text
stringlengths
465
7.22k
Năm 130 TCN, Hán Vũ Đế xuống lệnh đặt thành quận cả khu vực nói trên và chọn Bậc đạo (An biên trường tây nam thành phố Nghi tân, Tứ xuyên) làm quận lỵ rồi phát động quân sĩ 2 quận Ba Thục tiến hành việc mở đường từ Bậc đạo thông đến sông Tường Kha. Người đất Thục là Tư Mã Tương Như lại dâng thư yêu cầu đặt quận huyện tại Cùng (vùng thành phố Tây Xương, Tứ Xuyên), Trách (vùng huyện Diêm Nguyên, Tứ Xuyên) thuộc Tây Di. Tư Mã Tương Như được Vũ đế cử làm Trung lang tướng. Tư Mã Tương Như tuyên truyền với các thủ lĩnh dân tộc thiểu số tại địa phương được họ đồng ý cho nhà Hán đặt tại khu vực đó mười mấy huyện và 1 đô úy trực thuộc Thục quận.
Mới đầu Vua Thiện Thiện tiếp ông rất lễ độ, trong khi đó, một phái đoàn của Hung Nô cũng tới, vua Thiện Thiện thay đổi thái độ, lơ là phái đoàn Hán. Ban Siêu cả gan dùng thuật vào hang cọp để bắt cọp con, nửa đêm sai mười người núp sau nhà của phái đoàn Hung Nô, người nào cũng cầm trống; còn 26 người nữa, núp ở phía trước nhà, rồi một mình ông tiến vào đốt nhà. Đêm đó có cơn dông, lửa bốc cao, bọn mười người phía sau đập trống vang trời, phái đoàn Hung Nô hoảng hốt, chạy ra phía trước, bị người Hán bắn chết một phần, phần còn lại chết cháy. Vua Thiện Thiện thấy vậy, vội thề kết thân với Hán. Chưa thấy phái đoàn ngoại giao nào dùng thuật kì dị như vậy.
Năm 107, Tây Vực Đô hộ phủ phải triệt thoái. Quân tư mã Ban Dũng và Ban Hùng phụng mệnh Nhà vua đón tiếp đô hộ và binh sĩ trú đóng ở Tây Vực trở về. Việc nhà Đông Hán triệt thoái Tây Vực Đô hộ phủ tạo cơ hội cho lực lượng tàn dư của Bắc Hung Nô tại núi Antai nổi dậy chiếm lĩnh Y Ngô, cướp bóc vùng Hà Tây. Một số nước Tây Vực lại đề nghị nhà Đông Hán bảo hộ. Đặng Thái hậu đang chấp chính liền triệu kiến Ban Dũng và chấp nhận kiến nghị khôi phục Tây Vực của ông. Năm 123, Ban Dũng được cử làm Tây Vực Trưởng Lại, đóng ở Liễu Trung (tây nam huyện Thiện Thiện). Chức năng của phủ Trưởng sử cũng giống như của Đô hộ phủ. Ban Dũng đẩy lui tàn dư của Bắc Hung Nô, khôi phục sự thống trị của nhà Đông Hán tại Tây Vực. Ban Dũng thiết lập các đồn điền quân sự phía tây và đưa người Hán đến định cư. Tuy nhiên so với thời Tây Hán thì không mạnh bằng. Cuối đời Đông Hán, nhà Hán không còn đủ sức mạnh để khống chế Tây Vực nữa, phủ Trưởng sử không còn tồn tại.
Vũ đế phái Vương Thiên Vũ đến đất Điền tuyên truyền sức mạnh của quân Hán nhưng Điền Vương ỷ có mấy vạn binh sĩ lại có những bộ tộc cùng họ ở phía đông bắc là Lao Thâm, Mạc My ủng hộ nên không chịu quy phục. Năm 109 TCN, Vũ đế điều động quân Ba Thục tấn công tiêu diệt Lao Thâm, Mạc My xua quân tiến sát đất Điền. Điền vương xin đầu hàng, nhà Hán giao quyền cho tướng Quách Xương đặt quận Ích châu với 24 huyện trực thuộc. Nơi đặt trụ sở của quận này là huyện Điền Trì (ngày nay là Tấn Ninh). Về sau lại hàng phục được Côn Minh sáp nhập vùng này vào quận Ích châu.
Từ Nhất nam (duyên hải miền trung Việt Nam), Chướng Tái, Từ Văn (tây nam huyện Từ Văn, Quảng Đông), Hợp Phố (Hợp Phố, Bắc Hải, Quảng Tây) đi thuyền 5 tháng thì có thể đến nước Đô Nguyên; lại đi thuyền 4 tháng nữa sẽ gặp nước Ấp Lư Một; lại đi thêm ngoài 20 ngày sẽ đến nước Thầm Ly; nếu đi bộ thì hơn 10 ngày sẽ gặp nước Phù Cam Đô Lư. Từ nước Phù Cam Đô Lư đi thuyền hơn 2 tháng sẽ gặp nước Hoàng Chi; phong tục người dân ở đây cũng giống như người dân ở châu Nhai (đông bắc đảo Hải nam). Từ nước Hoàng Chi đi thêm 8 tháng sẽ tới Bì Tôn, nếu đi 2 tháng nữa sẽ đến Nhất Nam, Tượng Lâm. phía nam của Hoàng Chi có nước Trình Bất. Sứ giả và người thông dịch của nhà Hán đi đến đây thì dừng.
Vào khoảng thế kỷ 3 TCN, khu vực trung tâm của Vân Nam, xung quanh Côn Minh ngày nay đã được biết đến như là Điền. Một viên tướng nước Sở là Trang Giao hay Trang Kiệu đã từ thượng nguồn Trường Giang tiến vào khu vực này, lập ra nước Điền và tự xưng là "vua nước Điền". Ông và những người kế nghiệp ông đã mang tới Vân Nam ảnh hưởng của người Hán, sự khởi đầu của một lịch sử lâu đời các cuộc di cư và sự mở rộng ảnh hưởng văn hóa. Năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc và mở rộng quyền lực của mình xuống phía nam. Các châu và huyện đã được thiết lập tại đông bắc Vân Nam. Đường giao thông đang có tại Tứ Xuyên đã được mở rộng về phía nam tới gần Khúc Tĩnh ngày nay, ở miền đông Vân Nam - được gọi là "Ngũ xích đạo" (đường 5 thước). Năm 109 TCN, Hán Vũ Đế giao quyền cho tướng Quách Xương đến Vân Nam để thiết lập quận Ích Châu với 24 huyện trực thuộc. Nơi đặt trụ sở của quận này là huyện Điền Trì (ngày nay là Tấn Ninh). Một huyện khác được gọi là "Vân Nam", có lẽ là lần sử dụng đầu tiên của tên gọi này. Để mở rộng quan hệ thương mại mới hình thành với Miến Điện và Ấn Độ, Hán Vũ Đế còn giao cho Đường Mông nhiệm vụ bảo trì và mở rộng Ngũ xích đạo, đổi tên nó thành "Tây nam Di đạo". Vào thời gian đó, kỹ thuật canh tác trong nông nghiệp ở Vân Nam đã được cải thiện rõ rệt. Người dân địa phương sử dụng các công cụ và cày bừa bằng đồng thau cũng như chăn thả nhiều loại gia súc, như trâu, bò, ngựa, cừu, dê, lợn và chó.
Mùa hè năm 100, hơn 2.000 dân Tượng Lâm nổi lên phá đồn, đốt thành, giết một số quan quân cai trị. Chính quyền đô hộ Hán phải huy động quân của các quận huyện khác đến dẹp, giết được chủ tướng, cuộc nổi loạn mới tạm yên. Từ đó chính quyền nhà Hán không dám ức hiếp một cách thô bạo dân cư tại đây nhưng đặt vùng đất này dưới quyền cai trị trực tiếp, do một binh trưởng sứ cầm đầu, đề phòng những cuộc nổi loạn sau này. Để lấy lòng dân cư địa phương, quan quân nhà Hán tổ chức phát chẩn cho dân nghèo, miễn thuế hai năm v.v.
Năm 138, Giả Xương, quan thị ngự sử nhà Hán đi sứ phía nam, đã cùng với các quan thái thú trong quận Nhật Nam gom quân dẹp những cuộc nổi loạn ở huyện Tượng Lâm. Sau gần một năm, tất cả đều thất bại, và họ còn bị quân địa phương bao vây hơn cả năm trời. Từ đó nhà Hán mất tin tưởng ở đám quan quân địa phương và chỉ tin dùng quan quân từ Trung Hoa đưa xuống. Năm sau Hán Thuận Đế sai tướng Cổ Xương huy động 40.000 quân ở các châu Kinh, châu Dương, châu Duyên, châu Dự xuống đàn áp cuộc nổi dậy. Cổ Xương bị quân nổi loạn đánh bại, nhà Hán sai một tướng khác là Lý Cố mang viện binh tiếp trợ nhưng Lý Cố viện các lý do để hoãn binh. Cuộc tiến quân bị dừng lại.
Năm 144, dân quận Nhật Nam và huyện Tượng Lâm lại nổi lên chống lại ách cai trị của nhà Hán, nhưng bị thứ sử Hạ Phương đánh bại. Năm 157, Chu Đạt cùng với dân chúng Cửu Chân nổi lên giết huyện lệnh Cự Phong và thái thú Nghê Thức chiếm quyền lãnh đạo. Sự kết hợp tự nhiên giữa dân chúng hai quận Cửu Chân và Nhật Nam gây nhiều bối rối cho các quan quân cai trị. Dưới sự chỉ huy của đô úy quận Cửu Chân là Ngụy Lãng, quân Hán phản công quyết liệt, giết hơn 2.000 dân Cửu Chân, phe nổi loạn phải chạy xuống phía nam chiếm quận Nhật Nam và chống trả lại. Trong ba năm, từ 157 đến 160, quân Tượng Lâm (khoảng 20.000 người) tiến lên đánh quân Hán và chiếm nhiều huyện khác của Nhật Nam. Vài năm sau, năm 178, Lương Long cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại quân Hán, chiếm được nhiều vùng đất từ Giao Chỉ đến Hợp Phố và từ Cửu Chân đến Nhật Nam; năm 181 Hán vương cử Lã Đại mang quân sang đánh dẹp.
Năm 106, người Khương sống ở phía tây Ngọc Môn Quan (phía tây bắc Đôn Hoàng, Cam Túc) nổi loạn, xuất quân xâm phạm quận Vũ Đô. Năm 107 nhà Đông Hán bắt người Khương đi đánh Tây Vực, người Khương không muốn xa lìa quê hương nên khi mới ra đi họ đã rủ nhau trốn về. Quan lại Triều đình liền bắt bớ và đốt phá nhà cửa của họ. Năm 110, người Khương phẫn nộ và vùng lên nổi dậy, lấy gậy gộc làm vũ khí, lấy ván làm khiên chống lại Quân đội Đông Hán, giết chết nhiều quan lại và địa chủ Hán. Triều đình và quan lại các châu huyện đều sợ người Khương và bắt buộc dân Hán phải dời vào nội địa nhưng người Hán cũng không chịu đi, sợ khi vào nội địa đời sống không được đảm bảo. Quân đội Đông Hán liền dỡ nhà cửa và đốt lương thực của dân Hán. Bất đắc dĩ, người Hán phải liên hiệp với người Khương chống lại hành động áp bức của Triều đình. Năm 121, người Khương và người Tiên Ti lại nổi dậy, cuộc nổi dậy tiếp diễn trong suốt những năm cuối triều An Đế.
Để có được nhiều tiền cung cấp cho các chiến dịch quân sự thắng lợi chống Hung Nô, Hán Vũ Đế bỏ ngỏ việc kiểm soát đất đai cho các nhà buôn và những người giàu có, và vì thế đã hợp pháp hóa quá trình tư hữu hóa đất đai. Thuế đất đai dựa trên diện tích của mảnh đất chứ không phải trên thu nhập có được từ nó. Thu hoạch từ mùa màng không phải luôn luôn đủ để nộp thuế vì việc bán sản phẩm bị thị trường chi phối nên không thể đảm bảo luôn có được một số thu cố định, đặc biệt sau khi bị thiên tai làm thiệt hại mùa màng. Các lái buôn và các gia đình thế lực dụ dỗ nông dân bán đất của mình, bởi vì sự tích luỹ đất đai giúp đảm bảo cuộc sống sung túc và quyền lực của họ và cả con cháu họ trong xã hội nông nghiệp Trung Quốc. Vì thế có sự tích tụ đất đai vào giai cấp mới, bao gồm các gia đình chủ đất. Triều đình nhà Hán tới lượt họ lại áp thêm thuế đối với những người đầy tớ vẫn còn độc lập để bù vào số thuế thiếu hụt, vì thế lại càng thúc đẩy nhiều nông dân chui vào tay tầng lớp chủ đất hay chúa đất.
Về mặt lý thuyết, nông dân trả cho chúa đất một lượng thu nhập theo chu kỳ (thường là hàng năm), để được bảo vệ khỏi nạn cướp bóc và các mối nguy hiểm khác. Trên thực tế, số lượng nông dân đông đảo ngày càng tăng dưới thời thịnh vượng của nhà Hán và số lượng đất đai hạn chế đã làm cho tầng lớp trên nâng cao đòi hỏi của họ đối với bất kỳ một nông dân phụ thuộc nào. Việc học hành không đầy đủ và thường là hoàn toàn mù chữ của người nông dân buộc họ phải làm việc chân tay để sống, và thường là làm ruộng trong một xã hội nông nghiệp. Các nông dân vì không có nghề nào khác tốt hơn để kiếm sống buộc phải hạ tiêu chuẩn và hạ giá bán sản phẩm nông nghiệp để trả tiền cho các chúa đất. Trên thực tế, họ thường phải trì hoãn việc thanh toán hoặc vay mượn tiền từ các chủ đất của họ sau khi thiên tai làm mất mùa. Để làm tình trạng của họ tồi tệ hơn, một số nhà cai trị thời Hán còn tăng thuế lên gấp đôi. Cuối cùng đời sống của tá điền ngày càng kém sút vì họ bị phụ thuộc vào mùa màng của mảnh đất đã từng thuộc sở hữu của họ.
Về phần mình, tầng lớp chủ đất và lãnh chúa còn đưa ra các thông tin không đúng về các tá điền và ruộng đất của họ để trốn thuế; tình trạng tham nhũng và sự bất lực của tầng lớp trí thức Khổng giáo trong lĩnh vực kinh tế đóng một vai trò rất nguy hiểm trong việc này. Những quan lại nhà Hán nào cố gắng tước đoạt đất đai ra khỏi tay các lãnh chúa đều gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ và chính sách của họ không thể thực thi nổi. Trên thực tế chỉ một thành viên trong các gia đình chủ đất, ví dụ như Vương Mãng là có thể đưa các ý tưởng cải cách này thành hiện thực dù nó đã thất bại khi ông tìm cách thực hiện các chính sách "quay lại thời trước".
Alexandros III của Macedonia, được biết rộng rãi với cái tên Alexandros Đại đế, (tiếng Hy Lạp: Μέγας Αλέξανδρος Megas Alexandros, tiếng Latinh: Alexander Magnus) (tháng 7 năm 356 TCN – 11 tháng 6 năm 323 TCN), là Quốc vương thứ 14 của nhà Argead ở Vương quốc Macedonia (336 – 323 TCN), nhưng ít dành thời gian cho việc trị quốc tại quê nhà Macedonia. Trong suốt Triều đại của mình, ông chủ yếu dành thời gian cho quân sự, các cuộc chinh phạt, và được xem là một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử, người đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà con người thời đó biết đến trước khi qua đời; và vì thế ông thường được xem là một trong những chiến lược gia quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Sau khi thống nhất các thành bang Hy Lạp cổ đại dưới sự cai trị của vua cha Philipos II, Alexandros chinh phục Đế chế Ba Tư, bao gồm cả Tiểu Á, Syria, Phoenicia, Gaza, Ai Cập, Bactria và Lưỡng Hà và mở rộng biên cương đế chế của ông đến xa tận Punjab thuộc Ấn Độ ngày nay. Chiến thắng của ông trước quân Ba Tư trong trận Gaugamela - chiến thắng quyết định thứ ba của ông trước vua Ba Tư Darius III - được xem là chiến công hiển hách nhất trong thời kỳ cổ đại; không những thế ông còn đánh tan tác người Scythia - một dân tộc bách chiến bách thắng thời bấy giờ. Alexandros thực hiện một chính sách hòa hợp: ông đưa cả những người ngoại quốc (không phải người Hy Lạp hay người Macedonia) vào chính quyền và cả quân đội của mình, ông khuyến khích hôn nhân giữa các tướng sĩ của mình với người nước ngoài và chính ông cũng lấy vợ ngoại quốc.
Sau mười hai năm liên tục thân hành cầm quân đánh đâu thắng đó, vua Alexandros Đại Đế qua đời, có lẽ là do sốt rét, thương hàn, hay viêm não do virút. Những cuộc chinh phạt của ông mở đầu cho nhiều thế kỉ định cư và thống trị của người Hy Lạp trên nhiều vùng đất xa xôi, một giai đoạn được gọi là thời kỳ Hy Lạp hóa. Bản thân ông cũng sống trong lịch sử và trong các truyền thuyết của các nền văn hóa Hy Lạp và không Hy Lạp. Ngay khi ông còn sống, và đặc biệt sau khi ông qua đời, những cuộc chinh phạt của ông đã là nguồn cảm hứng của một truyền thống văn học mà trong đó ông xuất hiện như là một anh hùng huyền thoại theo truyền thống của Achilles (Asin) năm xưa. Không những vị vua trẻ tuổi này trở thành nhà chinh phạt xuất sắc nhất của Hy Lạp cổ điển, ông còn là một vị anh hùng trong truyền thống Hồi giáo, người Ả Rập gọi ông là Iskandar.
Alexandros Đại đế là con trai của vua Philipos II của Macedonia và người vợ thứ tư, công chúa Olympias xứ Ipiros. Thông qua vị vua khai quốc Macedonia là Karanos, Alexandros là hậu duệ của anh hùng Heracles. Bên họ mẹ ông, Alexandros là con cháu của Aeacides thông qua anh hùng Neoptolemus. Thông qua mẹ ông, Alexandros là anh họ thứ hai của một vị vua - chiến binh lỗi lạc khác là Pyrros. Pyrros là Quốc vương xứ Ipiros, tài năng của ông này đã làm cho nhân dân Macedonia nhớ tới Quốc vương Alexandros Đại Đế xưa kia, và danh tướng Hannibal đã đặt ông thứ hai trong danh sách các vị danh tướng kiệt xuất nhất, chỉ sau Quốc vương Alexandros. Trong tiểu sử Alexandros Đại Đế, Plutarchus ghi nhận: Người ta nói rằng, vua cha Philippos II của ông lúc còn trẻ đã yêu cô thiếu nữ Olympias (lúc bấy giờ cả cha lẫn mẹ của bà đã qua đời) trên hòn đảo nhỏ Samothracia, tại đây họ được làm quen và hiểu được những phép lạ của giới tăng lữ: và sau đó, Philippos II hỏi ý anh trai của Olympias là vua Arymbas về việc kết hôn với bà, và vua này chấp thuận. Trong đêm trước khi cặp đôi nằm trên giường cưới, Olympias nằm mộng thấy sấm sét đánh vào tử cung của bà, và một ngọn lửa sáng rực tự gieo rắc nó thành nhiều đống lửa khác nhau. Còn vua Philippos II thì chiêm bao thấy mình niêm phong tử cung của Olympias, và con dấu niêm phong của ông có in hình một con mãnh sư. Tuy các thầy pháp và nhà tiên tri khuyên vua cần phải cảnh giác với vợ mình qua giấc chiêm bao này, nhưng Aristander người xứ Telmessus đổi ý: ông cho rằng Hoàng hậu Olympias đang có thai và không gì có thể che giấu được điều này, và thai nhi của bà chứa một hoàng nam có tính khí của loài mãnh sư.
Cũng chính Plutarchus có kể lại một câu chuyện như sau: Nhiều lần ngủ trên giường của mình, Olympias thích nằm chung với rắn, mà có người cho rằng đây là nguyên nhân lớn nhất khiến cho nhà vua ghẻ lạnh với bà. Do đó, vua không nằm nhiều với bà, khác với lúc trước: hoặc là do vua sợ một sức mê hoặc hay bùa phép nào đó, hoặc là vua lo sợ rằng một vị thần linh nào đó đã yêu Olympias, mà mình là người trần mắt thịt không thể gặp được chư thần. Có người lại thuật câu chuyện này theo một lối nói khác: rằng phụ nữ các vùng đất Cổ Hy Lạp thời đó có được tâm hồn của thần Orpheus và tính nóng nảy thánh thiêng của thần Bacchus, do đó họ được gọi là Clodones và Mimallones (nghĩa là hung dữ, hiếu chiến), và làm những việc giống như các phụ nữ xứ Edonia và Thrace, sinh sống ở miền núi Aemus. Và do đó, có lẽ từ ngữ threskeuin tiếng Hy Lạp cổ đại (nghĩa là lòng thành kính quá mãnh liệt đối với chư thần) bắt nguồn từ họ. Olympias phải truyền cảm chư thần bằng sự điên cuồng và đanh đá thiêng liêng của mình, vì vậy trong những buổi lễ cúng tế thần linh, bà thường làm những trò hết sức man rợ và khủng khiếp. Bà múa cho thần Bacchus xem cùng với những con rắn xung quanh mình, làm đám đàn ông phát sợ.
Nói chung, sau khi có chiêm bao, vua Philippos II sai Chaero người xứ Megalopolis) đến ngôi điện thờ thần Apollo tại Delphi, để hỏi ý thần linh xem giấc mộng của vua báo hiệu điều gì sẽ xảy ra? Philippos II đã nhận được câu trả lời rằng, ông phải thờ phụng thần Zeus chu đáo, hơn hết tất cả mọi vị thần khác. Và, nhà vua đã bị mất một con mắt khi đi chinh chiến, mà với con mắt này ông đã nhìn trộm qua buồng ngủ của vợ, thấy thần linh đội lốt loài rắn mà ngủ chung với vợ ông. Hơn nữa, theo như Eratosthenes, sau này khi Alexandros Đại Đế lên đường chinh phạt Á châu, Olympias đã tử tế từ biệt con mình, sau khi bà đã nói riêng với ông rằng ông thực chất là con của ai? Bà đã cúng tế vị thần ấy như thế nào? Để rồi ông thật xứng đáng là con của vị thần ấy. Cũng có người viết rằng Olympias bác bỏ huyền thoại này, bà nói:
Lại nói, Hoàng tử Alexandros sinh vào ngày thứ sáu trong tháng sáu (tức tháng Hecatombaeon theo cách gọi của người Hy Lạp cổ đại, hoặc tháng Lous theo cách gọi của người Macedonia thời đó). Đúng ngày mà Alexandros được sinh ra, ngôi đền thờ thần Artemis ở Ephesus bị cháy rụi. Hegesias người xứ Magnesius có chứng kiến trận cháy kinh hoàng này, và lời than vãn cùng tiếng kêu ca của thần nữ Artemis thật quá lạnh lẽo đến mức nó có thể làm dập tắt đám cháy. Theo Plutarchus, không lạ gì nếu Artemis để cho ngôi đền này bị bùng cháy là do bà đang phải coi sóc vị vua tương lai Alexandros Đại Đế. Tuy nhiên, mọi giáo sĩ, nhà tiên tri và thầy pháp ở đều dự báo về sự đến gần của một hiểm họa cực kỳ nghiêm trọng: nét mặt họ hết sức hoảng sợ, họ phải chạy quanh, rồi chạy vào thành phố Ephesus vào kêu ca rằng, trận cháy là điềm báo trong ngày hôm ấy, một sức mạnh vô biên đã ra đời vào và sẽ tiêu diệt châu Á sau này. Ít lâu sau đó, Philippos II chiếm lĩnh được thành phố Potidae, và có ba tin vui đến với nhà vua làm cho ông hết sức sung sướng: trước tiên, danh tướng Parmenion đã đại phá tan tác quân Illyria, thứ hai, con ngựa của ông thắng giải và đạt được vòng nguyệt quế trong kỳ Thế vận hội tại Olympía lần này, và cuối cùng, Hoàng hậu Olympias đã hạ sinh một hoàng nam tên là Alexandros. Niềm sướng vui của nhà vua càng trở nên tột độ khi các nhà tiên tri tiên đoán rằng, do Alexandros đã hạ sinh giữa ba chiến thắng, vị vua tương lai sẽ đánh đâu thắng đó.
Vóc dáng của Alexandros được thể hiện rõ nhất qua những bức tượng do Lyssipus tạc, theo Plutarchus, Lyssipus là người nghệ nhân xứng đáng nhất để tạc chân dung vị vua vĩ đại. Và trên thực tế, những đặc điểm của Alexandros mà sau này nhiều bạn hữu và vua chúa kế tục luôn mong muốn được kế thừa từ ông: cái cổ hơi nghiêng về bên trái, và đôi mắt ẩm ướt đã được hoàn toàn thừa nhận bởi các nghệ sĩ về sau. Họa sĩ Apelles sau này cũng có vẽ tranh Alexandros Đại Đế nắm giữ sấm sét trông giống như thần Zeus, tuy không nhấn mạnh rõ đến làn da của ông, nhưng làm cho nó thật tối, ngăm đen. Người ta thường nói Alexandros rất đẹp trai và vẻ đẹp của ông được thể hiện bởi phần da hồng sẫm nhạt ở xung quat ngực và mặt của ông. Vả lại, theo "Hồi ký" của Aristoxienus, miệng và thịt của Alexandros có vị ngọt ngào, trong khi làn da của ông có hương thơm ngát, đến mức ngấm vào mọi y phục của Alexandros. Có lẽ sự tỏa hương này là do tính khí nóng nảy của Alexandros, theo lời bàn của Plutarchus.
Bấy giờ, vua nước Ba Tư phái sứ thần đến triều kiến Hoàng gia Macedonia, giữa lúc vua cha Philippos II đang phải đi chinh chiến ở phương xa nên Hoàng tử Alexandros vui vẻ tiếp đón phái sứ, và được họ nể phục vì sự nhã nhặn của mình. Bởi vì ông không hề hỏi họ những câu hỏi mang tính con nít, không thèm quan tâm đến những vấn đề linh tinh. Trong cuộc đời, điều mà Alexandros khao khát hơn là hành động và vinh quang, chứ không phải thú vui và giàu có. Alexandros khao khát được nổi tiếng đến mức khi nghe về cuộc chinh phục của vua cha Philippos II, chàng không hề sung sướng vì được thừa hưởng một gia tài và quyền lực càng tăng thêm mà chỉ cảm thấy không vui vì những vùng đất còn lại cho chàng chinh phục giờ đây nhỏ nhé dần. Alexandros thường than phiền với bạn bè rằng nếu cứ đà này thì một khi chàng lên nối ngôi vua, trên thế giới sẽ chẳng còn việc gì để làm.
Trong suốt cuộc đời chinh chiến của mình, Alexandros luôn cưỡi con thần mã yêu quý Bucephalus. Câu chuyện Alexandros thuần phục được nó ngay từ khi còn nhỏ là một trong những mẩu chuyển tiêu biểu nhất Alexandros, thể hiện tài nghệ của chàng ngay từ khi còn nhỏ như vậy. Theo trước tác của Plutarchus, mọi sự mở đầu với việc một lái buôn người xứ Thessaly là Philoneicus đã mang con thần mã dũng mãnh này đến bán cho vua Philippos II, với giá là 13 đồng talent. Nhà vua và các quan cận thần trong Triều đình cũng ra một cánh đồng, và tại đó mọi người thay nhau ra sức thuần phục con thần mã. Con thần mã thật quá hung dữ và khó có thể bị chế ngự: nó không cho bất kỳ một ai cưỡi lên lưng nó, nó cũng không để tâm đến bất kỳ một lời khuyên nào của mọi người dưới sự cổ vũ của Philippos II mà toàn là hất họ ra. Nhà vua tức giận, bèn đem trả con ngựa táo tợn này vì nó thật quá hoang dã và không thể kiềm chế được, nhưng Alexandros khi đang đứng đó, liền nói:
Đầu tiên Philippos II vẫn im lặng chứ không thèm để ý. Nhưng do Alexandros vẫn than vãn lặp đi lặp lại và trở nên hết sức là buồn bã, vua cha mới phán con: " Hoàng nhi cứ chê bai những người lớn tuổi hơn con cứ như là con biết nhiều hơn và làm tốt hơn họ vậy". Hoàng tử Alexandros trả lời: "Ít ra thì con cũng biết thuần phục con ngựa này chứ không tệ như họ!" Vua cha lại hỏi: "Và nếu Hoàng nhi không thể thu phục được nó, thì con phải làm gì để trả giá cho cái tính bốc đồng" của con. Alexandros không ngại gì:
Thế là tất cả mọi người cười phá lên. Alexandros đánh cuộc và chàng chạy đến con thần mã. Chàng nắm lấy dây cương và dắt con ngựa đi theo hướng mặt trời; rõ rằng, chàng nhận ra rằng con thần mã này thường trở nên hoảng sợ khi nhìn thấy cái bóng của chính nó ở phía trước nó. Vì vậy chàng dắt con ngựa đứng yên đối diện với mặt trời rồi dắt nó đi theo hướng này. Mỗi khi con ngựa tỏ vẻ hung hăng hay giận dữ, chàng lại khẽ vuốt ve nó. Bất thình lình, Alexandros nhảy lên lưng con thần mã rồi nhẹ nhàng nhưng cương quyết giật dây cương cho đến khi tất cả vẻ hung dữ biến mất. Rồi chàng ra lệnh cho con Bucephalus phi nước đại, với giọng điệu hùng hồn hơn hẳn.
Hầu hết mọi người đều xem Alexandros là một trong số rất ít Hoàng đế thời cổ đại, đã tiếp nhận một nền giáo dục và huấn luyện chuyên môn để giữ vai trò thống trị một đế quốc. Dưới sự sắp xếp của người cha, ngay từ năm 13 tuổi ông đã theo học Aristotle, một triết gia nổi tiếng người Hy Lạp. Aristotle đã huấn luyện Alexandros về mọi mặt như thuật hùng biện và văn học và gợi lên các sở thích của cậu ta trong khoa học, y khoa và triết học. Aristotle đưa cho Hoàng tử Alexandros một bản sử thi Iliad của Homer, mà ông luôn giữ và đọc thường xuyên. Theo 10 đại hoàng đế thế giới, Alexandros rất ngưỡng mộ và luôn học hỏi theo sự nghiệp vĩ đại của người anh hùng Achilles thời chiến tranh thành Troia.
Năm 16 tuổi, ông bắt đầu theo cha mình đi chinh chiến, học hỏi các bố trận và làm tướng. Khi Philipos lãnh đạo cuộc tấn công vào Byzantium năm 340 TCN, Alexandros được để lại như là quan chấp chính của Macedonia. Vào năm 339 TCN, Philipos lấy người vợ thứ năm, Cleopatra Eurydice xứ Macedonia. Vì mẹ của Alexandros, Olympias, là người từ Epirus (một vùng đất thuộc phần phía tây của bán đảo Hy Lạp và không phải là một phần của Macedonia), và Cleopatra là một người Macedonia chính gốc, điều này đã dẫn đến tranh cãi về quyền nối ngôi hợp pháp của Alexandros. Attalus, chú của cô dâu, được kể là nâng ly trong tiệc cưới để chúc cho lễ thành hôn sẽ sản sinh ra một người nối ngôi hợp pháp của xứ Macedonia; Alexandros hất cốc rượu vào Attalus nạt lớn:
Cuối cùng thì vua cha Philipos giảng hòa với con trai, và Alexandros quay trở lại nhà; Olympias và em gái của ông vẫn ở lại xứ Epirus. Vào năm 338 TCN, trên lưng con thần mã Bucephalus, Alexandros giúp vua cha trong trận quyết định Trận đánh Chaeronea chống lại các thành phố Hy Lạp tự trị Athena và Thebes, cánh do đội kỵ binh dẫn đầu bởi Alexandros đã tiêu diệt Đội thần binh Thebes - một lực lượng tinh nhuệ được xem là bất khả chiến bại. Sau trận đánh, Philipos tổ chức ăn mừng trọng thể, và đáng để ý là Alexandros không tham dự (người ta tin rằng ông đang chăm sóc thương binh và chôn cất liệt sĩ, của Quân đội Macedonia và của kẻ thù). Chiến thắng này đã làm Philipos yêu quý con trai đến mức ông thích nghe các chiến binh gọi Philipos là vị tướng còn Alexandros mới là vị vua của họ. Philipos bằng lòng tước quyền thống trị của Thebes đối với Boeotia và để lại một đội quân đồn trú trong thành. Một vài tháng sau, để gia cố sự thống trị của Macedonia đối với các thành phố Hy Lạp tự trị, Hiệp hội Corinth được thành lập.
Vào năm 336 TCN, Philipos bị ám sát tại lễ cưới của con gái ông là Cleopatra của Macedonia với vua Alexandros I của Epirus. Người ta nói rằng, kẻ ám sát là một sủng thần trước đây của nhà vua - một nhà quý tộc trẻ bất mãn Pausanias, ông ta trở nên thù oán vua Philippos II vì nhà vua đã bỏ mặc một lời than phiền mà ông ta đã đưa ra. Người ta cho rằng vụ ám sát Philippos đã được tính toán trước với thông tin và sự tham gia của Alexandros hay Olympias. Một kẻ có khả năng là chủ mưu là Darius III - tân Hoàng đế của Đế quốc Ba Tư khi đó. Nhà sử học Plutarch đề cập đến một lá thư giận dữ từ Alexandros gửi Darius, trong đó ông đổ thừa cho Hoàng đế Darius III và quan Tể tướng Bagoas, cho cái chết của vua cha, nói rằng chính Darius là người đã khoác lác với các thành phố Hy Lạp là ông ta đã tổ chức ám sát Philippos như thế nào. Sau cái chết của Philippos, quân đội suy tôn Alexandros, lúc này 20 tuổi, như là vua mới của Macedonia. Chỉ trong vòng vài tuần sau khi vua cha qua đời, tân vương Alexandros đã nắm vững toàn bộ quyền thống trị Chính phủ và Quân đội Macedonia. Các thành bang Hy Lạp như Athena và Thebes, bị bắt buộc phải quy phục Philippos, thấy vị tân vương như là một cơ hội để giành lại hoàn toàn quyền độc lập của họ. Các bạn hữu và quân sư của nhà vua khuyên ông không nên lập lại quyền thống trị của xứ Macedonia tại Hy Lạp và các bộ tộc man rợ lân cận, trước khi ông đảm bảo sự ổn định nội bộ đất nước và sự trung thành tuyệt đối của toàn dân Macedonia. Do đó, họ khuyên ông không nên suy nghĩ xâu xa gì về ý định chinh phạt Ba Tư của tiên vương Philippos II trong vòng vài năm tới..
Tuy nhiên, nhà vua quyết định không bỏ qua bất kỳ một lãnh thổ nào mà tiên vương khổ công chiếm lấy, hoặc bất kỳ một dự định hay mục tiêu nào của tiên vương. Thoạt đầu, ông quyết định đấu tranh chống cái liên minh hiểm họa vừa được thành lập tại Hy Lạp để chống lại ông. Bấy giờ, ở phía Đông, đất nước đã được phòng vệ vì ít lâu trước khi mất, tiên vương Philippos II đã sai tướng Parmenion kéo 5000 quân tinh nhuệ đến, để chuẩn bị vượt sông Hellespont (Dardanelles) mà đánh Ba Tư. Do đó, nhà vua chỉ chú ý đến phía Bắc và phía Tây đất nước. Ông hành động nhanh chóng và Thebes, là thành phố chống lại ông tích cực nhất, đã đầu hàng khi ông xuất hiện ở cửa thành. Hội đồng Hy Lạp tại Eo Corinth, với ngoại lệ Sparta, bầu ông lên như là Tổng tư lệnh chống lại quân Ba Tư, mà trước đây chức danh này được phong tặng cho cha ông.
Năm kế tiếp, (335 TCN), Alexandros cảm thấy tự do tiến đánh Thracia và Illyria để bảo vệ sông Danube như là biên giới phương bắc của Vương quốc Macedonia. Trong khi ông đang chinh phạt phía bắc một cách thắng lợi, người Thebes và Athena lại nổi dậy một lần nữa. Alexandros phản ứng lập tức và trong khi các thành phố khác lại một lần nữa do dự, Thebes lần này quyết định chống trả cật lực nhất. Sự chống trả là vô ích; cuối cùng, thành phố bị chinh phục với nhiều máu đổ. Người Thebes chịu số phận thê thảm hơn khi thành phố bị đốt trụi và lãnh thổ bị chia ra giữa các thành phố Boeotian khác. Hơn nữa, tất cả các công dân của thành phố bị bán thành nô lệ, chỉ chừa lại các thầy tu, các lãnh tụ của các đảng ủng hộ Macedonia và hậu duệ của Pindar - nhà của người này không bị đụng chạm đến. Kết cục của xứ Thebes làm Athena sợ hãi mà đầu hàng và sẵn sàng chấp nhận yêu sách của Alexandros cho lưu đày các lãnh tụ của phe cánh chống lại Macedonia, Demosthenes là người đầu tiên. Người ta không biết thái độ ôn hòa sau đó của Alexandros đối với người Athena là do lòng thương hại của chàng đối với sự tàn bạo dành cho Thebes hay đơn giản chỉ vì sự khát máu của chàng đã được thỏa mãn. Nhưng kể từ đó, Alexandros luôn đối xử tử tế đối với bất cứ người Thebes nào sống sót mà chàng gặp.
Sau khi củng cố nền thống trị ở Hy Lạp, ông liền tích cực lo việc thực thi kế hoạch chinh phạt đế quốc Ba Tư Achaemenes mà tiên vương đã soạn thảo, để qua đó cướp đoạt tài nguyên phong phú ở phía đông. Ông vốn rất ngưỡng mộ hai nhà chinh phạt vĩ đại trước thời ông là Nữ hoàng Semiramis của Đế quốc Assyria và Hoàng đế Cyrus Đại Đế của Đế quốc Ba Tư Achaemenes, và quyết định tiến hành chinh phạt châu Á - theo gương họ thành lập một đế quốc hùng mạnh vào thời kỳ cổ đại. Lúc bấy giờ, Vương triều Achaemenes của Ba Tư đã suy yếu, nội bộ thường tranh chấp liên miên. Vả lại, Alexandros Đại Đế cũng đã kế thừa từ vua cha một công cụ chiến tranh hiệu quả, đó là một lực lượng Quân đội Macedonia dũng mãnh không gì sánh bằng. Ông nhân cơ hội này mà phát động cuộc viễn chinh, đồng thời, ông cũng dùng cuộc chinh phạt này để chuyển tầm nhìn của những người Hy Lạp chống Macedonia sang hướng khác, và cũng làm hòa dịu cuộc khủng hoảng về kinh tế và chính trị ở các thành bang Hy Lạp.
Mùa xuân năm 334 Trước Công Nguyên, Đại Đế Alexandros III thân hành xua đại binh đi đông chinh. Quân tinh nhuệ của ông đã vượt qua eo biển Hellespont với khoảng 42 nghìn binh sĩ - chủ yếu là người Macedonia và Hy Lạp, đa phần là từ các thành phố tự trị phía nam Hy Lạp, nhưng cũng có bao gồm một số người Thracia, Paionia và Illyria. Tương truyền khi đó ông đích thân cầm lái chiếc kỳ hạm của mình, và giết một con bò để hiến tế cho thần biển Poseidon., ông còn dùng một chén vàng đựng rượu mật để cúng thần biển. Khi chiến thuyền cập đến bờ biển bên kia, Alexandros mình mặc võ phục, bước lên đại lục châu Á đầu tiên..Chàng chỉ có 70 talent vàng để trả lương cho binh lính và lương thực chỉ đủ cho 30 ngày. Bản thân Alexandros còn nợ 200 talent vàng nên chàng phải tiêu bất cứ thứ gì chàng có để đảm bảo binh lính có đủ tiền chu cấp cho gia đình. Một viên tướng hỏi chàng muốn giữ lại gì cho bản thân mình, Alexandros trả lời:"Niềm hy vọng của Ta". Viên tướng này sau đó cũng từ chối nhận lương và nói:"Các chiến binh của Bệ Hạ cũng sẽ là bạn của Người trong niềm hy vọng ấy".
Sau chiến thắng khởi đầu tại Granicus, Alexandros chấp nhận sự đầu hàng của thủ phủ tỉnh Ba Tư và ngân khố của Sardis và tiếp tục tiến xuống bờ biển Ionia. Tại Halicarnassus, Alexandros đã thành công trong việc tổ chức những cuộc bao vây đầu tiên, cuối cùng buộc đối phương, thuyền trưởng đánh thuê Memnon xứ Rhodes và các satrap (thống đốc) Ba Tư của Caria, Orontobates, phải rút lui bằng đường biển. Alexandros trao Caria cho Ada, người từng là nữ hoàng xứ Caria trước khi bị chiếm ngôi bởi người em trai là Pixodarus. Từ Halicarnassus, Alexandros tiến vào vùng núi Lycia và đồng bằng Pamphylia, khẳng định chủ quyền trên tất cả các thành phố ven biển và từ chối quyền đó cho kẻ thù của ông. Từ Pamphylia trở đi, bờ biển không còn cảng lớn nào và do đó Alexandros di chuyển vào trong lục địa. Tại Termessus, Alexandros khiêm tốn nhưng không ập vào thành phố Pisidia. Tại kinh đô cổ đại Phrygia của xứ Gordium, Alexandros "tháo" nút thắt Gordian Knot, một thách thức được nói là chờ cho vị "Vua của cả châu Á" trong tương lai. Theo một câu chuyện sinh động nhất, Alexandros nói rằng không cần biết làm thế nào nút thắt được mở ra, và ông cắt nó bằng thanh gươm. Một dị bản khác nói ông đã không dùng gươm, nhưng thực sự đã tìm ra cách mở nút.
Mọi thầy thuốc của Alexandros không dám dùng thuốc chữa vì nếu không chữa được, Alexanrdros sẽ chết và người Macedonia sẽ trừng phạt thầy thuốc. Nhưng có một người tên là Philip ở xứ Acarnania dám mạo hiểm chữa bệnh cho Alexandros. Alexandros nhận được một bức thư từ Parmenio, nói rằng người thầy thuốc này đã phản bội, ông ta nhận tiền của Darius để thay thuốc chữa bệnh bằng thuốc độc. Alexandros đọc lá thư rồi để nó xuống gối và không cho ai biết. Khi Philip mang chén đến, Alexandros lấy bức thư ra đưa cho ông ta. Trong khi Philip đọc, Alexandros mỉm cười uống cạn chén thuốc. Chỉ vài ngày sau, Alexandros đã khỏi bệnh.
Các chiến binh Ba Tư cắm trại trên một vùng đồng bằng rộng lớn nơi họ tận dụng được sức mạnh của Kị binh. Nhưng nhiều tuần trôi qua mà không thấy Alexandros, lúc đó đang hồi phục sức khỏe sau trận ốm, không động binh nên những bầy tôi xu nịnh vua Darius rằng quân Hy Lạp đã quá khiếp sợ không dám giao tranh. Vì thế Darius nên dẫn quân đến Issus để cắt đường rút chạy của Alexandros. Darius dẫn quân đến Issus đúng lúc Alexandros tiến quân vào Syria để đương đầu với ông ta, vì thế cả hai đạo quân đều không gặp nhau. Khi Alexandros biết rằng quân Ba Tư đã vòng phía sau chàng chàng quay lại và thúc quân nhanh chóng đến Issus.
Vua Darius vội vã rút quân ra khỏi Issus khi nhận thấy địa hình gồ ghề khiến kị binh trở nên vô dụng và quân đội của ông ta bị chia tách, còn quân Hy Lạp giành được lợi thế. Nhưng trước khi Darius thoát được cái bẫy của chính mình thì Alexandros đã đến nơi. Alexandros tự mình chỉ huy cánh phải nghiền nát cánh trái của quân Ba Tư. Trong trận này quân Ba tư mất tới 11 vạn người. Còn Darius tháo chạy khỏi trận đánh trong hoảng loạn bỏ lại vợ là Stateira I, hai con gái, mẹ già, và phần lớn của cải cá nhân. Sisygambis, mẹ của hoàng hậu, không bao giờ tha thứ Darius đã bỏ rơi con gái bà. Bà chối bỏ Darius, và Alexandros đã cưới được một con gái của Darius III là Stateira II. Tiến xuống bờ biển Địa Trung Hải, ông lấy được Týros và Gaza sau những trận vây hãm nổi tiếng (xem Vây hãm Týros). Alexandros đi ngang qua gần đó nhưng có lẽ không ghé vào Jerusalem. Một ngày kia, Alexandros bị tụt lại sau đạo quân của mình vì người thầy cũ của chàng là Lysimachos không theo kịp. Đêm đến, Alexandros thấy mình đang ở trong một tình thế nguy hiểm. Khi đó chàng đã đi quá xa đoàn quân và không có lửa để chống lại cái lạnh. Chàng phát hiện có vài lửa trại của kẻ thù gần đó, chạy đến đống lửa gần nhất và giết chết 2 tên lính rồi mang lửa về cho các chiến binh của mình. Đó là tính cách điển hình của Alexandros: luôn cổ vũ những chiến binh bằng hành động và sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy.
Vào năm 332 TCN – 331 TCN, Alexandros Đại Đế được chào đón như là người giải phóng ở xứ Ai Cập và được công nhận là con trai của Zeus bởi các tu sỹ Ai Cập thờ thần Ammon tại Đền thờ thần ở Ốc đảo Siwa trong sa mạc ở Libya. Từ đó trở về sau, Alexandros nhắc đến thần Zeus-Ammon như là cha thật sự của mình, và sau đó đồng tiền có hình ông với sừng cừu như là chứng minh cho niềm tin phổ biến này. Ông thành lập thành phố Alexandria ở Ai Cập, sau đó trở thành một kinh đô phồn vinh của Triều đại Ptolemy sau khi ông qua đời. Trong lúc đó, Darius III không phải là mối bận tâm duy nhất của ông: có hung tin báo rằng tình hình Âu Châu đang nằm trong rối loạn, do vua xứ Sparta Agis III đã thân hành cầm đầu một liên quân chống Macedonia và đánh tan nát quân Macedonia của quan Tổng đốc quân sự vùng Peloponnesus là Corrhagus. Cuối cùng, Hộ quốc công Antipatros hành binh về thành phố Megalopolis và chiếm lại được thành này sau một trận càn khốc liệt: 3.500 chiến binh Macedonia phải ngã xuống, bên cạnh thi thể của họ là xác của 5.300 tên địch, trong đó có cả Agis III. Cuộc chiến này tuy diễn ra đột ngột, nhưng nó kết thúc trước khi Alexandros Đại Đế đánh thắng quân Ba Tư thêm một trận nữa. Khi tin chiến thắng được báo đến tai ông, Alexandros Đại Đế chẳng vui mừng gì vì ông nghĩ đây là một chiến thắng chẳng có gì nổi bật:
Một số người có thể cho rằng câu trả lời này dường như thể hiện sự non nớt và kiêu ngạo, nhưng thực sự đây là một mưu mẹo khôn ngoan. Nếu Darius thua trận này giữa ban ngày, trên chiến trường do ông ta chọn, ông không còn lý do gì để bào chữa cho sự thua kém của mình như trước đó ở Issus. Khi đã hoàn toàn tuyệt vọng ông ta sẽ không còn muốn chống cự nữa. Chiến tranh sẽ kết thúc, dù Darius có thừa tiền bạc và quân lính duy trì một cuộc chiến tranh lâu dài. Đó là lý do Alexandros cho các chiến binh của ông nghỉ ngơi cho đến sáng hôm sau. Khi đi kiểm tra đội hình trước trận đánh, Alexandros cưỡi một con ngựa khác vì con Bucephalus lúc đó đã già. Nhưng khi trận đánh thực bắt đầu, chàng lại leo lên con Bucephalus và bắt đầu tấn công. Ngày hôm đó, Alexandros diễn thuyết rất lâu trước những người Thessaly và những người Hy lạp khác, họ hét vang trả lời chàng. Rồi Alexandros tay trái cầm lao, còn tay phải giơ cao cầu nguyện các vị thần chiến thắng. Ngay lúc đó một con chim ưng bay qua đầu chàng tiến thẳng về phía kẻ thù. Chính điềm báo này làm bừng lên ngọn lửa chiến đấu trong các chiến binh Macedonia. Các đoàn kị binh phi nước đại và tiếp theo là đội hình phalanx. Darius buộc phải bỏ chạy sau khi người lái chiến xa của ông ta bị giết, và Alexandros đuổi theo ông ta xa đến tận Arbela. Trong khi Darius chạy về vùng núi về phía Ecbatana (nay là Hamadan), Alexandros tiến về thành Babylon. Thành phố này đầu hàng ngay lập tức.
Trong lúc vua Alexandros Đại Đế đang chinh chiến chống Đế quốc Ba Tư, Zopyrion lên nắm chức Tổng đốc quân sự xứ Thrace. Zopyrion huy động một đạo quân tinh nhuệ, có lẽ bao gồm 3 vạn chiến binh, đi đánh người Scythia. Zopyrion nhận thấy rằng ông phải ra tay làm một việc gì đó, chứ không thể ngồi không trong khi Đức Vua phải lâm chiến ngoài xa trường. Ông cho vây hãm Olbia nhưng không thành công, và do thời tiết xấu, các chiến binh Macedonia bại trận còn Zopyrion thì hy sinh. Về phần mình, từ Babylon, Alexandros đi đến Susa, một trong những kinh đô của Vương triều Achaemenes, và chiếm được ngân khố quốc gia Ba Tư. Gửi đi toàn bộ quân lính đến Persepolis, kinh đô Ba Tư, bằng Đại lộ Hoàng gia, Alexandros ập vào và chiếm được Cổng Ba Tư (Persian Gate) (vùng nay là Dãy núi Zagros), sau đó đánh vào Persepolis trước khi ngân khố ở đó có thể bị cướp phá. Nhà vua truyền lệnh cho đại quân cướp phá kinh thành Persepolis. Một ngọn lửa lớn bùng cháy ở cung điện phía Đông của Hoàng đế Xerxes I và lan đi khắp thành phố. Theo lời kể của Cleitarchus, Alexandros Đại Đế đã hạ lệnh cho đốt cháy Persepolis do bị cô kỹ nữ xinh đẹp Thais người Athena. Những nhà văn đời sau cũng tin vào câu chuyện này và liên tục kể đến nó, và thậm chí cho đến ngày nay. Cuốn Sách của Arda Wiraz, một tác phẩm Hỏa giáo được viết ra vào thế kỷ thứ III hay IV, cũng nói về những thư viện lưu trữ chứa đựng "tất cả Avesta và Zand, được viết trên những tấm da bò đã thuộc, với mực mạ vàng" đã bị thiêu hủy; nhưng những câu như vậy thường bị nghi ngờ bởi các học giả, bởi vì nói chung là người ta nghĩ rằng qua nhiều thế kỉ Avesta chủ yếu được truyền khẩu bởi những người Magia.
Trong số những quà tặng gửi về Hy Lạp, có một số lớn hương trầm và nhựa thơm được gửi tặng Leonidas, người thầy của Alexandros. Lý do của việc này xuất phát là khi Alexandros còn nhỏ, Leonidas đã khuyên Alexandros đừng dùng quá nhiều các gia vị thuộc loại này trong lễ tế các vị thần: " Khi nào con chinh phục được những vương quốc trồng các gia vị này, con có thể dùng thoải mái hơn, nhưng bây giờ đừng lãng phí vì chúng ta chẳng có nhiều". Alexandros gửi kèm món quà với một mảnh giấy viết rằng:" Chúng con gửi thầy rất nhiều hương trầm và nhựa thơm để thầy không còn phải dè sẻn với các vị thần nữa".
Mẹ của Alexandros là Hoàng Thái hậu Olympias thường viết thư khuyên bảo Alexandros đừng để bạn hữu ông trở nên giàu có đến mức họ cũng trở thành những ông hoàng và có khả năng mua được đoàn tùy tùng cho bản thân, còn Alexandros sẽ nghèo khó và suy yếu vì sự hào phóng này. Alexandros gửi biếu người mẹ thêm nhiều món quà nhưng không bao giờ làm theo lời khuyên của bà. Điều này làm cho Olympias tức giận, còn Alexandros vẫn kiên nhẫn chịu đựng điều này. Khi Antipatros, quan Tổng đốc của ông ở Macedonia, viết một lá thư dài cho Alexandros phàn nàn về Olympias, Alexandros nói với bạn bè:
Alexandros đặc biệt lo ngại việc binh lính lười luyện tập. Ông nói rằng không thể xứng đáng là một chiến binh nếu không quan tâm đến những thứ gần gũi nhất, tức là cơ thể con người, dù có một bộ giáp sáng chói hay một con ngựa hay. Alexandros thể hiện sự gương mẫu của mình. Ông đi săn sư tử chứ không muốn nghỉ ngơi hưởng thụ những nhàn hạ. Nhưng những chiến binh của ông giờ đây đã trở nên kiêu ngạo vì giàu có. Những cuộc chiến tranh và những cuộc hành quân đã làm họ mỏi mệt nên họ nói xấu vị vua của mình. Thoạt đầu, Alexandros rất kiên nhẫn với họ. Ông nói rằng làm vua phải làm điều tốt cho mọi người, dù ông ta có bị chê trách.
Vào năm 330 trước Công Nguyên, nhà vua viếng thăm lăng mộ của Cyrus Đại Đế. Ông luôn muốn mình được làm vị vua kế tục đích thực của Cyrus Đại Đế năm xưa. Rồi cũng đến lúc phải truy tìm Darius. Sau khi vượt qua 400 dặm trong 11 ngày đường, Alexandros và binh lính của ông gần chết khát. Một số quân do thám người Macedonia đã đem về một ít túi nước từ một dòng sông cách đó khá xa và mang cho Alexandros một chiếc mũ đầy nước. Mặc dù miệng khô đến mức sắp nghẹt thở, Alexandros cũng từ chối và nói:
. Khi nhìn thấy cảnh này, các chiến binh thúc ngựa lên phía trước hét lên rằng họ muốn Alexandros dẫn dắt họ. Họ nói rằng với một vị vua như thế, họ sẽ vượt qua bất kì khó khăn nào. Ông cũng đuổi theo và bắt được vua Darius III, ông ta sau bị giết bởi những cận thần của quan Tổng đốc xứ Bactria là Bessus - một người bà con của ông ta, Alexandros cởi áo choàng của mình và đắp cho Darius và chân thành than khóc cho cái chết bất hạnh của ông ta. Quan Tổng đốc Bessus sau đó tự tấn phong mình là Hoàng đế Artaxerxes V - vua kế tục của Hoàng đế Darius III - và rút lui vào vùng Trung Á để tiến hành chiến tranh du kích đánh lại vua Alexandros Đại Đế. Với cái chết của Darius, Alexandros tuyên bố cuộc chiến trả thù đã chấm dứt, và giải thể quân Hy Lạp và các đồng minh khác trong chiến dịch Đồng minh (mặc dù ông cho phép những ai muốn thì tái đăng ký như là lính đánh thuê trong Quân đội Macedonia của ông).
Chiến dịch ba năm của Alexandros ban đầu là chống lại Darius và sau đó là các satrap (thống đốc) của các vùng Sogdiana, Spitamenes, đã đưa ông qua các vùng Media, Parthia, Aria, Drangiana, Arachosia, Bactria và Scythia. Trong quá trình đó, ông chiếm được và tái thiết lập Herat và Maracanda. Hơn nữa, ông lập ra một chuỗi các thành phố mới, tất cả đều gọi là Alexandria, bao gồm cả Kandahar ngày nay ở Afghanistan, và Alexandria Eschate ("Xa nhất") ở vùng nay là Tajikistan. Vào năm 329 TCN, Spitamenes làm phản Bessus (không rõ Spitamenes giữ chức vụ gì ở tỉnh Sogdiana?). Spitamenes nộp Bessus cho Ptolemaios, một trong những cận tướng của vua Alexandros Đại Đế, và Bessus bị hành quyết.. Alexandros cho quân dừng lại tại Parthia. Đây là lần đầu tiên Alexandros khoác những bộ quần áo của người châu Á rồi trò chuyện với họ. Hy vọng bằng cách này ông sẽ lôi kéo họ theo mình. Nhưng sau đó ông vẫn giữ nguyên trang phục này khi đứng trước đội quân của mình. Điều này làm các chiến binh tức giận nhưng rồi họ cũng chiều theo tính lập dị của vị thủ lĩnh dũng cảm.
Hephaetion là người bạn tán thành việc Alexandros sống theo phong tục xa lạ này nhất và cũng bắt trước những thay đổi của Alexandros. Còn Crateros, một người bạn khác, vẫn gắn bó với phong tục của người Macedonia. Alexandros dùng Hephaetion để giao thiệp với người châu Á và dùng Crateros giao thiệp với người Hy lạp. Ông bày tỏ nhiều tình thân thiện đối với Hephaetion, người được ông gọi là " bằng hữu của Alexandros" và bày tỏ sự tôn trọng đối với Crateros, người được ông gọi là " cố vấn của nhà vua". Nhưng hai người này luôn luôn có ác cảm với nhau, đôi khi còn cãi cọ trước mặt quân lính.
Tuy nhiên, về sau này, khi ông cùng ba quân đang chinh chiến bên sông Jaxartes, Spitamenes làm loạn tại Sogdiana. Trước sự quấy nhiễu của người Scythia tinh nhuệ, nhà vua thân chinh đánh tan tác người Scythia trong trận Jaxartes vào năm 329 TCN. Người Scythia tan vỡ, tháo chạy, bãi chiến trường chất hàng ngàn cái thây của người Scythia, trong số đó có vị thủ lĩnh tài ba Satraces. Sau đó, nhà vua trao trả tù binh và đối xử tốt với dân tộc này. Trước chiến thắng oanh liệt của ông, ngay cả Hoàng đế Darius I cũng bị người Scythia đánh bại vào năm 513 TCN. Người Scythia vốn xưa nay là một dân tộc bách chiến bách thắng, và thất bại ê chề của họ trở thành một biểu hiện cho thấy tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải thần phục Vương quốc Macedonia. Giờ đây, cái dân tộc từng đánh bại Hoàng đế Cyrus Đại Đế này đã phải nhận thức rằng xứ Macedonia vô cùng hùng mạnh.
Trong thời gian này, Đại Đế Alexandros III cho phổ biến một số loại áo quần và phong tục Ba Tư trong triều đình của ông, đáng chú ý là phong tục proskynesis, một cách hôn tay tượng trưng mà người Ba Tư thường làm để tỏ lòng kính trọng với những người có địa vị xã hội cao hơn, nhưng phong tục này không được người Hy Lạp chấp thuận. Những người Hy Lạp cho là cử chỉ này được dành riêng cho các thần linh và tin rằng Đại Đế Alexandros III tự thần thánh hóa chính ông bằng cách yêu cầu cử chỉ đó. Điều này đã làm giảm sút đáng kể sự yêu quý của những người Hy Lạp đối với vị vua trẻ tuổi. Nơi này cũng diễn ra một vụ mưu sát ông nhưng bị bại lộ, và một trong những viên Sĩ quan Quân đội Macedonia, Philotas, bị xử tử vì tội phản bội vì đã không báo lên âm mưu đó kịp thời. Lão tướng Parmenion, cha của Philotas, người là đứng đầu một quân đoàn tại Ecbatana, bị ám sát theo lệnh của Đại Đế Alexandros III, do nhà vua sợ rằng Parmenion có thể trả thù cho con trai. Một số cuộc xử án khác về tội "phản nghịch" theo sau đó, và nhiều người Macedonia bị xử tử. Sau đó, trong một trận cãi nhau lúc say rượu tại Maracanda, ông cũng giết một người đàn ông đã cứu sống ông tại Granicus, Clitus Đen. Sau đó trong chiến dịch Trung Á, một vụ mưu sát Alexandros thứ hai được khám phá, lần này là bởi những người hầu cận của ông, và sử gia chính thức của ông, Callisthenes xứ Olynthus (người đã bị thất sủng vì đã dẫn đầu trong việc chống lại việc giới thiệu phong tục proskynesis), bị xử là liên đới chủ mưu và nhiều sử gia cho rằng đây là những vu cáo. Tuy nhiên, các chứng cứ khá rõ là Callisthenes, thầy của các người hầu cận, phải là người dụ dỗ họ ám sát nhà vua.
Sau cái chết của Spitamenes và đám cưới của ông với Roxana xứ Bactria (Roshanak trong tiếng Bactria) để củng cố quan hệ mới thiết lập với các tiểu vương vùng Trung Á, vào năm 326 TCN Alexandros cuối cùng rảnh tay để quay sự chú ý về phía Ấn Độ. Nay, Alexandros cho mời tất cả các thủ lĩnh của vùng trước là tiểu vương quốc xứ Gandhara, về phía bắc của vùng nay là Pakistan, đến gặp ông và chấp nhận đầu hàng. Ambhi, người cai trị xứ Taxila, với vương quốc trải dài từ sông Ấn đến tận Hydaspes (sông Jhelum), tuân theo. Nhưng thủ lĩnh của một số bộ tộc vùng cao bao gồm các phần Aspasios và Assakenois của Kambojas (tên cổ), được biết trong sử sách Ấn Độ như là Ashvayana và Ashvakayana (những cái tên chỉ bản chất cưỡi ngựa của họ), từ chối không đầu hàng.
Alexandros thân chinh thống lĩnh lính cầm khiên, bộ binh, lính bắn cung người Agriania và lính cưỡi ngựa phóng lao tấn công bộ lạc Kamboja -- người Aspasios của Thung lũng Kunar/Alishang, người Guraean của Thung lũng Guraeus (Panjkora), và người Assakenois ở Thung lũng Swat và Buner. Một trận đánh khốc liệt với người Aspasios và chính Alexandros bị trọng thương nơi vai vì trúng lao nhưng cuối cùng người Aspasios thua trận; 40.000 người của họ bị bán thành nô lệ. Người Assakenois đối đầu Alexandros với quân đội bao gồm 30.000 kị binh, 38.000 bộ binh và 30 voi. Họ đã chiến đấu dũng cảm và kháng cự ngoan cường chống lại quân xâm lược trong nhiều địa điểm cố thủ ở các thành phố Ora, Bazira và Massaga. Đồn Massaga chỉ bị hạ sau nhiều ngày đánh nhau đẫm máu và chính Alexandros bị thương ở cổ chân. Khi thủ lĩnh của Massaga ngã xuống trên chiến trường, quyền tổng tư lệnh vào tay bà mẹ già của ông ta là Cleophis (q.v.) người cũng cương quyết bảo vệ đất mẹ đến hơi thở cuối cùng. Việc Cleophis giữ quyền tổng chỉ huy quân đội đã đưa toàn bộ lực lượng phụ nữ địa phương vào chiến trận. Alexandros chỉ có thể hạ được Massaga bằng cách sử dụng các âm mưu chính trị và nội phản. Theo như Curtius:
Sau khi hạ được Aornos, vua Alexandros Đại Đế băng qua sông Ấn và đánh tan tác quân của Porus, vua của xứ đó trong vùng Punjab trong trận thắng lịch sử tại Hydaspes vào năm 326 TCN. Tuy vua Porus sử dụng những đội tượng binh dũng mãnh, Quân đội Macedonia giành thắng lợi nhờ có lòng dũng cảm, tinh thần kỷ cương cao và những chiến thuật tài tình của vua Alexandros Đại Đế. Có người kể rằng, trong cuộc đại chiến này, con thần mã Bucephalus hy sinh khi trúng tên của con trai của Porus - chính tay này cũng làm cho Alexandros Đại Đế bị thương. Tuy nhiên, có tư liệu kể ràng con thần mã chết do nó đã già và phải chịu nóng nực. Theo trước tác của Plutarchus, Bucephalus chết ít lâu khi các chiến binh tinh nhuệ Macedonia đại phá tan nát được hùng binh mãnh tướng của Porus. Alexandros Đại Đế hết sức đau buồn, ông nghĩ rằng tổn thất này chẳng khác gì sự mất đi một binh sĩ trung thành, một người bạn hữu của mình. Theo sử sách, ông bắt được vua Porus làm tù binh, và sau chiến thắng vang dội ông hỏi vua Porus muốn đối xử như thế nào. Vị vua thất thế đáp lại:
Vua Alexandros Đại Đế chưa từng gặp phải một kẻ thù nào đáng phục hơn thế. Do đó, ông cho phép vua Porus được giữ vững Vương quốc của ông ta, không những thế vua Porus còn trở thành một đồng minh thân cận của ông. Ông hòa giải hai ông vua thù địch nhau là Porus và Taxiles, đồng thời giao cho họ cai quản các vùng đất lân cận. Cả hai vị vua này đều trở nên hùng mạnh như nhau. Cách ông đối đãi với vua Porus và Taxiles chứng tỏ ông muốn có thêm những đồng minh hung mạnh va đáng tin cậy. Alexandros đặt tên cho một trong hai thành phố mới mà ông tìm được là Bucephala, nhằm tôn vinh con thần mã dũng mãnh Bucephalus của ông. Sau đó ông cũng tiến hành lễ tang trọng thể cho những liệt sĩ Macedonia cùng với những liệt sĩ quả cảm nhất của quân thù. Nhà vua đặt tên cho thành phố kia là Nicaea (Khải hoàn), ngày nay là vùng Mong. Alexandros tiếp tục chinh phục toàn bộ vùng thượng nguồn sông Ấn.
Về phần người dân Macedonia, dẫu sao, cuộc chiến với Porus làm mài mòn lòng dũng cảm của họ và ngăn cản họ tiến xa hơn vào Ấn Độ. Thay vì làm tất cả những gì có thể để đẩy lùi kẻ thù với quân số chỉ có 20000 bộ binh và 2000 chiến mã, họ lại kịch liệt chống lại Alexandros khi ông khăng khăng đòi vượt qua sông Hằng, mà họ biết rộng 32 Fulông, sâu 100 sải, trong khi các nhánh sông phía bên kia được mai phục bởi vô số bộ binh, kỵ sĩ và voi. Họ được báo rằng các vị vua của Ganderites và Praesii đang đợi họ với 80000 kỵ sĩ, 200000 lính đánh bộ, 8000 xe ngựa và 6000 voi thiện chiến. Theo Plutarch, Vita Alexandri, 62
Vua Alexandros Đại Đế, sau khi bàn bạc với quân sư Coenus, bị thuyết phục quay trở lại. Ông buộc phải trở về phía nam. Ông gửi phần lớn quân đến Carmania (hiện thuộc phía nam Iran) với tướng Craterus, và giao nhiệm vụ thăm dò vịnh Ba Tư dưới quyền của đô đốc Nearchus, trong khi ông dẫn đoàn quân còn lại về bằng con đường phía nam qua Gedrosia (ngày nay là Makran phía nam Pakistan). Theo huyền sử cổ xưa, Quân đội Assyria do Nữ hoàng Semiramis thân chinh cầm đầu và Quân đội Ba Tư Achaemenes do Hoàng đế Cyrus Đại Đế (có lẽ còn gọi là Kay Khosrow) thân chinh thống lĩnh đều chịu tổn thất thảm hại ghi đi qua hoang mạc Madran - một nơi khét tiếng là có địa thế hết sức khó khăn. Khi thoát khỏi đây, Nữ hoàng Semiramis chỉ còn có 20 binh sĩ, và Hoàng đế Cyrus Đại Đế chỉ còn có bảy binh sĩ. Nay, vua Alexandros Đại Đế biết ông đã lâm vào nguy hiểm, nhưng ông quyết định tiến hành hành quân qua Makran để vượt trội hơn cả những chiến công hiển hách của hai nhà chinh phạt lỗi lạc trước thời ông là Nữ hoàng Semiramis và Hoàng đế Cyrus Đại Đế.
Alexandros hỏi người đầu tiên: " Người sống nhiều hơn hay người chết nhiều hơn?". Người này trả lời:" Người sống bởi vì người chết không còn đếm được nữa". Alexandros hỏi người thứ hai:" biển hay đất liền có nhiều sinh vật hơn?".câu trả lời là:" Đất liền, bởi vì biển chỉ là một phần của đất". Alexandros hỏi người thứ ba:" Con vật nào thông minh nhât?". Người này trả lời:" Đó là con vật chúng ta chưa tìm ra". Alexandros hỏi người thứ tư:"Để thúc giục người Sabba nổi dậy cần lý lẽ nào?". và ông ta trả lời" Một người hoặc phải sống hào hiệp hoặc phải chết cao thượng". Alexandros hỏi người thứ năm:" Đêm có trước hay ngày có trước?", câu trả lời là " Ngày có trước đêm ít nhất một ngày". Khi ấy thấy Alexandros có vẻ không hài lòng với câu trả lời, ông ta nói thêm:" Những câu hỏi lạ lùng thì sẽ có những câu trả lời lạ lùng". Alexandros hỏi người thứ sáu: Người ta phải làm gì để được yêu quý?". " Hãy mạnh mẽ đừng khiếp sợ bản thâm". Alexandros hỏi người thứ bảy:" Con người phải làm gì để trở thành vị thần"; " hãy làm những gì con người không thể làm được". Alexandros hỏi người thứ tám:" Cuộc sống hay cái chết mạnh hơn?"." Cuộc sống mạnh hơn cái chết vì phải chịu nhiều nỗi bất hạnh hơn". Người thứ chín được hỏi:"Con người nên sống bao nhiêu lâu". Ông ta trả lời:" Cho đến khi chết là tốt nhất". Rồi Alexandros quay sang giám khảo, ông ta trả lời rằng bất kì ai cũng trả lời tồi hơn một người khác. Alexandros nói:"Vậy thì ngươi phải chết đầu tiên vì đưa ra lời phán quyết đó.". Ông ta đáp lại: " Không thể như vậy, thưa đức vua tối cao, nếu ngài còn muốn là một người giữ lời. Ngài đã nói rằng chỉ giết ai có câu trả lời tệ nhất kia mà.". Alexandros trả tự do cho họ và tặng quà cho những người Bà la môn.
Phát hiện rằng rất nhiều phó vương và thủ lĩnh các đội quân của ông cư xử không đứng đắn khi ông vắng mặt, Alexandros cho hành hình rất nhiều người trong số họ làm gương trên đường đến Susa. Để biểu lộ thiện chí, ông ban thưởng cho binh lính và thông báo rằng ông sẽ gửi những người lính già và tàn tật về Macedonia dưới quyền của Craterus, nhưng quân đội hiểu nhầm ý định của ông và nổi dậy ở thị trấn của Opis, từ chối bị gửi đi và chỉ trích cay độc việc chấp nhận phong tục, trang phục của người Ba Tư và sự gia nhập của lính Ba Tư vào đoàn quân Macedonia. Alexandros cho hành quyết những kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn, nhưng tha tội cho binh lính. Với dự định thiết lập mối giao hảo lâu dài giữa những người Macedonia và người Ba Tư, ông tổ chức hàng loạt hôn lễ giữa các sĩ quan của ông và người Ba Tư và cả những phụ nữ quý tộc Susa, nhưng rất hiếm cuộc hôn nhân nào kéo dài được hơn 1 năm.
Sau hành trình đến Ecbatana để lấy lại phần lớn của cải của Ba Tư, người bạn thân nhất và được ông yêu mến, tên là Hephaeistion đã qua đời vì bệnh tật. Alexandros đã quẫn trí, mắc bệnh và qua đời trên đường trở về tại cung điện của vua Nebuchadrezzar II, Babylon vào 10 tháng 6, 323 TCN. Khi đó, ông mới 33 tuổi. Vài tháng trước khi mất, ông tập trung lực lượng để chuẩn bị mở mang bờ cõi. Quân sĩ Macedonia đã quá chán vào sinh ra tử để phục vụ cho giấc mộng bá chủ hoàn cầu của vua, nên đã nổi loạn. Trong cuộc loạn đó, họ đã hô những khẩu hiệu như:
Theo nhà sử học quân sự người Mỹ Trevor Nevitt Dupuy, các nhà sử học coi vua Alexandros Đại Đế là một vị Đại Danh tướng (Great Captain) trong lịch sử, cùng với thống soái Hannibal xứ Carthage, nhà độc tài Julius Caesar thành La Mã, nhà chinh phạt Thành Cát Tư Hãn người Mông Cổ, vua Gustav II Adolf nước Thụy Điển, vua Friedrich II Đại Đế nước Phổ và Hoàng đế Napoléon Bonaparte nước Pháp. Cũng theo Dupuy, ông có thể là vị Đại Danh tướng đầu tiên, và vĩ đại nhất trong số đó. Xem ra trên trận tiền, ông bị thương nhiều hơn mọi vị Đại Danh tướng khác. Không những là một nhà chinh phạt liều lĩnh, ông vừa là chiến binh mà cũng vừa là chính khách trong cùng lúc, cũng như nhiều ông vua nổi tiếng khác trong lịch sử châu Âu.
Sau khi vua cha Antigonus qua đời, vua Demetrios I lên kế thừa ngôi báu Macedonia. Ông này phải lâm chiến với vua xứ Ipiros là Pyrros - được xem là hậu duệ của vị anh hùng Achilles. Tuy ông vua nhà binh Pyrros đại phá quân Macedonia, các chiến binh Macedonia không những không căm thù ông này, trái lại còn rất thán phục Pyrros vì theo Plutarch, Pyrros không khác già Alexandros Đại Đế. Trong thời đại Hy Lạp hóa, các vị vua đều xưng những vương hiệu hoành tráng, thân chinh thống lĩnh những chiến binh tinh nhuệ và lập nên một đội cận vệ uy dũng để bắt chước Alexandros, nhưng chỉ có thiên tài quân sự của Pyrros mới đạt đến tầm vóc của ông. Và rồi, theo Plutarch, một đêm kia, vua Pyrros chiêm bao thấy mình được cố vương Alexandros Đại Đế triệu đến bái kiến, và khi tới, Pyrros chợt thấy vị cố vương lừng lẫy một thời đang nằm ốm trên giường bệnh. Ông nhiệt liệt hoan nghênh và tán dương Pyrros, thậm chí còn hứa rằng sẽ hỗ trợ cho vị vua trẻ tuổi. Sau đó, vua Pyrros đánh bạo, hỏi lại ông: "Thưa Thánh thượng, Người đang nằm ốm thế này thì giúp con bằng cách nào đây?" Ông bèn đáp: "Chỉ với cái tên của Trẫm". Không những thế, ông còn bất ngờ đứng dậy, lên lưng chiến mã Nisea và phi ngựa tiến thẳng lên phía trước Pyrros để dẫn dắt ông vua nhà binh trẻ tuổi xung phong trận mạc.
Trên lưng con thần mã Bucephalus, Alexandros Đại Đế đánh đâu cũng thắng. Ngoài ra, sự gắn bó sâu sắc nhất về tình cảm của ông hầu như được cho là đối với người đồng hữu, người chỉ huy đội kị binh (chiliarchos) và là người bạn từ thời thơ ấu của ông, Hephaestion. Ông học cùng Alexandros, như một nhóm trẻ em con nhà quý tộc khác ở Macedonia, dưới sự dạy dỗ của Aristotle. Hephaestion đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên trong lịch sử của mình vào thời điểm Alexandros tiến đến Troia. Tại đây hai người bạn đã đặt vòng hoa tại các đền thờ của hai vị anh hùng Achilles và Patroclus năm xưa; Alexandros Đại Đế tại đền thờ Achilles, và Hephaestion tại đền thờ Patroclus. Aelian trong cuốn Varia Historia (12.7) khẳng định rằng Hephaestion "tiết lộ ông là eromenos ["người tình"] của Alexandros, như Patroclus đối với Achilles vậy." Có lẽ Olympias cũng đã từng cổ võ cho Alexandros Đại Đế hãnh diện vì ông là hậu duệ của vị anh hùng Achilles này.
Một số nhà sử học đã đặt nghi vấn về khẳng định về mối quan hệ đồng tính giữa Alexandros và Hephaestion. Robin Lane Fox viết rằng tuy "những lượm lặt gần đây nhất cho khẳng định rằng vua Alexandros Đại Đế có mối quan hệ yêu đương với Hephaiston", không có văn kiện lịch sử đương thời nào nói về vấn đề này. Tuy nhiên, Fox nói thêm, "sự thực là tình bạn của hai người đàn ông này sâu sắc và thân thiết một cách khác thường." Vì cái chết của Hephaestion, Alexandros khóc thương cho ông ta rất nhiều, và không ăn uống gì trong mấy ngày liền. Nỗi buồn của nhà vua khi đó rất giống với cơn đau buồn của Achilles sau khi Patroclus hy sinh trên trận tiền.
Viện Đại học Chicago bao gồm Trường Đại học (the College), nhiều chương trình sau đại học và ủy ban liên ngành khác nhau được tổ chức thành bốn phân khoa, sáu trường chuyên nghiệp, và một trường giáo dục thường xuyên. Viện đại học có tổng cộng khoảng 15.000 sinh viên, trong đó chừng 5.000 sinh viên theo học ở Trường Đại học. Viện Đại học Chicago nhiều năm liền được xếp vào một trong 10 viện đại học hàng đầu thế giới; và được xếp thứ năm cùng với Viện Đại học Stanford trong "Bảng xếp hạng những viện đại học tốt nhất nước" năm 2014 của U.S. News & World Report.
Các học giả của Viện Đại học Chicago đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển những lĩnh vực học thuật khác nhau, trong đó có: trường phái kinh tế học Chicago, trường phái xã hội học Chicago, phong trào luật và kinh tế học trong phân tích pháp lý, trường phái phê bình văn học Chicago, trường phái nghiên cứu tôn giáo Chicago, trường phái khoa học chính trị được biết đến với tên "thuyết hành vi" (behavioralism), và trong lĩnh vực vật lý nơi các nhà khoa học của viện đại học đã tạo ra phản ứng hạt nhân nhân tạo và tự duy trì đầu tiên của thế giới. Viện Đại học Chicago cũng là cơ sở giáo dục đại học có nhà xuất bản lớn nhất Hoa Kỳ, Nhà xuất bản Viện Đại học Chicago.
Viện Đại học Chicago được Hội Giáo dục Baptist Hoa Kỳ thành lập vào năm 1890 như một cơ sở giáo dục phi tôn giáo, dành cho cả nam lẫn nữ, với tiền hiến tặng từ tỉ phú dầu lửa John D. Rockefeller và được xây dựng trên phần đất do Marshall Field hiến tặng. Viện đại học này là một cơ sở độc lập về mặt pháp lý; nó thay thế cho viện đại học có cùng tên gọi của những người theo phái Baptist, vốn đã đóng cửa vào năm 1886 vì những khó khăn tài chính và khủng hoảng lãnh đạo triền miên. William Rainey Harper trở thành viện trưởng đầu tiên của viện đại học hiện đại này vào ngày 1 tháng 7 năm 1891, và viện đại học mở cửa đón sinh viên vào học vào ngày 1 tháng 10 năm 1892.
Trong thập niên 1890, vì sợ rằng nguồn lực to lớn của mình sẽ làm tổn hại các trường nhỏ hơn vì thu hút hết sinh viên giỏi, Viện Đại học Chicago đã liên kết với một số trường và viện đại học trong vùng: Trường Đại học Des Moines, Trường Đại học Kalamazoo, Trường Đại học Butler, và Viện Đại học Stetson. Theo thỏa thuận liên kết, các trường vừa kể được yêu cầu phải có những khóa học tương đương với những khóa học ở Viện Đại học Chicago, phải báo trước với viện đại học bất kỳ sự bổ nhiệm hay sa thải giảng viên nào, không được bổ nhiệm giảng viên nếu không có sự chấp thuận của viện đại học, và phải gởi bản sao các bài thi để được nhận góp ý. Viện Đại học đồng ý trao bằng cho bất cứ sinh viên năm cuối sắp tốt nghiệp nào từ trường liên kết nếu sinh viên này đạt được điểm A trong suốt bốn năm học, và trao bằng cho bất cứ sinh viên tốt nghiệp nào học thêm 12 tuần ở Viện Đại học. Sinh viên hay giảng viên của một trường liên kết được hưởng chế độ miễn học phí ở Viện Đại học, và sinh viên Chicago được phép theo học ở một trường liên kết và được hưởng chế độ tương tự và được công nhận tín chỉ. Viện Đại học cũng đồng ý cung cấp cho các trường liên kết sách và trang thiết bị và dụng cụ khoa học với một mức giá nào đó; cung cấp những giảng viên biệt phái mà các trường liên kết không phải trả tiền, ngoại trừ chi phí đi lại; và cung cấp miễn phí mỗi bản một cuốn sách hay tạp chí do Nhà xuất bản Viện Đại học Chicago ấn hành. Thỏa thuận này cũng quy định rằng một trong hai bên có thể chấm dứt sự liên kết này bằng cách thông báo cho bên kia biết theo đúng quy định. Một số giáo sư ở Viện Đại học Chicago thời đó không thích chương trình này vì công sức mà họ bỏ ra thêm không được đền bù, và họ cho rằng nó hạ thấp danh tiếng học thuật của Viện Đại học Chicago. Chương trình này chấm dứt vào năm 1910.
Năm 1929, vị viện trưởng thứ năm của viện đại học, Robert Maynard Hutchins, bắt đầu nhiệm kỳ; viện đại học đã trải qua nhiều thay đổi trong nhiệm kỳ 24 năm của ông. Hutchins đã loại bỏ môn bóng bầu dục ra khỏi viện đại học trong một cố gắng nhằm nhấn mạnh vào học thuật hơn là thể thao, thiết lập chương trình học về các môn khai phóng trong trường đại học dạy sinh viên bậc đại học, được biết đến với tên gọi Common Core (Cốt lõi chung), và tổ chức hoạt động học tập và nghiên cứu sau đại học của viện đại học thành bốn phân khoa như hiện nay. Năm 1933, Hutchins đề xuất kế hoạch sáp nhập Viện Đại học Chicago và Viện Đại học Tây Bắc (Northwestern University) thành một viện đại học đơn lẻ, nhưng kế hoạch này không được thông qua. Trong nhiệm kỳ của ông, các Bệnh viện Viện Đại học Chicago (nay gọi là Trung tâm Y khoa Viện Đại học Chicago) được xây dựng xong và bắt đầu tuyển những sinh viên y khoa đầu tiên. Ngoài ra, Ủy ban Tư tưởng Xã hội, một cơ sở đặc trưng của Viện Đại học Chicago cũng được thành lập.
Viện Đại học Chicago cũng trải qua giai đoạn hỗn loạn liên quan đến sinh viên trong thập niên 1960, bắt đầu với năm 1962 khi sinh viên chiếm văn phòng của Viện trưởng George Beadle để phản đối chính sách của viện đại học về việc thuê nhà ở bên ngoài khuôn viên đại học. Năm 1969, hơn 400 sinh viên, nổi giận vì một giáo sư nổi tiếng, Marlene Dixon, bị sa thải, đã chiếm Tòa nhà Quản trị suốt hai tuần lễ. Sau khi cuộc biểu tình ngồi kết thúc, và khi Dixon từ chối quyết định tái bổ nhiệm có thời hạn một năm, 42 sinh viên bị đuổi học và 81 sinh viên bị kỷ luật, đây là phản ứng khắc nghiệt nhất dành cho những vụ chiếm đóng của sinh viên ở bất kỳ viện đại học Hoa Kỳ nào trong suốt thời phong trào sinh viên.
Trong thập niên vừa qua, viện đại học đã khởi sự một số các dự án mở rộng. Năm 2008, Viện Đại học Chicago thông báo kế hoạch thiết lập Viện Milton Friedman; dự án này thu hút cả sự ủng hộ lẫn tranh cãi từ cả giảng viên và sinh viên. Viện này sẽ tốn khoảng 200 triệu đô-la và chiếm cứ các tòa nhà của Chủng viện Thần học Chicago. Trong cùng năm đó, nhà đầu tư David G. Booth hiến tặng 300 triệu đô-la cho Trường Kinh doanh Booth của viện đại học; đây là khoản hiến tặng lớn nhất trong lịch sử viện đại học và là khoản lớn nhất tặng cho một trường kinh doanh. Năm 2009, việc thiết kế hay xây dựng một số tòa nhà mới được tiến hành, một nửa trong số các công trình đó tốn không dưới 100 triệu đô-la.
Về mặt học thuật, Viện Đại học Chicago bao gồm Trường Đại học (the College, chuyên về giáo dục bậc đại học), bốn phân khoa nghiên cứu sau đại học (Phân khoa Khoa học Sinh học, Phân khoa Nhân văn, Phân khoa Khoa học Vật lý, và Phân khoa Khoa học Xã hội), sáu trường chuyên nghiệp (Trường Y khoa, Trường Kinh doanh, Trường Luật, Trường Thần học, Trường Nghiên cứu Chính sách công, và Trường Quản trị Dịch vụ Xã hội), và Trường Giáo dục Thường xuyên trong các ngành Chuyên nghiệp và Khai phóng (Graham School of Continuing Liberal and Professional Studies). Viện đại học còn có một hệ thống thư viện, Nhà xuất bản Viện Đại học Chicago (University of Chicago Press), các Trường Thực nghiệm Viện Đại học Chicago (University of Chicago Laboratory School, dành cho các lớp từ mẫu giáo đến trung học), và Trung tâm Y khoa Viện Đại học Chicago (University of Chicago Medical Center), và có quan hệ mật thiết với một số các cơ sở học thuật độc lập, bao gồm Fermilab và Phòng Thí nghiệm Quốc gia Argonne (Argonne National Laboratory).
Hồng y (Latinh: Sanctae Romanae Ecclesiae cardinalis, nghĩa đen là Hồng y của Giáo hội Công giáo La Mã) là một nhà lãnh đạo cao cấp của Giáo hội, này được biết đến với danh hiệu là Hoàng tử của Giáo hội, và thường được vinh thăng tước vị này, khi vẫn còn trong vòng độ tuổi bỏ phiếu, thông thường từ các giám mục của Giáo hội Công giáo La Mã. Các hồng y của Giáo hội được gọi chung là Hồng y Đoàn. Các nhiệm vụ của các hồng y bao gồm tham dự các cuộc họp của hồng y đoàn với tư cách độc lập hoặc với tư cách thành viên các nhóm do yêu cầu từ phía Giáo hoàng. Hầu hết hồng y đều có bổn phận riêng của họ, chẳng hạn như dẫn dắt một giáo phận hoặc tổng giáo phận hoặc quản lý một bộ phận của Giáo triều Rôma. Nhiệm vụ chính của hồng y là chọn giám mục Rôma (Giáo hoàng) khi xảy ra hiện tượng trống tòa. Trong khoảng thời gian trống tòa (thời kỳ giữa cái chết hoặc từ chức của một giáo hoàng và cuộc bầu cử người kế nhiệm ông), việc quản trị hàng ngày của Tòa thánh nằm trong tay của Hồng y Đoàn. Quyền tham dự vào các cuộc họp kín, còn gọi là Mật nghị Hồng y chọn Tân Giáo hoàng được giới hạn đối với những hồng y chưa đến 80 tuổi vào ngày ngai tòa Giáo hoàng bị bỏ trống.
Nhiệm kì của hồng y áp dụng cho bất kỳ linh mục nào được chỉ định cách vĩnh viễn khi được chỉ định và vinh thăng cho một nhà thờ, hoặc cụ thể cho linh mục cao cấp của một nhà thờ quan trọng, dựa trên tiếng latinh nguyên bản "cardo", nghĩa là bản lề, ngoài ra còn có nghĩa khác là "hiệu trưởng" hoặc "trưởng ban". Thuật ngữ này được áp dụng theo ý nghĩa này vào đầu thế kỷ thứ chín cho các linh mục của các giáo xứ giáp ranh giáo phận Rôma. Giáo hội Anh Quốc giữ lại một ví dụ về nguồn gốc của danh hiệu, hiện được giữ bởi hai thành viên cao cấp của Tiểu chủng viện Nhà Thờ Thánh Paul.
Trong tiếng Việt thì từ "hồng y" vốn phát xuất từ "Hồng y chủ giáo" (紅衣主教) trong tiếng Hoa. Trong đó, "chủ giáo" là từ chỉ chức giám mục, và "hồng" tức là đỏ, "y" tức là áo - được gọi theo màu y phục; nghĩa từ nguyên chỉ đơn giản là "giám mục áo đỏ". Về sau từ rút gọn lại thành "hồng y" mà không có danh từ xứng hợp để dịch sát nghĩa của danh từ gốc Latinh. Trước đây, một số tài liệu tiếng Việt còn viết nhầm thành "hồng y giáo chủ" để thuận miệng, nhưng lại thừa và sai nghĩa, vì hồng y không phải là "giáo chủ" mà chỉ là một chức tước.
Mỗi vị hồng y đều có một nhà thờ hiệu tòa, hoặc là một nhà thờ ở thành phố Rôma hay một trong những khu ngoại ô. Ngoại lệ duy nhất là dành cho các Tổ phụ của các Giáo hội Công giáo Đông phương. Tuy nhiên, các hồng y không có quyền quản trị và không can thiệp bằng bất cứ cách nào trong những vấn đề liên quan đến việc quản lý hàng hoá, kỷ luật, hoặc phục vụ các nhà thờ hiệu tòa của họ. Họ được phép cử hành Thánh Lễ, cử hành nghi thức Giải tội và dẫn dắt thăm viếng và các cuộc hành hương đến nhà thờ hiệu tòa, phối hợp với các nhân viên của nhà thờ. Các hồng y thường ủng hộ các nhà thờ của họ bằng tiền và nhiều Hồng y giữ liên lạc với các nhân viên mục vụ của các nhà thờ hiệu tòa.
Cho đến năm 1917, có thể cho một người không phải là linh mục được vinh thăng Hồng y, nhưng đi kèm với một số ít quyền hạn, trở thành hồng y phẩm trật Hồng y Phó tế. Chẳng hạn, vào thế kỷ 16, Reginald Pole đã làm một hồng y trong 18 năm trước khi ông thụ phong linh mục. Năm 1917, tất cả các hồng y, thậm chí cả các hồng y Phó tế, đều phải là linh mục, và vào năm 1962, Giáo hoàng Gioan XXIII đặt ra tiêu chuẩn rằng tất cả các hồng y phải được phong chức giám mục, ngay cả khi họ chỉ là linh mục vào lúc bổ nhiệm. Do hậu quả của hai việc điều chỉnh Giáo luật này, điều 351 của Bộ Giáo luật luật cho phép một hồng y có xuất thân ít nhất phải có của chức tư tế, và những người được chọn làm hồng y chưa qua chức giám mục thì phải được tấn phong trước đó. Một số hồng y ở tuổi 80 hoặc gần tuổi này khi được bổ nhiệm đã bị ràng buộc từ luật buộc phải là một giám mục. Những hồng y dạng này đều được bổ nhiệm làm Hồng y Phó tế, chỉ trừ Roberto Tucci và Albert Vanhoye sống đủ lâu để được thực hiện quyền thăng lên phẩm trật hồng y Đẳng Linh mục.
Một vị hồng y không phải là giám mục vẫn có quyền mặc và sử dụng các bộ lễ phục giám mục và các huy hiệu giám mục khác (các quy định về biểu tượng chức giám mục: mũ mitre, Gậy Mục tử, Mũ Zucchetto, thánh giá đeo ngực và nhẫn). Ngay cả khi không phải là một giám mục, bất kỳ vị hồng y nào vẫn được sự tôn trọng và danh dự trên các vị thượng phụ không phải là hồng y, cũng như các tổng giám mục và giám mục không phải là hồng y, nhưng ông không thể thực hiện các chức năng dành riêng cho các giám mục, như truyền chức. Các linh mục nổi bật kể từ năm 1962 không được tấn phong giám mục về mức độ cao tới hồng y dưới tuổi 80, và vì vậy không một hồng y nào không phải là giám mục đã tham gia vào các mật nghị gần đây chọn Tân giáo hoàng.
Vào những thời điểm khác nhau, đã có những hồng y chỉ mới được cạo đầu và các chức thánh nhỏ nhưng chưa được truyền chức linh mục hay phó tế. Mặc dù là các giáo sĩ, họ đã được gọi không chính xác là "hồng y giáo dân". Teodolfo Mertel là một trong những người cuối cùng là hồng y giáo dân. Khi ông qua đời vào năm 1899, ông là vị hồng y còn sót lại cuối cùng, người chưa bao giờ được truyền chức linh mục. Với việc sửa đổi Bộ Giáo luật được ban hành năm 1917 bởi Giáo hoàng Biển Đức XV, chỉ những người đã là linh mục hay giám mục mới được bổ nhiệm làm hồng y.. Kể từ thời Giáo hoàng Gioan XXIII, một linh mục được chỉ định làm hồng y phải được truyền chức giám mục trước đó, trừ phi ông ta có được công lao lớn với giáo hội Công giáo.
Việc sử dụng lần đầu tiên cái tên America cho vùng đất rộng lớn này được biết đến là vào ngày 25 tháng 4 năm 1507, và được sử dụng để chỉ nơi mà ngày nay là Nam Mỹ. Nó xuất hiện lần đầu tiên trên một bản đồ thế giới với 12 múi giờ, cùng với một bản đồ treo tường lớn nhất thực làm ra từ trước đến nay, cả hai đều do người chuyên vẽ bản đồ người Đức là Martin Waldseemüller vẽ tại Saint-Dié-des-Vosges ở Pháp. Đây là bản đồ đầu tiên thể hiện châu Mỹ như là một vùng đất lớn tách biệt với châu Á. Một cuốn sách đi kèm, Cosmographiae Introductio, vô danh những rõ ràng được viết bởi cộng tác viên của Waldseemüller là Matthias Ringmann, đã thuật rằng, "Tôi không thấy bất kỳ một điều gì để phản đối việc gọi phần này [đại lục Nam Mỹ], theo Americus là người đã khám phá ra nó và ông là một người đàn ông thông minh, Amerigen, là Vùng đất của Americus, hay America: do cả châu Âu (Europa) và châu Á (Asia) đều mang tên có gốc từ một phụ nữ". Americus Vespucius là tên gọi Latinh hóa của nhà thám hiểm Florentine tên là Amerigo Vespucci, và America là dạng giống cái của Americus. Amerigen được giải thích là Amerigo cộng với gen, tân cách trong tiếng Hi Lạp của từ 'Trái Đất', và có nghĩa là 'vùng đất của Amerigo'.. Amerigo là một từ tiếng Ý có gốc từ tiếng Latin cổ Emericus.
Vespucci dường như đã không biết được việc tên của mình đã được dùng để đặt cho vùng đất mới, do bản đồ của Waldseemüller đã không được đưa đến Tây Ban Nha Spain cho đến vào năm sau khi ông mất. Ringmann may have been misled into crediting Vespucci khi cho đăng tải rộng rãi Bức thư Soderini, một phiên bản đã được biên tập từ một trong các bức thư thật của Vespucci ghi chép về việc vạch bản vẽ bờ biển Nam Mỹ, trong đó tán dương khám phá này và ngụ ý rằng ông công nhận Nam Mỹ là một lục địa tách biệt với châu Á. Tây Ban Nha chính thức từ chối chấp thuận tên gọi America trong suốt hai thế kỷ, nói rằng Colombo nên được tán dương, và các bản đồ cuối cùng của Waldseemüller, sau khi ông đã ngừng hợp tác với Ringmann, không bao gồm tên gọi đó; tuy nhiên, việc sử dụng lại bắt đầu khi Gerardus Mercator áp dụng tên gọi này cho bản đồ Thế giới Mới của ông năm 1538.
Các chi tiết về việc những người Indien cổ đã di cư đến và tỏa ra khắp châu Mỹ vào khoảng thời gian và bằng tuyến đường nào vẫn còn là chủ đề tranh luận. Các lý thuyết truyền thống cho rằng những người này đã đến châu Mỹ bằng cầu lục địa Beringia giữa đông Siberi và Alaska ngày nay vào khoảng từ 40.000–17.000 năm trước, khi mực nước biển bị giám xuống đáng kể do ảnh hưởng của kỷ băng hà Đệ Tứ. Những người này được cho là đã đi theo các loài động vật cực to lớn mà nay đã tuyệt chủng theo các hành lang không bị đóng băng kéo dài giữa các phiến băng Laurentide và Cordillera. và rồi họ tiếp tục đi bộ hoặc sử dụng các tàu thuyền nguyên sơ để di cư từ Tây Bắc Thái Bình Dương (phía tây Bắc Mỹ) đến bờ biển Nam Mỹ. Bằng chứng của sự kiện về sau có được khi mực nước biển dâng lên hàng trăn mét sau kỉ băng hà cuối cùng.
Nhiều nền văn minh thời kỳ Tiền-Colombo được hình thành dựa trên các đặc điểm và dấu hiệu như các điểm định cư lâu dài hay đô thị, nông nghiệp, các kiến trúc đô thị và tưởng niệm, cùng các hệ thống thứ bậc xã hội phức tạp. Một số nền văn minh từ lâu đời đã tàn phai khi những người châu Âu đầu tiên đến (cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI), và chỉ được biến đến thông qua khảo cổ. Nhưng cũng có những nền văn minh và thời điểm đó. Một vài nền văn minh như Maya, có các tư liệu bằng chữ viết. Tuy nhiên, hầu hết những người châu Âu khi đó coi các văn bản này là dị giáo, và nhiều trong số đó đã bị tiêu hủy trên những giàn thiêu Thiên Chúa giáo. Chỉ còn một số ít tài liệu còn lại đến ngày nay, giúp cho các sử gia hiện đại có cái nhìn khái quát về văn hóa và các kiến thức cổ.
Quá trình thực dân hóa của người châu Âu đã bắt đầu ngay sau chuyến đi đầu tiên của Cristoforo Colombo vào năm 1492. Điểm định cư đầu tiên của người Tây Ban Nha tại châu Mỹ là La Isabela ở miền bắc Hispaniola. Đô thị này đã bị bỏ hoang sớm sau đó khi thành lập Santo Domingo de Guzmán năm 1496, thành phố cổ nhất do người châu Âu lập nên tại châu Mỹ. Nơi này trở thành căn cứ và từ đó chế độ quân chủ Tây Ban Nha quản lý các thuộc địa và mở rộng lãnh địa của mình. Trên lục địa, thành phố Panama bên bờ biển Thái Bình Dương được hình thành vào ngày 5 tháng 8 năm 1519, đóng một vai trò quan trọng, và là cơ sở để thực dân Tây Ban Nha xâm chiếm Nam Mỹ. Theo nhà nhân chủng học R. Thornton, sự lây lan của các bệnh dịch mới do người châu Âu và châu Phi đem tới đã giết chết nhiều cư dân tại châu Mỹ, Người bản địa và thực dân châu Âu xảy ra xung đột trên diện rộng, kết quả dẫn đến điều mà David Stannard gọi là một cuộc diệt chủng dân bản địa. Những người di cư châu Âu đầu tiên là một phần của nỗ lực cấp nhà nước nhằm thành lập các thuộc địa tại châu Mỹ. Những người di cư tiếp tục di cư đến châu Mỹ nhắm trốn tránh các cuộc đàn áp tôn giáo hoặc tìm kiếm cơ hội về kinh tế. Trong khi đó, hàng triệu người đã bị buộc đưa đến châu Mỹ với thân phận nô lệ, tù nhân hay lao động giao kèo.
Nam Mỹ bị vỡ ra từ phần phía tây của siêu lục địa Gondwanaland vào khoảng 135 triệu năm trước, tạo thành một lục địa riêng. Khoảng 15 triệu năm trước, sự va chạm của mảng Caribe và Mảng Thái Bình Dương dẫn đến sự nổi lên của hàng loạt các núi lửa dọc theo ranh giới giữa chúng và tạo ra các hòn đảo. Những kẽ hở của quần đảo tại Trung Mỹ được lấp đầy từ vật liệu bị xói mòn đất của Nam Mỹ và Bắc Mỹ, cộng thêm vùng đất mới được tạo nên bởi hiện tượng núi lửa tiếp diễn. Khoảng 3 triệu năm trước, lục địa Bắc Mỹ và Nam Mỹ được nối với nhàu bằng Eo đất Panama, do đó tạo nên một vùng đất châu Mỹ duy nhất.
Ngôn ngữ chiếm ưu thế tịa Mỹ Anglo là tiếng Anh. Tiếng Pháp cũng là một ngôn ngữ chính thức của Canada, và là ngôn ngữ chiếm ưu thế tại Québec và là một ngôn ngữ chính thức tại New Brunswick cùng với tiếng Anh. Tiếng Pháp cũng là một ngôn ngữ quan trọng tại tiểu bang Louisiana, và một phần các tiểu bang New Hampshire, Maine, và Vermont của Hoa Kỳ. Tiếng Tây Ban Nha đã giữ sự hiện diện liên tục tại vùng Tây Nam Hoa Kỳ, vốn là một phần của Phó vương quốc Tân Tây Ban Nha, đặc biệt là California và New Mexico, nơi một thứ tiếng Tây Ban Nha được biến đổi từ thế kỷ XVII vẫn còn tồn tại. Tiếng Tây Ban Nha cũng phát triển mạnh tại Hoa Kỳ do dòng người nhập cư từ các nước Mỹ Latinh.
Hầu hết các ngôn ngữ phi bản địa, ở một mức độ nào đó, đã có sự biến đổi với ngôn ngữ tại quốc gia bắt nguồn, nhưng thường vẫn hiểu lẫn nhau. Tuy nhiên, có một số ngôn ngữ được kết hợp, và tại nên những thứ tiếng hoàn toàn mới, chẳng hạn như Papiamento, một sự kết hợp giữa tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hà Lan, tiếng bản địa của người Arawak, các ngôn ngữ châu Phi và tiếng Anh. Portuñol, pha trộn giữa tiếng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, được sử dụng ở khu vực biên giới giữa Brasil và các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha láng giềng.
Antimon ở dạng nguyên tố là một chất rắn kết tinh dễ nóng chảy, cứng màu trắng bạc có tính dẫn điện và dẫn nhiệt kém và bay hơi ở nhiệt độ thấp. Là một á kim, antimon tương tự như kim loại ở bề ngoài và nhiều tính chất cơ lý, nhưng không phản ứng như các kim loại về mặt hóa học. Nó cũng bị tấn công bởi các axít và các halogen theo phản ứng ôxi hóa-khử. Antimon và một số hợp kim của nó là bất thường ở chỗ chúng giãn nở ra khi nguội đi. Antimon về mặt hóa địa lý được phân loại như là ưa đồng (chalcophile), thường xuất hiện cùng lưu huỳnh và các kim loại nặng như chì, đồng và bạc.
Các hợp chất của antimon trong dạng các ôxít, sulfua, antimonat natri, triclorua antimon được dùng làm các vật liệu chống cháy, men gốm, thủy tinh, sơn, sứ. Triôxít antimon là hợp chất quan trọng nhất của antimon và sử dụng chủ yếu trong các vật liệu ngăn lửa. Các ứng dụng ngăn lửa bao gồm các thị trường như quần áo và đồ chơi trẻ em, các lớp bọc ghế ngồi trong ô tô và máy bay. Nó cũng được dùng trong công nghiệp sản xuất composit sợi thủy tinh như là phụ gia cho nhựa polyeste cho các mặt hàng như lớp che bọc động cơ máy bay hạng nhẹ. Nhựa này sẽ bắt cháy khi có lửa nhưng nõ sẽ bị dập tắt ngay khi lửa bị loại bỏ. Sulfua antimon là một trong các thành phần của diêm an toàn.
Sulfua tự nhiên của antimon, gọi là stibnit, đã được biết đến và sử dụng từ thời kỳ cổ đại như là thuốc và mỹ phẩm. Stibnit vẫn còn được sử dụng ở một vài quốc gia đang phát triển như là thuốc. Antimon đã từng được sử dụng để điều trị bệnh sán màng. Antimon tự gắn nó với các nguyên tử lưu huỳnh trong một vài loại enzym nhất định mà cả cơ thể người lẫn sinh vật ký sinh đều cần. Một lượng nhỏ có thể giết chết sinh vật ký sinh mà không gây ra các thương tổn cho bệnh nhân. Antimon và các hợp chất của nó được sử dụng trong một vài loại thuốc thú y như Anthiomalin hay thiomalat antimon liti, được dùng như là tác nhân điều hòa và làm mượt lông ở động vật nhai lại (trâu, bò). Antimon có hiệu ứng nuôi và điều hòa các mô keratin (sừng) hóa, ít nhất là ở động vật. Thuốc gây nôn Tartar là một loại thuốc có chứa antimon được dùng như là thuốc chống sán màng. Các diều trị chủ yếu có sự tham gia của antimon gọi là thuốc antimon.
Đồ tạo tác làm từ antimon có niên đại khoảng 3000 TCN được tìm thấy ở Tello, Chaldea (ngày nay thuộc Iraq), và vật làm từ đồng có bọc antimon có niên đại khoảng 2500-2200 TCN tìm thấy ở Ai Cập. Có sự không chắc chắn nhất định trong miêu tả về đồ tạo tác thu được từ Tello. Mặc dù đôi khi nó được coi là một phần của cái bình hay vò, hũ nhưng thảo luận chi tiết gần đây lại coi nó là một mảnh của vật với mục đích không xác định. Mảnh vật tạo tác này đã được trưng bày trong buổi thuyết trình năm 1892. Một bình luận thời đó cho rằng, "chúng ta chỉ biết về antimon ngày nay như là kim loại kết tinh và có độ cứng cao, rất khó có thể tạo hình thành chiếc bình hữu ích, và vì thế 'phát hiện' đáng chú ý này đại diện cho nghệ thuật đã mất về việc làm cho antimon thành dễ uốn."
Theo lịch sử truyền thống của thuật giả kim phương Tây, antimon kim loại được giả định là do giáo trưởng Basilius Valentinus miêu tả (trước Biringuccio) trong bản thảo viết tay bằng chữ Latinh, Currus Triumphalis Antimonii, có khoảng năm 1450. Bản viết tay này được công bố năm 1604 với bản dịch sang tiếng Anh là The Triumphal Chariot of Antimony của Johann Thölde (1565–1614). Sự phát hiện kỳ diệu ra toàn bộ bản viết tay của Valentinus, bao gồm cả các chuyện giả kim, được Jean-Jacques Manget miêu tả đầy đủ trong cuốn Bibliotheca chemica curiosa của ông (năm 1702): bản viết tay này được cất giấu trên 1 thế kỷ trong một cột trụ của tu viện St. Peter tại Erfurt, cho đến khi cột này bị vỡ do sét đánh. Nhiều học giả coi Basilius Valentinus như là một nhân vật huyền bí. Gottfried Wilhelm Leibniz (1646–1716) sau khi điều tra cẩn thận, đã tuyên bố rằng không có giáo trưởng Valentinus nào tồn tại trong tu viện ở Erfurt, mà tên gọi này có lẽ chỉ là bút danh – có lẽ của chính Thölde – sử dụng để pha trộn các tài liệu được phiên dịch kém với các nguồn gốc khác nhau.
Theo lịch sử truyền thống của giả kim thuật Trung Đông, antimon tinh khiết đã được Geber, người đôi khi được gọi là "Ông tổ của hóa học", biết đến từ thế kỷ VIII. Tuy nhiên vẫn còn một số mâu thuẫn đang để ngỏ. Marcellin Berthelot, người phiên dịch một số sách của Geber, thông báo rằng antimon đã chưa bao giờ được đề cập tới trong các cuốn sách đó, nhưng các tác giả khác lại cho rằng Berthelot chỉ dịch một vài cuốn ít quan trọng, trong khi những quyển đáng quan tâm hơn (một số trong chúng có thể có miêu tả về antimon) vẫn chưa được dịch và người ta hoàn toàn không biết rõ nội dung của chúng.
Người Ai Cập cổ đại gọi antimon là mśdmt; trong kiểu chữ tượng hình thì các nguyên âm là không chắc chắn, nhưng theo truyền thống Ả Rập thì từ này sẽ là mesdemet. Từ trong tiếng Hy Lạp, stimmi, có lẽ là từ vay mượn từ tiếng Ả Rập hay tiếng Ai Cập và được những nhà thơ bi kịch thành Athena sử dụng trong thế kỷ V TCN; sau này người Hy Lạp còn sử dụng từ stibi, như Celsus và Pliny, để viết bằng tiếng Latinh, trong thế kỷ I. Pliny còn đưa ra tên gọi stimi [nguyên văn], larbaris, thạch cao tuyết hoa, và "rất phổ biến" platyophthalmos, "mắt mở to" (từ hiệu ứng của mỹ phẩm). Muộn hơn, các tác giả Latinh đã làm thích ứng từ này bằng từ Latinh dưới dạng stibium. Từ Ả Rập cho chất, chứ không phải mỹ phẩm, có thể xuất hiện dưới dạng ithmid, athmoud, othmod, hay uthmod. Littré gợi ý rằng dạng thứ nhất và là sớm nhất, có nguồn gốc từ stimmida, (từ) đối cách của stimmi.
Dạng chữ Latinh thời Trung cổ và sau đó là người Hy Lạp ở Byzantin (mà từ đó có tên gọi hiện nay) gọi nguyên tố này là antimonium. Nguồn gốc của từ này không chắc chắn; tất cả mọi gợi ý đều gặp khó khăn hoặc là ở dạng viết ra hoặc là ở cách diễn giải. Từ nguyên phổ biến, từ anti-monachos hay từ tiếng Pháp antimoine, vẫn có quan hệ chặt chẽ; thì nó có nghĩa là "kẻ giết thầy tu", và được giải thích là do nhiều nhà giả kim thuật thời kỳ đầu là các thầy tu, còn antimon thì là chất độc. Vì thế từ giả thuyết trong tiếng Hy Lạp antimonos, "chống lại ai đó", được giải thích như là "không được thấy như là kim loại" hay "không được thấy ở dạng không tạo hợp kim".
Kế vị ông nội, Louis XV bị người dân căm ghét, Louis XVI rất quan tâm đến sự bất bình đang dâng cao của người dân Pháp chống lại nền quân chủ chuyên chế. Ngay từ đầu, nhà vua nỗ lực cải cách vương quốc theo các chuẩn mực của phong trào Khai sáng (chấm dứt nạn tra tấn, bãi bỏ chế độ nông nô, khoan dung đối với người Do Thái và tín hữu Kháng Cách, bỏ thuế đất đánh trên nông dân và dân thường...). Dù vậy, do không đủ quyền lực để áp đặt ý chí chính trị của mình, những cải cách của nhà vua đã sụp đổ trước thái độ thù địch của giới quý tộc. Nỗ lực hiện đại hóa vương triều nước Pháp bị thất bại.
Cách mạng Pháp hủy bỏ nền quân chủ chuyên chế và thiết lập nền quân chủ lập hiến vào năm 1791. Dù nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng trong cương vị quốc vương của nền quân chủ lập hiến, chính sự thiếu quyết đoán và quan điểm thủ cựu của Louis XVI đã khiến dân Pháp dần dà thay đổi thái độ, xem nhà vua như là biểu tượng của sự chuyên quyền của chế độ cũ (ancien régime), uy tín của nhà vua suy giảm trầm trọng. Sự kiện nhà vua cùng hoàng tộc đào thoát đến thị trấn Varennes củng cố tin đồn cho rằng nhà vua tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài nhằm đảo ngược nội tình nước Pháp. Khi lòng trung thành đối với nhà vua càng bị tổn thương nghiêm trọng thì nỗ lực lật đổ vương quyền để thiết lập một nền cộng hòa càng nhận được nhiều hậu thuẫn.
Louis quan tâm nhiều đến sự đồng nhất tôn giáo và chính sách ngoại giao. Do áp lực từ nhóm Jansen trong Nghị viện, nhà vua quyết định trục xuất Dòng Tên khỏi nước Pháp. Nhà vua cố thu phục lòng dân bằng cách phục hồi quyền lực cho các nghị viện. Không ai có thể nghi ngờ năng lực trí tuệ của Louis, nhưng rõ là nhà vua thiếu sự vững vàng và quyết đoán. Trong nhiều chiếu chỉ, nhà vua thường giải thích thiện ý của mình là chỉ nhằm mang lại ích lợi cho người dân. Khi được hỏi lý do tái triệu tập Nghị viện, Louis nói rằng, "Đây có thể là một động thái chính trị thiếu khôn ngoan, nhưng đối với ta, nó bày tỏ ước muốn được yêu thương." Quyết tâm làm một minh quân, Louis thổ lộ, "cần phải luôn hỏi ý kiến người dân; họ không bao giờ sai."
Một trong số các sự kiện quan trọng xảy ra trong thời trị vì của Louis XVI là việc ban hành Chỉ dụ Versailles, còn gọi là Chỉ dụ Khoan dung vào ngày 7 tháng 11 năm 1787, và trình Nghị viện ngày 29 tháng 1 năm 1788. Chỉ dụ này vô hiệu hóa Chỉ dụ Fontainbleau có hiệu lực kéo dài suốt 102 năm. Chỉ dụ Versaille dành cho người dân không phải Công giáo – gồm có người Kháng Cách Huguenot, Lutheran, và người Do Thái – tư cách dân sự và tư cách pháp lý tại Pháp, cho họ quyền công khai thực hành đức tin. Dù không chính thức công bố quyền tự do tôn giáo tại Pháp - phải đợi thêm hai năm nữa với Déclaration des droits de l'homme et du citoyen (Tuyên ngôn quyền con người và quyền công dân) năm 1789, quyền tự do tín ngưỡng mới được công nhận - Chỉ dụ Versailles được xem là bước tiến quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu sự xung đột tôn giáo và chấm dứt sự bách hại tôn giáo trong đất nước dưới quyền cai trị của nhà vua.
Những cải cách triệt để trong lĩnh vực tài chính do Turgot và Malesherbes tiến hành khiến giới quý tộc nổi giận, chúng bị chặn lại tại Nghị viện với lập luận nhà vua không có quyền pháp lý thiết lập các loại thuế mới. Năm 1776, Turgot bị bãi chức, Malesherbes từ chức, và bị thay thế bởi Jacques Necker. Necker ủng hộ cuộc Cách mạng Mỹ, và chủ trương vay tiền nước ngoài thay vì tăng thuế. Năm 1781, ông cố dành thiện cảm của công chúng khi cho công bố tài khoản và các khoản chi phí của hoàng gia, nhờ đó người dân Pháp biết được tài khoản của nhà vua chỉ có sự thặng dư khiêm tốn. Khi chính sách này bị thất bại thảm hại, Louis bãi chức Necker, năm 1783 bổ nhiệm Charles Alexandre de Calonne thay thế Necker, Alexandre de Calonne gia tăng chi tiêu công nhằm cứu các khoản nợ. Lại thêm một thất bại, năm 1787 Louis triệu tập Hội nghị Quý tộc để thảo luận đề án cải cách tài chính do Calonne đệ trình. Khi được nghe thông báo về quy mô của các khoản nợ, họ sửng sốt và bác bỏ đề án.
Khi nhận ra rằng mình đã đánh mất khả năng trị nước trong cương vị một quân vương chuyên chế, nhà vua bị nhấn chìm trong tuyệt vọng. Bị mất quyền lực, nhà vua lại chịu áp lực ngày càng gia tăng đòi triệu tập Hội nghị Quốc dân (États Généraux) vốn đã ngưng hoạt động từ năm 1614 lúc khởi đầu thời trị vì của Louis XIII. Như là nỗ lực cuối cùng nhằm thông qua những cải cách tiền tệ, ngày 8 tháng 8 năm 1788, Louis XVI tuyên bố triệu tập Hội nghị Quốc dân, ấn định ngày khai mạc là 1 tháng 5 năm 1789. Bằng quyết định triệu tập Hôi nghị Quốc dân, cùng những động thái khác trong suốt thời trị vì, Louis đặt thanh danh và uy tín chính trị của mình vào tay những người, không giống nhà vua, hầu như vô cảm đối với nguyện vọng của người dân Pháp.
Việc triệu tập Hội nghị là một trong những biến cố khiến tình trạng kinh tế chính trị bất ổn biến thành cuộc cách mạng, khởi đầu từ tháng 6 năm 1789 khi tầng lớp bình dân (Third Estate) trong Hội nghị đơn phương tuyên bố họ là Quốc hội. Tình hình diễn biến phức tạp hơn khi ngày 20 tháng 6, 576 trong số 577 đại biểu thuộc Third Estate tụ họp tại một sân quần vợt trong nhà cùng thề nguyện đoàn kết và đấu tranh cho đến khi hình thành một hiến pháp. Ngày 9 tháng 7, tuyên bố thành lập Quốc hội Lập hiến.