text
stringlengths
59
2.13k
Đạo luật Quyền Tối thượng năm 1559 buộc tất cả viên chức công phải chấp nhận quyền kiểm soát của nhà vua trên giáo hội. Nhiều Giám mục từ chối ủng hộ lập trường của Elizabeth bị bãi chức và được thay thế bởi những chức sắc ủng hộ Nữ vương. Bà bổ nhiệm Hội đồng Tư vấn mới, không còn có sự hiện diện của các thành viên Công giáo. Dưới triều Elizabeth, tình trạng chia rẽ và tranh chấp do bè phái giảm thiểu đáng kể. Cố vấn trưởng của Nữ vương, Sir William Cecil, đảm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao, và Sir Nicholas Bacon làm Quan Chưởng ấn. </s>
Ngay từ lúc mới lên ngôi, chuyện hôn nhân của Nữ vương là vấn đề được mọi người quan tâm. Trong thực tế, Elizabeth chưa bao giờ kết hôn mà không ai biết rõ nguyên nhân. Nữ vương cũng từng tính đến việc chọn người phối ngẫu, trong đó có François, Công tước xứ Anjou. Tuy vậy, Elizabeth không thấy cần có một người đàn ông giúp đỡ để trị nước, và một cuộc hôn nhân có thể khiến Nữ vương vướng vào nguy cơ bị ngoại bang can thiệp vào nội tình nước Anh, như trường hợp của Mary. Mặt khác, hôn nhân có thể cho Nữ vương cơ hội có con nối dõi. </s>
Nhiều người muốn kết hôn với Elizabeth, nhưng Nữ vương chỉ xem xét ba hoặc bốn trường hợp. Người bạn từ thuở thiếu thời, Robert Dudley, có lẽ là người có nhiều cơ may nhất. Nhưng Dudley đã kết hôn và William Cecil, cố vấn thân tín nhất của Elizabeth, phản đối mối quan hệ này. Năm 1560, cái chết không rõ nguyên nhân của Amy Robstart, vợ của Dudley, đã gây ra nhiều lời đồn đoán. Cuối cùng Nữ vương đặt bổn phận cao hơn tình cảm, phong Dudley làm Bá tước xứ Leicester và bổ nhiệm ông vào Hội đồng Cơ mật, hai người vẫn duy trì tình bạn lâu dài. </s>
Sau Dudley, Elizabeth xem hôn nhân như là một phần trong chính sách đối ngoại, xem đây là nghĩa vụ hơn là tình cảm cá nhân. Quốc hội nhiều lần khẩn khoản Nữ vương kết hôn, nhưng bà cứ lẩn tránh. Khi Elizabeth mắc bệnh đậu mùa trong năm 1563, Quốc hội khẩn nài Nữ vương kết hôn hoặc chỉ định người kế nhiệm nhằm tránh một cuộc nội chiến có thể xảy ra khi bà băng hà, nhưng bị từ chối. Năm 1570, khi các nhân vật chủ chốt trong triều nhận biết Nữ vương không chịu kết hôn, cũng không chỉ định người kế nhiệm, William Cecil ra sức tìm kiếm giải pháp cho vấn đề thừa kế. Nhưng chính sự im lặng của Elizabeth đã củng cố sự an toàn chính trị cho bà: Nữ vương biết rằng nếu chỉ định người thừa kế có thể xảy ra một cuộc đảo chính. Trong khi đó, tình trạng độc thân của Elizabeth dấy lên trong dân chúng lòng sùng bái dành cho một Nữ vương đồng trinh. Trong thi ca cũng như trong hội họa, Nữ vương được miêu tả như là một nữ thần, không phải một phụ nữ bình thường. </s>
Chính sách đối ngoại của Elizabeth chủ yếu là phòng thủ, với một ngoại lệ là cuộc chiếm đóng Le Havre kéo dài từ tháng 10 năm 1562 đến tháng 6 năm 1563, khi phe Huguenot đồng minh với Elizabeth liên kết với phe Công giáo Pháp tái chiếm bến cảng này. Elizabeth định ý trao đổi Le Havre để lấy Calais mà người Pháp đã chiếm lại vào tháng 1 năm 1558. Năm 1560, bà gởi quân đến Scotland để ngăn cản ý định của người Pháp sử dụng đất nước này như một hậu cứ để tấn công nước Anh. Năm 1585, Elizabeth ký Hiệp ước Nonsuch với Hà Lan nhằm ngăn chặn hiểm họa từ Tây Ban Nha. Dựa vào sức mạnh của các hạm đội Anh Quốc mà Elizabeth có thể theo đuổi chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn. Khi tranh chấp với Tây Ban Nha, 80% cuộc chiến diễn ra trên mặt biển. Nữ vương phong tước cho Francis Drake sau chuyến thám hiểm vòng quanh thế giới từ năm 1577 đến 1580, và sau những cuộc đột kích của ông nhắm vào những hải cảng và hạm đội của Tây Ban Nha. Triều đại của bà cũng chứng kiến việc thành lập những đồn điền đầu tiên trên những vùng đất mới ở châu Mỹ, và khu thuộc địa Virginia được đặt tên để vinh danh Nữ vương. Dù vậy, những vụ cướp biển và những vụ làm ăn bất chính của những tay phiêu lưu trên biển vẫn diễn ra ngoài vòng kiểm soát của triều đình. </s>
Elizabeth có một đối thủ nguy hiểm là một người em họ, một giáo dân Công giáo, Mary Stuart, Nữ vương Scotland và là vợ của Vua nước Pháp, François II. Năm 1559, với sự ủng hộ của nước Pháp, Mary tuyên bố là Nữ vương Anh. Chính sách ban đầu của Elizabeth đối với Scotland là chống lại sự hiện diện của người Pháp ở đây do lo ngại âm mưu của người Pháp xâm lăng nước Anh và đặt Mary, Nữ vương Scotland lên ngai báu Anh Quốc. Elizabeth gởi quân đến Scotland hỗ trợ những người Kháng Cách chống đối. Tháng 7 năm 1560, Hiệp ước Edinburgh được ký kết giúp giải tỏa mối đe dọa của người Pháp từ phía bắc. Năm 1561, khi Mary quay trở lại Scotland để cầm quyền thì giáo hội Kháng Cách đã có vị trí vững chắc ở đây, và đất nước được cai trị bởi một hội đồng các nhà quý tộc Kháng Cách được Elizabeth hậu thuẫn. Mary từ chối phê chuẩn hiệp ước. </s>
Năm 1565, Mary kết hôn với Huân tước Darnley, người tuyên bố quyền kế thừa ngai vàng nước Anh. Tuy vậy, cuộc hôn nhân là điểm khởi đầu một chuỗi những sai lầm khiến Mary mất quyền kiểm soát vào tay những người Kháng Cách Scotland và Elizabeth. Darnley bị mất lòng dân và mang tiếng xấu khi xử lý vụ án mạng David Rizzio, một thư ký người Ý của Mary. Tháng 2 năm 1567, Darnley bị James Hepburn, Bá tước xứ Bothwell giết chết. Tháng 5 năm 1657, Mary kết hôn với Bothwell, dấy lên những nghi ngờ cho rằng Nữ vương đồng mưu giết chồng. </s>
Năm 1569, những người chủ mưu vụ Nổi dậy ở phương Bắc âm mưu giải thoát Mary và lập kế hoạch cho bà kết hôn với Thomas Howard, Công tước xứ Norfork. Elizabeth cho bắt giam Howard. Năm 1570, xảy ra vụ mưu phản do Ridolfi cầm đầu nhằm ám sát Elizabeth để tôn Mary lên ngôi. Đến năm 1586 xảy ra vụ mưu phản Babington. Lúc đầu, Elizabeth chống lại chủ trương xử tử hình Mary, nhưng đến cuối năm Nữ vương chịu nhượng bộ trước áp lực của triều thần. Ngày 8 tháng 2 năm 1587, Mary bị chém đầu tại Lâu đài Fotheringhay, Northamptonshire. </s>
Sau những thất bại thảm hại trong vụ Le Havre từ năm 1562-1563, Elizabeth chống lại việc mở các cuộc viễn chinh nhắm vào lục địa Âu châu mãi cho đến năm 1585, khi Nữ vương cử một đạo quân đến hỗ trợ lực lượng phiến quân Kháng Cách tại Hà Lan đang chống lại vua Tây Ban Nha Felipe II. Sau khi những đồng minh của Elizabeth, Hoàng thân Guillaume I của Orange-Nassau, và François (Công tước Anjou) từ trần, và một loạt các thị trấn Hà Lan chịu thần phục Alexander Farnese Công tước xứ Parma, Thống đốc Hà Lan thuộc Tây Ban Nha. Tháng 12 năm 1584, liên minh giữa Felipe II và Liên đoàn Công giáo Pháp tại Joinville làm xói mòn sức mạnh của Henri III của Pháp, em của Anjou, trong nỗ lực chống lại quyền thống trị của Tây Ban Nha tại Hà Lan. Nó cũng mở rộng ảnh hưởng của Tây Ban Nha dọc theo Eo biển Manche trên đất Pháp và trở thành mối đe dọa đối với nước Anh. Tháng 8 năm 1585, Anh và Hà Lan phản ứng bằng cách ký kết Hiệp ước Nonsuch, theo đó Elizabeth cam kết hỗ trợ quân sự cho Hà Lan. Hiệp ước này đánh dấu sự bùng nổ Chiến tranh Anh-Tây Ban Nha, kéo dài đến năm 1604 khi Hiệp ước Luân Đôn được ký kết. </s>
Ngày 12 tháng 7 năm 1588, Armada Tây Ban Nha, hạm đội lừng danh và là sức mạnh thống trị trên mặt biển của Đế quốc Tây Ban Nha, giong buồm đến eo biển, chuẩn bị cho cuộc xâm lăng trong kế hoạch phối hợp với đạo quân tinh nhuệ của Công tước xứ Parma, từ Hà Lan tiến đánh vào bờ biển đông nam nước Anh. Nhờ thời tiết thuận lợi, với các tàu chiến nhỏ nhưng cơ động, cùng những tin tức tình báo gởi đi từ Hà Lan, hải quân Anh chuẩn bị sẵn sàng đối đầu Armada Tây Ban Nha với các tàu chiến lớn và trang bị hỏa lực mạnh. Do tính toán sai, thiếu may mắn và bị những con tàu lửa (những chiếc thuyền chất đầy vật liệu bắt lửa, phóng hỏa và lao vào hạm đội địch) của Anh tấn công. Mặt khác, vào ngày 1 tháng 8, các tàu chiến của Tây Ban Nha cắm neo trong hải cảng Graville bị đánh bạt lên phía đông bắc, Armada bị đánh bại. Hạm đội bị đánh tan tác quay về Tây Ban Nha sau khi gánh chịu những thiệt hại nặng nề gây ra bởi những cơn bão dữ trên biển Ireland. </s>
Khi thoát nạn ngoại xâm, cả nước vui mừng. Buổi lễ Tạ ơn ở Đại giáo đường Thánh Phao-lô được tổ chức long trọng không kém lễ đăng quang. Việc đánh bại hạm đội lừng danh của Tây Ban Nha là một chiến thắng vang dội, cho Elizabeth và cho những người Kháng Cách tại Anh. Người dân Anh xem sự kiện này như là dấu chỉ về sự phù trợ của Thiên Chúa, và về sự bất khả xâm phạm của vương quốc dưới quyền cai trị của một Nữ vương đồng trinh. Tuy nhiên, chiến thắng này không thay đổi toàn cục cuộc chiến. Chiến tranh vẫn tiếp diễn, Tây Ban Nha tiếp tục kiểm soát Hà Lan, và hiểm họa xâm lăng vẫn còn đó. </s>
Khi Henri IV, một tín hữu Kháng Cách, lên ngôi báu năm 1589, Elizabeth điều quân đến hỗ trợ tân vương. Quyền kế thừa của Henri bị thách thức bởi Liên minh Công giáo và Felipe II, do đó Elizabeth e rằng Tây Ban Nha sẽ chiếm đóng các hải cảng dọc eo biển, song các chiến dịch của Anh tiến hành trên đất Pháp lại tổ chức kém và thiếu hiệu quả. Huân tước Willoughby, hầu như chẳng quan tâm đến các mệnh lệnh của Nữ vương, xua 4.000 quân lên phương bắc mà chẳng thu được kết quả nào. Tháng 12 năm 1589, quân Anh phải triệt thoái trong hỗn loạn, thiệt hại một nửa quân số. Năm 1591, John Norreys dẫn 3.000 quân tiến đến Bretagne để chuốc lấy thất bại thảm hại. </s>
Trong các cuộc viễn chinh, Elizabeth không muốn đáp ứng yêu cầu của các tư lệnh mặt trận khi họ cần thêm quân dụng và viện binh. Norreys phải đích thân về Luân Đôn để cầu viện, khi ấy quân đội của Liên minh Công giáo tiến đến tàn sát binh lính của ông tại Craon, phía tây bắc nước Pháp, vào tháng 5 năm 1591. Tháng 7, Elizabeth gởi một đạo quân khác dưới quyền chỉ huy của Robert Devereux, Bá tước xứ Essex, đến giúp Henri IV vây hãm thành Rouen. Lại thêm một thất bại: Devereux chẳng làm được gì và phải trở về vào tháng 1 năm 1592. Thông thường, Elizabeth không kiểm soát được các tư lệnh một khi họ đem quân ra nước ngoài. "Ông ta ở đâu, làm gì, hoặc sẽ làm gì, trẫm không hề hay biết." Elizabeth viết như thế về Devereux. </s>
Mặc dù Ireland là một trong hai vương quốc của Elizabeth, bà phải đối diện với sự thù nghịch ở đây – trong những khu vực được dành cho quyền tự trị - ở đó cư dân Công giáo ủng hộ kẻ thù của Nữ vương. Chính sách của Elizabeth là ban đất cho các cận thần và ngăn chặn những người chống đối thiết lập hậu cứ cho Tây Ban Nha tấn công nước Anh. Để đáp trả các cuộc nổi dậy liên tiếp, quân Anh áp dụng chiến thuật đốt phá và tàn sát đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Năm 1582, trong cuộc nổi dậy ở Munster của Gerald FitzGerald, Bá tước xứ Desmond, ước tính có khoảng 30.000 người Ireland bị bỏ đói cho đến chết. </s>
Từ năm 1594 đến 1603 là giai đoạn khó khăn nhất khi xảy ra cuộc nổi dậy gọi là Loạn Tyrone, hay Cuộc chiến Chín năm do Hugh O’Neill, Bá tước xứ Tyrone lãnh đạo với sự hậu thuẫn của Tây Ban Nha. Mùa xuân năm 1599, Elizabeth sai Robert Devereux, Bá tước xứ Essex, đến dẹp loạn, nhưng ông này không làm được gì mà còn tự ý bỏ về. Charles Blount, Huân tước Mountjoy, được cử đến thay thế Devereux, phải mất ba năm mới đánh bại quân phiến loạn. Năm 1603, O’Neill chịu đầu hàng, chỉ ít ngày sau khi Elizabeth qua đời. </s>
Hình ảnh của Elizabeth thay đổi theo tuổi tác và khi cuộc sống độc thân được khẳng định. Nữ vương được miêu tả như là Belphoebe hay Astraea, sau chiến thắng Armada, là Gloriana, còn trong thi ca của Edmund Spencer, là Faerie Queene, Nữ vương muôn đời tươi trẻ. Các bức họa chân dung của Nữ vương ngày càng trở nên siêu thực và Nữ vương trở thành một hình tượng bí ẩn trông trẻ trung hơn thực tế rất nhiều. Trong thực tế, da mặt Nữ vương bị rỗ hoa do mắc bệnh đậu mùa năm 1562, bà bị hói đầu nên phụ thuộc vào tóc giả và mỹ phẩm. </s>
Giai đoạn sau chiến thắng Armada năm 1588 là những năm khó khăn kéo dài cho đến lúc kết thúc triều đại Elizabeth. Tranh chấp với Tây Ban Nha và Ireland cứ dai dẳng, gánh nặng thuế má càng nặng hơn, thêm vào đó là thất mùa và chi phí chiến tranh. Vật giá càng leo thang mức sống càng xuống thấp. Trong khi đó, các biện pháp trấn áp người Công giáo được tăng cường, đến năm 1591, Elizabeth cho phép thẩm vấn và lục soát nhà ở người Công giáo. Elizabeth ngày càng phụ thuộc vào các phương tiện tuyên truyền để nuôi dưỡng trong dân chúng ảo tưởng về một đất nước an bình và thịnh vượng. Trong những năm cuối, sự chỉ trích gia tăng phản ánh sự bất bình của thần dân đối với Nữ vương. </s>
Tuy nhiên, đây chính là thời kỳ hoàng kim của văn học Anh. Những dấu hiệu đầu tiên của phong trào văn học mới khởi phát vào cuối thập niên thứ hai của triều đại Elizabeth với "Euphues" của John Lyly, và "The Shepheardes Calender" của Edmund Spencer trong năm 1578. Trong thập niên 1590, một số trong những tài năng lớn nhất của nền văn học Anh đến độ chín mùi, trong đó có William Shakespeare và Christopher Marlowe. Cùng với thời kỳ Jacobe kế tiếp, nền kịch nghệ Anh đạt đến đỉnh điểm của mình. Khái niệm về thời đại Elizabeth huy hoàng được xây dựng bởi những tên tuổi trong các lãnh vực kiến trúc, kịch nghệ, thi ca và âm nhạc. </s>
Ngày 4 tháng 8 năm 1598, cố vấn thân cận nhất của Elizabeth, Nam tước Burghley, từ trần. Con trai của ông, Robert Cecil, được chọn làm người thay thế, sau đó trở thành người lãnh đạo chính phủ. Một trong những nhiệm vụ của Cecil là chuẩn bị cho một tiến trình chuyển giao quyền lực êm thắm. Do Elizabeth không công khai chọn người kế nhiệm nên Cecil phải làm việc trong bí mật. Cecil thương thảo riêng với vua James VI của Scotland, người thừa kế hợp pháp nhưng không được công nhận. Theo lời khuyên của Cecil, James cố làm Elizabeth khuây khỏa và "chiếm được cảm tình của bậc chí tôn". Theo sử gia J. E. Neale, dù không công khai tuyên bố truyền ngôi cho James, quần thần đều biết ý định này của Nữ vương. </s>
Sức khỏe của Elizabeth vẫn tốt cho đến mùa thu năm 1602, một loạt những cái chết của bạn hữu khiến Nữ vương rơi vào tình trạng trầm cảm nghiêm trọng. Tháng 2 năm 1603, cô em họ cũng là người bạn thân tín, Catherine Carey, Nữ Công tước xứ Nottingham, qua đời; đây là cú sốc đối với Nữ vương. Tháng 3, Elizabeth ngã bệnh và vùi mình trong "nỗi sầu khổ khôn nguôi". Elizabeth mất ngày 24 tháng 3 năm 1603 tại Lâu đài Richmond, khoảng giữa hai giờ và ba giờ sáng. Vài giờ sau, Cecil và hội đồng công bố James Stuart của Scotland trở thành vua James I của Anh. </s>
Dù than khóc tiếc thương, dân chúng cảm thấy nhẹ nhõm khi Nữ vương qua đời. Sự xuất hiện một thế hệ lãnh đạo mới mang đến những tín hiệu tốt ban đầu với nỗ lực kết thúc cuộc chiến chống Tây Ban Nha năm 1604 và cắt giảm thuế. Mãi cho đến năm 1612 khi Robert Cecil qua đời, chính sách của triều đình không có nhiều thay đổi so với trước đây. Tuy vậy, triều đại James I không được lòng dân khi nhà vua giao trọng trách cho những người thân tín; đến thập niên 1620, dân chúng bắt đầu nhớ về Elizabeth với sự tiếc nuối. Nữ vương được tôn vinh như là một nữ anh hùng đấu tranh cho chính nghĩa Kháng Cách và là nhà lãnh đạo một thời kỳ hoàng kim, trong khi họ xem James là người ủng hộ Công giáo, dưới tay là đám triều thần thối nát. Trong những năm cuối đời, hình ảnh huy hoàng của Elizabeth được tô điểm rực rỡ hơn, những khó khăn kinh tế, quân sự và tình trạng phân hóa được xem là những vấn nạn nhất thời và thanh danh của Nữ vương càng lên cao. Triều đại Elizabeth được lý tưởng hóa để trở thành một thời kỳ mà hoàng gia, giáo hội và quốc hội hoạt động hài hòa trong sự cân bằng quyền lực được quy định bởi hiến pháp. </s>
Hình tượng của Elizabeth được miêu tả bởi những người Kháng Cách ngưỡng mộ bà từ thế kỷ XVII gây nhiều ảnh hưởng và có giá trị lâu dài. Ký ức về Nữ vương trở nên sống động khi xảy ra chiến tranh chống Napoleon, lúc ấy nước Anh đang cận kề họa ngoại xâm. Trong thời kỳ Victoria, huyền thoại Elizabeth hội nhập dễ dàng vào ý thức hệ của đế chế. Đến giữa thế kỷ XX, Elizabeth trở nên biểu tượng lãng mạn cho tinh thần dân tộc chống lại hiểm họa ngoại bang. Các sử gia trong giai đoạn này như J. E. Neale (1934), và A. L. Rowse (1950) xem triều đại Elizabeth là thời kỳ hoàng kim của sự tiến bộ. </s>
Tuy nhiên, các sử gia hiện đại có quan điểm nghiêm khắc hơn về Elizabeth. Sự kiện nổi bật nhất trong thời trị vì của bà là chiến tích đánh bại Armada, và những cuộc tập kích nhắm vào người Tây Ban Nha như vụ Cádiz trong năm 1578 và 1596, song một số sử gia cũng chỉ ra những thất bại quân sự trên bờ cũng như trên mặt biển như vụ "Island voyage" năm 1597. Cung cách Elizabeth giải quyết các vấn đề ở Ireland là một vết ố trên bảng thành tích của bà. Do thiếu quyết đoán trong chính sách đối ngoại, khó có thể xem Elizabeth là một quân vương dũng cảm đứng ra bảo vệ các quốc gia Kháng Cách chống lại Tây Ban Nha và nhà Habsburg. Thường khi Nữ vương chỉ cung ứng sự trợ giúp tối thiểu cho các lân bang Kháng Cách, và không chịu cấp tiền đầy đủ cho các tướng lĩnh hầu có thể thay đổi tình hình ở hải ngoại. </s>
Việc Elizabeth thiết lập giáo hội Anh đã giúp định hình bản sắc dân tộc cho nước Anh cho đến ngày nay. Song, những người tôn vinh bà như là người anh hùng của chính nghĩa Kháng Cách đã bỏ qua sự kiện Nữ vương từ chối bác bỏ tất cả nghi thức Công giáo. Các sử gia cũng ghi nhận rằng lúc ấy các tín hữu Kháng Cách sùng tín xem Đạo luật Settlement and Uniformity năm 1559 của Nữ vương là một sự thỏa hiệp. Thật vậy, Elizabeth xem đức tin là một vấn đề cá nhân, và không muốn, theo cách nói của Francis Bacon, "thâm nhập vào lòng và tư tưởng thầm kín của người khác". </s>
Dù chủ trương phòng thủ trong chính sách ngoại giao, triều đại Elizabeth chứng kiến sự thăng tiến vượt bậc của nước Anh trên trường quốc tế. Giáo hoàng Xíttô V nhận xét về bà với sự kinh ngạc, "[Elizabeth] chỉ là một phụ nữ, bà chủ trên một nửa hòn đảo, nhưng đã làm Tây Ban Nha, Pháp, [Thánh chế La Mã], và mọi người khiếp sợ". Trong thời trị vì của Nữ vương, nước Anh giành được lòng tự tin và quyền tự quyết trong khi cả thế giới Cơ Đốc giáo đang bị phân hóa. Elizabeth là người đầu tiên trong dòng họ Tudor thừa nhận rằng một quân vương chỉ có thể cai trị đất nước với sự đồng thuận của người dân. Do đó, Nữ vương luôn hợp tác với quốc hội và các cố vấn là những người bà tin là dám nói lên sự thật – nghệ thuật trị nước mà những quân vương thuộc dòng họ Stuart đã không chịu học hỏi. Trong khi một số sử gia cho rằng bà là người may mắn, Elizabeth tin rằng bà được Thiên Chúa phù trợ. Tự hào là một người Anh, Nữ vương tin rằng Thiên Chúa, những lời khuyên chân tình, và tình yêu thần dân dành cho bà là những nhân tố xây đắp sự thành công của triều đại Elizabeth. </s>
Niue là một đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương, thường được biết đến như " Đảo đá Polynesia", và cư dân bản địa trên đảo gọi tắt là "Đảo đá". Niue cách 2.400 km về phía đông bắc New Zealand, trong một tam giác giữa Tonga ở phía tây nam, Samoa ở phía tây bắc và Quần đảo Cook ở đông nam. Diện tích đảo là 260 km² với khoảng 1400 cư dân chủ yếu là người Polynesia. Trong sự tự trị, Niue có liên kết tự do với New Zealand, và có chủ quyền không đầy đủ. Nữ hoàng Elizabeth II là Nguyên thủ Quốc gia của Niue. Hầu hết quan hệ ngoại giao chịu sự quản lý của New Zealand, nước đại diện cho Niue. Năm 2003, Niue là "quốc gia WiFi" đầu tiên trên thế giới. </s>
Niue là một hòn đảo rộng 269 km² ở Nam Thái Bình Dương, phía đông của Tonga. Tọa độ 19°03′48″S 169°52′11″W Niue là một trong những hòn đảo san hô lớn nhất. Địa hình có các vách đá vôi dốc đứng dọc theo bờ biển trong khi cao nguyên trung tâm cao 60m so với mực nước biển. Các vỉa san hô ngầm bao quanh đảo ngoại trừ một nơi ở chính giữa phía tây đảo, gầm thủ đô Alofi. Điểm đặc trưng nữa là một số hang động đá vôi được phát hiện ở gần bờ biển Hòn đảo có hình bầu dục với đường kính khoảng 18 km, có hai vịnh lớn ở bờ biển phía tây, Vịnh Alofi ở hướng chính tây và Vịnh Avatebe ở tây nam. Giữa hai vịnh là Mũi Halagigie. Đa số dân chúng sinh sống gần bờ biển phía tây, bao quanh thủ đô và phía tây bắc. Đất trên đảo có nhiều phosphate, nhưng không thể trồng trọt được. Chênh lệch về thời gian trên đảo và đất liền New Zealand là 23 giờ vào mùa đông ở Nam Bán Cầu và 24 giờ vào mùa hè, vì đất liền New Zealand áp dụng giờ mùa hè. </s>
Niue tự trị trong liên kết tự do với New Zealand từ 3/12/1974 khi người dân tán thành bản Hiến pháp trong một cuộc trưng cầu dân ý. Niue hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về đối nội. Công việc đối ngoại của Niue rất bị hạn chế. Chương 6 của đạo luật Hiến pháp Niue ghi rõ: "Không điều gì trong đạo luật này hay Hiến pháp ảnh hưởng đến trách nhiệm của Nữ hoàng New Zealand trong các vấn đề đối ngoại và quốc phòng của Niue" Hòn đảo có một phái bộ đại diện tai Wellington, New Zealand. Niue là thành viên của Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương và một số tổ chức khu vực và quốc tế. Mặc dù không phải là thành viên của Liên Hợp Quốc nhưng Niue là một Nhà nước tham gia Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc, Công ước về Chống biến đổi khí hậu, Hiệp ước Ottawa, Hiệp ước Rarotonga Niue được cho là đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào ngày 12/12/2007. Tuy nhiên, trên phương diện Hiến pháp, không chắc Niue có quyền thiết lập quan hệ ngoại giao với bất kỳ nước nào được hay không. Theo thông lệ, các quan hệ đối ngoại và quốc phòng là trách nhiệm của New Zealand, nước có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Trung Quốc. Hơn nữa Thông cáo thiết lập quan hệ giữa Niue và Trung Quốc khác biệt trong quan điểm về vấn đề Đài Loan trong thỏa thuận giữa New Zealand Và Trung Quốc. New Zealand "chấp nhận" quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan nhưng chưa bao giờ tán thành tuyệt đối, nhưng Niue "công nhận chỉ có một Trung Quốc trên thế giới, chính phủ Trung Quốc là chính quyền hợp pháp duy nhất trên thế giới đại diện cho toàn Trung Quốc và Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc" Những người chỉ trích đặt câu hỏi liệu Niue có thể tiếp tục được nhận trợ cấp thông qua liên kết tự do với New Zealand được hay không khi họ bất chấp khuyến cáo của New Zealand và thiết lập một chính sách đối ngoại độc lập. </s>
Kinh tế của Niue có quy mô nhỏ, năm 2003 tổng GDP theo sức mua là 17 triệu đô la New Zealand, tương đương 10 triệu đô la Mỹ. Hầu hết các hoạt động kinh tế xoay quanh chính quyền. Viện trợ nước ngoài, chủ yếu từ New Zealand là nguồn thu nhập chính của hòn đảo. Mỗi năm quốc đảo bị New Zealand giảm đi 250.000 đôla New Zealand tiền viện trợ điều này có nghĩa đất nước sẽ phải trông cậy vào nền kinh tế của mình nhiều hơn trong thời gian sắp tới. Niue cũng là quốc gia Wifi đầu tiên trên thế giới, tên miền.nu của quốc đảo là một tên miền phổ biến trên Internet, đem đến nguồn thu 3 tỷ đô la Mỹ từ 1996 đến 2005. Niue sử dụng đô la New Zealand. </s>
Du lịch là một trong ba lĩnh vực kinh tế được ưu tiên (hai lĩnh vực khác là ngư nghiệp và nông nghiệp) để phát triển kinh tế kinh tế Niue. Năm 2006, chỉ riêng tiêu dùng của du khách đã là 1,6 tỷ đô la, đã biến du lịch thành ngành xuất khẩu chính của Niue. Niue sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức hải ngoại. Air New Zealand là hãng hàng không duy nhất ở Niue, có các chuyến bay tới đây mỗi tuần một lần. Niue cũng thử thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành du lịch của mình bằng các đề nghị giảm thuế nhập khẩu và thuế doanh nghiệp. </s>
Nông nghiệp rất quan trọng trong kinh tế và ảnh hưởng nhiều đến cách sống của người dân trên đảo. Hầu hết các hộ đều trồng cây khoai nước, một loại cây nhiệt đới có rễ nhiều bột dùng làm thức ăn ở các đảo Thái Bình Dương. Khoai nước là một loại lương thực chính, loại khoai nước màu hồng đang chiếm ưu thế trên thị trường khoai nước ở Australia và New Zealand. Đây là một trong các loại khoai nước tự nhiên tại Niue, với khả năng chống chịu sâu bọ tốt. Sắn, củ từ và khoai lang cũng phát triển rất tốt, các giống chuối cũng vậy. Ngoài ra đảo cũng có dừa trong các khu vực rừng rậm hay ven biển. </s>
Loài người (theo phân loại học là Homo sapiens, tiếng La-tinh nghĩa là "người thông thái" hay "người thông minh", nên cũng được dịch sang tiếng Việt là trí nhân hay người tinh khôn) là loài duy nhất còn sống của tông Hominini, thuộc lớp động vật có vú. Con người là một loài sinh vật có bộ não tiến hóa rất cao cho phép thực hiện các suy luận trừu tượng, ngôn ngữ và xem xét nội tâm. Điều trên kết hợp với một cơ thể đứng thẳng cho phép giải phóng hai chi trước khỏi việc di chuyển và được dùng vào việc cầm nắm, cho phép con người dùng nhiều công cụ hơn tất cả những loài khác. </s>
Cũng như những loài linh trưởng khác, con người là một sinh vật xã hội, sống bầy đàn, có sự phân thứ bậc nhất định xác định từ cọ xát và truyền thống. Hơn thế nữa, con người cũng rất thành thạo việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp, để biểu lộ những ý kiến riêng của mình và trao đổi thông tin. Con người tạo ra những xã hội phức tạp trong đó có những nhóm hỗ trợ nhau và đối nghịch nhau ở từng mức độ, có thể từ những cá nhân trong gia đình cho đến những quốc gia rộng lớn. Giao tiếp xã hội giữa con người và con người đã góp phần tạo nên những truyền thống, nghi thức, quy tắc đạo đức, giá trị, chuẩn mực xã hội, và cả luật pháp. Tất cả cùng nhau tạo nên những nền tảng của xã hội loài người. Con người cũng rất chú ý đến cái đẹp và thẩm mỹ, cùng với nhu cầu muốn bày tỏ mình, đã tạo nên những sự đổi với về văn hóa như nghệ thuật, văn chương và âm nhạc. </s>
Con người cũng là một động vật hoàn toàn di chuyển bằng hai chân sau, vì vậy, hai chi trước (được gọi là tay) có thể tự do linh động và dùng vào những việc như cầm nắm một vật, được hỗ trợ bằng ngón tay cái. Tuy nhiên, cấu trúc bộ xương con người vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng cho việc giải phóng bằng hai tay, điều này khiến xương sống của con người cong lại thành dạng hình chữ S và tạo nên những khó khăn lúc về già. Mặc dù con người có vẻ như không có nhiều lông so với những loài linh trưởng khác nhưng con người lại có rất nhiều lông mọc ở phía trên đầu (còn gọi là tóc), dưới nách và xung quanh cơ quan sinh dục hơn cả loài tinh tinh. Điều khác biệt chính đó là lông của con người ngắn hơn và có ít màu sắc hơn, vì vậy khó thấy hơn. </s>
Màu tóc của con người và màu da được quyết định bởi sự hiện diện của các sắc tố có tên là melanin. Da của con người có thể có màu nâu đậm cho đến màu hồng, và tóc của con người có thể có màu vàng, màu nâu, cho đến đỏ. Một số khoa học gia cho rằng sự thay đổi màu da sang một màu tối là một cách của con người nhằm chống lại các tia cực tím vì melanin là một chất chống tia cực tím hiệu quả. Màu da của con người phần lớn là do các điều kiện địa lý xác định, và có sự liên quan đến cường độ và thời gian tiếp xúc với tia cực tím. Da con người sẽ có xu hướng đen đi (rám nắng) để phản ứng với tia cực tím. </s>
Một người bình thường cần ngủ ít nhất là trong khoảng 7 đến 8 tiếng đối với người lớn và 9 đến 10 tiếng đối với trẻ em, và những người già chỉ ngủ khoảng 6 đến 7 tiếng một ngày. Những ảnh hưởng không tốt sẽ xảy ra nếu không ngủ đủ giấc. Ví dụ, một người lớn nếu bị giảm thời gian ngủ xuống còn 4 tiếng một ngày sẽ cho thấy những bất thường liên quan đến mặt sinh lý và tâm thần, bao gồm mệt mỏi, cáu gắt, khó chịu. Trong xã hội hiện đại, có xu hướng người ta ngày càng ngủ ít hơn dẫn đến một "hội chứng mất ngủ" </s>
Con người là một động vật có cấu tạo tế bào đầy đủ. Mỗi tế bào người có 23 cặp nhiễm sắc thể, trong đó có 22 cặp nhiễm sắc thể thường và 1 cặp nhiễm sắc thể giới tính. Cũng giống như các động vật sinh sản hữu tính khác, thế hệ mới hình thành từ sự thụ tinh của tế bào sinh sản là trứng và tinh trùng, tạo ra hợp tử. Khi thụ tinh thì hợp tử thừa kế tế bào chất và các bào quan từ tế bào trứng của mẹ, trong đó có ADN ty thể hay mtDNA. Tinh trùng chỉ góp vào ADN nhiễm sắc thể, và bỏ lại các bào quan,... bên ngoài hợp tử. Khi đó mỗi người nhận được 23 nhiễm sắc thể từ cha và 23 nhiễm sắc thể từ mẹ, tạo thành 23 cặp. Riêng cặp nhiễm sắc thể giới tính ở nam là XY và ở nữ là XX, do đó, nhiễm sắc thể Y ở nam chỉ được nhận từ cha. Sự kết hợp của cặp nhiễm sắc thể giới tính X và Y cũng khác với ở cặp nhiễm sắc thể thường, là có vùng không tái tổ hợp (NRY) và chỉ tồn tại ở nhiễm sắc thể Y (hay Y-ADN). </s>
Vòng đời sinh học của con người bắt đầu từ khi nhau thai hình thành. Qua quá trình thụ tinh (ở con người là thụ tinh trong), một con người mới hình thành. Trứng thường được thụ tinh trong cơ thể phụ nữ cùng với tinh trùng của đàn ông qua quá trình giao hợp, hay như một trong những tiến bộ khoa học gần đây là quá trình thụ tinh trong ống nghiệm cũng thường được sử dụng. Trứng đã được thụ tinh phân chia liên tục trong tử cung người phụ nữ và trở thành một bào thai. Sau một khoảng thời gian kéo dài khoảng 38 tuần, bào thai đó sẽ dần dần phát triển trở thành một con người thực thụ. Vào thời điểm được sinh ra, bào thai phát triển đầy đủ sẽ ra khỏi cơ thể người phụ nữ và bắt đầu tự hít thở, và được gọi là "trẻ sơ sinh". Vào thời điểm này, hầu hết những xã hội hiện đại đều công nhận đứa bé ấy là một người và được bảo vệ trước pháp luật, tuy nhiên một số khác thừa nhận quyền con người của đứa bé khi nó còn là một đứa bé trong tử cung người mẹ. </s>
So với những loài động vật khác, việc sinh nở của con người phức tạp hơn hẳn, được coi là hệ quả của sự gia tăng kích thước hộp sọ. Những cơn đau kéo dài suốt 24 tiếng đồng hồ hay hơn thế nữa không hiếm, và cũng có thể dẫn đến chấn thương hay cả cái chết đến cho đứa bé hay người mẹ. Mặc dù khả năng đó đã giảm đi rất nhiều trong thế kỉ 20 và 21 trong những nước phát triển vì sự phát triển những kĩ thuật hỗ trợ sinh sản mới. Sinh sản tự nhiên, tuy có độ nguy hiểm rất cao, nhưng cũng rất phổ biến trong những vùng chưa phát triển trên thế giới. </s>
Con người sau khi được mang thai khoảng 9 tháng thì có cân nặng khoảng 3–4 kg và cao 50–60 cm. Sau đó, chúng tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo và đạt đến sự phát triển sinh dục nhất định. Trẻ em gái thường tiếp tục phát triển đến năm 18 tuổi, trong khi trẻ em trai lại tiếp tục phát triển đến năm 21 tuổi. Cuộc sống của một người có thể được chia thành những giai đoạn quan trọng sau: sơ sinh, thiếu nhi, dậy thì, thanh niên, trưởng thành và già. Tuy nhiên, độ dài của những giai đoạn trên luôn không rõ ràng, nhất là giai đoạn cuối. </s>
Có những ý kiến khác nhau về tuổi thọ trên Trái Đất. Ở những nước đã phát triển, người ta ngày càng già đi, với độ tuổi trung bình ở mức xấp xỉ 40 tuổi (cao nhất là ở Monaco với mức 45,1 tuổi), nhưng ở những nước thuộc thế giới thứ ba thì độ tuổi trung bình lại là 15-20 tuổi (thấp nhất là ở Uganda với mức 14,8 năm). Tuổi thọ trung bình của con người được ước tính là 77,2 vào năm 2001 ở Hoa Kỳ. Tuổi thọ trung bình ở Singapore là 84,29 năm ở nữ và 78,96 năm đối với nam, trong khi ở Botswana, do dịch bệnh AIDS đang hoành hành tại đây cho nên tuổi thọ chỉ ở mức 30,99 năm với nam và 30,53 năm đối với nữ. Cứ năm người châu Âu thì sẽ có một người sống thọ nhưng phải 20 người châu Phi thì mới có một người sống được hơn 60 tuổi. </s>
Con người thường tự phân loại họ thành những chủng tộc khác nhau, mặc dù những bằng chứng khoa học chứng minh về chủng tộc còn gây nhiều tranh cãi. Con người thường phân loại chủng tộc dựa vào tổ tiên hay đặc điểm sinh học, đặc biệt là màu da và những đặc điểm khác trên mặt; ngoài ra còn có các đặc điểm khác như ngôn ngữ, văn hóa và quốc gia mà họ đang sinh sống. Sự hình thành các chủng tộc có thể dẫn đến các cách hành xử khác nhau và những sự phân biệt khác nhau đối với người từ chủng tộc khác, dẫn đến thuyết phân biệt chủng tộc. Do đó, một số xã hội đặt nặng những định kiến của mình về những xã hội khác, trong khi một số khác lại không. </s>
Loài mang quan hệ gần nhất đối với Homo sapiens là loài tinh tinh và loài tinh tinh lùn. So sánh các sơ đồ gen cho kết quả là "sau 6,5 triệu năm tiến hóa theo những con đường khác nhau, sự khác nhau giữa tinh tinh và con người gấp 10 lần sự khác nhau giữa hai người không có quan hệ gì với nhau nhưng vẫn nhỏ hơn 10 lần so với một con chuột bạch và một con chuột thường". Tuy nhiên trên thực tế, số gen con người giống tinh tinh đến 96%. Người ta cho rằng con đường tiến hóa giữa con người đã đi theo một hướng khác với tinh tinh vào khoảng 5 triệu năm trong khi đối với khỉ đột là 8 triệu năm. Tuy nhiên, một hộp sọ của loài linh trưởng Sahelanthropus tchadensis được cho là khoảng 7 triệu năm tuổi, có thể nó của một tổ tiên xa hơn của chúng ta. </s>
Sự tiến hóa của con người được đánh dầu bằng những dấu hiệu sinh học khác nhau, bao gồm sự phát triển của hộp sọ và cả bộ não lên đến mức 1.400 cm³; về thể tích, cao hơn gấp đôi tinh tinh hay khỉ đột. Những phần của bộ não con người cũng phát triển khác so với các loài linh trưởng khác cho phép xuất hiện thêm phần ngôn ngữ. Những nhà khoa học đang tranh luận về sự quan trọng của cấu trúc bộ não trên cả kích thước bộ não. Một trong những tiến hóa lớn là số răng nanh giảm, hình thành những di chuyển bằng hai chân, sự hình thành của dây thanh và hộp âm giúp phát triển tiếng nói. Ngành nhân loại học vẫn còn nhiều tranh cãi về những tiến hóa và vai trò của chúng thực sự trên một con người hiện đại. </s>
Các nhà nhân chủng học hiện đại đang chấp nhận rộng rãi rằng loài Homo sapiens được hình thành ở những đồng cỏ châu Phi khoảng 200.000 đến 250.000 năm về trước, là hậu duệ của loài Homo erectus, tiếp tục mở rộng lãnh địa cư trú và rồi thống trị lục địa Á-Âu và khu vực Thái Bình Dương vào khoảng 40.000 năm về trước, cuối cùng là châu Mỹ vào 10.000 năm trước, tức là theo thuyết một nguồn gốc từ châu Phi. Chúng thay thế loài Homo neanderthalensis và loài Homo floresinesis vốn cũng là những hậu duệ khác của loài Homo erectus (chúng đã phát triển khắp lục địa Á-Âu vào hơn 2 triệu năm trước) do có sức sinh sản tốt hơn và tìm kiếm thức ăn tốt hơn. </s>
Những người thượng cổ thường kiếm sống bằng cách săn bắt-hái lượm, một lối sống rất phù hợp với những vùng đồng cỏ châu Phi. Một số nhóm người về sau bắt đầu sống lối sống du mục và thường hay bắt thú vật để nuôi lấy thịt. Về sau nữa, khi lối sống định cư phát triển thì nền nông nghiệp cũng ra đời. Những khu vực định cư chính của con người phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước, vào lối sống, vào tài nguyên thiên nhiên (như đất đai có phù hợp để gieo trồng hay không, có nhiều cỏ để chăn nuôi hay không, có nhiều thú để săn bắt hay không). Tuy nhiên, con người lại có khả năng thay đổi nơi cư trú của họ bằng các phương tiện vận chuyển khác nhau. Do đó, sự thay đổi môi trường là nhân tố chủ yếu khiến con người thay đổi nơi cư sinh sống. </s>
Khoa học kĩ thuật đã cho phép con người thống trị tất cả những lục địa và sinh tồn ở bất cứ thời tiết. Trong những thập niên gần đây, con người đã thám hiểm Nam Cực, dưới biển sâu và ngay cả không gian vũ trụ, mặc dù cư trú lâu dài ở những vùng như thế là chưa hoàn toàn có thể. Với dân số khoảng 6 tỉ người, con người là loài đông nhất trong số những loài động vật có vú. Phần lớn người (61%) sống ở châu Á, phần còn lại chia đều cho châu Mỹ (14%), châu Phi (13%) và châu Âu (12%). châu Đại Dương chiếm 0,5% (xem thêm danh sách các quốc gia theo dân số và danh sách các quốc gia theo mật độ dân số). </s>
Sự tồn tại của con người ở những vùng vốn có điều kiện khắc nghiệt đối với cuộc sống như Nam Cực hay ngoài không gian rất hạn chế về mặt thời gian và chỉ tồn tại ở những lĩnh vực thám hiểm, nghiên cứu khoa học, quân sự và công nghiệp. Nhất là sự sống trên không gian vũ trụ, trong quá khứ và hiện tại, chưa có quá 13 người từng sống trên không gian cùng lúc. Giữa năm 1969 và 1972, chỉ có hai người bước đi cùng lúc trên Mặt Trăng. Đến năm 2006, chưa có một thiên thể tự nhiên nào khác có bước chân của con người ngoại trừ Mặt Trăng mặc dù luôn có con người hiện diện trên trạm không gian quốc tế từ ngày 31 tháng 10 năm 2000. Từ năm 1800 đến 2000, dân số con người đã tăng lên 6 lần: từ 1 tỉ lên 5 tỉ. Vào năm 2004, khoảng 2,5 tỉ trên 6,3 tỉ người (39.7%) sống trong những vùng nông thôn, và con số này sẽ tăng mạnh trong thế kỉ 21. Vấn đề mà những người trong những đô thị lớn đang gặp phải là ô nhiễm, tội ác và nghèo đói, nhất là ở trung tâm và những khu vực vùng ven. </s>
Sự cần thiết phải nạp vào cơ thể thường xuyên một lượng thức ăn và nước uống thể hiện một phần văn hóa loài người, và dẫn đến một ngành khoa học thức ăn. Khi không tìm kiếm đủ thức ăn sẽ dẫn đến tình trạng đói và không tìm kiếm đủ nước uống sẽ dẫn đến tình trạng khát. Cả đói và khát đều có thể dẫn đến cái chết nếu không được giải quyết kịp thời. Bình thường, một người có thể sống được từ 2 đến 8 tuần không cần thức ăn, chỉ dựa vào lượng mỡ dự trữ trong cơ thể, nhưng chỉ tối đa 3 đến 4 ngày không có nước. Trong xã hội hiện đại, hiện tượng béo phì đang tăng nhanh trong dân số đến mức có thể gọi đó là một dịch bệnh, gây những vấn đề lớn đến sức khỏe của con người và gây giảm tuổi thọ ở những nước phát triển và ngay cả ở những nước đang phát triển. Trung tâm điều khiển dịch bệnh quốc gia Hoa Kỳ cho thấy 32% người lớn trên 20 tuổi là béo phì, trong số 66.5% người thừa cân. Béo phì được tin là do một số nguyên nhân khác nhau gây ra mà một trong số đó là ăn quá nhiều. </s>
Người là một loài ăn tạp, nghĩa là một loài có thể ăn cả động vật và cả thực vật. Loài người cổ Homo sapiens là những thợ săn- người hái lượm và đó là cách chính để tìm kiếm thức ăn, kết hợp giữa việc hái những loài thực vật mọc quanh, nấm, trái cây và lao vào cuộc chơi đi săn hay bị săn. Một số người hiện đại chọn con đường ăn chay vì những lý do khác nhau. Họ từ chối ăn thịt vì những lý do tôn giáo, đạo đức, và sức khỏe. Người ta tin rằng loài người đã biết dùng lửa để chuẩn bị thức ăn và bắt đầu ăn thức ăn chín từ khi họ hoàn toàn tách ra khỏi loài Homo erectus hay có thể sớm hơn. </s>
Khoảng 10.000 năm trước, con người bắt đầu phát triển nông nghiệp, bắt đầu thay đổi gần như hoàn toàn những gì con người đã ăn trước đây. Điều này dẫn đến việc gia tăng dân số, sự hình thành những thành phố lớn và cùng với sự gia tăng mật độ dân số cũng là sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm. Các loại thức ăn được chế biến và dùng như thế nào cũng rất khác nhau tùy theo thời gian, vị trí và nền văn hóa. Thế kỉ 18 đến 20 đã tạo ra những phát minh rất lớn về chế biến, bảo quản, lưu trữ và vận chuyển thức ăn. Ngày nay, hầu hết bất cứ nơi nào trên thế giới người ta không chỉ có thể thưởng thức những món ăn truyền thống của nước họ mà còn từ nhiều nước khác nhau. </s>
Bộ não của con người là trung tâm của những phản xạ của con người, điều khiển hầu hết những hoạt động của con người. Bộ não điều khiển những phản xạ không điều kiện như điều khiển nhịp tim, tiêu hóa thức ăn,... và cả những phản xạ có điều kiện có ý thức như suy nghĩ, suy luận, lý luận, trừu tượng. Bộ não con người được cho là trung tâm của những hành động có ý thức bậc cao và "thông minh" hơn những loài khác. Trong khi ở những loài động vật khác thì việc sử dụng công cụ gần như là một bản năng, hay cũng chỉ là một sự bắt chước thì kĩ thuật ở con người thì hoàn toàn phức tạp hơn, luôn bao gồm những cải tiến. Ngay cả những công cụ trong xã hội cổ của loài người cũng vô cùng hiện đại hơn bất cứ những công cụ do các loài động vật khác sử dụng. </s>
Khả năng suy luận trừu tượng của con người có thể là duy nhất trong giới động vật. Con người là một trong số 6 loài vượt qua bài kiểm tra gương (nhận ra bản thân ở trong gương); trong khi 5 loài còn lại là tinh tinh, tinh tinh lùn, khỉ không đuôi, cá heo và bồ câu. Tuy nhiên, những người dưới 2 tuổi hầu hết đều không vượt qua bài kiểm tra gương như trên.. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng đây là cách phân loại riêng của loài người nhằm thể hiện rằng con người có ý thức về bản thân, trên thực tế nó kiểm tra trí nhớ + thị giác mà thôi. Các loài khác nhau đều có cách này hoặc cách khác để giao tiếp với nhau, và có thể có ý thức ở mức độ nào đó mà loài người vẫn chưa hiểu hết được. Cuộc tranh luận về ý thức của loài người là duy nhất hay không đến nay vẫn còn chưa xác định bằng chứng rõ rệt. Một số nhà sinh học cho rằng loài người chỉ là một trong số hàng triệu phiên bản nhánh tiến hóa trong chủng loài trên Trái Đất và vẫn có thể có khiếm khuyết buộc phải tiến hóa thích nghi, hoặc bị tuyệt chủng như bất kỳ loài vật nào trên thế giới. Rằng lịch sử con người trải qua chỉ chừng 5 -10 triệu năm trong khi có những chủng loài khác đã tồn tại qua những đoạn thăng trầm nhất của lịch sử Trái Đất như loài gián, loài cá mập,... từ rất lâu trước khi con người tồn tại. Vì vậy còn quá sớm để nghĩ rằng ý thức của loài người là tiến bộ nhất, nói như tiến hóa "tồn tại, thích nghi được mới là kẻ mạnh. Phát triển vượt bậc, nhưng không thích nghi thay đổi sẽ bị tự tiêu diệt". </s>
Bộ não con người cảm nhận thế giới qua các giác quan, và mỗi người bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những kinh nghiệm của họ, dẫn đến nhận thức sự hiện hữu của bản thân và thời gian. Một số nhà khoa học thậm chí còn cho rằng con người không hề có ý nghĩ, mà nó chỉ là kết quả của một số quá trình cảm nhận từ bên trong hay từ bên ngoài, giống như những phần mềm đang chạy song song trên máy tính. Con người đã nghiên cứu rất nhiều về ảnh hưởng của trí tuệ và bộ não, bằng chứng là sự ra đời những môn học như thần kinh học để nghiên cứu những vấn đề về hệ thần kinh, tâm lý học để nghiên cứu những khía cạnh biểu hiện về hình thức bên ngoài, và đôi khi có thể kể thêm môn thần kinh học, một môn học tìm cách chữa những chứng bệnh có liên quan đến những hành vi cư xử bất thường. Môn tâm lý học không quan tâm chú trọng nhiều đến cấu trúc bộ não mà chỉ chú ý nhiều đến quá trình xử lý thông tin của bộ não. Trong thời đại ngày nay, nhờ vào những cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ về cấu trúc bộ não con người đã giúp cho con người phát triển những ngành khoa học đầy triển vọng khác như trí thông minh nhân tạo,... </s>
Quá trình suy nghĩ của con người là trung tâm của ngành tâm lý học và những ngành khác có liên quan. Ngành tâm lý học nhận thức nghiên cứu về sự nhận thức của con người, quá trình mà con người suy nghĩ để dẫn đến một hành vi nào đó. Những khía cạnh khác như cảm giác, khả năng học hỏi, giải quyết vấn đề, trí nhớ, sự tập trung, ngôn ngữ và cả cảm xúc cũng được nghiên cứu rất kĩ càng. Những tiến bộ trong ngành tâm lý học nhận thức được áp dụng rất rộng rãi trong những lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Với mục tiêu chính là nghiên cứu sự hình thành tâm lý của con người trong cả cuộc đời, ngành tâm lý học phát triển tìm hiểu cách mà con người hiểu được và phản ứng lại với thế giới xung quanh và sự thay đổi khả năng đó theo thời gian. Ngành này cũng tập trung nhiều đến vấn đề trí thông minh, tính xã hội, sự đạo đức, nhân đạo của một người. Ngành tâm lý học xã hội tìm cách liên kết xã hội học với tâm lý học bằng cách cùng nhau chia sẻ những sự tương đồng và nguồn gốc của những hành vi của con người trong xã hội và cũng nhấn mạnh về vấn đề giao tiếp của con người. Ngoài ra còn có môn tâm lý học tiến hóa để nghiên cứu về hành vi của tất cả con người và loài vật </s>
Yeltsin đã chọn Putin làm thủ tướng thay thế cho Sergei Stepashin vào tháng 8 năm 1999. Putin nhanh chóng được biết đến ở Nga nhờ cuộc xung đột Nga-Chechnya tháng 9 năm 1999 để trả đũa lại Chiến tranh tại Dagestan và Vụ ném bom nhà ở của người Nga. Sau khi các đảng phái thân Putin giành được sự ủng hộ vững chắc trong bầu cử nghị viện 1999, Yeltsin từ chức, và Putin trở thành tổng thống lâm thời. Trong cuộc bầu cử vào tháng 3 năm 2000, ông đứng đầu trong mười ứng cử viên và trở thành tổng thống thứ hai của Liên bang Nga thời kỳ hậu Xô viết. </s>
Do giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống Nga (không quá 2 nhiệm kỳ liên tục), Putin không thể kéo dài thời gian lãnh đạo sang nhiệm kỳ thứ 3. Sau sự thành công của người kế nhiệm ưa thích của ông, Dmitry Medvedev, trong cuộc Bầu cử tổng thống Nga, 2008, ông được Medvedev đề cử vào chiếc ghế Thủ tướng Nga và chính thức nhậm chức vào ngày 8 tháng 5 năm 2008. Năm 2012, ông tiếp tục tranh cử Tổng thống, và đắc cử nhiệm kỳ thứ 3. Năm 2018, Putin giành được 76% phiếu bầu tổng thống vào kỳ bầu cử tháng 3 năm 2018, và tiếp tục làm Tổng thống Nga trong nhiệm kỳ sáu năm sẽ kết thúc vào năm 2024. </s>
Putin là nhà lãnh đạo Nga giành được sự ủng hộ lớn nhất của người dân kể từ sau sự tan rã của Liên Xô. Putin được người dân khen ngợi vì đã phục hồi sức mạnh của nước Nga sau những năm cầm quyền hỗn loạn của Boris Yeltsin. Trong tám năm cầm quyền, nền kinh tế đã ra khỏi cơn khủng hoảng với GDP tăng gấp sáu lần (72% PPP). Ông cũng phản bác nhiều vụ tuyên truyền chống nước Nga của những đối thủ phương tây và tống khứ những đầu sỏ tài phiệt từng lũng đoạn chính trường Nga trong thập niên 1990 Trong khi đó, báo chí phương Tây mô tả Putin giống như một nhà độc tài, lạm dụng quyền lực. Một số nhà hoạt động nhân quyền ở Nga, các tổ chức nhân quyền những nhà bình luận phương Tây đã "bày tỏ lo ngại" về tình trạng dân chủ, tự do báo chí và nhân quyền tại Nga, họ buộc tội Putin đã "vi phạm nhân quyền", đàn áp các cuộc phản đối dân sự cũng như ra lệnh ám sát các nhà phê bình và đối thủ chính trị của ông. Ngược lại, Putin đã bác bỏ các cáo buộc nói trên của phương Tây, ông cũng lên án nước phương Tây đang tỏ ra "đạo đức giả" khi họ luôn thuyết giảng nước Nga về dân chủ, nhân quyền nhưng lại liên tục bất chấp luật pháp quốc tế và đem quân xâm lược các nước khác Các quan chức của chính phủ Hoa Kỳ đã buộc tội ông đưa ra một chương trình can thiệp chống lại Hillary Clinton và ủng hộ Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, điều mà Putin đã thường xuyên phủ nhận. </s>
Năm 2007, Putin được tạp chí Time bầu làm Nhân vật của năm. Năm 2015, Putin đứng đầu trong danh sách 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới cũng của tạp chí này. Tạp chí Forbes đã bầu chọn Putin là người quyền lực nhất thế giới trong 4 năm liên tiếp kể từ năm 2013 tới năm 2016., với bình luận rằng “Putin vẫn tiếp tục chứng tỏ ông là một trong số rất ít những người đàn ông trên toàn cầu đủ quyền lực để làm những điều mà ông muốn mà không gặp trở ngại gì, không bị ràng buộc bởi dư luận thế giới trong việc theo đuổi những mục đích riêng". </s>
Putin sinh tại Leningrad (St. Petersburg từ 1991 và trước 1914). Cuốn tiểu sử của ông, Ot Pervogo Litsa, dịch sang tiếng Anh dưới tiêu đề First Person (Người đầu tiên, tựa Việt: Nhân vật số một, Firstnews Trí Việt) dựa trên các cuộc phỏng vấn được thực hiện với Putin năm 2000 và lấy chi phí từ chiến dịch tranh cử của ông. Cuốn sách nói về xuất thân bình dân của vị tổng thống, gồm cả những năm đầu tiên cuộc đời trong một căn hộ chung cư nhỏ bé. Theo tiểu sử, thời tuổi trẻ ông rất thích theo dõi các âm mưu trong các bộ phim trinh thám của Điện ảnh Xô viết do các diễn viên như Vyacheslav Vasilyevich Tikhonov và Georgiy Stepanovich Zhzhonov thủ vai. </s>
Cũng trong cuốn sách này, Putin nói rằng ông nội ông, một bếp trưởng, đã được đưa tới các khu ngoại ô Moskva nấu ăn trong một trong những căn nhà nông thôn (dacha) của Stalin. Trong cuốn sách The Court of the Red Tsar (Triều đình của Sa hoàng Đỏ) của Simon Sebag Montefiore có một chú thích tại trang 300 ghi rằng Putin đã nói ông nội mình ít khi đề cập tới công việc, nhưng ông đã kể lại việc chuẩn bị các bữa ăn cho Grigori Yefimovich Rasputin khi ông này còn là một cậu bé và cả Lenin. Mẹ ông là công nhân trong nhà máy và cha ông làm việc trong lực lượng hải quân, tại hạm đội tàu ngầm đầu thập niên 1930. Cha ông sau này chuyển sang lực lượng bộ binh trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Hai người anh của ông ra đời giữa thập niên 1930; một người chết vài tháng sau khi sinh; người thứ hai chết vì bệnh bạch hầu trong thời gian phong tỏa Leningrad. </s>
Từ 1985 đến 1990 KGB chuyển Putin sang làm việc tại Dresden, Đông Đức, ở vị trí mà ông cho là hạng thấp. Sau khi chế độ Đông Đức sụp đổ, Putin được gọi về Liên bang xô viết và quay trở lại Leningrad, nơi vào tháng 6 năm 1990 ông được trao một chức vụ tại ban Quan hệ quốc tế của Đại học Quốc gia Leningrad, trực tiếp dưới quyền hiệu phó. Tháng 6 năm 1991, ông được chỉ định làm lãnh đạo Ủy ban quốc tế trong văn phòng thị trưởng St. Petersburg, với trách nhiệm tăng cường quan hệ quốc tế và đầu tư nước ngoài. </s>
Putin đã chính thức thôi chức vụ bên trong ngành an ninh quốc gia ngày 20 tháng 8 năm 1991, khi KGB ủng hộ cuộc đảo chính sớm thất bại chống lại Tổng thống Xô viết Mikhail Sergeyevich Gorbachyov. Năm 1994 ông trở thành Phó chủ tịch thứ nhất thành phố St. Petersburg, vị trí ông giữ cho tới tận khi được gọi tới Moskva, tháng 8 năm 1996, để nhận nhiều chức vụ cao cấp bên trong bộ máy chính quyền thứ hai của Boris Nikolayevich Yeltsin. Ông là lãnh đạo dân sự của Tổng cục An ninh Liên bang Nga FSB (cơ quan kế tục KGB) từ tháng 7 năm 1998 đến tháng 8 năm 1999, và giữ chức vụ Thư ký Ủy ban An ninh từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1999. </s>
Chủ nghĩa Putin (tiếng Nga: Путинизм, tiếng Anh: Putinism), cũng gọi là chế độ Putin (tiếng Anh: Putin regime), là thuật ngữ được sử dụng trên báo chí phương Tây và các nhà phân tích Nga để chỉ trích Vladimir Putin. Những thuật ngữ này thường đi đôi với nghĩa tiêu cực, dùng để mô tả hệ thống chính trị Nga dưới sự điều hành của Vladimir Putin trên cương vị Tổng thống (2000 - 2008, 2012 -) và Thủ tướng (giữa nhiệm kỳ thứ hai và thứ ba), nơi nhiều quyền lực chính trị và tài chính được kiểm soát bởi Siloviki - tức là những người có chân trong guồng máy an ninh quốc gia, thuộc về một trong tổng số 22 cơ quan an ninh và tình báo chính phủ, chẳng hạn như FSB, cảnh sát và quân đội. Nhiều người trong số này cùng chung nền tảng nghề nghiệp (tình báo) với Putin, hoặc là bạn thân của ông. </s>
Putin được Tổng thống Yeltsin chỉ định làm chủ tịch (predsedatel, hay thủ tướng) Chính phủ Liên bang Nga vào tháng 8 năm 1999, khiến ông trở thành thủ tướng thứ năm của nước Nga trong khoảng thời gian chưa đầy mười tám tháng. Khi được chỉ định, rất ít người tin rằng Putin, một khuôn mặt rõ ràng ít tiếng tăm, có thể giữ ghế lâu hơn so với những người tiền nhiệm. Những đối thủ chính và có thể là người kế nhiệm của Yeltsin như Thị trưởng Moskva Yuriy Mikhaylovich Luzhkov và cựu Thủ tướng Nga Yevgeniy Maksimovich Primakov đã tiến hành các chiến dịch vận động nhằm thay thế vị tổng thống già yếu, đã có phản ứng mạnh mẽ nhằm ngăn cản Putin xuất hiện với tư cách một đối thủ tiềm năng. Hình ảnh một nhân viên ngành an ninh tiếp cận và xử lý vấn đề khủng hoảng Chechnya (xem bên dưới) một cách cứng rắn của Putin đã nhanh chóng lôi cuốn sự ủng hộ của dân chúng, cho phép ông dần vượt xa các đối thủ. Trong khi chính thức không liên kết với một đảng nào, Putin lại nhận được sự ủng hộ của phe Edinstvo (thống nhất) mới thành lập và hiện chiếm đa số trong cuộc bầu cử Duma tháng 12 năm 1999. Putin được tái chỉ định làm Thủ tướng chính phủ và dường như đang ở vị trí thuận lợi nhất cho cuộc bầu cử tổng thống trong mùa hè sau đó. Quá trình thăng tiến của ông tới chức vụ cao nhất nước Nga thậm chí còn nhanh chóng hơn: ngày 31 tháng 12 năm 1999, Yeltsin bất ngờ từ chức, và theo hiến pháp, Putin được chỉ định làm tổng thống (tạm quyền), trở thành vị tổng thống thứ hai của nhà nước Liên bang Nga. Cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức ngày 26 tháng 3 năm 2000, trong đó Putin đã thắng cử ngay từ vòng đầu tiên. Sau này Putin đã trao cho vị cựu tổng thống và gia đình của ông quyền hoàn toàn miễn trừ truy tố (thông qua nghị định tổng thống). Ngay trước đó, Yeltsin và gia đình mình đang bị các cơ quan chức năng Nga và Thụy Sĩ đặt nghi vấn về các trách nhiệm liên quan tới những vụ chuyển tiền bất hợp pháp. </s>
Sau nhiều năm bê bối, thay đổi chính sách liên tục khiến dân chúng bất mãn với Yeltsin - vị tổng thống già cả, vụng về và ốm yếu - thì việc Putin thắng cử và lên nhậm chức đã đánh dấu một bước khởi đầu mới cho nước Nga trong giai đoạn lịch sử hậu Xô viết. Tuy nhiên, việc vị tổng thống mới được thắng cử không tránh khỏi những biện pháp ảnh hưởng hậu trường không nhỏ do nhóm ủng hộ Yeltsin tiến hành, họ đã lựa chọn và ủng hộ Putin nhằm bảo vệ quyền lực riêng cũng như giữ vững các quyền lợi ưu tiên của mình. Khi bộ máy chính phủ mới của Putin hình thành, các bộ mặt nhiều ảnh hưởng cũ thời Yeltsin – gồm cả Lãnh đạo Nhân sự Aleksandr Staliyevich Voloshin và Thủ tướng Mikhail Mikhailovitch Kasyanov – vẫn giữ được nhiều quyền kiểm soát đối với các chính sách và sự chỉ đạo của chính phủ mới. Mặt khác, Putin cũng được hậu thuẫn bởi một nhóm các nhà cải cách kinh tế từ quê hương Sankt-Peterburg của ông, và có thể tin cậy cũng như có được ủng hộ từ siloviki. (Nhóm này được gọi là những thành viên vẫn giữ nhiều quyền lực bên trong các cơ quan an ninh Nga, họ tự coi mình là những người bảo vệ quyền lợi quốc gia khỏi các chính trị gia và các quan chức tham lam, và thường được cung cấp đầy đủ thông tin về mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị Nga.) Sự đấu tranh – và hợp tác – giữa nhiều nhóm đó là đặc trưng lớn nhất của nhiệm ký thứ nhất của Tổng thống Putin. </s>
Ngay khi trúng cử, Putin đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm tái lập quyền lực tuyệt đối của Kremlin đối với đời sống chính trị Nga. Thời Yeltsin, 89 vùng lãnh thổ chính trị cấp dưới liên bang ở nước Nga (các nước cộng hoà, vùng, krai, Moskva và Sankt-Peterburg) đều được trao những quyền tự trị rất lớn. Trong khi hành động cải cách triệt để này có mục tiêu nhằm giúp cho các thủ đoạn chính trị của Yeltsin trong giai đoạn đầu thập niên 1990, nó cũng dẫn tới tình trạng phá vỡ các quy tắc liên bang và góp phần làm lớn mạnh các phong trào li khai, nổi tiếng nhất như tại Chechnya. Vì thế, một trong những đạo luật đầu tiên của Putin, nhằm tái lập lại cái mà ông gọi là "quyền lực theo chiều dọc" – nghĩa là quay trở lại với hệ thống liên bang từ trên xuống theo truyền thống. Trong hành động đầu tiên, Putin thông báo chỉ định bảy vị "đại diện toàn quyền" của tổng thống. Họ chịu trách nhiệm điều phối hoạt động của liên bang tại các siêu vùng vừa mới được thành lập. Trong khi được coi là hành động thức hai nhằm phá vỡ kiểu nhà nước liên bang thời Yeltsin, vì nhiều lý do hệ thống đại diện toàn quyền đã mang lại một số thành công. Một hành động khác còn mang ý nghĩa quan trọng hơn, Putin cũng đã tiến hành cải cách triệt để hệ thống Thượng viện Nga, Ủy ban Liên bang. Putin và bộ máy của mình trực tiếp đối đầu với nhiều vị Thống đốc bất tuân bị buộc tội tham nhũng, dù không phải lúc nào cũng là người chiến thắng. </s>
Những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất của Putin được đánh dấu bằng sự dàn xếp quan hệ với các nhóm tài chính-công nghiệp lớn, mà các nguồn tài chính cũng như các đế chế truyền thông của họ từng là những vũ khí quan trọng trong cuộc chiến tranh chính trị xảy ra trong nước những năm trước đó. Các thành viên chủ chốt trong bộ máy cũ của Yeltsin – thường được gọi thông tục là "the Family" (Gia đình) – quyết tâm trừng phạt phe thất bại, do Vladimir Aleksandrovich Gusinsky, người từng ủng hộ bộ đôi Primakov/Luzhkov cầm đầu. Gusinsky đã rơi vào tình thế nguy ngập từ khi đế chế truyền thông của ông ta liên tục làm ăn thua lỗ và rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất, chỉ tồn tại nhờ các khoản trợ cấp từ Gazprom và Ngân hàng Moskva do Luzkhov kiểm soát. Trong vòng một năm từ khi Putin lên nắm quyền, Gusinsky từ lúc là một kẻ có ảnh hưởng trở thành người bị giam vào tù; đế chế truyền thông từng một thời đầy ảnh hưởng của ông (Media-MOST) bị chia rẽ vì phá sản do các mối làm ăn với những công ty nhà nước hay liên minh với nhà nước bị hủy bỏ cũng như dưới sức nặng của những phán quyết hình sự hay dân sự do tòa án đưa ra. Thành tích ấn tượng nhất của Putin trong nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất là ngay khi vừa lên cầm quyền ông đã vực dậy nền kinh tế Nga từ chỗ suy thoái nhiều năm liền chuyển sang tăng trưởng. Nước Nga bắt đầu hồi sinh dưới sự lãnh đạo của Putin. </s>
Cuộc khủng hoảng lớn nhất Putin phải đối mặt trên cương vị tổng thống xảy ra tháng 8 năm 2000, khi chiếc tàu ngầm nguyên tử Nga Kursk đắm ngoài khơi bán đảo Kola, làm thiệt mạng 118 thủy thủ trên tàu. Rất nhiều người thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội Nga tức giận với sự thất bại của chính phủ và quân đội trong việc cung cấp những thông tin đáng tin cậy về mức độ và sự chắc chắn của thảm họa trong những ngày đầu tiên. Sau nhiều ngày để dân chúng tức giận và ngày càng hoang mang, Putin cắt ngắn kì nghỉ của mình, quay trở lại Moskva nhận trách nhiệm trực tiếp giải quyết cuộc khủng hoảng. Cho tới khi chiếc tàu ngầm được kéo lên, ủy ban điều tra của chính phủ về vụ tai nạn này đã đưa ra rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân, gồm cả việc va chạm với tàu ngầm của NATO (một giả thuyết không bao giờ được các bằng chứng ủng hộ và bị các nước thuộc liên minh bác bỏ). Tuy Putin bị chỉ trích trên các phương tiện thông tin đại chúng Nga vì sự bất lực của mình trong những giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng, nhưng nó không để lại những hậu quả lâu dài đối với hình ảnh ông trong lòng nhân dân. </s>
Putin không ủng hộ việc xóa bỏ quá khứ Liên bang Xô viết ra khỏi lịch sử nước Nga — vốn là chính sách trước kia của Yeltsin nhằm mục đích chính là đối phó với các đối thủ của Đảng Cộng sản Nga. Ông đã miêu tả niềm tin của mình rằng Liên Xô trước kia là một phần quan trọng trong lịch sử Nga và những di sản của Liên Xô có một ảnh hưởng lớn trên việc hình thành xã hội Nga hiện đại. Vì thế, Putin đã đưa một số biểu tượng thời Xô viết đã quay trở lại nước Nga, như thương hiệu lá cờ đỏ của Hồng quân, tiêu ngữ "Ngôi sao Xô Viết", và Quốc ca Liên Xô (được sửa chữa lời nhưng giữ nguyên nền nhạc) – tất cả những thứ đó đã tạo được ấn tượng tốt với đa số dân chúng Nga. Trả lời những người chỉ trích các hành động đó, Putin đã đưa ra lý lẽ rằng ông là tổng thống của mọi người Nga - gồm cả những người về hưu đã mất mọi thứ cùng với sự chuyển tiếp thời hậu Xô viết, những người vẫn trung thành với những biểu tượng của quá khứ. </s>
Đảng Nước Nga thống nhất ủng hộ Putin đã giành được một thắng lợi vô tiền khoáng hậu trong cuộc Bầu cử Nghị viện Nga 2003. Các nhà quan sát chính thức từ nước ngoài đã gọi đó là một cuộc bầu cử tự do nhưng ghi chú rằng các cơ quan truyền thông lớn do nhà nước kiểm soát, đặc biệt là Truyền hình quốc gia Nga, đã tiến hành các chiến dịch truyền thông rộng lớn và không công bằng dành riêng cho đảng cầm quyền. Quả vậy, đa số các đài truyền hình Nga hiện dưới quyền quản lý trực tiếp hay gián tiếp của Kremlin. Trong khi có số độc giả hạn chế hơn, các tờ báo hiện đa dạng hơn; một số tờ chỉ trích chính phủ Kremlin, trong khi số khác ủng hộ đường lối chính phủ. Một trong hai tờ báo thương mại chính chính, Kommersant, do Boris Abramovich Berezovsky trực tiếp kiểm soát, trong khi tờ kia – tờ Vedomosti vốn được độc giả rất tin tưởng – thuộc sự đồng sở hữu của hai tờ Financial Times và Wall Street Journal. </s>
Những lời chỉ trích trong nước và quốc tế buộc tội Putin đã đạo diễn các phiên tòa xử các nhân vật đầu sỏ chính trị như Boris Abramovich Berezovsky, Vladimir Aleksandrovich Gusinsky, và sau này là Mikhail Borisovich Khodorkovsky như một phần trong nỗ lực của Kremlin nhằm kiểm soát toàn bộ phương tiện truyền thông Nga và các lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Nga. Về phần mình, chính quyền của Putin đã đưa ra lý lẽ rằng những hành động của họ chống lại các nhân vật đầu sỏ trên dựa trên tinh thần pháp luật và nhằm kìm chế cũng như hủy bỏ những vấn đề xung đột nghiêm trọng trong nền kinh tế Nga sau nhiều năm có được đặc quyền đặc lợi. </s>
Ngày 13 tháng 9 năm 2004, sau vụ Khủng hoảng con tin trường học tại Beslan, và những vụ tấn công hầu như đồng thời của những kẻ khủng bố Cherchnia vào Moskva, Putin đã đưa ra một sáng kiến nhằm thay thế cuộc bầu cử các thống đốc vùng bằng một hệ thống theo đó họ sẽ được Tổng thống đề cử và được chấp nhận hay không bởi các cơ quan hành pháp địa phương. Những người phản đối sáng kiến này, gồm cả Mikhail Gorbachev, Boris Yeltsin, và Colin Powell, những người chỉ trích coi đó là một bước xa rời dân chủ ở Nga và quay lại với bộ máy tập trung trung ương thời kỳ Xô viết. Cùng ngày hôm đó, Putin đã công khai ủng hộ kế hoạch của Ủy ban Bầu cử Trung ương về việc bầu các đại biểu Duma dựa hoàn toàn trên sự giới thiệu từ các vùng, chấm dứt một nửa các cuộc bầu cử đại biểu tại các đơn vị chỉ bầu một người. </s>
Ngày 25 tháng 4 năm 2005, Putin đã gây ra một số cuộc tranh luận, khi trong một bài phát biểu trước Quốc hội, được phát trên truyền hình quốc gia đã coi sự sụp đổ của Liên bang Xô viết như là "thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ." Lời nói này được phương Tây và một số nước xung quanh nhìn nhận với thái độ chỉ trích; sau này Putin đã nói rõ rằng ông không hẳn ca ngợi Liên bang Xô viết cũ mà chỉ muốn nhấn mạnh tới ảnh hưởng mạnh mẽ của sự sụp đổ này trên thế giới, đặc biệt với kinh tế và đời sống người dân từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và sự dịch chuyển dân cư một phần gây ra từ tình cảm chống Nga tại nhiều nước cộng hòa đó. Trước năm 2005, ngày kỉ niệm Cách mạng tháng Mười 7/11 hàng năm là ngày nghỉ lễ trên toàn nước Nga. Tuy nhiên Putin đã bãi bỏ điều này và kể từ năm 2005 trở đi, ngày 7/11 tại Nga chỉ còn là một ngày đi làm bình thường. </s>
Một trong những khía cạnh gây tranh luận nhiều nhất trong nhiệm kỳ thứ hai của Putin là việc truy tố người giàu nhất nước Nga, Mikhail Khodorkovsky, Chủ tịch công ty dầu mỏ Yukos. Trong khi đa phần phương tiện truyền thông quốc tế coi đó là một hành động chống lại một người từng cung cấp tài chính cho các đối thủ chính trị của Kremlin, chính phủ Nga tuyên bố rằng Khodorkovsky trên thực tế đã thực hiện hành vi mua chuộc phần lớn đại biểu Hạ viện Nga, ngăn chặn việc đưa ra những sửa đổi về thuế nhằm kiếm lợi ích riêng. Chắc chắn rằng, những vụ tư nhân hóa trước đó, gồm cả việc tư nhân hoá Yukos, đều được coi là có sự gian dối (Yukos, được định giá 30 tỷ dollar năm 2004, từng được định giá bán cho Khodorkovsky chỉ có 110 triệu dollar), và giống như những nhóm chính trị đầu sỏ khác, cái tên Yukos-Menatep luôn gắn liền với những lời buộc tội có liên quan tới các tổ chức tội phạm. Những đầu sỏ tài phiệt khác, từng thiết lập được quan hệ tốt với Kremlin, như Roman Abramovich và Vladimir Potanin, không bị đặt vấn đề nghi vấn tài sản ở mức độ như vậy. </s>
Khi nhiệm kỳ thứ 2 sắp kết thúc, nhiều người đã đề nghị sửa đổi Hiến pháp Nga để cho phép Putin ra tranh cử Tổng thống lần thứ 3. Tuy nhiên ông đã từ chối điều này và tuyên bố dù không ở cương vị tổng thống, ông vẫn muốn có ảnh hưởng đến tình hình chính trị của nước Nga. Trong cuộc bầu cử Duma năm 2007, Đảng Nước Nga Thống nhất (Единая Россия) do ông đứng đầu đã chiến thắng với 64,5% số phiếu ủng hộ, qua đó để ngỏ khả năng ông lên làm Thủ tướng hoặc Chủ tịch Duma. Ngày 10 tháng 12 năm 2007, Putin tuyên bố ủng hộ Phó thủ tướng Dmitry Medvedev trở thành người kế nhiệm mình. Ngay lập tức, Dmitry Medvedev đề nghị Putin trờ thành thủ tướng nếu ông trúng cử Tổng thống. Ngày 17 tháng 12, Putin tuyên bố đồng ý nắm chức thủ tướng sau cuộc bầu cử năm tới. </s>
Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cảnh báo rằng nước Nga có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng thấp do Điện Kremlin không thực hiện các cải cách trong khi giá dầu vẫn ở mức cao. Ulyukayev đã dự báo mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của Nga chỉ khoảng từ 2,5% - 3,0% từ nay cho đến tận năm 2025. Khu vực dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga chiếm tới gần 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 30% tổng thu nhập ngân sách quốc gia. Ngoài ra, bộ máy hành chính cồng kềnh, quan liêu ngày càng phình to và chi tiêu quốc gia thiếu hiệu quả cũng là những nhân tố cản trở tới mức tăng trưởng. </s>
Vào ngày 4 tháng 3 năm 2012, Putin đắc cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 3, với 63,6% số phiếu bầu. Phe đối lập với ông đã liên tục cáo buộc bầu cử bị gian lận. Nhiều cuộc biểu tình chống Putin đã diễn ra ngay trong và sau chiến dịch tranh cử tổng thống. Khoảng 20.000 người đã tụ tập tại Moscow vào ngày 6 tháng 5 để phản đối việc Putin nắm quyền tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa. Đã xảy ra đụng độ, khoảng 30 cảnh sát bị thương và hàng trăm người bị bắt. Một cuộc tập hợp của 130.000 người ủng hộ Putin cũng diễn ra khi ông phát biểu tại sân vận động Luzhinki ở Moscow, tuy vậy có những thông tin cho rằng một số người trong số đó là lao động do chủ cử đến, hoặc nhận tiền để đến, một số khác thì cho biết rằng họ tham gia vì lầm tưởng rằng đây là một lễ hội dân gian nào đó chứ không hề có ý tới để ủng hộ cho ông Putin </s>
Vào năm 2014, quân đội Nga đã thực hiện một số cuộc xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Ucraina. Sau cuộc biểu tình Euromaidan và sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Ucraina Viktor Yanukovych, lực lượng vũ trang đặc biệt của Nga đã nhanh chóng kiểm soát các vị trí chiến lược và cơ sở hạ tầng trong phạm vi lãnh thổ Ukraine của Crimea. Nga sau đó đã sát nhập Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý, khi mà người dân Crimea bỏ phiếu sáp nhập vùng lãnh thổ này vào Liên bang Nga. Sau đó, các cuộc biểu tình của các nhóm thân Nga ở vùng Donbass của Ucraina đã leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang giữa chính phủ Ucraina và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn tại Donetsk và Lugansk. Các quốc gia phương Tây và các tổ chức như Tổ chức Ân xá quốc tế đã lên án Nga vì những hành động của họ ở Ukraine sau cuộc cách mạng, cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm chủ quyền của Ucraina. Nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết tuyên bố rằng cuộc trưng cầu dân ý không hợp lệ, và sự sáp nhập Crimea vào Nga là bất hợp pháp. </s>
Các động thái của Putin đối với vấn đề Ukraine hoàn toàn mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của ông ta (vào năm 2008, chính Putin đã từng khẳng định rằng Crimea là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Ukraine và tuyên bố Nga không hề có ý định xâm phạm chủ quyền của Ukraine) . Giữa năm 2014, tỷ lệ ủng hộ ông Putin đã tăng vọt sau khi Nga sáp nhập Crimea. Với sự kiện sáp nhập Crimea, người dân Nga đã lại có cơ hội để nhớ về vị trí siêu cường như trước đây. Theo TASS, kết quả khảo sát của hãng điều tra VTSIOM công bố ngày 3/8/2017 cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Vladimir Putin ở cương vị Tổng thống Nga là 83,5% vào cuối tháng 7/2017. </s>
Cuối 2014, Nga lâm vào cuộc cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc dẫn tới sự suy giảm nhanh chóng giá trị của đồng rúp Nga đối với các đồng tiền khác trong năm 2014 và suy thoái trong nền kinh tế Nga. Hai trong số những yếu tố chính góp phần vào sự suy giảm kinh tế Nga là do việc các nước phương Tây áp đặt trừng phạt kinh tế do sự can thiệp quân sự của Nga ở Ukraina và việc giảm giá của dầu thô, là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Nga, giảm giá gần 50% so với mức cao của năm trong tháng 6 năm 2014 đến ngày 16 tháng 12 năm 2014.. Khủng hoảng này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga, bao gồm cả người tiêu dùng và các công ty, cũng như có một tác động tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu. Thực tế đã cho thấy, chính người dân Nga đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của những biện pháp trừng phạt này mang lại. Lệnh cấm vận của Phương Tây cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất và tiêu dùng của Nga. Việc giá cả sẽ tăng do tình trạng thiếu hụt và lạm phát tăng, dẫn đến tiết kiệm giảm, tiền lương giảm và thất nghiệp gia tăng, hệ quả là chất lượng cuộc sống của người dân Nga giảm sút, đặc biệt là các gia đình trung lưu và những người Nga nghèo. </s>
Theo báo Pravda của Nga cho là Quỹ Dân chủ Mỹ (NED - National Endowment for Democracy) có mặt trên khắp đất nước Nga, thâm nhập vào diễn biến chính trị ở Nga hiện nay, giúp đỡ "trung tâm tin tức quốc tế" đặt tại Moskva để hơn 80 tổ chức phi chính phủ xuyên quốc gia có thể tận dụng "trung tâm tin tức" này để tổ chức họp báo về các vấn đề. Tổ chức này cũng tài trợ cho nhiều tổ chức thanh niên và các buổi thảo luận dưới nhiều hình thức khác nhau với mục đích "bồi dưỡng thế hệ lãnh đạo mới cho đất nước Nga". Chỉ trong năm 2010, NED tiêu tốn 278.300 USD để tài trợ cho hàng chục chương trình như thế này trên khắp đất nước Nga. Theo học giả người Mỹ Frederick William Engdahl qua trích dẫn bởi báo Đất Việt thì "Washington không muốn Moscow xuất hiện kẻ mạnh. Sự trở lại của Putin sẽ trở thành chướng ngại lớn nhất của Mỹ và châu Âu... Đối với Washington, nước Nga có dân chủ thật sự hay không không quan trọng. Quan trọng nhất là phải lật đổ chướng ngại vật lớn nhất ngăn cản kế hoạch của Mỹ - Putin". </s>
Năm 2006, Chính phủ Nga đã quyết định cấm hoạt động tổ chức Giám sát nhân quyền, Ân xá quốc tế, Viện Cộng hòa quốc tế... cùng hơn 90 tổ chức phi chính phủ (NGO). Một trong những nguyên nhân chính là sự can thiệp vào nội bộ Nga của vài tổ chức thuộc NGO. Tuy gọi là “phi chính phủ” nhưng các tổ chức thuộc dạng này ngày càng liên hệ chặt chẽ với chính phủ nhiều nước, thậm chí hiện diện trong các chiến dịch tranh cử chứ không đơn thuần hoạt động nhân đạo. Tờ The Economist đã đưa ra câu hỏi rằng liệu có phải vài NGO là bù nhìn của (một số) chính phủ. Một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng bùng nổ NGO trong vài năm gần đây là sự tài trợ từ các chính phủ phương Tây </s>
Năm 2013, nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã ra bộ luật cấm mọi hình thức tuyên truyền về đồng tính luyến ái và hôn nhân đồng tính. Bộ luật cấm những sự kiện cổ vũ cho người đồng tính, quy định việc cung cấp những thông tin “tuyên truyền việc về đồng tính nữ, lưỡng tính và chuyển giới” cho trẻ vị thành niên là phạm pháp, đồng thời các sự kiện cổ vũ cho quan hệ đồng tính cũng bị cấm. Đây là một nỗ lực nhằm tuyên dương những giá trị truyền thống của nước Nga và chống lại trào lưu cổ vũ đồng tính luyến ái, đòi hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính đến từ các nước phương Tây, mà Chính phủ Nga tin rằng đang làm băng hoại giới trẻ và phá hủy nền tảng luân lý gia đình của nước Nga, khiến nước Nga suy yếu Bộ luật cấm tuyên truyền đồng tính đã được Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) thông qua với số phiếu tuyệt đối 436 thuận - 0 phiếu chống, và 88% người dân Nga được phỏng vấn đã bày tỏ ủng hộ đối với lệnh cấm Bên cạnh đó, từ năm 2015, Chính quyền thành phố Moskva và quốc hội Nga đã đề ra Ngày tình yêu gia đình để tập hợp các chiến dịch tuyên truyền bảo vệ giá trị gia đình truyền thống, ngăn chặn sự truyền bá của các nhóm hoạt động đồng tính, các tổ chức phi chính phủ đòi hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. </s>
Tổng thống Nga Vladimir Putin lý giải: "Vấn đề đồng tính ở Nga đã được cố tình phóng đại từ bên ngoài vì những lý do chính trị, và tôi tin rằng, đó không phải là những mục đích tốt... Tôi không thấy bất cứ điều gì phản dân chủ trong hành vi pháp lý này. Tôi tin rằng chúng ta nên để trẻ em sống trong yên bình. Chúng ta cần phải cung cấp cho trẻ em một cơ hội để phát triển, giúp trẻ em nhận ra mình là ai và có quyền đưa ra quyết định cho mình. Trẻ em muốn sống trong một cuộc hôn nhân tự nhiên bình thường hay là một cuộc hôn nhân phi truyền thống? Đó là điều duy nhất tôi muốn nói" Putin cho biết chính sách cấm đồng tính luyến ái là vấn đề quan trọng cho việc duy trì dân số đất nước: "Người châu Âu đang chết dần (do già hóa dân số)... và hôn nhân đồng tính không thể tạo ra trẻ em", "chúng tôi có sự lựa chọn cho riêng chúng tôi (nước Nga), và chúng tôi đã làm thế vì đất nước của chúng tôi". </s>
Trong chiến dịch vận động bầu cử Duma mùa thu năm 1999, các phương tiện truyền thông đại chúng do Kremlin kiểm soát hoặc có liên minh với họ đã cáo buộc các đối thủ chính của Putin không cương quyết với chủ nghĩa khủng bố. Khi đã lên nắm quyền tổng thống ngày 31 tháng 12 năm 1999, Putin đã thực hiện một cuộc viếng thăm chưa từng có tới doanh trại quân đội Nga ở Chechnya; một trong những hình ảnh sớm nhất mà dân chúng Nga thấy được là vị tổng thống tạm quyền của họ đang giới thiệu những con dao săn cho các binh sĩ. Suốt mùa đông năm 1999, chính phủ Putin thường xuyên tuyên bố thắng lợi đã ở gần tầm tay. Quân đội Nga đã chiếm được thủ đô Grozny, sau một cuộc vây hãm từ cuối năm 1999 đến tháng 2 năm 2000. </s>
Putin đã làm nhiều người theo chủ nghĩa quốc gia Nga và cả bộ trưởng quốc phòng của ông bất ngờ, khi ngay sau Các vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Hoa Kỳ, đồng ý thành lập các căn cứ quân sự liên minh tại Trung Á trước và trong khi diễn ra cuộc tấn công quân sự do Mỹ tiến hành vào Afghanistan. Những người theo chủ nghĩa quốc gia Nga phản đối bất kỳ sự hiện diện quân sự Hoa Kỳ nào tại lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ, và đã hy vọng rằng Putin sẽ giữ người Mỹ bên ngoài các nước cộng hòa Trung Á, hay ít nhất buộc Washington phải đảm bảo rút quân ngay lập tức khi hoàn thành sứ mệnh. Mặt khác, Putin ủng hộ cuộc chiến tranh chống khủng bố của chính phủ Hoa Kỳ , và đã bày tỏ sự chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân của vụ khủng bố kinh hoàng tại Mỹ. </s>
Trong cuộc Khủng hoảng Iraq năm 2003, Putin phản đối hành động xâm lược Iraq của Washington khi chưa có một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho phép rõ ràng một sự sử dụng quân sự như vậy. Sau cuộc chiến này được chính thức tuyên bố kết thúc, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã yêu cầu Liên hiệp quốc dỡ bỏ lệnh cấm vận Iraq. Putin ủng hộ thực hiện việc này theo đúng trình tự, cho rằng phái bộ Liên hiệp quốc đầu tiên phải có cơ hội hoàn thành công việc tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq. </s>
Năm 2008, Putin đem quân can thiệp vào cuộc nội chiến tại Gruzia, ủng hộ hai tỉnh Nam Ossetia và Abkhazia ly khai khỏi quốc gia này. Hành động can thiệp quân sự này của Nga bị cộng đồng quốc tế, nhất là các nước Phương Tây phản đối quyết liệt. Vào ngày 26 tháng 8 năm 2008, trong khoảng thời gian đình chiến, Nga đã chính thức công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia. Gruzia bác bỏ hoàn toàn động thái này để bảo toàn sự toàn vẹn lãnh thổ của họ; một số quốc gia phương Tây như Hoa Kỳ và Đức cũng phản đối quyết định này và cho rằng nó vi phạm luật pháp quốc tế. Toàn bộ 7 nước thuộc khối G7 cũng lên án Nga đang xâm phạm quyền toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia khi công nhận nền độc lập tại hai tỉnh ly khai Nam Ossetia và Abkhazia của Gruzia.. 189 trên tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc (ngoại trừ Nga, Venezuela, Nicaragua, và Nauru) cũng không công nhận nền độc lập của Nam Ossetia mà vẫn tiếp tục xem lãnh thổ này là một bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Gruzia . </s>
Vợ Putin là Lyudmila Putina, một cựu tiếp viên hàng không và giáo viên dạy tiếng Đức, sinh tại Kaliningrad, (trước kia là Königsberg). Họ có hai con gái, Maria (sinh 1985) và Yekaterina (Katya) (sinh 1986 tại Dresden). Hai người theo học Trường Đức tại Moskva (Deutsche Schule Moskau) cho tới khi ông được chỉ định làm thủ tướng. Tin ngày 7.6.2013 trên BBC cho biết, Putin và vợ đã tuyên bố ly dị sau gần 30 năm chung sống. Ngày 02.04.2014, phát ngôn viên của Putin, ông Dmitri Peskow, loan báo ở Moskva 2 người đã chính thức ly dị. </s>
Putin là một thành viên của Giáo hội Chính thống giáo Nga. Cha của ông là một "người vô thần hăng hái" nhưng mẹ ông là một "tín hữu Chính thống giáo nhiệt thành". Dù bà không giữ các bức linh ảnh tại nhà nhưng bà dự lễ nhà thờ thường xuyên, bất chấp việc chính quyền Xô viết đàn áp Giáo hội khi đó. Bà đảm bảo cho việc Putin được báp têm hồi nhỏ và thường đưa ông đi dự lễ. Cha ông biết điều này nhưng phớt lờ đi. Theo tự sự của Putin, sự chấn hưng cảm thức tôn giáo của ông diễn ra sau tai nạn xe hơi nghiêm trọng của vợ năm 1993 và càng sâu sắc hơn sau một đám cháy lớn nguy hiểm tới tính mạng tại ngôi nhà vùng nông thôn dacha của ông vào tháng 8 năm 1996. </s>
Theo một cuộc khảo sát vào năm 2015 của Gallup về mức độ được yêu thích của các nhà lãnh đạo trên thế giới, tỉ lệ ủng hộ của Putin trên toàn cầu là 33% (trong khi tỉ lệ không ủng hộ lên tới 43%), thua xa mức độ yêu thích mà nhân dân trên toàn thế giới giành cho Tổng thống Mỹ Barack Obama (với tỉ lệ ủng hộ 53% và tỉ lệ không ủng hộ là 29%).. Việt Nam là một trong số những nước có tỉ lệ ủng hộ giành cho Putin cao nhất (76%) song con số này vẫn kém hon so với mức ủng hộ mà người Việt giành cho ông Obama (80%). Tuy nhiên nếu xét về quan điểm trong nước, tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ ông Obama chỉ ở mức 12% trong khi tỷ lệ người dân Nga ủng hộ ông Putin đạt tới 72%. </s>
Trong bản tường trình thường niên của Tổ chức Quan sát Nhân quyền Quốc tế công bố ngày 31/01/2008, họ cho rằng nước Nga là quốc gia thứ sáu đang có khuynh hướng đi về thể chế độc tài cùng với các nước Pakistan, Kenya, Nigeria, Thái Lan và Bahrain. Giám đốc Human Rights Watch là ông Kenneth Roth nói: "Nước Nga, giống hệt như Kenya, Pakistan hay Nigeria - đang khoác lên mình chiếc áo choàng dân chủ cho những cuộc bầu cử. Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, nước Nga có các cuộc bầu cử như vừa qua đã là tốt lắm, để cố tình bỏ qua vấn đề cốt lõi: dân chủ đòi hỏi bầu cử tự do nhưng bên cạnh đó phải có báo chí tự do, quyền được biểu tình, hội họp và một xã hội dân sự". </s>
Putin chú trọng phát triển các chương trình xã hội để giành tình cảm của dân chúng hơn là đầu tư vào nền kinh tế. Toàn bộ chính sách kinh tế chủ yếu dựa vào bán dầu mỏ và khí đốt.[cần dẫn nguồn] Có nhận định cho rằng Ánh hào quang uy tín, tài năng của Putin tạo nên nhờ giai đoạn giá dầu tăng vọt đã bắt đầu suy giảm rõ rệt qua thăm dò dư luận. Nội các của Putin đang đối đầu với nhiều nan đề từ hậu quả của việc giảm giá nguyên liệu là nguồn thu nhập chính yếu.[cần dẫn nguồn]. Theo một cuộc khảo sát vào năm 2016, chỉ 14% người Nga được hỏi tin rằng nền kinh tế Nga đang đi lên . </s>
Putin dành phần lớn thời gian rảnh để luyện tập.[cần dẫn nguồn] Một trong những môn thể thao ưa thích của Putin là môn võ nhu đạo (judo). Putin đã bắt đầu tập judo khi mới 13 tuổi và tiếp tục tập luyện tới tận ngày nay. Putin đã thắng trong những cuộc tỉ thí tại quê nhà Leningrad (hiện nay là Sankt-Peterburg), gồm cả giải vô địch dành cho trẻ em tại Leningrad. Ông là chủ tịch của Yawara Dojo, võ đường tại Sankt-Peterburg nơi ông từng luyện tập thời trẻ. Một cuốn sách do Putin đồng tác giả về môn thể thao ưa thích của mình, đã được xuất bản bằng tiếng Anh với tựa đề Judo: Lịch sử, Lý thuyết, Thực hành. </s>
Putin ngày 14 tháng 10 năm 2009, đưa ra đề nghị là Trung Quốc, các nước Trung Á và Nga nên tổ chức một cuộc thi hát hàng năm để có thể gia tăng các mối liên lạc văn hóa. Putin cũng đề nghị là cuộc thi hát này có thể được gọi là "Intervision" để đối đầu với cuộc thi hát nổi tiếng thường niên của lục địa châu Âu mang tên Eurovision. Một cuộc thi như vậy sẽ cho thấy các nam, nữ ca sĩ Trung Quốc tranh tài với các ca sĩ Uzbeek, Tadjik, Kazakh, Nga và Kyrgyzstan. Thông tấn xã Interfax tường thuật lời của Putin, nói thêm là: "Việc tổ chức một cuộc thi hát quốc tế hiện đại, Intervision, sẽ củng cố các mối liên lạc văn hóa giữa các nước chúng ta." Cuộc thi hát hàng năm của lục địa châu Âu, Eurovision, được khởi đầu từ năm 1956, đã thu hút mỗi lần cả trăm triệu khán giả truyền hình, không những của lục địa châu Âu, mà cả của thế giới nữa. Moskva cũng sau đó tổ chức cuộc thi hát Eurovision 2009 này, vào tháng 5 năm 2008. </s>
Putin có sở thích là cởi trần khi đi dã ngoại. Vào đầu tháng 8 năm 2009, Putin đã gây sự chú ý thường chỉ dành cho các anh hùng các loại phim hành động ở Hollywood khi điện Kremlin công bố hình ảnh ông câu cá, bơi lội, chèo thuyền và cưỡi ngựa trong lúc cởi trần khoe ngực trong vùng núi Siberi và được các cơ quan truyền thông thế giới sử dụng tối đa. Trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi đến vùng đồng cỏ và sông suối ở Cộng hòa Tuva thuộc Nga, vị thủ tướng đã cởi áo để bổ củi, cưỡi ngựa và bơi bướm dưới suối, tất cả để cho các máy hình của chính phủ tha hồ chụp. </s>
Hai đài truyền hình nhà nước Nga đã loan tải hình ảnh những giờ phút hưởng nhàn của Putin vào tối ngày 4 tháng 8, và chỉ trong vài giờ, tất cả mọi cơ quan truyền thông thế giới, từ đài BBC cho đến các tờ báo lá cải đều vội vã khai thác, một phần cũng vì có sự hấp dẫn trong một tháng bị chậm tin - tháng 8 thường là tháng ít tin nhất trong năm. Giới truyền thông Tây Phương có vẻ bị lôi cuốn bởi hình ảnh là một cựu trung tá tình báo KGB nói năng cứng rắn, được coi là sức mạnh cầm quyền thực sự đằng sau cái ngai của Tổng thống Dmitry Medvedev, lại cởi áo khoe hầu như hết cả, cho quần chúng ngưỡng mộ. </s>
Và việc cởi áo khoe thân hình của Putin có vẻ cũng cho thấy ông nay đã đứng cùng hàng ngũ với các chính trị gia thế giới được truyền thông săn đuổi, như Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Ngay cả trang web chuyên bàn tán đời tư giới tài tử Hollywoood cũng nhập cuộc, bằng cách diễu cợt ngực của vị thủ tướng. "Người đàn ông 56 tuổi này đã khoe võ khí hủy diệt của mình, còn được gọi là cặp vú, bằng cách cưỡi ngựa khi cởi trần lúc đang đi nghỉ ở Siberi." Tờ National Post ở Canada tường thuật rằng Putin "rõ ràng là khoái được chụp hình... Những hình ảnh này có nhiều và người cựu nhân viên KGB này rất dễ dàng để cho ra một cuốn lịch của mình." </s>
Putin mang tiếng là thường xuyên trễ giờ, thậm chí là cả cuộc hẹn với các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo tôn giáo. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu thường phải đợi ông trên dưới một tiếng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phải đi dạo ở Quảng trường Đỏ ba giờ để được gặp Putin, còn cựu Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych thậm chí từng phải đợi bốn giờ. Hai lần hội kiến Giáo hoàng Phanxicô ông cũng đều đi trễ. Danh sách những người từng phải đợi Putin khi hội họp còn có cả các nữ chính khách như Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hay Thủ tướng Đức Angela Merkel. </s>