tin này sau đó dẫn đến những chuyển biến lớn về quyền lực rời xa khỏi Giáo hội.) Dưới quyền các giáo hoàng từ Pius IV đến Sixtus V, Roma trở thành trung tâm của Công giáo cải cách và chứng kiến xây dựng các công trình kỷ niệm mới nhằm tán dương chế độ giáo hoàng khôi phục tính trọng đại. Các giáo hoàng và hồng y trong thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 tiếp tục phong trào bằng việc tô điểm cho cảnh quan thành phố các toà nhà baroque. </s>
Quyền cai trị của các giáo hoàng gián đoạn một thời gian ngắn do Cộng hoà Roma (1798–1800), chế độ này được dựng lên do ảnh hưởng của Cách mạng Pháp. Lãnh thổ Giáo hoàng được khôi phục vào tháng 6 năm 1800, tuy nhiên trong thời kỳ Napoléon cai trị thì Roma bị thôn tính thành một tỉnh của Đế quốc Pháp, ban đầu là tỉnh Tibre (1808–1810) và sau là tỉnh Rome (1810–1814). Sau khi Napoléon bị phế truất, nhà nước của Giáo hoàng được khôi phục thông qua Đại hội Wien năm 1814. Năm 1849, một Cộng hoà Roma khác xuất hiện trong làn sóng các cuộc cách mạng năm 1848. Hai trong số các nhân vật có ảnh hưởng nhất của quá trình thống nhất nước Ý là Giuseppe Mazzini và Giuseppe Garibaldi chiến đấu cho nước cộng hoà đoản mệnh. </s>
Roma sau đó trở thành tâm điểm của hy vọng tái thống nhất Ý, khi mà phần còn lại của Ý đã thống nhất thành Vương quốc Ý với thủ đô lâm thời tại Firenze. Năm 1861, Roma được tuyên bố là thủ đô của Ý dù vẫn đang do Giáo hoàng kiểm soát. Trong thập niên 1860, tàn dư của Lãnh thổ Giáo hoàng nằm dưới quyền bảo hộ của Pháp, nhờ vào chính sách đối ngoại của Napoléon III. Phải đến khi người Pháp rời khỏi Roma vào năm 1870 do Chiến tranh Pháp-Phổ thì binh sĩ Ý mới có thể chiếm giữ Roma, họ tiến vào thành phố qua một lỗ thủng tường thành gần Porta Pia. Sau đó, Giáo hoàng Pius IX tự tuyên bố là tù nhân tại Vatican, và đến năm 1871 thủ đô của Ý cuối cùng đã được chuyển từ Firenze đến Roma. </s>
Không lâu sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Roma chứng kiến Phát xít Ý trỗi dậy dưới quyền lãnh đạo của Benito Mussolini. Ông ta tiến hành cuộc hành quân đến thủ đô vào năm 1922, cuối cùng tuyên bố một Đế quốc Ý và liên minh với Đức Quốc xã. Mussolini phá huỷ nhiều phần rộng lớn tại trung tâm thành phố nhằm xây dựng các đại lộ và quảng trường rộng, được cho là để tán dương chế độ phát xít và hồi sinh La Mã cổ đại. Giai đoạn giữa hai thế chiến chứng kiến dân số thành phố gia tăng nhanh chóng, vượt qua một triệu người. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, do sở hữu kho tàng nghệ thuật và hiện diện của Vatican, nên Roma phần lớn thoát khỏi số phận bi thảm như nhiều thành phố châu Âu khác. Tuy nhiên, vào ngày 19 tháng 7 năm 1943, quận San Lorenzo bị quân Anh-Mỹ oanh tạc, khiến khoảng 3.000 người thiệt mạng tức khắc và 11.000 người bị thương và sau đó có thêm 1.500 người chết. Sau khi chế độ Mussolini sụp đổ và Hoà ước Ý vào ngày 8 tháng 9 năm 1943, thành phố bị người Đức chiếm đóng và được tuyên bố là một thành phố mở cho đến khi được giải phóng vào ngày 4 tháng 6 năm 1944. </s>
Roma phát triển rất nhanh sau chiến tranh, là một trong các động lực chính đằng sau "kỳ tích kinh tế Ý" về tái thiết và hiện đại hoá hậu chiến trong thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Trong giai đoạn này, những năm la dolce vita ("cuộc sống ngọt ngào"), Roma trở thành một thành phố thời thượng, với các phim cổ điển đại chúng như Ben Hur, Quo Vadis, Roman Holiday và La Dolce Vita được quay tại xưởng phim Cinecittà có tính biểu tượng của thành phố. Xu hướng tăng trưởng dân số tiếp tục cho đến giữa thập niên 1980, khi comune đạt trên 2,8 triệu cư dân. Sau đó, dân số bắt đầu giảm chậm do cư dân bắt đầu chuyển đến các vùng ngoại ô lân cận Roma. </s>
Kể từ năm 1972, thành phố được chia thành các khu vực hành chính gọi là municipi (số ít municipio) (trước năm 2001 gọi là circoscrizioni). Chúng được lập ra vì mục đích hành chính để tăng cường phi tập trung hoá tại thành phố. Mỗi municipio nằm dưới quyền quản lý của một chủ tịch và một hội đồng gồm 25 thành viên, họ được các cư dân bầu ra mỗi 5 năm. Municipi thường vắt qua các ranh giới phân khu truyền thống, phi hành chính của thành phố. Số lượng municipi ban đầu là 20, sau còn 19, và đến năm 2013 con số này giảm còn 15. </s>
Một cách phân chia mới của thành phố dưới thời Napoléon nhanh chóng biến mất, và không có thay đổi rõ rệt nào về tổ chức của thành phố cho đến năm 1870, khi Roma trở thành thủ đô của Ý. Nhu cầu về thủ đô mới dẫn đến bùng nổ về đô thị hoá lẫn dân số trong và ngoài tường Aurelianus. Năm 1874, một rione thứ 15 là Esquilino được tạo ra tại vùng mới đô thị hoá của Monti. Khi bước vào thế kỷ 20, rioni khác được tạo ra là Prati, và cũng là cuối cùng. Sau đó, các phân khu hành chính chính mới của thành phố sử dụng tên "quartiere". Ngày nay, toàn bộ các rioni là bộ phận của municipio thứ nhất, hoàn toàn trùng khớp với thành phố lịch sử (Centro Storico). </s>
Trong suốt lịch sử Roma, giới hạn đô thị của thành phố được cho là khu vực nằm trong tường thành. Ban đầu, chúng gồm có tường Servius được xây 12 năm sau khi người Gaulois cướp phá thành phố vào năm 390 TCN. Nó bao gồm hầu hết các đồi Esquilino và Celio, cũng như toàn bộ năm đồi còn lại. Roma phát triển ra ngoài tường thành này, song không có thêm tường thành được xây dựng cho đến gần 700 năm sau. Đến năm 270, Hoàng đế Aurelianus bắt đầu cho xây dựng tường Aurelianus, chúng dài gần 19 km, và vẫn là bức tường mà binh sĩ Vương quốc Ý phải vượt qua để tiến vào thành phố năm 1870. Khu vực đô thị của thành phố được cắt thành hai phần qua đường vành đai Grande Raccordo Anulare ("GRA") hoàn thành vào năm 1962, nó bao quanh trung tâm thành phố với khoảng cách khoảng 10 km. Mặc dù khi đường vành đai hoàn thành thì hầu hết các khu vực dân cư nằm bên trong nó, song về sau nhiều khu phố được xây dựng bên ngoài. </s>
comune Roma bao gồm diện tích gần gấp ba lần tổng diện tích trong đường vành đai Raccordo và có thể so sánh với diện tích của toàn bộ các thành phố trung tâm Milano và Napoli, và có diện tích lớn gấp sáu lần địa giới của các thành phố này. Nó cũng gồm các khu vực rộng đầm lầy bỏ hoang không phù hợp cho phát triển nông nghiệp cũng như đô thị. Do đó, mật độ dân số của comune không phải là cao, và địa giới của nó bị phân chia giữa các khu vực đô thị hoá cao độ và các khu vực được xác định là công viên, khu bảo tồn tự nhiên, và cho mục đích nông nghiệp. </s>
Roma có khí hậu Địa Trung Hải (phân loại khí hậu Köppen: Csa), với mùa đông mát và ẩm ướt còn mùa hè ấm và khô. Nhiệt độ trung bình năm là trên 20 °C vào ban ngày và 10 °C vào ban đêm. Trong tháng lạnh nhất là tháng 1, nhiệt độ trung bình là 12 °C vào ban ngày và 3 °C vào ban đêm. Trong các tháng nóng nhất là tháng 7-8, nhiệt độ trung bình là 30 °C vào ban ngày và 18 °C vào ban đêm. Các tháng 12, 1 và 2 là các tháng lạnh nhất, nhiệt độ trung bình ban ngày là 8 °C. Nhiệt độ trong các tháng này thường dao động từ 10 đến 15 °C vào ban ngày và 3 đến 5 °C vào ban đêm, song thường xuyên có các đợt lạnh hơn hoặc ấm hơn. Tuyết rơi là hiện tượng hiếm song không phải là không có, các trận tuyết nhẹ hoặc mưa tuyết diễn ra hầu như mọi mùa đông, thường là không tích tụ, và các đợt tuyết lớn diễn ra một lần trong khoảng 20-25 năm (gần đây là vào năm 2012). Độ ẩm tương đối trung bình là 75%, dao động từ 72% vào tháng 7 đến 77% vào tháng 11. Nhiệt đội biển dao động từ mức thấp 13 °C trong tháng 2-3 đến mức cao 24 °C trong tháng 8. </s>
Sau khi Đế quốc Tây La Mã sụp đổ, dân số thành phố giảm xuống dưới 50.000 người. Dân số tiếp tục đình trệ hoặc giảm cho đến thời kỳ Phục hưng. Khi Vương quốc Ý sáp nhập Roma vào năm 1870, thành phố có dân số khoảng 200.000. Con số này tăng lên đến 600.000 ngay trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Chế độ phát xít của Mussolini nỗ lực ngăn chặn dân số gia tăng quá mức, song thất bại và dân số đạt đến một triệu vào đầu thập niên 1930. Tăng trưởng dân số tiếp tục sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhờ kinh tế bùng nổ thời hậu chiến. Bùng nổ trong xây dựng cũng tạo ra lượng lớn các khu ngoại ô trong thập niên 1950 và 1960. </s>
Đến giữa thập niên 2010, có 2.754.440 cư dân sống trong địa giới thành phố, và có khoảng 4,2 triệu người sống trong vùng Đại Roma (gần tương ứng với ranh giới Thành phố trung tâm Thủ đô Roma, với mật độ khoảng 800 người/km2 trải rộng trên 5.000 km²). Năm 2010, người dưới 18 tuổi chiếm 17% dân số còn người ở độ tuổi nghỉ hưu là 20,76%, các con số tương đương của toàn quốc là 18,06% và 19,94%. Tuổi trung bình của cư dân Roma là 43 so với mức trung bình toàn quốc là 42. Trong vòng 5 năm từ 2002 đến 2007, dân số Roma tăng 6,54%, trong khi dân số Ý tăng 3,56%. </s>
Theo điều tra của ISTAT vào năm 2009, khoảng 9,5% dân số Roma không phải là người Ý. Khoảng một nửa số cư dân nhập cư có nguồn gốc châu Âu (chủ yếu là Romania, Ba Lan, Ukraina, và Albania) với số lượng tổng cộng 131.118 hay 4,7% dân số. 4,8% còn lại là những người có nguồn gốc ngoài châu Âu, đông nhất là người Philippines (26.933), Bangladesh (12.154), và Hoa (10.283). Rione Esquilino nằm bên ga Termini phát triển thành một khu phố nhập cư cỡ lớn, được ví là phố Tàu của Roma. Người nhập cư từ trên một trăm quốc gia cư trú tại đây. Do là một quận thương mại nên Esquilino có các nhà hàng mang đặc điểm của nhiều nền ẩm thực quốc tế. Trong số 1.300 cơ sở kinh doanh hoạt động tại quận, có 800 cơ sở do người Hoa sở hữu, khoảng 300 cơ sở do những người nhập cư khác điều hành, và 200 cơ sở thuộc sở hữu của người Ý. </s>
Giống như phần lớn phần còn lại của Ý, Công giáo La Mã là tôn giáo chi phối tại Roma, và thành phố là một trung tâm quan trọng của tôn giáo này và là nơi hành hương trong nhiều thế kỷ. Roma là cơ sở của tôn giáo La Mã cổ đại với pontifex maximus (đại giáo chủ) và sau trở thành trụ sở của Vatican và Giáo hoàng. Trước khi người Cơ Đốc giáo đến Roma, Religio Romana (nghĩa là "tôn giáo Roma") là tôn giáo chính của thành phổ vào thời cổ điển. Các thần đầu tiên của người Roma là Jupiter có vị thế cao nhất, Mars là chiến thần và là cha của hai người sáng lập Roma là Romulus và Remus, theo như truyền thuyết. Các thần khác như Vesta và Minerva cũng được tôn kính. Roma cũng là căn cứ của một số giáo phái huyền bí như Mithras. Sau khi Thánh Pedro và Thánh Paulo tử đạo tại thành phố, những người Cơ Đốc giáo đầu tiên bắt đầu đến, Roma biến thành đô thị Cơ Đốc giáo, và Vương cung thánh đường Thánh Pedro cổ được xây dựng vào năm 313. Mặc dù có một số gián đoạn (như chế độ giáo hoàng Avignon), Roma trong nhiều thế kỷ là trụ sở của Giáo hội Công giáo La Mã, và Giám mục Roma hay còn gọi là Giáo hoàng. </s>
Mặc dù Roma có Thành Vatican và Vương cung Thánh đường Thánh Pedro, song nhà thờ chính toà của thành phố là Vương cung thánh đường Thánh Giovanni xứ Laterano, nằm về đông nam của trung tâm thành phố. Tổng cộng có khoảng 900 nhà thờ tại Roma, các nhà thờ đáng chú ý bên cạnh nhà thờ chính toà là Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore, Vương cung thánh đường Thánh Paulo ngoại thành, Vương cung thánh đường San Clemente, San Carlo alle Quattro Fontane, Nhà thờ Gesù. Ngoài ra còn có các hầm mộ cổ đại La Mã nằm bên dưới thành phố. Nhiều tổ chức giáo dục tôn giáo quan trọng cao độ cũng nằm tại Roma, như Đại học Giáo hoàng Gregoriana, Học viện Giáo hoàng Phương Đông. </s>
Trong những năm gần đây, cộng đồng Hồi giáo tại Roma có phát triển đáng kể, chủ yếu là do nhập cư từ các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông đến thành phố. Do số người hành đạo Hồi giáo tại địa phương tăng lên, comune xúc tiến xây dựng Thánh đường Hồi giáo Roma, đây là thánh đường Hồi giáo lớn nhất tại Tây Âu, khánh thành vào năm 1995. Kể từ khi kết thúc Cộng hoà La Mã, Roma cũng là trung tâm của một cộng đồng Do Thái quan trọng, từng có cơ sở tại Trastevere, và sau đó là tại Ghetto di Roma. Roma cũng có một giáo đường Do Thái lớn mang tên Tempio Maggiore. </s>
Lãnh thổ Thành Vatican là bộ phận của Mons Vaticanus (Đồi Vatican), và của phạm vi Vatican cũ lân cận, tại đây có Vương cung thánh đường Thánh Pedro, Điện Tông Tòa, Nhà nguyện Sistina, và các bảo tàng cùng nhiều công trình khác. Khu vực là bộ phận của rione Borgo thuộc Roma cho đến năm 1929. Thành Vatican tách khỏi thành phố, được bảo vệ trong các tường thời Giáo hoàng Leo IV, sau đó mở rộng ra các tường được xây thời Paulus III/Pius IV/Urbanus VIII như hiện nay. Hiệp ước Laterano vào năm 1929 tạo ra nhà nước Vatican, ranh giới của lãnh thổ đề xuất chịu ảnh hưởng bởi thực tế là phần lớn chúng đều nằm trong vòng tường này. Tại một số đoạn biên giới không có tường, và giới hạn của các toà nhà nhất định tạo thành bộ phận của biên giới, và một đoạn nhỏ biên giới là một bức tường xây vào thời hiện đại. Trong lãnh thổ Vatican có Quảng trường Thánh Pedro, tách khỏi lãnh thổ Ý chỉ qua một vạch màu trắng dọc giới hạn của quảng trường, và giáp với Piazza Pio XII. Quảng trường Thánh Pedro nối liền với đại lộ Via della Conciliazione, đại lộ này chạy thẳng đến bờ sông Tevere. Lối vào lớn này do các kiến trúc sư Piacentini và Spaccarelli thiết kế, theo mong muốn của Benito Mussolini và được thoả thuận với giáo hội sau khi ký kết Hiệp định Laterano. Cũng theo hiệp định này, một số tài sản của Toà Thánh nằm trong lãnh thổ Ý, đáng chú ý nhất là Cung điện Giáo hoàng Castel Gandolfo và các đại vương cung thánh đường, chúng được hưởng vị thế đặc quyền ngoài lãnh thổ giống như các đại sứ quán nước ngoài. </s>
Mặc dù ngày nay chỉ liên hệ với tiếng Latinh, song Roma cổ đại thực tế là đa ngôn ngữ. Trong thời cổ xưa nhất, các bộ lạc Sabini và các bộ lạc Latinh chia sẻ khu vực Roma ngày nay. Ngôn ngữ Sabini thuộc nhóm Ý, cùng với tiếng Etrusca- ngôn ngữ chính của ba vị quốc vương cuối cùng cai trị thành phố cho đến khi thiết lập chế độ cộng hoà vào năm 509 TCN. Urganilla, hay Plautia Urgulanilla, vợ của Hoàng đế Claudius, được cho là một người nói tiếng Etrusca sau mốc này nhiều thế kỷ, theo như lời của Suetonius về Claudius. Tuy nhiên, tiếng Latinh, dưới nhiều dạng tiến hoá khác nhau, là ngôn ngữ chính của Roma cổ đại, song do thành phố có nhiều di dân, nô lệ, cư dân, công sứ, đại sứ từ nhiều nơi trên thế giới nên trở thành khu vực đa ngôn ngữ. Nhiều người Roma có giáo dục cũng nói tiếng Hy Lạp, và tồn tại các cộng đồng Hy Lạp, Syria và Do Thái lớn tại nhiều nơi của Roma ngay từ trước khi thành lập Đế quốc. </s>
Tiếng Latinh tiến hoá vào thời Trung cổ thành một ngôn ngữ mới "volgare". Ngôn ngữ này xuất hiện khi hội tụ nhiều phương ngữ khu vực khác nhau, trong đó phương ngữ Toscana chiếm ưu thế, song cư dân Roma cũng phát triển phương ngữ riêng của họ, gọi là Romanesco. Romanesco được nói vào thời Trung Cổ giống với một phương ngữ Nam Ý hơn cả, rất gần với tiếng Napoli tại Campania. Ảnh hưởng của văn hoá Firenze vào thời Phục hưng, và việc nhiều người Firenze di cư đến Roma theo hai giáo hoàng xuất thân từ gia tộc Medici (Leo X và Clemens VII), gây biến đổi lớn trong phương ngữ, nó bắt đầu giống với các dạng Toscana hơn. Điều này được duy trì song phần lớn là hạn chế trong Roma cho đến thế kỷ 19, nhưng về sau mở rộng đến các nơi khác thuộc Lazio từ đầu thế kỷ 20 do dân số gia tăng tại Roma và cải thiện hệ thống giao thông. Do kết quả từ giáo dục và truyền thông, Romanesco trở nên tương đồng hơn với tiếng Ý tiêu chuẩn. Văn chương phương ngữ viết bằng dạng truyền thống của Romanesco bao gồm các tác phẩm như của Giuseppe Gioachino Belli, Trilussa và Cesare Pascarella. Romanesco là một "lingua vernacola" (thổ ngữ), có nghĩa là trong nhiều thế kỷ nó không tồn tại ở dạng viết mà chỉ được cư dân nói. </s>
Đóng góp lịch sử của Roma cho ngôn ngữ của toàn cầu còn rộng hơn nhiều, thông qua quá trình La Mã hoá, cư dân Ý, Gallia (Pháp), bán đảo Iberia và Dacia (Romania) phát triển các ngôn ngữ bắt nguồn trực tiếp từ tiếng Latinh, và được sử dụng tại nhiều phần rộng lớn trên thế giới thông qua ảnh hưởng văn hoá, thuộc địa hoá và di cư. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến tiếng Anh hiện đại, do người Norman khi chinh phục Anh đã đem theo một tỷ lệ lớn từ vựng mà họ mượn từ tiếng Latinh. Chữ cái Latinh là hệ thống chữ viết phổ biến nhất trên thế giới xét về số lượng ngôn ngữ. </s>
Kiến trúc của Roma trong nhiều thế kỷ đã rất phát triển, đặc biệt là từ phong cách cổ điển và phong cách Đế quốc La Mã chuyển sang phong cách kiến trúc phát xít hiện đại. Trong một thời gian, Roma đã từng là trung tâm kiến trúc cổ điển chính của thế giới, phát triển những dạng thức kiến trúc mới như các loại vòm và mái vòm. Phong cách kiến trúc Romanesque trong thế kỷ 11, 12 và 13 cũng được áp dụng rộng rãi trong kiến trúc La Mã, sau đó thành phố trở thành một trong những trung tâm kiến trúc Phục Hưng và Baroque chính. </s>
Một trong những biểu tượng của Roma là Đấu trường La Mã (xây dựng từ năm 70-80 trước Công nguyên), một khán đài vòng cung ngoài trời lớn nhất từng được xây dựng trong Đế chế La Mã. Sức chứa ban đầu của khán đài là 60.000 khán giả, và không gian này được sử dụng cho những cuộc tranh tài của các võ sĩ giác đấu. Các di tích và địa điểm nổi tiếng của La Mã cổ đại bao gồm Hội trường La Mã (Roman Forum), tòa nhà Domus Aurea, đền Parthenon, Cột Trajan, Chợ Trajan, hầm mộ, sân vận động Massimo, nhà tắm công cộng Terme di Caracalla, Lâu đài Thiên thần, Lăng mộ Augustus, Pacis Ara, Khải hoàn môn Costantino, Kim tự tháp Cestius và bức tượng khắc Bocca della Verità. </s>
Tuy thường ít được chú ý đến nhưng di sản thời Trung cổ của Roma là một trong những di sản lớn nhất tại các thành phố của Ý. Các vương cung thánh đường có niên đại từ buổi ban đầu của Kitô giáo, bao gồm Vương cung thánh đường Đức Bà Cả và Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành (sau này đã được đại trùng tu lại vào thế kỷ 19). Cả hai tòa nhà đều được chạm khắc những họa tiết trang trí tinh vi mang giá trị thẩm mỹ cao từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Phong cách nghệ thuật tranh tường và nghệ thuật khảm thời Trung cổ đáng chú ý khác cũng có thể được tìm thấy trong các nhà thờ như Basilica di Santa Maria in Trastevere, Santi Quattro Coronati và Santa Prassede. Những công trình không theo giáo hội nào gồm một lượng lớn tháp, trong đó lớn nhất là tháp Milizie và Conti. Cả hai đều nằm kế Hội trường La Mã và cầu thang lớn dẫn đến nhà thờ Basilica di Santa Maria in Ara coeli. </s>
Roma là một trung tâm về thời kỳ Phục Hưng lớn trên thế giới, chỉ đứng sau Firenze, và là nơi chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi phong trào Phục Hưng. Giai đoạn này có một kiệt tác của kiến trúc Phục hưng ở Roma là Quảng trường Piazza del Campidoglio do Michelangelo thiết kế. Cũng ở thời điểm này, các gia đình quý tộc lớn của Roma thường xây dựng những nơi ở sang trọng như cung điện Palazzo del Quirinale (nay là trụ sở của Tổng thống Cộng hòa Ý), cung điện Venezia, Farnese, Barberini, Chigi (hiện nay là nơi ở của Thủ tướng Chính phủ), cung điện Spada, Cancelleria và dinh thự Farnesina. </s>
Nhiều quảng trường của các thành phố nổi tiếng vẫn giữ nguyên hình dáng được tạo từ thời Phục hưng và Baroque. Trong đó một số quảng trường rất lớn, hoành tráng với tháp tưởng niệm trang trí đặt ở giữa, một số quảng trường khác nhỏ và thơ mộng. Những quảng trường chính là Quảng trường Navona, Quảng trường Spagna, Campo de 'Fiori, Quảng trường Venezia, Quảng trường Farnese, Quảng trường Rotonda và Quảng trường Minerva. Một trong những ví dụ điển hình nhất của nghệ thuật Baroque là đài phun nước Trevi của Nicola Salvi. Những cung điện Baroque đáng chú ý khác của thế kỷ 17 là cung điện Madama, ngày nay là trụ sở của Thượng nghị viện Ý và cung điện Montecitorio, ngày nay là trụ sở của Hạ nghị viện Ý. </s>
Năm 1870, Roma đã trở thành thủ đô của Vương quốc Ý. Trong thời gian này, trường phái tân cổ điển với phong cách xây dựng chịu ảnh hưởng của kiến trúc cổ xưa đã chiếm ưu thế vượt trội trong kiến trúc La Mã. Ở giai đoạn này, nhiều cung điện lớn theo phong cách tân cổ điển được xây dựng để làm trụ sở của chính phủ, đại sứ quán và các cơ quan nhà nước khác. Một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của trường phái tân cổ điển La mã là đài tưởng niệm liệt sĩ Vittorio Emanuele II là nơi "Tổ quốc ghi công", nơi an nghỉ của các binh sĩ vô danh, đại diện cho 650.000 người Ý đã ngã xuống trong chiến tranh thế giới thứ nhất. </s>
Chế độ cai trị phát xít tại Ý từ năm 1922 đến 1943 đã phát triển một phong cách kiến trúc đặc trưng bởi sự liên kết với kiến trúc La Mã cổ đại. Những nơi lưu dấu kiến trúc phát xít quan trọng nhất ở Roma là khu vực E.U.R. do Marcello Piacentini thiết kế vào năm 1938. Ban đầu khu này được hình thành với mục đích dành cho cuộc Triển lãm Thế giới 1942 ("Esposizione universale 1942") và có tên gọi là "E.42" ("Esposizione 42"). Tuy nhiên, triển lãm thế giới đã không có dịp diễn ra vì năm 1940 nước Ý bước vào chiến tranh thế giới thứ hai. Công tình tiêu biểu nhất của phong cách kiến trúc phát xít tại E.U.R. là cung điện Civiltà Italiana (1938–1943), thiết kế mang tính biểu tượng của công trình đã được xem như khối lập phương tại Quảng trường La Mã. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chính quyền La Mã thấy rằng họ đã có những mầm mống của một khu kinh tế ngoài trung tâm như những thủ đô khác mà hiện trong thời gian đó vẫn còn đang quy hoạch (xưởng đóng tàu Luân Đôn Docklands và La Défense ở Paris). Ngoài ra cung điện Farnesina, nơi đóng trụ sở của Bộ Ngoại giao Ý ngày nay, được thiết kế vào năm 1935 theo phong cách phát xít thuần chất. </s>
Công viên công cộng và khu bảo tồn thiên nhiên chiếm một khu vực rộng lớn ở Roma. Có thể nói, Roma là thành phố có một trong những vùng được không gian xanh bao phủ thuộc hàng lớn nhất trong các thủ đô châu Âu. Phần đáng chú ý nhất của khu không gian xanh này đặc trưng bởi rất nhiều biệt thự và khu vườn của các tầng lớp quý tộc Ý. Tuy nhiều biệt thự đã bị phá hủy trong giai đoạn bùng nổ xây dựng cuối thế kỷ 19 nhưng vẫn còn sót lại một lượng lớn. Đáng chú ý nhất trong số này là biệt thự Borghese, Ada và Pamphili Doria. Biệt thự Pamphili Doria nằm ở phía Tây của ngọn đồi Gianicolo rộng 1,8 km2. Ngoài ra trên đồi Gianicolo còn có biệt thự Sciarra với các sân chơi cho trẻ em và những khu vực đi bộ phủ bóng mát. Tại khu vực lân cận của Trastevere the Orto Botanico (khu vườn Botanico) là một không gian xanh thoáng mát và lợp phủ bóng râm. Trường đua ngựa La Mã cổ đai (sân vận động Maximus) là một không gian xanh lớn khác nhưng sự thu hút chính ở đây là các địa điểm đua xe ngựa cổ xưa, còn cây thì tương đối ít. Gần đó là biệt thự Celimontana tươi tốt, gần các khu vườn xung quanh nhà tắm công cộng Caracalla và Vườn Hoa hồng. Khu vườn của biệt thự Borghese là một không gian xanh lớn được biết đến nhiều nhất ở Roma, nơi đây có các phòng trưng bày nghệ thuật nổi tiếng nằm giữa các lối đi bộ phủ bóng mát cây xanh. Nó nằm gần với Tây Ban Nha Spanish Steps và Quảng trường Popolo. Roma cũng có nhiều công viên địa phương được hình thành gần đây hơn như công viên Pineto và Appian Way. Ngoài ra còn có các khu bảo tồn thiên nhiên tại Marcigliana và Tenuta di Castelporziano. </s>
Roma là một thành phố nổi tiếng với rất nhiều đài phun nước được xây dựng theo tất cả các phong cách khác nhau, từ cổ điển, trung cổ đến Baroque và tân cổ điển. Đài phun nước đã có ở thành phố từ hơn 2.000 năm trước, người dân đã dẫn nước uống và trang trí các quảng trường của Roma. Trong thời Đế chế La Mã, vào năm 98 trước Công nguyên, theo Sextus Julius Frontinus, các lãnh sự La Mã được gọi là người phụ trách quản lý hoặc người giám hộ nguồn nước của thành phố. Roma có 9 hệ thống cống dẫn nước, cung cấp nước dẫn đến 39 đài phun nước tưởng niệm và 591 đài phun nước công cộng dạng bồn nhỏ, không kể nguồn nước cung cấp cho hoàng gia, tắm rửa hay cho các chủ sở hữu biệt thự tư nhân. Mỗi đài phun nước lớn đều được kết nối với hai cống dẫn nước khác nhau, phòng trường hợp một hệ thống không hoạt động được do sửa chữa. Trong thế kỷ 17 và 18, các Giáo hoàng La Mã tái tạo những đài phun nước La Mã bị hư hỏng và xây dựng các đài phun nước mới nhằm đánh dấu thời kì của họ, mở ra thời hoàng kim cho các đài phun nước La Mã. Như những bức tranh của Rubens, các đài phun nước La Mã mang tính biểu hiện phong cách mới của nghệ thuật Baroque. Có rất nhiều nhân vật biểu tượng đầy tính cảm xúc và sức sống được đặt tại các đài phun nước. Ở những đài phun nước này, điêu khắc đã trở thành yếu tố chính, và nước được thêm vào đơn giản chỉ để tạo sự chuyển động và đóng vai trò trang trí cho các tác phẩm điêu khắc. Chúng giống như những khu vườn Baroque, là "một hình ảnh của sự tự tin và quyền lực." </s>
Roma nổi tiếng với những bức tượng, nhưng đặc biệt những bức tượng có tính truyền cảm xúc cao. Chúng thường là những pho tượng cổ đã trở thành phương tiện truyền tải những lời diễn thuyết về các thảo luận chính trị và xã hội, là nơi để mọi người cất lên tiếng nói về quan điểm của họ (thông thường là châm biếm trào phúng). Có hai bức tượng nổi tiếng là: Pasquino và Marforio, ngoài ra vẫn có 4 bức tượng khác đáng chú ý là il Babuino, Madama Lucrezia, il Facchino và Abbot Luigi. Hầu hết những bức tượng đều từ thời La Mã cổ đại hay từ thời cổ điển, phần lớn trong số đó miêu tả những nhân vật trong thần thoại; il Pasquino đại diện Menelaus, Abbot Luigi - một thẩm phán La Mã bí ẩn, il Babuino đại diện cho Silenus, Marforio đại diện cho Oceanus, Madama Lucrezia là một bức tượng bán thân của Isis, và il Facchino là bức tượng duy nhất không phải của La Mã, được tạo thành trong năm 1580, và không đại diện riêng cho bất cứ nhân vật nào. Những bức tượng thường được phủ đầy áp phích hoặc những hình vẽ graffiti bày tỏ ý tưởng và quan điểm chính trị. Những bức tượng khác trong thành phố không phải tượng bộc lộ cảm xúc và quan điểm gồm Ponte Sant'Angelo, hoặc một số di tích nằm rải rác trong thành phố, như Giordano Bruno ở Campo de'Fiori. </s>
Thành phố có 8 tháp tưởng niệm cổ Ai Cập và 5 tháp tưởng niệm La Mã cổ đại cùng một số khác hiện đại hơn, như tháp tưởng niệm Ethiopia ở Roma được xây dựng gần đây (từ 2005). Thành phố có một vài tháp tưởng niệm ở các quảng trường, chẳng hạn như tại quảng trường Piazza Navona, Quảng trường Thánh Phêrô, Piazza Montecitorio, Piazza del Popolo và những tháp tưởng niệm khác trong các biệt thự, nhà tắm công cộng và trong các khu vườn, công viên, chẳng hạn như ở Villa Mattei, nhà tắm công cộng Thermae Diocletiani và ngọn đồi Mons Pincius. Ngoài ra, trung tâm của Roma cũng là nơi có hai cột tưởng niệm La Mã cổ đại là Cột của Trajan và Cột Marcus Aurelius với bề ngoài được trang trí theo dạng xoắn ốc nhẹ. </s>
Thành phố Roma có rất nhiều cây cầu nổi tiếng bắc qua sông Tivere. Những cây cầu nổi tiếng gồm cầu Ponte Cestio, Ponte Milvio, Ponte Nomentano, Ponte Sant'Angelo, Ponte Vittorio Emanuele II, Ponte Sisto và Ponte dei Quattro Capi. Hiện nay có năm cây cầu từ thời La Mã cổ đại vẫn còn lại trong thành phố. Hầu hết các công trình cầu công cộng của thành phố được xây dựng theo phong cách cổ điển hay Phục Hưng, nhưng cũng có những cây cầu theo phong cách Baroque, tân cổ điển và hiện đại. Theo bộ bách khoa toàn thư tiếng Anh Encyclopædia Britannica, cây cầu cổ nhất còn lại ở Roma là Ponte Sant'Angelo do Bernini thiết kế vào năm 1688, được hoàn thành vào năm 135 trước Công nguyên và có 10 bức tượng các thiên thần dùng trang trí trên cầu. </s>
Roma có một lượng lớn hầm mộ cổ hoặc những nơi chôn cất ngầm trong thành phố hay gần thành phố, với số lượng ít nhất 40, một số vừa được phát hiện chỉ trong vài thập kỷ gần đây. Mặc dù nổi tiếng nhất là những nơi chôn cất Kitô hữu nhưng vẫn có mộ ngoại giáo và người Do Thái, hoặc được chôn cất trong hầm mộ riêng biệt hoặc nằm xen kẽ chung với nhau trong một khu đất. Những hầm mộ quy mô lớn đầu tiên được khai quật từ thế kỷ thứ hai trở đi. Ban đầu chúng được chạm khắc từ một loại mềm từ tro núi lửa là đá túp và đặt tại những vị trí ngoài ranh giới của thành phố vì luật La Mã cấm chôn cất trong thành phố. Hiện nay Giáo hoàng nắm quyền và trách nhiệm bảo trì các hầm mộ. Giáo hoàng đã trao quyền cho Dòng Salêdiêng Don Bosco trong việc giám sát hầm mộ của Thánh Callixtus ở ngoại ô Roma. </s>
Với vai trò là thủ đô của nước Ý, Roma là trụ sở của tất cả các tổ chức chính của quốc gia, như Chủ tịch nước Cộng hoà, chính phủ (và Thủ tướng duy nhất), Quốc hội, Toà án tư pháp chính và đại diện ngoại giao của từ tất cả các quốc gia cho đến các tiểu bang của Ý và Thành Vatican (một trường hợp ngoại lệ duy nhất của đại sứ quán trong lãnh thổ quốc gia là Roma cũng là nơi đóng cứ điểm của Đại sứ quán Ý của Thành Vatican). Nhiều tổ chức quốc tế được đặt tại Roma, đặc biệt là những tổ chức văn hóa và khoa học nổi tiếng - chẳng hạn như Viện nghiên cứu Hoa Kỳ, British School, Viện hàn lâm Pháp, Viện Scandinavi, các Viện khảo cổ học Đức - với những học bổng danh dự tại Thành phố Vĩnh cửu này, cùng những tổ chức nhân đạo khác như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO). Roma cũng là nơi có các tổ chức văn hóa và chính trị quốc tế lớn từ khắp nơi trên thế giới như Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (IFAD), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), trường Cao đẳng Quốc phòng NATO và Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu Bảo tồn và Phục hồi Tài sản Văn hóa (ICCROM). Roma hiện nay là một thành phố toàn cầu hàng đầu, cùng với Chicago, Istanbul, Frankfurt, Athena, Zurich, Thành phố Mexico, Praha, Budapest, Amsterdam, Viên và Dublin cùng một vài thành phố khác. Năm 2008, Roma được xếp hạng 15 trong tất cả các thành phố thế giới về tầm quan trọng toàn cầu, chủ yếu là về bề dày văn hóa. </s>
Năm 2005, thành phố Roma có GDP là 94,376 tỷ euro (121,5 tỷ USD), đóng góp 6,7% vào của GDP của cả nước (nhiều hơn bất cứ thành phố nào khác ở Ý). Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của thành phố từ giữa năm 2001 và 2005 đã giảm từ 11,1% xuống 6,5%, hiện đang là một trong những tỷ lệ thấp nhất của tất cả các thành phố thủ đô thuộc Liên minh châu Âu. Tốc độ tăng trưởng của Roma đạt 4,4%/năm và tiếp tục phát triển với một tốc độ cao hơn so với bất kỳ thành phố khác của đất nước. Điều này có nghĩa là nếu Roma là một quốc gia độc lập thì nó sẽ là quốc gia giàu có đứng thứ 52 trên thế giới tính theo GDP, gần với Ai Cập. Năm 2003, Roma có mức GDP bình quân đầu người đạt 29.153 euro (37.412 USD), cao thứ hai tại Ý chỉ sau Milano, và cao hơn 134,1% GDP bình quân đầu người trung bình của Liên minh châu Âu. Hơn hết, Roma có tổng thu nhập xếp hàng cao nhất ở Ý, đạt 47.076.890.463 euro trong năm 2008, nhưng xét về thu nhập của người lao động trung bình, thành phố chỉ đứng ở vị thứ 9 tại Ý với mức thu nhập là 24.509 euro. Ở góc độ toàn cầu, lao động Roma nhận được mức lương cao thứ 30 trong năm 2009, tăng 3 thứ hạng so với năm 2008. </s>
Mặc dù nền kinh tế của Roma đặc trưng bởi sự vắng mặt của ngành công nghiệp nặng và bị chi phối chủ yếu bởi ngành dịch vụ, các công ty công nghệ cao (công nghệ thông tin, hàng không vũ trụ, quốc phòng, viễn thông), nghiên cứu, xây dựng và hoạt động thương mại (đặc biệt là ngân hàng), cùng với sự phát triển mạnh của ngành du lịch đầy năng động đều đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Roma. Fiumicino là sân bay quốc tế ở Roma và cũng là sân bay lớn nhất tại Ý. Bên cạnh đó, thành phố còn là nơi đóng trụ sở của đại đa số các công ty lớn của Ý, cùng với trụ sở của ba trong 100 công ty lớn nhất thế giới: Enel, Eni và Telecom Italia. </s>
Giáo dục đại học, hệ thống phát thanh truyền hình quốc gia và ngành công nghiệp điện ảnh ở Roma cũng góp phần quan trọng trong nền kinh tế: Roma còn là trung tâm của ngành công nghiệp điện ảnh Ý nhờ vào hãng phim Cinecittà với hoạt động khởi nghiệp từ những 1930. Thành phố cũng là một trung tâm ngân hàng và bảo hiểm, điện tử, năng lượng, vận tải và công nghiệp hàng không vũ trụ. Rất nhiều trụ sở công ty và cơ quan quốc tế, bộ chính phủ, trung tâm hội nghị, địa điểm thể thao và viện bảo tàng được đặt tại khu kinh doanh chính của Roma: khu kinh tế Esposizione Universale Roma (EUR); Torrino (phía nam EUR); Magliana; Parco de' Medici-Laurentina và Tiburtina-valley nằm dọc theo con đường cổ Via Tiburtina. </s>
Đại học đầu tiên của Roma là La Sapienza (thành lập vào năm 1303), là một trong các đại học lớn nhất thế giới với trên 140.000 sinh viên theo học, vào năm 2005 trường xếp hạng 33 tại châu Âu và đến năm 2013 Đại học Sapienza Roma xếp hạng 62 thế giới và đứng đầu tại Ý. Nhằm giảm thiểu tình trạng quá đông đúc của La Sapienza, hai trường đại học công lập được thành lập trong các thập niên qua: Tor Vergata vào năm 1982, và Roma Tre vào năm 1992. Roma còn có Trường Chính phủ LUISS, là trường cấp bằng cử nhân quan trọng nhất trong lĩnh vực quan hệ quốc tế và nghiên cứu châu Âu. ISIA được thành lập vào năm 1973 bởi Giulio Carlo Argan và là học viện lâu năm nhất tại Ý trong lĩnh vực thiết kế công nghiệp. </s>
Roma có lượng lớn các trường đại học giáo hoàng và các học viện khác, bao gồm Trường Anh tại Roma, Trường Pháp tại Roma, Đại học Giáo hoàng Gregoriana (đại học dòng Tên cổ nhất trên thế giới, thành lập vào năm 1551), Học viện châu Âu về Thiết kế, Trường Lorenzo de' Medici, Đại học Link Campus, Đại học Campus Bio-Medico. Roma cũng có hai trường đại học Mỹ: Đại học Mỹ tại Roma và Đại học John Cabot cùng với phân hiệu Đại học St. John's, Trung tâm John Felice Roma là một phân hiệu của Đại học Loyola Chicago còn Đại học Temple Roma là một phân hiệu của Đại học Temple. Các đại học nội trú Roma (Collegi pontifici) là một số trường dòng dành cho sinh viên ngoại quốc học tập để lên chức tu sĩ tại các Đại học Giáo hoàng. </s>
Các thư viện lớn tại Roma gồm có Biblioteca Angelica khánh thành vào năm 1604, là thư viện công cộng đầu tiên tại Ý; Biblioteca Vallicelliana thành lập vào năm 1565; Biblioteca Casanatense khánh thành vào năm 1701; Thư viện Trung ương Quốc gia Roma là một trong hai thư viện quốc gia của Ý, có hơn bốn triệu quyển sách; Biblioteca del Ministero degli Affari Esteri chuyên về ngoại giao, đối ngoại và lịch sử hiện đại; Biblioteca dell'Istituto dell'Enciclopedia Italiana; the Biblioteca Don Bosco là một trong các thư viện Salesian lớn nhất và hiện đại nhất; Biblioteca e Museo teatrale del Burcardo là một bảo tàng-thư viện chuyên về lịch sử kịch và sân khấu; Biblioteca della Società Geografica Italiana đặt tại Villa Celimontana và là thư viện địa lý quan trọng nhất tại Ý, và đứng hàng đầu châu Âu; và Thư viện Vatican là một trong những thư viện cổ nhất và quan trọng nhất trên thế giới, có mốc thành lập chính thức là năm 1475, và có 75.000 codex, cùng với 1,1 triệu sách in, trong đó có khoảng 8.500 sách in trước năm 1501. Ngoài ra còn có nhiều thư viện chuyên biệt gắn với các học viện văn hoá nước ngoài khác nhau tại Roma, trong số đó có thư viện của Viện Mỹ tại Roma, Viện Pháp tại Roma, và Viện Lịch sử nghệ thuật Bibliotheca Hertziana – Max Planck của Đức; </s>
Roma là một trung tâm âm nhạc quan trọng với nền âm nhạc lớn mạnh, bao gồm một số nhạc viện và nhà hát uy tín. Đây là nơi tọa lạc của nhạc viện Accademia Nazionale di Santa Cecilia (thành lập năm 1585), một trong những nhạc viện có bề dày lịch sử lâu nhất thế giới, trong đó những phòng hòa nhạc mới đã được xây dựng tại khu phức hợp âm nhạc cộng đồng đa chức năng Parco della Musica, một trong những địa điểm âm nhạc lớn nhất thế giới. Roma cũng có nhà hát opera là nhà hát Teatro dell'Opera di Roma, cùng vài viện âm nhạc nhỏ khác. Thành phố cũng là nơi đăng cai cuộc thi Eurovision Song Contest (Cuộc thi Ca khúc Truyền hình châu Âu) năm 1991 và Lễ trao giải MTV châu Âu (MTV Europe Music Awards) năm 2004. </s>
Roma cũng từng có tác động lớn trong lịch sử âm nhạc. Trường phái La Mã là một nhóm các nhà soạn nhạc chủ yếu về mảng nhạc nhà thờ, hoạt động tại thành phố trong thế kỷ 16 và 17, kéo dài từ cuối thời kỳ Phục hưng đến đầu thời kỳ Baroque. Thuật ngữ này cũng dùng để chỉ âm nhạc mà họ sản xuất. Nhiều nhạc sĩ có mối liên hệ trực tiếp với Giáo hội Công giáo, Tòa Thánh và Nhà nguyện Sistina của Giáo hoàng, mặc dù họ làm việc tại một số nhà thờ khác nhau. Về phong cách âm nhạc, họ thường tương phản với Trường phái Venezia, một phong trào của các nhà soạn nhạc diễn ra cùng thời và có xu hướng phát triển mạnh hơn. Nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất từ trước đến nay của Trường phái La Mã là Giovanni Pierluigi da Palestrina, tên tuổi ông gắn liền với một tài năng hoàn hảo với phức điệu âm nhạc rõ ràng, nhịp nhàng uyển chuyển suốt 400 năm. Tuy nhiên, cũng có những nhạc sĩ khác hành nghề tại Roma với những phong cách và hình thức đa dạng. </s>
Roma ngày nay là một trong những điểm đến du lịch quan trọng nhất của thế giới, điều này là sự rộng lớn đa dạng của kho tàng khảo cổ và nghệ thuật tại đây, cũng như do nét thu hút của những truyền thống độc nhất tại đây, do vẻ đẹp toàn cảnh và sự uy nghi tráng lệ của những căn biệt thự (công viên). Giá trị nhất ở Roma là số lượng bảo tàng lớn (Bảo tàng Capitolini, Bảo tàng Vatican, Nhà triển lãm Borghese, lưu trữ những gì liên quan đến cả nghệ thuật đương đại và hiện đại cùng rất nhiều những thứ khác), cống dẫn nước, đài phun nước, nhà thờ, cung điện, công trình lịch sử, đài tưởng niệm, di tích của Hội trường La Mã và các hầm mộ. Roma là thành phố thứ được viếng thăm nhiều đứng thứ ba tại Liên minh châu Âu, chỉ xếp sau Luân Đôn và Paris, với lượng du khách một năm trung bình 7-10 triệu người, mà đôi khi tăng gấp đôi vào năm thánh. Theo một nghiên cứu gần đây, đấu trường La Mã (4 triệu du khách) và Bảo tàng Vatican (4,2 triệu du khách) lần lượt đứng thứ 39 và 37 trong bảng xếp hạng những nơi được viếng thăm nhiều nhất trên thế giới. </s>
Roma là một trung tâm khảo cổ học lớn và là một trong những trung tâm quan trọng nhất về nghiên cứu khảo cổ học của thế giới. Có rất nhiều viện nghiên cứu và viện văn hóa nằm rải rác trong thành phố, chẳng hạn như Viện Hàn lâm Hoa Kỳ tại Roma, Viện Thụy Điển tại Roma và một vài cơ quan khác. Roma tồn tại rất nhiều di tích cổ đại, bao gồm Hội trường La Mã, Chợ Trajan, Hội trường Trajan, Đấu trường La Mã, đền Pantheon. Đấu trường La Mã được đánh giá là một trong những di tích khảo cổ tiêu biểu nhất của Roma và là một kì quan thế giới. </s>
Roma là một bảo tàng lưu trữ lớn và đầy ấn tượng về các lĩnh vực nghệ thuật, điêu khắc, đài phun nước, khảm trang trí ghép mảnh (mosaic), tranh tường và tranh vẽ từ tất cả các giai đoạn khác nhau trong lịch sử. Roma đã trở thành một trung tâm nghệ thuật từ thời La Mã cổ đại, với các hình thức nghệ thuật La Mã quan trọng như kiến trúc, hội họa, điêu khắc và khảm mosaic. Rèn kim loại, làm khuôn tiền xu và khắc đá quý, chạm trổ ngà voi, tượng thủy tinh, đồ gốm và sách minh họa hình ảnh được coi là những hình thức "nhỏ" trong các tác phẩm nghệ thuật La Mã. Roma sau này trở thành một trung tâm nghệ thuật Phục hưng chính, từ khi các giáo hoàng dành khoản tiền lớn cho các công trình xây dựng hoàng cung hùng vĩ, cung điện, quảng trường và công trình công cộng nói chung. Roma trở thành một trong những trung tâm tác phẩm nghệ thuật Phục hưng lớn của châu Âu, chỉ đứng sau Firenze, và có thể so sánh với các thành phố lớn và các trung tâm văn hóa khác như Paris và Venezia. Thành phố đã chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi phong trào baroque và trở thành quê hương của nhiều nghệ sĩ và kiến trúc sư, chẳng hạn như Bernini, Caravaggio, Carracci, Borromini, Cortona và một vài tên tuổi khác. Trong cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, thành phố là một trong những trung tâm của Grand Tour - một hình thức du lịch truyền thống ở châu Âu - khi mà những người giàu có, quý tộc trẻ Anh và châu Âu đến thăm thành phố để tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật, triết học và kiến trúc La Mã cổ đại. Roma là nơi có nhiều nghệ sĩ tân cổ điển và rococo, chẳng hạn như Pannini và Bernardo Bellotto. Ngày nay, thành phố là một trung tâm nghệ thuật lớn, với rất nhiều viện nghệ thuật và bảo tàng. </s>
Roma đã phát triển thành nơi lưu trữ nghệ thuật đương đại, hiện đại và kiến trúc. Thư viện Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia là nơi trưng bày cố định các tác phẩm của Balla, Morandi, Pirandello, Jerzy Dudek, De Chirico, De Pisis, Guttuso, Fontana, Burri, Mastroianni, Turcato, Kandisky, Cézanne. Năm 2010 chứng kiến buổi khai trương nền tảng nghệ thuật mới nhất của Roma, một loại hình nghệ thuật đương đại và triển lãm kiến trúc do kiến trúc sư Iraqnổi tiếng Zaha Hadid thiết kế. Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật và Kiến trúc thế kỷ 21 Maxxi tái hiện một khu vực đổ nát với kiến trúc hiện đại ấn tượng. Maxxi có một trường dành riêng cho phòng nghiên cứu thực nghiệm và văn hóa, trao đổi quốc tế và học tập. Nó là một trong những dự án kiến trúc hiện đại mong muốn nhất của Roma, cùng với Bảo tàng Renzo Piano (Renzo Piano's Auditorium Parco della Musica) và Trung tâm Hội nghị Massimiliano Fuksas ở Roma, Centro Congressi Italia EUR, ở khu EUR, dự kiến khai trương vào năm 2011.[cần dẫn nguồn] Trung tâm Hội nghị có đặc điểm như một container bán trong suốt khổng lồ, kết cấu thép và teflon treo giống như một đám mây bên trong có các phòng họp và một hội trường với hai quảng trường mở ra khu dân cư hai bên công trình. </s>
Roma cũng được công nhận rộng rãi như một kinh đô thời trang thế giới. Mặc dù không đóng vai trò quan trọng như Milano, theo Hiệp hội Giám sát Ngôn ngữ Toàn cầu năm 2009, Roma là trung tâm thời trang quan trọng đứng thứ tư đối với thời trang thế giới, chỉ sau Milano, New York, Paris và vượt qua Luân Đôn. Các hãng thời trang và trang sức cao cấp nổi bật như Bulgari, Fendi, Laura Biagiotti và Brioni và một số tên tuổi khác, có trụ sở chính hoặc được thành lập trong thành phố. Ngoài ra, các thương hiệu lớn khác như Chanel, Prada, Dolce & Gabbana, Armani và Versace có nhiều cửa hàng sang trọng ở Roma, chủ yếu dọc theo con đường thời trang Via Condotti dei uy tín và cao cấp ở Roma. </s>
Ẩm thực của Roma đã phát triển qua nhiều thế kỷ và các thời kì biến đổi xã hội, văn hóa và chính trị. Roma trở thành một trung tâm nghệ thuật ẩm thực lớn từ thời La Mã cổ đại. Ẩm thực thời kì này chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa Hy Lạp cổ đại, và sau đó, quá trình bành trướng đế chế La Mã đưa Roma tiếp xúc với nhiều tập quán chế biến món ăn địa phương và kĩ thuật nấu ăn. Ban đầu, sự cách biệt giữa các tầng lớp xã hội không lớn lắm nhưng đã tăng dần theo tốc độ tăng trưởng của đế chế. Sau này, trong thời kỳ Phục hưng, Roma đã trở nên nổi tiếng là một trung tâm ẩm thực lớn, vì một số đầu bếp giỏi nhất thời đại làm việc cho các Giáo hoàng. Một đầu bếp điển hình là Bartolomeo Scappi, làm việc cho Giáo hoàng Pius IV trong nhà bếp Vatican và trở nên nổi tiếng khi xuất bản cuốn sách nấu ăn Opera dell'arte del cucinare vào năm 1570. Trong đó, ông liệt kê khoảng 1000 công thức ẩm thực Phục hưng đồng thời mô tả các kỹ thuật và dụng cụ nấu ăn đồng thời đưa ra hình ảnh được biết đến như chiếc nĩa đầu tiên. Ngày nay, thành phố là nơi có nhiều món ăn truyền thống Ý vô cùng nổi tiếng. Có thể thấy được ảnh hưởng của người Do Thái trong nền ẩm thực này vì người Do Thái đã sống ở Roma kể từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Các loại rau, đặc biệt là atisô hình cầu phổ biến rất rộng rãi. Một số ví dụ về món ăn nổi tiếng như "Saltimbocca alla Romana" – cốt lết bê theo phong cách La Mã; đứng đầu với giăm bông tươi, cây xô thơm, ninh với rượu vang trắng và bơ; "Carciofi alla giudia" – atisô chiên trong dầu ô liu, món điển hình của người Do Thái La Mã; "Carciofi alla Romana" – atisô phong cách La Mã, lớp lá bên ngoài được tách bỏ, nhồi với bạc hà, tỏi, vụn bánh mì sau đó đem om; "Spaghetti alla Carbonara"–spaghetti với thịt xông khói, trứng và pecorino; "Gnocchi di semolino alla Romana"–bánh bao semolina theo phong cách La Mã và một vài món ăn khác. </s>
Roma có xưởng phim Cinecittà, là cơ sở sản xuất phim và truyền hình lớn nhất tại châu Âu lục địa, và là trung tâm của điện ảnh Ý. Đây là nơi sản xuất nhiều phim bán được nhiều vé nhất. Tổ hợp xưởng phim rộng 40 ha, cách trung tâm Roma 9 km và là bộ phận của một trong các cộng đồng sản xuất lớn nhất thế giới, với trên 5.000 nhân viên chuyên nghiệp, từ sáng tạo trang phục cho đến hiệu ứng thị giác. Có trên 3.000 sản phẩm được sản xuất tại đây, trong đó có các tác phẩm gần đây như The Passion of the Christ, Gangs of New York, Rome của HBO, The Life Aquatic và Dino De Laurentiis' Decameron, đến các tác phẩm cổ điển như Ben-Hur, Cleopatra, và các phim của Federico Fellini. </s>
Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất tại Roma, giống như toàn thể nước Ý. Thành phố từng tổ chức các trận đấu chung kết của Giải bóng đá vô địch thế giới 1934 và 1990. Trận chung kết năm 1990 diễn ra trên Sân vận động Olipico, đây cũng là sân nhà của các câu lạc bộ địa phương thi đấu tại Serie A là S.S. Lazio thành lập vào năm 1900, và A.S. Roma thành lập vào năm 1927, kình địch giữa họ trở thành một phần chủ yếu trong văn hoá thể thao Roma. Các cầu thủ chơi cho hai câu lạc bộ này và đồng thời sinh ra tại thành phố có xu hướng trở nên đặc biệt nổi tiếng, chẳng hạn như các cầu thủ Francesco Totti, Daniele De Rossi hay Alessandro Nesta. Atletico Roma là một đội bóng nhỏ chơi tại giải hạng nhất cho đến năm 2012, sân nhà của đội bóng này là Sân vận động Flaminio. </s>
Roma còn từng tổ chức giải bóng rổ châu Âu năm 1991 và có đội tuyển bóng rổ Virtus Roma được công nhận quốc tế. Rugby union được đón nhận rộng rãi, cho đến năm 2011, Sân vận động Flaminio là sân nhà của đội tuyển rugby quốc gia Ý, đội tuyển thi đấu trong giải vô địch Sáu nước từ năm 2000. Đội tuyển nay thi đấu các trận sân nhà tại Sân vận động Olimpico do Sân vận động Flaminio cần cải thiện sức chứa và tính an toàn. Roma có các đội tuyển rugby union địa phương như Rugby Roma (thành lập vào năm 1930 và nhiều lần vô địch nước Ý), Unione Rugby Capitolina và S.S. Lazio 1927 (nhánh rugby union của câu lạc bộ thể thao S.S. Lazio). </s>
Có ba sân bay phục vụ tại Roma. Sân bay quốc tế liên lục địa Leonardo Da Vinci là sân bay chính của Ý và thường được gọi là "Sân bay Fiumicino", vì nó nằm trong comune Fiumicino gần phía Tây Nam của Roma. Sân bay thứ hai là Ciampino Roma, trước đây là một sân bay dân sự và quân sự kết hợp, thường được gọi là "Sân bay Ciampino" vì nó nằm bên cạnh Ciampino về phía Đông Nam Roma. Sân bay thứ ba là Roma-Urbe, một sân bay nhỏ có lưu lượng thấp nằm cách khoảng 6 km về phía Bắc trung tâm thành phố, dành riêng phục vụ cho hầu hết máy bay trực thăng và các chuyến bay tư nhân. </s>
Thành phố Roma đang hứng chịu các vấn đề giao thông, chủ yếu là do mô hình đường xuyên tâm đã gây khó khăn cho người dân Roma: nếu muốn di chuyển từ các vùng lân cận của một trong những tuyến đường xuyên tâm đến tuyến đường khác họ phải đi vào trung tâm lịch sử hoặc phải đi đường vòng. Vấn đề này không thể giải quyết do quy mô hệ thống tàu điện ngầm tại Roma bị hạn chế so với các thành phố khác có kích thước tương tự. Ngoài ra, Roma chỉ có 21 xe taxi cho mỗi 10.000 dân, cách biệt xa so với các thành phố lớn ở châu Âu. Nạn tắc nghẽn xe hơi thường xuyên xảy ra trong những năm 1970 và 1980 đã dẫn đến việc hạn chế lưu thông phương tiện vào trung tâm nội thành trong thời điểm ban ngày. Những khu vực áp dụng hạn chế được gọi là Khu Hạn chế Giao thông (Zona a Traffico Limitato (ZTL) ở Ý). Gần đây hơn, lượng giao thông tấp nập vào ban đêm ở Trastevere và San Lorenzo đã dẫn đến việc hình thành những khu ZTL đêm ở những vùng đó, ngoài ra còn có kế hoạch lập một khu ZTL đêm ở Testaccio. </s>
Một hệ thống tàu điện ngầm 2 tuyến gọi là Metropolitana đã đi vào hoạt động tại Roma. Việc xây dựng nhánh đầu tiên bắt đầu vào những năm 1930. Tuyến đường này đã được lên kế hoạch trước với muc tiêu nhanh chóng kết nối nhà ga chính với khu E42 vừa được quy hoạch ở ngoại ô phía Nam, nơi dự định tổ chức Hội chợ Thế giới 1942. Sự kiện này đã không thể diễn ra vì chiến tranh. Khu vực này sau đó một phần được thiết kế lại và đổi tên thành EUR (Esposizione Universale di Roma: Triển lãm Thế giới Roma) trong những năm 1950 để đóng vai trò như một khu kinh doanh hiện đại. Cuối cùng, tuyến đường đã được mở vào năm 1955 và hiện nay đang là một phần của Tuyến B. </s>
Hai Tuyến A và B hiện tại giao nhau ở nhà ga Roma Termini. Một nhánh mới của Tuyến B (B1) đang được xây dựng với chi phí ước tính là 500 triệu euro, dự kiến khai trương vào năm 2012. B1 sẽ kết nối với B tại Quảng trường Bologna và sẽ có bốn trạm phân bố trong 3,9 km (2 dặm). Tuyến C là tuyến thứ ba, đang được xây dựng với chi phí ước tính 3 tỷ euro với 30 trạm trong khoảng cách 25,5 km (16 dặm). Tuyến C sẽ thay thế một phần tuyến đường sắt hiện có là Termini-Pantano với đầy đủ tính năng tự động và không người lái. Đoạn đầu dự kiến khánh thành vào năm 2011 và đoạn cuối vào năm 2015, nhưng những phát hiện khảo cổ học thường trì hoãn việc xây dựng ngầm. Tuyến thứ 4 là tuyến D cũng được quy hoạch với dự kiến 22 nhà ga phân bố trên một khoảng cách 20 km (12 dặm). Đoạn đầu kiến đưa vào hoạt động trong năm 2015 và các phần cuối sẽ hoạt động trước năm 2035. </s>
Giao thông công cộng trên mặt đất tại Roma hình thành bởi mạng lưới xe buýt, xe điện và mạng lưới xe lửa đô thị (các tuyến FR). Mạng lưới xe buýt và xe điện do Trambus S. p. A. điều hành dưới sự bảo trợ của ATAC S. p. A. (viết tắt của Cục vận tải xe bus và xe điện của commune, trong tiếng Ý là Azienda Tranvie ed Autobus del Comune). Mạng lưới xe buýt đã vượt quá 350 tuyến xe buýt và trên 8.000 trạm dừng, trong khi hệ thống xe điện bị giới hạn nhiều hơn, chỉ có 39 km đường ray và 192 trạm. Ngoài ra còn có tuyến xe bus điện khai trương vào năm 2005 và các tuyến xe bus điện mở rộng khác cũng đã được quy hoạch. </s>
Pyrit hay pyrit sắt, là khoáng vật disulfua sắt với công thức hóa học FeS2. Ánh kim và sắc vàng đồng từ nhạt tới thông thường của khoáng vật này đã tạo nên tên hiệu riêng của nó là vàng của kẻ ngốc do nó trông tương tự như vàng. Pyrit là phổ biến nhất trong các khoáng vật sulfua. Tên gọi pyrit bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp πυρίτης (puritēs) nghĩa là "của lửa" hay "trong lửa", từ πύρ (pur) nghĩa là "lửa". Tên gọi này có lẽ là do các tia lửa được tạo ra khi pyrit va đập vào thép hay đá lửa. Tính chất này làm cho pyrit trở thành phổ biến trong sử dụng để làm cơ chế đánh lửa bằng bánh xe trong các dạng súng cổ. </s>
Khoáng vật này có mặt như là các tinh thể đẳng cực thường xuất hiện dưới dạng các khối lập phương. Các mặt của lập phương có thể có sọc (các đường song song trên mặt tinh thể hay mặt cát khai) do kết quả của sự xen kẽ các khối lập phương với các mặt diện pyrit. Pyrit cũng hay xuất hiện dưới dạng các tinh thể bát diện và dạng diện pyrit (hình thập nhị diện với các mặt ngũ giác). Nó có mặt gãy hơi không đều và concoit, độ cứng Mohs khoảng 6–6,5, tỷ trọng riêng khoảng 4,95–5,10. Nó giòn và có thể nhận dạng trên thực địa do có mùi đặc trưng để phân biệt, được giải phóng ra khi mẫu vật bị tán nhỏ. </s>
Pyrit thông thường được tìm thấy ở dạng gắn liền với các sulfua hay ôxít khác trong các mạch thạch anh, đá trầm tích, đá biến chất cũng như trong các tầng than, và trong vai trò của khoáng vật thay thế trong các hóa thạch. Mặc dù có tên hiệu là vàng của kẻ ngốc, nhưng một lượng nhỏ vàng đôi khi cũng được tìm thấy trong quặng chứa khoáng vật này. Vàng và asen xuất hiện như là sự thay thế đi kèm nhau trong cấu trúc pyrit. Tại khu trầm tích vàng ở Carlin, Nevada, pyrit asen chứa tới 0,37% theo trọng lượng là vàng. Pyrit chứa vàng là loại quặng vàng có giá trị. </s>
Pyrit bị lộ thiên ra ngoài không khí trong quá trình khai thác mỏ và khai quật sẽ phản ứng với ôxy và nước để tạo thành sulfat, gây ra sự thoát nước mỏ axít. Quá trình axít hóa này tạo ra từ phản ứng của vi khuẩn chi Acidithiobacillus, các dạng vi khuẩn tìm kiếm nguồn năng lượng của chúng bằng cách ôxi hóa các ion sắt II (Fe2+) thành các ion sắt III (Fe3+) với việc sử dụng ôxy như là tác nhân ôxi hóa. Các ion sắt III đến lượt mình lại tấn công pyrit để sinh ra ion sắt II và sulfat. Sắt hóa trị 2 lại được vi khuẩn sử dụng để tạo ra sắt hóa trị 3 và chu trình này tiếp diễn cho đến khi pyrit cạn kiệt. </s>
Pyrit thông thường hay bị nhầm lẫn với khoáng vật marcasit, mà tên gọi của nó có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập để chỉ pyrit, do các đặc trưng tương tự của chúng. Marcasit là dạng đa hình của pyrit, nghĩa là nó có cùng một công thức như pyrit nhưng khác về cấu trúc và vì thế khác biệt về hình dáng tinh thể và tính đối xứng. Tuy nhiên, trạng thái ôxi hóa hình thức là giống như trong pyrit do các nguyên tử lưu huỳnh xuất hiện trong các cặp tương tự như persulfua. Marcasit/pyrit có lẽ là cặp đa hình phổ biến bậc nhất chỉ sau cặp kim cương/graphit (than chì). Bề ngoài của marcasit có ánh bạc nhiều hơn một chút. </s>
Pyrit thông thường cũng được dùng trong nghề kim hoàn mỹ nghệ để làm các chuỗi hạt hay vòng đeo tay. Mặc dù là tương tự về thành phần, nhưng marcasit lại không thể sử dụng trong lĩnh vực này do nó có xu hướng bị vỡ vụn ra thành dạng bột. Bổ sung cho sự lộn xộn và nhầm lẫn giữa marcasit và pyrit là việc sử dụng từ Marcasit như là tên gọi thương phẩm cho đồ kim hoàn mỹ nghệ từ pyrit. Thuật ngữ này được áp dụng cho các viên đá nhỏ được đánh bóng và tạo mặt, được dát vào bạc thật (hay bạc sterling, chứa 92,5% bạc và 7,5% kim loại khác). Tuy các viên đá này được gọi là marcasit, nhưng trên thực tế chúng chính là pyrit. </s>
Từ khía cạnh của hóa vô cơ kinh điển, trong đó người ta gán các trạng thái ôxi hóa hình thức cho mỗi nguyên tử (hóa trị), thì pyrit có lẽ được miêu tả tốt nhất như là Fe2+S22-. Tính chất hình thức này công nhận rằng các nguyên tử lưu huỳnh trong pyrit xuất hiện thành cặp với các liên kết S-S rõ ràng. Các đơn vị persulfua này có thể được nhìn nhận như là có nguồn gốc từ persulfua hiđrô (H2S2). Vì thế pyrit có lẽ nên gọi mang tính miêu tả nhiều hơn là persulfua sắt chứ không phải disulfua sắt. Ngược lại, molypdenit (MoS2) có đặc trưng là các trung tâm sulfua (S2-) cô lập. Kết quả là, trạng thái ôxi hóa của molypden là Mo4+. Khoáng vật asenopyrit có công thức FeAsS. Trong khi pyrit có các tiểu đơn vị S-S thì asenopyrit có các tiểu đơn vị As-S, về mặt hình thức là có nguồn gốc từ sự khử proton của H2AsSH. Phân tích các trạng thái ôxi hóa kinh điển có thể khuyến cáo nên miêu tả asenopyrit như là Fe3+AsS3-. </s>
Quảng Châu (chữ Hán giản thể: 广州, phồn thể: 廣州, pinyin: Guǎngzhōu, Wade-Giles: Kuang-chou, việt phanh: Gwong2zau1, Yale: Gwóngjaū) là thủ phủ và là thành phố đông dân nhất của tỉnh Quảng Đông ở miền Nam Trung Quốc. Nằm trên sông Châu Giang, thành phố cách Hồng Kông 120 km (75 dặm) về phía Tây Bắc và cách Ma Cao 145 km (90 dặm) về phía Bắc. Quảng Châu có lịch sử hơn 2.200 năm và là một điểm cuối chính của con đường tơ lụa hàng hải và tiếp tục là cảng và trung tâm vận tải chính ngày nay, đây là một trong ba thành phố lớn nhất của Trung Quốc. </s>
Quảng Châu nằm ở trung tâm của khu đô thị được xây dựng có số dân đông nhất ở Trung Hoa đại lục, một khu vực mở rộng đến các thành phố Phật Sơn, Đông Quan và Thâm Quyến láng giềng, tạo thành một trong những vùng đô thị lớn nhất hành tinh. Về mặt hành chính, thành phố là thủ phủ của tỉnh, và là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc. Vào năm 2015 khu vực hành chính của thành phố được ước tính có dân số 13.501.100. Quảng Châu được xếp hạng là một thành phố toàn cầu. Trong những năm gần đây, số lượng người nhập cư từ Đông Nam Á, Trung Đông, Đông Âu, và đặc biệt là từ châu Phi đã tăng lên nhanh chóng. Điều này đã dẫn tới nó được đặt tên là "Thủ đô của thế giới thứ ba". Dân số di cư từ các tỉnh khác của Trung Quốc ở Quảng Châu là 40% tổng dân số của thành phố trong năm 2008. Cùng với Thượng Hải, Bắc Kinh và Thâm Quyến, Quảng Châu là một trong những thị trường bất động sản đắt nhất ở Trung Quốc. </s>
Quảng Châu có một lịch sử hai thế kỷ liên quan đến tầm quan trọng của nó đối với thương mại nước ngoài. Là cảng Trung Quốc duy nhất có thể tiếp cận được với hầu hết các thương nhân nước ngoài, thành phố này đã rơi vào tay người Anh trong chiến tranh nha phiến lần thứ nhất. Không còn hưởng thụ độc quyền sau chiến tranh, nó đã mất thương mại với các cảng khác như Hồng Kông (gần) và Thượng Hải, nhưng vẫn tiếp tục phục vụ như một trung tâm thương mại quan trọng. Trong thương mại hiện đại, Quảng Châu nổi tiếng với Hội chợ Hàng Châu hàng năm, hội chợ thương mại lâu đời và lớn nhất ở Trung Quốc. Trong ba năm liên tiếp 2013-2015, tạp chí Forbes xếp hạng Quảng Châu là thành phố thương mại tốt nhất Trung Quốc. </s>
Vị trí hiện nay của thành phố được sử dụng ở bờ phía đông của con sông Châu Giang vào năm 214 trước công nguyên để làm căn cứ cho cuộc xâm lược không thành công đầu tiên của nhà Tần ở vùng đất Bạch Vân, miền nam Trung Quốc. Một số ý kiến cho rằng thành phố đầu tiên được xây dựng trên địa điểm nơi Quảng Châu hiện diện ngày nay là Phiên Ngung (番禺). Các sử sách thời xưa cho biết những người lính canh gác ở Phiên Ngung rất cảnh giác rằng họ đã không tháo áo giáp trong ba năm. Sau khi triều Tần bị lật đổ, năm 207 trước Công nguyên, tướng nhà Tần là Triệu Đà thành lập vương quốc Nam Việt của riêng mình và đóng đô ở Phiên Ngung năm 204 trước Công nguyên. Nó vẫn độc lập trong giai đoạn chiến tranh Hán-Sở, mặc dù Triệu đã đàm phán công nhận sự độc lập của mình để đổi lấy danh nghĩa danh giá của ông trước nhà Hán vào năm 196 TCN. Các bằng chứng khảo cổ cho thấy Phiên Ngung là một trung tâm thương mại mở rộng: ngoài những vật phẩm từ miền Trung Trung Quốc, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy những thân cây có nguồn gốc từ Đông Nam Á, Ấn Độ và thậm chí ở Châu Phi. Triệu Đà được kế vị bởi Triệu Văn Vương và Triệu Minh Vương. Sau cái chết của Văn Vương vào năm 115 TCN, cậu con trai Triệu Ai Vương của ông được đặt tên là người kế nhiệm ông vì vi phạm nguyên tắc chủ đạo của người Trung Quốc. Vào năm 113 trước công nguyên, mẹ ông, Hoàng thái hậu 樛 Jiu (樛) đã nghe theo lời dụ của sứ thần nhà Hán khi đồng ý sẽ nộp Phiên Ngung cho nhà Hán. Thừa tướng Lữ Gia (呂嘉) đưa ra một cuộc đảo chính, giết chết bà và các sứ nhà Hán cùng với nhà vua, và những người ủng hộ bà ta. Để trả thù cũng như muốn thôn tính Nam Việt, vua Hán Vũ đế phát động một cuộc xâm lăng lớn trên sông và biển, giao cho Lộ Bác Đức chỉ huy và thôn tính thành công Nam Việt vào năm 111 TCN. </s>
Được sáp nhập vào lãnh thổ triều Hán, Phiên Ngung trở thành thủ phủ của tỉnh. Năm 226, nó đã trở thành trụ sở của tỉnh Quảng Đông, cái tên Quảng Châu vốn là tên châu, tên tỉnh, người dân quen với việc gọi tên thành phố theo tên tỉnh trong một khoảng thời gian dài khiến cho cái tên Phiên Ngung dần bị lãng quên. Trong thời Ngũ Đại Thập Quốc, viên thống đốc thời nhà Hậu Lương là Lưu Nghiễm đã sử dụng căn cứ của ông tại Phiên Ngung để thành lập đế chế "Đại Hán" hay "Nam Hán", kéo dài từ năm 917 đến 971. Khu vực đạt được thành công đáng kể về văn hoá và kinh tế trong giai đoạn này. Từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 12, có nhiều ghi nhận rằng các cộng đồng nước ngoài lớn không chỉ là đàn ông, mà còn bao gồm cả "phụ nữ Ba Tư". Quảng Châu được du khách người Ma rốc Ibn Battuta đến thăm trong suốt thế kỳ 14, ông đã mô tả chi tiết quá trình mà Trung Quốc xây dựng các tàu lớn của họ trong các xưởng đóng tàu của cảng. </s>
Thời nhà Minh, Minh Thái Tổ đã đảo ngược sự ủng hộ trước đó của ông đối với thương mại nước ngoài và áp đặt lệnh đầu tiên của một loạt lệnh cấm biển (haijin). Những điều cấm buôn bán nước ngoài tư nhân khi bị tử hình vì buôn bán và lưu vong cho gia đình và hàng xóm của mình. Các kế hoạch hàng hải thời nhà Nguyên của Quảng Châu, Tuyền Châu và Ninh Ba đã được đóng cửa vào năm 1384 và thương mại hợp pháp đã trở nên giới hạn đối với các phái đoàn cống gửi cho hoặc bởi các đại diện chính thức của các chính phủ nước ngoài. Các chính sách đã làm trầm trọng thêm các cuộc tấn công cướp biển "Nhật Bản" (các cuộc tấn công nanobu) trong khu vực cho đến khi chúng được dỡ bỏ vào năm 1567. </s>
Nhà Thanh trở nên cởi mở hơn đối với thương mại nước ngoài sau khi giành quyền kiểm soát Đài Loan vào năm 1683. Người Bồ Đào Nha từ Ma Cao và Tây Ban Nha từ Manila trở lại, cũng như các thương nhân tư nhân Hồi giáo, Armenian và Anh. Năm 1711, Công ty Đông Ấn của Đế quốc Anh thiết lập trạm giao dịch ở thành phố khởi đầu cho sự có mặt của những người châu Âu. Triều đình vua Càn Long buộc những thương nhân nước ngoài phải dồn vào một quận riêng, việc này dẫn đến nhiều biến động cho số phận thành phố về sau. Từ năm 1699 đến năm 1714, các công ty Đông Ấn của Pháp và Anh đã gửi một chiếc tàu mỗi năm hai lần, Tổng công ty Áo Ostend của Áo đến năm 1717, Công ty Đông Ấn Hà Lan năm 1729, Công ty Asiatic Đan Mạch vào năm 1731, và Công ty Đông Ấn Thụy Điển vào năm tới. Những chiếc tàu này được kết hợp bởi tàu Thổ hay Trieste. Chiếc tàu độc lập đầu tiên của Hoa Kỳ đã đến năm 1784 và chiếc đầu tiên của Úc vào năm 1788. Lúc đó, Quảng Châu là một trong những cảng lớn của thế giới, được tổ chức theo hệ thống Canton. Xuất khẩu chính là chè và đồ sứ. Là nơi gặp gỡ của các thương gia từ khắp nơi trên thế giới, Quảng Châu đã trở thành một phần đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu hiện đại. </s>
Trong thế kỷ 19, hầu hết các tòa nhà của thành phố vẫn chỉ có một hoặc hai tầng. Các cấu trúc chính là Tháp đồng bằng của Nhà thờ Hồi giáo Huaisheng, Chùa Hoa chùa của Sáu cây Banyan, và tháp canh được gọi là chùa 5 tầng. Các ngọn đồi phía bắc, kể từ khi thành thị, đã được trần truồng và phủ đầy các ngôi mộ truyền thống. Các bức tường thành phố gạch là khoảng 6 dặm (10 km) trong chu vi, 25 feet (8 m) cao, và 20 feet (6 m) rộng. Tám cổng chính và hai cổng nước đều giữ các vệ sĩ trong ngày và đóng cửa vào ban đêm. Bức tường bao gồm một ngọn đồi ở phía bắc của nó và được bao quanh bởi ba con khác bởi một con hào, cùng với các kênh rạch, hoạt động như cống của thành phố, được đóng băng hàng ngày bằng dòng thủy triều của sông. Một bức tường phân chia với bốn cửa chia thành "thị trấn cổ" phía bắc từ "thị trấn mới" phía nam gần sông; vùng ngoại ô của Xiguan ("West Gate") lây lan ra ngoài và những chiếc thuyền của ngư dân, người buôn bán, và Tanka ("thuyền nhân") gần như hoàn toàn che dấu bờ sông khoảng 4 dặm (6 km). Việc nhà cửa phải đối mặt với đường phố và đối xử với sân của họ như một loại kho hàng là điều phổ biến. Thành phố này là một phần của một mạng lưới các tháp tín hiệu rất hiệu quả những thông điệp có thể được chuyển tiếp đến Bắc Kinh-khoảng 1.200 dặm (1.931 km), trong vòng chưa đầy 24 tiếng đồng hồ. Hệ thống Canton được duy trì cho đến khi cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ nhất nổ ra ở Canton đã diễn ra hai tháng sau đó. Sau Hiệp ước Nam Kinh 1842, Quảng Châu trở thành "nhượng cảng", cùng với Ninh Ba, Hạ Môn, Phúc Châu và Thượng Hải phải mở cửa cho thương nhân phương Tây tự do giao dịch. Quảng Châu bị mất vị thế thương mại đặc quyền vì các cảng hiệp ước ngày càng mở rộng ra nhiều nước hơn nữa, thường là các khu vực ngoại vi. Trong sự suy giảm uy tín của nhà Thanh và sự hỗn loạn của Cuộc nổi dậy ở Taiping, Punti và Hakka đã tiến hành một loạt các cuộc chiến tranh gia tộc từ năm 1855 đến năm 1867, trong đó có 1 triệu người chết </s>
Morgan đã được trao hàng triệu thiệt hại và tuyến đường đến Vũ Xương đã không hoàn thành cho đến năm 1936 và một tuyến đường sắt Bắc Kinh - Quảng Châu thống nhất chờ cho đến khi hoàn thành cầu sông Dương Tử ở Vũ Hán năm 1957. </s>