text
stringlengths
59
2.13k
Tuy nhiên vào tháng 5 năm 1919, một đội các nhà thiên văn học do Arthur Stanley Eddington dẫn đầu đã xác nhận rằng tiên đoán của Einstein về sự bẻ cong của tia sáng do hấp dẫn của Mặt Trời trong khi chụp các bức ảnh trong quá trình nhật thực tại Príncipe, một hòn đảo nằm phía tây châu Phi đồng thời với một đoàn thám hiểm ở Sobral, phía bắc Brasil. Nobel gia Max Born tán dương thuyết tương đối tổng quát như là "một kỳ công lớn nhất của tư duy con người về tự nhiên"; và Nobel gia người Anh Paul Dirac nói "nó có thể là khám phá khoa học lớn nhất đã từng được phát hiện". Các phương tiện thông tin quốc tế lan truyền khám phá này khiến Einstein trở nên nổi tiếng khắp thế giới. </s>
Đã có những ý kiến cho rằng việc kiểm tra lại các bức ảnh của đoàn thám hiểm Eddington cho thấy độ lớn sai số của thí nghiệm bằng với kết quả thu được từ hiệu ứng mà Eddington đã đo để chứng minh, và đoàn thám hiểm người Anh năm 1962 đã kết luận là phương pháp đã đo là không đủ tin cậy. Sự bẻ cong của tia sáng trong quá trình nhật thực đã được xác nhận bởi các quan sát chính xác hơn sau đó. Về sau, nhiều thí nghiệm sau này đã xác nhận các tiên đoán của thuyết tương đối rộng. Cùng với sự mới nổi tiếng của Einstein, nhiều nhà khoa học Đức thời đó đã có những động thái để chống lại Einstein cũng như các công trình của ông. </s>
Năm 1916, Einstein dự đoán tồn tại sóng hấp dẫn, những gợn sóng hình thành từ độ cong của không thời gian mà lan truyền từ nguồn ra bên ngoài như các sóng, chúng mang theo năng lượng dưới dạng bức xạ hấp dẫn. Sự tồn tại của sóng hấp dẫn theo khuôn khổ của thuyết tương đối tổng quát là do bất biến Lorentz đưa đến hệ quả của vận tốc lan truyền hữu hạn đối với các tương tác vật lý mà hấp dẫn tham gia. Ngược lại, sóng hấp dẫn không thể tồn tại trong lý thuyết hấp dẫn của Newton, khi cho rằng tương tác hấp dẫn lan truyền một cách tức thì hay với vận tốc lớn vô hạn. </s>
Sự phát hiện ra sóng hấp dẫn lần đầu tiên, một cách gián tiếp, đến từ những quan sát trong thập niên 1970 về cặp sao neutron quay trên quỹ đạo hẹp quanh nhau, PSR B1913+16. Quan sát cho thấy chu kỳ quỹ đạo của hệ giảm dần chứng tỏ hệ đang phát ra sóng hấp dẫn đúng như miêu tả của thuyết tương đối rộng. Dự đoán của Einstein đã được xác nhận vào ngày 11 tháng 2 năm 2016, khi các nhà khoa học thuộc nhóm LIGO công bố đã đo được trực tiếp sóng hấp dẫn lần đầu tiên, vào ngày 14 tháng 9 năm 2015, gần một trăm năm sau ngày ông đăng bài báo về sóng hấp dẫn. </s>
Năm 1917, Einstein đã áp dụng thuyết tương đối rộng cho mô hình cấu trúc của vũ trụ trên toàn bộ. Theo dòng suy nghĩ đương thời, ông muốn vũ trụ là vĩnh hằng và bất biến, nhưng trong thuyết mới của ông, sau một thời gian dài lực hấp dẫn có thể hút vật chất về nhau dẫn tới vũ trụ co lại. Để sửa điều này, Einstein đã thay đổi nhỏ thuyết tương đối tổng quát bằng cách đưa ra một khái niệm mới, hằng số vũ trụ học. Với một hằng số vũ trụ dương, cân bằng chống lại lực hấp dẫn, vũ trụ có thể là quả cầu tĩnh vĩnh hằng </s>
Năm 1917, tại đỉnh cao của công việc nghiên cứu thuyết tương đối, Einstein xuất bản một bài báo trong ''Physikalische Zeitschrift đề xuất khả năng tồn tại phát xạ kích thích, một quá trình vật lý giúp hiện thực được maser và laser. Bài báo này chỉ ra rằng tính thống kê của sự hấp thụ và bức xạ ánh sáng chỉ có thể phù hợp với định luật phân bố Planck khi sự bức xạ của ánh sáng trong một chế độ với n photon sẽ gần với tính thống kê hơn so với sự bức xạ của ánh sáng trong chế độ không có photon. Bài báo này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển sau này của cơ học lượng tử, bởi vì nó là bài báo đầu tiên chỉ ra tính thống kê của sự chuyển dịch trạng thái nguyên tử tuân theo những định luật đơn giản. Einstein đã phát hiện ra nghiên cứu của Louis de Broglie, và đã ủng hộ những ý tưởng của ông, khi Einstein lần đầu tiên nhận được những ý tưởng phác thảo này. Một bài báo lớn khác trong thời kì này, Einstein đã viết ra phương trình sóng cho các sóng de Broglie, trong đó Einstein đã đề xuất từ phương trình Hamilton–Jacobi của cơ học. Bài báo này đã khích lệ các nghiên cứu của Schrödinger năm 1926. </s>
Năm 1924, Einstein nhận được một miêu tả về mô hình thống kê từ nhà vật lý người Ấn Độ Satyendra Nath Bose, trên cơ sở một phương pháp đếm với giả sử ánh sáng có thể được hiểu là khí của các hạt không thể phân biệt được. Einstein chú ý tới rằng thống kê của Bose có thể áp dụng cho một số nguyên tử có tính chất tương tự các hạt ánh sáng được đề xuất, và ông gửi bản dịch bài báo của Bose tới tạp chí Zeitschrift für Physik. Einstein cũng tự viết các bài báo miêu tả mô hình thống kê này và những hệ quả của nó, bao gồm hiện tượng ngưng tụ Bose-Einstein mà trong một số trường hợp đặc biệt có thể xuất hiện tại nhiệt độ rất thấp.. Cho đến tận năm 1995, vật chất ngưng tụ lần đầu tiên đã được tạo ra bằng thực nghiệm bởi Eric Allin Cornell và Carl Wieman nhờ sử dụng các thiết bị siêu lạnh được lắp đặt tại NIST–phòng thí nghiệm JILA tại Đại học Colorado ở Boulder. Thống kê Bose-Einstein bây giờ được sử dụng để miêu tả hành xử của những hạt có spin nguyên, các boson. Những phác thảo của Einstein cho nghiên cứu này có thể xem tại "Einstein Archive" trong thư viện của đại học Leiden. </s>
Thuyết tương đối rộng bao gồm một không thời gian động lực, do vậy nó rất khó để tìm cách thống nhất các đại lượng bảo toàn năng lượng và động lượng. Định lý Noether cho phép những đại lượng được xác định từ hàm Lagrangian với bất biến tịnh tiến, nhưng hiệp biến tổng quát làm cho bất biến tịnh tiến trở thành một phần của đối xứng gauge. Tenxơ ứng suất - năng lượng trong phương trình trường Einstein không chứa năng lượng trường hấp dẫn, bởi vì theo nguyên lý tương đương bằng việc lựa chọn hệ quy chiếu cục bộ thích hợp, trường hấp dẫn sẽ biết mất. Năng lượng và động lượng bao hàm cả năng lượng hấp dẫn được dẫn ra từ thuyết tương đối rộng theo định lý Noether không phải là một tenxơ thực vì lý do như vậy. </s>
Tiếp theo nghiên cứu của ông về thuyết tương đối tổng quát, Einstein bắt tay vào chuỗi những cố gắng để tổng quát hóa lý thuyết hình học của ông về hấp dẫn, cho phép kết hợp được với tương tác điện từ. Năm 1950, ông miêu tả "thuyết trường thống nhất" của ông trong tạp chí Scientific American với tiêu đề "Về lý thuyết tổng quát của hấp dẫn". Mặc dù ông tiếp tục được ca ngợi cho các công trình của ông, Einstein đã dần dần bị đơn độc trong con đường nghiên cứu thuyết thống nhất này, và những nỗ lực của ông đã hoàn toàn bị thất bại. </s>
Trong việc theo đuổi một lý thuyết thống nhất các lực cơ bản của tự nhiên, Einstein đã bỏ qua một số hướng phát triển chính của vật lý thời đó, điển hình nhất là việc nghiên cứu các lực hạt nhân mạnh và lực hạt nhân yếu, chúng chưa được hiểu triệt để cho đến tận nhiều năm sau khi ông mất. Mặt khác, các xu hướng vật lý lại chủ yếu bỏ qua các phương pháp tiếp cận của ông đối với lý thuyết thống nhất; với cơ học lượng tử là khuôn khổ chính, lý thuyết mà ông không chấp nhận hoàn toàn về tính mô tả thực tại của nó. Giấc mơ của Einstein để thống nhất mọi định luật vật lý khác với hấp dẫn đã thôi thúc một cuộc tìm kiếm hiện đại cho một lý thuyết của mọi vật và đặc biệt là thuyết dây, trong đấy các trường hình học được kết hợp với lý thuyết trường lượng tử hay hấp dẫn lượng tử. </s>
Einstein và De Haas đã chứng tỏ rằng sự từ hóa là do chuyển động của các electron mà ngày nay được biết là spin. Để chỉ ra điều này, họ đảo ngược sự từ hóa trong một thanh thép treo trên một con lắc xoắn. Hai người quan sát thấy rằng thanh thép bị quay đi một góc, bởi vì mô men động lượng của electron bị thay đổi khi thay đổi sự từ hóa. Thí nghiệm này cần sự tinh tế, bởi vì mô men động lượng gắn với electron là nhỏ, nhưng nó cũng đủ để chứng minh chuyển động của electron vì một lý do nào đó ảnh hưởng đến sự từ hóa. </s>
Tuy nhiên, bước sang tuổi 13, ông được học bản sonata vĩ cầm của Mozart. "Einstein trở nên yêu thích" âm nhạc Mozart, Botstein viết, và học chơi vĩ cầm một cách tự nguyện hơn. Theo Einstein, ông tự học chơi đàn bằng cách "thực hành có hệ thống", và nói rằng "say mê là một người thầy tốt hơn ý thức trách nhiệm." Khi 17 tuổi, ông trình bày bản sonata vĩ cầm của Beethoven trong một kỳ kiểm tra âm nhạc ở Aarau, và giáo viên chấm điểm đã nhận xét khi ông kết thúc là "xuất sắc và thể hiện nội dung tuyệt vời." Điều gây ấn tượng cho người giáo viên là, theo Botstein, Einstein "thể hiện sâu sắc tình yêu âm nhạc, một phẩm chất vẫn còn đang được hình thành. Âm nhạc có một ý nghĩa kỳ lạ đối với sinh viên này." </s>
Botstein lưu ý rằng âm nhạc đảm nhận một vai trò quan trọng và lâu dài trong cuộc sống kể từ thời gian đó của Einstein. Mặc dù chưa lúc nào ông nghĩ rằng sẽ theo đuổi sự nghiệp âm nhạc, nhưng ông thường tham gia chơi nhạc thính phòng với một vài nghệ sĩ, thường trình diễn cho nhóm vài người bạn. Âm nhạc thính phòng là một phần trong cuộc sống của ông khi còn ở Bern, Zurich, và Berlin, nơi ông chơi nhạc cùng Max Planck và những người khác. Năm 1931, trong thời gian đến Viện Công nghệ California, ông đến thăm gia đình Zoellner ở Los Angeles và chơi một số bản nhạc của Beethoven và Mozart cùng với các thành viên của nhóm tứ tấu Zoellner. Einstein sau đó trao cho người đại diện gia đình một bức ảnh lưu niệm chụp ông cùng với chữ ký. Âm nhạc không chỉ là niềm vui thích mà còn giúp ông trong công việc. Bà Elsa nói "âm nhạc giúp ông khi đang suy nghĩ về các lý thuyết. Ông mải mê nghiên cứu, quay trở ra giải trí bằng đánh vài đoạn hợp âm piano, rồi tiếp tục trở lại công việc". </s>
Einstein là người ủng hộ chủ nghĩa xã hội và phê phán chủ nghĩa tư bản. Ông phản đối phong trào Quốc xã đang tăng lúc bấy giờ và sau đó cố gắng lên tiếng giảm bớt sự náo động của việc hình thành nước Israel. Fred Jerome trong quyển Quan điểm của Einstein về nhà nước Israel và chủ nghĩa phục quốc Do Thái cho rằng Einstein là một nhà văn hóa phục quốc Do Thái, người ủng hộ ý tưởng về một tổ quốc Do Thái nhưng phản đối việc hình thành một nhà nước Do Thái ở Palestine "với đường biên giới, quân đội, và một hệ thống pháp quyền riêng." Thay vào đó, ông ủng hộ một nhà nước liên bang gồm 2 quốc gia với "cơ cấu chức năng liên tục, hỗn hợp, quản trị, kinh tế, và xã hội." </s>
Trong cuộc Cách mạng tháng 11 ở Đức, Einstein đã ký vào một kháng nghị làm tiền đề cho đại hội tự do và dân chủ toàn quốc, được công bố ở tờ tin tức Berliner Tageblatt vào ngày 16 tháng 11 năm 1918 và ông trở thành đảng viên của Đảng Dân chủ Đức. Sau Thế chiến thứ II, khi sự thù hằn giữa các nước đồng minh cũ trở nên căng thẳng, Einstein viết, "Tôi không biết Chiến tranh Thế giới lần thứ III người ta sẽ dùng vũ khí gì, nhưng tôi có thể nói với bạn con người có thể sử dụng vũ khí gì ở Chiến tranh Thế giới thứ IV - đá! Einstein 1949 Cùng với With Albert Schweitzer và Bertrand Russell, Einstein đã vận động để dừng việc thử nghiệm hạt nhân và bom trong tương lai. Trước lúc mất, Einstein đã ký vào bản tuyên ngôn Russell–Einstein, mà sau đó đã dẫn tới hội nghị Pugwash về Khoa học và Hòa bình Thế giới. </s>
Trên nghi vấn của quan điểm khoa học (quyết định luận) dẫn tới câu hỏi về lập trường của Einstein về quyết định luận thần học, liệu ông có tin vào Chúa, hay vào một vị thần nào đó hay không. Năm 1929, Einstein đã nói với giáo sĩ Do Thái Herbert S. Goldstein rằng "Tôi tin vào Chúa của Spinoza, người mà biểu lộ chính mình trong nguyên lý hài hòa của thế giới, không phải là một vị Chúa có số mệnh và hành động của một con người. " Trong một bức thư năm 1954, ông viết, "Tôi không tin vào một Chúa nhân cách hóa và tôi không bao giờ phủ định điều này và tôi đã biểu thị điều đó một cách rõ ràng." Trong một bức thư gửi triết gia Erik Gutkind, Einstein nói rõ, "Danh từ Chúa đối với tôi không gì khác ngoài sự thể hiện và là sản phẩm của sự yếu đuối của loài người, Kinh thánh là tập hợp những điều đáng kính, nhưng vẫn còn nguyên sơ, huyền ảo tuy nhiên khá là ngây ngô." </s>
Tàu vũ trụ Voyager 1 là một tàu thăm dò vũ trụ rôbốt nặng 722-kilôgam (1,592 lb) hoạt động ở ngoài Hệ Mặt trời và xa hơn nữa, được phóng đi ngày 5 tháng 9 năm 1977. Nó vẫn nhận các lệnh điều khiển từ, và truyền thông tin về Trái Đất, hiện nó đang theo đuổi sứ mệnh mở rộng để định vị và nghiên cứu các biên giới của Hệ mặt trời, gồm cả vành đai Kuiper và phía ngoài. Nhiệm vụ đầu tiên của nó là tới thăm Sao Mộc và Sao Thổ; là nó là tàu vũ trụ đầu tiên cung cấp các hình ảnh chi tiết về các Mặt Trăng của hai hành tinh này. Con tàu này dùng năng lượng từ máy phát điện đồng vị phóng xạ. Nguồn phóng xạ được sử dụng là Plutonium (Pu). Do sự phân rã phóng xạ nên một ngày nào đó năng lượng sẽ bị cạn kiệt. </s>
Voyager 1 có ba máy phát nhiệt điện đồng vị phóng xạ (RTG) gắn trên một xà kim loại. Mỗi cái chứa 24 viên nén plutoni-238 ôxít hình cầu. Các cặp nhiệt điện silic-germani sẽ biến đổi nhiệt từ sự phân rã của plutoni-238 thành điện năng. Các máy phát RTG tạo ra khoảng 470 watt điện vào thời điểm phóng, phần điện dư được chuyển thành nhiệt và tỏa vào không gian. Lượng điện phát ra từ các máy phát RTG giảm dần theo thời gian (do chu kì bán rã 87.7 năm của plutoni-238 và sự suy giảm hiệu suất của các cặp nhiệt điện), nhưng các máy phát RTG sẽ vẫn tiếp tục phát đủ điện để duy trì hoạt động của tàu đến năm 2025. </s>
Hệ thống này bao gồm 2 camera. Một camera góc rộng có độ phân giải trung bình được trang bị ống kính 200mm với khẩu độ f/3 và một camera góc hẹp được trang bị ống kính 1500mm với khẩu độ f/8.5. Cả hai camera được trang bị 8 bộ lọc màu được gắn trên một bánh quay và đều sử dụng một phiên bản cải tiến của cảm biến vidicon sử dụng trong camera của các tàu Mariner để thu nhận hình ảnh. Cả hai camera được điều khiển bởi hệ thống máy tính FDS. Thông số điều khiển được lưu trong bộ nhớ của hệ thống máy tính này. </s>
Sự hỗ trợ phóng trọng lực của Sao Mộc đã được cả hai tàu Voyager thực hiện thành công, và hai tàu bắt đầu tới thăm Sao Thổ cùng hệ thống các Mặt Trăng và vành đai của nó. Chuyến bay vào hệ Sao Thổ của Voyager 1 diễn ra tháng 11 năm 1980, với lần tiếp cận gần nhất ngày 12 tháng 11 năm 1980, khi tàu vũ trụ vào trong khoảng cách 124000 km từ các đám mây cao nhất của Sao Thổ. Các camera trên tàu vũ trụ đã phát hiện các kết cấu phức tạp trong các vành đai của Sao Thổ, và các thiết bị cảm biến xa của nó đã nghiên cứu các khí quyển của Sao Thổ cùng vệ tinh Titan lớn của nó. </s>
Quỹ đạo phóng của nó với một đường bay ngang qua Titan đã tạo ra một sự chệch hướng trọng lực thừa khiến Voyager 1 vượt ra ngoài mặt phẳng Ecliptic, vì thế chấm dứt phi vụ khoa học hành tinh của nó. Voyager 1 đã có thể được đưa vào một quỹ đạo phóng khác, theo đó hiệu ứng súng cao su trọng lực của khối lượng Sao Thổ sẽ lái và phóng Voyager 1 ra ngoài theo đường bay qua Sao Diêm Vương. Tuy nhiên, lựa chọn này đã không được thực hiện, bởi quỹ đạo phóng khác bay qua Titan đã được quyết định để có được thêm giá trị khoa học và giảm bớt nguy cơ. </s>
Ở khoảng cách trên, sóng ánh sáng hay radio, cả hai đều ở dạng bức xạ điện từ và truyền đi với tốc độ 299.792,5 kilômét trên giây (tốc độ ánh sáng), mất 15,5 giờ để đi từ Voyager 1 tới Trái Đất. Như một cơ sở để so sánh, Mặt Trăng ở khoảng cách khoảng 1,4 giây ánh sáng từ Trái Đất; Mặt trời ở xấp xỉ 8,5 phút ánh sáng; Sao Diêm Vương ở xấp xỉ 4,5 giờ ánh sáng; Các vật thể ngoài Sao Hải Vương 2006 SQ372 ở viễn nhật cách khoảng 12,3 ngày ánh sáng; và ngôi sao gần nhất cách 4,22 năm ánh sáng. </s>
Ở thời điểm tháng 5 năm 2008, Voyager 1 ở góc nghiêng 12.45° và 17.125 giờ lên thẳng, khiến nó đang ở trong chòm sao Ophiuchus khi quan sát từ Trái Đất. NASA tiếp tục việc thám sát hàng ngày của họ với Voyager 1 bằng Deep Space Network của mình. Mạng lưới này đo đạc cả độ cao và góc phương vị của sóng radio tới từ Voyager 1, và nó cũng đo khoảng cách từ Trái Đất tới Voyager 1 bằng cách đo thời gian trễ giữa các tin hiệu radio từ và tới Voyager 1. Sau đó, với khoảng thời gian trễ đó, nhân với tốc độ ánh sáng sẽ được khoảng cách một chiều.. </s>
Cộng hòa Dân chủ Đức (tiếng Đức: Deutsche Demokratische Republik, DDR; thường được gọi là Đông Đức) là một quốc gia nay không còn nữa, tồn tại từ 1949 đến 1990 theo định hướng xã hội chủ nghĩa tại phần phía đông nước Đức ngày nay. Cộng hòa Dân chủ Đức được thành lập tại vùng quản lý của Quân đội Xô-viết tại Đức ngày 7 tháng 10 năm 1949, sau khi Nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) ra đời tại phần phía tây trong khu vực do Pháp, Anh và Hoa Kỳ quản lý. Đông Berlin là thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Đức. </s>
Thành lập từ năm 1949, tuy nhiên, đến năm 1955, Đông Đức mới tuyên bố đầy đủ quyền tự trị như một thể chế nhà nước. Dầu vậy, quân đội Liên Xô vẫn đóng trên lãnh thổ nước này theo Hiệp định Potsdam giữa bốn cường quốc chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai là Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Xô. Vì quân đội khối NATO còn hiện diện tại Tây Đức và Tây Berlin, Đông Đức và Berlin trở thành tâm điểm của Chiến tranh Lạnh. Đông Đức là thành viên Hiệp ước Warszawa, Hội đồng Tương trợ Kinh tế và đồng thời là đồng minh thân cận của Liên Xô. </s>
Sau gần nửa thế kỷ theo đuổi XHCN, khi sắp sáp nhập vào Tây Đức, ở thời điểm 1989, GDP của Đông Đức đạt 159,5 tỷ USD (thời giá 1989) so với 945,7 tỷ USD của Tây Đức, trong khi dân số Đông Đức bằng khoảng 1/4 so với Tây Đức (16 triệu so với 63 triệu), tức là tính theo thu nhập bình quân đầu người thì Đông Đức bằng khoảng 64% so với Tây Đức (9.679 USD so với 15.300 USD, thời giá 1989). Tiếp theo sự sụp đổ của Bức tường Berlin ngày 9 tháng 11 năm 1989, Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức mất đi đa số ủng hộ của người dân trong Quốc hội tại cuộc bầu cử ngày 18 tháng 3 năm 1990. Ngày 23 tháng 8 cùng năm, Quốc hội Đông Đức quyết định rằng lãnh thổ quốc gia này sẽ được đặt dưới hệ thống pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức kể từ ngày 3 tháng 10 năm 1990. Kết quả của sự sáp nhập này, Cộng hòa Dân chủ Đức chính thức chấm dứt sự tồn tại của nó. </s>
Trước khi Thế chiến II kết thúc, vùng sau này sẽ được gọi là Đông Đức trên thực tế nằm ở trung tâm nhà nước Đức và vì thế được gọi là "Mitteldeutschland" (Trung hay Trung Đức). Ở phía đông của các con sông Oder và Neisse là các tỉnh Phổ rộng lớn: Pomerania, Đông Phổ, Tây Phổ, Thượng Silesia và Hạ Silesia, và phía đông Neumark của Brandenburg. Trong Thế chiến II, các lãnh đạo Đồng Minh quyết định tại Hội nghị Yalta rằng biên giới Ba Lan thời hậu chiến sẽ được di chuyển về hướng tây đến giới tuyến Oder-Neisse, và "Trung Đức" cũ khi đó trên thực tế là giới hạn phía đông của nước Đức. </s>
Länder (các bang) Mecklenburg-Vorpommern, Brandenburg, Saxony, Saxony-Anhalt, Thuringia, thuộc Vùng Liên Xô tại Đức (trong tiếng Đức: Sowjetische Besatzungszone, hay SBZ). Những phản đối của Liên Xô với những thay đổi về kinh tế chính trị tại các vùng chiếm đóng phía tây (Hoa Kỳ, Anh và Pháp) dẫn tới việc nước này rút khỏi ACC năm 1948 và sau đó SBZ phát triển thành Đông Đức, gồm cả khu vực Berlin do Liên Xô chiếm đóng. Đồng thời các vùng chiếm đóng phía tây được củng cố để hình thành nên Tây Đức (hay Cộng hoà Liên bang Đức, FRG). </s>
Chính thức, cả các Đồng minh phương Tây và những người cộng sản đều cam kết duy trì một nước Đức thống nhất sau cuộc chiến tại Thoả thuận Potsdam năm 1945, ít nhất trên giấy tờ. Bản Ghi chú Stalin năm 1952 đề xuất thống nhất nước Đức và sự rút lui của siêu cường khỏi Trung Âu, nhưng Hoa Kỳ và đồng minh của mình từ chối. Stalin chết đầu năm 1953. Dù chính trị gia nhiều quyền lực của Liên Xô Lavrenty Beria trong một thời gian ngắn có theo đuổi ý tưởng thống nhất nước Đức sau cái chết của Stalin, ông đã bị bắt và tước bỏ quyền lực sau một vụ đảo chính hồi giữa năm 1953. Người kế nhiệm ông, Nikita Khrushchev, bác bỏ hoàn toàn ý tưởng bàn giao đông Đức để rồi bị sáp nhập, đánh dấu sự chấm dứt của bất kỳ một sự xem xét nghiêm túc nào với ý tưởng thống nhất cho tới khi Cộng hòa Dân chủ Đức tổ chức trưng cầu sáp nhập nước Đức vào cuối năm 1989. </s>
Khi nước Đức bị phân chia sau chiến tranh, Berlin, thủ đô cũ của Đức, bị chia thành bốn khu vực. Đông Đức và phần còn lại của Khối Đông Âu coi Đông Berlin là thủ đô của Đông Đức, dù về mặt pháp lý điều này bị tranh cãi bởi các Đồng Minh phương Tây bởi toàn bộ thành phố về chính thức bị coi là một lãnh thổ chiếm đóng bị quản lý bởi thiết quân luật thông qua Hội đồng Kiểm soát Đồng Minh. Trên thực tế, Hội đồng Kiểm soát Đồng Minh nhanh chóng trở nên bất hoà khi cuộc Chiến tranh Lạnh trở nên căng thẳng, và chính phủ Đông Đức bỏ qua những giới hạn kỹ thuật của luật pháp về việc Đông Berlin sẽ liên kết thế nào với Cộng hoà Dân chủ Đức. </s>
Ở cuối cuộc chiến, chính quyền Xô viết dùng vũ lực thống nhất các thành viên của Đảng Cộng sản Đức và Đảng Dân chủ Xã hội bên trong Đảng Thống nhất Xã hội chủ nghĩa (SED), đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1946 với sự hỗ trợ của áp lực Xô viết và sự tuyên truyền về tính tàn bạo của Phát xít. Toàn bộ tài sản và ngành công nghiệp được quốc hữu hoá, và Cộng hoà Dân chủ Đức được tuyên bố thành lập ngày 7 tháng 10 năm 1949, với một hiến pháp mới đề cao chủ nghĩa xã hội và trao cho SED quyền lực tuyệt đối bên trên Mặt trận Quốc gia và những đảng chính trị khác, với "các danh sách thống nhất" được SED đưa ra để đảm bảo sự kiểm soát của họ. Lãnh đạo đầu tiên của Đông Đức là Wilhelm Pieck, Tổng thống đầu tiên (và duy nhất) của Cộng hoà Dân chủ Đức. Tuy nhiên, sau năm 1950 quyền lực thực sự nằm trong tay Walter Ulbricht, thư ký thứ nhất của SED cầm quyền. </s>
Cho tới năm 1952, Cộng hoà Dân chủ Đức gồm các bang Mecklenburg-Vorpommern, Brandenburg, Saxony-Anhalt, Thuringia, Saxony và thủ đô, Đông Berlin. Các khu vực hành chính này gần như tương ứng với các bang (Länder) và tỉnh (Provinzen) thời trước chiến tranh trong khu vực Đông Đức do Liên bang Xô viết quản lý theo các điều khoản của Thoả thuận Potsdam hậu chiến. Hai phần nhỏ còn sót lại của các bang đã bị Ba Lan sáp nhập sau cuộc chiến (Pomerania và Hạ Silesia) vẫn thuộc Cộng hoà Dân chủ Đức và được nhập vào cách lãnh thổ bên cạnh. Trong cuộc cải cách hành chính năm 1952, các bang bị xoá bỏ và được thay thế bởi 14 quận nhỏ hơn. Các quận được đặt tên theo thủ phủ của chúng: Rostock, Neubrandenburg, Schwerin, Potsdam, Frankfurt (Oder), Magdeburg, Cottbus, Halle, Leipzig, Erfurt, Dresden, Karl-Marx-Stadt (đã được đặt tên Chemnitz cho tới năm 1953 và lại là tên này từ năm 1990), Gera, và Suhl. Đông Berlin được công nhận là một quận năm 1961. </s>
Sự bồi thường chiến tranh cho Xô viết, được lấy toàn bộ từ vùng chiếm đóng phía đông, gây một hậu quả nghiêm trọng trên nền kinh tế Đông Đức. Trong những giai đoạn chiếm đóng đầu tiên (đặc biệt năm 1945 và 1946), Hồng quân chiếm khoảng một phần ba trang thiết bị công nghiệp từ Đông Đức và chuyển về Liên Xô, với một khoản bồi thường $10 tỷ nữa đầu thập kỷ 1950 dưới hình thức các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Sự phát triển ngày càng nhanh của kinh tế Tây Đức đã khiến một số lớn người Đông Đức bỏ chạy sang phía tây. Từ thập niên những năm 50, người Đông Đức đã rời vùng Xô viết để di cư sang phía tây. Cuộc di cư diễn ra càng làm kinh tế Đông Đức trì trệ. Biên giới giữa hai nhà nước Đức đã gần như bị đóng cửa hoàn toàn hồi giữa thập niên 1950 (xem Biên giới nội bộ Đức). Vì viễn cảnh kiếm được lương cao hơn ở phía tây, nhiều công nhân lành nghề (như bác sĩ) đã bỏ sang phía tây, gây ra một cuộc 'chảy máu chất xám' ở phía đông. Tuy nhiên, buổi tối ngày 13 tháng 8 năm 1961, quân đội Đông Đức đã ngăn biên giới giữa Đông và Tây Berlin và bắt đầu xây dựng Bức tường Berlin, ngăn cách hoàn toàn Đông với Tây Berlin. Việc đi lại bị giới hạn chặt chẽ. Bộ an ninh nhà nước (hay Stasi), một lực lượng an ninh có hiệu quả cao, giám sát cuộc sống của các công dân Đông Đức thông qua mạng lưới chỉ điểm, nhân viên khắp nơi của mình. </s>
Ngày 16 tháng 6 năm 1953, sau một quota sản xuất tăng 10% công nhân xây dựng đại lộ mới ở Đông Berlin, Stalinallee (ngày nay được gọi là Karl-Marx-Allee), những cuộc tuần hành của các công nhân bất bình nổ ra ở Đông Berlin. Ngày hôm sau những cuộc biểu tình phản kháng lan khắp Đông Đức với hơn một triệu người đình công và biểu tình trong 700 cộng đồng. Lo sợ một cuộc bạo động, chính phủ yêu cầu quân đội chiếm đóng Xô viết trợ giúp và vào buổi sáng ngày 18 xe tăng cùng binh sĩ được triển khai trấn áp những người biểu tình. Nhưng bạo động vẫn nổ ra, làm khoảng năm mươi người chết và một làn sóng bắt giữ, bỏ tù lên tới hơn 10.000 người. Sự quá cảnh giữa Tây và Đông Berlin là khá tự do ở thời điểm ấy, có nghĩa rằng những người biểu tình và những hành động trấn áp biểu tình của Liên Xô đã được nhiều nhà quan sát phương Tây ghi nhận. </s>
Tới thập niên 1970, Tây Đức coi Đông Đức như một nhà nước trái pháp luật, và theo Học thuyết Hallstein từ chối các quan hệ ngoại giao với bất kỳ nước nào (ngoại trừ Liên bang Xô viết) công nhận Đông Đức là một quốc gia riêng biệt. Đầu thập niên 1970, Ostpolitik do Willy Brandt chỉ đạo tiến hành một hình thức công nhận song phương giữa Đông và Tây Đức. Hiệp ước Moscow (tháng 8 năm 1970), Hiệp ước Warsaw (tháng 12 năm 1970), Thoả thuận của Bốn Cường quốc về Berlin (tháng 9 năm 1971), Thoả thuận Quá cảnh (tháng 5 năm 1972), và Hiệp ước Căn bản (tháng 12 năm 1972) giúp bình thường hoá quan hệ giữa Đông và Tây Đức và dẫn tới việc cả hai nước Đức cùng gia nhập Liên hiệp quốc. Cộng hoà Dân chủ Đức là một thành viên Liên hiệp quốc từ năm 1972 cho tới khi chấm dứt tồn tại vào năm 1989. </s>
Năm 1989, sau sự giận dữ của công chúng về các kết quả của cuộc bầu cử chính quyền địa phương vào mùa xuân năm đó, mà bị cho là gian lận, nhiều công dân xin visa đi ra nước ngoài, hay rời bỏ đất nước một cách bất hợp pháp. Tháng 8 năm 1989 Hungary bãi bỏ các hạn chế biên giới của họ và mở cửa biên giới và hơn 13.000 người đã rời bỏ Đông Đức bằng cách đi qua biên giới "xanh" qua Tiệp Khắc vào Hungary và sau đó vào Áo và Tây Đức. Nhiều người khác biểu tình chống lại đảng cầm quyền, đặc biệt tại thành phố Leipzig. Kurt Masur, người chỉ huy Leipzig Gewandhaus Orchestra dẫn đầu đoàn đàm phán địa phương với chính phủ, và tổ chức các cuộc gặp gỡ với dân chúng trong nhà hát. Cuối cùng cuộc biểu tình đã buộc Erich Honecker phải từ chức vào tháng 10, và ông bị thay thế bởi một nhân vật Cộng sản ôn hoà hơn, Egon Krenz. </s>
Ngày 9 tháng 11 năm 1989, vài đoạn của Bức tường Berlin bị phá vỡ, lần đầu tiên hàng ngàn người Đông Đức vượt qua chạy vào Tây Berlin và Tây Đức. Ngay sau đó, đảng cầm quyền tại Đông Đức rút lui. Dù có một số nỗ lực nhỏ nhằm tạo lập một nhà nước dân chủ Đông Đức, chúng nhanh chóng bị vùi lấp bởi những kêu gọi thống nhất với Tây Đức. Sau một số cuộc đàm phán (những cuộc đàm phán 2+4 được tổ chức liên quan tới hai nhà nước Đức và các cựu Cường quốc Đồng Minh (Hoa Kỳ, Pháp, Anh, và Liên bang Xô viết) dẫn tới thoả thuận về các điều kiện thống nhất nước Đức. Năm bang cũ của Đông Đức từng bị xoá bỏ năm 1952 được khôi phục. Ngày 3 tháng 10 năm 1990, năm bang chính thức gia nhập Cộng hoà Liên bang Đức, trong khi Đông và Tây Berlin thống nhất như một thành bang thứ ba (theo cùng kiểu như Bremen và Hamburg). </s>
Tất cả thanh niên Đông Đức đều phải gia nhập NVA. Thời hạn phục vụ bắt buộc là 18 tháng, ngoại trừ vì các lý do y tế đặc biệt. Với những người từ chối nhập ngũ vì lý do đạo lý, có một loại nghĩa vụ quân sự được gọi là Baueinheiten (các đơn vị xây dựng) được thành lập năm 1964 dưới áp lực của nhà thờ Tin lành quốc gia. Tuy nhiên, phục vụ trong Baueinheiten không được khuyến khích, và có một số hậu quả sau khi hết hạn phục vụ tại đây - ví dụ, từ chối hay gặp khó khăn khi theo học cao học, vân vân.[cần dẫn nguồn] Riêng Đông Đức là nước có hoạt động khác cho những người từ chối nhập ngũ trong số các nước thuộc khối Đông Âu.[cần dẫn nguồn] </s>
Năm 1952, như một phần của các cuộc cải cách để tập trung quyền lực trong tay Bộ chính trị của SED, năm Länder của Đông Đức bị xoá bỏ, và Đông Đức được chia thành mười lăm Bezirke (tỉnh), mỗi quận được đặt theo tên thành phố lớn nhất của nó: vùng Đất phía bắc Mecklenburg-Vorpommern được chia giữa Bezirke Rostock, Schwerin và Neubrandenburg; Brandenburg (bao quanh Berlin) được tái tổ chức thành Bezirke Potsdam, Frankfurt và Cottbus; Saxony-Anhalt được chia thành Bezirke Halle và Magdeburg; vùng Đất tây nam Thuringia thành Bezirke Erfurt, Gera và Suhl; cuối cùng, vùng Đất đông nam Sachsen được chia giữa Leipzig, Dresden và Karl-Marx-Stadt (trước kia và sau khi Cộng hoà Dân chủ Đức sụp đổ lại được gọi là Chemnitz). Thủ đô Cộng hoà Dân chủ Đức, Đông Berlin trở thành Bezirk thứ 15, dù nó vẫn giữ vị thế luật pháp đặc biệt trong Cộng hoà Dân chủ Đức cho tới năm 1968, khi những người dân Đông Berlin cùng toàn bộ người dân Cộng hoà Dân chủ Đức thông qua dự thảo hiến pháp mới. Từ thời điểm này trở về sau, bất chấp Vị thế Bốn Cường quốc và những sự phản đối của đồng minh phương Tây rằng Đông Berlin chỉ đơn giản là khu vực chiếm đóng của Xô viết tại thủ đô Đức, Đông Berlin được coi như một Bezirk như các tỉnh khác. </s>
Dân số Đông Đức giảm đều đặn trong suốt thời kỳ tồn tại của nó, từ 19 triệu người năm 1948 xuống còn 16 triệu năm 1990. Khoảng 4 triệu người trong dân số năm 1948 là những người Đức bị trục xuất từ các khu vực phía đông giới tuyến Oder-Neisse. Chủ yếu đây là hậu quả của sự di cư – khoảng một phần tư người Đông Đức đã rời bò đất nước trước khi Bức tường Berlin được hoàn thành năm 1961, và sau thời điểm đó, Đông Đức có tỷ lệ sinh rất thấp. Điều này trái ngược với Ba Lan, có dân số trong giai đoạn đó tăng từ 24 triệu năm 1950 (hơi lớn hơn Đông Đức) lên 38 triệu (gấp đôi dân số Đông Đức). </s>
Giống như các quốc gia xã hội chủ nghĩa Đông Âu khác, Đông Đức có một nền kinh tế tập trung kế hoạch hoá, tương tự như nền kinh tế Liên Xô, trái ngược với các nền kinh tế thị trường hay kinh tế hỗn hợp của hầu hết các quốc gia Tây Âu. Cộng hoà Dân chủ Đức gia nhập khối thương mại COMECON năm 1950. Các mục tiêu sản xuất, giá cả và việc bố trí cung cấp vật tư đều do nhà nước đề ra, chuyển các quyết định đó thành kế hoạch hay các kế hoạch cụ thể. Các phương tiện sản xuất hầu như đều thuộc sở hữu nhà nước. Ví dụ, năm 1985, các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước hay các hợp tác xã chiếm 96.7 phần trăm tổng thu nhập thực của quốc gia. </s>
Với những người tiêu dùng Đông Đức, hàng hoá luôn thiếu hụt. Tới tận thập niên 1960 các loại hàng hoá căn bản như đường và cà phê vẫn thiếu thốn, dù có một số khác biệt; trong khi giá cà phê đắt (xấp xỉ 1US$ cho 200g), bánh mì giá chưa tới 1 cent. Năm 1989, thời gian một người phải chờ đợi để mua được một chiếc xe Wartburg mới khoảng 13 năm.[cần dẫn nguồn] Những người Đông Đức có bạn bè hoặc họ hàng ở Tây Đức (hay những người có thể tiếp cận ngoại tệ mạnh), và có tài khoản ngoại tệ Staatsbank có thể mua cả các sản phẩm phương Tây và sản phẩm chỉ dành cho xuất khẩu của Đông Đức tại Intershop. Cách khác để mua được các mặt hàng hiếm là qua công ty Jauerfood của Đan Mạch, hay qua công ty quá tặng qua thư Genex. </s>
Lĩnh vực tư nhân nhỏ bé nhưng không tồn tại. Năm 1985 khoảng 2.8 phần trăm sản phẩm quốc nội thuộc các doanh nghiệp tư nhân. Lĩnh vực tư nhân gồm những người nông dân và làm vườn; các ngư dân tự do, người bán buôn, và người bán lẻ; và những người được sử dụng trong cái gọi là các hoạt động tự do (nghệ sĩ, tác gia và những người khác). Dù là tự kinh doanh, họ vẫn bị quản lý chặt chẽ, thuế đánh vào họ trong một số trường hợp có thể cao hơn 90%. Số lượng người hoạt động trong lĩnh vực tư nhân tăng chậm. Theo các thống kê của Đông Đức, năm 1985 có khoảng 176.800 người làm tư, tăng thêm 500 so với năm 1984. Một số lĩnh vực tư nhân khá quan trọng với hệ thống bởi những người thợ thủ công cung cấp các phụ tùng hiếm, việc sản xuất ra chúng thường rất chậm chạp trong nền kinh tế kế hoạch của Cộng hoà Dân chủ Đức. </s>
Những ảnh hưởng từ phương Tây xuất hiện ở mọi nơi bởi các tín hiệu TV và radio từ Klassenfeind (tầng lớp thù địch, có nghĩa "kẻ thù của giai cấp công nhân") có thể được thu ở nhiều phần thuộc phía đông, (một ngoại trừ đáng chú ý là Dresden, vì vị trí địa lý không thích hợp của nó trong thung lũng Elbe, khiến nó được đặt danh hiệu "Thung lũng không tín hiệu" -dù việc tiếp nhận hạn chế radio phía tây vẫn có thể thực hiện ở đó). Ảnh hưởng phương Tây dẫn tới sự thành lập nhiều nhóm "bí mật" với tư tưởng hoàn toàn theo phương Tây. Một số băng nhóm trong số đó là Die Skeptiker, Die Art và Feeling B. Ngoài ra, văn hoá hip hop cũng đã được thanh niên Đông Đức biết đến. Với các băng video như Beat Street và Wild Style, thanh niên Đông Đức có thể phát triển một văn hoá hip hop của riêng họ. Người Đông Đức chấp nhận hip hop với vị thể hơn là chỉ một hình thức âm nhạc. Toàn bộ văn hoá rap đường phố xung quanh đã tràn vào trong vùng và trở thành một lối thoát cho những thanh niên cảm thấy ngột ngạt. </s>
Tại Cộng hoà Dân chủ Đức, ngành công nghiệp điện ảnh khá phát triển. Cơ quan phụ trách việc làm phim là DEFA, Deutsche Film AG, cơ quan này được chia nhỏ tiếp thành nhiều nhóm tại các địa phương, ví dụ, Gruppe Berlin, Gruppe Babelsberg hay Gruppe Johannisthal, nơi các đội địa phương quay và sản xuất phim. Bên cạnh các bộ phim cho đại chúng, ngành công nghiệp điện ảnh cũng trở nên nổi tiếng thế giới về các tác phẩm của mình, đặc biệt là những bộ phim dành cho trẻ em ("Das kalte Herz", các phiên bản phim của cuốn truyện cổ Grimm và các bộ phim hiện đại như "Das Schulgespenst"). </s>
Ngành công nghiệp điện ảnh đáng chú ý vì nó sản xuất ra Ostern, hay những bộ phim kiểu phương Tây. Thổ dân da đỏ trong những bộ phim này thường đóng vai trò những người bị đuổi khỏi đất đai và chiến đấu cho các quyền lợi của mình, trái ngược với các phim về người Mỹ miền Tây, nơi người da đỏ thường không hề được đề cập tới hoặc được thể hiện như những kẻ man rợ, hung ác. Người Nam Tư thường đóng vai người da đỏ, vì một số lượng nhỏ người da đỏ châu Mỹ sống ở Đông Âu. Gojko Mitić rất nổi tiếng trong những kiểu vai này, thường đóng vai thủ lĩnh ngay thẳng, tốt bụng và quyến rũ ("Die Söhne der großen Bärin" đạo diễn bởi Josef Mach). Ông đã trở thành một vị thủ lĩnh Sioux huyền thoại khi tới thăm Hoa Kỳ hồi thập niên 90 và một đoàn làm phim đã tháp tùng ông thể hiện bộ lạc trong những bộ phim của ông. Diễn viên và ca sĩ Mỹ Dean Reed, một người di cư sống ở Đông Đức, cũng đóng vai trong nhiều bộ phim. Những bộ phim này là một phần của hiện tượng sản xuất những bộ phim ở châu Âu về quá trình thực dân hoá châu Mỹ. Xem thêm Spaghetti Western và các bộ phim Tây Đức Winnetou (chuyển thể từ các tiểu thuyết của Karl May). </s>
Các câu lạc bộ thể thao được trợ cấp nhiều, đặc biệt với các môn thể thao có thể mang lại uy tín quốc tế. Ví dụ, các giải đấu hockey trên băng và bóng rổ mỗi giải chỉ gồm hai đội (ngoại trừ thể thao trường học và đại học). Bóng đá là môn thể thao được ưa chuộng nhất. Các câu lạc bộ bóng đá như Dynamo Dresden, 1. FC Magdeburg, FC Carl Zeiss Jena, 1. FC Lokomotive Leipzig và BFC Dynamo đã đạt một số thành công trên đấu trường châu lục. Nhiều cầu thủ bóng đá Đông Đức đã trở thành nhân tố không thể thiếu trong đội bóng quốc gia sau thống nhất, như Matthias Sammer và Ulf Kirsten. Các môn thể thao khác cũng được nhiều người ưa chuộng như trượt băng, đặc biệt bởi nhân vật như Katharina Witt. </s>
Người Đông Đức nhiệt thành ủng hộ các vận động viên của mình giành thắng lợi trong các cuộc thi đấu quốc tế vì các tình cảm yêu nước như tại các quốc gia khác, và không nghi ngờ rằng điều này góp một phần vào thành công mà đất nước có được. Tuy nhiên, như với nhiều quốc gia cộng sản khác, một nhận thức rộng rãi cho rằng sự thành công thể thao trên trường quốc tế sẽ quảng bá cho hệ thống kinh tế và chính trị của họ ra khắp thế giới. Trong trường hợp đặc biệt của Đông Đức, là nửa nhỏ của nước Đức bị chia rẽ bởi cuộc Chiến tranh Lạnh, thành công đặc biệt của Đông Đức được coi là nguồn khích lệ cho Cộng hoà Dân chủ Đức trên trường quốc tế như một nhà nước riêng biệt. </s>
Như một đặc điểm thường thấy của mạng điện thoại trong hầu hết các trường hợp, quay số trực tiếp để gọi đường dài không thể thực hiện. Dù mã vùng được cấp cho mọi thành phố và thị trấn lớn, họ chỉ sử dụng các tổng đài viễn thông quốc tế tự động. Thay vào đó, mỗi địa điểm có danh sách mã gọi riêng của mình - với các mã ngắn hơn cho các cuộc gọi nội địa, và mã dài hơn cho gọi đường dài. Điều này bởi các cuộc gọi được chuyển theo mạng nhánh. Sau sự thống nhất nước Đức, mạng sẵn có hầu như bị thay thế, và các mã vùng và cách quay được tiêu chuẩn hoá. </s>
Karl Heinrich Marx (phát âm tiếng Đức: [kaːɐ̯l ˈhaɪnʀɪç ˈmaːɐ̯ks], thường được phiên âm là Các Mác trong các tài liệu tiếng Việt hoặc Hán Việt là Mã Khắc Tư; sinh 5 tháng 5 năm 1818 tại Trier, Vương quốc Phổ – mất 14 tháng 3 năm 1883 tại Luân Đôn, Vương quốc Anh) là nhà tư tưởng người Đức gốc Do thái, và cũng là nhà kinh tế, nhà lãnh đạo cách mạng của Hiệp hội Người lao động Quốc tế. Theo kết quả nghiên cứu từ Đại học Indiana tại Bloomington, Marx là học giả có ảnh hưởng nhất thế giới dựa trên số lượng nghiên cứu và độ phổ biến của các nghiên cứu. </s>
Những hoạt động cách mạng và triết học của ông diễn ra trong thập niên 1840 - giữa lúc chủ nghĩa tư bản đang trong thời kỳ phát triển và giai cấp vô sản công nghiệp ra đời và có những hoạt động cách mạng chống chế độ tư bản. Marx được nhắc đến với nhiều chủ đề khác nhau, nhưng ông nổi tiếng nhất với những phân tích lịch sử dựa trên thuật ngữ đấu tranh giai cấp, được tổng kết lại trong những lời mở đầu cho Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (Das Manifest der Kommunistischen Partei): "Lịch sử của tất cả các xã hội từ trước đến nay là lịch sử của đấu tranh giai cấp." Ông cũng là người sáng lập Chủ nghĩa Xã hội Khoa học cùng Friedrich Engels. Tư tưởng của ông là học thuyết kế thừa các hệ tư tưởng được thành lập trong thế kỷ XIX, bao gồm triết học cổ điển Đức, học thuyết về kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh hay chủ nghĩa xã hội học Pháp. Karl Marx và người bạn thân của ông, Friedrich Engels, đã viết "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" vào năm 1848, nói cách khác là hai ông đã lên án những bất công trong chế độ tư bản đồng thời đưa ra các biện pháp cải cách kinh tế - xã hội để hướng xã hội công nghiệp phương Tây đến chủ nghĩa cộng sản. Với Tuyên ngôn này, chủ nghĩa xã hội khoa học được định hình kế thừa từ chủ nghĩa xã hội không tưởng. Những ý tưởng cải cách của Marx trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã được áp dụng tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, góp phần kiến tạo nên xã hội hiện đại. </s>
Nhà triết học người Đức này cho rằng cách hiểu của Hegel về sự phát triển của lịch sử loài người là đúng. Tuy nhiên, mặt khác ông cho rằng vật chất mới đóng vai trò chính yếu trong quá trình này, chứ không phải là tinh thần. Người ta nói tư tưởng của Marx là chủ nghĩa duy vật biện chứng, lịch sử, hay khoa học. Ông cũng cho rằng, con người có thể cải tạo tự nhiên qua việc sản xuất. Ông tin rằng xã hội loài người có thể hoạt động theo lý tính dựa trên những kiến thức khoa học đã tích lũy được chứ không còn vận động một cách tự phát như trước, loài người sẽ chuyển từ tự phát sang tự giác. Theo ông "Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, vấn đề là cải tạo thế giới". </s>
Karl Marx sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái tại Trier (còn gọi là Trèves) thuộc tỉnh Rhénanie của Vương quốc Phổ. Ông ngoại của Marx là một giáo sĩ rabi Hà Lan, trong khi họ nội của ông đã có nhiều người làm rabi ở Trier kể từ năm 1772. Cha của ông, Heinrich Marx, hồi nhỏ tên là Herschel Mordechai, là người đầu tiên trong dòng họ tiếp nhận nền giáo dục thế tục, trở thành một luật sư và có cuộc sống trung lưu khá giàu có khi gia đình ông làm chủ nhiều vườn nho Moselle. Trước khi con trai mình ra đời, Herschel đã cải đạo sang Lutheran để thoát khỏi các sức ép của chủ nghĩa bài Do Thái. Tuổi thơ của Marx được tiếp xúc với nhiều học giả, họa sĩ thường xuyên lui tới gia đình ông. Năm 1830, Karl Marx lên 12 tuổi, ông trở thành học sinh của trường trung học Trier. Là một học sinh giỏi, ông có sở trường ở những môn học cần có tính chất độc lập sáng tạo. Ông cũng học tốt môn Toán. </s>
Những năm tiếp theo, cha của Marx buộc ông chuyển sang Đại học Friedrich-Wilhelms ở Berlin. Khi đó, Marx viết nhiều thơ và tiểu luận liên quan đến cuộc sống, sử dụng ngôn ngữ triết học nhận được từ người cha thần luận tự do của mình, chẳng hạn tác phẩm "Thượng đế". Trong suốt giai đoạn này, ông tiếp thu triết học vô thần của những người Hegel cánh tả (hay Hegel trẻ). Marx đạt học vị Tiến sĩ năm 1841 với luận án mang tiêu đề: "Sự khác biệt giữa triết học tự nhiên của Epicurus với triết học tự nhiên của Democritus". </s>
Ở Berlin, Marx chủ yếu quan tâm đến triết học. Ông tham gia một nhóm sinh viên và giáo sư trẻ gọi là những "người Hegel trẻ". Đối với nhiều người trong số họ, phương pháp biện chứng của Georg Wilhelm Friedrich Hegel, mặc dù chỉ với nội dung lý thuyết, đã cung cấp một vũ khí mạnh mẽ cho việc phê bình nền chính trị và tôn giáo lúc đó. Một số thành viên đã thấy sự tương tự giữa triết học Aristote và triết học Hegel. Một người Hegel trẻ khác, Max Stirner, đã áp dụng sự phê bình Hegel và cho rằng những người theo chủ thuyết vô thần thật sự là những người "ngoan đạo" (trong cuốn Der Einzige und sein Eigenthum). Quan điểm của ông không được đồng tình bởi hầu hết các đồng sự; nhưng dù sao, cuốn sách của Stirner là lý do chính để Marx từ bỏ quan điểm của Ludwig Andreas Feuerbach để phát triển các khái niệm cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Một trong những giáo sư của Marx là Nam tước Westphalen, cha của Jenny von Westphalen, vợ của Marx sau này. </s>
Vì những điều kiện kiểm duyệt tại Phổ, Marx rút khỏi ban biên tập của tờ Rheinische Zeitung, và dự định xuất bản, cùng với Arnold Ruge, một nhà cách mạng Đức khác, Deutsch-Französische Jahrbücher, (Biên niên sử Đức-Pháp) với trụ sở tại Paris, và tới đây vào cuối tháng 10 năm 1843. Paris ở thời điểm đó là nơi ở và hoạt động của nhiều nhà cách mạng Đức, Anh, Ba Lan và Italia. Ở Paris, ngày 28 tháng 8 năm 1844, tại Café de la Régence ở Place du Palais ông gặp Friedrich Engels, người sẽ trở thành người bạn và đồng sự quan trọng nhất trong cả cuộc đời ông. Engels mới chỉ gặp Marx một lần trước đó (và ngắn ngủi) tại văn phòng của Rheinische Zeitung năm 1842; ông tới Paris để giới thiệu với Marx cuốn sách mới xuất bản của mình, Điều kiện của giai cấp lao động tại Anh Quốc năm 1844. Cuốn sách này đã thuyết phục Marx rằng giai cấp lao động sẽ là tác nhân và công cụ của cuộc cách mạng cuối cùng trong lịch sử. </s>
Marx đã đánh giá lại mối quan hệ của mình với Những người Hegel trẻ, và trong hình thức một bức thư trả lời về chủ nghĩa vô thần của Bauer viết Về vấn đề Do Thái. Tiểu luận này chủ yếu gồm một sự phê bình các ý tưởng hiện thời về các quyền dân sự và nhân quyền và giải phóng con người; nó cũng bao gồm nhiều luận điểm chỉ trích đạo Do Thái và cả Thiên chúa giáo từ quan điểm giải phóng xã hội. Engels, một người cộng sản nhiệt thành, đã khơi dậy sự quan tâm của Marx với tình hình của giai cấp lao động và hướng sự chú ý của Marx vào kinh tế. Marx trở thành một người cộng sản và đã đặt ra các quan điểm của mình trong một loạt các bài viết được gọi là Các bản thảo kinh tế và triết học năm 1844, không được xuất bản cho tới tận thập niên 1930s. Trong Bản thảo, Marx vạch ra một quan niệm nhân đạo của chủ nghĩa cộng sản, bị ảnh hưởng bởi triết lý của Ludwig Feuerbach và dựa trên sự đối lập giữa bản chất xa lạ của lao động dưới chủ nghĩa tư bản và một xã hội cộng sản trong đó con người được tự do phát triển bản chất của mình trong sản xuất tập thể. </s>
Marx chú tâm nghiên cứu kỹ lịch sử, và cùng với Engels đưa ra ý tưởng chủ nghĩa duy vật lịch sử, đặc biệt trong một bản thảo (được xuất bản sau khi ông mất với tên gọi Hệ tư tưởng Đức), phát biểu luận cương căn bản của nó rằng "bản chất của các cá nhân phụ thuộc vào các điều kiện vật chất quyết định sức sản xuất của họ". Marx đã lần theo lịch sử nhiều mô hình sản xuất và phán đoán sự sụp đổ của mô hình sản xuất khi đó - chủ nghĩa tư bản công nghiệp – và sự thay thế nó bằng chủ nghĩa cộng sản. Đây là tác phẩm lớn đầu tiên mà các học giả coi là giai đoạn sau của ông, từ bỏ chủ nghĩa nhân đạo bị ảnh hưởng bởi Feuerbach trong các tác phẩm thời kỳ đầu. </s>
Sau đó, Marx viết Sự khốn cùng của triết học (1847), nó đáp lại cho Triết học của sự khốn cùng của Pierre-Joseph Proudhon, một người ủng hộ chủ nghĩa xã hội vô chính phủ Pháp và là một nhà phê bình tư tưởng xã hội Pháp. Các tác phẩm này đặt ra nền tảng cho tác phẩm nổi tiếng nhất của Marx và Engels, Tuyên ngôn Cộng sản, được xuất bản lần đầu ngày 21 tháng 2 năm 1848 như bản tuyên ngôn của Liên đoàn Cộng sản, một nhóm nhỏ những người Cộng sản châu Âu chịu ảnh hưởng của Marx và Engels. Cuối năm ấy, châu Âu xuất hiện một loạt các cuộc phản kháng, nổi dậy và bất ổn bạo lực được gọi là Các cuộc cách mạng năm 1848. Chính quyền Bỉ trục xuất Marx khỏi nước này. </s>
Tháng 2 năm 1848 một phong trào cấp tiến chiếm quyền lực của Vua Louis-Philippe tại Pháp và mời Marx quay trở lại Paris, nơi ông chứng kiến cuộc Nổi dậy cách mạng những ngày tháng 6. Khi chính quyền này sụp đổ năm 1849, Marx quay trở lại Cologne và tuyên bố Neue Rheinische Zeitung ("New Rhenish Newspaper"). Trong thời gian tồn tại của nó ông hai lần bị đưa ra xét xử, ngày 7 tháng 2 năm 1849 bởi một lỗi nhỏ của báo chí, và vào ngày 8 với tội danh xúi giục nổi dậy vũ trang. Cả hai lần ông đều được trắng án. Tờ báo nhanh chóng bị đàn áp và Marx quay trở lại Paris, nhưng lại bị trục xuất. Lần này ông sang tị nạn tại London. </s>
Marx chuyển tới London tháng 5 năm 1849 và ở lại đó trong phần còn lại của cuộc đời. Trong vài năm đầu ông và gia đình sống rất nghèo khổ. Ông làm việc một thời gian ngắn như một cộng tác viên cho tờ New York Tribune năm 1851. Ông xin nhập quốc tịch Anh nhưng bị chính quyền sở tại bác bỏ vì coi ông là "một người Đức chuyên xúi bẩy", và vận động cho tư tưởng cộng sản nên "khó có thể thành kẻ trung thành với Nhà Vua", và không có thu nhập. Gia đình ông phải sống dựa vào tiền trợ cấp từ Friedrich Engels. Marx cũng đã từ bỏ quốc tịch Phổ và không được chính phủ Phổ cho tái nhập tịch. Tại London Marx chú tâm vào hai hoạt động: tổ chức cách mạng, và cố gắng tìm hiểu kinh tế chính trị và chủ nghĩa tư bản. Ông đã đọc nghiên cứu của Engels về giai cấp lao động. Trong thời gian này, Marx tạm ngừng nghiên cứu triết học và hoạt động cho Quốc tế cộng sản I. Ông được bầu vào Tổng Hội đồng của tổ chức này tại kỳ họp đầu tiên của nó năm 1864. Ông hoạt động đặc biệt tích cực để chuẩn bị cho các Đại hội hàng năm của Quốc tế cộng sản và lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại phe vô chính phủ của Mikhail Bakunin (1814–1876). Dù Marx chiến thắng trong cuộc đấu tranh này, việc chuyển trụ sở của Tổng Hội đồng từ London sang New York năm 1872, được Marx ủng hộ, khiến Quốc tế cộng sản suy tàn. Sự kiện chính trị quan trọng nhất trong thời gian tồn tại của Quốc tế cộng sản là Công xã Paris năm 1871 khi các công dân Paris nổi dậy chống chính phủ và chiếm giữ thành phố trong hai tháng. Về cuộc đàn áp đẫm máu với cuộc nổi dậy này, Marx đã viết một trong những cuốn sách nhỏ nổi tiếng nhất của ông, Cuộc nội chiến ở Pháp, với lập trường bảo vệ Công xã. </s>
Với những thất bại và tan rã liên tục của các cuộc cách mạng và phong trào công nhân, Marx cũng tìm cách tìm hiểu chủ nghĩa tư bản, và giành rất nhiều thời gian trong Thư viện Anh nghiên cứu và phê bình các tác phẩm của các nhà kinh tế chính trị và dữ liệu kinh tế. Tới năm 1857 ông đã có hơn 800 trang ghi chú và tiểu luận ngắn về tư bản, đất đai, lương lao động, nhà nước, thương mại nước ngoài và thị trường thế giới, mãi tới năm 1941 tác phẩm này mới được xuất bản, dưới tựa đề Grundrisse. Năm 1859, Marx xuất bản Đóng góp vào phê bình kinh tế chính trị, tác phẩm kinh tế nghiêm túc đầu tiên của ông. Đầu những năm 1860 ông làm việc để soạn ra ba tập lớn, Các lý thuyết giá trị thặng dư, bàn về các nhà lý thuyết kinh tế chính trị, đặc biệt là Adam Smith và David Ricardo. Tác phẩm này được xuất bản sau khi ông mất với sự biên tập của Karl Kautsky và thường được coi là tập thứ tư của cuốn Tư bản, và tạo nên một trong những chuyên luận đầy đủ đầu tiên về lịch sử tư tưởng kinh tế. Năm 1867, khá lâu sau dự định, tập đầu của Tư bản được ấn hành, một tác phẩm phân tích các quá trình sản xuất tư bản. Trong tác phẩm này, Marx trình bày chi tiết lý thuyết giá trị lao động của mình và ý tưởng về giá trị thặng dư và bóc lột mà ông cho là sẽ chắc chắn dẫn tới sự sụt giảm trong tỷ lệ lợi nhuận và sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Các Tập II và III vẫn chỉ ở dạng bản thảo và Marx tiếp tục làm việc với chúng trong suốt cả cuộc đời và chỉ được Engels xuất bản sau khi ông mất. </s>
Trong thập kỷ cuối cùng của cuộc đời mình, sức khoẻ của Marx suy sụp và ông không còn khả năng duy trì nỗ lực hoàn thành các tác phẩm quan trọng của ông. Ông đã cố gắng tìm cách bình luận về căn bản chính trị đương thời, đặc biệt là chính trị tại Đức và Nga. Cuốn Phê phán cương lĩnh Gotha của ông phản đối khuynh hướng của những người theo ông là Wilhelm Liebknecht (1826–1900) và August Bebel (1840–1913) để thích ứng với chủ nghĩa tư bản nhà nước của Ferdinand Lassalle về lợi tức trong một đảng xã hội thống nhất. Năm 1880, vợ ông là Jenny von Westphalen-Marx chết vì ung thư gan. Năm 1883, Marx qua đời vì bệnh viêm phổi được chôn cất ở khu cho người vô thần trong nghĩa địa Highgate, London. </s>
Trong quá trình phát triển, chủ nghĩa Marx đã đương đầu với nhiều đợt công kích từ những tư tưởng khác. Nhà học giả về Marx người Mỹ Hal Draper từng lưu ý, "có ít nhà tư tưởng trong lịch sử hiện đại có tư tưởng bị hiểu nhầm tai hại như vậy, bởi những người Marxist và cả những người chống Marxist." Di sản tư tưởng của Marx đã bị tranh cãi dữ dội giữa nhiều khuynh hướng và mỗi bên đều coi mình là người giải thích chính xác nhất về Marx, gồm cả (nhưng không hạn chế bởi) Chủ nghĩa Lenin, Chủ nghĩa Trotsky, Chủ nghĩa Mao, Chủ nghĩa Luxemburg, và Chủ nghĩa Marx tự do. </s>
Quan điểm của Marx về lịch sử, sẽ được gọi là chủ nghĩa duy vật lịch sử (bị sửa đổi theo cách gây tranh cãi như triết học của chủ nghĩa duy vật biện chứng bởi Engels và Lenin) rõ ràng cho thấy ảnh hưởng của khẳng định của Hegel rằng một người phải quan sát thực tế (và lịch sử) theo cách biện chứng. Hegel tin rằng lịch sử loài người có đặc trưng bởi sự di chuyển từ sự tan rã tới tổng thể và thực tế (cũng là sự di chuyển theo hướng ngày càng hợp lý hơn). Sự phát triển tiến hoá này của sự Tuyệt đối (the Absolute) liên quan tới sự tích tụ dần dần mang tính cách mạng lên tới đỉnh điểm là sự nhảy vọt cách mạng—những sự bất ổn theo tính chu kỳ chống lại tình trạng nguyên trạng đang hiện hữu. Ví dụ, Hegel phản đối mạnh mẽ chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ trong thời gian cuộc đời mình, và ông đã dự báo một thời điểm khi các quốc gia Thiên chúa giáo sẽ loại bỏ nó khỏi nền văn minh của mình. </s>
Sự chỉ trích của Marx với chủ nghĩa duy tâm triết học Đức, kinh tế chính trị Anh, và chủ nghĩa xã hội Pháp dựa chủ yếu vào sự ảnh hưởng của Feuerbach và Engels. Hegel đã suy nghĩ trong các khái niệm duy tâm, và Marx tìm cách viết lại các biện chứng theo các khái niệm duy vật. Ông viết rằng chủ nghĩa Hegel đặt sự vận động của thực tế trên đầu, và rằng mọi người cần phải đặt nó dưới chân. Sự chất nhận của Marx với khái niệm biện chứng duy vật này phản đối lại chủ nghĩa duy tâm của Hegel bị ảnh hưởng nhiều từ Ludwig Feuerbach. Trong Bản chất của Thiên chúa giáo, Feuerbach cho rằng Chúa thực tế là một sản phẩm của con người và rằng các tính chất mà loài người gán cho Chúa thực tế là các tính chất của loài người. Vì thế, Marx cho rằng chính thế giới vật chất là thực và rằng các tư tưởng của chúng ta là hậu quả của nó, chứ không phải là nguyên nhân của thế giới. Vì thế, như Hegel và các nhà triết học khác, Marx phân biệt giữa vẻ ngoài và thực tế. Nhưng ông không tin rằng thế giới vật chất ẩn giấu khỏi chúng ta thế giới "thực" của lý tưởng; trái lại, ông nghĩ rằng về mặt lịch sử và xã hội ý tưởng riêng biệt khiến con người không thấy được các điều kiện vật chất của cuộc đời họ một cách rõ ràng. </s>
Marx tin rằng ông có thể nghiên cứu lịch sử và xã hội một cách khoa học và phân biệt các khuynh hướng của lịch sử và kết quả của những cuộc xung đột xã hội. Một số người theo Marx, vì thế, đã kết luận, rằng một cuộc cách mạng cộng sản là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Marx đã xác nhận một cách nổi tiếng trong phần mười một của cuốn Theses on Feuerbach của mình rằng "các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới, theo nhiều cách; tuy nhiên việc thiết yếu là thay đổi nó", và ông rõ ràng đã dành cả đời mình để tìm cách làm thay đổi thế giới. Vì thế, hầu hết những người theo Marx không tán thành thuyết định mệnh, mà là chủ nghĩa tích cực: họ tin rằng những cuộc cách mạng phải tổ chức thay đổi xã hội. </s>
Cùng với nhau chúng tạo ra phương thức sản xuất, và Marx phân biệt các thời kỳ lịch sử theo các phương thức sản xuất. Ví dụ, ông quan sát thấy rằng các xã hội châu Âu đã tiến bộ từ một phương thức sản xuất phong kiến tới một phương thức sản xuất tư bản. Marx tin rằng dưới chế độ tư bản, các phương tiện sản xuất thay đổi nhanh hơn các quan hệ sản xuất (ví dụ, chúng ta phát triển một công nghệ mới, như Internet, và sau đó chúng ta mới phát triển các điều luật quản lý công nghệ đó). Marx coi sự không đối xứng này giữa (kinh tế) nền móng và (xã hội) siêu cấu trúc như nguồn lực chính cho sự xung đột và phá vỡ xã hội. </s>
Marx có một lo ngại đặc biệt với việc làm sao con người liên quan tới nguồn tài nguyên có tính nền tảng nhất, sức lao động của chính họ. Ông đã viết nhiều về điều này trong các thuật ngữ về vấn đề của sự chuyển nhượng. Như với biện chứng, Marx bắt đầu với một khái niệm của Hegel về sự chuyển nhượng nhưng đã phát triển một khái niệm duy vật hơn. Chủ nghĩa tư bản dàn xếp các quan hệ sản xuất (như giữa những người thợ hay giữa những người thợ và các nhà tư bản) thông qua hàng hoá, gồm cả lao động, được đưa ra và bán trên thị trường. Với Marx, khả năng rằng một người có thể ngừng việc sở hữu sức lao động của chính mình—khả năng của một người trong việc cải tạo thế giới—là ngang với việc bị chuyển nhượng khỏi bản tính tự nhiên của chính mình; đó là một sự mất mát về tinh thần. Marx đã miêu tả sự mất mát này là sự sùng bái thương mại, trong đó những thứ con người tạo ra, hàng hoá, dường như có đời sống và sự di chuyển của chính nó và con người và cách hành xử của họ chỉ đơn giản đáp ứng. </s>
Sự sùng bái thương mại cung cấp một ví dụ cho cái mà Engels gọi là "sai lầm ý thức", liên quan chặt chẽ tới việc hiểu ý thức hệ. Bằng "ý thức hệ", Marx và Engels cho rằng các ý tưởng phản ánh các quyền lợi của một tầng lớp xã hội riêng biệt ở một thời điểm trong lịch sử, nhưng những người cùng thời với các ông coi nó như là vấn đề chung và vĩnh cửu. Quan điểm của Marx và Engels không chỉ cho rằng những niểm tin như vậy ở trạng thái tốt nhất cũng chỉ là nửa sự thật; chúng hoạt động như một chức năng chính trị quan trọng. Theo một cách khác, việc kiểm soát mà một tầng lớp thực hiện với phương tiện sản xuất gồm không chỉ việc sản xuất lương thực hay hàng hoá chế tạo; nó gồm cả sản xuất ý tưởng (điều này cung cấp một khả năng giải thích tại sao các thành viên của một tầng lớp phụ thuộc có thể giữ các ý tưởng trái ngược với các quyền lợi của chính họ. Vì thế, tuy các ý tưởng đó là sai lầm, chúng cũng hé lộ dưới hình thức quy tắc một số sự thật về các quan hệ chính trị. Ví dụ, dù niềm tin rằng các đồ vật con người tạo ra thực tế có khả năng sản xuất cao hơn chính người tạo ra nó theo nghĩa đen là điều vô lý, nó quả thực phản ánh (theo Marx và Engels) rằng con người ở chủ nghĩa tư bản bị tách khỏi chính khả năng lao động của mình. Một ví dụ khác về kiểu phân tích này là sự hiểu biết của Marx về tôn giáo, đã được tổng kết trong một đoạn ở lời nói đầu tác phẩm năm 1843 của ông Đóng góp vào Chỉ trích Triết học cánh Hữu của Hegel: </s>
Trong khi luận cương cao học Gymnasium cho rằng tôn giáo có mục tiêu xã hội hàng đầu là khuyến khích sự đoàn kết, ở đây Marx xem xét chức năng xã hội của tôn giáo theo các quan điểm chính trị và kinh tế nổi bật/bảo tồn tương đương. Hơn nữa, ông đưa ra một phân tích về các chức năng lý tưởng của tôn giáo: để phát lộ "một sự ý thức đảo ngược của thế giới." Ông tiếp: "Nó trực tiếp là nhiệm vụ của triết học, mà trong khi phục vụ cho lịch sử, để bộc lộ sự tự ghẻ lạnh trong các hình thức phi thần thánh của nó, một lần nữa tôn giáo, hình thức thần thánh của sự tự ghẻ lạnh của con người đã bị bộc lộ". Với Marx, sự tự ghẻ lạnh phi thần thánh này, "sự mất mát của con người", hoàn thành một khi giai cấp vô sản nhận ra khả năng tiềm tàng của họ trong việc đoàn kết trong sự đoàn kết cách mạng. Kết luận cuối cùng của ông là rằng với Đức, sự giảm phóng con người nói chung chỉ có thể như một sự ngừng sở hữu tư nhân bởi giai cấp vô sản. </s>
Marx cho rằng sự liên kết của công việc của con người (và commodity fetishism) hoạt động chính xác như đặc điểm định nghĩa của chủ nghĩa tư bản. Trước chủ nghĩa tư bản, các thị trưởng tồn tại ở châu Âu nơi những nhà sản xuất và các nhà buôn mua và bán hàng hoá. Theo Marx, một phương thức sản xuất tư bản đã phát triển ở châu Âu khi chính lao động trở thành một hàng hoá - khi những người nông dân được tự do bán sức lao động của chính mình - khả năng, và cần phải làm như vậy bởi họ không còn sở hữu đất đai của mình nữa. Mọi người bán sức lao động của mình - khả năng khi họ chấp nhận sự thanh toán trở lại cho bất cứ công việc nào họ làm trong một đơn vị thời gian cho trước (nói cách khác, họ không bán sản phẩm của lao động của mình, mà bán khả năng làm việc). Để đổi lại việc bán lao động - khả năng họ nhận được tiền, cho phép họ tồn tại. Những người phải bán sức lao động - khả năng của mình là "những người vô sản". Người mua sức lao động khả năng, nói chung là người sở hữu đất đai và công nghệ để sản xuất, là một "nhà tư bản" hay "tư sản". Những người vô sản do vậy sẽ chiếm đa số so với những nhà tư bản. </s>
Marx phân biệt các nhà tư bản công nghiệp khỏi các nhà buôn tư bản. Các nhà buôn mua hàng hoá tại một thị trường và bán chúng tại một thị trường khác. Vì các quy luật cung cầu hoạt động bên trong các thị trường đó, một sự khác biệt thường tồn tại giữa giá của một mặt hàng tại một thị trường này và một thị trường khác. Sau đó, các nhà buôn thực hiện việc buôn bán, và hy vọng có được sự khác biệt giữa hai thị trường đó. Theo Marx, các nhà tư bản, ở mặt khác, lợi dụng ưu thế của sự khác biệt giữa thị trường lao động và thị trường cho bất kỳ mặt hàng nào nhà tư bản có thể sản xuất. Marx quan sát thấy rằng trên thực tế mọi ngành công nghiệp thành công đều có các đơn giá đầu vào thấp hơn đơn giá đầu ra. Marx gọi sự khác biệt đó là "giá trị thặng dư" và cho rằng giá trị này có nguồn gốc từ thặng dư lao động, sự khác biệt giữa cái người công nhân phải có để sống và cái họ có thể tạo ra. </s>
Chủ nghĩa tư bản có thể tạo ra sự tăng trưởng cao bởi nhà tư bản có thể, và có ý muốn, tái đầu tư lợi nhuận vào các công nghệ và thiết bị tư bản mới. Marx coi tầng lớp tư bản là tầng lớp cách mạng nhất trong lịch sử, bởi họ thưởng xuyên cải tiến công cụ sản xuất. Nhưng Marx cho rằng chủ nghĩa tư bản có khuynh hướng khủng hoảng theo định kỳ. Ông cho rằng cùng với thời gian, những nhà tư bản sẽ đầu tư ngày càng nhiều vào các kỹ thuật mới, và ngày càng ít hơn vào lao động. Bởi Marx tin rằng giá trị thặng dư bị chiếm đoạt từ lao động là nguồn gốc của lợi nhuận, ông kết luận rằng tỷ suất lợi nhuận phải giảm thậm chí khi nền kinh tế tăng trưởng. Khi tỷ suất lợi nhuận giảm dưới một mức nào đó, kết quả sẽ là một sự giảm phát hay khủng hoảng trong đó một số lĩnh vực của nền kinh tế sẽ sụp đổ. Marx cho rằng trong một cuộc khủng hoảng kinh tế như vậy giá lao động cũng sẽ sụt giảm, và cuối cùng khiến không thể đầu tư vào các kỹ thuật mới và sự tăng trưởng của các lĩnh vực của nền kinh tế. </s>
Marx tin rằng sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng sẽ xé rách chu kỳ tăng trưởng, sụp đổ, và tăng trưởng tiếp này. Hơn nữa, ông tin rằng về dài hạn quá trình này sẽ tăng cao và làm tăng cường sức mạnh cho tầng lớp tư bản và làm khốn khó tầng lớp vô sản. Ông tin rằng nếu tầng lớp vô sản nắm được phương tiện sản xuất, họ sẽ khuyến khích các quan hệ xã hội để mọi người đều được có lợi ích một cách công bằng, và một hệ thống sản xuất ít bị ảnh hưởng hơn bởi các cuộc khủng hoảng định kỳ. Ông đặt ra lý thuyết rằng giữa chủ nghĩa tư bản và việc thành lập một hệ thống xã hội chủ nghĩa, có một sự chuyên chính của tầng lớp tư sản - một giai đoạn khi tầng lớp lao động giữ quyền lực chính trị và bắt buộc xã hội hoá các phương tiện sản xuất - tồn tại. Và ông đã viết trong cuốn "Phê phán cương lĩnh Gotha" của mình, "giữa xã hội tư bản và cộng sản có một giai đoạn chuyển tiếp cách mạng từ xã hội này tới xã hội kia. Tương ứng với nó cũng là một giai đoạn chuyển tiếp chính trị trong đó nhà nước có thể không là gì mà chỉ là sự chuyên chính cách mạng của tầng lớp vô sản." Tuy ông cho phép khả năng chuyển tiếp hoà bình ở một số quốc gia có các thể chế dân chủ mạnh (như Anh Quốc, Hoa Kỳ và Hà Lan), ông cho rằng ở các quốc gia khác với các truyền thống nhà nước tập trung mạnh, như Pháp, Đức, "đòn bẩy cuộc cách mạng của chúng ta phải là bạo lực." </s>
Trong một bức thư gửi Vera Zasulich ngày 8 tháng 3 năm 1881, Marx thậm chí dự tính về khả năng nước Nga bỏ qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa cộng sản trên cơ sở sở hữu chung về ruộng đất của làng mir. Tuy chấp nhận rằng ở nông thôn Nga "làng xã là điểm tựa của sự cải tạo xã hội ở Nga ", Marx cũng cảnh báo rằng để mir hoạt động như một phương tiện để đi thẳng lên giai đoạn xã hội chủ nghĩa bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa, nó "đầu tiên phải loại bỏ các ảnh hưởng độc hại đang tấn công nó (làng xã nông thôn) từ mọi phía". Với điều kiện loại bỏ các ảnh hưởng nguy hiểm đó, Marx cho phép, rằng "các điều kiện bình thường của sự phát triển tự sinh" của làng xã nông thôn có thể tồn tại. Tuy nhiên cũng trong lá thư gửi Vera Zaulich, Marx chỉ ra rằng "ở cốt lõi của chế độ tư bản chủ nghĩa...có sự tách biệt hoàn toàn người sản xuất khỏi phương tiện sản xuất". Marx có thể được tha thứ vì đã không thấy điều này ở giai đoạn đầu năm 1881, các điều kiện bên trong làng xã nông thôn sẽ nhanh chóng dẫn tới "sự khác biệt của giới nông dân" bên trong làng xã nông thôn Nga và sự dần tách biệt của nhiều nông dân bên trong làng xã khỏi phương tiện sản xuất. </s>
Với hai mươi năm lợi thế quan sát kỹ hơn các làng xã nông nghiệp ở Nga, V. I. Lenin đã có thể kết luận rằng làng xã nông nghiệp không thể là hạt nhân phát triển xã hội chủ nghĩa ở Nga, chính xác bởi sự gia tăng số lượng nông dân Nga tại các làng xã nông nghiệp đang bị chia tách khỏi phương tiện sản xuất bên trong làng xã nông nghiệp. Bên trong làng xã nông thôn Nga, đất đai là "phương tiện sản xuất". Theo cách lý tưởng, mọi nông dân trong làng xã nông thôn sẽ sở hữu hay được tiếp cận phần đất đai ngang nhau trong làng. Sự phân tích kỹ của Lenin về các làng xã kết luận rằng không phải mọi nông dân bên trong làng xã nông thôn có quyền tiếp cận như nhau với đất đai. Quả thực, ở thời điểm Lenin viết cuốn sách của mình (1899), đã có sự khác biệt rất lớn giữa lượng đất đai được trồng cấy bởi một số nông dân kulak giàu có tương phản với những nông dân nghèo bên trong làng xã nông nghiệp. Hơn nữa, kết luận này không cố định. Đúng hơn là sự tách biệt của nông dân bên trong làng xã nông nghiệp là một quá trình đang diễn ra. Ngày càng nhiều các nông dân nhỏ bên trong làng xã nông thôn trở nên không thể tự duy trì cho mình với lượng đất đai nhỏ mà họ được tiếp cận bên trong làng xã nông thôn. </s>
Một số nông dân không có ruộng đất phải tìm kiếm việc làm từ các nông dân "kulak" giàu có hơn bên trong làng xã nông thôn. Những nông dân không đất đai này sẽ được coi là một phần của tầng lớp vô sản nông thôn. Những nông dân không đất đai khác sẽ rời bỏ làng xã và gia nhập vào tầng lớp vô sản thành thị. Dù trong trường hợp nào đi nữa, Lenin chỉ ra rằng sự phát triển này hoàn toàn quen thuộc với chúng ta cũng như quá trình suy sụp và "vô sản hoá" tầng lớp nông dân nhỏ, bằng cách hoàn thành sự tách biệt những nông dân nhỏ "không ruộng đất" khỏi phương tiện sản xuất. </s>
“ Việc Mác phát hiện ra những quy luật của sự phát triển xã hội đã cho ta chìa khóa để quản lý một cách khoa học các quá trình xã hội vì lợi ích của con người. Nhưng cũng cần nhấn mạnh – theo Mác – chỉ có thể quản lý một cách khoa học các quá trình xã hội sau thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa, sau khi thủ tiêu chế độ tư hữu, xã hội hóa nền sản xuất trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Chỉ có hoàn thành những cải cách xã hội chủ nghĩa mới xóa bỏ được tính tự phát và bảo đảm được sự phát triển theo kế hoạch nền sản xuất và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. ” </s>
Tác phẩm của Marx và Engels đề cập tới rất nhiều chủ đề và có một sự phân tích phức tạp về lịch sử và xã hội về các quan hệ giai cấp. Những người theo Marx và Engels đã lấy từ tác phẩm này để đề ra những lý thuyết tương lai to lớn và liên kết được gọi là "Chủ nghĩa Marx". Tuy nhiên, những người Marxist thường tranh luận lẫn nhau về cách giải thích các tác phẩm của Marx và cách để áp dụng những ý tưởng của ông vào các sự kiện và điều kiện hiện thời của họ. Sinh thời, Marx cho rằng những người xưng là "Marxist" khi đó thật ra chỉ là những kẻ không thật sự hiểu tư tưởng Marx, mà miêu tả và chủ nghĩa này một cách "nông cạn, hời hợt, thậm chí lệch lạc, mang tính chất biếm hoạ". Từ điển Bách khoa Toàn thư Việt Nam cũng ghi nhận "Họ là những kẻ kiếm chác lợi lộc, danh vị ở các luận điểm đó, và họ lại tạo thành những bè phái, tự nhận là Marxist". Hơn nữa, cũng cần phân biệt giữa "Chủ nghĩa Marx" và "cái Marx tin tưởng"; ví dụ, ngay trước khi ông mất năm 1883, Marx đã viết một bức thư cho nhà lãnh đạo công nhân Pháp Jules Guesde, và cho con rể của mình là Paul Lafargue, buộc tội họ "revolutionary phrase-mongering" và thiếu niềm tin ở giai cấp lao động. Sau khi đảng Pháp chia rẽ thành một đảng cải cách và cách mạng, một số người buộc tội Guesde (lãnh đạo đảng cách mạng) đã nhận mệnh lệnh từ Marx; Marx đã lưu ý Lafargue, "nếu đó là Chủ nghĩa Marx, thì tôi không phải là một người Marxist" (trong một bức thư gửi Engels, Marx sau này buộc tội Guesde là một "Bakuninist"). </s>
Sáu năm sau cái chết của Marx, Engels và những người khác đã thành lập "Quốc tế cộng sản hai" như một cơ sở để tiếp tục hoạt động chính trị. Tổ chức này chứng tỏ thành công hơn nhiều so với Quốc tế cộng sản một: nó bao gồm các đảng công nhân, đặc biệt là Đảng Dân chủ Xã hội Đức lớn và thành công, chủ yếu thể hiện một viễn cảnh Marxist. Quốc tế cộng sản hai sụp đổ năm 1914, tuy nhiên, một phần bởi một số thành viên đã quay sang với "chủ nghĩa xã hội cách mạng" của Eduard Bernstein, và một phần bởi những sự chia rẽ do Thế chiến I gây ra. </s>
Thế chiến I cũng dẫn tới cuộc Cách mạng Nga năm 1917, trong những giai đoạn sau này của nó một nhóm ly khai cánh tả của Quốc tế cộng sản hai, nhóm Bolshevik, dưới sự lãnh đạo của Vladimir Lenin, lên nắm quyền lực. Cách mạng Nga đã khuyến khích công nhân trên khắp thế giới lập ra "Quốc tế cộng sản ba" Bolshevik. Lenin hiện diện như một người thừa kế chính trị và triết học của Marx, và đã phát triển một chương trình chính trị, được gọi là "Chủ nghĩa Lenin" hay "Chủ nghĩa Bolshevik", kêu gọi cách mạng có tổ chức và được lãnh đạo bởi một tổ chức trung ương tiền phong "Đảng Cộng sản". </s>
Marx tin rằng cách mạng vô sản sẽ diễn ra trước hết ở những xã hội công nghiệp tiên tiến như Pháp, Đức và Anh, nhưng Lenin cho rằng trong thời đại của chủ nghĩa đế quốc, và bởi "quy luật phát triển không đều", theo đó nước Nga một mặt có một xã hội nông nghiệp lạc hậu, nhưng mặt khác lại có một trong số những vấn đề mới nhất của nền công nghiệp, "dây xích" có thể đứt ở điểm yếu nhất của nó, đó là, trong cái gọi là các quốc gia "lạc hậu", và sau đó gây ra cách mạng tại các xã hội công nghiệp phát triển tại châu Âu, nơi xã hội đã sẵn sàng cho chủ nghĩa xã hội, và sau đó nó lại giúp đỡ trở lại cho nhà nước công nhân tại Nga. </s>
“ Hiện tại vấn đề là: liệu obshchina Nga, dù vẫn còn rất yếu ớt, đã là một hình thức sở hữu ruộng đất tập thể, chuyển trực tiếp tới hình thức cao hơn là sở hữu tập thể Cộng sản? Hay, trái lại, đầu tiên nó phải trải qua cùng quá trình tan rã như các cấu thành của tiến trình lịch sử của phương Tây? Câu trả lời duy nhất cho câu hỏi đó ở thời điểm hiện tại có thể là: Nếu Cách mạng Nga trở thành một tín hiệu của một cuộc cách mạng vô sản ở phương Tây, vì thế cả hai sẽ bổ sung cho nhau, phương thức sở hữu chung ruộng đất hiện nay ở Nga có thể là một điểm khởi đầu cho một sự phát triển cộng sản. ” </s>
Tại Trung Quốc, Mao Trạch Đông cũng tự thể hiện mình là một người thừa kế của Marx, nhưng cho rằng những người nông dân - không chỉ những người công nhân - có thể đóng vai trò lãnh đạo trong một cuộc cách mạng vô sản, thậm chí tại các quốc gia thuộc thế giới thứ ba với đặc điểm là chủ nghĩa phong kiến nông dân và sự vắng mặt của những người công nhân công nghiệp. Mao Trạch Đông gọi nó là Cách mạng Dân chủ Mới. Chủ nghĩa Marx-Lenin như được thể hiện bởi Mao Trạch Đông được quốc tế gọi là "chủ nghĩa Mao". </s>
Dưới thời Joseph Stalin, chính quyền Liên Xô đã thực hiện những chính sách sai lầm, đồng thời tệ sùng bái cá nhân trở nên phổ biến (xem thêm bài Đại thanh trừng và Về sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó). Những người theo chủ nghĩa chống cộng không cho rằng những sai lầm trong công cuộc phát triển chủ nghĩa cộng sản là do chủ ý của người thực hiện chúng, mà chứng tỏ bộ mặt thật của chủ nghĩa Marx. Các quốc gia phương Tây có khuynh hướng theo chủ nghĩa tư bản khuyến khích cảm giác này, và bối cảnh chính trị thời Chiến tranh Lạnh cũng vậy. Quả thực, luôn có những giọng điệu bất đồng quan điểm với Marx—những người theo chủ nghĩa Marx của Quốc tế Cộng sản hai cũ, những người Cộng sản cánh tả chia rẽ khỏi Quốc tế Cộng sản ba ngay sau sự thành lập của nó, và sau này là Leon Trotsky và những người ủng hộ ông, đã lập ra một "Quốc tế Cộng sản bốn" năm 1938 để cạnh tranh với Quốc tế Cộng sản của Stalin, tuyên bố đại diện cho chủ nghĩa Bolshevik đích thực. </s>
Từ hoàn cảnh của Quốc tế Cộng sản hai trong thập niên 1920 và 1930, một nhóm những người theo chủ nghĩa Marx bất đồng đã thành lập Viện Nghiên cứu Xã hội tại Đức, trong số đó có Max Horkheimer, Theodor Adorno, Erich Fromm, và Herbert Marcuse. Với tư cách một nhóm, những tác giả này đã được gọi là Trường phái Frankfurt. Trường phái tư tưởng của họ, được gọi là Lý thuyết Phê phán, đại diện cho một kiểu chỉ trích triết học và văn hoá Marxist có ảnh hưởng mạnh bởi Hegel, Freud, Nietzsche, và Max Weber. </s>
Trường phái Frankfurt chia rẽ với những người theo chủ nghĩa Marx thời kỳ đầu, gồm cả Lenin và những người Bolshevik ở nhiều khía cạnh quan trọng. Đầu tiên, thời ấy viết về sự gia tăng uy thế của chủ nghĩa Stalin, họ đã đưa ra những nghi ngờ về ý tưởng truyền thống Marxist về ý thức giai cấp của tầng lớp vô sản. Thứ hai, không giống những người Marxist thời kỳ đầu, đặc biệt là Lenin, họ phản đối thuyết định mệnh kinh tế. Dù Trường phái Frankfurt trở nên rất có ảnh hưởng, cả những người theo chủ nghĩa Marx chính thống và một số người khác tham gia vào hoạt động chính trị đã chỉ trích công việc của họ vì đã chia rẽ lý thuyết Marxist khỏi cuộc đấu tranh thực tế và đưa chủ nghĩa Marx vào một khuôn khổ hoàn toàn hàn lâm. </s>
Các quốc gia sau ở một số thời điểm trong lịch sử từng có các chính phủ với sự lãnh đạo ít nhất trên danh nghĩa là theo chủ nghĩa Marx (các quốc gia được in đậm vẫn đang có chính phủ đó ở thời điểm năm 2009): Albania, Afghanistan, Angola, Bulgaria, Trung Quốc, Cuba, Síp, Tiệp Khắc, Đông Đức, Ethiopia, Hungary, Lào, Moldova, Mông Cổ, Nepal, Mozambique, Nicaragua, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Ba Lan, România, Nga, Nam Tư, Việt Nam. Ngoài ra, các bang Kerala, Tripura và Tây Bengal tại Ấn Độ cũng từng có các chính phủ theo chủ nghĩa Marx. </s>
Các đảng chính trị và các phong trào Marxist đã suy giảm đáng kể về ảnh hưởng từ sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, với một số ngoại lệ, có lẽ đáng chú ý nhất là Nepal. Ngoài ra, sau khi Liên Xô đã sụp đổ nhưng tại châu Mỹ, hàng triệu người vẫn chống đối mô hình tự do mới của chế độ tư bản, mà đi theo con đường độc lập. Chính quyền Venezuela tuyên bố đất nước này thực hiện công cuộc phát triển xã hội chủ nghĩa vào thế kỷ XXI. Tại Bolivia, chính quyền đã thực hiện quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu khí. </s>
Tại Hoa Kỳ, trong khảo sát tổng hợp những cuốn sách, tài liệu mà sinh viên Mỹ bắt buộc phải đọc trong hơn 1 triệu bài giảng năm 2016, “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” của Karl Marx đã bỏ xa các cuốn sách phía sau để trở thành tài liệu được giáo viên Mỹ giảng dạy rộng rãi nhất, cả về số bài giảng lẫn tần suất được giảng dạy. “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” được sử dụng làm tài liệu giảng dạy về lý thuyết xã hội, trong khi tại các lớp học kinh tế, các giáo sư thường ưa thích sử dụng cuốn “Capital” (Tư bản - bộ sách đồ sộ của Marx phân tích về sự vận hành của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa) </s>
Nhiều người đề xướng chủ nghĩa tư bản đã coi chủ nghĩa tư bản là công cụ hiệu quả hơn trong việc tạo ra và phân phối tài sản so với chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản, hay đã thể hiện sự chia tách giàu nghèo như sự lo ngại của Marx và Engels chỉ là một hiện tượng nhất thời. Một số người cho rằng tính tư lợi và nhu cầu sở hữu tư bản là một tính chất sẵn có của cách hành xử của con người, chứ không phải bị gây ra bởi việc chấp nhận chủ nghĩa tư bản hay bất kỳ một hệ thống kinh tế riêng biệt nào khác và rằng những hệ thống kinh tế khác nhau phản ánh những sự đáp ứng khác nhau của xã hội với thực tế này. Trường phái Áo về kinh tế đã chỉ trích việc Marx sử dụng lý thuyết giá trị thặng dư lao động. Ngoài ra, sự đàn áp chính trị và các vấn đề kinh tế của nhiều nhà nước Cộng sản lịch sử đã làm giảm sút khá nhiều danh tiếng của Marx ở phương Tây, đặc biệt sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin và của Liên bang Xô viết. John Maynard Keynes coi chủ nghĩa Marx là một học thuyết phi lô gíc và gọi cuốn Das Kapital là "một cuốn sách lỗi thời mà tôi biết không chỉ có nhiều lỗi về mặt khoa học mà còn không được quan tâm hay có thể áp dụng vào thế giới hiện đại." </s>
Những người khác chỉ trích Marx từ khía cạnh triết lý khoa học. Karl Popper chỉ trích các lý thuyết của Marx là không có tính khả thi, điều mà ông tin là xuất phát từ một số khía cạnh lý luận lịch sử và chính trị xã hội phi khoa học của Marx; tiêu chuẩn tính khả thi của Popper, dù rất có ảnh hưởng, cũng đã bị chứng minh có thể gây tranh cãi. Popper cũng chỉ trích Marx về 'chủ nghĩa lịch sử'; nghĩa là, việc giả định rằng sự phát triển của những xã hội loài người tuân theo một bộ quy luật cố định và có thể thấy trước. </s>
Murray Rothbard cho rằng "...Marx không bao giờ tìm cách đưa ra một câu trả lời. Quả thực ông không thể, bởi nếu ông gắn tình trạng kỹ thuật hay sự thay đổi công nghệ với những hành động của con người, của con người cá nhân, toàn bộ hệ thống của ông sẽ sụp đổ. Với ý thức của loài người, và ý thức cá nhân với điều đó, thì khi ấy mới xác định phương thức sản xuất chứ không phải cách thức khác theo hình tròn." Tuy nhiên, bài viết Lời nói đầu cho một sự đóng góp vào việc phê bình Kinh tế chính trị nổi tiếng của Marx phát biểu rằng "Trong sự sản xuất xã hội của sự tồn tại của nó, con người không tránh được phải tham gia vào những quanh hệ xác định, phụ thuộc vào ý chí của họ, nói rõ ra là những quan hệ sản xuất thích ứng với một giai đoạn cho trước trong sự phát triển các lực lượng sản xuất vật chất của họ." Marx đã gắn một cách rõ ràng các lực lượng sản xuất và sự phát triển của chúng với những hành động của loài người, nhưng nhấn mạnh bản chất xã hội của sự phát triển này, dựa trên nhu cầu, nhu cầu phải duy trì sự tồn tại của con người, vì thế phát triển "độc lập của ý chí của họ", như các cá nhân, và vì thế ảnh hưởng ngược lại tới cá nhân theo những cách phản ứng các điều kiện xã hội cho trước. </s>
Nhà triết học cánh tả Peter Singer, trong cuốn sách Một người Darwin cánh Tả, đã đặt nghi vấn quan điểm Marxist về bản chất con người là rất dễ thay đổi. Nhà khoa học Lionel Tiger cũng đã trình bày lý lẽ chống lại quan điểm Marxist về bản chất con người. Lionel Tiger cho rằng những tuyên bố Marxist đã không thể loại bỏ và trao quyền lực cho giai cấp vô sản bởi chủ nghĩa xã hội Marxist không nhận ra rằng bởi con người đã được thừa hưởng khuynh hướng cạnh tranh và chuyên chế từ những tổ tiên thời nguyên thuỷ của mình trong một hệ thống "kiểm tra và cân bằng" và những hạn chế với việc cá nhân giành lấy quyền lực và tài sản là cần thiết để duy trì một xã hội xã hội chủ nghĩa quân bình. </s>
Một số nhà bình luận, như Bernard Lewis, Edward H. Flannery và Hyam Maccoby, đã coi Về Vấn đề Do Thái của Marx như một tác phẩm chống xê mít, và xác định những tính chất chống xê mít trong các tác phẩm đã xuất bản và tác phẩm riêng của ông. Theo họ, Marx coi người Do Thái như một hiện thân của chủ nghĩa tư bản và là những người tạo ra các tính chất ma quỷ của nó. Theo quan điểm của họ, sự đánh đồng chủ nghĩa Do Thái với chủ nghĩa tư bản của Marx, cùng với những tuyên bố của ông về người Do Thái, đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới các phong trào xã hội chủ nghĩa và định hình nên thái độ và chính sách của họ với người Do Thái. Theo những ý kiến của các học giả này, tác phẩm Về Vấn đề Do Thái của Marx đã ảnh hưởng tới chủ nghĩa Phát xít, cũng như các tình cảm chống xê mít của Liên bang Xô viết và người Ả Rập. Albert Lindemann và Hyam Maccoby đã cho rằng Marx cảm thấy bối rối vì lý lịch Do Thái của mình. </s>
Tuy nhiên, Giáo sư khoa học chính trị Iain Hamphsher-Monk cho rằng các chỉ trích trên là từ những người chưa đọc kỹ tác phẩm của Marx. Ông đã viết trong tác phẩm của mình: "Tác phẩm này [Về Vấn đề Do Thái] đã được nêu ra như một bằng chứng về cái được cho là tình cảm chống xê mít của Marx, nhưng chỉ việc đọc nó một cách hời hợt mới có thể dẫn tới một sự giải thích như vậy." Tương tự, McLellan và Francis Wheen cho rằng các độc giả phải hiểu Về Vấn đề Do Thái trong bối cảnh các cuộc tranh cãi của Marx với Bruno Bauer, tác giả của Vấn đề Do Thái, về sự giải phóng Do Thái ở Đức. Francis Wheen nói: Những chỉ trích đó, ai coi nó như một tiền thân của 'Mein Kampf', bỏ sót một điều, điểm quan trọng: bỏ qua sự vụng về trong cách viết và sự thô thiển của bản in, tác phẩm trên thực tế được viết như một sự bảo vệ dành cho người Do Thái. Đó là sự đáp lại với Bruno Bauer, người đã cho rằng người Do Thái không nên được trao đầy đủ các quyền dân sự và tự do trừ khi họ được rửa tội để trở thành các tín đồ Thiên chúa. </s>
Lưu vực là phần diện tích bề mặt đất trong tự nhiên mà mọi lượng nước mưa khi rơi xuống sẽ tập trung lại và thoát vào một lối thoát thông thường, chẳng hạn như vào sông, vịnh hoặc các phần nước khác. Các lưu vực thoát nước bao gồm tất cả các nước bề mặt từ dòng chảy mưa, tuyết, và các dòng suối gần đó chạy theo hướng dốc về phía lối thoát chung, cũng như nước ngầm dưới bề mặt trái đất. Các lưu vực thoát nước kết nối với các lưu vực thoát nước khác ở độ cao thấp theo mô hình phân cấp, với các bể chứa nhỏ hơn, và lần lượt đổ vào một khe thông thường khác. </s>
Lòng chảo nội lục là nội lục lưu vực mà không chảy ra đại dương. Khoảng 18% đổ vào các hồ, biển hoặc bồn rửa địa phương. Phần lớn nhất bao gồm phần lớn nội lục của châu Á, chảy vào biển Caspian, biển Aral và nhiều hồ nhỏ hơn. Các vùng ngoại vi khác bao gồm Đại Bồn Địa ở Hoa Kỳ, nhiều vùng sa mạc Sahara, lưu vực thoát nước của sông Okavango (lưu vực Kalahari), vùng cao gần Hồ Lớn châu Phi, nội lục của Úc và Bán đảo Ả Rập, và các bộ phận ở México Và Andes. Một số trong số này, chẳng hạn như lưu vực lớn, không phải là lưu vực thoát nước duy nhất, mà là sự tập hợp của các lưu vực kín liền kề nhau. </s>
Các lưu vực thoát nước có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong việc xác định ranh giới lãnh thổ, đặc biệt là ở các khu vực mà thương mại bằng đường thủy rất quan trọng. Ví dụ, nước Anh đã cho Công ty Vịnh Hudson một sự độc quyền về buôn bán lông thú trong lưu vực toàn bộ vịnh Hudson, khu vực được gọi là Rupert's Land. Tổ chức chính trị sinh học ngày nay bao gồm các thỏa thuận của các quốc gia (ví dụ, các hiệp ước quốc tế và, nội bộ Hoa Kỳ, các tiểu bang liên kết) hoặc các thực thể chính trị khác trong lưu vực thoát nước cụ thể để quản lý cơ thể hoặc các nguồn nước mà nó cống. Ví dụ về các tiểu bang liên kết như vậy là Great Lakes Commission và Tahoe Regional Planning Agency. </s>